Ngày xuất bản: 19-12-2022

Giải pháp điều khiển áp suất theo lưu lượng nước rửa trong quá trình phẫu thuật nội soi khớp

Nguyễn Văn Mướt, Mo Ha Mach Adan, Hồ Minh Nhị, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu lĩnh vực phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, bơm con lăn đôi là một trong những thiết bị y tế được sử dụng như một phương pháp hiệu quả để điều khiển áp suất tự động thông qua việc điều khiển lưu lượng nước rửa tại vùng phẫu thuật. Ví dụ điển hình là khi phẫu thuật nội soi khớp gối, áp suất căng trương bên trong vùng khớp cần được điều khiển thích ứng với huyết áp của bệnh nhân trong suốt thời gian phẫu thuật. Việc điều khiển ổn định áp suất đóng vai trò quan trọng nhằm tránh những tình huống nguy hiểm như xuất huyết, tràn dịch vào mạch máu. Bài báo này trình bày một ứng dụng của bơm con lăn đôi trong điều khiển áp suất bên trong khớp gối của quá trình phẫu thuật nội soi. Áp suất này bị ảnh hưởng bởi lưu lượng nước rửa. Hoạt động của quá trình phẫu thuật đã được mô phỏng và tuyến tính hóa để thiết kế bộ điều khiển. Bộ điều khiển PID (Proportional Integrated Derivative controller) kết hợp giải thuật chống vọt lố đã được thiết kế. Các thông số của bộ điều khiển cũng được điều chỉnh bằng phương pháp phân bố cực tại những vị trí khác nhau để so sánh kết quả đáp ứng ngõ ra...

Nghiên cứu chuyển hóa glucose thành 5-Hydroxymethylfurfural sử dụng P-UiO-66 làm chất xúc tác dị thể

Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Phương Tùng, Phạm Duy Khanh, Trần Ngọc Quyển
Tóm tắt | PDF
Phản ứng tách nước từ glucose thành 5-hydroxymethylfurfural (HMF) là một phản ứng quan trọng của quá trình chuyển hóa nguyên liệu sinh khối. Nghiên cứu này nhằm tổng hợp chất xúc tác để sản xuất HMF từ glucose với hiệu suất cao. Vật liệu P-UiO-66 đã được tổng hợp và xác định tính chất thông qua nhiễu xạ nhiễu xạ X-ray (XRD), kính hiển vi điện tử quét (SEM) và phổ hồng ngoại (FT-IR). Chất xúc tác tổng hợp thể hiện hoạt tính rất cao trong phản ứng tách nước từ glucose thành HMF. Hiệu suất HMF thu được là 99% trong điều kiện tối ưu (180oC, 8  giờ, 0,05 g chất xúc tác). Hơn nữa, chất xúc tác này có độ bền cao và có thể tái sử dụng bốn lần mà không giảm hoạt tính đáng kể.  

Thiết kế thử nghiệm hệ nâng vật trong từ trường giá rẻ dùng trong nghiên cứu và giảng dạy

Nguyễn Hoàng Thi, Võ Nhỉ Khang, Hồ Vĩnh Thuận, Phan Hồng Toàn, Trần Nhựt Thanh, Nguyễn Văn Mướt
Tóm tắt | PDF
Bài báo nhằm giới thiệu mô hình thực nghiệm điều khiển hệ thống nâng vật trong từ trường với giá rẻ phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. Mô hình phần cứng đã được xây dựng để áp dụng các giải thuật điều khiển từ lý thuyết mô phỏng vào trong thực tiễn. Việc này giải quyết được tình trạng thiếu thiết bị vật lý để kiểm chứng các nguyên lý, lý thuyết điều khiển. Theo đó, bộ điều khiển LQR (Linear Quadratic Regulator) và bộ lọc Kalman được thiết kế nhằm điều khiển ổn định được viên bi sắt ở các vị trí khác nhau. Bộ lọc Kalman được sử dụng để ước lượng các biến trạng thái của hệ thống giúp hỗ trợ bộ điều khiển LQR nâng giữ vật tại các vị trí mong muốn. Kết quả đạt được là mô hình phần cứng giá rẻ nhưng hoạt động truyền nhận dữ liệu hiệu quả, có khả năng điều khiển giữ được vật ổn định tại các vị trí cân bằng khác nhau với sai số xác lập lớn nhất chỉ khoảng 4%. Ngoài ra, với nhiễu tác động là sự thay đổi khối lượng vật thì vị trí vật vẫn được điều khiển giữ cân bằng ổn định. Nhiễu đo đạt từ các cảm biến cũng có ảnh hưởng đến chất lượng của bộ điều khiển LQG (Linear Quadratic Gaussian) đã thiết kế.

