Ngày xuất bản: 18-10-2023

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến dung dịch phun điện và quá trình phun điện đồng trục đối với vi hạt berberine@chitosan/piperine

Cao Lưu Ngọc Hạnh, Lương Huỳnh Vủ Thanh, Đặng Huỳnh Giao, Ngô Trương Ngọc Mai, Trần Nguyễn Phương Lan, Mạc Chí Tâm
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của các yếu tố đến dung dịch phun điện (như loại dung môi, nồng độ dung môi, và nồng độ chitosan) và đến quá trình phun điện đồng trục (như hiệu điện thế đặt vào đầu kim, tốc độ phun, và khoảng cách từ đầu phun đến vị trí thu mẫu) đối với vi hạt berberine@chitosan/piperine được khảo sát và phân tích. Đối với dung dịch phun điện, hai loại dung môi được khảo sát (acetic acid và citric acid), trong đó acetic acid được chọn với nồng độ tối ưu 90%; nồng độ chitosan tối ưu 4%. Dung dịch tối ưu có độ dẫn điện 745 µS.cm-1, độ nhớt 920 mPa.s, sức căng bề mặt 30,9 mN.m-1. Đối với quá trình phun điện đồng trục, mẫu tối ưu có hiệu điện thế 17 kV, tốc độ phun 0,1/0,2 mL/h, và khoảng cách từ đầu phun đến vị trí thu mẫu 10 cm. Với bộ số liệu tối ưu này, các vi hạt berberine@chitosan/piperine thu được có hình dạng gần như hình cầu, có cấu trúc lõi-vỏ, sự phân bố kích thước hạt tương đối đồng đều, đường kính hạt 203,78 ± 58,56 nm.

Chế tạo vật liệu nano Berberin và đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn gây sâu răng

Nguyễn Hữu Tuyền, Nguyễn Kim Thanh Kiều, Võ Nhị Kiều, Ngô Hồng Loan, Lâm Hoàng Anh Thư, Phạm Tiến Dũng, Hoàng Thuỳ Dương, Phan Thị Kim Ngân, Nguyễn Đông Thức, Mai Ngọc Tuấn Anh
Tóm tắt | PDF
Berberin là một alkaloid có nguồn gốc từ thực vật, được dùng nhiều trong y học cổ truyền. Berberin có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, ức chế tế bào gây ung thư,... Tuy nhiên, berberin lại ít tan trong nước và có tính sinh khả dụng thấp. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tỉ lệ chất hoạt động bề mặt Tween 80 : Sodium Laureth Sulfate để tạo ra hệ nano berberin ổn định, đồng nhất và đánh giá khả năng vi khuẩn gây sâu răng của nano berberin. Nano berberin được chế tạo bằng phương pháp nghiền bi với các tỉ lệ chất hoạt động bề mặt Tween 80 và Sodium Laureth Sulfate khác nhau. Các mẫu được kiểm tra đặc tính hóa, lý bằng phương pháp XRD, FE-SEM và UV-Vis. Bước đầu đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn gây sâu răng của mẫu nano berberin bằng phương pháp khuếch tán qua thạch và phương pháp pha loãng vi lượng. Kết quả cho thấy, mẫu có tỉ lệ chất hoạt động bề mặt Tween 80 : Sodium Laureth Sulfate là 3:1 tạo ra hạt nano berberin có cấu trúc tinh thể với kích thước hạt nano trung bình là 40 – 65 nm. Nano berberin có khả năng ức chế mạnh sự phát triển của vi khuẩn S. mutans – tác nhân chính gây nên sâu răng.

Mạch đo điện áp cách ly cho thiết bị điện tử công suất

Lê Quốc Anh, Nguyễn Hoàng Vũ
Tóm tắt | PDF
Bài báo này mô tả mạch nguyên lý hoạt động và các đánh giá kết quả thí nghiệm của mạch đo điện áp cách ly sử dụng AMC3330 cho các thiết bị điện tử công suất. Mạch đo điện áp cách ly có khả năng cách ly điện áp cao ở mạch công suất trong các thiết bị điện tử công suất với thiết bị điều khiển, quan sát và người vận hành trong quá trình vận hành, nghiên cứu và phát triển. Mạch đo điện áp cách ly có thể truyền tín hiệu tương tự qua rào chắn cách ly với tốc độ cao. Bên cạnh đó, việc chỉ cần cấp một nguồn điện áp bên phía điện áp thấp cũng tạo dễ dàng cho việc thiết kế và vận hành mạch cách ly điện áp sử dụng AMC3330. Các kết quả thí nghiệm chứng tỏ được giá trị của mạch đo điện áp cách ly trong các ứng dụng điện tử công suất.

