Ngày xuất bản: 26-06-2024

Nghiên cứu sản xuất syngas từ RDF và mô phỏng đặc tính hòa trộn nhiên liệu của động cơ dual fuel sử dụng hỗn hợp khí linh hoạt

Phùng Minh Tùng, Bùi Văn Hùng, Võ Anh Vũ
Tóm tắt | PDF
Việc sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy thực hiện lộ trình Net Zero. Hệ thống năng lượng tái tạo hybrid solar-biomass khắc phục được nhược điểm của năng lượng tái tạo. Trong đó, động cơ đốt trong chạy bằng hỗn hợp các khí syngas, biogas và hydrogen cần được nghiên cứu phát triển. Chế biến chất thải rắn thành RDF (Refuse-Derived Fuel) rồi khí hóa chúng thành syngas cho phép lưu trữ biomass để sử dụng theo kế hoạch, góp phần ổn định công suất hệ thống năng lượng tái tạo. Nghiên cứu mô phỏng và thực nghiệm cho thấy hệ số không khí trong khoảng từ 0,3 đến 0,4 để đảm bảo khí hóa đạt hiệu suất cao nhất. Vì tỉ lệ không khí/nhiên liệu của syngas thấp nên động cơ sử dụng hỗn hợp khí cần có hệ thống điều khiển quá trình cung cấp linh hoạt. Nhiệt trị syngas thấp khiến công suất động cơ giảm đến 40% so với khi chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Syngas được phun trực tiếp giúp cải thiện công suất động cơ syngas nói riêng và động cơ sử dụng nhiên liệu khí nghèo nói chung.

Dự báo mở rộng đô thị sử dụng mô hình CA-Markov: trường hợp thành phố Tân An, tỉnh Long An

Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Văn Cương
Tóm tắt | PDF
Sự tăng trưởng đô thị theo không gian và thời gian được nghiên cứu bằng cách tiếp cận mô hình hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm mục đích phân tích mở rộng đô thị thông qua mô hình hóa thay đổi sử dụng đất ứng ụng ảnh viễn thám, GIS và mô hình CA-Markov tại thành phố Tân An. Các ảnh Landsat năm 2013, 2018 và 2023 đã được sử dụng để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Mô hình dự báo được đánh giá bằng cách so sánh bản đồ mô phỏng và bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2023. Kết quả dự báo sử dụng đất đến năm 2033 cho thấy đất xây dựng ngày càng mở rộng chiếm đất trồng cây hằng năm và lâu năm là xu hướng thay đổi sử dụng đất chính trong tương lai. Đô thị dự báo tăng trưởng mở rộng chính từ các khu dân cư vùng trung tâm và dọc theo các tuyến giao thông hiện hữu. Kết quả cũng chứng minh mô hình CA-Markov có tiềm năng giúp hiểu rõ hơn về động lực không gian và thời gian trong dự đoán kịch bản thay đổi sử dụng đất đai.

Đánh giá khả năng loại bỏ thuốc nhuộm xanh methylene (MB) trong môi trường nước của than sinh học được điều chế từ đũa tre dùng một lần

Hoàng Thị Thuý Hoa, Nguyễn Trung Hiệp, Trần Tuyết Sương, Thái Phương Vũ
Tóm tắt | PDF
Nước thải dệt nhuộm đang là tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước trên toàn thế giới. Vì thế, việc nghiên cứu, tìm kiếm và phát triển vật liệu xanh, rẻ tiền để loại bỏ phẩm màu là cần thiết và cấp bách. Trong nghiên cứu này, vật liệu than sinh học DT-NB từ đũa tre dùng một lần được điều chế và ứng dụng hấp phụ thuốc nhuộm xanh methylene (MB) trong nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, than DT-NB tạo thành từ nhiệt phân chậm ở 500oC và sau đó được nghiền bi có bề mặt riêng lớn (273,11 m2/g) với cấu trúc lỗ xốp phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp phụ MB. Ở pH 10 và nồng độ MB ban đầu 30 mg/L, liều lượng than cần dùng để loại bỏ MB là 0,3 g trong thời gian 60 phút. Dữ liệu thí nghiệm phù hợp với mô hình hấp phụ đơn lớp Langmuir với dung lượng hấp phụ cực đại đạt 4,12 mg/g; và mô hình động học biểu kiến bậc hai phù hợp để giải thích động học quá trình hấp phụ MB.

