Ngày xuất bản: 29-08-2019
Công nghệ
Lọc thích nghi cho tín hiệu điện não dựa trên ước lượng bình phương tối thiểu hồi qui
Tóm tắt
|
PDF
Tín hiệu điện não đo được bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn nhiễu khác nhau và cần được loại bỏ để có được tín hiệu điện não sạch. Phần lớn các nghiên cứu đã thực hiện việc lọc tín hiệu điện não dựa trên các giải thuật lọc như: lọc hạ thông, wavelet, ICA (independent component analysis)… Tuy nhiên, lọc hạ thông sẽ kém hiệu quả khi nguồn nhiễu biến thiên. Bên cạnh đó, các bộ lọc wavelet và ICA khó áp dụng cho việc lọc nhiễu trong thời gian thực. Do đó, trong nghiên cứu này, một giải thuật lọc thích nghi dựa trên ước lượng bình phương tối thiểu hồi qui RLSE (recursive least squares estimation) để loại bỏ nhiễu cho tín hiệu điện não EEG (electroencephalography) được sử dụng. Trước tiên, tín hiệu EEG mô phỏng và nhiễu biết trước được trộn với nhau. Giải thuật lọc thích nghi dựa trên RLSE được dùng để lọc nhiễu và dựng lại tín hiệu EEG đã mô phỏng. Sau đó, giải thuật này được áp dụng để lọc nhiễu cho tín hiệu EEG thực được đo từ thiết bị đo điện não EPOC (Emotiv). Kết quả đạt được của giải thuật lọc thích nghi dựa trên RLSE được so sánh với giải thuật lọc hạ thông và lọc wavelet. Kết quả nghiên cứu cho thấy giải thuật lọc thích nghi dựa trên RLSE cho kết quả lọc nhiễu tốt hơn so với lọc hạ thông và lọc wavelet. Đặc biệt, giải thuật lọc thích nghi dựa trên RLSE có thể áp dụng lọc thích nghi tín hiệu EEG trong thời gian thực trong khi lọc wavelet là không thể.
Mô hình tối ưu việc lựa chọn vị trí nhà xưởng trong chuỗi cung ứng để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời
Tóm tắt
|
PDF
Việc tận dụng năng lượng mặt trời là giải pháp hiệu quả đối với doanh nghiệp (DN) nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và lượng CO2 phát thải. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất thiết kế mạng lưới cung ứng xanh tích hợp hệ thống pin năng lượng mặt trời (PVs) với mục tiêu tối thiểu tổng chi phí và lượng khí thải CO2 từ các hoạt động sản xuất và vận tải. Phương pháp phân tích giá trị hiện tại ròng (NPV) được đề xuất nhằm đánh giá tính khả thi khi lắp đặt PVs với nhiều quy mô nhà máy khác nhau. Trên cơ sở đó, một mô hình tuyến tính nguyên hỗn hợp (MILP) được sử dụng để lựa chọn vị trí nhà máy, xác định lượng vận chuyển giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng (SC). Nghiên cứu áp dụng cho một DN may tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Việt Nam. Kết quả mô hình cho thấy việc tích hợp PVs giúp DN giảm sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, tiết kiệm chi phí sử dụng điện và tổng lượng khí CO2 trong toàn SC.
Thiết kế bộ điều khiển mờ lai cascade áp dụng cho robot rắn
Tóm tắt
|
PDF
Hiện nay, hầu hết các hệ điều khiển trong công nghiệp đều sử dụng bộ điều khiển PID để điều khiển quá trình. Phương pháp thông dụng để chỉnh định bộ điều khiển này là giải thuật Ziegler-Nichols. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc bởi đối tượng điều khiển thực tế, khó đạt được giá trị tối ưu của bộ điều khiển thông qua việc hiệu chỉnh thủ công. Bài báo này đề xuất một giải pháp kết hợp bộ điều khiển mờ để bù cho bộ điều khiển PID kinh điển, gọi là Fuzzy-PID. Đặc tính của bộ điều khiển Fuzzy-PID được minh họa bằng kết quả mô phỏng điều khiển hướng và vận tốc của robot rắn. Kết quả điều khiển dựa trên phần mềm MATLAB/Simulink cho thấy: Độ vọt lố, thời gian tăng và thời gian xác lập của hệ thống với bộ điều khiển mờ lai vượt trội hơn so với bộ điều khiển PID truyền thống. Ngoài ra, bộ điều khiển còn đáp ứng được khi có nhiễu tác động vào hệ thống.
