Ngày xuất bản: 29-10-2018

Nghiên cứu định hình cấu trúc mạng lưới chuỗi cung ứng thu gom tái chế hộp mực máy in cũ cho các cơ quan và trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các quận, huyện lân cận

Đoàn Hoàng Tuấn, Nguyễn Thắng Lợi, Trương Quỳnh Hoa, Phạm Hoàng Tân
Tóm tắt | PDF
Sự tăng trưởng nhanh về công nghệ và tiêu dùng dẫn đến việc giảm nguồn tài nguyên, tăng lượng rác thải và đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người do chất thải của các thiết bị điện và điện tử vào cuối chu kỳ sản phẩm của chúng. Tuy nhiên, một số loại sản phẩm đã qua sử dụng này có thể được tái sản xuất, tái chế và tái sử dụng. Trong bài báo này, một mạng lưới chuỗi cung ứng ngược được nghiên cứu, trong đó các nhà sản xuất sản xuất các sản phẩm mới và tái sản xuất các sản phẩm đã qua sử dụng. Các quyết định được đưa ra là: số kho và trung tâm thu gom, các địa điểm tiềm năng của kho và trung tâm thu gom, khả năng của mỗi cơ sở và luồng nên được vận chuyển giữa mỗi cặp địa điểm. Hai mô hình tuyến tính nguyên và đa thời đoạn được xây dựng để xác định mức lưu lượng trên mỗi liên kết, kết hợp với phân tích chi phí đầu tư và vận hành. Một nghiên cứu cụ thể về các sản phẩm hộp mực sử dụng trong máy in hoặc máy photocopy cho các cơ quan và trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các quận, huyện lân cận được tiến hành để đề xuất một số hiểu biết về quản lý trong việc sử dụng mô hình vào các tình huống thực tế.

Tương quan giữa tốc độ biến dạng ngang và tốc độ biến dạng đứng của đất ven sông phường 1, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

Văn Hữu Huệ, Nguyễn Văn Xuân
Tóm tắt | PDF
Tính toán tốc độ biến dạng ngang theo tốc độ biến dạng đứng đất ven sông bằng một tương quan đơn giản; từ tính toán ổn định, biến dạng theo phương đứng, biến dạng ngang ngang, tương quan mới được xây dựng giữa tốc độ biến dạng ngang và tốc độ biến dạng đứng của đất ven sông ở phường 1, thành phố Vĩnh Long.  

Tổng hợp vật liệu cấu trúc spinel nickel ferrite NIxFE3-xO4 bằng phương pháp sol-gel và khảo sát hoạt tính quang xúc tác

Nguyễn Trương Xuân Vinh, Ha Huynh Ky Phuong, Đoàn Văn Hồng Thiện
Tóm tắt | PDF
Nano ferrite đã được nhiều nghiên cứu công bố do có nhiều ứng dụng quan trọng như làm vật liệu từ tính và vật liệu xúc tác. Trong nghiên cứu này, nickel ferrite (NixFe3-xO4) được tổng hợp bằng phương pháp sol – gel với tác nhân tạo phức ethylenediaminetetraacetic acid (EDTA). Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành cấu trúc và tính chất của vật liệu như EDTA (dạng axit và dạng muối của natri), nhiệt độ nung, thời gian nung, tỉ lệ mol nickel/sắt đã được khảo sát. Kết quả phân tích nhiễu xạ tia X (XRD) cho thấy các mẫu được nung ở nhiệt độ từ 600 oC trở lên trong thời gian 2 h đều ở dạng đơn pha cấu trúc spinel. Vật liệu có năng lượng vùng cấm (band gap) hẹp, khoảng 1,52 eV, thể hiện hoạt tính quang xúc tác trong vùng ánh sáng khả kiến, được đánh giá thông qua phản ứng phân hủy dung dịch màu methylene blue khi chiếu đèn với bước sóng 578 nm, hiệu suất phân huỷ khoảng 83,4%.

Đánh giá hiệu quả của giải thuật Quasi-Newton trong điều khiển trượt thích nghi sử dụng mạng nơ-ron RBF

Pham Thanh Tung, Nguyễn Chí Ngôn, Đồng Văn Hướng, Lê Thị Kiều Mai, Nguyễn Hứa Duy Khang, Nguyễn Đình Tứ
Tóm tắt | PDF
Bài báo này nhằm đánh giá hiệu quả của giải thuật Quasi-Newton trong huấn luyện trực tuyến bộ điều khiển trượt thích nghi sử dụng mạng nơ-ron RBF (radial basis function). Giải thuật này được ứng dụng trong điều khiển bám quỹ đạo robot di động đa hướng. Bộ điều khiển trượt đóng vai trò điều khiển robot bám quỹ đạo tham khảo. Mạng nơ-ron RBF được sử dụng để ước lượng các hàm phi tuyến trong luật điều khiển trượt, được tính toán dựa trên lý thuyết ổn định Lyapunov thích nghi với các điều kiện thực tế. Kết quả mô phỏng với MATLAB/SIMULINK cho thấy giải thuật Quasi-Newton áp dụng trong bộ điều khiển đề xuất đạt hiệu quả tốt; sai số xác lập của các đáp ứng bị triệt tiêu; độ vọt lố đạt 0.442 (%) và sai số trung bình bình phương xấp xỉ 3.48 x 10-4.

Bộ điều khiển PID dựa trên mạng nơ-ron hàm cơ sở xuyên tâm

Huỳnh Thế Hiển, Huỳnh Minh Vũ, Nguyễn Hoàng Dũng
Tóm tắt | PDF
Bài báo đề xuất một giải thuật cập nhật các tham số Kp, Ki và Kd của bộ điều khiển vi tích phân tỷ lệ PID (Proportional Integral Derivative) sử dụng mạng nơ-ron hàm cơ sở xuyên tâm RBF (Radial Basis Function). Giải thuật đề nghị được áp dụng để điều khiển động cơ điện một chiều và cánh tay máy một bậc tự do. Kết quả mô phỏng từ phần mềm MATLAB đã minh chứng rằng, bộ điều khiển PID dựa trên mạng nơ-ron RBF cho chất lượng tốt hơn so với bộ điều khiển PID truyền thống kể cả hai trường hợp thông số của động cơ cố định và thay đổi. Đặc biệt, giải thuật đề nghị cho đáp ứng nấc với độ vọt lố không đáng kể, thời gian xác lập nhanh (2 s) và thời gian tăng (0,8 s) ngắn hơn so với bộ điều khiển PID truyền thống.

