Ngày xuất bản: 26-10-2017
Công nghệ
Đánh giá các tiêu chí của công nghệ cao trong sản xuất lúa và rau màu ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú - An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nông nghiệp công nghệ cao đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá việc áp dụng một số tiêu chí của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho lúa tại huyện Thoại Sơn và rau màu tại huyện Châu Phú. Nghiên cứu đã sử dụng các số liệu, tài liệu về nông nghiệp công nghệ cao; các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư, chính sách nông nghiệp công nghệ cao; sử dụng phương pháp phỏng vấn nông hộ, sử dụng PRA và kiến thức chuyên gia. Đánh giá mức độ quan trọng của các tiêu chí sản xuất lúa và rau màu ứng dụng công nghệ cao đã sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP) và đánh giá đa tiêu chí (MCE). Kết quả nghiên cứu đã xác định được 4 tiêu chí cấp 1 và 22 tiêu chí cấp 2 phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mức độ quan trọng của từng tiêu chí. Trong 4 tiêu chí cấp 1 thì tiêu chí kỹ thuật có mức quan trọng cao nhất kế đến là tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển sản xuất lúa và rau màu ứng dụng công nghệ cao trong vùng nghiên cứu. Đối với tiêu chí cấp 2 được xác định là thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất trong 22 tiêu chí được xác định thông qua kết quả phỏng vấn nông hộ.
Môi trường
Ảnh hưởng dạng đạm vô cơ lên khả năng sinh trưởng và xử lý đạm của cỏ mồm mỡ (Hymenachne acutigluma)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của 5 tỷ lệ (mol) NH4-N:NO3-N là 4:0, 3:1, 1:1, 1:3 và 0:4 đến khả năng sinh trưởng và hấp thu đạm của cỏ Mồm mỡ (Hymenachne acutigluma). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 12 lần lặp lại ở mỗi nghiệm thức. Sinh trưởng của Mồm mỡ và chất lượng nước được đánh giá sau mỗi 2 tuần trong 8 tuần. Kết quả cho thấy ở tỷ lệ NH4-N:NO3-N 1:3 và 0:4 cỏ Mồm mỡ có khả năng tăng trưởng sinh khối khô tốt. Nồng độ NO3-Nvà NH4-N trong nước thải tăng giúp tăng hàm lượng và khả năng hấp thu NO3-N,NH4-N trong cả thân và rễ. Ở nồng độ NH4-N cao (tỷ lệ 4:0 và 3:1) có dấu hiệu gây ngộ độc cho cây với biểu hiện rễ kém phát triển và úng lá ở tuần thứ 8. Kết quả cho thấy đạm nitrate thích hợp hơn cho sinh trưởng và hấp thu đạm của cỏ Mồm mỡ. Vì vậy, cỏ Mồm mỡ có tiềm năng trong việc ứng dụng vào các hệ thống đất ngập nước để xử lý nước thải ao nuôi thâm canh cá tra có nồng độ đạm nitrate cao.
Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa truyền thống và cánh đồng lớn tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Sóc Trăng là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó canh tác lúa là mô hình phổ biến nhất. Thêm vào đó, sản xuất nông nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế là chính nên quyết định lựa chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với khu vực là một yêu cầu rất cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngoài mục tiêu phát triển kinh tế nên xem xét đến mục tiêu xã hội và môi trường nhằm hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm: (i) đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của hai mô hình sản xuất lúa: cánh đồng lớn và truyền thống và (ii) phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các mô hình canh tác lúa tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích, chuẩn hóa số liệu, thang đo Likert, tiếp cận giá trị mong đợi để phân tích và tổng hợp các số liệu được phỏng vấn từ nông hộ. Các chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đánh giá đất đai của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (2007) và các nghiên cứu đã được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy mô hình cánh đồng lớn cho tổng số điểm 3 mục tiêu (kinh tế, xã hội và môi trường) lớn hơn mô hình truyền thống với số điểm lần lượt là 0,99 và 0,73. Nhìn chung, cánh đồng lớn đã khẳng định là một phương thức sản xuất lúa tiên tiến góp phần tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp cho thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.
So sánh ảnh hưởng của việc sử dụng đơn lẻ và kết hợp hoạt chất fenobucarb và chlorpyrifos ethyl cho lúa đến cholinesterase ở cá lóc (Channa striata) sống trên ruộng
Tóm tắt
|
PDF
Thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất chlorpyrifos ethyl và fenobucarb được sử dụng phổ biến trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hỗn hợp các loại thuốc lại để phun nhằm giảm chi phí phun thuốc rất phổ biến. Cá Lóc (Channa striata) thường lên ruộng sinh sản vào mùa mưa nên có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng. Nghiên cứu này nhằm so sánh ảnh hưởng của sử dụng đơn lẻ và phối trộn Bascide 50EC - hoạt chất fenobucarb và Mondeo 60EC – hoạt chất chlorpyrifos ethyl với nhau cho lúa đến hoạt tính cholinesterase (ChE) ở cá lóc sống trên ruộng. Kết quả cho thấy sử dụng đơn lẻ Bascide 50EC, Mondeo 60EC hay kết hợp Bascide 50EC và Mondeo 60EC cho lúa đều gây ức chế ChE ở cá lóc. Phun Bascide 50EC cho lúa làm ức chế ChE cá lóc không quá 30% nhưng sử dụng Mondeo 60EC hay kết hợp Bascide 50EC và Mondeo 60EC không những làm chết cá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng (tỷ lệ ức chế ChE >70%) và lâu dài đến ChE.
Giải pháp loại bỏ crom trong xử lý nước thải thuộc da cá sấu
Tóm tắt
|
PDF
Crom là tác nhân gây độc cho hệ vi khuẩn cũng như sức khỏe con người và môi trường nhưng lại được sử dụng nhiều trong ngành thuộc da. Do đó, chúng cần được loại bỏ ra khỏi dòng nước thải để có thể áp dụng các giải pháp xử lý sinh học tiếp theo. Quá trình keo tụ tạo bông và ôxy hóa bằng ôzôn được nghiên cứu áp dụng cho nước thải thuộc da cá sấu. Kết quả thí nghiệm cho thấy sau khi nước thải chứa crom qua công đoạn xử lý keo tụ với tổ hợp (500 mg/L FeCl3 và 4 mg/L polymer C ở pH 7,5) và cột ôxy hóa nâng cao với tác nhân ôzon (cao 1,4 m, thể tích 17 L, công suất phát ôzon 2 g/h, thời gian 10 phút) thì kết quả ghi nhận nồng độ Cr3+, Cr6+ và màu trong nước thải đầu ra lần lượt là 0,09 mg/L, 0,00 mg/L và 36,8 Pt/Co. Các giá trị crom (Cr3+, Cr6+) và màu thấp hơn giá trị cho phép của QCVN 40:2011/BTNMT, cột A và hoàn toàn không gây độc cho các công đoạn xử lý sinh học. Do đó, keo tụ tạo bông và oxy hóa nâng cao dùng ôzôn hoàn toàn có thể áp dụng để loại bỏ crom ra khỏi dòng thải như giải pháp tiền xử lý nước thải ngành thuộc da.
