Ngày xuất bản: 27-02-2015

Giới thiệu chế độ dự đoán trong ảnh mới dựa trên quá trình dự đoán liên lớp dành cho khả năng mở rộng của chuẩn HEVC

Nguyễn Tăng Khả Duy
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, dự thảo mở rộng dành cho HEVC (gọi là SHVC) để mã hóa đa phân lớp đang có hai hướng tiếp cận đó là RefIdx và TextureRL. Trong khuôn khổ của TextureRL, nghiên cứu này sẽ trình bày một chế độ dự đoán trong ảnh mới để mã hóa các khối ở lớp mở rộng của SHVC. Chế độ này đầu tiên sẽ phân giải khối đã được dự đoán bằng chế độ dự đoán trong ảnh ở lớp mở rộng và khối có cùng vị trí ở lớp cơ sở tương ứng ra thành các thành phần DC (giá trị trung bình) và AC (giá trị khác biệt); bốn thành phần này sẽ được cộng lại theo một tỷ lệ phụ thuộc vào vị trí của từng điểm ảnh và chế độ dự đoán trong ảnh ban đầu. Các hệ số tỷ lệ này được tính toán bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất dựa trên các dữ liệu huấn luyện chọn lọc. Kết quả cho thấy video thu được có BD-rate nhỏ hơn 1,0% và 0,5% so với các cấu hình so sánh chuẩn là AI-2x và AI-1.5x trong tập chương trình gốc SHM-1.0.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma lạnh trong xử lý nước: Tổng hợp tài liệu

Nguyễn Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Công nghệ plasma đã và đang được nghiên cứu để ứng dụng trong lĩnh vực xử lý nước trong những năm gần đây. Công nghệ này có nhiều ưu điểm hơn so với các công nghệ truyền thống như clorine, ozone và UV. Plasma có hiệu quả cao trong khâu diệt hoặc bất hoạt vi khuẩn và vi sinh vật. Hơn nữa, plasma còn có khả năng ôxy hóa các hợp chất hữu cơ và vô cơ tồn tại trong nước. Bài báo này sẽ trình bày phương pháp tạo plasma lạnh từ phóng điện màn chắn trong không khí và các kết quả của việc xử lý nước bằng phương pháp này. Ngoài ra, bài báo cũng tóm tắt các phương pháp xử lý nước truyền thống và đề ra hướng nghiên cứu về plasma lạnh để xử lý nước trong điều kiện Việt Nam.

Nghiên cứu thành lập mô hình số độ cao (DEM) từ dữ liệu ảnh radar giao thoa sử dụng phần mềm mã nguồn mở NEST và SNAPHU

Nguyễn Bá Duy
Tóm tắt | PDF
Bài báo giới thiệu khả năng ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (phần mềm hoàn toàn miễn phí) NEST và SNAPHU trong thành lập DEM từ dữ liệu ảnh radar giao thoa ERS1/2. Kết quả xử lý cho thấy, hai phần mềm mã nguồn mở NEST và SNAPHU cung cấp đầy đủ các chức năng để xử lý cặp ảnh radar giao thoa, sản phẩm DEM được thành lập với độ chính xác đạt yêu cầu. Mặc dù vậy, chúng cũng có những hạn chế nhất định về tốc độ xử lý (phần mềm NEST), giao diện và hệ điều hành (phần mềm SNAPHU).

Phát triển thuật toán xử lý ảnh để phát hiện và ước lượng khoảng cách từ hệ camera đến tâm quả cà chua chín trên cây

Trương Quốc Bảo, Nguyễn Minh Luân, Quách Tuấn Văn
Tóm tắt | PDF
Một kỹ thuật hiệu quả để định vị trái trên cây và ước lượng khoảng cách từ hệ thống camera đến tâm của trái là yêu cầu chính cho robot thu hoạch trái cây. Nghiên cứu này đề xuất một giải thuật xử lý ảnh mới để nhận dạng và định vị quả cà chua chín trên cây đồng thời ước lượng khoảng cách từ hệ camera đến tâm của trái. Thuật toán bao gồm các bước chính: phân đoạn ảnh, gán nhãn, lọc kích thước, xác định đường biên cho các vùng ứng viên là quả cà chua chín, rút trích các đặc trưng hình dáng để định vị quả cà chua chín trên cây và cuối cùng là ước lượng khoảng cách sử dụng hệ 2 camera. Thực nghiệm được tiến hành trên tập dữ liệu 100 ảnh thực nghiệm với 244 quả cà chua chín cần nhận dạng. Độ chính xác của phương pháp được đề nghị là 96.7% đối với phương pháp nhận dạng dựa trên mặt phẳng kết tủa màu r-g và 88.9% đối với phương pháp phân tích màu sắc.

Khảo sát một số kỹ thuật định vị trong việc nâng cao độ chính xác của thiết bị thu GPS giá rẻ

Nguyễn Chánh Nghiệm, Nguyễn Chí Ngôn, Trần Nhựt Thanh
Tóm tắt | PDF
Để có thể triển khai nông nghiệp chính xác, việc xác định vị trí của máy nông nghiệp, mô hình máy bay không người lái,... là điều kiện hết sức cần thiết. Trong điều kiện hạ tầng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GNSS của Việt Nam chưa hoàn thiện, việc ứng dụng các hệ thống định vị chính xác có giá thành cao gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu này nhằm khảo sát độ chính xác của một số kỹ thuật định vị, đặc biệt là định vị động thời gian thực RTK-GPS, cho hệ thống chỉ sử dụng máy thu GPS giá rẻ. Kết quả thực nghiệm đối với hệ RTK-GPS với trạm cơ sở tự xây dựng cho thấy sai số vị trí của trạm động khoảng 0,2 m khi trạm động di chuyển theo một quỹ đạo định trước. Kết quả này cho thấy máy thu và ăng ten GPS giá rẻ có thể được ứng dụng để triển khai thử nghiệm một số ứng dụng nông nghiệp chính xác với sai số chấp nhận vào khoảng 0,2 m.

Đánh giá khả năng sử dụng rơm và lục bình trong ủ yếm khí bán liên tục - ứng dụng trên túi ủ biogas polyethylene với quy mô nông hộ

Trần Sỹ Nam, Huỳnh Văn Thảo, Huỳnh Công Khánh, Kjeld Ingvorsen, Lê Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Chiếm, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện với năm túi ủ polyethylene (PE) bao gồm 100% phân heo (100%PH); 100% lục bình (100%LB); 100% rơm (100%RO), 50%LB+50%PH; 50%RO+50%PH với thể tích ủ yếm khí là 4,24 m3, theo dõi trong 60 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy túi ủ nạp 100%RO và 100%LB có thời gian vận hành thấp (lần lượt là 23 và 27 ngày) so với có phối trộn 50%RO+50%PH, 50%LB+50%PH và túi nạp 100%PH (60 ngày). Về tổng lượng khí tích dồn trong 60 ngày, nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt lớn giữa tổng thể tích khí biogas sinh ra giữa các túi 50%LB+50%PH; 50%RO+50%PH và 100%PH (với giá trị lần lượt là 55,3; 56,0 và 59,8 m3), nhưng cao hơn so với 100%LB và 100%RO (lần lượt là 19,0 và 21,0 m3).Các túi ủ sử dụng hoàn toàn rơm và lục bình gặp các trở ngại là thời gian sử dụng ngắn, sự tích tụ tổng các axit béo bay hơi (TVFAs),pH giảm,rơm và lục bình dễ bị nổi trong mẻ ủ. Nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng nguồn nguyên liệu rơm hoặc lục bình để nạp vào các túi ủ ở mức thay thế 50% (theo VS) trong giai đoạn thiếu nguồn chất thải. Sự giảm pH, tích lũy TVFAs,rơm và lục bình nổi trong túi ủ là các yếu tố cần được theo dõi trong các nghiên cứu ứng dụng rơm và lục bình để sản xuất khí sinh học.

Phân lập và tuyển chọn một số dòng nấm bản địa phân hủy một số vật liệu hữu cơ từ nền đất thâm canh lúa tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Võ Thị Ngọc Cẩm, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Tố Quyên, Dương Minh Viễn, Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Khởi Nghĩa, Đỗ Hoàng Sang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân lập và tuyển chọn một số dòng nấm bản địa từ nền đất thâm canh lúa tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp phân hủy nhanh vật liệu hữu cơ từ nông nghiệp. Mẫu đất thu từ nền đất canh tác lúa trên 30 năm. Môi trường Bushnell Haas Medium (BHM) bổ sung carboxymethyl cellulose (CMC)/lignin như là nguồn carbon duy nhất được sử dụng để phân lập và tách ròng nấm. Dòng nấm Trichoderma sp. (sản phẩm của Đại học Cần Thơ) được chọn như là đối chứng dương. Kết quả cho thấy tổng cộng 17 dòng nấm có tiềm năng phân hủy vật liệu hữu cơ từ nền đất lúa được phân lập. Kết quả phân hủy sáu vật liệu hữu cơ trong điều kiện tiệt trùng cho thấy dòng nấm PH-C5 phân hủy cao hơn so với các dòng khác với vật liệu rơm (47,6%) và bã cà phê (48,1%). Tương tự, dòng nấm PH-L3 cũng phân hủy cao hơn các dòng khác với vật liệu xác mía và mụn dừa, lần lượt 46,9% và 37,2% trọng lượng khô sau 30 ngày thí nghiệm. Trong khi đó, dòng nấm PH-L4 và PH-L6 có phần trăm phân hủy lần lượt 32,9% (mùn cưa) và 50,9% (vỏ trấu) và cao hơn so với các dòng khác. Khả năng phân hủy vật liệu hữu cơ từ nông nghiệp của bốn dòng nấm này cao hơn so với Trichoderma sp. cả hai điều kiện tiệt trùng và không tiệt trùng. Kết quả giải mã trình tự đoạn gene ITS và định danh cho thấy chúng có thứ tự tên loài: Aspergillus fumigatus (PH-C5), Penicillium janthinellum (PH-L3), Aspergillus fumigatus (PH-L4) và Rhizomucor variabilis (PH-L6).