Phát triển công nghệ chưng cất màng tiếp xúc trực tiếp dạng nhúng chìm để xử lý nước nhiễm mặn

Ngô Thị Trà My, Nguyễn Công Nguyên, Bùi Xuân Thành, Nguyễn Thị Hậu
Tóm tắt | PDF
Chưng cất màng tiếp xúc trực tiếp (DCMD) trong nghiên cứu này là một cấu hình đơn giản có thể được phát triển và sử dụng phổ biến trong công nghệ chưng cất màng. Nghiên cứu này đã phát triển và thử nghiệm công nghệ DCMD để xử lý nước nhiễm mặn với việc sử dụng màng Polytetrafluoroethylene. Đồng thời, sự thay đổi của nhiệt độ đầu vào cũng được khảo sát nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ đến thông lượng dòng thấm cũng như chất lượng nước cất. Nhiệt độ đầu vào được thay đổi từ 40 đến 60oC với các thông số cố định bao gồm nhiệt độ làm mát ở 22 ± 1oC, kích thước lỗ rỗng màng 0,45 µm, và nồng độ tổng chất rắn hòa tan đầu vào khoảng 5.000 mg/L. Kết quả khảo sát cho thấy thông lượng dòng thấm tăng lên cùng với sự tăng lên của nhiệt độ nước đầu vào, tuy nhiên khi nhiệt độ quá cao, màng dễ bị suy giảm cấu trúc (bị phá huỷ) và ảnh hưởng đến chất lượng nước cất dòng ra. Trong nghiên cứu này, nhiệt độ nước đầu vào 60oC cho hiệu quả chưng cất cao với thông lượng dòng thấm đạt được 4,47 L/m2h. Hệ thống DCMD thử nghiệm này có khả năng xử lý nước nhiễm mặn đạt hiệu suất xử lý muối cao, trên 99,45%.

Nghiên cứu hệ thống cây xanh ở Trường Trung Cấp Nông Lâm Nghiệp Bình Dương

Đinh Thanh Sang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đã thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cây xanh trong Trường Trung Cấp Nông Lâm Nghiệp Bình Dương. Nghiên cứu kết hợp phương pháp định tính và định lượng để thu thập số liệu; sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên trong phỏng vấn; số liệu được thu thập bằng cách đo, đếm, thống kê từng loài cây. Kết quả nghiên cứu xác định được 43 loài thuộc 27 họ của 18 bộ thực vật trong khuôn viên trường. Hệ thống cây xanh còn thiếu quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết, không có cơ sở dữ liệu cây xanh, thiếu đội ngũ chuyên sâu, công tác quản lý chưa khoa học. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là cần có quy hoạch tổng thể lẫn chi tiết không gian xanh phù hợp với cơ sở hạ tầng nhà trường. Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng hệ thống dữ liệu mảng xanh, có một đội ngũ quản lý chuyên sâu, và công tác quản lý cần mang tính khoa học.

Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng kháng viêm in vitro của lá khế (Averrhoa carambola L.)

Huỳnh Anh Duy, Nguyễn Thị Tuyết Nhi
Tóm tắt | PDF
Cao ethanol của lá khế có chứa alkaloid, flavonoid, triterpene, steroid, đường khử, saponin và tannin. Tinh dầu lá khế sau khi chiết xuất bằng phương pháp cất lôi cuốn hơi nước, được phân tích bằng GC-MS cho thấy hiện diện của 7 cấu tử, trong đó, các thành phần chiếm hàm lượng lớn gồm 9-eicosyne (9,62%) và butylated hydroxytoluene (3,02%). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khảo sát tác dụng kháng viêm in vitro của các cao chiết lá khế bằng thử nghiệm ức chế biến tính albumin bởi nhiệt. Kết quả cho thấy cao phân đoạn ethyl acetate có tác dụng kháng viêm mạnh nhất, tiếp theo là cao phân đoạn dichloromethane; cao ethanol tổng và cao phân đoạn nước với các giá trị IC50 lần lượt là 79,89 μg/mL, 278 μg/mL, 414,64 μg/mL, 695,91 μg/mL khi so sánh với 2 chất đối chiếu là prednisolone (IC50 = 12,88 μg/mL) và diclofenac (IC50 = 36,88 μg/mL). Cao phân đoạn n-hexane cho tác dụng kháng viêm yếu nhất. Những kết quả này lần đầu được báo cáo từ lá khế tại Việt Nam.

Khảo sát khả năng bảo vệ gan của cao methanol lá Mơ Leo (Paederia scandens L.) trên chuột tổn thương gan bằng carbon tetrachloride

Phan Kim Định, Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Trọng Tuân, Nguyễn Thị Thanh Lan
Tóm tắt | PDF
Hiệu quả bảo vệ gan của cao lá Mơ Leo - LML (Paederia scandens L.) được khảo sát trên chuột tổn thương gan bằng carbon tetrachloride (CCl4). Chuột được gây tổn thương gan bằng CCl4 pha trong dầu olive với tỷ lệ 1:4 với liều uống là 2,5 ml/kg/ngày và uống mỗi ngày trong thời gian 4 tuần. Hiệu quả bảo vệ gan của cao LML được khảo sát bằng cách cho chuột uống cao LML ở các nồng độ 100, 200 và 400 mg/kg trọng lượng chuột sau 1 giờ uống CCl4. Silymarin được sử dụng như đối chứng dương. Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau 4 tuần thí nghiệm, hàm lượng các enzyme AST giảm lần lượt 94,2%, 98%, 99%, enzyme ALT giảm lần lượt 91,6%, 93,5%, 95,2%. Hiệu quả bảo vệ gan của cao LML có thể so sánh tương đương với sylimarin liều 16 mg/kg trọng lượng chuột. Quan sát tiêu bản hiển vi lát cắt ngang gan chuột cho thấy mô gan của nhóm chuột được điều trị bằng cao LML nồng độ 200 và 400 mg/kg cải thiện đáng kể so với nhóm chuột không được điều trị.

