Ngày xuất bản: 26-10-2016
Chăn nuôi
Hiện trạng và kịch bản giảm phát thải khí mêtan từ đường tiêu hóa của hệ thống nuôi bò thịt quảng canh quy mô nông hộ ở Quảng Ngãi
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu ước tính lượng khí mêtan phát thải từ lên men dạ cỏ của bò và xây dựng một số kịch bản về khẩu phần ăn để nâng cao năng suất đồng thời giảm phát thải khí mêtan trên một đơn vị tăng khối lượng từ chăn nuôi bò thịt quảng canh ở Quảng Ngãi. Khí mêtan phát thải lên men dạ cỏ được ước tính theo phương pháp của IPCC (2006) lớp 3 với sự hỗ trợ của phần mềm RUMINAT Model. Kết quả cho thấy hệ số phát thải khí mêtan trung bình là 20,9 kg/con/năm, tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính từ lên men dạ cỏ 16,42 kg CO2eq/kg tăng khối lượng của bò. Tăng mức thức ăn tinh trong khẩu phần từ 17% đối với bò mẹ và bò trên một năm tuổi (hiện trạng) lên 27% đến 37% trong khẩu phần bổ sung có thể làm tăng khối lượng từ 22 đến 49% và giảm từ 20 đến 27% tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính trên một đơn vị tăng khối lượng. So với khẩu phần xơ thô chủ yếu sử dụng cỏ voi và rơm lúa, thì việc sử dụng kết hợp cả cỏ voi, cỏ ruzi và rơm lúa hoặc cỏ voi, thân lá cây ngô và rơm lúa đã cải thiện tăng khối lượng và giảm tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính trên một đơn vị tăng khối lượng của bò.
Nghiên cứu sự tiêu hóa dưỡng chất của khẩu phần có đậu nành hạt và khô dầu đậu nành ly trích ở gà sao tăng trưởng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến các dưỡng chất, lượng nitơ tích lũy của khẩu phần sử dụng đậu nành hạt và khẩu phần sử dụng khô dầu đậu nành ly trích ở gà Sao giai đoạn 8 và 10 tuần tuổi. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức thừa số 2 nhân tố và 3 lần lặp lại, trong đó nhân tố thứ nhất là 2 nguồn thức ăn cung cấp protein (đậu nành hạt và khô dầu đậu nành ly trích), nhân tố thứ hai là 4 mức độ protein thô (16; 18; 20 và 22% CP). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến DM, OM, EE, CF, NDF, ADF và lượng nitơ tích lũy ở khẩu phần sử dụng đậu nành hạt tương đương khẩu phần sử dụng khô dầu đậu nành ly trích (p>0,05). Khẩu phần có mức CP là 20% ở giai đoạn 8 tuần tuổi và 18% ở giai đoạn 10 tuần tuổi cho tỷ lệ tiêu hóa DM, các dưỡng chất và lượng nitơ tích lũy cao hơn (p
Công nghệ sinh học
Phân lập và khảo sát đặc tính của vi khuẩn nội sinh ở cây trinh nữ (Mimosa pudica L.) tại tỉnh Trà Vinh
Tóm tắt
|
PDF
Bốn mươi bốn dòng vi khuẩn nội sinh đã được phân lập từ cây Trinh nữ tại tỉnh Trà Vinh trên môi trường dinh dưỡng PDA (pH=6,5). Đa số các dòng vi khuẩn này có dạng hình que, Gram âm và có khả năng chuyển động. Các dòng vi khuẩn phân lập có các đặc tính cố định đạm, tổng hợp IAA và hòa tan lân khó tan. Trong đó, dòng TH4 có khả năng cố định lượng đạm cao nhất (0,68 µg/mL). Nồng độ IAA cao nhất là 51,8 µg/mL (do dòng RH5 tổng hợp) và dòng LH7 có khả năng hòa tan lân cao nhất (E%=170). Kết quả thử hoạt tính kháng khuẩn cho thấy 16 dòng có tính kháng với Aeromonas hydrophila, 12 dòng có tính kháng với Escherichia coli, 7 dòng có tính kháng với Staphylococcus aureus, 8 dòng có tính kháng với cả Aeromonas hydrophila và Escherichia coli, 4 dòng có tính kháng với cả Aeromonas hydrophila và Staphylococcus aureus, 1 dòng có tính kháng với cả 3 loài vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Escherichia coli và Staphylococcus aureus. Hai dòng vi khuẩn được chọn để nhận diện ở cấp độ loài bằng phương pháp giải trình tự vùng gene 16S-rRNA cho thấy dòng NH11 có độ đồng hình 98% với Klebsiella pneumoniae strain ZJ-02 (KF974478.1) và dòng TH10 có độ đồng hình 99% với Bacillus megaterium strain LP35_L05(KM350269.1).
Phân lập giống nấm mối Termitomyces clypeatus
Tóm tắt
|
PDF
Mẫu nấm mối dùng để phân lập được thu hái ở xã An Linh huyện phú Giáo và xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Phương pháp nuôi cấy mô quả thể nấm đã được sử dụng để tạo nguồn giống thuần khiết trong ống nghiệm. Quá trình phân lập nấm mối được thực hiện trên 5 môi trường khác nhau. Kết quả cho thấy mô nấm sinh trưởng tốt nhất trên môi trường MT5 với nguồn cacbon là glucose và các muối sulphate, photphate. Sự sinh trưởng của nấm mối trên các môi trường nuôi cấy cơ bản và thông dụng có bổ sung chloramphenicol (200mg/l) cho thấy, nấm mối T. clypeatus phải mất một thời gian dài khoảng 12-15 ngày mới thích nghi được trên môi trường này. Mẫu giống nấm mối thuần khiết phân lập được định danh dựa trên đặc điểm hình thái kết hợp với giải trình tự DNA vùng ITS1, 5.8S, ITS2, 28S. Kết quả so sánh trình tự DNA cho thấy nấm mối phân lập được thuộc loài T. clypeatus với mức độ gene tương đồng trên 99% . Kết hợp với các đặc điểm hình thái của nấm mối, có thể kết luận loại nấm mối đã phân lập trong nghiên cứu này là T. clypeatus.
