Ngày xuất bản: 29-06-2020

Sử dụng thuật toán Entropy chéo và chọn mẫu Gibbs để ước lượng xác suất sự kiện hiếm

Trần Văn Lý, Trần Văn Trọng, Nguyễn Dương Thanh Phú, Trà Đức Phô, Nguyễn Tử Thịnh
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, các mẫu mô phỏng Monte Carlo được khởi tạo bởi thuật toán chọn mẫu Gibbs quét tuần tự. Xác suất của sự kiện hiếm sẽ được ước lượng từ các mẫu mô phỏng này. Khi sử dụng phương pháp Monte Carlo đơn giản, để ước lượng được các xác suất rất bé của sự kiện hiếm thì cần phải tạo các mẫu mô phỏng có kích thước rất lớn, mất nhiều thời gian khởi tạo. Hạn chế này được cải thiện đáng kể khi phương pháp Entropy chéo đượcsử dụng kết hợp với thuật toán Gibbs để tạo các mẫu mô phỏng Monte Carlo. Với kỹ thuật đổi độ đo xác suất trong phương pháp Entropy chéo, các sự kiện hiếm sẽ xuất hiện trong mẫu mô phỏng với tần số cao hơn theo độ đo xác suất mới, nhờ đó không cần khởi tạo mẫu có kích thước quá lớn cũng có thể ước lượng tốt được xác suất của các sự kiện hiếm này khi trả ngược các kết quả tính toán về độ đo xác suất ban đầu.    

Mô phỏng hệ đầu dò gamma triệt Compton bằng phương pháp Monte Carlo

Châu Thành Tài, Trần Thiện Thanh, Châu Văn Tạo, Võ Công Phát, Phạm Ngọc Sơn
Tóm tắt | PDF
Trong công trình này, chương trình mô phỏng Geant 4 và MCNP-CP được sử dụng để mô hình hóa hệ phổ kế triệt Compton tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Hệ phổ kế bao gồm 12 tinh thể nhấp nháy Bisthmuth Germanate (BGO) đặt xung quanh HPGe được sử dụng để giảm phông từ tán xạ Compton. Kết quả mô phỏng cho thấy có sự phù hợp tốt của hàm đáp ứng của nguồn phóng xạ dạng điểm đối với các đồng vị Na-22, Co-60 và Cs-137. Hơn nữa, hiệu suất đỉnh năng lượng toàn phần được so sánh giữa hai chương trình với độ sai biệt dưới 1%. Nghiên cứu này là kết quả ban đầu trong việc tối ưu hóa cấu hình của hệ đo và so sánh với kết quả thực nghiệm trong tương lai.

Nghiên cứu hoạt tính ức chế matrix metalloproteinase-8 của các cao chiết nấm Isaria cicadae và Isaria tenuipes được phân lập tại Việt Nam

Mai Kiều Tiên, Nguyễn Chí Dũng, Đinh Minh Hiệp, Ngô Kế Sương
Tóm tắt | PDF
Isaria cicadae (I. cicadae) và Isaria tenuipes (I. tenuipes) là nấm ký sinh côn trùng chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học bao gồm hoạt tính ức chế khối u, kháng ung thư, tăng cường miễn dịch. MMP-8 (Matrix Metalloproteinase-8) là một trong những collagenase thuộc endopeptidase ở động vật có vú, liên quan đến sự thoái hóa chất nền ngoại bào, tăng sinh mạch, xâm lấn và di căn ung thư. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát hoạt tính ức chế di căn thông qua ức chế sự phân giải collagen của MMP-8 bằng 26 loại cao chiết của hai loài I. cicadae và I. tenuipes, ở các nồng độ 20, 200, 2000 µg/mL. Cao chiết cordyceps polysaccharide (CPS) I. cicadae quả thể thể hiện khả năng ức chế MMP-8 là cao nhất ở nồng độ 2000 µg/mL, với tỷ lệ ức chế là 52,05 ± 0,18%. Kết quả cho thấy tiềm năng ức chế MMP-8 của cao chiết polysaccharide, làm tiền đề cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về MMP-8, I. cicadae và I. tenuipes trong tương lai.

Phân phối tổng có trọng số của hai biến ngẫu nhiên phụ thuộc và ứng dụng trong lựa chọn danh mục đầu tư

Võ Văn Tài, Danh Ngọc Thắm, Nguyễn Ái Quỳnh
Tóm tắt | PDF
Dựa vào lý thuyết Copula, bài viết này thiết lập hàm mật độ và hàm phân phối có trọng số của tổng hai biến ngẫu nhiên phụ thuộc. Nghiên cứu cũng khảo sát một số độ đo để đánh giá sự rủi ro khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó. Những độ rủi ro này và các hàm số đã thiết lập được sử dụng để đánh giá phương án khi đầu tư cùng lúc hai cổ phiếu. Bài viết cũng đề xuất những ước lượng cho các tham số khi áp dụng lý thuyết vào số liệu thực. Thực hiện từ số liệu thực ở Việt Nam, bài viết không chỉ minh họa những tính toán phức tạp của lý thuyết đã trình bày mà còn cho thấy tiềm năng trong ứng dụng vào tài chánh của nghiên cứu này.

