Ngày xuất bản: 23-05-2022

Điều khiển giám sát hệ cầu cân bằng với thanh và bóng dùng mạng nơ-ron hàm cơ sở xuyên tâm

Nguyễn Chí Ngôn, Nguyễn Văn Thọ, Trần Thị Hồng Phượng
Tóm tắt | PDF
Vì tính phi tuyến, bất ổn và có trễ truyền dữ liệu, hệ cầu cân bằng với thanh và bóng khá khó kiểm soát. Nghiên cứu này đề xuất kết hợp điều khiển vi-tích phân-tỷ lệ (PID) và điều khiển giám sát dùng mạng nơ-ron hàm cơ sở xuyên tâm (RBF), gọi là điều khiển RBF-PID, trên mô hình thật của hệ cầu cân bằng. Mô hình này đã được chế tạo từ trước, có tích hợp bộ bù sai số và thời gian trễ. Bộ điều khiển PID đóng vai trò đưa đáp ứng về gần giá trị tham khảo. Nhiệm vụ tinh chỉnh đáp ứng sẽ do bộ RBF đảm trách. Kết quả thực nghiệm trên hệ cầu cân bằng với cơ chế định vị bằng sóng siêu âm cho kết quả tốt hơn các nghiên cứu trước đó. Cụ thể, thời gian tăng của đáp ứng đạt 1,5 ± 0,3 giây; thời gian xác lập đạt 6,5 ± 1,0 giây; tuy độ vọt lố còn khá lớn, khoảng 11 ± 2 %, nhưng sai số xác lập đã được triệt tiêu. Kết quả cho thấy bộ điều khiển RBF-PID thích hợp để kiểm soát hệ thống.

Ứng dụng Matlab App Designer thiết kế chương trình mô phỏng định vị sự cố trên đường dây tải điện dựa trên các phương pháp tổng trở

Ngô Minh Khoa, Mai Vũ Cường, Huỳnh Quốc Cường, Nguyễn Trương Tấn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Matlab App Designer được ứng dụng trong nghiên cứu để thiết kế chương trình mô phỏng định vị sự cố trên đường dây tải điện. Các phương pháp được sử dụng để xác định vị trí sự cố dựa trên các phương pháp tổng trở. Các phương pháp đó sử dụng dữ liệu đo lường điện áp và dòng điện từ một và hai đầu đường dây. Chương trình được thiết kế trong bài báo này mang tính tổng quát cao, có thể áp dụng cho nhiều đường dây cấp điện áp khác nhau, khảo sát toàn diện cho bốn dạng sự cố ngắn mạch tại các vị trí và tổng trở sự cố thay đổi dọc theo chiều dài đường dây. Ngoài ra, chương trình mô phỏng được đóng gói thành file chạy *.exe nên có thể cài đặt ở bất kỳ máy tính mà không cần thiết phải có phần mềm Matlab để tiến hành mô phỏng. Trường hợp nghiên cứu đối với đường dây cấp điện áp 220 kV và 110 kV được áp dụng để khảo sát và đánh giá chương trình đã thiết kế. Các kết quả mô phỏng đã cho thấy được chương trình làm việc hiệu quả và chính xác.

Giải pháp đo vận tốc sóng trên mặt sông bằng ảnh nghiêng từ máy ảnh thương mại

Lưu Trọng Hiếu, Nguyễn Minh Hùng, Phan Hồng Toàn, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Phương pháp đo đạc vận tốc của mặt nước tại nhánh sông chính được trình bày trong nghiên cứu này bằng máy ảnh thương mại. Máy ảnh được bố trí cố định tại đỉnh cầu, nơi có thể quan sát cụ thể mặt sông và các phương tiện qua lại. Video quan sát được quay với các góc nghiêng khác nhau. Ảnh quan sát (ảnh ortho) được dựng lại từ các khung ảnh bằng phương pháp điểm thẳng hàng (collinearity equation) và biến đổi phối cảnh (perspective transform). Để kiểm chứng độ chính xác của phương pháp, thí nghiệm được tiến hành tại vùng có thể quan sát được trước khi áp dụng lên mặt sông. Phương pháp optical flow (dòng chảy quang học) được sử dụng để tính toán vận tốc sóng trên bề mặt sông. Kết quả cho thấy vector vận tốc sóng trùng với sóng do tàu bè qua lại và sóng nhỏ do các hiện tượng tự nhiên. Nghiên cứu ban đầu của thí nghiệm cho thấy mặc dù phương tiện di chuyển qua lại tạo ra nhiều sóng nhưng các sóng này có biên độ dao động nhỏ và thời gian kết thúc nhanh.