Công nghệ thực phẩm
Ảnh hưởng của dung môi đến khả năng trích ly một số hợp chất có hoạt tính sinh học từ lá nha đam
Tóm tắt
|
PDF
Nha đam được xem là một loại thảo dược, trong thành phần có chứa nhiều chất có hoạt tính kháng khuẩn. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích xác định ảnh hưởng của dung môi đến quá trình trích ly một vài hợp chất có hoạt tính sinh học từ lá nha đam. Đầu tiên, thí nghiệm được thực hiện bằng việc thay đổi nồng độ ethanol của dung môi trích ly với các tỷ lệ (0, 40, 50, 60, 70, 80 và 96%). Sau đó, một nồng độ thích hợp nhất được chọn cho thí nghiệm tiếp theo, nhằm khảo sát sự ảnh hưởng của tỷ lệ nguyên liệu và dung môi (1:0,5; 1:1; 1:1,5; 1:2; 1:2,5; 1:3; 1:3,5 và 1:4) đến khả năng trích ly các hợp chất này. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu chỉ sử dụng nước hoặc ethanol 96% thì hiệu quả trích ly 3 hợp chất (anthraquinon, saponin và acid salicylic) đều thấp. Tuy nhiên, khi kết hợp 2 loại dung môi này lại với nhau thì hiệu quả trích ly được cải thiện hơn rất nhiều. Trong đó, với dung môi có nồng độ ethanol 50% cho hiệu quả trích ly tương đối hiệu quả nhất của cả 3 dẫn chất được nghiên cứu. Kết quả thí nghiệm thứ hai cho thấy tỷ lệ nguyên liệu và dung môi là 1:2 cho hiệu quả trích ly tối ưu cả 3 dẫn chất nêu trên.
Mô hình hóa quá trình thủy phân vỏ khoai lang tím nhật bằng enzyme sử dụng mô hình bề mặt đáp ứng
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, hai bước thủy phân bằng enzyme đối với vỏ khoai lang tím (là phế phẩm của quá trình sản xuất) được tối ưu hóa. Ảnh hưởng của nhiệt độ, thời gian và liều lượng enzyme cho mỗi tiến trình thủy phân (dịch hóa và đường hóa) đến hàm lượng chất khô hòa tan và hàm lượng đường khử đã được nghiên cứu. Thiết kế thí nghiệm theo mô hình Box-Behnken đã được áp dụng và có tổng cộng 18 nghiệm thức đã được tạo ra cho mỗi bước. Đối với giai đoạn dịch hóa, phân tích ANOVA cho thấy mô hình bậc hai thu được có ý nghĩa (p
Nông nghiệp
Đánh giá các khía cạnh kinh tế và kỹ thuật của các mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là so sánh hiệu quả kinh tế và kỹ thuật của bốn mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở vùng nước lợ của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, thuộc vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phỏng vấn nông hộ được thực hiện trên 113 nông dân đang thực hiện mô hình luân canh tôm với lúa; nghĩa là nuôi tôm sú (Penaeus monodon) hoặc nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và nuôi tôm độc canh (Litopenaeus vannamei). Kết quả cho thấy người dân có thể nuôi tôm thẻ chân trắng hai hoặc 3 vụ và luân canh với trồng lúa, so với chỉ nuôi một vụ tôm sú, do chu trình nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn hơn. Với mức độ đầu tư thâm canh cao nên năng suất tôm thẻ chân trắng cao hơn nuôi tôm sú. Mô hình nuôi tôm (trong mùa nắng) luân canh với trồng lúa (trong mùa mưa) có thu nhập thấp hơn mô hình nuôi tôm độc canh. Trong ngắn hạn, nông dân có được thu nhập cao với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là hình thức nuôi tôm độc canh ba vụ trên năm. Tuy nhiên, về lâu dài của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở mức độ thâm canh cao thì những rủi ro về hiệu quả kinh tế và tính bền vững môi trường vẫn là những thách thức.
Khảo sát ảnh hưởng của thời điểm thu hoạch đến đặc tính củ, năng suất và hàm lượng anthocyanin trong thịt củ khoai lang tím nhật (Ipomoea batatas (L.) Lam.)
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát sự thay đổi đặc tính củ, năng suất, hàm lượng anthocyanin và đánh giá khả năng loại bỏ gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picryhydrazyl (DPPH) của anthocyanin ly trích được trong thịt củ khoai lang tím Nhật theo thời gian thu hoạch. Thí nghiệm được bố trí tại xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 9/2014 đến tháng 3/2015. Thời điểm đánh giá chất lượng củ theo thời gian thu hoạch từ 120 ngày đến 176 ngày sau khi trồng, cách khoảng 7 ngày sẽ thu hoạch một lần. Kết quả thí nghiệm cho thấy, năng suất củ tại thời điểm 127 NSKT đạt được trên 20 tấn/ha, cao nhất ở thời điểm 148 NSKT, đạt 32,6 tấn/ha. Đường kính và độ cứng củ gia tăng theo thời gian thu hoạch, hàm lượng chất khô dao động trong khoảng 29,3 – 31,8%. Hàm lượng anthocyanin ly trích trong thịt củ đạt cao nhất vào thời điểm 127 và 141 NSKT (trên 100 mg CGE/100 g khô). Khả năng loại bỏ gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picryhydrazyl (DPPH) của thịt củ khoai lang tím Nhật thu hoạch ở các thời điểm từ 120 đến 141 ngày sau khi trồng đạt trên 70% trong điều kiện thí nghiệm.
