Ngày xuất bản: 24-10-2016

Kết quả khảo sát Escherichia coli sinh beta-lactamase phổ rộng trên gà tại một số cơ sở giết mổ ở tỉnh Vĩnh Long

Bùi Thị Lê Minh, Lưu Hữu Mãnh, Nguyễn Nhựt Xuân Dung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ nhiễm và phát hiện gene mã hóa beta-lactamase phổ rộng (ESBL) trên E. coli phân lập từ gà tại một số cơ sở giết mổ ở tỉnh Vĩnh Long. Tổng cộng có 180 mẫu (45 mẫu phổi, 45 mẫu gan, 45 mẫu thịt và 45 mẫu phân) của 45 con gà từ ba cơ sở giết mổ ở tỉnh Vĩnh Long được kiểm tra bằng phương pháp đĩa kết hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 51.11% gà nhiễm E. coli sinh ESBL ở cả ba cơ sở giết mổ. Từ những con gà dương tính, 69 chủng E. coli sinh ESBL được kiểm tra tính nhạy cảm với 13 loại kháng sinh bằng phương pháp đĩa khuếch tán Kirby-Bauer. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chủng vi khuẩn này đề kháng từ 1 - 9 loại kháng sinh. Sự đề kháng cao nhất đối với các kháng sinh nhóm beta-lactam: ampicillin (100%), cefaclor (100%) và cefuroxime (98,55%). Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn này vẫn còn nhạy cảm cao với kháng sinh amikacin (98,55%), fosfomycin (84,06%). Qua kiểm tra 10 chủng vi khuẩn bằng phương pháp PCR, sự hiện diện của gen blaCTX-M, blaTEM and blaSHV được xác định lần lượt là 100%, 90% và 80%.

Xác định thành phần loài giun móc ở chó nhà tại tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng bằng phân tích hình thái học và sinh học phân tử

Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Bệnh giun móc là một trong những bệnh ký sinh trùng phổ biến trên chó nuôi ở Việt Nam, và bệnh có khả năng truyền lây từ động vật sang người. Do vậy, bệnh không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi mà con ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đề tài được thực hiện nhằm xác định thành phần loài giun móc trên chó tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng. Giun móc được thu thập trên 2 địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng bằng phương pháp mổ khám. Sau đó, các mẫu giun móc được định danh dựa vào khóa định danh phân loại Phan Thế Việt và ctv. (1977), Levine N.D. (1968), Soulsby (1977). Kỹ thuật PCR – RELP (PCR đoạn gene ITS1, và sử dụng enzyme cắt giới hạn RsaI được dùng để phân biệt giun móc ở cấp độ phân tử. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm giun móc trên chó trung bình là 64,00%, trong đó chó nhiễm A. caninum, A. ceylanicum và A. braziliense lần lượt với tỷ lệ là 59,65%; 25,00%; 16,35%. Chó 12 – 24 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm là 71,03% cao hơn ở chó trên 24 tháng tuổi (60,55%). Tỷ lệ nhiễm có xu hướng giảm dần theo tuổi. Chó nuôi thả rông có tỷ lệ nhiễm giun móc cao 71,6% và thấp hơn ở chó nuôi nhốt là 38,20%. Đặc điểm hình thái học và kỹ thuật sinh học phân tử PCR – RELP cho thấy, 3 kiểu hình A1, A2 và A3 tương ứng với 3 loài giun móc A. caninum, A. ceylanicum và A. braziliense. Kết quả giải trình tự đoạn gene ITS1 cho kết quả hoàn toàn trùng khớp với kết quả phân tích PCR – RELP.

Mức độ vấy nhiễm vi khuẩn trên thịt gia cầm tại lò mổ và chợ bán lẻ thành phố Bến Tre

Lưu Hữu Mãnh, Trần Xuân Đào, Bùi Thị Lê Minh, Nguyễn Nhựt Xuân Dung
Tóm tắt | PDF
Chất lượng vệ sinh thịt gia cầm tươi tại thành phố Bến Tre được đánh giá dựa trên phân tích các chỉ  tiêu nhiễm vi khuẩn của 93 mẫu, trong đó có  66 mẫu thịt tại cơ sở giết mổ gia cầm A và sạp  bán lẻ thịt gia cầm ở hai chợ, 12 mẫu phết sàn giết mổ, sàn sạp ở chợ, 15 mẫu nước sử dụng trong lò mổ và ở sạp thịt được khảo sát. Các chỉ tiêu vi sinh được khảo sát  bao gồm tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliforms, Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Salmonella spp bằng phương pháp nuôi cấy thường qui và được đánh giá theo TCVN 7046:2009 về thịt tươi. Kết quả thu được cho thấy, mẫu thịt gia cầm tươi tại lò mổ bị nhiễm tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliforms, E. coli, S. aureus và Salmonella spp. lần lượt là 100%, 100%, 80,%, 13,3%, và 36,65%; trong khi đó mẫu thịt gia cầm tại chợ bán lẻ nhiễm các loại vi khuẩn trên lần lượt là 100%, 100%, 80,6%, 13,9%, 41,7%. Số lượng vi khuẩn vấy nhiễm cao hơn mức độ cho phép theo tiêu chuẩn TCVN 7046:2009 về thịt tươi. Khảo sát mức độ vấy nhiễm vi khuẩn ở nguồn nước sử dụng, sàn giết mổ  ở lò mổ và sàn sạp, nước sử dụng ở sạp bán lẻ cho thấy điều kiện vệ sinh kém, do đó việc soát chặt chẽ hơn nữa các điều kiện vệ sinh môi trường ở lò giết mổ và chợ bán thịt gia cầm là điều cần thiết.

Tình hình nhiễm sán lá gan nhỏ trên vịt tại một số tỉnh Nam Trung Bộ Việt Nam

Trương Hoàng Phương, Nguyễn Đức Tân, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Hữu Hưng
Tóm tắt | PDF
Có tổng số 1920 vịt được mổ khám ở tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa để xác định tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ. Kết quả cho thấy, sán lá gan nhỏ chỉ được tìm thấy trên vịt ở tỉnh Bình Định với tỷ lệ nhiễm 19,31%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm trên vịt ở hình thức nuôi bán chăn thả (20,28%)  cao hơn so với hình thức nuôi nhốt (18,22%). Tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ trên vịt ở huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát (là vùng đồng bằng), cao hơn so với huyện An Lão, Vân Canh (là vùng miền núi). Tỷ lệ nhiễm trên giống vịt siêu trứng (29,76%) cao hơn so với giống vịt siêu thịt (4,67%). Vịt ở giai đoạn sinh sản nhiễm cao hơn nhóm vịt khác: vịt con (0-8 tuần tuổi) chưa nhiễm sán, tỷ lệ nhiễm trên vịt hậu bị và trên vịt sinh sản lần lượt là 11,22% và 32,12%. Phân tích hình thái học cho thấy, tất cả những mẫu sán lá gan nhỏ trên vịt ở Bình Định thuộc họ Opisthorchiidae, giống Opisthorchis, loài Oisthorchis parageminus.

Tình hình nhiễm cầu trùng trên gà nuôi công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long

Cao Thanh Hoàn, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Đề tài “Tình hình cầu trùng trên gà công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 04/2016. 2400 mẫu phân gà thu thập từ tuần tuổi đầu tiên đến tuần tuổi thứ 6 được kiểm tra bằng phương pháp phù nổi, rồi tiến hành đo kích thước noãn nang, đếm số lượng noãn nang và theo dõi thời gian sinh bào tử để phân loại theo phương pháp của Eckerk (1995). Kết quả kiểm tra cho thấy, những đàn gà nuôi theo kiểu chuồng kín tại các trại chăn nuôi gà công nghiệp tỉnh Vĩnh Long bị nhiễm cầu trùng với tỷ lệ chung là 38,33%. Tỷ lệ nhiễm cầu trùng có khuynh hướng tăng nhanh ở tuần thứ 2 (7%) đến tuần thứ 4 (100%), sau đó giảm dần. Ở tuần thứ 5 và 6, tỷ lệ nhiễm ở đàn gà chỉ còn 37% và 35%. Gà bị nhiễm cầu trùng có biểu hiện: ủ rũ, ít vận động, uống nhiều nước, gà đi phân có màng nhày, có bọt máu, phân sáp nâu, hậu môn dính đầy phân. Sự hiện diện của noãn nang cầu trùng trong các mẫu phân nhuốm máu chiếm tỷ lệ cao nhất (76,79%), kế đến là mẫu phân sáp nâu (48,38%), mẫu phân màng nhày (33,52%) và trong những mẫu phân bình thường hiện diện noãn nang cầu trùng chiếm tỷ lệ thấp nhất (15,35%). Về thành phần loài, đàn gà nuôi trong kiểu chuồng kín ở Vĩnh Long nhiễm ít nhất 3 loài cầu trùng là Eimeria acervulina, Eimeria tenella và Eimeria maxima. Trong đó, 2 loài trên 1 cá thể là phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 37,83%, kế đến là nhiễm ghép cả 3 loài chiếm tỷ lệ 27,39% và tỷ lệ gà chỉ nhiễm 1 loài cầu trùng là 34,78%. Kết quả khảo sát này là báo cáo đầu tiên về tình hình nhiễm cầu trùng trên gà thịt nuôi công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long và cần thiết thực hiện những nghiên cứu tiếp theo để phát triển các biện pháp phòng trị bệnh cầu trùng có hiệu quả ở những trại chăn nuôi gà thịt trong khu vực.

Ảnh hưởng của sự bổ sung phụ phẩm khoai lang kết hợp khô dầu dừa lên tăng trọng, chất lượng thân thịt và tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất của thỏ lai

Nguyễn Thị Kim Đông, Nguyễn Văn Thu
Tóm tắt | PDF
Một nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự bổ sung phụ phẩm khoai lang (KL) kết hợp với khô dầu dừa (KDD) ở các mức độ khác nhau trong khẩu phần lên tăng trọng, chất lượng thân thịt, tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất của thỏ lai. Sáu mươi thỏ lai ở 8 tuần tuổi được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Năm nghiệm thức là 5 mức độ bổ sung KL kết hợp với KDD tương ứng với các khẩu phần lần lượt là KL10-KDD30, KL20-KDD25, KL30-KDD20, KL40-KDD15 và KL50-KDD10. Mỗi đơn vị thí nghiệm gồm có 4 thỏ lai cân bằng phái tính và thí nghiệm được tiến hành trong 8 tuần. Thí nghiệm tiêu hóa dưỡng chất được thực hiện trong 7 ngày khi thỏ đạt 11 tuần tuổi. Kết quả cho thấy lượng DM, OM và ME tiêu thụ cao hơn có ý nghĩa thống kê (p

Khảo sát tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa ở nhím đuôi ngắn (Hystrix brachyura) tại tỉnh Trà Vinh

Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Thị Kim Quyên, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Qua kiểm tra 255 mẫu phân nhím và mổ khám 27 con nhím ở 3 huyện Cầu Ngang, Càng Long và Cầu Kè tại tỉnh Trà Vinh, kết quả cho thấy: với phương pháp kiểm tra phân, nhím nhiễm giun tròn có tỷ lệ nhiễm chung là 76,5%. Tỷ lệ nhiễm giun tròn tăng dần theo lứa tuổi, nhím ở lứa tuổi >24 tháng có tỷ lệ nhiễm cao nhất 90%, nhím từ 13 - 24 tháng tuổi nhiễm 86,7%, kế đến là nhím từ 3 - 12 tháng tuổi nhiễm 70% và thấp nhất là nhím 13 tháng và >24 tháng nhiễm giun tròn 100%, kế đến là nhím từ 3 - 12 tháng tuổi nhiễm 88,9%. Có 3 loài giun tròn được tìm thấy ký sinh trên nhím là Trichuris infundibulus, Enterobius vermicularis và Neoascaris mackerrasa. Tuy nhiên lại có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm giữa các loài so với phương pháp kiểm tra phân. Các loài Trichuris infundibulus, Enterobius vermicularis có tỷ lệ nhiễm cao 96,3%, thấp nhất là loài Neoascaris mackerrasae nhiễm 18,5%.

Ảnh hưởng của sự bổ sung acid glutamic lên tăng trọng, chất lượng quầy thịt, tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất và hiệu quả kinh tế của thỏ Californian tăng trưởng

Trương Thanh Trung, Nguyễn Thị Kim Đông
Tóm tắt | PDF
Một nghiên cứu được tiến hành nhằm mục đích xác định ảnh hưởng của các mức độ bổ sung acid glutamic trong khẩu phần lên tăng trọng, chất lượng quầy thịt, tỷ lệ tiêu hóa dưỡng chất và hiệu quả kinh tế của thỏ Californian tăng trưởng. Sáu mươi thỏ Californian được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Năm nghiệm thức tương ứng với 5 khẩu phần bổ sung acid glutamic khác nhau trong khẩu phần là 0; 0,2; 0,4; 0,6; 0,8 g/con/ngày. Mỗi đơn vị thí nghiệm gồm có 2 thỏ đực và 2 thỏ cái và thí nghiệm được thực hiện trong 10 tuần. Thí nghiệm tiêu hóa dưỡng chất được thực hiện trong 7 ngày liên tục khi thỏ 70 ngày tuổi. Kết quả thí nghiệm cho thấy lượng dưỡng chất tiêu thụ khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P>0,05) giữa các nghiệm thức. Tăng trọng thỏ thí nghiệm ở các nghiệm thức có bổ sung acid glutamic được cải thiện và đạt kết quả cao hơn có ý nghĩa thống kê (19,8 g/con/ngày) (P

Khảo sát tỷ lệ nhiễm virus Newcastle và Gumboro trên gà thả vườn ở xã Thông Hòa thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Huỳnh Ngọc Trang, Chưởng Thị Cẩm Vân, Nhan Thanh Thiện, Hồ Thị Việt Thu, Bùi Thị Lê Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện nhằm khảo sát tỷ lệ nhiễm virus Newcastle và Gumboro trên gà thả vườn ở xã Thông Hòa. Tổng số mẫu huyết thanh được thu thập là 93, các mẫu được lấy từ gà chưa tiêm phòng vắc xin để kiểm tra kháng thể. Kháng thể kháng virus Newcastle được kiểm tra qua xét nghiệm ức chế ngưng kết hồng cầu (HI) và kháng thể kháng virus Gumboro được kiểm tra bằng xét nghiệm ELISA. Trong tổng số 93 mẫu huyết thanh có 72 (77.4%) mẫu dương tính với kháng thể kháng virus Newcastle. Tỷ lệ nhiễm virus Gumboro là 68.8%, trong khi đó tỷ lệ nhiễm ghép Newcastle và Gumboro là 54.8%. Nghiên cứu cho thấy có sự lưu hành của virus Newcastle và Gumboro trên đàn gà khảo sát.

Chẩn đoán bệnh “cúm cần” ở vịt bằng phương pháp thử nghiệm trên chuột bạch

Nguyễn Thu Tâm, Nguyễn Đức Hiền, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
Trong những năm gần đây, nhiều vịt bị chết do một bệnh mới xuất hiện được người nuôi vịt ở Đồng bằng sông Cửu Long gọi là bệnh “cúm cần”. Bệnh có các triệu chứng phổ biến như liệt cổ, liệt mí mắt, liệt cánh và không có bệnh tích điển hình, tương tự bệnh “cổ mềm” do nhiễm độc tố thần kinh của vi khuẩn Clostridium botulinum (botulin) đã được mô tả trước đây ở Hoa Kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2016, chúng tôi đã tiến hành thu thập và kiểm tra 50 mẫu huyết thanh của vịt có triệu chứng như mô tả ở trên để chẩn đoán bằng phương pháp thử nghiệm gây chết chuột bạch theo mô tả của CDC (1998). Những bệnh phẩm huyết thanh không xử lý hoặc đã được xứ lý nhiệt được tiêm vào xoang bụng cho 2 nhóm chuột bạch và theo dõi triệu chứng trong vòng 7 ngày. Kết quả cho thấy có 37/50 mẫu bệnh phẩm huyết thanh không xử lý nhiệt đã gây chết chuột, chiếm tỷ lệ 74%, trong khi tất cả mẫu huyết thanh đã xử lý nhiệt đều không gây chết chuột thí nghiệm. Chuột thí nghiệm trước khi chết thường có các triệu chứng ủ rủ, kém vận động, khó thở và liệt hai chi sau. Những chuột chết sau khi tiêm huyết thanh vịt bệnh thấy có bệnh tích xuất huyết ở bề mặt gan (86,05%), phổi (83,72%), và ở tim (72,09%)). Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy bệnh “cúm cần” trên vịt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khả năng là do bị nhiễm độc tố botulin của vi khuẩn Clostridium botulinum.

Khảo sát chất lượng không khí và vị trí chuồng nuôi lên năng suất sinh sản của gà đẻ trứng giống Hisex Brown

Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Lê Thanh Phương, Lưu Hữu Mãnh
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện tại một trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm giống Hisex Brown của công TNHH Emivest Việt Nam ở Bình Phước để đánh giá ảnh hưởng của yếu tố môi trường như nhiệt độ (oC), ẩm độ tương đối (%), tốc độ gió (m/s), khí O2 (%), NH3, H2S, CO và CH4 (ppm) và sự có mặt của vi khuẩn Escherichia coli và trứng cầu trùng (Eimeria spp) trong phân lên tỷ lệ đẻ, tiêu tốn thức ăn, khối lượng trứng và hệ số chuyển hóa thức ăn của gà mái Hisex Brown. Gà được nuôi trong chuồng kín thông gió, được chia thành 4 vị trí, với tổng đàn 20.000 gà mái/ chuồng. Gà được nuôi 4 con/ô lồng với mật độ là 472 cm2/con. Phân gà được thu dọn sau 6 đến 8 ngày. Hệ thống điều hòa nhiệt độ và ẩm độ được đặt ở đầu dãy chuồng (ĐDC) và quạt hút ở cuối chuồng (CC). Kết quả chỉ rằng trong một tuần hàm lượng khí NH3 tăng dần sau khi dọn phân từ ĐDC đến CC nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Không phát hiện các khí độc như CO, H2S, và CH4 cả bên trong và ngoài chuồng nuôi. Mật độ Escherichia coli và Eimeria spp. trong phân nằm trong ngưỡng cho phép. Vị trí chuồng nuôi không ảnh hưởng lên tỉ lệ đẻ trứng của gà, nhưng sản lượng trứng và khối lượng trứng thì giảm dần từ vị trí ĐDC đến CC.

Ảnh hưởng của bổ sung bột tỏi lên năng suất sinh trưởng và hàm lượng vi khuẩn E. coli trong phân của heo giai đoạn tăng trưởng

Lê Thị Mến, Nguyễn Hiếu Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành trên 105 heo sau cai sữa, giống heo lai Duroc x (Yorkshire – Landrace), có khối lượng bình quân đầu kỳ là 15,03±0,23 kg/con và được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên vào 7 nghiệm thức: (i) Đối chứng (ĐC) là khẩu phần cơ sở (KPCS), không bổ sung chế phẩm bột tỏi (BT), (ii) KPCS bổ sung 0,04% BT (BT4), (iii) KPCS bổ sung 0,06% BT (BT6), (iv) KPCS bổ sung 0,08% BT (BT8), (v) KPCS bổ sung 0,10% BT (BT10), (vi) KPCS bổ sung 0,12% BT (BT12), (vii) KPCS bổ sung 0,14% BT (BT14) và 3 lần lặp lại. Kết quả về khối lượng cuối kỳ (kg/con) của heo ở BT12 (67,67) là cao nhất (p

Ảnh hưởng của các mức độ bổ sung dầu dừa vào khẩu phần đến sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tiêu hóa dưỡng chất và các chỉ tiêu dịch dạ cỏ của bò Lai Sind

Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Thị Kim Đông
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành tại trại nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức JIRCAS (Nhật Bản) thuộc Khoa Phát triển Nông thôn của Trường Đại học Cần Thơ nhằm xác định ảnh hưởng của các mức độ bổ sung dầu dừa lên sự sinh khí mêtan và cacbonic của bò lai Sind. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hình vuông Latin với 4 nghiệm thức là các mức độ bổ sung dầu dừa trong khẩu phần ở 0, 1, 2 và 3% (DM), tương ứng với các nghiệm thức DD0, DD1, DD2 và DD3 trên 4 bò đực có trọng lượng là 213±27,6 kg. Kết quả thu được cho thấy, lượng vật chất khô tiêu thụ (DMI) cao hơn ở nghiệm thức DD0 (4,80kg/ngày) có ý nghĩa thống kê (p0,05) giữa các nghiệm thức. Lượng tiêu hóa DM, OM và NDF (kg/con/ngày) cũng không khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>0.05). Lượng CH4 sinh ra giảm dần có ý nghĩa thống kê (p0,05) giữa các nghiệm thức. Kết quả chỉ ra: khi bổ sung dầu dừa tăng dần từ 1,0 đến 3,0%, lượng CH4 phát thải và vật chất khô ăn vào của bò giảm dần, tuy nhiên lượng DM, OM, CP và NDF được tiêu hóa và các thông số dịch dạ cỏ chưa phát hiện có sự khác biệt.

