Ngày xuất bản: 12-04-2019

Tiềm năng mở rộng ứng dụng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đỗ Tấn Khang, Nguyễn Phạm Anh Thi, Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Thị Thanh Khương
Tóm tắt | PDF
Giải trình tự thế hệ mới (NGS) là một trong những công cụ hiện đại hỗ trợ đắc lực trong việc giải trình tự DNA. Trên thế giới, rất nhiều ứng dụng của công nghệ này đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều viện, trường, bệnh viện đã đầu tư hệ thống giải trình tự thế hệ mới. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng còn nhiều bất cập. Nhằm khai thác hiệu quả các hệ thống giải trình tự thế hệ mới đã được lắp đặt, các ứng dụng khả thi ở Đồng bằng sông Cửu Long liên quan đến phân loại thực vật, nuôi trồng thủy sản và y học sẽ được trình bày. Về y học, những ứng dụng mới và nổi bật của NGS trong chẩn đoán chính xác một số bệnh ung thư, chẩn đoán tiền sinh không xâm lấn và một số bệnh lý phổ biến do gen sẽ được thảo luận. Ở lĩnh vực thủy sản, các ứng dụng trong di truyền chọn giống và bệnh học sẽ được đề cập. Còn phần phân loại thực vật, các vùng gen và hệ gen quan trọng liên quan đến phân loại sẽ được mô tả chi tiết. Ngoài ra, bài báo cũng thảo luận các thành tựu nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cũng như tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác của NGS ở Việt Nam

Lên men rượu vang khoai lang tím Nhật (Ipomoea batatas)

Nguyễn Văn Thành, Nguyen Ngoc Thanh, Nguyễn Minh Nhựt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện trên cơ sở khảo sát ảnh hưởng của nồng độ enzyme alpha amylase (0,015-0,035%), thời gian (1-4 giờ) đến khả năng dịch hóa tinh bột khoai lang và glucoamylase (0,05-0,085%), thời gian 70-90 giờ đến khả năng đường hóa tinh bột khoai lang. Đồng thời, khảo sát ảnh hưởng của mật số nấm men (103-107 tb/mL), pH (4-5), °Brix (22-26), nhiệt độ (20 và 30°C) và hàm lượng yeast extract bổ sung (0,1-0,4%) đến khả năng lên men rượu vang khoai lang tím Nhật. Kết quả cho thấy ở giai đoạn dịch hóa, nồng độ enzyme alpha amylase 0,03% và sau 2 giờ thủy phân, hàm lượng đường khử sinh ra 27,8 mg/mL. Ở giai đoạn đường hóa, với nồng độ enzyme glucoamylase 0,075% và sau 80 giờ, hàm lượng đường khử sinh ra 61,02 mg/mL. Nấm men Saccharomyces cerevisiae được sử dụng ở giai đoạn lên men rượu, kết quả cho thấy lên men rượu vang khoai lang tím Nhật với hàm lượng chất khô hoà tan 24 °Brix, pH 4,5 mật số nấm men 105 tế bào/mL, có bổ sung 0,2% yeast extract và lên men ở nhiệt độ 30°C trong 10 ngày đạt hàm lượng ethanol 14,16-14,27% (v/v).

Nghiên cứu tạo phức hợp nanosilica - curcumin - bromelain và đánh giá hoạt tính lên dòng nguyên bào sợi trên mô hình động vật

Lại Đình Biên, Chiêm Thị Anh Thư, Trương Thị Thúy An
Tóm tắt | PDF
Theo thống kê Viện bỏng Việt Nam từ năm 2017, số ca bỏng ngày một tăng. Bỏng là tai nạn phổ biến thứ hai sau tai nạn giao thông. Việc điều trị vết thương từ bỏng nhanh chóng và hoàn toàn không để lại sẹo rất được quan tâm và ủng hộ. Bromelain trong dứa và curcumin từ nghệ khi kết hợp tạo nên sự cộng hưởng giúp kháng viêm hiệu quả, làm liền vết thương nhanh hơn. Ứng dụng công nghệ nano vào việc điều chế phức hợp silica – curcumin – bromelain tạo ra hạt phức hợp có kích thước nano tăng khả năng tiếp xúc, hấp thụ của cơ thể mà vẫn giữ được hoạt tính sinh học từng chất, cũng như hỗ trợ cho quá trình điều trị các vết thương hở, vết bỏng, sẹo lồi, lõm nhanh hơn. Đề tài đã thử nghiệm hạt nanosilica – curcumin – bromelain kích thước 10 – 100 nm thành công trên dòng tế bào nguyên bào sợi thu nhận từ chuột nhắt trắng và tối ưu nồng độ hoạt chất ở 7,5%. Bên cạnh đó, ứng dụng phức hợp nanosilica – curcumin –  bromelain trong điều trị vết bỏng cấp độ II trên mô hình chuột nhắt trắng đã cho kết quả liền sẹo và mọc lông sau 18 ngày, nhanh hơn so với không điều trị 7 ngày.

Nghiên cứu môi trường và giá thể phù hợp để sản xuất nấm Hoàng Kim (Pleurotus citrinopileatus Singer)

Nguyễn Hoàng Thạnh, Nguyen Tuong Vi, Trần Nhân Dũng, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Nấm Hoàng Kim vừa là thức ăn bồi bổ sức khỏe vừa là dược phẩm. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu tìm ra các loại môi trường nhân giống và loại cơ chất phù hợp để trồng nấm cho năng suất, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đồng thời đảm bảo chất lượng. Kết quả nghiên cứu môi trường thạch cho thấy môi trường Potato Dextrose Agar (PDA) bổ sung muối khoáng (PDA-MK) là cho tơ lan kín đĩa sớm nhất (kín đĩa 9 cm trong vòng 8 ngày, tốc độ 0,95 cm/ngày), sợi tơ tốt, dày, phân nhánh nhiều so với các môi trường PDA và PDA bổ sung nước dừa. Ở môi trường các loại hạt, qua kết quả nghiên cứu trên 3 môi trường: hạt lúa, hạt gạo và hạt bắp, thì môi trường hạt bắp có tốc độ lan tơ cao nhất (0,53 cm/ngày), đầy kín ống nghiệm 20 cm trung bình 18,6 ngày. Kết quả nghiên cứu trên cơ chất trồng nấm để thu quả thể: (1) Tốc độ lan tơ: nghiệm thức rơm phối trộn bột bắp (bột bắp 11,6%) đạt tốc độ lan tơ nhanh nhất (17,77 cm ở giai đoạn 30 NSC), (2) Năng suất nấm tươi trên bịch phôi: nghiệm thức rơm phối trộn bột bắp (bột bắp 11,6%)  (156 g/bịch).

Ảnh hưởng của bào tử nấm mốc Actinomucor elegans và điều kiện lên men đến sự cải thiện chất lượng chao truyền thống

Nguyễn Văn Thành, Thái Minh Tam
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chao thành phẩm. Qua đó, tiến hành nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất chao ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỷ lệ chủng nấm mốc Actinomucor elegans và các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình lên men nhằm cải thiện chất lượng chao đã được khảo sát. Kết quả nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ chủng mốc là 105 bào tử sống/gram cơ chất khô (cfu/gdw), thời gian ủ mốc 48 giờ cho hiệu quả thủy phân cao nhất (đạt 12,0 U/mg protein). Hơn nữa, thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của bổ sung muối và rượu vào nước chan cho thấy bổ sung hàm lượng muối NaCl với mức độ 12%, hàm lượng rượu ethanol 10% giúp nâng cao giá trị đạm amin, hiệu suất lên men và giảm hàm lượng đạm amoniac trong sản phẩm.

Tinh sạch, xác định hoạt tính kháng khuẩn và kháng mốc của polyphenol từ bã cà phê

Hoàng Thị Ngọc Nhơn, Trần Phước Huy, Bùi Anh Thư
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, polyphenol được chiết tách từ bã cà phê bằng phương pháp sử dụng dung môi có hỗ trợ tiền xử lý bằng vi sóng và siêu âm sau đó thực hiện cô quay chân không thu cao chiết polyphenol. Tiến hành nghiên cứu quá trình tinh sạch polyphenol từ cao chiết bã cà phê bằng phương pháp sắc ký cột silicagel để thu các phân đoạn có hàm lượng và độ tinh sạch của polyphenol cao nhất, tiếp theo thử hoạt tính chống oxy hóa (dịch trích và bột polyphenol bã cà phê) bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH (2,2-diphenyl-1-picryl-hydrazyl-hydrate), hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm mốc. Vi khuẩn và nấm mốc được sử dụng trong nghiên cứu là Escherichia coli (E. coli) và Aspergillus niger (A. niger). Kết quả thu được cho thấy các phân đoạn được chọn sau khi qua sắc ký cột silicagel có độ tinh sạch cao từ 48,43% - 76,81%, hàm lượng polyphenol cao nhất là 95,51 (μg/mL) ở phân đoạn số 6. Ngoài ra, dịch trích polyphenol còn có hoạt tính kháng khuẩn (E. coli) và kháng nấm mốc (A. niger) với nồng độ ức chế tối thiểu (Minimum Inhibitory Concentration - MIC) lần lượt là 45 (μg/mL) và 75 (μg/mL). Hoạt tính chống oxy hóa của dung dịch trích từ bã cà phê có giá trị SC50 đạt 53,78 ± 4,65 (μg/mL).

Ảnh hưởng của nồng độ đường, loại bioreactor và thể tích bình nuôi cấy lên sự sinh trưởng của huyền phù tế bào sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.)

Trần Diệu Thái, Nguyễn Văn Du, Đỗ Đăng Giáp, Trịnh Thị Hương, Trần Trọng Tuấn
Tóm tắt | PDF
Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) là một loại sâm quý có giá trị kinh tế cao, là loại thực vật đặc hữu của Việt Nam. Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của nồng độ đường sucrose bổ sung và thể tích bình nuôi cấy trong hệ thống nuôi cấy lỏng lắc và bioreactor để xác định môi trường thích hợp cho sự gia tăng sinh khối của tế bào huyền phù. Kết quả thí nghiệm cho thấy nồng độ đường cho tăng trưởng của huyền phù tế bào đạt tốt nhất trong môi trường MS (Murashige and Skoog, 1962) có bổ sung 1,5 mg/L NAA và 50 g/L sucrose (khối lượng tươi và lượng khô lần lượt là 37,4 mg/mL và 3,6 mg/mL). Nuôi cấy trong hệ thống bioreactor 3 L, 5 L và 10 L thì huyền phù tế bào tăng trưởng tốt với lượng sinh khối thu được gấp 2,1 đến 2,3 lần so với lượng mẫu mô sẹo ban đầu sau 4 tuần. Kết quả chỉ ra khi được nuôi cấy trong bình tam giác 500 mL ở điều kiện lỏng lắc với tốc độ 120 vòng/phút, lượng tế bào huyền phù tăng sinh từ dịch huyền phù tế bào ban đầu đạt tốt nhất khi so sánh với các nghiệm thức khác (khối lượng tươi và lượng khô thu được lần lượt là 50,2 mg/mL và 3,2 mg/mL).

Đánh giá tiềm năng kháng khuẩn của vi khuẩn acid lactic phân lập từ sữa mẹ và phân trẻ em

Nguyễn Tăng Phú, Nguyễn Thị Liên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát khả năng đối kháng lại một số vi sinh vật gây bệnh của các dòng vi khuẩn acid lactic được phân lập từ sữa mẹ và phân trẻ em. Ba mươi dòng vi khuẩn acid lactic được phân lập trên môi trường MRS-Cys, trong đó có 13 dòng được phân lập từ sữa mẹ và 17 dòng được phân lập từ phân trẻ em. Kết quả khảo sát khả năng đối kháng bằng phương pháp nhỏ giọt cho thấy tất cả 30 dòng vi khuẩn phân lập đều kháng lại 4 vi khuẩn chỉ thị là Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aerigunosa và Aeromonas hydrophila. Chỉ có một dòng vi khuẩn HF4.2 có khả năng kháng lại nấm Candida albicans. Kết quả khảo sát khả năng ức chế vi sinh vật chỉ thị của bacteriocin từ các dòng vi khuẩn acid lactic cho thấy có 11/30 dòng ức chế Escherichia coli, 9/30 dòng ức chế Staphylococcus aureus, 22/30 dòng ức chế Pseudomonas aeruginosa, 22/30 dòng ức chế Aeromonas hydrophila và không có dòng vi khuẩn nào có khả năng ức chế Candida albicans. Từ kết quả khảo sát khả năng đối kháng qua hai phương pháp nhỏ giọt và khuếch tán giếng thạch đã chọn lọc được dòng vi khuẩn có tiềm năng là HF4.2. Kết quả giải trình tự vùng gen 16S rRNA và các thử nghiệm sinh hóa đã xác định được dòng HF4.2 là Enterococcus faecalis.

Phân lập và định danh vi khuẩn nội sinh ở cây diếp cá (Houttuynia cordata Thunb, Saururaceae) tại tỉnh Kiên Giang có hoạt tính kháng khuẩn với vi khuẩn Staphylococcus aureus từ mụn nhọt ở người

Huỳnh Văn Trương, Lý Tú Hương, Nguyễn Hữu Hiệp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu  phân lập và định danh vi khuẩn nội sinh của cây diếp cá có hoạt tính kháng khuẩn với vi khuẩn Staphylococcus aureus từ mụn nhọt người. Cây diếp cá thu ở huyện Phú Quốc, thành phố Hà Tiên và Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được sử dụng để phân lập vi khuẩn nội sinh. Khảo sát khả năng kháng khuẩn của những dòng vi khuẩn nội sinh cây diếp cá với Staphylococcus aureus bằng phương pháp tẩm vi khuẩn nội sinh trên giấy lọc và định danh bằng phương pháp giải trình tự gen 16S rRNA. Kết quả cho thấy 60 dòng vi khuẩn nội sinh cây diếp cá được phân lập trên môi trường PDA. Mười bốn dòng có khả năng kháng được vi khuẩn Staphylococcus aureus từ mụn nhọt ở người với vòng vô khuẩn từ  10-40 mm. Ba dòng vi khuẩn HTT2, PQT4 và RGT2 được nhận diện theo thứ tự là Bacillus amyloliquefaciens strain CD2901, Bacillus megaterium strain 22 và Bacillus subtilis strain B237.

Ảnh hưởng của ướp muối đến sự oxy hóa lipid và oxy hóa protein trong cơ thịt cá lóc (Channa striata) nuôi

Trần Bạch Long, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự oxy hóa lipid và oxy hóa protein của cơ thịt cá lóc nuôi theo nồng độ muối ngâm (0, 4, 8, 12, 16, 20% NaCl, w/v) và pH của dịch ngâm (4, 5, 6, 7, 8 và 9). Các thông số sử dụng để đánh giá sự oxy hóa của cơ thịt cá gồm: (i) hoạt tính enzyme lipoxygenase (LOX), chỉ số peroxide (PV), chỉ số TBARS (thiobarbituric acid reactivesubstances), (ii) hoạt tính của enzyme protease, chỉ số sulfhydryl, (iii) độ trắng, khả năng giữ nước, độ rỉ dịch (tính chất hóa lý). Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình ướp muối đã giúp hạn chế hoạt động của enzyme lipoxygenase và enzyme protease, đồng thời giúp cải thiện chất lượng cơ thịt cá. Thịt cá lóc ngâm trong dung dịch NaCl 12% (w/v) sau 3 giờ có sự giảm thấp hơn hoạt tính enzyme (lipoxygenase, protease), chỉ số peroxide và TBARS giảm trong khi chỉ số sulfhydryl tăng cao, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) khi so sánh với mẫu đối chứng (không ngâm muối) và cả các mẫu ngâm ở nồng độ muối thấp (4, 8%, w/v). Đồng thời, sự oxy hóa lipid và protein của cơ thịt cá lóc được hạn chế khi pH của dung dịch muối ở khoảng trung tính, đạt hiệu quả nhất ở pH 8. Chất lượng của thịt cá lóc ở điều kiện ngâm muối này cũng được cải thiện với độ trắng (WI) là 81,17, khả năng giữ nước (WHC) là 72,39% và độ rỉ dịch 11,78%.

