Ngày xuất bản: 30-08-2022

Bào chế và khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của hệ vi hạt từ fibroin tơ tằm chứa dịch chiết hoa Wedelia trilobata L.

Huỳnh Quốc Cường, Nguyễn Việt Bách, Phạm Duy Toàn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng tải các hợp chất polyphenol từ dịch chiết hoa sài đất ba thùy (Wedelia trilobata L. - WT) vào vi hạt fibroin tơ tằm và khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa của các sản phẩm, sử dụng phương pháp DPPH (2,2-Diphenyl-1-picrylhydrazyl). Dịch chiết được nạp vào vi hạt bằng phương pháp đồng ngưng tụ. Hệ vi hạt fibroin chứa dịch chiết có kích thước trung bình là 7,11 µm, hiệu suất tải dịch chiết khá cao (74,13%) và có khả năng kiểm soát quá trình giải phóng polyphenol trong hệ đệm pH 7,4. Hơn nữa, dịch chiết WT có hoạt tính kháng oxy hóa rất cao (IC50=8,67 µg/mL) và vi hạt sau khi được tải dịch chiết cũng giữ được khả năng kháng oxy hóa (ở các mốc thời gian 30, 90, 180 phút, lần lượt là 27,89%, 44,75%, 52,61%). Do hệ vi hạt có khả năng giải phóng hoạt chất có kiểm soát, dẫn đến khả năng kháng oxy hóa của hệ phụ thuộc vào thời gian. Tóm lại, hệ vi hạt chứa cao WT là một ứng dụng tiềm năng cho các dạng thuốc phóng thích có kiểm soát.

Thực nghiệm đánh giá Double-Head cho bài toán phát hiện phương tiện giao thông từ không ảnh

Nguyễn Thanh Thanh Trúc, Trần Thị Mỹ Quyên, Bùi Cao Doanh, Võ Duy Nguyễn, Nguyễn Tấn Trần Minh Khang
Tóm tắt | PDF
Phát hiện phương tiện giao thông từ không ảnh đặt ra nhiều thách thức và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng nghiên cứu. Đối tượng trong không ảnh nhỏ hơn rất nhiều so với ảnh chụp từ camera mặt đất, đây là thách thức rất lớn. Với các đối tượng nhỏ, sự sai khác của các vùng đề xuất sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kết quả phát hiện đối tượng. Trong nghiên cứu này, phương pháp Double-Head được đánh giá dựa trên bộ dữ liệu AERIAU – một bộ dữ liệu không ảnh có áp dụng các kỹ thuật tăng cường dữ liệu. Double-Head đạt kết quả 37,09% mAP trên bộ dữ liệu AERIAU. So sánh với mô hình đạt kết quả cao nhất được công bố trước đó trên bộ dữ liệu AERIAU là YOLOv3, Double-Head cao hơn 2,01%. Double-Head đạt kết quả cao trên lớp đối tượng xe ô tô, xe buýt, xe tải, từ đó đưa ra đề xuất phát hiện xe loại nhỏ. Đây là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, cơ sở để phát triển các hệ thống giám sát giao thông thông minh.

Ứng dụng mô hình đa biến bộ nhớ dài - ngắn hạn trong dự báo nhiệt độ và lượng mưa

Dương Thị Hà, Nguyễn Thái Nghe
Tóm tắt | PDF
Dự báo nhiệt độ và lượng mưa là một trong những chỉ số được quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân có kế hoạch gieo trồng phù hợp. Một số kỹ thuật trước đây đã được đề xuất để dự báo về nhiệt độ và lượng mưa dựa trên phân tích thống kê, học máy và kỹ thuật học sâu. Trong bài viết này, phương pháp xây dựng mô hình dự báo nhiệt độ và lượng mưa hàng tháng bằng mô hình đa biến bộ nhớ dài-ngắn hạn (Multivariate long short-term memory - MLSTM) được đề xuất. Các tham số của mô hình được điều chỉnh sao cho phù hợp với bài toán đặt ra. Mô hình được đánh giá thông qua độ đo lỗi RMSE và MAE. Bên cạnh, các mô hình dự báo khác như LSTM, MLP và SVR cũng được sử dụng nhằm so sánh hiệu quả của mô hình đề xuất. Kết quả thực nghiệm trên tập dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa trung bình hàng tháng tại Việt Nam từ 1901 đến 2015 cho thấy mô hình MLSTM đạt hiệu quả khá tốt với độ lỗi RMSE trên tập nhiệt độ là 1.311 và MAE là 1.051, tương ứng trên tập dữ liệu lượng mưa là 2.299 và 2.450.