Xây dựng mô hình toán số kết hợp mô phỏng diễn biến lòng dẫn và sạt lở bờ sông, áp dụng cho sông Đồng Nai đoạn Cù lao Rùa

Nguyễn Mộng Giang, Nguyễn Thị Thanh Hoa, Trần Đức Dậu, Lê Song Giang
Tóm tắt | PDF
Có một số cách tiếp cận trong nghiên cứu bồi xói và sạt lở bờ sông như cách tiếp cận hình thái hoặc cách tiếp cận động lực học. Mục tiêu của bài báo là trình bày một mô hình toán số kết hợp tính toán diễn biến lòng dẫn và sạt lở bờ sông. Điểm mới trong nghiên cứu là dòng chảy được tính bằng mô hình thủy động lực 3D nên ứng suất ma sát trên bề mặt bờ sông được tính toán trực tiếp. Mô phỏng diễn biến xói đáy, xói ngang bờ được tính toán bằng mô hình dòng chảy 3D kết hợp với mô hình vận tải bùn cát. Sạt lở bờ bờ được tính toán bằng thông qua phân tích ổn định cung trượt tròn. Áp lực khe rỗng sử dụng trong phân tích ổn định được tính toán bằng cách giải phương trình dòng chảy thấm. Mô hình được áp dụng tính toán thử nghiệm cho đoạn sông Đồng Nai tại Cù lao Rùa. Các tính toán đã cho thấy mô hình cần 1 giờ chạy trên máy tính PC i7 để tính toán mô phỏng cho 3 giờ thực tế. Với tốc độ tính như vậy khả năng ứng dụng của mô hình là khá tốt.

Đánh giá phương pháp tính toán lưu lượng nước mùa lũ tại trạm Vàm Nao

Phạm Thi Thu Hoa, Phạm Mỹ Hạnh
Tóm tắt | PDF
Dữ liệu lưu lượng nước thực đo tại các trạm quan trắc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, thủy lợi và nông nghiệp. Tại vị trí sông Vàm Nao, nơi hợp lưu của sông Tiền và sông Hậu, cơ chế dòng chảy phức tạp, việc tính toán lưu lượng nước cần sự chính xác cao. Bài viết này dựa trên kết quả mô hình dòng chảy hai chiều được tính toán trên phần mềm Telemac 2D cho khu vực nghiên cứu từ trạm Châu Đốc và trạm Tân Châu xuống đến trạm Long Xuyên và trạm Chợ Mới. Mục tiêu chính của bài viết là đánh giá phương pháp tính toán lưu lượng nước mùa lũ tại trạm Vàm Nao. Dữ liệu lưu lượng nước thực đo mùa lũ tại trạm Vàm Nao năm 2017 được kiểm tra và đánh giá lại, từ đó có cơ sở để khẳng định rằng phương pháp tính toán lưu lượng mùa lũ tại trạm Vàm Nao cần được khắc phục và đề xuất phương pháp hợp lí để tính toán lưu lượng nước mùa lũ là nên dùng chế độ đo và phương pháp tính toán ở mùa kiệt tại trạm Vàm Nao.

Hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt của mô hình đất ngập nước nhân tạo trồng cây bách thủy tiên (Echinodorus cordifolius L.) ở các thời gian lưu nước khác nhau

Lê Hoàng Việt, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sử dụng mô hình đất ngập nước nhân tạo có dòng chảy ngầm theo phương ngang có trồng cây bách thủy tiên (Echinodorus cordifolius L.) để xác định khả năng xử lý nước thải sinh hoạt theo thời gian lưu nước khác nhau. Kết quả cho thấy ở thời gian lưu nước 7 ngày, nước thải sau xử lý có các thông số pH, SS, BOD5, N-NH4+, N-NO3-, P-PO43- đạt loại A, riêng tổng Coliforms đạt loại B của QCVN 14:2008/BTNMT. Mô hình này có thể ứng dụng ở các khu vực có diện tích và giá đất phù hợp để xử lý nước thải sinh hoạt thân thiện với môi trường, đồng thời tái sử dụng các dưỡng chất làm phân bón và tạo cảnh quan cho khu vực xử lý.