Nghiên cứu chiết tách cao chiết hạt củ đậu (Pachyrhizus erosus) có chứa rotenone và khảo sát hoạt tính kháng sâu ăn tạp (Spodoptera litura)

Đặng Huỳnh Giao, Nguyễn Khởi Nghĩa, Nguyễn Trọng Danh, Nguyễn Công Hậu, Hồ Ngọc Tri Tân, Nguyễn Quốc Châu Thanh
Tóm tắt | PDF
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, các chế phẩm sinh học được đẩy mạnh nghiên cứu bởi tính thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng và hạn chế sâu hại kháng thuốc. Nghiên cứu này nhằm xây dựng quy trình chiết tách cao chiết từ hạt củ đậu (Pachyrhizus erosus) có chứa hoạt chất rotenone, một hoạt chất tiềm năng có hiệu lực tiêu diệt sâu ăn tạp (Spodoptera litura). Cao chiết hạt củ đậu được chiết tách thành công bằng phương pháp ngâm chiết trong chloroform ở 2 lần chiết với tỉ lệ bột mẫu: dung môi là 1:5 (g/mL) trong 48 h. Sự hiện diện rotenone được định tính với thuốc thử và phương pháp sắc ký lớp mỏng với 0,14% về hàm lượng được ghi nhận bằng LC/MS/MS. Hiệu lực tiêu diệt sâu ăn tạp tốt nhất ở nồng độ cao chiết 15 g/L sau 4 giờ cùng thể tích phun 25 mL thông qua đường vị độc. Hơn nữa, chế phẩm sinh học được phối chế từ cao chiết hạt củ đậu có hiệu quả tương đương với các sản phẩm sinh học thương mại có trên thị trường.

Ứng dụng công nghệ IoT trong cảnh báo rò rỉ khí gas hộ gia đình

Phan Thị Xê Riêng, Lưu Trọng Hiếu, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Bài bài trình bày một giải pháp ứng dụng công nghệ IoT trong phòng chống cháy nổ do rò rỉ khí gas hộ gia đình. Hệ thống gồm một ứng dụng trên điện thoại thông minh và một mạch IoT có khả năng điều khiển cấp nguồn các thiết bị, phát hiện rò rỉ khí gas và theo dõi nhiệt độ môi trường. Phần mềm ứng dụng điện thoại được xây dựng dựa trên công cụ Blynk, tiện lợi và dễ cài đặt trên các điện thoại phổ biến trên thị trường. Phần cứng bao gồm một vi điều khiển ESP8266 thu thập dữ liệu từ hai cảm biến nhiệt độ DS18B20 và cảm biến khí gas MQ-02. Vi điều khiển còn có thể báo động bằng còi và ngắt điện trong nhà thông qua một rơ-le trung gian. Phần mềm hệ thống của mạch IoT được tích hợp hàm bù sai số, được xác định bằng giải thuật bình phương tối thiểu Levenberg-Marquardt. Ngoài ra, dữ liệu đọc được từ cảm biến cũng được xử lý loại mẫu nhiễu có biên độ bất thường. Kết quả thực nghiệm cho thấy giải pháp ứng dụng công nghệ IoT có thể phát hiện rò rỉ khí gas và cảnh báo kịp thời, không xuất hiện tình trạng “cảnh báo giả” như các cảm biến gas phổ thông trên thị trường.

Giám sát từ xa phụ tải điện hộ gia đình bằng ứng dụng Blynk

Nguyễn Thái Sơn, Trần Hoàng Tuấn, Trần Trung Tính, Quách Ngọc Thịnh
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là giám sát phụ tải điện hộ gia đình thông qua ứng dụng Blynk. Trước tiên, cấu trúc và nguyên lý hoạt động của mô hình giám sát được nghiên cứu cũng như chi tiết các thành phần của mô hình. Sau đó, chương trình điều khiển được lập trình trên phần mềm Arduino IDE và nạp vào chíp Esp8266 thông qua kết nối mạng wifi. Dữ liệu đo lường từ mô hình nghiên cứu được so sánh với dữ liệu đạt được từ ứng dụng EVNSPC CSKH của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng độ chênh lệch giữa hai ứng dụng là từ 0,98 % đến 5,21% đối với dữ liệu đo trong một ngày và từ 0,4% đến 0,98 % đối với dữ liệu đo trong một tháng.

Thực nghiệm đánh giá YOLOX cho bài toán phát hiện đối tượng tài liệu

Huỳnh Viết Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Trọng Thuận, Võ Duy Nguyên, Nguyễn Tấn Trần Minh Khang
Tóm tắt | PDF
Trong vài thập kỷ qua, với sự gia tăng nhanh chóng trong việc số hóa các hình ảnh tài liệu, việc trích xuất thông tin chính xác là một trong những hướng nghiên cứu quan trọng. Với sự phát triển của phát hiện đối tượng, nhiều nghiên cứu ra đời hướng đến việc phân loại tài liệu dựa trên nhiều thành phần của trang tài liệu đó. Mục tiêu của nghiên cứu này là đề cập đến bài toán POD (Page Object Detection) – phát hiện đối tượng xuất hiện trong trang tài liệu thông qua đánh giá 2 bộ dữ liệu IIIT-AR-13K và UIT-DODV dựa theo phương pháp YOLOX. YOLOX đạt kết quả 69,0% mAP, tốt hơn 2,90% so với kết quả mô hình one-stage cao nhất – YOLOv4-mish được công bố trên bộ dữ liệu UIT-DODV. Trong khi ở IIIT-AR-13K, YOLOX đạt được 66,9% mAP và thấp hơn nhiều so với các phương pháp two-stage đã công bố trước đó. Bên cạnh, những phân tích về độ hiệu quả của phương pháp state-of-the-art YOLOX cho bài toán POD cũng được cung cấp, là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.