Ứng dụng Fuzzy TOPSIS trong đánh giá và lựa chọn nhà cung ứng
Tóm tắt
|
PDF
Lựa chọn nhà cung ứng là một trong những công tác quan trọng góp phần vào sự thành công trong quản trị chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp. Để lựa chọn nhà cung ứng phù hợp, doanh nghiệp cần sử dụng các phương pháp đánh giá hệ thống và hiệu quả. Nghiên cứu này đề xuất sử dụng mô hình tích hợp Fuzzy-TOPSIS để đánh giá và xếp hạng các nhà cung ứng. Mô hình cho phép sử dụng đồng thời nhiều tiêu chí để đánh giá các nhà cung ứng trong môi trường bất định một cách khách quan. Một ví dụ tại Công ty TNHH Bao bì nhựa Thành Phú được áp dụng để minh họa cho mô hình đề xuất. Kết quả xếp hạng giúp doanh nghiệp lựa chọn được nhà cung ứng phù hợp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như hiệu quả chuỗi cung ứng.
Tìm điểm công suất cực đại của máy phát điện gió PMSG 200 W
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích chính của hệ thống máy phát điện gió là chuyển đổi năng lượng gió thành điện năng. Để có được công suất cực đại từ các tốc độ gió khác nhau thì phương pháp tìm điểm công suất cực đại (MPPT) được sử dụng. Bài báo trình bày một phương pháp điều khiển để dò tìm điểm công suất cực đại của hệ thống máy phát điện gió sử dụng máy phát điện đồng bộ nam châm vĩnh cửu (PMSG) thông qua thuật toán nhiễu loạn và quan sát (P&O). Công suất cực đại của hệ thống turbine gió được dò tìm dựa trên vận tốc rotor đạt được. Hệ thống đề xuất được thiết kế và mô phỏng trên MATLAB/Simulink. Kết quả mô phỏng đã cho thấy đây là kỹ thuật điều khiển tối ưu, cải thiện hiệu quả hiệu suất của hệ thống.
Công nghệ thông tin
Giải pháp phân loại bài báo khoa học bằng kĩ thuật máy học
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu khoa học là một phần không thể thiếu trong các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm và cả các công ty lớn. Kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học thường được trình bày dưới dạng các bài báo được gửi đến các tạp chí, hội thảo. Tuy nhiên, các hệ thống nhận bài của các tạp chí lớn có rất nhiều chủ đề như Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu, giáo dục ngành khoa học máy tính ACM có hơn 2.000 chủ đề, do vậy các tác giả và ban biên tập mất khá nhiều thời gian khi xác định một bài viết thuộc nhóm chủ đề nào trước khi nộp bài cho các tạp chí, hội thảo. Bài viết này đề xuất giải pháp tự động rút trích thông tin và phân loại một bài báo khoa học vào chủ đề nào đó. Dữ liệu vào sẽ được tiền xử lý, rút trích, véc-tơ hóa và phân loại bằng kỹ thuật máy học. Thực nghiệm được xây dựng trên tập dữ liệu là các bài báo khoa học đã được gửi đăng trên Tạp chí khoa học của Trường Đại học Cần Thơ. Các kỹ thuật máy học véc-tơ hỗ trợ (SVM), Bayes thơ ngây (Naïve Bayes), và k-láng giềng gần nhất (kNN) đã được sử dụng để so sánh nhằm tìm ra kết quả tốt nhất. Kết quả thực nghiệm cho thấy kỹ thuật SVM đã cho độ chính xác > 91%, rất khả thi cho việc xây dựng hệ thống tự động phân loại bài báo khoa học.
Môi trường
Đánh giá hiện trạng chất lượng nước mặt phục vụ khai thác cấp nước cho thành phố Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Sóc Trăng là tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nguồn nước cấp đô thị của tỉnh phụ thuộc nhiều vào nguồn nước dưới đất, tuy nhiên nguồn nước này đang bị suy giảm cả về chất và lượng, nghiên cứu chuyển đổi khai thác nước ngầm sang nước mặt là cần thiết và cấp bách. Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích thống kê thủy văn công trình, phân phối chuẩn và so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) để đánh giá hiện trạng xâm nhập mặn và các chất ô nhiễm gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt. Sông Hậu và các nhánh sông, rạch thuộc huyện Kế Sách có rủi ro bị xâm nhập mặn thấp hơn so với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh, nguồn nước mặt tại khu vực này thường bị ảnh hưởng bởi những chất ô nhiễm như BOD5, COD, TSS, vi sinh (tổng Coliform) và hàm lượng sắt tổng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chất lượng nước trên sông Hậu, rạch Cái Vộp, Cái Trâm, kênh số 1 và đoạn đầu kênh 30/4 có tần suất xuất hiện các chỉ tiêu ô nhiễm thấp hơn các sông rạch khác, do đó các sông rạch này có thể được xem xét sử dụng khai thác nước mặt cho cấp nước của thành phố Sóc Trăng.