Nhận dạng bệnh trên lá lúa bằng phương pháp học chuyển giao

Trương Thị Phương Thanh, Nguyễn Thái Nghe
Tóm tắt | PDF
Nông nghiệp thông minh là xu hướng nghiên cứu và ứng dụng rất được quan tâm gần đây. Phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, là một trong những lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Cây lúa là một sản phẩm có lợi thế lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khó khăn trong trồng lúa là việc xuất hiện những loại bệnh như đạo ôn, đốm nâu, cháy bìa lá và bọ gai đã làm giảm cả sản lượng và chất lượng của việc trồng lúa. Vì vậy, việc phát hiện các bệnh phổ biến trên cây lúa nhằm giúp người dân nâng cao năng suất là vấn đề cấp thiết. Nghiên cứu này đề xuất giải pháp trong nhận dạng bệnh hại trên lá lúa bằng mô hình học sâu. Mô hình đã ứng dụng việc học chuyển giao với mô hình học sâu Inception V3 để phân lớp một số loại bệnh phổ biến trên lá lúa. Thực nghiệm trên tập dữ liệu thu thập từ các nguồn khác nhau bao gồm 2.500 hình ảnh cho thấy mô hình đạt độ chính xác 97,4%. Kết quả này rất khả thi để ứng dụng vào thực tế nhằm dự đoán các loại bệnh trên lá lúa thông qua ảnh chụp, từ đó đề xuất giải pháp phòng trị phù hợp giúp người dân nâng cao năng suất trồng lúa.

Theo dõi đảo nhiệt bề mặt đô thị tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2014-2020

Nguyễn Kiều Diễm, Phan Kiều Diễm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm theo dõi sự thay đổi nhiệt độ bề mặt (land surface temperature-LST) và đảo nhiệt bề mặt đô thị (surface urban heat island -SUHI) tại thành phố Cần Thơ (TPCT) giai đoạn 2014-2020. LST được phân tích từ ảnh hồng ngoại nhiệt của Landsat, hiện trạng phủ bề mặt được giải đoán từ phương pháp phân loại hướng đối tượng (object-based approach). Độ lớn SUHI xác định bởi chênh lệch LST trung bình vùng đô thị so với ngoại ô. Với độ chính xác toàn cục (T=90%), kết quả cho thấy tỉ lệ diện tích đô thị tăng 1,33% (1.915 ha) và LST trung bình tăng 1,25oC trong 5 năm. SUHI phát triển với xu hướng tăng nhanh về không gian và thời gian. Năm 2020, đảo nhiệt tối đa là 8,96oC xảy ra ở 87,4 ha trong khi năm 2014 chỉ ở 6,98oC với 42,8 ha. Đảo nhiệt phân bố tại khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, khu dân cư mật độ xây dựng cao. Các giải pháp giảm thiểu đảo nhiệt, bảo vệ môi trường đô thị nên được tích hợp trong chiến lược xây dựng đô thị bền vững thời gian tới.

Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh SAR (Sentinel-1A) đa thời gian thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Cà Mau

Phạm Quốc Việt, Võ Quốc Tuấn, Nguyễn Tấn Lợi, Phạm Văn Đệ
Tóm tắt | PDF
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm kê và định hướng quy hoạch sử dụng đất đai. Tuy nhiên, các phương pháp xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất giải đoán từ ảnh vệ tinh trước đây thường sử dụng dữ liệu ảnh quang học nên dễ bị ảnh hưởng bởi mây. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là ứng dụng ảnh SAR (study applied radar) để xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trong nghiên cứu này, chuỗi ảnh SAR theo thời gian được dùng để thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, dựa trên cơ sở sự thay đổi giá trị tán xạ ngược VH (backscatter values, dB) của các kiểu sử dụng đất theo thời gian kết hợp với kết quả khảo sát thực địa. Kết quả nghiên cứu đã phân loại được 6 loại sử dụng đất: đất trồng lúa, cây lâu năm, sông rạch, đất ở, đất nuôi trồng thủy sản và rừng. Kết quả đánh giá cho thấy độ chính xác toàn cục đạt 89,4% và hệ số Kappa 0,79. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng ảnh SAR đa thời gian trong xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất có khả năng ứng dụng cao.

Điều kiện nuôi cấy tối ưu cho sự phân hủy benzene, toluene và xylene của vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2

Nguyễn Thị Phi Oanh, Võ Phát Tài, Nguyễn Ngọc Mẫn, Bùi Doãn Thành Trường, Lê Thị Thùy Dương, Đỗ Thị Kim Tro
Tóm tắt | PDF
Các hydrocarbon thơm như benzene, toluene và xylene (BTX) là thành phần chính của xăng và là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp. BTX cũng được xem là những hợp chất ô nhiễm phổ biến đối với nước mặt và nước ngầm. Dòng vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 được phân lập từ hệ thống xử lý nước thải có khả năng phân hủy xylene hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy dòng vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 cũng có khả năng phân hủy benzene, toluene và hỗn hợp BTX ở các nồng độ khác nhau, trong đó 0,1% (v/v) BTX là nồng độ tối ưu cho sự tăng trưởng của vi khuẩn sau 24 giờ nuôi cấy. Dòng vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 có khả năng tăng trưởng và phân hủy hỗn hợp BTX hiệu quả trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung BTX như là nguồn cung cấp carbon duy nhất ở nồng độ 0,1% (v/v) trong điều kiện pH = 7 - 8 và được thông khí.