Tác động của xâm nhập và thiên tai lên các mô hình canh tác nông - lâm nghiệp vùng U Minh Hạ

Lê Văn Dũ, Trương Hoàng Đan, Lê Anh Tuấn, Võ Quốc Thành, Trần Mai Hùng
Tóm tắt | PDF
Những năm gần đây, sự thay đổi xâm nhập mặn diễn ra ngày càng khó đoán ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm lập bản đồ và đánh giá tác động của xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp thích ứng hiệu quả canh tác lâm – nông nghiệp. Độ mặn được đo ở 136 điểm kết hợp với phỏng vấn, đánh giá nhanh (PRA) 120 hộ dân về hiện trạng canh tác, lịch thời vụ, tác động XNM và rủi ro thiên tai của các mô hình canh tác 2 vụ lúa, tôm - lúa, tràm và keo lai tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau trong 3 năm (2018 – 2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy XNM và các rủi ro thiên tai xảy ra năm 2020 nghiêm trọng hơn năm 2018 và 2019. Giống lúa ngắn ngày, chịu mặn và chịu phèn; lịch trình gieo sạ vụ hè thu trễ hơn 1 tháng để thích ứng với XMN được áp dụng ở mô hình lúa 2 vụ. Người dân nuôi tôm sú để thích ứng với môi trường có nồng độ mặn cao, tôm thẻ ở độ mặn thấp, bỏ vụ lúa khi XNM xảy ra nghiêm trọng ở mô hình tôm - lúa. Trong khi đó, tràm và keo lai được trồng vào cuối mùa mưa để đảm bảo đất trồng được rửa phèn, mặn và đủ độ ẩm nhằm tăng tỉ lệ sống cây con.

Ước tính phát thải khí nhà kính trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Phan Kiều Diễm, Phạm Thị Bích Thảo, Nguyễn Kiều Diễm, Đinh Thị Cẩm Nhung, Hồ Ngọc Linh, Nguyễn Minh Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu là ước tính lượng phát thải khí nhà kính (KNK) gồm CO2, CH4 và N2O từ các nguồn trực tiếp (xăng dầu tiêu thụ và chất đốt) và gián tiếp (tiêu thụ điện từ hộ gia đình và rác thải) trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Phương pháp thu thập số liệu nhiên liệu tiêu thụ các nguồn thải khác nhau thông qua phiếu điều tra hộ gia đình và số liệu thống kê quản lý nhiên liệu tiêu thụ. Phương pháp tính toán lượng phát thải dựa trên số liệu hoạt động và hệ số phát thải, đồng thời ước tính phát thải bình quân đầu người trên địa bàn quận. Kết quả nghiên cứu cho thấy năm 2019, tổng lượng phát thải KNK ở quận Ninh Kiều khoảng 1.069.422 tấn CO2tđ và bình quân đầu người phát thải khoảng 4,17 tấn CO2tđ/năm. Trong đó, tỷ lệ cao nhất phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện là 35,1% và trực tiếp từ chất đốt (gas, củi và than) là 26,5%. Kết quả nghiên cứu đã nhận dạng các hoạt động gây phát thải KNK cao làm cơ sở đề xuất các hoạt động thiết thực phù hợp giúp giảm thiểu phát thải trên toàn thành phố Cần Thơ nhằm phát triển thành phố trung hoà carbon.

Đánh giá khả năng ứng dụng ảnh viễn thám radar trong giám sát sụt lún mặt đất tại thành phố cần thơ từ năm 2015 đến năm 2020

Nguyễn Tấn Lợi, Võ Quốc Tuấn
Tóm tắt | PDF
Sụt lún đất đã và đang diễn ra nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long, do sự kết hợp của các yếu tố tự nhiên và con người. Sự ứng dụng ảnh viễn thám radar trong giám sát sụt lún đất đã giúp các nhà quản lý nắm bắt thông tin nhanh và đồng bộ trên diện rộng. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá khả năng ứng dụng ảnh viễn thám radar trong giám sát sụt lún đất tại thành phố Cần Thơ. Phương pháp giao thoa tán xạ liên tục (PSInSAR) trên ảnh vệ tinh Sentinel-1 đa thời gian được sử dụng để phân tích sụt lún đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ sụt lún đất trung bình tại thành phố Cần Thơ là -13,2 mm/năm, với hệ số tương quan Pearson (R)  0,88 khi so sánh với dữ liệu sụt lún đất đo đạc thực địa và R  0,93 khi so sánh với dữ liệu sụt lún đất được thu thập từ GIZ, BGR và BKK. Qua đó cho thấy, việc sử dụng ảnh viễn thám radar trong giám sát sụt lún đất có khả năng ứng dụng cao tại thành phố Cần Thơ.

Thuật toán di truyền trong phân tích chùm cho dữ liệu rời rạc và ứng dụng cho nhận dạng ảnh

Võ Văn Tài, Nguyễn Hữu Thoại, Lê Thị Kim Cương, Phan Nguyễn Nhật Trang, Tăng Xuân Khánh, Trần Đại Từ
Tóm tắt | PDF
Thuật toán di truyền trong xây dựng chùm cho các phần tử rời rạc được đề xuất trong nghiên cứu, trong đó hệ số tương tự chùm được sử dụng để đánh giá sự tương tự của các phần tử và chỉ số Davis-Boudin cải tiến được sử dụng làm mục tiêu. Kết hợp với các bước của một thuật toán phân tích chùm truyền thống và các toán tử lai ghép, đột biến, chọn lọc của thuật toán di truyền, một thuật toán phân tích chùm mới được đề xuất. Thuật toán đề nghị được trình bày chi tiết các bước thực hiện và được minh hoạ bởi ví dụ số. Nó cũng được áp dụng trong nhận dạng ảnh, một vấn đề còn nhiều thách thức hiện nay. Áp dụng cũng cho thấy tiềm năng của nghiên cứu này cho nhiều vấn đề trong thực tế liên quan đến nhận dạng ảnh.

Đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng

Đặng Minh Quân, Phùng Thị Hằng, Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Phan Thành Đạt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng đa dạng nguồn tài nguyên cây làm thuốc ở Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng, từ đó làm cơ sở cho việc sử dụng, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc tại đây. Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA, điều tra thực địa, so sánh hình thái để phân loại và tra cứu các tài liệu chuyên ngành về cây làm thuốc. Kết quả đã xác định được 603 loài thuộc 418 chi của 134 họ trong 3 ngành thực vật. Ngành ngọc lan (Magnoliophyta) chiếm 97,18% tổng số loài, 96,41% tổng số chi và 89,55% tổng số họ khảo sát được. Ba loài có tên trong "Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam" (2006), "Sách đỏ Việt Nam" (2007) và Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Các cây thuốc thu được thuộc 8 dạng sống và phân bố trong 7 sinh cảnh, hầu hết tìm thấy ở sinh cảnh vườn (vườn nhà, vườn cây ăn trái và vườn thuốc nam). Có 10 bộ phận của cây được sử dụng để chữa trị cho 36 nhóm bệnh. Có 25 loài cây thuốc được người dân địa phương sử dụng nhiều nhất.

Ứng dụng công nghệ vi tảo loại bỏ đạm và lân trong nước thải ao nuôi tôm

Lâm Văn Tân, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Công Danh, Phạm Thị Thúy Vi, Thành Trần
Tóm tắt | PDF
Ngành nuôi tôm mang lại nhiều giá trị kinh tế cao nhưng cũng phát sinh nhiều chất thải và nước thải ra môi trường. Các phương pháp xử lý truyền thống có nhược điểm là tốn diện tích và chi phí năng lượng. Vì vậy, nghiên cứu về công nghệ xử lý nước phù hợp vừa tiết kiệm chi phí năng lượng vừa mang lại giá trị kinh tế là cần thiết. Nghiên cứu sử dụng tảo Chlorella vulgaris kết hợp với bể phản ứng quang sinh học màng (PMBR) để kiểm tra sự thích nghi trong môi trường nước mặn 13‰ và đánh giá khả năng xử lý nước thải nuôi tôm. Trong 40 ngày thí nghiệm, các chỉ số được phân tích như nitrat (N-NO3-), nitrit (N-NO2-), amoni (N-NH4+), phốt pho (P-PO43-); số lượng tế bào tảo (tế bào/mL) và sinh khối tảo (mg/mL) được kiểm soát trong toàn bộ mô hình. Kết quả ban đầu cho thấy tảo thuần chủng thích nghi tốt với độ mặn nước thải nuôi tôm, cao nhất ở mức hơn 11×106 tế bào/mL, tương đương sinh khối gần 600 mg/mL. Với chế độ chạy không tiêu tốn năng lượng cấp khí, hiệu suất khử N-NO2-, N-NO3-, N-NH4+, P-PO43- của mô hình với nước thải nuôi tôm lần lượt là 56, 76,15, 65 và 78,07%.

Ứng dụng vi bao giọt tụ trong công nghiệp thực phẩm

Hoàng Quang Bình, Chế Mỹ Linh, Trịnh Ngọc Thảo Ngân, Lê Trung Thiên
Tóm tắt | PDF
Vi bao là phương pháp hiệu quả giúp bảo quản các chất sinh học. Thông qua cơ chế bao gói của các polymer có nguồn gốc từ protein, polysaccharide, các hợp chất tự nhiên (polyphenol, carotenoid, …) cũng như vi sinh vật có lợi (nấm men, probiotic) giúp bảo vệ trong các điều kiện bất lợi của môi trường. Ứng dụng các hạt vi bao trong chế biến thực phẩm giúp sản phẩm kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao khả năng kháng oxy hóa và cải thiện khả năng sống sót của probiotic.

Ứng dụng công nghệ bao màng trong bảo quản trái cây nhiệt đới

Hoàng Quang Bình, Lê Trung Thiên, Trần Quang Trà, Trịnh Ngọc Thảo Ngân
Tóm tắt | PDF
Các yếu tố như vi sinh vật, quá trình chín sinh lý và hô hấp có thể làm giảm chất lượng của trái cây sau thu hoạch nếu không được bảo quản thích hợp. Kỹ thuật bao màng là một trong những giải pháp hiệu quả cho bảo quản trái cây sau thu hoạch, lớp màng bao phủ trên bề mặt vỏ trái cây có vai trò như một lớp màng bán thấm giúp kiểm soát sự trao đổi hơi nước, không khí giữa môi trường và trái cây, cũng như hạn chế sự tấn công của vi sinh vật gây hại. Xử lý bao màng có thể ứng dụng cho bảo quản nhiều loại trái cây nhiệt đới giúp kéo dài thời gian sử dụng, duy trì tốt chất lượng cảm quan cũng như các hợp chất sinh học cho trái cây sau thu hoạch. Trong phạm vị của bài viết này, đặc điểm của màng bao sinh học cũng như hiệu quả của nó trong bảo quản trái cây sau thu hoạch đã được đề cập.