Kiểm soát chất lượng cho máy đo hoạt độ phóng xạ (dose calibrator) tại Phòng thí nghiệm Vật lý Y khoa - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Nguyễn Tấn Được, Lê Thị Mỹ Huyền
Tóm tắt | PDF
Máy đo hoạt độ phóng xạ (dose calibrator) là thiết bị giữ vai trò vô cùng quan trọng trong khoa y học hạt nhân. Do đó, kiểm soát chất lượng (QC) cho dose calibrator là công việc thường xuyên, có đóng góp quyết định đến hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (The International Atomic Energy Agency), và Hiệp hội Vật lý Y khoa Hoa Kỳ (The American Association of Physicists in Medicine) đã đưa ra các hướng dẫn cho QC dose calibrator. Trong nghiên cứu sau đây, các hướng dẫn này được áp dụng để kiểm soát chất lượng cho dose calibrator được trang bị tại Phòng Thí nghiệm Vật lý Y khoa, thuộc trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Các bài QC gồm: đo độ chính xác và độ chụm, độ tái lập, đáp ứng phông phóng xạ và đáp ứng tuyến tính. Kết quả kiểm tra cho thấy thiết bị hiện đang đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đưa ra. Phương pháp được mô tả trong nghiên cứu này có thể áp dụng để kiểm soát chất lượng cho các thiết bị tương tự tại các cơ sở y học hạt nhân.

Ứng dụng tối ưu đa mục tiêu cho bài toán tối ưu tổ hợp với hàm mục tiêu nhân tính

Nguyễn Thị Cẩm Tiên, Nguyễn Thanh Toàn, Thái Đức Duy, Mai Đình Lộc
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, bài toán tối ưu tổ hợp trong đó hàm mục tiêu là tích của một số hàm cổ điển được quan tâm. Trước tiên, một bài toán tương đương được xây dựng và sau đó chỉ ra rằng bài toán tối ưu đa mục tiêu tương ứng đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán ban đầu. Dựa trên tính chất tồn tại nghiệm tối ưu của bài toán ban đầu cũng là một nghiệm bổ trợ hữu hiệu của bài toán tối ưu đa mục tiêu, một thuật toán tổng quát cho bài toán được đưa ra. Trường hợp hàm nhân tính với chính xác hai hàm số cũng được đề cập. Cuối bài báo này, một thuật toán chạy trong thời gian tuyến tính để giải bài toán 1-median trên cây với hàm nhân tính được đề xuất.

Phân loại ảnh dựa vào hàm mật độ xác suất được trích xuất

Võ Văn Tài, Trần Nam Hưng, Huỳnh Văn Nhạng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đề xuất một thuật toán phân loại ảnh dựa vào hàm mật độ xác suất một chiều được trích xuất. Đầu tiên, dựa vào độ phân giải mức xám, mỗi ảnh được trích xuất thành một hàm mật độ xác suất một chiều đại diện và được chặt cụt trên đoạn Tiếp theo, xác suất tiên nghiệm của một ảnh cần phân loại được xác định dựa vào bài toán phân tích chùm mờ. Cuối cùng, một nguyên tắc phân loại cho ảnh được đề xuất. Ảnh được xếp vào một nhóm đã biết nếu nó có xác suất tiên nghiệm và sự tương tự  đến nhóm đó lớn nhất. Thuật toán đề nghị được minh hoạ từng bước và được áp dụng trên những tập ảnh cụ thể. Áp dụng đã cho kết quả tốt bởi vì nó có sai số thấp hơn nhiều phương pháp khác. Nghiên cứu này cũng cho thấy tiềm năng trong áp dụng thực tế của nhiều lĩnh vực liên quan đến nhận dạng ảnh.