Chế tạo vật liệu nano berberine bằng phương pháp nghiền quay và khảo sát khả năng ức chế tăng sinh tế bào ung thư

Đỗ Thanh Sinh, Nguyễn Hữu Tuyển, Võ Nhị Kiều, Ngô Võ Kế Thành, Phạm Đặng Phương Dung, Mai Ngọc Tuấn Anh
Tóm tắt | PDF
Berberine (BBr) là một alkaloid khung cấu trúc isoquinoline có nguồn gốc tự nhiên, có nhiều tính chất như kháng viêm, giảm đau, kháng khuẩn và kháng ung thư. Tuy nhiên, do có độ sinh khả dụng thấp nên việc ứng dụng BBr vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu thực hiện nhằm chế tạo vật liệu nano BBr bằng phương pháp nghiền quay để tăng độ sinh khả dụng và thử nghiệm khả năng kháng ung thư. Tính chất vật liệu nano BBr được khảo sát bằng các phương pháp FE-SEM, TEM, DLS và XRD, kết quả cho thấy hạt nano BBr có kích thước trung bình khoảng 60 nm sau 120 giờ nghiền quay với sự hỗ trợ của bi zirconia. Vật liệu nano BBr cho thấy khả năng ức chế tăng sinh ở hai dòng tế bào ung thư vú (MCF-7) và gan (Hep G2).

Nghiên cứu thời gian và nhiệt độ hoạt hóa ống nano carbon ứng dụng chế tạo vật liệu xúc tác điện cực pin nhiên liệu methanol

Đặng Long Quân, Huỳnh Dương Ngọc Ái Trân, Phan Diễm Trinh
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, ống nano carbon (CNTs) được hoạt hóa bằng hỗn hợp nitric acid (HNO3) và sulfuric acid (H2SO4) tỉ lệ 1:1 về thể tích với thời gian và nhiệt độ khác nhau. Sau đó, vật liệu xúc tác điện cực platinum- ruthenium trên nền ống nano carbon hoạt hóa (PtRu/CNTs) được chế tạo bằng phương pháp khử hóa học. Các tiền chất H2PtCl6 và RuCl3 đã được sử dụng, với dung dịch ethylene glycol (EG) kết hợp với NaBH4 làm chất khử. Thành phần hóa học của các mẫu được xác định bằng phổ nhiễu xạ tia X (XRD), hình ảnh trực quan của các hạt nano PtRu bám trên bề mặt CNTs được chỉ ra bởi ảnh chụp từ kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), và phép đo điện hóa cyclic voltammetry (CV) được sử dụng để phân tích và đánh giá khả năng oxy hóa methanol của các mẫu nghiên cứu. Kết quả đo phổ XRD và ảnh TEM cho thấy, các hạt xúc tác nano PtRu đã được tổng hợp thành công trên nền CNTs với kích thước hạt tương đối đồng nhất. Đặc biệt, phổ CV cho thấy có sự khác biệt lớn về khả năng oxy hóa methanol giữa các mẫu nghiên cứu. Trong đó, mẫu xúc tác PtRu/CNTs sử dụng ống nano carbon hoạt hóa trong 5 giờ ở nhiệt độ 50oC cho khả năng xúc tác oxy hóa methanol cao nhất.

Nghiên cứu một số hoạt tính sinh học của cao chiết methanol cây lưỡi rắn trắng (Hedyotis diffusa Willd.)

Phan Kim Định, Trần Chí Linh, Võ Thị Mỹ Huyền, Trịnh Dương Hạnh My, Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Trọng Tuân, Lê Thị Diễm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số hoạt tính sinh học của cây Lưỡi rắn trắng Hedyotis diffusa Willd. (họ Cà phê). Cao chiết Lưỡi rắn trắng được xác định có chứa alkaloid, flavonoid, glycoside, tannin và triterpenoid. Hàm lượng polyphenol và flavonoid tổng lần lượt tương đương 83,58±1,38 mg GAE/g cao chiết và 398,53±7,13 mg QE/g cao chiết. Hoạt tính chống oxy hóa được xác định bằng phương pháp trung hòa gốc tự do DPPH và khử sắt cho thấy cao chiết Lưỡi rắn trắng có hoạt tính chống oxy hóa khá cao. Cao chiết Lưỡi rắn trắng được khảo sát hoạt tính chống viêm bằng phương pháp ức chế sự biến tính protein huyết thanh bò và albumin trứng. Kết quả cho thấy rằng, cao chiết Lưỡi rắn trắng ở nồng độ 200 μg/mL có khả năng ức chế sự biến tính albumin huyết thanh bò đạt 60,30±6,04% và ức chế sự biến tính albumin trứng đạt 57,07±5,93%. Kết quả khảo sát hiệu quả bảo vệ gan trên mô hình chuột được gây tổn thương gan bằng carbon tetrachloride (CCl4) của cao chiết Lưỡi rắn trắng cho thấy, ở cả 3 liều cao chiết khảo sát (100, 200, 400 mg/kg khối lượng chuột) đều có khả năng làm giảm trên 50% hàm lượng enzyme AST và ALT. Bên cạnh đó, cao chiết Lưỡi rắn trắng cũng cải thiện tình trạng stress oxy hóa trong gan chuột thí nghiệm qua hiệu quả làm giảm mức malondialdehyde và tăng mức glutathione trong mô gan.

Ứng dụng mô hình 5E vào dạy học chương “Chất khí” Vật lý 10 theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh

Nguyễn Đăng Thuấn, Nguyễn Hoàng Phúc
Tóm tắt | PDF
Bài viết đề cập nghiên cứu xây dựng tiến trình dạy học Vật lí theo mô hình 5E nhằm phát triển năng lực cho học sinh phổ thông thông qua dạy học chương Chất khí ở môn Vật lí lớp 10, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dựa trên mô hình dạy học 5E, bài báo xây dựng thành công một quy trình giảng dạy cho chương “Chất khí” Vật lí 10. Cụ thể, phương pháp mới của được sử dụng cho học sinh trung học trong các giờ thực nghiệm. Kết quả cho thấy rằng kỹ năng học tập của học sinh được phát triển đáng kể.

