Tôn chỉ, mục đích và phạm vi của tạp chí

Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ (CTU Journal of Science-CTUJoS) có mã số ISSN 1859-2333, e-ISSN 2815-5599, là tạp chí đa ngành với mục tiêu thông tin về các kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Cần Thơ; giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước nhằm góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin khoa học công nghệ với các đơn vị liên quan để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tạp chí được chia thành 4 nhóm lĩnh vực gồm: (i) Khoa học Tự nhiên-Công nghệ-Môi trường, (ii) Nông nghiệp-Thủy sản-Công nghệ Sinh học, (iii) Khoa học Xã hội-Nhân văn-Giáo dục và (iv) Kinh tế-Pháp luật.

CTUJoS cam kết xuất bản các bài báo được đánh giá nghiêm túc với quy trình phản biện kín hai chiều nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng khoa học của bài viết.

Là tạp chí truy cập mở để các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực có thể tiếp cận, Tạp chí đăng tải trực tuyến (miễn phí) toàn văn các bài báo được công bố trên website của Tạp chí (ctujsvn.ctu.edu.vn).

Chính sách về các nhóm lĩnh vực

Phần A: Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và Môi trường

Checked Open Submissions        Checked Indexed        Checked Peer Reviewed

Phần B: Khoa học Nông nghiệp, Thủy sản và Công nghệ Sinh học

Checked Open Submissions        Checked Indexed        Checked Peer Reviewed

Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục

Checked Open Submissions        Checked Indexed        Checked Peer Reviewed

Phần D: Kinh tế và Pháp luật

Checked Open Submissions        Checked Indexed        Checked Peer Reviewed

Tần suất xuất bản

CTUJoS đăng bài liên tục, theo đó, bài viết được xuất bản khi đã được Tổng biên tập duyệt đăng.

Tạp chí xuất bản định kỳ mỗi năm một tập, mỗi tập có 6 số vào mỗi hai tháng, tương ứng với tháng Hai, tháng Tư, tháng Sáu, tháng Tám, tháng Mười tháng Mười Hai.

Ngoài ra, CTUJoS còn xuất bản các số chuyên đề phục vụ các hội nghị, hội thảo khoa học. Quy trình phản biện và xuất bản số chuyên đề của Tạp chí được thực hiện như số định kỳ với 2 phản biện kín theo tiêu chuẩn quốc tế và hoàn toàn trực tuyến tại địa chỉ: https://ctujsvn.ctu.edu.vn/

Chính sách truy cập mở

CTUJoS áp dụng chính sách truy cập mở đối với các bài báo đã xuất bản nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận các kết quả nghiên cứu chất lượng cao và tăng cường trao đổi kiến thức.

Theo đó, độc giả được quyền đọc, tải xuống, sao chép, phân phối, in ấn, tìm kiếm hoặc liên kết đến toàn văn của các bài báo được xuất bản mà không cần phải đăng ký, đóng phí hay xin phép Ban biên tập Tạp chí hoặc tác giả bài viết.

Giấy phép và bản quyền

Tất cả các bài báo do CTUJoS xuất bản đều được cấp phép theo Giấy phép the Creative Common Attribution-NonCommercial 4.0 International License. Các độc giả được phép sao chép, phân phối, truyền tải và chuyển đổi với điều kiện bài báo và nguồn được trích dẫn để ghi nhận quyền tác giả của bài báo xuất bản trong CTUJoS. Tác giả giữ bản quyền đối với bài báo của họ nhưng cấp cho Tạp chí quyền xuất bản tác phẩm đầu tiên.

Phí gửi bài

Phí gửi bài là 1.000.000 đồng/bài.

Sau khi bài viết qua vòng sàng lọc sơ bộ, tác giả được yêu cầu nộp phí gửi bài bằng hình thức chuyển khoản.

Thông tin chuyển khoản:
Tên tài khoản: TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ - DAK (CAN THO UNIVERSITY - DAK)
Số tài khoản: 1800201213545
Ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ (Agribank)

Ghi chú:
- Ngoài phí gửi bài, CTUJoS không nhận thêm bất kỳ lệ phí nào khác từ tác giả.
- Phí gửi bài không được hoàn trả khi bài viết bị từ chối hoặc tác giả xin rút bài viết.