Hiệu chuẩn cảm biến áp lực đất trong phòng thí nghiệm

Đặng Trâm Anh, Nguyễn Chí Ngôn, Lương Vinh Quốc Danh
Tóm tắt | PDF
Cảm biến áp suất đất được sử dụng để ước lượng giá trị ứng suất đất tại điểm lắp đặt trong khối đất hoặc ở vị trí giao diện đất-kết cấu công trình. Việc hiệu chuẩn cảm biến áp suất đất nhằm xác định mối quan hệ giữa áp suất đặt vào và đáp ứng của cảm biến trong các điều kiện tải khác nhau. Điều này là rất cần thiết để thu được kết quả đo chính xác hơn. Nghiên cứu này triển khai hai hoạt động cơ bản, gồm: i)phát triển thiết bị hiệu chuẩn cảm biến áp suất trong hai môi trường khác nhau: chất lỏng và đất cát bão hòa nước; ii)khảo sát ảnh hưởng của độ dày lớp cát đến tín hiệu đầu ra của pin áp suất đất (earth pressure cell - EPC). Kết quả thu được của nghiên cứu cho thấy độ tin cậy cao của thiết bị hiệu chuẩn được phát triển và sự ảnh hưởng của độ dày lớp cát đến kết quả hiệu chuẩn. Độ dày lớp cát tối ưu đạt được bằng 6,5 lần đường kính của EPC.

Xác định món ăn đặc sản Việt Nam với sự kết hợp của mạng học sâu và bản thể học

Mã Trường Thành, Châu Ngân Khánh, Thạch Minh Hớn, Phạm Xuân Hiền, Phan Bích Chung
Tóm tắt | PDF
Việc bảo tồn và phổ biến các giá trị của truyền thống văn hóa ẩm thực luôn là một thách thức không ngừng và cần được giữ gìn của mỗi quốc gia. Nhìn chung, có rất ít nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI (Artificial intelligence) tập trung vào lĩnh vực này, hầu hết những nghiên cứu chỉ tập trung vào phân lớp hình ảnh và thiếu thông tin toàn diện của từng món ăn. Nhận thấy được tầm quan trọng của kiến thức cốt lõi và thông tin chi tiết của từng món ăn, đề xuất về khung AI cho các món ăn Việt Nam được giới thiệu trong bài báo này. Cụ thể, một bản thể luận (ontology) món ăn đặc sản Việt Nam để lưu trữ thông tin liên quan và mô hình phân lớp hình ảnh các món ăn đặc sản được trình bày. Đóng góp chính là phân lớp ảnh chụp món ăn với trên 96% và cung cấp các công thức nấu ăn tương ứng từ ontology.

Nghiên cứu khả năng hấp phụ xanh methylene của than sinh học sản xuất từ cành thanh long (Hylocereus Sp.)

Đỗ Hải Sâm, Trần Tuyết Sương, Nguyễn Trung Hiệp, Trần Anh Khoa, Thái Phương Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu trình bày quy trình xử lý cành thanh long bằng phương pháp nhiệt phân ở 550oC thu than sinh học, ứng dụng xử lý chất màu xanh methylen (MB) trong nước thải. Kết quả khảo sát cho thấy khi thời gian hấp phụ là 90 phút với nồng độ MB 40 mg/L thì hiệu suất hấp phụ có thể đạt > 95% đối với 0,3 g biochar sử dụng trong khoảng pH 8-11. Nghiên cứu xây dựng mô hình đẳng nhiệt cho thấy quá trình hấp phụ MB bằng than từ cành thanh long phù hợp với mô hình hấp phụ đơn lớp Langmuir với độ tuyến tính R2 = 0,9889 và dung lượng hấp phụ cực đại là 13,7 mg/g. Khảo sát động học cho thấy mô hình động học giả bậc 2 là phù hợp để giải thích động học quá trình hấp phụ MB lên than sinh học. Các kết quả khảo sát này chứng tỏ than sinh học từ nhiệt phân cành thanh long có thể ứng dụng trong lĩnh vực xử lý nước thải bằng phương pháp hấp phụ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm từ cành thanh long và MB.