Ảnh hưởng của boric acid lên sự nảy mầm của hạt phấn và khả năng đậu trái của một số giống dừa tại tỉnh Trà Vinh

Phạm Thị Phương Thúy
Tóm tắt | PDF
Dừa giảm tỷ lệ đậu trái thường được nông dân gọi là hiện tượng “dừa treo”. Nhóm dừa cao thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 10, còn nhóm dừa lùn vào khoảng tháng 3 – 4 hàng năm. Boron cần cho sự nảy mầm của hạt phấn, tăng trưởng của ống phấn, rất cần cho hình thành tế bào và hạt giống. Kết quả nghiên cứu trên 2 giống dừa gồm dừa cao (sáp xanh, ta xanh), dừa lùn (xiêm lửa, xiêm lục, xiêm xanh) trồng tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho thấy tổng tỷ lệ nảy mầm của hạt phấn đều đạt trên 50% khi bổ sung boric acid nồng độ 10 ppm ở cả 5 giống dừa sau khi cấy 36 giờ. Bổ sung nồng độ boric acid cao hơn 10 ppm thì có khuynh hướng giảm nảy mầm của hạt phấn nhưng chỉ có có khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức ở dừa sáp xanh và xiêm lục. Nồng độ boric acid phun không ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái dừa xiêm lục khi trùm hoặc không trùm phát hoa sau 30 ngày phun. Không trùm phát hoa có tỷ lệ đậu trái sau 30 ngày cao hơn so với trùm phát hoa.

Phân bố và quan hệ không gian của các loài cây gỗ trong rừng lá rộng thường xanh ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai

Nguyễn Văn Quý, Phạm Thanh Hà, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Hợp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện để làm sáng tỏ cơ chế cùng chung sống của các loài cây gỗ rừng lá rộng thường xanh tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai. Tất cả các cây có đường kính ngang ngực (DBH) ≥ 2,5 cm trong 3 ô tiêu chuẩn 1 ha đã được lập bản đồ, xác định DBH và tên loài. Kết quả cho thấy mô hình không gian của 12/20 loài được phân tích là phân bố cụm ở quy mô nhỏ < 15 m, phân bố ngẫu nhiên và đều có xu hướng tăng lên ở quy mô lớn > 15 m. Quan hệ độc lập chiếm tỉ lệ cao (75-90%), quan hệ cạnh tranh và tương hỗ chiếm tỉ lệ thấp (10-25%), sự liên kết không gian của các loài chủ yếu là độc lập hoặc tách biệt ở quy mô lớn. Phát tán giới hạn, tính không đồng nhất của môi trường và tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào mật độ là ba cơ chế điều chỉnh mô hình phân bố, quan hệ và các kiểu liên kết không gian của các loài cây gỗ tại khu vực nghiên cứu.

Hiệu quả của chế phẩm vi sinh NPISi lên sinh trưởng, năng suất hành lá và một số đặc tính đất phù sa ở điều kiện nhà lưới

Nguyễn Khởi Nghĩa, Huỳnh Hiếu Hạnh, Đặng Thị Yến Nhung, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Lê Thị Xã
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát hiệu quả của chế phẩm vi sinh NPISi lên sinh trưởng, năng suất hành lá và một số đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới. Chế phẩm vi sinh NPISi được bổ sung ở các mức 80, 60, 40 kg/ha kết hợp bón phân hóa học theo khuyến cáo 100N-85P2O5-40K2O và giảm 25% NP (75N-63,75P2O5-40K2O). Kết quả cho thấy nghiệm thức bổ sung 40 kg/ha chế phẩm NPISi kết hợp bón giảm 25% NP theo khuyến cáo làm gia tăng chiều cao cây, số lá, số chồi/bụi, đường kính thân, chiều dài thân và tăng khối lượng tươi của hành lá, đồng thời giúp cải thiện pH và EC đất cũng như làm gia tăng mật số vi khuẩn, vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn hòa tan lân và vi khuẩn hòa tan silic trong đất so với nghiệm thức bón phân theo khuyến cáo. Do vậy, chế phẩm vi sinh NPISi có thể sử dụng làm phân bón vi sinh cho cây hành nhằm giảm thiểu phân bón hóa học, giúp tăng năng suất hành lá thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững.

