Ngày xuất bản: 27-12-2018

Nghiên cứu khả năng tạo gốc tự do trong nước bằng công nghệ plasma lạnh

Hồ Quốc Phong, Bùi Thị Hồng Loan, Bùi Thị Trúc Linh, Đặng Huỳnh Giao, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Văn Toàn, Huỳnh Liên Hương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tiến hành khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ gốc tự do sinh ra trong dung dịch nước bằng công nghệ plasma lạnh. Các yếu tố như lưu lượng dung dịch chảy qua điện cực, điện áp, thời gian chiếu xạ plasma, các chất hữu cơ và loại nước được khảo sát. Lưu lượng nước chảy qua hai điện cực được thay đổi từ 1 Lít/Phút (L/P) đến 5 L/P, điện áp thay đổi từ 12 kV đến 16 kV, thời gian xử lý từ 10 phút đến 60 phút. Ngoài ra, nghiên cứu còn tiến hành xem xét sự ảnh hưởng của buồng plasma gián tiếp và lưu lượng không khí bơm vào buồng plasma trực tiếp đến nồng độ gốc tự do. Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ gốc tự do giảm từ 7.57×10-2 xuống 5.41×10-2 mM khi tăng lưu lượng nước từ 1 đến 5 L/P. Nồng độ gốc tự do tăng từ 6.89×10-2 đến 7.77×10-2 mM khi tăng điện áp từ 12-16 kV. Nồng độ gốc tự do chiếm từ 7.52×10-2 đến 8.89×10-2 mM khi tăng thời gian chiếu xạ từ 10 đến 60 phút. Từ các kết quả trên, nghiên cứu đã xác định được các thông số vận hành để có hàm lượng gốc tự do lớn nhất cho quá trình xử lý là lưu lượng 1 đến 2 L/P, điện áp 16 kV và thời gian chiếu xạ là 60 phút. Hơn nữa, nghiên cứu còn cho thấy sự hiện diện các chất hữu cơ hay loại nước thải cũng ảnh hưởng mạnh đến nồng độ gốc tự do.

Yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn của nông dân ở tỉnh Trà Vinh

Hồng Minh Hoàng, Lê Thị Huỳnh Như, Nguyễn Hồng Tín, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Tưới tiết kiệm nước là một trong những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm lượng nước sử dụng tưới trong sản xuất nông nghiệp. Việc nâng cao nhận thức của nông dân và mở rộng diện tích canh tác sử dụng các kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, đặc biệt ở những vùng ven biển gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định yếu ảnh hưởng đến sự chấp nhận của hộ nông dân trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm trên cây trồng cạn ở tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu dựa vào khung sinh kế của Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) kết hợp với công cụ hồi quy nhị phân logistic để phân tích mối quan hệ định tính giữ biến phụ thuộc và biến độc lập của 05 nguồn vốn sinh kế với nguồn số liệu được thu thập qua phỏng vấn 225 nông dân tại 3 huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải. Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước của nông dân tại khu vực nghiên cứu là nông dân còn hạn chế tiếp cận thông tin liên quan đến hiệu quả của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác ở địa phương. Kết quả nghiên cứu là một thông tin hữu ích để hỗ trợ cho Chính quyền địa phương trong việc phát triển mô hình tưới tiết kiệm nước hoạt động sản xuất cây trồng cạn.

Phát triển thuật toán giám sát lũ lụt vùng Đồng bằng sông cửu Long dựa vào nền tảng Google Earth Engine

Võ Quốc Tuấn, Đặng Hoàng Khải, Huỳnh Thị Kim Nhân, Nguyễn Thiên Hoa
Tóm tắt | PDF
Xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lũ đóng vai trò quan trọng trong công tác đề phòng ngập lũ, tuy nhiên việc xử lý ảnh viễn thám sử dụng phương pháp xử lý truyền thống tồn tại nhiều hạn chế về nguồn dữ liệu ảnh, thời gian xử lý. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng ứng dụng nền tảng Google Earth Engine (GEE) trong thành lập bản đồ hiện trạng ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2015 đến 2017. Nghiên cứu đã phát triển phương pháp ngưỡng giá trị và đánh giá sự thay đổi ngưỡng giá trị của 20 bộ dữ liệu ảnh Sentinel-1 để xác định hiện trạng ngập lũ ở 2 thời điểm 2015 đến 2017 dựa trên nền tảng GEE. Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích ngập lũ năm 2017 là lớn nhất so với năm 2015 và 2016 với tổng diện tích là 900.000 ha vào tháng 10. Kết quả phân tích cho thấy có mối tương quan cao giữa diện tích ngập lũ từng tháng ở Đồng bằng sông Cửu Long với số liệu quan trắc thủy văn từng tháng tại hai trạm Tân Châu (trên sông Tiền) và Châu Đốc (trên sông Hậu). Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên áp dụng dữ liệu Sentinel-1 để theo dõi lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long và cho thấy kết quả rất khả quan. 

Phân lập, tuyển chọn và định danh một số dòng vi khuẩn có khả năng làm giảm màu mật rỉ đường sau lên men cồn từ một số hạt ngũ cốc

Võ Thị Lệ Trinh, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Mật rỉ đường sau lên men cồn (MRSLM) nếu không được xử lý trước khi xả thải sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và thủy sinh. Nghiên cứu nhằm phân lập một số dòng vi khuẩn từ hạt gạo, bắp, mè và đậu nành để giảm màu MRSLM. Môi trường khoáng tối thiểu lỏng chứa 30% MRSLM được sử dụng để định lượng khả năng giảm màu MRSLM. Lượng màu MRSLM còn lại trong môi trường nuôi cấy được xác định bằng phương pháp đo quang phổ ở bước sóng 650 nm. Kết quả cho thấy tổng cộng có 39 dòng vi khuẩn phân lập từ 4 loại hạt ngũ cốc. Trong đó, 10 dòng vi khuẩn phân lập từ hạt gạo và bắp thể hiện khả năng giảm màu MRSLM cao. Hai dòng vi khuẩn G4 và G5 lần lượt giảm 30% và 25,3% màu MRSLM sau 3 ngày nuôi cấy. Kết quả khảo sát với 3 chế phẩm chứa riêng lẻ vi khuẩn G4, G5 và cộng đồng vi khuẩn phân lập từ hạt gạo cho thấy sau 2 giai đoạn xử lý, khả năng giảm màu của 3 chế phẩm đều rất cao, lần lượt đạt 60,2%, 68,5% và 79,5% và cao hơn so với nghiệm thức đối chứng xử lý với nước cất (30%). Kết quả định danh thông qua 16S-rRNA cho thấy 2 dòng vi khuẩn G4 và G5 thuộc chi Enterococcus và có quan hệ gần gũi nhất với loài Enterococcus italicus G4 và Enterococcus italicus G5.