Khảo sát tỷ lệ nhiễm Leptospira trên chuột (Rattus novergicus và Rattus rattus) tại tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thị Bé Mười, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ nhiễm Leptospira trên chuột tại thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất của tỉnh Kiên Giang bằng thử nghiệm vi ngưng kết (M.A.T) với 18 serogroup Leptospira. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nhiễm Leptospira trên chuột tại tỉnh Kiên Giang là 22,73%(20/88), trong đó chuột cống(Rattus novergicus) nhiễm với tỷ lệ là 19,18%(14/73) và chuột nhà (Rattus rattus) nhiễm 46,15%(6/15). Các serogroup phổ biến trên chuột là: L. semaranga(14,29%), L. grippotyphosa(9,52%) và L. ballum(9,52%). Cường độ nhiễm serogroup trên 1 cá thể chuột cao nhất là 4 serogroup(2/20, 10%), 3 serogroup(5/20, 25%) và 2 serogroup (6/20, 30%).

Điều tra về sinh trưởng, sản xuất và kỹ thuật nuôi bò sữa tại Nông trường Sông Hậu, hợp tác xã bò sữa Long Hòa và Evergrowth ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Văn Phong, Nguyễn Văn Thu
Tóm tắt | PDF
Điều tra này được thực hiện trên đàn bò sữa tại Nông trường Sông Hậu, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sữa Long Hòa của thành phố Cần Thơ và HTX bò sữa Evergrowth của tỉnh Sóc Trăng. Tổng số bò được điều tra là 923 bò lai HF (Holstein Friesian x lai Sind) gồm có 90 bò lai F1, 390 bò lai F2, 387 bò lai F3 và 56 bò lai F4, tuy nhiên số lượng cá thể của bò F1 và F4 được điều tra chưa đủ để đánh giá một số chỉ tiêu. Kết quả cho thấy, khối lượng và kích thước các chiều đo của bò lai F4 từ 1 đến 19 tháng tuổi cao hơn bò F2 và F3. Chu kỳ cho sữa (305 ngày) của bò lai F3 đạt cao nhất (4.179±54,9 kg), kế đó là bò F2 (4.057±27,5 kg) và F1 (3.477±91,5 kg). Tuổi lên giống lần đầu và mang thai lần đầu theo thứ tự là 18,5 và 21,7 tháng ở bò F1, 17,6 và 20,8 tháng ở bò F2, và 17,6 và 20,4 tháng ở bò F3. Số lần phối giống để đậu thai trung bình là 2,40 với số lần cao nhất là bò F3 (2,80), kế đến là bò F2 (2,40) và bò F1 (2,0). Thời gian lên giống (ngày) lại sau khi đẻ là 45,5, 45,2 và 44,1 theo thứ tự ở bò F1, F2 và F3. Kết luận của nghiên cứu là tầm vóc và khối lượng của bò lai HF ở thế F4 cao hơn các thế hệ khác, trong khi năng suất sữa ở bò cái F3 thì cao hơn. Có sự tăng số lần phối giống nhân tạo để đạt thụ thai theo thứ tự từ bò cái F2, F3 và F4.

Bệnh gan trên chó tiểu đường tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Trần Thị Thảo, Võ Quốc Thịnh, Trần Ngọc Bích, Nguyễn Phúc Khánh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành trên 2.191 con chó được nuôi dưỡng tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và được khám tại một số phòng mạch thú y của quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, từ tháng 1/2015 đến tháng 5/2016. Thông qua bệnh sử, tiến hành chẩn đoán lâm sàng và xét nghiệm đường huyết (ĐH) mao mạch sau khi ăn 8 giờ bằng giấy thử One Touch Ultra với phương pháp đặc hiệu dựa trên phản ứng glucose oxydaza, đọc kết quả sau 5 giây bằng máy đọc tự động One Touch Ultra  của công ty Johnson & Johnson của Mỹ. Chẩn đoán bệnh tiểu đường trên chó được dựa theo tiêu chuẩn của WSAVA, 2010 (World Small Animal Verterinary Association, 2010). Chẩn đoán bệnh gan trên chó tiểu đường bằng cách định lượng men AST (Aspartate Aminotransferase) và ALT (Alanine Aminotransferase) trong huyết tương của chó tiểu đường. Chẩn đoán bệnh gan trên chó theo tiêu chuẩn chẩn đoán của The Mecrk, 2013. Kết quả cho thấy, 124 chó tiểu đường chiếm 5,66%, 67 trong 124 trường hợp bị bệnh gan chiếm 54,03%. Trong đó, tỷ lệ chó cái tiểu đường mắc bệnh gan là 50,62% và chó đực là 60,74 %. Chó >7 năm tuổi tiểu đường mắc bệnh gan cao nhất với tỷ lệ 67,74% và thấp nhất là trên chó từ 3 - 5 năm tuổi với tỷ lệ 26,1%. Thêm vào đó, bệnh gan trên chó tiểu đường biểu hiện các triệu chứng phổ biến như biếng ăn, ói kéo dài (40,30%), đau hạ sườn phải (31,34%), vàng da (7,46%) và các triệu chứng khác ( triệu chứng lâm sàng không rõ ràng đôi khi không có triệu chứng) chiếm 22,39%.

Tình hình nhiễm Escherichia coli sinh beta-lactamase phổ rộng trên gà bệnh ở tỉnh Vĩnh Long

Bùi Thị Lê Minh, Lưu Hữu Mãnh, Nguyễn Nhựt Xuân Dung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự hiện diện của E. coli sinh beta-lactamase phổ rộng (E. coli sinh ESBL) phân lập từ 100 con gà bệnh ở tỉnh Vĩnh Long bằng phương pháp đĩa kết hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy 61% gà bệnh nhiễm E. coli sinh ESBL và những vi khuẩn này được tìm thấy trên phổi (8%), gan (7%), thịt (15%) và phân (56%); sự hiện diện của E. coli sinh ESBL trên gà thịt (82,14%) cao hơn trên gà đẻ (34,09%). Hai trăm chủng E. coli sinh ESBL được kiểm tra tính nhạy cảm với 13 loại kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chủng vi khuẩn này để kháng từ 2-12 loại kháng sinh. Sự đề kháng cao nhất đối với các kháng sinh nhóm beta-lactam: ampicillin (99,5%), cefaclor (94%) và cefuroxime (76%). Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn này vẫn còn nhạy cảm cao với kháng sinh amikacin (95,5%), fosfomycin (83%) và doxycyline (75%). Bốn mươi chủng E. coli sinh ESBL đa kháng được chọn để xác định gene bla TEM, bla SHV, bla CTX-M mã hóa beta-lactamase phổ rộng bằng phương pháp PCR. Kết quả cho thấy, tỷ lệ gene bla TEM, bla CTX-M và bla SHV được phát hiện nhiều ở các chủng kiểm tra (lần lượt là 90%, 85% và 62,5% ).

Nghiên cứu sự thay thế protein của khô dầu dừa trong khẩu phần đến tăng trọng và năng suất thịt của gà Sao

Nguyễn Thị Kim Đông
Tóm tắt | PDF
Một nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự thay thế protein ở khô dầu dừa cho protein của khẩu phần thức ăn hỗn hợp trên tăng trọng, chất lượng thân thịt và hiệu quả kinh tế của gà Sao nuôi thịt. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 3 lần lặp lại trên 150 gà Sao 28 ngày tuổi. 5 nghiệm thức là 5 mức độ protein khô dầu dừa tương ứng 0, 7.5, 15, 22.5 và 30% thay thế lượng protein của khẩu phần thức ăn hỗn hợp. Mỗi đơn vị thí nghiệm có 10 gà và thí nghiệm được tiến hành trong 10 tuần. Kết quả lượng DM, OM và CP tiêu thụ không có sự biến động (p>0,05) giữa các nghiệm thức, trong khi lượng EE và ME tiêu thụ cao hơn có ý nghĩa thống kê (p

Khảo sát sự biến đổi của thịt heo tại chợ và siêu thị

Lý Thị Liên Khai, Nguyễn Thu Tâm
Tóm tắt | PDF
Đề tài được nghiên cứu nhằm xác định sự biến đổi của thịt heo qua các chỉ tiêu cảm quan, lý hoá và vi sinh vật theo thời gian và nhiệt độ trên 336 mẫu thịt heo lấy tại lò mổ heo, chợ và siêu thị tại thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Thịt bán ở chợ nhiệt độ thường (28 - 320C), sau 6 giờ kể từ lúc giết mổ có sự biến đổi về mặt cảm quan, lý hóa như pH, H2S (26,39%) và càng tăng khi thời gian bày bán càng lâu.. pH thịt bán ở siêu thị Coopmart được bảo quản ở nhiệt độ mát (15 - 180C) và nhiệt độ lạnh trong Metro (5 - 80C) ít bị biến đổi, không có H2S và NH3. Tổng số vi khuẩn hiếu khí, E. coli, Staphylococcus aureus và Salmonella có sự gia tăng về số lượng theo thời gian và nhiệt độ. Thịt bày bán ở chợ có số lượng vi khuẩn nhiễm cao hơn thịt bán trong Metro ở nhiệt độ lạnh. Thịt bán ở chợ, Coopmart và Metro đạt chất lượng (TCVN 7046:2009) ở 9 giờ sau khi giết mổ về cảm quan, lý hoá và vi sinh vật có tỷ lệ lần lượt là 0%, 44,44%, 0% (chợ); 100%, 100%, 0% (Coopmart); 100%, 100%, 16,67% (Metro). Mức độ nhiễm vi khuẩn E. coli và Staphylococcus aureus trên thịt ở phương thức giết mổ thủ công cao hơn phương thức giết mổ bán thủ công lần lượt gấp 1,17 lần và 10,5 lần.

Khảo sát kháng thể kháng virus dại trên chó ở một số lò mổ tại thành phố Cần Thơ

Trương Phúc Vinh, Nguyễn Đức Hiền, Nguyễn Phúc Khánh, Lê Bình Minh
Tóm tắt | PDF
Khảo sát kháng thể kháng virus dại trên chó ở một số lò mổ tại thành phố Cần Thơ được tiến hành từ tháng 02/2015 đến tháng 11/2015 bằng phương pháp ELISA gián tiếp với bộ Kit SERELISA® Rabies Ab Mono Indirect. Qua xét nghiệm 184 mẫu huyết thanh chó ở các lò mổ của 6 quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ thu được kết quả tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ là 14,13% (26/184). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ ở các khu vực khác nhau nhưng không có ý nghĩa thống kê: cao nhất là ven nội thành 22,64% (12/53), kế đến là nội thành 10,9% (6/55) và thấp nhất là ngoại thành 10,53% (8/76). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ thấp nhất là chó < 1,5 năm 8,5% (8/94), kế đến là chó 1,5 – 2,5 năm 17,51% (13/74) và cao nhất là chó > 2,5 năm tuổi 31,25% (5/16). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ trên giống chó nội 13,25% (22/166) thấp hơn so với giống chó ngoại 22,22% (4/18). Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ trên chó đực và chó cái bằng nhau 14%. Tỷ lệ chó có kháng thể bảo hộ chủ yếu tập trung ở mức hàm lượng 0,6 – 10 UI/ml huyết thanh là 84,6 % và ở mức hàm lượng > 10 UI/ml huyết thanh là 15,4%.

Tình trạng nhiễm sán lá gan lớn trên bò tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thử hiệu quả tẩy trừ

Hà Huỳnh Hồng Vũ, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Qua kiểm tra 2768 mẫu phân bò, mổ khám 773 con bò tại 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, và Sóc Trăng thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và tiến hành thử nghiệm với thuốc albendazole để tẩy trừ 30 bò nhiễm Fasciola sp. ở cường độ nhiễm từ 2+ trở lên. Kết quả cho thấy: tình hình nhiễm sán lá gan qua kiểm tra phân tại ĐBSCL chiếm tỷ lệ nhiễm 15,35%. Trong đó, bò ở tỉnh Bến Tre có tỷ lệ nhiễm sán lá gan 15,97% cao nhất, kế đến là bò nuôi ở tỉnh Trà Vinh (15,78%) và nhiễm thấp nhất là ở tỉnh Sóc Trăng (14,33%). Bò địa phương có tỷ lệ nhiễm 16,28% cao hơn tỷ lệ nhiễm của bò lai Sind 15,73% và nhiễm thấp nhất ở bò sữa 7,07%. Bò nhiễm sán lá gan có khuynh hướng tăng dần theo lứa tuổi. Phương thức nuôi có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ nhiễm với 19,18% ở hình thức nuôi bán chăn thả và 8,86% đối với nuôi nhốt. Qua mổ khám, thu thập và định danh phân loài các mẫu sán lá gan lớn đang lưu hành và gây hại trên bò ở các tỉnh ĐBSCL là loài sán lá gan Fasciola gigantica với tỷ lệ nhiễm chung là 17,21%, trong đó bò tỉnh Bến Tre nhiễm 17,78% cao nhất, kế đến là bò ở tỉnh Trà Vinh (17,51%) và nhiễm thấp nhất ở bò tỉnh Sóc Trăng (16,26%). Kết quả này trùng hợp với kết quả kiểm tra phân trên địa bàn 3 tỉnh. Thuốc albendazole liều 15mg/kg thể trọng cho uống một lần duy nhất cho hiệu quả tẩy sạch sán lá gan 100% sau thời gian 10 ngày sử dụng thuốc. Thuốc an toàn và không gây phản ứng phụ trong điều trị.

Ảnh hưởng của bổ sung beta-glucan lên năng suất và chất lượng trứng gà đẻ thương phẩm Hisex Brown

Nguyễn Thị Kim Khang, Sơn Ngọc Thái, Phạm Ngọc Du, Đỗ Võ Anh Khoa
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm xác định mức bổ sung beta-glucan thích hợp trong khẩu phần thức ăn (TA) lên năng suất và chất lượng trứng ở gà Hisex Brown giai đoạn từ 33 đến 42 tuần tuổi. Một trăm sáu mươi gà mái được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức (NT) tương ứng với 4 khẩu phần lần lượt là đối chứng (ĐC): khẩu phần cơ sở (KPCS); BG0,025: KPCS + 0,025% beta-glucan; BG0,05: KPCS + 0,05% beta-glucan và BG0,075: KPCS + 0,075% beta-glucan, thí nghiệm được lặp lại 10 lần, mỗi lần lặp lại là 4 gà mái. Kết quả thí nghiệm cho thấy không có sự khác biệt giữa các NT về năng suất trứng, tỷ lệ đẻ và tỷ lệ trứng loại (p>0,05), mặc dù ở các khẩu phần bổ sung beta-glucan có năng suất trứng (65,42 – 66,07 quả/mái) và tỷ lệ đẻ (94,81 – 95,75%) cao hơn so với ĐC (64,83 quả/mái và 93,94%) (p>0,05), bên cạnh đó tỷ lệ trứng loại thấp 0,77-1,97% so với 3,31% ở ĐC. Tương tự, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các NT về tiêu tốn thức ăn (g/gà/ngày) và tiêu tốn thức ăn (g/trứng) (p>0,05). Bổ sung beta-glucan ở mức 0,05% cải thiện được KL trứng và màu lòng đỏ trứng so với các NT khác (p

Ảnh hưởng các yếu tố môi trường chuồng nuôi lên sinh trưởng của gà thịt

Nguyễn Nhựt Xuân Dung, Lê Thanh Phương, Lưu Hữu Mãnh
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện trên bốn chuồng của một trang trại chăn nuôi gà thịt giống Cobb500 thuộc công ty TNHH Emivest Việt Nam ở Bình Phước để đánh giá ảnh hưởng của yếu tố môi trường như nhiệt độ (oC), ẩm độ tương đối (%), tốc độ gió (m/s), khí O2 (vol %), NH3, H2S, CO và CH4 (ppm), sự có mặt của Escherichia coli và Eimeria spp. trong chuồng nuôi lên khối lượng, tiêu tốn và chuyển hóa thức ăn từ 1 - 42 ngày tuổi. Tất cả gà được nuôi trên nền nhà, trong hệ thống chuồng kín thông gió, chuồng được chia ra làm 4 ô có kích thước bằng nhau là 360 m2. Kết quả chỉ rằng, không phát hiện được khí độc như NH3, H2S, CO và khí cháy trong chuồng nuôi. Hàm lượng khí O2 luôn được duy trì ở mức 20,9 vol%. Trong phân, mật độ vi khuẩn E. coli ở mức bình thường 14×106 CFU/g, không có sự hiện diện của Eimeria spp. Khối lượng gà 42 ngày tuổi cao nhất ở vị trí gần quạt thổi gió (3.026 g/con) và thấp nhất ở cuối dãy gần quạt hút (2.871 g/con), trong khi tăng trọng và tiêu tốn thức ăn tương đương nhau. Hệ số chuyển hóa thức (p

Ảnh hưởng thay thế khô dầu dừa bằng ngọn lá mì khô (Manihot esculenta Crantz) lên tăng khối lượng và sinh mê tan trên bò cái Lai Sind

Dương Nguyên Khang, Trương Văn Hiểu
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 11/2014 đến tháng 3/2015 tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm, thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trên 20 con bò cái lai Sind 16 – 18 tháng tuổi, có khối lượng đầu kỳ là 163±8,3 kg. Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức là 5 mức độ thay thế khô dầu dừa bằng ngọn lá mì (NM) khô 0, 5, 10, 15 và 20% trong khẩu phần cơ bản cỏ voi tính theo vật chất khô. Vật chất khô ăn vào từ 2,65 đến 2,78% khối lượng, protein thô ăn vào từ 630 đến 681 g/con/ngày, hệ số chuyển hóa thức ăn từ 7,06 đến 8,02 kg và tăng khối lượng từ 697 đến 734 g/con/ngày. Sản xuất khí mê tan trên bò từ 157 đến 173 lít/kg tăng khối lượng và tương đương nhau giữa các nghiệm thức (p>0,05).

Khảo sát đặc tính probiotic các chủng vi khuẩn Bacillus subtilis phân lập tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Thị Hải Yến, Nguyễn Đức Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát đặc tính probiotic của 21 chủng vi khuẩn Bacillus subtilis phân lập từ đất và phân trại gà tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Các chỉ tiêu khảo sát bao gồm: thử nghiệm khả năng nhạy cảm đối với kháng sinh, khả năng sinh enzyme ngoại bào, và khả năng đối kháng với vi khuẩn gây bệnh. Kết quả cho thấy, 100% các chủng nhạy với 5 loại kháng sinh trong 9 loại thử nghiệm, tỷ lệ nhạy với kháng sinh Colistin là thấp nhất (5%). Mười chủng trong tổng số 21 chủng B.subtilis có khả năng sinh cả 3 loại enzyme ngoại bào amylase, protease và lipase. Khi khảo sát tính đối kháng với vi khuẩn gây bệnh đường ruột, các chủng AG27, AG60, VL05, VL28 có khả năng ức chế sự phát triển của E.coli, Salmonella spp., Staphylococcus spp., và Streptococcus spp. Kết quả bước đầu cho thấy, 4 chủng vi khuẩn Bacillus subtilis AG27, AG60, VL05, VL28 có tiềm năng ứng dụng làm probiotic trong chăn nuôi gia cầm.