Hiệu quả của phân hữu cơ rắn từ nước thải hầm ủ biogas và bã bùn mía lên sinh trưởng và năng suất cải xà lách (Lactuca sativa) ở điều kiện nhà lưới

Châu Thị Anh Thy, Đỗ Thành Luân, Lê Thị Xã, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu tái sử dụng nguồn nước thải hầm ủ biogas để tạo phân hữu cơ dạng rắn và đánh giá hiệu quả phân lên sinh trưởng và năng suất cây xà lách ở điều kiện nhà lưới. Nước thải biogas được hấp phụ vào xỉ than và trộn với bã bùn mía với các tỷ lệ 30:70, 20:80, 10:90 (%:%), sau đó bổ sung bột cá và vi khuẩn có lợi cho cây trồng. Kết quả cho thấy nghiệm thức 30:70 (%:%) bổ sung 16,7% bột cá và vi khuẩn có lợi đạt tiêu chuẩn phân hữu cơ rắn của Việt Nam. Các nghiệm thức bón 1-5 tấn/ha phân hữu cơ rắn ở điều kiện nhà lưới giúp cây cải xà lách sinh trưởng tốt hơn và cho năng suất tăng thêm từ 47-127%, đồng thời giúp giảm 25% lượng phân NP theo khuyến cáo. Như vậy, việc tái sử dụng nguồn nước thải hầm ủ biogas kết hợp xỉ than và bã bùn mía đã giúp tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm được phân bón hóa học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Tình hình nhiễm virus gây bệnh Marek trên gà thả vườn ở thành phố Cần Thơ

Huỳnh Ngọc Trang, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
Khảo sát tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh Marek (MDV) trên các đàn gà thả vườn đã được thực hiện ở thành phố Cần Thơ. Tổng số 353 mẫu nang lông được thu thập từ 50 đàn gà chưa tiêm vaccine phòng bệnh Marek ở các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Việc xác định gà nhiễm MDV được thực hiện bằng kỹ thuât PCR để phát hiện gen Meq đặc hiệu của MDV serotype 1. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 26/353 mẫu nhiễm MDV chiếm 7,37%. Tỷ lệ nhiễm MDV trên gà ở huyện Phong Điền là cao nhất với 16,07%, kế đến là ở các huyện Cờ Đỏ (8,60%), Thới Lai (5,43%) và Vĩnh Thạnh (3,57%); có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ nhiễm MDV trên gà giữa các huyện Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh (P

Tiềm năng phát triển nông-lâm-thủy sản và kinh tế biển tỉnh kiên giang trong bối cảnh đồng bằng sông cửu long và kết nối quốc tế

Hà Thanh Toàn, Nguyễn Thanh Bình, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Kiên Giang có tiềm năng phát triển nông - lâm - thủy sản và kinh tế biển. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm mở rộng cơ hội khai thác tài nguyên đất, nước, rừng và biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức tài nguyên cùng với việc thâm canh tăng vụ đã làm tổn hại hệ sinh thái và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, trong bối cảnh của sự thay đổi chung của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhiều cơ hội cũng như thách thức đã được tạo ra, có ảnh hưởng đáng kể đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Hiện trạng và tiềm năng sử dụng tài nguyên và môi trường cho phát triển nông - lâm - thủy sản và kinh tế biển của Kiên Giang được phân tích trong bài viết này; từ đó, đề xuất một số định hướng sử dụng bền vững tài nguyên trong tương lai nhưng vẫn bảo tồn và phát huy hiệu quả các dịch vụ hệ sinh thái bản địa.

Thành phần phiêu sinh thực vật ở vùng đất ngập nước huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Tú Như, Âu Văn Hóa, Huỳnh Trường Giang, Nguyễn Minh Đông, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tính đa dạng thành phần loài và mật độ tảo dưới ảnh hưởng của các hoạt động canh tác lúa khác nhau ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Mẫu tảo được thu tại 6 điểm với 3 đợt thu ở vùng đất ngập nước canh tác lúa 2 vụ/năm (TV1) và canh tác lúa 3 vụ/năm (TV2). Kết quả đã ghi nhận tổng cộng 95 loài tảo thuộc 6 ngành; trong đó tảo lục 39 loài, tảo mắt và tảo khuê 22 loài, và các ngành tảo còn lại từ 2 đến 6 loài. Thành phần loài và mật độ tảo trung bình qua các đợt khảo sát biến động lần lượt từ 57 đến 86 loài và 271.046±269.014 cá thể (ct)/L đến 655.219±305.233 ct/L. Tổng số loài tảo ở nhóm TV1 có xu hướng cao hơn đợt 2, nhưng mật độ tảo trung bình ở nhóm TV2 cao nhóm TV1. Chỉ số đa dạng Shannon (H’) và Simpson (D) lần lượt từ 1,7 đến 2,5 và 0,7-0,9. Chỉ số đồng đều Pielou’s (J’) từ 0,4 đến 0,7. Hoạt động canh tác lúa khác nhau đã ảnh hưởng đến thành phần loài và mức độ phong phú của tảo ở vùng nghiên cứu.

Ảnh hưởng của tỉ lệ nước biển nhân tạo lên sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

Trương Quốc Phú, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm ra tỉ lệ nước biển nhân tạo thích hợp cho nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Thí nghiệm được bố trí gồm 5 nghiệm thức với tỉ lệ pha trộn giữa nước biển nhân tạo và nước biển tự nhiên khác nhau (100, 75, 50, 25  và 0% nước biển nhân tạo), mỗi nghiệm thức lặp lại 4 lần. Tôm thẻ chân trắng với khối lượng trung bình cá thể ban đầu 3,18±0,37 g, tương ứng với chiều dài 7,42±0,17 cm và mật độ nuôi là 100 con/m3. Tôm được cho ăn 5 lần/ngày bằng thức ăn viên 40% protein. Kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm ở 0 và 25% nước biển nhân tạo cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với tôm ở 50, 75 và 100% nước biển nhân tạo, trong đó sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm ở nghiệm thức 100% nước biển nhân tạo thấp nhất. Như vậy, nước biển nhân tạo có thể sử dụng để nuôi tôm thẻ chân trắng và tỉ lệ thay thế nước biển tự nhiên tốt nhất là 25%.

