Ngày xuất bản: 24-02-2017

Ảnh hưởng của Mai dương (Mimosa pigra L.) trong khẩu phần lên mức ăn vào và khả năng sinh trưởng của dê thịt

Nguyễn Thị Thu Hồng, Dương Nguyên Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành trên 16 dê đực lai (Bách Thảo x cỏ) giai đoạn sinh trưởng (15,7 ± 0,54 kg), được bố trí theo thừa số 2 nhân tố với 4 nghiệm thức. Nhân tố thứ nhất bổ sung Mai dương đáp ứng tannin ở mức 30 g/kg vật chất khô, hoặc không bổ sung Mai dương, nhân tố thứ 2 với khẩu phần cơ bản là Rau muống hoặc cỏ Lông tây. Rau muống và cỏ Lông tây được cho ăn tự do ở mức 120% lượng ăn vào. Tất cả khẩu phần được bổ sung thức ăn hỗn hợp 120 g/con/ngày. Thí nghiệm được tiến hành trong 105 ngày. Kết quả chỉ ra rằng mức ăn vào của vật chất khô, chất hữu cơ và protein thô gia tăng khi bổ sung Mai dương trong khẩu phần (p

Nghiên cứu khả năng kháng nấm Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh thán thư trên cây ớt (Capsicum frutescens L.) của chế phẩm oligochitosan - nano silica (SiO2)

Phạm Đình Dũng, Bùi Văn Lệ, Nguyễn Tiến Thắng, Hoàng Đắc Hiệt, Đặng Hữu Nghĩa, Lê Thành Hưng
Tóm tắt | PDF
Chế phẩm oligochitosan – nano silica có khối lượng phân tử (Mw) từ 4-6 kDa, hạt nano silica có kích thước từ 20-30 nm được sử dụng để nghiên cứu khả năng kháng nấm Colletotrichum gloeosporioides gây bệnh thán thư trên cây ớt (Capsicum frutescens L.). Kết quả khảo sát hiệu lực kháng nấm C. gloeosporioides trong điều kiện in vitro cho thấy trong khoảng nồng độ bổ sung chế phẩm từ 20 đến 80 ppm đều có tác dụng ức chế sự phát triển của tản nấm tương ứng 15,6 đến 67,2%. Kết quả khảo sát ảnh hưởng của oligochitosan – nano silica in vivo lên hàm lượng chlorophyll của cây ớt trồng trong điều kiện nhà màng ở nồng độ từ 20 đến 80 ppm đều cho kết quả vượt trội so với đối chứng và đạt kết quả tốt nhất ở nồng độ 60 ppm. Bên cạnh đó, kết quả còn cho thấy khi xử lý ở nồng độ 60 ppm không những có tác dụng gia tăng khả năng kháng bệnh của cây ớt từ 37,8 lên 88,8% mà còn làm giảm chỉ số bệnh từ 39,2 đến 13,7%. Chế phẩm oligochitosan – nano silica hứa hẹn sẽ là một sản phẩm công nghệ cao, an toàn và hiệu quả trong phòng trừ bệnh thán thư trên cây ớt do nấm C. gloeosporioides gây ra.

Phân lập, tuyển chọn và định danh vi khuẩn dạ cỏ của bò để phân giải bột bã mía trong điều kiện in vitro

Võ Văn Song Toàn, Hồ Quảng Đồ, Trần Nhân Dũng, Đỗ Thị Cẩm Hường
Tóm tắt | PDF
Nhằm tuyển chọn và định danh vi khuẩn dạ cỏ bò có khả năng phân giải bột bã mía ở điều kiện in vitro, 62 chủng vi khuẩn phân lập từ dạ cỏ bò đã được mô tả đặc điểm khuẩn lạc và tế bào đồng thời được sử dụng tuyển chọn vi khuẩn để phân giải bột bã mía dựa vào hoạt tính endoglucanase và exoglucanase. Kết quả đã tuyển chọn được tổ hợp ba chủng vi khuẩn dạ cỏ gồm chủng vi khuẩn BM49 có hoạt tính endoglucanase mạnh và hai chủng vi khuẩn BM13, BM21 có cả hoạt tính exoglucanase và endoglucanase mạnh phối hợp với nhau theo tỷ lệ 1:1:1. Việc bổ sung 6% (v/v) dịch 3 vi khuẩn này với mật số 107 tế bào/mL, ủ 3 ngày ở 38oC trong điều kiện in vitro cho thấy hiệu quả phân giải bột bã mía cao với tỷ lệ tiêu hóa xơ trung tính và xơ thô lần lượt là 45,1 và 42,6% (w/w). Trình tự vùng gen 16S rDNA của 3 chủng vi khuẩn BM13, BM21, BM49 được phân tích phả hệ theo phương pháp maximum likelihood tree sau khi được khuếch đại với cặp mồi 8F và 1492R bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự bằng máy giải trình tự tự động ABI3130 cho kết quả lần lượt tương đồng với các chủng vi khuẩn Achromobacter xylosoxidans BL6, Bacillus subtilis S2O, Uncultured Bacillus sp. Filt.171 ở mức 91% , 94% và 94%.