Hiệu quả của dịch chiết bã hạt cây sở (Camellia oleifera) và tinh dầu cây dầu giun (Chenopodium ambrosioides L.), cây nghể răm (Polygonum hydropiper L.) trong phòng trừ rầy mềm (Aphis gossypii) gây hại cây chanh dây (Passiflora edulis)

Nguyễn Thị Liên, Trương Minh Ngọc, Đỗ Thị Mai Trinh, Hồ Thị Nguyệt, Lê Thị Huyền
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày các kết quả thực nghiệm về hiệu lực phòng trừ rầy mềm của một số dịch chiết có nguồn gốc từ thảo mộc. Độc tính của cây sở (Camellia oleifera) (sử dụng phương pháp ethanol), cây dầu giun (Chenopodium ambrosioides L.) và cây nghể răm (Polygonum hydropiper L.) (sử dụng phương pháp nước) lên rầy mềm trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà màng đã được đánh giá, thông qua hiệu quả diệt rầy mềm của dịch chiết bã hạt cây sở ở nồng độ 20%  đạt hiệu quả tốt nhất (75,25% đối với rầy mềm sau 96 giờ phun), tinh dầu giun đạt hiệu quả tốt nhất (76,67% đối với rầy mềm ở nồng độ 0,20%) và tinh dầu nghể răm đạt hiệu quả tốt nhất (64,25 đối với rầy mềm ở nồng độ 0,25%). LC50 cuả tinh dầu giun, tinh dầu nghể răm, dịch chiết bã hạt sở lần lượt là 0,06%; 0,11%; 5,24 %. Hỗn hợp dịch chiết phối trộn nồng độ tinh dầu giun 0,4% và nồng độ dịch chiết bã hạt sở 20% đạt hiệu quả tốt nhất là 97,33% đối với rầy mềm ở 96 giờ sau khi xử lý. Hiệu lực tiêu diệt rầy mềm trên cây chanh dây của chế phẩm sinh học được đánh giá thông qua thực nghiệm trong điều kiện nhà màng, ở nồng độ 250 mL/L có hiệu quả cao trong việc phòng trừ rầy mềm.

Khảo sát các điều kiện thích hợp cho quá trình trích ly chlorophyll bằng ethanol từ cây lá dứa (Pandanus amaryllifolius Roxb.) và ổn định các hợp chất chống oxy hóa trong sản phẩm khô

Nguyễn Nhật Minh Phương, Nguyễn Hữu Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình trích ly chlorophyll và chất chống oxy hóa từ cây lá dứa (Pandanus amaryllifolius Roxb) cũng như quá trình vi bao kết hợp sấy bọt nhằm ổn định hoạt tính sinh học có trong dịch trích. Nghiên cứu gồm (i) ảnh hưởng của nồng độ ethanol (40-100%), nhiệt độ trích (70-90℃), thời gian trích (10-30 phút) và tỷ lệ nguyên liệu và dung môi (NL:DM) (1:5-1:25, w/v) đến hàm lượng chlorophyll và hợp chất chống oxy hóa; và (ii) khảo sát sự ảnh hưởng của tỷ lệ albumin (5-15%) và carboxymethyl cellulose (CMC) (0,5-1,5%) đến sự ổn định các hợp chất chống oxy hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng chlorophyll và các hợp chất chống oxy hóa đạt giá trị cao khi trích ly trong ethanol 80%, nhiệt độ trích ly 80℃, thời gian 20 phút với tỷ lệ NL:DM là 1:20 (w/v). Tỷ lệ bổ sung chất mang albumin 10%, CMC 0,5% và nhiệt độ sấy 60-65oC là phù hợp để ổn định các hợp chất sinh học trong sản phẩm cuối. 

Ảnh hưởng của công thức dung dịch dinh dưỡng đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu (Citrullus lanatus) trồng bằng kỹ thuật thủy canh ngâm rễ

Phan Ngọc Nhí, Bùi Vũ Luân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định công thức dinh dưỡng thích hợp cho sinh trưởng và năng suất dưa hấu được trồng bằng kỹ thuật thủy canh ngâm rễ. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Bốn nghiệm thức gồm FV1, FV2, ĐHCT và đối chứng. Kết quả cho thấy kích thước lá, đường kính gốc và chiều dài rễ dưa hấu tương đương nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa về thành phần năng suất và năng suất, nghiệm thức  FV1 và ĐHCT cho kết quả chiều cao trái, chu vi trái và khối lượng trái (tương ứng 1,47 và 1,53 kg/trái) và năng suất (tương ứng 4,49 và 4,66 tấn/1.000 m2) tương đương đối chứng. Riêng nghiệm thức FV1 cho kết quả tích luỹ nitrate trong trái dưa hấu thấp nhất. Hàm lượng nitrate trong dưa hấu trồng ở các công thức dinh dưỡng trong thí nghiệm đều thấp rất nhiều lần so với mức tối đa cho phép theo quy định.