Xây dựng bản đồ phân bố sức tải môi trường tại sông Thị Vải

Nguyễn Hoàng Anh, Trần Ngọc Mẫn, Thái Huỳnh Mộng Nghi
Tóm tắt | PDF
Lưu vực sông Thị Vải được mệnh danh là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics của vùng Đông Nam Bộ. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ kết hợp với điều kiện tự nhiên nhạy cảm tại khu vực này đã gây ra nhiều thách thức về chất lượng nước, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Nghiên cứu này đánh giá sức tải môi trường và xây dựng bản đồ sức tải môi trường của sông Thị Vải, áp dụng cho các chỉ tiêu NH4+, NO3-, PO43- và DO. Phương pháp phân tích tương quan và phân tích thứ bậc (AHP) được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa chất lượng nước và các hoạt động kinh tế, kết hợp với mô phỏng quá trình lan truyền chất để tạo ra các bản đồ sức tải môi trường, thể hiện sự phân bố không gian của sức tải môi trường đối với từng chỉ tiêu ô nhiễm. Nghiên cứu này cung cấp một quy trình xây dựng bản đồ sức tải môi trường cho các lưu vực sông, nhằm xác định khả năng chịu tải của môi trường nước khi triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội tại lưu vực.

Định hướng sử dụng đất nông nghiệp trên cơ sở tiềm năng đất đai huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang

Phan Chí Nguyện, Phạm Thanh Vũ, Nguyễn Thị Song Bình, Vương Tuấn Huy, Phan Hoàng Vũ, Võ Quang Minh
Tóm tắt | PDF
Bài báo nhằm xác định khả năng phù hợp đất đai về định tính và định lượng làm cơ sở bố trí sử dụng đất nông nghiệp cho huyện Vĩnh Thuận. Chín cuộc PRA (Participatory Rural Appraisal) được tiến hành thực hiện đối với nhà quản lý và người dân trực tiếp canh tác nông nghiệp để xác định các điều kiện về tự nhiên, kinh tế và tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, phương pháp đánh giá đất đai của Food and Agriculture Organization - FAO (1976 và 2007) được áp dụng để xác định khả năng phù hợp đất đai về tự nhiên và kinh tế cho các kiểu sử dụng đất chính của huyện dưới sự hỗ trợ của công cụ GIS để xây dựng các bản đồ chuyên đề. Kết quả đã xác định được 07 vùng thích nghi tự nhiên và 12 vùng thích nghi về kinh tế cho 05 kiểu sử dụng đất bao gồm lúa 2 vụ, lúa 2 vụ-màu, lúa-tôm, thuỷ sản lợ và chuyên khóm. Căn cứ vào khả năng phù hợp về tự nhiên và định lượng kinh tế, kết hợp định hướng phát triển của địa phương và trên cơ sở tham vấn ý kiến của người dân, 06 vùng sản xuất nông nghiệp đã được xây dựng cho huyện Vĩnh Thuận đến năm 2030 mang tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện trạng rừng ngập mặn tỉnh Sóc Trăng thay đổi như thế nào từ năm 2016 đến 2022 – phân tích từ ảnh vệ tinh

Huỳnh Trung Tính, Võ Quốc Tuấn, Lý Trung Nguyên, Lê Quang Tâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá diễn biến hiện trạng rừng ngập mặn (RNM) tỉnh Sóc Trăng trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2022. Phương pháp phân loại dựa vào đối tượng trên ảnh vệ tinh Sentinel-2 được sử dụng để thành lập các bản đồ hiện trạng RNM. Để xác thực kết quả phân loại trên ảnh Sentinel-2, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thực địa tại 134 điểm ở các huyện ven biển như Trần Đề, Cù Lao Dung và Vĩnh Châu. Kết quả đánh giá cho thấy độ chính xác của phương pháp phân loại dựa vào đối tượng là 91% với hệ số Kappa đạt 0,82. Điều này chứng tỏ việc sử dụng ảnh vệ tinh Sentinel-2 kết hợp phương pháp phân loại dựa vào đối tượng đạt hiệu quả cao và phù hợp trong việc thành lập các bản đồ hiện trạng RNM. Kết quả các bản đồ hiện trạng và so sánh giữa các năm từ 2016 đến 2022 cho thấy diện tích RNM đã tăng khoảng 907,21 ha. Kết quả nghiên cứu là nguồn tài liệu tham khảo về hiện trạng RNM, cần thực hiện những nghiên cứu phân tích chuyên sâu hơn về sinh khối rừng, đa dạng loài, tác động môi trường góp phần năng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bào chế và đánh giá hoạt tính sinh học của hệ vi hạt PLGA chứa cao chiết lá Hoàn ngọc đỏ (Strobilanthes schomburgkii)