Khả năng hấp thu vi lượng (Cu, Fe, Zn và Mn) của cây bắp lai ở các mô hình luân canh trên đất phù sa không bồi ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Quốc Khương, TRAN NGOC HUU, Ngô Ngọc Hưng, Lê Văn Dang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu là (i) đánh giá khả năng hấp thu vi lượng của cây bắp lai trên các mô hình luân canh bắp lai với đậu xanh, mè và ớt; (ii) khảo sát sự phân bố nồng độ dưỡng chất vi lượng trong các bộ phận của cây bắp. Thí nghiệm nông trại được thực hiện trên 6 nông hộ, với diện tích mỗi lô thí nghiệm 36 m2 tại An Phú - An Giang. Các nghiệm thức gồm (i) bắp-bắp-bắp-bón phân theo phương pháp SSNM; (ii) bắp-đậu xanh-bắp; (iii) bắp-mè-bắp; (iv) đậu xanh-bắp-bắp; (v) đậu xanh-ớt-bắp và (vi) bắp-bắp-bắp- bón phân theo nông dân theo thứ tự vụ Xuân Hè, Hè Thu và Đông Xuân. Kết quả thí nghiệm cho thấy luân canh bắp lai với đậu xanh, mè và ớt chưa làm gia tăng hấp thu vi lượng Cu, Fe, Zn và Mn qua ba vụ canh tác. Cây bắp lai lấy đi lượng dưỡng chất sắt là lớn nhất và đồng là nhỏ nhất trong bốn vi lượng trên. Hàm lượng Cu, Fe, Mn tập trung chủ yếu trong lá bắp trong khi Zn lại phân bố phần lớn trong hạt bắp. Lượng dưỡng chất Cu, Fe, Zn và Mn trung bình của các nghiệm thức lấy đi theo thứ tự là 169; 2996; 408; 240 g ha-1 vào vụ Đông Xuân trên đất phù sa không bồi An Phú - An Giang.

Ảnh hưởng của paclobutrazol và thời điểm phun thiourea lên sự ra hoa và năng suất chanh Tàu (Citrus limonia L.) tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Trần Văn Hâu, Trần Sỹ Hiếu, Phan HUynh Anh, Huỳnh Vũ Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định liều lượng paclobutrazol và thời điểm phun thiourea sau khi xử lý paclobutrazol lên sự ra hoa và năng suất chanh Tàu. Thí nghiệm được thực hiện trên cây chanh tàu 7 năm tuổi trồng trên đất phù sa tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp từ tháng 08/2014 đến tháng 05/2015. Thí nghiệm thừa số hai nhân tố được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một cây. Nhân tố thứ nhất là liều lượng hóa chất paclobutrazol (0,5, 1,0 và 1,5 g a.i./m đường kính tán và đối chứng là biện pháp “phá lá“ của nông dân) và nhân tố thứ hai là thời điểm kích thích trổ hoa bằng thiourea nồng độ 0,2% (30, 40 và 50 ngày sau khi xử lý paclobutrazol). Paclobutrazol được xử lý bằng cách tưới vào đất xung quanh tán cây. Nông dân “phá lá” bằng cách phun dung dịch urê 4,76% kết hợp với KCl 5%, ba ngày sau phun 2,4-D nồng độ 40 ppm để giảm sự rụng lá và kích thích cây ra chồi. Kết quả cho thấy xử lý paclobutrazol ở liều lượng 1,0 và 1,5 g a.i./m đường kính tán đều có tác dụng làm tăng năng suất so với biện pháp phá lá của nông dân. Phun thiourea vào thời điểm 30 ngày sau khi xử lý paclobutrazol cho tỷ lệ ra hoa và năng suất cao nhất nhưng không làm ảnh hưởng đến kích thước, khối lượng và phẩm chất trái.

Mối quan hệ giữa các tầng và đặc tính chẩn đoán đất thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống phân loại khả năng độ phì đất FCC

Võ Quang Minh, Lê Quang Trí
Tóm tắt | PDF
Hệ thống phân loại độ phì đất FCC được phát triển để khắc phục các thiếu sót giữa phân loại đất và độ phì nhiêu đất. FCC bao gồm 3 cấp loại là: Loại sa cấu tầng đất mặt (0-20 cm), tầng đất dưới (20-50 cm), và 17 yếu tố giới hạn (Sanchez và ctv., 2003), tên loại độ phì được tổng hợp từ các đặc tính này. Trong hệ thống này, vài đặc tính có được từ hệ thống phân loại đất WRB (FAO, 1998), bao gồm các tầng Vertic (yếu tố v), Plinthic (i), Sulfuric (a, c), và các đặc tính Alic (yếu tố a), Thionic (c), Rhodic (i, i-, i+), Gleyic (g, g+), Hyposodic (n-), Hyposalic (s-), các vật liệu Fluvic (sa cấu thịt L), Sulfidic (c). Đất thâm canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có thành phần cơ giới là sét (C), vài đặc tính không có sự liên quan với các đặc tính độ phì như chế độ ẩm (d), nhiệt độ thấp (t), CEC thấp (e), khả năng dự trữ khoáng thấp (k), độ bão hoà carbon (m), vài yếu tố không tìm thấy như r, %, là yếu tố trên vùng núi đá, hoặc yếu tố trên đất kiềm như b, yếu tố x trên đất núi lửa.

Hiệu quả của vi khuẩn hòa tan lân - kali trên đậu phộng, củ cải trắng và lúa cao sản trồng trên đất cát huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Nguyễn Thị Dơn, Cao Ngọc Điệp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả ba dòng vi khuẩn hòa tan lân - kali tốt (Agrobacterium tumefaciens CA09, Rhizobium tropici CA29, Azotobacter tropicalis K16B) lên sự tăng trưởng và phát triển của củ cải trắng, đậu phộng và lúa cao sản trên đất cát huyện Tri Tôn, An Giang. Thí nghiệm được thực hiện với bốn mức độ phân lân – kali hóa học (0% PK, 25% PK, 50% PK and 75% PK) kết hợp với chủng vi khuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa của các thành phần năng suất của cây trồng giữa nghiệm thức chủng vi khuẩn và bón 75% PK và đối chứng dương (100% PK). Như vậy, có thể kết luận cả ba dòng vi khuẩn này có khả năng hòa tan lân – kali và cung cấp khoảng 25% lượng lân – kali hóa học cho sự sinh trưởng của củ cải trắng, đậu phộng và lúa cao sản trong thí nghiệm ngoài đồng tại Tỉnh An Giang. Ngoài ra, ba dòng vi khuẩn này làm tăng hàm lượng lân dễ tiêu, đạm tổng số, chất hữu cơ trong đất. Chúng có thể sử dụng để sản xuất phân sinh học và cần tiếp tục nghiên cứu trên các loại cây trồng khác để đánh giá hiệu quả của chúng.