Quá trình trưởng thành của MicroRNA 144 phụ thuộc vào Dicer

Lê Thị Trúc Linh, Hồ Thị Bích Phượng
Tóm tắt | PDF
MicroRNA (miRNA) là một nhóm RNA có kích thước từ 20 đến 25 nucleotide, có chức năng điều hòa biểu hiện gen bằng cách gắn đặc hiệu với một trình tự trên mRNA đích. Quá trình trưởng thành của các miRNAs từ tiền miRNA có thể phụ thuộc Dicer hoặc Ago2. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát vai trò của Dicer trong quá trình trưởng thành của miRNA 144 (miR-144). Theo đó, hàm lượng miR-144 trong tế bào bị mất Dicer sẽ được kiểm tra bằng real-time PCR. Kết quả cho thấy khi Dicer bị mất đi, lượng miR-144 trưởng thành giảm mạnh. Điều đó cho thấy quá trình trưởng thành của miR-144 phụ thuộc vào Dicer.

Đánh giá đặc điểm hình thái, di truyền các dòng hoa chuông (Gloxinia speciosa) được chiếu xạ

Nguyễn Trường Giang, Dương Hoa Xô, Nguyễn Hoàng Quân, Phan Diễm Quỳnh, Đỗ Thị Lịch Sa, Huỳnh Hữu Đức, Hà Thị Loan
Tóm tắt | PDF
Hoa chuông (Gloxinia speciosa) là cây thân thảo, kiểu hoa đẹp, hoa có nhiều màu sắc khác nhau, và là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu phát triển nhiều dòng hoa chuông mới có kiểu hình hoa lạ, độc đáo phục vụ nhu cầu thị trường, các mô sẹo của dòng hoa chuông đỏ kép được chiếu xạ bằng tia gama nguồn Co60 với liều thích hợp 30 -150 Gy. Sau các bước đánh giá thích hợp từ các mẫu chồi biệt hóa từ mô sẹo chiếu xạ trong giai đoạn in vitro được đánh giá đặc điểm hình kiểu hình và tiến hành đánh giá ở điều kiện nhà màng. Mười hai dòng hoa chuông biến dị mang một số đặc tính khác biệt so với dòng đối chứng về kiểu hình hoa, lá được chọn lọc. Kết quả phân tích di truyền bằng chỉ thị phân tử RAPD các dòng hoa chuông biến dị cho thấy giữa các dòng biến dị có sự sai khác về mặt di truyền với hệ số tương đồng di truyền 0,63. Tổng hợp các kết quả phân tích, đánh giá hình thái và di truyền các dòng hoa chuông biến dị, dòng biến dị với đặc điểm như lá màu xanh nhạt, cánh hoa có tia màu trắng xuyên dọc, lượng gam màu trắng nhiều (dòng biến dị B) và mang các đặc điểm nổi trội được chọn. Kết quả nghiên cứu này mở ra khả năng ứng dụng tia phóng xạ tạo đột biến hoa chuông và hướng tới tạo giống hoa chuông mới.

Phân lập, sàng lọc và khảo sát hoạt tính sinh học của vi khuẩn keo tụ sinh học trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Trà Vinh

Phạm Minh Nhựt, Đinh Ngọc Phương Trinh, Võ Lan Hương
Tóm tắt | PDF
Ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta đã và đang phát triển mạnh nhưng vấn đề về ô nhiễm nguồn nước cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho sự phát triển bền vững, đặc biệt là nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp ổn định chất lượng nước, giảm lượng hữu cơ lơ lửng đồng thời giảm khí độc trong nước là điều cần thiết. Từ 13 mẫu nước ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Trà Vinh, đã phân lập được 57 chủng vi khuẩn, trong đó có 39 chủng vi khuẩn Gram dương và 18 chủng vi khuẩn Gram âm. Sau khi sàng lọc sơ bộ bằng phương pháp nhuộm Gram và nhuộm bào tử đã chọn được 22 chủng vi khuẩn Gram dương, sinh bào tử trong đó có 4 chủng thuộc nhóm cầu khuẩn. Khảo sát hoạt tính keo tụ sinh học của 22 chủng vi khuẩn Gram dương với cơ chất là dịch kaolin cho thấy rằng chủng MS 9.4 có tỷ lệ keo tụ cao nhất (75,83%). Chủng vi khuẩn này được định danh bằng phương giải trình tự gen 16S-rRNA và các chỉ tiêu sinh hoá. Các đặc điểm sinh học bao gồm khả năng chịu mặn, chịu acid, chịu muối mật cũng được xác định. Các đặc điểm sinh hóa của chủng MS9.4 tương đồng với loài Bacillus subtilis, đồng thời chủng MS 9.4 có trình tự gen 16S-rRNA tương đồng 100% với chủng Bacillus subtilis IAM12118 nên chủng MS 9.4 được định danh là Bacillus subtilis MS 9.4. Chủng này có khả năng chịu mặn (7%), chịu được pH thấp (pH = 2), chịu được muối mật (2%) nhưng không có khả năng kháng với Vibrio spp.

Khảo sát ảnh hưởng nguồn dinh dưỡng đến sinh trưởng và phát triển của nấm chân dài Panus giganteus (Berk.) Corner

Trần Thị Trúc, Trần Nhân Dũng, Bùi Thị Minh Diệu, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm chân dài (Panus giganteus (Berk.) Corner) trên một số nguồn nguyên liệu có sẵn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nấm được phân lập trên môi trường Mizuno, PDA và PDA có bổ sung 20% nước dừa. Môi trường hạt bao gồm hạt gạo lức, hạt bắp và hạt lúa kết hợp với dinh dưỡng bổ sung là 3% cám gạo, 3% bột bắp và 1% vôi bột. Cơ chất trồng quả thể là mạt cưa cao su, mụn dừa, bã mía và rơm được phối trộn theo các tỉ lệ khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tơ nấm lan nhanh nhất trên môi trường phân lập Mizuno (7,95 cm) so với môi trường PDA (6,18 cm) và PDA bổ sung 20% nước dừa (7,71 cm) ở ngày thứ 10. Đối với môi trường hạt, tơ nấm cho thấy sự phát triển tốt nhất trên môi trường hạt gạo lức (12,20 cm), tiếp đến là hạt bắp (11,77 cm) và hạt lúa (8,70 cm) sau 24 ngày. Năng suất nấm cao nhất đối với cơ chất trồng nấm là 70% bã mía bổ sung 30% rơm (127,92 g nấm tươi/bịch (400 g nguyên liệu), hiệu suất sinh học đạt 79,75%), tiếp theo là 100% bã mía (123,16 g/bịch, hiệu suất sinh học đạt 76,98%). Tuy nhiên, hàm lượng polysaccharide giữa các thí nghiệm khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở mức 5%.

Ảnh hưởng của xử lý enzyme và chế độ thanh trùng đến chất lượng sản phẩm nước ép dưa lưới

Nguyễn Thị Thu Hồng, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Tấn Hùng
Tóm tắt | PDF
Với mục tiêu chế biến nước ép dưa lưới (Cucumis melo L.) thanh trùng, nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở khảo sát các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: (i) nồng độ enzyme pectinase (0,1-0,5%) và thời gian thủy phân (1-4 giờ) của enzyme pectinase đến hiệu suất thu hồi dịch quả; (ii) tỷ lệ phối chế (độ Brix: 14-20 và pH từ 3,5 đến 5); (iii) nhiệt độ (85-95oC) và thời gian thanh trùng (10-20 phút) đến chất lượng của sản phẩm. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nồng độ enzyme pectinase 0,3% được thủy phân trong 2 giờ sẽ cho hiệu suất thu hồi dịch ép dưa lưới cao nhất (88,54%). Nước dưa lưới sau khi được phối chế với độ Brix là 18% và pH 4,5 có mùi vị hài hòa và màu sắc đặc trưng. Sản phẩm này được thanh trùng ở nhiệt độ 95oC giữ nhiệt trong 10 phút (F = 27,85 phút) đã ức chế được vi sinh vật, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa và ức chế vi khuẩn gây bội nhiễm mụn trứng cá của lá trứng cá (Muntingia calabura L.)

Dương Thị Bích, Nguyễn Văn Bá, Huỳnh Ngọc Trung Dung, Trì Kim Ngọc, Lê Phượng Hiệp
Tóm tắt | PDF
Cây trứng cá (Muntingia calabura L.) là loài cây mọc hoang hoặc được trồng để lấy bóng mát ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, những nghiên cứu về hoạt tính sinh học của lá cây này vẫn còn hạn chế. Vì vậy, đề tài khảo sát hoạt tính chống oxy hóa và ức chế vi khuẩn của lá trứng cá được thực hiện. Khảo sát hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết toàn phần từ lá trứng cá với ethanol 96% bằng phương pháp trung hòa gốc tự do của DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl). Khảo sát sự ức chế vi khuẩn Propionibacterium acnes, Staphylococcus aureus và Staphylococcus epidermidis phân lập từ da của người bị mụn trứng cá bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả cho thấy hoạt tính chống oxy hóa cao nhất của cao lá trứng cá là 91,38% ở nồng độ 250 µg/mL và IC50 là 34,26 µg/mL thấp hơn vitamin C 1,8 lần (IC50 của vitamin C là 18,18 µg/mL). Khả năng ức chế vi khuẩn Propionibacterium acnes với đường kính vòng vô khuẩn là 16,33±2,08 mm, Staphylococcus aureus là 12,3 ±1,52 mm và Staphylococcus epidermidis là 15,33±0,57 mm ở nồng độ cao 50 mg/mL. Giá trị MIC (Minimal Inhibitory Concentration) của Propionibacterium acnes là 10mg/mL, Staphylococcus aureus và Staphylococcus epidermidis là 12,5 mg/mL. Với kết quả trên, việc tiếp tục phân lập và xác định hoạt chất chống oxy hóa và kháng khuẩn từ lá trứng cá là vấn đề lý thú có thể tiếp tục được nghiên cứu.

Nghiên cứu nhân giống in vitro cây sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurz) thông qua nuôi cấy từ hạt và đốt thân

Trịnh Thị Hương, Võ Phan Nhật Khang, Lê Trương Minh Châu, Vạn Minh Hiệu, Trần Trọng Tuấn
Tóm tắt | PDF
Sâm bố chính không những là một loài hoa đẹp mà còn là một loài cây có giá trị dược liệu cao, được sử dụng nhiều trong đông y. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình vi nhân giống cây sâm bố chính từ hạt và đốt thân. Kết quả thu được cho thấy, mẫu hạt và đốt thân được khử trùng với dung dịch javel 15% trong 15 phút thu được tỷ lệ mẫu không nhiễm và sống sót đạt 71,99%. Tỷ lệ nảy mầm của hạt được nâng cao (82%) khi hạt được xử lý bằng cách ngâm trong dung dịch GA3 20 mg/L trong 120 phút trước khi tiến hành khử trùng. Môi trường thích hợp cho quá trình nhân nhanh chồi là môi trường MS (Murashige and Skoog, 1962)và chiều dài trung bình rễ đạt 13 cm sau 45 ngày nuôi cấy.

Phân lập, nhận diện vi khuẩn phân hủy tinh bột từ rác hữu cơ, ruột sùng (Holotrichia parallela) và trùn đất (Lubricus terrestris)

Mai Thi, Chế Minh Ngữ, Nguyễn Hữu Hiệp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn bản địa phân hủy tinh bột triển vọng để xử lý chất thải từ các cơ sở chế biến tinh bột. Để hoàn thành mục tiêu đó, các kỹ thuật truyền thống cũng như kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại đã được sử dụng để phân lập và định danh các dòng vi khuẩn có khả năng phân hủy tinh bột từ các bãi rác hữu cơ, ruột sùng (Holotrichia parallela) và trùn đất (Lubricus terrestris). Kết quả có 58 dòng vi khuẩn đã được phân lập trên môi trường tinh bột 1% và đa số chúng có tế bào hình que, có khả năng chuyển động, Gram dương, tạo bào tử, sinh catalase và sinh acid. Qua thí nghiệm khảo sát khả năng phân hủy tinh bột, có 57/58 dòng tiết ra enzyme amylase để phân hủy tinh bột tạo thành vòng sáng rõ rệt khi nhuộm với dung dịch Lugol. Trong đó, 5 dòng phân hủy tinh bột triển vọng RB8, RB17, TB6, SB16 và SB25 đã được chọn để giải trình tự gene 16S rRNA và định danh theo thứ tự là Bacillus flexus, Bacillus subtilis, Bacillus megaterium, Bacillus cereus và Bacillus flexus.

Đánh giá mức độ nhiễm vi sinh vật gây bệnh có trong thịt heo và các yếu tố ảnh hưởng đến tính kháng Escherichia coli của tỏi (Allium sativum L.)

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Nguyễn Thị Minh Trâm, Nguyễn Thị Mai Trinh, Đinh Thị Tuyết Phương, Phan Thị Thu Sương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích khảo sát mức độ nhiễm một số vi sinh vật gây bệnh (tổng số vi sinh vật hiếu khí (TSVSVHK), Coliforms, Escherichia coli, Salmonella) có trong thịt heo tại 7 chợ thuộc quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và các yếu tố ảnh hưởng đến tính kháng E. coli của tỏi (Allium sativum L.). Từ 21 mẫu thịt đùi được thu về và được kiểm tra, kết quả cho thấy có 100% mẫu thịt nhiễm VSVHK, Coliforms, E. coli và có 19,05% mẫu nhiễm Salmonella. Kết quả so sánh với QCVN 7046:2009 cho thấy tất cả các mẫu của 7 chợ đều không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn thịt an toàn nếu xét cả 4 tiêu chí vi sinh vật. Bước đầu khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến tính kháng E. coli của tỏi bao gồm tỷ lệ tỏi, thời gian ướp tỏi và mật số E. coli. Kết quả chỉ ra rằng với tỷ lệ tỏi 3% (so với khối lượng thịt) và ướp tỏi trong thời gian 20 phút sẽ làm giảm mật số E. coli từ 99,85% đến 99,86% khi so sánh với nghiệm thức đối chứng (không ướp tỏi). Tuy nhiên, nếu mật số E. coli trong thịt quá (>105 CFU/g) thì việc ướp tỏi ở 3% trong 20 phút không  làm giảm lượng E. coli trong thịt xuống đến mức an toàn đối với người tiêu dùng.

Phân tích đặc điểm hình thái và trình tự vùng ITS của rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal.) ở tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang

Lâm Thị Huyền Trân, Trần Văn Bé Năm, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm so sánh đặc điểm hình thái của các chủng rầy nâu ở các vùng sinh thái khác nhau, đồng thời so sánh trình tự vùng ITS trong bộ gen của các chủng. Ba mươi sáu mẫu được thu thập và so sánh hình thái. Kết quả cho thấy không có khác biệt hình thái giữa các quần thể rầy nâu thu ở bốn tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang và cũng không có sự khác biệt khi so sánh với mô tả của các nghiên cứu trước. Mười bốn chuỗi nucleotide sau khi giải trình tự được kiểm tra và phân tích bằng phần mềm Bio-Edit phiên bản 7.0. Sau đó, phần mềm PAUP* 4.0 được sử dụng để vẽ cây phát sinh chủng loại. Kết quả được giản đồ với chỉ số CI (Consistency Index) = 0,667 và RI = 0,7222. Giản đồ phát sinh chủng loại cho thấy có sự phân nhóm khá rõ giữa các mẫu rầy thu ở vùng đất phù sa (nhóm C với các mẫu 3VL, 6VL, 21VLHT và 7HG) và vùng đất phèn (nhóm D với các mẫu 34DTHT, 28HGHT, 32DTHT,  11HG, 9HG, 35DTHT). Sự khác biệt thời tiết giữa hai vụ Đông Xuân và Hè Thu không ảnh hưởng đến sự phân nhóm.