Mô hình khái niệm để đánh giá khả năng tiếp cận khu vực ương tự nhiên của các loài tôm sử dụng công nghệ GIS và viễn thám

Trương Ngọc Phương
Tóm tắt | PDF
Rừng ngập mặn ven biển là môi trường ương tự nhiên rất tốt cho nhiều loài tôm biển. Những khu vực ương tự nhiên này đã góp phần nâng cao sản lượng cho nguồn tôm giống tự nhiên và từ đó góp phần tăng sản lượng của ngành công nghiệp nuôi tôm. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là đánh giá khả năng tiếp cận các khu vực rừng ngập mặn ven biển của các loài tôm. Từ kết quả lược khảo tài liệu, các yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận rừng ngập mặn của các loài tôm được xác định là các yếu tố thủy văn và các yếu tố địa lý. Mô hình đánh giá được phát triển ở hai mức độ khác nhau về ranh giới khu vực, tỷ lệ không gian-thời gian và các yếu tố ảnh hưởng. Từ đó, mô hình toán được xây dựng kết hợp với các chức năng phân tích địa lý của GIS, ảnh viễn thám và sử dụng giá trị mật độ các loài tôm làm thông số đánh giá. Kết quả nghiên cứu ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Việt Nam cho thấy mô hình được phát triển là phù hợp. Đề xuất cho những nghiên cứu tiếp theo là thực hiện việc hiệu chỉnh và kiểm định mô hình. Phát triển mô hình ra tỷ lệ không gian lớn hơn và thời gian nghiên cứu dài hơn cũng được đề xuất.

Ứng dụng mô hình toán một chiều mô phỏng động thái dòng chảy và chất lượng nước trong vùng đê bao khép kín ở thị trấn Mỹ Luông, tỉnh An Giang

Phạm Lê Mỹ Duyên, Phạm Văn Toàn, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Thị trấn Mỹ Luông thuộc tỉnh An Giang, nằm ở phần thượng nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long và thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ hàng năm từ sông Mekong. Hệ thống đê bao khép kín và cống nội đồng được xây dựng để bảo vệ lúa vụ ba tránh lũ hàng năm. Tuy nhiên, những biện pháp trên cũng mang lại những tác động tiêu cực: (i) suy thoái đất do thiếu bùn cát lắng đọng từ lũ và sự tích lũy của các hợp chất hóa học; và (ii) thay đổi chế độ dòng chảy của hệ thống kênh rạch. Mô hình toán thủy lực một chiều (1D) (HEC-RAS) đã được áp dụng để đánh giá động thái dòng chảy trong khu vực đê bao khép kín. Sau khi hiệu chỉnh và kiểm định mô hình thủy lực, hệ số Manning’s n = 0,035 được chọn cho toàn hệ thống kênh trong khu vực với kết quả phù hợp giữa mực nước mô phỏng và thực đo. Mô hình mô phỏng chất lượng nước cũng được xây dựng với hệ số khuếch tán D = 0,0004 – 0,003 m2/s (mùa khô) và D= 0,0004 – 0,005 m2/s (mùa lũ) với giá trị thay đổi phụ thuộc vào vận tốc dòng chảy của từng kênh. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng môi trường cấp vùng dưới tác động của hệ thống công trình thủy lợi.

Một dạng tổng quát của nguyên lý biến phân trơn Borwein-Preiss cho ánh xạ đa trị

Đinh Ngọc Quý, Lê Vĩnh Hòa, Nguyễn Duy Cường
Tóm tắt | PDF
Chúng tôi đưa ra một dạng tổng quát của nguyên lý biến phân trơn Borwein-Priess cho ánh xạ đa trị, thay thế hàm khoảng cách và chuẩn bởi hàm cỡ “gauge-type” nửa liên tục dưới. Nghiên cứu ánh xạ đa trị, chúng tôi quan tâm đến dạng nghiệm cực tiểu mới, khác so với dạng nghiệm Pareto thường nghiên cứu.

Tối ưu hóa quy trình tổng hợp biodiesel từ dầu Jatropha curcas L. bằng phương pháp bề mặt đáp ứng

Nguyễn Văn Đạt, Phạm Cảnh Em, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Trần Quang Thanh, Đặng Gia Huy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này hướng đến tổng hợp biodiesel từ một loại dầu không ăn được là dầu Jatropha (JO). Để đạt được mục tiêu này, một quá trình hai giai đoạn gồm ester hóa xúc tác acid và tiếp theo là transester hóa với methanol xúc tác KOH đã được sử dụng để tổng hợp biodiesel từ dầu Jatropha (JME) (AV = 49 mg KOH/g). Điều kiện tối ưu của phản ứng đạt được bằng cách sử dụng phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM) kết hợp với mô hình tâm phức hợp (CCD). Kết quả cho thấy quá trình transester hóa đạt được hiệu suất tối ưu là 83.71% tương ứng với các điều kiện sau: hàm lượng methanol và chất xúc tác lần lượt là 20.2% và 0.64% so với khối lượng dầu và thời gian phản ứng là 40.8 phút.

Tổng hợp dẫn xuất 8-hydroxyquinoline-6-carboxamide

Bùi Thị Bửu Huê, Dương Thị Tiếm, Huỳnh Tiến Sĩ
Tóm tắt | PDF
Cấu trúc khung 8-hydroxyquinoline-6-carboxylate đã được tổng hợp thành công qua hai bước: phản ứng ngưng tụ Stobbe kết hợp với phản ứng ghép vòng từ tác chất ban đầu là 3-pyridinecarbaldehyde. Đây là công bố đầu tiên liên quan đến ứng dụng phản ứng ngưng tụ Stobbe cho một aldehyde dị vòng thơm. Khung 8-hydroxyquinoline-6-carboxylate tiếp tục được dẫn xuất hóa bằng cách thủy phân nhóm carboxyl ester thành acid carboxylic. Tiếp theo, nhóm carboxylic acid được hoạt hóa bằng cách chuyển thành dẫn xuất acid chloride trước khi cho phản ứng với amine để tạo dẫn xuất carboxamide tương ứng. Kết quả là hai dẫn xuất 8-hydroxyquinoline-6-carboxamide đã được tổng hợp thành công từ hai amine tương ứng là benzylamine và 3-morpholinopropylamine. Cấu trúc của các hợp chất tổng hợp được được xác nhận dựa trên các phương pháp phổ nghiệm bao gồm MS, 1H-NMR và 13C-NMR.

Chiết xuất stevioside từ cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni)

Tôn Nữ Liên Hương, Nguyễn Duy Thanh, Võ Hoàng Duy, Dương Mộng Hòa, Đỗ Duy Phúc
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày qui trình chiết xuất stevioside từ cây Cỏ ngọt (Stevia rebaudiana Bertoni) trồng tại thành phố Đà Lạt. Nghiên cứu tập trung trên hai phương pháp tinh chế sản phẩm: sắc ký cột pha thường silica gel 60 và phương pháp lọc với chất hấp thụ celite. Cấu trúc hóa học và định danh hợp chất được xác định căn cứ vào dữ liệu phổ NMR.

Đặc điểm hình thái và giải phẫu mô các giống Cacao chủ lực miền Nam Việt Nam

Lâm Thị Việt Hà, Koen Dewettinck, Kathy Messens, Hà Thanh Toàn, Phùng Thị Hằng, Trần Nhân Dũng
Tóm tắt | PDF
Với mục tiêu lập cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn từ hình thái giải phẫu (cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản) đến cấu trúc gen của 20 dòng Cacao (Theobroma cacao L.) nổi trội được chọn lựa và đang được trồng phổ biến tại miền Nam Việt Nam. Các dòng thí nghiệm trong nghiên cứu này đã được mô tả lại chi tiết hơn, kế thừa và sử dụng các kết quả của các tác giả trước để so sánh, bổ sung. Kết quả phân biệt được 2 nhóm lai: nhóm lai mang tính trạng Forastero và nhóm lai mang đặc tính Criollo. Nhóm mang tính trạng Forastero: TD 5, TD 6, TD 7, TD 9, TD 11, TD 13, CT 5, CT 6, CT 21 với trái dạng Amelonado, vỏ màu vàng hoặc vàng cam khi chín. Nhóm lai mang dạng hình Criollo: CT 7, CT 8, CT 9, TD 1, TD 2, TD 8, TD 12, TD 14 với trái dạng Cundeamor hoặc Agoleta; và trái màu đỏ vàng hoặc đỏ cam khi chín (TD 3, TD 6, TD 10). Cấu tạo giải phẫu hoa, cấu trúc mô lá và thân non tương tự nhau giữa 20 dòng khảo sát. Kết quả này là bước đầu cho nghiên cứu về sinh học phân tử các dòng Cacao Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa tích cực cho chương trình lai tạo giống Cacao, bảo tồn và thu thập giống trong tương lai.