Tuyển chọn chất mang để tồn trữ vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 có khả năng phân hủy benzene, toluene và xylene

Nguyễn Thị Phi Oanh, Võ Phát Tài, Nguyễn Ngọc Mẫn, Nguyễn Văn Quí, Châu Tú Uyên, Nguyễn Hoàng Khoa, Nguyễn Đắc Khoa
Tóm tắt | PDF
Benzene, toluene và xylene (BTX) là thành phần chính của xăng và là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp. Do có khả năng hòa tan trong nước nên BTX cũng được xem là một trong những hợp chất gây ô nhiễm nước phổ biến. Dòng vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 được phân lập từ hệ thống xử lý nước thải phòng thí nghiệm có khả năng phân hủy hiệu quả BTX. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm chất mang phù hợp để tồn trữ vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 làm cơ sở cho việc sản xuất chế phẩm sinh học xử lý BTX trong nước thải. Sáu loại vật liệu làm chất mang gồm bã mía, mạt cưa, cám, rơm, bột talc và bã cà phê được sử dụng riêng lẻ hoặc phối trộn để tạo 11 chất mang. Kết quả đếm sống và phân tích sắc ký khí GC-FID cho thấy bột talc duy trì mật số (>106 CFU/g) và khả năng phân hủy BTX của vi khuẩn Rhodococcus sp. XL6.2 (>92%) trong 6 tháng tồn trữ. Vitamin B12 được bổ sung giúp vi khuẩn đạt mật số cao hơn so với nghiệm thức đối chứng.

Khảo sát sự sinh trưởng của gà nòi Bến Tre (Gallus gallus) theo quy mô đàn

Lê Thanh Phương, Phạm Ngọc Du, Trần Trung Tú
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trên 9 đàn gà nòi Bến Tre (tên khoa học) giai đoạn 1 - 13 tuần tuổi được nuôi theo mô hình bán chăn thả ở 9 nông hộ tỉnh Bến Tre. Các đàn gà được chia thành 3 nhóm theo quy mô đàn tương ứng với 3 nghiệm thức (NT1: quy mô 1.000-1.200 con, NT2: quy mô 1.200-1.500 con, NT3: quy mô 1.500-1.800 con). Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P

Ảnh hưởng của nồng độ và thời gian thủy phân proteintừ đầu cá lóc (Channa striata) sử dụng các protease khác nhau

Trương Thị Mộng Thu, Lê Thị Minh Thủy, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Sử dụng các loại protease khác nhau để sản xuất dịch đạm thuỷ phân (FPH) từ phụ phẩm thuỷ sản đang được nghiên cứu để tạo sản phẩm giá trị gia tăng. Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của nồng độ và thời gian thuỷ phân của alcalase (i), protamex (ii) và alkaline (iii) lên hàm lượng đạm amin (Naa), hiệu suất thu hồi protein (PR) và hiệu suất thủy phân (DH) từ đầu cá lóc. Kết quả cho thấy FPH có Naa, PR, DH cao tương ứng lần lượt là 12,7 g/L, 49,1% và 40,5% khi thủy phân với 0,8% alcalase trong 30 giờ. FHP có Naa, PR, DH cao lần lượt là 12,5 g/L, 48,5% và 33,8% sử dụng 1,2% protamex trong 24 giờ. FHP có Naa, PR, DH cao lần lượt là 13,4 g/L, 47,2% và 36,9% ứng dụng 1,2% alkaline trong 30 giờ. Kết quả nghiên cứu chứng minh thủy phân đầu cá lóc với 0,8% alcalase trong 30 giờ thu FPH có chất lượng cao và giảm chi phí.

Ảnh hưởng của nồng độ và thời điểm phun paclobutrazol đến sinh trưởng và hàm lượng tinh dầu của cây sen thơm (Plectranthus hadiensis var. tomentosus (Benth. ex E. Mey.) Codd) trồng chậu

Hồ Ngọc Như Tiền, Lý Trí Hiệp, Lê Thị Mỹ Hạnh, Lê Nhựt Tiến, Phạm Thị Thùy Dương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này xác định nồng độ và thời điểm phun paclobutrazol thích hợp để cây sen thơm sinh trưởng tốt và có hàm lượng tinh dầu cao. Thí nghiệm hai nhân tố được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (completely randomized design - CRD) gồm 12 nghiệm thức và ba lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Nhân tố thứ nhất gồm 4 nồng độ paclobutrazol (0 - đối chứng, 50, 100 và 150 ppm) và nhân tố thứ hai là 3 thời điểm phun paclobutrazol (20, 35 và 50 ngày sau trồng). Kết quả thí nghiệm cho thấy cây sen thơm khi phun paclobutrazol với nồng độ 50 ppm vào thời điểm 35 ngày sau trồng cho kết quả tốt nhất về chiều cao cây (9,24 cm), số lá (114 lá/cây), đường kính thân (4,06 mm), đường kính tán (10,67 cm), chiều dài và chiều rộng lá (theo thứ tự 26,7 mm và 20,60 mm), chỉ số diệp lục tố (28,20 CCI). Nồng độ và thời điểm phun paclobutrazol không ảnh hưởng đến hàm lượng tinh dầu của cây sen thơm.