Quy trình phản biện và xuất bản

CTUJoS áp dụng hình thức phản biện kín 2 chiều theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, người phản biện sẽ không biết thông tin tác giả và ngược lại. Quá trình gửi bài và phản biện được thực hiện hoàn toàn trực tuyến tại địa chỉ: https://ctujsvn.ctu.edu.vn/
Thời gian xuất bản 1 bài viết trên CTUJoS trung bình từ 3 đến 6 tháng.

Quy trình phản biện và xuất bản bao gồm các bước: sàng lọc sơ bộ, phản biện, xử lý kết quả phản biện và quyết định xuất bản.

- Sàng lọc sơ bộ: Bản thảo khi gửi thành công đến hệ thống quản lý của Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ đều được kiểm tra trùng lặp thông qua hệ thống , sự đáp ứng của bản thảo đối với Quy định viết bài của Tạp chí và nội hàm khoa học. Tác giả sẽ nhận được một trong các thông báo qua email về tình trạng của bài viết như sau:

+ Bài viết đúng thể lệ và chờ nộp phí

+ Bài viết cần chỉnh sửa và gửi lại

+ Bài viết bị từ chối

- Phản biện: Bản thảo đạt yêu cầu ở vòng sàng lọc ban đầu sẽ nhận được email mời đóng phí. Sau khi tác giả đã hoàn thành thủ tục đóng phí, Ban biên tập sẽ chuyển bài viết đến Trưởng tiểu ban chuyên môn để mời hai người phản biện có chuyên môn phù hợp để phản biện bài viết.
Người phản biện đánh giá và đưa ra một trong các đề xuất để Trưởng tiểu ban chuyên môn xem xét, gồm:

+ Chấp nhận bài viết

+ Yêu cầu hiệu chỉnh ít/nhiều

+ Từ chối bài viết

- Xử lý kết quả phản biện: Sau khi có đầy đủ kết quả đánh giá cuối cùng của 2 người phản biện, Trưởng tiểu ban chuyên môn sẽ ra quyết định cho bài viết. Trong quá trình phản biện, tác giả sẽ nhận được một trong các email sau:

+ Chấp nhận bản thảo

+ Yêu cầu chỉnh sửa ít/nhiều: Tác giả chỉnh sửa bản thảo dựa trên những nhận xét, góp ý của người phản biện. Quá trình này sẽ lặp lại cho đến khi người phản biện chấp nhận hoặc từ chối bài viết

+ Từ chối bản thảo

- Quyết định cuối cùng: Bài viết được chấp nhận ở vòng phản biện sẽ được Ban biên tập tiến hành biên tập, gửi người đọc hiệu đính (proofreader) xem xét, sau đó gửi email trao đổi với tác giả. Phiên bản cuối cùng sẽ được trình Tổng Biên tập phê duyệt với các trường hợp:

+ Chấp nhận: Bài viết chờ công bố online

+ Từ chối: Ban biên tập thông báo email cho tác giả

Bài viết được xuất bản tuần tự theo thời gian gửi bài, một số trường hợp ưu tiên sẽ do Tổng Biên tập quyết định. Số lượng xuất bản là không quá 2 bài/số/tác giả chính (tác giả đứng thứ nhất trong bài báo).

Lưu đồ Quy trình phản biện và xuất bản được tóm tắt như sau:

Đạo đức xuất bản

CTUJoS cam kết tuân thủ đạo đức xuất bản phù hợp với các hướng dẫn và tiêu chuẩn của the Committee on Publication Ethics (COPE), tuân thủ các nguyên tắc của COPE’s Core PracticesBest Practices Guidelines for Journal Editors và Guidelines on Good Publication Practices.