Đa dạng hệ thực vật bậc cao tại khu đất ngập nước Hòa An thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Cao Quốc Nam, Châu Quốc Mộng, Nguyen Thanh Dat, Lại Duy Lâm Ngọc
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 5 năm 2017 tại khu đất ngập nước Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Phương pháp điều tra thực địa, thu mẫu theo tuyến điều tra và ô tiêu chuẩn trong 06 sinh cảnh được áp dụng. Kết quả đã xây dựng được bảng danh lục các loài thực vật bậc cao gồm 56 loài thuộc 51 chi của 38 họ trong 2 ngành thực vật bậc cao. Hệ thực vật ở khu đất ngập nước Hòa An có các chỉ số đa dạng như sau: chỉ số chi là 1,1; chỉ số họ là 1,47 và số chi trung bình trong một họ là 1,34. Có 7 nhóm dạng sống được tìm thấy, trong đó nhóm dạng cây cỏ có tỷ trọng cao nhất. Có 55 loài cây có ích, trong đó nhóm cây dùng làm thuốc có số lượng loài nhiều nhất và có một loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007). Trong 6 kiểu sinh cảnh, mỗi kiểu sinh cảnh có những nhóm thực vật đặc thù.

Khảo sát hoạt tính sinh học của cao chiết lá cây vọng cách (Premna serratifolia (L.))

Đái Thị Xuân Trang, Trần Chí Linh, Nguyễn Thanh Nhị, Trần Thanh Mến, Phan Kim Định, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hoạt tính kháng oxi hóa, kháng khuẩn và kháng viêm của cao chiết methanol lá Vọng Cách (Premna serratifolia (L.). Kết quả cho thấy, cao chiết thể hiện hoạt tính kháng oxi hóa tốt khi khảo sát cả ba phương pháp DPPH, ABTS•+ và khử sắt. Thêm vào đó, cao chiết này cũng cho hiệu quả kháng khuẩn cao với 6 chủng vi khuẩn: Escherichia coli, Samonella typhimurium, Listeria innocua, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa và Vibrio parahaemolyticus, tuy nhiên nó không hiệu quả kháng lại 2 chủng vi khuẩn Bacillus cereus và Enterobacter cloacae khi thử nghiệm. Ngoài ra, cao chiết methanol lá Vọng Cách cũng thể hiện hoạt tính kháng viêm in vitro cao với giá trị IC50 = 4,33±0,52 µg/mL. Hàm lượng polyphenol và flavonoid được xác định là 59,55±0,22 mg GAE/g cao chiết và 609,62±15,21 mg QE/g cao chiết. Nghiên cứucho thấy, cây Vọng Cách là một dược liệu tiềm năng chứa nhiều các hợp chất kháng oxi hóa và kháng khuẩn tự nhiên.

Xây dựng ảnh của đồng cấu chuyển Singer hạng 3

Phạm Bích Như
Tóm tắt | PDF
Đối đồng điều của đại số Steenrod là một trong những đối tượng quan trọng trong việc tính nhóm đồng luân ổn định của mặt cầu thông qua dãy phổ Adams. Đồng cấu chuyển đại số  được xem như dạng đại số của đồng cấu chuyển hình học trên trang Es của dãy phổ Adams. Nó có khả năng phát hiện được nhiều phần tử không tầm thường trong đối đồng điều của đại số Steenrod. Một số tác giả đã nghiên cứu về vấn đề này trên trường có đặc số 2, tuy nhiên trên trường đặc số nguyên tố p lẻ vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Bài báo này xây dựng ảnh đồng cấu chuyển Singer hạng 3 trên trường có đặc số p lẻ và một số ví dụ trên trường có đặc số .

Ảnh và tạo ảnh của module con nguyên tố, module con lũy linh

Lê Phương Thảo, Nguyễn Thanh Hùng, Đỗ Thị Kim Thoản
Tóm tắt | PDF
Ideal nguyên tố và ideal lũy linh là các chủ đề nghiên cứu quan trọng của lý thuyết vành. Module con nguyên tố và module con lũy linh được xem là sự mở rộng của các khái niệm này trong lý thuyết module. Bài báo này nghiên cứu ảnh và tạo ảnh của các module con nguyên tố, ảnh và tạo ảnh của các module con lũy linh của một module trên vành không giao hoán. Các điều kiện để ảnh và tạo ảnh của các module con nguyên tố cũng là module con nguyên tố, ảnh và tạo ảnh của các module con lũy linh cũng là module con lũy linh được chỉ ra và chứng minh.

Tính liên tục Hölder của ánh xạ nghiệm bài toán điều khiển tối ưu phụ thuộc tham số

Lâm Quốc Anh, Trần Ngọc Tâm, Nguyễn Phúc Đức, Võ Thành Tài
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu sự ổn định nghiệm của bài toán điều khiển tối ưu phụ thuộc tham số với phương trình trạng thái tuyến tính. Các điều kiện đủ cho tính liên tục Hölder calm của ánh xạ nghiệm của bài toán đang xét được thiết lập. Ngoài ra, việc ứng dụng các kết quả đạt được vào trường hợp đặc biệt của bài toán tối ưu điều khiển cũng được nghiên cứu

Mờ hóa chuỗi thời gian dựa vào bài toán phân tích chùm

Võ Văn Tài, Nguyen Van Pha, Phạm Bích Như, Lê Thị Mỹ Xuân
Tóm tắt | PDF
Bài báo này đề xuất mô hình chuỗi thời gian để mờ hoá dữ liệu lịch sử và sử dụng nó dự báo cho tương lai. Mô hình này được xây dựng dựa trên các thuật toán tự động trong phân tích chùm và được thực hiện bởi các chương trình viết trên Matlab. Chúng là thuật toán xác định số lượng chùm thích hợp, các phần tử cụ thể trong mỗi chùm và mối quan hệ của mỗi phần tử với các chùm đã được thiết lập. Tính hiệu quả và sự thuận lợi của mô hình đề nghị được kiểm tra bởi nhiều bộ dữ liệu chuẩn và thực tế. Các ví dụ số này đã thể hiện những ưu điểm của mô hình được đề xuất so với các mô hình hiện tại và sự hiệu quả của nó trong các ứng dụng thực tiễn.