Điều chế hạt nano vàng sử dụng chất khử trong lá trà định hướng ứng dụng trong mỹ phẩm

Nguyễn Ngọc Khánh Anh, Nguyễn Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Tóm tắt | PDF
Kết hợp các nguyên tắc của hóa học xanh vào kĩ thuật nano là một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang được phát triển của khoa học nano ngày nay. Vì vậy, các phương pháp bền vững, thân thiện với môi trường trong tổng hợp các hạt nano ngày càng được quan tâm. Đó là phương pháp sử dụng các hóa chất không độc hại, dung môi thân thiện với môi trường, vật liệu có thể tái tạo để tránh các tác dụng phụ. Một phương pháp thực nghiệm thân thiện với môi trường, kinh tế và đơn giản để tổng hợp các hạt nano vàng sử dụng lá trà trong dung môi nước ở nhiệt độ phòng được tiến hành trong nghiên cứu này nhằm mục đích đưa phương pháp hóa học xanh vào tổng hợp nano. Phương pháp này chỉ trải qua một bước, tránh được việc sử dụng thêm các chất bề mặt và chất bảo vệ. Cụ thể, hạt nano vàng (AuNPs) được tổng hợp bằng phản ứng giữa tetrachloroauric (III) acid (HAuCl4) và dịch chiết lá trà ở nhiệt độ phòng. Trong phản ứng này, các polyphenol có trong dịch chiết lá trà đóng vai trò là tác nhân khử đồng thời cũng là chất ổn định. Quang phổ hấp thụ UV-Vis được sử dụng để xác nhận sự hình thành hạt nano vàng trong dung dịch sau phản ứng. Thành phần pha, hình thái bề mặt và kích thước của hạt nano vàng được xác định bằng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) và nhiễu xạ tia X (XRD). Dung dịch nano vàng sau đó được phối trộn vào kem nền cho kết quả không kích ứng da với hàm lượng vàng trong kem là 7,55 ppm.

Cải tiến tiêu chuẩn khoảng cách trong xây dựng chùm các phần tử rời rạc

Võ Văn Tài, Lê Thị Kim Ngọc, Bành Văn Viên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đề nghị một độ đo mới để đánh giá sự tương tự chùm của các phần tử rời rạc được gọi là chỉ số tương tự chùm (CSI). CSI được sử dụng làm tiêu chuẩn để xây dựng các thuật toán phân tích chùm mờ, không mờ và xác định số chùm thích hợp. CSI cũng được sử dụng để đánh giá chất lượng của các chùm được thiết lập cũng như so sánh chúng với nhau. Các thuật toán được thiết lập có thể thực hiện nhanh chóng bởi những chương trình được viết trên phần mềm Matlab. Những ví dụ số minh họa các thuật toán đề nghị và cho thấy thuận lợi của chúng so với các thuật toán khác. Phân tích chùm các hình ảnh từ thuật toán đề nghị cho thấy tiềm năng trong áp dụng thực tế của vấn đề được nghiên cứu.

Khả năng kháng oxy hóa và bảo vệ tế bào MIN6 tụy tạng của dịch trích methanol lá xoài non (Mangifera indica L.)

Nguyen Thi Ai Lan, Đái Thị Xuân Trang
Tóm tắt | PDF
Khả năng bảo vệ tế bào β tụy tạng khỏi sự phá hủy bởi stress mạng nội chất của dịch trích lá xoài non (Mangifera indica L.) được thực hiện in vitro trên tế bào MIN6. Sự chết của tế bào MIN6 được gây ra do tunicamycin ở nồng độ 5 µg/mL, sau 24 giờ ủ ở điều kiện 37oC và 5% CO2. Khả năng gây độc đối với tế bào MIN6 của dịch trích lá xoài non (LXN) được khảo sát ở nồng độ từ 50 đến 500 µg/mL ở điều kiện ủ 37oC và 5% CO2 trong 48 giờ. Khả năng bảo vệ tế bào MIN6 của dịch trích LXN cũng được khảo sát. Kết quả khảo sát cho thấy, ở các nồng độ khảo sát LXN không gây độc tế bào MIN6 trong 48 giờ. Nồng độ dịch trích LXN có khả năng bảo vệ tế bào MIN6 khỏi sự chết bởi stress mạng nội chất tốt nhất là 500 µg/mL. Bên cạnh đó, thí nghiệm đã chứng minh dịch trích LXN có hiệu quả kháng oxy hóa. Kết quả khảo sát khả năng kháng oxy hóa bằng phương pháp trung hòa gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH), khử sắt (RP) và 2, 2'-azinobis-(3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid) (ABTS•+) có giá trị EC50 lần lượt là 27,64± 0,88; 12,11 ± 1,15 và 45,7± 0,50 µg/mL. Kết quả chứng minh, LXN có tiềm năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường theo cơ chế kháng oxy hóa và bảo vệ tế bào β của tụy tạng khỏi sự chết bởi stress mạng nội chất.

Ảnh hưởng của vị trí trong chuồng nuôi đến tăng trưởng của gà lương phượng

Phạm Tấn Nhã
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành để xác định ảnh hưởng của vị trí trong chuồng nuôi lên tăng trưởng của gà giai đoạn 0-6 tuần tuổi. Có 300 con gà Lương Phượng 1 ngày tuổi được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào 3 nghiệm thức (NT), 10 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại trên 10 con gà. Các NT như sau:  NT1: đầu chuồng, NT2: giữa chuồng, NT3: cuối chuồng. Thức ăn được sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn hổn hợp với 20,5% CP và 3000 kcal ME/kg. Kết quả cho thấy gà cho tăng khối lượng cao nhất (P

Phân lập, tuyển chọn và định danh nấm men trong lên men rượu vang dâu Hạ Châu (Baccaurea ramiflora L.)

Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Văn Thành
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn nấm men có hoạt tính lên men cao từ quả dâu, từ đó ứng dụng lên men rượu vang dâu Hạ Châu chất lượng cao (hàm lượng rượu cao, rượu tạp và aldehyde thấp, cảm quan tốt). Kết quả nghiên cứu đã được phân lập được 48 dòng nấm men từ dịch quả dâu tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Dựa vào khóa phân loại nấm men (hình thái, sinh lý, sinh hóa) ba giống được phân lập gồm: Saccharomyces, Hanseniaspora, và Pichia. Thí nghiệm thực hiện trên các dòng thuộc giống Sacharomyces và đã tuyển chọn dòng nấm men CB1.1. Kết quả dòng CB1.1 được phân lập từ dịch quả dâu bòn bon tại huyện Phong Điền (Cần Thơ) có các đặc tính tốt như khả năng lên men nhanh (24 giờ), cho hàm lượng rượu cao nhất (12,71% v/v) và đường sót thấp nhất (7,83oBrix). Rượu vang dâu Hạ Châu lên men từ nấm men CB1.1 với dịch phối chế từ các thông số tối ưu Brix = 24,70, pH = 4,20, mật số tế bào nấm men 107 tế bào/mL và lên men ở nhiệt độ phòng trong 10 ngày cho kết quả độ rượu tối ưu 13,76% v/v. Kết quả định danh dòng nấm men CB1.1 bằng phương pháp giải trình tự DNA đã xác định được CB1.1 tương đồng với Saccharomyces cerevisiae.