Nguyễn Hửu Khiêm, Võ Thành Khang, Nguyễn Trọng Tuân, Nguyễn Quốc Châu Thanh
Tóm tắt | PDF
Hoàn ngọc đỏ (Strobilanthes schomburgkii), một loại thảo dược mới, có nhiều công dụng chữa bệnh trong y học dân gian Việt Nam. Nghiên cứu tập trung bào chế hệ vi hạt poly(D,L-lactic-co-glycolic)acid (PLGA) chứa cao chiết lá Hoàn ngọc đỏ (SS/PLGA-NPs) sử dụng phương pháp nhũ hóa - bay hơi dung môi và đánh giá hoạt tính sinh học của chế phẩm. Hệ vi hạt SS/PLGA-NPs có kích thước hạt nhỏ hơn 1 µm và đặc trưng cấu trúc được xác định bằng quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR). Khả năng tải cao chiết (EE) của các SS/PLGA-NPs được tính dựa trên tổng hàm lượng polyphenol (TP) dao động trong khoảng 20% - 40%. Quá trình giải phóng TP của SS/PLGA-NPs thể hiện sự giải phóng ồ ạt ở giai đoạn đầu và duy trì kéo dài suốt giai đoạn khảo sát. Hoạt tính kháng oxy hóa và kháng viêm của SS/PLGA-NP đã chứng minh hệ chất mang vi hạt vẫn giữ được hoạt tính ban đầu của cao chiết. Vì vậy, hệ vi hạt PLGA là một ứng dụng tìm năng để bảo vệ và kiểm soát nhiều hoạt chất với mục đích khác nhau.

Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata)

Nguyễn Văn Ây, Trần Nguyễn Phương Lam, Trần Phương Nguyên
Tóm tắt | PDF
Cây Xuyên tâm liên được xem là vua của đắng, một loại cây thân thảo hàng năm thuộc họ Acanthaceae, được trồng rộng rãi ở Nam và Đông Nam Á. Xuyên tâm liên là phương thuốc để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, cảm lạnh thông thường, tiêu chảy và đồng thời bổ cho gan. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra độ tuổi thu hoạch thích hợp cho Xuyên tâm liên. Đồng thời khảo sát khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao chiết Xuyên tâm liên. Kết quả cho thấy trong giai đoạn cây ra hoa có hàm lượng quercetine và caffeine tổng số cao nhất (lần lượt là 119,18 và 16,71 mg/g trọng lượng khô) trong khi hàm lượng andrographolide tổng số ở giai đoạn cây già có giá trị cao nhất là 0,99 mg/g TLK. Cao chiết từ cây Xuyên tâm liên cho thấy khả năng trung hòa gốc tự do DPPH với EC50 = 627,925 µg/mL và khả năng khử sắt với EC50 = 163,898 µg/mL. Ngoài ra, cao chiết cũng cho thấy khả năng kháng các chủng vi sinh vật Bacillus cereus ATCC10876, Staphylococcus aureus ATCC25923, Listeria innocua ATCC33090, Pseudomonas aeruginosa ATCC27853, Escherichia coli ATCC25922 với nồng độ ức chế tối thiểu dao động khoảng 16 - 32 mg/mL.

Nghiên cứu sử dụng bột vỏ trứng làm tá dược trong viên nén chứa hoạt chất acetaminophen

Nguyễn Quốc Châu Thanh, Nguyễn Hửu Khiêm, Trần Quang Đệ, Lê Minh Nhân
Tóm tắt | PDF
Phế phẩm vỏ trứng là nguồn nguyên liệu thô hữu ích và có thể sử dụng như một thành phần tá dược thay thế trong các sản phẩm thuốc dạng viên nén. Trong nghiên cứu này, bột vỏ trứng (BVT) được tiến hành xử lý bề mặt và phối trộn với acetaminophen bằng phương pháp dập trực tiếp. Đặc trưng cấu trúc của sản phẩm được làm rõ qua quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FT-IR). Khả năng giải phóng hoạt chất của các công thức viên nén khác nhau được khảo sát trong môi trường mô phỏng sinh lý (đệm phosphate pH 5,8) và môi trường dạ dày (pH 1,2) sang ruột non (pH 6,8). Kết quả cho thấy, acetaminophen giải phóng nhanh trong viên nén chứa BVT chưa qua xử lý trong các điều kiện khảo sát. Mặt khác, viên nén chứa 15% thành phần khối lượng BVT đã qua xử lý với nước khử ion phóng thích hoạt chất kéo dài tương đồng với thuốc thành phẩm. Tóm lại, vỏ trứng có thể được tái sử dụng như một tá dược thay thế, kiểm soát sự giải phóng các hoạt chất khác nhau trong viên nén.