Ảnh hưởng của tăng lượng phân hữu cơ và giảm lượng phân hóa học ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng quả của dưa chuột (Cucumis sativus L.)

Nguyễn Thị Loan, Trần Thị Thiêm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của tăng lượng phân hữu cơ và giảm lượng phân vô cơ trên cây dưa chuột (Cucumis sativus L). Thí nghiệm một nhân tố được bố trí khối ngẫu nhiên đầy đủ với 8 nghiệm thức gồm (1) đối chứng: không bón phân;(2) VC100: bón phân vô cơ (120 kg N + 80 kg P2O5 + 140 kg K2O/ha); (3) TQ100: bón 8 tấn/ha phân trùn quế; (4) ĐT100: tưới 200 L/ha phân đậu tương; (5) VC50TQ50: 50% phân vô cơ với 50% phân trùn quế; (6) VC50TQ75: 50% phân vô cơ với 75% phân trùn quế; (7) VC50ĐT50: 50% phân vô cơ với 50% phân đậu tương; và (8) VC50ĐT75: 50% phân vô cơ với 75% phân đậu tương. Mỗi nghiệm thức được lập lại 3 lần. Kết quả cho thấy các nghiệm thức bón phân trùn quế, phân đậu tương hoặc bón kết hợp với phân vô cơ cho các chỉ tiêu sinh trưởng khác không ý nghĩa thống kê so với bón phân vô cơ. Các chỉ tiêu sinh lý (chỉ số diện tích lá -LAI, chỉ số diệp lục - SPAD) tăng khi bón phân vô cơ kết hợp trùn quế. Bón 50% lượng phân vô cơ khuyến cáo với 75% lượng phân trùn quế cho các yếu tố cấu thành năng suất (số quả/cây, khối lượng quả, năng suất cá thể), năng suất thực thu (24,98 tấn/ha) và hiệu quả kinh tế (lợi nhuận 76,59 triệu đồng/ha;...

Đánh giá chất lượng của hai dạng phân bón hữu cơ lỏng và rắn được tạo ra từ nước thải hầm ủ biogas

Châu Thị Anh Thy, Đỗ Thành Luân, Lê Thị Xã, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tận dụng dinh dưỡng của nước thải biogas để tạo phân hữu cơ dạng lỏng và rắn bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Thành phần của nước thải biogas sau khi thu được đánh giá về chất lượng.  Dịch cá và vi khuẩn có ích được bổ sung vào torng nước thải để tạo phân hữu cơ dạng lỏng. Đối với phân hữu cơ rắn, nước thải biogas được hấp thụ vào xỉ than trước khi phối trộn với bã bùn mía. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phối trộn 60:40 (v/v) giữa nước thải hầm ủ biogas và dịch cá là tốt nhất. Đối với phân hữu cơ rắn, tỉ lệ phối trộn 70% bã bùn mía và 30% xỉ than đã hấp thu nước thải biogas, kết hợp bổ sung thêm 16,7% bột cá là công thức tốt nhất. Nhiệt độ bảo quản đảm bảo thành phần và chất lượng của 2 loại phân hữu cơ này là 30oC.

Đánh giá biến động và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Phan Hoàng Vũ, Lâm Thị Hoàng Oanh, Phạm Thanh Vũ, Nguyễn Thị Song Bình, Phạm Thị Chinh, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá biến động diện tích các loại hình sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bằng dữ liệu ảnh vệ tinh được cung cấp bởi Cơ quan Thăm dò Hàng không Vũ trụ Nhật Bản. Kết quả cho thấy có sự khác biệt về tỷ lệ thay đổi kiểu sử dụng đất tại hai khu vực trên địa bàn huyện. Khu vực nước ngọt ở phía Bắc của huyện ít biến động với mô hình canh tác chính là lúa và hoa màu. Các mô hình này chủ yếu chuyển đổi sang đất xây dựng và các loại cây trồng khác. Trên nền sinh thái nước mặn và nước lợ, mô hình luân canh lúa-tôm chuyển diện tích lớn sang nuôi tôm quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Thông qua phương pháp phỏng vấn nông hộ, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng xâm nhập mặn, lượng mưa, giá vật tư đầu vào, giá thành lao động, tiêu hao vật tư, giá nông sản, thị trường, thiếu lao động và dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả sản xuất và việc thay đổi sử dụng đất của nông hộ.