Ứng dụng phương pháp phân tích cụm và phân tích biệt số đánh giá nhiễm mặn tầng chứa nước pleistocen ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Tóm tắt
|
PDF
Phương pháp phân tích cụm (Cluster Analysis - CA) và phân tích biệt số (Discriminant Analysis - DA) đã được sử dụng nhằm đánh giá nhiễm mặn nước dưới đất ở khu vực huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Các mẫu nước dưới đất được thu thập từ 18 giếng quan trắc vào tháng 4 năm 2012. Các thông số chất lượng nước được lựa chọn trong kỹ thuật phân tích thống kê trên bao gồm: pH, độ cứng, TDS, Cl-, F-, NO3-, SO42-, Cr6+, Cu2+, Ca2+, Mg2+, Na+, K+, HCO3- và Fe2+. Kết quả phân tích CA nhóm bộ dữ liệu quan trắc thành ba cụm giếng có liên quan đến hoạt động nông nghiệp, hoạt động công nghiệp và sự nhiễm mặn. Phân tích biệt số được thực hiện nhằm nghiên cứu sự tồn tại khác biệt có ý nghĩa giữa các cụm, xây dựng hàm phân tích phân biệt và xác định cụm gây ra sự khác biệt giữa các nhóm cụm. Các thông số đại diện cho yếu tố xâm nhập mặn (TDS, Mg2+, Cl-, độ cứng, Na+, K+, Ca2+, SO42-) chiếm 99,8% phương sai các biến phụ thuộc cụm được giải thích bởi mô hình DA. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy phân tích cụm và biệt số là những phương pháp thống kê hiệu quả trong phân vùng xâm nhập mặn.
So sánh khả năng dự đoán chất lượng nước sông Đồng Nai bằng mạng nơ ron nhân tạo và lý thuyết xám
Tóm tắt
|
PDF
Ô nhiễm môi trường nước đang gia tăng nhanh chóng và phức tạp trong những năm gần đây. Dự đoán chất lượng nước nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời về tình trạng ô nhiễm nguồn nước là rất cần thiết. Trong nghiên cứu này, khả năng dự đoán chất lượng nước được so sánh bằng phương pháp mạng nơ ron perceptron nhiều lớp và phương pháp lý thuyết xám tập trung khả năng dự đoán nhanh và độ chính xác góp phần nâng cao hiệu quả công tác dự đoán chất lượng nước. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập tại 23 điểm quan trắc chất lượng nước Sông Đồng Nai từ 2010 – 2014 tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dùng để dự đoán chỉ số chất lượng nước (WQI). Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai phương pháp cho kết quả dự đoán tốt chất lượng nước. Chỉ số chất lượng nước được dự đoán bằng mạng nơ ron có độ chính xác cao hơn (RMSE =2,88, R2 = 0,987 và P = 0) so với phương pháp dự đoán bằng lý thuyết xám (RMSE =7,84, R2 = 0,879 và P = 0).
Mô hình tối ưu cho bố trí đất đai phục vụ canh tác lúa bền vững: Trường hợp nghiên cứu tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Đất lúa có vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi của kịch bản sử dụng đất lúa và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất lúa bền vững đáp ứng vấn đề an ninh lương thực. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp thu thập số liệu từ các báo cáo kỹ thuật, điều tra nông hộ và chuyên gia về tình hình sử dụng đất của huyện năm 2010 -2015 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020, phương pháp đánh giá thích nghi đất đai theo (FAO, 1976), mô hình tối ưu và so sánh đối chiếu với điều kiện thực tế theo kế hoạch của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu đã xác định được nhóm yếu tố kinh tế (lợi nhuận, chi phí) có ảnh hưởng quyết định đến thực hiện quy hoạch sử dụng đất lúa và nhóm yếu tố xã hội ít ảnh hưởng hơn (kỹ thuật, tập quán canh tác, lao động, chính sách), điều này cần thiết khi xem xét quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tương lai.
Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố kinh tế - xã hội đến sản xuất nông nghiệp huyện Vũng Liêm - tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội đến hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp sử dụng đất phù hợp. Nghiên cứu đã dùng phương pháp nội suy từ các điểm quan trắc độ mặn để thành lập nên bản đồ xâm nhập mặn của huyện Vũng Liêm. Bên cạnh đó, thực hiện phỏng vấn nông hộ, thống kê phân tích và xử lý bản đồ bằng GIS. Kết quả đã xác định được 03 vùng bị xâm nhập mặn, trong đó xã Trung Thành Tây, Trung Thành Đông là vùng có mức độ ảnh hưởng cao nhất đến mô hình trồng màu, trồng lúa và cây ăn trái. Nghiên cứu đã xác định được mức độ ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội như tổng lợi nhuận/ha, thị trường tiêu thụ, tập huấn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ, tập quán canh tác, nước tưới và thời gian mặn, ngọt trong năm tác động đến sản xuất nông nghiệp của huyện. Kết quả này là nền tảng để đề xuất các giải pháp về công trình và phi công trình nhằm giảm thiểu mức độ tác động cho sản xuất nông nghiệp.
Hình thái và tính chất lý, hóa học đất phèn vùng Đồng Tháp Mười
Tóm tắt
|
PDF
Để sử dụng đất phèn hợp lý cần dựa vào các kết quả khảo sát về nguồn gốc, phân bố, phân loại, mô hình canh tác và đặc tính lý hóa của đất phèn. Đề tài được thực hiện nhằm mô tả hình thái, khảo sát đặc tính lý hóa học trên một số địa điểm đất phèn điển hình ở vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Mẫu đất được thu theo tầng phát sinh để xác định các chỉ tiêu lý, hóa đất. Đất phèn ở Thạnh Hóa – Long An thuộc loại phèn hoạt động nặng (Epi-Orthi-Thionic Fluvisols), phẫu diện đất có xuất hiện các đốm Jarosite màu vàng rơm (2.5Y8/6), độ sâu xuất hiện 75 cm. Phẫu diện đất phèn Tân Thạnh – Long An và Tân Lập – Tiền Giang thuộc loại phèn hoạt động nhẹ (Endo – Orthi-Thionic Gleysols và Fluvisols) phẫu diện đất có tầng chứa vật liệu sinh phèn Crp xuất hiện ở độ sâu >80 cm cách lớp đất mặt. Vùng ĐTM có đê ngăn lũ vào mùa mưa, mô hình canh tác ở Tân Thạnh chủ yếu là lúa 3 vụ/năm, hai vị trí còn lại ở Bến Kè và Tân Lập chuyên canh màu (khoai mỡ và khóm). Tất cả 3 phẫu diện đất phèn tại vùng ĐTM đều có giá trị pH tầng mặt thấp (2,9-4,2). Độc chất nhôm, sắt trong đất từ trung bình đến cao, các cation trao đổi Na+, K+, Ca2+ và Mg2+ thấp. Trong quá trình canh tác cần lưu ý bón thêm cho đất phân hữu cơ hoặc phân có tính kiềm giúp trung hòa, giảm độ chua và cải tạo độ phì cho đất.
Mô phỏng sự thay đổi diện tích đất lúa dưới tác động của hạn, mặn - Trường hợp nghiên cứu ở tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Trong những năm gần đây, hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác lúa trong mùa khô của các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng. Bài viết nhằm phân tích sự thay đổi diện tích canh tác lúa trong mùa khô bằng phương pháp giải đoán ảnh vệ tinh Landsat 8 dựa trên cây quyết định, chỉ số NDVI và lập mô hình mô phỏng sự thay đổi diện tích đất lúa dưới tác động của hạn, mặn. Kết quả đã thành lập được bản đồ diện tích canh tác lúa mùa khô năm 2014 và 2016 của tỉnh Sóc Trăng tương ứng với thời điểm trước và trong khi xảy ra hạn, mặn. Các bản đồ giải đoán được đánh giá độ chính xác với hệ số Kappa cho bản đồ năm 2014 là 0,89 và năm 2016 là 0,83. Tiếp theo, mô hình mô phỏng sự ảnh hưởng của hạn, mặn đến đất lúa dựa trên dữ liệu lượng mưa, sự xâm nhập mặn trong các vùng thủy lợi được xây dựng. Từ mô hình được xây dựng, kết quả mô phỏng diện tích lúa năm 2016 trong điều kiện hạn, mặn được so sánh với bản đồ đất lúa năm 2016 đã giải đoán với chỉ số Kappa là 0,88. Kết quả của mô hình cung cấp công cụ trực quan để ước tính sự ảnh hưởng của đất lúa ở tỉnh Sóc Trăng trong điều kiện hạn và mặn.