Tự nhiên
Nghiên cứu chế tạo scaffold polylactic acid bằng phương pháp tách pha dung môi
Tóm tắt
|
PDF
Scaffold - dạng cấu trúc khung xốp, là một thành phần quan trọng trong kỹ thuật mô vì nó góp phần vào việc tạo nên cấu trúc mô ba chiều. Vì thế, đề tài này được tiến hành nhằm nghiên cứu chế tạo scaffold từ polymer phân hủy sinh học polylactic acid (PLA). Phương pháp tách pha dung môi được sử dụng và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành scaffold như loại dung môi, nồng độ polymer, nhiệt độ trao đổi, tỉ lệ ethanol/nước của hệ dung môi trao đổi, tỉ lệ dung dịch và dung môi trao đổi được tiến hành khảo sát. Kết quả thí nghiệm cho thấy khi tăng nồng độ polymer và lượng nước của dung môi trao đổi làm giảm kích thước lỗ xốp. Ngược lại, khi tăng nhiệt độ trao đổi và tỉ lệ dung môi hòa tan/dung môi trao đổi làm tăng kích thước lỗ xốp. Scaffold có kích thước lỗ xốp 42,4 mm có thể được chế tạo ở nồng độ PLA là 150 g/L, nhiệt độ trao đổi là 40ºC, dung môi trao đổi có tỉ lệ ethanol/nước là 96/4, tỉ lệ thể tích dung môi hòa tan/dung môi trao đổi là 1/20. Ngoài ra, kết quả thử nghiệm cơ học cho thấy độ bền kéo của scaffold giảm khi tăng kích thước lỗ xốp. Scaffold với lỗ xốp 42,4 mm có độ bền kéo là 65,5 MPa và diện tích bề mặt riêng là 25,7 m2/g.
Đa dạng loài và phân bố rong biển quần đảo Nam Du, Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng đa dạng loài và phân bố của các loài rong biển tại vùng biển quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Trong hai chuyến khảo sát từ ngày 29/7/2017 - 09/8/2017 và 22/4/2018 - 03/5/2018, sử dụng phương pháp điều tra thực địa lặn sâu có khí tài scuba, kết hợp với chụp ảnh, thu mẫu, định loại bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã xác định được 96 loài rong biển thuộc 35 họ, 20 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất với 44 loài; tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) 25 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) 23 loài; thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanophyta) 4 loài. Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận được 43 loài rong biển kinh tế; 1 loài rong biển nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ. Khu hệ rong biển quần đảo Nam Du có tính nhiệt đới (P = 3,0); chỉ số tương đồng trung bình (S = 0,35). Rong biển thường phân bố tạo thành các dải hẹp ven bờ các đảo, với loài rong cùi bắp cạnh (Tubinaria decurrens) chiếm ưu thế, có tần suất xuất hiện cao, trên 95% tại các trạm khảo sát và trên 50% sinh lượng nguồn lợi rong biển tại đây.
Một mô hình mờ hóa chuỗi thời gian cải tiến
Tóm tắt
|
PDF
Dựa trên những cải tiến trong việc xây dựng tập nền, mối quan hệ của mỗi phần tử trong chuỗi và nguyên tắc giải mờ, bài viết này đề xuất một mô hình mờ hóa dữ liệu chuỗi thời gian. Các tham số trong mô hình đề nghị được xem xét để có thể ứng dụng trong thực tế và được minh họa cụ thể qua các bước thực hiện bởi ví dụ số. Mô hình đề nghị có ưu điểm hơn một số mô hình phổ biến được sử dụng hiện tại qua nhiều tập dữ liệu chuẩn được xem xét. Nó cũng được áp dụng trong dự báo đỉnh mặn cho một tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Áp dụng này cũng cho thấy tiềm năng trong dự báo của mô hình được nghiên cứu.
Công nghệ sinh học
Tuyển chọn các dòng nấm mốc Aspergillus spp. có khả năng phân hủy bã mía sau trồng nấm
Tóm tắt
|
PDF
Aspergillus là một trong những loài vi sinh vật có khả năng phân giải cellulose mạnh. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tuyển chọn các dòng nấm mốc Aspergillus spp. có khả năng phân hủy bã cơ chất sau trồng nấm thông qua việc phân lập, tuyển chọn, định danh và ứng dụng hoạt tính phân giải cellulose của các dòng Aspergillus spp. Kết quả cho thấy, 65 dòng nấm mốc thuộc chi Aspergillus spp. từ 5 nguồn đất rễ, đất ruộng, rơm mục (Ô Môn), bã mía (Hậu Giang), mùn cưa (Cần Thơ) đã được phân lập và định danh sơ bộ dựa vào đặc điểm hình thái. Trong đó, dòng Aspergillus niger (BM-CMC-6) và Aspergillus tubingensis (DR-GL-9) có hoạt tính enzyme cellulase cao nhất và có khả năng phân giải mạnh cellulose trên cơ chất bã mía, rơm, giấy lọc. Hai dòng này cũng thể hiện hoạt tính enzyme endoglucanses và β-glucosidases cao nhất khi khảo sát hoạt tính hệ enzyme cellulase. Sự phối hợp dòng BM-CMC-6 và DR-GL-9 thể hiện tiềm năng làm chế phẩm để xử lý bã mía sau trồng nấm dựa trên tỷ lệ C/N (27,48) và khối lượng cơ chất giảm (31,57%) sau 15 ngày. Kết hợp giữa đặc tính hình thái và trình tự cho thấy dòng BM-CMC-6 đồng hình 100% với A. niger và DR-GL-9 đồng hình 99% với A. tubingensis.
Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh trong cây Thù lù cạnh (Physalis angulata L.) có khả năng kháng khuẩn ở khu vực thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập vi khuẩn nội sinh trong cây Thù lù cạnh đã có chức năng kháng khuẩn. Các mẫu rễ, thân, lá và trái của cây Thù lù cạnh ở khu vực quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được dùng làm nguyên liệu để phân lập vi khuẩn. Hoạt tính kháng khuẩn được khảo sát bằng phương pháp khuếch tán qua giấy lọc. Kết quả cho thấy tổng cộng có 62 dòng vi khuẩn nội sinh từ cây thù lù đã được phân lập. Trong đó, 25/62 dòng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh Aeromonas hydrophila, 20/62 dòng kháng vi khuẩn Escherichia coli, 13/62 dòng kháng vi khuẩn Staphyloccocus aureus. Ngoài ra, kết quả khảo sát 12 dòng vi khuẩn kháng khuẩn cao nhất đối với khả năng kháng thuốc kháng sinh cho thấy 12 dòng vi khuẩn thử nghiệm đều có khả năng kháng Streptomycin ở nồng độ từ 0,125-256 mg.L-1, 11 dòng có khả năng kháng Penicillin V với nồng độ từ 0,125-0,5 mg.L-1 và 8/12 dòng có khả năng kháng Cephalexin ở nồng độ từ 0,125-256 mg.L-1. Kết quả định danh thông qua trình tự 16S-rRNA cho thấy 3 dòng vi khuẩn DL19, DR7 và DTR12 lần lượt thuộc chi Bacillus, Enterobacter và Bacillus, có quan hệ gần gũi nhất tương ứng với loài Bacillus amyloliquefaciens NBRC 15535, Enterobacter cloacae DSM 30054 và Bacillus subtilis IAM 12118.
Công nghệ thực phẩm
Tối ưu hóa ba yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên men chính ở rượu vang điều
Tóm tắt
|
PDF
Dịch ép quả điều chứa nhiều khoáng chất, vitamin và hàm lượng đường cao thích hợp dùng để lên men chế biến rượu vang điều. Nghiên cứu này tiến hành khảo sát ảnh hưởng của ba yếu tố gồm: độ Brix (19-25), pH (4-5) và tỷ lệ men (5-10%) đến độ cồn. Thí nghiệm được thiết kế bằng phương pháp mặt đáp ứng (RSM) theo mô hình CCD (central composite design) trên phần mềm JMP 10 nhằm xác định điều kiện tối ưu cho quá trình lên men chính ở rượu vang điều . Kết quả cho thấy độ Brix ảnh hưởng mạnh nhất đến độ cồn. Ở điều kiện tối ưu là 22o Brix, pH = 4,5 và tỷ lệ men 7,5% rượu vang điều thành phẩm có độ cồn 12,1% v/v. Kết quả lên men thực nghiệm so với kết quả tối ưu dựa trên phần mềm JMP 10 có sự khác biệt không ý nghĩa về mặt thống kê (p
Nông nghiệp
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của các hộ trồng ca cao xen trong vườn dừa khi giá ca cao biến động ở tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
|
PDF
Chương trình phát triển ca cao trồng dưới tán dừa được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ tại tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nông dân gặp không ít khó khăn như dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn, năng suất thấp, giá ca cao biến động, đã không khuyến khích nông dân tiếp tục trồng ca cao. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của nông dân trồng ca cao trong bối cảnh giá ca cao biến động tại tỉnh Tiền Giang, sử dụng mô hình hồi quy logit đa thức. Nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn 212 hộ nông dân trồng ca cao ở ba huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hộ trồng ca cao có 03 phản ứng chính trong bối cảnh giá ca cao biến động là vẫn tiếp tục duy trì, chặt bỏ một phần và chặt bỏ hoàn toàn diện tích ca cao của họ. Các yếu tố tác động lớn đến các phản ứng của nông dân gồm tỷ lệ đóng góp thu nhập từ ca cao trong tổng thu nhập từ nông nghiệp của hộ, diện tích trồng dừa của hộ, kỳ vọng về giá bán ca cao tăng, số lao động của hộ và sâu bệnh, thú hoang gây hại.