Khảo sát khả năng ức chế nảy mầm hạt và hoạt tính kháng vi khuẩn gây bệnh trên cá của cao chiết lá bàng (Terminalia catappa L.)

Nguyễn Minh Triết, Hoàng Thùy Dương, Mai Thị Diễm Trang, Bùi Hoàng Thu Trang, Đặng Hữu Hoàng Anh, Trần Thanh Mến
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định sơ bộ thành phần hóa học và khảo sát khả năng ức chế nảy mầm, hoạt tính kháng vi khuẩn của cao chiết xuất từ lá cây bàng (Terminalia catappa L.) được thu hái tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khả năng ức chế nảy mầm được thực hiện khảo sát trên hạt cải củ (Raphanus sativus L.) và khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh gan, thận mủ trên cá được khảo sát trên vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Kết quả cho thấy hàm lượng flavonoid tổng và phenolic tổng có trong cao chiết lá bàng lần lượt là 237,76 mgQE/g và 145,29 mgGA/g. Tại nồng độ khảo sát 15 mg/mL, cao chiết lá bàng ức chế sự nảy mầm 100% hạt cải củ. Bên cạnh đó, cao chiết lá bàng còn thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn Edwardsiella ictaluri trong dãy nồng độ khảo sát 32 – 512 mg/mL. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy lá bàng là nguồn nguyên liệu tự nhiên có tiềm năng cho nghiên cứu các chất có hoạt tính ức chế sự phát triển của cỏ hoặc trong phòng ngừa bệnh trên cá.

Tối ưu hóa quy trình ly trích cao chiết Hoàn ngọc đỏ (Strobilanthes schomburgkii) theo hướng kháng viêm

Võ Thành Khang, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Tạ Thanh Hồng, Nguyễn Hửu Khiêm, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Phương pháp bề mặt đáp ứng theo mô hình Box-Behnken được áp dụng để tìm ra các điều kiện tối ưu cho quy trình ly trích cao chiết Hoàn Ngọc đỏ có hoạt tính kháng viêm. Các yếu tố được đánh giá dựa vào hoạt động trung hòa gốc tự do nitric oxide (NO•), một tín hiệu liên quan đến các hoạt động tiền viêm. Kết quả cho thấy quy trình ly trích cao chiết Hoàn Ngọc đỏ có sự hỗ trợ của sóng siêu âm được tối ưu với ethyl acetate sau 3 lần chiết, tỷ lệ dung môi/nguyên liệu ở mức 21,25 mL/g trong 15,99 phút, tại nhiệt độ 52,69℃. Với các điều kiện ly trích trên, cao chiết thu được có giá trị thực nghiệm IC50 là 226,18 mg/mL, phù hợp với giá trị IC50 được dự đoán từ mô hình là 227,93 mg/mL.

Đánh giá hiệu giá kháng thể kháng bệnh Gumboro và Newcastle trên gà tre, gà nòi và gà Minh Dư

Lê Thị Kim Tuyến, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Quách Tuyết Anh, Chế Công Hậu, Phạm Đức Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đã được thực hiện tại cùng một trại chăn nuôi ở tỉnh Tiền Giang nhằm đánh giá hiệu giá kháng thể (HGKT) của gà tre, gà nòi và gà Minh Dư sau khi chủng vaccine phòng bệnh Gumboro (IBD) và Newcaslte (ND). Có 300 mẫu huyết thanh được xét nghiệm ELISA để xác định HGKT kháng virus IBD (IBDV) và virus ND (NDV) của cả 3 giống gà lúc 1, 28, 35, 49 và 63 ngày tuổi. Trong đó, Gà Minh Dư có HGKT kháng IBDV mẹ truyền cao hơn gà nòi và gà tre (p

Phân lập, tuyển chọn các dòng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa nitơ và tích lũy poly-phosphate từ nước thải sản xuất bún