Đánh giá hiệu suất xử lý nước thải sau túi ủ biogas của một số chế phẩm sinh học
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài đã được thực hiện nhằm xác định loại chế phẩm sinh học có khả năng xử lý nước thải sau túi ủ biogas quy mô nông hộ. Ở điều kiện thí nghiệm, các nghiệm thức được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên bao gồm nghiệm thức đối chứng (nước thải biogas không sử dụng chế phẩm sinh học) và 5 nghiệm thức bổ sung chế phẩm sinh học là EmTech Green, BioEm, Emc, Jumbo A và EmTech BKS. Kết quả cho thấy, hiệu suất xử lý tổng chất rắn lơ lửng (TSS), COD, tổng đạm (TKN), tổng lân (TP), tổng Coliform và E.coli của 5 chế phẩm sinh học đạt từ 28 - 97,3%. Chế phẩm sinh học BioEm và Emc đạt hiệu suất xử lý cao có ý nghĩa so với đối chứng và các chế phẩm khác. Trong điều kiện quy mô nông hộ, chế phẩm sinh học BioEm và Emc đạt hiệu suất xử lý TSS, COD, TKN, TP và tổng Coliform dao động trong khoảng 55,4 - 86,9%.
Đánh giá tính tổn thương đối với đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các yếu tố và vùng nông nghiệp bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu trên 8 mô hình sản xuất nông nghiệp gồm: Lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, chuyên tôm, lúa-tôm, lúa-màu, cây ăn trái, mía và cây màu. Số liệu của nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn các đối tượng bao gồm nông dân và chuyên gia với 192 phiếu điều tra. Nghiên cứu sử dụng phương pháp đa tiêu chí (MCE) và kỹ thuật GIS để phân tích và đánh giá số liệu. Kết quả cho thấy yếu tố mặn và ngập ảnh hưởng nhiều nhất đến các mô hình: Lúa 3 vụ, lúa 2 vụ, chuyên tôm, lúa-tôm, lúa-màu và cây màu. Yếu tố ngập ảnh hưởng nhiều nhất đến mô hình mía và cây ăn trái. Nghiên cứu đã xác định được 5 mức độ tổn tương đến sản xuất nông nghiệp là rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao. Vào các năm 2016, 2030 và 2050, diện tích bị tổn thương ở mức độ trung bình, cao và rất cao có chiều hướng ngày càng tăng, trong khi đó diện tích tổn thương ở mức thấp và rất thấp có chiều hướng giảm.
Xây dựng phương pháp quản lý nước tưới hiệu quả cho vùng canh tác lúa khu vực cánh đồng mẫu lớn huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tổng quát là xác định phương pháp quản lý nước tưới hiệu quả cho vùng sản xuất lúa trong khu vực cánh đồng mẫu lớn huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp mô hình hóa (mô hình đa tác tử) được sử dụng để mô phỏng tương tác giữa khả năng cung cấp nước của hệ thống kênh rạch, việc vận hành các công trình thủy lợi, nhu cầu nước tưới của các cây lúa và yếu tố con người tham gia vào quá trình quản lý nguồn nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy bộ máy quản lý có nhiều tác nhân tham gia với nhiều khâu trung gian gây khó khăn, chậm trễ cho việc vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, việc thay đổi hành vi trong công tác thực hiện như thay đổi giá trị lớp nước điều tiết trên ruộng (Hmin, Hmax), tận dụng lượng mưa giúp tiết kiệm chi phí vận hành trạm bơm và thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn liên tục, kéo dài trong tương lai.
Đánh giá tính chất nước trong mương kiểu sử dụng đất trồng Keo lai (Acacia hybrid) và tràm (Melaleuca cajuputi) tại U Minh Hạ, Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện với mục tiêu so sánh tính chất nước trong mương liếp giữa kiểu sử dụng đất lên liếp trồng Keo lai (Acacia Hybrid) và đất trồng tràm (Melaleuca Cajuputi) tại khu vực rừng U Minh Hạ, Cà Mau. Nghiên cứu được thực hiện trên 2 khu vực trồng Keo lai và trồng tràm, mỗi khu vực nghiên cứu trên 2 biểu loại đất phèn nông và phèn sâu, tương ứng mỗi biểu loại đất, chất lượng nước được khảo sát ở hai mức độ diện tích nhỏ hơn 10 ha và lớn hơn 10 ha. Kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực phèn nông pH rất thấp tại cả 2 kiểu sử dụng đất rừng tràm và Keo lai, giá trị EC và DO trong nước chưa gây ảnh hưởng đối với môi trường. Ngược lại, COD và BOD5 đều cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quy định và COD vùng Keo lai có xu hướng cao hơn tràm. Hàm lượng Fe, Al của nước trong mương vùng nghiên cứu gần như không khác biệt giữa vùng Keo lai và vùng tràm. Tuy nhiên, hàm lượng Fe vùng nghiên cứu đều cao hơn giới hạn cho phép ngoại trừ vùng Keo lai trên biểu loại đất phèn sâu. Hàm lượng độc chất H2S trong khu vực nghiên cứu nhỏ hơn so với nồng độ gây độc cho động vật thủy sinh. Tuy nhiên, nồng độ N-NH4+ thì cao hơn giới hạn cho phép và nhìn chung giá trị N-NH4+ của vùng Keo lai luôn cao hơn rừng tràm.
Hiện trạng sử dụng và quản lý tài nguyên nước mặt trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiện trạng và công tác quản lý tài nguyên nước mặt trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp phỏng vấn nông hộ và cán bộ địa phương được thực hiện dựa trên khung Đánh giá Môi trường Tổng hợp DPSIR (Động lực chi phối - Áp lực - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng) được thực hiện nhằm: (i) xác định hiện trạng sử dụng nước mặt; (ii) phân tích thuận lợi, khó khăn mà người dân gặp phải trong việc sử dụng nước mặt cho sản xuất trong mùa khô. Kết quả nghiên cứu cho thấy tài nguyên nước mặt bị chi phối bởi sự phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng lúa và nuôi trồng thủy sản) đã làm thay đổi nguồn nước mặt biểu hiện qua khả năng cung cấp nước cho sản xuất giảm do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn vào mùa khô. Sự thay đổi tài nguyên nước mặt đã gây khó khăn cho người dân do thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất, xuất hiện nhiều dịch bệnh trên cây trồng làm giảm năng suất của người dân. Do đó, địa phương đã đưa ra giải pháp hạn chế khó khăn cho người dân thông qua chính sách hỗ trợ thiệt hại trong sản xuất, sửa chữa và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi. Các giải pháp địa phương thực hiện được đánh giá là khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và hoạt động sản xuất của người dân.