Khảo sát sự xâm nhiễm và sự hiện diện của bào tử nấm rễ nội cộng sinh (Arbuscular Mycorrhiza) trong mẫu rễ và đất vùng rễ của cây bắp, mè và ớt được trồng ở thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự xâm nhiễm và sự hiện diện các bào tử nấm rễ nội cộng sinh (AM) trong đất vùng rễ và rễ cây bắp, mè và ớt được trồng trên đất phù sa ở thành phố Cần Thơ. Bốn mẫu đất vùng rễ và rễ của ba loại cây màu được thu để xác định phần trăm (%) sự hiện diện của nấm rễ bên trong rễ và định danh bào tử nấm rễ trong đất vùng rễ bằng phương pháp rây ướt. Kết quả cho thấy rễ bắp, mè và ớt có sự xâm nhiễm của nấm rễ. Sự hiện diện của nấm rễ ở rễ cũng như số lượng bào tử trong đất vùng rễ của cây bắp cao nhất và khác biệt rất có ý nghĩa thống kê so với cây mè và ớt. Định danh được bốn chi nấm là Acaulospora, Entrophosphora, Glomus, Gigaspora và ba chi nấm chưa được định danh; cả bốn chi nấm này hiện diện ở đất vùng rễ bắp đặc biệt hai chi Acaulospora và Glomus được tìm thấy ở cả ba mẫu đất vùng rễ của bắp, mè và ớt.
Khảo sát hiệu lực phòng trừ sinh học sâu tơ (Plutella xylostella L.) hại rau ăn lá từ dịch chiết thô lá cây ngũ sắc (Lantana camara L.)
Tóm tắt
|
PDF
Để hạn chế những tác động tiêu cực mà thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mang lại thì nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thảo mộc đã ra đời. Cây hoa ngũ sắc Lantana camara L. không chỉ được biết đến như một loại dược thảo được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, mà hiệu quả phòng trừ côn trùng gây hại trên cây trồng của loài cây này đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, kết quả định tính alkaloid cho thấy dịch chiết cao thô lá cây ngũ sắc dương tính với 2 loại thuốc thử Mayer và Dragendorff. Đối với sâu tơ tuổi 2, hiệu lực tiêu diệt sâu tơ ở nồng độ 25% và 30% dịch chiết có sự khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng (p = 0,0000), có khả năng ức chế quá trình hóa nhộng và vũ hóa của sâu tơ. Dịch chiết thô lá cây ngũ sắc còn có khả năng gây ngán ăn trên 90% sâu ở nồng độ 30% dịch chiết (có sự chọn lọc và không chọn lọc thức ăn). Vai trò của thuốc phòng trừ sinh học có nguồn gốc từ thực vật được thảo luận trong nghiên cứu này.
Thủy sản
Những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả tài chính của mô hình nuôi cá trê lai ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của nghề nuôi cá trê lai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 8 – 12 năm 2015, thông qua phỏng vấn 150 hộ nuôi cá trê lai ở năm tỉnh: An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang. Cá được nuôi với qui mô nhỏ, diện tích nuôi trung bình là 1.106±1.130 m2. Mật độ thả trung bình là 58±21 con/m2. Tỷ lệ sống sau 3- 4 tháng nuôi đạt 83,4±5,9% và năng suất đạt 140,7±44,0 tấn/ha/vụ. Kết quả phân tích đa biến và đơn biến cho thấy năng suất nuôi chịu ảnh hưởng (p
Ứng dụng công nghệ biofloc để nuôi cá rô phi (Oreochromis niloticus) ở các độ mặn khác nhau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ biofloc trong nuôi cá rô phi ở các độ mặn khác nhau nhằm xác định độ mặn và hệ thống nuôi thích hợp cho sự sinh trưởng của cá. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với các độ mặn khác nhau (0, 5, 10, 15 và 20‰) kết hợp với biofloc (có bổ sung carbohydrate với tỉ lệ C:N là 20:1) và không biofloc, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Cá được bố trí là rô phi đơn tính có khối lượng và chiều dài trung bình là 1,38 g và 4,4 cm được bố trí nuôi trong bể compossite 0,5 m3 với mật độ 40 con/m3. Sau 7 tháng nuôi các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH, TAN và nitrite đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của cá nuôi. Bên cạnh đó, hàm lượng TAN trong các nghiệm thức biofloc thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa so với không biofloc. Cá nuôi ở độ mặn 10, 15 và 20 ppt và kết hợp biofloc thì tăng trưởng nhanh hơn (289,8 – 312,7g; 1,37 – 1,48 g/ngày và 2,55 – 2,58 %/ngày) và khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (p
Ảnh hưởng của tỷ lệ C:N khác nhau lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và chất lượng của cá rô phi (Oreochromis niloticus) nuôi theo công nghệ biofloc
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ C:N thích hợp cho sự phát triển của cá rô phi (Oreochromis niloticus) nuôi theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm gồm 5 nghiệm thức được bố trí ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức được bổ sung bột gạo làm nguồn carbohydrate có tỷ lệ C:N khác nhau (10, 15, 20 và 25) và nghiệm thức đối chứng, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể nuôi có thể tích 0,5 m3, được sục khí liên tục ở độ mặn 10‰. Cá rô phi có khối lượng trung bình là 8,43 g/con (chiều dài 7,83 cm) và được nuôi với mật độ 40 con/m3. Sau 6 tháng nuôi, cá tăng trưởng nhanh ở nghiệm thức tỷ lệ C:N=15 (282,8 g/con và 1,37 %/ngày) và C:N=20 (267,9 g/con và 1,36%/ngày) so với các nghiệm thức khác. Năng suất cá nuôi đạt 9,01 kg/m3 (C:N=20) và 8,56 kg/m3 (C:N=15) lớn hơn và khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng. Tương tự, FCR thấp nhất ở nghiệm thức C:N=20 và 15 (1,48 và 1,58) và tỷ lệ sống đạt cao nhất (80,0%). Bên cạnh đó, chất lượng thịt cá (protein, độ dai, màu sắc và mùi vị) trong các nghiệm thức biofloc không khác biệt so với đối chứng.