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Huỳnh Yến Nhi, Trần Bích Thùy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn dòng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa nitơ và tích lũy poly-phosphte từ nước thải sản xuất bún tại quận Bình Thủy (Thành phố Cần Thơ). Ba mươi hai dòng vi khuẩn phân lập có khuẩn lạc dạng hình tròn, màu vàng, trắng ngà hoặc trắng đục, độ nổi mô hoặc lài, bìa nguyên, chia thùy hoặc răng cưa, kích thước dao động từ 0,5 đến 3,5 mm, tế bào vi khuẩn có dạng hình cầu hoặc que ngắn, Gram dương hoặc Gram âm, catalase dương tính. Nghiên cứu đã tuyển chọn được năm dòng vi khuẩn T10, T11, T13 và T17 có khả năng chuyển hóa amonia, nitrate (100 mM, 200 mM và 300 mM) và nitrite (10 mM, 20 mM và 30 mM). Dòng vi khuẩn T11 có khả năng tích lũy poly-phosphate cao với hàm lượng 1,79 mg/L P2O5. Dòng vi khuẩn này được xác định là dòng Bacillus velezensis với độ tương đồng 100% bằng phương pháp giải trình tự gene 16S rRNA. Dòng vi khuẩn T11 có tiềm năng cao cho việc ứng dụng nguồn vi sinh vật trong xử lý nước thải ở tương lai.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn lactic từ một số loại mắm được sản xuất tại thành phố Cần Thơ

Võ Thị Thảo Sương, Hồ Thị Tường Vy, Nguyễn Lâm Nhã Tường, Lưu Minh Châu, Nguyễn Ngọc Thạnh, Huỳnh Xuân Phong
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn những chủng vi khuẩn lactic có khả năng sinh enzyme ngoại bào (protease và amylase) và khả năng lên men sinh acid lactic cao. Kết quả dựa trên cơ sở xác định hình thái, sinh lý, sinh hóa đã phân lập được 28 chủng vi khuẩn lactic từ 5 mẫu mắm và các chủng vi khuẩn này đều là Gram dương, catalase âm tính, oxidase âm tính và không có khả năng di động. Khi đánh giá khả năng sinh enzyme ngoại bào của các chủng được phân lập, kết quả cho thấy có 22 chủng vi khuẩn có khả năng phân giải protein (chiếm 78,57%) và 6 chủng vi khuẩn không có khả năng phân giải protein (chiếm 21,43%). Mặt khác, trong số 28 chủng chỉ có 21 chủng vi khuẩn có khả năng phân giải tinh bột và 7 chủng vi khuẩn không có khả năng phân giải. Bên cạnh đó, hàm lượng acid lactic của 28 chủng sinh ra cao nhất sau 3 ngày lên men và dao động trong khoảng 8,4 - 15,0 g/L. Từ đó cho thấy các chủng vi khuẩn lactic này là những chủng có tiềm năng ứng dụng trong quá trình lên men mắm cá, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuyển chọn và định danh dòng vi khuẩn có khả năng sản xuất chất kết tụ sinh học từ nước thải sản xuất bún

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Huỳnh Yến Nhi, Lại Phú Quí, Lê Nguyễn Phúc Thịnh, Ngô Lý Mỹ Tiên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn dòng vi khuẩn có khả năng tạo chất kết tụ sinh học từ nước thải sản xuất bún tại quận Bình Thủy (Thành phố Cần Thơ). Nghiên cứu đã tuyển chọn được 28/32 dòng vi khuẩn có khả năng sản xuất chất kết tụ sinh học có bản chất polysaccharide và 27/32 dòng vi khuẩn có khả năng sản xuất chất kết tụ sinh học có bản chất proteinhông qua khả năng tạo chất nhầy trên môi trường thạch. Hai dòng vi khuẩn T11 và T17 được xác định cho tỷ lệ kết tụ sinh học với kaolin tốt nhất ở giá trị pH 5,0 và nguồn carbon bổ sung vào môi trường là glucose bằng phương pháp đo quang phổ ở bước sóng 550 nm để đo độ đục hỗn hợp huyền phù vi khuẩn với kaolin, tỷ lệ kết tụ đạt lần lượt ở hai chủng T11 và T17 là 68,02% và 79,87%. Hai dòng vi khuẩn này được xác định là Bacillus velezensis và Klebsiella pneumoniae với độ tương đồng 100% bằng phương pháp giải trình tự gene 16S rRNA. Hai dòng vi khuẩn này sẽ là những dòng vi khuẩn hứa hẹn đầy tiềm năng trong lĩnh vực hỗ trợ xử lý nước thải trước khi nguồn nước ô nhiễm này được xả thải ra môi trường.