Cải thiện chất lượng của tổ hợp lai OM5451/pokkali bằng phương pháp lai hồi giao

Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Vũ Anh Pháp, Tran Thị Bích Xuân, Trần Thị Cúc Hòa
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm tìm ra các dòng lúa lai có phẩm chất tốt, có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dựa vào phương pháp lai hồi giao với giống bố là Pokkali và giống nhận gen là OM5451. Các dòng lai thế hệ BC2F2, BC3F2 và BC3F6 của tổ hợp lai hồi giao OM5451/Pokkali được sử dụng để khảo sát sự phân ly phẩm chất hạt được đánh giá bằng phương pháp của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (2002). Kết quả cho thấy hàm lượng amylose và tỷ lệ bạc bụng của các dòng lúa có sự phân ly theo hướng giảm dần so với giống bố là Pokkali qua các thế hệ lai hồi giao. Tính trạng dạng hạt và màu sắc hạt có sự phân ly phức tạp ở thế hệ BC2F2 và BC3F2, nhưng ổn định sau quá trình chọn dòng đến thế hệ BC3F6. Kết quả tuyển chọn đến thể hệ BC3F6 đã chọn 6 dòng lúa số 1, 2, 5, 6, 7 và 8 có hàm lượng amylose thấp £ 20% (thuộc nhóm gạo dẻo), độ bền gel nhóm 1 (mềm cơm), tỷ lệ bạc bụng thấp (1 – 3%), dạng hạt gạo thon, dài đến rất dài để phát triển thành giống lúa chịu mặn và chất lượng cao.

Hiệu quả giảm bệnh và cơ chế kích kháng liên quan đến enzyme phenylalanine ammonia-lyase và polyphenol oxidase đối với bệnh cháy bìa lá lúa khi phun qua lá với dịch trích lá sống đời

Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Đắc Khoa, Lam Tan Hao
Tóm tắt | PDF
Bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) gây ra là một trong những nguyên nhân chính gây thiệt hại về năng suất và kinh tế. Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát hiệu quả giảm bệnh và cơ chế kích thích tính kháng bệnh (kích kháng) liên quan đến enzyme phenylalanine ammonia-lyase và polyphenol oxidase của dịch trích lá sống đời (Kalanchoe pinnata) bằng biện pháp phun qua lá đối với bệnh cháy bìa lá lúa. Dịch trích lá sống đời được khảo sát ở các nồng độ 1, 2, 3, 4, 5 và 10% (w/v) bằng phương pháp phun qua lá tại thời điểm 7 và 14 ngày trước chủng bệnh. Hiệu quả giảm bệnh được đánh giá thông qua khả năng làm giảm chiều dài vết bệnh trên lá. Trong điều kiện nhà lưới, nghiệm thức phun dịch trích 1% tại 14 ngày trước chủng bệnh thể hiện hiệu quả giảm bệnh đến 21 ngày sau chủng bệnh. Cơ chế kích kháng có liên quan đến khả năng giảm bệnh cháy bìa lá lúa của dịch trích lá sống đời. Điều này được chứng minh thông qua khảo sát hoạt tính enzyme phenylalanine ammonia-lyase và polyphenol oxidase. Khi cây lúa được phun dịch trích và được chủng bệnh với vi khuẩn Xoo, hoạt tính hai enzyme tăng, trong đó phenylalanine ammonia-lyase tăng tại thời điểm 2 ngày sau chủng bệnh, còn polyphenol oxidase tăng tại 4 ngày sau chủng bệnh.

Phân lập và xác định nấm gây hại trên cây nghệ (Curcuma)

Vũ Thị Yến, Trần Nhân Dũng, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm tìm ra những dòng nấm gây hại trên củ nghệ (Curcuma) được bảo quản làm dược liệu. Quá trình phân lập và nhận diện sơ bộ thông qua đặc điểm hình thái được 17 dòng nấm gây hại từ bốn mẫu nghệ tươi là nghệ Bình Phước, nghệ Indonesia, nghệ Xà Cừ, nghệ Đen và ba mẫu nghệ khô là AGZG030510, AGZG010510, DL020611. Tất cả các dòng nấm được phân lập đều có hại trên thực vật. Mười lăm dòng nấm được tuyển chọn từ mười bảy dòng trên để tiến hành định danh bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự vùng gene ITS. Kết quả cho thấy có bảy dòng nấm thuộc chi Fusarium gồm: F. oxysporum, F. chlamydosporum, F. verticilliodes và bốn dòng F. proliferatum; ba dòng thuộc chi Aspergillus: A. flavus, A. terreus, A. tubingensis; hai dòng thuộc chi Penicillium; một dòng Rhizopus oryzae; một dòng Dichotomomyces cejpii và một dòng Coriolopsis polyzona. Từ các dòng nấm đã định danh xác định được giản đồ phả hệ thể hiện độ tương quan di truyền giữa chúng. R. oryzae và C. polyzona thuộc hai nhánh khác vì chúng thuộc hai ngành nấm lớn là Zygomycetes và Basidiomycestes. Các loài nấm còn lại được chia làm hai nhánh có chỉ số bootstrap 87% và cùng thuộc Ascomycetes.

Nghiên cứu hiệu quả của thực khuẩn thể phòng trị bệnh thối hạt do vi khuẩn Burkholderia glumae trên lúa

Đoàn Thị Kiều Tiên, Lê Quốc Uy, Bùi Thị Thanh Mỹ, Kaeko Kamei, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Đánh giá hiệu quả của 6 dòng thực khuẩn thể (ФBurVL34, ФBurVL39, ФBurAG58, ФBurDT46, ФBurĐT47a, ФBurDT48a) phòng trị bệnh thối hạt do vi khuẩn B. glumae trong điều kiện nhà lưới. Tất cả 6 dòng thực khuẩn thể thể hiện phòng trị bệnh với tỷ lệ hạt bệnh thấp hơn nghiệm thức đối chứng. Trong đó, dòng thực khuẩn thể ФBurDT47a cho hiệu quả phòng trị cao hơn so với các dòng thực khuẩn thể còn lại vào thời điểm 20 ngày sau khi lây bệnh. Ngoài ra, tất cả bốn mật số thực khuẩn thể ФBurDT47a (105 pfu/ml; 106 pfu/ml; 107 pfu/ml; 108 pfu/ml) có thể ngăn chặn bệnh và mật số 108 pfu/ml cho hiệu quả tốt nhất. Kết quả nghiên cứu về chất phụ gia bổ sung vào huyền phù thực khuẩn thể để gia tăng hiệu quả phòng trị bệnh cho thấy ba chất phụ gia (bột cà rốt, bột đậu nành và bột bắp) cho tỷ lệ bệnh thấp hơn so với nghiệm thức chỉ áp dụng thực khuẩn thể không có chất phụ gia.

Hiệu quả của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn ở vùng đất Giồng Cát tỉnh Trà Vinh

Hồng Minh Hoàng, Võ Thùy Dương, Tô Thị Lai Hón, Nguyễn Hồng Tín, Hồ Chí Thịnh, Lê Văn Mưa, Thạch Dương Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả kỹ thuật của mô hình canh tác tưới tiết kiệm nước với mô hình tưới truyền thống trên cây trồng cạn ở vùng đất giồng cát tỉnh Trà Vinh, qua đó, cung cấp thông tin cơ bản hỗ trợ cho việc cải tiến kỹ thuật tưới và nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm trong canh tác cây trồng cạn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng công cụ phỏng vấn người am hiểu, thảo luận nhóm, và phỏng vấn nông hộ để thu thập số liệu phục vụ cho nghiên cứu. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng mô hình CropWat để mô phỏng nhu cầu nước tưới và xây dựng mô hình thử nghiệm đánh giá hiệu quả kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên dưa hấu và đậu phộng (đại diện cho cây trồng cạn) ở huyện Cầu Ngang và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nghiên cứu cho thấy, trong canh tác cây trồng cạn, nông dân sử dụng lượng nước tưới nhiều hơn nhu cầu thực sự của cây trồng. Việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước giúp tiết kiệm khoảng 26 - 30% lượng nước tưới, giảm 80 - 87% thời gian tưới và tăng 15 - 17% năng suất so với kỹ thuật tưới của nông dân. Kết quả nghiên cứu này là thông tin hữu ích cho công tác khuyến nông địa phương trong việc khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác cây trồng cạn để giảm mức độ khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất và thích ứng với biến đổi khí hậu tác động đến canh tác nông nghiệp ở vùng đất giồng cát ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trạng hệ vi sinh vật phân giải lân trên một số loại đất phù sa trồng lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng

Nguyễn Tú Điệp, Cao Kỳ Sơn, Đinh Hồng Duyên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá hệ vi sinh vật phân giải lân trên đất phù sa trung tính (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và đất phù sa gley (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) thuộc hệ thống sông Hồng chuyên trồng lúa (2 vụ/năm) tại thời điểm lúa đang làm đòng. Kết quả phân lập cho thấy, có sự xuất hiện của nhóm vi khuẩn, xạ khuẩn phân giải lân trong các mẫu đất nghiên cứu nhưng hoàn toàn không có mặt của nấm mốc. Nhìn chung, đất phù sa trung tính có mật độ vi sinh vật phân giải lân cao hơn nhưng kém phong phú hơn về số lượng chủng so với đất phù sa gley. Mức độ đa dạng của các chủng vi sinh vật không giống nhau giữa 2 loại đất, thậm chí giữa các mẫu khác nhau trong cùng một loại đất. Có 4 chủng vi khuẩn phân giải lân phổ biến trong đất phù sa trung tính, mật độ dao động từ 15,5-22,9 x104 CFU/g đất; trong khi đó, trên đất phù sa gley phổ biến 4 chủng vi khuẩn và 1 chủng xạ khuẩn, mật độ biến động từ 2,3-17,3 x104 CFU/g đất. Trên cả 2 loại đất, mật độ vi sinh vật phân giải lân vô cơ chiếm ưu thế hơn so với hữu cơ. Tuy nhiên, so với vi sinh vật tổng số, mật độ các nhóm vi sinh vật phân giải lân đều rất thấp, chiếm chưa tới 1% mỗi nhóm. Bên cạnh đó, hoạt tính phân giải lân của chúng không cao, hàm lượng PO43-  giải phóng dao động từ 0,70-5,66 mg/l đối với lân dạng Tricalcium phosphate và từ 0,0-1,83 mg/l đối với lân dạng Lecithine.

Ảnh hưởng của biện pháp tưới khô ngập luân phiên đến khả năng cung cấp đạm trong đất và năng suất lúa tại huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Minh Đông, Nguyễn Văn Quí, Châu Minh Khôi, Nguyễn Đỗ Châu Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của chế độ tưới khô ngập luân phiên (AWD) so với ngập liên tục (CF) đến đạm (N) hữu dụng, năng suất hạt trên ruộng lúa và lượng N khoáng hóa trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu được thực hiện (i) trên vùng đất canh tác lúa vào vụ Đông Xuân 2014 tại Hòa Bình, Bạc Liêu và (ii) ủ khoáng hóa N yếm khí và hiếu khí trong phòng sau hai quá trình khô – ngập ngoài đồng. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức gồm CF, AWD1 (tưới khi mực nước giảm -15cm) và AWD2 (giảm -30cm) và 3 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả cho thấy AWD tiết kiệm khoảng 13 – 18% lượng nước so với CF. Áp dụng AWD2 và AWD1 đạt hàm lượng NH4+ và NO3- cao tương ứng so với CF ở giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên không ảnh hưởng đến năng suất lúa. Kết quả ủ khoáng hóa cho thấy lượng N ủ hiếu khí cao hơn yếm khí. Trong đó, AWD1 có sự gia tăng ý nghĩa về NH4+ khoáng hóa sau 21, 28 ngày ủ yếm khí; còn ủ hiếu khí thì sau 7 ngày. Tương tự, áp dụng AWD1 cũng đạt hàm lượng NO3­- khoáng hóa cao vào 21 ngày ủ yếm khí và 28 ngày ủ hiếu khí.

Ảnh hưởng của việc bón bã cà phê tươi lên sinh trưởng, năng suất một số cây trồng và đặc tính sinh học đất giồng cát (arenosols) từ huyện Tiểu Cần - tỉnh Trà Vinh trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Khởi Nghĩa, Võ Thị Ngọc Cẩm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của bã cà phê (BCP) tươi lên sinh trưởng, năng suất bắp, đậu nành, lúa và đặc tính sinh học đất trong điều kiện nhà lưới. Bắp, đậu nành, lúa lần lượt được trồng trên nền đất cát (Arenosols) từ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với 4 lặp lại và 7 nghiệm thức gồm đối chứng (không bón phân), bón BCP 2%, 4%, 6%, 8%, 10% (theo trọng lượng đất khô) và bón phân hóa học theo khuyến cáo. Các chỉ tiêu về chiều cao cây, mật số vi sinh vật đất được thu thập vào 30, 45 và 60 ngày sau khi gieo (NSG) đối với bắp và đậu nành, 30, 60 và 90 NSG đối với cây lúa. Năng suất cây trồng và đa dạng cộng đồng vi khuẩn trong đất khi kết thúc thí nghiệm cũng được ghi nhận. Kết quả cho thấy bón BCP với tỉ ệ 2% -10% có hiệu quả trong việc kích thích sinh trưởng và tăng năng suất đối với cây đậu nành và cây lúa so với nghiệm thức bón phân hóa học theo khuyến cáo. Bên cạnh đó, BCP giúp cải thiện các thành phần dinh dưỡng, tăng mật số vi khuẩn, nấm, vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân trong đất. Vì vậy, việc bón BCP 2% - 10% (w/w) giúp kích thích sinh trưởng, gia tăng năng suất đậu nành và lúa, cải thiện đặc tính sinh học đất, có thể sử dụng như một loại phân hữu cơ sạch cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Điều tra hiện trạng nuôi trồng thủy sản lợ mặn cao triều ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam

Trương Văn Đàn, Vũ Ngọc Út, Nguyễn Thành Luân, Hà Nam Thắng, Mạc Như Bình, Phạm Thị Ái Niệm
Tóm tắt | PDF
Hiện trạng nuôi trồng thủy sản lợ mặn cao triều ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nghiên cứu từ tháng 4 - 11 năm 2017. Nghiên cứu đã điều tra 33 hộ về nuôi trồng thủy sản, kết hợp kỹ thuật GIS với vị trí ao nuôi từ định vị GPS để tạo ra các bản đồ thuộc tính như: diện tích nuôi, đối tượng nuôi, hình thức nuôi, chăm sóc quản lý và hiệu quả về kinh tế. Kết quả đã xây dựng được các bản đồ về vector tất cả các khía cạnh trên. Đối tượng nuôi chủ yếu là là tôm sú, cua, cá dìa và cá kình với hình thức nuôi ghép chiếm 99,1%. Mỗi đối tượng nuôi có mật độ khác nhau: tôm sú là 1,5 - 5 con/m2, cá và cua dưới 1 con/m2. Các loài này được nuôi 2 - 3 vụ/năm. Công tác xử lý nước vào ao được quan tâm nhưng chưa xử lý triệt để các yếu tố ô nhiễm. Nước thải hầu như không được xử lý. Hiệu quả hoạt động nuôi chưa cao với tỷ suất lợi nhuận từ 0,4 - 1,0.

Đa dạng di truyền của cá hường (Helostoma temminckii) ở Đồng bằng sông Cửu Long

Dương Thúy Yên, Tiêu Văn Út, Trần Đắc Định, Nguyễn Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Mức độ đa dạng di truyền của các đàn cá hường ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dựa vào chỉ thị inter-simple sequence repeats (ISSR). Cá được thu từ thủy vực tự nhiên ở khu bảo tồn Láng Sen (Long An) và từ các ao nuôi thuộc ba tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang và Trà Vinh. Trước hết, mẫu cá nghiên cứu (một hoặc hai mẫu được lấy ngẫu nhiên từ mỗi đàn) được kiểm tra định danh loài bằng phương pháp phân tích trình tự gene DNA mã vạch (gene COI) và so sánh với ngân hàng gene (Genbank). Sau đó, mức độ đa dạng di truyền của bốn đàn cá được phân tích (20-21 mẫu/đàn) với sáu chỉ thị ISSR. Kết quả phân tích trình tự gene COI cho thấy cá hường trong nghiên cứu có mức độ tương đồng cao 99,2% so với các mẫu cùng loài (Helostoma temminckii) được công bố ở Genbank. Kết quả khuếch đại ISSR trên tổng số 82 cá thể đã tạo ra 86 vạch có kích thước dao động từ 400 bp đến 3.000 bp, tỉ lệ gene đa hình dao động 55,42-90,36%, tỉ lệ dị hợp mong đợi 0,180-0,245 và chỉ số Shannon 0,269-0,386. Nhìn chung, cá hường có mức độ đa dạng di truyền tương đối cao. Trong đó, các thông số đa dạng di truyền cao nhất ở đàn cá Hậu Giang và thấp nhất ở đàn cá tự nhiên Láng Sen. Do đó, đàn cá Láng Sen cần được bảo tồn và áp dụng chương trình bổ sung quần đàn hợp lý.

Thực nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) trong bể với các mật độ khác nhau theo công nghệ biofloc

Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể với mật độ khác nhau nhằm xác định mật độ nuôi thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được nuôi theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức mật độ khác nhau (150, 300, 450 và 600 con/m3) và mỗi nghiệm thức được lặp lại 4 lần. Bể nuôi có thể tích 0,5 m3 (chứa 0,3 m3 nước), độ mặn 15o/oo­­và tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N =15:1). Tôm nuôi có khối lượng ban đầu là 0,74±0,09 g (4,33±0,32 cm). Sau 60 ngày nuôi, các yếu tố môi trường nước: nhiệt độ, pH, tổng đạm amon (TAN) và nitrite nằmtrong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng. Tôm nuôi ở mật độ 150 con/m3 có chiều dài là 10,85 cm, khối lượng trung bình 12,12 g/con và tỷlệ sống đạt 77,8%, cao hơn và khác biệt có ý nghĩa (p0,05).

Thực nghiệm ương ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) với các mô hình khác nhau

Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mô hình ương thích hợp cho sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức: (i) ương ấu trùng trong hệ thống tuần hoàn; (ii) thay nước, (iii) sử dụng chế phẩm yucca và (iv) ứng dụng công nghệ biofloc. Bể ương có thể tích 500 L, ấu trùng được bố trí ở giai đoạn nauplius 4 có chiều dài 0,41±0,02 mm, mật độ 150 con/L và độ mặn 30‰. Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn Mysis-1, thì bắt đầu vận hành hệ thống tuần hoàn, thay nước (3 ngày/lần), sử dụng chế phẩm yucca (10 mL/m3/lần/3 ngày) và nghiệm thức biofloc được bổ sung carbohydrate từ rỉ đường tương ứng với tỷ lệ C:N = 30:1. Kết quả sau 19 ngày ương, các yếu tố môi trường nước đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng và hậu ấu trùng của tôm sú. Trung bình chiều dài ấu trùng tôm của các nghiệm thức ở giai đoạn Zoea-1, Mysis-1, post larvae (PL) 1 và PL5 khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05); đến giai đoạn PL10, chiều dài tôm ở nghiệm thức sử dụng chế phẩm yucca là 9,60 mm và nghiệm thức tuần hoàn là 9,58 mm, khác biệt không ý nghĩa so với chiều dài tôm ở nghiệm thức ứng dụng biofloc (9,24 mm), nhưng khác biệt có nghĩa so với nghiệm thức thay nước (8,86 mm). Tương tự, tỷ lệ sống của tôm ở giai đoạn PL10 đạt cao nhất ở nghiệm thức sử dụng chế phẩm yucca (51,9%), khác biệt có nghĩa so với nghiệm thức thay nước (36,9%) và ứng dụng biofloc (42%); tuy nhiên, khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức tuần hoàn (43,9%).

Nghiên cứu mô hình quản trị chi phí dòng nguyên vật liệu cho dây chuyền chế biến tôm sushi

Phạm Thị Hoài Thương, Nguyễn Thị Lệ Thủy, Võ Trần Thị Bích Châu, Phạm Kiều My
Tóm tắt | PDF
Mô hình quản trị chi phí dòng nguyên vật liệu (material flow cost accounting – MFCA) là công cụ quản lý quá trình sản xuất liên quan đến dòng nguyên vật liệu, năng lượng với mục đích xác định và tính toán chi phí thực sự của sự lãng phí và tổn thất vật chất. Bài báo tập trung nghiên cứu mô hình này cho dây chuyền chế biến tôm sushi tươi đông lạnh tại Công ty TNHH Thực phẩm Nắng Đại Dương, chủ yếu phân tích chi phí dòng nguyên vật liệu và năng lượng sử dụng trong quy trình sản xuất tôm sushi bao gồm chi phí trong phần thành phẩm và chi phí trong phần dòng thải, đồng thời đưa ra các giải pháp cải tiến để cải thiện quy trình sản xuất. Kết quả tính toán cho thấy tầm quan trọng của dữ liệu thu thập được từ MFCA sẽ có thể xác định được các điểm cần cải tiến, cũng như là ứng dụng của nó để tối ưu hóa quy trình sản xuất với các điều kiện sản xuất thực tế tại công ty.

Đánh giá hoạt động khai thác thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thanh Long, Mai Viết Văn, Trần Đắc Định, Huỳnh Văn Hiền, Naoki Tojo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện từ tháng 7- 12/2017 ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu long. Kết quả cho thấy nghề lưới rê, lưới kéo, nghề lưới đáy và rập xếp là các nghề khai thác chủ lực chiếm số lượng tàu và sản lượng cao. Tất cả các nghề có thể khai thác quanh năm. Tàu lưới rê có qui mô lớn nhất nhưng sản lượng một năm của tàu lưới kéo lại cao nhất. Nghề lưới rê khai thác có hiệu quả nhất với lợi nhuận đạt cao nhất (298 triệu đồng/năm). Nghề lưới kéo đạt sản sản lượng cao nhất (20,42 tấn/năm) nhưng tỉ lệ cá tạp cao (38,4%) và tỉ suất lợi nhuận đạt thấp nhất (0,45 lần). Mặc dù nghề lưới đáy đạt tỉ suất lợi nhuận cao (1,41 lần) nhưng sản lượng thấp (7,17 tấn/năm) và tỉ lệ cá tạp cao (30,9%), vì vậy nghề này ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Nghề rập xếp có tỉ lệ cá tạp cao (23,8%). Để nghề khai thác phát triển ổn định, cán bộ quản lý thủy sản cần đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, và tập huấn ngư dân biết sử dụng các thiết bị khai thác nhằm tăng hiệu quả khai thác của họ.

Một số khó khăn và sai lầm của học sinh tiểu học khi học hệ đếm thập phân

Nguyễn Thị Nga, Dương Thị Hạnh, Tăng Minh Dũng
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm làm rõ các khó khăn và sai lầm của học sinh lớp 4 khi học hệ đếm thập phân. Nghiên cứu bắt đầu bằng việc tóm lược nghiên cứu của Gerente (2015) liên quan đến hệ thống các phép đếm; đặc biệt, nghiên cứu đã làm rõ hai đặc trưng: phương diện vị trí và phương diện thập phân của hệ đếm thập phân. Tiếp đó, một nghiên cứu hệ thống dạy học hiện hành qua phân tích sách giáo khoa cho phép dự đoán ba khó khăn liên quan đến sự khác biệt giữa viết và đọc các số, hiểu cách viết chữ số, sử dụng phương diện thập phân để giải toán. Các khó khăn được làm rõ qua một bộ câu hỏi trên 108 học sinh lớp 4. Các sai lầm của học sinh trong thực nghiệm cho thấy học sinh vẫn chưa hiểu rõ hai phương diện nói trên của hệ đếm thập phân.

Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong bồi dưỡng giáo viên: Kinh nghiệm thực tế tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

Bùi Lê Diễm, Nguyễn Văn Nở, Hồ Thị Thu Hồ, Trần Trung Tính, Bui Le Diem Trang
Tóm tắt | PDF
Bài báo này đề xuất một số công cụ và phương tiện dạy học nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để nâng cao hiệu quả trong đổi mới phương pháp đào tạo. Trong đó, WebQuest là một phương pháp dạy học hiện đại, được xây dựng trên cơ sở phương tiện dạy học mới là công nghệ thông tin và Internet thông qua các công cụ trực tuyến, miễn phí, đơn giản và dễ dùng như bộ G Suite cho giáo dục của Google, OKMindmap, Scratch, Moodle và Facebook. WebQuest dùng làm phương pháp dạy học pha trộn (blended learning) để phục vụ nhu cầu cải cách giáo dục từ kiểu truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép sang phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án nhằm khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo và tính tích cực chủ động của người học. Kết quả thực nghiệm tại Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ cho thấy sự phản hổi tích cực từ người học. Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của phương pháp dạy học WebQuest  này trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên.

Nghiên cứu nhu cầu du lịch trải nghiệm của người dân thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Tú Trinh, Nguyễn Hồng Đào, Khưu Ngọc Huyền
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm phân tích nhu cầu du lịch trải nghiệm của người dân thành phố Cần Thơ. Dữ liệu trong đề tài được thu thập bằng cách khảo sát 200 người dân ở thành phố Cần Thơ nhằm tìm hiểu nhu cầu du lịch trải nghiệm của họ. Đề tài sử dụng hai phương pháp chính là thống kê mô tả và phân tích bảng chéo. Kết quả nghiên cứu cho thấy du lịch trải nghiệm là loại hình du lịch khá mới mẻ và đang là xu hướng của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra các hoạt động mà khách hàng mong muốn được trải nghiệm trong một tour du lịch. Dựa trên kết quả phân tích, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị phù hợp cho các công ty lữ hành để đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm của người dân thành phố Cần Thơ tốt hơn trong thời gian tới.

Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ

Đào Ngọc Cảnh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giảng viên đại học và là một trong những thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên. Bài nghiên cứu này sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với 150 giảng viên Trường Đại học Cần Thơ nhằm tìm hiểu thực trạng NCKH của giảng viên. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều giảng viên chưa tham gia NCKH: 41,3% giảng viên chưa chủ trì đề tài nghiên cứu; 30,7% giảng viên chưa là thành viên đề tài NCKH; 48% giảng viên chưa có bài báo khoa học; 34,7% giảng viên chưa thực hiện báo cáo khoa học (seminar) ở đơn vị; 50% giảng viên chưa viết bài tham luận hội nghị/hội thảo khoa học, v.v... Nghiên cứu này cũng tìm hiểu động cơ và khó khăn của giảng viên trong NCKH, từ đó đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động NCKH của giảng viên, góp phần thực hiện tốt các chức năng của trường là đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ và phục vụ đời sống xã hội.

Mức độ tập trung vốn và hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Ngô Mỹ Trân, Lê Thị Trang
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của mức độ tập trung vốn đến hiệu quả hoạt động công ty, sử dụng số liệu thu thập từ 287 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ 2011 – 2015. Phương pháp generalized method of moments (GMM) được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tập trung vốn làm gia tăng giá trị thị trường và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp phi tài chính, tuy nhiên không có bằng chứng thống kê cho thấy tỷ lệ sở hữu cổ phần của hội đồng quản trị có tác động đến giá trị thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng nợ vay càng cao càng làm giảm giá trị thị trường cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy các công ty niêm yết có tốc độ tăng trưởng tốt, quy mô lớn và tỷ lệ đầu tư tài sản cố định hàng năm cao có giá trị thị trường và hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Thùy Trang, Võ Hồng Tú, Huỳnh Việt Khải
Tóm tắt | PDF
Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp vùng ven biển đang diễn ra như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cụ thể từ mía sang mô hình chuyên tôm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Do vậy, nghiên cứu được thực hiện dựa trên cơ sở phỏng vấn trực tiếp 90 nông hộ nuôi tôm đã chuyển đổi từ mô hình trồng mía tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, cụ thể phân tích hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi này nhằm cung cấp minh chứng cho các nhà hoạch định chính sách. Kết quả nghiên cứu về thực trạng nuôi tôm của nông hộ cho thấy lợi nhuận trung bình đạt 452 triệu đồng/ha/vụ và có sự dao động lớn giữa các nông hộ do rủi ro trong quá trình sản xuất. Hiệu suất kinh tế theo quy mô của nông hộ nuôi tôm là tăng dần. Hiệu quả kinh tế trung bình của nông hộ nuôi tôm là 80,82% và có sự biến động lớn giữa các hộ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chi phí mất đi do không đạt hiệu quả về kinh tế hay nói cách khác là chi phí mà nông hộ nuôi tôm có thể giảm trung bình là 102 triệu đồng/ha/vụ.

Lượng giá rủi ro sức khỏe do sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long: Phương pháp thực nghiệm lựa chọn

Nguyễn Phương Duy, Tống Yên Đan, Vũ Thùy Dương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thực nghiệm lựa chọn để lượng giá những thay đổi trong việc tự đánh giá của người nông dân đối với rủi ro sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp. Một cuộc khảo sát được tiến hành trên 90 hộ nông dân canh tác lúa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả những thuộc tính đưa vào đều là những yếu tố quan trọng để xác định việc đánh giá của người nông dân liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa. Những thuộc tính này bao gồm: thông tin về hậu quả sức khỏe, mức rủi ro ban đầu, quy mô giảm rủi ro cũng như chi phí sản xuất tăng thêm hằng năm.

Phân tích các yếu tố cấu thành năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực lữ hành tại thành phố Cần Thơ

Huỳnh Trường Huy, Chung Văn Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tập trung phân tích các yếu tố cấu thành năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực lữ hành tại thành phố Cần Thơ, dựa trên quan điểm đánh giá của nhà quản lý và nhân viên gắn liền với 3 nhóm nhân tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Kết quả phân tích thống kê mô tả, phân tích nhân tố thông qua dữ liệu của cuộc khảo sát từ 100 nhà quản lý và nhân viên làm việc tại các công ty dịch vụ lữ hành trên địa bàn nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố thể hiện năng lực nghề nghiệp của nhân viên đóng vai trò quan trọng mang lại giá trị và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong số các nhóm yếu tố cấu thành năng lực nghề nghiệp, thái độ làm việc của nhân viên được quan tâm nhất, kế đến là các yếu tố về kỹ năng và kiến thức. Điều này giúp cho nhân viên hoàn thành tốt công việc và trở thành nhân viên giỏi.