Ảnh hưởng của các mức bổ sung dinh dưỡng lên sự sinh trưởng, hiệu suất và đặc tính gel agar của rong câu chỉ (gracilaria tenuistipitata) ở điều kiện thí nghiệm

Nguyễn Hoàng Vinh, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của bổ sung hàm lượng dinh dưỡng đến sinh trưởng và chất lượng agar của rong câu chỉ (Gracillaria tenuistipitata) ở điều kiện thí nghiệm. Sáu nghiệm thức bổ sung các mức dinh dưỡng được bố trí ngẫu nhiên và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Nghiệm thức đối chứng không bổ sung dinh dưỡng, 5 nghiệm thức còn lại được bổ sung 5, 10, 15, 20 và 25 g/m3 với tần suất 1 lần/tuần, sử dụng phân vô cơ (urê và DAP, tỉ lệ N:P =10:1). Sinh khối rong ban đầu là 2 g/L, ở độ mặn 15‰. Sau 30 ngày, sinh khối và tăng trưởng của rong ở nghiệm thức 15 và 20 g/m3 đạt cao nhất và giảm ở mức bổ sung 25 g/m3. Hiệu suất và sức đông agar đạt cao nhất ở nghiệm thức đối chứng và thấp nhất ở nghiệm thức 25 g/m3, trong khi độ nhớt ở nghiệm thức đối chứng là thấp nhất. Nhiệt độ đông và nhiệt độ tan đông của agar khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) giữa các nghiệm thức bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra, hàm lượng protein của rong câu chỉ tương quan thuận với sự tăng mức bổ sung dinh dưỡng, ngược lại sức đông agar tương quan nghịch với hàm lượng protein của rong.

Thay thế Aremia bằng thức ăn chế biến ương ấu trùng cua biển Scylla paramamosain

Trần Thị Thanh Hiền, Lâm Tâm Nguyên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhắm đánh giá khả năng thay thế Artemia bằng thức ăn chế biến (TACB) để ương ấu trùng cua biển Scylla paramamosain từ Zoe 3 lên cua 1. Nghiên cứu được thực hiện với 2 thí nghiệm: ương từ giai đoạn Zoe 3 lên megalop và từ megalop lên cua 1. Mỗi thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức, được bố trí ngẫu nhiên với 5 lần lặp lại. Thí nghiệm được bố trí với chế độ cho ăn 5 lần/ngày cho tất cả các nghiệm thức, nghiệm thức đối chứng cho ăn hoàn toàn Artemia, nghiệm thức TACB cho ăn hoàn toàn thức ăn chế biến. Bốn nghiệm thức còn lại được thay thế từ 1- 4 lần Artemia bằng thức ăn chế biến, Kết quả tỷ lệ sống của zoae 5 và megalopa có khuynh hướng tăng dần theo tỷ lệ cho ăn Artemia, trung bình lần lượt là 30,8-91,1% và 8,6-17,0% trong đó nghiệm thức 3, 4 và 5 lần Artemia/ngày khác biệt không ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ sống từ megalopa đến cua 1 dao động 57,6-76,8%, trong đó nghiệm thức hoàn toàn TACB đạt cao. Khi sử dụng thức ăn chế biến ương cua lượng Artemia giai đoạn Zoea3 đến megalopa giảm được 40% và giai đoạn megalopa đến cua 1 có thể giảm đến 100% lượng Artemia.

Hiện trạng kỹ thuật và sử dụng thức ăn ương ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain) Đồng bằng sông Cửu Long

Lâm Tâm Nguyên, Trần Thị Thanh Hiền
Tóm tắt | PDF
Khảo sát được thực hiện 2 đợt: đợt 1 vào năm 2015 và đợt 2 vào năm 2020 bằng cách phỏng vấn trực tiếp nông hộ sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain) ở 3 tỉnh ĐBSCL có nghề sản xuất giống cua phát triển mạnh gồm Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nhằm thu thập thông tin về kỹ thuật sản xuất giống cua biển, tình hình sử dụng thức ăn trong ương ấu trùng cua biển. Mật độ ương ấu trùng cua giai đoạn zoea1 trong khoảng 101,6 và 192,7. Tỷ lệ sống megalopa và cua 1: megalopae trung bình 8,17%, và cua 1 là 6,74%.  Kết quả khảo sát cho thấy 100% các trại sản xuất giống cua sử dụng kết hợp ấu trùng Artemia với thức ăn nhân tạo cho tôm để ương ấu trùng cua biển. Hàm lượng protein thức ăn dao động từ 42-52% và lipid từ 7 đến 14,2%.  Chi phí thức ăn Artemia chiếm tỷ lệ cao (75%) và chi phí thức ăn nhân tạo chỉ chiếm 3%. Sản xuất giống cua biển ở Đồng bằng sông Cửu Long còn phụ thuộc nhiều vào nguồn Artemia và chưa có thức ăn chuyên cho ương giống cua biển, vì vậy việc nghiên cứu sản xuất thức ăn ương ấu trùng cua biển là cần thiết cho việc phát triển nghề sản xuất giống cua biển.

Thành phần loài cá vùng ven biển Sóc Trăng - Bạc Liêu

Hà Phước Hùng, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Vùng ven biển Sóc Trăng - Bạc Liêu dài 128 km có 4 cửa sông gồm Định An, Mỹ Thanh, Nhà Mát và Gành Hào. Thành phần loài cá vùng này đã được khảo sát từ tháng 3/2018 đến tháng 01/2022 bằng phương tiện lưới kéo, lưới đáy và lưới rê. Kết quả đã định danh được 122 loài, thuộc 45 họ của 17 bộ. Trong đó, cá thuộc Bộ Perciformes chiếm chủ yếu với 65 loài (53,3%), tiếp theo là bộ Clupeiformes có 15 loài (12,3%), bộ Pleuronectiformes có 11 loài (9,02%) và các bộ khác chỉ từ 1 đến 6 loài (0,82 - 4,92%). Phân bố thành phần loài dọc ven biển gần tương tự nhau. Có sự biến động về số loài theo tháng và theo năm, tháng có nhiều loài nhất là tháng 11 (Trần Đề và Mỹ Thanh) và tháng 7 (Nhà Mát). Một số loài cá hiếm hoặc không xuất hiện như cá đường (Otolithoides biauritus), cá thu bè (Scomberoides lysan), cá thiều (Netuma thalassina) và cá nhụ Ấn Độ (Leptomelanosoma indicum). Thành phần loài cá ven biển Sóc Trăng-Bạc Liêu khá phong phú và đa dạng.

Các yếu tố tác động lên sự hài lòng, động lực và gắn kết trong công việc của công chức, viên chức tỉnh Bến Tre

Mai Ngọc Khương, Nguyễn Thị Hồng Vân, Trịnh Minh Khôi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này xác định các yếu tố giúp người công chức (CC), viên chức (VC) tỉnh Bến Tre hài lòng hơn, có động lực hơn và gắn kết hơn trong công việc. Phương pháp tiếp cận định lượng được áp dụng với việc thu thập dữ liệu từ 320 CC, VC đại diện cho 25.583 CC, VC tỉnh Bến Tre và PLS-SEM được sử dụng để kiểm định các giả thuyết. Các phát hiện chỉ ra rằng, 6 yếu tố như: nội dung công việc, sự hài lòng công việc, động lực làm việc, quyền hạn và trách nhiệm, môi trường làm việc, mối quan hệ với đồng nghiệptác động trực tiếp đến sự gắn kết trong công việc; 6 yếu tố gồm: mối quan hệ với lãnh đạo, quyền hạn và trách nhiệm, nội dung công việc, thu nhập, môi trường làm việc, phúc lợi có tác động gián tiếp đến sự gắn kết trong công việc. Trong đó, có 3 yếu tố về nội dung công việc, quyền hạn và trách nhiệm, môi trường làm việc vừa tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự gắn kết trong công việc của CC, VC tỉnh Bến Tre.

Đánh giá tác động của các nhân tố đào tạo lên sự hài lòng, động lực làm việc và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Mai Ngọc Khương, Phạm Thị Hồng Lê, Hình Phương Uyên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được dựa trên cơ sở các lý thuyết nghiên cứu liên quan tới sự hài lòng, động lực, hiệu quả làm việc; và kiểm định các mối quan hệ giữa chúng. Phương pháp nghiên cứu định lượng với 510 phiếu khảo sát trực tiếp các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Phần mềm SmartPLS và kỹ thuật thống kê PLS – SEM được sử dụng để kiểm định giả thuyết, thang đo và mô hình cấu trúc. Kết quả nghiên cứu cho thấy đánh giá nhu cầu đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, cam kết đào tạo, hài lòng với công việc và động lực làm việc đều có tác động trực tiếp hoặc/và gián tiếp đến hiệu quả công việc. Như vậy, kiến nghị các sở ban ngành khi liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các trường, trung tâm là cần có đánh giá đúng nhu cầu đào tạo của cơ quan mình, đồng thời cũng cần tổng hợp đánh giá của học viên về nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo để có sự đúc kết kinh nghiệm cho các chương trình đào tạo tương lai.

Nhận thức của sinh viên về tác động của việc làm thêm đối với các hoạt động học tập và sinh hoạt: Trường hợp của sinh viên ngoại ngữ, trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Thị Anh Thư
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát thực trạng và ảnh hưởng của việc làm thêm đối với sinh hoạt và học tập của sinh viên Khóa 43-45, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Cần Thơ. Đối tượng khảo sát là 275 sinh viên đã và đang làm thêm. Kết quả cho thấy đây là một hoạt động khá phổ biến và có ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên: việc làm thêm (1) có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với hoạt động sinh hoạt hơn hoạt động học tập, (2) có ảnh hưởng tiêu cực ở mức trung bình đối với hoạt động học tập và sinh hoạt, trong đó ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất là đối với sinh hoạt cá nhân, (3) làm thêm với thời lượng càng nhiều (≥2 giờ/ngày) thì tác động tiêu cực càng lớn, đặc biệt là sức khỏe của sinh viên. Các giải pháp phổ biến mà sinh viên áp dụng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc đi làm thêm cũng được trình bày trong nghiên cứu này.