Phân lập vi khuẩn Clostridium botulinum trên ốc bươu (Pila conica) và cua đồng (Somanniathelplusa sinensis) tại thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và Kiên Giang

Nguyễn Thu Tâm, Nguyễn Đức Hiền, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
135 mẫu ốc bươu (90) và cua đồng (45) được lấy trên ruộng lúa tại một số huyện thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang từ tháng 01 đến tháng 5 năm 2016. Mẫu được nuôi cấy phân lập trên môi trường cooked-meat medium v môi trường thạch máu trong điều kiện yếm khí và vi khuẩn Clostridium spp được định danh bằng phương pháp nhuộm Gram kết hợp với bộ phản ứng sinh hóa  API 20A. Kết quả cho thấy, Clostridium spp phân lập được từ 15,56% số mẫu khảo sát (21/135). Trong đó, tỷ lệ vi khuẩn phân lập từ ốc bươu chiếm 18,89% (17/90) và từ cua đồng là 8,89% (4/45). Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn C. botulinum trên ốc bươu là 2,22% (2/90) và trên cua đồng là 4,44% (2/45). Kết quả kiểm tra tính nhạy cảm của 21 mẫu vi khuẩn Clostridium spp phân lập được với 5 loại kháng sinh gồm doxycycline, norfloxacin, marbofloxacin, florfenicol và fosfomycine cho thấy các phân lập vi khuẩn này nhạy hoàn toàn (100%) với các kháng sinh thử nghiệm.

Sự lưu hành của Leptospira trên chó tại tỉnh An Giang

Nguyễn Thị Bé Mười, Nguyễn Châu Nguyệt Anh, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ nhiễm Leptospira trên đàn chó nuôi ở tỉnh An Giang bằng thử nghiệm vi ngưng kết (MAT) với 18 serogroup Leptospira. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nhiễm Leptospira trên đàn chó tại tỉnh An Giang là 20,15%(53/263), trong đó có 2 serogroup nhiễm phổ biến nhất là Leptospira icterohaemorrhagiae (50,53%) và Leptospira panama (16,13%). Tỷ lệ nhiễm Leptospira ở giống chó lai (20,69%) và giống chó nội (19,89%) tương tự nhau. Kết quả khảo sát này cho thấy việc chẩn đoán và phòng trị bệnh leptospirosis trên chó là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền Leptospira gây bệnh từ chó sang người nuôi trong tỉnh này.

Ảnh hưởng của bổ sung chế phẩm Halquinol lên năng suất sinh trưởng và hiệu quả kinh tế ở heo sau cai sữa

Lê Thị Mến, Nguyễn Đức Hiền, Huỳnh Minh Trí, Vo Van Son, Phạm Huỳnh Như
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại Công ty Chăn nuôi Vemedim ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ trên 54 heo sau cai sữa, giống lai Duroc x (Yorkshire x Landrace). Heo có khối lượng (KL) bình quân đầu kỳ là 24,94 ± 1,63 kg/con và được bố trí cá thể, theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên vào 3 nghiệm thức (NT): (i) Đối chứng (ĐC) là khẩu phần cơ sở (KPCS), không bổ sung chế phẩm (CP); (ii) KPCS có bổ sung CP Halquinol, cho heo ăn liên tục đến hết thí nghiệm (H-L); và (iii) KPCS có bổ sung CP Halquinol cho ăn cách tuần (H-C). Kết quả sau 8 tuần thí nghiệm cho thấy, các chỉ tiêu về tăng trưởng (KL cuối kỳ, kg/con; tăng trọng tích lũy, kg/con; tăng trọng bình quân, g/con/ngày) của heo ở các NT bổ sung CP cao hơn (p

Sự lưu hành và biến đổi di truyền của virus cúm gia cầm Type A H5N1 trên gia cầm tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Tiền Ngọc Tiên, Quách Thúy Lan, Nguyễn Khoa, Lý Thị Liên Khai
Tóm tắt | PDF
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính của loài gia cầm do virus cúm thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Trong nghiên cứu sự lưu hành và biến đổi di truyền của virus cúm gia cầm type A H5N1 tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long đã tiến hành lấy mẫu dịch hầu họng (swab) trên gà, vịt khỏe bán tại các chợ và các lò giết mổ. Các mẫu dịch hầu họng được xét nghiệm bằng kỹ thuật Real time RT-PCR để định danh virus cúm gia cầm type A H5N1 nhằm xác định tỷ lệ lưu hành. Giải trình tự gene HA đối với một số mẫu đại diện để xác định sự biến đổi di truyền và clade virus. Kết quả cho thấy, tỷ lệ lưu hành của virus cúm gia cầm type A H5N1 trên gia cầm tại bốn tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long) là 6,5%, tỷ lệ lưu hành trên vịt là 9,7% và trên gà là 4%. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát sự biến đổi di truyền cho thấy, tỷ lệ nucleotide của các chủng virus cúm gia cầm type A H5N1 lưu hành tại các địa phương sai khác so với chủng virus tham chiếu A/Hong Kong/6841/2010 từ 2,3-3,2%. Trình tự các acid amin ở vị trí nối kết giữa đoạn HA1 và HA2 là Q-ERRRKR-G tương đồng với trình tự của chủng virus tham chiếu A/Hong Kong/6841/2010. Các chủng virus cúm gia cầm type A H5N1 lưu hành tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long thuộc clade 2.3.2.1c

Tối ưu hóa quá trình lên men giấm vang khoai lang tím (Ipomoea batatas L.) và ổn định anthocyanin, hoạt tính chống oxy hoá trong quá trình tồn trữ

Nguyễn Thị Mỹ Tuyền, Ngô Văn Tài, Lê Ngọc Vỉnh, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tối ưu hóa các thông số cho quá trình lên men acid acetic từ khoai lang tím với sự hiện diện của vi khuẩn Acetobacter aceti. Các thông số của quá trình lên men bao gồm nồng độ ethanol (3 - 7% v/v), nồng độ đường (25 - 75 g/L) và mật số vi khuẩn (104 - 106 tế bào/mL) trong dịch lên men được tối ưu hóa bằng phương pháp bố trí thí nghiệm theo mô hình Box-Behnken. Sự ổn định của anthocyanin và hoạt tính chống oxy hóa của giấm vang có bổ sung acid ascorbic và acid citric (nồng độ 0,25 - 0,75 mg/L) và được tồn trữ ở nhiệt độ phòng được đánh giá trong thời gian tồn trữ. Các điều kiện lên men tối ưu cho nồng độ acid acetic cao nhất (4,275%) được xác định với nồng độ ethanol 5,5% v/v, nồng độ đường 56,5 (g/L) và mật độ vi khuẩn 105 tế bào/mL. Quá trình lên men cũng đã được tiến hành trong điều kiện tối ưu nhằm kiểm định mô hình. Các giá trị thực nghiệm tương đồng với giá trị dự đoán đã cho thấy sự phù hợp của mô hình để dự đoán các thông số cho quá trình lên men acid acetic từ rượu vang khoai lang tím. Trong thời gian tồn trữ, hàm lượng anthocyanin và hoạt tính chống oxy hóa của giấm vang giảm. Việc bổ sung acid citric 0,05% đã giúp ổn định được hàm lượng anthocyanin và hoạt tính chống oxy hóa trong thời gian tồn trữ.

Ảnh hưởng của các điều kiện ngâm và nảy mầm đến hoạt tính α-amylase của hai giống lúa IR50404 và Một Bụi Đỏ

Trần Huỳnh Như An, Triệu Ngọc Hân, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sự thay đổi thành phần tinh bột, amylose, đường khử (RS) và hoạt tính α-amylase (AA) tại các điều kiện ngâm khác nhau như pH 3÷6; pH tối thích có dịch cám (RB) 3÷7% hay acid glutamic (GA) 0,2÷0,6% cũng như nảy mầm ở 37o­C, yếm khí trong 20÷28 giờ đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, nhiệt độ 50oC và pH=5 là điều kiện thích hợp nhất của AA từ hai giống IR50404 và MBĐ. pH thích hợp của MBĐ khi ngâm trong 6 giờ là 4, IR50404 là 3. AA ở MBĐ cao nhất là 60,42 (UI/g) và RS cao nhất là 37,31 (mg/g); AA ở IR50404 cao nhất là 58,38 (UI/g) và RS cao nhất là 37,74 (mg/g). Ở cả 2 giống MBĐ và IR50404, AA khi ngâm ở pH tối ưu có bổ sung RB có xu hướng giảm sau đó tăng dần và đạt tương đương với hoạt tính ban đầu khi không bổ sung. Ở cả 2 giống MBĐ và IR50404, AA khi ngâm ở pH tối ưu có GA có xu hướng giảm dần khi tăng GA và khác biệt so với các nồng độ còn lại ở 0,6%. Như vậy, mỗi giống lúa có pH ngâm thích hợp khác nhau, có thể bổ sung RB 7%, bổ sung GA 0,4% mà AA là không có sự khác biệt ở 2 giống.

Tác dụng của xung ánh sáng đến giá trị cảm quan và hạn sử dụng của thịt heo

Nguyễn Bảo Lộc, Nicorescu Irina, Orange Nicole, Chevalier Sylvie
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm nhằm mục đích đánh giá tác động của kỹ thuật xung ánh sáng đến hạn sử dụng và giá trị cảm quan của một vài sản phẩm thịt. Đầu tiên là đánh giá tác dụng của xung ánh sáng đến lượng vi khuẩn hiếu khí có sẵn trên thịt và vi khuẩn P. fluorescens được gây nhiễm vào thịt. Mức độ bất hoạt vi khuẩn hiếu khí cao nhất là 3,4 log (CFU/g), đạt được khi xử lý mẫu thịt heo rô ti, điều đó đồng nghĩa với việc kỹ thuật này có thể cải thiện được hạn sử dụng của sản phẩm này. Tiếp theo, mẫu vật được đánh giá về mức độ oxy hóa chất béo. Không có sự oxy hóa chất béo được phát hiện khi xử lý xung ánh sáng với cường độ năng lượng thấp hơn hoặc bằng 10 J.cm-2. Ngược lại, khi xử lý thịt heo tươi với cường độ năng lượng 30 J.cm-2 thì giá trị MDA tăng tới 25,5%. Tóm lại, kỹ thuật xung ánh sáng có tiềm năng tiêu diệt cả 2 loại vi sinh vật, vi khuẩn hiếu khí và P. fluorescens, trên thịt heo tươi và thịt heo rô ti, nhưng khi xử lý với cường độ năng lượng cao (ví dụ 30 J.cm-2) sẽ làm tăng khả năng oxy hóa chất béo.

Ảnh hưởng của muối và các phụ gia đến sự tạo gel và đặc tính cấu trúc của chả cá lóc đông lạnh

Trần Thanh Trúc, Võ Hoàng Ngân, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung phụ gia thực phẩm (muối NaCl, hợp chất chống đông và tinh bột biến tính) đến sự hình thành gel của chả cá lóc chiên đông lạnh được chế biến từ thịt cá lóc nuôi. Trong nghiên cứu này, tác động của tỷ lệ các phụ gia như  NaCl (0,5; 1, 1,5 và 2%), hợp chất chống đông (hỗn hợp của sucrose và sorbitol ở tỷ lệ 1:1 từ 0 đến 4%) và tinh bột biến tính (0, 2%, 3% và 4%) đến cấu trúc, màu sắc và khả năng giữ nước của chả cá chiên đông lạnh đã được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản phẩm chả có độ bền gel cao, khả năng giữ nước và màu sắc tốt khi thịt cá lóc  được bổ sung với 1,5% NaCl, 3% tinh bột biến tính và 3% hỗn hợp chất chống đông (1,5% sorbitol và 1,5% đường sucrose). Kết quả đã góp phần khẳng định hiệu quả của NaCl và các chất tạo gel đến đặc tính cấu trúc của chả cá lóc.

Sự biến đổi của acid glutamic và hoạt tính glutamate decacboxylase trong quá trình ngâm và nảy mầm của gạo lứt nguyên phôi

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Triệu Ngọc Hân, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Để hiểu rõ hơn về quá trình ngâm và nảy mầm của gạo lứt nguyên phôi, nghiên cứu về sự thay đổi hoạt tính enzyme GAD và hàm lượng acid glutamic của 2 giống lú a MBĐ và IR50404 ở các điều kiện dung dịch ngâm có pH 3÷ 6; pH tối thích bổ sung dịch cám 3÷7% và pH tối thích bổ sung acid glutamic 0,2÷0,6% đã được thực hiện. Gạo lứt sau khi ngâm ở pH tối ưu, pH tối ưu có bổ sung dịch cám tốt nhất và pH tối ưu có bổ sung acid glutamic thích hợp nhất được đem ủ ở 37 oC, yếm khí để quan sát sự biến đổi của GAD cũng như acid glutamic từ 20÷28 giờ. Kết quả cho thấy, sau 6 giờ ngâm, IR50404 có hoạt tính GAD cao nhất tại pH 5 đạt 15,475 UI/g, acid glutamic là 1410,150 mg%, MBĐ có hoạt tính GAD cao nhất tại pH 4 đạt 12,069 UI/g, acid glutamic là 1337,950 mg%. Khi bổ sung 0,6% acid glutamic, hoạt tính GAD tăng đáng kể ở cả hai giống lúa IR50404 là 20,148 UI/g và MBĐ là 18,811 UI/g. Trong khi đó, việc bổ sung dịch cám không có ảnh hưởng nhiều đến hoạt tính GAD cũng như acid glutamic trong gạo ở cả hai giống trong suốt quá trình ngâm. Trong giai đoạn nảy mầm, sau 28 giờ ủ, khi có bổ sung 0.6% acid glutamic thì hoạt tính GAD cao hơn nhiều so với mẫu đối chứng và mẫu có bổ sung dịch cám; đối với IR50404 là 37,108 UI/g, với MBĐ là 34,527 UI/g. Như vậy, chỉ có acid glutamic là có tác động đến việc tăng hoạt tính GAD trong quá trình ngâm và nảy mầm.

Ảnh hưởng của dung môi và thời gian kết tủa đến hiệu quả tinh sạch sơ bộ enzyme protease trích ly từ thịt đầu tôm

Hà Thị Thụy Vy, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của các tác nhân kết tủa đến hiệu quả tinh sạch enzyme protease trong dịch trích ly từ 2 loại thịt đầu tôm (sú và thẻ chân trắng). Tỷ lệ giữa dịch trích protease thô và dung môi (ethanol, acetone, iso-propanol) được thay đổi từ 1: 1 đến 1: 6 (v/v), tương tự nồng độ ammonium sulfate trong dịch trích cũng dao động từ 35% đến 85%. Xáx định thời gian kết tủa thích hợp từ tác nhân được lựa chọn cũng được khảo sát. Kết quả cho thấy, ethanol đạt hiệu quả kết tủa protease cao cho cả hai dịch trích. Đối với dịch trích tôm sú, tỷ lệ mẫu: ethanol là 1: 4 (v/v) và thời gian kết tủa là 45 phút cho hoạt tính riêng, hiệu suất thu hồi và độ tinh sạch đạt tương ứng 3,49 U/mg protein, 87,46% và 3,78 lần. Đối với tôm thẻ, tỷ lệ mẫu với ethanol là 1: 3 (v/v), thời gian kết tủa 30 phút cho giá trị lần lượt là 2,04 U/mg protein, 85,66% và 3,23 lần. Cả hai loại protease được xác định bằng điện di SDS-PAGE có trọng lượng phân tử là 35,8 ÷ 40,5 kDa.

Nghiên cứu thủy phân protein thịt heo bằng emzyme alcalase chế biến thức ăn nuôi qua sonde

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Đống Thị Anh Đào
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định chế độ thủy phân tối ưu sử dụng chế phẩm AlcalaseR cho loại nguyên liệu thịt than heo đồng thời đảm bảo tổn thất vitamin B1 là thấp nhất. Quá trình thủy phân được tối ưu hóa theo độ nhớt tối thiểu bằng phương pháp bề mặt đáp ứng. Tiến hành thủy phân thịt heo bằng chế phẩm enzyme AlcalaseR 2,4 L nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của pH (6,5 đến 8,5), nhiệt độ (55 đến 75°C), tỉ lệ enzym cơ chất (0,5% đến 2,5%), và thời gian thủy phân (180 phút đến 300 phút) lên độ nhớt của dịch thủy phân. Từ nghiên cứu, tỉ lệ nguyên liệu: nước trộn trước khi thủy phân thích hợp nhất là 1,5/1, chế độ xử lý nhiệt trước khi thủy phân là ở nhiệt độ 800C trong 5 phút trong khi vitamin B1 còn lại là 0,611 mg/100 g. Điều kiện tối ưu của quá trình thủy phân như sau: nhiệt độ 64,6°C, tỉ lệ enzyme cơ chất 1,77% (w/w), thời gian 256 phút và pH 7,54. Ở điều kiện này, độ nhớt của dịch thủy phân thấp nhất đạt 2,4 cP. Trong khi đó, mức độ thủy phân đạt tối đa là 56,58%. Phân tích dịch thủy phân cho thấy thành phần protein có khối lượng dưới 50 kDa chiếm 60,07%.

Ảnh hưởng của quá trình thẩm thấu và chiên chân không đến các hợp chất có hoạt tính sinh học trong hành tím (Allium cepa L.) xắt lát

Nguyễn Minh Thủy, Ngô Văn TàI, ĐoàN Anh DũNg, Nguyễn Thị Mỹ Tuyền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của quá trình thẩm thấu và chế độ chiên đến các hợp chất có hoạt tính sinh học trong hành tím chiên chân không được thực hiện. Hành tím xắt lát được ngâm trong dung dịch maltodextrin (30-50% w/v), acid citric (0,1-0,2%) trong 15 đến 45 phút và được chiên trong điều kiện chân không (độ chân không 90%), nhiệt độ (100 - 130oC) ở các mức thời gian từ 4 đến 10 phút. Các hợp chất có hoạt tính sinh học (polyphenol tổng số, flavonoid) và khả năng khử gốc tự do (DPPH%) của sản phẩm được đánh giá. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng dịch ngâm với nồng độ maltodextrin 40% w/v, acid citric 0,15% trong thời gian 30 phút cho hàm lượng polyphenol tổng số, flavonoid và hoạt tính chống oxy hóa trong sản phẩm hành tím chiên cao nhất tương ứng là 12,033 mgGAE/g cbk, 1.457,96 μgQE/g-cbk và 78,6%. Khi tăng nhiệt độ chiên từ 100 đến 130oC, hàm lượng polyphenol tổng số và flavonoid trong hành tím chiên có khuynh hướng tăng, trong khi hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxy hóa giảm khi tăng thời gian chiên từ 4 đến 10 phút. Khả năng khử gốc tự do của sản phẩm hành chiên cao (74 - 76%) khi được chiên ở nhiệt độ 120oC trong thời gian 4 đến 6 phút.

Ảnh hưởng của phương pháp tiền xử lý đến các hợp chất có hoạt tính sinh học và khả năng loại trừ gốc tự do trong tỏi

Dương Kim Thanh, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Tỏi chứa các hợp chất sinh học quan trọng với hoạt động kháng khuẩn. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của biện pháp (i) chần bằng hơi nước ở nhiệt độ 100oC trong thời gian 4, 6, 8, 10 phút, (ii) lạnh đông ở nhiệt độ -18oC trong thời gian 12, 24, 36 và 48 giờ và (iii) kết hợp chần (4÷10 phút) với lạnh đông (12÷48 giờ) (cùng với mẫu đối chứng – không thực hiện bất kỳ biện pháp tiền xử lý nào) đến hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học (polyphenol tổng số, flavonoid tổng số) và hoạt tính chống oxy hóa thông qua khả năng trung hòa gốc tự do DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl). Kết quả nghiên cứu cho thấy tỏi được chần bằng hơi nước ở 100oC trong 6 phút, lạnh đông   (-18oC) trong 36 giờ hoặc kết hợp chần 8 phút và lạnh đông trong 36 giờ cho hàm lượng các hợp chất sinh học (tổng polyphenol, flavonoid) và hoạt tính chống oxy hóa cao nhất khi so sánh với thời gian xử lý khác ở cả ba biện pháp thực hiện. Trong các điều kiện tiền xử lý được thực hiện, tỏi được lạnh đông trong 36 giờ có tổng hàm lượng polyphenol (5,181 mgGAE/g), flavonoid (1,438 mgQE/g) và hoạt tính loại trừ gốc tự do (64,148%) cao hơn hàm lượng polyphenol (4,041 mgGAE/g), flavonoid (1,199 mgQE/g) và hoạt tính loại trừ gốc tự do (53,993%) của mẫu đối chứng. Biện pháp tiền xử lý tỏi được thực hiện bằng phương pháp lạnh đông có khả năng thúc đẩy làm tăng các hợp chất sinh học trong tỏi.