Ảnh hưởng của thời gian trữ trứng lên tỉ lệ ấp nở của vịt Xiêm Pháp dòng R31

Phạm Tấn Nhã
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành để đánh giá tỉ lệ nở của trứng trong các khoảng thời gian trữ trứng của vịt Xiêm Pháp dòng R31. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 3 nghiệm thức, 4 lần lặp lại, mỗi nghiệm thức tương ứng với số ngày trữ trứng, và được đưa vào ấp cùng máy ấp, gồm có: NT1: Trữ trứng 1 đến 3 ngày; NT2: trữ trứng 4 đến 5 ngày; NT3: trữ trứng 6 đến 7 ngày. Kết quả cho thấy, tỉ lệ không phôi của NT1, 2, 3 lần lượt là 10,66, 15,88, 12,30%. Bên cạnh đó, tỉ lệ chết phôi giai đoạn 1 thấp nhất ở NT1 là 1,83% và cao nhất là NT3 là 5,20%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê P

Phân lập và tuyển chọn một số dòng nấm hòa tan lân từ nền đất trồng lúa khô ngập xen kẽ kết hợp bón phân hữu cơ

Trần Thị Phương Thu, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Lân là một trong những nguyên tố chính quyết định năng suất cây trồng và nấm hòa tan lân đóng vai trò quan trọng trong gia tăng lượng lân hữu dụng cho cây trồng. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân lập và định danh một số dòng nấm hòa tan lân cao từ nền đất lúa tưới nước ngập khô xen kẽ kết hợp bón phân hữu cơ ở nhà lưới. Môi trường NBRIP dùng để phân lập và đánh giá khả năng hòa tan lân. Lân hòa tan được xác định bằng phương pháp hiện màu molybdate. Kết quả cho thấy tổng cộng có 37 dòng nấm có khả năng hòa tan lân được phân lập từ 7 mẫu đất. Trong đó, hai dòng nấm ký hiệu B1 và B10 hoà tan lân lần lượt đạt 2104 mg.L-1 và 2618 mg.L-1 sau 3 và 4 ngày thí nghiệm. Hai dòng nấm này đều hòa tan lân tốt ở mức pH từ 5-7, nhiệt độ 25oC-35oC, độ mặn lên đến 0,5-1% NaCl và hòa tan tốt các dạng lân khó tan như AlPO4 và FePO4. Kết quả định danh thông qua đoạn ITS cho thấy hai dòng nấm này được định danh khoa học lần lượt là Penicillium funiculosum B1 và Aspergillus tubingensis B10. Tóm lại, hai dòng nấm này có vai trò và tiềm năng quan trọng trong việc sản xuất chế phẩm vi sinh giúp gia tăng độ phì nhiêu đất, kích thích sinh trưởng cây trồng.

Phân lập và nhận diện dòng vi khuẩn chịu nhiệt cao có khả năng phân hủy lông gia súc - gia cầm

Huỳnh Kim Yến, Bùi Thị Minh Diệu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn những dòng vi khuẩn chịu nhiệt có khả năng phân hủy mạnh các cơ chất chứa keratin từ lông gia súc-gia cầm. Có 54 dòng vi khuẩn hiếu khí chịu nhiệt đã được phân lập từ 18 mẫu đất và hai mẫu nước thu được tại các lò giết mổ ở ba tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long và Kiên Giang. Với 54 dòng có khả năng phát triển và phân hủy keratin ở 45oC; 18 dòng phát triển ở 50oC; 5 dòng phát triển ở 55oC. Các mẫu được pha loãng và nuôi cấy trên môi trường bột lông vũ để phân lập và khảo sát khả năng phân hủy cơ chất chứa keratin của vi khuẩn. Đa số các dòng vi khuẩn được phân lập có khuẩn lạc màu trắng đục hoặc vàng nhạt, bìa nguyên với 23 dòng tế bào hình que và 31 dòng hình cầu (42 dòng Gram âm và 12 dòng Gram dương). Trong đó dòng KG2 thể hiện khả năng phân hủy keratin mạnh nhất ở 55 oC với kết quả phân hủy lông gia cầm là 57,91%; kết quả phân hủy lông gia súc là 35,06%. Kết quả xác định trình tự đoạn gen 16S ribosomal RNA cho thấy dòng KG2 đồng hình 97% với dòng Bacillus megaterium AIMST 3.Ei.1.

Tối ưu hóa quá trình nhân mật số bào tử xạ khuẩn Streptomyces albaduncus bằng ma trận Plackett-Burman và phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) - phương án cấu trúc có tâm (CCD)

Nguyễn Quang Tiến, Nguyễn Đắc Khoa, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Xạ khuẩn Streptomyces albaduncus có khả năng giúp giảm bệnh thối đế củ hành tím (Allium cepa var. ascalonicum) do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Mục tiêu của nghiên cứu này tìm ra giá trị tối ưu của các yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình nhân mật số bào tử xạ khuẩn, làm tiền đề tạo chế phẩm ứng dụng vào thực tế sản xuất. Thí nghiệm đa yếu tố theo ma trận Plackett-Burman được thực hiện để sàng lọc các yếu tố vật lý và hóa học tác động đến sự hình thành bào tử xạ khuẩn. Kết quả cho thấy 3 yếu tố gồm độ ẩm ban đầu, thời gian nuôi cấy và hàm lượng CaCO3 có tác động mạnh nhất. Khi thí nghiệm được thực hiện theo phương pháp đáp ứng bề mặt (RSM) - phương án cấu trúc có tâm (CCD), giá trị tối ưu của yếu tố độ ẩm ban đầu được xác định là 54%v/w, thời gian nuôi cấy là 3,6 ngày và hàm lượng CaCO3 là 3 g. Mô hình này đã được kiểm định thông qua thí nghiệm thực tế, kết quả đạt 4,8 x 109 bào tử/g chất khô. Ma trận Plackett-Burman kết hợp với RSM-CCD được đánh giá là công cụ phù hợp để tối ưu hóa giá trị của các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình nhân mật số vi sinh vật.