Lai tạo và tuyển chọn các dòng lúa chịu mặn từ tổ hợp lai hồi giao OM238/Pokkali

Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Vũ Anh Pháp, Trần Thị Cúc Hòa
Tóm tắt | PDF
Việc lai tạo và tuyển chọn các giống lúa chịu mặn và có phẩm chất tốt là tiêu chí quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, nghiên cứu đã đưa gen chịu mặn của giống Pokkali vào giống lúa chất lượng cao OM238 nhằm tìm ra các dòng lúa vừa có khả năng chịu mặn vừa có phẩm chất tốt. Nghiên cứu bao gồm: (1) đánh giá kiểu hình tính chống chịu mặn bằng phương pháp thanh lọc mặn nhân tạo giai đoạn mạ, (2) kiểm tra gen chống chịu mặn bằng dấu SSR (Simple Sequence Repeat), (3) đánh giá đặc tính nông học và phẩm chất hạt theo phương pháp của International Rice Research Institute (IRRI). Kết quả lai và tuyển chọn đến thế hệ BC3F3, sau đó trồng vùng sinh thái thử nghiệm thế hệ BC3F4 và BC3F5. Kết quả đã tuyển chọn được 2 dòng lúa thế hệ BC3F6 vừa có gen chịu mặn của giống bố là Pokkali qua phân tích bằng cặp mồi RM1287, vừa có hàm lượng sắt trong gạo cao và amylose thấp £ 20%, độ bền gel nhóm 1, tỷ lệ bạc bụng thấp £ 8%, dạng hạt gạo thon, dài để phát triển thành giống lúa chịu mặn và có phẩm chất tốt.

Phân lập vi khuẩn liên kết với hải miên ở Hòn Nghệ, vùng biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam

Trần Vũ Phương, Cao Ngọc Điệp, Phạm Ngọc Hân
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm phân lập được những dòng vi khuẩn liên kết với hải miên có khả năng tạo hoạt tính kháng khuẩn. Từ 29 mẫu hải miên sưu tập tại Hòn Nghệ, thuộc vùng biển Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã phân lập được 236 dòng vi khuẩn trên 2 môi trường MA (Marine Agar và SYP (Starch-Yesat extract-Peptone). Qua kết quả khảo sát với 6 chủng vi sinh vật kiểm định gây bệnh cho người và động vật: Bacillus cereus, Escherichia coli, Salmonella typhimurium, Staphylococcus aureus, Candida albicans và Edwardsiella  ictaluri, có 155/236 dòng vi khuẩn có khả năng tạo hoạt chất kháng khuẩn kháng lại ít nhất 1 trong 6 chủng vi sinh vật kiểm định. Tuyển chọn được 13 dòng vi khuẩn (SN13d, SN14e, SN12m, SN20e, SN24d, MN26d, MN26g, N1a, N11d, N10a, N6a, N9a) có khả năng kháng khuẩn tốt nhất, mỗi dòng kháng lại 3 nhóm vi khuẩn Gram âm, Gram dương và Candida albicans. Nhận diện 12 dòng vi khuẩn này thuộc chi Bacillus và 1 dòng thuộc chi Halomonas. Dòng Bacillus tequilensis N1a kháng mạnh với vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus và nấm men Candida albicans.

Ảnh hưởng ức chế của dịch trích cây lồng đèn (Physalis angulata L.) lên hoạt tính của α-amylase và α- glucosidase

Nguyễn Minh Chơn, Dương Duy Dương
Tóm tắt | PDF
Cây lồng đèn (Physalis angulata L.) mọc phổ biến ở Việt Nam và các nước nhiệt đới và được sử dụng như là cây dược liệu để giúp lợi tiểu, chống sốt rét, kháng khuẩn và kháng viêm. Các hoạt tính sinh học và đặc biệt là khả năng phòng chống bệnh đái tháo đường của dịch trích cây lồng đèn đang được khảo sát. Trong nghiên cứu này, sự ức chế α-amylase và α-glucosidase của dịch trích cây lồng đèn đã được khảo sát. Cao chiết lá, thân và rễ của cây lồng đèn được chiết bằng phương pháp Soxhlet với dung môi ethanol 96%. Các cao chiết được đánh giá khả năng ức chế α-amylase và α-glucosidase thông qua chỉ số IC50. Kết quả cho thấy, cao chiết lá có khả năng ức chế tốt α-amylase (0,75±0,020 mg/mL) và cao chiết thân ức chế tốt α-glucosidase (3,93±0,124 mg/mL). Cao chiết thô ban đầu được tiếp tục phân đoạn bằng n-hexan, ethyl acetate và n-butanol. Kết quả cho thấy cao chiết phân đoạn n-hexan của lá cho hiệu quả ức chế α-amylase tốt nhất (0,563±0,002 mg/mL) trong khi đó phân đoạn ethyl acetate của cao chiết thân ức chế α-glucosidase hiệu quả nhất (0,453±0,005 mg/mL). Kết quả định tính cho thấy có sự hiện diện của terpenoid, steroid và flavonoid trong các mẫu trên. Alkaloid chỉ hiện diện trong cao chiết phân đoạn n-hexan của lá. Kết quả ức chế hoạt tính của α-amylase và α-glucosidase cho thấy cây lồng đèn là nguồn dược liệu có thể dùng để nghiên cứu phòng trị bệnh đái tháo đường.

Ảnh hưởng của bảo quản lạnh kết hợp ngâm muối đến sự oxy hóa lipid và protein của cơ thịt cá lóc (Channa striata) nuôi

Nguyễn Văn Mười, Trần Bạch Long, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá sự oxy hóa lipid và protein và sự thay đổi chất lượng của thịt cá lóc do tác động của ngâm muối, điều kiện làm lạnh và thời gian bảo quản lạnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, làm lạnh bằng nước đá giúp rút ngắn thời gian cá lóc đạt đến 0°C nhưng không ảnh hưởng đến hoạt tính enzyme (lipoxygenase, protease) và đặc tính chất lượng của thịt cá lóc khi so sánh với mẫu được làm lạnh trực tiếp trong tủ lạnh có nhiệt độ -2÷0°C. Trong suốt thời gian bảo quản lạnh (nhiệt độ 0÷2°C, 0÷15 ngày), cá đã được ngâm muối (dung dịch NaCl 12%, 3 giờ, nhiệt độ phòng) sự oxy hóa và sự thay đổi chất lượng chậm hơn khi so sánh với mẫu cá lóc tươi (không ngâm muối). Sau 15 ngày bảo quản lạnh, cá lóc không ngâm muối có mật số tổng vi sinh vật hiếu khí tăng đến 5,81 log(cfu/g) – xấp xỉ mức giới hạn tối đa theo quyết định số 46/2007/QĐ-BYT. Cá lóc đã ngâm muối và bảo quản lạnh vẫn đảm bảo được chất lượng để sử dụng cho quá trình chế biến tiếp theo.

Hiệu quả phòng trị bệnh thối củ hành tím của dịch trích lá bình bát nước và sài đất trong điều kiện nhà lưới và tồn trữ

Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Khánh Ngân, Nguyễn Đắc Khoa
Tóm tắt | PDF
Hành tím là cây trồng quan trọng của thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhưng thường bị một số bệnh gây hại làm giảm năng suất và chất lượng, trong đó thối củ do vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra là một trong những bệnh xuất hiện thường xuyên trên ruộng hành và trong tồn trữ. Nghiên cứu này được thực hiện để tuyển chọn loại dịch trích thực vật có khả năng giúp giảm bệnh trong điều kiện nhà lưới và tồn trữ. Trong 10 loài cây cỏ thông thường được tuyển chọn bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch, dịch trích lá bình bát nước 4% và sài đất 4% có khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh. Trong điều kiện nhà lưới, khi chủng bệnh ở thời điểm 30 ngày sau khi trồng, bốn loại dịch trích gồm bình bát nước và sài đất 4% và 5% có hiệu quả giúp giảm bệnh thối củ tương đương hoặc cao hơn thuốc hóa học đến 65 ngày sau trồng. Khi chủng bệnh trước khi trồng, dịch trích bình bát nước 5% cũng có hiệu quả giúp giảm bệnh. Trong điều kiện tồn trữ, dịch trích bình bát nước 4% và 5% có hiệu quả giúp giảm bệnh cao nhất và cao hơn thuốc hóa học ở hầu hết thời điểm khảo sát. Dịch trích bình bát nước và sài đất là hai loại dịch trích thực vật có triển vọng để ứng dụng phòng trị bệnh thối củ hành tím do vi khuẩn E. carotovora gây ra trên ruộng hành.

Nuôi thành thục noãn bò thu nhận từ nang noãn hình thành xoang giai đoạn sớm trong điều kiện in vitro

Lê Thị Vĩ Tuyết, Dương Hoa Xô, Nguyễn Thị Thanh Giang
Tóm tắt | PDF
Nang noãn bò ở giai đoạn hình thành xoang sớm (đường kính 0,5 -1 mm) được thu nhận từ buồng trứng bò cái bị giết mổ và được nuôi cấy tăng trưởng in vitro trong môi trường TCM199 có 10% huyết thanh bào thai bò (FBS, fetal bovine serum). Các nang noãn sẽ được nuôi tăng trưởng trong đĩa 4 giếng, có phủ dầu khoáng với 3 nghiệm thức: (1) TCM199, 10% FBS (đối chứng); (2) TCM199, 10% FBS, sodium pyruvate (0,1 mg/mL); (3) TCM199, 10% FBS, sodium pyruvate (0,1 mg/mL), estradiol (1 μg/mL), follicle stimulating hormone (FSH 0,02 UI/mL) và lutenizing hormone (LH 0,01 UI/mL). Sau 18 ngày nuôi tăng trưởng nang noãn, thu nhận và nuôi thành thục noãn bào trong 24 giờ. Chỉ tiêu đánh giá dựa vào sự tăng kích thước nang và sự hình thành thể cực thứ nhất. Kết quả cho thấy nuôi cấy nang noãn hình thành xoang sớm (đường kính

Hiệu quả của thay thế mùn cưa cây cao su bằng vỏ tràm trong nuôi trồng nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus (L.: Fr.) Murrill)

Trần Đức Tường, Dương Xuân Chữ, Võ Thị Thu Duyên, Bùi Thị Minh Diệu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá khả năng sử dụng vỏ tràm để trồng nấm vân chi đỏ. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 9 nghiệm thức (khác nhau về cơ chất với tỷ lệ vỏ tràm thay thế mùn cưa cao su), 3 lần lặp lại (10 bịch cơ chất/lần lặp lại). Kết quả cho thấy hệ sợi giống cấp 1 có tốc độ phát triển nhanh nhất (1,78 cm/ngày) trên môi trường Potato-dextrose-agar (PDA) bổ sung 10% nước dừa. Hạt lúa hấp chín là cơ chất thích hợp cho sự phát triển hệ sợi giống cấp 2 (0,988 cm/ngày). Cọng khoai mì luộc là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của hệ sợi giống cấp 3 (0,538 cm/ngày). Công thức phối trộn chứa 60% vỏ tràm và 40% mùn cưa cao su không có dinh dưỡng bổ sung được xem là cơ chất phù hợp nhất cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm vân chi đỏ đạt năng suất cao nhất 60,1 g nấm tươi/bịch phôi với hiệu suất sinh học 20%. Như vậy, vỏ tràm có tiềm năng được tận dụng để trồng nấm vân chi đỏ đạt hiệu quả cao trên cơ chất phối trộn 60% vỏ tràm và 40% mùn cưa cao su.

Ảnh hưởng của loại khoai lang đến sự lên men, thể tích rượu và chất lượng rượu chưng cất

Nhan Minh Trí, Nguyễn Thị Mai Thi, Huỳnh Thị Phương Loan, Nguyễn Bảo Lộc
Tóm tắt | PDF
Khoai lang loại 2 (củ nhỏ, gãy và trầy xước) có giá rẻ nhưng chưa được tận dụng để sản xuất thực phẩm. Các loại khoai lang khác nhau chứa thành phần hóa học (hàm lượng nước, đường, tinh bột, protein, lipid) khác nhau là môi trường đặc trưng cho sự phát triển của nấm mốc và nấm men trong quá trình sản xuất rượu. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là khảo sát sự ảnh hưởng của bốn loại khoai lang (bí, sữa, tím, trắng) đến: (i) sự biến đổi của dịch lên men (độ Brix và pH) theo thời gian lên men và (ii) hiệu suất thu hồi và chất lượng (ethanol, acid, aldehyde, methanol, ester và giá trị cảm quan) của rượu chưng cất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoai lang trắng có hàm lượng nước (67,57%) thấp nhất và chứa tinh bột (22,28%) nhiều nhất trong số bốn loại khoai lang. Khoai lang bí chứa hàm lượng nước (75,87%) cao nhất, và khoai lang sữa chứa hàm lượng tinh bột (14,62%) ít nhất. Khi sử dụng khoai lang trắng lên men, sản phẩm rượu chưng cất đạt hiệu suất thu hồi ethanol (95,6%) cao, ít hàm lượng tạp chất (acid, ester, aldehyde và methanol) và giá trị cảm quan cao (mùi và vị). Sản phẩm rượu có hiệu suất thu hồi ethanol (91,81%) thấp nhất, chứa nhiều tạp chất và có mùi vị chua khi sử dụng khoai lang sữa. Kết quả thống kê cho thấy hiệu suất thu hồi ethanol, ester và acid trong rượu chưng cất có mối tương quan đáng kể (p

Chỉ thị phân tử CsFemale-1 và giới tính của dưa leo

Hồ Thị Bích Phượng, Đặng Thanh Dũng, Lê Thị Trúc Linh
Tóm tắt | PDF
Trong quá trình chọn giống, việc nhận diện chính xác kiểu hình của cây trồng có vai trò rất quan trọng. Nghiên cứu được tiến hành nhằm mục đích xác định mối tương quan giữa chỉ thị phân tử CsFemale-1 với kiểu hình giới tính hoa của các dòng dưa leo. Thực hiện phản ứng PCR sử dụng chỉ thị CsFemale-1 để khuếch đại vùng trình tự mục tiêu trên 120 mẫu thuộc 12 dòng dưa leo thuần (5 dòng toàn hoa cái, 7 dòng có cả hoa đực và hoa cái, mỗi dòng 10 mẫu). Kết quả sàng lọc 50 mẫu thuộc 5 dòng toàn hoa cái cho thấy độ tương thích giữa chỉ thị CsFemale-1 với kiểu hình toàn hoa cái là 100%. Tuy nhiên, với 70 mẫu có kiểu hình có cả hoa đực và hoa cái, độ tương thích giữa CsFemale-1 và kiểu hình là 42%. Kết quả này cho thấy, khả năng nhận diện các dòng dưa leo mang toàn hoa cái của CsFemale-1 khá tốt. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng trong chọn giống, cần kết hợp CsFemale-1 với một chỉ thị phân tử khác để nhận diện chính xác kiểu hình dòng dưa leo có cả hoa đực và hoa cái.