Nghiên cứu lượng hấp thụ Co2 của rừng tràm (Melaleuca cajuputi Powell) ở các độ dày than bùn khác nhau tại vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau

Trần Quốc Khải, Dương Văn Nhã, Nguyễn Tấn Truyền, Huỳnh Kiệt Anh Tuấn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của rừng tràm (Melaleuca cajuputi Powell) tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Số liệu được thu thập qua 12 ô tiêu chuẩn theo các độ dày than bùn: T (cm) < 40, T (cm)  = 40 - 70, T (cm) = 70 - 100, T (cm) = 100 - 120 và giải tích 21 cây cá thể. Số liệu sau khi thu thập được phân tích để tìm phương trình thích hợp cho mối quan hệ giữa các nhân tố. Kết quả cho thấy phương trình mô tả tốt nhất cho mối quan hệ giữa sinh khối, carbon tích lũy với đường kính thân cây có dạng: Y = (a + b/X)2. Có sự khác nhau giữa lượng CO2 hấp thụ của quần thể rừng tràm ở các độ dày than bùn: T (cm) < 40 là 237,51 tấn/ha, T (cm) = 40 - 70 là 167,73 tấn/ha, T (cm) = 70 - 100 là 42,89 tấn/ha, T (cm) = 100 - 120 là 58,87 tấn/ha. Tổng giá trị hấp thụ CO2 của rừng tràm tại khu vực nghiên cứu là 364.140.005.825 đồng.

Thành phần hóa học của lá cây lý (Syzygium jambos (L.)), họ sim (Myrtaceae)

Huỳnh Kim Yến, Nguyễn Trọng Tuân, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Trần Thanh Mến
Tóm tắt | PDF
Lá cây Lý được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh về tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, lợi tiểu, hạ sốt và các bệnh về phổi. Trong nghiên cứu này, lá cây Lý được thu hái tại Kiên Giang. Cao tổng ethanol được chiết phân đoạn lần lượt với dung môi n-nexane và ethyl acetate. Bằng phương pháp sắc ký cột đã phân lập được 4 hợp chất gồm Stigmasterol (1), 2-phenyl-4H-chromen-4-one (2), Chavicol β-D-glucopyranoside (3), rutin (4). Cấu trúc các hợp chất được xác định dựa trên phân tích phổ NMR và so sánh với các dữ liệu trong tài liệu tham khảo. Hợp chất (2) và (3) lần đầu tiên được phân lập từ loài thực vật này.

Nguyên lý biến phân Ekeland cho hàm có giá trị khoảng dựa trên tính nửa liên tục outer

Trần Văn Duy, Hà Nguyễn Huỳnh Anh, Đỗ Hồng Diễm, Đinh Ngọc Quý
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi đưa ra các phiên bản mở rộng của nguyên lý biến phân Ekeland cho hàm có giá trị khoảng trên không gian mêtric đủ dựa trên tính nửa liên tục outer. Các kết quả này đã mang lại tính mới và khác biệt so với các kết quả nghiên cứu gần đây về chủ đề này. Nhiều ví dụ cụ thể được đưa ra để so sánh và minh họa cho kết quả chính.

Định lý Weierstrass cho hàm có giá trị khoảng

Nguyễn Chí Tâm, Trần Văn Duy, Huỳnh Thanh Du, Nguyễn Trung Phát, Đinh Ngọc Quý
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, các phiên bản mở rộng của định lý Weierstrass cổ điển cho hàm có giá trị khoảng được đưa ra. Các kết quả được đề xuất là mới và tổng quát cho định lý Weierstrass cổ điển. Nhiều ví dụ cụ thể được trình bày để so sánh và minh họa cho các kết quả thu được.