Tổng hợp zeolite 4A kích thước micro từ kaolin

Đoàn Văn Hồng Thiện, Phạm Văn Đông, Le Van Xeo
Tóm tắt | PDF
Zeolite 4A là sản phẩm bột màu trắng, được tổng hợp bằng phản ứng thủy nhiệt kaolin hoạt hóa (metakaolin), sản phẩm chuyển hóa của kaolin thương mại, một loại khoáng có giá rẻ, có bổ sung sodium aluminate. Việc sử dụng kaolin miền Nam Việt Nam như là một nguyên liệu giá rẻ để tổng hợp Zeolite 4A thay thế cho sodium tripoly phosphate trong sản xuất bột giặt được thực hiện bằng cách xử lý thủy nhiệt metakaolin với dung dịch kiềm natri hydroxide (NaOH). Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của thời gian già hóa, lượng mầm zeolite lên hình dạng và hiệu suất sản phẩm đã được nghiên cứu. Hình dạng, kích thước của zeolite 4A được xác định bằng ảnh hiển vi điện tử quét (SEM). Cấu trúc tinh thể zeolite 4A được xác định bằng phương pháp nhiễu xạ tia X (XRD). Kết quả cho thấy chúng có hình khối lập phương với những tính chất đặc trưng của zeolite 4A.

Khảo sát tình hình nhiễm bệnh cầu trùng và chỉ tiêu sinh lý máu trên đàn gà ở quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ

Nguyễn Phúc Khánh, Trần Ngọc Bích, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Khảo sát tình hình nhiễm cầu trùng và chỉ tiêu sinh lý máu trên đàn gà ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ được tiến hành để xác định tình hình nhiễm bệnh cầu trùng và so sánh chỉ tiêu sinh lý máu ở gà nhiễm bệnh và gà không nhiễm bệnh. Qua kiểm tra 166 mẫu phân bằng phương pháp phù nổi của Willis và 20 mẫu máu, kết quả kiểm tra được ghi nhận như sau: gà nhiễm bệnh cầu trùng với tỷ lệ là 36,74%, trong đó gà từ 1-2 tháng tuổi (40,3%) và gà lớn hơn 2 tháng tuổi (42,5%) nhiễm với tỷ lệ cao gấp hơn 1,5 lần so với gà dưới 1 tháng tuổi (26,0%). Gà nhiễm cầu trùng với cường độ tăng dần theo nhóm tuổi, gà lớn hơn 2 tháng tuổi nhiễm với cả 4 cường độ. Gà bệnh thể hiện triệu chứng như: ủ rũ, ít vận động, tiêu chảy phân có màng nhầy, có bọt, phân có máu; và bệnh tích ruột non và manh tràng xuất huyết, manh tràng căng phồng lên, thành ruột mỏng, phồng to. Đối với chỉ tiêu sinh lý máu, số lượng hồng cầu, huyết sắc tố và Hematocrit ở gà bệnh cầu trùng thấp hơn so với gà không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, số lượng bạch cầu ở gà bệnh cao hơn so với gà không bệnh (p

Phân lập và xác định đặc tính vi khuẩn nội sinh trong rễ cây khoai lang (Ipomoea batatas) trồng trên đất phèn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Cao Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Mộng Huyền
Tóm tắt | PDF
Ba mươi sáu dòng vi khuẩn được phân lập trên môi trường LGI từ các mẫu rễ cây khoai lang trồng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tất cả các dòng vi khuẩn này đều có dạng hình que và có khả năng chuyển động. Thực hiện các phép thử sinh hóa đã xác định được các dòng KL9, KL11, KL39a, KL39b là các vi khuẩn nội sinh có đủ 3 đặc tính tốt là cố định đạm, hòa tan lân khó tan, tổng hợp IAA; Ba dòng KL9, KL39a, KL39b còn có khả năng sản xuất siderofores. Khi giải trình tự đoạn gen 16S-DNA của 4 dòng vi khuẩn này, nhận diện được dòng KL9 có tỉ lệ đồng hình của đoạn gen 16S-DNA với loài Burkholderia sprentiae và Burkholderia vietnamiensis là 99%; tỉ lệ đồng hình đoạn gen 16S-DNA của dòng KL39a với loài Burkholderia ambifaria và Burkholderia vietnamiensis là 99%; tỉ lệ đồng hình đoạn gen 16S-rDNA của dòng KL39b với loài Enterobacter ludwigii và Enterobacter cloacae là 99%; tỉ lệ đồng hình đoạn gen 16S-DNA của dòng KL11 với loài loài Klebsiella pneumoniae là 99%. Bốn dòng vi khuẩn có các đặc tính tốt này được đề nghị đưa vào sản xuất phân vi sinh cho cây khoai lang trồng trên đất phèn vùng Hòn Đất.

Tối ưu hóa quá trình trích ly polysaccharide và tannin trong nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum)

Phạm Bảo Trương, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ (70¸130oC) và thời gian trích ly (15¸90 phút) đến hàm lượng polysaccharide và tannin trong nấm linh chi đỏ. Tối ưu hóa quy trình trích ly được thực hiện dựa trên bố trí thí nghiệm về thời gian và nhiệt độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiệt độ 130oC và thời gian trích ly 30 phút cho hàm lượng polysaccharide trong nước linh chi cao nhất (684,1 ± 14,5 mg/l). Trong khi đó, hàm lượng tannin cao nhất (630,9 ±18,2 mg/l) đạt được khi thực hiện quá trình trích ở nhiệt độ 120oC và thời gian 45 phút. Mô hình bề mặt đáp ứng diễn tả ảnh hưởng của kết hợp nhiệt độ và thời gian trích ly đến hàm lượng polysaccharide (hoặc tannin) được xác định.

Nghiên cứu sử dụng vi khuẩn probiotic Lactobacillus plantarum trong chế biến sữa chua

Đoàn Anh Dũng, Nguyễn Công Hà, Lý Nguyễn Bình, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Với mục đích nghiên cứu sử dụng vi khuẩn probiotic Lactobacillus plantarum (DC2) trong chế biến sữa chua, đề tài đã tiến hành các khảo sát: ảnh hưởng thời gian ủ tăng sinh trong dung dịch MRS broth đến mật số vi khuẩn Lactobacillus plantarum (DC2); ảnh hưởng của mật số vi khuẩn Lactobacillus plantarum (DC2) đến thời gian lên men và chất lượng của sữa chua; sự kết hợp tỷ lệ khối lượng giống vi khuẩn Lactobacillus plantarum bổ sung (2, 4, 6 và 8%) và giống lactic thương mại (Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus) 0,06 (g/kg) tương ứng với mật số 8,5.106 (cfu/g) đến quá trình lên men và chất lượng sản phẩm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: thời gian tăng sinh thích hợp cho vi khuẩn Lactobacillus plantarum (DC2) là 24 giờ cho mật số  (3,6.109 cfu/mL). Vi khuẩn Lactobacillus plantarum (DC2) được sử dụng lên men ở mật số 6.108(cfu/g) cho chất lượng sản phẩm tốt. Để nâng cao chất lượng, sản phẩm cần bổ sung sữa chua cái được lên men từ giống vi khuẩn Lactobacillus plantarum với tỉ lệ 6%.

Khảo sát khả năng kích kháng bệnh cháy lá lúa do nấm Pyricularia grisea (Cooke) Sacc. của dịch trích thực vật trên khía cạnh sinh học và mô học

Trần Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lùng, Hans Jorgen Lyngs Jorgensen
Tóm tắt | PDF
Khảo sát khả năng kích thích tính kháng (gọi tắt là kích kháng) của ba loại dịch trích thực vật (tươi hoặc héo) bao gồm cỏ hôi (Eupatorium odoratum), sống đời (Kalanchoe pinnata) và cỏ cứt heo (Ageratum conyzoides) chống lại bệnh cháy lá lúa do nấm Pyricularia grisea  được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới tại Trường Đại học Cần Thơ nhằm đánh giá khả năng kích kháng của ba loại dịch trích thực vật dựa trên sự giảm bệnh, ức chế sự hình thành bào tử, phản ứng của tế bào và sự tích tụ polyphenol. Hạt giống lúa Jasmine 85 được ngâm với một trong 3 loại dịch trích thực vật ở nồng độ 4% trong 24 giờ trước khi ủ và phun khi lúa được 15 ngày sau khi gieo (NSG). Lây bệnh ở thời điểm lúa 20 NSG với mật số 5x104 bào tử/ml. Đánh giá bệnh dựa vào thang đánh giá của Pinnschnidt et al. (1993). Kết quả cho thấy, công thức ngâm hạt và phun dịch trích lá sống đời tươi hoặc héo; lá cỏ hôi héo hoặc lá cỏ cứt heo tươi có khả năng giúp giảm bệnh cháy lá và ức chế sự hình thành bào tử. Bên cạnh đó, nghiệm thức lá sống đời tươi hoặc héo còn giúp cho phản ứng kháng bệnh của cây xuất hiện nhanh và nhiều hơn các nghiệm thức còn lại.

Ảnh hưởng của việc cắt bỏ lá sau trổ đến sự sinh trưởng và phát triển của giống đậu nành MTĐ517-8 (Glycine max)

Lê Vĩnh Thúc, Mai Vũ Duy, Lê Việt Dũng, Nguyễn Lộc Hiền, Nguyễn Phước Đằng
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng thiệt hại lá từ khi bắt đầu ra hoa của đậu nành giống MTĐ517-8 được thực hiện để xác định ngưỡng thiệt hại kinh tế đề nghị sử dụng thuốc trừ sâu. Thí nghiệm trồng trong chậu được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, 6 lần lặp lại (3 cây/chậu). Bốn nghiệm thức của thí nghiệm là không cắt lá (đối chứng), cắt 25, 50 và 75% diện tích lá khi cây ở giai đoạn bắt đầu ra hoa. Kết quả thí nghiệm cho thấy ở mức thiệt hại lá 25% ở giai đoạn bắt đầu trổ hoa không ảnh hưởng lên chiều cao cây, số nhánh, năng suất hạt, khối lượng 100 hạt và chỉ số thu hoạch. Với kết quả thí nghiệm này thiệt hại lá sau trổ hoa ở mức 25% diện tích lá thì có thể không cần sử dụng thuốc trừ sâu.