Xây dựng mô hình hỗ trợ bố trí đất nông nghiệp - Trường hợp nghiên cứu ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Bố trí đất đai là một trong những bước quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất. Bài viết nhằm giới thiệu một mô hình bố trí đất đai mới trong quy hoạch sử dụng đất đai tên là mô hình ST-LUAM (Soc Trang Land Use Allocation Model - ST-LUAM). Phương pháp xây dựng mô hình được thực hiện trên mô hình Cellular Automata kết hợp với phần mềm GAMA để thực hiện giải thuật bố trí đất đai. Dữ liệu đầu vào của mô hình là bản đồ hiện trạng sử dụng đất (năm 2010) của địa phương và các dữ liệu này được chia thành các ô nhỏ. Mỗi cell có hiện trạng sử dụng đất và được đối chiếu với bản đồ đơn vị đất đai nhằm xác định các chỉ số của cell về (i) cấp thích nghi tự nhiên đối với từng kiểu sử dụng, (ii) tỷ lệ xuất hiện của kiểu sử dụng trong các ô lân cận, (iii) khoảng cách đến đường giao thông và sông rạch, (iv) khả năng kinh tế của địa phương. Mô hình ST-LUAM đã được thử nghiệm để bố trí đất nông nghiệp ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng (năm 2015) theo các phương án khác nhau, trong đó, phương án tổng hợp các chỉ số cho kết quả bố trí gần thực tế nhất (Kappa =0,97). Kết quả này cho thấy mô hình ST-LUAM bước đầu cho kết quả khả quan và có thể mở rộng nghiên cứu ứng dụng trong việc bố trí đất nông nghiệp cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tác động của việc khai thác nước dưới đất đến biến động mực nước dưới đất tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá động thái nước dưới đất (NDĐ) từ việc khai thác, sử dụng nguồn NDĐ trong giai đoạn 2000-2015; và hiểu rõ đặc điểm địa chất thủy văn của thành phố Cần Thơ (TPCT). Kết quả nghiên cứu này sẽ làm cơ sở cho dữ liệu đầu vào để tính toán và lập mô hình mô phỏng dòng chảy NDĐ (Modflow) cho nghiên cứu tiếp theo. Các bước được thực hiện như sau: (i) Thu thập và tổng hợp các số liệu thứ cấp (năm 2000-2015) về hiện trạng khai thác và các số liệu quan trắc NDĐ; (ii) Phân tích số liệu thu thập được nhằm đánh giá động thái NDĐ; và (iii) Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) cũng được sử dụng để số hóa các bản đồ nền nhằm thể hiện thông tin các giếng quan trắc NDĐ trên địa bàn TPCT. Kết quả nghiên cứu cho thấy tầng chứa nước Pleistocene (qp2-3) hiện đang được khai thác, và có số lượng lỗ khoan nhiều nhất tại TPCT. Mực NDĐ của tầng này (năm 2000-2015) tụt giảm từ 1,89 đến 4,5 m, trung bình tụt giảm 3,2 m. Mực nước của tầng này có sự thay đổi tại các vị trí quan trắc. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin hữu ích cho quy hoạch phát triển ngành.
Tiền xử lý nước rỉ rác bằng keo tụ điện hóa kết hợp Fenton-Ôzon
Tóm tắt
|
PDF
Nước rỉ rác thường chứa nhiều các hợp chất hữu cơ, chất vô cơ và kim loại nặng, cần có giải pháp công nghệ xử lý thích hợp nhằm giúp tăng hiệu quả xử lý và tiết kiệm. Quá trình keo tụ điện hóa kết hợp với Fenton-ôzon được nghiên cứu áp dụng như bước tiền xử lý cho nước rỉ bãi rác Phước Thới - Ô Môn nhằm xác định các thông số vận hành thích hợp. Trước tiên, quá trình keo tụ điện hóa (diện tích bản diện cực 486 cm2; mật độ dòng điện A = 0,522 A/m2; góc nghiêng 45o, thời gian lưu 1,66 h) được áp dụng với hiệu suất loại bỏ các thành phần ô nhiễm độ đục, màu, COD, SS, BOD5, TP, Fe, Cr6+, TKN tương ứng là 58,16%; 65,73%; 55,1%; 71,92%; 33,04%; 68,42%; 55,16%; 76,13%; 11,9%. Bước tiếp theo, nước rỉ tiếp tục được xử lý bằng quá trình Fenton-ôzon (pH = 3, thời gian lưu 70 phút và tỉ lệ H2O2 : Fe2+ = 4 : 1). Hiệu suất loại bỏ độ đục, độ màu, SS, COD, BOD5, TKN của quá trình Fenton-ôzon lần lượt là 43,89%; 65,81%; 26,66%; 69,64%; 29,63%; 7,9% và không phát hiện Cr6+, TP và PO43-. Tỷ lệ BOD5/COD sau khi xử lý bằng quá trình keo tụ điện hóa và Fenton-ôzon được cải thiện từ 0,19 ± 0,02 lên 0,58 ± 0,04 rất phù hợp cho các công đoạn xử lý sinh học tiếp theo.
Thành phần loài và sự phân bố của động vật đất phổ biến tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thành phần loài và sự phân bố của động vật đất trên các sinh cảnh đại diện tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang từ năm 10/2015 đến 10/2016. Nghiên cứu thực hiện trên 3 sinh cảnh với 35 ô mẫu được khảo sát bao gồm:(1) đất nông nghiệp, (2) đất nông lâm kết hợp, và (3) đất rừng tràm. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được 59 loài thuộc 30 chi, 18 họ, 8 bộ và 6 lớp, gồm: lớp Hình nhện (Arachnida), lớp Chân môi (Chilopoda), lớp Chân kép (Diplopoda), Entognatha, lớp Côn trùng (Insecta) và lớp Giun ít tơ (Oligochaeta) trong hai ngành Giun đốt (Annelida) và Động vật chân khớp (Arthropoda). Mặt khác, các loài động vật đất phân bố khác nhau theo mùa và theo các sinh cảnh tự nhiên. Bên cạnh đó, động vật đất còn có mối tương quan với độ dày của tầng thảm mục với hệ số tương quan r=0,81 vào mùa mưa và r=0,83 trong mùa khô.
Khả năng sinh khí biogas của rơm và lục bình theo phương pháp ủ yếm khí theo mẻ với hàm lượng chất rắn khác nhau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm chọn hàm lượng rơm và lục bình phù hợp để sản xuất khí sinh học theo phương pháp ủ yếm khí theo mẻ. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên một nhân tố trong bình ủ 120 mL, với 5 hàm lượng rơm và 5 hàm lượng lục bình khác nhau gồm [10, 15, 20, 25 và 30 gVS. L-1 – tương ứng với 1,0; 1,5; 2,0; 2,5 và 3,0%VS], với 5 lần lặp lại trong 45 ngày ở 35oC trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy với rơm ở hàm lượng từ 15 - 20 gVS. L-1 cho năng suất sinh khí cao nhất (66 – 70,4 mL.gVSnạp-1) (p
Nghiên cứu khả năng cung cấp đạm của nước thải biogas cho đất
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá khả năng cung cấp đạm amôn và đạm nitrat cho đất từ nước thải biogas. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: đất được bổ sung 100% nước khử khoáng (đối chứng), bổ sung 50% nước thải biogas và 50% nước khử khoáng, bổ sung 75% nước thải biogas và 25% nước khử khoáng, và bổ sung 100% nước thải biogas. Kết quả cho thấy hàm lượng N-NH4+ và N-NO3- trong đất được cung cấp nước thải biogas với thể tích khác nhau đều cao khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng. Hàm lượng N-NH4+ và N-NO3- trong đất được cung cấp 100% nước thải biogas đạt giá trị tương ứng là 171±5,45 mg/kg và 78,9±3,08 mg/kg. Khả năng cung cấp đạm tăng tương ứng với sự hô hấp của vi sinh vật đất được thể hiện qua hàm lượng CO2 tích lũy trong đất, đạt cao nhất ở nghiệm thức 100% nước thải biogas (855 mgCO2/kg) và đạt giá trị thấp hơn với các thể tích nước thải biogas bổ sung thấp tương ứng. Kết quả thí nghiệm cho thấy sự gia tăng hàm lượng đạm có tương quan thuận với sự tích lũy CO2 trong đất, điều này cho thấy sự hiện diện vi sinh vật trong đất có liên quan với thể tích bổ sung nước thải biogas và lượng đạm hữu dụng trong đất.