Mở rộng nguyên lý biến phân Ekeland cho hàm có giá trị khoảng dựa trên tính nửa liên tục inner

Nguyễn Trung Phát, Huỳnh Thanh Du, Phạm Công Danh, Đỗ Hồng Diễm, Đinh Ngọc Quý
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, tính nửa liên tục inner và tính bị chặn dưới yếu của hàm có giá trị khoảng được sử dụng để đưa ra phiên bản mở rộng của nguyên lý biến phân Ekeland. Nhiều ví dụ cụ thể được đưa ra để làm rõ mối quan hệ giữa kết quả này với các kết quả đã công bố trước đó, bao gồm phân tích các thuận lợi của chúng.

Chế tạo graphene từ thanh graphite sử dụng phương pháp bóc tách điện hóa dựa vào kỹ thuật thế bậc thang

Phan Nguyễn Đức Dược, Trần Văn Hậu, Bùi Thúc Minh, Phan Nhật Nguyên, Nguyen Thị Hương, Phan Văn Cường
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, vật liệu graphene (GR) được chế tạo từ thanh graphite sử dụng phương pháp bóc tách điện hóa với các loại điện áp khác nhau đặt vào hai đầu điện cực, bao gồm các điện áp không đổi 6 V, 8 V, 10 V và kỹ thuật thế bậc thang hai giai đoạn từ 0-2 V và 2-10 V trong môi trường ammonium sulfate (NH4)2SO4. Kết quả chế tạo đã được khảo sát bằng các phép đo thế Zeta, kính hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM), kính hiển vi lực nguyên tử (AFM) và quang phổ Raman để xác định đặc trưng và cấu trúc của vật liệu GR. Thế Zeta thu được của GR-010 có giá trị -47,7 mV cho thấy hiệu quả phân tán trong môi trường nước, hiệu quả này do khả năng liên kết tốt với các ion âm ở bề mặt và biên của GR. Kết quả đo SEM và AFM cũng chỉ ra bề dày trung bình của các tấm GR-010 thu được vào cỡ 1,8 nm tương ứng 3-5 lớp GR, nhỏ hơn so với các mẫu GR-6, GR-8 và GR-10 tương ứng với các điện áp 6 V, 8 V và 10 V. Kết quả phân tích Raman cũng cho thấy mức độ sai hỏng của GR-010 thấp hơn so với GR-6, GR-8 và GR-10  với tỷ số ID/IG = 0,36.

Tính toán chiều cao sóng ý nghĩa bằng phương pháp tham số

Dương Thanh Nga, Trà Nguyễn Quỳnh Nga, Lê Song Giang
Tóm tắt | PDF
Sóng đại diện và tham số là hai phương pháp phổ biển tính chiều cao sóng biển. Phương pháp sóng đại diện có độ chính xác thấp khi tính chiều cao sóng ý nghĩa. Tuy nhiên, phương pháp tham số cho kết quả tốt khi tính chiều cao sóng căn quân phương. Do đó, nghiên cứu này sẽ kiểm tra tính khả thi của việc sử dụng phương pháp tham số để tính chiều cao sóng ý nghĩa. Số lượng lớn số liệu sóng và sáu công thức của phương pháp tham số được thu thập để kiểm tra khả năng tính chiều cao sóng ý nghĩa và hiệu chỉnh hệ số để nâng cao khả năng tính. Kết quả cho thấy, sai số tính chiều cao sóng từ 9,9% đến 19,6%. Tuy nhiên, sai số chỉ còn từ 6,4% đến 9,5% sau khi hiệu chỉnh hệ số và công thức DT23 cho sai số tốt nhất. Để kiểm tra lại khả năng tính toán, bộ số liệu kiểm tra được sử dụng và kết quả cho thấy sai số đã giảm đáng kể khi hiệu chỉnh hệ số. Do đó, DT23 được đề xuất để tính chiều cao sóng ý nghĩa.

Năng suất sinh sản của gà ác mái chân có lông và chân không có lông giai đoạn 22-29 tuần tuổi

Lê Thanh Phương, Phạm Tấn Nhã
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá năng suất sinh sản của gà ác mái chân có lông và không lông ở giai đoạn 22-29 tuần tuổi. Nghiên cứu được thực hiện tại trại gà huyện Phong Điền thành phố Cần Thơ từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022. Có tất cả 60 gà ác mái 22 tuần tuổi được bố trí với 2 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 30 lần, mỗi lần lập lại là một gà mái được nuôi trong chuồng lồng cá thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy gà ác có tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng, tiêu tốn thức ăn, tiêu tốn thức ăn/trứng và hệ số chuyển hóa thức ăn (feed conversion ratio-FCR) khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05). Tuy nhiên, tỉ lệ đẻ và FCR ở tuần tuổi 27 khác biệt có ý nghĩa thống kê (P

Nghiên cứu động học suy giảm hàm lượng polyphenol và hoạt tính sinh học của bột sấy phun cao chiết trâm vỏ đỏ (Syzygium Zeylanicum (L.) DC.) trong điều kiện cưỡng bức

Nguyễn Minh Trung, Bùi Thị Bích Huyên, Nguyen Quang Vinh
Tóm tắt | PDF
Bột sấy phun cao chiết trâm vỏ đỏ (Syzygium zeylanicum (L.) DC.) là sản phẩm giàu polyphenol, có hoạt tính kháng oxy hóa và kháng đái tháo đường in vitro cao. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá động học của quá trình suy giảm hàm lượng polyphenol và hoạt tính sinh học của bột sấy phun cao chiết Trâm vỏ đỏ. Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện kích thích ở nhiệt độ 40 và 60°C, và độ ẩm tương đối là 75 và 90% trong 50 ngày. Kết quả cho thấy, tốc độ suy giảm hàm lượng polyphenol và hoat tính sinh học của bột sấy phun cao chiết Trâm vỏ đỏ phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm bảo quản. Bột sấy phun bảo quản ở điều kiện 40°C và độ ẩm tương đối thấp (75%) giữ được các hoạt tính sinh học ổn định hơn, với thời gian bán rã và suy giảm 90% hoạt tính lần lượt là 346,57 ngày và 1.151,29 ngày; hệ số nhiệt động (Q10) là 1,5 và năng lượng kích hoạt (Ea) là 35.125,4 J mol-1. Sự phân hủy của hàm lượng polyphenol tuân theo mô hình bậc nhất và hằng số phân hủy nằm trong khoảng 0,002 – 0,006 ngày−1.

Ảnh hưởng của mức độ phân bón và loại phân hữu cơ đến sự thay đổi một số đặc tính dinh dưỡng trong đất, sinh trưởng, năng suất và chất lượng cải kale rong biển và cải kale xoăn (Brassica oleracea var L.)

Tất Anh Thư, Nguyễn Nhựt Hào, Đặng Quốc Đạt, Quan Thị Ái Liên
Tóm tắt | PDF
Mức độ phân bón và loại phân hữu cơ được xác định ảnh hưởng đến sự thay đổi một số đặc tính hóa học đất, sinh trưởng, năng suất và chất lượng của hai giống cải kale (kale rong biển và kale xoăn). Thí nghiệm bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 2 nhân tố, 6 tổ hợp phân bón, ba lặp lại. Nhân tố A là hai mức độ phân NPK (1) 100% NPK (120N-48P2O5-176K2O) và (2) 50%NPK. Nhân tố B là loại phân hữu cơ (phân trùn quế và phân gà). Kết quả thí nghiệm cho thấy liều lượng phân bón NPK không ảnh hưởng sự thay đổi giá trị pH và chất hữu cơ, nhưng có ảnh hưởng đến N,P hữu dụng trong đất. Hàm lượng N,P hữu dụng ở mức bón 100% NPK cao hơn, khác biệt ý thống kê so với mức bón 50% NPK. Bón phân hữu cơ giúp cải thiện pH, dinh dưỡng N,P hữu dụng và chất hữu cơ trong đất đáng kể so với không bón phân hữu cơ. Sự sinh trưởng phát triển, năng suất cải kale đạt cao nhất khi bón 50-100% NPK kết hợp phân gà hoặc phân trùn quế. Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy bón phân hữu cơ giúp giảm tích lũy nitrate không vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới  WHO, tăng độ Brix.

Ảnh hưởng của hai dòng vi khuẩn Curtobacterium citreum HH5 và Curtobacterium luteum MT6 đến sinh trưởng, năng suất cải xanh (Brassica Juncea) và đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới

Châu Thị Anh Thy, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Ngọc Hoài, Trương Minh Trí, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của hai dòng vi khuẩn Curtobacterium citreum HH5 (HH5) và Curtobacterium luteum MT6 (MT6) đến sinh trưởng, năng suất cải xanh ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 NT và 3 lặp lại qua 2 vụ liên tục. Các chỉ tiêu theo dõi gồm sinh trưởng, năng suất và đặc tính đất. Kết quả dòng vi khuẩn HH5 giúp kích thích gia tăng các chỉ tiêu gồm chiều cao cây, kích thước lá, hàm lượng diệp lục, cũng như độ dẫn điện (EC) trong đất qua 2 vụ thí nghiệm. Đặc biệt, vi khuẩn HH5 làm tăng năng suất cải xanh lên đến 11,7% (vụ 1) và 36,7% (vụ 2) so với đối chứng. Dòng vi khuẩn MT6 đơn lẻ hoặc kết hợp hai dòng vi khuẩn với nhau tăng kích thước lá và năng suất ở vụ 2 là 19,6% và 11,2%. Tóm lại, dòng vi khuẩn HH5 có tiềm năng cao trong việc phát triển chế phẩm sinh học giúp kích thích sinh trưởng và năng suất cây rau đồng thời cải thiện EC đất.

Đặc điểm hình thái - nông học và kiểu gen của 29 giống lúa rẫy canh tác ở điều kiện đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Kỳ, Nguyễn Văn Mạnh, Đỗ Thị Thanh Thoảng, Nguyễn Khánh Duy, Trần In Đô, Chung Trương Quốc Khang, Tống Thị Thuỳ Trang, Nguyễn Thanh Dự, Phạm Ân Tình, Nguyễn Lê Đức Huy, Huỳnh Như Điền, Phạm Thị Bé Tư, Nguyễn Lộc Hiền, Lê Thị Hồng Thanh
Tóm tắt | PDF
Lúa rẫy là cây trồng có thể thích nghi với điều kiện sống thiếu nước, cùng với đó do đặc tính vùng miền và vùng sinh thái khác nhau nên lúa rẫy rất đa dạng về hình thái cũng như phẩm chất hạt gạo.Nghiên cứu đặc điểm hình thái nông học và kiểu gen của 29 giống lúa rẫy canh tác ở điều kiện đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện. Qua các chỉ tiêu đánh giá về hình thái và chất lượng với các chỉ tiêu như hàm lượng amylose, độ bền thể gel, nhiệt trở hồ và mùi thơm, kết hợp với đánh giá kiểu gen bằng dấu chỉ thị phân tử SSR. Kết quả đã khảo sát được các đặc điểm hình thái và chất lượng của 29 giống lúa. Nghiên cứu đã chọn ra được 3 giống lúa Pum Pán Đăm, Tẻ Thơm, Lúa Bắc 1 và 2 giống nếp Khẩu Hút Lài (Nếp) và Nếp Nin Lương có đặc điểm hình thái, năng suất cao, chất lượng tốt thuộc nhóm mềm cơm (hàm lượng amylose dưới 20%, độ bền thể gel trên 60 mm, nhiệt trở hồ thuộc cấp 5,6) và có mùi thơm nhẹ phù hợp với nhu cầu chọn giống hiện nay. Cùng với đó cả 5 giống đều mang kiểu gen chống chịu với điều kiện khô hạn. Kết quả này giúp cung cấp nguồn vật liệu di truyền cho các nghiên cứu tiếp theo.

Khảo sát thành phần loài tuyến trùng ký sinh cam quýt ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Bá Phú, Đinh Thị Hồng Duyên, Nguyên Quốc Sĩ, Lê Thị Tú Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mật số và thành phần loài tuyến trùng ký sinh trên cam quýt ở đồng bằng sông Cửu Long gồm bưởi da xanh (Citrus maxima) (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Citrus maxima) và hạnh (Citrofortunella macrocarpa (B.) Wi.) (Vĩnh Long), cam mật (Citrus sinensis (L.) Osb.) (Hậu Giang), cam soàn (Citrus sinensis (L.) cv. Soan) và quýt hồng (Citrus nobilis var. chrysocarpa Lamk.) (Đồng Tháp), chanh Tàu (Citrus limonia Osb.) (Tiền Giang). Kết quả xác định được 7 loài ký sinh gồm:  Pratylenchus sp., Tylenchulus semipenetrans, Rotylenchulus sp., Tylenchus sp., Helicotylenchus sp., Tylenchorhynchus sp. và Criconemella sp.. Mật số tuyến trùng trung bình trong đất (con/kg đất) là Tylenchulus semipenetrans (1.813), Pratylenchus sp. (97), Tylenchus sp. (48), Helicotylenchus sp. (46), Tylenchorhynchus sp. (17), Rotylenchulus sp. (10), Criconemella sp. (0,2); ở rễ (con/g rễ): Pratylenchus sp. (24) và Tylenchulus semipenetrans (6). Thành phần ký sinh trong đất là Tylenchulus semipenetrans (89,1%), Pratylenchus sp. (4,76%), Tylenchus sp. (2,59%), Helicotylenchus sp. (2,25%), Tylenchorhynchus sp. (0,83%), Rotylenchulus sp. (0,48%) và Criconemella sp. (0,01%); ở rễ: Pratylenchus sp. (83,1%) và Tylenchulus semipenetrans (16,9%).

Đánh giá bước đầu mật số tuyến trùng ký sinh cây mía canh tác chuyên canh và luân canh tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Trần Thị Thu Trâm, Nguyễn Gia Huy, Trần Vũ Phến
Tóm tắt | PDF
Thành phần tuyến trùng ký sinh liên quan đến cây mía trên vùng đất chuyên canh và luân canh lúa - mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được khảo sát. Tuyến trùng từ mẫu đất và rễ được ly trích dựa vào phương pháp Baermann cải tiến. Kết quả ghi nhận được 6 giống tuyến trùng, trong đó giống Tylenchorhynchus với tần suất cao nhất (100%) gồm 4 loài được xác định là Tylenchorhynchus leviterminalis, Tylenchorhynchus nudus, Helicotylenchus crenacauda và Hirschmanniella mucronata; giống Hirschmanniella chỉ hiện diện ở vùng đất luân canh lúa - mía. Căn cứ vào những chỉ số đặc điểm các quần xã, loài T. leviterminalis quan trọng trên cả 2 mô hình chuyên canh và luân canh lúa - mía. So sánh đặc điểm của quần xã tuyến trùng ký sinh giữa 2 mô hình canh tác mía, kết quả bước đầu cho thấy mô hình luân canh lúa - mía không đạt hiệu quả trong quản lý tuyến trùng ký sinh cây mía.

Đánh giá sinh trưởng, năng suất sinh khối và thành phần hóa học của năm giống ngô lai (Zea mays l.) làm thức ăn xanh chăn nuôi gia súc tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Trần Quốc Hùng, Nguyễn Phi Hùng, Lê Thị Mỹ Châu
Tóm tắt | PDF
Khảo sát sinh trưởng, năng suất sinh khối và thành phần hóa học của 05 giống ngô được tiến hành tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trong vụ Đông Xuân năm 2022. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên (Randomized Complete Block Design - RCBD), gồm 3 khối ứng với 3 lần lặp lại, mỗi khối có 05 ô ứng với 05 giống ngô (LVN1461, VN172, VN5885, VN8960 và NK7328) được sắp xếp hoàn toàn ngẫu nhiên. Diện tích mỗi ô là 35 m2, khoảng cách giữa các hàng và các cây là 70 x 20 cm. Kết quả cho thấy khối lượng trung bình cây và năng suất sinh khối xanh lúc chín sữa, chín sáp và chín sinh lý khác nhau (p 28%, CP từ 6 - 7%, khoáng tổng số từ 6 đến 7% là: NSK2 (VN172) và NSK4 (VN8960) có triển vọng trồng làm thức ăn xanh cho gia súc ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Sử dụng công cụ Padlet trong dạy tạo lập văn bản tự sự cho học sinh lớp 6

Nguyễn Thị Nhả Phương, Trịnh Thị Hương, Nguyễn Thanh Liêm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu trình bày kết quả thực nghiệm sử dụng công cụ Padlet để tổ chức cho học sinh lớp 6X thực hành các hoạt động viết. Thực nghiệm được tiến hành từ tháng 10/2022 đến tháng 01/2023 với sự tham gia của 40 học sinh lớp 6X tại trường THCS P.T (Quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) với hai kiểu bài viết là kể lại một truyện cổ tích và kể lại một trải nghiệm của bản thân. Các số liệu thực nghiệm được thống kê và xử lí bằng cả phương pháp định tính lẫn định lượng. Kết quả cho thấy các kỹ năng viết của học sinh như (1) Tìm ý, lập dàn ý, (2) Viết đoạn văn (Mở bài, Kết bài) và (3) Kỹ năng chỉnh sửa có sự thay đổi đáng kể thông qua quá trình thực hành trên Padlet.