Để đảm bảo quy trình xuất bản được diễn ra rõ ràng, minh bạch và xử lý kịp thời các hành vi sai phạm trong xuất bản, CTUJoS đã ban hành đạo đức xuất bản với những nhiệm vụ và quyền hạn của các đối tượng liên quan như sau:

- Đối với Ban biên tập:

+ Quyết định xuất bản: Việc ra quyết định xuất bản cho các bài viết gửi đăng trên CTUJoS được dựa trên một quy trình phản biện kín nghiêm ngặt. Các bài viết phải đảm bảo có nội dung phù hợp với phạm vi xuất bản của Tạp chí, đồng thời không vi phạm các vấn đề về bôi nhọ, bản quyền và đạo văn. Ban biên tập chịu trách nhiệm về việc ra quyết định chấp nhận đăng cho các bài báo và thường xuyên liên hệ, hợp tác với các tổ chức liên quan. Hội đồng Biên tập phải được hướng dẫn cụ thể và tuân thủ các chính sách về Hội đồng Biên tập của Tạp chí và chịu trách nhiệm về các vấn đề vi phạm của bài viết. Ban biên tập có thể trao đổi với các người phản biện khác để đưa ra quyết định này.

+ Tính bảo mật: CTUJoS cam kết bảo mật các thông tin của bài viết trong suốt quá trình phản biện và xuất bản. Tên và địa chỉ email của người dùng chỉ được sử dụng vào các mục đích đã được nêu của Tạp chí và sẽ không được cung cấp cho bất kỳ bên nào khác hay cho bất kỳ mục đích nào khác.

+ Tính công bằng: Ban biên tập đánh giá bài viết dựa trên nội hàm khoa học mà không phân biệt chủng tộc, giới tính, xu hướng tình dục, tín ngưỡng, quốc tịch hoặc triết lý chính trị của tác giả.

+ Công khai về xung đột lợi ích: Ban biên tập không sử dụng các thông tin trong bài viết chưa được xuất bản cho nghiên cứu của chính mình khi chưa được sự đồng ý của tác giả; không được xem xét, đánh giá các bài viết có tên mình tham gia cũng như những bài viết có xung đột với tác giả về lợi ích do cạnh tranh, hợp tác hoặc các mối quan hệ trong đơn vị, công ty, tổ chức. Các thành viên trong Ban biên tập được yêu cầu công khai các xung đột lợi ích có liên quan (nếu có) trong quá trình xuất bản bài viết.

- Đối với phản biện: Người phản biện là các nhà khoa học trong và ngoài Trường Đại học Cần Thơ, có uy tín, có nhiều công trình được công bố, có cùng chuyên môn hoặc gần chuyên môn với nội dung bài viết, có khả năng đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu.

+ Bảo mật: Các thông tin liên quan đến bài viết hoặc các cuộc thảo luận, trao đổi giữa phản biện và tác giả đều được giữ bí mật. Người phản biện không được phép chia sẻ các thông tin về bài viết với người khác khi chưa được sự đồng ý của Ban biên tập.

+ Xung đột lợi ích: Người phản biện phải đảm bảo không có bất kỳ xung đột lợi ích nào với tác giả, nhà tài trợ… liên quan đến bài viết. Nếu có bất kỳ xung đột hay mâu thuẫn nào phát sinh trong quá trình phản biện thì người phản biện có trách nhiệm báo cáo sớm cho Ban biên tập.

+ Đóng góp cho Ban biên tập: Phản biện có trách nhiệm giúp Ban biên tập đưa ra quyết định cho bài viết và hỗ trợ tác giả cải thiện chất lượng bài viết.

+ Tính khách quan: Người phản biện xem xét, đánh giá bài viết dựa trên tinh thần khách quan, trung thực, đảm bảo sự công tâm. Kết quả đánh giá dựa trên chất lượng nội dung và nội hàm khoa học của bài viết mà không phân biệt nguồn gốc, giới tính, xu hướng tình dục hay triết lý chính trị của tác giả. Các quan điểm của người phản biện phải rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

+ Xác nhận các vấn đề về nguồn gốc: Người đánh giá phải góp ý cho tác giả bổ sung các tài liệu liên quan mà chưa được trích dẫn; kiểm tra kỹ các vấn đề về đạo văn hoặc sự tương đồng trong bài viết với các bài báo đã xuất bản khác.