Khảo sát thời gian lưu nước của bể MBBR để xử lý nước thải sản xuất mía đường
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định thời gian lưu nước thải tối ưu trong bể lọc sinh học màng giá thể di động hiếu khí (MBBR) để xử lý nước thải từ nhà máy sản xuất mía đường. Nước thải sản xuất mía đường trước tiên được xử lý bằng bể tuyển nổi điện phân (TNĐP), tiếp đó đưa nước thải qua mô hình bể MBBR ở quy mô phòng thí nghiệm với ba ngưỡng thời gian lưu nước khác nhau là 10 giờ, 8 giờ và 6 giờ. Vận hành mô hình xử lý nước thải sản xuất mía đường (SS = 331 mg/L, COD = 5362 mg/L, TKN = 17 mg/L, TP = 8 mg/L) với ba thời gian lưu nước trên cho hiệu suất xử lý lần lượt là SS 43%, 45%, -4%; COD 97%, 97%, 97%; TKN 46%, 33%, 29%; TP 80%, 40%, 29%. Ở cả ba thời gian lưu, các thông số pH, SS, BOD5, COD, TKN và TP của nước thải sau khi xử lý bằng bể MBBR đều đạt quy chuẩn xả thải theo QCVN 40:2011/BTNMT (cột B).
Khảo sát thành phần loài thực vật bậc cao theo các loại đất ở vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Để đánh giá sự đa dạng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số đa dạng, nghiên cứu đã khảo sát thành phần loài thực vật bậc cao ở vùng đồng lụt hở, tỉnh An Giang theo ba loại đất là đất phèn nông (ĐPN), phèn sâu (ĐPS) và than bùn phèn (ĐTB). Về sa cấu, cả ba loại đất có thành phần sét cao hơn thịt và cát. pHKCl dao động từ 3,98±0,09 đến 4,62±0,06 và EC từ 353,33±5,23 µS/cm và 531,50±53,01 µS/cm (p>0,05). Đất than bùn phèn có hàm lượng chất hữu cơ (CHC) cao (11,74±0,46%OM), trong khi hàm lượng Ca2+ và Mg2+ lại thấp hơn so với hai loại đất còn lại (8,76±1,37 meq Ca2+/100g và 1,36±0,19 meq Mg2+/100g) (p
Phân tích một số khía cạnh kinh tế và môi trường của các mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín, trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu tiến hành phân tích một số khía cạnh về kinh tế và môi trường giữa các mô hình canh tác nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Phương pháp phỏng vấn cấu trúc (90 hộ dân và 03 cán bộ chuyên trách) và thống kê mô tả được sử dụng nhằm đánh giá tổng quan về hiệu quả kinh tế và môi trường giữa các mô hình sản xuất nông nghiệp (gồm: lúa, màu và cây ăn trái) trong vùng đê bao khép kín. Kết quả nghiên cứu cho thấy địa phương đang có xu hướng thay đổi cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả lên vườn cây ăn trái với hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, việc thâm canh tăng vụ (sản xuất lúa 3 vụ) và đê bao khép kín trong thời gian dài (không xả lũ) làm giảm lượng bùn cát/phù sa bổ sung vào đồng ruộng. Các ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như nắng hạn, mưa kéo dài đã làm bùng phát sâu bệnh cũng như gia tăng đáng kể chi phí đầu tư cho các mô hình này do việc gia tăng số lượng phân bón và thuốc nông dược. Điều này đã gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trong vùng nghiên cứu.
Đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng cơ sở khoa học về tài nguyên đất đai nhằm giúp các nhà quản lý định hướng sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và phát huy đúng tiềm năng đất đai của huyện. Nghiên cứu đã thu thập các số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, môi trường bằng cách khảo sát nông hộ, PRA và tổng hợp tài liệu. Phương pháp đánh giá thích nghi đất đai theo FAO (1976 và 2007) được sử dụng để đánh giá sự phù hợp đất đai về kinh tế - xã hội của huyện, hướng đến sử dụng đất bền vững. Kết quả cho thấy với 5 đặc tính đất đai của huyện đã thành lập nên 13 đơn vị đất đai chuyên biệt và đã phân lập được 3 vùng thích nghi đất đai về điều kiện tự nhiên cho 4 kiểu sử dụng đất triển vọng của huyện (Lúa 3 vụ, 2 vụ lúa – 1 vụ màu, chuyên màu và chuyên cây ăn trái). Về xác định vùng thích nghi, kết hợp điều kiện kinh tế với tự nhiên, 3 vùng thích nghi và các mức độ thích nghi khác nhau được thành lập. Trên cơ sở thích nghi đất đai về điều kiện tự nhiên, kinh tế và mức độ tác động của yếu tố xã hội, môi trường, các mô hình sử dụng đất theo hướng bền vững được đề xuất.
Khảo sát xu hướng thay đổi chất lượng nước mặt liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của chất lượng nguồn tài nguyên nước mặt lên hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng đê bao khép kín tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Phương pháp phỏng vấn có cấu trúc, lựa chọn ngẫu nhiên (60 nông hộ và 02 cán bộ địa phương) và thống kê mô tả được sử dụng nhằm đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi chất lượng nước mặt lên các hoạt động canh tác nông nghiệp (trồng lúa, trồng màu và cây ăn trái). Theo ý kiến người dân, nguồn nước mặt tại vùng nghiên cứu đang có dấu hiệu suy giảm về chất lượng và lượng bùn, điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Việc đê bao khép kín đã làm suy giảm lượng bùn bổ sung vào đồng ruộng và làm giảm độ phì nhiêu, màu mỡ của đất, do vậy người dân đã tăng cường sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận mà người dân thu được từ hoạt động sản xuất nên người dân có xu hướng chuyển từ canh tác lúa, màu sang cây ăn trái nhằm thích ứng với sự suy giảm chất lượng nước mặt và lượng bùn.
So sánh hai mô hình ISCST3 và AERMOD trong việc mô phỏng sự khuếch tán chất ô nhiễm không khí: Nghiên cứu tại khu công nghiệp Hiệp Phước
Tóm tắt
|
PDF
ISCST3 và AERMOD là hai mô hình khuếch tán không khí được phát triển và khuyến nghị sử dụng bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (U.S. EPA). Hai mô hình này đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và mang lại những kết quả tính toán tương đối phù hợp so với thực tế. Ở Việt Nam, hai mô hình này đã được sử dụng trong một số đề tài liên quan đến việc đánh giá ô nhiễm không khí. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm so sánh sự khác biệt trong kết quả tính toán của hai mô hình ISCST3 và AERMOD đối với hai thông số SO2 và TSP tại Khu công nghiệp Hiệp Phước Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số nguồn thải được sử dụng để tính toán là 40 nguồn điểm và thời đoạn vận hành các mô hình là toàn bộ 12 tháng trong năm 2016. Nghiên cứu đã cho thấy mô hình AERMOD phù hợp hơn so với ISCST3 trong việc mô phỏng sự khuếch tán các chất ô nhiễm không khí tại khu vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra được những đặc điểm chính của sự phân bố không gian của SO2 và TSP tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Đây sẽ là dữ liệu có ích cho các nhà quản lý đề ra những chính sách phù hợp để kiểm soát sự ô nhiễm không khí tại khu vực này.