Hiện trạng khai thác cá trê vàng (Clarias macrocephalus) ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Nguyễn Ngọc Thảo, Trần Đắc Định, Dương Thúy Yên
Tóm tắt | PDF
Đánh giá hiện trạng khai thác cá trê vàng (Clarias macrocephalus) ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2016, thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 118 hộ khai thác cá trê vàng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang và Cà Mau. Kết quả cho thấy cá trê vàng phân bố chủ yếu trên ruộng (49,5% trong mùa mưa và 52,1% trong mùa khô) và kênh rạch (15,2%). Khai thác cá trê vàng diễn ra quanh năm. Có 13 ngư cụ được sử dụng để khai thác cá trê vàng, phổ biến là lưới rê, dớn, xuyệt điện, cào rập, chụp lưới và lú bát quái. Kích cỡ khai thác đa dạng, dao động từ 5-300 g/con. Mùa mưa sản lượng cá trê vàng thấp hơn mùa khô (16,4 kg/hộ/vụ và 113,5 kg/hộ/vụ). Cà Mau có sản lượng và thu nhập từ khai thác cá trê vàng ở nông hộ cao nhất trong các tỉnh nghiên cứu (127,3 kg/hộ/năm và 6,4 triệu đồng/hộ/năm). Những yếu tố chính làm cho nguồn lợi cá trê vàng bị suy giảm gồm nước lũ thấp, bao đê, việc sử dụng xung điện và kích thước mắt lưới nhỏ để đánh bắt cá. Hiện nay, nghề khai thác cá trê vàng không mang lại lợi nhuận cho ngư dân.

Ảnh hưởng của levamisole lên một số chỉ tiêu miễn dịch và khả năng kháng bệnh ở cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Bùi Thị Bích Hằng, Le Van Teo, Trương Quỳnh Như, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung levamisole vào thức ăn lên sự đáp ứng miễn dịch tự nhiên của cá tra. Levamisole được bổ sung vào thức ăn cho cá tra ở nhiều nồng độ khác nhau (0, 50, 150, 300 và 450 mg/kg thức ăn) trong thời gian 4 tuần. Cá thí nghiệm được cảm nhiễm bằng phương pháp tiêm xoang bụng với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri ở tuần thứ 4 sau khi bổ sung levamisole. Các chỉ tiêu huyết học và miễn dịch được đánh giá ở tuần thứ 2 và thứ 4 của thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu ghi nhận: tổng bạch cầu, các loại bạch cầu bao gồm bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính ở nhóm bổ sung levamisole tăng cao hơn so với nghiệm thức đối chứng. Các chỉ tiêu miễn dịch, hoạt tính lysozyme và bổ thể tăng cao có ý nghĩa thống kê ở nghiệm thức bổ sung 300 mg/kg thức ăn so với các nghiệm thức còn lại sau 2 tuần bổ sung (p

Một số đặc điểm sinh học của cá chỉ vàng - Selaroides leptolepis (Cuvier, 1833) ở vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam

Vũ Thị Hậu, Nguyễn Viết Nghĩa, Phạm Quốc Huy
Tóm tắt | PDF
Đặc điểm sinh học của cá Chỉ vàng - Selaroides leptolepis (Cuvier, 1833) ở vùng biển Tây Nam Bộ được phân tích dựa trên số liệu từ 14 chuyến thu mẫu sinh học của Tiểu dự án I.9 “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”. Kết quả phân tích cho thấy, chiều dài trung bình đến chẽ vây đuôi của cá Chỉ vàng đạt 11,3 cm, dao động từ  4,5-15,4 cm. Tương quan chiều dài - khối lượng của cá được mô tả theo phương trình W= 0,000008L3,154 (cá đực), W= 0,000009L3,114 (cá cái) và W=0,00002L2,965 (cá con ). Chiều dài tối đa theo lý thuyết của cá Chỉ vàng là L∞ =16,3 cm; hệ số sinh trưởng K =1,2/năm. Cá Chỉ vàng tham gia sinh sản lần đầu có chiều dài là Lm50 = 9,8 cm. Tỷ lệ đực/cái ở quần thể cá Chỉ vàng là 1,1. Cá Chỉ vàng đẻ rải rác quanh năm và đẻ rộ từ tháng 2 đến tháng 4. Hệ số chết chung của quần thể cá Chỉ vàng được xác định là Z= 4,24/năm; hệ số chết tự nhiên là M=2,39/năm; hệ số chết do khai thác là F= 1,85/năm và hệ số khai thác E là 0,44/năm.

Nghiên cứu chiết rút gelatin từ bong bóng cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Nhâm Đức Trí, Lê Thị Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ như khả năng khử các hợp chất nitơ phi protein, khoáng và các điều kiện chiết rút, sấy khô đến chất lượng của gelatin từ bong bóng cá tra đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy, xử lý bong bóng cá tra trong NaOH 0,1M với thời gian 30 phút và CH3COOH 0,04M trong thời gian 45 phút cho hiệu quả khử phi protein và khoáng tốt nhất (khử được 16,0% nitơ phi protein và 72,7% khoáng). Mẫu sau khi xử lý, được chiết rút trong nước cất ở nhiệt độ 70ºC với thời gian 90 phút thu được dung dịch gelatin có độ nhớt và hiệu suất thu hồi cao nhất (2,22 mPas và 7,18%). Mẫu sau đó được đem đi sấy khô ở nhiệt độ 55-60ºC trong thời gian 1 ngày cho gelatin có độ ẩm, hiệu suất thu hồi và độ nhớt cao nhất (11,2%, 7,19% và 8,96 mPas - dung dịch gelatin 10%). Gelatin từ bong bóng cá tra có độ nhớt và độ bền gel lần lượt là 8,96 mPas và 143 g cao hơn 1,63 và 1,88 lần so với độ nhớt và độ bền gel của gelatin thương mại bán trên thị trường.