Thành phần sâu hại và thiên địch trong mô hình trồng bổ sung hoa với cây khổ qua (Momordica charantia L.)

Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Lê Thị BíCh Liên
Tóm tắt | PDF
Duy trì nguồn thiên địch trên đồng ruộng nhằm kiểm soát sâu hại là một trong những mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Thí nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả trồng bổ sung hoa sao nhái và hoa ngũ sắc vào ruộng khổ qua nhằm thu hút và tạo nguồn dinh dưỡng cho các loài thiên địch. Qua bảng kết quả thống kê tổng mật số sâu hại có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nghiệm thức trong thí nghiệm (Pnt = 0,00). Lần khảo sát đầu tiên số lượng sâu hại trên nghiệm thức X3 (có bố trí hoa sao nhái và hoa ngũ sắc bên cạnh), X1 (bố trí hoa ngũ sắc bên cạnh) và X2 (bố trí hoa sao nhái bên cạnh) thấp hơn, khác biệt có ý nghĩa so với số lượng sâu hại trên nghiệm thức X0 (không bố trí hoa bên cạnh). Lần khảo sát thứ hai, nghiệm thức X2, X3 cho mật độ sâu hại ít nhất, nghiệm thức X1 xuất hiện với mật số tương đối cao và ở nghiệm thức X0 cho mật số cao nhất. Số lượng thiên địch trên nghiệm thức X2 và X3 cao hơn, khác biệt có ý nghĩa so với số lượng thiên địch trên nghiệm thức X0 (Pnt = 0,00). Các nghiệm thức trồng bổ sung hoa đã thu hút và duy trì một số loài thiên địch trên ruộng khổ qua như bọ rùa, nhện bắt mồi và ong ký sinh. Ý nghĩa của việc trồng bổ sung hoa để duy trì thiên địch trong hệ thống rau sinh thái được thảo luận trong nghiên cứu này.

Ảnh hưởng của liều lượng phân N-P-K-Mg đến năng suất và phẩm chất trái mít Ba Láng hạt lép (Artocarpus heterophyllus Lam.) tại quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ

Trần Văn Hâu, Phạm Thanh Sang, Trần Thị Doãn Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định liều lượng phân N-P2O5-K2O-MgO có hiệu quả lên năng suất và phẩm chất trái mít Ba Láng hạt lép tại Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với năm nghiệm thức (NT) (Bón 1, 2, 3 và 4 kg/cây/năm phân N-P2O5-K2O-MgO với tỉ lệ 4-2-4-1 và đối chứng không bón phân), năm lần lặp lại mỗi lần lặp lại là một cây. Phân được chia thành bốn lần bón: Sau khi thu hoạch, trước khi ra hoa, 30 ngày sau khi đậu trái, 60 ngày sau khi đậu trái. Kết quả cho thấy Bón phân N-P-K-Mg theo tỉ lệ 4-2-4-1 với liều lượng khác nhau có ảnh hưởng đến thời gian ra hoa, số hoa cái/cây, năng suất và các thành phần năng suất của trái mít Ba Láng hạt lép, số hạt chắc và phẩm chất múi mít. Bón với liều lượng 3 kg/cây/năm đạt năng suất cao, phẩm chất múi và xơ mít tốt (oBrix cao, TA và hàm lượng nước thấp, số lượng và tỉ lệ hạt chắc/trái thấp.

Chọn giống lúa ngắn ngày, kháng rầy nâu cho Đồng bằng sông Cửu Long năm 2008-2013

Lê Xuân Thái
Tóm tắt | PDF
Lúa nhiễm bệnh vàng lùn do rầy nâu truyền cho năng suất, sản lượng thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc sử dụng giống lúa chống chịu rầy nâu giữ vai trò then chốt trong gói giải pháp canh tác tổng hợp. Nghiên cứu chọn lọc giống lúa chống chịu rầy nâu, bệnh vàng lùn được thực hiện từ năm 2008-2013 nhằm tìm ra các giống lúa kháng rầy, ít nhiễm bệnh cho năng suất cao và thích nghi tốt trong sản xuất. 342 giống lúa đã được đánh giá khả năng chống chịu với rầy nâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tăng cấp nhiễm rầy từ 0,5 - 1 cấp ở các giống lúa sau 2 - 3 vụ trồng. Bệnh vàng lùn có tương quan thuận với tính chống chịu rầy nâu của các giống lúa trồng phổ biến. Các giống lúa mang gen kháng rầy thể hiện tính chống chịu tốt trong sản xuất. Các giống MTL512, MTL645, HĐ1 và OM10043 trong bộ giống mang gen kháng rầy thể hiện thích nghi tốt, có năng suất cao. Các giống lúa MTL500, MTL645, OM4900, OM6162 trong bộ giống triển vọng chống chịu khá tốt với rầy nâu, bệnh vàng lùn, thích nghi tốt, và có năng suất cao.

Hiệu quả kinh tế của đa dạng hóa sản xuất và sử dụng tài nguyên nông hộ tại vùng nước trời: Trường hợp xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Ngọc Sơn, Đinh Thị Thu Bình
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu “Hiệu quả kinh tế của đa dạng hóa sản xuất và sử dụng tài nguyên nông hộ tại vùng nước trời: trường hợp xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng” là: (1) Xác định hiện trạng đa dạng các mô hình sản xuất; (2) Phân tích ảnh hưởng của đa dạng hóa sản xuất đến hiệu quả sử dụng lao động ở cấp độ nông hộ; Phân hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác; (3) Kiến nghị các giải pháp thích nghi để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nông hộ. Kết quả là mô hình lúa-màu-chăn nuôi (bò sữa) chiếm tỷ lệ hơn 40% tổng số hộ điều tra. Về sử dụng tài nguyên đất có khoảng 80% diện tích đất cho sản xuất lúa, 11% rau màu và 9% chăn nuôi bò và trồng cỏ. Tổng diện tích đất của mô hình độc canh thấp nhất, trung bình là 0,5 ha/hộ. Tổng số lao động trung bình/hộ là 3 lao động. Sử dụng lao động gia đình của các mô hình chiếm hơn 71% tổng lao động sản xuất/năm. Hiệu quả về lợi nhuận (NI), hiệu quả đầu tư (BCR), hiệu quả lao động (BCL), hiệu quả vật tư (BCI) của mô hình đa dạng sản xuất cao hơn các mô hình chuyên canh/độc canh lúa hoặc màu. Lợi nhuận từ chăn nuôi bò sữa đóng góp hơn 30% vào tổng lợi nhuận của nông hộ/năm.

Ảnh hưởng của các dòng vi khuẩn Bacillus đến sinh trưởng, tỷ lệ sống và các yếu tố môi trường trong bể nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaues vannamei)

Huỳnh Hữu Điền, Trương Quốc Phú, Phạm Thị Tuyết Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của các dòng vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens (B41), Bacillus subtilis (B67) lên sinh trưởng, tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (Litopenaues vannamei) và chất lượng nước trong các bể nuôi. Thí nghiệm gồm 3 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần là: 1) Không bổ sung vi khuẩn (ĐC); 2) Bổ sung vi khuẩn Bacillus subtilis (B67); 3) Bổ sung vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens (B41). Tôm thẻ chân trắng với khối lượng và chiều dài khi bố trí là 1,01 g và 4,88 cm được nuôi trong bể nhựa có thể tích 120 L với mật độ 50 con/bể. Sau 60 ngày nuôi, tỷ lệ sống ở nghiệm thức bổ sung vi khuẩn B41 đạt cao nhất (57,3%) và khác biệt có ý nghĩa (p0,05) với B67 (55,3%). Khối lượng và chiều dài trung bình của tôm ở nghiệm thức B41 (6,88 g và 9,8 cm) cao hơn (p0,05) với B67 (6,56 g và 10,56 cm). Chất lượng nước ở các nghiệm thức vượt mức cho phép nhưng ở nghiệm thức có bổ sung Bacillus thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa (p4CFU/mL; 8,0×105 CFU/mL) nhưng thấp nhất ở đối chứng (4,8×103 CFU/mL; 4,8×105 CFU/mL). Mật độ Vibrio ở các nghiệm thức bổ sung vi khuẩn Bacillus thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa (p

Đặc điểm mô bệnh học của bệnh xuất huyết trên cá bống kèo (Pseudopocryptes lanceolatus) nuôi thương phẩm

Đặng Thị Hoàng Oanh, Lê Thị Ngọc Huyền
Tóm tắt | PDF
Bệnh xuất huyết gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá kèo (Pseudapocryptes lanceolatus) thâm canh ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mẫu bệnh phẩm được thu ở một số ao nuôi cá kèo thâm canh trên địa bàn các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng với một số dấu hiệu như xuất huyết trên bề mặt cơ thể, vây, hậu môn và nắp mang, xoang nội quan chứa dịch có mùi hôi, gan xuất huyết hoặc trắng nhợt, tỳ tạng sưng to, thận teo nhỏ. Quan sát kính phết mẫu tươi mô gan, thận nhuộm Wright và Giemsa phát hiện nhiều cầu khuẩn, Gram dương. Vi khuẩn tấn công và làm vỡ màng tế bào hồng cầu. Kết quả phân tích mô bệnh học các mẫu cá bệnh cho thấy cấu trúc mô gan, mang và thận bị biến đổi kèm theo hiện tượng sung huyết và xuất huyết. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo về phòng và trị bệnh xuất huyết ở cá bống kèo.

