Ngày xuất bản: 30-10-2017
Công nghệ
Bể rửa ứng dụng sóng siêu âm
Tóm tắt
|
PDF
Hiện nay, việc lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật trên các loại cây nông nghiệp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, vấn đề cấp bách đặt ra là phải có một giải pháp công nghệ cao để loại bỏ các dư lượng hóa chất còn trong các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Do đó, đề tài thiết kế “Bể rửa ứng dụng sóng siêu âm” có thể làm sạch các sản phẩm nông nghiệp khỏi dư lượng hóa chất còn tồn động là một nghiên cứu nhằm góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng. Bể rửa được thiết kế có khả năng điều chỉnh thay đổi tần số phát, cường độ sóng siêu âm cho phù hợp với các sản phẩm nông nghiệp khác nhau và kết quả thực nghiệm bước đầu cho thấy sử dụng bể rửa siêu âm có hiệu quả trong việc giảm dư lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật còn sót lại từ một số loại rau.
Nghiên cứu sản xuất dầu vi sinh vật từ cám gạo tách béo
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, cám gạo tách béo (CGTB) được thuỷ phân bằng dung dịch H2SO4 loãng nhằm thu được dung dịch đường làm nguồn dinh dưỡng nuôi cấy nấm men Yarrowia lipolytica Po1g. Trong giai đoạn thuỷ phân, các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ đường tổng (NĐĐT) như nồng độ H2SO4 với khoảng khảo sát (2 - 5%), thời gian phản ứng (2 - 8 giờ), nhiệt độ (60 - 100°C) và tỉ lệ CGTB và dung dịch acid (CGTB/DDA) (1/4 – 1/12 g/mL). Kết quả cho thấy rằng, điều kiện thuỷ phân thích hợp là H2SO4 4%, thời gian 6 giờ, nhiệt độ là 90°C và tỉ lệ CGTB/DDA là 1/8 g/mL, với nồng độ đường thu được là 53,59 g/L. Sau khi thuỷ phân dung dịch đường được khử độc bằng Ca(OH)2 trước khi sử dụng để lên men. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và tích luỹ chất béo của nấm men như thời gian, nồng độ đường, nguồn nitrogen, pH, nguồn carbon được tiến hành khảo sát. Kết quả cho thấy rằng, lượng sinh khối thu được cao nhất là 11,73 g/L, tương ứng với lượng dầu tích luỹ là 25,41% trong điều kiện không có bổ sung nguồn nitơ, NĐĐT 30 g/L và 4 ngày nuôi cấy. Kết quả phân tích cho thấy thành phần chủ yếu của chất béo thu được là chất béo tự do (FFA) 82,53% và các glyceride như monoacylglyceride (MAG, 11,45%), diacylglyceride (DAG, 1,41%) và triacylglyceride (TAG, 3,05%). Các acid béo có cấu trúc mạch carbon chủ yếu C16 đến C18. Đây là nguồn dầu thích hợp làm nguyên liệu để sản xuất diesel sinh học.
Môi trường
Khai thác, biến động cao độ và quản lý nước dưới đất tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ: Hiện trạng và thách thức
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá hiện trạng khai thác, biến động cao độ và quản lý nước dưới đất (NDĐ). Tương quan giữa khai thác, mực nước trên sông Hậu (trạm CTH-039803) và cao độ NDĐ tại các trạm quan trắc được thiết lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy lưu lượng khai thác NDĐ tại khu công nghiệp Trà Nóc là rất lớn, tổng lưu lượng khai thác đã tăng gấp 6 lần, từ 3.568 m3/ngày tăng lên 19.738 m3/ngày lần lượt từ năm 2004 đến 2010. Khai thác NDĐ quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến mực nước hạ thấp tại tầng Pleistocen và Holocen lần lượt là 4 m và 1 m từ năm 2000 đến 2015. Mưa và sông Hậu là nguồn bổ cập chính đối với tầng Holocen. Bên cạnh đó, công tác quản lý NDĐ của các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự hiệu quả, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý ở địa phương; do đó cần có những giải pháp quản lý NDĐ thiết thực hơn ở hiện tại và trong tương lai.
Đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định các dự án thủy điện tỉnh Đắk Lắk
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong tiến trình ra quyết định các dự án thủy điện với trường hợp nghiên cứu tại lưu vực sông Srepok, tỉnh Đắk Lắk (thủy điện Srepok 3, 4 và 4A). Trước tiên, các số liệu thứ cấp và thông tin tham vấn từ người am hiểu được thu thập và phân tích. Tiếp đến, 80 nông hộ được phỏng vấn và thảo luận nhóm được thực hiện tại 3 xã. Kết quả được phân tích và lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan. Kết quả cho thấy trong 80 hộ được phỏng vấn thì 29% là hộ nghèo, người Kinh và Mường chiếm đa số. Giai đoạn thu hồi đất, đền bù, tái định canh, tái định cư là bước quan trọng trong toàn bộ tiến trình vì liên quan trực tiếp đến cộng đồng bị ảnh hưởng. Chính quyền cấp huyện và nhà đầu tư có ảnh hưởng mạnh đến việc ra quyết định so với cấp khác. Trong khi đó người dân bị ảnh hưởng, các hội đoàn thể, các cơ quan nghiên cứu gần như không có vai trò gì. Bên cạnh những lợi ích mà các dự án thủy điện mang lại cho phát triển kinh tế-xã hội, thủy điện cũng gây ra nhiều vấn đề trong quá trình dự án như tiếng nói từ cộng đồng bị ảnh hưởng rất thấp hoặc không được xem xét.