Đánh giá khả năng thay thế thức ăn công nghiệp bằng khoai lang (Ipomoea batatas) trong nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) theo công nghệ biofloc

Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải, Trần Minh Phú
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định khả năng thay thế thức ăn viên công nghiệp bằng khoai lang trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với các mức thay thế khoai lang khác nhau gồm: (i) 100% thức ăn công nghiệp (đối chứng), (ii) thay thế 10%, (iii) 20% và (iv) 30% thức ăn công nghiệp bằng khoai lang. Tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N=15:1), thể tích nước trong bể 300 L với độ mặn 15 ‰và mật độ 150 con/m3, tôm có khối lượng ban đầu là 0,76±0,13 g và chiều dài 4,43±0,05 cm. Các yếu tố môi trường đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm trong thời gian nuôi 90 ngày,. Nghiệm thức thay thế 10% khoai lang cho kết quả tốt nhất với tỉ lệ sống 72,2±11,0%, tốc độ tăng trưởng 3,9±0,02 %/ngày, sinh khối 2,7±0,4 kg/m3, tuy nhiên thành phần sinh hóa và chất lượng của tôm khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nghiệm thức đối chứng (p>0,05).

Ảnh hưởng của hỗn hợp dược liệu lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi thâm canh trong bể

Châu Tài Tảo, Trần Ngọc Hải, Cao Mỹ Án, Hoàng Văn Lâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra ảnh hưởng của hàm lượng hỗn hợp dược liệu lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và đáp ứng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng trong điều kiện thí nghiệm trên bể. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức với các hàm lượng hỗn hợp dược liệu khác nhau là (i) 20 mL/kg thức ăn, (ii) 40 mL/kg thức ăn, (iii) 60 mL/kg thức ăn và (iv) không bổ sung hỗn hợp dược liệu (đối chứng). Kết quả sau 3 tháng nuôi, tôm ở nghiệm thức không bổ sung hỗn hợp dược liệu có khối lượng (11,8±1,1 g), chiều dài (12,2±0,5 cm) và năng suất (1.278±149 g/m3) đạt thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05) giữa các nghiệm thức. Một số chỉ tiêu miễn dịch của tôm bao gồm tổng tế bào bạch cầu, bạch cầu có hạt và hoạt tính enzyme phenoloxidase (PO) ở nghiệm thức bổ sung hỗn hợp dược liệu 20 mL/kg thức ăn gia tăng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Thực nghiệm ương ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain) san thưa ở các giai đoạn khác nhau

Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định giai đoạn ấu trùng san thưa thích hợp để góp phần nâng cao tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng cua biển. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần là(i) San thưa giai đoạn Zoea 3; (ii) San thưa giai đoạn Zoea 4; (iii) San thưa giai đoạn Zoea 5 và (iv) San thưa giai đoạn Megalop; Bể thí nghiệm có thể tích 0,5 m3, mật độ ấu trùng 300 con/L và nước có độ mặn 30‰. Khi ấu trùng đến giai đoạn san thưa theo nhu cầu của thí nghiệm thì tiến hành chuyển sang bể 2 m3­­­ (chứa 1,5 m3 nước). Sau 22 ngày ương, chỉ số biến thái của ấu trùng ở các nghiệm thức khác nhau không ý nghĩa thống kê (p>0,05), tuy nhiên tỷ lệ sống đạt cao nhất là 9,8% khi san thưa giai đoạn Zoea-3 và Zoea-4, cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với san thưa giai đoạn Megalop nhưng sai khác không ý nghĩa so với san thưa giai đoạn Zoae 5. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc san thưa ấu trùng cua biển ở giai đoạn Zoea-3 hoặc Zoea-4 trong quá trình ương cho kết quả tốt nhất.

Xây dựng các bài toán thực tế ở lớp 10: Thực nghiệm nhỏ tại thành phố Cần Thơ

Bùi Anh Tuấn, Ngô Tùng Hiếu, Bùi Hồng Duyên
Tóm tắt | PDF
Việc áp dụng các bài toán thực tế vào dạy học toán là một xu hướng đương đại. Bài viết này trình bày một thực nghiệm nhỏ tại thành phố Cần Thơ về việc xây dựng hai bài toán thực tế ở lớp 10. Qua đó, bài viết cũng đề xuất một quy trình hữu ích trong việc xây dựng các bài toán thực tế có thể áp dụng vào dạy học Toán ở các trường trung học phổ thông tại Việt Nam.

Khảo sát việc sử dụng câu hỏi phát triển năng lực liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh ở trường trung học phổ thông

Bùi Thị Phượng
Tóm tắt | PDF
Sử dụng câu hỏi (CH) yêu cầu về liên tưởng, tưởng tượng (LT,TT) là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm khơi gợi, phát huy sự LT,TT cho học sinh (HS). Có nhiều loại CH yêu cầu LT,TT: LT,TT về mối quan hệ giữa nhân vật và hoàn cảnh, không gian và thời gian nghệ thuật; LT,TT hình ảnh, hình tượng, biểu tượng của tác phẩm này với tác phẩm khác… HS thông qua sự LT,TT sẽ tiếp nhận tác phẩm một cách sâu sắc hơn. Bài viết này trình bày kết quả khảo sát thực tế việc sử dụng CH phát triển năng lực LT,TT  trong dạy học tác phẩm Văn học trung đại Việt Nam lớp 10 ở trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm, Tp.Cần Thơ, từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Các dữ liệu được thu thập trong nghiên cứu này là biên bản dự giờ, bảng hỏi, phỏng vấn giáo viên (GV) và  phỏng vấn HS về việc sử dụng CH phát triển năng lực LT,TT. Bài nghiên cứu hướng đến hai mục tiêu: (1) Nhận thức của GV về vai trò của việc sử dụng CH phát triển năng lực LT,TT của HS; (2) Các loại CH mà GV đã sử dụng để phát triển năng lực LT, TT của HS.