Ảnh hưởng của cắt dây và thời gian xử lý khô hạn đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng khoai lang tím HL491 (Ipomoea batatas (Lam.) L.) trồng chậu trên giá thể

Phạm Thị Phương Thảo, Lê Văn Hòa, Lê Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Dương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của cắt dây và thời gian xử lý khô hạn bằng cách xiết nước đến sinh trưởng, năng suất và phẩm chất củ khoai lang tím (Ipomoea batatas (Lam.) L.) trồng trên giá thể. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, một nhân tố gồm: đối chứng (tưới nước đầy đủ), cắt ngọn dây ở 35 ngày sau khi trồng (SKT), xiết nước trong vòng 3, 5 và 10 ngày tính từ thời điểm 30 ngày SKT. Thí nghiệm được lặp lại 7 lần (1 chậu trồng khoai). Kết quả cho thấy, cắt dây ở 35 ngày SKT, xiết nước trong vòng 3, 5 và 10 ngày có ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu sinh trưởng. Nghiệm thức cắt dây ở thời điểm 35 ngày SKT và xiết nước 3 ngày có tổng số củ (trên 16 củ/chậu) và số củ thương phẩm (hơn 9 củ/chậu), năng suất tổng (900 g/chậu) tốt hơn đối chứng. Nghiệm thức xiết nước 3 ngày SKT có hàm lượng anthocyanin và đường tổng số cao, cắt dây ở thời điểm 35 ngày SKT và xiết nước 3 ngày giúp cải thiện năng suất củ.

Ảnh hưởng của gốc ghép lên đặc tính nông sinh học ở trái ớt (Capsicum spp.) lên cành ghép

Trần Ngọc Chi, Trương Trọng Ngôn, Lê Việt Dũng
Tóm tắt | PDF
Lai và ghép trên cây trồng là những biện pháp nhằm cải thiện giống. Thí nghiệm tiến hành ghép thuận nghịch 2 cặp giống ớt hiểm và sừng, cà và hiểm ở các độ tuổi gốc ghép và độ dài gốc ghép khác nhau. Kết quả cho thấy có sự thay đổi màu bao phấn của cây ghép so với cành ghép ở các cặp ghép sừng-hiểm, hiểm-sừng và cà-hiểm. Đối với các tính trạng trái, cặp ghép sừng-hiểm ở các độ tuổi 50-20, 60-20 và 60-25 có sự ảnh hưởng của gốc ghép sừng làm tăng khối lượng trái cây ghép nhiều hơn. Kết quả giải trình tự vùng gen CaOvate liên quan hình dạng trái nhận thấy cành ghép hầu như tương tự với giống làm cành, điều này cho thấy gốc ghép chưa làm ảnh hưởng đến các đặc điểm nông học trên cành ghép tại vùng gen này.

Nghiên cứu đánh giá tác động của các yếu tố đầu vào đến năng suất bưởi Năm Roi tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long

Trương Quỳnh Hoa, Nguyễn Yến Nhi, Nguyễn Đoan Trinh, Huỳnh Tấn Phong
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá và xác định giá trị tối ưu của các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến năng suất canh tác và tối thiểu tổng chi phí sản xuất bưởi Năm Roi. Sử dụng cách tiếp cận định lượng trên cơ sở kiểm định F và hồi quy tuyến tính đa biến, phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất được sử dụng để tìm ra các yếu tố có ý nghĩa thống kê tác động đến năng suất. Lý thuyết hàm nhân tử Lagrange được ứng dụng trong nghiên cứu này với mục đích xác định cực tiểu của hàm số chi phí sản xuất tại các nghiệm tối ưu dưới các điều kiện giới hạn. Nghiên cứu được thực hiện trên hoạt động canh tác bưởi tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Số liệu được thu thập thông qua khảo sát trực tiếp các hộ trồng bưởi quy mô nhỏ. Cuối cùng, kết quả của phương pháp OLS được so sánh với ước lượng trung bình các yếu tố (AMA) để cung cấp cơ sở cho nông hộ điều chỉnh việc sử dụng các yếu tố đầu vào.