Nghiên cứu xử lý nước thải dân cư bằng công nghệ màng lọc sinh học MBR (Membrane bioreactor)
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích của nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng xử lý nước thải dân cư bằng công nghệ màng lọc sinh học (MBR). Bể phản ứng được thiết kế với dung tích hữu ích 36 lít (L*W*H = 24*20*75 cm) và sử dụng module màng nhúng chìm có kích thước lỗ lọc tương đương 0,4 µm. Mô hình thí nghiệm MBR là sự kết hợp giữa hai quá trình phân hủy sinh học chất hữu cơ và kỹ thuật tách sinh khối vi sinh bằng màng. Nghiên cứu bố trí thí nghiệm, đánh giá hiệu quả xử lý nước thải dân cư trong thời gian 121 ngày với tải lượng chất hữu cơ dao động từ 1,7 đến 6,8 kgCOD/m3.ngày. Nhờ nồng độ sinh khối cao, MBR gia tăng hiệu quả xử lý nước thải so với phương pháp truyền thống. Hiệu quả xử lý trung bình TSS, BOD5, COD, TN, TP tương ứng lần lượt 89,4; 94,6; 92,6; 64,6 và 79,2%. Nhìn chung, công nghệ màng lọc có thể áp dụng để xử lý nguồn nước thải có tải lượng chất hữu cơ cao và là giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường bền vững.
Ứng dụng mô hình DPSIR trong việc đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật mới ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu tập trung phân tích đánh giá hiện trạng áp dụng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển các mô hình canh tác lúa áp dụng kỹ thuật mới ở đồng bằng sông Cửu Long bằng phương pháp sử dụng mô hình DPSIR (Drive forces – Động lực, Pressures– Áp lực, State – Hiện trạng, Impats – Tác động, và Response – phản hồi) kết hợp phân tích ma trận SWOT. Kết quả cho thấy tuy các mô hình canh tác lúa ứng dụng kỹ thuật mới đã được khoảng 70-80% người dân áp dụng nhưng sự kết hợp các kỹ thuật mới trong mô hình vẫn còn hạn chế. Bên cạnh những khó khăn như mặt ruộng không bằng phẳng và thiếu nước tưới, nghiên cứu đã xác định yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc áp dụng và nhân rộng các mô hình canh tác lúa áp dụng kỹ thuật mới ở vùng nghiên cứu là do nhận thức còn hạn chế của người dân về sự thiếu nước và tiết kiệm nước tưới, thiếu sự đầu tư đổi mới trong việc nhân rộng các mô hình ứng dụng kỹ thuật mới tại vùng nghiên cứu. Giải pháp cải thiện cho vấn đề này là nâng cao kiến thức nông dân và đổi mới trong công tác quản lý của chính quyền địa phương bằng việc sử dụng nguồn lao động trí thức trẻ tại địa phương vào sản xuất nông nghiệp.
Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến công tác quản lý nguồn tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu hơn vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long; điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa ở vùng ven biển và dẫn đến những thách thức cho công tác điều tiết nguồn tài nguyên nước. Chính vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của công tác quản lý nguồn tài nguyên nước (nước mặt và nước dưới đất) đầu năm 2016 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Phương pháp phỏng vấn trực tiếp (nông hộ canh tác lúa và cán bộ quản lý) và thống kê mô tả đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, xâm nhập mặn đã gây khó khăn cho công tác điều tiết nguồn nước; đặc biệt là không cung cấp đủ nước ngọt cho canh tác lúa vụ 3 (vụ Xuân - Hè) đầu năm 2016. Thêm vào đó, khô hạn kéo dài đã làm tăng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất lúa. Về công tác quản lý nguồn tài nguyên nước, vấn đề khai thác nước dưới đất được quản lý tốt. Bên cạnh đó, giữa các nông hộ cũng không xảy ra mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước mặt phục vụ cho sản xuất lúa. Tuy nhiên, do hạn chế trong việc tiếp xúc giữa người dân và chính quyền địa phương (huyện, các xã) nên các quy định chưa được áp dụng một cách rộng rãi.
Phân lập vi khuẩn phân hủy xylene từ hệ thống xử lý nước thải
Tóm tắt
|
PDF
Xylene là một trong những hydrocarbon thơm được sử dụng phổ biến như dung môi trong các phòng thí nghiệm. Trong công nghiệp, xylene được dùng làm dung môi để thuộc da, sản xuất đồ cao su, in ấn và là một trong các thành phần chính của xăng. Do tan trong nước nên xylene được xem là hợp chất gây ô nhiễm nguồn nước đặc biệt là nước ngầm từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Từ mẫu bùn thu ở bể lắng của hệ thống xử lý nước thải của Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, mười sáu dòng vi khuẩn phát triển trên môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung xylene như nguồn carbon duy nhất đã được phân lập trong đó ba dòng vi khuẩn XL3.1, XL6.2 và XL22.1 có khả năng phân hủy hơn 95% xylene (0,125% v/v) sau 24 giờ nuôi cấy. Dòng vi khuẩn XL6.2 phân hủy xylene hiệu quả nhất (97,81%) và được định danh khoa học là Rhodococcus sp. XL6.2.