Thực trạng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên hiện nay và một số giải pháp mang tính định hướng

Phan Thị Phương Anh, Trần Thị Như Tuyến
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm mục đích phân tích thực trạng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên ở các trường đại học của Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở phân tích đánh giá về tình hình chính trị tư tưởng của sinh viên, cũng như hiệu quả hoạt động thực tiễn trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng của sinh viên. Bài viết, đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trên, cụ thể là: Thứ nhất,  nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên trong trường đại học. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống nội dung của công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên.

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết John Maxwell Coetzee

Phạm Tuấn Anh
Tóm tắt | PDF
John Maxwell Coetzee là một trong những nhà văn lớn của văn học hậu hiện đại. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, Coetzee đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả bởi những tiểu thuyết phục dựng một thế giới rạn nứt, vỡ vụn với đầy sự bất tín và hoài nghi. Nghiên cứu tiểu thuyết Coetzee ở phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, người viết muốn chỉ ra một trong những yếu tố làm nên thành công của tiểu thuyết Coetzee, đồng thời khám phá, khai thác các thông điệp tư tưởng mà nhà văn đã gửi gắm.

Nhận thức của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch ở thành phố Cần Thơ về biến đổi khí hậu

Đào Ngọc Cảnh, Cao Mỹ Khanh, Đào Vũ Hương Giang
Tóm tắt | PDF
Biến đổi khí hậu đang trở thành một thách thức lớn đối với sự phát triển của nhân loại do tác động ngày càng nghiêm trọng của nó đến các hoạt động kinh tế và xã hội. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng cũng đang chịu nhiều tổn thất do tác động của biến đổi khí hậu với những thiên tai như lũ lụt, triều cường, hạn hán và xâm nhập mặn,... Vì vậy, nâng cao nhận thức là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thay đổi hành vi của con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này nhằm khảo sát nhận thức về biến đổi khí hậu của các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú du lịch tại thành phố Cần Thơ, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, góp phần phát triển du lịch bền vững tại thành phố Cần Thơ.

Các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn địa điểm mua sắm của du khách đối với khu phố chuyên doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Quốc Nghi, Lê Thị Diệu Hiền, Bùi Văn Trịnh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng lựa chọn địa điểm mua sắm của du khách đối với khu phố chuyên doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 235 du khách bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Ứng dụng phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM), kết quả nghiên cứu cho thấy sự đáp ứng nhu cầu của du khách, sự phục vụ tận tình chu đáo hay sự gắn kết tình cảm của du khách là các yếu tố quan trọng hình thành nên xu hướng lựa chọn địa điểm mua sắm đối với khu phố chuyên doanh của du khách. Trong đó, nhân tố sự đáp ứng nhu cầu của du khách là có tác động mạnh nhất đến xu hướng lựa chọn địa điểm mua sắm của du khách.

Sự tổng hợp đặc điểm của các loại hình nghệ thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh

Nguyễn Lâm Điền, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Tóm tắt | PDF
Văn học có mối quan hệ khăng khít với các loại hình nghệ thuật khác. Bản thân văn học cũng có khả năng tổng hợp nhiều nhất các đặc điểm của những loại hình nghệ thuật bằng chất liệu ngôn từ. Bài viết này đề cập đến sự tham dự của các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc và điện ảnh,… trong tác phẩm văn học qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Các loại hình nghệ thuật trên hiện diện trong tác phẩm của Bảo Ninh như một phương tiện tái hiện đời sống, đồng thời biểu hiện quan niệm về hiện thực và con người của nhà văn.

Di văn Hán Nôm và việc tái lập lịch sử đình An Bình xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

Đỗ Thị Hà Thơ, Lý Vĩnh Thuận
Tóm tắt | PDF
Đình An Bình tọa lạc tại cù lao An Bình[1], huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một trong số năm tự tích[2] còn lưu lại rất nhiều di văn Hán Nôm cho thấy công cuộc dựng làng lập ấp của cư dân An Bình. Qua khảo sát thực tế, những di văn này đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do nhiều nguyên nhân khác nhau, càng xót xa hơn khi được biết lai lịch của đình An Bình cơ hồ đã “an nghỉ” theo các bậc lão niên ngày nào. Từ di văn thu thập được, bài viết xin tái lập lại lịch sử đình An Bình, phần nào khỏa lấp những khoảng trống trong tâm thức tín ngưỡng của người Việt tại vùng đất Bích Trân[3] vang dấu một thời.

Chúng ta vẫn đi trên con đường ấy (đọc lại tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành)

Trần Văn Minh
Tóm tắt | PDF
Văn học Cách mạng Việt Nam 1954-1975 có nhiều tác phẩm hay, vừa phản ánh chân thực, sinh động hiện thực kháng chiến chống Mỹ vừa khắc ghi hào khí sử thi của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử bi hùng. Giữa khói lửa chiến tranh, con người Việt Nam đã tựa vào câu thơ, trang văn mà đứng lên, vượt qua thử thách hiểm nguy. Văn chương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần củng cố niềm tin và tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân Cách mạng trong cuộc đối đầu mất còn với kẻ thù cướp nước, bán nước. Những tác phẩm thực sự mang giá trị hiện thực, nhân đạo, nhân văn của một thế hệ nhà văn - chiến sĩ không những không bị mai một đi qua thời gian mà còn được khẳng định, tỏa sáng hơn để trở nên bất tử trong di sản dân tộc. Tùy bút Đường chúng ta đi là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Từ góc tiếp cận đặc trưng thể loại tùy bút, bài viết này nhằm góp phần làm sáng tỏ tư tưởng nghệ thuật độc đáo và bút pháp nghệ thuật đặc sắc; từ đó, khẳng định tài năng, tâm huyết cùng những đóng góp to lớn của nhà văn Nguyễn Trung Thành đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những nhân tố tạo nên sự thu hút khách du lịch ở Bangkok - Thái Lan

Lê Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là đánh giá những nhân tố tạo nên sự thu hút khách du lịch đến Bangkok. Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 145 khách du lịch quốc tế đến Bangkok bằng bảng câu hỏi. Dữ liệu được xử lý bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng có sáu nhân tố ảnh hưởng đến sự thu hút khách du lịch ở Bangkok theo thứ tự giảm dần là: “Tài nguyên du lịch”, “Cở sở hạ tầng”, “Hoạt động mua sắm và giải trí”, “Quảng bá và xúc tiến du lịch”, “Nguồn nhân lực”, “Ẩm thực”.