Ảnh hưởng của glucose trong quá trình bảo quản sò huyết (Anadara granosa) giống

Ngô Thị Thu Thảo, Lê Thị Thu Anh
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện trên sò huyết giống với kích thước nhỏ (9,73 ± 0,95 mm) và lớn (15,85 ± 1,04 mm). Sò huyết được bố trí trong các rổ nhựa (12 con/rổ, 3 rổ/nghiệm thức) và phun nước biển 25‰ đơn thuần hoặc được pha glucose 50, 75 và 100 mg/L để giữ ẩm trong vòng 5 ngày. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống của sò nhỏ đạt cao nhất khi tưới nước biển + glucose 100 mg/L (91,6%) và sò lớn với nước biển + glucose 50 mg/L (36.1%). Khối lượng hao hụt của sò huyết cùng một loại kích thước trong quá trình bảo quản không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (p>0,05). Sau 21 ngày nuôi, tỷ lệ sống của sò huyết giống nhỏ đã được phun nước biển + glucose ở các hàm lượng 50, 75 và 100 mg/L (75.5 – 80.6%) cao hơn rất rõ so với phun nước biển thông thường (p

Ảnh hưởng tương tác của nhiệt độ và độ mặn lên sự tăng trưởng và hormone tăng trưởng của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giống

Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Minh Trí, Thị Thế Phước, Trần Thanh Trang, Trần Thị Kiều Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ, độ mặn và tương tác của nhiệt độ và độ mặn lên sự tăng trưởng và biểu hiện của hormone tăng trưởng của cá tra nhằm mục tiêu đánh giá và dự đoán ảnh hưởng của sự biến đổi khi hậu toàn cầu đối với nghề nuôi cá tra ở Việt Nam. Cá tra giống được thuần dưỡng theo thời gian thích hợp được bố trí ngẫu nhiên vào 9 nghiệm thức bao gồm 3 nghiệm thức nhiệt độ (25, 30, 35oC) và 3 nghiệm thức độ mặn (0, 6, 12‰). Kết quả cho thấy nhiệt độ, độ mặn và tương tác của chúng có ảnh hưởng rõ rệt lên sự tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá tra. Trong đó, ở điều kiện 35oC - 6‰, cá tra có tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng cao hơn so với đối chứng và các nghiệm thức còn lại (p0,05). Độ mặn, nhiệt độ và tương tác giữa chúng không ảnh hưởng đến mức độ biểu hiện của hormone tăng trưởng trong 56 ngày thí nghiệm (p>0,05). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiếp xúc với điều kiện thay đổi của nhiệt độ và độ mặn (ngày 0 và ngày 1), nồng độ IGF-1 của cá tra trong các nghiệm thức có độ mặn và nhiệt độ cao khác biệt so với điều kiện bình thường. Sau 4 ngày tiếp xúc, nồng độ IGF-1 trở về mức bình thường và dao động trong khoảng trung bình 11,95±4,04 ng/mL cho đến kết thúc thí nghiệm.

Tác động của Cypermethrin và nhiệt độ lên biến đổi mô gan tụy tôm sú (Penaeus monodon)

Trần Thị Tuyết Hoa, Pham Thi Thanh Phuong, Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của Cypermethrin lên tôm sú giống 45 ngày tuổi ở các nhiệt độ khác nhau được thực hiện nhằm tìm hiểu giá trị LC50-96h và những biến đổi mô bệnh học ở cơ quan gan tụy của tôm sú. Giá trị LC50-96h tại các nhiệt độ 22, 28, 32 và 36°C lần lượt là 0,564; 0,345; 0,278; 0,22µg/L. Kết quả phân tích cho thấy mức độ biến đổi mô bệnh học gan tụy của tôm sú tăng dần theo nồng độ cypermethrin và nhiệt độ thí nghiệm. Thay đổi nặng nhất ở nhiệt độ 36oC giảm dần ở nhiệt độ 28, 22oC và ít thay đổi là 32oC. Những biến đổi đặc trưng so với mẫu đối chứng như sau: tế bào máu tập trung xung quanh ống gan tụy; giảm cho đến mất một số tế bào gan tụy như tế bào B, R, F;một số tế bào biểu mô của ống gan tụy có nhân to bất thường; teo tế bào biểu mô ống gan tụy; tế bào gan tụy bị bong tróc rơi vào trong lòng ống; mất cấu trúc ống gan tụy; các tế bào gan tụy biến mất thay vào đó là sự hiện diện của tế bào máu.Bên cạnh đó, cấu trúc mô gan tụy của nghiệm thức đối chứng các nhiệt độ22,28,32,36oC vẫn bình thường qua các lần thu mẫu, có sự xuất hiện các tế bào B, F, R, và hoạt động phân bào của tế bào E.

Thiết kế chương trình và chất lượng đào tạo: những bất cập trong đào tạo ngành sư phạm theo học chế tín chỉ hiện nay

Trần Thanh Ái
Tóm tắt | PDF
Từ nhiều năm nay, nhiều nhà nghiên cứu đã liên lục phân tích tình trạng suy thoái ngày càng trầm trọng của nền giáo dục Việt Nam ở nhiều cấp đào tạo. Ngành sư phạm vừa thuộc về giáo dục đại học, vừa là nơi đào tạo ra những thầy cô giáo ở phổ thông, có vai trò đặc biệt trong sự suy thoái đó. Nếu thành công trong việc cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo của ngành sư phạm thì chúng ta sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện tình hình giáo dục ở phổ thông. Ngược lại, nếu cải tiến thất bại, chúng ta sẽ khiến tình hình giáo dục thêm trầm trọng. Thế mà việc xây dựng chương trình “tín chỉ hóa” vào năm 2007 chỉ máy móc dựa vào ngưỡng tối đa của số lượng tín chỉ (hiện nay là 120 TC, và kể từ K40 là 140 TC) chứ không dựa vào đặc điểm của các chuyên ngành của Khoa Sư phạm. Vì thế, chất lượng đào tạo của ngành sư phạm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và đã gián tiếp tác động xấu đến tình hình giáo dục ở phổ thông. Bài viết này sẽ phân tích một số khía cạnh bất ổn của chương trình đang áp dụng tại Khoa Sư phạm-Trường Đại học Cần Thơ và chương trình vừa chỉnh sửa, đồng thời cũng đề ra một số biện pháp căn cơ để khắc phục.

Phân tích thực hành giảng dạy của giáo viên qua tiết học về công thức tính khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng theo quan điểm của didactic toán

Bùi Phương Uyên
Tóm tắt | PDF
Bài báo đề cập một công cụ của lý thuyết nhân học trong didactic toán nhằm phân tích thực hành dạy học của giáo viên. Theo quan điểm này, chúng tôi đã phân tích và đánh giá quá trình dạy học các tổ chức toán học về công thức tính khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng. Kết quả cho thấy rằng các tổ chức toán học này được nghiên cứu một cách rõ ràng qua những bài tập cụ thể và các thời khoảng diễn ra tương đối đầy đủ.

Thực trạng và sự cần thiết của việc phát triển chương trình đào tạo theo hướng CDIO cho ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử Trường Đại học Tây Đô

Nguyễn Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Vào những năm 1980 và 1990, chương trình giáo dục kỹ thuật ở phần lớn các quốc gia trên thế giới chứa đựng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu cơ bản của giáo dục kỹ thuật đương đại, đó là: yêu cầu đào tạo sinh viên trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ, đồng thời cũng yêu cầu đào tạo sinh viên trở thành người đa năng hội đủ các kỹ năng. Đề xướng CDIO đáp ứng thách thức này thông qua việc đào tạo sinh viên trở thành người kỹ sư toàn diện. Trường Đại học Tây Đô là trường đại học tư thục đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Giáo dục và đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo những ngành trọng điểm của vùng theo yêu cầu chuyển dịch kinh tế và những ngành xã hội có nhu cầu trong đó có ngành Kỹ thuật Điện- Điện tử. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát cho thấy người kỹ sư Điện- Điện tử hiện tại chưa có năng lực lập luận, thiết kế kỹ thuật mới, chưa có kinh nghiệm trải nghiệm, kinh nghiệm thực tiễn trong thiết kế kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu xã hội, chưa có ý thức xã hội và thiên hướng sáng tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên hiểu rõ được tầm quan trọng của cá nhân trong thời đại nền kinh tế tri thức thì việc phát triển chương trình đào tạo theo hướng CDIO tại Trường Đại học Tây Đô được kỳ vọng sẽ cho ra trường một đội ngũ kỹ sư, cử nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Phát triển hiểu biết và kỹ năng về quan sát và suy luận của học sinh trong dạy học Vật lý

Đỗ Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Thúy Hằng
Tóm tắt | PDF
Quan sát và suy luận là hai kỹ năng cơ bản trong nghiên cứu khoa học và trong đời sống. Đặc biệt đối với môn Vật lý, môn học có liên quan rất nhiều đến thực nghiệm, thì hai kỹ năng trên rất cần thiết để xây dựng kiến thức và giải quyết các vấn đề. Tất cả giáo viên và học sinh đều có những hiểu biết và kỹ năng nhất định về quan sát và suy luận, tuy nhiên số người hiểu rõ và có kỹ năng tốt về hai vấn đề này không nhiều. Cụ thể, sinh viên Sư phạm Vật lý năm 3 và 4 còn rất nhiều những ngộ nhận hay nhầm lẫn về quan sát và suy luận, đồng thời nhiều em có kỹ năng quan sát và suy luận còn khá yếu. Trong thời đại mới, khi kiến thức là vô hạn và mọi người có khả năng tiếp cận rất nhiều tri thức nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin thì việc giáo dục cho học sinh những kỹ năng để các em biết cách tự học, tự nghiên cứu trở nên cấp thiết hơn và trong đó, quan sát và suy luận là những kỹ năng không thể thiếu trong hầu hết mọi tình huống. Bài viết này sẽ trình bày một số thực trạng, ý kiến và kinh nghiệm nhằm phát triển khả năng và kỹ năng quan sát và suy luận cho học sinh trong dạy học Vật lý, từ đó, nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự xử lý tình huống cho học sinh phổ thông.

