Ngày xuất bản: 28-02-2023
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Xây dựng và điều khiển giám sát hệ thống nấu sữa thực vật tự động
Tóm tắt
|
PDF
Nhiệt độ ảnh hưởng then chốt đến nhiều quá trình vật lý, hóa học, sinh học và nhiều mặt trong đời sống của con người. Điều khiển nhiệt độ chính xác là bài toán cơ sở và rất quan trọng trong lĩnh vực điều khiển tự động. Bài viết trình bày phương pháp xây dựng, điều khiển và giám sát hệ thống nấu sữa thực vật tự động. Phần mềm Solidworks được ứng dụng để thiết kế mô hình 3D cho hệ thống, từ đó tiến hành gia công phần cứng, lắp đặt thiết bị, xây dựng chương trình điều khiển và giám sát (SCADA). Phương pháp kẻ tiếp tuyến để nhận dạng hệ thống và phương pháp điều khiển mô hình nội (IMC-internal model control) được sử dụng để chỉnh định bộ điều khiển PID áp dụng vào điều khiển nhiệt độ của hệ thống. Kết quả thực nghiệm cho thấy nhiệt độ sữa ổn định tại giá trị đặt (90oC) sau 45 phút với sai số xác lập trong khoảng 2oC. Kết quả này tương đương với kết quả mô phỏng từ mô hình động học với thời gian xác lập 45 phút và sai số xác lập khoảng 1oC. Sản phẩm sau khi nấu và làm nguội hoàn toàn sử dụng được. Như vậy, mô hình đã xây dựng cơ bản đáp ứng được các yêu cầu quy trình công nghệ của một hệ thống nấu sữa thực vật tự động.
Phối chế và phân tích tính chất của nhũ tương nano chứa hoạt chất trừ nấm difenoconazole
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, nanodifenoconazole (NDifen) được tổng hợp bằng phương pháp nhũ hóa năng lượng thấp sử dụng hỗn hợp methyl ester tổng hợp từ dầu thực vật thải làm pha phân tán trong môi trường nước. NDifen tổng hợp có kích thước hạt trung bình nhỏ hơn 100 nm, được xác định bằng các phương pháp phân tích hiện đại bao gồm: tán xạ ánh sáng động (DLS) và kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM). Độ bền nhũ được đánh giá trong 3 tháng, với hàm lượng hoạt chất duy trì trên 95%, được xác định bằng kĩ thuật sắc ký khí đầu dò ion hóa ngọn lửa (GC-FID). Các thử nghiệm in vitro trên các chủng nấm gây bệnh hại cây trồng cho thấy hiệu quả ức chế sự phát triển của nấm rất tốt vượt trội hơn từ 2 – 3 lần so với dạng thương mại. Hiệu quả ức chế khoảng 80% đối với Sclerotium rolfsii, Fusarium oxysporum, Fusarium ambrosium tại nồng độ 500 ppm trong khi dạng thương mại chỉ khoảng 60%. Do đó, NDifen sẽ là một ứng cử viên tiềm năng trong ngành nông dược hiện đại trong tương lai.
Môi trường
Khảo sát hệ phiêu sinh thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư - tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá thành phần phiêu sinh thực vật tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư theo mùa. Mẫu phiêu sinh thực vật được xác định bằng phương pháp định tính và định lượng tại 20 vị trí đại diện cho các vùng sinh thái trong rừng. Đợt khảo sát mùa khô ghi nhận 119 loài thuộc 6 ngành, trong đó ngành tảo lục chiếm tỉ lệ cao nhất (34%), kế đến là tảo silic (29%), tảo mắt (24%), vi khuẩn lam (8%), Tảo giáp (4%), và thấp nhất là tảo vàng kim (1%). Đợt khảo sát vào mùa mưa ghi nhận 132 loài thuộc 6 ngành tảo, trong đó ngành tảo lục và tảo silic chiếm ưu thế với 29% tổng số loài khảo sát. Các ngành tảo đều có thành phần loài tăng trong mùa mưa, trong đó ngành tảo lục tăng cao nhất với 14 loài, kế đến là tảo silic với 12 loài. Số lượng loài tảo ghi nhận trên hệ thống kênh bên trong rừng đa dạng và nhiều hơn 21 loài so với kênh bên ngoài rừng. Mật độ tảo tại các điểm thu mẫu có sự khác biệt lớn trong hai mùa, theo đó, vào mùa khô, mật độ tảo từ 154 tế bào/L đến 53.020 tế bào/L, vào mùa mưa, mật độ tảo từ 360 tế bào/L đến 29.830 tế bào/L.