Một số phương thức định danh các loài hải sản của cư dân Kiên Giang

Trần Thị Hoàng Mỹ
Tóm tắt | PDF
Trong đời sống sinh hoạt, hệ thống tên gọi các loài hải sản chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực. Việc định danh cho các loài hải sản được xem là một tín hiệu xã hội để phân biệt với các loại nguyên liệu nấu ăn khác, không những vậy hành động này còn hàm chứa nhiều nội dung liên quan đến địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử,… Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi tiến hành tìm hiểu về đặc trưng được dùng để gọi tên nhằm làm rõ hơn phương thức định danh các loài hải sản của cư dân Kiên Giang.

Chủ thể trần thuật trong hồi ký cách mạng Việt Nam 1945- 1975

Lê Thị Nhiên
Tóm tắt | PDF
Bài viết xác định mục đích tìm hiểu vai trò của chủ thể trần thuật, đặc điểm và biểu hiện của các loại chủ thể trần thuật trong hồi ký cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 từ góc nhìn tự sự học. Trên cơ sở đó, bài viết đi sâu khảo sát đặc điểm, khẳng định vai trò quan trọng của chủ thể trần thuật nhân chứng, loại chủ thể chính trong hồi ký. Ngoài ra, các loại chủ thể sử quan như chủ thể hàm ẩn và chủ thể ngôi thứ ba cũng có vai trò đáng chú ý trong việc tạo nên phương thức tự sự đa dạng của hồi ký cách mạng Việt Nam.

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Giồng Riềng - tỉnh Kiên Giang

Phạm Ngọc Nhàn, Trương Thanh Danh
Tóm tắt | PDF
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thêm hộ nông dân khá, giàu, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ nông dân. Nghiên cứu này đã tập trung vào các hộ nông dân đạt danh hiệu và không đạt danh hiệu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang để tìm hiểu sự khác nhau giữa hai nhóm và các yếu tố ảnh hưởng đến đạt danh hiệu của nông dân trong phong trào thông qua mô hình hồi qui Bynary Logistic. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thu nhập trung bình giữa nhóm nông dân đạt danh hiệu với nhóm nông dân không đạt danh hiệu khác biệt có ý nghĩa thống kê (Sig. = 0,00

Tác động sự tham gia Hội Phụ nữ đến thu nhập nông hộ tại tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Thùy Trang
Tóm tắt | PDF
Dựa trên kết quả điều tra 90 hộ ở 3 xã Tân Bình và Hòa An, huyện Phụng Hiệp và Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, kết quả hồi quy Logistic cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến tham gia Hội Phụ nữ là đặc điểm kinh tế hộ, vay vốn và thu nhập của phụ nữ. Bằng cách sử dụng phương pháp PSM (Propensity Score Matching), nghiên cứu cho thấy thu nhập của phụ nữ có tham gia hội cao hơn so với nhóm không tham gia là 34,623 triệu đồng/năm và 28,16 triệu đồng/năm lần lượt theo phương pháp so sánh cận gần nhất và so sánh phạm vi. Tương tự sử dụng phương pháp so sánh phạm vi, nghiên cứu cho thấy tổng thu nhập nhóm hộ có phụ nữ tham gia hội cao hơn nhóm hộ không tham gia là 31,435 triệu đồng/năm. Tóm lại, tham gia Hội Phụ nữ có tác động tích cực đến phát triển thu nhập nông hộ và thu nhập phụ nữ.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ tiền và chi hộ tiền: Trường hợp Bưu điện tỉnh An Giang

Lê Nguyễn Đoan Khôi, Lê Bảo Toàn, Huỳnh Châu Khánh
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ tiền và chi hộ tiền tại Bưu điện tỉnh An Giang. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả khảo sát 642 khách hàng. Số liệu được kiểm định thang đo bằng hệ số Cronbach’s alpha. Mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA), mô hình hồi quy bội được sử dụng để kiểm định mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng và sự hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ tại Bưu điện tỉnh An Giang. Kết quả cho thấy có 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng bao gồm “Giá trị cảm nhận”, “Cung cách phục vụ”, và “Sự đồng cảm”.

Tác động của quản trị quan hệ khách hàng đến sự hài lòng của khách hàng trên thị trường bán lẻ hiện đại tại thành phố Cần Thơ

Lê Thị Thu Trang, Lưu Tiến Thuận
Tóm tắt | PDF
Các nhà bán lẻ hiện đang đối mặt với một môi trường bán lẻ năng động và cạnh tranh bởi sự toàn cầu hóa, thị trường bão hòa, và tăng khả năng cạnh tranh thông qua mua bán và sát nhập. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng các nhà bán lẻ hiện nay đang tìm kiếm lợi thế cạnh tranh thông qua việc cải thiện mối quan hệ với khách hàng. Trên cơ sở thu thập dữ liệu bằng cách phỏng vấn trực tiếp 130 khách hàng của 5 siêu thị lớn trên địa bàn Cần Thơ và sử dụng mô hình hồi qui tuyến tính, bài viết tiến hành phân tích tác động quản trị quan hệ khách hàng (CRM) đến sự hài lòng của khách hàng trên thị trường bán lẻ hiện đại tại Thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy, có 4 nhân tố của CRM gồm: phát triển mối quan hệ, hành vi nhân viên, hàng hóa và dịch vụ có ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Trong đó, nhân tố có tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của người tiêu dùng là phát triển mối quan hệ. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đưa ra một số hàm ý quản trị cho các nhà quản lý nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Phân tích tác động của quảng cáo qua mạng xã hội đến ý định mua sắm của người tiêu dùng tại thành phố Cần Thơ