Ảnh hưởng của dung dịch gelatin đến sự thay đổi chất lượng của tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) trong điều kiện bảo quản lạnh và bảo quản đông

Lê Thanh Phúc, Nguyễn Ngọc Song Vy, Trần Thanh Trúc, Lê Thị Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Ảnh hưởng của dung dịch gelatin có nồng độ khác nhau tạo lớp màng tự nhiên đến sự biến đổi chất lượng tôm càng xanh (cỡ 12-15 con/kg) trong 18 ngày bảo quản ở điều kiện lạnh (4ºC) và 6 tháng ở điều kiện đông (-20ºC) đã được khảo sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy so với mẫu tôm không phủ lớp gelatin, nồng độ gelatin 3% là nồng độ phù hợp tạo lớp màng phủ giúp hạn chế quá trình oxy hoá lipid cho sản phẩm tôm càng xanh. Chất lượng cảm quan của tôm được phủ lớp gelatin được duy trì tốt hơn, tổng số vi sinh vật hiếu khí cũng thấp hơn trong cả hai điều kiện bảo quản lạnh và bảo quản đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng cảm quan tôm càng xanh được duy trì đến 15 ngày ở điều kiện bảo quản lạnh khi tôm được bao phủ bởi lớp dung dịch gelatin và chỉ 9 ngày đối với mẫu tôm không được phủ lớp dung dịch gelatin.

Sinh trưởng, năng suất và hàm lượng glycoalkaloid của các mẫu giống cà gai leo (Solanum procumbens Lour.) tại thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Thúy Liễu, Đặng Đình Hoàng Long, Võ Thái Dân, Bùi Minh Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để xác định khả năng sinh trưởng và thời điểm thu hoạch của các mẫu giống cà gai leo cho năng suất cây và năng suất glycoalkaloid cao nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm 1 được thực hiện trên 11 mẫu giống cà gai leo thu thập tại Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Lai, Hà Nội, Long An, Lâm Đồng, Phú Yên và Quảng Ngãi để xác định các mẫu giống cho năng suất và hàm lượng glycoalkaloid cao. Kết quả cho thấy QN9, QN6, HN, BRVT là những mẫu giống cho năng suất tươi phần trên mặt đất, năng suất cây khô phần trên mặt đất và năng suất glycoalkaloid vượt trội. Thí nghiệm 2 được thực hiện trên 3 mẫu giống và 4 thời điểm thu hoạch để xác định thời điểm thu hoạch của các mẫu giống cho năng suất cây và năng suất glycoalkaloid cao nhất. Kết quả cho thấy hai mẫu giống BRVT và QN9 ở thời điểm thu hoạch khi có ≥ 90% số cây có ít nhất ba chùm quả có từ một trái chín trở lên cho lần lượt năng suất cây tươi 15,74 tấn/ha, 15,39 tấn/ha; năng suất cây khô 4,01 tấn/ha, 5,24 tấn/ha; hàm lượng glycoalkaloid 0,72%, 0,66% và năng suất glycoalkaloid 35,14 kg/ha, 34,38 kg/ha cao nhất.

Ảnh hưởng của magnesium silicate và calcium silicate lên khả năng chịu hạn trên lúa ST25 giai đoạn mạ