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trần Lan Anh
Tóm tắt | PDF
Trong xu hướng kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện đại thì hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên của chương trình đào tạo đó. Trong phạm vi bài biết, tác giả tập trung làm rõ ba vấn đề chính: khái niệm hoạt động nghiên cứu khoa học, thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học và kiến nghị nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trong phần phân tích thực trạng, tác giả tập trung nghiên cứu trường hợp tại Trường Đại học Cần Thơ là một trường đại học đa ngành lớn có vị thế trụ cột trong hệ thống giáo dục bậc cao của Việt Nam. Bài viết sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với 180 giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả khảo sát cho thấy, giảng viên có nhận thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học tuy nhiên phạm vi nghiên cứu còn tập trung trong nước và vào một số ngành thế mạnh của trường: 80% giảng viên cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên là quan trọng; chỉ 21% giảng viên được khảo sát cho rằng họ không gặp khó khăn trong việc công bố quốc tế.

Xây dựng các video clips nói tiếng Anh để quảng bá cộng đồng và phát triển kỹ năng nói

Phạm Ngọc Vân Anh, Phạm Quang Minh, Nguyễn Thị Thể Hà, Phạm Quang Huy
Tóm tắt | PDF
Quảng bá cộng đồng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, nhất là qua hình ảnh video clip. Xây dựng video clip tiếng Anh quảng bá giúp phát triển kỹ năng nói trong học sinh trung học phổ thông (THPT). Nghiên cứu này tìm hiểu nhận thức của giáo viên và học sinh về phát triển kỹ năng nói tiếng Anh và các hoạt động xây dựng video clip quảng bá mà thông qua đó phát triển kỹ năng nói tiếng Anh. Trong nghiên cứu, các tác giả trình bày chuổi các hoạt động của Dự án Panorama cho ra sản phẩm video clip quảng bá cộng đồng. Sau đó đăng video clip lên trang Youtube và chia sẻ đến các mạng xã hội khác. Người tham gia xem video clip và trả lời bảng câu hỏi về chủ đề. Số liệu thu thập từ 1.304 giáo viên và học sinh (n=1.304), trong đó có 608 giáo viên và 696 học sinh THPT. Kết quả chỉ ra giáo viên và học sinh rất quan tâm đến các hoạt động phát triển kỹ năng nói tiếng Anh mặc dù môi trường thực hành có hạn chế. Cả giáo viên và học sinh đồng ý rất cao với xây dựng video clip quảng bá cộng đồng qua đó phát triển kỹ năng nói tiếng Anh trong học sinh THPT.

Tác động của giá dầu đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Lê Thông Tiến
Tóm tắt | PDF
Phương pháp Bayes được sử dụng trong nghiên cứu để xem xét ảnh hưởng của giá dầu đối với khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại, được đại diện bởi tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản hay ROA (Return On Asset). Dữ liệu nghiên cứu được thu thập tại 28 ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2011-2021. Kết quả nghiên cứu xác suất hậu nghiệm hoàn toàn ủng hộ tác động ngược chiều của giá dầu đối với ROA. Tỷ lệ thu nhập lãi ròng và tỷ lệ thu nhập ngoài lãi có ảnh hưởng cùng chiều đối với ROA; trong khi đó, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ chi phí trên thu nhập và tỷ lệ thanh khoản có tác động ngược chiều. Ảnh hưởng của quy mô đến ROA chưa thể xác nhận trong bài viết. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng thống kê có ý nghĩa về tác động của giá dầu cũng như các yếu tố nội tại đến khả năng sinh lời trong hoạt động ngân hàng.