Tổng hợp vật liệu Fe3O4-biochar từ bã mía ứng dụng để xử lý Safranin O trong dung dịch
Tóm tắt
|
PDF
Fe3O4–biochar từ bã mía được sử dụng làm chất hấp phụ sinh học để loại bỏ hợp chất màu Safranin O (SO) trong dung dịch. Đặc trưng bề mặt của Fe3O4–biochar được nghiên cứu bằng phương pháp SEM/EDX và pHpzc. Các thí nghiệm theo lô được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của pH dung dịch, khối lượng Fe3O4–biochar, thời gian hấp phụ và nồng độ SO ban đầu đến quá trình hấp phụ. Kết quả cho thấy ở pH=6, khối lượng Fe3O4–biochar sử dụng là 3 g trong 50 mL dung dịch SO, thời gian hấp phụ ở 120 phút và nồng độ SO ban đầu ở 50 mg/L là các điều kiện thí nghiệm thích hợp cho quá trình hấp phụ SO. Mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Langmuir mô tả tốt quá trình hấp phụ SO tại nhiệt độ phòng với R2 là 0,94. Dung lượng hấp phụ tối đa của quá trình hấp phụ SO là qmax = 12,18 mg/g. Nghiên cứu đã chứng minh rằng vật liệu Fe3O4–biochar từ bã mía có thể thu hồi một cách đơn giản sau quá trình xử lý và có thể sử dụng để loại bỏ cation màu SO trong dung dịch.
Nghiên cứu trồng cỏ voi trong hệ thống đất ngập nước nhân tạo dòng chảy ngầm xử lý nước thải sinh hoạt
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đánh giá sự phát triển và vai trò cỏ voi (Pennisetum purpureum) trồng trong đất ngập nước nhân tạo dòng chảy ngầm xử lý nước thải sinh hoạt. Nghiên cứu được thực hiện với mô hình phòng thí nghiệm trồng cỏ voi trên nền lọc xỉ than tổ ong. Mô hình đối chứng không trồng thực vật cũng được tiến hành song song. Nước thải sinh hoạt được cấp vào hệ thống với tải nạp là 35 L/m2/ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ tiêu lý hóa trong nước thải như TSS, BOD5, N-NH4+, N-NO3-, P-PO43- sau xử lý đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A). Cỏ voi phát triển tốt và góp phần nâng cao hiệu suất loại bỏ chất ô nhiễm trong nước thải, đặc biệt là N-NO3- và P-PO43-. Tuy nhiên, tổng coliform trong nước thải sau xử lý cao hơn quy chuẩn mặc dù hiệu suất xử lý của 2 mô hình đạt 95,1% và 98,5%. Nghiên cứu chỉ ra rằng cỏ voi phát triển tốt và có thể chọn để trồng trong đất ngập nước nhân tạo dòng chảy ngầm để loại bỏ chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt.
Tự nhiên
Sự tồn tại nghiệm cho bài toán tối ưu vector dựa trên nón thứ tự kết hợp
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, một nón mới được giới thiệu và tính lồi của tập nghiệm hữu hiệu mạnh của một bài toán tối ưu vector thông qua nón mới này cũng được thảo luận. Đầu tiên, một nón thứ tự kết hợp dựa trên nón Orthant dương, nón Lorentz và nón từ điển được giới thiệu. Sau đó, các tính chất của nón này và mối quan hệ giữa nó với các nón khác được khảo sát. Cuối cùng, điều kiện tồn tại và tính lồi của tập nghiệm của bài toán tối ưu vector dựa trên nón mới được thiết lập.
Chăn nuôi
Ảnh hưởng của phân bón đến năng suất và thành phần dinh dưỡng của lá mít (Artocarpus heterophyllus L.)