Phân bố và quan hệ không gian của loài sến mủ (Shorea roxburghii G. Don) trong rừng lá rộng thường xanh ở khu vực Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Thanh Tuấn, Bùi Mạnh Hưng, Nguyễn Văn Hợp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong kiểu rừng lá rộng thường xanh ở khu vực Tân Phú tỉnh Đồng Nai để giúp hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh thái của loài sến mủ - loài cây có tên trong Danh lục đỏ IUCN. Về thu thập dữ liệu, một ô tiêu chuẩn 2 ha (OTC) đã được thiết lập. Mật độ, tiết diện ngang và chỉ số giá trị quan trọng (IVI%) được xác định cho từng loài. Tổng số 100 loài thuộc 49 họ đã được xác định. Mật độ, tiết diện ngang và IVI% của sến mủ là cao nhất nhưng đường kính ngang ngực bình quân của loài ở mức trung bình so với 16 loài cây chủ yếu trong OTC. Mô hình không gian của sến mủ là phân bố kiểu cụm ở giai đoạn cây non, phân bố ngẫu nhiên ở giai đoạn cây sào và thành thục. Trong mối quan hệ không gian của sến mủ và 16 loài cây chủ yếu của OTC, sến mủ có quan hệ tương hỗ với 5 loài, quan hệ cạnh tranh với 4 loài và quan hệ độc lập với 7 loài.

Sự tương quan giữa mức độ che mát và chế độ phân bón đến năng suất trái ca cao (Theobroma cacao L.) trồng xen trong vườn dừa tại tỉnh Tiền Giang

Võ Thị Hồng Ngọc, Võ Minh Hải, Trần Văn Hâu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020 nhằm tìm ra mối tương quan giữa tỷ lệ ánh sáng và hàm lượng dinh dưỡng trong đất đến năng suất ca cao trồng xen với dừa. Mười lăm hộ nông dân trồng ca cao xen trong vườn dừa theo các mức độ ánh sáng 60-70%, 70-80% và 80-90% được phỏng vấn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ánh sáng ca cao nhận được trung bình 74%, pH thích hợp là 5,5, tỷ lệ chất hữu cơ ở mức trung bình 4,6%, đạm hữu dụng cao 141,6 mg/kg đất, lân dễ tiêu ở mức tối hảo 26,1 mg P/100 g đất, kali trao đổi thấp 0,27 meq/100 g đất. Bên cạnh đó, kết quả được ghi nhận là có sự tương quan thuận giữa phần trăm ánh sáng cây ca cao nhận (r = 0,606*), hàm lượng đạm hữu dụng (r = 0,531*), kali trao đổi (r = 0,517*) và CEC (r = 0,514*). Để cải thiện năng suất ca cao trồng xen trong vườn dừa, ta cần cải thiện pH đất, tỉa cành để cây ca cao nhận được nhiều ánh sáng cùng với bón đạm đầy đủ.

Hiệu quả của phân hữu cơ phối trộn tươi từ bèo hoa dâu (Azolla carolinian) và các vật liệu hữu cơ khác lên sinh trưởng và năng suất lúa trên nền đất nhiễm mặn ở điều kiện nhà lưới

Nguyễn Cao Thơ, Trần Võ Hải Đường, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả phân hữu cơ tươi phối trộn từ bèo hoa dâu và các vật liệu hữu cơ khác lên đặc tính hóa và sinh học đất, sinh trưởng và năng suất lúa trên nền đất nhiễm mặn ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 8 nghiệm thức và 3 lặp lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy bèo hoa dâu và các vật liệu hữu cơ khác có sự đa dạng về dinh dưỡng đa trung và vi lượng và đáp ứng được yêu cầu sản xuất phân hữu cơ. Phân hữu cơ phối trộn tươi được sản xuất có đặc tính nổi bật như tỷ lệ C/N 11,88; hàm lượng đạm 2,58%; hàm lượng chất hữu cơ tổng số 55,17%; và hàm lượng chất dinh dưỡng đa vi lượng cao và mật số vi khuẩn có hại ở mức cho phép. Sử dụng phân hữu cơ phối trộn tươi riêng lẻ hoặc kết hợp với dung dịch vi khuẩn acid lactic cải thiện hiệu quả về các đặc tính đất nhiễm mặn, đặc biệt gia tăng hiệu quả sinh trưởng và năng suất cây lúa trên nền đất nhiễm mặn.

Nghiên cứu chế biến sản phẩm gia vị rắc cơm từ sinh khối Artemia (Artemia franciscana) kết hợp rau củ sấy

