Ngày xuất bản: 12-12-2024

Đánh giá hoạt tính xúc tác loại bỏ thuốc nhuộm acid fuchsin của vật liệu lưỡng kim FeZn-ZIFs dựa trên quy trình oxy hóa nâng cao

Lê Thị Anh Thư, Ngô Trương Ngọc Mai, Lương Huỳnh Vủ Thanh, Hồ Ngọc Tri Tân, Cao Lưu Ngọc Hạnh, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hoạt tính xúc tác của vật liệu lưỡng kim FeZn-ZIFs đối với việc loại bỏ tồn dư thuốc nhuộm khỏi môi trường nước. Trong đó, cấu trúc tinh thể, nhóm chức đặc trưng, độ bền nhiệt, thành phần nguyên tố và hình thái của FeZn-ZIFs được xác định thông qua các phương pháp phân tích hiện đại gồm nhiễu xạ tia X dạng bột, quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier, nhiệt trọng lượng, phổ tán sắc năng lượng tia X và kính hiển vi điện tử quét. Khả năng loại bỏ thuốc nhuộm acid fuchsin dựa trên hoạt tính xúc tác của FeZn-ZIFs đối với chất oxy hóa potassium peroxydisulfate (PDS) cũng được đánh giá bằng phương pháp UV-Vis. Kết quả cho thấy hệ xúc tác FeZn-ZIFs/PDS có khả năng loại bỏ đến 93,3% acid fuchsin tại nhiệt độ phòng chỉ sau 30 phút.

Định hướng và điều khiển Robot di động dựa trên công nghệ định vị GPS và cảm biến la bàn

Lưu Trọng Hiếu, Nguyễn Chí Ngôn, Hà Tấn Đạt, Phạm Quang Thế
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này trình bày một giải pháp tích hợp hệ nhiều cảm biến định vị vào robot di động để điều khiển robot đến vị trí mong muốn trong môi trường bên ngoài. Trái tim của hệ là một vi điều khiển esp8266 có thể tính toán được nhiều phương trình theo thời gian thực. Vi điều khiển nhận tín hiệu từ cảm biến la bàn đề xác định góc quay đến vị trí mong muốn và cập nhật giá trị cảm biến GPS được dùng để định vị và cập nhật dữ liệu liên tục trong suốt quá trình di chuyển trong môi trường bên ngoài. Thí nghiệm đươc tiến hành một sân trống tại trường Bách Khoa, Trường Đại học Cần Thơ trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Kết quả cho thấy robot có thể di chuyển đến các vị trí mong muốn. Nghiên cứu này là tiền đề cho các nhóm sau áp dụng thêm các giải thuật và công nghệ cao cấp vào robot di động trong điều kiện bên ngoài.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân loại nguy cơ ung thư dựa trên hình ảnh X-quang tuyến vú

Nguyễn Chí Ngôn, Lê Đoàn Kết, Võ Văn Kha, Nguyễn Vĩnh Phong, Huỳnh Phương Anh, Đặng Phi Hùng
Tóm tắt | PDF
Ung thư vú ở phụ nữ là loại ung thư phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sớm phát hiện và chẩn đoán chính xác là yếu tố quyết định quan trọng trong việc điều trị và cải thiện tỷ lệ sống còn của bệnh nhân. Chụp X-quang tuyến vú là kỹ thuật không thể bỏ qua trong nội dung sàng lọc và chẩn đoán sớm ung thư vú. Nghiên cứu được thực hiện nhằm ứng dụng mạng học sâu AlexNet để phân loại nguy cơ ung thư dựa trên hình ảnh X-quang tuyến vú theo các nhóm Birads2, Birads3, Birads4 và Birads 5. Nguồn dữ liệu được sử dụng là 2051 hình ảnh X-quang tuyến vú được thu thập từ Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ. Bằng cách sử dụng kỹ thuật học sâu, mô hình có thể phân loại nguy cơ ung thư với độ chính xác 86,84%. Kết quả này góp phần hỗ trợ công tác chẩn đoán cho bác sĩ chuyên môn và tạo điều kiện cho nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng hình ảnh trong y tế.

Nghiên cứu xây dựng phương pháp phân tích Ivermectin trên nền tôm thẻ, cá tra và chả cá basa bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép hai lần khối phổ

Võ Kim Huyền, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Nguyễn Trọng Tuân, Trần Hoàng Ái, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích xây dựng một phương pháp xác định dư lượng ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng trên nền mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản. Phương pháp này phục vụ nhu cầu kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong nghiên cứu này, ivermectin trong các nền mẫu tôm thẻ, cá tra và chả cá basa được chiết bằng kỹ thuật QueChERS (Quick-Easy-Cheap-Effective-Rugged-Safe) và phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng ghép hai lần khối phổ (LC/MS/MS). Các thông số quan trọng của phương pháp như khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện (LOD), giới hạn định lượng (LOQ), độ chọn lọc, độ lặp lại, độ tái lặp và độ đúng được tiến hành khảo sát dựa trên các tiêu chí của các tổ chức trong nước và quốc tế. Kết quả cho thấy phương pháp đáp ứng các yêu cầu phân tích, kiểm soát chất lượng thủy sản và sản phẩm thủy sản.

Thiết kế bộ sạc pin điều khiển mờ tối ưu dùng giải thuật di truyền

Huỳnh Thái Hoàng
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày cách thiết kế bộ điều khiển mờ tối ưu dùng giải thuật di truyền để sạc pin nhanh và duy trì nhiệt độ pin thấp. Bộ điều khiển mờ được thiết kế dựa vào kinh nghiệm với hai ngõ vào là nhiệt độ pin và tốc độ biến thiên nhiệt độ pin trong quá trình sạc, ngõ ra là dòng điện sạc pin. Các thông số của bộ điều khiển mờ được chỉnh định tối ưu dùng giải thuật di truyền sao cho tối thiểu chỉ tiêu chất lượng liên quan đến thời gian sạc pin và sự gia tăng nhiệt độ pin trong quá trình sạc. Kết quả mô phỏng cho thấy bộ điều khiển mờ đề xuất không những điều khiển sạc pin nhanh tương đương bộ sạc đẳng dòng, mà còn có độ gia tăng nhiệt độ trong quá trình sạc thấp hơn, nhờ đó làm tăng tuổi thọ của pin.

Giải pháp giám sát thời gian vận hành của thiết bị điện

Lê Hoàng Thảo, Đặng Hiếu Nghĩa, Nguyễn Đại Nghĩa, Cù Vĩnh Lộc, Trương Xuân Việt, Trần Hoàng Việt, Lê Thành Phiêu, Trần Hữu Danh, Lương Vinh Quốc Danh
Tóm tắt | PDF
Trường Đại học Cần Thơ sở hữu nhiều thiết bị điện chuyên dụng có giá trị cao. Các thiết bị chuyên dụng này phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu và thương mại. Để tối ưu hóa việc khai thác hiệu suất sử dụng, ta cần thiết phải xây dựng hệ thống giám sát tự động thời gian hoạt động của các thiết bị chuyên dụng này. Hệ thống được đề xuất trong nghiên cứu này gồm ba thành phần. Thiết bị giám sát thời gian vận hành của thiết bị điện được chế tạo dựa trên công nghệ Internet vạn vật. Quản trị dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát thời gian vận hành, truy vấn dữ liệu, xử lý nghiệp vụ, và hỗ trợ quản lý các hệ thống dựa trên chuẩn SensorThings. Trực quan hóa dữ liệu được xây dựng trên nền tảng Web. Ứng dụng cho phép theo dõi các thông số theo thời gian vận hành của thiết bị điện. Hệ thống được xây dựng theo tiêu chuẩn mở, điều này cho phép dễ dàng tích hợp thêm các thiết bị giám sát và mở rộng cho nhiều kiến trúc giao thức khác nhau.

Phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn có tiềm năng phân hủy nhựa polystyrene (PS) từ đất bãi rác trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Nguyễn Văn Khởi, Đinh Ngọc Bích, Lê Trần Y Khoa, Dương Thanh Nhựt Lâm, Trần Thị Thu Trang, Huỳnh Yến Nhi
Tóm tắt | PDF
Polystyrene (PS) là loại nhựa nhiệt dẻo được sử dụng phổ biến với những đặc tính tiện lợi và giá thành rẻ. Tuy nhiên, lượng rác thải từ loại nhựa này đang ngày càng gia tăng ở mức đáng báo động và gây ra những tác hại đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nghiên cứu này nhằm mục đích phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn có khả năng phân hủy nhựa PS trong điều kiện phòng thí nghiệm. Nghiên cứu cho thấy, 15 chủng vi khuẩn phân lập có thể tồn tại trong môi trường Basal salt medium có bổ sung 0,1% bột nhựa polystyrene. Hai chủng CT26 và CT10 chỉ phát triển sinh khối mạnh tại vị trí có đặt tấm nhựa polystyrene trên môi trường thạch. Đồng thời, hai chủng vi khuẩn này có khả năng làm giảm khối lượng bột nhựa lần lượt là 42,12% và 34,08% sau 28 ngày nuôi cấy trong môi trường lỏng. Kết quả giải trình tự gene 16S rRNA cho thấy hai chủng CT26 và CT10 được xác định lần lượt là Cronobacter sakazakii và Pseudomonas aeruginosa với độ tương đồng đạt lần lượt là 99,85% và 100%.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp của huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Phan Chí Nguyện, Nguyễn Thị Thảo Ly, Lê Quang Trí, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp cho huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chín cán bộ và 60 người dân được tham vấn để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Từ đó, làm cơ sở xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sản xuất nông nghiệp thông qua phương pháp đánh giá đa tiêu chí (MCE). Kết quả đã xác định được 03 nhóm yếu tố chính và 12 yếu tố phụ tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp của huyện Cai Lậy. Trong đó, các yếu tố về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, chi phí sản xuất và thời tiết thay đổi bất thường là những yếu tố có mức độ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Qua đó, các giải pháp được đề xuất về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến và bảo quản sau thu hoạch, chính sách hỗ trợ nông nghiệp cần được ưu tiên thực hiện nhằm khắc phục những yếu tố có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Đặc điểm carbon hữu cơ trong đất và tính ổn định theo trình tự thời gian của rừng trồng keo lai (Acacia hybrid) tại ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai

Lê Văn Cường, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Thị Xuân Viên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khám phá động thái tích lũy SOC và xác định các nhân tố chính điều chỉnh sự tích lũy SOC ở ba độ sâu tầng đất (0-10, 10-30 và 30-60 cm) của rừng trồng keo lai theo các tuổi lâm phần khác nhau (3, 5, 7 năm tuổi) tại rừng phòng hộ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Kết quả cho thấy: (1) Hàm lượng SOC tăng lên đáng kể theo tuổi lâm phần. Hơn nữa, hàm lượng SOC chủ yếu tập trung ở lớp đất mặt và giảm đáng kể theo độ sâu đất. (2) Trữ lượng SOC (TC) tăng từ 57,86 tấn/ha (lâm phần tuổi 3) lên 100,57 tấn/ha (lâm phần tuổi 7) trong quá trình phát triển của rừng. TC có sự kết tụ bề mặt rõ ràng, với hơn 60% tổng TC hiện diện ở độ sâu 0–30 cm. (3) Dữ liệu từ phân tích phân vùng biến động (Variation Partitioning Analysis) cho thấy hàm lượng đạm tổng số, sinh khối vật rơi rụng và pH của đất là những yếu tố chính chi phối sự thay đổi về hàm lượng SOC. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin cho các hoạt động quản lý rừng trồng keo lai cũng như trong việc tiến hành lập mô hình tích lũy C trong đất rừng tại khu vực.

Điều chế phức hợp của ruthenium-indenylidene từ propargyl alcohol

Nguyễn Thị Ánh Hồng, Nguyễn Văn Đạt, Triệu Phú Hậu
Tóm tắt | PDF
Hai phức hợp mới của chelate-oxygen ruthenium-indenylidene, 1 và 2, có hoạt tính trong phản ứng trùng hợp mở vòng, được tổng hợp từ các chất nền đơn giản của ruthenium: [Ru(PPh3)3Cl2], [Ru(p-cymene)Cl2]2 hoặc [Ru(p-cymene)(PCy3)Cl2 và một rượu propargylic chỉ trong một bước. Cả hai phức hợp 1 và 2 được đánh giá hoạt tính qua phản ứng trùng hợp mở vòng của endo-dicyclopentadiene tạo thành polydicyclopentadien.

Tính nửa liên tục dưới của nghiệm bài toán cân bằng vector và áp dụng vào bài toán tối ưu vector

Lâm Quốc Anh, Nguyễn Thái Anh, Trần Ngọc Tâm
Tóm tắt | PDF
Bài báo xem xét bài toán cân bằng vector phụ thuộc tham số trong không gian vector tô pô Hausdorff. Bằng việc sử dụng các tính chất của hàm vô hướng hoá được xây dựng dựa vào hàm khoảng cách định hướng Hiriart-Urruty cùng với các điều kiện cũng như kỹ thuật thích hợp khác, các điều kiện đủ cho tính nửa liên tục dưới của ánh xạ nghiệm hữu hiệu bài toán đang xét đã được thiết lập. Kết quả đạt được này là mới và được áp dụng cho bài toán tối ưu vector.

Điều kiện cần và đủ cho cận sai số phi tuyến

Đoàn Hữu Hiệu, Trương Thành Trung, Võ Minh Tâm, Nguyễn Duy Cường
Tóm tắt | PDF
Bài báo thiết lập điều kiện cần và đủ cho cận sai số phi tuyến của hàm thực suy rộng trong không gian mêtric và Asplund. Các điều kiện được trình bày dưới dạng độ dốc và dưới vi phân Fréchet riêng phần thông qua các kỹ thuật của giải tích biến phân hiện đại. Các kết quả được vận dụng để nghiên cứu cho tính chính quy mêtric phi tuyến của ánh xạ đa trị.

Nghiên cứu tổng hợp polycaprolactone triol hình sao làm nguyên liệu tổng hợp polyurethane định hướng ứng dụng trong y sinh

Huỳnh Đại Phú, Trần Đức Mạnh, Mai Hữu Xuân, Nguyễn Thị Kim Phượng
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, polycaprolactone triol (stPCL) hình sao đã được tổng hợp thành công thông qua phản ứng trùng hợp mở vòng của ε-caprolactone (CL), sử dụng glycerol làm chất khởi đầu và Sn(Ot)2 làm chất xúc tác. Khối lượng phân tử của stPCL được xác định bằng phương pháp sắc ký gel (GPC,) nằm trong khoảng 1.600Da. Cấu trúc của stPCL được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân (1H-NMR) và quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR). Sản phẩm stPCL này được sử dụng làm nguyên liệu chính để tổng hợp polyurethane (PU) nhiệt rắn định hướng ứng dụng trong lĩnh vực y sinh.

Tổng hợp nhựa nhiệt dẻo sinh học polyester bằng nhựa thông maleic

Huỳnh Đại Phú, Nguyễn Quang Vinh, Mai Hữu Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích tổng hợp nhựa polyester nhiệt dẻo thông qua việc tổng hợp mono chloride nhựa thông maleic (RMA-Cl) bằng phản ứng giữa nhựa thông maleic (RMA) với SOCl2. Sau đó, RMA-Cl được phản ứng với 1,6- Hexandiol (HDO) (ở tỉ lệ đương lượng 2:3) để tạo thành polyester nhiệt dẻo sinh học với chỉ số acid nhỏ hơn 30. Cấu trúc của sản phẩm được phân tích bằng phương pháp phổ hồng ngoại(FTIR), và cộng hưởng từ hạt nhân (1H-NMR). Kết quả cho thấy đã tổng hợp thành công nhựa nhiệt dẻo sinh học polyester. Loại nhựa này mang nhiều khả năng ứng dụng trong tương lai vì thay thế nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ và có nguồn gốc thiên nhiên.

Nghiên cứu quy trình lên men sữa chua bổ sung bắp tím sử dụng vi khuẩn lactic có khả năng sinh acid gamma-aminobutyric

Hoàng Anh Phương, Trần Lê Thanh Ngọc, Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Cẩm Tú, Lâm Dương Hồng Thắm, Nguyễn Thị Minh Thư, Lưu Minh Châu, Nguyễn Ngọc Thạnh, Bùi Hoàng Đăng Long, Huỳnh Xuân Phong
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn acid lactic (LAB) có khả năng sinh tổng hợp acid γ-aminobutyric (GABA) và acid lactic cao để ứng dụng trong quy trình lên men sữa chua bổ sung bắp tím. Kết quả đã phân lập được 15 chủng LAB từ 4 mẫu sữa lên men và tuyển chọn được 4 chủng LAB có khả năng sinh GABA và acid lactic với hàm lượng cao bao gồm chủng V3, V4, Y2, Y4. Bốn chủng này được thử nghiệm lên men sữa chua bổ sung bắp tím với mật số ban đầu là 104, 106 và 108 CFU/mL. Kết quả cho thấy chủng V3 với mật số 108 CFU/mL là thích hợp nhất để lên men sữa chua bắp tím và được xác định là Lactiplantibacillus pentosus. Tỷ lệ nguyên liệu thích hợp cho quá trình lên men cũng được xác định với tỷ lệ bắp tím và sữa là 2:8 (v/v), đường bổ sung là 4% (w/v) và lên men ở nhiệt độ 43ºC trong 8 giờ cho sản phẩm có màu hồng nhạt với cấu trúc, mùi vị thơm ngon đặc trưng.

Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa và kháng viêm in vitro của dịch chiết ngoại bào vi khuẩn nội sinh phân lập từ cây mảnh cộng (Clinacanthus nutans)

Lý Khôi Nguyên, Trần Chí Linh, Đái Thị Xuân Trang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu là phân lập vi khuẩn nội sinh (VKNS) có khả năng sinh tổng hợp các hợp chất chống oxy hóa và kháng viêm ở cây Mảnh Cộng (Clinacanthus nutans). Hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết ngoại bào (DCNB) từ VKNS được đánh giá qua hàm lượng polyphenol, flavonoid tổng số, khả năng trung hòa gốc tự do DPPH, khả năng chống oxy hóa tổng số và năng lực khử. Khả năng kháng viêm được xác định qua ức chế sự biến tính của albumin huyết thanh bò. Kết quả đã phân lập được 24 dòng VKNS có khả năng sinh tổng hợp các hợp chất polyphenol ngoại bào, chống oxy hóa và kháng viêm. Hàm lượng TPC từ 94,32 đến 2284,44 mg GAE/mL DCNB, TFC từ 5,35 đến 99,69 mg QE/mL DCNB. Khả năng chống oxy hóa bởi phương pháp DPPH, RP và TAC từ 0,13 đến 1067,36 mg vitamin C tương đương/mL DCNB. Hàm lượng chất kháng viêm từ 0,32 đến 0,46 mg diclofenac tương đương/mL DCNB. Ba dòng VKNS có hoạt tính cao đồng đều ở các chỉ tiêu khảo sát là Bacillus sp. CN-R1, Enterobacter sp. CN-R15 và Enterobacter sp. CN-L7.

Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chế biến bánh phồng bổ sung rong nho (Caulerpa lentillifera) và bột đậu xanh (Vigna radiata)

Vương Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hoàng Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đa dạng hoá các loại bánh phồng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nghiên cứu bao gồm 5 khảo sát về tỉ lệ hỗn hợp bột (bột năng + bột mì): bột đậu xanh đến chất lượng sản phẩm, tỉ lệ rong nho (Caulerpa lentilifera) bổ sung vào sản phẩm, tỉ lệ muối trong công thức phối trộn bánh phồng đến giá trị cảm quan của sản phẩm, nhiệt độ sấy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, bảo quản sản phẩm bánh phồng bổ sung rong nho (Caulerpa lentilifera) và bột đậu xanh (Vigna radiata). Kết quả thí nghiệm cho thấy sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất có tỷ lệ hỗn hợp bột (bột năng+ bột mì): bột đậu xanh là 7:1, tỷ lệ rong nho bổ sung là 18 %, tỷ lệ gia vị muối là 0,8 %, sấy 55 ℃ trong thời gian 12 giờ. Hơn nữa, kết quả bảo quản ở 21 ngày cho thấy tổng số vi sinh vật hiếu khí nằm trong giới hạn cho phép sử dụng. Sản phẩm cho chất lượng tốt về cảm quan cao, màu sắc, độ ẩm, độ nở và độ giòn.

Đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vụ thu đông tại tỉnh An Giang

Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Đặng Kiều Nhân
Tóm tắt | PDF
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam, trong đó tỉnh An Giang đóng vai trò quan trọng vào sản lượng lúa gạo lẫn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chiến lược sản xuất thâm canh hiện nay của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa mang lại hiệu quả cao trong canh tác lúa. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng canh tác lúa vụ Thu Đông của tỉnh An Giang. Thông tin được thu thập từ 68 hộ dân canh tác lúa tại 09 huyện bằng phương pháp chọn mẫu theo ngẫu nhiên thuận tiện. Thông tin được thu thập thông qua bảng câu hỏi soạn sẵn trên các nền tảng email, Facbook và Zalo. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để đánh giá hiện trạng sản xuất lúa và phân tích phương sai (ANOVA) được sử dụng để so sánh các chỉ tiêu đầu vào và đầu ra của sản xuất lúa. Kết quả nghiên cứu cho thấy nông dân gieo sạ dày, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật vượt mức khuyến cáo. Ngoài ra, diện tích canh tác còn nhỏ lẻ và các giống lúa được sử dụng thiếu đa dạng, phổ biến là các giống lúa chất lượng thấp. Nhìn chung, hiệu quả kinh tế còn thấp, hiệu quả đồng vốn chưa có lợi cho người nông dân canh tác lúa.

Thành phần động vật nguyên sinh (Protozoa) trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) thâm canh

Nguyễn Thị Hằng Ny, Nguyễn Thị Kim Liên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mối liên hệ giữa Protozoa với các thông số môi trường nước trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Các mẫu Protozoa được thu ở 5 ao tôm và 2 kênh cấp tại tỉnh Sóc Trăng. Các ao tôm được chia thành 2 nhóm gồm nhóm N1 (3 ao) và nhóm N2 (2 ao). Tất cả các ao tôm đều có qui trình nuôi tương tự nhau. Tuy nhiên, chỉ có nhóm N2 có sử dụng ao lắng trong quá trình nuôi. Kết quả đã ghi nhận 20 loài Protozoa (36%). Số loài Protozoa trong các ao tôm và kênh cấp không khác biệt đáng kể. Mật độ Protozoa trong các ao tôm cao hơn kênh cấp, biến động lần lượt từ 34.089-31.155.511 ct/m3 đến 60.507-3.037.222 ct/m3. Giống Tintinnopsis chiếm ưu thế ở nhóm N2, trong khi một số loài thuộc Ciliate chiếm tỉ lệ cao ở nhóm N1 giai đoạn 28-42 ngày. pH và độ mặn tương quan nghịch có ý nghĩa (p

Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn Vibrio mimicus gây bệnh lở loét trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long