Phân tích hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tôm sú thâm canh ở tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Tôm sú là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Cà Mau. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2014. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp được áp dụng trên 45 hộ nuôi tôm sú thâm canh ở huyện Đầm Dơi, Phú Tân và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau nhằm đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi và xác định những thuận lợi và khó khăn của mô hình sản xuất. Kết quả khảo sát cho thấy diện tích ao nuôi trung bình 0,27 ha/ao, tổng lượng thức ăn viên sử dụng trung bình là 6.656±2.302 kg/ha. Tôm được nuôi với mật độ trung bình là 27,9±4,85 con/m2 vàphần lớn con giống thả nuôi có nguồn gốc từ miền Trung. Năng suất tôm và lợi nhuận trung bình của mô hình nuôi thâm canh tôm sú lần lượt là 5.246±1.401 kg/ha/vụ và 551±342 triệu đồng/ha/vụ. Nghề nuôi tôm sú thâm canh hiện đang còn gặp nhiều khó khăn như thời gian nuôi lâu, sự tăng lên về giá thức ăn, dịch bệnh và giá thuốc cao.
Phát hiện nhanh Streptococcus agalactiae và Streptococcus iniae từ mẫu mô cá bằng kỹ thuật duplex PCR
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm phát triển quy trình duplex PCR phát hiện đồng thời hai loài vi khuẩn S. agalactiae và S. iniae gây Streptococcosis trên cá nước ngọt và mặn. Quy trình khuếch đại sản phẩm dựa trên các gen lactate oxidase (lctO) và 16s rRNA của S. iniae và S. agalactiae tương ứng tại 870 bp và 220 bp. Nghiên cứu xác định được: (i) thành phần hóa chất phản ứng bao gồm: 1 X PCR buffer; 2 mM MgCl2;250 µM dNTPs; 10 pm mồi F1; 10 pm mồi IMOD; 5 pm mồi LOX-1; 5 pm mồi LOX-2; 1,0 U Taq polymerase; 1 µL DNA S. agalactiae chiết tách; 1 µL DNA S. iniae chiết tách, tổng thể tích phản ứng là 25 µL và (ii) chu kỳ nhiệt cho phản ứng duplex PCR: 95oC trong 5 phút, tiếp theo 35 chu kỳ: 95oC trong 1 phút, 57oC trong 1 phút, 72oC trong 1 phút và cuối cùng 72oC trong 7 phút. Độ nhạy của quy trình được xác định đối với S. agalactiae là 100 cfu/mL và S. iniae là 103 cfu/mL. Qui trình duplex PCR không khuếch đại sản phẩm đặc hiệu khi kiểm tra với Edwardsiella ictaluri, Aeromonas hydrophila, Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus.
Giáo dục
Tư tưởng hồ chí minh với trường sư phạm kháng chiến Khu vực Tây nam bộ, Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Trường Sư phạm trong vùng căn cứ kháng chiến thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung dạy và học tại Trường Sư phạm kháng chiến luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Học viên Sư phạm luôn được giáo dục tất cả vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Những hoạt động của nhà trường mang tính toàn diện, phù hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay. Mặc dù vào thời kì ấy bom đạn và sự hy sinh mất mát luôn xảy ra hằng ngày, nhưng lý tưởng cách mạng vẫn nồng cháy trong mỗi nhà giáo cũng như học viên.
Nhận thức và sự sẵn lòng đóng góp của nông hộ cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Dựa trên kết quả điều tra 90 hộ của 03 xã có mức độ hoàn thành khác nhau về chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhận thức của người dân về chi tiết chương trình này ở mức khá. Bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên theo mô hình lựa chọn có hoặc không (dichotomous choice contingent valuation method), kết quả cho thấy mức sẵn lòng đóng góp của người dân là 10.283 đồng đối với mô hình không có biến giải thích (mô hình 1) và 10.936 đồng đối với mô hình có các biến giải thích (mô hình 2). Các nhóm hộ thuộc xã có mức độ hoàn thành chương trình nông thôn mới trung bình và thấp có mức sẵn lòng đóng góp cao hơn. Sự sẵn lòng đóng góp của nhóm nữ cao hơn so với nhóm nam và nhóm được công nhận gia đình văn hóa có mức sẵn lòng đóng góp cao hơn so với nhóm chưa được công nhận. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy nguồn vốn có thể huy động từ dân trong hai năm đối với một hộ là khoảng 263 ngàn đồng. Tuy nhiên, để có thể huy động được nguồn vốn hiệu quả và hài hòa thì công tác tuyên truyền cần quan tâm đến những nhóm chưa được công nhận gia đình văn hóa và cho các đối tượng là nam giới.
“Trật tự mới” ở indonesia - mô hình cải cách “Nửa vời”
Tóm tắt
|
PDF
Trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Sucarno, nền kinh tế-chính trị-xã hội Indonesia bị khủng hoảng sâu sắc. Trước áp lực của quân đội, Tổng thống Sucarno phải trao quyền tổng thống cho tướng Suharto. Sau khi nắm được chính quyền, Tổng thống Suharto tuyên bố thiết lập “trật tự mới” ở Indonesia (1967-1998). Trong bài nghiên cứu này chúng tôi tập trung hai nội dung là tính “nửa vời’” trong kinh tế và tính “nửa vời” trong chính trị của chế độ độc tài Suharto thể hiện qua mô hình “trật tự mới”.
Tác động của webquest đối với hứng thú học tập môn ngữ văn trung học phổ thông
Tóm tắt
|
PDF
Vận dụng các phương pháp dạy học như thế nào để đạt hiệu quả là một vấn đề đòi hỏi mỗi giáo viên phải chủ động và sáng tạo trong quá trình dạy học. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn về tác động của việc vận dụng phương pháp WebQuest vào dạy học môn Ngữ Văn, mà cụ thể là phần văn học trung đại lớp 11 ở trường THPT. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất các dạng bài tập WebQuest phù hợp với điều kiện học tập ở Việt Nam nhằm kích thích tinh thần tự học, tự nghiên cứu và hứng thú học tập ở các em học sinh.