Lê Thị Minh Thủy, Mai Thị Lan Trinh, Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Hòa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu tận dụng sinh khối Artemia (Artemia franciscana) kết hợp rau củ sấy để chế biến sản phẩm gia vị rắc cơm hay còn gọi là furikake đã được thực hiện qua 3 thí nghiệm: (i) nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian sấy đến chất lượng Artemia khô, rong biển và cà rốt; (ii) ảnh hưởng của tỷ lệ gia vị phối trộn đến chất lượng cảm quan của sản phẩm gia vị rắc cơm, (iii) theo dõi sự thay đổi ẩm độ và vi sinh vật của sản phẩm trong quá trình bảo quản ở nhiệt độ phòng. Kết quả cho thấy, sấy Artemia trong 6 giờ ở 60℃ đạt độ ẩm thấp 6,08% và hiệu suất thu hồi là 17,9%. Thời gian sấy rong biển và cà rốt đạt chất lượng tốt lần lượt là 7 giờ và 2 ngày. Sản phẩm gia vị rắc cơm có chất lượng cảm quan tốt, vị hài hòa, độ ẩm, protein, lipid và khoáng lần lượt là 18,0 điểm, 5,86%; 21,9%; 15,6% và 11,0% tương ứng khi phối trộn tỷ lệ gia vị đường: muối là 5%: 5%. Chất lượng sản phẩm gia vị rắc cơm vẫn ổn định sau 4 tuần bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Ảnh hưởng của vi khuẩn Bacillus CM3.1 lên chất lượng nước và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mật độ tối ưu của Bacillus CM3.1 lên chất lượng nước và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei. Nghiên cứu bao gồm 2 thí nghiệm. Thí nghiệm 1 đánh giá khả năng phân hủy vật chất hữu cơ của chủng Bacillus CM3.1 ở các mật độ khác nhau (102, 103, 104, 105 và 106 CFU/mL) trong 48 giờ. Thí nghiệm 2 đánh giá ảnh hưởng của Bacillus CM3.1 lên chất lượng nước và tăng trưởng của tôm. Tôm được bố trí ngẫu nhiên vào bể composite 500L  với mật độ 100 con/bể 4 nghiệm thức (đối chứng và 3 nghiệm thức bổ sung với mật độ Bacillus 102, 103, 104 CFU/mL), mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần và thời gian nuôi 60 ngày. Kết quả cho thấy việc bổ sung Bacillus CM3.1 ở các nồng độ khác nhau thúc đẩy quá trình phân hủy vật chất hữu cơ dẫn đến gia tăng hàm lượng TAN trong nước thải, đồng thời giảm đáng kể hàm lượng COD, TSS và OSS sau 48 giờ. Khi bổ sung chủng Bacillus CM3.1 vào nước ương tôm ở mật độ 104 CFU/mL giúp cải thiện đáng kể các thông số TAN, N-NO2-, BOD5, COD và mật độ Bacillus. Mật độ tổng Vibrio trong nước giảm đáng kể ở các nghiệm thức bổ sung vi khuẩn. Các thông số tăng trưởng như tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng (SGR), tỉ lệ sống và sinh khối tôm tăng đáng kể ở các nghiệm thức bổ sung Bacillus, đặc biệt là nghiệm thức 104 CFU/mL.

Ảnh hưởng của vi khuẩn Bacillus CM3.1 và Lactobacillus TV3.2 lên chất lượng nước và tăng trưởng của cá tra (Pangasianodon hypophthamus)

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng lợi khuẩn Bacillus CM3.1 và Lactobacillus TV3.2 lên chất lượng nước và tăng trưởng của cá tra Pangasianodon hypophthamus. Hệ thống thí nghiệm gồm 12 bể composite chứa 400 L nước ngọt, cá tra (khối lượng ban đầu 0,46±0,01 g) được bố trí mật độ 150 con/bể và theo dõi trong 30 ngày. Nghiên cứu được thực hiện với 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần: đối chứng (NT1), không có bổ sung khuẩn; bổ sung khuẩn Lactobacillus TV3.2 trong thức ăn (NT2); bổ sung khuẩn Bacillus CM3.1 trong nước (NT3) và bổ sung kết hợp cả hai chủng khuẩn (NT4). Kết quả cho thấy ở các nghiệm thức bổ sung khuẩn hàm lượng TAN tăng, trong khi N-NO2- và COD giảm đáng kể so với nghiệm thức đối chứng. Các thông số tăng trưởng bao gồm tăng trọng, tốc độ tăng trọng tuyệt đối, tốc độ tăng trọng tương đối, sinh khối và tỉ lệ sống của cá tra cải thiện đáng kể khi bổ sung các chủng lợi khuẩn Bacillus CM3.1 và Lactobacillus TV3.2, đặc biệt là nhóm nghiệm thức bổ sung kết hợp. Như vậy, lợi khuẩn Bacillus CM3.1 và Lactobacillus TV3.2 có tiềm năng phát triển probiotic ứng dụng trong nuôi cá tra thâm canh.