Sử dụng ảnh vệ tinh sentinel 2 và thuật toán học máy thành lập bản đồ hiện trạng rừng tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

Nguyễn Thanh Tuấn, Phan Văn Tuấn, Nguyễn Văn Quý, Hoàng Thị Phương Nhung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sử dụng 3 thuật toán phân loại học máy - MLC (mạng thần kinh nhân tạo - NNET, rừng ngẫu nhiên - RF và véc tơ hỗ trợ - SVM) để phân loại hiện trạng rừng của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước từ ảnh vệ tinh Sentinel-2. Mười loại hiện trạng sử dụng đất và lớp phủ trong đó có 6 lớp hiện trạng rừng đã được phân loại trong khu vực nghiên cứu. Phương pháp RF có độ chính xác cao nhất với độ chính xác toàn cục bằng 90% và hệ số Kappa bằng 0,86, tiếp theo là NNET và SVM. Trong số các kênh ảnh của vệ tinh Sentinel 2, kênh sóng ngắn hồng ngoại (kênh 11), tiếp theo là kênh rìa đò (kênh 5 và 6), kênh gần hồng ngoại hẹp (8A), kênh sóng ngắn hồng ngoại (kênh 12) và kênh xanh lục (kênh 3) đóng góp nhiều nhất vào độ chính xác của kết quả phân loại. Kết quả của nghiên cứu này đã chứng minh rằng thuật toán RF phù hợp cho việc lập bản đồ thảm thực vật từ ảnh vệ tinh Sentinel, và có thể được áp dụng được cho phân loại bản đồ hiện trạng rừng ở quy mô không gian rộng.

Khảo sát đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng bệnh cúm gia cầm type A/H5 trên đàn gia cầm tỉnh Đồng Tháp

Đào Huyền Trân, Hứa Quang Hải, Trần Ngọc Bích, Nguyễn Hửu Trương, Bạch Tuấn Kiệt, Phan Đình Phi Phượng, Nguyễn Thanh Lãm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tỷ lệ tiêm phòng và đáp ứng miễn dịch sau tiêm của bệnh cúm gia cầm độc lực cao type A/H5 (H5 highly pathogenic avian influenza, H5 HPAI) trên đàn gia cầm của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019–2020. Nghiên cứu được tiến hành thông qua thu thập số liệu hồi cứu tình hình tiêm phòng và đáp ứng miễn dịch sau tiêm từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp. Kết quả cho thấy tỷ lệ tiêm phòng cúm gia cầm type A/H5 có sự khác nhau giữa các huyện/thành phố giai đoạn 2019–2020. Có 6 trong 12 huyện/thành phố có tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm phòng dưới 70%. Tỷ lệ tiêm phòng trên vịt cao hơn gà ở các huyện/thành phố. Tỷ lệ đàn đạt bảo hộ sau tiêm phòng tăng từ 59,46% (năm 2019) lên 84,62% (năm 2020). Tỷ lệ bảo hộ trên vịt tăng từ 77,78% (2019) đến 89,05% (2020), cao hơn gà (50,0% năm 2019 và 60,61%, năm 2020). Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đánh giá tình hình tiêm phòng và đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng H5, từ đó giúp triển khai các phương án nâng cao công tác tiêm phòng tại các địa phương nhằm kiểm soát hiệu quả H5 HPAI tại tỉnh Đồng Tháp.