Vai trò của người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ thế kỉ XVII – XVIII

Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt | PDF
Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là vùng đất nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc được khai phá trong các thế kỷ XVI, XVII. Với diện tích khoảng hơn 40.000 km2 và trên 17 triệu dân (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người), nơi đây được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước và có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Để có được vùng đồng bằng rộng lớn và trù phú như vậy, trước hết phải kể đến công lao đóng góp của những lưu dân người Việt, chất phác, gan góc, từ mảnh đất miền Trung xa xôi đến đây tìm đất sống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người Việt cùng với các lớp cư dân khác đã hòa nhập với nhau để tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long một sức sống mãnh liệt để tồn tại và đi lên cùng đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được bàn góp đôi điều về vai trò của những lưu dân người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất này vào các thế kỉ XVII – XVIII, nhằm trân trọng và tôn vinh những thành quả lao động mà cha ông ta đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu để có được một Tây Nam Bộ phát triển như ngày nay.

Tổ chức toán học đối với khái niệm đạo hàm: Một nghiên cứu theo cách tiếp cận didactic toán

Nguyễn Phú Lộc, Nguyễn Văn Nu
Tóm tắt | PDF
Trong trường trung học phổ thông, học sinh được học khái niệm đạo hàm ngay từ lớp 11 và đến lớp 12, các em gặp lại khái niệm này trong các chủ đề “Ứng dụng đạo hàm để khảo sát hàm số”, “Nguyên hàm”, “Tích phân”. Do vậy, khái niệm đạo hàm có vai trò khá then chốt trong toán học phổ thông. Thế thì liên quan đến khái niệm đạo hàm có các tổ chức toán học nào? Để góp phần trả lời câu hỏi vừa nêu, bài báo trình bày các tổ chức toán học có liên quan đến khái niệm đạo hàm trong sách giáo khoa toán 11, và tường thuật các kết quả thực nghiệm thu được từ Trường trung học phổ thông Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và Trường trung học phổ thông Ca Văn Thỉnh (tỉnh Bến Tre).

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động nữ nông thôn huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Công Toàn, Châu Mỹ Duyên
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động nữ nông thôn huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong thu thập và phân tích dữ liệu, tác giả đã tiếp cận phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA), phương pháp điều tra trực tiếp 120 lao động nữ thông qua bản câu hỏi cấu trúc và phương pháp phân tích hồi quy Binary Logistic. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, việc làm của lao động nữ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên công việc không ổn định. Các yếu tố như: trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân của lao động nữ, nghề nông thôn đã học, thông tin về việc làm, liên kết giữa nơi đào tạo và sử dụng lao động có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động nữ. Do vậy, lao động nữ nông thôn muốn ổn định việc làm và cải thiện thu nhập rất cần có sự thay đổi nhận thức từ bản thân người lao động về việc làm và sự hỗ trợ kịp thời về đào tạo nghề và vốn từ chính quyền địa phương.

Điểm nhìn trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh

Huỳnh Thị Lan Phương
Tóm tắt | PDF
Điểm nhìn trần thuật là một yếu tố thuộc về nghệ thuật tự sự, thể hiện vị trí quan sát, góc nhìn, tầm nhận thức để khám phá sự kiện, sự việc và con người của người kể chuyện. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về cuộc sống, con người thể hiện rõ nhất thông qua điểm nhìn trần thuật. Để hiểu một cách sâu sắc nội dung cuộc sống được tái hiện trong tác phẩm tất yếu phải bắt đầu từ việc xác định điểm nhìn trần thuật. Hồ Biểu Chánh đã tạo nên tính đa dạng về điểm nhìn trần thuật trong tự sự. Chú trọng vai trò của người kể chuyện trong trần thuật nhưng Hồ Biểu Chánh cũng đã khéo léo dịch chuyển điểm nhìn qua nhiều nhân vật trong tác phẩm. Đây là sự lựa chọn sáng suốt của Hồ Biểu Chánh. Chính biểu hiện của tính giao thời trong hình thức tự sự ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã góp phần làm nên thành công cho tác phẩm của ông.

Đánh giá của du khách đối với du lịch miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Trọng Nhân, Trần Thị Hoàng Anh
Tóm tắt | PDF
Du lịch miệt vườn là một trong các loại hình du lịch đặc trưng và có thế mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thời gian qua chưa có nhiều công trình nghiên cứu về loại hình du lịch này. Trên cơ sở phỏng vấn 160 du khách bằng bảng câu hỏi. Kết quả cho thấy, yếu tố bầu không khí trong lành, mát mẻ và phong cảnh đẹp của miệt vườn hấp dẫn mạnh đối với du khách. Truyền miệng là hình thức quảng bá du lịch miệt vườn rất quan trọng. Tham quan cảnh quan và thưởng thức đặc sản địa phương được nhiều du khách thực hiện. Miệt vườn là loại hình du lịch khá hấp dẫn và du khách cảm thấy khá hài lòng đối với chuyến đi ở điểm du lịch vườn. Có 5 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình du lịch này: “nguồn nhân lực và dịch vụ”, “giá cả dịch vụ”, “hạ tầng kỹ thuật”, “an ninh trật tự và an toàn”, “cơ sở lưu trú”.

Tổng quan tình hình nghiên cứu về các tác phẩm đi sứ Trung Quốc của Việt Nam ở nước ngoài

Nguyễn Hoàng Yến
Tóm tắt | PDF
Tác phẩm đi sứ của các sứ giả Việt Nam sang Trung Quốc là một loại hình văn bản đặc biệt, có giá trị sử liệu to lớn và quan trọng. Tại nước ngoài, từ khi Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật, tác phẩm đi sứ đầu tiên được ấn hành, đặc biệt sau khi Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành được xuất bản, các học giả nước ngoài đã chú ý hơn và lần lượt cho ra nhiều công trình nghiên cứu liên quan. Trong bài viết này, chúng tôi tiến hành thu thập, khảo sát và phân loại các nghiên cứu về tác phẩm đi sứ của Việt Nam ở nước ngoài tính đến thời điểm hiện tại. Kết quả cho thấy, đến nay đã có hơn năm mươi công trình được công bố, chủ yếu tập trung vào một số chủ đề như giá trị sử liệu của các tư liệu, quan hệ, giao lưu văn hóa Việt – Trung, hình tượng Trung Quốc qua con mắt các sứ giả Việt Nam, tư liệu đi sứ và nghiên cứu khu vực học Trung Quốc… Tuy nhiên, số lượng, chủ đề nghiên cứu như trên hoàn toàn chưa tương xứng với số lượng tác giả, tác phẩm đi sứ đã được công bố, cũng như giá trị của chúng. Thông qua bài viết, chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quát về tình hình nghiên cứu tác phẩm đi sứ tại nước ngoài, và hi vọng trong tương lai không xa sẽ có nhiều nghiên cứu hơn khai thác loại hình tác phẩm này.

Tác động của chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (1963) và chiến thắng Bình Giã (1964) đến phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Nam Việt Nam

Phạm Đức Thuận
Tóm tắt | PDF
Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là (1963) và Chiến thắng Bình Giã (1964) có vị trí lịch sử quan trọng trong tiến trình cách mạng miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn Mỹ và Chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam bằng biện pháp “xương sống” là thiết lập Ấp chiến lược. Với hai chiến thắng quan trọng này, quân dân miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đã từng bước phá vỡ hệ thống Ấp chiến lược trên toàn miền Nam, tiến lên đánh bại và góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt của địch ở miền Nam Việt Nam buộc chúng phải thay đổi chiến lược theo hướng tăng cường can thiệp quân sự và chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ.

Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của người lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

Phạm Đức Thuần, Dương Ngọc Thành
Tóm tắt | PDF
Lao động, việc làm được xem là chính sách xã hội cơ bản nhằm ổn định xã hội và phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Yêu cầu phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá và kinh tế tri thức, đây là thách thức mà Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đang phải đối mặt là lực lượng lao động chưa đáp ứng các yêu cầu về trình độ học vấn thấp, thiếu trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp như thảo luận nhóm nông hộ và phỏng vấn chuyên gia với số mẫu điều tra là 480 người lao động tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và Phong Điền.  Số liệu được phân tích bằng các công cụ thống kê mô tả, phân tích nhân tố, mô hình hồi quy logistic và hồi quy đa biến để xác định các yếu tố tác động đến khả năng tìm việc làm của người lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Ghi nhận một số kết quả chủ yếu bao gồm các yếu tố tác động đến khả năng tìm việc làm gồm môi trường làm việc phù hợp (mức lương và các khoảng cam kết), khả năng đáp ứng công việc của người lao động (trình độ học vấn, trình độ chuyên môn/kỹ năng,…), cơ hội tìm việc (thể hiện qua tính cạnh tranh trong tìm việc).

Giá cả cảm nhận: Nhân tố chính tác động đến sự hài lòng của người tiêu dùng đối với chất lượng dịch vụ siêu thị: Trường hợp nghiên cứu siêu thị Big C Cần Thơ

Võ Minh Sang
Tóm tắt | PDF
Sự hài lòng của khách hàng là vấn đề quan trọng, quyết định đến sự ổn định và gia tăng kết quả trong kinh doanh. Nghiên cứu được tiến hành ở 138 người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã từng mua sắm ở siêu thị Big C Cần Thơ, mẫu được chọn theo phương pháp hạn mức. Phương pháp phân tích dữ liệu chính được dùng trong nghiên cứu là phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA), phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả nghiên cứu sự hài lòng của người tiêu dùng khi mua sắm ở siêu thị trường hợp nghiên cứu ở Big C Cần Thơ cho thấy giá cả cảm nhận tác động đến 0,62 trong mô hình, là nhân tố chính quyết định đến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người tiêu dùng. Kết quả này góp phần cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing, chiến lược cạnh tranh đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ bán lẻ và góp phần khẳng định các nhân tố trong mô hình đo lường chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng.