Ảnh hưởng của cao chiết lá xoài non (Mangifera indica L.) đến hoạt động enzyme glucose-6-phosphatase và glucose-6-phosphate dehydrogenase

Nguyen Thi Ai Lan, Đái Thị Xuân Trang
Tóm tắt | PDF
Cao chiết lá xoài (Mangifera indica L.) đã được chứng minh có khả năng hạ glucose huyết, điều hòa lipid huyết và chống huyết khối trên chuột bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) Trong nghiên cứu này, cao chiết lá xoài tiếp tục được đánh giá khả năng ảnh hưởng đến các enzyme là nguyên nhân gây nên tình trạng tăng glucose huyết hoặc stress oxy hóa. Hai enzyme được đề cập trong nghiên cứu là glucose-6-phosphatase (G6Pase) và glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PDH). Kết quả cho thấy, cao chiết lá xoài non (LXN) có khả năng ức chế hoạt động của enzyme G6Pase và G6PDH in vitro đạt lần lượt 90% và 80% ở nồng độ cao chiết là 100 và 125 µg/mL. Kết quả nghiên cứu in vivo trên mô hình chuột gây độc bằng alloxan monohydrate (AM), cao chiết LXN có khả năng điều hòa hoạt động của hai enzyme này trở về xu hướng bình thường ở nồng độ cao chiết LXN là 450 mg/kg khối lượng chuột. Cao chiết LXN cũng được chứng minh có khả năng phục hồi cấu trúc mô bệnh học của chuột bị gây độc bởi AM trở về trạng thái bình thường. Vì vậy, LXN là nguồn nguyên liệu tiềm năng ức chế enzyme chuyển hóa glucose và trở thành dược liệu điều trị bệnh ĐTĐ và các biến chứng của bệnh ĐTĐ.

Thuật toán di truyền trong phân tích chùm ảnh dựa trên sự trích xuất những khoảng đặc trưng

Pham Toan Dinh, Võ Văn Tài
Tóm tắt | PDF
Dựa trên việc trích xuất khoảng dữ liệu từ ma trận đồng hiện mức xám, nghiên cứu này đề xuất thuật toán di truyền trong phân tích chùm cho các hình ảnh (GACI). Thuật toán có thể xác định số chùm thích hợp và tìm các phần tử trong mỗi chùm. GACI được thực hiện một cách nhanh chóng bởi một chương trình Matlab. Các ví dụ số minh họa từng bước cho GACI và so sánh nó với một số thuật toán đã công bố trước. Kết quả cho thấy ưu điểm của thuật toán đề nghị và tiềm năng trong áp dụng thực tế của nghiên cứu này.

Nghiên cứu đặc tính điện tử và tính chất vận chuyển điện tử của penta-graphene nanoribbon dạng biên răng cưa được pha tạp các nguyên tố nhóm III

Phạm Thị Bích Thảo, Nguyễn Thành Tiên, Trần Thị Ngọc Thảo
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, đặc tính điện tử và tính chất vận chuyển điện tử của penta-graphene nanoribbon dạng biên răng cưa pha tạp lần lượt boron (B), nhôm (Al), và gallium (Ga) tại hai vị trí khác nhau được khảo sát một cách có hệ thống bằng cách sử dụng lý thuyết phiếm hàm mật độ và hàm Green không cân bằng. Cụ thể, cấu trúc vùng, mật độ trạng thái, đặc tuyến I(V) và phổ truyền qua của tất cả các mẫu được nghiên cứu một cách chi tiết. Kết quả cho thấy đặc tính điện tử và tính chất vận chuyển điện tử của penta-graphene nanoribbon dạng biên răng cưa được pha tạp không những phụ thuộc vào nguyên tố được pha tạp mà còn phụ thuộc vào vị trí được pha tạp. Đặc biệt, tất cả các mô hình được khảo sát có cường độ dòng tăng gấp 8 lần so với penta-graphene nanoribbon dạng biên răng cưa thuần.

Khảo sát khả năng phục hồi ảnh của thuật toán tích chập trong phương pháp chụp ảnh nhiễu xạ sử dụng chùm tia X kết hợp không hoàn toàn

Trần Nhân Giang, Nguyễn Tấn Được, Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Bùi Hoàng Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát khả năng phục hồi ảnh của thuật toán tích chập trong phương pháp chụp ảnh nhiễu xạ sử dụng tia X kết hợp không hoàn toàn. Nghiên cứu được thực hiện bằng việc sử dụng chùm tia X tới với các mức độ kết hợp khác nhau và các loại mẫu khác nhau nhằm khảo sát khả năng phục hồi ảnh của thuật toán tích chập ở những điều kiện khác nhau. Kết quả đạt được trong nghiên cứu này cho phép đánh giá khả năng áp dụng của thuật toán tích chập trong phương pháp chụp ảnh nhiễu xạ sử dụng tia X kết hợp không hoàn toàn.

nh hưởng của một số yếu tố nuôi cấy lan hoàng thảo kèn (Dendrobium lituiflorum Lindl.) trong điều kiện thoáng khí

Phạm Văn Lộc, Nguyễn Phương Hồng Nguyện
Tóm tắt | PDF
Hoàng thảo kèn (Dendrobium lituiflorum Lindl.) là loài lan rừng đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Trong mục tiêu cung cấp cây giống số lượng lớn cho thị trường, cây con chất lượng tốt là vấn đề cần tập trung nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của hàm lượng đường sucrose (0, 5, 10, 15, 20 g/L), hàm lượng môi trường khoáng (MS, ½MS, ¼MS) lên sự phát triển của chồi, rễ và cây con ex vitro nuôi cấy chồi lan trong điều kiện thoáng khí đã được đánh giá. Số lượng rễ và tỉ lệ cây sống sót được ghi nhận trên môi trường ½MS là 3,9 rễ /chồi và 33,3%, trên môi trường ¼MS là 3,7 rễ/chồi và 33,3%. Sự gia tăng số lượng rễ, chiều cao chồi được quan sát trên môi trường có hàm lượng sucrose cao. Tỉ lệ sống của cây con sau ra vườn được ghi nhận trên môi trường ½MS bổ sung 10 g/L sucrose đạt 70%.  Nghiên cứu này cho thấy hàm lượng sucrose, hàm lượng khoáng của môi trường là những yếu tố quan trọng giúp gia tăng tỉ lệ sống sót của cây con khi thuần dưỡng.