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát ảnh hưởng của 3 mức phân N-P-K lên khả năng sinh trưởng, năng suất và thành phần dinh dưỡng của lá mít. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức tương ứng với 3 mức phân bón vô cơ, bao gồm P1 có tỷ lệ N-P-K 16-16-8, P2 có tỷ lệ N-P-K 24-16-8 và P3 có tỷ lệ N-P-K 16-24-8. Thí nghiệm được lặp lại 10 lần, mỗi lần lặp lại gồm 4 cây mít giống Changai từ 12-18 tháng tuổi, tổng số là 120 cây mít. Kết quả cho thấy cây mít sử dụng mức phân P3 cho chiều cao, đường kính tán, số chồi, năng suất lá và cọng cao nhất (P
Công nghệ thực phẩm
Trích ly pectin từ vỏ bưởi năm roi (Citrus grandis (L.) Osbeck) bằng phương pháp trích ly có hỗ trợ nhiệt
Tóm tắt
|
PDF
Bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck) là một giống bưởi đặc trưng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với lớp vỏ trắng chiếm gần 30% khối lượng quả bưởi, là nguồn nguyên liệu có tiềm năng để thu nhận pectin. Phương pháp trích ly pectin có hỗ trợ nhiệt đơn giản và dễ thực hiện giúp hỗ trợ tăng hiệu suất trích ly. Các thông số được khảo sát trong quá trình trích ly pectin từ vỏ bưởi Năm Roi là kích thước bột vỏ bưởi, loại dung dịch acid trích ly, pH dung dịch acid, tỷ lệ bột vỏ bưởi/dung môi trích ly, nhiệt độ trích ly, thời gian trích ly hỗ trợ nhiệt, màu sắc, chỉ số ester hóa (DE) và chỉ số methoxyl hóa (MI) của pectin thu được. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở kích thước bột vỏ bưởi 0,5 < d < 0,9 mm; dung dịch acid citric pH 1,5; tỷ lệ bột vỏ bưởi/dung môi 1:15 g/mL; nhiệt độ trích ly 70°C và thời gian trích ly 120 phút là các thông số với hiệu suất trích ly cao nhất. Pectin từ vỏ trắng bưởi Năm Roi có màu trắng hơi vàng, chỉ số DE ở mức 31,5 ± 0,77% và MI là 6,4 ± 0,2%; thuộc loại LM pectin.
Nông nghiệp
Khả năng ức chế nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu thanh long của vi khuẩn Pseudomonas sp.
Tóm tắt
|
PDF
Nấm Neoscytalidium dimidiatum gây bệnh đốm nâu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cây thanh long. Để góp phần phòng trừ tổng hợp dịch bệnh, cần tìm các vi sinh vật đối kháng có hiệu quả cao đối với tác nhân gây bệnh này. Pseudomonas là một chi vi khuẩn trong đất và được biết có hoạt tính kháng nấm cao. Trong nghiên cứu này, hai chủng vi khuẩn được định danh dựa trên các đặc điểm hình thái, sinh hóa và trình tự 16S-rRNA. Khả năng đối kháng của các chủng vi khuẩn đối với nấm được đánh giá bằng phương pháp đồng nuôi cấy và khuếch tán giếng thạch. Khả năng ức chế nấm bệnh trên cành thanh long của hai chủng PN01 và PN02 đã được khảo sát bằng thử nghiệm in vitro. Kết quả cho thấy bốn trong 6 chủng vi khuẩn có tác dụng ức chế sự phát triển của hệ sợi nấm. Ở thử nghiệm chủng bệnh nhân tạo trên cành 3 giống thanh long, cả hai chủng Pseudomonas PN01 và PN02 đều có khả năng giảm tỷ lệ bệnh xuống 50%. Dựa vào trình tự vùng 16S-rRNA, 2 chủng vi khuẩn tương đồng hoàn toàn với Pseudomonas aeruginosa. Các nghiên cứu về đặc điểm sinh học, các hợp chất kháng nấm và khả năng kiểm soát bệnh của hai chủng vi khuẩn này cần tiếp tục thực hiện để phát triển chế phẩm bảo vệ thực vật từ...