- Đối với tác giả:

+ Tiêu chuẩn bài viết: Các thông tin, dữ liệu cung cấp trong bài viết phải được trình bày chính xác và khách quan. Các tài liệu tham khảo phải được trình bày theo quy định của Tạp chí để độc giả dễ dàng tham khảo. Những công bố gian lận hoặc cung cấp thông tin không chính xác trong bài viết là hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận.

+ Truy cập và lưu trữ dữ liệu: Tác giả có thể được yêu cầu cung cấp dữ liệu về bài báo để hỗ trợ quá trình phản biện. Các dữ liệu này cần được chuẩn bị và tác giả cung cấp quyền truy cập công khai cho Tạp chí trong một khoảng thời gian nhất định.

+ Tính nguyên bản và đạo văn: Tác giả phải đảm bảo rằng nội dung bài viết là do chính tác giả tạo ra, nếu bài viết có sử dụng tác phẩm hoặc lời nói của người khác thì phải được trích dẫn tài liệu tham khảo cụ thể theo quy định của CTUJoS về Tài liệu tham khảo.
Đạo văn có thể được thực hiện với nhiều hình thức, mọi hình thức đạo văn đều là hành vi vi phạm đạo đức và không thể chấp nhận được. Tác giả chịu trách nhiệm hoàn toàn về đạo văn, vi phạm bản quyền. Nếu vi phạm các trường hợp trên thì tác giả sẽ không được gửi bài để đăng trên Tạp chí trong thời gian 01 năm kể từ khi phát hiện vi phạm; đồng thời chịu xử lý theo quy định của Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật.

+ Xuất bản nhiều nơi hoặc trùng lặp: Tác giả phải gửi bài viết chưa từng được công bố trước đó; không gửi bài viết trên các tạp chí khác khi chưa có quyết định xét duyệt của Hội đồng Biên tập CTUJoS.

+ Quyền tác giả: Những người đã có đóng góp đáng kể cho bài viết liên quan đến việc thiết kế, thực hiện hoặc giải thích cho nghiên cứu phải được liệt kê là đồng tác giả. Những người đã tham gia vào các khía cạnh quan trọng nhất định của nghiên cứu phải được ghi nhận trong bài viết hoặc liệt kê ở phần Lời cảm tạ. Tác giả phải đảm bảo rằng tất cả đồng tác giả đều đã xem và đồng ý với phiên bản cuối cùng của bài viết trước khi gửi CTUJoS xuất bản.

+ Mối nguy hiểm và đối tượng con người, động vật: Nếu bài viết nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến hóa chất, quy trình hoặc thiết bị có tiềm ẩn mối nguy hiểm trong quá trình sử dụng thì tác giả phải thể hiện rõ ràng những điều này trong bài viết. Nếu bài viết có nội dung liên quan đến chủ đề động vật hoặc con người thì tác giả phải đảm bảo rằng đã tuân thủ đúng pháp luật, quy định và hướng dẫn của các tổ chức có liên quan; đồng thời được các tổ chức có liên quan phê duyệt. Tác giả phải cung cấp minh chứng về sự đồng ý hoặc cho phép thử nghiệm trên đối tượng là con người từ các tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.

+ Tuyên bố và xung đột lợi ích: Tác giả nên cung cấp thông tin về những vấn đề xung đột lợi ích tài chính hoặc các mâu thuẫn khác có thể ảnh hưởng đến kết quả đánh giá bài viết. Tất cả các nguồn hỗ trợ tài chính cho dự án phải được công khai hoặc chia sẻ ở phần Lời cảm tạ. Những xung đột lợi ích tiềm ẩn cần được chia sẻ ở giai đoạn sớm nhất có thể.

+ Những lỗi cơ bản trong tác phẩm đã công bố: Nếu tác giả phát hiện sai sót hoặc thiếu chính xác trong bài viết đã xuất bản thì tác giả có nghĩa vụ phải thông báo cho CTUJoS để kịp thời điều chỉnh hoặc rút lại bài báo. Nếu Ban biên tập phát hiện sai sót của bài viết sau khi xuất bản thì tác giả có nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc phối hợp với Ban biên tập để chỉnh sửa bài viết.