Kiến thức, thái độ và thực tiễn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trồng rau ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm điều tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trong canh tác rau màu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, sử dụng cách tiếp cận thực hành xã hội. Kỹ thuật thu thập thông tin được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính. Ba xã được lựa chọn nghiên cứu là Quảng Thành, Hương An, Điền Hải. Kết quả cho thấy, 84,5% người trồng rau ở các địa bàn khảo sát có trình độ học vấn từ THCS trở xuống. Tất cả các hộ được phỏng vấn đều có sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác rau xanh. Có đến 20 hoạt chất khác nhau đang được sử dụng với từ 3 đến 5 loại được dùng trong một vụ rau, đi cùng với việc sử dụng quá liều chỉ dẫn. Độ tuổi, trình độ học vấn hay giới tính không phải là yếu tố quyết định đến việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Việc thực hành sử dụng thuốc BVTV chủ yếu theo kinh nghiệm và truyền miệng. Rất ít người nông dân có kiến thức về độc tính của thuốc BVTV mà họ đang sử dụng cũng như ý thức về bảo vệ môi trường, thể hiện qua việc sử dụng bảo hộ lao động không đầy đủ, bảo quản và thải loại bao bì thuốc bừa bãi, tạo ra các mối nguy cơ tác động đến môi trường sống và chính sức khỏe của bản thân họ.
Định danh tỏi Lý Sơn (Allium sativum L.) dựa vào các đặc điểm hình thái củ và chỉ thị phân tử
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm góp phần định danh chính xác thương hiệu tỏi Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông qua các đặc điểm hình thái củ và chỉ thị phân tử. Sáu loại tỏi đã được thu thập từ các địa phương trồng tỏi và các siêu thị có nguồn gốc rõ ràng bao gồm: Lý Sơn - Quảng Ngãi, Phan Rang - Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đà Lạt - Lâm Đồng, Hải Dương và Trung Quốc. Đã có tổng số 10 đặc điểm hình thái và cấu trúc của tỏi được đánh giá và 5 chỉ thị phân tử được sử dụng. Theo kết quả nghiên cứu, tỏi Lý Sơn dễ dàng được phân biệt với tỏi Hải Dương, Lâm Đồng và Trung Quốc dựa vào màu sắc vỏ lụa, đường kính củ, đường kính vùng rễ. Để phân biệt được tỏi Lý Sơn với tỏi Phan Rang và Khánh Hòa cần thông qua số lượng tép, đường kính củ và đường kính rễ. Số lượng tép của tỏi Lý Sơn là 19,8 ± 3,7 tép; đường kính củ - 2,79 ± 0,2 cm; đường kính vùng rễ - 1,11 ± 0,09 cm. Các chỉ thị cpSSR và cpSTR được thiết kế trong nghiên cứu chỉ cho phép phân biệt tỏi Lý Sơn với tỏi Phan Rang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Trung Quốc. Thông qua các chỉ thị phân tử cũng có thể khẳng định sự đồng nhất về mặt di truyền giữa tỏi Lý Sơn và tỏi Khánh Hòa.
Thủy sản
Khảo sát thành phần và kênh phân phối sản phẩm khai thác thủy sản ở tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 137 hộ khai thác thủy sản, 5 tàu lưới rê, 5 tàu lưới kéo và 8 cơ sở thu mua sản phẩm khai thác thủy sản để khảo sát về thành phần loài khai thác ở tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo và lưới rê có thể cung cấp sản phẩm khai thác quanh năm. Sản lượng và tỉ lệ cá tạp của nghề lưới rê (3,1±2,2 tấn/năm; 16,8%) và nghề lưới kéo (39,4±15,9 tấn/năm; 22,8%). Sản phẩm khai thác của nghề lưới kéo chủ yếu bán cho cơ sở thu mua (96,9%) và cơ sở thu mua bán cho nhà máy chế biến khoảng 47,9%. Đối với nghề lưới rê, chủ yếu bán cho cơ sở thu mua 90,5% và cơ sở thu mua bán cho nhà máy chế biến thủy sản khoảng 44,8%. Phần còn lại (
Nghiên cứu kết hợp màng bao chitosan và dịch chiết lá chanh (Citrus aurantiifolia) để bảo quản lạnh chả cá thác lác (Chitala chitala)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu khảo sát ảnh hưởng của màng chitosan kết hợp với dịch chiết lá chanh (Citrus aurantiifolia) đến chất lượng chả cá thác lác (Chitala chitala) trong quá trình bảo quản lạnh (4±1ºC). Kết quả đạt được cho thấy dịch chiết lá chanh được chiết tách với tỉ lệ lá chanh : nước cất (w/v) là 1:1,5 trong 2 giờ ở nhiệt độ phòng cho hiệu quả chống oxy hoá tối ưu với hàm lượng polyphenol, hàm lượng flavonoid và chỉ số IC50 đạt lần lượt là 170 mgGAE/g, 63,2 μgQE/g và 171 µg/mL. Sau 15 ngày bảo quản lạnh, mẫu đối chứng và mẫu bao gói bằng màng bao chitosan kết hợp 4% dịch chiết chanh vẫn giữ được giá trị cảm quan (11,8 và 13,8 điểm) và vi sinh nằm trong giới hạn cho phép (8,2x105 và 6,7x105 cfu/g). Khả năng hạn chế sự oxy hoá lipid trong quá trình bảo quản thông qua chỉ số PV cho thấy màng có bổ sung dịch chiết lá chanh có chỉ số PV là 0,607 meq/kg thấp so với mẫu đối chứng là 1,29 meq/kg. Từ kết quả nghiên cứu có thể thấy, khuynh hướng kết hợp giữa màng chitosan với các hợp chất tự nhiên từ thực vật có thể kéo dài thời gian bảo quản các sản phẩm thuỷ sản.