Vi ghép bưởi năm roi (Citrus grandis cv. ‘nam roi’) trong điều kiện in vivo
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định giống và tuổi gốc ghép, kích thước chồi ghép và nồng độ NAA phù hợp cho vi ghép bưởi Năm roi trong điều kiện in vivo. Các thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên hai nhân tố, tỷ lệ sống (TLS) và sự sinh trưởng của chồi ghép được ghi nhận 3 ngày/lần trong 30 ngày. Kết quả cho thấy:TLS của chồi bưởi Năm roi ghép trên gốc cam Mật, bưởi Lông, cam Sành, Hạnh, Chanh ở 7, 11 và 15 ngày tuổi đều thấp; gốc ghép 7 và 11 ngày tuổi (lõi chưa hóa gỗ) thích hợp cho vi ghép. Tiền xử lý một giọt nước cất vào mặt cắt ngang gốc cam Mật-11 và 7 ngày tuổi trước khi đặt chồi ghép cho TLS là 16,7 và 10% cao hơn so các gốc ghép khác cũng như so với tiền xử lý NAA 0,2 và 0,4 mg/L; Với kỹ thuật đặt chồi vào góc vết cắt chữ L trên gốc ghép, TLS của chồi 4 lá sơ khởi ghép gốc cam Mật-11 ngày tuổi và chồi 2 lá sơ khởi ghép gốc cam Mật-7 ngày tuổi đạt 20 và 13,3%.
Khảo sát đặc điểm sinh học của hoa và quá trình phát triển trái của cây nhãn (Dimocarpus longan Lour.) không hạt được phát hiện tại tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm ghi nhận đặc điểm sinh học hoa và sự phát triển trái của cây nhãn không hạt được phát hiện tại Sóc Trăng. Kết quả cho thấy (i) một số đặc điểm sinh học của hoa cây nhãn không hạt khác với cây nhãn Long: chiều rộng phát hoa nhỏ hơn, số lượng hoa ít hơn, hoa có từ 2-3 cánh và bao phấn màu trắng. Nguyên nhân không hạt của cây nhãn không hạt có thể là do hạt phấn hoàn toàn bất dục; (ii) trái nhãn không hạt ở các tuần đầu có kích thước và khối lượng lớn hơn trái nhãn Long, từ tuần thứ 9 thì nhỏ hơn trái nhãn Long. Thịt trái của trái nhãn không hạt bắt đầu xuất hiện từ tuần thứ 6. Từ tuần thứ 11 khối lượng thịt trái nhỏ hơn của cây nhãn Long. Khối lượng mài của cây nhãn không hạt ít thay đổi qua các tuần và khối lượng thấp hơn khối lượng hạt của cây nhãn Long từ tuần thứ 6. Cây nhãn không hạt có 89,0% trái không hạt, 11,0% trái hạt tiêu và không có trái hạt chắc khi thu hoạch.
Khảo sát một số chức năng sinh học của 6 dòng vi sinh vật tổng hợp acid lactic
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm khảo sát một số chức năng sinh học của 6 dòng vi sinh vật ở điều kiện phòng thí nghiệm gồm khả năng tổng hợp acid lactic, đối kháng bệnh, kích thích nảy mầm hạt và khả năng tương thích. Kết quả cho thấy 6 dòng vi sinh vật có khả năng tổng hợp acid lactic trong khoảng 777-18.343 mg/L, đối kháng tốt với nấm bệnh Fusarium oxysporum và Rhizoctonia solani, hiệu suất đối kháng cao nhất lần lượt dao động 26,7-37,0% và 36,3-46,6%. Mặt khác, 5 dòng vi sinh vật Enterococcus sp. G1, Bacillus sp. LB7, Pichia sp. LB1, Pichia sp. B9, Bacillus sp. M3 và Bacillus sp. G5 giúp gia tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt rau muống và cải xà lách (5,2-10,8%) so với nghiệm thức đối chứng. Sáu dòng vi sinh vật thử nghiệm còn kích thích gia tăng chiều cao cây, chiều dài rễ, đường kính thân và sinh khối khô cây rau muống và cải xà lách, đặc biệt sinh khối khô cây rau muống và cải xà lách gia tăng lần lượt 33,9-48,3% và 19,4-58,9% so với nghiệm thức đối chứng. Ngoài ra, 6 dòng vi sinh vật này không ức chế lẫn nhau.