Sử dụng phần mềm thống kê trong việc so bằng đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan môn Toán lớp 12

Bùi Anh Kiệt, Tăng Hòa Thái
Tóm tắt | PDF
Bài viết giới thiệu về lý thuyết so bằng đề kiểm tra; đề xuất một qui trình biên soạn, thẩm định và so bằng hai đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan môn Toán. Qui trình này sử dụng các phần mềm thống kê (IATA và Excel) và lý thuyết ứng đáp câu hỏi (IRT) để thiết lập một thang đo chung cho hai đề kiểm tra. Đây là cơ sở để chuyển điểm thô và điểm năng lực  của thí sinh từ đề kiểm tra này sang đề kiểm tra kia, nhằm mục đích so bằng độ khó giữa hai đề kiểm tra và đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Ứng dụng lý thuyết nói trên, nghiên cứu này thực nghiệm trên hai đề kiểm tra một tiết cho một chương của chương trình toán lớp 12 ở một số học sinh của ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang năm học 2019.

Cấu trúc và tính chất điện tử của cluster vàng AuN (N = 2-20)

Nguyễn Thanh Sĩ, Nguyễn Khánh Ngọc, Phạm Vũ Nhật
Tóm tắt | PDF
Cấu trúc và tính chất điện tử của cluster vàng AuN (N = 2-20) được nghiên cứu bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ (DFT) sử dụng phiếm hàm LC-BLYP kết hợp với bộ cơ sở tương quan – phù hợp giả thế cc-pVDZ-PP. Sự phát triển cấu trúc và một số tham số nhiệt động cơ bản bao gồm năng lượng nguyên tử hóa, chênh lệch năng lượng bậc hai và năng lượng phân mảnh một bước được khảo sát một cách chi tiết. Các tính chất điện tử và xu hướng ổn định của các cluster được làm sáng tỏ bằng mô hình PSM. Phổ hấp thụ electron của cluster Au6 cũng được mô phỏng bằng phương pháp TD-DFT.

Dạy học mạch nội dung âm thanh trong môn Khoa học lớp 4 nhằm phát triển năng lực khoa học tự nhiên cho học sinh tiểu học

Nguyễn Thị Hảo, Trương Hoàng Thông, Hoàng Thị Phương Thảo, Đỗ Thành Đạt
Tóm tắt | PDF
Định hướng chung của chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 là chuyển đổi từ cách tiếp cận kiến thức sang tiếp cận dựa trên năng lực. Trong chương trình 2018, môn Khoa học cấp tiểu học bước đầu hình thành cho học sinh thế giới quan khoa học về giới tự nhiên. Chương trình môn học được xây dựng theo định hướng mới này đòi hỏi những thay đổi trong việc thiết kế, tổ chức hoạt động dạy và học của giáo viên. Bên cạnh đó, những tri thức về âm thanh là những tri thức nền tảng cần trang bị cho trẻ trong quá trình khám phá thế giới tự nhiên. Bài viết trình bày về việc xây dựng tài liệu tham khảo dạy học mạch nội dung Âm thanh trong môn Khoa học lớp 4 nhằm phát triển năng lực khoa học tự nhiên và đáp ứng mục tiêu giáo dục chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Phân lập và xác định đặc tính của vi khuẩn trong đất trồng nhãn có khả năng phân hủy potassium chlorate

Nguyễn Thị Phi Oanh, Nguyễn Lê Lam Ngọc
Tóm tắt | PDF
Potassium chlorate (KClO3) là hợp chất được sử dụng để xử lý ra hoa nhãn vào mùa nghịch giúp tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, sử dụng các hợp chất có gốc chlorate vượt liều lượng cho phép gây ô nhiễm môi trường, từ đó, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Mười bốn dòng vi khuẩn đã được phân lập từ các mẫu đất vườn nhãn ở quận Cái Răng, Cần Thơ có khả năng phân hủy KClO3, trong đó 7 dòng tạo sinh khối cao trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung KClO3 (100 ppm) và glucose (2000 ppm). Trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng có bổ sung KClO3 và glucose, hiệu suất phân hủy KClO3 của các dòng vi khuẩn cao hơn so với thí nghiệm không bổ sung glucose.  Dòng CR10 và CR8 có hiệu suất phân hủy KClO3 cao nhất, tương ứng 99,8% và 97,4% sau 7 ngày nuôi cấy. Khi chủng vi khuẩn vào đất đã khử trùng có bổ sung KClO3 (375 ppm) và glucose (750 ppm), 2 dòng vi khuẩn CR10 và CR8 cũng có hiệu suất phân hủy KClO3 cao hơn các dòng vi khuẩn còn lại, đạt 94,4% và 93,7% sau 9 ngày nuôi cấy.Trong 2 dòng vi khuẩn tiềm năng, dòng CR8 có khả năng hóa hướng động theo KClO3. Phân tích trình tự gen 16S-rRNA cho thấy dòng vi khuẩn CR8 thuộc chi Enterobacter và được định danh là Enterobacter sp. CR8.

Ứng dụng mô hình mô phỏng docking để so sánh tương tác giữa các thuốc kháng cholinergic với enzyme acetylcholinesterase

Nguyễn Hữu Toàn, Nguyen Thanh Si, Huỳnh Như Thảo, Huỳnh Duy Thiện, Trần Quang Đệ, Bùi Thị Bửu Huê, Hà Thị Kim Quy, Lê Thị Bạch, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, docking phân tử bằng AutoDock được sử dụng để nghiên cứu những tương tác giữa một số loại thuốc (tacrine, rivastigmine, galantamine và donepezil) với enzyme acetylcholinesterase (AChE). Cấu trúc X-ray của AChE (PDB: 4EY6) được lấy từ Protein Data Bank để hỗ trợ các tính toán được chạy trên AutoDock Vina, AutoGrid4 và AutoDock4. Năng lượng tự do của các cấu trúc được xác định bằng việc sử dụng phương pháp docking tự động thuật toán di truyền Lamarckian (LGA). Những tác động ức chế của ligand được phân tích bằng phần mềm Discovery Studio Visualizer chỉ ra các tương tác quan trọng: liên kết hydrogen, vùng kị nước, pi-stacking với hướng hoạt động các amino acid thơm và thuốc. Dựa vào kết quả từ thuật toán LGA và phần mềm Discovery Studio Visualizer, kết quả docking cho thấy cấu trúc các thuốc kháng acetylcholinesterase đều tương tác với vùng hoạt động của enzyme này, định hướng cho việc sàng lọc các thuốc điều trị bệnh Alzheimer.       

Sử dụng các hàm phân bố Gauss để miêu tả hàm phân bố mật độ xác suất của tán xạ nhiều lần

Nguyễn Duy Thông
Tóm tắt | PDF
Tán xạ nhiều lần được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các sai số trong việc xác định vị trí của các hạt tới trong thực nghiệm. Hàm phân bố mật độ xác suất của góc tán xạ nhiều lần đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm khớp các số liệu thực nghiệm. Hiện nay, nhiều công trình vẫn đang sử dụng hàm phân bố mật độ xác suất của góc tán xạ nhiều lần tuân theo phân bố Gauss. Điều này dẫn đến các sai số trong quá trình làm khớp. Để xác định hàm phân bố mật độ xác suất của góc tán xạ nhiều lần, trong bài báo này, mô phỏng tương tác của hạt tới để đạt được phân bố của góc tán xạ bằng chương trình g4beamline đã được tiến hành và dựa vào các tính toán c2 và hệ số Kullback-Leibler để xác định số hàm Gauss có thể được áp dụng để miêu tả hàm mật độ xác suất.

Tài nguyên thực vật làm thuốc ở Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Phạm Thị Thanh Mai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp qua các chuyến đi khảo sát thực địa và thu mẫu tại 50 ô tiêu chuẩn (20 m x 20 m) trên các sinh cảnh điển hình. Kết quả nghiên cứu ghi nhận được 335 loài cây thuốc thuộc 243 chi, 100 họ, 59 bộ và 3 ngành thực vật: Dương xỉ (Polypodiophyta), Tuế (Cycadophyta) và Ngọc lan (Magnoliophyta). Trong đó có 31 loài thực vật có giá trị bảo tồn cao đang bị đe dọa trên phạm vi quốc gia và quốc tế với 2 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007) (1 loài nhóm VU, 1 loài nhóm CR), 29 loài trong Sách đỏ Thế giới IUCN (2019) (2 loài nhóm VU, 27 loài nhóm LC) và 1/29 loài này được ghi nhận trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP (2019). Có 10 bộ phận của cây thuốc được dùng để chữa trị cho 26 nhóm bệnh. Các cây thuốc này phân bố ở 6 kiểu môi trường sống. Dạng sống thực vật làm thuốc nơi đây được chia thành 5 nhóm chính (cây có chồi trên mặt đất (Phanerophytes-Ph), cây có chồi sát mặt đất (Chamaephytes-Ch), cây có chồi nửa ẩn (Hemicryptophytes-Hm), cây có chồi ẩn (Cryptophytes-Cr), cây có chồi một năm (Therophytes-Th)), trong đó nhóm cây có chồi trên mặt đất (Ph) chiếm ưu thế nhất với phổ thực vật là BS = 57,31 Ph + 8,06 Ch + 5,67 Hm + 10,75 Cr + 18,21 Th. Nghiên cứu này góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc ở Di tích này.

Mô phỏng hệ đo Rayleigh-Compton bằng phương pháp Monte Carlo

Lê Hoàng Minh, Lê Quang Vương, Huỳnh Đình Chương, Huỳnh Thanh Nhẫn, Trần Thiện Thanh, Châu Văn Tạo
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, phương pháp Monte Carlo được áp dụng để mô phỏng cho hệ đo tán xạ Rayleigh-Compton sử dụng đầu dò bán dẫn Si(Li) trên phần mềm MCNP6. Trong đó, tia gamma tới mang năng lượng 59,54 keV được phát ra từ nguồn 241Am và góc tán xạ được xác định ở 124o. Các bia tán xạ là các đơn nguyên tố có nguyên tử số Z trải dài từ 13 đến 82. Song song với việc mô phỏng, các giá trị lý thuyết của tỉ số Rayleigh-Compton đã được tính toán dựa vào các mô hình NRFF, RFF, MFF trên phần mềm MATLAB. Các kết quả giá trị tỉ số Rayleigh-Compton từ mô phỏng và tính toán lý thuyết có độ sai biệt trung bình dưới 4%. Như vậy, với mô hình mô phỏng hệ đo tán xạ Rayleigh-Compton như trên, việc xác định nguyên tử số hiệu dụng cũng như mật độ electron cho các hợp chất có thể được thực hiện chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Hoạt tính kháng oxy hóa của cao chiết từ thân rễ cây thiền liền (Kaempferia galanga L.)

Trần Thanh Mến, Nguyễn Thị Huyền Anh, La Thị Kim Tú, Huỳnh Hồng Phiến, Huỳnh Kim Yến, Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Các đặc điểm dược tính quý của cây thiền liền (Kaempferia galanga L.) ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được khảo sát nhiều. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa in vitro và in vivo của cao chiết ethanol từ thân rễ cây thiền liền. Hoạt tính kháng oxy hóa in vitro được đánh giá theo ba phương pháp là DPPH, ABTSvà RP. Ruồi giấm hoang dại dòng CS (Drosophila melanogaster) được sử dụng để đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa in vivo. Kết quả cho thấy, cao chiết thiền liền thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa tốt khi khảo sát cả ba phương pháp ABTS, DPPH và RP, với giá trị EC50 (effective concentration) lần lượt là 151,6±2,5 µg/mL; 2404,8±55 µg/mL và 116,5±4,8 µg/mL. Đồng thời, ruồi giấm sống trong môi trường có bổ sung cao chiết ethanol từ thân rễ cây thiền liền có khả năng chống chịu tốt với điều kiện stress gây ra bởi H2O2 và paraquat tốt hơn so với ruồi giấm được nuôi trong môi trường tiêu chuẩn. Hàm lượng polyphenol và flavonoid trong cao chiết thiền liền được xác định là 54,42 mg GAE/g cao chiết và 56,96 mg QE/g cao chiết. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, thiền liền là một dược liệu tiềm năng chứa nhiều các hợp chất kháng oxy hóa.

Bài toán điều khiển phân bố và điều khiển biên cho phương trình đạo hàm riêng elliptic nửa tuyến tính

Nguyễn Thành Quí
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này chúng tôi nghiên cứu sự tồn tại nghiệm, các điều kiện tối ưu, và sự ổn định nghiệm cho một lớp các bài toán điều khiển tối ưu liên quan đến các phương trình đạo hàm riêng elliptic nửa tuyến tính. Trong lớp các bài toán điều khiển tối ưu này, các điều khiển phân bố và điều khiển biên sẽ cùng được xem xét, đồng thời chúng có thể xuất hiện phi tuyến trong phương trình trạng thái. Đây là một lớp bài toán khá tổng quát và phức tạp, việc nghiên cứu chúng thật thú vị và rất có ý nghĩa khoa học.

Tính chất quang xúc tác của các cấu trúc dị thể TiO2/ZnO

Lê Thị Ngọc Tú, Phạm Thiết Trường, Tôn Ngữ Quỳnh Trang, Vũ Thị Hạnh Thu
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, các cấu trúc dị thể TiO2/ZnO được chế tạo bằng cách kết hợp các phương pháp điện hóa, phún xạ và/hoặc thủy nhiệt. Cấu trúc tinh thể và hình thái của TiO2/ZnO được đánh giá bởi phương pháp nhiễu xạ tia X (XRD), kính hiển vi điện tử quét (SEM) và ảnh hiển vi lực nguyên tử (AFM). Tính chất quang xúc tác được đánh giá thông qua độ mất màu của dung dịch xanh methylene (MB) dưới ánh sáng tia tử ngoại (UV) hoặc ánh sáng khả kiến. Kết quả thu được cho thấy, các cấu trúc dị thể TiO2/ZnO được chế tạo bằng việc phối hợp các phương pháp trên đều thể hiện cấu trúc pha tinh thể đặc trưng của vật liệu TiO2 và ZnO. Kết quả khảo sát tính chất quang xúc tác cho thấy hiệu quả phân hủy dung dịch MB của các cấu trúc dị thể được xếp theo thứ tự từ cao tới thấp lần lượt là TiO2-thủy nhiệt/ZnO rod, cấu trúc màng TiO2/ZnO rod cấu trúc màng hai lớp TiO2/ZnO chủ yếu do cơ chế phân tách và dịch chuyển điện tích và diện tích hiệu dụng bề mặt lớn.

Đa dạng vi khuẩn lam ở một số thủy vực thuộc tỉnh Trà Vinh

Phạm Thị Bình Nguyên, Ngô Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về sự biến động thành phần loài và mật độ cá thể của vi khuẩn lam được tiến hành ở tỉnh Trà Vinh trong một số thủy vực: một số ao nước ngọt và nước thải tự nhiên, ao nuôi trồng thủy sản, ruộng lúa, kênh cấp thoát nước từ ruộng lúa, cửa sông trong mùa mưa và mùa nắng. Kết quả có 47 loài vi khuẩn lam thuộc 14 chi, 9 họ, 4 bộ (Chroococcales, Noctoscales, Oscillatoriales, Synechococcales) đã được xác định. Bộ Oscillatoriales chiếm số lượng nhiều nhất (44,68%) với 21 loài, tiếp theo là Nostoccales (25,53%) với 12 loài và Chroococcales chiếm 21,28%, với 10 loài. Synechococcales có loài thấp nhất (4 loài), chiếm 8,51%. Tất cả các thủy vực được khảo sát đều có sự phân bố của vi khuẩn lam. Trong đó, các thủy vực nước đọng như ao nước thải và ao nuôi trồng thủy sản có thành phần loài và mật độ vi khuẩn lam đều cao. Thành phần loài trong mùa mưa phong phú hơn mùa nắng (mùa mưa: 34/47 loài; mùa nắng: 27/47 loài). Trong số 47 loài được tìm thấy, Arthrospira (Spirulina) sp. có mật độ cao nhất trong ao nuôi trồng thủy sản (D15) (50.577 cá thể/L) và chủ yếu xảy ra vào mùa mưa với mật độ cao nhất là 81.953 cá thể/L, trong khi Microcytis sp. có mật độ cao nhất (73.567 cá thể/L) trong mùa khô.

Kết hợp giữa thuật toán di truyền và phương pháp giảm dốc nhất để xác định độ sâu bồn trầm tích từ dị thường trọng lực 2-D

Lương Phước Toàn
Tóm tắt | PDF
Thuật giải di truyền kết hợp phương pháp giảm dốc nhất để tính bề dày bồn trầm tích 2-D với mô hình là tập hợp những tấm hình chữ nhật thẳng đứng có hiệu mật độ thay đổi theo độ sâu là hàm parabol. Lời giải ban đầu của phương pháp giảm dốc nhất là cá thể tốt nhất trong quần thể có được sau những thế hệ tiến hóa của thuật giải di truyền; từ đó, phương pháp giảm dốc nhất tìm lời giải bài toán bằng cách cực tiểu hàm mục tiêu. Phương pháp đề xuất được kiểm tra trên mô hình; sau đó, dùng để tính bề dày bồn trầm tích 2-D trên 2 tuyến đo dị thường trọng lực An Giang và Bạc Liêu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả độ sâu tính toán bằng phương pháp đưa ra phù hợp với kết quả phân tích trước đây.

Hoạt tính kháng nấm Colletotrichum capsici gây bệnh thán thư trên ớt sau thu hoạch của tinh dầu tràm trà (Meleleuca alternifolia)

Lê Thanh Khang, Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Thị Thủy Tiên
Tóm tắt | PDF
Nấm Colletotrichum sp. gây hại rất phổ biến và nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng, từ cây rau màu như ớt, cà chua, bầu bí, dưa,… đến các loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, đu đủ, chuối, thanh long. Một loài nấm Colletotrichum có thể gây hại trên nhiều loại cây trồng và ngược lại, một loại cây trồng có thể bị tấn công bởi nhiều loài nấm Colletotrichum. Nghiên cứu này nhằm xác định khả năng ức chế nấm Colletotrichum capsici gây bệnh thán thư trên ớt của tinh dầu tràm trà (Meleleuca alternifolia). Nghiên cứu cho thấy nồng độ ức chế của tinh dầu tràm trà đối với nấm C. capsici được xác định là 6 µL/mL. SEM được sử dụng để kiểm tra các thay đổi hình thái của hệ sợi dòng nấm C. capsici. Kết quả cho thấy những thay đổi đáng chú ý về hình thái của sợi nấm. Nghiên cứu cũng được thực hiện trong điều kiện in vivo đã chứng minh hiệu quả nồng độ tốt nhất của tinh dầu tràm trà trong việc phòng trừ bệnh thán thư do nhiễm nấm C. capsici trên trái ớt sau khi được tách khỏi cây là 10%.

Điều kiện tối ưu và đối ngẫu cho bài toán tối ưu đa trị sử dụng đạo hàm đa trị Clarke theo hướng nón

Lê Thanh Tùng, Phạm Thanh Hùng, Trần Thiện Khải, Phạm Lê Bạch Ngọc
Tóm tắt | PDF
Bài báo này khảo sát bài toán đối ngẫu dạng Mond-Weir và Wolfe cho bài toán tối ưu đa trị có ràng buộc sử dụng đạo hàm đa trị Clarke theo hướng nón. Trước hết, điều kiện tối ưu cần và đủ cho bài toán tối ưu đa trị có ràng buộc sử dụng đạo hàm đa trị Clarke theo hướng nón cho lớp hàm tựa lồi nửa địa phương được khảo sát. Sau đó, bài toán đối ngẫu dạng Mond-Weir và Wolfe cho bài toán tối ưu đa trị có ràng buộc và các tính chất về đối ngẫu mạnh, đối ngẫu yếu và đối ngẫu ngược được trình bày.

Thiết kế, tổng hợp và đánh giá khả năng ức chế enzyme histone deacetylase (HDAC) in silico của một số dẫn xuất tương tự belinostat

Nguyễn Cường Quốc, Nguyễn Thị Huỳnh Trang, Đặng Thị Thu Thảo, Huỳnh Như Thảo, Huỳnh Thanh Ngân, Trần Nguyễn Gia Huy, Nguyễn Hồng Thi, Võ Thị Như Ý, Trần Quang Đệ, Bùi Thị Bửu Huê, Hà Thị Kim Quy, Lê Thị Bạch, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Belinostat là thuốc có khả năng ức chế enzyme HDAC khá tốt, được sử dụng điều trị các khối u ác tính về huyết học và khối u rắn. Trong nghiên cứu này, các dẫn xuất tương tự belinostat đã được tổng hợp thành công qua quy trình đơn giản và hiệu quả, phù hợp với quy mô phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Quy trình trải qua 6 bước: i) Tạo m-nitrobenzaldehyde sử dụng tác nhân KNO3/H2SO4; ii) Phản ứng Wittig sử dụng chất thân hạch ylide; iii) Khử nhóm –NO2 thành –NH2; iv) Phản ứng tạo sulfonyl; v) Phản ứng thế thân hạch với các amine; và vi) Phản ứng tạo thành hydroxamate với tác nhân NH2OH. Kết quả các dẫn xuất đã được tổng hợp thành công với hiệu suất toàn phần tương đối cao, cấu trúc được xác định dựa trên các phương pháp phổ nghiệm bao gồm 1H-NMR và MS và đánh giá khả năng ức chế HDAC bằng phương pháp in silico.

Phân tích dữ liệu từ vùng vĩ độ thấp sử dụng phép biến đổi wavelet liên tục hai chiều

Dương Quốc Chánh Tín, Dương Hiếu Đẩu, Nguyễn Thị Bích Liên
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, phép biến đổi wavelet liên tục được ứng dụng rất nhiều trong việc phân tích dữ liệu trường thế nhằm định vị các nguồn gây ra dị thường cùng các thuộc tính của chúng. Với dữ liệu từ vùng vĩ độ rất thấp như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vĩ độ  11,07o), phương của vector cường độ từ hóa và phương của trường từ Trái đất nơi đo đạc thường nằm nghiêng làm cho các dị thường từ có dạng bất đối xứng và nằm lệch đi so với nguồn. Do đó, dị thường từ những vùng này rất khó phân tích. Trong bài báo này, phép biến đổi wavelet liên tục hai chiều (2-D) sử dụng hàm wavelet Farshad-Sailhac sẽ được nghiên cứu, áp dụng để đưa dị thường bất đối xứng về dạng đối xứng và dịch chuyển tâm dị thường về tâm nguồn, từ đó, xác định được vị trí tâm vật thể gây ra dị thường bằng phương pháp cực đại độ lớn biến đổi wavelet, góp phần nâng cao chất lượng minh giải dữ liệu từ vùng này. Ngoài ra, để xác định các thuộc tính của nguồn trường được tốt hơn, hàm tương quan tuyến tính giữa độ sâu nguồn và tham số tỉ lệ ứng với hệ số biến đổi wavelet cực đại, cũng như hệ thức cho phép ước lượng kích thước nguồn đã được xây dựng. Sau khi kiểm chứng độ tin cậy của phương pháp được đề xuất qua các mô hình lý thuyết, quy trình phân tích dữ liệu từ vùng vĩ độ thấp đã được xây dựng và áp dụng để minh giải dữ liệu từ thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Xác định điều kiện lên men và hoạt tính kháng oxy hóa của nước lên men trái trâm (Syzygium cumini L.)

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Nguyễn Thị Minh Trâm, Đào Thanh Tâm, Văn Thị Hồng Huê, Dương Thị Mai Thảo, Nguyễn Đức Độ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu xác định các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình lên men dịch trái trâm (Syzygium cumini L.) sử dụng dòng nấm men Saccharomyces cerevisiae TN4. Sử dụng phần mềm Design Expert 7.0 để xác định các thông số tối ưu bao gồm pH, độ Brix và mật số nấm men ban đầu. Kết quả cho thấy với pH 4,2, 24°Brix và mật số nấm men ban đầu là 6 x 106 tế bào/mL sẽ cho độ cồn cao nhất đạt 10,78 % v/v. Ở thời điểm lên men 3 ngày, sản phẩm sau lên men đã đạt độ cồn 5,20% v/v, phù hợp với sản phẩm nước lên men trái trâm. Xác định được 11 hợp chất thực vật từ dịch và sản phẩm nước lên men trái trâm thông qua phương pháp quang phổ bao gồm steroid, triterpenoid, phenol, tannin, flavonoid, quinone, saponin, antocyanin, glucose, carotenoid và alkaloid. Hàm lượng polyphenol tổng của dịch trái trâm cao hơn của nước lên men trái trâm, cụ thể là là 57,0 mg GAE/L và 55,0 mg GAE/L. Sau quá trình lên men, khả năng khử gốc peroxide của nước lên men đạt giá trị IC50là 8,56 μL/mL, tăng so với dịch trâm ban đầu với giá trị IC50 là 12,23 μL/mL, cho thấy sản phẩm nước lên men trái trâm có khả năng kháng oxy hóa tốt hơn dịch trái trâm ban đầu.

Mô hình ngẫu nhiên cho sự lan truyền virus Corona

Nguyễn Hữu Khánh, Nguyễn Dương Phương Thành
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu sự lan truyền virus cúm corona trong đó nhóm ủ bệnh có khả năng lây nhiễm và nhóm bình phục có thể tái nhiễm. Mô hình cho bởi hệ phương trình vi phân ngẫu nhiên. Phân tích toán học chỉ ra rằng động lực của sự lan truyền được quyết định bởi số sinh sản cơ sở R0 và giá trị ngưỡng Rs. Khi Rs< 1, sự lan truyền tắt dần, còn khi R0 > 1, sự lan truyền vẫn còn trong cộng đồng. Toán tử vi phân và lý thuyết hàm Lyapunov được sử dụng để chứng minh tính ổn định và bền vững của các điểm cân bằng. Khảo sát số được thực hiện để khẳng định cho các kết quả lý thuyết.

Chế tạo và khảo sát khả năng kháng khuẩn của vật liệu nano bạc với hình dạng và kích thước khác nhau

Mai Ngọc Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Tuyển, Đỗ Thanh Sinh, Võ Nhị Kiều, Ngô Võ Kế Thành, Nguyễn Thị Phương Phong
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, vật liệu nano bạc có hình dạng và kích thước khác nhau được tổng hợp bằng phương pháp polyol. Tính chất quang và cấu trúc vật liệu nano bạc tạo thành được phân tích bằng các phương pháp UV-Vis, FE-SEM và XRD. Kết quả cho thấy trong môi trường ethylene glycol (EG)/ poly vinylpyrollidone (PVP), vật liệu nano bạc tạo thành có hình dạng hạt cầu với kích thước trung bình 21 nm và 85 nm tùy thuộc vào lượng bạc nitrat, tuy nhiên khi có sự hiện diện của ion Cl-, vật liệu nano bạc tạo thành hầu hết có dạng thanh nano. Tính chất kháng khuẩn của hạt nano bạc với kích thước 21 nm, 85 nm và thanh nano được thực hiện bằng phương pháp đếm khuẩn lạc trên đĩa thạch để xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC). Kết quả cho thấy hạt nano bạc 21 nm, 85 nm và thanh nano đều cho khả năng diệt khuẩn Escherichia coli tốt. Đối với Staphylococcus aureus, hạt nano bạc với kích thước 21 nm cho thấy kết quả diệt khuẩn tốt nhất với MIC = 7,5 µg/mL trong khi thanh nano bạc hầu như không cho thấy hiệu quả diệt loại khuẩn này.