Ngô Mỹ Trân, Mai Võ Ngọc Thanh
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của đề tài là phân tích tác động của quảng cáo qua mạng xã hội đến ý định mua sắm của người tiêu dùng tại thành phố Cần Thơ. Đề tài tiến hành thu thập dữ liệu từ 193 người tiêu dùng sống tại thành phố Cần Thơ. Hai phương pháp phân tích chính được sử dụng trong đề tài là phương pháp phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính bội. Kết quả nghiên cứu cho thấy có bốn yếu tố của quảng cáo qua mạng xã hội ảnh hưởng đến ý định mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, yếu tố tính tương tác – xã hội, tính giải trí và sự cho phép có tác động cùng chiều với ý định mua sắm của người tiêu dùng, trong khi yếu tố sự phiền nhiễu có tác động nghịch chiều với ý định mua sắm của người tiêu dùng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị được đề xuất góp phần giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả quảng cáo qua mạng xã hội.

Phân tích hiệu quả kỹ thuật của nông hộ sản xuất cam sành ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Trần Thụy Ái Đông, Quan Minh Nhựt, Thạch Kim Khánh
Tóm tắt | PDF
Bài viết tập trung ước lượng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả theo quy mô và phân tích các yếu tố đến hiệu quả kỹ thuật của nông hộ sản xuất cam sành ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Số liệu sơ cấp của đề tài được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 60 nông hộ sản xuất cam sành. Phương pháp phân tích màng bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis) được sử dụng để ước lượng hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả theo quy mô. Kết quả cho thấy, hiệu quả kỹ thuật trung bình của các hộ sản xuất cam sành là 0,616 và hiệu quả theo quy mô trung bình là 0,686. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy Tobit cũng cho biết, các yếu tố như tín dụng, trồng xen đóng góp tích cực vào việc cải thiện hiệu quả kỹ thuật của hộ và yếu tố tham gia hiệp hội làm hạn chế khả năng cải thiện hiệu quả kỹ thuật của nông hộ trồng cam sành ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Phân tích hiệu quả tài chính của nông hộ trồng ớt vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Thu An, Võ Thị Thanh Lộc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích hiệu quả tài chính của hộ trồng ớt vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở khảo sát 122 nông dân trồng ớt ở tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Phương pháp phân tích được sử dụng là thống kê mô tả, phân tích tỷ số tài chính, phân tích mô hình hồi quy đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tài chính của hoạt động trồng ớt là khá cao với tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí là 135%. Có 5 yếu tố liên quan đến khâu sản xuất ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của nông dân trồng ớt, trong đó có 3 yếu tố tác động tích cực đó là năng suất, tham gia Hợp tác xã/Tổ hợp tác, tập huấn kỹ thuật và hai yếu tố tác động tiêu cực bao gồm chi phí đầu vào và chi phí tăng thêm. Để nâng cao hiệu quả tài chính của hộ trồng ớt cần cải thiện năng suất ớt và giảm chi phí đầu vào; củng cố hoạt động của các Hợp tác xã/Tổ hợp tác; và duy trì hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng ớt cho nông dân.

Giải pháp phát triển các cơ sở sản xuất và kinh doanh muối tỉnh Bến Tre đến năm 2020

Nguyễn Thị Hoài Tiên, Mai Văn Nam
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp phát triển các cơ sở sản xuất và kinh doanh muối tỉnh Bến Tre. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ 159 quan sát, là các tác nhân tham gia hoạt động trong kênh phân phối muối. Các phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích kênh thị trường, các chỉ số tài chính được ứng dụng để phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất muối của diêm dân. Kết quả phân tích cho thấy, người bán lẻ là tác nhân có lợi nhuận biên cao nhất kế đến là bán sỉ không chuyên về muối, cơ sở chế biến, bán sỉ chuyên muối và thương lái, trong khi người sản xuất muối bị lỗ do chi phí sản xuất cao. Cuối cùng, đề tài đã trình bày một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh muối tại tỉnh Bến Tre như: tổ chức quy hoạch vùng sản xuất muối; áp dụng phương pháp sản xuất mới; liên kết sản xuất - tiêu thụ, thành lập hợp tác xã, hỗ trợ tiếp cận vốn vay.

Ảnh hưởng của giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán và mở cửa thương mại đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia tham gia TPP

Lại Cao Mai Phương
Tóm tắt | PDF
Bài viết sử dụng dữ liệu bảng kiểm tra tác động của giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) và mở cửa thương mại đến tăng trưởng kinh tế tại 11 quốc gia tham gia TPP (trừ Brunei chưa có TTCK) gồm: Nhóm các quốc gia đang phát triển (Chile, Malaysia, Mexico, Peru, Việt Nam) và nhóm quốc gia phát triển (Australia, Canada, Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore) trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015. Kết quả cho thấy giá trị vốn hóa TTCK ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại nhóm quốc gia đang phát triển (nhưng không tác động đến các quốc gia phát triển); mở cửa thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại nhóm quốc gia phát triển (nhưng tác động không có ý nghĩa thống kê đến nhóm quốc gia đang phát triển). Kết quả nghiên cứu gợi ý cho các nhà quản lý và thiết lập chính sách tại từng nhóm quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tổng quan nghiên cứu về thao túng lợi nhuận công bố bởi các ngân hàng thương mại