Xung ánh sáng - một phương pháp dùng để xử lý thực phẩm trước khi bảo quản

Nguyễn Bảo Lộc
Tóm tắt | PDF
Xung ánh sáng là một kỹ thuật mới, không sử dụng nhiệt, có khả năng khử khuẩn trên bề mặt thực phẩm do tác dụng của một phổ ánh sáng rộng với năng lượng cao. Bài tổng quan này sẽ giới thiệu những kiến thức cơ bản về nguyên tắc hoạt động của kỹ thuật này, ảnh hưởng trên vi sinh vật trong điều kiện in vitro và trên thực phẩm, cơ chế bất hoạt vi sinh vật, những hạn chế và những yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả của kỹ thuật này.

Bước đầu đánh giá về mức độ ô nhiễm vi sinh vật của một số thực phẩm đường phố tại thành phố Cần Thơ

Tống Thị Ánh Ngọc, Phạm Thị Thu Hồng, Lê Duy Nghĩa, Phan Thị Thanh Quế
Tóm tắt | PDF
Thực phẩm đường phố đang trở nên phổ biến ở nước ta vì tính tiện lợi, bắt mắt và rẻ tiền. Tuy nhiên, điều kiện chế biến của người kinh doanh thực phẩm đường phố thường không đảm bảo vệ sinh. Điều này có thể dẫn đến thực phẩm đường phố bị ô nhiễm vi sinh vật và gây ngộ độc thực phẩm. Nghiên cứu này sẽ khảo sát mức độ ô nhiễm vi sinh vật của thực phẩm đường phố ở khu vực thành phố Cần Thơ. Mật số vi sinh vật, nấm mốc và nấm men tổng số được khảo sát trên mẫu bánh mì thịt, bánh tráng trộn, nước mía và nước rau má. Nghiên cứu có kết quả sau: mật số vi sinh vật tổng số hiếu khí đối với nước mía và rau má lần lượt là 5,4 - 7,3 log CFU/mL và 4,4 - 8,1 log CFU/mL; tổng số nấm men, nấm mốc lần lượt là 4,3 - 5,0 log CFU/mL và 2,2 - 4,7 log CFU/mL. Bánh mì thịt có mật số vi sinh vật tổng số hiếu khí dao động từ 6,6 - 7,4 log CFU/g và tổng số nấm men, nấm mốc dao động từ 3,8 - 5,7 log CFU/g. Các mẫu bánh tráng trộn có mật số vi sinh vật hiếu khí dao động từ 4,3 - 5,7 log CFU/g và tổng số nấm men, nấm mốc từ 2,8 - 5,5 log CFU/g. Tất cả các mẫu thực phẩm đường phố trong nghiên cứu này đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Từ những kết quả bước đầu trên cho thấy mức độ ô nhiễm vi sinh vật của thực phẩm đường phố trên địa bàn thành phố Cần Thơ có thể là một trong những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Biện pháp tiền xử lý và tối ưu hóa quá trình trích ly anthocyanin từ vỏ khoai lang tím

Phạm Thị Mai Quế, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, biện pháp tiền xử lý nguyên liệu (vỏ khoai lang tím) được thực hiện (sấy mẫu ở 50oC trong 4 giờ cùng với hấp ở 100oC trong 4 phút/hoặc không hấp cùng với mẫu đối chứng) nhằm tăng hiệu quả trích ly hợp chất anthocyanin. Tối ưu hóa quá trình trích ly anthocyanin từ khoai lang tím sử dụng mô hình bề mặt đáp ứng đã được thực hiện với nồng độ ethanol (60, 70, 80%) ở các nhiệt độ (40, 50, 60oC) và thời gian khác nhau (30, 45, 60 phút). Ảnh hưởng kết hợp của điều kiện trích ly đến hàm lượng anthocyanin được nghiên cứu thiết kế theo mô hình Box-Behnken với ba nhân tố và ba mức độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vỏ khoai lang tím được hấp ở nhiệt độ 100°C trong 4 phút, sau đó sấy ở 50°C trong 4 giờ có thể tăng hiệu quả trích ly (hàm lượng anthocyanin đạt được cao nhất là 0,2%, gấp 7 lần so với mẫu đối chứng). Phương pháp bề mặt đáp ứng đã được sử dụng tốt để tối ưu hóa các thông số khai thác. Phương trình đa thức bậc 2 thu được (R2 = 0,94) cho thấy thời gian, nhiệt độ và nồng độ ethanol ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả trích ly (thể hiện bằng hàm lượng anthocyanin). Các điều kiện tối ưu (nhiệt độ, thời gian và nồng độ ethanol) đạt được là 51oC, 44 phút và 68%, tương ứng. Giá trị thực nghiệm của hàm lượng anthocyanin là 0,274%. Sự tương thích giữa các giá trị thực nghiệm và dự đoán từ mô hình (P value

Thu nhận dịch đường glucose từ quá trình thủy phân cám gạo (giống IR5451) bằng phương pháp enzyme

Trần Ngọc Liên, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định phương pháp xử lý thích hợp để sản xuất dịch đường glucose từ cám gạo theo phương pháp thủy phân bằng enzyme. Tác động của các biến cho tiến trình khác nhau đã được nghiên cứu để thu được hiệu quả chuyển đổi tối đa từ tinh bột cám gạo thành dịch đường glucose bằng biện pháp sử dụng các chế phẩm amylase. Quá trình dịch hóa tinh bột được tiến hành ở nhiệt độ từ 70 - 90oC trong 5 - 15 phút và lượng α-amylase 0,75 -1,25%. Quá trình đường hóa sử dụng glucoamylase với hàm lượng 0,75 - 1,25%, nhiệt độ thủy phân dao động từ 60 đến 80oC trong 90 - 150 phút. Phương pháp thừa số và bề mặt đáp ứng (RSM) được sử dụng trong thiết kế thí nghiệm và phân tích kết quả. Quan sát cho thấy, RSM là phương pháp có ý nghĩa và thỏa đáng dựa trên 81 đơn vị thử nghiệm trong mỗi bước thủy phân. Mô hình dự báo cho độ nhớt thấp nhất (14,82 cP) và giá trị tổng chất khô hòa tan cao nhất (13,37oBrix) đạt được ở các điều kiện thủy phân tối ưu (nhiệt độ 90oC, α-amylase 1,17% và 13,36 phút thủy phân). Hàm lượng đường khử đạt tối ưu (9,52%) với lượng glucoamylase 1% ở nhiệt độ và thời gian thủy phân là 73,85oC và 137,52 phút, tương ứng.

Ảnh hưởng của loại hóa chất ngâm và điều kiện nảy mầm đến sự hình thành GABA của giống lúa IR50404 ở qui mô xưởng thực nghiệm

Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Diệu Hiền, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Giống lúa IR50404 được xác định là một trong những giống lúa có triển vọng trong sản xuất gạo mầm. Để xác định ảnh hưởng của các yếu tố như hàm lượng acid glutamic, CaCl2 đến quá trình ngâm và nảy mầm ở qui mô xưởng thực nghiệm, gạo lứt của giống lúa trên được ngâm ở các nồng độ các chất acid glutamic, CaCl2 khác nhau từ 0-1% một cách độc lập ở pH tối ưu. Sau đó, chúng được đem đi ủ trong tủ ủ có năng suất tối đa 30 kg/mẻ ở các nhiệt độ tủ 36 – 38 oC, độ dày lớp hạt 0,3 - 0,9 cm, thời gian ủ 24 giờ. Kết quả cho thấy, điều kiện ngâm tối ưu của giống IR50404 khi bổ sung acid glutamic 0.6% là tốt nhất, hàm lượng GABA tăng từ 55,87 mg/kg chất khô khi ngâm pH 3 được tăng lên 141,94 mg/kg chất khô khi có bổ sung thêm acid glutamic 0,6% (tăng 2,54 lần). Khi điều kiện ủ tối ưu của giống IR50404 là 36 oC và độ dày 0,9 cm, hàm lượng GABA được sinh ra đến 269,23 mg/kg chất khô (tăng 1,9 lần so với hàm lượng GABA khi ngâm ở điều kiện chỉ có pH ngâm tối ưu). Khi ngâm với các nồng độ khác nhau của CaCl2, kết quả không có sự khác biệt ý nghĩa so với điều kiện không bổ sung. Kết quả đã chỉ ra rằng chỉ có acid glutamic có ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm sinh GABA, còn CaCl2 thì không ảnh hưởng. Với thiết bị nảy mầm được thiết kế trong nghiên cứu này, nhiệt độ ủ tương tự như qui mô phòng thí nghiệm, tuy nhiên chiều dày của lớp hạt và không gian tủ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nảy mầm sinh GABA của giống lúa trên.

Nghiên cứu chế biến sản phẩm sữa gạo mầm đóng chai

Bùi Cẩm Tú, Trần Thị Tố Nga, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo mầm, nghiên cứu chế biến sữa gạo mầm đã được thực hiện. Để thực hiện được điều đó, quá trình dịch hóa được thực hiện bằng cách thay đổi nồng độ enzyme α_amylase từ 0,2 - 0,5%, nồng độ cơ chất gạo:nước từ 1:2, 1:3, 1:4 và 1:5 trong thời gian thủy phân từ 10÷60 phút. Kế tiếp, quá trình đường hóa đã khảo sát sự ảnh hưởng của nồng độ enzyme glucoamylase từ 0,15÷0,25% và thời gian từ 20÷180 phút đến hiệu quả đường hóa thông qua độ Brix, chỉ số DE, hàm lượng γ-oryzanol, GABA. Chế phẩm thủy phân được phối chế với sữa bột gầy với các tỉ lệ từ 5÷15%. Thời gian tiệt trùng sản phẩm cũng được khảo sát với các mức thay đổi từ 3÷10 phút tại 121oC thông qua giá trị tiệt trùng . Kết quả cho thấy, hiệu quả dịch hóa cao nhất ở nồng độ cơ chất gạo:nước 1:2, tỉ lệ enzyme α-amylase 0,4% với thời gian thủy phân 60 phút, độ Brix đạt 29,24%, DE=10,82%; hiệu quả đường hóa cao nhất ở tỉ lệ enzyme 0,25% tại thời gian 120 phút, độ Brix đạt 38,77%, DE=39,48%, hàm lượng γ-oryzanol, GABA không thay đổi theo thời gian đường hóa. Việc bổ sung sữa bột gầy 10%, dịch đường 8% cho chất lượng sản phẩm được ưa chuộng nhất. Tiệt trùng sản phẩm tại 121oC trong thời gian 4 phút cho giá trị =8,07 lớn hơn giá trị Fo, đồng thời vẫn duy trì được hàm lượng GABA và γ-oryzanol trong sản phẩm. Sản phẩm được bảo quản tốt trong 3 tháng ở nhiệt độ phòng.

Ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian xử lý đến các hợp chất sinh học, khả năng loại trừ gốc tự do và giá trị cảm quan của tỏi

Võ Thị Diệu, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, tỏi được gia nhiệt ở các nhiệt độ 150, 160, 170oC trong thời gian 30, 35, 40 phút. Hàm lượng tổng polyphenol và flavonoid, hoạt tính chống oxy hóa (DPPH%), chỉ tiêu cảm quan của tỏi xử lý nhiệt được phân tích. Tối ưu hóa quá trình xử lý nhiệt tỏi bằng mô hình bề mặt đáp ứng (RSM). Các ảnh hưởng kết hợp của điều kiện xử lý nhiệt đến hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học được thiết kế theo mô hình Box-Behnken với hai nhân tố (nhiệt độ và thời gian) và ba mức độ (150, 160, 170oC và 30, 35, 40 phút, tương ứng). Kết quả cho thấy, áp dụng phương pháp RSM cho quá trình gia nhiệt tỏi thể hiện tương quan tốt với mức độ ý nghĩa cao. Các giá trị tối ưu cho nhiệt độ (160,71oC) và thời gian (36,14 phút) được xác định. Các giá trị tối ưu (hàm lượng tổng polyphenol, flavonoid và khả năng loại trừ gốc tự do) là 6,69 mgGAE/g, 2,78 mgQE/g và 73,54%, tương ứng, cao hơn so với mẫu không xử lý nhiệt (hàm lượng tổng polyphenol, flavonoid và khả năng loại trừ gốc tự do là 4,94 mgGAE/g, 2,06 mgQE/g và 55,52%, tương ứng). Tương quan tốt giữa giá trị dự đoán và thực nghiệm được tìm thấy. Đánh giá cảm quan bằng phương pháp hồi quy logistic cho thấy tỏi xử lý nhiệt 160oC trong 37,50 phút có khả năng chấp nhận cao hơn nhiều so với các điều kiện xử lý khác. Tuy nhiên không chênh lệch đáng kể so với nhiệt độ và thời gian tối ưu của quá trình xử lý nhiệt, vì vậy chọn sản xuất tỏi ở 160,71oC trong 36,14 phút.

Biện pháp tiền xử lý và tối ưu hóa điều kiện trích ly quercetin từ củ hành tím (Allium cepa)

Nguyễn Thị Như LạC, Nguyễn Minh Thủy, Nguyễn Văn Thành
Tóm tắt | PDF
Hành tím (Allium ascalonicum) chứa các hợp chất có hoạt tính sinh học rất phong phú và tốt cho sức khỏe con người. Nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng biện pháp tiền xử lý, bao gồm biện pháp hấp (60÷120 giây) và sấy ở 50÷90oC trong thời gian từ 2 đến 6 giờ để hỗ trợ quá trình trích ly hợp chất quercetin từ củ hành tím. Phương pháp bề mặt đáp ứng được sử dụng để tối ưu hóa các thông số của quá trích ly: nồng độ ethanol (40÷60%), nhiệt độ (40÷60oC) và thời gian trích ly (50÷70 phút). Hàm lượng quercetin trong dịch trích ly hành tím được phân tích. Kết quả cho thấy, cả hai biện pháp hấp và sấy đều có thể nâng cao hiệu quả trích ly các hợp chất có hoạt tính sinh học từ củ hành tím. Khi thực hiện quá trình sấy ở 90oC trong 4 giờ trước khi trích ly, hàm lượng quercetin trong dịch trích hành tím thu được là cao nhất (0,7 mg/g). Kết quả phân tích sử dụng mô hình bề mặt đáp ứng đã chứng minh phương trình bậc hai cho các biến phụ thuộc đều có ý nghĩa (p

Phân lập và tuyển chọn dòng vi khuẩn lactic có khả năng kháng khuẩn từ dưa lê non (Cucumis melo L.) muối chua

Huỳnh Ngọc Tâm, Hà Thanh Toàn, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục đích phân lập các dòng vi khuẩn lên men lactic hiện diện trong dưa lê non (Cucumis melo L.) muối chua và tuyển chọn dòng có khả năng kháng khuẩn cao. Vi khuẩn acid lactic (LAB) được phân lập từ các mẫu dưa lê non muối chua ở các ngày lên men khác nhau. Kết quả đã phân lập được 19 dòng có khuẩn lạc trắng đục hoặc trắng ngà, tế bào hình que, hình cầu đơn hoặc chuỗi, Gram dương, không di động, catalase và oxidase âm tính, có vùng phân giải rõ và phát triển trên môi trường MRS có bổ sung CaCO3. Trong đó, 9 dòng có khả năng sinh bacteriocin kháng 4 dòng vi khuẩn chỉ thị (Bacillus subtilis; Salmonella enteritidis; Escherichia coli and Staphylococcus aureus). Các dòng có đường kính vòng kháng khuẩn lớn và khác biệt có ý nghĩa thống kê với các dòng khác là dòng L22, L61, L64 và L123. Tiến hành định danh bằng kỹ thuật sinh học phân tử, sử dụng kỹ thuật giải trình tự 16S rRNA, dòng L22 được xác định là Pediococcus acidilactici, ba dòng vi khuẩn L61, L64 và L123 có mức độ tương đồng trên 99% về trình tự gen 16S rRNA lần lượt với các dòng Lactobacillus plantarum, Lactobacillus fermentum và Lactobacillus brevis.

Ảnh hưởng của điều kiện xử lý đến khả năng sinh enzyme amylase và protease từ Aspergillus oryzae trên koji nấm bào ngư (Pleurotus spp.)

Nguyễn Thị Ngọc Giang, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Công nghệ sản xuất hầu hết các loại nước chấm lên men thường bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn koji và giai đoạn moromi. Nước chấm lên men cũng là loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi như một gia vị chính ở các nước châu Á. Thuật ngữ koji diễn tả quá trình chuẩn bị dòng nấm mốc có thể phát triển được trên các loại nguyên liệu nấu chín. Koji cũng chính là nguồn enzyme có thể phân giải hoặc thủy phân các thành phần phức trong thực vật thành những dạng đơn giản hơn. Các enzyme được sinh ra từ nấm mốc Aspergillus oryzae đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn koji. Nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian hấp (80, 90, 100oC và 0, 2, 4, 6 phút, tương ứng) nấm bào ngư Pleurotus spp. cùng với tỷ lệ bột mì bổ sung (0, 10, 20%) đến hoạt tính enzyme amylase và protease trong giai đoạn koji. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt tính enzyme amylase và protease cao nhất (37,72 và 8,90 đv/g chất khô, tương ứng) khi hấp nấm bào ngư ở nhiệt độ 90oC tại thời điểm mẫu vừa đạt được nhiệt độ 90oC – 0 phút cùng với lượng bột mì bổ sung 10%. Hơn nữa, sự tăng hoạt tính enzyme có liên quan đến sự phát triển của nấm mốc. Sự phát triển của nấm mốc (thông qua việc hình thành sợi nấm trên bề mặt môi trường) được tìm thấy ở 30 giờ nuôi cấy. Cũng trong thời gian này, hoạt tính enzyme amylase và protease sinh ra được tìm thấy cao nhất, tương ứng là 62,45 và 13,25 đv/g chất khô.

Ảnh hưởng của việc điều khiển độ hoạt động của nước đến chất lượng khô từ cá lóc nuôi tại tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu thiết lập quy trình chế biến và bảo quản khô từ nguồn nguyên liệu cá lóc nuôi tại tỉnh Đồng Tháp dựa trên kỹ thuật rào cản kết hợp - điều khiển độ hoạt động của nước (aw) và điều kiện bao gói, nhiệt độ bảo quản. Kết quả thí nghiệm cho thấy, thịt cá lóc sau khi xử lý được ngâm trong dung dịch muối NaCl 20% với thời gian 2 giờ, làm ráo bề mặt trước khi tẩm ngâm 3% sorbitol và 1,5% glycerin và sấy ở nhiệt độ 50 °C đến độ ẩm cuối trung bình 30% sẽ giúp sản phẩm khô cá lóc có giá trị cảm quan cao, vẫn ổn định màu sắc, có độ hoạt động của nước giảm đến giá trị 0,63÷0,65. Sản phẩm đảm bảo an toàn về chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng và độ hoạt động của nước giữ ở mức thấp hơn 0,70 sau 3 tháng bảo quản ở nhiệt độ phòng (28÷30°C), 6 tháng bảo quản ở nhiệt độ thấp (4÷6°C) khi bảo quản bằng bao bì PA, độ chân không 80%. Định mức chế biến sản phẩm là 3,64±0,07 hay 3,57÷3,71 kg cá lóc nguyên liệu tạo 1 kg khô cá.