Xây dựng ứng dụng mã nguồn mở để tối ưu diện tích sử dụng đất nông nghiệp
Tóm tắt
|
PDF
Phương pháp hỗ trợ ra quyết định dựa trên phân tích đa tiêu chí bằng quy hoạch tuyến tính (MCDM LP) được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong quy hoạch sử dụng đất đai hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này trong thực tế thường gặp một số khó khăn do đa số các phần mềm quy hoạch tuyến tính được thiết kế cho các bài toán tổng quát, nhà quy hoạch hay cán bộ kỹ thuật phải có kỹ năng lập trình để thiết lập bài toán cho các lĩnh vực cụ thể. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xây dựng một ứng dụng mã nguồn mở có tên là LandOptimizer để hỗ trợ tối ưu cho quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp dựa trên các điều kiện về kinh tế, xã hội và môi trường. Ứng dụng được xây dựng bằng ngôn ngữ lập trình Visual Basic.Net và phương pháp MCDM LP dựa trên bộ thư viện phần mềm tối ưu mã nguồn mở LPSolve 5.5.2.5, có khả năng hỗ trợ cho người dùng không chuyên lập trình đặc biệt là chuyên ngành quản lý đất đai. Và để kiểm chứng độ tin cậy của ứng dụng, đề tài đã xây dựng bài toán tối ưu diện tích đất nông nghiệp trong một trường hợp ứng dụng ở huyện Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ bằng ứng dụng LandOptimizer và bằng phần mềm GAMS, kết quả cho thấy có sự tương đồng giữa phần mềm GAMS và LandOptimizer.
Thành phần phiêu sinh động vật thuộc khu vực Nhà máy xử lý nước thải thuộc tỉnh Bình Dương và các thủy vực phụ cận
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện tại Nhà máy xử lý nước thải thuộc tỉnh Bình Dương trong 3 đợt: tháng 12/2014, tháng 3/2015, tháng 5/2015. Mục tiêu đề tài nhằm khảo sát thành phần phiêu sinh động vật tại khu vực nhà máy xử lý nước thải (gồm bề chứa nước thải sau xử lý và hồ sinh học) và các thủy vực tự nhiên gần đó. Mẫu phiêu sinh động vật được thu thập tại 4 điểm, 2 điểm trong nhà máy và 2 điểm thuộc lưu vực sông Sài Gòn gần nhà máy. Kết quả đề tài đã ghi nhận được 128 loài phiêu sinh động vật thuộc 52 giống và 5 nhóm (Protozoa, Rotatoria, Cladocera, Copepoda, Ostracoda). Phân tích thống kê cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa thành phần loài và mật độ phiêu sinh động vật giữa 2 điểm trong nhà máy và ngoài thủy vực tự nhiên. Điều này cho thấy quần xã phiêu sinh động vật trong nhà máy khi được đưa ra môi trường tự nhiên với số lượng lớn và trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến cấu trúc quần xã phiêu sinh động vật tại các thủy vực tự nhiên.
Tự nhiên
Tổng hợp chất hoạt động bề mặt không ion diethanolamide từ mỡ cá tra, cá basa và ứng dụng trong phối chế chế phẩm bảo vệ thực vật dạng nhũ dầu EC
Tóm tắt
|
PDF
Khi cho hỗn hợp methyl ester tổng hợp từ mỡ cá tra, cá basa phản ứng với diethanolamine ở nhiệt độ cao tạo ra hỗn hợp gồm N,N-bis(hydroxyethyl)carboxamide (44,31 %), lượng dư methyl esters (28,38 %) và diethanolamine (22,13 %), và tạp chất (5,18 %). Hỗn hợp này được sử dụng làm nguyên liệu để phối chế ra loại chế phẩm bảo vệ thực vật dạng nhũ dầu EC chứa hoạt chất abamectin và α-cypermerthrin. Sản phẩm methyl ester tổng hợp từ mỡ cá tra, cá basa cũng được dùng thay thế một phần xylene trong công thức phối trộn. Các chế phẩm EC phối chế được đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam theo TCVN 9475:2012 cho trường hợp abamectin và TCVN 8752:2014 cho trường hợp α-cypermerthrin. Kết quả thử nghiệm trên đồng ruộng cho thấy các loại chế phẩm EC điều chế được thể hiện hoạt tính diệt trừ sâu cuốn lá tốt tương đương các thuốc trên thị trường chứa cùng hoạt chất.
Tính chất điện tử của cấu trúc siêu mạng dựa trên dãy dị chất ZnO/GaN kiểu armchair
Tóm tắt
|
PDF
ZnO và GaN là những vật liệu bán dẫn tiêu biểu và được ứng dụng nhiều trong các thiết bị quang điện tử. ZnO và GaN có cùng cấu trúc tinh thể wurtzite và có nhiều tính chất vật lý tương tự nhau. Do đó, khi kết hợp hai vật liệu này thành cấu trúc siêu mạng tạo ra một hệ vật liệu hứa hẹn có nhiều tính chất vật lý mới. Nghiên cứu này nghiên cứu tính chất điện tử của siêu mạng dựa trên ZnO/GaN biên armchair bằng phương pháp phiếm hàm mật độ (DFT) phân cực spin. Gần đúng gradient suy rộng (GGA) cho thế tương quan trao đổi với phiếm hàm Perdew-Burke-Ernzernhof (PBE) và một tập cơ sở sóng phẳng đã được thiết lập trong VASP. Kết quả nghiên cứu thể hiện rằng cấu trúc điện tử của một số cấu trúc tinh thể nghiên cứu có tồn tại hiệu ứng giam cầm lượng tử mạnh.