Đánh giá tác động của xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu trên hiện trạng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Sóc Trăng là một trong các tỉnh ven biển và có thế mạnh về sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu theo dõi và đánh giá tác động của BĐKH do yếu tố mặn đến vùng canh tác lúa tại tỉnh Sóc Trăng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và 2030. Nghiên cứu phân tích chuỗi ảnh chỉ số thực vật (NDVI) đa thời gian trên dữ liệu MODIS (MOD09Q1) độ phân giải không gian 250 m từ 31/07/2014 đến 31/07/2015 kết hợp với ảnh vệ tinh Landsat 8 nhằm xây dựng bản đồ hiện trạng mặt phủ từ đó xác định vùng cơ cấu canh tác lúa tỉnh Sóc Trăng. Kết quả phân tích ảnh viễn thám đã xác định được vùng canh tác lúa bao gồm 3 cơ cấu chính: lúa 3 vụ (99.182,2 ha chiếm 30,3% tổng diện tích tự nhiên), lúa 2 vụ (69.484,2 ha chiếm 21,2%) và lúa-tôm (69.484,2 ha chiếm 4,3%) với độ tin cậy cao (chỉ số Kappa = 0,78) dựa trên 100 điểm khảo sát thực tế. Diện tích canh tác lúa bị ảnh hưởng theo 2 kịch bản BĐKH năm cơ sở 2004 và năm 2030 phân bố chủ yếu trên 3 huyện gồm huyện Mỹ Xuyên, Long Phú và Trần Đề. Diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng giữa năm cơ sở 2004 và năm 2030 theo đơn vị hành chính cho thấy diện tích canh tác lúa-tôm bị ảnh hưởng tại huyện Mỹ Xuyên tăng khoảng 14,7 ha, diện tích lúa 2 vụ bị tác động tại huyện Trần Đề với giảm khoảng 155,5 ha và diện tích lúa 3 vụ bị ảnh hưởng mặn tại huyện Long Phú giảm khoảng 35,5 ha.
Thách thức trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng dưới tác động của xâm nhập mặn
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu phân tích các tác động của khô hạn và xâm nhiễm mặn trên hệ thống kênh đến sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp lấy ý kiến những người am hiểu (KIP) và phỏng vấn nông hộ được sử dụng để thu thập số liệu sơ cấp. Tổng cộng có 3 chuyên gia công tác trong ngành nông nghiệp và 61 nông hộ được phỏng vấn. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích mức độ ảnh hưởng của đất, ngập lụt do triều, xâm nhập mặn và điều kiện thời tiết đến từng mô hình canh tác; các giải pháp thích ứng với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Kết quả cho thấy hai mô hình canh tác chính của huyện Mỹ Xuyên (lúa 2 vụ và luân canh tôm-lúa) đều bị thiệt hại trong mùa khô 2015-2016. Xâm nhập mặn vào hệ thống kênh, độc chất phèn, thiếu nước tưới, khô hạn và mưa bất thường đã ảnh hưởng đến cả trồng lúa và nuôi tôm. Trong thời gian tới, nếu diễn biến của xâm nhập mặn và khô hạn tiếp tục cực đoan, 54% nông hộ sẽ tạm nghỉ vụ canh tác; 19% nông hộ vẫn canh tác bình thường nhưng sẽ chú ý theo dõi diễn biến của thời tiết để tránh thiệt hại và 27% nông hộ sẽ chuyển đổi sang mô hình canh tác mới, chủ yếu là nuôi tôm thâm canh. Kết quả nghiên cứu giúp đánh giá các tác động của khô hạn và xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, có kế hoạch bố trí mùa vụ thích hợp cho huyện Mỹ Xuyên.
Hiện trạng khai thác nước dưới đất và mối tương quan giữa hạ thấp cao độ mực nước và sụt lún đất: Nghiên cứu tại Trà Vinh và thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiện trạng khai thác nước dưới đất (NDĐ) và thiết lập mối tương quan giữa hạ thấp cao độ NDĐ và sụt lún tại Cần Thơ và Trà Vinh. Trước tiên, hiện trạng khai thác NDĐ cho những mục đích khác nhau được tổng hợp và đánh giá; và sự suy giảm của cao độ NDĐ tầng Pleistocene giữa-trên (qp2-3) tại các giếng quan trắc được xem xét. Sụt lún đất được tính toán theo phương pháp lún cố kết 1 chiều (1D) theo phương đứng. Kết quả cho thấy NDĐ tầng Pleistocene giữa-trên được khai thác phổ biến nhất cho mục đích sinh hoạt và công nghiệp, và cho cả nông nghiệp. Từ đó dẫn đến cao độ NDĐ tầng này đã giảm đáng kể (3,98m (2001÷2014) và 4,06m (2004÷2015) lần lượt tại giếng quan trắc QT16 (Cần Thơ) và Q217020 (Trà Vinh)). Lún cố kết tại các vị trí này tương ứng là 4,383 cm và 27,854 cm. Kết quả lún cố kết sơ bộ này tính theo số liệu địa chất thủy văn được kế thừa từ những nghiên cứu trước và chỉ tính lún cho tầng Pleistocene giữa-trên.
Đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín - Trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long, trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp nông hộ và tổng quan tài liệu được sử dụng dựa trên khung đánh giá tổng hợp DPSIR (Động lực – Áp lực – Hiện trạng – Tác động – Đáp ứng) nhằm xác định và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2012 – 2016, người dân có xu hướng thu hẹp dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng màu và cây ăn trái có hiệu quả kinh tế hơn. Ngoài ra, mô hình trồng bắp non kết hợp chăn nuôi bò là tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế tại khu vực nghiên cứu. Nguyên nhân quyết định sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chủ yếu do yếu tố kinh tế xã hội bao gồm: hiệu quả kinh tế từ mô hình đem lại, nhu cầu thị trường và theo xu hướng chuyển đổi chung của người dân tại địa phương. Quá trình chuyển đổi bước đầu giúp phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, một số người dân đã gặp khó khăn về kỹ thuật canh tác, chi phí đầu tư và khâu thu hoạch khi chuyển đổi mô hình sản xuất mới.
Ảnh hưởng của iprobenfos lên tỷ lệ sống, enzyme cholinesterase và sinh trưởng của cá rô đồng (Anabas testudineus)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm xác định độc cấp tính (LC50-96 giờ) của Iprobenfos lên cá rô đồng (Anabas testudineus) được bố trí gồm nghiệm thức đối chứng và 5 mức nồng độ (4, 7, 9, 14 và 17 mg/L), với 10 cá (4,39 0,09 g) trong bể composite 60 L. Thí nghiệm xác định ảnh hưởng của Iprobenfos đến enzyme cholinesterase và sinh trưởng của cá rô đồng được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể composite 300 L với 30 cá/bể, với bốn mức nồng độ 0,083; 0,167; 0,83; 2,07 mg/L và đối chứng. Kết quả cho thấy nồng độ gây độc của Iprobenfos lên cá rô từ 4-17 mg/L và giá trị LC50-96 giờ là 8,28 mg/L. Iprobenfos gây ức chế ChE tăng dần theo thời gian tiếp xúc và rõ nhất ở 36 giờ sau khi tiếp xúc với tỷ lệ ức chế cao nhất là 45,5% ở mức nồng độ 2,07 mg/L. Nồng độ thấp nhất thấy ảnh hưởng (LOEC) của Iprobenfos lên ChE trong thí nghiệm này là 0,083 mg/L. Lượng thức ăn tiêu thụ (FI) của cá không bị ảnh hưởng bởi nồng độ Iprobenfos. Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR), tốc độ tăng trưởng tương đối (SGR), tỷ lệ sống và trọng lượng của cá rô bị ảnh hưởng bởi nồng độ Iprobenfos 2,07 mg/L.