Hiệu quả phòng trị của xạ khuẩn đối với bệnh thán thư trên cây ớt do nấm Colletotrichum sp.

Đổ Văn Sử, Lê Minh Tường
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới thuộc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Trường Đại học Cần Thơ nhằm mục tiêu tìm ra các chủng xạ khuẩn có khả năng quản lý bệnh thán thư trên ớt do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Kết quả đã phân lập được 100 chủng xạ khuẩn từ đất trồng ớt ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá sơ khởi, nghiên cứu chọn được 20 chủng nấm có khả năng đối kháng cao với nấm Colletotrichum sp. gây bệnh thán thư trên ớt. Khả năng đối kháng của 20 chủng xạ khuẩn đối với nấm Colletotrichum sp. được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 3 chủng xạ khuẩn CT10, VL17 và HG03 luôn thể hiện sự đối kháng cao với nấm Colletotrichum sp. qua các thời điểm khảo sát với bán kính vòng vô khuẩn lần lượt là 13,7 mm; 12,3 mm, 13,5 mm và hiệu suất đối kháng lần lượt là 49,82%; 44,73% và 49,09% ở thời điểm 9 ngày sau khi cấy (NSKC). Hiệu quả phòng trị bệnh thán thư trên ớt của 3 chủng xạ khuẩn CT10, VL17 và HG03 được thực hiện trong điều kiện nhà lưới với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, cả 3 chủng xạ khuẩn thí nghiệm đều có khả năng phòng trị bệnh thán thư trên ớt, trong đó chủng HG03 ở thời điểm kết hợp phun 2 ngày trước và 2 ngày sau lây bệnh nhân tạo cho hiệu quả phòng trị bệnh cao tương đương nghiệm thức thuốc hóa học Carmanthai 800WP (Carbendazim) thông qua đường kính vết bệnh thấp là 9,12 mm và hiệu quả giảm bệnh cao là 63,17% ở thời điểm 9 ngày sau khi lây bệnh nhân tạo.

Nghiên cứu xạ khuẩn và thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh thán thư trên ớt

Nguyễn Thị Yến, Trương Văn Tươi, Trần Hoàn Nhân, Lưu Thái Danh, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện in vivo và ngoài đồng với mục đích đánh giá hiệu quả phòng trị của hai dòng xạ khuẩn đối kháng và hai loại thuốc trừ nấm trong việc phòng trừ bệnh thán thư trên ớt do nấm Colletotrichum sp. trên trái ớt được tách khỏi cây. Kết quả ghi nhận, Talent 50WP có hiệu quả tốt nhất, kế đến là xạ khuẩn 21RM, thuốc Carban 50SC, xạ khuẩn 4RM. Ngoài ra, kết quả cũng khẳng định biện pháp phun kết hợp - phun trước và phun sau lây bệnh (KH) có hiệu quả hơn so với biện pháp phun trước khi lây bệnh (PT). Trong thí nghiệm ngoài đồng, các nghiệm thức sử dụng xạ khuẩn 4RM hoặc 21RM đơn lẻ, xử lý hỗn hợp hai chủng xạ khuẩn (4RM+21RM) hay nghiệm thức phối hợp xạ khuẩn và thuốc hóa học thay phiên giữa hai loại thuốc Talent 50WP (hoạt chất prochloraz) và Carban 50SC (hoạt chất carbendazim) đều cho hiệu quả giảm bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. gây ra khi so với đối chứng. Bên cạnh đó, biện pháp áp dụng thuốc trừ nấm và xạ khuẩn giúp cho năng suất của ớt cao hơn đối chứng.

Phân tích hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác thích ứng điều kiện xâm nhập mặn tại tỉnh Hậu Giang

Lê Hồng Việt, Trần Huỳnh Khanh, Đỗ Bá Tân, Châu Minh Khôi
Tóm tắt | PDF
Đa dạng hóa mô hình canh tác là một trong các biện pháp giúp nông dân trồng lúa thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích điều tra hiện trạng xâm nhập mặn, phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình canh tác hiện tại và các mô hình thực nghiệm trên nền đất nhiễm phèn, mặn trồng lúa hai vụ tại tỉnh Hậu Giang. Ba xã chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn gồm Hỏa Tiến, Vĩnh Viễn A và Lương Nghĩa được chọn làm địa điểm thực hiện. Phỏng vấn nông hộ và đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân là hai phương pháp chính được sử dụng để điều tra. Trên địa bàn ba xã xây dựng 5 mô hình canh tác thực nghiệm áp dụng luân canh cây trồng cạn trên nền đất lúa hai vụ gồm: đậu xanh – lúa – dưa hấu, bắp nếp – lúa – bắp nếp, lúa – dưa hấu – lúa, lúa – lúa – kết hợp nuôi cá và khoai lang – lúa – bắp nếp. Mỗi mô hình có diện tích thực hiện khoảng 1.000 m2,riêng mô hình lúa – lúa – kết hợp nuôi cá có diện tích 3.000 m2 và mỗi mô hình được thực hiện lặp lại ở 3 hộ liền kề nhau. Kết quả điều tra cho thấy, tại khu vực nghiên cứu có 5 mô hình canh tác chính bao gồm 2 vụ lúa, 3 vụ lúa, chuyên khóm, chuyên dưa hấu, chuyên mía; thời gian xâm nhập mặn tại khu vực nghiên cứu bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Các mô hình thực nghiệm khoai lang – lúa – bắp nếp, lúa – dưa hấu – lúa, lúa – lúa – cá, bắp nếp – lúa – bắp nếp, đậu xanh – lúa – dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình đối chứng (lúa – lúa), tỷ suất lợi nhuận biên của các mô hình thực nghiệm dao động trong khoảng từ 1,6 – đến 4,5 lần và thích hợp trong điều kiện xâm nhập mặn tại khu vực nghiên cứu.

Khảo sát đặc tính hình thái thực vật của quýt Đường không hạt được phát hiện năm 2014 tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Bá Phú, Nguyễn Quốc Sĩ, Nguyễn Bảo Vệ
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm ghi nhận đặc tính hình thái thực vật của cây quýt Đường không hạt được phát hiện năm 2014 tại tỉnh Đồng Tháp. Khảo sát được thực hiện bằng cách thu 30 mẫu lá, hoa, trái của cây quýt Đường không hạt và cây quýt Đường có hạt ở mùa nắng và mùa mưa, các chỉ tiêu và phương pháp khảo sát được tham khảo theo mô tả cho cây cam quýt của IPGRI (1999). Kết quả cho thấy, ngoại trừ một số đặc điểm của cây quýt Đường không hạt có sự khác biệt theo mùa (một số đặc  điểm ở mùa nắng thấp hơn mùa mưa là chiều dài phiến lá, chiều rộng phiến lá, chiều dài cuống lá, chiều dài cánh hoa, chiều cao bầu noãn, chiều cao trái, đường kính trái, khối lượng trái, chiều dày vỏ, khối lượng phần ăn được và pH dịch trái; vài đặc điểm ở mùa nắng cao hơn mùa mưa là độ Brix và hàm lượng vitamin C) thì các đặc tính hình thái được khảo sát còn lại về lá, hoa và trái của cây quýt Đường không hạt không khác biệt giữa mùa nắng và mùa mưa, đặc biệt đặc tính không hạt của cây quýt Đường không hạt vẫn ổn định ở cả hai mùa (mùa nắng và mùa mưa).

So sánh thức ăn nhân tạo và lá hành lên sự sinh trưởng, phát triển và khả năng sinh sản của sâu xanh da láng Spodoptera exigua Hubner (Lepidoptera: Noctuidae)

Trịnh Thị Xuân, Trương Thanh Xuân Liên, Trần Văn Hai
Tóm tắt | PDF
Trong 5 loại thức ăn nhân tạo và hành lá, công thức 5 (CT5) chứa thành phần gồm đậu xanh, đậu trắng, đậu nành, bột bắp, bột mì, bột mì tinh, men bia, methyl-p- benzoate, vitamin, ascorbic acid, chloramphenicol, CuSO4.5H2O, MgSO4.5H2O, CaCl2, KH2PO4 và NaCl là tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của sâu xanh da láng, với tỷ lệ sống ở giai đoạn ấu trùng là 97%, tỷ lệ sống ở giai đoạn nhộng là 91%, trọng lượng và chiều dài trung bình ở giai đoạn ấu trùng và nhộng cao nhất, thời gian hoàn thành vòng đời của sâu xanh da láng là 19,3 ngày, tỷ lệ nhộng đực và nhộng cái là 1:1, số lượng trứng trung bình của ngài là 350,8 trứng/, tỷ lệ nở của trứng là 100%.

Ảnh hưởng của độ sâu làm đất và biện pháp xử lí rơm rạ đến sinh trưởng và năng suất lúa trồng trên đất phèn tại tỉnh Đồng Tháp

Mai Vũ Duy, Nguyễn Thị Thúy Quyên, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Thành Hối
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra độ sâu cày đất và biện pháp xử lý rơm rạ thích hợp cho sinh trưởng và năng suất lúa 3 vụ trên đất phèn tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vào vụ Thu Đông, 2015. Thí nghiệm với thừa số 2 nhân tố và 3 lần lặp lại được bố trí ở điều kiện đồng ruộng theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD); Nhân tố 1 là 5 độ sâu làm đất: (1) không cày, (2) cày ở độ sâu 5 cm, (3) cày ở độ sâu 10 cm, (4) cày ở độ sâu 15 cm, (5) cày ở độ sâu 20 cm. Nhân tố 2 gồm 3 biện pháp xử lí rơm rạ: (1) không xử lí (vùi rơm vào đất), (2) vùi  rơm có xử lí chế phẩm Trichomix-DT và (3) vùi  rơm có xử lí chế phẩm Dascella. Kết quả cho thấy, vùi rơm có xử lí Dascela giúp gia tăng số chồi/m2, độ cứng lóng số 4; số hạt/bông, tỉ lệ hạt chắc, năng suất lí  thuyết và  năng suất thực tế. Cày ở độ sâu 20 cm giúp gia tăng chiều cao cây (60 ngày sau sạ), chiều dài rễ (40 ngày sau sạ), hàm lượng chlorophyll a, b; độ cứng lóng 4; số hạt/bông, tỉ lệ hạt chắc, năng suất lí thuyết và  năng suất thực tế. Cày ở độ sâu 20 cm kết hợp với vùi rơm có xử lí Dascela giúp gia tăng độ cứng lóng số 4 và năng suất thực tế (5,34 tấn/ha).

Chọn lọc mô sẹo đậu nành MTĐ 760-4 chống chịu mặn bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro

Lê Hồng Giang, Huỳnh Thị Minh Thi, Nguyễn Bảo Toàn
Tóm tắt | PDF
Kỹ thuật nuôi cấy in vitro tế bào mô sẹo trên môi trường có chứa tác nhân chọn lọc là muối NaCl có thể giúp tạo nên các giống cây trồng chống chịu mặn. Mô sẹo giống đậu nành MTĐ 760-4 được nuôi cấy trên môi trường MS có bổ sung muối NaCl với các nồng độ 0; 2,5; 5; 7,5 và 10 g/L. Mô sẹo sống sót trên môi trường mặn được cấy chuyền trên cùng môi trường trong 4 chu kỳ với mỗi chu kỳ là 5 tuần. Kết quả đã chọn lọc được các mẫu mô sẹo đậu nành MTĐ 760-4 có thể chống chịu mặn đến nồng độ muối NaCl 5 g/L với tỷ lệ sống trên 90% và khả năng chịu mặn khá ổn định sau 4 lần chọn lọc. Hàm lượng proline tích lũy cao trong mô sẹo ở nồng độ muối 5 g/L.

Ảnh hưởng của loại đèn LED và thời gian chiếu sáng đến sự sinh trưởng và năng suất xà lách thủy canh

Phan Ngọc Nhí, Tống Thị Sa Non, Ngô Thị Mỹ Hà, Nguyễn Thị Kiều Khuyên, Trần Thị Ba, Võ Thị Bích Thủy
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng loại đèn LED và thời gian chiếu sáng đến sự sinh trưởng và năng suất của xà lách thủy canh. Bốn nghiệm thức đèn LED được sử dụng bao gồm: 01 LED tím 30W - (75% LED đỏ/ 25% LED xanh dương, cường độ bức xạ quang hợp (CĐBXQH): 48 μmol/m2.s), 02 LED tím 30W (CĐBXQH: 80 μmol/m2.s), 03 LED tím 30W (CĐBXQH: 98 μmol/m2.s) và 03 LED trắng 16W (CĐBXQH: 60 μmol/m2.s), kết hợp với 5 nghiệm thức thời gian chiếu sáng 16/8, 18/6, 20/4, 22/2 và 24/0 (số giờ chiếu sáng/ngày đêm). Kết quả cho thấy, tổ hợp của nghiệm thức 2 LED tím (80 μmol/m2.s) với nghiệm thức 20/4 cho năng suất xà lách thương phẩm cao hơn các tổ hợp còn lại (0,90 kg/m2) ngoại trừ tổ hợp 3 LED trắng – 24/0. Số lá trên cây và kích thước lá ở tổ hợp của nghiệm thức 2 LED tím với các mức thời gian chiếu sáng 24/0, 22/2 và 20/4 đạt tương đương nhau và cao hơn hầu hết các nghiệm thức kết hợp khác. Về chiều cao cây, tổ hợp của nghiệm thức 3 LED trắng với các nghiệm thức thời gian chiếu sáng khác nhau đều cho kết quả cao nhất (dao động từ 18,78 đến 52,00 cm). Tổ hợp của nghiệm thức 3 LED tím với các mức thời gian chiếu sáng 24/0 và 20/4 cho kết quả về độ Brix xà lách cao nhất (lần lượt là 3,25 và 3,20%). Khi kết hợp nghiệm thức 2 LED tím (80 μmol/m2.s) với nghiệm thức 20/4 (20 giờ chiếu sáng/4 giờ tắt) đã cho kết quả về sinh trưởng và năng suất thương phẩm của giống xà lách GN 63 trồng thủy canh tốt hơn các nghiệm thức còn lại.

Đánh giá khả năng giữ nước và một số đặc tính vật lý đất trên một số cây trồng tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Lê Văn Khoa, Lê Quang Minh, Nguyễn Văn Quí, Trần Bá Linh, Trần Kim Tính
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số đặc tính vật lý đất, khả năng giữ nước và biến động tổng lượng nước hữu dụng trong mùa khô của đất canh các nông nghiệp điển hình (đất trồng tiêu, sầu riêng và hoa màu) tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy đất có sa cấu thô (thịt nhẹ pha cát), tính thấm cao (81 – 2285 mm/giờ) và khả năng giữ nước của đất kém (25 – 37%). Dung trọng của đất (1.29 – 1.50 g/cm3) có xu hướng tăng theo độ sâu và độ xốp của đất (40.7 – 50,8%) giảm theo độ sâu. Lượng nước hữu dụng của tầng đất mặt (0 - 20 cm) trong mùa khô (cuối tháng 12 đến tháng 3) rất thấp (27.1 – 30.5%). Tổng lượng nước hữu dụng của độ sâu 100 cm đất dưới 30% (300 mm/m), do đó khả năng giữ và cung cấp nước của đất thấp.

Điều tra và khảo sát tình hình gây hại của sâu đục củ khoai lang (Nacoleia sp.) tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Nguyễn Minh Luân, Lê Vĩnh Thúc, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Điều tra tình hình và khảo sát sự gây hại của sâu đục củ khoai lang ở địa bàn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được thực hiện từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015. Kết quả điều tra 97 hộ nông dân cho thấy, nông dân trồng chuyên canh khoai lang chủ yếu với giống khoai tím Nhật với thời gian sinh trưởng từ 130 ≤ 150 ngày. Kết quả phỏng vấn cũng cho thấy, sâu đục củ khoai lang là đối tượng gây hại quan trọng nhất trên khoai lang ở huyện Bình Tân trong thời điểm điều tra. Có hơn 50% trên tổng số hộ được phỏng vấn là không biết về sâu đục củ khoai lang. Số còn lại biết không rõ ràng về đặc điểm hình thái, thời điểm và mùa vụ gây hại của loài sâu này. Nông dân canh tác khoai lang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trung bình 22,8 lần trên một vụ khoai lang, trong đó thuốc trừ sâu là 15,9 lần, thuốc trừ bệnh là 4,6 lần và thuốc trừ cỏ là 2,3 lần. Qua 13 lần khảo sát sự gây hại của sâu đục củ trung bình có 41,6% củ bị hại trên tổng số củ quan sát. Củ bị hại có tỷ lệ cao nhất là 69% ở thời điểm 91 ngày sau khi trồng.

Đánh giá khả năng gây bệnh của các chủng vi khuẩn Ralstonia solanacearum và bước đầu khảo sát ảnh hưởng của các gốc ghép ớt đến khả năng chống chịu bệnh héo vi khuẩn trên ớt sừng trong điều kiện nhà lưới

Võ Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Vẽ, Trần Thị Ba, Nguyễn Thị Thu Nga, Đoàn Thị Kiều Tiên
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu (i) chọn ra chủng vi khuẩn Ralstonia solanacearum có khả năng gây hại cao và (ii) đánh giá khả năng chống chịu bệnh héo xanh vi khuẩn của giống ớt sừng vàng Châu Phi được ghép trên gốc ghép ớt khác nhau trong điều kiện nhà lưới. Kết quả phân lập được 6 chủng vi khuẩn Ralstonia solanaceraum phân bố tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Kiên Giang. So sánh khả năng gây hại của các chủng vi khuẩn Ralstonia solanaceraum trong điều kiện nhà lưới bằng phướng pháp tưới huyền phù vi khuẩn (4x1010cfu/ml) vào đất  giai đoạn  cây có 4 - 5 lá thật (22 ngày sau khi gieo), 5 ml/cây. Kết quả cho thấy, 6 chủng vi khuẩn được sử dụng đều có khả năng gây bệnh héo xanh do vi khuẩn bắt đầu từ 12 ngày sau khi lây bệnh nhân tạo. Thời điểm 32 ngày sau khi lây bệnh, 6 chủng vi khuẩn đều gây hại trên giống ớt sừng vàng Châu phi, trong đó 2 chủng vi khuẩn phân lập ở Thanh Bình - Đồng Tháp gồm Rs1 (Tân Bình) và Rs2 (Tân Quới) có tỉ lệ bệnh (93,79% và 95,78%) và cấp bệnh (2,32 - 2,50) cao hơn so với các chủng còn lại, trong khi đó đối chứng - không chủng bệnh hoàn toàn không có bệnh, vì vậy 2 chủng vi khuẩn này được sử dụng để tiếp tục nghiên cứu đánh giá khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn trên cây ớt sừng ghép gốc. Thời điểm 40 ngày sau khi lây bệnh, các gốc ớt ghép TN592, TN557 và hiểm 27 (2,50%) cho kết quả kháng bệnh tốt hơn với tỉ lệ bệnh trong khoảng 0,00 - 7,15% và cấp bệnh dao động từ 0,00 - 0,83, thấp hơn có khác biệt so với đối chứng - không ghép (tỉ lệ bệnh 54,18% và cấp bệnh 1,77).