Ảnh hưởng của nhiệt độ định hình gel đến một số tính chất lý hóa của chả cá làm từ thịt vụn redfish (Sebastes marinus) xay

Trần Thị Huyền, Hoàng Ngọc Anh
Tóm tắt | PDF
Hai chế độ nhiệt độ lạnh (0-4°C) và nhiệt độ phòng (18-20°C) được nghiên cứu định hình gel trong chả cá làm từ 3 loại thịt vụn redfish xay (loại tươi, loại đã bảo quản đông một tháng và loại đã bảo quản đông sáu tháng, ký hiệu lần lượt là NLT, BQ1 và BQ6). Kết quả đánh giá một số tính chất lý hóa của chả cá đã được chỉ ra. Chế độ định hình gel 18-20°C cho sản lượng hấp chín thấp nhất (86,3±1,7%) ở mẫu chả cá làm từ thịt vụn redfish xay BQ6. Nhiệt độ định hình không ảnh hưởng đáng kể tới độ trắng, hàm ẩm và hàm lượng lipid của chả cá, nhưng lại tạo ra sự khác biệt về pH và thành phần phospholipid của sản phẩm chả cá làm từ thịt redfish xay BQ1. Mặc dù điểm cảm quan độ dai của chả cá chưa cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về ảnh hưởng của hai chế độ nhiệt độ định hình (77-83 điểm, 68-71 điểm, và 64-67 điểm tương ứng với điểm cảm quan độ dai của chả cá từ thịt redfish xay NLT, BQ1 và BQ6); nhưng các giá trị đo cho thấy chế độ nhiệt độ định hình 18-20°C có thể tạo cho chả cá từ nguyên liệu NLT giá trị lực cắt và lực phá vỡ cao hơn so với chế độ nhiệt độ định hình 0-4°C.

So sánh hiệu quả giảm bệnh của các chủng vi khuẩn Bacillus sp. và Serratia nematodiphila đối kháng với vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây bệnh cháy bìa lá lúa

Nguyễn Huỳnh Nhã Uyên, Nguyễn Đắc Khoa, Nguyễn Thị Cẩm Vân
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm so sánh hiệu quả giảm bệnh của sáu chủng vi khuẩn đối kháng với vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) bao gồm Bacillus aerophilus HG33, B. pumilus TG71, B. safensis AG131, B. stratosphericus AG62, B. subtilis ST115 và Serratia nematodiphila CT78, từ đó tìm ra mật số thấp nhất mà chủng vi khuẩn tốt nhất còn duy trì hiệu quả giảm bệnh trong điều kiện nhà lưới. Đường chuẩn tương quan giữa mật số và giá trị hấp thụ quang phổ của sáu chủng vi khuẩn đối kháng được xây dựng để chuẩn bị huyền phù vi khuẩn. Sáu chủng vi khuẩn trên được so sánh hiệu quả giảm bệnh cháy bìa lá lúa ở mật số 107 CFU/mL, trong đó biện pháp ngâm hạt được áp dụng cho ba chủng B. aerophilus HG33, B. subtilis ST115 và S. nematodiphila CT78 còn biện pháp chủng vào đất được áp dụng cho ba chủng B. pumilus TG71, B. safensis AG131 và B. stratosphericus AG62. Qua hai thí nghiệm độc lập, chủng B. stratosphericus AG62 cho thấy hiệu quả giảm bệnh tốt nhất. Chủng B. stratosphericus AG62 được tuyển chọn để khảo sát hiệu quả giảm bệnh ở những mật số thấp hơn gồm 106, 105 và 104 CFU/mL. Nghiệm thức chủng huyền phù vi khuẩn vào đất ở mật số 106 CFU/mL giúp giảm chiều dài vết bệnh so với đối chứng qua cả ba thời điểm 5, 10 và 15 ngày sau chủng bệnh; hiệu quả giảm bệnh tương đương khi xử lý với mật số 107 CFU/mL.

Đánh giá phương pháp xử lý mây trên chuỗi ảnh MODIS trong thành lập bản đồ hiện trạng

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Trần Lệ Phương Linh, Nguyễn Trọng Cần, Huỳnh Thị Thu Hương
Tóm tắt | PDF
Đề tài thực hiện nhằm giải quyết vấn đề ảnh hưởng mây trên chuỗi ảnh MODIS đã xử lý mây phạm vi tỉnh Vĩnh Long năm 2017. Bộ dữ liệu MODIS được sử dụng gồm MOD09A1 và MOD09Q1 với độ phân giải thời gian là 8 ngày và độ phân giải không gian lần lượt là 500 m, 250 m bao phủ khu vực tỉnh Vĩnh Long từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/12/2017 được sử dụng để nghiên cứu xử lý mây. Nghiên cứu ứng dụng quy trình loại mây trên sản phẩm MOD09Q1 với sự kết hợp sản phẩm MOD09A1, tiền xử lý ảnh, tạo chuỗi ảnh chỉ số khác biệt thực vật (NDVI) và phân loại phi giám sát theo thuật toán K-means nhằm đánh giá hiệu quả xử lý mây trong xác định hiện trạng. Kết quả thu được bộ dữ liệu MODIS không mây năm 2017 và xây dựng bản đồ hiện trạng đất chuyên trồng lúa tỉnh Vĩnh Long. Bản đồ phân loại sau khi xử lý mây có độ chính xác toàn cục đạt 74,44%. Sự khác biệt không lớn về độ tin cậy của ảnh phân loại trước và sau khi loại mậy chỉ khác biệt khoảng 2,22%. Tuy nhiên, ảnh MODIS với bộ dữ liệu MOD09Q1 sau khi xử lý mây bằng phương pháp được đề cập trong nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong công tác theo dõi lớp phủ thực vật đặc biệt là đất trồng lúa.

Đánh giá phương pháp xác định nhu cầu phân bón NPK lên năng suất bắp lai trên đất phù sa bao đê và không bao đê tại An Phú - An Giang

Lê Phước Toàn, Ngô Ngọc Hưng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá phương pháp xác định lượng phân N, P và K cần bón cho bắp lai dựa trên năng suất bắp lai trên đất phù sa An Phú – An Giang. Thí nghiệm được thực hiện vào 2 vụ Đông Xuân 2014 -2015 và 2015 – 2016 với sáu nghiệm thức (i) bón NPKCaMg (200N); (ii) bón khuyết N; (iii) bón khuyết P; (iv) bón khuyết K; (v) bón NPKCaMg (160N); (vi) thực tế bón phân của nông dân (FFP). Trên nguyên lý SSNM, phương pháp xác định nhu cầu phân N dựa vào hiệu quả thu hồi (REN) với liều lượng phân đáp ứng nhu cầu năng suất bắp lai thực tế địa phương so với bón theo phương pháp hiệu quả nông học (AEN). Nhu cầu phân P và K được xác định dựa vào lượng phân được loại bỏ bằng hạt và lượng phân tăng theo đáp ứng năng suất mục tiêu. Đất phù sa An Phú – An Giang trên cùng một năng suất đạt được (11-12 tấn/ha) nhu cầu bón NPK trên đất có bao đê cao hơn đất không bao đê. Khả năng cung cấp N từ đất đạt từ 45-50%, đối với P và K khả năng cung cấp từ đất >80%, khả năng cung cấp dưỡng chất NPK từ đất theo thứ tự K>P>N. Đất bao đê có khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng NPK từ đất thấp hơn so với đất không bao đê, khả năng cung cấp dưỡng chất NPK từ đất theo thứ tự 51-80-91%; 54-86-91%.