Những nhân tố ảnh hưởng kết quả học tập của sinh viên năm I-II Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên chính quy năm thứ nhất và năm thứ hai của Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ. Phương pháp phân tích chính được sử dụng trong nghiên cứu là phân tích nhân tố khám phá. Số liệu được sử dụng trong phân tích được thu thập từ 561 sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai của Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra hai nhóm nhân tố ảnh hưởng thuận chiều đến kết quả học tập của sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai là nhân tố thuộc bản thân sinh viên và nhân tố thuộc về năng lực giảng viên. Trong đó, nhân tố thuộc về sinh viên bao gồm kiến thức đạt được sau khi học, động cơ học tập, tính chủ động của sinh viên có ảnh hưởng đến kết quả học tập cao hơn nhân tố thuộc về năng lực giảng viên.
Dạy học bằng mô hình hóa toán học: Một chiến lược dạy học khái niệm logarit ở trường phổ thông
Tóm tắt
|
PDF
Khái niệm logarit là tri thức toán được phát sinh từ nhu cầu tính toán và ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Tuy nhiên, thể chế dạy học hiện nay cho thấy mục tiêu chỉ tập trung vào việc cung cấp kiến thức chưa quan tâm đến ý nghĩa thực tiễn của nó nên làm cho học sinh không thấy được những ứng dụng của khái niệm này. Để giúp học sinh tiếp cận các bài toán thực tiễn khi hình thành khái niệm logarit, chúng tôi triển khai chiến lược dạy học khái niệm logarit bằng mô hình hóa.
Khoa học Chính trị
Xác định khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng
Tóm tắt
|
PDF
Ở Việt Nam thuật ngữ “giáo dục chính trị tư tưởng” đã được sử dụng rất phổ biến trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam và những tài liệu sách báo ở nhiều lĩnh vực,… Tuy nhiên cho đến nay, khái niệm về giáo dục chính trị tư tưởng ở Việt Nam vẫn chưa được xác định rõ. Bài viết bước đầu tiếp cận khái niệm và góp phần xác định rõ khái niệm giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo có liên quan đến giáo dục chính trị tư tưởng.
Xã hội-Nhân văn
Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở Vĩnh Long (1962-1963)
Tóm tắt
|
PDF
“Ấp Chiến lược” là quốc sách của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn (CQSG) trong quá trình thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, trong đó có địa bàn Vĩnh Long. Quốc sách này được triển khai trên quy mô lớn với nhiều thủ đoạn nhằm tiêu diệt các lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng. Trong giai đoạn 1962 – 1963 bằng nhiều hình thức, quân và dân Vĩnh Long đã nổi dậy phá tan từng mảng ấp chiến lược, góp phần cùng với quân dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn.
Một số mô típ tiêu biểu trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh dưới góc nhìn huyền thoại học
Tóm tắt
|
PDF
Hai mô típ tiêu biểu nhất trong tác phẩm Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh là mô típ vật biến thành người và người biến thành vật. Nếu dùng một số nghiên cứu của huyền thoại học soi chiếu vào hai mô típ này sẽ thấy giá trị của nó hiện lên với nhiều chiều kích khác nhau. Các mô típ này ra đời dựa trên sự kế thừa sâu sắc tư duy huyền thoại của con người nguyên thủy, từ các thể loại văn học trước đó như thần thoại, truyện cổ tích… Trên cơ sở kế thừa, nhà văn Bồ Tùng Linh đã cấp cho các mô típ này hơi thở mới của cuộc sống thời cận đại và thể hiện sự tiến bộ trong nghệ thuật phản ánh cuộc sống. Nhà văn đã đan cài hai mặt thực - ảo khi chuyển hóa các mô típ tạo nên một tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống trong một hình thức lung linh, huyền ảo.
Những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nhà hàng: Nghiên cứu trường hợp quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Chất lượng dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh nhà hàng nói riêng và ngành dịch vụ nói chung. Về mặt lý thuyết và thực nghiệm, chất lượng dịch vụ có mối quan hệ thuận với sự thỏa mãn và lòng trung thành của khách hàng. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực nhà hàng được xuất bản. Mục đích chính của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nhà hàng để các bên liên quan có những quyết định quản trị phù hợp. Nghiên cứu được thực hiện trong trường hợp quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu phản ánh những phản hồi của 160 đáp viên thông qua phương pháp thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính đa biến. Sáu nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nhà hàng theo thứ tự giảm dần là: “sự đảm bảo”, “món ăn”, “sự tin cậy”, “nhân viên phục vụ”, “sự an toàn và điều kiện vệ sinh”, “khuôn viên nhà hàng, bãi đỗ xe và trang phục của nhân viên”.
Khảo sát đánh giá hiện trạng sử dụng tiếng anh của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trong thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng tiếng Anh của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch trong thị trấn Dương Đông huyện Phú Quốc, Kiên Giang bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp 120 đối tượng gồm nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, dịch vụ đi lại và du khách nước ngoài từ ngày 25/02/2016 đến 29/02/2016. Kết quả cho thấy hiện trạng năng lực tiếng Anh của các nhóm khá thấp: có 74,2% nhóm phục vụ ăn uống, 53,3% nhóm phục vụ mua sắm và 20% đi lại đã tham gia các khóa học tiếng Anh. Đa phần các đối tượng khảo sát đều không có chứng chỉ tiếng Anh, chỉ có 4,6% ở nhóm phục vụ ăn uống là dân Việt kiều hồi hương và 9,1% các bác tài taxi có chứng chỉ A quốc gia tiếng Anh. Khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp chưa cao và không đều giữa các nhóm khảo sát. Trong các nhóm khảo sát thì nhóm phục vụ ăn uống thể hiện khả năng sử dụng tiếng Anh trong việc giao tiếp và giới thiệu sản phẩm của mình là tốt nhất (56,7%). Trong khi nhóm phục vụ đi lại cho thấy khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh thấp nhất (23%) nhưng lại là nhóm được đánh giá là thân thiện nhất khi giao tiếp với khách nước ngoài.
Mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và trải nghiệm du lịch của du khách đối với các điểm vườn du lịch ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) được sử dụng để kiểm định mối quan hệ giữa hình ảnh điểm đến và trải nghiệm du lịch của du khách đối với các điểm vườn du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Số liệu được thu thập từ 200 du khách đã đến tham quan và trải nghiệm dịch vụ tại các điểm vườn du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền. Kết quả đã xác định sự tồn tại của mối liên hệ giữa hình ảnh điểm đến và trải nghiệm du lịch của du khách đối với các điểm vườn du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền. Trong đó, 2 yếu tố quan trọng nhất là trải nghiệm suy nghĩ và hành động, sự quản lý điểm đến và vui chơi giải trí.
Thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965 - 1975
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát vấn đề thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965-1975. Thời gian nghệ thuật không chỉ là một thành phần tất yếu của tác phẩm mà còn là một tín hiệu nghệ thuật có giá trị. Đa số tác giả đã chọn hiện tại làm thời điểm chính cho sự kiện trong tác phẩm của mình. Sự gia tăng kiểu thời gian đảo tuyến và thời gian tâm tưởng cũng là đặc điểm nổi bật. Những đặc điểm nói trên góp phần tạo nên thành công cho mảng truyện ngắn này.
Quan niệm của trần nguyên đán về giáo dục, khoa cử và việc trọng dụng nhân tài
Tóm tắt
|
PDF
Trần Nguyên Đán (1325-1390) là một nhà trí thức dân tộc, nhà hoạt động chính trị tiêu biểu, một nhân cách lớn, một con người luôn quan tâm chăm lo lợi ích của nhân dân. Suốt đời mình, ông luôn chủ trương cổ vũ, ủng hộ phát triển nền giáo dục Nho giáo, lấy “trung, hiếu” làm chuẩn mực đạo đức cho mẫu người lí tưởng của thời đại. Bài viết tập trung luận giải quan niệm của Trần Nguyên Đán về giáo dục, khoa cử và trọng dụng nhân tài, qua đó, có thể khẳng định được tầm vóc và những đóng góp của ông cho lịch sử tư tưởng và văn chương thời Trần.
Mức độ cần thiết của chương trình thông tin học tại Trường Đại học Cần Thơ so với nhu cầu thực tế của xã hội và các giải pháp để nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên tốt nghiệp
Tóm tắt
|
PDF
Chúng tôi đã khảo sát 224 cựu sinh viên (CSV) trong tổng số 385 CSV ngành Quản trị Thông tin thư viện /Thông tin học trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2016 để lắng nghe từ các sinh viên tốt nghiệp về mức độ cần thiết của chương trình đào tạo; các kỹ năng (KN) cứng, KN mềm đã được học; và trình độ tiếng Anh và tin học cần thiết khi các em tham gia vào thị trường lao động… Kết quả cho thấy, đa số các ý kiến cho rằng các học phần cơ sở và chuyên ngành trong chương trình đào tạo là cần thiết. Dù các CSV làm việc đúng ngành hay trái ngành, hiện tại đào tạo ngành Thông tin học tại Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn-Trường Đại học Cần Thơ nhìn chung là đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và sự phát triển của xã hội, song vẫn còn nhiều điều cần cải thiện để quá trình tìm việc của CSV ngành hiệu quả hơn. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp để nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên ngành.
Kinh tế
Phân tích hiệu quả sản xuất của nông hộ nghèo và không nghèo trồng lúa tại tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả sản xuất của hai nhóm nông hộ nghèo và không nghèo trồng lúa tại tỉnh An Giang. Số liệu sơ cấp của đề tài được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 250 nông hộ, trong đó có 70 nông hộ nghèo và 180 nông hộ không nghèo. Phương pháp thống kê mô tả và phân tích màng bao dữ liệu (DEA) được sử dụng để ước lượng hiệu quả kỹ thuật (TE), hiệu quả phân phối (AE) và hiệu quả chi phí (CE) của các nhóm nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có sự khác biệt về các đặc điểm cơ bản của hai nhóm nông hộ. Nông hộ nghèo có hiệu quả phân phối và hiệu quả chi phí ở mức độ trung bình, trong khi hiệu quả kỹ thuật đạt mức tương đối tốt.
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào hoạt động du lịch vườn sinh thái của hộ gia đình tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào hoạt động du lịch vườn sinh thái của hộ gia đình ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Phương pháp thống kê mô tả, điểm trung bình; hệ số Cronbach’s Alpha; phân tích nhân tố khám phá được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố tác động đến sự tham gia của hộ gia đình vào hoạt động du lịch vườn sinh thái bao gồm: (i) Chính sách địa phương, (ii) Môi trường tự nhiên và vốn xã hội, (iii) Văn hóa xã hội, (iv) Nguồn lực địa phương, (v) Lợi ích kinh tế. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao sự tham gia của hộ gia đình vào hoạt động du lịch vườn sinh thái.
Đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu vào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp
Tóm tắt
|
PDF
Bằng cách sử dụng phương pháp phân tích hàm sản xuất biên ngẫu nhiên, bài viết đã mô tả cụ thể tiến trình thực hiện đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu vào. Đây là một phương pháp đầy hứa hẹn phản ánh thực trạng sử dụng nguồn lực đầu vào của các hoạt động sản xuất trong bối cảnh nguồn lực ngày trở nên giới hạn do áp lực và nhu cầu của quá trình phát triển. Hiệu quả sử dụng nguồn lực được định nghĩa là tỷ số giữa lượng tối thiểu có thể đạt được của một nguồn lực đầu vào cụ thể và lượng sử dụng thực tế của đầu vào đó, trong điều kiện đầu ra và các yếu tố đầu vào khác không thay đổi. Như vậy, hiệu quả sử dụng nguồn lực cho biết khả năng giảm yếu tố nguồn lực đầu vào cụ thể. Dựa trên bộ số liệu điều tra 199 nông hộ sản xuất lúa tỉnh An Giang năm 2014 và phương pháp đo lường được giới thiệu trong bài viết để làm ví dụ minh họa, kết quả tính toán cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn lực lao động đạt khoảng 83,82%, đối với nguồn lực về vốn khoảng 25,69%, 71,33% đối với tổng lượng phân đạm sử dụng và 81,74% đối với tổng lượng phân lân và kali. Như vậy, từ các chỉ số hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu vào này sẽ giúp cho nhà sản xuất quyết định mức sử dụng tối ưu mà không làm giảm mức đầu ra.