Phạm Huyền Linh, Phạm Phước Nhẫn
Tóm tắt | PDF
Silic giúp thực vật vượt qua bất lợi sinh học và phi sinh học. Ca2+ hình thành các hợp chất vách tế bào, cây cứng cáp hơn. Mg2+ có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp.Trong nghiên cứu MgSiO3 và CaSiO3 nồng độ 200mg/L được bổ sung cho lúa ST25 bằng cách tưới mỗi chậu 50 ml dung dịch tương ứng cho 10 chậu trong các nghiệm thức,nghiệm thức không xử lý hóa chất tưới 50 ml nước và để khô trong những ngày tiếp theo, nghiệm thức đối chứng vẫn được cung cấp đầy đủ nước. Kết quả sau 10 ngày xử lý hạn, các phân tích nông học cho thấy MgSiO3 có ảnh hưởng tích cực hơn các nghiệm thức còn lại như chiều cao cây, chỉ số diệp lục tố lá, chiều dài rễ. Các phân tích sinh hóa cho kết quả hàm lượng chlorophyll a, b và carotenoid ở nghiệm thức bổ sung MgSiO3 cao nhất, ngược lại hàm lượng đường tổng trong lá thấp nhất.Hàm lượng malondialdehyde ở nghiệm thức không xử lý hóa chất cao hơn các nghiệm thức còn lại chứng tỏ hợp chất silic có tác dụng giảm tổn thương màng tế bào khi bị hạn. Kết quả PCR với đoạn mồi RM257 cho thấy băng hình xuất hiện ở vị trí 150bp chứng tỏ có sự hiện diện của gen kiểm soát sự cuốn lá qLR9.1 và qRWC9.1 kiểm soát hàm lượng nước tương đối trên giống lúa ST25.

Ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán bệnh đường tiết niệu ở chó tại Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thành phố Hồ Chí Minh

Lê Nguyễn Nam Phương, Nguyễn Thị Kiều My, Nguyễn Vũ Thuỵ Hồng Loan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán bệnh đường tiết niệu trên chó tại thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số 3.700 chó được khám lần đầu tại Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thành phố Hồ Chí Minh. Dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm, 472 trường hợp chó có biểu hiện bệnh lý ở hệ tiết niệu được xác định, chiếm 12,76%. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tăng dần theo độ tuổi, phụ thuộc vào yếu tố giống (P

Ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất nông nghiệp: nghiên cứu trường hợp tại phường Thuỷ Biều, thành phố Huế

Nguyễn Văn Chung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu nhận thức, khả năng tiếp cận và sử dụng thương mại điện tử, cũng như chỉ ra những rào cản trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất nông nghiệp của nông hộ. Nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn bán cấu trúc với 60 nông hộ, 3 người am hiểu và thu thập thông tin thứ cấp liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn nông hộ đã biết về thương mại điện tử, đã tiếp cận và sử dụng các kênh thương mại điện tử khác nhau. Facebook và Zalo là hai kênh được nông hộ sử dụng nhiều nhất cho việc giải trí, liên lạc và mua bán trực tuyến. Trong đó, facebook được nông hộ sử dụng để mua các yếu tố đầu vào và bán các sản phẩm từ trồng trọt. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ rủi ro, thiếu hiểu biết và kỹ năng sử dụng cùng với thói quen mua bán hàng hoá trực tiếp đang là các rào cản chính trong việc ứng dụng thương mại điện tử của nông hộ.

Bằng chứng phân tử về sự xuất hiện con lai giữa hai loài cá bông lau và tra bần nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long

Dương Thúy Yên, Trần Thị Ngọc Hân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm kiểm chứng có hay không con lai giữa cá bông lau và tra bần đang được nuôi ở một số nông hộ. Mẫu cá của hai loài và bốn mẫu cá giống từ một số hộ dân được phân tích gen ty thể Cytochrome C oxidase subunit I (COI) và gen trong nhân Rhodopsin (Rho). Kết quả dựa trên COI cho thấy có 3 mẫu cá nghi ngờ (L1, L2 và L3) có mẹ là tra bần và một mẫu (L4) có mẹ là bông lau với mức độ tương đồng với loài mẹ 100%. Gen Rho có bảy vị trí khác biệt (trong 766 bp) giữa bông lau và tra bần. Bốn mẫu con lai đều có hai nucleotide của hai loài trùng lắp nhau ở bảy vị trí trên, chứng tỏ chúng là con lai của hai loài. Kết quả kết hợp từ hai gen chứng tỏ L1, L2 và L3 là con lai ♀ tra bần x ♂ bông lau, L4 là con lai ♀ bông lau x ♂ tra bần. Như vậy, việc lai tạo giữa hai loài cá đang xảy ra và vấn đề này cần được nghiên cứu để đánh giá tác động của con lai đến nguồn lợi thủy sản.