Đánh giá khả năng chịu mặn của 12 giống lúa địa phương tỉnh Trà Vinh bằng dấu phân tử DNA và chỉ tiêu K+/Na+ ở lúa

Huỳnh Kỳ, Nguyễn Lộc Hiền, Trần Hữu Phúc, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Văn Quốc Giang
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm đánh giá khả năng chịu mặn của 12 giống lúa tỉnh Trà Vinh qua khả năng hấp thụ K+/Na+ và tỷ lệ sống sót sau khi xử lý mặn ở nồng độ 6‰ NaCl trong môi trường dinh dưỡng Yoshida kết hợp với dấu phân tử RM336, RM10825 và RM10793. Kết quả cho thấy, các giống lúa Chim Vàng, Ba Túc, ST5, Bạc Liêu, Lúa Sỏi, Một Bụi Đỏ, TV13 và Trắng Tép có kiểu gen tại các loci RM10825 và RM10793 tương tự như giống đối chứng Pokkali (cho sản phẩm PCR là 85bp với RM10793 và 137bp với RM10825) và đều cho tỷ lệ K+/Na+hấp thụ tương ứng. Chứng tỏ các giống lúa này có kiểu gen chống chịu mặn tương tự như đối chứng Pokkali. Dấu phân tử RM336 đã giúp xác định được các giống lúa Tài Nguyên Hạt Tròn, Ba Túc, ST5, Tài Nguyên, Bạc Liêu, Lúa Sỏi, Một Bụi Đỏ, Trắng Tép có thể mang QTL qPH7.1s (cùng có band 164 bp như Pokkali) và cũng đều cho tỷ lệ tăng chiều cao tốt trong điều kiện mặn ở nồng độ muối 6‰. Tuy nhiên, hai giống Lúa Sỏi và Một Bụi Đỏ cho thấy các đặc tính chịu mặn vượt trội qua khả năng tăng trưởngchiều cao cây và hấp thu ion K+ và Na+. Kết quả này cho thấy các giống lúa khảo sát hiện diệnvị trí tính trạng số lượng (QTL) quy định tínhchống chịu mặn như giống chuẩn chống chịu Pokkali và cũng là cơ sở cho nghiên cứu tiếp theo

Ảnh hưởng của bột tỏi (Allium sativum), bột gừng (Zingiber officinal) và bột sả (Cymbopogon citratus) đến chất lượng chả cá thát lát còm (Chitala ornata) bảo quản lạnh

Lê Thị Minh Thủy, Lê Ngọc Khương, Lê Thị Kim Thoa, Nguyễn Văn Thơm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích khảo sát sự ảnh hưởng của thời gian sấy đến hoạt tính chống oxy hóa của bột tỏi, gừng và sả và sự biến đổi chất lượng của sản phẩm chả cá thát lát còm khi phối trộn các loại bột này và bảo quản lạnh trong 20 ngày (4±1ºC). Kết quả nghiên cứu cho thấy bột tỏi và bột sả được sấy trong 5 giờ, bột gừng sấy trong 4 giờ ở cùng nhiệt độ 60-70ºC cho sản phẩm có khả năng chống oxy hóa tốt nhất. Mẫu chả cá được bổ sung 1% bột tỏi hoặc 2% bột gừng hoặc 2 % bột sả có khả năng hạn chế  sự oxy hóa lipid, hiệu quả kháng khuẩn và chỉ số TVB-N thấp hơn so với mẫu đối chứng (mẫu không bổ sung các chất chống oxy hóa). Chất lượng cảm quan của mẫu được bổ sung 1% bột tỏi kéo dài khoảng 14 ngày và 16 ngày ở mẫu được bổ sung 2% bột gừng hoặc 2% bột sả, còn đối với mẫu đối chứng là 8 ngày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy có thể sử dụng bột tỏi, bột gừng và bột sả như là phụ gia thực phẩm nhằm kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hiện trạng khai thác cá bông lau (Pangasius krempfi) và cá tra bần (Pangasius mekongensis) ở cửa sông Tiền

Lê Dương Ngọc Quyền, Dương Thúy Yên
Tóm tắt | PDF
Hiện trạng khai thác cá bông lau (Pangasius krempfi) và cá tra bần (Pangasius mekongensis) ở các cửa sông Tiền được đánh giá ở 3 khu vực thuộc 5 cửa sông: cửa Tiểu – cửa Đại, cửa Hàm Luông và cửa Cổ Chiên – cửa Cung Hầu, từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 12 năm 2017. Thông tin về ngư cụ, sản lượng, mùa vụ và kích cỡ khai thác hai loài cá được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 45 ngư dân có khai thác cá bông lau và cá tra bần dựa trên bảng câu hỏi đã soạn sẵn. Kết quả cho thấy có 3 loại ngư cụ đánh bắt gồm: lưới rê (chiếm 68,9%), câu đường (chiếm 20%) và câu cần (chiếm 11,1%). Cá bông lau và cá tra bần được khai thác quanh năm nhưng mùa vụ khai thác tập trung từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 10. Kích cỡ khai thác của hai loài dao động trong khoảng lớn: cá bông lau từ 0,1 – 15 kg/con (phổ biến 4 – 5 kg/con) và cá tra bần 0,1 – 30 kg/con (phổ biến 5 – 10 kg/con). Cá tra bần khan hiếm hơn cá bông lau. Nguồn lợi hai loài cá này hiện nay bị suy giảm và kích cỡ thu hoạch ngày nhỏ hơn so với 5 hoặc 10 năm trước, nguyên nhân do việc khai thác quá mức, nguồn cá giống suy giảm và do sử dụng những ngư cụ mang tính hủy diệt.