Đánh giá tiềm năng suy giảm độ phì nhiêu đất tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của vấn đề nghiên cứu nhằm đánh giá sự suy giảm độ phì của đất giai đoạn 2012-2016, chỉ ra những thay đổi của các đặc tính hóa học theo sự phân bố không gian và theo từng loại hình sử dụng đất. Từ đó giúp cho các nhà quản lý đề xuất các biện pháp hữu hiệu can thiệp để giảm thiểu và cải thiện quá trình suy giảm độ phì đã và đang diễn ra trên địa bàn. Nghiên cứu đã sử dụng bộ thuộc tính từ dữ liệu nền để đánh giá mức độ và mức độ suy giảm độ phì của đất trên cơ sở so sánh với kết quả phân tích các phẫu diện đất theo từng điểm mẫu tương tự nhau ở cùng vị trí hoặc cùng loại đất mà có vị trí gần nhất, các chỉ tiêu so sánh như độ chua của đất, chất hữu cơ, dung tích hấp thu, đạm tổng số, kali tổng số, lân tổng số. Kết quả cho thấy toàn tỉnh có 112.321,38 ha diện tích đất bị suy giảm độ phì, chiếm 40,21% diện tích điều tra và chiếm 31,76% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất không bị suy giảm độ phì là 167.025 ha, chiếm 59,79% diện tích đất điều tra và chiếm 47,23% diện tích đất tự nhiên. Nhìn chung, suy giảm độ phì trên địa bàn tỉnh ở mức độ nhẹ nhưng các chỉ tiêu hóa học đất có sự suy giảm đáng kể tại các khu vực đất canh tác như đất trồng lúa trong khu vực đê bao, vùng trồng rau màu, đất lâm nghiệp ở khu vực đồi núi thấp, có độ dốc lớn.
Đánh giá khả năng thích nghi với lũ của người dân vùng đê bao khép kín - Trường hợp nghiên cứu ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thích nghi với lũ (trong bối cảnh hiện tại và tương lai) của người dân vùng đê bao khép kín tại vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp (nông hộ và cán bộ địa phương) và thống kê mô tả được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thích nghi của người dân và địa phương trong bối cảnh giả định rủi ro tương lai sẽ có lũ (giả định lũ trong tương lai gây vỡ đê). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, hiện nay, việc đê bao khép kín cùng với sự hoàn thiện dần của các công trình thủy lợi kiểm soát lũ đã dần dần làm mất đi khả năng thích nghi hay các hành động chuẩn bị thích nghi với lũ của địa phương. Người dân tin tưởng rằng, đê bao khép kín sẽ kiểm soát được lũ, trong tương lai lũ sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ; vì thế người dân ngày càng ít quan tâm hơn về diễn biến lũ và cũng như các cách thích nghi khác (như việc chuẩn bị kê lại nhà cửa, nâng nền, không trồng lúa trong mùa lũ).
Ảnh hưởng của mật độ trồng đến sinh trưởng và khả năng hấp thu đạm, lân của cỏ mồm mỡ (Hymenachne acutigluma)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và hấp thu đạm, lân bổ sung thêm trong nước thải ao nuôi thâm canh cá tra của cỏ Mồm mỡ (Hymenachne acutigluma). Cây được trồng ở 4 mật độ là 10, 20, 30 và 40 chồi/m2 và đối chứng không cây. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 12 lần lặp lại. Sinh trưởng của cỏ Mồm mỡ và chất lượng nước được đánh giá sau mỗi 2 tuần trong thời gian 8 tuần. Sinh khối khô lúc thu hoạch của cỏ Mồm mỡ trồng ở mật độ 40 chồi/m2 cao hơn 10 chồi/m2. Mật độ cây trồng hầu như không ảnh hưởng đến hàm lượng đạm và lân trong thân và rễ, nhưng ảnh hưởng khả năng hấp thu đạm và lân của cỏ Mồm mỡ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về hiệu suất xử lý TN, TP giữa 4 mật độ trồng, và đạt tương ứng 80-84,8% và 93,3-95,6% cao hơn nghiệm thức đối chứng không cây. Kết quả ghi nhận ở mật độ trồng 40 chồi/m2 cỏ Mồm mỡ có khả năng sinh trưởng, hấp thu đạm, lân tốt hơn.
Đánh giá khối lượng bồi tích và thành phần dinh dưỡng của phù sa trong và ngoài đê bao khép kín ở tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Hệ thống đê bao khép kín đã được xây dựng ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tỉnh An Giang đã có ảnh hưởng phần nào đến khả năng bồi tích phù sa hằng năm vào trong đồng ruộng. Việc xác định khả năng bồi tích và đánh giá thành phần dinh dưỡng phù sa tại 4 huyện (Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân và Thoại Sơn) của tỉnh An Giang đã được thực hiện liên tục trong 3 năm (2013-2016). Mỗi huyện đặt 15 bẫy phù sa trong đê và 15 bẫy phù sa ngoài đê, bẫy được làm bằng vải nylon có diện tích 1 m2, được đặt trên mặt ruộng trước khi lũ về (tháng 8) tại các điểm cố định (được xác định bằng thiết bị định vị toàn cầu). Sau khi lũ rút (tháng 12) khối lượng phù sa được thu thập và phân tích thành phần hóa học. Kết quả nghiên cứu cho thấy khối lượng phù sa trung bình hằng năm bồi tích ngoài đê (22,5 tấn/ha) cao hơn gấp 5 lần (4,4 tấn/ha) so với trong đê và khác biệt có ý nghĩa. Tổng lân và chất hữu cơ của phù sa trong đê cao hơn ngoài đê và khác biệt có ý nghĩa. Hàm lượng đạm tổng số của phù sa trong đê thấp hơn ngoài đê (0,33%N và 0,65%N) và khác biệt có ý nghĩa, riêng tổng kali (1,42%K2O và 1,44%K2O) thì không khác biệt. Việc xả lũ định kỳ 3 năm/lần của huyện Phú Tân (năm 2015) đã cho thấy khối lượng phù sa bồi tích được 4,7 tấn/ha. Tổng lượng dinh dưỡng N,P,K có trong phù sa của đợt xả lũ định kỳ chỉ đáp ứng được 8,73%, 9,43% và 82,7% so với nhu cầu sử dụng phân hóa học thực tế của người dân.
Sự phân bố và thành phần loài nấm lớn tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9/2015 đến tháng 10/2016 nhằm cung cấp thông tin về đa dạng nấm lớn tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hỗ trợ cho công tác quản lý đa dạng sinh học của khu vực khảo sát. Nghiên cứu đã ghi nhận 57 loài nấm lớn thuộc 39 chi, 24 họ, 12 bộ, 5 lớp thuộc 3 ngành (Basidiomycota, Myxomycota và Ascomycota); trong đó, ngành Basidiomycota có mức độ đa dạng loài cao nhất với 53 loài (92.98%), bộ Agaricales và Polyporales với mức độ đa dạng cao lần lượt là 20 và 18 loài. Bên cạnh đó, mức độ đa dạng nấm lớn ở cả 4 sinh cảnh được khảo sát đều ở mức thấp (đất rừng, đất rừng có canh tác và ven sông) và rất thấp (đất nông nghiệp).