Nuôi vỗ thành thục và kích thích sinh sản cầu gai đen Diadema setosum (Leske, 1778)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện gồm 2 thí nghiệm (TN) nhằm xác định được thức ăn thích hợp trong nuôi vỗ thành thục và phương pháp kích thích sinh sản phù hợp cho cầu gai đen Diadema setosum. Ở TN1, cầu gai trưởng thành được cho ăn với 3 nghiệm thức (NT) thức ăn: 100% rong Gracillari sp. (NT1), 100% thức ăn chế biến (NT2) và kết hợp rong và thức ăn chế biến (NT3). TN2 được thực hiện với 4 phương pháp (PP) kích thích sinh sản khác nhau là: Tiêm 1,0 mL kaliclorua (KCl 0,5M), sốc nhiệt, chiếu đèn UV và hydrogen peroxide (H2O2). Kết quả cho thấy sau 90 ngày nuôi tỷ lệ sống cầu gai đạt >50% ở tất cả các NT. Hệ số thành thục sinh dục GSI đạt cao nhất (7,08±2,95%) ở NT2 và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với NT1 (P
Đáp ứng miễn dịch của cá rô phi (Oreochromisniloticus) chủng vắc-xin Stretococcus agalactiae bất hoạt
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiệu lực của vắc xin Streptococcus agalactiae bất hoạt trên cá rô phi (Oreochromis niloticus). Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, gồm 1 nghiệm thức đối chứng và 3 nghiệm thức tiêm vắc xin bất hoạt với thể tích tiêm lần lượt là 0,05 ml; 0,1 ml và 0,2 ml/cá. Sau 3 tuần tiêm vắc xin, cá được cảm nhiễm với vi khuẩn S. agalactiae và theo dõi trong 3 tuần sau cảm nhiễm để xác định chỉ số bảo hộ (RPS%). Mẫu máu cá được thu định kỳ mỗi tuần/lần để phân tích các chỉ tiêu huyết học và hàm lượng kháng thể đặc hiệu. Kết quả ghi nhận là vắc xin S. agalactiae bất hoạt có khả năng kích thích miễn dịch ở cá rô phi và kéo dài ít nhất đến 4 tuần sau khi tiêm vắc xin. Các chỉ tiêu huyết học và hiệu giá kháng thể trung bình ở cá tiêm vắc xin tăng có ý nghĩa thống kê (P
Ảnh hưởng của cao chiết thầu dầu (Ricinus communis L.) lên miễn dịch và khả năng kháng bệnh do Vibrio parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm nhằm đánh giá tác động của cao chiết thầu dầu (R. communis L.) lên đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng V. parahaemolyticus trên tôm thẻ chân trắng (P. vannamei). Tôm được cho ăn thức ăn trộn với cao chiết thầu dầu 0; 0,5; 1; 1,5% trong 60 ngày. Chỉ số huyết học, hoạt tính phenoloxidase (PO), superoxide dismutase (SOD) được xác định vào ngày 30, 60. Khả năng đề kháng với V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng vào ngày 60. Kết quả (i) chỉ tiêu THC, DHC và PO ở tôm thẻ chân trắng ăn thức ăn bổ sung cao chiết thầu dầu cao hơn so với đối chứng ở 30 và 60 ngày, nghiệm thức bổ sung 1,0% khác biệt có ý nghĩa thống kê (p
Nghiên cứu ương ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) bằng công nghệ biofloc ở các mật độ khác nhau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mật độ ương thích hợp lên sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú bằng công nghệ biofloc. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại, với các mật độ ương khác nhau: 150; 200; 250 và 300 con/L, cách. Bể ương tôm có thể tích 500L, độ mặn 30‰, bổ sung rỉ đường để tạo biofloc với tỷ lệ C/N=25. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố môi trường, mật độ vi khuẩn và các chỉ tiêu biofloc ở nghiệm thức mật độ 150 và 200 con/L nằm trong khoảng thích hợp cho ấu trùng và hậu ấu trùng tôm phát triển. Chiều dài Postlarvae-15 (12,37±0,21 mm), và tỷ lệ sống (61,2±4,3%) ở nghiệm thức mật độ 150 con/L lớn nhất khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với mật độ 200 con/L, nhưng khác biệt có ý nghĩa thống kê (p