Ảnh hưởng chế độ gia nhiệt đến chất lượng gel surimi từ thịt vụn cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Nguyễn Đỗ Quỳnh, Lê Thị Minh Thủy, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng chế độ gia nhiệt đến chất lượng gel surimi từ thịt vụn cá tra. Nghiên cứu gồm 3 thí nghiệm (i) khảo sát ảnh hưởng của thời gian gia nhiệt trực tiếp ở 90℃, (ii) khảo sát ảnh hưởng của thời gian gia nhiệt ở 40℃ trong giai đoạn 1 (gia nhiệt hai giai đoạn) và (iii) ảnh hưởng của thời gian gia nhiệt ở 90℃ trong giai đoạn 2 (gia nhiệt hai giai đoạn) đến chất lượng gel surimi. Kết quả cho thấy surimi có độ bền gel, độ cứng, độ đàn hồi, độ cô kết, độ dai và khả năng giữ nước tương ứng là 338 g.cm; 2039 g; 0,870; 0,316; 558 g và 84,8% khi gia nhiệt trực tiếp ở 90℃ trong 20 phút. Trong khi đó, độ bền gel, độ cứng, độ đàn hồi, độ cô kết, độ dai và khả năng giữ nước của gel surimi tương ứng là 377 g.cm; 2.488 g; 0,98; 0,333; 819 g và 88,9% khi áp dụng gia nhiệt hai giai đoạn gồm gia nhiệt ở 40℃ trong 30 phút (giai đoạn một) và sau đó tăng lên 90℃ trong 20 phút (giai đoạn 2). Tóm lại, surimi được gia nhiệt hai giai đoạn có chất lượng gel surimi tốt hơn gia nhiệt trực tiếp.

Thành phần loài và mật độ giáp xác râu ngành (Cladocera) và giáp xác chân chèo (Copepoda) trong ao nuôi tôm nước lợ thâm canh

Nguyễn Thị Kim Liên, Võ Nam Sơn, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá sự biến động về thành phần loài Cladocera và Copepoda trong các ao nuôi tôm nước lợ. Nghiên cứu được thực hiện ở 6 ao tôm gồm 3 ao nuôi tôm sú  và 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy các yếu tố môi trường nước các ao nuôi tôm như nhiệt độ, pH, độ mặn, TAN, NO3-, PO43-, TN, TP và chlorophyll-a trong giới hạn phù hợp của tôm. Có 34 loài động vật nổi được ghi nhận trong các ao nuôi tôm, trong đó Cladocera (1 loài) và Copepoda (4 loài) chiếm tỉ lệ khá thấp. Mật độ của Copepoda (gồm ấu trùng nauplius) biến động từ 19.112 đến 169.778 cá thể/m³ và Cladocera từ 0 đến 2.650 cá thể/m3. Các loài được xác định gồm Acartia clausi, Apocylops sp., Microsetella norvegica, Schmackeria dubia (Copepoda) và Moina sp. (Cladocera). Schmackeria dubia và ấu trùng nauplius (Copepoda) chiếm ưu thế ở cả các ao tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Năng suất tôm tương quan thuận (p>0,05) với mật độ Copepoda. Sự phát triển của Copepoda góp phần làm tăng năng suất tôm trong ao nuôi.

Đánh giá hiện trạng của một số nghề khai thác thủy sản chính ở vùng lộng phía Tây tỉnh Cà Mau

Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Trường Ơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá hiện trạng của một số nghề khai thác thủy sản chính ở vùng lộng phía Tây tỉnh Cà Mau được thực hiện từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Kết quả cho thấy nghề lưới rê, lưới kéo, câu mực và ốc bẫy mực đang được phát triển ở vùng lộng tỉnh Cà Mau. Các nghề này có thể khai thác quanh năm. Sản lượng khai thác của nghề lưới rê (17,9 tấn/năm), nghề câu mực (11,3 tấn/năm) và nghề ốc bẫy mực (29,3 tấn/năm) điều cao, trừ nghề lưới kéo có sản lượng khai thác thấp nhất (8,44 tấn/năm). Nghề lưới kéo có tỉ lệ cá tạp cao nhất 16,4%. Lợi nhuận của tàu lưới rê (1.174 triệu đồng/năm) cao hơn các nghề khác. Nghề câu mực và ốc bẫy mực có tỉ suất lợi nhuận thấp, lần lượt là 0,2 lần và 0,37 lần. Nghề lưới rê, nghề câu mực và nghề ốc bẫy mực là các nghề khai thác thụ động, tỉ lệ cá tạp thấp và ít tác động làm suy giảm nguồn lợi thủy sản nên cần được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên hai nghề câu mực và ốc bẫy mực có tỉ suất lợi nhuận thấp, cần nghiên cứu hỗ trợ hai nghề này phát triển nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho ngư dân vùng ven biển.