Hình thái phẫu diện, đặc tính đất và sự thay đổi đơn vị bản đồ đất cơ sở cho sử dụng đất đai huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An
Tóm tắt
|
PDF
Những tác động của các tiến trình tự nhiên và sử dụng đất làm thay đổi đặc tính đất. Nghiên cứu đánh giá sự thay đổi đơn vị bản đồ đất thông qua đặc tính và hình thái phẫu diện đất làm cơ sở cho sử dụng đất đai hiệu quả. Tổng hợp tư liệu, khảo sát đất theo tuyến với 20 điểm khoan sâu 2 m, 3 phẫu diện đất điển hình, 15 mẫu đất tầng mặt và 30 phiếu điều tra được thực hiện. Kết quả chỉnh lý bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 có 2 nhóm đất chính được xác lập gồm Gleysols (đất phù sa mới) và Plinthosols (đất phù sa cổ) với 5 đơn vị bản đồ đất. So với bản đồ đất 2016, đất phèn hoạt động nặng tăng 1,2%; đất phèn tiềm tàng nông thay đổi thành phèn tiềm tàng trung bình chiếm 97,6%. Phẫu diện đất được phân hóa mạnh có tầng phèn, tầng kết von và tầng chứa vật liệu sinh phèn. Tầng đất canh tác có nhiều chất hữu cơ chiếm gần 64%. Với sự thay đổi này thể hiện đất đai còn tiềm năng cho canh tác. Sử dụng đất và biện pháp quản lý phù hợp cần được nghiên cứu thực hiện để khai thác và sử dụng đất hiệu quả tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Thủy sản
Cải thiện cảm biến sinh học nhận diện nhóm kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm cải thiện độ nhạy của cảm biến sinh học nhận diện nhóm kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein trên nền giấy. Cảm biến sinh học nhận diện kháng sinh dựa trên cường độ phát quang của protein nanoluciferase (NanoLuc) được tổng hợp trên nền giấy đông khô có chứa hệ thống phiên mã dịch mã trong điều kiện phòng thí nghiệm. Khi nhỏ nước lên nền giấy, protein NanoLuc được tổng hợp và phát sáng khi kết hợp với cơ chất Furimazine. Ngược lại, khi có kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn, sự tổng hợp protein NanoLuc bị cản trở dẫn đến cường độ phát sáng yếu. Cường độ phát sáng được ghi nhận bằng máy chụp ảnh kỹ thuật số và định lượng bằng phần mềm xử lý ảnh ImageJ. Giới hạn phát hiện kháng sinh được ghi nhận cho gentamicin, chloramphenicol, erythromycin và paromomycin lần lượt là 13,9; 0,23; 1,2 và 0,32 µg/mL. Độ nhạy của cảm biến sinh học được cải thiện 2 hoặc 3 lần tùy từng loại kháng sinh.
Ảnh hưởng của phụ gia muối đến khả năng hòa tan, thu hồi và chất lượng gel protein từ thịt cá sòng (Megalaspis cordyla)
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của phụ gia muối (bazơ) K2CO3-E501, Na2CO3-E500(i), Na3PO4-E339(iii)) đến khả năng hòa tan và chất lượng protein thu hồi từ thịt cá sòng (Megalaspis cordyla). Sử dụng lần lượt 3 loại phụ gia muối để nâng pH kiềm khối paste cá tại 4 mức pH (8, 9, 10 và 11) để đánh giá khả năng hòa tan protein thịt cá; sau đó dùng HCl hạ pH acid ở 4 mức (3, 4, 5 và 5,5) để thu kết tủa. Kết tủa thu được đánh giá hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm gel protein. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng hòa tan protein thịt cá cao nhất tại pH 11 với cả ba loại muối. Trong đó, gel protein với pH acid kết tủa tương ứng muối Na2CO3 tại pH 4, muối K2CO3 tại pH 5,5 và muối Na3PO4 tại pH 5,5 cho thấy chỉ số về hiệu suất thu hồi, độ bền gel, độ cứng, độ dai, độ đàn hồi, độ trắng và hàm lượng protein cao hơn có ý nghĩa thống kê so với gel protein thu nhận từ các phương pháp xử lý còn lại.