Ảnh hưởng kết hợp của nước phèn và độ mặn lên tăng trưởng và enzym tiêu hóa của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giống

Nguyễn Diệu Ái, Nguyễn Thị Kim Hà, Nguyễn Thanh Phương, Đỗ Thị Thanh Hương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nước phèn ở các mức pH khác nhau kết hợp với độ mặn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, FCR và enzyme tiêu hóa của cá tra (Pangasinodon hypophthalmus) giống. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên ở 3 mức pH (5,5, 6,5 và 7,5) kết hợp với 3 mức độ mặn (3‰, 6‰ và 9‰). Kết quả sau 60 ngày nuôi cho thấy nước phèn và độ mặn có ảnh hưởng đến cá ở các mức độ khác nhau. Môi trường pH 5,5 và độ mặn 6 và 9‰ làm giảm tăng trưởng, tăng FCR ở cá. Cá ở nhóm pH 6,5 và nhóm độ mặn 3‰ có khối lượng, chiều dài, DWG và SGR cao nhất và FCR thấp nhất (p

Ảnh hưởng của kích thích tố khác nhau đến sinh sản của cá sát sọc (Pangasius macronema Bleeker, 1851)

Trần Đông Phương An, Bùi Minh Tâm, Phạm Thanh Liêm, Trần Ngọc Hoài Nhân, Nguyễn Văn Triều
Tóm tắt | PDF
Cá sát sọc (Pangasius macronema) là loài có giá trị kinh tế và đã nuôi trong lồng ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam sử dụng giống tự nhiên. Nghiên cứu này nhằm xác định loại và liều lượng kích thích tố có hiệu quả để kích thích cá sinh sản. Nghiên cứu được thực hiện với hormone HCG và Ovaprim ảnh hưởng lên sự rụng trứng của cá. Thí nghiệm với HCG gồm 4 nghiệm thức (NT) với liều tiêm khác nhau và 3 lần lặp lại: NT 1.1 (5.000 UI/kg), NT 1.2 (5.500 UI/kg), NT1.3 (6.000 UI/kg) và NT1.4 (6.500  UI/kg) cho cá cái. Thí nghiệm với ovaprim gồm 3 nghiệm thức với các liều gồm: NT2.1 (0,4 mL/kg), NT 2.2 (0,5 mL/kg) và NT 2.3 (0,6 mL/kg) cho cá cái. Kết quả nghiên cứu cho thấy, HCG ở liều 6.000 UI/kg cá cái (NT1.3) có hiệu quả tốt với tỷ lệ rụng trứng 77,33%, sức sinh sản tương đối thực tế 48.009 trứng/kg cá cái, tỉ lệ thụ tinh 70,31% và tỷ lệ nở 66,58%. Ovaprim với liệu 0,4-0,6ml/kg cá cái  chưa có hiệu quả kích thích cá rụng trứng.

Đề xuất bộ tiêu chí cho dạy học trực tuyến nhằm giải quyết những thách thức của chuyển đổi số trong giảng dạy đại học

Lê Nguyễn Vân An
Tóm tắt | PDF
Chuyển đổi số trong giáo dục đang trở thành yêu cầu bức thiết của xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách cẩn trọng nhằm tránh những rủi ro liên quan đến việc sử dụng công nghệ phi đạo đức, dẫn đến những mặt tiêu cực của quá trình chuyển đổi. Các phương pháp dạy học trực tuyến đang làm tăng nhu cầu về các cơ chế kỹ thuật số trong các trường đại học. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần có sự định hướng, hỗ trợ cùng các tiêu chuẩn nhất định để tránh những tác động không mong muốn trên. Dựa trên việc phân tích các tài liệu có liên quan, bài viết hướng đến việc giới thiệu một bộ khung tiêu chí về quá trình thực hiện phương pháp dạy học trực tuyến đến các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn chủ yếu sử dụng hình thức học tập trực tiếp. Tác giả cũng đề xuất việc áp dụng và quản lý cơ sở hạ tầng cùng các quy trình liên quan, nhằm đảm bảo việc sử dụng dữ liệu một cách có đạo đức trong việc phân tích dữ liệu học tập và nghiên cứu.

Nhận thức và phấn đấu trở thành Đảng viên của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Lê Ngọc Triết, Nguyễn Thị Thúy Lựu, Nguyễn Văn Pha, Trần Văn Phú
Tóm tắt | PDF
Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của quốc gia. Việc quan tâm, phát triển đảng viên trong sinh viên là rất cần thiết và quan trọng, nhằm bổ sung nguồn nhân lực trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên” cho các tỉnh, thành phố của Vùng nói riêng và cả nước nói chung. Trên cơ sở nội hàm về vấn đề nhận thức và phấn đấu trở thành đảng viên của sinh viên, bài tham luận làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy quá trình phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng trong sinh viên Trường Đại học Cần Thơ