Ẩn dụ từ chỉ vị giác “苦 (khổ) - đắng” trong tiếng Hán và tiếng Việt

Tạ Thị Lê Thu
Tóm tắt | PDF
Ẩn dụ vị giác đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người và nhiều khái niệm trừu tượng được xây dựng thông qua ẩn dụ vị giác. Dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận, bài viết nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống về ẩn dụ của từ chỉ vị giác 苦 (khổ) - đắng trong tiếng Hán và tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu cho thấy ẩn dụ vị giác 苦 (khổ) - đắng trong hai ngôn ngữ chủ yếu tập trung vào năm lĩnh vực: thị giác/xúc giác, cảm xúc, thế giới vật chất, đời sống xã hội và mức độ. Phân tích so sánh sâu hơn cho thấy ẩn dụ của từ chỉ vị giác 苦 (khổ) - đắng trong Hán và tiếng Việt có những điểm giống nhau, điều này có thể được cho là do sự tương đồng trong các mô hình nhận thức của con người, nhưng cũng có những khác biệt có thể được cho là do sự khác biệt về văn hóa.

Dấu ấn sông nước Đồng bằng sông Cửu Long trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Thị Phương Nghi, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Tóm tắt | PDF
Sông nước Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu được xem là tài sản vô giá và là nét đẹp đặc trưng cho vùng đất Nam Bộ của Việt Nam. Cảnh sông nước đã trở thành chất liệu cho sáng tác của nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Ngọc Tư. Trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư, sông nước Đồng bằng sông Cửu Long hiện lên hết sức sinh động và ấn tượng, vừa gần gũi, thân quen khi hiện diện trong từng nếp ăn, ở của người địa phương vừa nên thơ, mê hoặc như níu chân du khách. Đặc biệt, bên những dòng sông ấy còn hiện lên một thực trạng đáng báo động của một môi sinh đang bị hủy diệt. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã cất lên tiếng nói phản tỉnh, kêu gọi việc nâng cao ý thức cùng những hành động thiết thực để bảo tồn những giá trị của tự nhiên nói chung và sông nước nói riêng.

Cấu trúc tu từ và chuỗi từ vựng trong phần dẫn nhập bài báo nghiên cứu tiếng Việt chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng

Đỗ Xuân Hải
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày kết quả phân tích cấu trúc tu từ và chuỗi từ vựng trong khối liệu gồm 40 phần dẫn nhập bài báo nghiên cứu thuộc hai lĩnh vực bộ phận của chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng (Giảng dạy tiếng Anh và Dụng học & Phân tích diễn ngôn). Những bài báo dùng để tạo khối liệu được xuất bản trong khoảng 2011-2015 trên các tạp chí Ngôn ngữ học uy tín trong nước. Mô hình phân tích cấu trúc tu từ được phát triển dựa trên các mô tả Tạo Ra Không Gian Nghiên Cứu (CARS 1990, 2004) của Swales và thực tế khối liệu của nghiên cứu. Đối với khái niệm lý thuyết còn lại, bài viết kế thừa quan niệm về chuỗi từ vựng của Biber và cộng sự (1999). Kết quả phân tích cho thấy sự đa dạng của cấu trúc tu từ trong khối liệu và có 53 chuỗi từ vựng có thể dùng để hiện thực hóa những hành động tu từ của cấu trúc này.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam

Nguyễn Thị Huyền Mỹ, Trương Đông Lộc
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đo lường ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hiệu quả thị trường của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này là dữ liệu thời gian theo tần suất ngày của chỉ số VN30-Index trong khoảng thời gian từ ngày 11 tháng 8 năm 2017 đến ngày 26 tháng 5 năm 2022. Dựa trên số liệu thu thập được, cửa sổ trượt được áp dụng để tính toán số mũ Hurst. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị số mũ Hurst của cả hai giai đoạn đều lớn hơn giá trị số mũ Hurst của thị trường hiệu quả (H = 0,5). Ngoài ra, giá trị số mũ Hurst ở giai đoạn sau lớn hơn giá trị cố mũ Hurst ở giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Vì thế, có thể kết luận rằng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng kém hiệu quả của thị trường. Hơn nữa, tính không hiệu quả của HOSE thay đổi theo thời gian, do giá trị của Hurst tăng lên khi độ dài cửa sổ trượt tăng. Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam trong cả hai giai đoạn trước và sau khi đại dịch bùng phát đều không đạt hiệu quả thị trường dạng yếu...