Thẩm định quy trình định lượng cetirizine trong viên nén bằng phương pháp HPLC đầu dò UV-Vis tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Một quy trình định tính, định lượng cetirizine nhanh chóng, hiệu quả bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) với đầu dò UV-Vis được khảo sát. Quy trình sử dụng cột Gemini-NX C18 (15 cm x 4,6 mm, 5 mm) bước sóng phát hiện là 230 nm, hệ pha động là dung dịch đệm KH2PO4 (pH 7) - acetonitril (58:42, v/v), kiểu rửa giải đẳng môi. Kết quả thẩm định cho thấy quy trình có độ đặc hiệu cao, đạt độ tuyến tính, đạt độ lặp lại với RSD = 0,49%, đạt độ đúng với tỷ lệ hồi phục 100,42%, giới hạn phát hiện là 0,67 ppm và giới hạn định lượng là 2,03 ppm. Nghiên cứu đã sử dụng quy trình trên để kiểm nghiệm 3 loại thuốc viên nén cetirizine đang lưu hành trên thị trường thành phố Cần Thơ và kết quả cho thấy cả 3 mẫu thuốc đều đạt hàm lượng cetirizine theo quy định của Dược điển Việt Nam IV.
Luật số lớn cho bước đi ngẫu nhiên trong trường hợp một chiều
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu chính của bài báo này là nghiên cứu mô hình bước đi ngẫu nhiên với không gian trạng thái là tập ℤ. Ở đây, phương pháp moment được sử dụng như trong bài báo của Depauw et al. (2009) để chứng minh sự hội tụ theo xác suất đến một hằng số của bước đi đang xét (Định lý 1.2) và đưa ra tốc độ hội tụ của nó (Định lý 3.1). Chi tiết hơn, với là toán tử Markov tương ứng với bước đi ngẫu nhiên đang xét và hàm cho trước, ta giải phương trình Poisson rồi sau đó tìm giới hạn liên quan đến nghiệm của nó, khi đó tốc độ hội tụ sẽ được cho bởi sự hội tụ của các moment.
Đánh giá sai số trường trọng lực khi thay thế hàm dị thường trọng lực bằng các giá trị rời rạc
Tóm tắt
|
PDF
Việc thay thế hàm dị thường trọng lực trong các công thức Stokes và Vening-Meinesz bằng tập hợp các giá trị dị thường trọng lực được đo trên bề mặt vật lý trái đất hoặc trong không gian dẫn đến các sai số tất yếu khi tính dị thường độ cao và các thành phần góc lệch dây dọi. Mục đích của bài báo này là chỉ ra mối liên hệ giữa đại lượng các sai số đó với mức độ rời rạc của số liệu ban đầu. Bằng cách sử dụng phương pháp phân tích mật độ phổ hàm hiệp phương sai của trường trọng lực đã đưa ra được công thức đánh giá sai số dị thường trọng lực phụ thuộc vào bước rời rạc của số liệu và mức độ phức tạp của trường trọng lực.
Khảo sát hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hoá của các cao chiết từ thân và lá cây Bọ Mắm (Pouzolzia zeylanica L.)
Tóm tắt
|
PDF
Hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hóa của các cao chiết methanol, hexane và ethyl acetate từ thân và lá cây Bọ Mắm (Pouzolzia zeylanica L.) tươi và khô được khảo sát. Khả năng kháng khuẩn của các cao chiết Bọ Mắm được khảo sát bằng phương pháp Kirby-Bauer và khả năng kháng oxy hóa được thực hiện bằng phương pháp DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl). Kết quả cho thấy, tất cả cao chiết từ thân và lá Bọ Mắm đều cho hoạt tính kháng E. coli, P. aeruginosa, S. aureus tốt hơn kháng sinh amoxicillin ở tất cả nồng độ được khảo sát với 40 µg/mL
Chăn nuôi
Khảo sát tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh tiêu chảy cấp (Porcine epidemic diarhea virus - PEDV) trên heo nái và xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh PED tại tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
|
PDF
Virus gây bệnh tiêu chảy cấp trên heo (Porcine Epidemic Diarhea virus - PEDV) là một Coronavirus gây bệnh đường ruột nghiêm trọng, truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt gây chết trên heo con sơ sinh với mức độ cao. Các mẫu huyết thanh heo nái chưa tiêm phòng vaccine PED được phân tích bằng Bộ kit ELISA Porcine epidemic diarrhea virus antibody test kit, SwinecheckR PED indirect của hảng Biovet – Canada. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm PEDV trên đàn nái tại tỉnh Tiền Giang là 33,72%, trong đó cao nhất là huyện Chợ Gạo (59,22%), kế đến là các huyện Cai Lậy (27,66%), Cái Bè (14,52%) và thấp nhất là huyện Châu Thành (10,20%). Tỷ lệ nhiễm cao nhất ở qui mô đàn nái từ trên 50 nái (34,95%), qui mô 20 – 50 (33,66%) nái và thấp nhất là ở qui mô dưới 20 nái (31,58%). Tỷ lệ nhiễm ở những nái có số lứa đẻ trong khoảng 4 – 5 lứa (56,67%), nái trên 5 lứa (38,59%). Những nái hậu bị hoặc chỉ mới sinh sản 1 lứa (33,33%) và thấp nhất là nái đã sinh sản 2 – 3 lứa (27,50%). Phân tích các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh cho thấy, nguy cơ cao nhất là không sát trùng chuồng trại hoặc sát trùng chuồng trại ít hơn 1 lần/ 2 tuần. Các yếu tố nguy cơ tiếp theo là không có hố sát trùng trước trại, khoảng cách gần với các hộ chăn nuôi có dịch bệnh.