Đánh giá khả năng bổ sung bí đỏ (Cucurbita pepo) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

Lê Quốc Việt, Trần Minh Phú, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng bổ sung bí đỏ (Cucurbita peppo) làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: (i) 100% thức ăn viên (đối chứng); (ii) bổ sung 10% bí đỏ; (iii) 20% bí đỏ và (iv) 30% bí đỏ; các nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Tôm được bố trí trong bể có thể tích 200 L và nước có độ mặn 15‰. Tôm có khối lượng ban đầu 0,57±0,07 g (4,11±0,21 cm) và mật độ nuôi là 150 con/m3 (30 con/200L/bể). Sau 60 ngày nuôi, khối lượng và tỷ lệ sống trung bình của tôm khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức, dao động lần lượt là 10,79 – 12,15 g và 62,2 – 72,2%. Tuy nhiên, sinh khối của tôm giữa các nghiệm thức khác biệt có ý nghĩa thống kê. Trong đó, sinh khối tôm đạt cao nhất (1,27 kg/m3) ở nghiệm thức bổ sung 30% bí đỏ và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng (1,04 kg/m3), nhưng khác biệt không ý nghĩa so với nghiệm thức bổ sung 10 và 20% bí đỏ (1,22 kg/m3 và 1,11 kg/m3). Kết quả cho thấy khi bổ sung 10% bí đỏ làm thức ăn cho tôm thẻ thì chất lượng của tôm nuôi được cải thiện và chi phí sử dụng thức ăn thấp (37.262 đ/kg tôm thương phẩm).

Hiện trạng nghề khai thác lưới kéo và lươi rê (tàu<90 CV) ở tỉnh Kiên Giang

Mai Viết Văn, Lê Thị Huyền Chân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2017 thông qua phỏng vấn 60 hộ ngư dân (30 hộ làm nghề lưới kéo và 30 hộ làm nghề lưới rê). Các biến nghiên cứu chính bao gồm: đặc điểm của hộ ngư dân, các thông số kỹ thuật ngư cụ, ngư trường, lao động, mùa vụ khai thác; sản lượng, hiệu quả tài chính, thuận lợi và khó khăn của nghề lưới kéo và lưới rê. Kết quả cho thấy nghề khai thác thủy sản bằng lưới kéo và lưới rê ven bờ tỉnh Kiên Giang diễn ra quanh năm tại các ngư trường ven bờ Tây Nam Bộ. Sản lượng khai thác bình quân nghề lưới kéo 37.330,50 kg/tàu/năm với năng suất 845,75 kg/CV/năm và của nghề lưới rê là 6.445,60 kg/tàu/năm, năng suất 304,97 kg/CV/năm. Lợi nhuận của nghề lưới kéo 1.151,4 triệu đồng/tàu/năm với tỷ suất lợi nhuận 1,32 lần cao hơn nhiều so với lợi nhuận của nghề lưới rê 342,6 triệu đông/tàu/năm với tỷ suất lợi nhuận 1,01 lần. Nguồn lợi thủy sản ven bờ tỉnh Kiên Giang đang ngày càng suy giảm. Cần tăng cường kiểm soát các phương thức và cường lực khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững.

Kiểu sục khí và nền đáy tác động đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của sò huyết (Anadara granosa) giai đoạn giống

Ngô Thị Thu Thảo, Lê Văn Bình, Bùi Nhựt Thành
Tóm tắt | PDF
Hệ thống ương là một trong những yếu tố kỹ thuật quan trọng trong thực tế sản xuất giống sò huyết (Anadara granosa). Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của các hệ thống ương bao gồm kiểu sục khí và nền đáy đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của sò huyết giai đoạn giống. Thí nghiệm gồm có 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại: 1) Nền đáy bùn kết hợp sục khí bình thường (B-BT), 2) Không có nền đáy kết hợp sục khí bình thường (KB-BT), 3) Nền đáy bùn kết hợp sục khí nước trồi (B-T), 4) Không có nền đáy kết hợp sục khí nước trồi (KB-T). Sò huyết được cho ăn hằng ngày bằng tảo thu từ hệ thống cá rô phi-nước xanh kết hợp với thức ăn tổng hợp Lansy (ZM). Kết quả sau 60 ngày ương cho thấy, tốc độ tăng trưởng của sò huyết ở nghiệm thức có nền đáy bùn cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức nền đáy không bùn. Khối lượng của sò huyết trong nghiệm thức B-BT (77,8±0,60 mg) khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) so với nghiệm thức B-T (76,0±1,25 mg). Tỷ lệ sống của sò huyết đạt cao nhất ở nghiệm thức B-T (82,9±4,44 %) và khác biệt so với nghiệm thức KB-BT (67,0±3,84 %). Nghiên cứu này cho thấy sò huyết giống với chiều dài 4,88 mm và khối lượng 30 mg ương trong hệ nước trồi đạt tỷ lệ sống cao, tuy nhiên cần có nền đáy bùn để đạt tăng trưởng tốt hơn.

Ảnh hưởng của màu sắc ánh sáng lên sự phát triển của tảo Spirulina platensis

Kim Lệ Chân, Trương Quốc Phú, Trần Sương Ngọc, Huỳnh Thị Ngọc Hiền
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của màu sắc ánh sáng lên sự sinh trưởng, phát triển và thành phần dinh dưỡng của tảo Spirulina platensis nhằm tìm ra điều kiện chiếu sáng thích hợp giúp tiết kiệm năng lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức được bố trí khối ngẫu nhiên với ánh sáng đỏ (bước sóng 664 nm), tổng hợp (đỏ + lam theo tỉ lệ 1: 1), lam (bước sóng 432 nm), trắng.  Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy thời gian tảo S. platensis phát triển đạt mật độ cực đại khác biệt giữa các nguồn ánh sáng, tảo đạt cực đại ở ngày nuôi thứ 7 cho ánh sáng đỏ, ngày nuôi thứ 12 cho ánh sáng tổng hợp, ngày nuôi thứ 15 cho ánh sáng lam và 17 ngày nuôi cho ánh trắng. Mật độ tảo, trọng lượng khô, hàm lượng chlorophyll-a, carotenoid,  protein và lipid cao nhất ở nghiệm thức ánh sáng tổng hợp, thêm vào đó điện năng tiêu thụ đến khi tảo  S. platensis phát triển cực đại ở nghiệm thức ánh sáng tổng hợp thấp hơn ánh sáng lam và trắng, do đó ánh sáng tổng hợp có thể  được lựa chọn để thay thế cho ánh sáng trắng trong nuôi tảo S.platensis nhằm  đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Xây dựng trò chơi hỗ trợ dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1

Phạm Thị Thắm
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu các vấn đề cơ bản của trò chơi trong dạy học Tiếng Việt và thực trạng sử dụng trò chơi trong dạy học Tiếng Việt cho học sinh (HS) lớp 1, từ đó xây dựng các trò chơi cho HS lớp 1 với mục đích khắc phục các khó khăn trong dạy học Tiếng Việt cho HS lớp 1, giúp các em vui vẻ, hứng thú học tập, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.  