Dao Nam Giang
Tóm tắt | PDF
Bài viết tổng hợp các nghiên cứu về hoạt động thao túng hay điều tiết lợi nhuận (earnings management) theo 4 nhóm là đánh giá chất lượng các khoản dồn tích, thao túng dự phòng để ổn định lợi nhuận, điều tiết số liệu để đạt các mục tiêu về lợi nhuận, và khảo sát các gian lận và sai sót đã được phát hiện, đồng thời làm rõ những vấn đề còn tranh cãi hoặc chưa được giải quyết ở từng hướng nghiên cứu. Các phân tích trong bài đã chỉ ra rằng hoạt động thao túng lợi nhuận ở các ngân hàng thương mại ở nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi vẫn là một khoảng trống nghiên cứu lớn. Câu hỏi về khả năng điều tiết dự phòng để ổn định lợi nhuận tại các quốc gia châu Á như Việt Nam vẫn là một câu hỏi mở. Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra cơ hội để vận dụng các thước đo chất lượng lợi nhuận phổ biến trong các nghiên cứu ở lĩnh vực phi tài chính cho các ngân hàng thương mại.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ

Phan Anh Tú, Trần Quốc Huy
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của 166 sinh viên trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ. Mở rộng lý thuyết hành vi kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) kết hợp với đặc điểm nhân khẩu học, tính cách, và giáo dục khởi nghiệp kinh doanh, kết quả nghiên cứu nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) cho thấy có 7 nhóm nhân tố chính ảnh hưởng đến hành vi khởi nghiệp của sinh viên bao gồm đặc điểm tính cách, thái độ cá nhân, nhận thức và thái độ, giáo dục khởi nghiệp, nhận thức điều khiển hành vi, quy chuẩn và thái độ, quy chuẩn chủ quan. Kết quả nghiên cứu một mặt cung cấp thêm dữ liệu thực chứng mặt khác là đưa ra khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia giáo dục.

Các yếu tố vi mô ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng: Trường hợp các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu nhà nước ở Hậu Giang

Phan Đình Khôi, Nguyễn Việt Thành
Tóm tắt | PDF
Bài viết này phân tích các yếu tố kinh tế vi mô ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang dựa trên số liệu được thu thập từ 316 quan sát của 5 ngân hàng. Cả hai mô hình logit nhị thức và logit đa thức được sử dụng để ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng. Kết quả phân tích cho thấy mô hình logit đa thức cho phép giải thích tốt hơn mô hình logit nhị thức. Ở mức độ rủi ro 1, các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các NHTMCPNN bao gồm: tài sản đảm bảo, sử dụng vốn vay, lịch sử vay vốn của khách hàng, ngành nghề chính tạo ra thu nhập, và kiểm tra giám sát vốn vay. Ở mức độ rủi ro 2, các yếu tố có ý nghĩa bao gồm năm yếu tố ở mức độ rủi ro 1 cộng với khả năng tài chính của khách hàng và kinh nghiệm cán bộ tín dụng.

Thái độ người tiêu dùng đối với chiêu thị trong việc hình thành giá trị thương hiệu bột giặt OMO tại thị trường thành phố Cần Thơ

Quan Minh Nhựt, Trần Ngọc Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích kiểm định, đánh giá thái độ người tiêu dùng về vai trò của chiêu thị trong việc hình thành giá trị thương hiệu nhóm hàng tiêu dùng luân chuyển nhanh tại thị trường thành phố Cần Thơ. Dựa trên cơ sở lý thuyết về giá trị thương hiệu đã có trên thế giới và tại Việt Nam, nghiên cứu định lượng với cỡ mẫu là 226 người tiêu dùng được thực hiện để tiến hành kiểm định mô hình lý thuyết thông qua độ tin cậy, giá trị EFA, giá trị CFA, các giả thuyết được nghiên cứu bởi mô hình cấu trúc tuyến tính SEM và phương pháp phân tích cấu trúc đa nhóm. Kết quả kiểm định cho thấy: Thái độ của người tiêu dùng đối với quảng cáo là yếu tố chính trong việc làm tăng mức độ nhận biết, chất lượng cảm nhận và lòng đam mê thương hiệu; đối với chương trình khuyến mại là yếu tố quan trọng làm tăng chất lượng cảm nhận và lòng đam mê thương hiệu. Một yếu tố nữa cũng làm tăng mức độ nhận biết thương hiệu chính là thái độ người tiêu dùng về vai trò của hoạt động quan hệ công chúng theo quan điểm của khách hàng nhưng sự tác động đến từng thành phần của giá trị thương hiệu cũng như từng nhóm độ tuổi, từng mức thu nhập khác nhau lại có sự khác nhau. Kết quả thu được góp phần bổ sung vào thực tiễn quản lý, giúp các nhà quản trị tiếp thị và quản lý doanh nghiệp hiểu biết rõ hơn về giá trị thương hiệu và mối quan hệ giữa thái độ người tiêu dùng về vai trò của chiêu thị trong việc hình thành giá trị thương hiệu, để từ đó có thể đưa ra những chương trình quảng bá đạt hiệu quả hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm y tế tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ

Lê Cảnh Bích Thơ, Võ Văn Tuấn, Trương Thị Thanh Tâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách phỏng vấn theo bảng câu hỏi cấu trúc với 207 đáp viên sống tại 3 quận của thành phố Cần Thơ là Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Đề tài sử dụng mô hình Probit để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn, tuyên truyền và số lần khám chữa bệnh có ảnh hưởng đến quyết định mua BHYT tự nguyện của người dân.

Quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Thân Thị Ngọc Bích
Tóm tắt | PDF
Bộ luật dân sự năm 2015 kế thừa Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 1995, tiếp tục quy định về trường hợp “hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Tuy nhiên, nội dung quy định lại hầu như không thay đổi dù còn nhiều vấn đề bất cập. Trong bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ các vấn đề nổi bật, gồm có: Vấn đề chưa quy định về giám định việc nghiện ma túy, chất kích thích khác; Vấn đề quy định tác nhân gây nghiện chưa sát thực tiễn; Vấn đề tài sản bị phá tán; Vấn đề về khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của người hạn chế năng lực hành vi dân sự; Vấn đề thiếu cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người hạn chế năng lực hành vi dân sự. Song song việc trình bày bất cập, tác giả giải thích một số thuật ngữ khác mà luật chưa làm rõ và đề xuất giải pháp hoàn thiện.