Hiệu quả trong đầu tư công thông qua công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của bài viết này là xác định hiệu quả trong đầu tư công thông qua công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu của các chủ đầu tư tổ chức đấu thầu. Bài viết sử dụng Lý thuyết thông tin bất cân xứng Akerlof (1970) để phát triển các giả thuyết nghiên cứu liên quan. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp từ 432 gói thầu của các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và sử dụng mô hình hồi quy bội để kiểm định khả năng tương quan. Từ kết quả phân tích hồi quy cho biết số lượng nhà thầu tham dự (N), nguồn vốn bố trí cho gói thầu (C), chủ đầu tư (O) và tổng mức đầu tư (TI) có tác động cùng chiều lên tỷ lệ giảm giá (RR). Đồng thời, yếu tố về người phê duyệt kết quả đấu thầu (D) và thời gian thực hiện hợp đồng (CT) có tác động ngược chiều với tỷ lệ giảm giá (RR). Bên cạnh đó, yếu tố loại công trình (GP) không có tác động đến tỷ lệ giảm giá (RR). Bài viết cũng cung cấp những hàm ý về chính sách góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác đấu thầu nhằm quản lý tốt vốn đầu tư công, đồng thời đề xuất các khuyến nghị đến cơ quan quản lý, hệ thống khung pháp lý về đầu tư công.
Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường cao đẳng công lập ở thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường cao đẳng công lập, trên cơ sở khảo sát 125 giảng viên tại các trường cao đẳng công lập của thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp kiểm định Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA) để kiểm định và xây dựng các thang đo. Bên cạnh đó, phương pháp hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên. Kết quả cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên bao gồm: Môi trường làm việc, Nhận thức, Năng lực cá nhân, Động cơ thực hiện, Tuổi và Lĩnh vực chuyên môn của giảng viên. Trong đó, nhân tố Môi trường làm việc và Nhận thức có tác động nhiều nhất đến khả năng tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Vận dụng ma trận SWOT và QSPM để xây dựng và lựa chọn chiến lược kinh doanh: Trường hợp chiến lược kinh doanh đến năm 2020 cho công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nội dung nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang từ năm 2013 đến 2015. Trên cơ sở đó, đề tài tập trung phân tích môi trường bên trong, bên ngoài công ty tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu bên trong công ty và xác định các cơ hội, thách thức tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty. Từ các số liệu sơ cấp và thứ cấp kết hợp với kỹ thuật phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) để hình thành các nhóm chiến lược SO, ST, WO, WT. Thông qua ma trận hoạch định chiến lược có thể định lượng (QSPM) đã hình thành những chiến lược cần thực hiện cho Minh Phú Hậu Giang đến năm 2020, nhằm mục đích mở rộng, phát triển và tạo thế chủ động trên thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch nội địa của nhân viên văn phòng tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch nội địa của nhân viên văn phòng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá kết hợp với hồi quy tuyến tính được sử dụng để thực hiện mục tiêu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy hai nhóm nhân tố có tác động tích cực đến nhu cầu du lịch nội địa là yếu tố ngẫu nhiên và yếu tố văn hóa - xã hội, riêng nhóm nhân tố chi phí có hướng ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu du lịch nội địa của nhân viên văn phòng. Trên cở sở kết quả nghiên cứu này, một số khuyến nghị chính sách đã được đề xuất cho các doanh nghiệp du lịch tại thành phố Cần Thơ trong việc hình thành chiến lược thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa của bộ phận nhân viên văn phòng.
Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sử dụng dịch vụ thuê ngoài của các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ sử dụng dịch vụ thuê ngoài của các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy nhân tố mối quan hệ _ lợi ích tác động tích cực đến mức độ thuê ngoài của tất cả các loại dịch vụ. Thêm vào đó, kết quả cũng chỉ ra rằng yếu tố rủi ro có ảnh hưởng đến mức độ sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuê dịch vụ bảo trì máy móc, thiết bị thì yếu tố quy mô và số năm doanh nghiệp hoạt động tác động đáng kể đến mức độ thuê ngoài dịch vụ này.
Kinh tế xã hội
Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định du học sau khi tốt nghiệp của sinh viên khoa kinh tế Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm phân tích sự ảnh hưởng của các nhân tố đến ý định du học sau khi tốt nghiệp của sinh viên các ngành Kinh tế thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 271 sinh viên (từ năm nhất đến năm thứ tư) thuộc 11 ngành thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Phương pháp thống kê mô tả và phân tích nhân tố khám phá được sử dụng để trả lời câu hỏi nghiên cứu. Kết quả cho thấy các nhóm nhân tố sau có ảnh hưởng đến ý định du học sau khi tốt nghiệp của sinh viên các ngành Kinh tế, đó là: (1) Động lực văn hóa, (2) Nguồn lực thông tin, (3) Động cơ thành đạt, (4) Áp lực xã hội, (5) Đặc điểm cá nhân, (6) Nguồn lực tài chính và (7) Sự yêu thích du học. Nghiên cứu mong muốn sẽ góp phần tích cực vào các chương trình giáo dục và hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Cần Thơ.