Công nghệ sinh học
Khảo sát hàm lượng phenolic tổng, flavonoid tổng, hoạt tính chống oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn của cao chiết ethanol và methanol của lá và thân rễ cây Cỏ Tranh (Imperata cylindrica)
Tóm tắt
|
PDF
Các cao chiết lá và thân rễ cây Cỏ Tranh (Imperata cylindrica) được chiết xuất bằng dung môi ethanol 70% và methanol 70% được khảo sát đều chứa nhiều hợp chất tự nhiên như phenolic và tannin, flavonoid, quinone, coumarin, alkaloid, terpenoid và saponin. Cao chiết lá - methanol (LM70S) có hàm lượng phenolic tổng nhiều nhất (86,90 mg gallic acid/g chiết xuất). Và hàm lượng flavonoid tổng nhiều nhất có giá trị là 78,38 mg quercetin/g chiết xuất ở cao chiết lá - ethanol (LE70S). LE70S cũng là cao chiết có hoạt tính chống oxy hóa tốt nhất với giá trị IC50 thấp nhất là 313,76±2,08 µg/ml, giá trị IC50 của ascorbic acid là 274,33±3,83 µg/ml. Cao chiết lá - methanol (LM70S) là cao chiết có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất với đường kính vòng vô khuẩn là 9,6±0,14 mm trên Escherichia coli và 8,4±0,14 mm trên Bacillus subtilis ở nồng độ 100 mg/mL. Cỏ Tranh có thể được xem là nguồn thực vật tự nhiên đầy tiềm năng của các hợp chất có hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Tuyển chọn chất mang để tồn trữ vi khuẩn Bacillus aerophilus đối kháng với vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây bệnh cháy bìa lá lúa
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài này được thực hiện nhằm tìm ra chất mang để tồn trữ vi khuẩn Bacillus aerophilus, làm tiền đề cho các nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học ứng dụng trong phòng trị bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) gây ra. Năm loại chất mang (bột talc, cám, gạo xay, lúa xay và trấu xay) được khảo sát khả năng tồn trữ dựa vào ba tiêu chí gồm mật số, khả năng đối kháng với Xoo và hiệu quả giảm bệnh của vi khuẩn đối kháng. Kết quả cho thấy sau sáu tháng tồn trữ, mật số vi khuẩn trong 3 loại chất mang, bột talc, cám và trấu xay đạt hơn 106 CFU/g chế phẩm; trong đó chất mang cám duy trì được mật số tốt nhất. Vi khuẩn B. aerophilus trong ba loại chất mang này duy trì tốt khả năng đối kháng với mầm bệnh Xoo và hiệu quả giảm bệnh đến 15 ngày sau chủng bệnh trong điều kiện nhà lưới. Vì vậy cám, bột talc, trấu xay là chất mang được tuyển chọn để tồn trữ vi khuẩn Bacillus aerophilus.
Nông nghiệp
Ảnh hưởng của KNO3 phun qua lá đến năng suất và phẩm chất trái cam Xoàn (Citrus sinensis L.) tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của KNO3 phun qua lá đến năng suất và phẩm chất trái cam Xoàn tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 03/2016 đến tháng 10/2016 trên cây cam Xoàn 3 năm tuổi ghép trên gốc cam Mật. Thí nghiệm gồm bốn nghiệm thức là bốn nồng độ KNO3 (0%, 0,3%, 0,5%, và 0,7%) được bố trí theo thể thức ngẫu nhiên hoàn toàn với năm lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một cây cam Xoàn. KNO3 được phun một lần trước thu hoạch 30 ngày. Kết quả thí nghiệm cho thấy nghiệm thức phun KNO3 0,7% cho hiệu quả cao nhất so với đối chứng, làm tăng kích thước trái (chiều cao trái 78,1 mm; đường kính trái 88,4 mm), khối lượng trái (245,6 g) dẫn đến tăng năng suất (8,05 kg/cây); tăng hàm lượng vitamin C (12,6 mg/100 g mẫu), độ Brix (9,76 %), tăng các chỉ số đánh giá màu sắc vỏ trái (∆E=77,3; L*=42,7; b*=40,4).
Sự chuyển dịch về quy mô và sử dụng đất đai của nông hộ tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá sự thay đổi về qui mô và sử dụng đất đai của nông hộ cũng như thực trạng quản lý sử dụng đất nông nghiệp của huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010 – 2015, bao gồm: sự thay đổi về sử dụng đất, hiệu quả sử dụng đất; sự chuyển dịch nghề và qui mô đất đai của nông hộ trong nông thôn. Các thông tin và số liệu được thu thập từ các nguồn số liệu thứ cấp, thực hiện khảo sát PRA và phỏng vấn KIP tại địa bàn nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu về cơ cấu sử dụng đất theo các loại hình sử dụng đất từ năm 2010-2015 của huyện Thới Lai cho thấy nhóm đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, có xu thế giảm (89,5% năm 2015 so với 91,8% năm 2010), trong khi đất phi nông nghiệp tăng (9,0% năm 2015 so với 7,2% năm 2010). Số hộ nông nghiệp đã giảm trong 5 năm (2010 - 2015) vì có sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác do quá trình đô thị hóa của thành phố đang diễn ra mạnh mẽ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự phân tầng rõ rệt về qui mô sở hữu đất đai của nông hộ, nhóm hộ có diện tích trung bình 0,8 - 1,5 ha chiếm đa số.
Xác định mầm bệnh gây thối đồng tiền trên khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Bệnh thối đồng tiền đang gây hại khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định tên mầm bệnh để làm tiền đề nghiên cứu biện pháp phòng trị hiệu quả bệnh ngoài đồng. Tổng số 32 chủng vi khuẩn đã được phân lập từ 18 mẫu bệnh thu thập ở 3 xã Thành Đông, Thành Trung và Tân Thành (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Sau khi thực hiện quy trình Koch, 5 chủng vi khuẩn BT5, BT14, BT15, BT19, BT30 gây vết bệnh thối đồng tiền giống triệu chứng quan sát ngoài đồng. Vết bệnh có hình tròn, lõm, bị hoại tử trên bề mặt củ và có màu vàng nâu. Mầm bệnh được xác định là vi khuẩn Klebsiella variicola thông qua đặc điểm hình thái, sinh hóa và kỹ thuật sinh học phân tử. Việc phân tích trình tự gen 16S rRNA (liên quan đến quá trình phát sinh loài) và gen rpoB (có trình tự chuyên biệt cho mỗi loài thuộc chi Klebsiella) giúp phân biệt được vi khuẩn K. variicola với các loài Klebsiella khác, cung cấp đủ cơ sở để xác định tên mầm bệnh.
Hiệu quả phân hủy hoạt chất thuốc trừ sâu propoxur trong đất của dòng vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 cố định trong bã cà phê
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của bã cà phê làm chất mang thay thế biochar cố định vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 giúp gia tăng tốc độ phân hủy propoxur trong đất trồng hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Biochar và bã cà phê (BCP) là chất mang trong thí nghiệm. Phân bò, bèo hoa dâu, vỏ trứng và xỉ than tổ ong là vật liệu bổ sung vào đất. Mật số vi khuẩn, nấm và nồng độ propoxur trong đất ở các thời điểm 0, 1, 3, 5, 7, và 11 ngày được thu thập. Kết quả cho thấy dòng vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 cố định trong bã cà phê cho hiệu quả cao hơn so với biochar trong phân hủy propoxur trong đất. Ngoài ra, nghiệm thức bón vỏ trứng (1%) hoặc hỗn hợp phân bò, bèo hoa dâu, vỏ trứng và xỉ than (1%) giúp gia tăng hiệu quả và tốc độ phân hủy propoxur bởi dòng Paracoccus sp. P23-7 cố định trong bã cà phê so với các nghiệm thức khác. Tóm lại, bã cà phê có thể sử dụng để cố định vi khuẩn Paracocus sp. P23-7, giúp gia tăng tốc độ phân hủy propoxur trong đất và kết hợp bón vỏ trứng (1%) hoặc hỗn hợp hữu cơ gồm phân bò, bèo hoa dâu, vỏ trứng và xỉ than (1%) là một trong những biện pháp tác động nhằm gia tăng tốc độ phân hủy propoxur trong đất.
Tình hình gây hại, đặc điểm hình thái và sinh học của sâu đục trái Citripestis sagittiferalis gây hại bưởi ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Sâu đục trái cây có múi (Citripestis sagittiferella) là loài dịch hại mới được ghi nhận đã xuất hiện và gây hại nặng trên cây có múi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho các chương trình quản lý phòng trừ loại dịch hại này, một số đặc điểm cơ bản về tình hình gây hại, đặc điểm hình thái và sinh học của sâu đục trái cây có múi đã được khảo sát qua việc phỏng vấn trực tiếp nông hộ; nghiên cứu ngoài đồng và trong phòng thí nghiệm. Kết quả điều tra ngoài đồng cho thấy có 14 loài côn trùng và một loài nhện tấn công bưởi Năm Roi, trong đó các loài C. sagittiferella, Phyllocnistis citrella, Prays endocarpa và Bactrocera dorsalis xuất hiện nhiều nhất với tần suất >50%. Tỷ lệ trái bị nhiễm dao động trong khoảng 2,28 – 3,63%, trong đó tỷ lệ trái bị hại có đường kính 5-10 cm là 3,52% trong khi tỷ lệ trái bị hại có đường kính 10 cm lần lượt là 1,95% và 2,96%. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, vòng đời của C. sagittiferella trung bình là 29,54 ngày, trong đó giai đoạn trứng là 4,09 ngày, ấu trùng là 13,44 ngày, nhộng là 10,13 ngày và thành trùng cái từ vũ hóa đến đẻ trứng đầu tiên là 1,85 ngày.
Xác định mầm bệnh trên hạt lúa giống Jasmine 85 tại An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này xác định mầm bệnh nhiễm trên hạt lúa giống Jasmine 85 tại An Giang nhằm tạo tiền đề cho các nghiên cứu phòng trị bệnh trên hạt. Tổng số 36 mẫu hạt được thu thập từ 9 địa điểm trồng lúa trọng điểm của tỉnh An Giang gồm: Châu Đốc, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Long Xuyên và Chợ Mới. Có 7 loài nấm bệnh được xác định là Alternaria padwickii, Bipolaris oryzae, Sarocladium oryzae, Aspergillus sp., Fusarium moniliforme, Mucor sp. và Penicilium sp. dựa trên đặc điểm hình thái bằng phương pháp giấy thấm. Ngoài ra, hai loài vi khuẩn cũng được nhận diện từ những mẫu hạt này. Vi khuẩn Pseudomonas glumae được xác định dựa vào đặc điểm hình thái khuẩn lạc trên các môi trường chọn lọc chuyên biệt. Vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae được xác định dựa vào quy trình Koch kết hợp với kỹ thuật sinh học phân tử PCR với cặp mồi đặc hiệu.
Thủy sản
Thử nghiệm nuôi trồng rong nho (Caulerpa lentillifera J. Agardh, 1837) trong bể với các mật độ và phương thức nuôi trồng khác nhau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ và phương thức nuôi trồng đến sự tăng trưởng và chất lượng rong nho (Caulerpa lentillifera) ở điều kiện trong bể. Thí nghiệm được bố trí hai nhân tố gồm hai mật độ rong nho ban đầu (0,5 kg/m2 và 1 kg/m2) kết hợp với hai phương thức nuôi trồng (trồng tiếp đáy và trồng treo trên vỉ lưới), mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Rong nho được trồng trong bể nhựa 250 L, nền đáy cát ở độ mặn 30‰, bột cá được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng. Sau 30 ngày nuôi trồng, không có ảnh hưởng tương tác (p>0,05) giữa mật độ và phương thức nuôi trồng đối với tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ thân đứng trên toàn tản và tỉ lệ thân đứng đạt kích thước thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng và năng suất thân đứng của rong nho ở nghiệm thức trồng tiếp đáy cao hơn có ý nghĩa (p
Tác động về mặt tài chính và dự đoán khả năng xuất hiện dịch bệnh của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2016 đến 12/2016 thông qua phỏng vấn trực tiếp 100 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thâm canh gồm 50 hộ có ao tôm không bị bệnh và 50 hộ có ao tôm bị bệnh nhằm đánh giá tác động về mặt tài chính của dịch bệnh trong mô hình nuôi TTCT thâm canh ở tỉnh Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất thu hoạch của những hộ có ao tôm bị bệnh (1,35±0,96 tấn/ha/vụ) thấp hơn nhiều so với những hộ có ao tôm không bị bệnh (7,75±4,19 tấn/ha/vụ). Những hộ có ao tôm bị bệnh lỗ trung bình 142±107 triệu đồng/ha/vụ, trong khi những hộ có ao tôm không bị bệnh có lợi nhuận trung bình là 465±235 triệu đồng/ha/vụ. Qua phân tích hồi quy Binary Logistic xác định được ba yếu tố ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện dịch bệnh là mực nước ao nuôi, mật độ thả, xét nghiệm con giống. Khó khăn điển hình nhất của mô hình này vẫn là dịch bệnh.
Đa dạng về hình thái của cá hường (Helostoma temminkii Cuvier, 1829) ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự đa dạng hình thái của các quần thể cá hường phân bố ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Các chỉ tiêu số lượng và chỉ tiêu đo hình thái bên ngoài được phân tích trên mẫu cá tươi (21-40 mẫu/quần thể). Các mẫu cá được thu bằng lưới kéo tay ở thủy vực tự nhiên thuộc Long An và các ao nuôi ở các tỉnh như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang và Cần Thơ. Về màu sắc, cá hường thường có 2 màu phổ biến là màu hồng và màu xám tro. Các chỉ tiêu đếm của cả 5 quần thể cá hường dao động trong các khoảng tương tự nhau. Tuy nhiên, khi phân tích các chỉ tiêu hình thái đo thì tất cả (23) chỉ số sinh trắc (tỉ lệ số đo được tính theo chiều dài chuẩn và chiều dài đầu) khác biệt có ý nghĩa (p
Hiệu quả của việc bổ sung canxi vào thức ăn trong quá trình ương giống ốc bươu đồng (Pila polita)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung các hàm lượng canxi lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc bươu đồng (Pila polita) trong quá trình ương giống. Thí nghiệm gồm có 5 nghiệm thức và được lặp lại 3 lần là: 1) Thức ăn công nghiệp (ĐC), 2) Thức ăn công nghiệp trộn 1% canxi (Ca1), 3) Thức ăn công nghiệp trộn 3% canxi (Ca3), 4) Thức ăn công nghiệp trộn 5% canxi (Ca5), 5) Thức ăn công nghiệp trộn 7% canxi (Ca7). Ốc giống mới nở có chiều cao và khối lượng ban đầu là 4,3 mm và 0,06 g được ương trong bể composite (kích thước 80×60 cm, chiều cao cột nước 30 cm) với mật độ 50 con/bể. Sau 40 ngày ương, khối lượng và chiều cao trung bình của ốc ở nghiệm thức Ca5 (2,04g và 18,37mm) cao hơn (p0,05). Nghiệm thức Ca5 cho năng suất ốc cao nhất (133,9 g/m2) và cao hơn (p
Ảnh hưởng của nitrite lên một số chỉ tiêu sinh lý và tăng trưởng của cá ba sa (Pangasius bocourti)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của nitrite đến các chỉ tiêu sinh lý và tăng trưởng của cá ba sa. Nghiên cứu được thực hiện với 4 nồng độ nitrite: không bổ sung nitrite (đối chứng), 0,09 mM, 0,22 mm và 0,44 mM NO2- và 3 lần lặp lại. Trong thí nghiệm ảnh hưởng của nitrite lên các chỉ tiêu sinh lý của cá ba sa, máu cá được thu ở các thời điểm 0; 24; 48; 72; 96 giờ; 7 ngày và 14 ngày sau khi bổ sung nitrite để đánh giá các chỉ tiêu hồng cầu, hemoglobin, hematocrit, metHb, glucose, [Cl-] và [NO2-] trong huyết tương. Thí nghiệm ảnh hưởng của nitrite lên tăng trưởng của cá ba sa được thực hiện trong 60 ngày. Kết quả cho thấy nitrite ở nồng độ 0,22 mM và 0,44 mM làm giảm số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit và ion Cl-, đồng thời làm tăng phần trăm metHb và nồng độ NO2- tích lũy trong huyết tương cá ba sa. Nitrite ở hai nồng độ này còn làm giảm tăng trọng, DWG, SGR và làm tăng FCR của cá so với nhóm đối chứng trong thời gian 60 ngày. Từ đó cho thấy sự hiện diện của nitrite gây ra các ảnh hưởng bất lợi đối với cá. Vì vậy, cần hạn chế sự tồn tại của nitrite trong quá trình ương cá ba sa.