Một số đặc điểm sinh trưởng của móng tay (Solen strictus) ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định
Tóm tắt
|
PDF
Móng tay là một loài thuộc họ Pharidae sống ở các vùng bãi triều đáy cát. Ở Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định móng tay được người dân địa phương khai thác để tiêu thụ dưới dạng hải sản tươi sống và qua chế biến. Nghiên cứu này nhằm phân tích mối tương quan giữa chiều dài - khối lượng của móng tay, được thực hiện từ tháng 7 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022 ở VQG Xuân Thủy. Kết quả định danh cho thấy móng tay ở VQG Xuân Thủy là loài Solen strictus (sự tương đồng 99%) và sự gia tăng chiều dài cơ thể nhanh hơn sự gia tăng về khối lượng. Thêm vào đó, mối tương quan giữa khối lượng và chiều dài của loài được mô tả bằng phương trình W = 8E-0,5*L2,5221 với hệ số tương quan (R2) là 0,5846. Sự tăng trưởng của móng tay được đo bằng mô hình tăng trưởng von Bertalanffy với L∞ = 8,4 cm, k = 0,67/năm, và t0 = -0,34. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học về động lực quần thể móng tay tại VQG Xuân Thủy có thể hữu ích cho việc sử dụng và quản lý nguồn lợi móng tay để duy trì sự bền vững về môi trường và sinh thái.
Tính ăn và sự phát triển ống tiêu hóa của cá thát lát còm Chitala ornata (Gray, 1831) giai đoạn từ cá bột đến 30 ngày tuổi
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm xác định tính ăn và sự phát triển ống tiêu hóa của cá thát lát còm (Chitala ornata) giai đoạn 2 đến 30 ngày tuổi bằng phương pháp phân tích thành phần thức ăn và cấu trúc mô của ống tiêu hóa. Mẫu cá được thu vào ở các ngày tuổi 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 15, 20, 25 và 30. Căn cứ vào chiều dài ruột tương đối và chỉ số ưu thế thì cá thát lát còm là loài ăn động vật. Thành phần thức ăn trong ống tiêu hóa cá thát lát còm trong 30 ngày đầu gồm giáp xác chân chèo, giáp xác có vỏ, côn trùng và ấu trùng côn trùng. Thời điểm cá bắt đầu lấy thức ăn ngoài (5 ngày sau khi nở), cỡ miệng của cá là 1,20 ± 0,46 mm, lúc này ống tiêu hóa của cá được phân chia thành 4 phần gồm khoang miệng, thực quản, phần dạ dày và ruột. Ống tiêu hóa của cá thát lát còm phát triển hoàn chỉnh vào ngày tuổi thứ 8 với sự xuất hiện của các tuyến dạ dày. Sự thay đổi loại thức ăn ban đầu của cá thát lát còm có liên quan nhiều đến cỡ miệng hơn là quá trình phát triển ống tiêu hóa, sự chuyển đổi thức ăn chế biến cho cá thát lát còm phải thực hiện sau ngày tuổi thứ 8.
Hiện trạng và phân bố nguồn giống thủy sản ở vùng biển tỉnh Bến Tre
Tóm tắt
|
PDF
Trong hai năm 2020-2021, số liệu về nguồn giống hải sản được thu thập ở vùng biển Bến Tre tại 30 trạm nghiên cứu đại diện cho hai mùa gió. Tổng số 240 mẫu bao gồm 120 mẫu trứng cá, cá con (TC-CC) và 120 mẫu ấu trùng tôm, tôm con (ATT-TC) đã được thu thập bằng lưới thu mẫu tầng mặt và thẳng đứng. Miệng lưới có gắn máy đo dòng chảy để xác định lượng nước qua lưới. Kết quả phân tích bước đầu cho thấy thành phần nguồn giống khá đa dạng với 30 loài và 41 họ cá; 13 loài và 13 họ tôm. Các họ cá chiếm ưu thế cả về số lượng và tần suất xuất hiện là họ cá trỏng, cá bống trắng, cá giả bống, cá đục và cá tuyết. Các họ tôm chiếm ưu thế là họ tôm he, tôm gai, tôm moi và tôm tít. Mật độ trung bình là 5.743 trứng cá và 299 cá con/1.000m3 nước biển ở tầng nước mặt, 1.296 trứng cá và 656 cá con/1.000 m3 nước biển ở tầng nước thẳng đứng. Mật độ ấu trùng và tôm con trung bình đạt 3.885 cá thể/1.000 m3 nước biển trong toàn vùng biển nghiên cứu. Khu vực từ cửa Tiểu tới cửa Cổ Chiên và lân cận được ghi nhận đóng vai trò rất quan trọng, là bãi sinh sản, bãi sinh trưởng tự nhiên của nhiều loài hải sản...