Ảnh hưởng của phân hữu cơ vi sinh đến một số chỉ tiêu sinh hóa, năng suất và phẩm chất của giống bí xanh

Võ Minh Thứ
Tóm tắt | PDF
Để sản xuất bí xanh an toàn chúng ta cần hạn chế sử dụng phân hóa học và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh. Phân hữu cơ vi sinh góp phần cải tạo đất, làm tăng sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu, giúp cho cây trồng hấp thụ tốt hơn. Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành bón phân hữu cơ vi sinh cho giống bí xanh trồng trên nền đất cát pha với mức 5, 10, 15 tấn/ha. Đất thí nghiệm được tiến hành phân tích trước và sau khi trồng, bao gồm độ pH, hàm lượng chất hữu cơ tổng số, lân, nitơ, kali dễ tiêu. Các chỉ tiêu hóa sinh như hàm lượng diệp lục được xác định bằng máy quang phổ, nitơ tổng số theo phương pháp Kjeldahl, protein theo Biure, đường khử theo Bectrand, vitamin C chuẩn độ bằng iot. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc bón phân hữu cơ vi sinh cho giống bí xanh trồng trên nền đất cát pha ở Nhơn Tân, An Nhơn, Bình Định, với mức 10, 15 tấn/ha đều có ảnh hưởng tốt đến một số chỉ tiêu hóa sinh, năng suất và phẩm chất, chẳng hạn như hàm lượng diệp lục, nitơ tổng số, tro trong lá đều tăng lên. Hàm lượng chất khô trong quả bí (tăng 0,46% - 1,03%), hàm lượng vitamin C (tăng 5,15% - 8,69%), protein (tăng 0,74% - 1,38%), đường tổng số (tăng 0,22% - 1,54%) và canxi (tăng 0,13% ). Bón phân hữu cơ vi sinh với mức 10 tấn/ha đã làm tăng năng suất bí xanh từ 31,71% đến 35,67% và lợi nhuận tăng 20,820 triệu so với đối chứng. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần khuyến cáo người trồng bí sử dụng phân hữu cơ vi sinh tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nước bí đao.

Hiệu quả phòng trị của xạ khuẩn đối với bệnh đốm vằn trên bắp

Lê Minh Tường, Đổ Thanh Tuyền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới thuộc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm ra chủng xạ khuẩn có khả năng quản lý bệnh đốm vằn trên bắp do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Khả năng đối kháng của các chủng xạ khuẩn đối với nấm R. solani gây bệnh đốm vằn trên bắp được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 2 chủng xạ khuẩn KS–ST6b và TO–VL11d thể hiện khả năng đối kháng cao với nấm R. solani thông qua bán kính vòng vô khuẩn lần lượt là 11,3 mm và 12,8 mm, hiệu suất đối kháng (HSĐK) lần lượt là 59,6% và 60,8% ở thời điểm 48 giờ sau khi cấy. Khả năng quản lý bệnh đốm vằn của 2 chủng xạ khuẩn KS–ST6b và TO–VL11d được thực hiện trong điều kiện nhà lưới với 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, cả 2 chủng xạ khuẩn đều có khả năng quản lý bệnh đốm vằn trên bắp do nấm R. solani gây ra. Trong đó chủng KS–ST6b khi xử lý phun kết hợp 2 ngày trước và 2 ngày sau khi lây bệnh (NSLB) nhân tạo cho hiệu quả quản lý bệnh cao tương đương với nghiệm thức xử dụng thuốc hóa học Validan 3DD ở thời điểm 15 ngày sau thí nghiệm.

Phân lập và bước đầu đánh giá hiệu quả của thực khuẩn thể trong phòng trừ bệnh thối gốc lúa do vi khuẩn Erwinia chrysanthemi

Trần Hưng Minh, Ngô Văn Chí, Phạm Minh Phú, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Có 35 dòng thực khuẩn thể (TKT) và 14 chủng vi khuẩn Erwinia chrysanthemi  được phân lập trên 59 mẫu bệnh thối gốc lúa, phân bố ở 4 tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang và Sóc Trăng. Việc đánh giá khả năng ký sinh của các dòng TKT cho thấy 8 dòng thực khuẩn thể ΦEchST19a, ΦEchCT12, ΦEchKG3b, ΦEchKG5a, ΦEchKG8b, ΦEchKG11b, ΦEchST19b và ΦEchST22 có khả năng ký sinh nhiều chủng vi khuẩn, và 7 chủng vi khuẩn E. chrysanthemi EchCT5, EchCT12, EchST20, EchKG4,  EchKG5, EchKG7, EchKG8 mẫn cảm với tất cả các dòng TKT được phân lập, trong đó chủng EchCT12 là chủng có khả năng gây hại cao hơn các chủng còn lại khi thực hiện lây bệnh nhân tạo trong điều kiện nhà lưới. Khảo sát khả năng thực khuẩn của 8 dòng TKT trên chủng vi khuẩn EchCT12 cho thấy, dòng TKT ΦEchKG8b cho đường kính phân giải vi khuẩn cao nhất. Trong thí nghiệm đánh giá 4 nồng độ thực khuẩn thể áp dụng (105; 106; 107 và 108 pfu/ml) trong phòng trị bệnh thối gốc lúa ở điều kiện nhà lưới thì các nồng độ 106; 107 và 108 pfu/ml thể hiện hiệu quả giảm bệnh, trong đó nồng độ 108 pfu/ml cho hiệu quả cao nhất.

Ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của 4 giống lúa trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Văn Bo, Kiều Tấn Nhựt, Lê Văn Bé, Ngô Ngọc Hưng
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới của Bộ môn Khoa học Đất, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2014 nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các giai đoạn tưới mặn đến sinh trưởng và năng suất của 4 giống lúa trồng trên đất nhiễm mặn. Thí nghiệm thừa số hai nhân tố được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 giống lúa (Pokkali (chuẩn kháng), IR 28 (chuẩn nhiễm), OM 5451 và IR 50404 (chịu mặn)) kết hợp với 4 giai đoạn tưới mặn (không tưới mặn, 10 - 20 ngày sau khi cấy (NSKC), 45 - 60 NSKC, 10 - 20 và 45 - 60 NSKC), với nước tưới có độ mặn 4‰. Kết quả cho thấy, việc tưới mặn đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của bốn giống lúa khảo sát. Trong đó, nghiệm thức tưới mặn vào giai đoạn 45 - 60 NSKC có chiều cao, số chồi, các thành phần năng suất và năng suất tốt hơn so với tưới mặn ở giai đoạn 10 - 20 NSKC hoặc 10 - 20 và 45 - 60 NSKC. Ngoài ra, giống lúa OM 5451 duy trì được sinh trưởng và năng suất tốt hơn so với giống IR 28 và IR 50404. Cần thử nghiệm ở điều kiện ngoài đồng để đánh giá ảnh hưởng của mặn lên sự sinh trưởng và năng suất của bốn giống lúa khảo sát.

Ảnh hưởng của thủy canh đến các đặc điểm cấu trúc hệ rễ ở các giống cây họ cà so với trồng trong đất

Bùi Hồng Hải
Tóm tắt | PDF
Một nghiên cứu phân tích so sánh các đặc điểm cấu trúc hệ rễ trên 31 giống thuộc 3 nhóm quan trọng (cà tím, ớt và cà chua) của họ Cà trồng thủy canh so với trồng trong đất. Những đặc điểm định lượng thu được chủ yếu từ việc đo đạc trên hình ảnh có độ phân giải cao của các bộ phận khác nhau của cây. Thủy canh đã giúp quan sát một cách chính xác các đặc điểm linh động của rễ như: tốc độ sinh trưởng hàng ngày và thời gian hình thành rễ nhánh của mầm rễ. Phân tích chỉ ra rằng: đường kính đỉnh rễ giảm, tốc độ sinh trưởng rễ tăng nhưng mật độ rễ nhánh lại ổn định trong thủy canh so với trong đất. Những kết quả nghiên cứu này chỉ ra ảnh hưởng của việc thay đổi điều kiện trồng trọt đến cấu trúc hệ rễ.

Khảo sát sự đa dạng di truyền của bọ vòi voi Diocalandra frumenti (Coleoptera: Curculionidae) gây hại cây dừa bằng dấu phân tử ISSR

Nguyễn Hồng Ửng, Triệu Phương Linh, Huỳnh Kỳ, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Bọ vòi voi (Diocalandra frumenti) hiện là một trong những côn trùng gây hại nghiêm trọng trên dừa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do đó khảo sát sự đa dạng di truyền của quần thể bọ vòi voi nhằm tạo nền tảng cho việc nghiên cứu biện pháp quản lý dịch hại hiệu quả nhất. Nghiên cứu được tiến hành thu thập 40 mẫu bọ vòi voi D. frumenti tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ, kết quả khảo sát hình thái đã sắp xếp dựa trên 4 kiểu hình chính. Sự đa dạng kiểu gen được khảo sát bằng 10 dấu chỉ thị phân tử ISSR. Trong tổng số 161 băng DNA được khuếch đại từ 10 ISSR có 148 băng đa hình đạt tỉ lệ 91,7%. Kết quả phân tích sơ đồ nhánh dựa vào phương pháp UPGMA đã chứng minh quần thể bọ vòi voi có sự đa dạng về kiểu gen rất cao và có khoảng cách di truyền dao động từ 3,16 - 8,54. Bốn mươi mẫu nghiên cứu được chia thành 4 nhóm chính, phần lớn các các kiểu hình khác nhau của cùng 1 địa điểm thu mẫu được xếp cùng một nhóm. Riêng quần thể bọ vòi voi hiện diện ở miền Đông Nam Bộ được xếp thành một nhóm. Kết quả này cho thấy đặc điểm di truyền của quần thể bọ vòi voi ở ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ là khác nhau và cho thấy sự đa dạng di truyền đã chịu ảnh hưởng của khoảng cách địa lí.

Khảo sát sự sinh trưởng và năng suất của rau xà lách thủy canh trên giá thể bông gòn lọc nước hồ cá

Trần Thị Ba, Võ Thị Hồng Như, Võ Thị Bích Thủy
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện tại nhà lưới nghiên cứu rau sạch khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 6 - 8/2014 nhằm xác định độ cao giá thể bông gòn lọc nước hồ cá thích hợp cho thủy canh xà lách hướng tới sản xuất qui mô lớn, khắc phục được trở ngại giá thể mụn xơ dừa là vật liệu hữu cơ dễ làm bẩn dung dịch dinh dưỡng và làm nghẹt đường lưu thông của dung dịch dinh dưỡng. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại, gồm 4 nghiệm thức là 4 độ cao giá thể bông gòn lọc nước hồ cá: (1) 1 cm, (2) 2 cm, (3) 3 cm và (4) 4 cm. Kết quả cho thấy, xà lách trồng trong rọ chuyên dùng, sử dụng giá thể bông gòn lọc nước hồ cá ở độ cao 4 cm cho sinh trưởng tốt nhất về chiều cao cây, số lá trên cây, kích thước lá (chiều dài và đường kính), đường kính gốc thân, chiều dài rễ và cho năng suất tổng, năng suất thương phẩm cao nhất (238,61 và 169,69 g/m2). Năng suất xà lách thủy canh tỷ lệ nghịch với độ cao giá thể bông gòn lọc nước hồ cá, thấp nhất ở độ cao 1 cm (154,15 và 95,69 g/m2, tương ứng với năng suất tổng và thương phẩm).

Khảo sát đặc điểm thích nghi của năng kim (Eleocharis ochrostachys) và năng ống (Eleocharis dulcis) với môi trường đất tại vườn quốc gia Tràm Chim

Huỳnh Thạch Sum, Lê Nhật Quang, Trương Thị Nga
Tóm tắt | PDF
Môi trường đất đóng một vai trò rất quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của cỏ năng. Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá đặc điểm thích nghi của năng Kim (Eleocharis ochrostachys) và năng Ống (Eleocharis dulcis) tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Thí nghiệm được bố trí gồm 1) năng Kim đơn thuần 2) quần xã năng Ống đơn thuần và 3) hỗn giao giữa năng Kim và năng Ống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây năng Kim thích nghi ở đất pH rất thấp, khoảng 3,2–3,8, nhôm trao đổi trong môi trường đất của quần xã năng Kim từ 14,40–15,70 cmol/kg, hàm lượng sắt tổng số từ 0,671–1,191%, hàm lượng đạm tổng số từ 0, 29–0,34%, lân tổng số dao động từ 0,061–0,068%, kali trao đổi từ 0,058–0,103 cmol/kg và có hàm lượng chất hữu cơ từ 10–11%. Trong khi đó, năng Ống phân bố và thích nghi ở môi trường đất có pH 3,8, nhôm trao đổi 9,95-16,90 cmol/kg, sắt tổng số từ 0,994–2,013%, lân tổng số trong đất từ 0,073–0,101%, kali trao đổi trong khoảng từ 0,033–0,074 cmol/kg, chất hữu cơ trong đất 30% và có hàm lượng đạm tổng số từ 0,50–0,71%. Tóm lại, để bảo tồn tốt cây năng Kim cần quan tâm đến đặc điểm sinh thái và môi trường đất để cây năng có sự thích nghi tốt.

Đặc điểm ra hoa, phát triển trái và thời điểm xuất hiện hiện tượng đen xơ mít thái siêu sớm (Artocarpus heterophyllus Lam) tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ

Lê Trí Nhân, Trần Thị Doãn Xuân, Trần Văn Hâu, Trần Sỹ Hiếu
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định đặc điểm ra hoa, phát triển trái và thời điểm xuất hiện hiện tượng đen xơ của trái mít Thái siêu sớm. Thí nghiệm được thực hiện trên 30 cây mít Thái bốn năm tuổi tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ trong mùa mưa (6 - 12/2014) và mùa nắng (1 - 7/2015). Đặc điểm ra hoa và phát triển trái mít Thái  được ghi nhận bằng cách đánh dấu mầm hoa từ khi nhú đến khi chấm dứt quá trình tung phấn/đậu trái. Trái được thu 10 ngày/lần, thu liên tục 11 lần, mỗi lần thu 9 trái để khảo sát các đặc điểm nông học và phẩm chất trái cùng với sự xuất hiện của hiện tượng đen xơ. Kết quả cho thấy mít Thái có 3 kiểu chùm hoa: đực-đực, đực-cái, và cái-cái, trong đó kiểu phát hoa cái-cái chiếm tỷ lệ >50%. Trọng lượng trái mít tăng trưởng nhanh từ 30 - 80 ngày sau đậu trái (NSKĐT), tốc độ tăng trưởng cực đại ở giai đoạn 70 NSKĐT. Mùa mưa trái phát triển dài hơn mùa nắng từ 5 - 10 ngày. Các chỉ tiêu phẩm chất trái như độ Brix, TA, hàm lượng nước, màu sắc trong múi mít ổn định và có thể thu hoạch ở giai đoạn 90 - 100 NSKĐT. Hiện tượng đen xơ xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa ở giai đoạn từ 30 - 90 NSKĐT.

Nghiên cứu ứng dụng hóa chất tín hiệu để quản lý ngài Hellula undalis Fabricius (Lepidoptera: Crambidae) hại rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Thanh Thy, Nguyễn Hữu Minh Tiến, Lê Văn Vàng, Nguyễn Lộc Hiền
Tóm tắt | PDF
Sâu kéo màng, Hellula undalis Fab. (Lepidoptera: Crambidae) là loài sâu hại rau cải họ Brassicaceae quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm tạo thông tin cơ sở cho các nghiên cứu về xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp (IPM) hiệu quả, nghiên cứu ứng dụng hóa chất tín hiệu để quản lý ngài H. undalis đã được thực hiện trên các ruộng rau cải thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và khu thực nghiệm của Trường Đại học Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh dầu sả và tỏi đều quấy rối được sự đẻ trứng của ngài H. undalis trong điều kiện ngoài đồng với vật liệu phóng thích là túi Plastic quay kéo chứa 2 ml tinh dầu được thấm vào bông thấm và được treo lên thanh tre ngay giữa liếp cải, định kỳ hằng tuần thay mới tinh dầu sả và tỏi/lần, khoảng cách cho hiệu quả quấy rối cao nhất cách túi treo theo đường kính là 8 m. Tinh dầu sả cho hiệu quả quản lý việc quấy rối đẻ trứng của ngài H. undalis 92% tương đương về mặt thống kê với dầu tỏi 87%, trong khi đó quản lý bằng thuốc bảo vệ thực vật chỉ được 66% so với ruộng không phòng trị. Kết quả này đã cho thấy hiệu quả của hóa chất tín hiệu, dầu sả và dầu tỏi có hiệu quả cao trong việc quản lý sự gây hại của H. undalis gây hại quan trọng trên rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tác động của mặn và ngập theo kịch bản biến đổi khí hậu đến tiềm năng thích nghi đất đai vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long

Phạm Thanh Vũ, Phan Chí Nguyện, Vương Tuấn Huy, Võ Quang Minh
Tóm tắt | PDF
Sản xuất nông nghiệp là một định hướng quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi được xem là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đồng thời cũng được xem là nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ven biển. Với nhiều yếu tố tác động về tự nhiên, kinh tế - xã hội, các kiểu sử dụng đất vùng ven biển của vùng ĐBSCL luôn có xu hướng chuyển đổi để ổn định, gia tăng sinh kế cho người dân và thích ứng với sự thay đổi của điều kiện tự nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra. Từ các kết quả thu thập được về điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, định hướng sử dụng đất và kịch bản biến đổi khí hậu (nước biển dâng và xâm nhập mặn) cho ĐBSCL, nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng thích nghi cho 10 kiểu sử dụng đất đai chính của vùng ĐBSCL (03 vụ lúa, 02 vụ lúa, 01 vụ lúa, lúa - màu, lúa - tôm, chuyên tôm, tôm - rừng, chuyên mía, chuyên màu, chuyên cây ăn trái) bằng phương pháp đánh giá thích nghi đất đai FAO (1976). Kết quả cho thấy rằng, tiềm năng thích nghi đất đai cho 8 tỉnh ven biển ĐBSCL được xác định thành 09 vùng thích nghi về mặt tự nhiên trong điều kiện hiện tại và dưới tác động của biến đổi khí hậu (2030 và 2050), xác định được các vùng tranh chấp giữa mặn ngọt ảnh hưởng đến sự thay đổi sử dụng đất đai như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre. Kết quả này là một định hướng quan trọng trong việc định hướng sử dụng đất nông nghiệp, xác định các biện pháp thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Khảo sát khả năng đối kháng của xạ khuẩn đối với nấm Phytophthora sp. gây bệnh cháy lá, thối thân trên cây sen

Đinh Hồng Thái, Lê Minh Tường
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm ra chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng với nấm Phytophthora sp. gây bệnh cháy lá – thối thân trên cây sen. Kết quả phân lập được 93 chủng xạ khuẩn từ đất trồng sen ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá sơ khởi đã chọn được 30 chủng xạ khuẩn có khả năng đối kháng cao với nấm gây bệnh cháy lá – thối thân trên cây sen. Khả năng đối kháng của 30 chủng xạ khuẩn đối với nấm Phytophthorasp. được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, 5 chủng xạ khuẩn CM18, HG3, HG4, TG1 và BL6 luôn thể hiện khả năng đối kháng cao và bền với nấm Phytophthora sp.. Trong đó, chủng CM18 thể hiện khả năng đối kháng cao nhất với bán kính vòng vô khuẩn là 16,75 mm và hiệu suất đối kháng là 89,89% ở thời điểm 60 giờ sau khi cấy. Khả năng tiết enzyme β-glucanase của các chủng xạ khuẩn có triển vọng được thực hiện trên môi trường β-glucan với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, chủng xạ khuẩn CM18 có khả năng tiết enzyme β-glucanase cao nhất với bán kính vòng phân giải là 10,81 mm ở thời điểm 14 ngày sau khi cấy. Bên cạnh đó, các chủng xạ khuẩn thí nghiệm đều có khả năng tiết siderophore dạng hydroxamates.

Ảnh hưởng của mật số và tuổi của ấu trùng lên khả năng truyền bệnh lùn lúa cỏ (Rice grassy stunt virus) của rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal)

Nguyễn Phú Dũng, Phạm Văn Dũ, Nguyễn Văn Huỳnh
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định mật số thích hợp và lứa tuổi của ấu trùng rầy nâu/cây lúa truyền được bệnh lùn lúa cỏ. Kết quả thể hiện tốc độ gia tăng chiều cao cây và sinh chồi lúa chịu ảnh hưởng khi mật số rầy nâu càng cao. Ấu trùng rầy nâu tuổi 2 truyền được bệnh có ảnh hưởng đến chiều cao cây lúa, cao hơn so với ấu trùng rầy nâu tuổi 4 từ giai đoạn 25 – 30 ngày sau khi chủng (NSKC), nhưng không ảnh hưởng đến sự sinh chồi lúa. Quản lý rầy nâu khi mật số từ 1 – 3 con rầy/cây lúa với tỷ lệ gây bệnh từ 12,5 – 13,75% ở giai đoạn dưới 15 – 20 ngày tuổi. Tỷ lệ truyền được bệnh ở ấu trùng rầy nâu tuổi 4 thấp hơn ấu trùng rầy nâu tuổi 2 với tỷ lệ nhiễm vi rút lần lượt là 26,81% và 36,96% ở giai đoạn 15 – 30 NSKC.

Chuyển đổi chú giải bản đồ đất Đồng bằng sông Cửu Long phân loại theo hệ thống WRB 1998 sang WRB 2006

Võ Quang Minh, Phạm Thanh Vũ, Lê Quang Trí, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Công tác nghiên cứu chuyển đổi chú dẫn bản đồ đất là một vấn đề trọng tâm của ngành khoa học đất và của những nhà hoạch định chính sách quy hoạch sử dụng đất nhằm mục đích cập nhật các loại đất theo hệ thống mới nhất. Trong thời gian qua, sự thay đổi sử dụng đất chuyển biến mạnh mẽ làm cho một số nhóm đất chính có sự thay đổi về đặc tính và chất lượng đất. Nghiên cứu đã sử dụng các kết quả từ các đề tài, dự án đã thực hiện trước đây, kết hợp với khảo sát thực địa, phân loại đất theo hệ thống WRB/FAO 2006 và tiến hành chỉnh lý trên cơ sở bản đồ đất năm 1998. Kết quả chuyển đổi chú giải bản đồ đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ hệ thống phân loại theo WRB 1998 sang hệ thống phân loại theo WRB 2006 được 10 nhóm đất chính: Albeluvisols, Alisols, Arenosols, Fluvisols, Gleysols, Histosols, Leptosols, Luvisols, Plinthosols và Solonchaks với 60 biểu loại đất khác nhau. Có thể sử dụng kết quả để xác định các kiểu sử dụng đất đai phù hợp và hiệu quả quy hoạch xây dựng các chiến lược sử dụng và bảo tồn đất đai bền vững đáp ứng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL theo hướng bền vững hiện nay.

Ảnh hưởng của bốn loại giá thể đến sự sinh trưởng và phát triển ớt kiểng ghép

Lý Hương Thanh, Trần Thị Ba, Võ Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện tại nhà lưới nghiên cứu rau sạch khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng từ tháng 4 - 11/2013 nhằm xác định loại giá thể phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của ớt kiểng ghép trên gốc ghép ớt Thiên ngọc (giống địa phương). Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 10 lần lặp lại, gồm 4 nghiệm thức là: (1) 100% xơ dừa: đối chứng, (2) 50% xơ dừa + 50% tro trấu, (3) 50% xơ dừa + 50% rong biển, (4) 50% đất + 25% xơ dừa + 25% tro trấu. Kết quả cho thấy, tổ hợp giá thể 50% đất + 25% xơ dừa + 25% tro trấu cho cây ớt kiểng ghép (2 giống/cây) sinh trưởng tốt nhất về chiều cao, đường kính tán và số trái trên cây (11,9 trái/cây), kế đến là tổ hợp giá thể xơ dừa kết hợp với trấu hoặc rong biển (50% xơ dừa + 50% tro trấu và 50% xơ dừa + 50% rong biển) cho cây ớt kiểng ghép sinh trưởng trung bình về chiều cao cây, đường kính tán và số trái trên (8,6 - 9,9 trái/cây). Giá thể đơn thuần xơ dừa (100% xơ dừa (Đối chứng)) cho kết quả kém nhất về chiều cao, đường kính tán và số trái trên cây (7,5 trái/cây). Các loại giá thể có xơ dừa cây thấp, tán nhỏ, ít trái hơn. Trồng ớt kiểng ghép với qui mô nhỏ có thể sử dụng giá thể 50% đất + 25% xơ dừa + 25% tro trấu.

Khảo sát năng suất và kiểu chín của các dòng đậu xanh đột biến ở thế hệ M5

Trần Thị Thanh Thúy, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện vào vụ Thu Đông 2015 tại Trường Đại học Cần Thơ nhằm tuyển chọn được 2 - 3 dòng đậu xanh đột biến cho năng suất cao, có kiểu chín đồng loạt và ít nhiễm sâu bệnh, từ đó làm cơ sở cho việc cải thiện giống mới. Mười hai giống/dòng đậu xanh đột biến được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, một nhân tố với 3 lần lặp lại, khoảng cách gieo là 45x20 cm, 2 cây/hốc. Diện tích một ô thí nghiệm là 7,2 m2. Mức công thức phân bón được áp dụng 60N-60P2O5-40K2O. Đậu xanh Taichung được chọn làm giống đối chứng. Kết quả cho thấy, thời gian sinh trưởng của các giống/dòng đều ngắn và biến thiên từ 57 đến 61 ngày. Ba dòng TC2-1-33-11, TC2-6-16-12 và TC2A-5-9-5 có kiểu chín đồng loạt với tỷ lệ trái chín đợt 1 là 100%, cao hơn so với tỷ lệ trái chín đợt 1 của giống đối chứng (87,6%). Năm dòng TC2-1-33-11 và TC2-6-16-12, TC4-1-4-11, TC6-6-24-4, TC8-3-16-9 biểu hiện không nhiễm bệnh héo cây con, bệnh đốm lá và sâu đục thân. Dòng TC2A-5-9-5 và TC8-3-16-9 có trọng lượng 1000 hạt cao tương đương với trọng lượng 1000 hạt của giống đối chứng và là 2 dòng có tiềm năng đạt năng suất cao lần lượt là 1,847 tấn/h; 1,798 tấn/ha. Các dòng TC2A-5-9-5, TC8-3-16-9, TC2-1-33-11 là những dòng có triển vọng trong bộ giống thí nghiệm do các đặc tính nông học, thành phần năng suất và năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh.

Tài nguyên đất đai và đề xuất phát triển vùng chuyên canh khóm trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

Trần Văn Dũng, Phan Hoàng Vũ, Phan Chí Nguyện, Trần Ngọc Linh, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả và bền vững trên vùng đất phèn cho sự phát triển của cây khóm.Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thống kê mô tả để mô tả, đánh giá thực trạng canh tác và phương pháp đánh giá đất đai của FAO (1976) để phân vùng thích nghi cho vùng trồng khóm. Kết quả đã thành lập được bản đồ đơn vị đất đai với 26 đơn vị đất đai từ việc chồng lắp các bản đồ đơn tính của đất và nước. Trên cơ sở bản đồ đơn vị đất đai và nhu cầu sử dụng đất đai của cây khóm đã phân được 4 vùng thích nghi đất đai tự nhiên cho vùng trồng cây khóm là: vùng thích nghi cao (19.072,0 ha), vùng thích nghi trung bình (1.210,94ha), vùng thích nghi kém (944,64ha) và vùng không thích nghi trong điều kiện hiện tại cho sự phát triển của cây khóm (12.093,31ha). Kết quả làm cơ sở giúp các nhà quy hoạch và hoạch định chiến lược phát triển vùng trồng khóm tập trung cho Huyện.

Xác định loài, đặc diểm sinh học và bước đầu đánh giá hiệu quả trừ sùng khoai lang (Cylas formicarius Fabricius) trong điều kiện phòng thí nghiệm của các chủng nấm Beauveria ký sinh trên côn trùng gây hại phân lập tại Đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Hữu Đức, Trần Văn Hai
Tóm tắt | PDF
Kết quả phân lập và định danh đã xác định 16 chủng nấm Beauveria thuộc loài Beauveria b’];assiana ký sinh trên côn trùng gây hại tại 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khuẩn lạc của các chủng nấm nuôi cấy trên môi trường PDA thường có màu trắng hoặc màu trắng hơi ửng vàng khi thành thục. Các chủng nấm có đặc điểm chung bởi cuống bào tử đính mọc theo hình vòng xoắn và thành từng cụm dày đặc của cành bào đài ngắn với một bào tử đơn có dạng hình trứng (2,61 - 2,97 x 2,35 - 2,72 μm) hoặc hình cầu (2,24 - 2,28 x 2,23 - 2,24μm). Ngoài ra, kết quả so sánh mức độ tương đồng trình tự DNA vùng ITS-rDNA cho thấy các chủng nấm có sự tương đồng cao (96,6% đến 99,6%) so với những trình tự đã công bố trên Genbank. Đặc điểm sinh học của 16 chủng nấm B. bassiana cho thấy: tỷ lệ nảy mầm cao trên 94% sau 24 giờ nuôi cấy. Môi trường SDAY3 cho tốc độ phát triển đường kính khuẩn lạc nhanh và cho mật số bào tử cao (khoảng 3,42 đến 11,5 x 107 bào tử/cm2) sau 14 đến 18 ngày nuôi cấy. Bước đầu đánh giá hiệu quả các chủng nấm trắng B. bassiana cho thấy, tất cả 16 chủng nấm đều có hiệu quả trừ sùng khoai lang (Cylas formicarius Fabricius) cao, đạt trên 94% tỷ lệ sùng chết sau 11 ngày xử lý trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Ứng dụng kỹ thuật SSR (Simple sequence repeat) trong việc lai tạo các dòng lúa lai F1 và BC1F1 kháng rầy nâu, chống chịu mặn

Phạm Thanh Minh, Lê Vĩnh Thúc, Trần Nhân Dũng
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm tìm ra tổ hợp lai vừa kháng với độc tính rầy nâu, vừa có khả năng đáp ứng sinh lí mặn. Nghiên cứu này gồm: (1) lai tạo theo phương pháp lai hồi giao (backcross) với giống mẹ của 6 tổ hợp (AS996/Một bụi đỏ, ST20/Một bụi đỏ, IR50404/OM6976, OM6677/OM6976, OM6377/OM6976, OC10/OM6976) đến thế hệ BC1F1; (2) đánh giá kiểu hình tính kháng rầy nâu và khả năng chống chịu mặn bằng phương pháp hộp mạ theo tiêu chuẩn IRRI, (3) kiểm tra gene kháng rầy nâu và gene chống chịu mặn bằng kỹ thuật SSR. Kết quả thí nghiệm cho thấy đã chuyển thành công gene kháng rầy nâu và gene chống chịu mặn vào 12 dòng lúa lai hồi giao. Trong đó 3 dòng lai F1(ST20/Một bụi đỏ, OM6377/OM6976, OC10/OM6976) và 3 dòng lai BC1F1 (AS996*2//Một bụi đỏ, OM6377*2//OM6976, OC10*2//OM6976) thể hiện tính kháng cao về khả năng kháng rầy nâu và khả năng đáp ứng sinh lý trong điều kiện mặn. Qua kiểm tra bằng kỹ thuật sinh học phân tử SSR cho thấy thể hiện gene mục tiêu trong 12 dòng lúa lai F1 và BC1F1.

Ảnh hưởng của bón phân N, P, K lên sự sinh trưởng và năng suất khoai mì trồng trên đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Văn Dang, Trần Ngọc Hữu, Nguyễn Bảo Vệ, Lê Phước Toàn, Ngô Ngọc Hưng, Nguyen Kim Quyen
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá đáp ứng sinh trưởng và năng suất của cây khoai mì kè đối với phân N, P, K trồng trên bốn vùng đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thí nghiệm nông hộ (on-farm research) được thực hiện trên ba địa điểm khác nhau của mỗi vùng đất phèn, với mỗi địa điểm là một lần lặp lại. Các nghiệm thức thí nghiệm: (i) bón đầy đủ phân N, P, K; (ii) không bón phân lân; (iii) không bón phân kali và (iv) không bón phân đạm. Kết quả thí nghiệm cho thấy bón phân đạm ở liều lượng 90 kg N/ha trên nền 60 P2O5 - 90 K2O (kg/ha) làm tăng khả năng sinh trưởng của khoai mì trên bốn vùng đất phèn, từ đó làm gia tăng số củ, chiều dài củ, đường kính củ và năng suất củ khoai mì tốt hơn so với việc không bón phân đạm. Năng suất củ khoai mì có đáp ứng với phân lân và kali nhưng thấp hơn phân đạm. Đáp ứng năng suất của khoai mì với phân N, P, K theo thứ tự N>P≥K. Năng suất củ khoai mì đạt cao nhất ở vùng đất phèn TSH (16,9 tấn/ha) kế đến là vùng đất phèn ĐTM (13,6 tấn/ha) và thấp nhất là ở vùng đất phèn TGLX (11,0 tấn/ha), BĐCM (12,0 tấn/ha). Cần tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của các liều lượng phân đạm, lân, kali đến năng suất khoai mì nhằm đưa ra công thức khuyến cáo hiệu quả cho từng vùng đất phèn ở ĐBSCL.

Hiệu quả của một số chất xua đuổi đối với trưởng thành sâu đục củ khoai lang Nacoleia sp. (Lepidoptera: Crambidae) trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới

Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Nguyễn Minh Luân, Lê Vĩnh Thúc, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả của một số chất xua đuổi đối với trưởng thành sâu đục củ khoai lang (Nacoleia sp.), được khảo sát trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới ở Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông Nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, thí nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống olfactometer (khứu giác kế) dùng để khảo sát ảnh hưởng của một số chất xua đuổi đối với trưởng thành sâu đục củ khoai lang. Các chất quấy rối được khảo sát gồm 1) tinh dầu sả, 2) tinh dầu tỏi, 3) hợp chất (E)-10-pentadecenal (E10-15:Ald) và 4) n-Hexane (đối chứng). Trong điều kiện nhà lưới, thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, một lựa chọn với 4 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Ảnh hưởng của tín hiệu hóa học lên tập tính tìm ký chủ của sâu đục củ khoai lang được qui đổi sang chỉ số EPI (excess proportion index) theo công thức Hori et al. (2006). Kết quả như sau: trong điều kiện phòng thí nghiệm, các hợp chất E10-15:Ald và tinh dầu sả (citronellal 30%) có tác dụng xua đuổi, trong khi tinh dầu tỏi có tác dụng hấp dẫn ngài cái tìm ký chủ đẻ trứng. Tinh dầu sả có tác dụng xua đuổi sự đẻ trứng của ngài cái. Tinh dầu tỏi, n-Hexane và (E)-10-pentadecenal không ảnh hưởng lên sự nở của trứng. Trong điều kiện nhà lưới: ngài cái chưa bắt cặp có khả năng hấp dẫn ngài đực.

Phân lập vi rút SENPV từ sâu xanh da láng (Spodoptera exigua Hüber) tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trịnh Thị Xuân, Trương Thanh Xuân Liên, Dương Thị Thu Nhi, Trần Văn Hai
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm thu thập và định danh vi rút bằng bằng phương pháp truyền thống dựa trên các triệu chứng và kết hợp với việc thực hiện phản ứng PCR với cặp mồi chuyên biệt PSF002 và PER00 1dùng để nhận biết vi rút nucleopolyhedrovirus (NPV). Kết quả đã thu thập được 29 mẫu từ xác của ấu trùng sâu xanh da láng Spodoptera exigua Hübner (Lepidoptera: Noctuidae) tại Đồng bằng sông Cửu Long. Qua quan sát hình dạng thể vùi, mô tả triệu chứng, kết hợp ly trích DNA và khuếch đại PCR với primer chuyên biệt PER001 và PSF002 cho kết quả có 20 chủng xuất hiện những băng màu có kích thước 550 bp và được xác định là nucleopolyhedrovirus (NPV) thuộc họ Baculoviridae. Trong đó, có bảy chủng vi rút thu thập tại tỉnh Vĩnh Long, năm chủng vi rút thu thập tại tỉnh Đồng Tháp, ba chủng vi rút thu thập tại tỉnh An Giang và năm chủng vi rút thu thập tại thành phố Cần Thơ.

Ảnh hưởng của việc bổ sung silic và calcium qua lá đến năng suất và chất lượng củ khoai lang tím Nhật (Ipomoea batatas (L.) Lam.)

Phạm Thị Phương Thảo, Vương Ngọc Đăng Khoa, Lê Thị Hoàng Yến, Phan Hữu Nghĩa, Đỗ Hữu Thông, Phạm Thị Hoàng Ái, Lê Văn Hòa, Phạm Phước Nhẫn
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của việc bổ sung silic và calcium qua lá đến năng suất và chất lượng củ khoai lang tím Nhật (Ipomoe batatas (L.) Lam). Đề tài được bố trí tại xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2015. Thí nghiệm được bố trí theo thể khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), 11 nghiệm thức và 3 lần lặp lại gồm không bón (đối chứng), bổ sung phân CaCl2, CaO, Ca(NO3)2, Na2SiO3 và CaSiO3 ở hai mức nồng độ nguyên chất là 250 và 500 mg/L tương ứng cho từng loại phân. Đánh giá năng suất vào thời điểm 140 ngày sau khi trồng, đánh giá chất lượng ở thời điểm thu hoạch và theo thời gian tồn trữ. Kết quả thí nghiệm cho thấy, các nghiệm thức bổ sung phân silic và calcium ở các dạng và liều lượng khác nhau vào hai thời điểm 35 và 70 NSKT chưa thể hiện sự khác biệt về các chỉ tiêu sinh trưởng và chất lượng củ. Các nghiệm thức CaO, Ca(NO3)2, Na2SiO3 và CaSiO3 ở nồng độ 500 mg/L có năng suất củ thương phẩm lớn hơn 20 tấn/ha và cao hơn so với nghiệm thức đối chứng.

Sự đa dạng di truyền của bảy dòng cam Sành không hạt được phát hiện năm 2013 tại Hậu Giang dựa trên trình tự matK

Lê Minh Triết, Nguyễn Bảo Vệ, Nguyễn Bá Phú
Tóm tắt | PDF
Để có thông tin đặc điểm về di truyền của bảy dòng cam Sành không hạt được phát hiện năm 2013 tại Hậu Giang, đề tài được thực hiện với mục tiêu có thể phân biệt các dòng cam Sành không hạt với nhau và với các dòng cam Sành phổ biến khác, đặc biệt là dòng cam Sành không hạt LĐ6 dựa trên trình tự matK. Tiến hành khuếch đại matK bằng cặp mồi matK-390F/matK-1326R. Có sự đa dạng di truyền trong các dòng cam Sành không hạt và có hạt được khảo sát. Kết quả phân tích trình tự matK cho thấy, 7 dòng CSKH có các vị trí nucleotide khác biệt với nhau và khác với dòng cam Sành không hạt LĐ6 cũng như với dòng cam Sành có hạt đầu dòng CS8 và dòng cam Sành có hạt thương phẩm. Giản đồ phả hệ phân chia các dòng cam Sành thành 2 nhánh lớn với chỉ số bootstrap dao động từ 22-75%: nhánh I gồm các dòng cam Sành không hạt và nhánh II gồm 2 dòng cam Sành có hạt. Sự đa dạng di truyền trong chuỗi trình tự matK của 10 dòng cam Sành được khảo sát có thể dùng để phân biệt 7 dòng CSKH với nhau và với dòng LĐ6, dòng CS8, dòng cam Sành có hạt thương phẩm.

Khảo sát hoạt tính các hợp chất kháng oxy hóa trong lá và thân cây chùm ngây (Moringa oleifera)

Phan Thị Bích Trâm, Nguyễn Thị Diễm My
Tóm tắt | PDF
Đề tài nghiên cứu nhằm khảo sát sự ảnh hưởng của phương pháp chiết tách và dung môi hữu cơ lên hoạt tính các hợp chất kháng oxy hóa có trong lá và thân cây chùm ngây. Kết quả khảo sát cho thấy khả năng kháng oxy hóa của lá cao hơn thân chùm ngây. Các hợp chất kháng oxy hóa của mẫu chiết bằng phương pháp chiết Soxhlet cao hơn phương pháp chiết nóng trên cùng một dung môi chiết. Hiệu quả chiết bằng dung môi metanol tốt hơn etanol. Hàm lượng polyphenol tổng số (TPC) và flavonoid tổng số (TFC) đạt cao nhất trên mẫu dịch chiết metanol từ lá bằng phương pháp chiết Soxhlet lần lượt là 9,68 mg đương lượng acid gallic trên gam chất khô (GAE)/g VCK) và 19,8 mg đương lượng quercetin trên gam chất khô (QE/g VCK). Khả năng loại gốc tự do bằng thử nghiệm 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH) trên mẫu dịch chiết metanol từ lá cây chùm ngây bằng phương pháp chiết Soxhlet có giá trị IC50 thấp nhất đạt 0,537 mg/mL.

Hiệu quả của phân urea Cà Mau có bổ sung vi lượng trên hiệu quả sử dụng đạm, sinh trưởng và năng suất lúa

Nguyễn Đỗ Châu Giang, Lâm Văn Thông, Châu Minh Khôi, Nguyễn Minh Đông
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện ở nhà lưới (Đại học Cần Thơ) và đồng ruộng tại xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long vào vụ Thu Đông 2013 nhằm so sánh hiệu quả của phân urea có bổ sung vi lượng (TE) với phân urea thông thường (hạt đục, hạt trong) trên hiệu quả sử dụng đạm (NUE), sinh trưởng, và năng suất lúa. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức (0N, 100%N hạt đục, 100%N hạt trong, 100%N+TE và 90%N+TE) với 5 lặp lại trong thí nghiệm nhà lưới, và 4 lặp lại trong thí nghiệm đồng ruộng. Kết quả cho thấy, việc bổ sung TE vào urea hạt đục chưa góp phần nâng cao hiệu quả nông học (AE) và N hấp thu từ phân bón (ANR) trong thí nghiệm nhà lưới và đồng ruộng, mặc dù ANR của các nghiệm thức urea bổ sung TE có khuynh hướng cao hơn urea hạt đục trong thí nghiệm đồng ruộng. Ngoài ra, bổ sung TE vào phân urea chưa có ý nghĩa trong việc gia tăng năng suất, tuy nhiên khi bón giảm lượng N ở mức 90%N bổ sung TE vẫn duy trì năng suất lúa trong cả hai thí nghiệm. Cần so sánh hiệu quả của việc giảm liều lượng phân N bón không có TE và có TE để thấy rõ hơn hiệu quả của bổ sung TE trong duy trì năng suất cây trồng ở điều kiện bón giảm phân đạm.

Đánh giá khả năng phòng trị của xạ khuẩn đối với bệnh thán thư trên xoài do nấm Colletotrichum sp. gây ra

Nguyền Hồng Quí, Lê Minh Tường
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lưới thuộc Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm ra các chủng xạ khuẩn có khả năng quản lý bệnh thán thư trên xoài do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Hiệu quả phòng trị bệnh thán thư trên xoài của 3 chủng xạ khuẩn HG10, HG17 và HG21 được thực hiện trong điều kiện nhà lưới với 5 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, cả 3 chủng xạ khuẩn thí nghiệm đều có khả năng phòng trị bệnh thán thư trên xoài, trong đó chủng HG10 và HG21 ở thời điểm phun trước và thời điểm kết hợp phun 2 ngày trước và 2 ngày sau khi lây bệnh (NSLB) nhân tạo cho khả năng phòng trị bệnh cao tương đương nghiệm thức thuốc hóa học Carbenzim thông qua phần trăm diện tích lá bị bệnh thấp lần lượt là 5,5 mm; 6,25 mm; 6,00 mm và 6,75 mm và hiệu quả giảm bệnh cao lần lượt là 77,32%; 74,22%; 75,25% và 74,16% ở thời điểm 14 NSLB nhân tạo. Khả năng phân giải chitin của các chủng xạ khuẩn được thực hiện trên môi trường chitin agar. Kết quả cho thấy chủng HG10 có khả năng phân giải cao với bán kính vòng phân giải là 26,9 mm ở thời điểm 7 ngày sau khi cấy.

Khả năng kích kháng lưu dẫn của vi khuẩn Bacillus spp. đối với bệnh cháy lá lúa do nấm Pyricularia oryzae trong điều kiện nhà lưới

Trần Vũ Phến, Đinh Ngọc Trúc, Trần Ánh Lụa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại nhà lưới Bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ nhằm đánh giá khả năng kích kháng đối với bệnh cháy lá lúa của một số chủng vi khuẩn Bacillus spp. phân lập từ ruộng lúa. Thí nghiệm được thực hiện theo phương pháp lây nhiễm tác nhân gây bệnh cách biệt về mặt thời gian với tác nhân phòng trị, cụ thể là vi khuẩn Bacillus được xử lý bằng cách ngâm và áo hạt và phun trên tán lá lúa vào 16 ngày sau khi gieo (NSKG) và lây bệnh nhân tạo được thực hiện vào 20 NSKG. Kết quả đã ghi nhận các chủng Bacillus-P78, -P81, -P84 và B. amyloliquefaciens là tác nhân kích kháng lưu dẫn triển vọng đối với bệnh cháy lá lúa, giúp cây lúa có mức độ nhiễm bệnh thấp hơn so với đối chứng không xử lý, với hiệu quả giảm bệnh khoảng 90%. Trong cây lúa được kích kháng, các chủng Bacillus-P84, -P81 và B. amyloliquefaciens có sự gia tăng hoạt tính β-1,3- glucanase và chitinase, tương ứng theo thứ tự về hiệu quả giảm bệnh. Sự gia tăng hoạt tính của các enzyme này có thể liên quan tới khả năng kích kháng lưu dẫn của vi khuẩn Bacillus đối với bệnh cháy lá lúa.

Thực trạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của nông hộ dân tộc Khmer tại Sóc Trăng

Trịnh Thanh Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa của nông hộ đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát 193 nông hộ dân tộc Khmer trồng lúa tại Sóc Trăng trong niên vụ 2015. Phân tích thống kê mô tả được sử dụng để tìm hiểu thực trạng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của nông hộ và phân tích hồi quy binary logistic được dùng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa của nông hộ. Kết quả cho thấy rằng, tỷ lệ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất lúa khá thấp, chỉ đạt từ 0 – 27,5% cho hầu hết các mô hình, ngoại trừ việc sử dụng giống lúa chất lượng cao và giống lúa xác nhận đạt 53,9% và 60,6%. Các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa của nông hộ là trình độ học vấn, tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội, diện tích đất sản xuất, sự quan tâm của chính quyền địa phương, kênh thông tin tiến bộ kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông và đại lý phân phối vật tư nông nghiệp.

Khảo sát đặc tính sinh học của các chủng nấm Nomuraea rileyi (Farlow) samson ký sinh côn trùng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Thị Ngọc Xuân, Douangvilavanh Keomanivone, Lương Thị Hoàng Dung, Trần Văn Hai, Trịnh Thị Xuân
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm mục đích: (i) Phân lập và xác định các loài nấm Nomuraea rileyi ký sinh, gây bệnh côn trùng ở Đồng bằng sông Cửu long bằng phương pháp truyền thống dựa trên đặc điểm hình thái; (ii) Nghiên cứu các đặc điểm sinh học của các chủng nấm N. rileyi; (ii) Đánh giá hiệu lực trừ sâu xanh da láng Spodoptera exigua Hübner của các chủng nấm N. rileyi trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả đã định danh được 10 chủng nấm thu thập từ xác ấu trùng sâu non bộ cách vẩy ở  ngoài đồng là nấm N. rileyi. Trên môi trường PMA, sau 24 giờ nuôi cấy chủng Nr3 (ST-AG) có tỷ lệ nảy mầm cao nhất 97,5%. Hai môi trường MAYP và PMA thích hợp cho sự phát triển sợi nấm và nhân mật số bào tử ở hầu hết các chủng nấm N. rileyi. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, tất cả các chủng nấm N. rileyi phân lập đều cho hiệu quả trừ sâu xanh da láng cao với tỷ lệ sâu chết trên 90% sau chín ngày chủng nhiễm.

Ảnh hưởng của giống cải và nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của sâu kéo màng, Hellula undalis Fabricius (Lepidoptera: Crambidae)

Trần Thanh Thy, Phan Thị Thanh Tuyền, Lê Văn Vàng, Nguyễn Lộc Hiền
Tóm tắt | PDF
Sâu kéo màng, Hellula undalis Fab. (Lepidoptera: Crambidae) là loài sâu hại rau cải họ Brassicaceae quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm tạo thông tin cơ sở cho các nghiên cứu về xây dựng chiến lược quản lý hiệu quả, nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của sâu kéo màng, H. undalis trên các giống cải và nhiệt độ khác nhau đã được khảo sát trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giống cải và nhiệt độ của môi trường đã ảnh hưởng lên thời gian phát triển của H. undalis. Giữa 5 loại giống cải khảo sát gồm cải ngọt, cải xanh, cải tùa xại, cải thìa và cải bó xôi, vòng đời của H. undalis là ngắn nhất (17,54 ngày) khi được nuôi bằng đọt non cải xanh, trong khi ấu trùng được nuôi bằng đọt non cải bó xôi đã không thể sống đến hết tuổi 2. Mặt khác, trong khoảng nhiệt độ từ 16oC - 25oC, thời gian ở tất cả các giai đoạn phát triển của H. undalis trên giống cải xanh là dài hơn khi điều kiện nhiệt độ môi trường giảm (vòng đời dài 61,25 ngày ở 16oC, 32,17 ngày ở 20oC và 25,14 ngày ở 25oC).

Khảo sát mức độ đáp ứng tiêu chí môi trường xã nông thôn mới - Trường hợp xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Bùi Như Ý, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu “Khảo sát mức độ đáp ứng tiêu chí môi trường xã nông thôn mới - trường hợp xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng” thực hiện với mục tiêu xác định mức độ đáp ứng tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới của địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt tiêu chí môi trường xã nông thôn mới. Nghiên cứu được thực hiện thông qua phương pháp tham khảo tài liệu và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân - phương pháp chính của nghiên cứu này - trên địa bàn xã Vĩnh Hải. Kết quả cho thấy, xã Vĩnh Hải có 1/5 chỉ tiêu đạt yêu cầu của tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới là chỉ tiêu sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. 4 chỉ tiêu cần phấn đấu đạt là (i) cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn môi trường, (ii) về cảnh quan môi trường, (iii) về quy hoạch và xây dựng nghĩa trang và (iv) về chất thải. Ứng với tình hình cụ thể của địa phương, nghiên cứu đã đề xuất các hoạt động giúp địa phương thực hiện đạt từng tiêu chí môi trường theo quy định.

Khảo sát sự đa dạng di truyền của một số giống nghệ ở miền Nam Việt Nam dựa trên chỉ thị phân tử RAPD và ISSR

Bùi Thị Cẩm Hường, Huỳnh Kỳ, Lưu Thái Danh, Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Lộc Hiền
Tóm tắt | PDF
Sự đa dạng di truyền trên nghệ đã được nghiên cứu trên nhiều quốc gia, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn rất ít thông tin. Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự đa dạng di truyền của 20 giống nghệ ở miền Nam Việt Nam dựa trên chỉ thị phân tử RAPD và ISSR. Kết quả phân tích trên 10 đoạn mồi RAPD (OPA02, OPA03, OPA04, OPA10, OPA13, OPB07, OPB10, OPD02, OPD03 and OPD07) cho tỉ lệ đa hình cao, trong tổng 156 băng khuếch đại có 140 băng đa hình (chiếm 89,7%). Khoảng cách liên kết từ 0 - 8,94 (trung bình 6,87) và chia 20 giống nghệ khảo sát thành 5 nhóm. Kết quả phân tích trên 10 đoạn mồi ISSR (ISSR1, ISSR2, ISSR5, ISSR6, ISSR7, ISSR10, ISSR12, ISSR14, ISSR17 và ISSR18) cũng cho tỉ lệ đa hình cao trong tổng 136 băng khuếch đại có 132 băng đa hình (chiếm 97,1%). Khoảng cách liên kết từ 1,73 - 8,54 (trung bình 6,75) và chia 20 giống nghệ được chia thành 5 nhóm. Phân tích kết hợp hai chỉ thị phân tử RAPD và ISSR, trong tổng 291 băng khuếch đại có 272 băng đa hình (chiếm 93,2%). Khoảng cách liên kết từ 2,65 - 12,2 (trung bình 9,65) và chia 20 giống nghệ thành 4 nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 20 giống nghệ thu thập tại các tỉnh miền Nam Việt Nam có sự đa dạng di truyền cao.

Nghiên cứu đặc tính truyền vi rút lùn lúa cỏ (Rice grassy stunt virus, RGSV) của rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal)

Nguyễn Phú Dũng, Phạm Văn Dũ, Nguyễn Văn Huỳnh
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm tìm hiểu đặc tính truyền vi rút lùn lúa cỏ (RGSV) của rầy nâu truyền bệnh. Kết quả thí nghiệm cho thấy, thời gian ủ vi rút trong cơ thể rầy nâu trung bình 4,86 ± 1,63 ngày, tỷ lệ (%) cây lúa nhiễm bệnh thể hiện thấp nhất với 10,4% ở ngày thứ 3 và cao nhất vào ngày thứ 15 với 45,6%. Thời gian ủ vi rút (thời gian ủ bệnh) trong cây lúa trung bình từ 18,83 ± 0,83 ngày và rầy nâu truyền bệnh liên tục tối đa là 11 ngày, tối thiểu 1 ngày (trung bình 1,9 ± 1,8 ngày). Tuổi thọ trung bình của rầy truyền được bệnh là 9,9 ± 5,2 ngày. Thời gian để rầy nâu lấy được vi rút RGSV tối thiểu là 30 phút, tối thích 4 ngày và thời gian rầy truyền được bệnh này tối thiểu là 15 phút, tối thích 24 giờ.

Đặc tính một số nguyên liệu sử dụng làm giá thể trồng hoa và ảnh hưởng của biện pháp xử lý mụn dừa trên sinh trưởng hoa cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii)

Dương Minh Long, Nguyễn Mỹ Hoa
Tóm tắt | PDF
Việc đa dạng hóa các loại nguyên liệu sử dụng và cách xử lý nguyên liệu phù hợp làm giá thể trồng hoa cần được nghiên cứu để giảm giá thành của giá thể. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định một số đặc tính lý hóa học, dinh dưỡng của các nguyên liệu như mụn dừa, bã đã trồng nấm bào ngư, bã đã trồng nấm rơm, bùn mía, phân bò và xác định hiệu quả của biện pháp xử lý mụn dừa trên sinh trưởng cúc Đồng tiền. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bùn mía là nguyên liệu có pH phù hợp, hàm lượng đạm, lân và Ca cao, khả năng giữ nước thấp là nguyên liệu tốt để làm giá thể trồng hoa nhưng cần ủ hoai. Các nguồn nguyên liệu khác có những ưu và nhược điểm riêng về các đặc tính lý hóa học và dinh dưỡng, do đó cần khắc phục các nhược điểm của các nguyên liệu khi sử dụng để làm giá thể trồng hoa. Việc xử lý mụn dừa trước khi trồng bằng chế phẩm Trichoderma, mụn dừa xử lý bằng thuốc gốc đồng và mụn dừa ủ hoai cho kết quả tốt nhất. Biện pháp xử lý mụn dừa bằng vôi mặc dù hạn chế mầm bệnh Fursarium, nhưng pH tăng cao có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng cúc Đồng tiền.

Nghiên cứu môi trường thích hợp cho sản xuất quả thể nấm dược liệu Cordyceps militaris (Clavicipitaceae: Hypocreales)

Trịnh Thị Xuân, Lê Anh Tuấn
Tóm tắt | PDF
Nấm dược liệu, Cordyceps militaris là một loài nấm ký sinh trên côn trùng có giá trị dược liệu quý tương tự như nấm Cordyceps sinensis và được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. Loài nấm Cordyceps militaris có khả năng sinh trưởng và phát triển dễ dàng trên môi trường nhân tạo, vì thế nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích: nghiên cứu ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng đến sự phát triển của nấm Cordyceps militaris, chọn lựa tối ưu hóa môi trường sản xuất tạo quả thể và sản sinh hàm lượng cordycepin cao. Kết quả cho thấy, môi trường SDAY1 và SDAY3 là thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nấm Cordyceps militaris; việc sử dụng gạo trắng (ST20) có chứa hàm lượng protein cao kết hợp bổ sung các thành phần 3% glucose, 1% yeast extract, 1% peptone, 0,01% kitin và vitamin B1, B12 sẽ cho quả thể nấm đạt từ 5,82 đến 7,94 cm sau 60 ngày nuôi trồng. Trọng lượng quả thể nấm tươi đạt trung bình tương đương với 16,52±0,09 g, hàm lượng cordycepin của quả thể là 5,56 mg/g.

Khảo sát hiện tượng nứt trái chôm chôm Rongrien (Nephelium lappaceum Linn) tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Trần Thị Bích Vân, Lê Bảo Long
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của khảo sát là tìm hiểu về hiện tượng nứt trái và mối quan hệ với đặc tính sinh lý – sinh hóa trái. Khảo sát bắt đầu từ tháng 3/2014 khi cây chôm chôm đậu trái và kết thúc vào tháng 7/2014. Mẫu trái thu thập ngẫu nhiên trên 30 cây chôm chôm (4 năm tuổi) trong cùng 1 vườn có cùng chế độ chăm sóc tại xã Mỹ Khánh – huyện Phong Điền – thành phố Cần Thơ. Thu mẫu lần đầu vào ngày 15 tháng 3 năm 2014 (2 tuần sau khi đậu trái), các lần kế tiếp cách nhau 2 tuần. Kết quả cho thấy hiện tượng nứt trái xuất hiện ở giai đoạn trái bắt đầu trưởng thành (sau 12 tuần đậu trái) và tăng nhanh đến khi thu hoạch. Mưa nhiều trong giai đoạn thịt trái tăng trưởng mạnh nhưng vỏ trái đã ngừng tăng trưởng và hàm lượng Ca2+ ở vỏ trái thấp là yếu tố có liên quan đến hiện tượng nứt trái. Tại thời điểm thu hoạch, trái bị nứt có vỏ mỏng và hàm lượng Ca2+ ở vỏ trái thấp so với trái bình thường, trong khi tỷ lệ rò rỉ ion cao hơn. Có sự tương quan thuận chặt giữa tỷ lệ nứt trái với hàm lượng Ca2+ tổng số ở vỏ trái và độ dày vỏ trái.

Hiệu quả của phân hữu cơ và vôi trong cải thiện năng suất lúa và đặc tính bất lợi của đất nhiễm mặn trong điều kiện nhà lưới

Tất Anh Thư, Võ Thị Gương, Lê Văn Dũng, Nguyễn Thị Bích Thủy, Trang Nàng Linh Chi, Đào Lê Kiều Duyên
Tóm tắt | PDF
Đất mặn gây ảnh hưởng bất lợi đến tính chất hóa học đất và giảm năng suất lúa. Do đó, đất mặn hoặc đất bị nhiễm mặn cần được cải thiện nhằm duy trì độ phì nhiêu đất và năng suất cây trồng. Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ và vôi trong cải thiện đặc tính bất lợi của đất và tăng năng suất lúa trên đất nhiễm mặn. Đất trong thí nghiệm được thu từ mô hình canh tác lúa - tôm tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang vào thời điểm cuối vụ lúa đầu vụ tôm. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức và 4 lần lặp lại, cấp độ mặn được điều chỉnh trong suốt quá trình phát triển của cây lúa là 6‰, 5‰, 4‰ 3‰ và 2 ‰ tương ứng với sự giảm độ mặn theo thời gian trong thực tế đồng ruộng. Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi bón phân vô cơ với lượng 60 – 20 – 20 và 5 tấn phân hữu cơ (bã bùn mía hoặc Bio Pro) kết hợp 0,5 tấn vôi/ha đã giúp giảm nồng độ Na+ trao đổi, giảm trị số ESP, giúp gia tăng pH và giảm ECe trong đất, cải thiện hàm lượng đạm hữu dụng, lân hữu dụng trong đất có ý nghĩa. Thông qua hiệu quả cải thiện một số đặc tính bất lợi của đất nhiễm mặn đã giúp cây lúa sinh trưởng tốt và tăng năng suất hạt có ý nghĩa.