Thực trạng tổ chức dạy học trải nghiệm của giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Thị Ngọc Phúc
Tóm tắt | PDF
Kết quả nghiên cứu nhằm làm rõ thực tiễn tổ chức dạy học trải nghiệm (DHTN) trong đào tạo giáo viên của đội ngũ giảng viên (GV) ở Khoa Sư phạm (KSP) Trường Đại học Cần Thơ. Bài báo dựa trên nghiên cứu lí luận về DHTN, khảo sát 31 GV, phỏng vấn 7 GV là cán bộ quản lí các bộ môn (BM) trực thuộc KSP (trưởng, phó trưởng bộ môn và tổ trưởng chuyên ngành, trong đó có BM Tâm lí - Giáo dục) kết hợp quan sát thực tế giảng dạy một số giờ học. Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số GV (quản lí và giảng dạy) có nhận thức cơ bản về DHTN và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, giúp sinh viên (SV) phát triển các phẩm chất và năng lực nghề nghiệp dựa trên lí thuyết này. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác biệt về nhận thức cũng như thực tế vận dụng DHTN trong đào tạo giữa các GV, giữa nhóm GV tổ phương pháp và các tổ chuyên ngành khác ở KSP. Nhìn chung, các hoạt động DHTN còn mang tính riêng lẻ, chưa có sự kết nối và GV vẫn còn gặp một số khó khăn, cần có những biện pháp cơ bản về hoàn thiện chương trình đào tạo, nâng cao năng lực GV, quản lí chặt chẽ quá trình rèn luyện và phát triển năng lực của SV.

Quan điểm về giáo dục STEM từ sinh viên Sư phạm Vật lí Đại học Cần Thơ

Đỗ Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Thúy Hằng
Tóm tắt | PDF
Giáo dục tích hợp STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật và Toán) đang là một định hướng giáo dục được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, STEM nên được triển khai như thế nào, đặc biệt là vào bối cảnh các nước đang phát triển như Việt Nam với những hạn chế nhất định về kinh tế và cơ sở vật chất vẫn là những vấn đề đang được quan tâm và cần được nghiên cứu và tìm hiểu. Hiện nay, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về giáo dục STEM, từ đó dẫn đến định hướng triển khai giáo dục STEM cũng rất đa dạng và chưa thống nhất. Để triển khai dạy học STEM hiệu quả và đồng bộ cần hiểu rõ nhận định về giáo dục STEM của các nhà giáo dục và các nhà giáo dục tương lai, từ đó tìm ra tiếng nói chung hoặc cách thức phù hợp để triển khai định hướng giáo dục này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo. Bài viết này trình bày ý kiến của 185 sinh viên Sư phạm Vật lí các khóa 40, 41 và 42 của Đại học Cần Thơ về giáo dục STEM, để từ đó có định hướng triển khai hướng dẫn giảng dạy STEM phù hợp.

Sử dụng phần mềm IATA để phân tích, đánh giá và nâng cao chất lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong chương hàm số lũy thừa, hàm số mũ, hàm số lôgarit

Bùi Anh Kiệt, Bùi Nguyên Phương
Tóm tắt | PDF
Bài viết này trình bày tổng quan về Lý thuyết ứng đáp câu hỏi (IRT) cũng như giới thiệu sơ lược về cách cài đặt và sử dụng phần mềm IATA – một phần mềm dùng để phân tích, đánh giá câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) dựa trên nền tảng IRT. Đồng thời, quy trình biên soạn và thẩm định một đề kiểm tra TNKQ dưới sự hỗ trợ của phần mềm IATA cũng được đề xuất trong bài viết. Cuối cùng, cách phân tích, đánh giá một số câu hỏi được biên soạn trong chương hàm số mũ, hàm số lũy thừa và hàm số lôgarit theo quy trình đã nêu cũng được trình bày, nhằm mục đích nâng cao chất lượng cho các câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Đặc điểm lao động Việt Nam hiện nay

Nguyễn Quang Giải
Tóm tắt | PDF
Để phác thảo đặc điểm nguồn nhân lực theo vùng kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay, nguồn dữ liệu lao động, việc làm những năm gần đây của Tổng cục Thống kê được sử dụng cho việc phân tích, đánh giá thực trạng lao động thông qua so sánh vùng  miền cả nước. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, lao động Việt Nam nói chung và vùng miền nói riêng chủ yếu là lao động giản đơn chưa qua đào tạo tay nghề; mặt khác có sự cách biệt khá xa về chất lượng lao động giữa các vùng kinh tế - xã hội; và các tiểu vùng. Do vậy, để rút ngắn khoảng cách, nâng cao nguồn nhân lực giữa các vùng miền đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, từng bước hội nhập vào thị trường lao động khu vực và quốc tế vấn đề đặt ra là các chính sách và giải pháp của chính phủ cần tiếp cận và chú ý đến sự khác biệt lao động theo vùng miền, tiểu vùng kinh tế - xã hội cả nước dựa trên đặc điểm cung - cầu lao động hiện nay.

Hồi ký cách mạng trong văn học Việt Nam hiện đại

Lê Thị Nhiên
Tóm tắt | PDF
Thông qua việc khảo sát toàn diện, hệ thống tiểu loại hồi ký cách mạng, bài viết này làm rõ khái niệm hồi ký cách mạng. Bên cạnh đó, bài viết còn cho thấy những đóng góp quan trọng của hồi ký cách mạng trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại trên các phương diện: tác giả và tác phẩm, nội dung phản ánh, nghệ thuật. Từ đó, khẳng định rằng, hồi ký cách mạng đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho diện mạo của văn học Việt Nam.

Nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ trong bối cảnh từ truyện ngắn Sơn Nam

Trần Văn Thịnh
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ, xác định được nguồn cung cấp tư liệu là nhiệm vụ đầu tiên của nhà nghiên cứu. Trong quá trình vận dụng lý thuyết “folklore trong bối cảnh” để tìm kiếm các nguồn cung cấp tư liệu, các truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam đã đáp ứng rất tốt các điều kiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam là nguồn cung cấp phong phú các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian ở Nam Bộ, mà các sinh hoạt này là đối tượng nghiên cứu quan trọng của hướng nghiên cứu văn hóa dân gian trong bối cảnh. Bài viết chỉ ra những đặc điểm, vai trò và vị trí của đối tượng nghiên cứu này trong nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ.

Âm nhạc truyền thống và văn học trung đại Việt Nam

Đồng Tuyết Nhi, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Tóm tắt | PDF
Âm nhạc truyền thống và văn học trung đại Việt Nam có những ảnh hưởng qua lại cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Dưới những hình thức, vị trí và vai trò khác nhau, các yếu tố của văn học trung đại đã trở thành một phần chất liệu của các tác phẩm âm nhạc truyền thống. Ngược lại, các yếu tố của âm nhạc truyền thống cũng để lại dấu ấn đậm nhạt với những mức độ khác nhau trong tác phẩm văn học trung đại Việt Nam. Bên cạnh những dấu ấn của âm nhạc truyền thống, văn học trung đại Việt Nam còn thể hiện đánh giá của các tác giả đối với một số loại hình âm nhạc truyền thống, qua đó, không những thể hiện sự nhạy cảm của các nhà văn với âm nhạc mà còn thể hiện sự trân trọng của họ đối với người nghệ sĩ.

Giới thiệu sắc phong tỉnh Đồng Tháp

Đỗ Thị Hà Thơ
Tóm tắt | PDF
Tỉnh Đồng Tháp hiện còn lưu giữ số lượng lớn các đạo sắc phong được ban vào triều Nguyễn, đang đứng trước nguy cơ bị mai một, song chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức. Vì vậy, thông tin lịch sử quan trọng trong văn bản chưa được giới thiệu, cung cấp cho việc tìm hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử đất và người Đồng Tháp. Trong phạm vi bài viết này giới thiệu các bản sắc phong khảo sát được trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, làm cơ sở cho việc nghiên cứu các vấn đề nói trên.

Giáo dục khởi nghiệp: Kinh nghiệm Trung Quốc và một số đề xuất đối với Việt Nam

Thái Văn Thơ, Lý Ngọc Yến Nhi
Tóm tắt | PDF
Với những tác động tích cực của khởi nghiệp đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, vấn đề định hướng, thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia. Bằng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh và đối chiếu, bài viết sẽ góp phần giới thiệu mô hình giáo dục khởi nghiệp tại Trung Quốc, phản ánh thực trạng và đánh giá khái quát về giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua, từ đó đưa ra một số đề xuất đối với giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam thời gian tới.

Tính bền vững và lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng nông sản

Lê Bảo Toàn, Bùi Văn Trịnh
Tóm tắt | PDF
Mục đích của bài viết là đề xuất hướng nghiên cứu để thực nghiệm kiểm tra tác động của tính bền vững bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường đến lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp (nông sản). Nghiên cứu tài liệu là phương pháp chính của bài viết này để tổng kết và thảo luận các nghiên cứu trước đây liên quan đến chủ đề ở các nước trên thế giới và trong nước. Tổng quan cho thấy lý thuyết các bên liên quan là một trong những cách tiếp cận chính trong nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu quản lý chuỗi cung ứng. Trong nước, chưa có nhiều nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng nông sản tiếp cận theo quan điểm bền vững. Đây là chủ đề cụ thể, nhưng hiện tại ít được thảo luận và đánh giá để đóng góp vào sự phát triển lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng nông sản lý luận lẫn thực tiễn.

Ứng dụng lý thuyết hành vi theo kế hoạch phân tích ý định hành vi du lịch có trách nhiệm về bảo vệ môi trường của du khách nội địa tại thành phố Cần Thơ

Hồ Lê Thu Trang, Phan Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết hành vi theo kế hoạch (the theory of planned behavior – TPB) nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố gồm kinh nghiệm trong quá khứ, thái độ, tiêu chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi đến ý định hành vi du lịch có trách nhiệm về bảo vệ môi trường của khách du lịch nội địa tại thành phố Cần Thơ. Cuộc khảo sát với 131 khách du lịch nội địa tại thành phố Cần Thơ đã được thực hiện dựa trên bảng câu hỏi. Kết quả mô hình hồi quy tuyến tính cho thấy cả bốn nhân tố đều ảnh hưởng đến ý định hành vi du lịch có trách nhiệm của du khách nội địa. Đặc biệt, kinh nghiệm trong quá khứ là biến ảnh hưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nâng cao hành vi du lịch có trách nhiệm về bảo vệ môi trường của du khách thông qua các đề xuất cải thiện các nhân tố ảnh hưởng đã xác định được trong nghiên cứu. 

Phân tích hiệu quả kinh tế mô hình lúa – tôm tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thùy Trang, Trần Minh Hải, Võ Hồng Tú, Huỳnh Việt Khải
Tóm tắt | PDF
Luân canh lúa – tôm được xem là mô hình có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng gần đây một số nông hộ đã chuyển sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu thực hiện ước lượng hiệu quả kinh tế và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho 70 nông hộ lúa – tôm tại huyện An Biên, Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù chi phí nuôi tôm chiếm tỷ trọng 47,87%, thấp hơn chi phí trồng lúa 53,13% nhưng lợi nhuận từ tôm cao hơn 4,25 lần so với lúa. Hiệu quả kinh tế trung bình là 52,1 %, cho thấy nông hộ có thể giảm 47,9% chi phí mà không làm giảm đầu ra. Nghiên cứu cũng cho thấy trình độ học vấn và tập huấn ảnh hưởng thuận trong khi khoảng cách từ đất canh tác đến đường giao thông ảnh hưởng nghịch đến hiệu quả kinh tế.

Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và kiến nghị hoàn thiện

Võ Nguyễn Nam Trung, Trần Vang Phủ
Tóm tắt | PDF
Bên cạnh các quy định về điều kiện cấp phép xây dựng, nghĩa vụ của cơ quan cấp phép thì quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng giữ vai trò hết sức quan trọng để công tác quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng được hiệu quả, khách quan và minh bạch. Bài viết này tập trung phân tích các quy định pháp luật đang được áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và kiến nghị hoàn thiện các quy định này.