Từ Thanh Dung, Michael Stewart Kellya, Nguyễn Bảo Trung, Lê Minh Khôi, Hoàng Thị Ngọc Đoan, Quách Văn Cao Thi
Tóm tắt | PDF
Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn xuất hiện trên cá tra ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu thực hiện nhằm xác định vi khuẩn gây bệnh lở loét trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) tại ao nuôi ở An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp. Ba chủng vi khuẩn đại diện cho từng khu vực được phân lập từ cá tra bệnh có biểu hiện lở loét, đuôi mòn và nội tạng trương phồng. Thí nghiệm cảm nhiễm cho thấy ba chủng CT5, NV9 và VH120 có độc lực cao với giá trị LD50 lần lượt là 1,66×104 CFU/mL, 3,98×104 CFU/mL và 1,58×103 CFU/mL. Cá cảm nhiễm có các dấu hiệu bệnh lở loét tương tự cá bệnh ngoài tự nhiên. Tất cả các chủng vi khuẩn phân lập là Gram âm, oxidase, catalase, O/F dương tính và sử dụng glucose, galactose hoặc D-mannitol làm nguồn carbon. Giải trình tự 16S rRNA cho thấy ba chủng vi khuẩn phân lập có độ tương đồng 99,87% với vi khuẩn Vibrio mimicus. Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định vi khuẩn V. mimicus là tác nhân gây bệnh lở loét trên cá tra nuôi thâm canh.

Ảnh hưởng của độ kiềm lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) giai đoạn ương giống bằng công nghệ biofloc

Huỳnh Hoàng Sơn, Châu Tài Tảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định độ kiềm thích hợp lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) giống ương theo công nghệ biofloc, thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức độ kiềm: 80, 120, 160 và 200 mgCaCO3/L. Tôm giống có khối lượng 0,01 g/con được bố trí vào bể composite có thể tích 250 L, độ mặn 15‰, mật độ ương 2.000 con/m3 và rỉ đường được sử dụng để tạo biofloc với tỷ lệ C:N = 10:1. Sau 28 ngày ương, các yếu tố môi trường đều nằm trong phạm vi thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Thể tích biofloc dao động từ 2,89 đến 3,12 mL/L, cao nhất ở nghiệm thức 160 mgCaCO3/L (3,12±0,09 mL/L) và khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Khi kết thúc thí nghiệm, tôm ở nghiệm thức 120 mgCaCO3/L có tăng trưởng (4,03±0,01 cm/con, 0,44±0,017 g/con), tỷ lệ sống (90,2±2,12%) và sinh khối (1.803±43 con/m3) cao nhất, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Khảo sát thành phần ký sinh trùng trên cua biển (Scylla paramamosain) nuôi quảng canh ở tỉnh Cà Mau

Nguyễn Thị Thu Hằng, Đặng Thụy Mai Thy, Trần Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Bảo Trung, Châu Tài Tảo, Trần Thị Tuyết Hoa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu mầm bệnh ký sinh trùng trên cua biển nuôi quảng canh ở tỉnh Cà Mau. Kết quả đã xác định được 7 giống ký sinh trùng trong mang, máu, gan tụy và khoang cơ thể cua biển: Acineta, Epistylis, Hematodinium, Octolasmic, trùng lông Peniculida, giun tròn Nematoda và Portunion. Các giống ký sinh trùng có chỉ số đa dạng Shannon: 0,8. Giống Portunion ký sinh trong khoang cơ thể của cua biển làm cho cơ bị tiêu biến và làm thay đổi đặc điểm sinh dục thứ cấp. Kết quả kiểm tra 83 mẫu có 82 mẫu bị nhiễm ký sinh trùng. Ấu trùng Portunion có tỷ lệ nhiễm cao nhất (86,7%) trên mang cua biển. Tỷ lệ nhiễm trứng và ấu trùng Portunion trong gan tụy đạt 100% ở cua biển tại huyện Đầm Dơi. Tỷ lệ nhiễm Portunion trưởng thành là 27,7%, tuy nhiên, cường độ nhiễm Portunion trưởng thành ở huyện Năm Căn (5,7 trùng/cua) cao hơn so với nơi khác. Cường độ nhiễm trứng và ấu trùng của Portunion cũng ở mức cao, lần lượt là 33,8 và 24,1 trùng/lame. Giống Hematodinium có cường độ nhiễm cao nhất (86,5 trùng/lame).