Đánh giá và so sánh tính chất lý-hóa học đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu đánh giá và so sánh chất lượng đất trong và ngoài đê bao khép kín đã được tiến hành theo dõi liên tục trong 3 năm (2013 – 2016) tại 4 huyện của tỉnh An Giang (Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới và Thoại Sơn); mỗi huyện chọn 15 điểm trong đê và 15 điểm ngoài đê cố định để thu mẫu; mẫu được thu sau mùa lũ. Kết quả phân tích cho thấy thành phần vật lý (pH, dung trọng, tỷ trọng, độ xốp và thành phần cơ giới) không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, ngoại trừ trị số EC và độ chặt. Thành phần hóa học của đất trong đê cao hơn ngoài đê và có sự khác biệt có ý nghĩa, với giá trị trong và ngoài đê được thể hiện lần lượt: tổng đạm (0,26%N và 0,20%N); tổng lân (0,16%P2O5 và 0,13%P2O5) và chất hữu cơ (6,93% và 4,70%); ngoại trừ hàm lượng tổng kali không có sự khác biệt giữa trong và ngoài đê, cụ thể trong đê 1,45%K2O và ngoài đê 1,42%K2O. Cả 2 vùng nghiên cứu, chất lượng đất được đánh giá ở mức khá đến giàu. Đặc biệt, độ phì (N,P) trong đê cao hơn ngoài đê một cách có ý nghĩa.
Xây dựng phương trình tính sinh khối trên cây Keo Lai ở các cấp tuổi 4, 5 và 6 tại khu vực U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu đề tài là xây dựng các phương trình tương quan để tính toán sinh khối và hấp thu CO2 của cây Keo Lai (Acacia hybrid) tại khu vực U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Thí nghiệm được bố trí tại Trạm thực nghiệm Kênh Đứng tại U Minh Hạ Cà Mau thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm Nghiệp Tây Nam Bộ. Ba ô tiêu chuẩn được chọn tương ứng với 3 cấp tuổi 4, 5 và 6. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp HARTIG để thu thập số liệu và tính tương quan giữa các thông số sinh khối, chiều cao vút ngọn (Hvn), thể tích cây và đường kính ngang ngực (D1,3). Đề tài đã tổng hợp, phân tích và lựa chọn được 27 phương trình tính sinh khối cho 3 cấp tuổi Keo Lai có hệ số tương quan cao (0,861 < r < 0,985 và P < 0,001) có dạng Y= a + b.X và Y= a + b.X + c.Z. Nghiên cứu cũng chọn 3 phương trình tương quan giữa sinh khối tươi với đường kính ngang ngực và 3 phương trình tương quan giữa sinh khối khô với đường kính ngang ngực được sử dụng để xác định sinh khối tươi, sinh khối khô, từ đó tính khả năng hấp thu CO2 của quần thể cây Keo Lai trong điều kiện cụ thể tại vùng nghiên cứu.
Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long; trường hợp nghiên cứu tại hai huyện Long Phú và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp phỏng vấn cấu trúc và bán cấu trúc các bên có liên quan (120 nông hộ và 4 cán bộ chuyên trách) được thực hiện để thu thập các số liệu sơ cấp. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích, đánh giá các ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong thời gian xâm nhập mặn (đặc biệt là mùa khô năm 2016), mặn đã gây ra khó khăn trong công tác quản lý nguồn tài nguyên nước dưới đất (chủ yếu ở huyện Trần Đề), cụ thể là việc kiểm soát khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này. Các khu vực nuôi trồng thủy sản, người nuôi tôm đã tăng cường khai thác nước dưới đất để pha loãng nồng độ mặn của nước mặt trên các kênh sông/rạch. Ngược lại, đối với các hộ trồng lúa (chủ yếu ở huyện Long Phú), nhìn chung xâm nhập mặn không gây ảnh hưởng gì đến nhu cầu sử dụng hay khai thác nước dưới đất. Kết quả nghiên cứu là cơ sở hỗ trợ cho việc ra qua quyết định trong công tác quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước hướng đến tính liên kết vùng tại địa phương.
Xác định thông số địa chất thủy văn bằng phương pháp thực nghiệm bơm hút nước dưới đất (pumping test) tại khu công nghiệp Trà Nóc - thành phố Cần Thơ: Kết quả sơ bộ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp thực nghiệm bơm hút nước dưới đất (NDĐ) (pumping test) tại khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ nhằm xác định sự thay đổi mực nước trong giếng quan trắc theo thời gian; từ đó xác định các thông số địa chất thủy văn (ĐCTV) cơ bản của tầng chứa nước Pleistocene giữa trên (qp2-3) như hệ số thấm (K), hệ số dẫn nước (T), hệ số nhã nước (S), chiều dầy tầng chứa nước (D). Các bước sau được thực hiện: (i) Thu thập các số liệu thứ cấp như bản đồ vị trí giếng, bản đồ ĐCTV, các thông tin về giếng (tầng chứa nước, chiều sâu); (ii) Bố trí thực nghiệm giếng bơm hút nước để đo mực nước NDĐ tại giếng quan sát trong suốt thời gian bơm. Kết quả tính toán sẽ xác định các thông số ĐCTV (K, T, S và D) tại vùng nghiên cứu theo phương pháp Theis. Kết quả này là cơ sở dữ liệu lập mô hình mô phỏng động thái NDĐ phục vụ cho quản lý và dự báo trữ lượng khai thác NDĐ. Kết quả bơm thí nghiệm tại tầng chứa nước qp2-3 xác định được hệ số thấm K = 3,465 m/giờ, hệ số nhả nước đàn hồi S = 0,003, hệ số dẫn nước T = 242,6 m2/ngày, chiều dày tầng chứa nước D = 70 m. Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở để so sánh và hiệu chỉnh thông số ĐCTV thứ cấp để có dữ liệu đạt độ tin cậy cao phục vụ việc lập mô hình dòng chảy NDĐ.
Khảo sát một số thông số vận hành quy trình keo tụ - tạo bông kết hợp fenton xử lý nước thải nhà máy in
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định các thông số vận hành thích hợp của quy trình keo tụ - tạo bông kết hợp với phản ứng Fenton để xử lý nước thải nhà máy in. Các thí nghiệm được tiến hành trên mô hình bể keo tụ - tạo bông, bể phản ứng Fenton quy mô phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy các thông số vận hành tối ưu của bể keo tụ - tạo bông để xử lý nước thải nhà máy in là 150 mg PAC/L kết hợp 67,5 mg CaCO3/L, không cần bổ sung chất trợ keo tụ. Khảo sát các thông số vận hành quá trình Fenton cho kết quả tối ưu gồm thời gian phản ứng 45 phút, liều lượng H2O2 là 100 mg/L, liều lượng Fe2+ là 80 mg/L. Vận hành bể phản ứng Fenton với các thông số nêu trên, hiệu suất xử lý COD trong nước thải đạt 81,5%. Giá trị COD trong nước thải sau xử lý Fenton đã đạt được yêu cầu xả thải theo quy định của QCVN 40:2011/BTNMT (cột B).
Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe cộng đồng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất giải pháp thích ứng
Tóm tắt
|
PDF
Nhằm xác định tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe cộng đồng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và đề xuất giải pháp thích ứng phù hợp. Nghiên cứu này đã tiến hành phân tích diễn biến một số bệnh dịch có liên quan đến biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng mô hình tương quan, hồi quy tuyến tính đơn biến. Các dữ liệu bao gồm nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm và một số bệnh dịch phục vụ cho nghiên cứu được thu thập từ số liệu thống kê tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2010 - 2015… Kết quả nghiên cứu cho thấy diễn biến của một số bệnh có tương quan với sự thay đổi của thời tiết. Cụ thể, bệnh tiêu chảy có mối quan hệ với độ ẩm năm 2010; với nhiệt độ năm 2012, và với lượng mưa năm 2015. Bệnh cúm có liên quan với cả 3 yếu tố thời tiết năm 2012. Bệnh sốt rét có quan hệ với nhiệt độ và độ ẩm ở năm 2013. Hai năm 2011 và 2014 không xác định được mối tương quan giữa bệnh dịch và thời tiết. Điều này góp phần chứng minh cho việc biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng tới sức khỏe người dân tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.