Phân tích hiệu quả tài chính của mô hình nuôi cá lóc thâm canh trong ao ở tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu mô hình nuôi cá lóc được thực hiện ở tỉnh An Giang từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2015 thông qua phỏng vấn 33 hộ nuôi cá lóc nhằm phân tích khía cạnh kỹ thuật, tài chính và xác định những thuận lợi, khó khăn của mô hình. Kết quả cho thấy mô hình nuôi cá lóc ở tỉnh An Giang có thể nuôi 2 vụ trong năm. Diện tích ao nuôi trung bình là 0,12 ha/ao. Cá lóc giống có kích cỡ trung bình là 824 con/kg, mật độ thả 26,4 con/m2. Sau thời gian nuôi 170 ngày, cá được thu hoạch với năng suất trung bình là 123.283 kg/ha/vụ với tỷ lệ sống là 60% và hệ số tiêu tốn thức ăn là 1,15. Kết quả cho thấy với tổng chi phí sản xuất là 3.530 triệu đồng/ha/vụ, tổng thu nhập là 3.774 triệu đồng/ha/vụ thì đạt lợi nhuận là 244 triệu đồng/ha/vụ, tỉ suất lợi nhuận là 0,07 lần, tỉ lệ hộ không thành công chiếm 12,1%. Tuy nhiên, nghề nuôi cũng gặp một số khó khăn là giá bán thấp và giá thức ăn cao.
Xác định mầm bệnh ký sinh trùng trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) tự nhiên
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài khảo sát thành phần loài ký sinh trùng cá tra tự nhiên được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2016. Tổng cộng có 86 mẫu cá tra giống thu từ sông Rạch Ngỗng ở Cần Thơ được quan sát dấu hiệu bệnh lý và soi tươi để kiểm tra ký sinh trùng. Kết quả cho thấy có 8 giống ký sinh trùng ký sinh trên cá tra tự nhiên là Myxobolus, Henneguya, Trichodina, Dactylogyrus, Gyrodactylus, Ichthyonyctus, Protoopalina, Bucephalopsis; trong đó, có 5 giống ký sinh trên da, mang và 4 giống ký sinh trong ruột và dạ dày. Số lượng ký sinh trùng nhiễm trên cá tra tự nhiên phụ thuộc vào thành phần giống loài và cơ quan ký sinh. Ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm cao nhất là Bucephalopsis (88,5%; 3-49 trùng/lame) và thấp nhất là Gyrodactylus (31,2%; 1-3 trùng/lame). Hầu hết các mẫu cá đều là cá khỏe, không có dấu hiệu bệnh lý.
Ảnh hưởng của vi khuẩn lactic bổ sung vào thức ăn lên khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành trong hệ thống bể kính, chứa 20 lít nước có độ mặn 20‰ và sục khí. Thí nghiệm được thực hiện để xác định ảnh hưởng của vi khuẩn lactic bổ sung vào thức ăn lên tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Kết quả thí nghiệm cho thấy, tỷ lệ sống của tôm rất cao từ 82,23 đến 92,23% ở các nghiệm thức có bổ sung LAB vào thức ăn và không cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus, và không khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức ĐCA (87,77%). Tỉ lệ sống đạt cao nhất là ở nghiệm thức LAB5 (92,23%). Ngoài ra, tôm không có dấu hiệu bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Ở các nghiệm thức cảm nhiễm vi khuẩn V. parahaemolyticus (VP), tôm có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Tôm chết nhiều nhất ở nghiệm thức VP+LAB3, tỉ lệ chết lên đến 70,02%, kế đến là nghiệm thức ĐCD (54,43%) và nghiệm thức VP+LAB4 (43,33%). Ở các nghiệm thức còn lại, tôm cũng có tỷ lệ sống khá cao (73.37% - 79.97%) và phần lớn mẫu gan tụy thu được không có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khi phân tích mô bệnh học.