Đặc điểm mô bệnh học của bệnh gan thận mủ ở cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và cá điêu hồng (Oreochromis sp.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả và so sánh đặc điểm mô bệnh học ở cá tra và cá điêu hồng bệnh gan thận mủ. Mẫu cá tra và cá điêu hồng bệnh gan thận mủ được thu từ ao/bè nuôi và từ thí nghiệm cảm nhiễm với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri. Cá tra và cá điêu hồng bệnh gan thận mủ có dấu hiệu bệnh lý như nhau là bỏ ăn, bơi lờ đờ, có nhiều đốm trắng đường kính từ 0,5 - 3 mm trên các nội quan (gan, thận và tỳ tạng). Kết quả phân tích mô bệnh học ghi nhận những đặc điểm giống nhau ở hai loài cá bao gồm: (1) Nhiều vùng ở mô gan, thận và tỳ tạng cá bệnh có hiện tượng xung huyết, xuất huyết, hoại tử và biến đổi cấu trúc; (2) ở mô thận và tỳ tạng có các trung tâm đại thực bào sắc tố gia tăng về số lượng và kích thước. Ở cá điêu hồng bệnh gan thận mủ còn có nhiều không bào lipid ở gan và các u hạt ở thận và tỳ tạng.
Ảnh hưởng của việc bổ sung fructooligosaccharides và vi khuẩn Bacillus subtilis vào thức ăn lên hệ miễn dịch và khả năng kháng bệnh của cá điêu hồng (Oreochromis sp.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung vi khuẩn Bacillus subtilis và fructooligosaccharides (FOS) lên đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của cá điêu hồng (Oreochromis sp.). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, bao gồm: Nghiệm thức đối chứng; B. subtilis (107 CFU/g); B. subtilis (107 CFU/g) và 0,2% FOS; B. subtilis (107 CFU/g) và 0,5% FOS. Tiến hành thu mẫu sau khi cá ăn thức ăn được bổ sung vi khuẩn B. subtilis và FOS 2 tuần, 4 tuần và sau cảm nhiễm 3 ngày với vi khuẩn Streptococcus agalactiae.Kết quả huyết học cho thấy tổng tế bào hồng cầu, tổng bạch cầu, tế bào đơn nhân, bạch cầu trung tính, tế bào lympho và hoạt tính lysozyme tăng lên có ý nghĩa thống kê (p
Ảnh hưởng oxytretracyclin lên đáp ứng miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) cảm nhiễm Vibrio parahaemolyticus
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của oxytetracyclin lên các chỉ tiêu miễn dịch và tính mẫn cảm của tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Tôm (2,8 ± 0,48 g/con) được bố trí ngẫu nhiên (30 con/bể) với bốn nghiệm thức (NT) (lặp lại 3 lần), gồm: (NT1) đối chứng không cảm nhiễm; (NT2) đối chứng cảm nhiễm; (NT3) không cảm nhiễm và thức ăn trộn oxytetracycline (2 g/kg trong 5 ngày) và (NT4) cảm nhiễm và thức ăn trộn oxytetracycline (trong 5 ngày sau cảm nhiễm). Sau 14 ngày cảm nhiễm, tỷ lệ chết tích lũy ở NT2 cao hơn đáng kể (48,9 ± 1,9%) (P
Nghiên cứu biến động thành phần loài và sản lượng cá vùng hạ lưu sông Hậu
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thành phần loài và sản lượng cá vùng hạ lưu sông Hậu được thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017. Mẫu cá được thu trực tiếp bằng lưới kéo tầng đáy. Kết quả khảo sát cho thấy có 84 loài cá thuộc 36 họ và 12 bộ được xác định. Trong đó bộ cá vược (Perciformes) có số lượng loài đa dạng nhất với 33 loài chiếm 39%, kế đến là bộ cá da trơn (Siluriformes) với 14 loài chiếm 17% và bộ cá chép (Cypriniformes) với 10 loài chiếm 12%. Độ mặn có ảnh hưởng đến sự xuất hiện thành phần loài cá. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sản lượng trên một đơn vị khai thác (CPUE) tương đối thấp và có sự biến động qua các điểm thu mẫu cũng như giữa các tháng trong năm. CPUE có xu hướng tăng dần từ vùng ngọt (1.075±750 g/ha) đến vùng cửa sông (1.795±1.578 g/ha). CPUE thấp nhất vào Tháng 4 với 684±366 g/ha và cao nhất vào Tháng 8 với 2.535±2.510 g/ha.