Khảo sát khả năng chống chịu với rầy nâu của 6 dòng lúa lai tại Long Phú - Sóc Trăng

Nguyễn Trí Yến Chi, NguyễN PhạM Anh Thi, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm chọn lọc ra được dòng lúa có năng suất cao, thơm, kháng với rầy nâu, có mang cả hai gen thơm và gen kháng rầy nâu. Đề tài được bố trí tại xã Phú Tâm, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng trong 2 vụ Đông Xuân 2016-2017 và 2017-2018. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 11 nghiệm thức và 3 lần lặp lại gồm 6 dòng lúa lai và 5 giống lúa bố mẹ (đối chứng). Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các dòng lúa khảo sát thuộc nhóm có chiều cao cây trung bình.Thời gian sinh trưởng của các giống lúa trong 2 vụ Đông Xuân dao động từ 97-113 ngày thuộc nhóm giống ngắn ngày và trung ngày (A1 và A2). Kết quả ghi nhận sự gây hại của rầy nâu trên các dòng lúa lai dao động từ cấp 3 đến cấp 7. Các dòng lai đều cho kết quả đánh giá cảm quan từ thơm vừa đến thơm. Về kiểu gen, sáu dòng lúa lai đều có kiểu gen thơm khi được nhận diện bằng 4 mồi chuyên biệt (ESP, EAP, IFAP và INSP). Kết quả PCR cũng chỉ ra rằng dấu phân tử RM225 có liên kết với gen kháng rầy nâu bph4. Nghiên cứu đã chọn được dòng C12-14 vừa thơm, vừa kháng rầy nâu, năng suất tương đương với bố mẹ và có mang cả hai gen thơm và gen kháng rầy nâu.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn lam (cyanobacteria) có khả năng cố định đạm ở ruộng lúa tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, Nguyễn Hữu Hiệp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn lam có khả năng cố định đạm từ mẫu đất và nước ở một số ruộng lúa thuộc tỉnh Đồng Tháp để ứng dụng trong sản xuất chế phẩm vi sinh. Kết quả phân lập được 10 dòng đơn bào thuộc 5 chi Synechocystis, Gloeocapsa, Chroococcus, Microcystis, Aphanocapsa và 20 dòng dạng sợi thuộc 4 chi Microcoleus, Lyngbya, Phormidium, Oscillatoria. Kết quả khảo sát sự tăng trưởng của các dòng vi khuẩn lam này trên môi trường không đạm BG11 trong 30 ngày cho thấy 4 dòng vi khuẩn lam đơn bào (HN4, HN11, HN10 và LV4) đạt mật số cao hơn ban đầu (từ 6,6 – 7,1 log10 cell /mL so với 5,9 log10 cell/mL ban đầu), 6 dòng vi khuẩn lam dạng sợi (LVO2, HN7, HN3, HN5, LV5, LV9) đạt sinh khối khô cao gấp 5,6 – 7,2 lần so với lượng ban đầu (tương ứng từ 0,29 – 0,36 g/50mL so với 0,05 g/50mL ban đầu). Dựa vào đặc điểm hình thái và kết quả giải trình tự gen 16S rRNA, dòng vi khuẩn lam triển vọng LV5 có độ tương đồng 90% với loài vi khuẩn lam Lyngbya aestuarii PCC 7419.

Hiệu quả của hai dòng vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân lên sinh trưởng và năng suất lúa IR 50404 tại xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Thị Bé Thương, Trần Thị Ngọc Sơn
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm trong nhà lưới và ngoài đồng được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của dòng vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân lên sự sinh trưởng và năng suất giống lúa IR50404. Kết quả thí nghiệm trong nhà lưới cho thấy các nghiệm thức chủng riêng từng dòng vi khuẩn hay tổ hợp hai dòng vi khuẩn kết hợp bón giảm lượng phân đạm hoặc lân có chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối khô (SKK) thân lá và SKK rễ  tương đương với nghiệm thức đối chứng dương bón đầy đủ phân đạm và lân và không chủng vi khuẩn. Kết quả thí nghiệm ngoài đồng cho thấy lúa có chủng riêng lẻ hay kết hợp cả hai dòng vi khuẩn hòa tan lân và cố định đạm kết hợp bón giảm lượng phân đạm và lân có chiều cao cây, số chồi/bụi, SKK thân lá, SKK rễ, chiều dài bông, số bông/m2, tỷlệ hạt chắc, sinh khối khô rơm và năng suất thực tế tương đương với nghiệm thức đối chứng dương bón đầy đủ phân đạm và lân. Lúa có chủng tổ hợp 2 dòng vi khuẩn kết hợp bón 50%N và 50%P2O5  giúp cây sinh trưởng tốt hơn và cho năng suất thực tế cao 5,9% so với lúa ở nghiệm thức đối chứng dương bón đầy đủ đạm và lân.

Nghiên cứu điều kiện cô đặc dịch protein thủy phân từ thịt đầu tôm thẻ (Litopenaeus vannamei)

Hà Thị Thụy Vy, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Thịt đầu tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là phụ phẩm thu được từ quy trình chế biến tôm đông lạnh. Đây là nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng và hoạt tính sinh học cao, đặc biệt là các peptide có khả năng chống oxy hoá, kháng khuẩn… Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của nhiệt độ và thời gian trong quá trình cô đặc dịch đạm thủy phân bằng enzyme đến việc duy trì tính chất chống oxy hóa của chế phẩm thu nhận. Quá trình cô đặc được tối ưu hóa theo phương pháp bề mặt đáp ứng với 2 thừa số nhiệt độ (40÷50°C) và thời gian (30÷50 phút), bao gồm 12 đơn vị thí nghiệm. Đồng thời, sự biến đổi tính chất hóa lý của dịch đạm cô đặc theo thời gian trữ đông từ 1 đến 8 tháng cũng được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ và thời gian thích hợp cho cô đặc tương ứng là 45,58oC và 41,85 phút, khi đó chế phẩm có hàm lượng protein tổng tăng từ 6,85% đến 20,58% do mất nước và khả năng chống oxy hóa đạt 65,38% (IC50=2,5 mg/100mL). Thời gian thích hợp cho quá trình bảo quản chế phẩm cô đặc giàu protein -18oC±2  là 3 tháng.

Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết nước từ một số loại cây dùng làm thuốc dân gian tại Vườn Quốc gia Bidoup - núi Bà, tỉnh Lâm Đồng

Phạm Minh Nhựt, Dang Thi Phuong Thao, Nguyễn Xuân Minh Ái
Tóm tắt | PDF
Cây thuốc dân gian được người dân tộc tại Vườn Quốc Gia Bidoup – Núi Bà, Lâm Đồng sử dụng để điều trị một số bệnh như: tiêu chảy, viêm, làm lành vết thương …. Sử dụng cây thuốc hiện chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên nghiên cứu này hướng đến việc đánh giá hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết nước để làm cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo. Tách chiết cao nước và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán trên giếng thạch đối với 16 chủng vi khuẩn chỉ thị của 9 cây thuốc dân gian được người dân tộc K’Ho sử dụng để trị bệnh tiêu chảy. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hiệu suất tách chiết cao nước khá cao (11,99% - 29,52%), đồng thời cao chiết nước từ cây xidra nguôn (Medinilla septentrionalis) ở nồng độ 100 mg/mL có hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất (kháng 16/16 chủng) với đường kính vòng kháng khuẩn từ 9,3 cm – 11,0 cm; 4/9 mẫu cao chiết có hoạt tính yếu (kháng được từ 1 chủng đến 6/16 chủng vi khuẩn chỉ thị) và 4/9 mẫu cao chiết nước không kháng khuẩn. Kết quả xác định sơ bộ thành phần hóa học của cao chiết nước có tính kháng khuẩn cho thấy có sự hiện diện của alkaloid, steroid, saponin, tannin và flavonoid. Kết quả cũng cho thấy rằng nước có thể được sử dụng để tách chiết cao nhưng không phải tất cả các cao chiết nước đều có hoạt tính tốt, do đó cần phải có các nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Nghiên cứu thử nghiệm kháng sinh amikacin, men tiêu hóa lactizym và than hoạt tính trong điều trị bệnh Escherichia coli trên vịt

Lê Văn Đông, Hồ Thị Việt Thu, Nguyễn Hà Vinh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu điều trị bệnh Escherichia coli (E. coli) trên vịt con 15 ngày tuổi được thực hiện với 2 thí nghiệm: thí nghiệm điều trị dự phòng và thí nghiệm điều trị. Mỗi thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức: 3 nghiệm thức thí nghiệm và 2 nghiệm thức đối chứng (dương, âm). Vịt trong 3 nghiệm thức thí nghiệm của cả 2 thí nghiệm được cung cấp qua đường tiêm amikacin 10 mg/kgP, lactizym 250 mg/kgP trong thức ăn, và than hoạt tính 3 g/kg thức ăn, trong thời gian 5 ngày liên tục. Vịt ở thí nghiệm điều trị dự phòng, được cấp thuốc 24 giờ trước khi gây nhiễm bằng vi khuẩn E. coli (serotype O78), với 1 liều LD50/con đã xác định (tương đương với 107,64 CFU/ml). Vịt ở thí nghiệm điều trị, được cấp thuốc sau khi gây nhiễm vịt 24 giờ với cùng liều như ở thí nghiệm điều trị dự phòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vịt sống ở nghiệm thức (amikacin) thí nghiệm điều trị dự phòng là 96,3% và nghiệm thức điều trị là 92,6%. Kháng sinh amikacin không làm ảnh hưởng xấu đến tăng trọng của vịt, hiệu quả điều trị của lactizym, than hoạt tính thấp hơn so với kháng sinh amikacin trong phòng và trị bệnh E. coli trên vịt.

Ảnh hưởng của chế phẩm hữu cơ vi sinh đến sinh trưởng và năng suất lúa trên đất phèn Hòn Đất trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Quốc Khương, Lý Ngọc Thanh Xuân, Nguyễn Thị Xuân Đào, Trần Chí Nhân, Lê Vĩnh Thúc, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá tác dụng của chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa vi khuẩn cố định đạm Rhodopseudomonas sp. VNW64, VNS89, TLS006 và VNS02 đến sinh trưởng và năng suất lúa trồng trên đất phèn thu từ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm hai nhân tố theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, trong đó nhân tố chính là chế phẩm hữu cơ vi sinh gồm ba thành phần: (1) chứa bốn dòng vi khuẩn, (2) chứa dòng vi khuẩn VNW64 và (3) không bón chế phẩm hữu cơ vi sinh và nhân tố phụ là phân đạm vô cơ (kg N ha-1) gồm 100, 75, 50 và 0. Kết quả cho thấy các nghiệm thức bón chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn dòng vi khuẩn đã làm tăng chiều cao cây, số bông lúa/chậu và tăng khối lượng hạt chắc của lúa. Ngoài ra, nghiệm thức bón chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn và một dòng vi khuẩn đạt khối lượng hạt chắc/chậu cao hơn nghiệm thức không bón chế phẩm hữu cơ vi sinh, tương ứng với 23,08 và 8,03%. Bên cạnh, bón chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn và một dòng vi khuẩn cố định đạm giảm được 25-50% lượng phân đạm so với nghiệm thức bón phân vô cơ theo khuyến cáo.

Nghiên cứu tạo bột lên men lactic từ thanh long ruột trắng (Hylocerecus undatus)

Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Dương Thị Diễm My, Lê Hoàng Yến Vy, Liêu Mỹ Đông, Đào Thị Mỹ Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định điều kiện sấy phun thích hợp tạo bột thanh long lên men lactic giàu lợi khuẩn Lactobacillus acidophilus. Hai yếu tố được lựa chọn khảo sát trong quá trình sấy phun dịch thanh long đã lên men lactic là nồng độ maltodextrin (10÷25% (w/v)) và nhiệt độ đầu vào (115÷145oC). Sản phẩm bột được đánh giá một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Kết quả thu được cho thấy, nhiệt độ đầu vào 125oC và nồng độ maltodextrin bổ sung 20% (w/v) là phù hợp để tạo bột thanh long lên men lactic có mật độ lợi khuẩn 8,85 log (CFU/g); độ ẩm 3,31%; hàm lượng protein 1,29%; carbohydrate 90,9%; tổng số vi khuẩn hiếu khí 6,8x102 CFU/g và không phát hiện bào tử nấm mốc, nấm men. Bột thanh long lên men được hoàn nguyên ở tỉ lệ 1:2 (w/v) tạo dạng thức uống liền với giá trị cảm quan tốt. Lợi khuẩn trong bột thanh long lên men có khả năng sống sót 94,18% sau 2 giờ ở dịch dạ dày nhân tạo và 78,96% sau 4 giờ ở dịch ruột nhân tạo.

Khảo sát một số điều kiện nuôi cấy in vitro tế bào đơn nhân được chiết từ máu ngoại vi người

Nguyễn Thanh Thy, Lê Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thuận
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tối ưu hóa một số điều kiện nuôi cấy in vitro tế bào đơn nhân  được phân lập từ máu ngoại vi người (peripheral blood mononuclear cells - PBMCs). Các tế bào PBMCs được phân lập trong vòng 4 giờ từ khi thu thập máu toàn phần của 10 người tình nguyện đã được chống đông bằng EDTA (ethylenediaminetetraacetic acid) với ống Leucosep® 10 mL. Cho 100 µL hỗn dịch 5x105 tế bào/mLvào giếng trên đĩa 96 giếng, nuôi ở 37oC, độ ẩm 95 ± 5%, 5% CO2/24 giờ. Độ sống tế bào được khảo sát bằng phương pháp trypan blue, khảo sát dung môi hòa tan tinh thể formazan và các điều kiện nuôi cấy tế bào như nồng độ FBS (fetal bovine serum), mật độ tế bào PBMCs trong giếng, thời gian nuôi và nồng độ chất phân bào PHA (phytohaemagglutinin) cần cho sự tăng sinh PBMCs. Kết quả thu được: với vận tốc ly tâm 1.200 xg/20 phút, hơn 95% tế bào PBMCs được chiết từ 6 ml máu toàn phần được tìm thấy vẫn sống với hemocytometer. Sự hòa tan của formazan trong DMSO/NH3 tốt hơn trong dung môi DMSO (dimethyl sulfoxide), isopropanol và isopropanol/HCl. PBMCs tăng trưởng tốt nhất trong môi trường nuôi cấy có FBS 10%, mật độ 104-105 tế bào/giếng và PHA 1,5%. Các điều kiện tối ưu này có thể ứng dụng cho các thử nghiệm khảo sát tác động của dược liệu hay chất hóa dược mới trên sự tăng trưởng tế bào PBMCs.

Đặc điểm hình thái và di truyền cây tầm vông (Thyrsostachys siamensis Gamble)

Võ Thị Mỹ Duyên, TrầN Văn Bé Năm, NguyễN Thị Hà, Phùng Thị Hằng, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát đặc điểm sinh thái của tầm vông ở xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đồng thời phân tích đặc điểm hình thái và di truyền của tầm vông. Kết quả cho thấy tổng diện tích vườn trong xã từ điều tra thực tế (bao gồm tầm vông, nhiều loài cây ăn quả lâu năm, cây tạp và cây trồng lấy gỗ khác) là 91,78 hecta, trong đó tầm vông có diện tích rất lớn 61,85 hecta, chiếm 67,39%. Qua kết quả phân tích đất cho thấy dinh dưỡng đất trồng tầm vông rất nghèo nàn. Về đặc điểm hình thái, đa số tầm vông Lương Phi được trồng rất lâu năm (trên 15 năm) nên thường có hiện tượng nâng búi. Các lóng tầm vông có vách dày hơn lóng thân của các loại tre khác. Dưới mỗi mắt lóng đều có một vòng trắng rất dễ nhận thấy (nhất là ở cây 1 mùa). Đường kính trung bình của lóng ở gốc, giữa, ngọn lần lượt là 4,3cm, 3,5cm, 1,5cm. Để khảo sát đặc điểm di truyền của tầm vong, trình tự ITS (internal transcribed sequences) của tầm vong và 3 mẫu tre khác được giải. Các trình tự được kiểm tra chất lượng nucleotit bằng phần mềm BioEdit 7.0, sau đó các trình tự được so sánh, sắp xếp bằng chương trình ClustalW. Cuối cùng, cây phát sinh loài được vẽ bằng phần mềm Mega X sử dụng kiểm định bootstrap 1.000 lần với thuật toán Maximum Likelihood. Kết quả cho thấy tầm vông có mối quan hệ gần với tre mạnh tông hơn các loại tre khác.

Tuyển chọn vi khuẩn có khả năng cố định đạm, hòa tan lân, tổng hợp IAA nội sinh trong cây cà phê vối (Coffea canephora Pierre ex A. froehner) trồng tại tỉnh Đắk Lắk

Nguyễn Hoàng Nhựt Lynh, Nguyễn Hữu Hiệp
Tóm tắt | PDF
Cây cà phê vối là cây công nghiệp mang lại lợi ích to lớn cho đồng bào Tây Nguyên. Sử dụng phân bón vi sinh để thay thế cho phân bón vô cơ đang được quan tâm vì phân bón vi sinh không những giúp nâng cao năng suất cây cà phê mà còn thân thiện với môi trường. Trong nghiên cứu này, 100 dòng vi khuẩn nội sinh đã được phân lập từ rễ, lá và trái cây cà phê vối trồng tại huyện Ea H’leo và Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Đa số các dòng vi khuẩn có khuẩn lạc dạng tròn, độ nổi lài hoặc mô, bìa nguyên, chủ yếu có màu trắng trong, trắng đục hoặc vàng và đều tạo thành vòng pellicle sau 72 giờ nuôi cấy trong môi trường LGIP, NFb và BAz bán đặc. Kích thước tế bào vi khuẩn dao động trong khoảng 0,17 - 1,20 ´ 0,2 - 0,5 μm, đa số hình que, chuyển động và Gram âm. Kết quả khảo sát khả năng cố định đạm, hòa tan lân khó tan và sinh tổng hợp IAA cho thấy dòng L.R150-3 có khả năng tổng hợp ammonium cao nhất là 0,289 mg/L; dòng B.R157-2 có khả năng hòa tan lân khó tan đạt 4,3 mg P2O5/mL; dòng L.R150-1 có khả năng sinh tổng hợp IAA tốt đạt 19,206 μg/mL. Ba dòng L.R150-3, B.R157-2 và L.L150-1 được nhận diện theo thứ tự là Kosakonia sp. L.R150-3, Burkholderia sp. B.R157-2 và Enterobacter sp. L.L150-1.

Khảo sát môi trường nuôi cấy nấm Vân chi đỏ (Trametes sanguinea (L.) Imazeki)

Nguyễn Diễm My, Nguyễn Phạm Anh Thi, Trần Nhân Dũng, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục đích khảo sát các yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm Vân chi đỏ Trametes sanguinea (L.) Imazeki ở các giai đoạn khác nhau. Môi trường phân lập nấm được khảo sát là môi trường PDA (Potato Dextrose Agar) có hoặc không bổ sung nước dừa. Giai đoạn giống cấp 2 được khảo sát dựa trên sự phát triển của tơ nấm trên môi trường hạt lúa bổ sung mạt cưa, cám gạo và bột bắp. Ở giai đoạn giống cấp 3, môi trường thân khoai mì được khảo sát với sự bổ sung mạt cưa, bột bắp và cám gạo với tỷ lệ khác nhau. Cuối cùng là giai đoạn hình thành quả thể, tỷ lệ phối trộn giữa mạt cưa cao su và bột bắp thích hợp để sản xuất nấm Vân chi đỏ cho năng suất cao được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy khuẩn ty nấm phát triển tốt nhất trên môi trường PDA bổ sung nước dừa (1,94 cm/ngày) và phát triển tốt nhất trên môi trường hạt lúa bổ sung 5% mạt cưa và 5% bột bắp (0,84 cm/ngày). Ở môi trường nhân giống cấp 2 trên hạt lúa nghiệm thức bổ sung 5% mạt cưa và 5% bột bắp có tốc độ lan tơ nhanh nhất (0,84cm/ngày). Đối với thí nghiệm khảo sát trên thân khoai mì cho thấy khoai mì bổ sung 10% bột bắp cho tốc độ lan tơ nhanh nhất (0,88 cm/ngày). Năng suất nấm được ghi nhận là cao nhất khi trồng trên cơ chất mạt cưa cao su bổ sung 10% bột bắp cho kết quả cao nhất về năng suất trọng lượng tươi 95,76 g/bịch (1 kg cơ chất).

Nghiên cứu trích ly và bảo quản -oryzanol, acid ferulic từ cám gạo

Lê Phạm Vân Anh, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Cám gạo là một nguồn nguyên liệu dồi dào rẻ tiền nhưng giàu các hợp chất chức năng, chất chống oxy hóa như γ-oryzanol, acid ferulic và tocopherols. Tuy nhiên, hầu hết cám gạo sau quá trình xay xát chỉ được sử dụng như là một phụ phẩm.  Vì vậy, nghiên cứu tối ưu hóa các điều kiện trích ly γ-oryzanol và acid ferulic từ cám gạo giống lúa IR 50404 bằng phương pháp sóng siêu âm đã được thực hiện nhằm nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu này. Ba thông số được khảo sát trong quá trình trích ly gồm tỷ lệ nguyên liệu/dung môi ethanol sử dụng (g/mL), nhiệt độ (°C) và thời gian trích ly (phút). Hàm lượng γ-oryzanol và acid ferulic thu được trong dịch trích ly cao nhất đạt 1.544,552 mg/100g và 18,537 mg/100g trong điều kiện trích ly có tỷ lệ nguyên liệu và dung môi ethanol sử dụng là 1/20 g/mL ở nhiệt độ 40°C và thời gian 40 phút. Với kết quả thu được, nghiên cứu tiếp tục khảo sát tỷ lệ dịch trích ly và hỗn hợp dung môi (methanol:acetone) sử dụng trong quá trình làm giàu γ-oryzanol. Tỷ lệ dịch trích ly và hỗn hợp dung môi sử dụng thích hợp được lựa chọn là 1/60 g/mL thu được hàm lượng γ-oryzanol và acid ferulic trong sản phẩm tăng lên đạt 2.485,604 mg/100g chất khô nguyên liệu (CKNL) và 27,748 mg/100g CKNL. Cuối cùng, sản phẩm được bảo quản trong bao bì thủy tinh màu tối ở nhiệt độ -18°C trong thời gian 3 tuần cho thấy ít có sự biến động về hàm lượng γ-oryzanol, acid ferulic và hoạt tính chống oxi hóa trong sản phẩm.

Nghiên cứu sử dụng một số DNA barcode trong phân tích di truyền và nhận diện một số loài lan kim tuyến (Anoectochilus spp.)

HuỳNh HữU ĐứC, NguyễN TrườNg Giang, Dương Hoa Xô, Hà Thị Loan, Phan Đinh Yến, Trần Trọng Tuấn, Đỗ Đăng Giáp
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, nhằm mục tiêu bảo tồn, khai thác một cách hợp lý nguồn gen một số loài lan thuộc chi Anoectochilus và Lusidia, 9 vùng DNA barcode: rbcL, matK, rpoB1, rpoB2, rpoC1, rpoC2, ITS1, ITS2, ITS được sử dụng để phân tích di truyền 06 mẫu giống lan. Kết quả phân tích DNA của các mẫu giống cho tỷ lệ khuếch đại thành công từ 50-100% cho các DNA barcode khác nhau. Vùng ITS1 và ITS2 cho tỷ lệ khuếch đại đạt 100%, vùng ITS 83,3%, vùng rbcL 50%, vùng matK từ 66,7 – 83,3%, vùng rpoB và rpoC đạt 83,3%. Kết quả phân tích mối quan hệ di truyền giữa các giống dựa trên trình tự DNA của một số vùng DNA barcode như ITS1 và ITS2 cho thấy có thể phân biệt giữa các loài gần nhau. Cây phân nhóm dựa trên vùng ITS2 chia Anoectochilus và Lusidia làm 2 nhóm chính, trong nhóm Anoectochilus chia làm hai nhóm phụ thuộc hai loài Anoectochilus formosanus và Anoectochilus roxburghii. Các kết quả này có thể ứng dụng trong việc nhận diện và phân biệt các loài lan Kim tuyến và họ hàng của chúng, từ đó mở ra khả năng trong bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen các loài này.

Ứng dụng các hợp chất hữu cơ thay thế nguồn nitrate vô cơ trong môi trường nuôi cấy sinh khối và thử hoạt tính sinh học của cây lan kim tuyến (Anoectochilus formosanus Hayata) in vitro

Nguyễn Thị Huyền Trang, Đặng Thị Kim Thúy, Đỗ Đức Thăng, Trần Thị Mỹ Trâm, Đỗ Đăng Giáp, Trần Trọng Tuấn
Tóm tắt | PDF
Lan kim tuyến Anoectochilus formosanus Hayata là loại cây có giá trị dược liệu và thương mại cao. Việc nghiên cứu, sử dụng các hợp chất hữu cơ như cao nấm men và casein hydrolysate nhằm thay thế nguồn muối nitrate vô cơ trong môi trường nuôi cấy sinh khối lan kim tuyến in vitro để tạo nguồn dược liệu an toàn là rất cần thiết. Trong nghiên cứu này, chồi lan kim tuyến được cấy trên môi trường Albert’s có thành phần muối chứa gốc nitrate theo các tỉ lệ (100%, 75%, 50% và 25%), bổ sung vitamin của môi trường MS, 30 g/L sucrose và các hợp chất hữu cơ (cao nấm men và casein hydrolysate) có nồng độ 1,0; 3,0; 5,0 và 7,0 g/L. Sinh khối lan kim tuyến nuôi cấy trên các môi trường cho hiệu quả nhân sinh khối được đánh giá hoạt tính sinh học. Kết quả sau 6 tuần nuôi cấy cho thấy, môi trường thích hợp nhất cho sự nhân nhanh sinh khối lan kim tuyến là môi trường Albert’s có thành phần muối nitrate giảm 50% và 7 g/L cao nấm men với chiều cao cây đạt 9,4 cm/cây; khối lượng tươi đạt 1,82 g/mẫu và khối lượng khô đạt 0,18 g/mẫu. Sinh khối thu nhận được trên môi trường này có hoạt tính sinh học tốt nhất với khả năng kháng oxi hoá cao (IC50 = 2,40 mg/mL) và có khả năng kháng 4 chủng vi khuẩn là Pseudomonas aeruginosa; Salmonella typhi; Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis.

Sử dụng chỉ số quan trắc sinh học của hệ động vật đáy đánh giá chất lượng nước rừng Trà Sư - tỉnh An Giang

Lê Văn Dũ, Trần Phú Hòa, Lê Trọng Thắng, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tính toán chỉ số quan trắc sinh học BMWPVIET-ASPT dựa trên hệ động vật đáy để đánh giá mức độ nhiễm bẩn của hệ thống kênh rạch ở rừng Trà Sư, tỉnh An Giang. Khảo sát vào hai mùa mưa và mùa khô tại 20 ô tiêu chuẩn trong rừng đã ghi nhận 15 loài động vật đáy không xương sống cỡ lớn thuộc 15 chi, 15 họ, 12 bộ trong 6 lớp của các nhóm ngành chính gồm: thân mềm (Mollusca), giun đốt (Annelida), chân khớp (Arthropoda). Thành phần loài ghi nhận trong hai mùa không có sự khác biệt, nhưng số lượng cá thể ghi nhận trong mùa mưa (852 cá thể) nhiều hơn so với mùa nắng (658 cá thể). Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự biến động thành phần loài giữa các điểm khảo sát từ 2 đến 11 loài tùy vào vị trí thu mẫu. Chỉ số quan trắc sinh học BMWPVIET-ASPT của hai mùa cho thấy nguồn nước mặt tại các điểm khảo sát bị ô nhiễm hữu cơ từ khá nặng đến rất nặng. Trong mùa khô có 14/20 điểm khảo sát ô nhiễm hữu cơ rất nặng; mùa mưa giá trị BMWPVIET-ASPT ghi nhận được có giảm so với mùa khô nhưng số điểm khảo sát bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng tăng lên 15/20 vị trí. Có thể sử dụng chỉ số quan trắc sinh học BMWPVIET-ASPT của hệ động vật đáy để phản ánh chất lượng nguồn nước mặt tại một lưu vực nước tĩnh như hệ thống kênh rạch trong rừng Trà Sư, tỉnh An Giang.

Khảo sát điều kiện lên men acid lactic từ rỉ đường sử dụng vi khuẩn lactic chịu nhiệt

Bùi Hoàng Đăng Long, Phạm Quang Sin, Huỳnh Xuân Phong, Nguyễn Ngọc Thạnh, Ngô Thị Phương Dung
Tóm tắt | PDF
Lên men acid lactic có khả năng tạo giá trị gia tăng cho rỉ đường và giải quyết ô nhiễm môi trường. Đề tài này được tiến hành với mục tiêu tuyển chọn và khảo sát quá trình lên men acid lactic từ rỉ đường, một nguồn phụ phẩm thu từ nhà máy đường Phụng Hiệp, sử dụng 7 chủng vi khuẩn lactic chịu nhiệt (L7, L9, L11, L26, L30, L37 và chủng đối chứng Lactobacillus thermotolerans). Trong đó, Lactobacillus casei L9 có khả năng lên men tốt nhất ở 39ºC tạo hàm lượng acid lactic đạt 10,2 g/L sau 5 ngày lên men, cao hơn so với chủng đối chứng Lactobacillus thermotolerans (9,4 g/L sau 7 ngày). Điều kiện thích hợp cho lên men acid lactic từ rỉ đường là ở pH 6,0, sucrose 8% (w/v), mật số giống chủng 107 tế bào/mL. Ở điều kiện thích hợp, Lactobacillus casei L9 có khả năng chuyển hoá tạo 18,30 g/L acid lactic sau 6 ngày lên men.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước cốt dừa thanh trùng

Lê Nguyễn Đoan Duy, Bùi Thế Vinh, Nguyễn Thị Nguyên Trang, Nguyễn Công Hà
Tóm tắt | PDF
Nước cốt dừa là một sản phẩm giàu chất dinh dưỡng và được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm. Nghiên cứu được thực hiện nhằm để phát triển một sản phẩm nước cốt dừa thanh trùng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Nghiên cứu nhằm khảo sát sự ảnh hưởng của các giống dừa; nhiệt độ và thời gian tồn trữ cơm dừa nạo trước khi trích ly nước cốt dừa; nhiệt độ nước trích ly và tỉ lệ cơm dừa nạo : nước; nồng độ phụ gia carboxy methyl cellulose (CMC) bổ sung, áp suất và nhiệt độ đồng hóa; các chế độ thanh trùng nước cốt dừa; thời gian và nhiệt độ bảo quản nước cốt dừa thanh trùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giống dừa ta xanh dùng để chế biến nước cốt dừa có thành phần dinh dưỡng cao nhất (hàm lượng protein 3,36%, chất béo 35,90%, 1,34 oBrix. Nhiệt độ và thời gian bảo quản cơm dừa nạo trước khi trích ly lần lượt là 4oC và 4 giờ. Sử dụng nước có nhiệt độ 60oC và tỉ lệ cơm dừa nạo: nước là 1:1 cho hiệu suất trích ly cơm dừa nạo tối ưu (75,09%). Nồng độ CMC bổ sung, áp suất và nhiệt độ đồng hóa được thực hiện nhằm ổn định hệ nhũ tương của nước cốt dừa lần lượt là 0,3%, 20 MPa và 70oC. Nước cốt dừa thanh trùng ở 80oC trong 20 phút có thể được tồn trữ ở nhiệt độ 4oC trong 10 ngày vẫn đảm bảo các yêu cầu về vi sinh vật cũng như chất lượng dinh dưỡng và giá trị cảm quan.

Nghiên cứu khả năng ức chế nảy mầm hạt của cao chiết xuất từ cây sài đất ba thùy (Wedelia trilobata (L.) Hitchc)

Trần Thanh Mến, Phạm Lâm Thảo Quyên, Phan Cúc Phương, Chiêm Thị Ngọc Lê, Nguyễn Thị Anh Thư, Đỗ Tấn Khang, Nguyễn Đình Hải Yến, Nguyễn Quốc Cường
Tóm tắt | PDF
Sài đất ba thùy (Wedelia trilobata (L) Hitchc) là một loài thực vật xâm lấn, chúng mọc hoang dại tại rất nhiều nơi ở Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu khả năng ức chế nảy mầm hạt của sài đất ba thùy trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết xuất ethanol từ thân, lá và hoa của cây sài đất ba thùy tại nồng độ khảo sát 5 mg/mL có hiệu quả ức chế cao nhất sự nảy mầm đối với hạt cỏ lồng vực (Echinochloa crus-galli L.), hạt xà lách (Lactuca sativa L.) và hạt cải củ (Raphanus sativus L.). Kết quả định lượng các hợp chất polyphenol, flavonoid tổng số cho thấy polyphenol và flavonoid hiện diện ở cả thân, lá và hoa của cây sài đất ba thùy. Hàm lượng polyphenol cao nhất có trong hoa là 50,62 mg/g cao chiết, flavonoid có hàm lượng nhiều nhất ở hoa là 55,81 mg/g cao chiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây sài đất ba thùy là một loài thực vật hoang dại có tiềm năng trong nghiên cứu về các hợp chất kháng cỏ.

Xác định sự ảnh hưởng của các nguồn carbon và ánh sáng lên sự nhân mật số protocorm - like body (PLB) của lan Dendrobium Sonia nuôi cấy in vitro

Hoàng Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Pha
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu nhằm tìm môi trường nuôi cấy thích hợp cho sự nhân mật số thể tiền chồi của lan Dendrobium Sonia dựa trên 2 nhân tố: nguồn carbon và chế độ ánh sáng. Môi trường nuôi cấy của Murashige và Skoog (1962) bổ sung agar 6,5 g/L và vitamin (thiamine, pyridosine với 0,5 m/L mỗi loại) được sử dụng. Nghiên cứu gồm: Thí nghiệm 1 với đường sucrose, D-glucose, D-fructose và Thí nghiệm 2 gồm hỗn hợp các loại đường được tiến hành trong hai chế độ ánh sáng: đèn huỳnh quang và ánh sáng tự nhiên. Thành phần phần trăm (%) PLB được tạo trong 2 tháng được phân tích ANOVA và phép so sánh cặp LSD 5%. Kết quả cho thấy môi trường có bổ sung nồng độ đường 20 mg/L sucrose và dưới chế độ ánh sáng đèn huỳnh quang có mật độ nhân PLB tốt nhất với 614,5 PLB được tạo thành. Thí nghiệm 2 cho thấy môi trường hỗn hợp 15 mg/L D-glucose và 15 mg/L D-fructose tạo điều kiện nhân mật số tốt nhất với 735,7 PLB được tạo sau 2 tháng nuôi cấy in vitro.

Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường lên khả năng sinh tổng hợp chất ức chế α-amylase và α-glucosidase của dòng Streptomyces sp. TVS1

Nguyễn Ngọc Trai, Nguyễn Cao Thùy Giang, Lương Ánh Huệ, Nguyễn Minh Chơn
Tóm tắt | PDF
Vi khuẩn sợi Streptomyces từ vùng đất nhiễm mặn có thể sinh tổng hợp chất có hoạt tính sinh học. Trong nghiên cứu này, Streptomyces sp. TVS1 từ đất nhiễm mặn của tỉnh Trà Vinh đã được nuôi cấy để xác định điều kiện thích hợp cho việc tổng hợp chất ức chế a-amylase và a-glucosidase. Các môi trường khác nhau như SCB, R, X và G cùng với sự thay đổi pH và thời gian nuôi cấy Streptomyces sp. TVS1 đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, môi trường G với nguồn dinh dưỡng là bột yến mạch thích hợp cho vi khuẩn Streptomyces sp. phát triển. Cao chiết từ dịch nuôi cấy môi trường này có khả năng ức chế tốt nhất với giá trị IC50 tương ứng là 2,67 mg/mL đối với a-amylase và 0,062 mg/mL đối với a-glucosidase. Sau 5 ngày nuôi cấy trong môi trường G, giá trị IC50 của cao chiết ức chế a-amylase và a-glucosidase lần lượt là 2,64 mg/mL và 0,073 mg/mL. Cũng trên môi trường G, pH 8,0 là pH thích hợp nhất cho vi khuẩn sản sinh chất ức chế các enzyme này với giá trị IC50 đối với α-amylase là 2,66 mg/mL và α-glucosidase là 0,062 mg/mL. Kết quả này cho thấy Streptomyces sp. TVS1 có khả năng sinh tổng hợp chất ức chế a-amylase và a-glucosidase. Cần xác định các chất đặc biệt trong dung dịch nuôi cấy Streptomyces và ứng dụng chúng trong phòng ngừa bệnh tiểu đường cho tương lai.

Nghiên cứu trích ly lipase (EC 3.1.1.3) từ nội tạng cá lóc nuôi

Trần Thanh Trúc, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả trích ly lipase từ nội tạng của cá lóc nuôi. Tiến hành khảo sát sự hiện diện của lipase ở các bộ phận nội tạng riêng lẻ và sự ổn định hoạt tính của lipase có trong nội tạng cá lóc theo thời gian trữ đông. Từ bộ phận nội tạng cá lóc thích hợp đã được xác định, khảo sát các yếu tố có tác động đến hiệu quả trích ly lipase, bao gồm: (i) ảnh hưởng của các yếu tố riêng lẻ (tỷ lệ nguyên liệu và dung môi, thay đổi từ 1:1 đến 1:6, w/v, pH của dung môi với 8 mức khảo sát, từ pH 3 đến pH 10); (ii) tương quan giữa nhiệt độ và thời gian trích ly đến hoạt tính lipase được xác định bằng phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM) dựa trên thiết kế thí nghiệm trung tâm (CCD). Kết quả khảo sát cho thấy, trong nội tạng cá lóc, lipase được trích ly từ gan tụy và ruột cá lóc có hoạt tính cao hơn so với dạ dày. Cấp đông và trữ đông nguyên liệu ở nhiệt độ -18±2°C giúp duy trì hoạt tính lipase có trong nội tạng cá lóc đến 8 tuần. Dịch chiết lipase thu được từ hỗn hợp nội tạng cá lóc (loại bỏ dạ dày) có hoạt tính cao nhất là 78,42 U/g chất khô nguyên liệu (CKNL) khi sử dụng đệm phosphate pH 6 với tỷ lệ nội tạng và dung môi là 1:4 (w/v); nhiệt độ trích ly tối ưu là 40,3°C trong thời gian 211,2 phút.

Sàng lọc In silico các mục tiêu thuốc tiềm năng ở vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA) bằng các phương pháp phân tích dữ liệu protein

Lê Anh Vũ, Phan Thị Cẩm Quyên, Nguyễn Thúy Hương
Tóm tắt | PDF
Với sự xuất hiện của nhiều chủng Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA), có một nhu cầu cấp thiết cho sự xác định các mục tiêu mới phục vụ quá trình phát triển thuốc. Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận in silico được sử dụng trong sàng lọc một số cơ sở dữ liệu (CSDL) protein/gene để tìm các protein mục tiêu tiềm năng ở MRSA. Kết quả cho thấy 158 protein thiết yếu không tương đồng trong đó có 49 protein tham gia vào 11 con đường trao đổi chất riêng biệt. Theo CSDL DrugBank, hai protein là tiểu đơn vị alpha enzyme hô hấp khử nitrat (NarG) và protein tương đồng tubulin (FtsZ) được xác định là các mục tiêu tốt nhất. Các protein còn lại được đề xuất là các mục tiêu giả định mới ở MRSA. Những mục tiêu thuốc được xác định dự kiến ​​sẽ có tiềm năng lớn cho việc khám phá các hợp chất trị liệu mới chống lại MRSA.

Đa dạng di truyền và tính mẫn cảm với quinclorac của cỏ lồng vực (Echinochloa spp.) trên ruộng lúa

Nguyễn Minh Chơn, Lê Thị Nhiên, Thái Đúc Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đã đánh giá sự đa dạng di truyền của cỏ lồng vực (Echinochloa spp.), mức độ mẫn cảm và mức độ kháng của chúng với thuốc trừ cỏ quinclorac. Thí nghiệm cho thấy 9 trong 15 mẫu cỏ lồng vực thể hiện tính kháng ở liều khuyến cáo (250 g a.i/ha). Đặc biệt, mẫu cỏ EC4 kháng thuốc cỏ mạnh nhất với giá trị ED50 (liều lượng thuốc cần kiểm soát được 50% cỏ) lên đến 416,5 g a.i/ha, chỉ số kháng là 3,1. Dựa vào đặc tính hình thái và sinh trưởng như kiểu thân, màu sắc gốc thân, màu sắc bìa lá và gân lá, màu sắc hạt và kiểu râu hạt đã chia các mẫu cỏ thành 3 nhóm. Phương pháp random amplified polymorphism DNA (RAPD) được sử dụng để phân tích đa dạng di truyền của cỏ lồng vực với 9 đoạn mồi. Kết quả đã khuếch đại được 62 băng với 36 băng đa hình (chiếm tỷ lệ 51,2%). Độ tương đồng di truyền được phân tích và các mẫu cỏ lồng vực được phân thành 3 nhóm với độ tương đồng trong cùng nhóm là 96%, giữa 2 nhóm là 86%. Mỗi nhóm có ít nhất một mẫu cỏ kháng mạnh với thuốc quinclorac, tuy nhiên không có sự tương quan rõ rệt giữa mức độ kháng thuốc và độ tương đồng di truyền ở cỏ lồng vực. Định hướng nghiên cứu tiếp theo sẽ xác định gene quy định tính kháng và phát triển kỹ thuật phát hiện nhanh tính kháng quinclorac của loài cỏ lồng vực.

Tối ưu quá trình nuôi cấy nấm mốc Aspergillus niger thu nhận enzyme lipase và ứng dụng trong tiền xử lý nước thải sữa tổng hợp

Đào Thị Mỹ Linh, Trần Thị Mỹ Thảo, Lý Thị Diễm Trang, Lê Thị Mỹ Trinh, Võ Thị Thúy Vân, Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu tối ưu bằng phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM) để tìm sự tương tác đồng thời của độ ẩm, thời gian và tỉ lệ cơ chất lên quá trình tổng hợp lipase từ Aspergillus niger, đánh giá khả năng thủy phân của lipase ở bước tiền xử lý lipid trong nước thải gồm: nồng độ enzyme 0,1÷0,5% (w/v), nhiệt độ 30÷50oC và nồng độ chất béo 200÷3.400 mg/L. Theo dõi các chỉ số khí biogas, nhu cầu oxy hóa học, độ màu. Kết quả, hoạt tính lipase đạt 1,11 UI/mL với các điều kiện tối ưu độ ẩm 59,42%, thời gian 92,34 giờ, tỉ lệ bánh dầu và bã mía là 7,13/2,87 (w/w). Enzyme tiền xử lý lipid với các điều kiện nồng độ enzyme 0,2%, nhiệt độ 40oC và nồng độ chất béo là 1.000 mg/L. Nước thải được tiền xử lý giúp tăng hiệu quả đáng kể ở bước xử lý kỵ khí so với nước thải thô: khí biogas thu được 1.668,78 cm3 so với 991,06 cm3, hiệu quả loại bỏ COD là 90,9% so với 56,9%, độ màu là 93,4% so với 50,2%, loại bỏ lipid đạt trên 99% ở cả hai loại nước thải sau 5 ngày.

Ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng đến sinh trưởng và phát triển của nấm hầu thủ (Hericium erinaceus)

Vũ Kim Thảo, Trần Nhân Dũng, Bùi Thị Minh Diệu, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra quy trình trồng nấm hầu thủ (Hericium erinaceus) bằng tận dụng các nguồn cơ chất là sản phẩm của ngành nông nghiệp. Môi trường phân lập nấm là môi trường Mizuno, PDA và PDA có bổ sung 20% nước dừa. Môi trường hạt bao gồm hạt lúa, hạt gạo lức và hạt bắp. Cơ chất trồng quả thể nấm bao gồm mạt cưa cao su, bã mía, rơm và mụn dừa được kết hợp ở nhiều tỉ lệ khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường PDA có bổ sung 20% nước dừa và môi trường Mizuno cho kết quả lan tơ nhanh hơn môi trường PDA. Môi trường hạt lúa và hạt bắp cho khả năng lan tơ nhanh (0,39 cm/ngày). Về cơ chất để sản xuất quả thể, nghiệm thức kết hợp 70% bã mía và 30% rơm cho kết quả tốt nhất (94,03 g/bịch, 400 g cơ chất) khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nghiệm thức 100% bã mía. Hàm lượng polysaccharide dao động từ 18,00 đến 26,2% khối lượng khô trên các cơ chất khác nhau, trong đó nghiệm thức 100% bã mía cho hàm lượng polysaccharide cao nhất (26,23%). Dựa trên các chỉ tiêu năng suất và hàm lượng polysaccharide cho thấy nghiệm thức 70% bã mía và 30% rơm là phù hợp nhất.

Nghiên cứu quá trình thu nhận và đánh giá hoạt tính sinh học của xylooligosaccharide (XOS) từ bã mía

Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Nguyễn Hồng Đào, Võ Thị Kim Viên, Lê Thị Khánh Hồng, Huỳnh Thị Quế Anh, ĐàO Thị Mỹ Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát quy trình thu nhận XOS từ bã mía bằng enzyme endo-1,4-β-xylanase. Bã mía được tiền xử lý nhằm loại bỏ lignin và thu nhận hemicellulose giàu xylan. Quá trình thủy phân xylan được thực hiện với 2 yếu tố khảo sát là nồng độ enzyme và thời gian. Dịch XOS sau đó được cô đặc ở nhiệt độ 65oC và sấy thăng hoa ở nhiệt độ -80oC, áp suất 3,5 Pa, thời gian sấy 14 giờ. Bột XOS được đánh giá khả năng kháng oxy hóa bằng phương pháp DPPH và đánh giá tác động đối với sự tăng trưởng của Lactobacillus plantarum (L.  plantarum). Kết quả nghiên cứu cho thấy, bã mía được tiền xử lý bằng H2O2 6%, KOH 15% thích hợp để thu hemicellulose giàu xylan với hiệu suất thu hồi là 36,73%. Hàm lượng XOS cao nhất đạt 1148,92 mg/L ở điều kiện thủy phân tương ứng với tỉ lệ enzyme bổ sung 6% (v/v) (ứng với lượng enzyme 75 U/g) trong thời gian thủy phân 8 giờ. Sau khi cô đặc, hàm lượng XOS trong dịch tăng lên 13,6 lần. Bột XOS thể hiện khả năng loại bỏ gốc tự do DPPH đạt 50% tại nồng độ XOS 4 mg/mL và được lợi khuẩn L.  plantarum sử dụng như nguồn carbon để tăng trưởng.

Khảo sát sơ bộ hoạt tính sinh học của cao chiết từ vỏ và hạt bơ (Persea americana, Lauraceae)

Dung Huynh Ngoc Trung, Phạm Lục Thùy Trang, Trần Thị Thương, Dương Thị BíCh, Trì Kim NgọC
Tóm tắt | PDF
Trên thế giới, quả bơ được đánh giá rất cao về dinh dưỡng cũng như lợi ích của phần thịt quả đối với sức khỏe và làm đẹp. Bên cạnh đó, phần vỏ và hạt còn chứa rất nhiều dưỡng chất có thể ứng dụng trong ngành dược và mỹ phẩm. Đề tài thực hiện với mục tiêu xác định hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế enzym α-glucosidase và kháng ung thư vú (in vitro) của vỏ và hạt bơ Booth 7 (Persea americana, Lauraceae). Bằng thử nghiệm kháng oxy hóa với DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl), ức chế enzym α-glucosidase và phương pháp sulforhodamin B của các cao chiết ethanol 70% và 96%. Kết quả cho thấy cả bốn loại cao chiết từ vỏ và hạt đều có khả năng khá oxy hóa và ức chế enzym α-glucosidase. Đặc biệt là cao hạt bơ chiết với ethanol 96% kháng oxy hóa mạnh nhất (IC50 = 200,97 mg/mL), thấp hơn đối chứng vitamin C (IC50 = 18,19 mg/mL) khoảng 11 lần. Ngược lại, khả năng ức chế enzym α-glucosidase thể hiện mạnh nhất ở cao chiết từ vỏ bơ với ethanol 96% (IC50 = 2,75 µg/mL), hơn đối chứng dương acarbose (IC50 = 6,83 µg/mL) khoảng 2,48 lần. Tuy nhiên, hoạt tính kháng ung thư vú của các cao không đáng kể. Hoạt chất kháng oxy hóa và ức chế enzym α-glucosidase từ vỏ và hạt bơ cần được tiếp tục phân lập và xác định.

Bảo quản lạnh tế bào trứng của heo ở giai đoạn trưởng thành bằng phương pháp thủy tinh hóa trong cryotech

Lại Đình Biên, Lê Anh Thư, Phan Thị Mỹ Duyên
Tóm tắt | PDF
Đề tài bảo quản lạnh tế bào trứng heo giai đoạn trưởng thành bằng phương pháp thủy tinh hóa trong cryotech với mục tiêu nhằm cải thiện tỷ lệ trứng sống, sự thụ tinh và phát triển phôi trong quá trình thủy tinh hóa và khảo sát sự ảnh hưởng thời gian nuôi cấy sau giải đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trứng sống về hình thái và khả năng thụ tinh phát triển phôi 2 và 4 tế bào đạt được tỷ lệ cao khi sử dụng chất bảo quản ethylene glycol (EG) và dimethylsulfoxide (DMSO) với nồng độ tương ứng 10,0% (v/v) + 5,0% (v/v) (40,12%; 73,12%; 43,29% và 26,38%) có sự khác biệt thấp hơn mẫu đối chứng và trehalose tương ứng (73,38%; 62,44%; 31,45% và 13,19%) cho tỷ lệ sống qua hình thái và khả năng thụ tinh phát triển phôi có sự khác biệt với sucrose (85,32%; 75,07%; 36,61% và 7,56%) (p

Phân lập thực khuẩn thể từ đất trồng cây dược liệu có khả năng ức chế vi khuẩn Ralstonia solanacearum ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Trương Thị Bích Vân, Nguyễn Ngọc Hải Uyên, Nguyễn Song Hân, Nguyễn Thanh Như Ngọc, Nguyễn Văn Trúc, Lê Tuấn Kiệt, Mã Ngọc Thiên, Nguyễn Thị Bích Hiền, Lê Hoàng Bảo Ngọc, Lê Nguyễn Khôi Nguyên, Nguyễn Hoàng Vũ
Tóm tắt | PDF
Ralstonia solanacearum là vi khuẩn gây bệnh héo xanh trên 200 loài thực vật thuộc 50 họ khác nhau và được xếp thứ hai trong danh sách các tác nhân gây bệnh nguy hiểm nhất trên cây trồng. Để phòng trị bệnh héo xanh, nông dân thường sử dụng các biện pháp hóa học, tuy nhiên biện pháp này  đã cho thấy những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng  đến  môi trường. Thực khuẩn thể ký sinh và ức chế vi khuẩn và sử dụng thực khuẩn thể được xem là biện pháp sinh học tiềm năng trong việc phòng trừ bệnh héo xanh. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập các dòng thực khuẩn thể từ đất trồng cây dược liệu có khả năng ly giải vi khuẩn gây bệnh héo xanh trên cây trồng. Thực khuẩn thể được phân lập từ đất và khảo sát vết tan dựa vào phương pháp agar 2 lớp. Ba mươi lăm dòng thực khuẩn thể có khả năng ức chế vi khuẩn Ralstonia solanacearum đã được phân lập từ mẫu đất trồng cây dược liệu như cây gừng (Zingiber officinale), nghệ (Curcuma longa L.), húng chanh (Coleus aromaticus Benth) và đinh lăng (Polyscias fruticosa L.). Kết quả đánh giá phổ ký chủ của các dòng thực khuẩn thể phân lập cho thấy có 29 dòng thực khuẩn thể tạo vết tan rõ ràng đối với 9 dòng vi khuẩn gây bệnh Ralstonia solanacearum. Đặc biệt 7 dòng thực khuẩn thể ký hiệu ɸG7, ɸG8, ɸDL3, ɸDL6, ɸH6, ɸH23 và ɸH24 có khả năng ly giải vi khuẩn hơn 72 giờ trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn Acetobacter sp. lên men tạo màng cellulose từ nước mía

Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Phú Thành, Nguyễn Ngọc Thạnh
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, màng cellulose vi khuẩn đã được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực y học như: làm da tạm thời, điều trị bỏng, làm mặt nạ dưỡng da cho người. Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích phân lập và tuyển chọn được dòng vi khuẩn Acetobacter sp. có khả năng lên men tạo màng cellulose từ nước mía. Kết quả đã phân lập được 21 dòng vi khuẩn Acetobacter spp., trong đó, dòng BK3 cho  khối lượng cao nhất về màng celllulose tươi (134,48 g/200mL) và màng celllulose khô (1,4 g/200mL) sau bảy ngày lên men. Sử dụng dòng vi khuẩn BK3 lên men với môi trường lên men phối chế ban đầu với nước mía có độ Brix là 8, pH 5,2 và mật số chủng giống vi khuẩn là 107 tế bào/mL lên men 7 ngày cho kết quả khối lượng màng cellulose tươi là 140,26 g/200mL và màng celllulose khô là 1,635 g/200mL. Hơn nữa, kết quả thí nghiệm cho thấy lên men 7 ngày với các thông số tối ưu (độ Brix 8,5, pH 5,1 và mật số chủng giống vi khuẩn là 106 tế bào/mL) cho kết quả khối lượng màng cellulose đạt tối ưu 715 g/1000mL (tươi) và 9,14 g/1000mL (khô). Bằng phương pháp giải trình tự, kết quả định danh dòng BK3 đồng hình 99% với vi khuẩn Acetobacter xylinum. Kết quả nghiên cứu cho thấy dòng BK3 có thể ứng dụng để lên men sản xuất màng cellulose có thể sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.

Khảo sát sự đa dạng di truyền cây lêkima (Pouteria campechiana) ở thành phố Cần Thơ dựa trên đặc điểm hình thái và chỉ thị phân tử ISSR

Lê Quốc Duy, Trương Hoàng Quân, Nguyễn Lộc Hiền, Nguyễn Minh Chơn
Tóm tắt | PDF
Cây lêkima (Pouteria campechiana) là cây ăn trái chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học như carotenoid. Trong nghiên cứu này, dữ liệu của 20 mẫu lêkima ở thành phố Cần Thơ đã được thu thập và đánh giá dựa trên đặc điểm hình thái và chỉ thị phân tử ISSR. Phân tích 50 đặc tính hình thái của 20 mẫu lêkima và phân thành 7 nhóm với hệ số tương đồng từ 0,71 đến 0,86. Chỉ số Shannon cho thấy 20 mẫu lêkima có độ đa dạng cao với giá trị đạt cao nhất là 1,526. Phân tích điện di bằng 8 chỉ thị ISSR cho thấy sự đa hình cao. Trong 119 băng điện di ghi nhận được có 115 băng đa hình chiếm tỉ lệ 96,36%. Mỗi mồi khuếch đại trung bình 14,88±4,29 băng, trong đó 14,38±4,5 băng là đa hình. Hệ số tương đồng từ 0,41 đến 1,00 và được chia thành 4 nhóm lớn. Sự phối hợp kết quả phân tích đặc tính hình thái và chỉ thị phân tử đã phân chia 20 mẫu lêkima thành 4 nhóm có độ tương đồng cao từ 0,63 đến 0,90. Kết quả khẳng định cây lêkima ở thành phố Cần Thơ có sự đa dạng về mặt di truyền. Kết quả này cũng cung cấp thông tin có giá trị cho việc chọn lọc và lai tạo giống cũng như hỗ trợ các nghiên cứu về các đặc tính sinh hóa của cây lêkima.

Ảnh hưởng của phân bón lá đến sinh trưởng, hàm lượng và năng suất Curcumin trên nghệ Xà cừ Curcuma xanthorrhiza Roxb.

Bùi Thị Cẩm Hường, Lê Phúc Tân, Huỳnh Đăng Khoa, Trần Tường Đăng, Lưu Thái Danh, Lê Vĩnh Thúc
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của phenylalanine (Phe), salicylic acid (SA), sắt sulfate (FeSO4), kẽm sulfate (ZnSO4) và borax đến sự sinh trưởng và năng suất của giống nghệ Xà cừ Curcuma xanthorrhiza Roxb. Thí nghiệm được bố trí khối ngẫu nhiên gồm 6 nghiệm thức: đối chứng, phun Phe 100 ppm, SA 100 ppm, FeSO4 0,5%, ZnSO4 0,5% và borax 0,5% vào thời điểm 120 ngày sau trồng (NST), với 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, tại các thời điểm khảo sát, có sự khác biệt về số chồi/bụi, số lá/chồi, số lá/bụi, chiều cao cây, chiều dài và chiều rộng lá. Tại thời điểm thu hoạch, phun FeSO4 0,5% hoặc Phe 100 ppm hiệu quả nhất, khối lượng củ tươi lần lượt là 467 và 443 g/bụi; hàm lượng curcumin đều là 14,73% và năng suất curcumin (lần lượt là 17,0 và 17,2 g/bụi).

Hiệu quả của 5 dòng vi khuẩn phân giải khoáng silic lên sinh trưởng và năng suất giống lúa IR 50404 trong điều kiện nhà lưới

Trần Võ Hải Đường, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Silic (Si) có vai trò quan trọng trong việc giúp cây trồng cứng chắc, chống đổ ngã, kháng lại một số bệnh, côn trùng và chống chịu các điều kiện môi trường bất lợi. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của năm dòng vi khuẩn phân giải khoáng silic tuyển chọn lên sinh trưởng và năng suất lúa trong điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được thực hiện trên nền đất lúa thâm canh 3 vụ với giống lúa IR 50404. Kết quả cho thấy cả năm dòng vi khuẩn phân giải Si thử nghiệm đều làm gia tăng khác biệt có ý nghĩa thống kê về hàm lượng Si hòa tan trong dịch đất, hàm lượng chlorophyll trong lá, độ cứng lóng thân 1, 2, 3, chiều dài bông, tỉ lệ hạt chắc trên bông và khối lượng hạt chắc trên chậu ở các nghiệm thức có chủng vi khuẩn phân giải khoáng Si so với nghiệm thức không chủng vi khuẩn. Mặt khác, mối tương quan thuận được tìm thấy giữa hàm lượng Si hòa tan trong đất ở thời điểm kết thúc thí nghiệm với chiều dài bông, tỉ lệ hạt chắc trên bông, độ cứng lóng thân và trọng lượng hạt chắc trên chậu. Như vậy, năm dòng vi khuẩn phân giải Si tuyển chọn giúp tăng sinh trưởng và năng suất giống lúa IR 50404 trong điều kiện nhà lưới.

Hiệu quả của chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn dòng vi khuẩn Rhodopseudomonas sp. đối với hấp thu đạm, nhôm và sắt trong hạt lúa trồng trên đất phèn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ở điều kiện nhà lưới

Lý Ngọc Thanh Xuân, Phạm Duy Tiễn, Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Quốc Khương
Tóm tắt | PDF
Đất phèn có hàm lượng nhôm và sắt cao, làm hạn chế sự hấp thu dinh dưỡng và tăng khả năng tích lũy độc chất trong cây. Rhodopseudomonas sp. có khả năng giảm độc chất nhôm và sắt. Mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn dòng vi khuẩn R. palustris VNW64, VNS89, TLS06 và VNS02 lên tích lũy dưỡng chất và độc chất trong hạt lúa. Thí nghiệm thừa số hai nhân tố được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên đất phèn thu từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trong điều kiện nhà lưới. Trong đó, nhân tố thứ nhất là chế phẩm hữu cơ vi sinh (chứa bốn dòng vi khuẩn, một dòng vi khuẩn VNW64 và không bón chế phẩm hữu cơ vi sinh) và nhân tố thứ hai là bón phân đạm gồm (100, 75, 50 và 0 kg N ha-1). Kết quả cho thấy các nghiệm thức bón chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn hoặc một dòng vi khuẩn VNW64 đã giúp tăng hấp thu đạm 39,7 - 49,2% và giảm độc chất nhôm 18,4 - 30,4% và sắt 0,1- 2,7% trong cây lúa so với nghiệm thức không bón chế phẩm hữu cơ vi sinh. Chế phẩm hữu cơ vi sinh chứa bốn hoặc một dòng vi khuẩn có hiệu quả trong việc giảm tích lũy sắt và nhôm và tăng hấp thu đạm vào trong hạt.

Nghiên cứu thủy phân protein cám gạo bằng enzyme sử dụng trong nuôi cấy Bacillus subtilis

Nguyễn Thị Lệ Ngọc, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Cám gạo là một trong những nguồn phụ phẩm từ công nghiệp chế biến gạo với hàm lượng protein cao. Để nâng cao giá trị của nguồn phụ phẩm này, nghiên cứu thủy phân protein từ cám gạo của giống lúa IR 50404 và thử nghiệm trên nuôi cấy vi sinh vật đã được thực hiện. Trước tiên, tiến hành nghiên cứu xác định các điều kiện tối ưu về nồng độ cơ chất (1,75-2,5%), nồng độ enzyme sử dụng (50-150 U) và thời gian thủy phân (60-240 phút) khi sử dụng papain và neutrase trên cơ chất protein được chiết tách từ cám gạo. Sau đó, dịch thủy phân được sấy phun ở 170oC làm môi trường nuôi cấy Bacillus subtilis (thời gian ủ 72 giờ, 4 giờ thu mẫu một lần). Kết quả nghiên cứu cho thấy enzyme papain và neutrase lần lượt có hoạt động thủy phân hiệu quả nhất ở nồng độ cơ chất 2,5% và 2%, nồng độ enzyme sử dụng 100 U và 125 U trong cùng thời gian 180 phút cho hiệu suất thủy phân đạt 20,97% và 14,66%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dịch thủy phân protein cám gạo bằng enzyme papain và neutrase đều có đặc tính dinh dưỡng tương đương pepton thương mại khi được sử dụng là môi trường nuôi cấy vi khuẩn Bacillus subtilis (mật số 1x108 (cfu/mL) và 8,6x107 (cfu/mL), cùng đạt cực đại sau 24 giờ nuôi ủ). Protein từ cám gạo có thể sử dụng như thành phần dinh dưỡng có giá trị cho vi khuẩn.

Ứng dụng lysozyme để tạo chế phẩm bột oligosaccharide từ vỏ tôm thẻ chân trắng (Litopennaeus vannamei)

Võ Văn Song Toàn, Dương Thị Hương Giang, Lê Tấn Hòa, Nguyễn Thị Cẩm Giang, Kim Thị Thu Xương, Trương Thị Thanh Tuyền, Lê Ngọc Tuyết, Nguyễn Ngọc Phương Vy, Trần Nhân Dũng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của thời gian, pH, nhiệt độ và nồng độ cơ chất lên quá trình thủy phân chitin bằng lysozyme từ lòng trắng trứng gà Hisex Brown để tạo bột oligosaccharide. Hiệu suất của quá trình thủy phân ở mỗi nghiệm thức được đánh giá bởi hàm lượng đường khử tạo ra theo phương pháp của Schales. Phương trình Lineweaver-Burk và Michaelis-Menten cũng được xây dựng nhằm xác định vận tốc cực đại (Vmax) và hằng số Michelis Menten (Km). Kết quả cho thấy hàm lượng đường khử tạo ra trong quá trình thủy phân bị ảnh hưởng đáng kể bởi thời gian, pH, nhiệt độ và nồng độ cơ chất (p < 0,05). Điều kiện thích hợp để thủy phân chitin huyền phù bằng lysozyme được xác định ở nhiệt độ 65ºC, pH 5,5 trong thời gian 12 giờ với hàm lượng cơ chất chitin huyền phù là 0,1 mg/mL. Giá trị Vmax và Km trong quá trình thủy phân được ghi nhận có giá trị lần lượt là 0,225 µM/phút và 0,022 mg/mL. Sản phẩm của quá trình thủy phân được đông khô trong 48 giờ và thu nhận được bột oligosaccharide hòa tan.

Nuôi cấy phức hợp OCG (Oocyte - Cumulus - Granulosa) được thu nhận từ nang noãn bò ở giai đoạn hình thành xoang sớm

Nguyễn Thị Thanh Giang, Dương Hoa Xô, Lê Thị Vĩ Tuyết
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm hỗ trợ sự phát triển của noãn bào in vitro bằng cách bổ sung các yếu tố cần thiết trong quá trình nuôi cấy ở môi trường (1) đối chứng (ĐC): TCM-199 + FBS (10 %), so sánh với môi trường (2) thí nghiệm (TN): có bổ sung thêm sodium pyruvate (0,1 mg/ml) + hypoxanthine (4 mM) + estrogen (0,1 µg/mL). Các phức hợp noãn bào-cumulus-tế bào hạt (complexes of cumulus-oocyte-granulosa, COCGs) được nuôi cố định bằng agarose 1%. Kết quả sau 13 ngày nuôi cấy cho thấy, các COCGs đều hình thành cấu trúc “giống xoang nang” ở ngày 3 và 4 của quá trình nuôi trong cả hai môi trường. Ở môi trường TN, các cấu trúc này duy trì đến ngày thứ 13. Bên cạnh đó, kích thước noãn bào tăng so với trước khi nuôi ở cả môi trường ĐC và TN lần lượt là từ 95,2 ± 1,4 µm đến 107 ± 6,4 µm, và từ 95,7 ± 1,7 µm đến 113,6 ± 6,4 µm (p

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh có khả năng kháng khuẩn trong cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp

Nguyễn Hồng Ái Vy, Nguyễn Hữu Hiệp
Tóm tắt | PDF
Kháng sinh tổng hợp thường được sử dụng để điều trị bệnh cho người và động vật. Tuy nhiên, hiện tượng kháng kháng sinh ngày nay dần trở nên phổ biến. Việc nghiên cứu tập đoàn vi khuẩn nội sinh có khả năng sản xuất những hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên trong cây dược liệu đang mở ra hướng giải quyết mới. Trên cơ sở đó, đề tài phân lập vi khuẩn nội sinh có khả năng kháng khuẩn trong cây Chùm ngây (Moringa oleifera) được thực hiện. Vi khuẩn nội sinh được phân lập từ mẫu cây chùm ngây được trồng tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Khả năng kháng khuẩn của những dòng vi khuẩn này được khảo sát đối với ba loài vi khuẩn gây bệnh Aeromonas hydrophila, Escherichia coli và Staphylococcus aureus bằng phương pháp khuếch tán qua vòng giấy lọc. Kết quả ghi nhận được 19/35 dòng có khả năng kháng ít nhất một trong ba loài vi khuẩn gây bệnh. Trong đó, 9 dòng có khả năng kháng Escherichia coli, 13 dòng có khả năng kháng Aeromonas hydrophila và 9 dòng có khả năng kháng Staphylococcus aureus. Các dòng được tuyển chọn nổi bật là dòng C3.3 và C1.4 có khả năng kháng lại cả ba loài vi khuẩn gây bệnh. Kết quả nhận diện hai dòng vi khuẩn nầy lần lượt là Bacillus subtilis NBT-15 và Bacillus megaterium S1 với độ tương đồng cao (98%).

Sản xuất ethanol sinh học từ vỏ quả cà phê

Đỗ Viết Phương, Le Nguyen Doan Duy, Đặng Thị Sáu, Phạm Văn Tấn
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, vỏ quả cà phê được tiền xử lý bởi NaOH (0,2 g/g nguyên liệu) ở nhiệt độ 120oC trong thời gian 20 phút nhằm mục đích loại bỏ bớt lignin và hemicellulose (kết quả loại bỏ được 46,11% hemicellulose và 76,63% lignin). Nguyên liệu đã qua quá trình tiền xử lý được thủy phân bởi enzyme Viscozyme Cassava C (25 FPU/g) ở nhiệt độ 50oC. Sau thời gian 96 giờ thủy phân thu được dịch thủy phân có hàm lượng đường khử và đường glucose tương ứng là 37,33 g/L và 24,36 g/L. Chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae được bổ sung vào dịch thủy phân với mật độ 3x108 tế bào/mL. Quá trình lên men được thực hiện ở nhiệt độ 35oC trong thời gian 72 giờ, hàm lượng ethanol đo được sau quá trình lên men là 10,06 g/L. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, vỏ quả cà phê là nguồn nguyên liệu dồi dào và có nhiều tiềm năng để sản xuất ra ethanol sinh học ở Việt Nam.

Tần suất và đột biến gen LMP1 của virus Epstein-Barr ở mẫu sinh thiết vòm của bệnh nhân ung thư vòm mũi họng điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ

Trịnh Thị Hồng Của, Tạ Văn Tờ, Phan Thị Phi Phi, Trần Ngọc Dung
Tóm tắt | PDF
Các nghiên cứu đã chứng minh gen Latent Membrance Protein 1 (LMP1) của virus Epstein-Barr (EBV) (LMP1 EBV) và sự đột biến gen LMP1 EBV liên quan có ý nghĩa đến sự phát triển khối u ác tính tại biểu mô vòm mũi họng ở các BN có nhiễm EBV. Mục tiêu nghiên cứu là xác định tần suất và đột biến mất đoạn 30 bp trên gen LMP1 EBV ở mẫu mô sinh thiết vòm của BN UTVMH. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 65 mẫu mô sinh thiết vòm của BN được chẩn đoán xác định là UTVMH tại Bệnh viện ung bướu Cần Thơ. Kỹ thuật Polymerase Chain Reaction (PCR) - phản ứng chuỗi polymerase với cặp mồi LMP1 (168373-168174) được sử dụng để phát hiện gen LMP1 EBV và kỹ thuật giải trình tự gen LMP1 để xác định kiểu đột biến gen LMP1. Kết quả cho thấy 61,5% (40/65) có gen LMP1 EBV ở mô sinh thiết vòm và 57,5% (23/40) có kiểu đột biến mất đoạn 30 bp trên gen LMP1. Kết luận, tần suất gen LMP1 EBV trong mẫu mô sinh thiết vòm của BN UTVMH tại Cần Thơ là 61,5% và mất đoạn 30 bp là kiểu đột biến phổ biến trên gen LMP1.

Ứng dụng đèn led trong vi nhân giống cây gừng (Zingiber officinale Rosc.)

Trần Thị Mỹ Trâm, Nguyễn Thị Huyền Trang, Đỗ Đăng Giáp, Nguyễn Thị Thu Hằng, Trần Thị Thanh Hiền, Trịnh Thị Hương, Trần Trọng Tuấn
Tóm tắt | PDF
Trong nuôi cấy mô hiện nay, hệ thống chiếu sáng thường được sử dụng là đèn huỳnh quang. Loại đèn này tiêu tốn rất nhiều điện năng. Gần đây việc sử dụng hệ thống đèn LED cho cây trồng đang được chú ý đến do LED có nhiều thuận lợi cho việc nuôi cấy mô và tiêu hao ít điện năng. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của hàm lượng khoáng, nồng độ đường và ánh sáng đơn sắc lên sự sinh trưởng của cây gừng được khảo sát. Kết quả cho thấy mẫu cấy trên môi trường SH có chiều cao và đường kính thân củ cao hơn các môi trường còn lại. Ở nghiệm thức sử dụng các nồng độ đường khác nhau, mẫu cây được nuôi cấy ở nồng độ đường 30 g/L có sự sinh trưởng tốt nhất. Ở nghiếm thực tiếp theo, các mẫu được được đặt dưới các loại nguồn sáng khác nhau như LED đỏ và LED xanh theo các tỉ lệ khác nhau 9:1, 8:2, 7:3, 6:4, 5:5, và đèn huỳnh quang đỏ, đèn huỳnh quang xanh, đèn huỳnh quang trắng. Kết quả cho thấy đèn LED đỏ thích hợp cho sự sinh trưởng của cây gừng. Cây có chiều cao (4,55 cm), diện tích lá (2,66 mm2), đường kính thân củ (3,83 mm) cao hơn đáng kể so với nghiệm thức còn lại. Khi đưa ra vườn ươm cây con dưới ánh sáng LED đỏ tiếp tục sinh trưởng phát triển tốt và có tỷ lệ cây sống đạt trên 96%.

Nghiên cứu môi trường rắn làm tăng hàm lượng cordycepin và adenosine của nấm Cordyceps militaris

Trần Thanh Thy
Tóm tắt | PDF
Nấm Cordyceps militaris là loại thực phẩm chức năng cao cấp có tác dụng hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật. Nghiên cứu môi trường rắn làm tăng hàm lượng dược liệu của loài nấm này được thực hiện trên 04 loại môi trường rắn gồm: M-1 (gạo tím than, ngũ cốc đã qua sử dụng (spent brewery grain-SBG), dinh dưỡng khoáng); M-2 (lúa mạch đen, SBG, dinh dưỡng khoáng); M-3 (gạo tím than, dinh dưỡng khoáng) và M-4 (lúa mạch đen, dinh dưỡng khoáng). Cả 04 loại môi trường được nuôi cấy chủng nấm CM- China1 và được nhân nuôi trong điều kiện bán nhân tạo. Kết quả cho thấy chủng nấm CM- China1 có khả năng hình thành stromata (quả thể hay thể đệm) trên môi trường có chứa SBG. Hai môi trường có chứa SBG đều cho kết quả phân tích dược liệu quả thể nấm là cao hơn môi trường không bổ sung SBG. Môi trường M-2 có chứa SBG đã làm tăng dược liệu cordycepin và adenosine cao nhất trong quả thể của nấm đạt 10,58 mg/g và 0,85 mg/g quả thể tươi.

Phân lập, tuyển chọn và định danh các chủng vi khuẩn đối kháng trong đất có khả năng phòng trị bệnh thối củ hành tím do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa

Nguyễn Thị Mai Trinh, Trương Tố Quyên, Nguyễn Đắc Khoa
Tóm tắt | PDF
Thối củ do vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa gây ra là một trong những bệnh gây thiệt hại năng suất và chất lượng hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Mục tiêu của nghiên cứu là phân lập, tuyển chọn và định danh được các chủng vi khuẩn đối kháng trong đất có khả năng phòng trị bệnh. Trong số 133 chủng vi khuẩn phân lập được từ đất ruộng hành tại thị xã Vĩnh Châu, bốn chủng 2C, 3A, 3B và 4A có khả năng đối kháng với vi khuẩn P. aeruginosa trên đĩa thạch. Chủng 3B có khả năng đối kháng mạnh nhất với bán kính vòng vô khuẩn là 6 mm. Khi sử dụng dịch nuôi cấy không chứa tế bào vi khuẩn, dịch nuôi cấy của chủng 4A có khả năng ức chế mầm bệnh mạnh nhất với bán kính vòng vô khuẩn là 6 mm. Trong điều kiện nhà lưới, các nghiệm thức áo củ với huyền phù 108 CFU/mL của hai chủng vi khuẩn 3B và 4A và chủng vào đất với huyền phù vi khuẩn 4A (108 CFU/mL) và 3B (109 CFU/mL) có hiệu quả giúp giảm bệnh thối củ, hiệu quả này duy trì đến thời điểm 12 ngày sau chủng bệnh. Kết quả định danh bằng phương pháp giải trình tự gen 16S rRNA kết hợp với khảo sát các đặc điểm hình thái và sinh hóa của vi khuẩn cho thấy chủng 3B là Bacillus safensis và chủng 4A là Bacillus stratosphericus.

Đánh giá khả năng duy trì hàm lượng polyphenol và hoạt tính kháng oxy hóa khi lên men rượu vang từ trái giác ở tỉnh Cà Mau sử dụng Saccharomyces cerevisiae CM3.2

Đoàn Thị Kiều Tiên, Bùi Hoàng Đăng Long, Lữ Hằng Nghi, Huỳnh Thị Ngọc Mi, Hà Thanh Toàn, Huỳnh Xuân Phong, Nguyễn Ngọc Thạnh, Ngô Thị Phương Dung
Tóm tắt | PDF
Trái giác (Cayratia trifolia L.) có chứa nhiều hợp chất sinh học với khả năng kháng oxy hóa được trồng nhiều ở tỉnh Cà Mau. Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá hàm lượng polyphenol tổng số và khả năng kháng oxy hóa của trái giác trước và sau khi lên men, khảo sát các điều kiện lên men sử dụng Saccharomyces cerevisiae CM3.2. Điều kiện lên men rượu vang trái giác được xác định với hàm lượng chất khô hòa tan ở 21,09 oBrix, pH 4,5, mật số giống chủng ban đầu 105 tế bào/mL và lên men ở nhiệt độ 35oC trong 5 ngày, sản phẩm đạt độ rượu là 12,46% v/v. Trong thử nghiệm lên men 1 L, rượu vang thành phẩm đạt hàm lượng rượu là 12,63% v/v và có giá trị cảm quan tốt; sản phẩm có hàm lượng polyphenol (0,53 mg GAE/mL) và khả năng kháng oxy hóa (44,9%) thay đổi không khác biệt ý nghĩa so với hàm lượng polyphenol (0,61 mg GAE/mL) và khả năng kháng oxy hóa (51,4%) của dịch trái trước khi lên men.