Nghiên cứu và xây dựng khung năng lực cán bộ, công chức Thành phố Cần Thơ

Nguyễn Hồng Tín, Võ Thành Danh, Võ Thị Thanh Lộc, Nguyễn Quang Tuyến, Võ Kim Thoa
Tóm tắt | PDF
Xây dựng mô hình năng lực hiệu quả và khung năng lực phục vụ công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Bài viết này lược khảo những khái niệm, mô hình năng lực và tổng hợp cơ sở lý thuyết khung năng lực để xây dựng một khung năng lực chung cho công chức sở ban ngành Thành phố Cần Thơ (TPCT) đồng thời xác định trọng số của các năng lực nòng cốt ở từng vị trí công chức. Nghiên cứu đã xây dựng một khung năng lực tổng quát trên cơ sở 4 nhóm sở ban ngành chính của TPCT (nội chính, văn xã, kinh tế-ngân sách và khoa học kỹ thuật). Trong khung năng lực, có 3 vị trí tương tác nhau bao gồm lãnh đạo, trưởng phó phòng và công chức. Mỗi vị trí trong tổ chức có những yêu cầu năng lực khác nhau, chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau với trọng số khác nhau. Vị trí lãnh đạo, năng lực nòng cốt quan trọng nhất là tổ chức lãnh đạo (trọng số 0.456), vị trí trưởng phó phòng là kỹ năng (trọng số 0.483) và vị trí công chức là kiến thức (trọng số 0.468). Ngoài ra, trọng số của năng lực nòng cốt tùy thuộc vào ngành và lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Khung năng lực được xây dựng trong nghiên cứu này là một tham chiếu hữu ích có tính ứng dụng rất cao trong việc đánh giá năng lực công chức, định hướng, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho TPCT.

Khảo sát mức độ hài lòng của du khách nội địa tại một số điểm du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phan Thị Dang
Tóm tắt | PDF
Du lịch sinh thái (DLST) là một trong những loại hình du lịch phát triển nhanh nhất bởi sự quan tâm đến các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng phát triển DLST đặc biệt là ở những nơi có hệ sinh thái tự nhiên còn hoang sơ như vườn quốc gia (VQG), khu bảo vệ cảnh quan (KBVCQ),... Trong những năm gần đây, DLST tại ĐBSCL nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Trong nghiên cứu này, tác giả tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của du khách, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách ở một số địa điểm DLST như KBVCQ rừng tràm Trà Sư, VQG Tràm Chim và khu DLST Gáo Giồng. Từ đó có một số đề xuất nhằm giúp DLST tại ĐBSCL phát triển phù hợp hơn.

Các nhân tố nội tại ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Thành phố Cần Thơ

Huỳnh Thanh Nhã, La Hồng Liên
Tóm tắt | PDF
Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân ở Việt Nam nói chung và ở Cần Thơ nói riêng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Thành phố Cần Thơ. Số liệu nghiên cứu được thu thập bằng cách khảo sát 456 doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Thành phố Cần Thơ. Phương pháp phân tích nhân tố (EFA) và phân tích hồi quy đa biến được sử dụng để phân tích dữ liệu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã xác định 6 nhân tố nội tại ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Cần Thơ bao gồm mối quan hệ, năng lực marketing, nguồn nhân lực và năng lực quản lý của chủ doanh nghiệp, năng lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Từ đó, một số giải pháp liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ, nâng cao năng lực marketing, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý của người đứng đầu doanh nghiệp, năng lực tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu được đề xuất nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này.

Các yếu tố tác động đến việc ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Cần Thơ

Lưu Tiến Thuận, Trần Thị Thanh Vân
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu là xác định các yếu tố tác động đến việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Thành phố Cần Thơ (TPCT). Bài nghiên cứu tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên với số quan sát là 215 DNNVV tại 3 quận TPCT: Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Phương pháp thống kê mô tả, phân tích hồi quy nhị nguyên Binary Logistic và phân tích phân biệt được sử dụng trong bài nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, môi trường bên trong gồm nhóm yếu tố thuộc về Tổ chức của doanh nghiệp và về Nhận thức của chủ doanh nghiệp; và môi trường bên ngoài gồm nhóm yếu tố thuộc Chính phủ và nhóm yếu tố Thị trường đều ảnh hưởng đến việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp. Trong đó nhóm yếu tố thuộc Sự hỗ trợ của Chính phủ là cực kỳ quan trọng, Chính phủ cần tạo lập môi trường pháp lý và cơ chế chính sách thuận lợi, thu hút công nghệ tiên tiến và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; và cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động TMĐT của doanh nghiệp.

Phân tích năng suất nghiên cứu khoa học của giảng viên nữ tại Trường Đại học Cần Thơ

Huỳnh Trường Huy, Nguyễn Đức Vinh, Lương Trần Thanh Thảo
Tóm tắt | PDF
Hoạt động nghiên cứu khoa học và các yếu tố tác động đến năng suất nghiên cứu khoa học ngày càng thu hút sự quan tâm không những đối với nhà khoa học, mà còn đối với nhà quản lý từ các tổ chức giáo dục. Bài viết này dựa vào cuộc khảo sát từ 93 giảng viên nữ tại các khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm kiếm những bằng chứng nghiên cứu để giải thích các giả thuyết liên quan đến sự chênh lệch năng suất nghiên cứu khoa học của giảng viên tại Trường. Kết quả phân tích nhấn mạnh vào các yếu tố có tác động tích cực đến năng suất nghiên cứu khoa học như trình độ chuyên môn của cá nhân giảng viên cũng như của đồng nghiệp trong bộ môn và sự cộng tác. Tuy nhiên, các yếu tố như gia đình (con cái), cơ chế chính sách, năng lực chuyên môn và sở thích có ảnh hưởng như một rào cản làm giảm năng suất nghiên cứu khoa học của giảng viên nữ.

Phân tích hiệu quả tài chính của mô hình nuôi cá lóc đen và nhận thức của người nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngô Thị Minh Thúy, Trương Đông Lộc
Tóm tắt | PDF
Thông qua số liệu điều tra trực tiếp từ 205 hộ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nuôi cá lóc đen theo hai mô hình và áp dụng mô hình hồi qui tuyến tính cho thấy, các nhân tố tác động đến lợi nhuận trung bình của hộ nuôi là: mật độ thả giống, số vụ nuôi, giá bán, vùng nuôi cá lóc, hệ số thức ăn, giá thức ăn, giá thuốc phòng trị bệnh và mô hình nuôi cá lóc. Kết quả nghiên cứu thu được: Lợi nhuận của nông hộ nuôi cá lóc trung bình đạt 846,7 ngàn đồng/m3/vụ, cao nhất là mô hình nuôi vèo đạt đến 1.384,1 ngàn đồng/m3/vụ, nuôi ao thu được lợi nhuận thấp hơn chỉ đạt 409,2 ngàn đồng/m3/vụ. Trung bình các nông hộ bỏ ra một đồng chi phí nuôi cá thì thu được 1,52 đồng lợi nhuận. Từ kết quả phân tích, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản cho sự phát triển của ngành hàng cá lóc ở ĐBSCL.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ ở Thành phố Cần Thơ

Nguyễn Tiến Dũng, Lê Khương Ninh
Tóm tắt | PDF
Bài viết phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ thông qua hệ thống dữ liệu sơ cấp thu thập từ 815 nông hộ được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên ở Thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của các nông hộ tương đối thấp và chịu ảnh hưởng của các yếu tố nội tại như quy mô diện tích, phương thức mua vật tư, phương thức bán lúa, số lượng lao động gia đình, tập quán canh tác và lượng tiền nhàn rỗi, bên cạnh các yếu tố ngoại biên như thực trạng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khoảng cách từ nơi sinh sống của nông hộ các điểm chợ,... Trên cơ sở kết quả ước lượng, bài viết đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa nhằm cải thiện thu nhập cho nông hộ trồng lúa ở Thành phố Cần Thơ.

Phân tích hiệu quả tài chính của hộ sản xuất lúa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh An Giang

La Nguyễn Thùy Dung, Mai Văn Nam
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tập trung phân tích, so sánh các chỉ tiêu tài chính của nông hộ tham gia mô hình liên kết và không tham gia mô hình liên kết giữa nông hộ sản xuất lúa và doanh nghiệp ở tỉnh An Giang. Phương pháp kiểm định tham số trung bình hai mẫu độc lập được sử dụng để kiểm tra sự khác biệt về hiệu quả tài chính giữa nhóm nông hộ tham gia và không tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phương pháp thống kê mô tả, phân tích tần số được sử dụng để đánh giá thực trạng sản xuất lúa của nông hộ. Số liệu sơ cấp của đề tài được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp các nông hộ tham gia canh tác lúa với phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Số nông hộ được phỏng vấn là 338 nông hộ thuộc 4 huyện Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, trong đó có 126 hộ tham gia liên kết với doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc nông hộ tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp đem lại hiệu quả tài chính cao hơn so với nông hộ không tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận đồng thời còn giúp nông dân sản xuất tốt hơn và an toàn hơn. Đó là cơ sở để nông hộ tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả canh tác trong sản xuất lúa.