Nghiên cứu nuôi cá kèo (Pseudapocryptes elongatus) trong bể với các mật độ khác nhau theo công nghệ biofloc
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nuôi cá kèo trong bể với mật độ khác nhau nhằm xác định mật độ nuôi thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá kèo được nuôi theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức mật độ khác nhau (100, 200, 300 và 400 con/m3) và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể nuôi có thể tích 0,5 m3 (chứa 0,35 m3 nước), độ mặn 15o/oovà cá được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N =15:1). Cá có khối lượng và chiều dài ban đầu lần lượt là 2,07±0,40 g, 8,17±0,36 cm. Sau 56 ngày nuôi, chiều dài và khối lượng của cá nuôi ở mật độ 100 và 200 con/m3 lớn hơn, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) nhỏ hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với với mật độ nuôi 300 và 400 con/m3 (p0,05). Sinh khối cá thu được ở mật độ 200 con/m3 là 2,6 kg/m3, khác biệt không ý nghĩa so với mật độ 300 và 400 con/m3, nhưng cao hơn có ý nghĩa so với mật độ 100 con/m3 (1,3 kg/m3). Tóm lại, nuôi cá kèo theo công nghệ biofloc với mật độ 200 con/m3 trong bể là phù hợp nhất.
Sinh trưởng và năng suất của hàu Crassostrea belcheri có nguồn gốc khác nhau được nuôi trong ao tôm quảng canh tại tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, năng suất và cảm quan chất lượng của hàu có nguồn gốc giống từ ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau. Hàu được nuôi trong đầm tôm quảng canh tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hàu giống có kích cỡ 8-9 cm được nuôi trên giàn với mật độ 140 con/m2. Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ sống của hàu giống Cà Mau cao hơn tỷ lệ sống của hàu Bến Tre và Trà Vinh, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05). Tốc độ tăng trưởng về chiều dài và khối lượng, năng suất hàu thu được cũng có sự khác biệt giữa các nguồn giống khác nhau (p0,05) giữa hàu giống từ ba tỉnh trên. Kết quả nghiên cứu này cho thấy hàu có nguồn gốc giống từ tỉnh Bến Tre và Trà Vinh có thể nuôi thương phẩm trong ao tôm quảng canh tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau mặc dù các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất không tốt bằng giống thu tại địa phương.
Xã hội-Nhân văn
Các nhân tố thu hút du khách đến du lịch biển đảo ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch đặc trưng ở Kiên Giang, trong đó huyện Kiên Hải với quần đảo Nam Du và đảo Lại Sơn đang thu hút một lượng du khách khá lớn đối với loại hình du lịch này. Tuy nhiên, điều gì thu hút du khách đến thế vẫn chưa được nghiên cứu kĩ. Do đó, mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố thu hút du khách đến du lịch biển đảo ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Phương pháp thống kê mô tả và phân tích nhân tố khám phá (SPSS 20.0) được sử dụng để phân tích dữ liệu thu thập từ 130 du khách. Kết quả cho thấy có 09 nhân tố thu hút du khách đến du lịch biển đảo ở huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang: (1) vệ sinh và không có tình trạng thách giá; (2) giá cả; (3) vui chơi giải trí; (4) con người; (5) tài nguyên du lịch; (6) cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống và bến tàu du lịch; (7) đường sá và phương tiện vận chuyển; (8) quảng bá và xúc tiến; (9) an toàn và an ninh. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm thu hút du khách hơn trong tương lai.
Nghiên cứu phát triển du lịch homestay vùng ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Du lịch homestay là loại hình du lịch góp phần phát triển bền vững bởi nhiều lợi ích mang lại; vừa tạo sự thu hút, trải nghiệm mới đối với du khách, vừa đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người dân địa phương. Vì vậy, du lịch homestay đang là xu thế phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có nhiều điều kiện phát triển du lịch homestay với những văn hóa và trải nghiệm đặc trưng của vùng ven biển. Thế nhưng, các thế mạnh ở địa bàn chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, chưa được khai thác gắn kết với du lịch để tạo thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Do đó, nghiên cứu này phân tích những tiềm năng du lịch homestay ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang; từ đó đưa ra một số định hướng về mô hình homestay và giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn để phát triển du lịch homestay tại địa bàn một cách hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và hướng tới sự phát triển bền vững.
Luật
Quyền kháng cáo và phạm vi quyền kháng cáo của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết tập trung phân tích các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về quyền kháng cáo và phạm vi quyền kháng cáo của người bị buộc tội. Qua đó, bài viết chỉ ra những vấn đề vướng mắc trong quy định về quyền kháng cáo và phạm vi quyền kháng cáo của người bị buộc tội và đề xuất giải pháp hoàn thiện.