Sử dụng thức ăn viên nuôi cá thát lát còm (Chitala chitala) thương phẩm

Trần Thị Thanh Hiền, Nguyễn Thị Thúy Anh, Lam Mỹ Lan
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm nuôi cá thát lát còm (Chitala chitala) bằng thức ăn viên nổi được thực hiện trong các giai lưới có diện tích 20 m2/giai với 2 nghiệm thức ăn là thức ăn viên với 4 mức protein (42,5%, 38,6%, 33,6% và 33,2%) và 9% lipid cho 4 giai đoạn nuôi thương phẩm (trong 238 ngày) và nghiệm thức cho ăn bằng cá tạp. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Kết quả cá ở nghiệm thức cho ăn thức ăn viên khác biệt không có ý nghĩa về tăng trưởng, tỷ lệ sống, năng suất so với nghiệm thức cho ăn cá tạp (p>0,05). Độ dai của cơ thịt cá thát lát còm ở nghiệm thức cho ăn thức ăn viên (865 g lực) cao hơn so với nghiệm thức cho ăn cá tạp (671 g lực). Chi phí thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng ở nghiệm thức cho cá ăn thức ăn viên (27.500 đồng) thấp hơn so với nghiệm thức cho ăn cá tạp (33.900 đồng). Nuôi cá thát lát còm bằng thức ăn viên đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cá ở 4 giai đoạn nuôi thương phẩm cho hiệu quả cao so với thức ăn là cá tạp.

Thực trạng vận dụng dạy học thông minh trong giảng dạy sinh viên ngành Sư phạm Địa lí tại Trường Đại học Cần Thơ trong bối cảnh của đại dịch Covid-19

Trịnh Chí Thâm, Trần Thị Mỹ Linh
Tóm tắt | PDF
Thực trạng vận dụng lý thuyết dạy học thông minh (DHTM) trong dạy học sinh viên ngành Sư phạm Địa lí tại Trường Đại học Cần Thơ được đánh giá trong bài viết này. Nguồn thông tin trong nghiên cứu được thu thập và xử lí thông qua phương pháp hỗn hợp gồm nghiên cứu tư liệu, khảo sát bằng bản câu hỏi, phỏng vấn sâu,… một số sinh viên và giảng viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả giảng viên và sinh viên có nhận thức khá tốt về DHTM. Bên cạnh đó, các phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh đang được vận dụng khá đa dạng và hữu hiệu. Tuy vậy, để hiệu quả DHTM được cải thiện thì cần cải thiện hiểu biết của cả người dạy và người học về DHTM và cung cấp các nền tảng thông minh đầy đủ hơn.

Hiệu quả của dự án "Video clip học tập môn vật lí" khi triển khai ở cấp trung học phổ thông

Đỗ Thị Phương Thảo, Dư Hoài Bảo, Nguyễn Bích Tuyền
Tóm tắt | PDF
Dự án học tập là một trong số những phương thức dạy học hiệu quả được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích nhằm thực hiện mục tiêu phát triển năng lực người học. Nhóm giáo viên Vật lí cấp Trung học phổ thông Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Khánh An đã triển khai dự án chế tạo các video clip học tập môn Vật lí trong học kỳ 1 năm học 2021-2022 dành cho hai khối lớp 10 và 11 với tổng cộng 182 học sinh (HS) tham gia trong vòng 3 tháng. Nghiên cứu hướng đến mục tiêu tìm hiểu về hiệu quả của dự án học tập trên nhằm kiểm tra và xác nhận hiệu quả đạt được của dự án đối với người học cũng như các mặt hạn chế cần khắc phục dưới góc nhìn của các giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng như của các HS tham gia thực hiện. Sản phẩm thu được là 142 video clip đa dạng đã được HS chế tạo và đăng tải trên các trang Youtube cá nhân. Ý kiến của 132 HS tham gia trả lời khảo sát về hiệu quả của cách thức triển khai và những điều HS đạt được qua quá trình thực hiện dự án cũng được trình bày trong nghiên cứu này.

Không gian nghệ thuật trong sáng tác của Phi Vân từ góc nhìn văn hóa

Nguyễn Chí Sỹ
Tóm tắt | PDF
Qua việc sử dụng phương pháp tiếp cận văn hóa để nghiên cứu không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Phi Vân, bài viết này làm nổi bật đặc trưng và giá trị văn hoá của một số không gian quen thuộc ở Nam Bộ và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Phi Vân trong tiến trình phát triển văn học Nam Bộ. Ngoài ra, bài viết còn mong muốn đóng góp thêm tư liệu để nghiên cứu các tác phẩm của Phi Vân từ góc nhìn văn hóa.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tác động đến sự hài lòng và trung thành của nhân viên: bằng chứng thực nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh

Mai Ngọc Khương, Đỗ Tôn Nữ Kim Duyên, Nguyễn Thị Hoàng Yến
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm góp phần làm rõ mối quan hệ giữa việc thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của các doanh nghiệp đến sự hài lòng và sự trung thành của nhân viên. Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện với 350 phiếu khảo sát được các nhân viên đang làm việc tại 07 doanh nghiệp lớn tiêu biểu trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau của thành phố Hồ Chí Minh trả lời. Việc kiểm định giả thuyết, thang đo và mô hình nghiên cứu được thực hiện bằng phần mềm SmartPLS và kỹ thuật PLS–SEM. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có 03 hoạt động TNXH ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sự trung thành của nhân viên gồm trách nhiệm xã hội về môi trường, trách nhiệm xã hội về kinh tế và trách nhiệm xã hội về thiện nguyện. Qua kết quả nghiên cứu, các đề xuất hàm ý quản lý và chính sách được kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Mở rộng lợi thế cạnh tranh thông qua văn hoá tổ chức, hợp tác chuỗi cung ứng và chia sẻ kiến thức tại các công ty dược phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Ít
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở kế thừa lý thuyết nền tảng nguồn lực (RBT) nhằm xem xét mở rộng lợi thế cạnh tranh thông qua văn hoá tổ chức, hợp tác chuỗi cung ứng và chia sẻ kiến thức. Văn hoá tổ chức được xem xét trên phương diện chủ nghĩa tập thể, định hướng dài hạn, cân đối quyền lực; hợp tác chuỗi cung ứng được tiếp cận trên khía cạnh đảm bảo không gián đoạn; chia sẻ kiến thức mới thông qua cộng tác. Dựa vào khảo sát 269 lãnh đạo, quản lý và nhân viên đang làm việc tại các công ty dược phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, phương pháp phân tích mô hình cấu trúc (SEM) được sử dụng để phân tích dữ liệu và kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả đã chỉ ra vai trò tiền đề của văn hoá tổ chức trong việc nuôi dưỡng, thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng và chia sẻ kiến thức. Đồng thời, văn hoá tổ chức, hợp tác chuỗi cung ứng và chia sẻ kiến thức là những yếu tố tác động đến mở rộng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp dược phẩm.

Các yếu tố giá trị thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng: Trường hợp các siêu thị bán lẻ thương hiệu việt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Hồng Minh Ngọc, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố giá trị thương hiệu đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng tại các siêu thị bán lẻ thương hiệu Việt ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Mô hình lý thuyết được xây dựng dựa trên việc kế thừa mô hình của Aaker (1991) bao gồm: nhận biết thương hiệu, liên tưởng thương hiệu, trung thành thương hiệu, chất lượng cảm nhận, giá trị thương hiệu khác, quyết định mua. Kết quả nghiên cứu từ việc khảo sát 504 người tiêu dùng theo phương pháp chọn mẫu hạn mức cho thấy cả 5 yếu tố cấu thành giá trị thương hiệu đều có  ý nghĩa thống kê. Trong đó, nhận biết thương hiệu là yếu tố có tác động mạnh nhất đến quyết định mua. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cho các nhà quản trị siêu thị thương hiệu Việt cái nhìn chi tiết về sự tác động của các yếu tố cấu thành giá trị thương hiệu đến quyết định mua của người tiêu dùng để từ đó có những chiến lược quản trị thương hiệu phù hợp.

Tác động của số hóa doanh nghiệp lên khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Bằng chứng từ các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam

Nguyễn Thu Giang, Lê Đức Đàm
Tóm tắt | PDF
Mục đích nghiên cứu của bài viết là phân tích ảnh hưởng của số hóa lên tới khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp ngành sản xuất tại Việt Nam. Số liệu trong nghiên cứu được chiết ra từ bảng Điều tra doanh nghiệp (AES) do Tổng cục Thống kê thu nhập hàng năm từ năm 2012 đến 2018 kết hợp với dữ liệu Điều tra năng lực công nghệ của doanh nghiệp ngành sản xuất (TCS). Kết quả cho thấy số hóa làm tăng khả năng doanh nghiệp ngành này tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ thấp lại có khả năng chuyển hóa lợi ích công nghệ số làm động lực tham gia vào chuỗi tốt hơn hẳn so với doanh nghiệp ở ngành công nghệ cao.

Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến cơ cấu chi tiêu giáo dục phổ thông của hộ gia đình Việt Nam năm 2020

Tô Thị Vân Anh, Phạm Ngọc Anh, Trịnh Thị Hường
Tóm tắt | PDF
Chi tiêu giáo dục và các khoản mục là chỉ tiêu quan trọng của hộ gia đình và cả xã hội. Bộ số liệu điều tra Mức sống dân cư 2020 gồm 5491 học sinh đang theo học tại các cấp học phổ thông và đặc điểm nhân khẩu học của hộ gia đình tương ứng được sử dụng trong nghiên cứu. Chi phí cho 1 năm học và tỉ trọng từng khoản mục đều tăng theo cấp học, trong đó, học phí là một khoản chi nhỏ so với nhiều khoản chi khác như học thêm, đóng góp, sách giáo khoa. Thông qua phương pháp phân tích đa hợp, kết quả phân tích cho thấy thu nhập hộ gia đình, loại hình trường học, và khu vực sinh sống tác động có ý nghĩa thống kê đến cơ cấu chi tiêu theo các khoản mục thiết yếu bắt buộc, đóng góp và học thêm. Đặc biệt, giới tính của người học không ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục. Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm bằng chứng về đầu tư cho giáo dục của cả Chính phủ và hộ gia đình, đồng thời gợi ý các hàm ý chính sách để tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục ở các cấp học phổ thông.