Đánh giá hiệu quả sản xuất khóm của nông hộ ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

Nguyễn Quốc Nghi, Mai Văn Nam
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân tích màng bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis-DEA) để đánh giá hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả chi phí, hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả quy mô của nông hộ sản xuất khóm trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Số liệu nghiên cứu được thu thập từ 226 nông hộ trồng khóm ở huyện Tân Phước. Bên cạnh phương pháp phân tích DEA, nghiên cứu còn ứng dụng kiểm định trung bình giữa hai tổng thể (T-test) để so sánh hiệu quả sản xuất khóm giữa hộ nghèo và hộ không nghèo. Kết quả chỉ ra rằng, nông hộ sản xuất khóm ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có hiệu quả kỹ thuật tương đối cao, hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí ở mức trung bình. Hiệu quả quy mô của hộ sản xuất khóm đạt kết quả khá cao. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, có sự chênh lệch về hiệu quả sản xuất giữa hộ nghèo và hộ không nghèo. Các chỉ tiêu về hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả chi phí và hiệu quả quy mô của hộ nghèo đều thấp hơn hộ không nghèo.

Đánh giá thực trạng và nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức Thành phố Cần Thơ

Nguyễn Hồng Tín, Võ Thành Danh, Võ Thị Thanh Lộc, Nguyễn Quang Tuyến, Võ Kim Thoa, Châu Mỹ Duyên
Tóm tắt | PDF
Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đào tạo cán bộ, công chức (CBCC) để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Cần Thơ (TPCT) là cần thiết. Bài viết này phản ánh những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong công tác đào tạo cũng như xác định nhu cầu đào tạo của CBCC viên, trưởng/phó phòng và lãnh đạo sở ban ngành, quận/huyện bao gồm nội dung và hình thức tổ chức đào tạo. Nghiên cứu cho thấy hơn 70% CBCC TPCT được đào tạo trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, công tác đào tạo còn nhiều thách thức như chọn đối tượng, nội dung, thời gian và thời điểm tổ chức chưa hợp lý. Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước được tập trung nhiều hơn kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Trong chiến lược phát triển nhân sự, tất cả sở ban ngành, quận/huyện đều có nhu cầu đào tạo CBCC. Chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng tổng hợp được đề xuất ưu tiên đào tạo. Vị trí CBCC khác nhau đòi hỏi những nội dung, kỹ năng, hình thức đào tạo khác nhau. Đào tạo/ bồi dưỡng ngắn hạn trở nên hợp lý đối với nhân viên, trưởng/phó phòng, trong khi tự học phù hợp cho lãnh đạo. Có sự khác biệt về nhận định đề xuất đào tạo giữa các nhân viên và lãnh đạo cho cùng một đối tượng (CBCC, trưởng phó phòng, lãnh đạo). Do vậy, việc mô tả công việc của từng vị trí rất cần thiết giúp CBCC có sự am hiểu thống nhất nhu cầu đào tạo cải tiến năng lực đáp ứng công việc của CBCC ở các vị trí khác nhau. Kết quả nghiên cứu làm nền tảng xây dựng chương trình khung, nội dung và phương pháp đào tạo để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TPCT.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ chăn nuôi heo trên địa bàn quận Ô Môn, Cần Thơ

Vương Quốc Duy, Đặng Hoàng Trung
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, thu nhập của nông hộ Việt Nam nói chung và Thành phố Cần Thơ nói riêng còn chưa đủ tích lũy để tái đầu tư, vốn đầu tư từ ngân sách bị hạn chế vì phải san sẻ cho các khu vực khác của nền kinh tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp không đáng kể vì thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng bán chính thức hay phi chính thức thường lãi suất cao nên ít được sử dụng cho sản xuất. Do đó, vốn vay từ các tổ chức tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sản xuất của các nông hộ. Việc tiếp cận vốn tín dụng chính thức của nông hộ chăn nuôi được xem như là tiền đề để phát triển kinh tế hộ. Bài viết này cung cấp cái nhìn khách quan về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ chăn nuôi heo ở quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Thông qua việc sử dụng số liệu sơ cấp và mô hình Probit, nghiên cứu chỉ ra rằng các thuộc tính của chủ hộ như giới tính, trình độ học vấn, độ tuổi và các thuộc tính của nông hộ như vị trí xã hội, thu nhập, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ.

Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý của cán bộ cấp cộng đồng tham gia tiến trình xây dựng xã nông thôn mới tại Thành phố Cần Thơ

Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt
Tóm tắt | PDF
Chất lượng nguồn nhân lực cấp cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới. Tuy nhiên, năng lực quản lý cấp cộng đồng còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Do đó, đề tài đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 131 cán bộ cấp cộng đồng bằng phiếu câu hỏi cấu trúc tại 4 xã để xác định “Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý của cán bộ cấp cộng đồng tham gia tiến trình xây dựng xã nông thôn mới tại thành phố Cần Thơ” nhằm tìm ra giải pháp nâng cao năng lực quản lý cán bộ. Bài nghiên cứu này tiến hành kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố và phân tích hồi quy bội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các xã khác nhau nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực quản lý cũng khác nhau. Trong nghiên cứu cũng đề xuất các nhóm giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực quản lý cấp cộng đồng dựa vào phân tích SWOT. Với những kết quả đạt được, bài nghiên sẽ là cơ sở khoa học để các sở ban ngành có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực quản lý cấp cộng đồng, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng xã nông thôn mới.

Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang

Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến
Tóm tắt | PDF
Tiền Giang là tỉnh sản xuất Thanh Long lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thanh Long Tiền Giang được trồng tập trung ở huyện Chợ Gạo, là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên và chất lượng Thanh Long so với trồng ở các vùng khác trong tỉnh. Tuy nhiên, trong sản xuất và tiêu thụ Thanh Long vẫn còn rất nhiều vấn đề như thiếu thông tin thị trường, giá bán chưa ổn định, lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc; Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, hợp tác sản xuất còn yếu, sản xuất theo GAP còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng, giá thấp vào vụ thuận, sâu bệnh nhiều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiếu hậu cần sơ chế và chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của Thanh Long. Nghiên cứu dựa vào lý thuyết chuỗi giá trị của Kaplinsky & Morris (2001), phương pháp liên kết chuỗi giá trị của GTZ Eschborn (2007), bộ công cụ phân tích chuỗi giá trị của Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2013) và sự tham gia của các tác nhân tham gia chuỗi. Mục tiêu nghiên cứu bao gồm (1) Đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ Thanh Long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang, (2) Phân tích chuỗi giá trị Thanh Long và (3) Đề xuất các giải pháp chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm Thanh Long để giúp các nhà hỗ trợ các cấp có đủ cơ sở xây dựng các chính sách và giải pháp phù hợp hơn để tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng Thanh Long.

Đánh giá năng lực thích nghi đối với xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh

Võ Thành Danh
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày mức độ thích nghi ở cả hai cấp độ nông hộ và cộng đồng đối với xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp tại ba huyện ven biển: Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú của tỉnh Trà Vinh. Sử dụng số liệu điều tra từ 1.814 hộ sản xuất lúa, màu và nuôi trồng thủy sản theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, chỉ số khả năng thích nghi được xác định từ năm chỉ số thành phần là yếu tố xã hội, yếu tố kinh tế, yếu tố thực địa, yếu tố tự nhiên, và yếu tố định chế với quyền số trung bình như nhau. Kết quả tính toán cho thấy khả năng thích nghi của nông hộ đối với xâm nhập mặn ở mức trung bình. Khả năng thích nghi của nông hộ ở hai huyện Cầu Ngang và Trà Cú cao hơn so với huyện Duyên Hải. Điều này được giải thích là do ảnh hưởng của yếu tố kinh tế- xã hội lớn hơn nhiều so với các yếu tố khác như các yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên. Đối với khả năng thích nghi cấp độ cộng đồng, các yếu tố xã hội, thực địa và tự nhiên góp phần làm tăng khả năng thích nghi trong khi các yếu tố kinh tế và định chế làm giảm năng lực thích nghi của cộng đồng. Kết quả phân tích hồi quy cũng cho thấy quy mô diện tích canh tác, giới tính của chủ hộ, và trình độ học vấn của chủ hộ là những yếu tố tác động đến khả năng thích nghi của nông hộ.

Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Đạt huyện Vĩnh Lợi – lợi ích đem lại cho thành viên

Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Sánh
Tóm tắt | PDF
Tổ chức và phát triển hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), đặc biệt sản xuất lúa, thì rất quan trọng nhằm giúp nông dân nhỏ lẻ có cơ hội phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường sản phẩm của họ. Vì thế nghiên cứu vai trò và hiệu quả tổ chức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng và cần thiết. Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Đạt - Bạc Liêu, được chọn để nghiên cứu điểm và tiến hành từ tháng 6 – 9/2013. Để so sánh hiệu quả tổ chức, sản xuất HTXNN, số hộ được chọn là 60 hộ, trong đó bao gồm 30 hộ trong HTXNN và 30 hộ ngoài HTXNN để điều tra và khảo sát bao gồm các nội dung về tổ chức, năng lực và hiệu quả sản xuất. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, nông dân tham gia HTXNN sẽ có nhiều cơ hội nâng cao kỹ thuật sản xuất, nối kết sản phẩm làm ra với thị trường. Do vậy, lợi nhuận nông dân tăng lên khi tham gia HTXNN so với nông dân cá thể bên ngoài HTXNN. Ngoài ra năng lực Ban quản lý cũng rất quan trọng nhằm giúp thành viên khai thác tiềm năng và nguồn lực nông hộ. Tuy vậy, mức độ và hiệu quả hoạt động HTXNN còn nhiều hạn chế. Vì thế, việc nâng cao năng lực Ban quản lý và đa dạng sản xuất kinh doanh của HTXNN thì rất cần nghiên cứu tiếp theo nhằm đề xuất chính sách hợp lý để phát triển tổ chức HTXNN hiệu quả hơn trong tương lai.