Thiết kế câu hỏi đọc hiểu phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản đa phương thức đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn 2018

Phan Phước Nhiều
Tóm tắt | PDF
Đọc hiểu phương tiện phi ngôn ngữ được xem là một yêu cầu bắt buộc khi đọc các văn bản thông tin có kết hợp nhiều phương thức trình bày như hình ảnh, sơ đồ, bảng,… mà chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra. Căn cứ trên các yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn 2018 và đặc điểm của các câu hỏi đọc hiểu phương tiện phi ngôn ngữ trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, 11 hiện nay, các loại câu hỏi đọc hiểu phương tiện phi ngôn ngữ được đề xuất trong bài viết để giúp học sinh đạt được các yêu cầu về kĩ năng đọc đối với văn bản thông tin, đáp ứng mục tiêu của chương trình. Khi thiết kế câu hỏi đọc hiểu về phương tiện phi ngôn ngữ, cần đảm bảo một số nguyên tắc nhất định, giáo viên cần chú ý đến sự kết nối giữa các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu phương tiện phi ngôn ngữ với yêu cầu cần đạt về đọc hiểu nội dung của văn bảnđể đáp ứng tổng thể các yêu cầu mà chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra.

Tìm hiểu mức độ hiệu quả trong giảng dạy tư duy thiết kế tại trường Đại học Yersin Đà Lạt

Nguyễn Trần Xuân Thành
Tóm tắt | PDF
Tư duy thiết kế đang trở nên ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, kinh doanh cho đến công nghệ. Việc đưa tư duy thiết kế vào chương trình đào tạo đại học đang được nhiều trường có chuyên ngành về lĩnh vực thiết kế triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả giảng dạy tư duy thiết kế vẫn chưa có nhiều sự ghi nhận. Bằng phương pháp quan sát kết hợp với phỏng vấn các đối tượng là sinh viên khóa K20 ngành Thiết kế nội thất trường Đại học Yersin Đà Lạt, dữ liệu quá trình giảng dạy về tư duy thiết kế được thu thập. Kết quả phân tích cho thấy sinh viên còn gặp khó khăn trong việc nhớ và áp dụng các bước của tư duy thiết kế, việc thiếu kỹ năng mềm và học trực tuyến cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả giảng dạy. Nhà trường cần tổ chức các lớp kỹ năng mềm, tăng cường hướng dẫn trực tiếp và thiết kế các hoạt động thực hành hấp dẫn như workshop, ứng dụng tư duy thiết kế vào giải quyết vấn đề thực tế.

Áp dụng phương pháp tình huống thực tế vào giảng dạy học phần Khoa học điều tra hình sự và Giám định pháp y trong đào tạo luật tại trường đại học Cần Thơ

Cao Thanh Thùy, Nguyễn Hoài Châu, Võ Thị Bảo Trâm
Tóm tắt | PDF
Học phần Khoa học điều tra hình sự và Giám định pháp y áp dụng phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tình huống thực tiễn vào đào tạo học phần là cần thiết đối với người học, việc đưa tình huống thực tế vào phân tích, đánh giá giúp cho người học hiểu sâu hơn về kiến thức nền tảng và có khả năng ứng dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy bằng vận dụng tình huống thực tế không chỉ tạo cảm hứng cho người học mà còn làm cho buổi học trở nên sinh động, hấp dẫn; từ đó, tạo nên sự kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn trong giảng dạy, giúp người học dễ dàng tiếp cận và vận dụng lý thuyết vào các tình huống cụ thể một cách tốt hơn; góp phần nâng cao được chất lượng giảng dạy học phần, đáp ứng được tiêu chuẩn đầu ra môn học.