Đánh giá tác động của chương trình xây dựng nông thôn mới đến thu nhập nông hộ tại tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Hơn 5 năm triển khai, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng, nhìn chung điều kiện hạ tầng và kinh tế xã hội có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tác động cụ thể của Chương trình đến thu nhập nông hộ vẫn chưa được lượng hóa. Do vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm lượng hóa tác động của Chương trình đến thu nhập nông hộ từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách thực hiện phân tích chi phí - lợi ích của Chương trình. Dựa trên kết quả điều tra 90 hộ của 03 xã có mức độ hoàn thành khác nhau về chương trình NTM, nghiên cứu cho thấy tác động của chương trình NTM đến thu nhập của nông hộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có ý nghĩa thiết thực. Bằng cách sử dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng, kết quả cho thấy sau khi tham gia vào chương trình NTM, thu nhập đã tăng lên 8.320.000đồng/thành viên/năm ở mức ý nghĩa 5% so với trước khi có chương trình bằng phương pháp so sánh cận gần nhất và 6.570.000 đồng/thành viên/năm bằng phương pháp so sánh phạm vi/bán kính ở mức ý nghĩa 10%.
Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Động lực học tập là một trong những thành phần có tính chất then chốt nhất trong việc học tập (Slavin, 2008). Động lực học tập tạo nên một nguồn sức mạnh, một nguồn năng lực mạnh mẽ khiến chủ thể hành động và duy trì hành động để đạt được kết quả. Kết quả học tập, những gì mà sinh viên học và ứng dụng được vào thực tiễn có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sau này của họ. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng động lực học tập của sinh viên chịu tác động bởi các nhóm nhân tố thuộc về nhà trường, nhân tố thuộc về gia đình và nhân tố thuộc về đặc tính cá nhân của sinh viên đó. Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu các nhân tố tác động thuộc về nhà trường đến động lực học tập của sinh viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần thơ. Kết quả khảo sát từ 495 sinh viên kinh tế cho thấy các nhân tố tác động bao gồm các hoạt động phong trào, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo, điều kiện học tập và môi trường học tập có tác động tích cực đến động lực học tập của sinh viên.
Cải thiện chuỗi giá trị nếp phú tân thông qua sử dụng công cụ một phải năm giảm-1P5G
Tóm tắt
|
PDF
Liên kết sản xuất - tiêu thụ nhằm cải thiện giá trị gia tăng chuỗi nếp Phú Tân là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Phú Tân tỉnh An Giang trong năm 2014 - 2015 nhằm cải thiện chuỗi giá trị nếp Phú Tân phục vụ công tác quy hoạch sản xuất nếp tỉnh An Giang. Cách tiếp cận có sự tham gia và chuỗi được sử dụng trong nghiên cứu thông qua thảo luận nhóm, phỏng vấn người am hiểu và tác nhân trong chuỗi. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếp Phú Tân có một sản lượng nếp sạch sản xuất theo 1P5G giúp giảm giá thành sản xuất và tăng thu nhập nông dân. Tiêu thụ sản phẩm nếp Phú Tân có hai kênh xuất khẩu (chiếm 90% tổng sản lượng) và nội địa (chiếm 10% sản lượng). Lợi nhuận toàn chuỗi kênh xuất khẩu cao hơn kênh nội địa và có nhiều tác nhân tham gia. Giá trị gia tăng thuần của nếp 1P5G cao hơn so với nếp sản xuất truyền thống. Nông dân là tác nhân có giá trị gia tăng cao so với các tác nhân khác. Yêu cầu thị trường quan tâm tiêu chí chất lượng nếp liên quan đến kỹ thuật canh tác. Do vậy, công cụ 1P5G là một giải pháp kỹ thuật có tính khả thi trong cải thiện hiệu quả kinh tế chuỗi, gia tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thực trạng và giải pháp thu hút nông hộ tham gia sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Rau an toàn là thực phẩm hàng ngày cho mỗi gia đình, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được đánh giá là có nhu cầu cao trong những năm gần đây và tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua, số nông hộ tham gia sản xuất rau an toàn chưa được sản xuất phổ biến trên địa bàn thành phố Cần Thơ, khoảng 40% nông hộ có tham gia sản xuất rau an toàn. Phương pháp nghiên cứu định lượng, thu thập dữ liệu sơ cấp ở 129 nông hộ sản xuất rau, rau an toàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Kết quả ghi nhận, nguyên nhân các hộ sản xuất rau chưa mặn mà chuyển sang sản xuất rau an toàn do: (1) Tính hiệu nhu cầu thị trường chưa rõ và không ổn định, chưa đảm bảo sự chắc chắn về ích lợi kinh tế cho nông hộ sản xuất rau an toàn; (2) Hạn chế về năng lực sản xuất rau an toàn và khả năng chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn và (3) Chưa nhận thấy ích lợi kinh tế vượt trội và ích lợi xã hội về lâu dài khi chuyển sang sản xuất rau an toàn. Để khuyến khích và kêu gọi sản xuất rau an toàn, các giải pháp được đề xuất: (1) Hình thành liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và (2) Phát triển, mở rộng mối liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua hình thành hợp tác xã/tổ hợp tác rau an toàn.
Giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
|
PDF
Giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng dân cư là yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới ở mỗi xã, mỗi địa phương. Nghiên cứu được tiến hành tại 4 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích các nguồn lực của cộng đồng được huy động cho quá trình xây dựng nông thôn mới; tìm hiểu các thuận lợi, khó khăn trong việc huy động nguồn lực cộng đồng; và đề xuất một số giải pháp nhằm huy động tốt hơn nguồn lực cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang. Các số liệu, quan điểm trình bày trong nghiên cứu dựa trên các tài liệu tổng kết ở các xã chọn điểm nghiên cứu và thông qua phỏng vấn trực tiếp 120 hộ gia đình, 40 cán bộ cơ sở tại 04 xã nghiên cứu. Phương pháp thống kê mô tả và so sánh được sử dụng để đánh giá thực trạng huy động nguồn lực cộng đồng trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiền, tài sản, công lao động và sự tham gia ý kiến là các nhóm nguồn lực chủ yếu của cộng đồng để huy động tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.