Xã hội-Nhân văn
Nghiên cứu chương trình truyền hình về biến đổi khí hậu – trường hợp Sống Với Thiên Nhiên (Kênh VTV5 Tây Nam Bộ)
Tóm tắt
|
PDF
Theo dự đoán của các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của con người và tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, truyền thông về BĐKH luôn là vấn đề cấp thiết đặc biệt đối với các cơ quan báo chí. Qua khảo sát chương trình truyền hình Sống với thiên nhiên trên kênh VTV5 Tây Nam Bộ, một chương trình truyền hình chuyên biệt về BĐKH, thực hiện phỏng vấn chuyên gia và khảo sát ý kiến công chúng truyền hình, nghiên cứu đã tìm ra những thế mạnh và hạn chế của chương trình này qua nội dung và hình thức thể hiện, từ đó nhận diện những ưu điểm cần phát huy cũng như những hạn chế cần khắc phục trong truyền thông về BĐKH qua loại hình báo chí truyền hình.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với công tác cố vấn học tập tại Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với công tác cố vấn học tập (CVHT) tại Khoa Phát triển Nông thôn (PTNT), Trường Đại học Cần Thơ. Trong nghiên cứu, 452 sinh viên được khảo sát theo phương pháp chọn mẫu phân tầng và ngẫu nhiên. Phương pháp thống kê mô tả, kiểm định thang đo về độ tin cậy Cronbach’s Alpha, nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả phân tích cho thấy đa phần sinh viên cảm thấy hài lòng với công tác CVHT tại Khoa PTNT. Có hai nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng chung của sinh viên: (i) Chất lượng chức năng và (ii) Chất lượng kỹ thuật. Trong đó nhân tố thứ nhất tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của sinh viên. Do vậy, Khoa PTNT và Trường Đại học Cần Thơ cần có các biện pháp, chính sách phù hợp để cải thiện các nhân tố trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác CVHT.
Đối thoại Đông - Tây trong tiểu thuyết tên tôi là đỏ của Orhan Pamuk
Tóm tắt
|
PDF
Orhan Pamuk, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, là nhà văn lớn của văn chương đương đại thế giới. Tác phẩm của Pamuk mang đậm dấu ấn của văn học hậu hiện đại, bộc lộ cảm quan về một thế giới rạn nứt, vỡ vụn, đầy rẫy sự hoài nghi và bất tín nhận thức. Tên tôi là Đỏ là tiểu thuyết nổi trội trong sáng tác của ông. Nghiên cứu này tập trung kiến giải vấn đề có tính đối thoại Đông - Tây và các kỹ thuật tăng hiệu ứng đối thoại trong tác phẩm. Từ đó, người viết khơi mở các vỉa tầng giá trị trong tiểu thuyết của Pamuk, chỉ rõ thành công và đóng góp của ông trong văn học hậu hiện đại thế giới.
Kinh tế
Tác động của đánh giá trực tuyến đến ý định mua sắm trực tuyến của khách hàng thành phố Cần Thơ đối với ngành hàng thời trang
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết nhằm phân tích tác động của đánh giá trực tuyến đến ý định mua sắm trực tuyến của khách hàng thành phố Cần Thơ đối với ngành hàng thời trang. Số liệu nghiên cứu thu thập từ khảo sát 305 người dân trên địa bàn. Phương pháp đánh giá độ tin cậy của thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định và mô hình cấu trúc tuyến tính được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố thuộc về đánh giá trực tuyến gồm số lượng, chất lượng, độ tin cậy và sự chấp nhận đánh giá trực tuyến của khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến ý định mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, số lượng, chất lượng và độ tin cậy của đánh giá trực tuyến có ảnh hưởng đến sự chấp nhận các đánh giá trực tuyến; số lượng và độ tin cậy cũng được tìm thấy có ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá trực tuyến. Dựa trên các kết quả phân tích, một số hàm ý quản trị được đề xuất để người bán hàng khai thác các đánh giá trực tuyến như một công cụ marketing để nâng cao hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến.