Ngày xuất bản: 19-04-2024

Nghiên cứu vật liệu composite từ sợi thân cây bắp và nhựa polyethylene tỷ trọng cao tái chế

Cao Lưu Ngọc Hạnh, Nguyễn Thị Bích Thuyền, Huỳnh Văn Tươi, Đặng Huỳnh Giao, Trần Nguyễn Phương Lan
Tóm tắt | PDF
Vật liệu composite được gia công từ sợi thân cây bắp trên nền nhựa polyethylene tỷ trọng cao tái chế thông qua phương pháp ép nóng. Cấu trúc và thành phần hóa học của sợi thân cây bắp trước và sau khi xử lý bằng dung dịch NaOH lần lược được quan sát qua ảnh kính hiển vi điện tử quét (SEM) và được phân tích bằng phương pháp phân tích nhiệt trọng lượng (TGA). Ảnh hưởng của điều kiện gia công, tỷ lệ thể tích sợi đến độ co ngót và cơ tính của vật composite cũng được khảo sát. Kết quả cho thấy sợi thân cây bắp có hàm lượng cellulose ~61%, cấu trúc sợi có nhiều lỗ rỗng to, điều này khác biệt so với những sợi tự nhiên phổ biến khác. Ở điều kiện gia công vật liệu đạt cơ tính cao nhất khi nhiệt độ ép 145oC, thời gian ép 10 phút, áp suất ép 100 kg.cm-2 và tỷ lệ thể tích sợi 50%,  độ bền kéo ~31 MPa, độ bền uốn ~34 MPa, độ bền va đập ~11 KJ.m-2 và độ co ngót của vật liệu là 0,4%. Vật liệu composite được tạo ra trong nghiên cứu này đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của vật liệu dùng trong sản xuất, trang trí nội thất và xây dựng.

Trích xuất và phân tích thông tin trên Google về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp

Võ Huỳnh Quang Hiếu, Đỗ Phúc
Tóm tắt | PDF
Tại Việt Nam, có thể nói ngành chăm sóc sắc đẹp là một trong những lĩnh vực kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao. Việc tìm hiểu những sản phẩm nào đang được quan tâm tìm kiếm phổ biến trên Google và nắm được số liệu dự đoán tìm kiếm tương lai trên Google giúp cho các nhà đầu tư, những người phụ trách phòng kinh doanh, tiếp thị những thông tin hữu ích để có thể nghiên cứu đưa ra các chiến lược tiếp thị kinh doanh cạnh tranh với đối thủ hoặc các nhà đầu tư cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư của mình. Bài báo này thực hiện các phương pháp thu thập, tiền xử lý dữ liệu, phân tích và trích xuất thông tin nội dung của các trang web được phổ biến trên Google. Cuối cùng là dự đoán số liệu tìm kiếm trong tương lai trên Google bằng các thuật toán học máy. Kết quả thực nghiệm đã cho biết các sản phẩm nổi bật và đề xuất mô hình phù hợp dự đoán số liệu tìm kiếm tương lai trên Google.

Nghiên cứu loại bỏ Cr(VI) trong môi trường nước bằng vật liệu tổng hợp từ xiên que tre

Lê Tâm Như, Trần Tuyết Sương, Đỗ Hải Sâm, Nguyễn Trung Hiệp, Thái Phương Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm mục đích loại bỏ Cr(VI) trong nước bằng than sinh học (TSH) từ xiên que tre đã qua sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy bề mặt của TSH thu được khi nhiệt phân xiên que tre ở 500oC có cấu trúc lỗ xốp phức tạp với nhiều vi lỗ kích thước khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hấp phụ Cr(VI). TSH thu được có thể loại bỏ Cr(VI) ở nồng độ 40 mg/L với hiệu suất hấp phụ >99% ở điều kiện pH 2, 0,6 g TSH, 50 mL dung dịch trong thời gian 105 phút. Nghiên cứu xây dựng mô hình đẳng nhiệt cho thấy quá trình hấp phụ Cr(VI) bằng than tre phù hợp với mô hình hấp phụ đơn lớp Langmuir với dung lượng hấp phụ cực đại là 6,26 mg/g; và mô hình động học biểu kiến bậc 2 phù hợp để giải thích động học quá trình hấp phụ Cr(VI) lên TSH. Nghiên cứu đã bước đầu khẳng định vật liệu hấp phụ chế tạo từ xiên que đã qua sử dụng có tiềm năng rất lớn trong loại bỏ Cr(VI) trong môi trường nước.

Đặc điểm hình thái, cấu trúc giải phẫu và thành phần hóa học của an xoa (Helicteres hirsuta Lour.) tại An Giang và Kiên Giang

Phan Thị Yến Nhi, Phan Thành Đạt, Nguyễn Trọng Hồng Phúc, Nguyễn Quốc Khương, Nguyễn Khởi Nghĩa, Phùng Thị Hằng
Tóm tắt | PDF
Theo kinh nghiệm dân gian, cây an xoa (Helicteres hirsuta Lour.) có nhiều hoạt chất sinh học đặc biệt, có khả năng kháng oxy hóa, bảo vệ gan, kháng lại nhiều loại tế bào ung thư. Nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát các đặc điểm thực vật học, thành phần hóa học và đặt tính đất, của H. hirsuta thu tại hai địa điểm: núi Cấm (An Giang) và Lại Sơn (Kiên Giang). Mục tiêu của nghiên cứu xây dựng dữ liệu cho việc xác định hiệu quả điều trị bệnh và khoanh vùng các khu vực trồng an xoa tại đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, thành phần dinh dưỡng đất (đặc biệt là đạm và lân) có ảnh hưởng đến hình thái và cấu trúc giải phẫu của loài, tuy nhiên, an xoa là nhóm thực vật có nhu cầu dinh dưỡng thấp theo thang đánh giá của TCVN (2000). Có sự khác biệt về thành phần hóa học khi định tính một số hợp chất tại các khu vực thu mẫu khác nhau, một số chất dược liệu đặc biệt như saponin, phenol và coumarin chỉ có ở mẫu thu được tại Lại Sơn.

Giới hạn phương sai cho bước đi ngẫu nhiên trong không gian aZ

Lâm Hoàng Chương, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Thị Huỳnh Như, Phan Thị Mỹ Hằng, Nguyễn Cẩm Nhiêm
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, mô hình bước đi ngẫu nhiên trong không gian aZ sẽ được xem xét. Đầu tiên, phương trình Poisson liên kết với toán tử Markov P được giải để tìm nghiệm riêng của nó. Sau đó, phương sai của biến ngẫu nhiên sẽ được tìm dựa vào tính chất nghiệm của phương trình ở trên. Cuối cùng, giới hạn của phương sai sẽ được tính để đạt được kết quả mong muốn.

Nghiên cứu mô phỏng tính chất quang điện tử của các chấm lượng tử dựa trên vật liệu PdSe2 đơn lớp dạng ngũ giác pha tạp đơn và đôi nguyên tử

Phạm Thị Bích Thảo, Hà Thư Hoàng, Thái Trường An, Nguyễn Công Đạt Vinh, Nguyễn Thành Tiên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sử dụng lý thuyết phiếm hàm mật độ, tính chất điện tử và phổ hấp thụ của các chấm lượng tử Palladium diselenide đơn lớp, dạng ngũ giác, pha tạp đơn và đôi nguyên tử được khảo sát. Kết quả cho thấy, QD-Ru1 và QD-Ru1O2 là hai cấu trúc ổn định nhất với đỉnh phổ hấp thụ nằm trong khoảng bước sóng 3.000 nm thuộc vùng hồng ngoại. Từ cấu trúc PdSe2 ban đầu thực hiện pha tạp các nguyên tử Ruthenium (Ru), Rhodium (Rh), Silver (Ag), Oxygen (O), Sulphur (S) tại vị trí tương ứng, độ rộng vùng cấm đều có xu hướng thu hẹp so với cấu trúc ban đầu ngoại trừ QD-Rh1 và QD-Rh1O2. Thêm vào đó, đỉnh phổ hấp thụ của các cấu trúc QD-Ru1, QD-Rh1 pha tạp đơn và các cấu trúc pha tạp đôi O và S chỉ xảy ra dịch chuyển theo phương Oz với bước sóng tương ứng từ khoảng 2.000 nm đến 3.000 nm thuộc vùng hồng ngoại. Điều này cho thấy việc pha tạp nguyên tử là một trong những phương pháp hữu ích để tìm ra những cấu trúc có tính chất mới nhằm phát triển những ứng dụng của chấm lượng tử PdSe2 trong các thiết bị quang điện tử.

Đánh giá tình hình sử dụng và kết quả điều trị bằng thuốc Y học cổ truyền và thuốc Dược liệu của người dân tại các trạm y tế huyện Châu Thành – tỉnh Hậu Giang năm 2022 - 2023

Trần Đỗ Thanh Phong, Quách Thị Hồng Dung, Trương Huỳnh Kim Ngọc
Tóm tắt | PDF
Tỷ lệ sử dụng thuốc Y học cổ truyền (YHCT) trong chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng của người dân Việt Nam có xu hướng giảm và chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Mô tả tình hình sử dụng thuốc YHCT và thuốc Dược liệu của người dân tại các cơ sở Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang năm 2022-2023, (2) Đánh giá hiệu quả điều trị bằng thuốc YHCT và thuốc Dược liệu của người dân tại các cơ sở Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang năm 2022-2023. Nghiên cứu hồi cứu mô tả trên 1.600 hồ sơ bệnh án của bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú có sử dụng thuốc YHCT từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023. Kết quả: Thuốc YHCT được chỉ định chiếm 73,3%, thuốc dược liệu chiếm 26,7%. Có 88% bệnh nhân cải thiện tình trạng bệnh và phục hồi tốt khi sử dụng thuốc YHCT. Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng thuốc YHCT của người dân tại các cơ sở Y tế của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã và đang cải thiện theo từng giai đoạn tính đến thời điểm hiện tại.

Nguyên lý cực trị cho họ các ánh xạ đa trị

Hà Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Thị Diễm My, Nguyễn Duy Cường
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu các tính chất cực trị và tính dừng của họ các ánh xạ đa trị. Các tính chất này là dạng mở rộng của các tính chất tương ứng của họ các tập hợp. Nguyên lý cực trị của họ các ánh xạ đa trị được thiết lập thông qua việc sử dụng các công cụ của giải tích biến phân hiện đại. Các kết quả được thiết lập cải tiến kết quả nghiên cứu của Mordukhovich và các cộng sự (2003).

Nghiên cứu áp dụng phép biến đổi wavelet và thuật toán tối ưu của Marquardt để phân tích dữ liệu trọng lực vùng đồng bằng sông Cửu Long

Dương Quốc Chánh Tín, Nguyễn Hoàng Hiếu, Trương Đỗ Anh Kha, Hứa Gia Khánh
Tóm tắt | PDF
Trong địa vật lý thăm dò, quá trình minh giải định lượng các thông số đặc trưng của nguồn trường gây ra dị thường tại điểm khảo sát được quy về giải bài toán ngược trường thế. Khó khăn lớn nhất khi giải bài toán này là nghiệm của nó không đơn nhất, bởi vì luôn tồn tại nhiều mô hình được mô phỏng với các số liệu khác nhau có sai số trong khoảng cho phép. Trong nghiên cứu này, phương pháp biến đổi wavelet liên tục, sử dụng hàm wavelet phức Farshad-Sailhac kết hợp với thuật toán tối ưu Marquardt, đã được tiến hành để mô hình hóa các nguồn dị thường trọng lực trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc xác định các thông số đặc trưng của các nguồn, bao gồm vị trí trên bình đồ, độ sâu, hình dạng, kích thước ba chiều và hiệu mật độ, đã được thực hiện. Từ những kết quả này, những luận giải được đề xuất phù hợp về bản chất địa chất của các nguồn dẫn đến sự biến đổi trọng lực trong khu vực nghiên cứu. Điều này góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả của các phương pháp địa vật lý thăm dò trong lĩnh vực địa chất ứng dụng tại Việt Nam.

Tình hình chăn nuôi và tình trạng bệnh viêm móng trên bò thịt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Văn Lanh, Phạm Chí Thanh, Dương Nguyên Khang, Nguyễn Thị Thương
Tóm tắt | PDF
Bài viết được thực hiện nhằm đánh giá tình hình chăn nuôi và tỉ lệ viêm móng ở bò thịt trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thông qua phương pháp điều tra và phỏng vấn 90 hộ chăn nuôi bò thịt. Kết quả khảo sát trên 1.751 bò thịt tại 90 hộ thuộc 9 xã cho thấy mỗi hộ nuôi trung bình 20 con. Tỉ lệ bò thịt nhiều nhất thuộc nhóm tuổi 1 - 2 năm (37,46%) và từ 2 - 3 năm (34,55%). Các giống bò nuôi thịt chủ yếu gồm lai Sind, BBB (Blanc-Blue-Belgium) và Charolais. Nguồn thức ăn thô xanh gồm cỏ lông tây (36,67%), cỏ voi (27,78%) và cỏ mật (12,22%). Thức ăn ủ chua từ cỏ voi chiếm tỷ lệ 12,22% là phổ biến nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ghi nhận vệ sinh sát trùng chuồng trại thực hiện không thường xuyên. Tỉ lệ hộ nuôi bò thịt bị viêm móng tại thời điểm khảo sát ở 90 hộ chiếm 25,56%, dao động 10 - 40% ở các xã. Trong khi đó, tỉ lệ bò bị viêm móng trung bình lưu hành tại 9 xã khảo sát là 4,68%. Tình trạng viêm móng vẫn còn xảy ra với tỉ lệ khá cao, gây thiệt hại kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Đánh giá năng suất, chất lượng và độ thuần của bảy dòng lúa nếp khảo nghiệm hậu kỳ tại huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang

Nguyễn Kim Khánh, Hồ Bão Ngọc, Nguyễn Thái Dương, Trần Phước Lộc, Hình Văn Diên, Bùi Thị Dương Khuyều, Phạm Ngọc Tú, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Để tuyển chọn được những dòng lúa nếp mới phù hợp với điều kiện sản xuất và chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, 7 dòng lúa nếp triển vọng (N6, N14, N15, N23, N29, N31 và N32) đã được tiến hành khảo nghiệm đồng ruộng, phân tích chất lượng và kiểm tra kiểu gen thơm, amylose và chiều dài hạt tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang trong vụ Thu Đông 2020. Kết quả khảo nghiệm đã chọn được 4 dòng lúa nếp triển vọng là N6, N14, N15 và N32 có năng suất cao (5,47-6,88 tấn/ha), cứng cây (điểm 1), kháng đạo ôn lá (cấp 1-3), hàm lượng amylose từ 2,0 đến 2,1%, nhiệt hoá hồ thấp, tỷ lệ thu hồi gạo nguyên tốt (>53%) và có kiểu gen đồng hợp khi kiểm tra với các gen mục tiêu. Vì vậy, 4 dòng lúa nếp này (N6, N14, N15 và N32) phù hợp để tiến hành khảo nghiệm các vùng sinh thái trong vụ tiếp theo.

Đặc điểm đột biến gene kháng thuốc Rifampicin và Isoniazide của vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) ở tỉnh Đồng Tháp

Dương Thế Long, Trần Ngọc Dung, Dương Thị Loan, Đinh Thị Hương Trúc, Trịnh Thị Hồng Của, Phạm Đắc Lộc, Nguyễn Hữu Thành, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Sự xuất hiện của bệnh lao đa kháng thuốc (MDR-TB) đã gây khó khăn trong kiểm soát bệnh lao, và việc chẩn đoán kịp thời MDR-TB là một thách thức đáng chú ý. Mục tiêu nghiên cứu là xác định đặc điểm phân tử của đột biến gen rpoB, katG, inhA liên quan đến khả năng kháng Rifampicin (RIF) và Isoniazid (INH) ở vi khuẩn lao kháng thuốc được phân lập ở tỉnh Đồng Tháp. Tổng cộng có 29 mẫu vi khuẩn lao kháng thuốc (n=29) đã được ly trích DNA bộ gen bằng kỹ thuật NGS từ đó xác định các đột biến trên gen rpoB, katG và inhA. Kết quả cho thấy đột biến Ser450Leu là phổ biến nhất (58,6%) trên gen rpoB. Ngoài ra, một đột biến mới, Ser254Pro, đã được xác định ở 3,4% số mẫu. Nghiên cứu cũng ghi nhận 7 đột biến khác trên gen rpoB: Gln432Lys, Asp435Tyr, Asp435Val, His445Tyr, His445Leu, Ser450Cys và Leu452Pro. Trên gen katG, hai đột biến đã được ghi nhận: Ser315Thr, với tỷ lệ phổ biến là 82,8% và Arg463Leu, được quan sát thấy ở 96,6% các chủng phân lập. Ngoài ra, gen inhA biểu hiện một đột biến đơn lẻ, Ile194Thr (chiếm 3,4%), có liên quan đến khả năng kháng Isoniazid (INH).

Nghiên cứu các yếu tố tác động lên hiệu quả chăn nuôi vịt bầu trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái: ứng dụng mô hình tác động cố định và tác động ngẫu nhiên

Trương Khánh Tấn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này kiểm định ảnh hưởng của các yếu tố đến kết quả chăn nuôi qua phương pháp hồi quy tác động cố định (FE) và tác động ngẫu nhiên (RE). Nghiên cứu phân tích số liệu 96 hộ chăn nuôi vịt bầu trong 3 năm từ 2019 đến 2021 trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Kết quả kiểm định Hausman cho thấy mô hình FE phù hợp hơn RE trong nghiên cứu này. Nghiên cứu cho thấy các biến số trình độ học vấn và giới tính không có ý nghĩa thống kê tác động đến hiệu quả chăn nuôi. Các biến con giống, thức ăn chăn nuôi có ý nghĩa tác động tích cực lên sản lượng trong khi đó biến vắc xin và thuốc thú y, tuổi có quan hệ ngược chiều lên biến đầu ra. Kết quả cho thấy người chăn nuôi đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và việc sử dụng vắc-xin và thuốc thú y chưa hiệu quả. Kết quả nghiên cứu gợi ý một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Khảo sát khả năng sinh trưởng và năng suất của cây đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba Kiatagawa) trồng chậu

Nguyễn Văn Ây, Đặng Xuân Thảo, Nguyễn Hữu Dững, Trần Ngọc Quý
Tóm tắt | PDF
Yếu tố môi trường tác động rất lớn đến sinh trưởng và hàm lượng các hợp chất trong cây. Nghiên cứu ảnh hưởng của ánh sáng và công thức phân bón đến sự sinh trưởng của cây đương quy trồng trong chậu được thực hiện tại Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 01/2022 đến tháng 7/2023, nhằm tìm ra mức độ che sáng và công thức phân bón phù hợp cho sự sinh trưởng và năng suất của loại cây này. Kết quả cho thấy: (i) Cây đương quy trồng trong chậu sinh trưởng tốt khi che sáng 25%, và (ii) Công thức bón phân 1,01 g N + 0,58 g P2O5 + 1,49 g K2O giúp cây đương quy Nhật Bản phát triển tốt nhất trong điều kiện che sáng 25%. Khối lượng rễ củ, hàm lượng phenolic và flavonoid tổng đều ở mức cao (lần lượt là 205 g/cây, 44,8 mg/g và 282 mg/g TLK) so với các công thức phân bón còn lại. Kết quả này cần tiếp tục được kiểm nghiệm thực tế đồng ruộng ở quy mô rộng hơn để có thể phục vụ trong canh tác trên giống cây này.

Ảnh hưởng của các kiểu đáy khác nhau lên hiệu quả nuôi ốc hương (Babylonia areolata) thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn

Hoàng Văn Duật, Nguyễn Đức Tú, Bùi Thị Thuỳ Nhung, Nguyễn Thế Dương, Nguyễn Tấn Sỹ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định kiểu đáy thích hợp trong nuôi thương phẩm ốc hương (Babylonia areolata) trong hệ thống tuần hoàn.  Thí nghiệm được bố trí gồm 5 nghiệm thức và được lặp lại 3 lần, diện tích mỗi bể 83,3 m2, trong 5 hệ thống tuần hoàn, cỡ ốc thả bình quân 0,2 ± 0,001 g/con; mật độ thả 2.500 con/m2: kiểu đáy không cát, giá thể nilon (NT1); kiểu đáy không cát, giá thể bông tướt (NT2); kiểu đáy 2 tầng 1 lớp cát (NT3), kiểu đáy 2 tầng 2 lớp san hô-cát (NT4) và  kiểu đáy 1 tầng 2 lớp san hô-cát (NT5). Sau 176 ngày nuôi, kết quả cho thấy ốc hương nuôi trong kiểu đáy 1 tầng 2 lớp (NT5) cho kết quả tốt nhất, ốc lủi sâu trong cát và bắt mồi tốt, cỡ ốc thu 6,65 ± 0,044 g/con tốc độ tăng trưởng đạt 36,7 mg/ngày, năng suất thu 11,77 ± 0,061 kg/m2, hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) đạt 2,31 ± 0,012 và tỷ lệ sống đạt 70,3 ± 0,36%. Kiểu đáy NT1 và NT2 cho kết quả nuôi kém, ốc hương thường xuyên bỏ ăn, không khép nắp vỏ,  tiết nhớt nhiều do không phù hợp đặc tính sinh học sống vùi mình trong cát của ốc hương.

An toàn trong vận chuyển, bảo quản và phát hiện Streptococcus agalactiae và Vibrio parahaemolyticus trên thẻ FTA bằng PCR

Nguyễn Diễm Thư, Trương Nhật Nam, Lê Thị Kim Phượng, Đỗ Viết Phương
Tóm tắt | PDF
Bệnh do vi khuẩn Streptococcus agalactiae (SA) và Vibrio parahaemolyticus (VP) có thể gây thiệt hại kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản. Việc vận chuyển các mẫu bệnh nguy hiểm khi thu mẫu từ ao nuôi đến nơi xét nghiệm còn gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian. Nghiên cứu này đánh giá khả năng an toàn sinh học hay khả năng bất hoạt và lưu giữ của SA và VP trên thẻ FTA. Để đánh giá khả năng bất hoạt vi khuẩn của thẻ FTA, tế bào vi khuẩn hoặc mô cá/tôm được tẩm lên thẻ và tăng sinh trong môi trường lỏng 24, 48, 72 giờ. Ngoài ra, DNA vi khuẩn SA và VP trên thẻ FTA được giữ ở 4°C trong 1,5-15 tháng, sau đó được phân tích bằng PCR. Kết quả cho thấy SA và VP đều bị bất hoạt sau khi lưu trữ trên thẻ FTA và PCR đã phát hiện thành công SA và VP sau 13-15 tháng lưu trữ. Nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng thẻ FTA mang lại sự an toàn, đơn giản, dễ dàng trong vận chuyển, lưu trữ và phát hiện các mầm bệnh vi khuẩn bằng PCR.

Diễn biến chất lượng nước ao tôm - rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau

Trần Trung Giang, Huỳnh Dục Bé, Âu Văn Hóa, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm theo dõi diễn biến chất lượng nước trong mô hình tôm – rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau trong 12 tháng. Mẫu nước được thu hàng tháng tại 9 đầm tôm. Kết quả ghi nhận chất lượng môi trường nước trong các đầm tôm – rừng khá biến động, đặc biệt vào các tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Tuy nhiên, các chỉ số vẫn trong khoảng phù hợp cho sự sinh trưởng của tôm, cua hay các đối tượng khác trong đầm. Độ mặn tại các ao nuôi khá cao, trung bình là 27,8±3,7‰, dao động từ 15,7~34,0‰. Các hàm lượng đạm (TAN:NH3/NH4+, NO2-; NO3-) và lân (PO43-) hòa tan trong nước ở mức thấp. Khí H2S trong nước ở mức thấp, không ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh vật. Diện tích rừng trong ao nuôi ảnh hưởng đến hàm lượng TN, TP và chlorophyll-a trong nước, có thể gây phú dưỡng, ô nhiễm thủy vực. Hàm lượng TSS khá cao nên chú ý khi lấy nước vào ao nuôi, đặc biệt vào các thời điểm thả giống.

Ảnh hưởng của thời gian chiếu tia cực tím đến hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita deshayes, 1830)

Lê Văn Bình, Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời gian chiếu tia cực tím khác nhau đến hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita). Thí nghiệm được bố trí trong bể có kích thước (1 × 1 × 1 m), mật độ 15 cặp ốc/m2 và mực nước trong bể ban đầu là 40 cm. Thí nghiệm gồm có 6 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần với các thời gian chiếu tia cực tím khác nhau như sau: 1) Đối chứng (không chiếu tia cực tím-UV0); 2) Thời gian chiếu 15 phút (UV15); 3) Thời gian chiếu 30 phút (UV30); 4) Thời gian chiếu 45 phút (UV45) và 5) Thời gian chiếu 60 phút (UV60). Ốc ở UV15 sinh ra số tổ trứng, tần suất sinh sản và tỉ lệ tham gia sinh sản (13,8 tổ/m2; 4,58 tổ/ngày/m2; 91,7%) và UV30 (13,7 tổ/m2; 4,56 tổ/ngày/m2; 91,1%) cao hơn và khác biệt (p

Khai thác và sử dụng phần mềm trực tuyến Desmos trong dạy học một số kiến thức “Dao động” và “Sóng” Vật lí trung học phổ thông

Nguyễn Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Kiến thức về “Dao động” và “Sóng” là những nội dung quan trọng trong chương trình Vật lí phổ thông, các kiến thức này được định hướng triển khai dạy học tiếp cận bằng đồ thị nhằm đảm bảo các yêu cầu cần đạt trong chương trình. Các phần mềm vẽ đồ thị, đặc biệt là Desmos, cung cấp những hình ảnh trực quan về đồ thị ở cả chế độ tĩnh và động, giúp cho việc giảng dạy kiến thức liên quan đến đồ thị hình sin được hiệu quả hơn. Nghiên cứu tập trung khai thác và sử dụng phần mềm Desmos, đánh giá hiệu quả của nó thông qua dạy học một số kiến thức “Dao động” và “Sóng”. Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm sư phạm được sử dụng trên 161 học sinh trường THPT An Biên (Kiên Giang), thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả nghiên cứu đã giới thiệu một số cách khai thác và hướng sử dụng Desmos trong dạy học Vật lí góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở trường phổ thông.

Cách thức xây dựng bài tập bổ trợ môn Tiếng Việt nhằm phát triển năng lực sử dụng từ ngữ cho học sinh tiểu học

Huỳnh Lê Chi Hải
Tóm tắt | PDF
Với mục đích dạy học Tiếng Việt đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tiếp cận với xu hướng giáo dục hiện đại hiện nay, giúp học sinh đạt được yêu cầu cần đạt về năng lực, bài viết trình bày cách thức xây dựng bài tập bổ trợ của môn Tiếng Việt nhằm phát triển năng lực sử dụng từ ngữ cho học sinh tiểu học.

Dạy viết văn bản đa phương thức cho học sinh lớp 10

Châu Kim Vàng
Tóm tắt | PDF
Dạy viết văn bản đa phương thức theo tiếp cận năng lực học sinh trong môn Ngữ văn lớp 10 là một công việc cần thiết để giúp giáo viên hiểu và thực hiện đúng, tốt các yêu cầu cần đạt của kĩ năng viết trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018. Tuy nhiên, dạy viết văn bản đa phương thức cho học sinh lớp 10 của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018 còn mang tính khái quát, cần có thêm những diễn giải cụ thể giúp cho giáo viên hiểu đúng về tư tưởng mới của chương trình, thực hiện tốt các yêu cầu đổi mới. Nghiên cứu này tập trung trình bày về văn bản đa phương thức, văn bản đa phương thức trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, đề xuất biện pháp dạy viết văn bản đa phương thức cho học sinh lớp 10, thực nghiệm sư phạm, tạo tiền đề cho những cải tiến về quy trình, phương pháp và kĩ thuật dạy viết văn bản đa phương thức theo tiếp cận năng lực học sinh trong môn Ngữ văn lớp 10.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Trương Trí Thông, Nguyễn Trọng Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Dữ liệu được thu thập từ 157 du khách thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện và phát triển mầm. Phương pháp đánh giá độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả cho thấy có sáu nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch nông nghiệp tại huyện Phong Điền bao gồm: an toàn và an ninh, giá cả, tài nguyên du lịch nông nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lao động, và cơ sở hạ tầng. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để các bên liên quan trong phát triển du lịch nông nghiệp ở huyện Phong Điền có thể đưa ra một số định hướng và giải pháp nhằm phát triển du lịch nông nghiệp tại địa bàn huyện trong tương lai.

Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định thực hành công nghệ thông tin xanh: Bằng chứng thực nghiệm từ sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Ngô Mỹ Trân, Khổng Duy Thuận, Nguyễn Thị Mỹ Loan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến ý định thực hành công nghệ thông tin (CNTT) xanh của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ dựa trên mẫu nghiên cứu khảo sát từ 180 sinh viên. Các phương pháp phân tích số liệu chính được sử dụng bao gồm phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy nhị phân. Kết quả nghiên cứu cho thấy bốn nhân tố gồm thái độ đối với CNTT xanh, nhận thức kiểm soát hành vi, sự quan tâm đến môi trường và cân nhắc về hậu quả tương lai có ảnh hưởng tích cực đến ý định thực hành công nghệ thông tin xanh của sinh viên. Điều này cho thấy nhà trường cần hiểu rõ thái độ của sinh viên để đưa ra những kế hoạch phù hợp giúp sinh viên thấy được ý nghĩa và lợi ích của CNTT xanh. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường mở rộng việc giới thiệu về CNTT xanh cũng như tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm thực hành CNTT xanh trong quá trình học tại trường.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Lưu Tiến Thuận, Đinh Thị Mỹ Phượng, Nguyễn Thu Nha Trang
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu này là xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của người tiêu dùng tại thành phố Cần Thơ và đưa ra một số hàm ý quản trị phù hợp. Kỹ thuật lấy mẫu thuận tiện đã được sử dụng để thu thập dữ liệu từ 160 khách hàng. Phương pháp phân tích hồi quy đa biến được sử dụng đã chứng minh rằng các nhân tố về: sản phẩm OCOP, giá cả cảm nhận, địa điểm bán hàng, sự hiểu biết về sản phẩm OCOP, an toàn thực phẩm và chuẩn mực chủ quan đều có tác động tích cực đến ý định mua sản phẩm được chứng nhận OCOP của người tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu là những bằng chứng thực nghiệm liên quan sâu sắc đến hành vi của người tiêu dùng và là một trong những nghiên cứu đầu tiên về hành vi người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP tại thành phố Cần Thơ nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chất lượng dịch vụ, sự hài lòng và ý định sử dụng lại dịch vụ tổ chức sự kiện: Bằng chứng thực nghiệm từ khách hàng tại thành phố Cần Thơ

Đặng Nguyễn Khánh Linh, Ngô Mỹ Trân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của chất lượng dịch vụ đến ý định sử dụng lại dịch vụ tổ chức sự kiện của khách hàng tại thành phố Cần Thơ (TPCT). Nghiên cứu sử dụng số liệu khảo sát từ 254 khách hàng cá nhân từng sử dụng dịch vụ tổ chức sự kiện. Kết quả phân tích bằng PLS-SEM cho thấy năm nhân tố gồm giá cả cảm nhận, hình ảnh thương hiệu, tính độc đáo khác biệt, sự thuận tiện trong dịch vụ và dịch vụ hướng tới khách hàng đều có tác động thuận chiều đến sự hài lòng của khách hàng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra tác động trực tiếp của sự hài lòng đến ý định sử dụng lại dịch vụ tổ chức sự kiện. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý quản trị đã được đề xuất nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ tổ chức sự kiện nhằm nâng cao sự hài lòng của khách hàng, qua đó nâng cao ý định sử dụng lại dịch vụ tổ chức sự kiện của khách hàng tại TPCT.