Ngày xuất bản: 29-04-2022
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Điều khiển cánh tay robot SCARA hai bậc tự do dựa trên giải thuật PID mờ
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo trình bày phương pháp thiết kế cơ khí của robot 2 bậc tự do (degree of freedom, DOF) dạng SCARA (Selective Compliance Articulated Robot Arm) được điều khiển bằng giải thuật PID (Proportional Integral Derivative) mờ để hỗ trợ bệnh nhân sau đột quỵ tập vật lí trị liệu. Giải thuật mờ Fuzzy và thuật toán PID được dùng để điều khiển hệ tay máy hai bậc tự do dựa trên cơ sở việc học và lặp lại các động tác tập. Loadcell sử dụng trong thiết kế được dùng để đo lực của quá trình vận động tay. Các giải thuật được xây dựng dựa trên phần mềm SIMULINK của MATLAB và kết nối với kit Arduino để điều khiển cánh tay robot. Quỹ đạo trong việc lặp lại động tác học so với quỹ đạo học có độ phù hợp 79,85% đối với khớp 1 và 76,95% đối với khớp 2. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở ban đầu để mở rộng nhiều bậc tự do cho cánh tay robot để hỗ trợ bệnh nhân tập vật lí trị liệu hiệu quả hơn nữa.
Chế tạo hệ cầu cân bằng tích hợp bộ bù sai số định vị cho cảm biến siêu âm và hồng ngoại
Tóm tắt
|
PDF
Hệ cầu cân bằng với thanh và bóng thường được dùng để kiểm nghiệm các giải thuật điều khiển. Do tốc độ di chuyển nhanh của bóng trên thanh trượt nên khi cảm biến lấy mẫu vị trí bóng và truyền dữ liệu về đến máy tính, quả bóng đã di chuyển sang vị trí mới, ảnh hưởng đến chất lượng điều khiển. Nghiên cứu này tập trung thiết kế và chế tạo mô hình cầu cân bằng, định vị quả bóng bằng cảm biến siêu âm và hồng ngoại. Hàm bù sai số cảm biến được áp dụng để khắc phục sai số cảm biến và độ trễ do truyền dữ liệu. Module Arduino UNO R3 được sử dụng để truyền tín hiệu điều khiển từ máy tính xuống mô hình để kiểm soát động cơ và nhận tín hiệu vị trí đo được từ cảm biến để phản hồi cho máy tính. Thực nghiệm với bộ điều khiển RBF-PID và cảm biến hồng ngoại cho thấy đáp ứng của hệ có thời gian tăng đạt 1,5 ± 0,3 giây, thời gian xác lập khoảng 6 ± 1 giây, độ vọt lố khoảng 11 ± 2%, và sai số xác lập là không đáng kể.
Tích hợp chuỗi Markov và hồi quy logistic dự báo biến động mục đích sử dụng đất tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng
Tóm tắt
|
PDF
Mô hình hóa là một kỹ thuật quan trọng để nghiên cứu các động lực thay đổi mục đích sử dụng đất. Mục tiêu của nghiên cứu là dự báo thay đổi sử dụng đất tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng ứng dụng mô hình tích hợp chuỗi Markov và hồi quy logistic. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 và 2015 được sử dụng làm bản đồ nền cho mô phỏng sử dụng đất năm 2020. Sau khi mô hình được đánh giá độ chính xác bằng cách so sánh bản đồ mô phỏng và bản đồ thực tế năm 2020 sử dụng hệ số Kappa, các bản đồ dự báo sử dụng đất các năm 2025 và 2030 được thành lập. Kết quả dự báo năm 2030 cho thấy có sự thay đổi lớn về sử dụng đất tại huyện Lâm Hà. Đất rừng được dự báo tiếp tục giảm mạnh do sự mở rộng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng. Thông tin về những thay đổi sử dụng đất là căn cứ cho việc hoạch định các chính sách sử dụng đất ở địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Nghiên cứu chưng cất tinh dầu chúc (Citrus hystrix DC.) và ứng dụng phối chế xà phòng diệt khuẩn
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, tinh dầu chúc được chưng cất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước và ứng dụng vào phối chế xà phòng diệt khuẩn. Điều kiện tối ưu cho quá trình trích ly tinh dầu chúc là vỏ trái chúc xay nhuyễn, tỉ lệ vỏ chúc:nước cất (g/mL) (1:2), thời gian chưng cất 150 phút, nhiệt độ chưng cất 100°C và hiệu suất trích ly tinh dầu thu được là 1,85%. Kết quả phân tích sắc ký ghép khối khổ (GC-MS) cho thấy thành phần chính có trong tinh dầu chúc là 30,42% b-pinene, 18,09% sabinene, 17,56% limonene và 10,77% b-citronellal. Hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu chúc được thể hiện trên 6 chủng vi khuẩn là Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Psedomomas aeruginosa, Bacillus cereus, Samonella typhi và Listeria innocua. Tinh dầu chúc sau khi trích ly được sử dụng trong xà phòng diệt khuẩn. Công thức phối chế xà phòng diệt khuẩn gồm dầu dừa, dầu hướng dương, dung dịch KOH 25%, tinh dầu chúc, citric acid, vitamin E. Xà phòng ở trạng thái lỏng sánh, có mùi thơm dễ chịu đặc trưng hương chúc, có khả năng kháng được cả 6 đối tượng vi khuẩn trên.
Công nghệ thông tin
Hệ thống phát hiện xâm nhập hai tầng cho các mạng IoT sử dụng máy học
Tóm tắt
|
PDF
Do sự phổ biến ngày càng tăng và thiếu các tiêu chuẩn bảo mật, các thiết bị Internet of Things (IoT) đã trở thành mục tiêu của các hoạt động độc hại như xâm nhập mạng và tấn công DoS. Với mục đích cung cấp một giải pháp an ninh cho các thiết bị IoT, một hệ thống phát hiện xâm nhập hai tầng áp dụng các mô hình máy học được giới thiệu trong bài viết này. Tầng thứ nhất của giải pháp là một mô hình phân loại nhị phân gọn nhẹ, được cài đặt trên gateway của các nhánh mạng IoT để phát hiện các hành vi độc hại trong thời gian thực. Tầng thứ hai là một mô hình phân loại đa lớp, được triển khai trên máy chủ đám mây để xác định loại cụ thể các hoạt động độc hại xảy ra trên nhiều nhánh mạng cùng lúc. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng giải pháp được đề xuất hoạt động hiệu quả, có thể phát hiện các hành vi tấn công sử dụng các tham số tùy biến hiệu quả hơn so với công cụ IDS truyền thống Snort.
Môi trường
Nghiên cứu gia công khẩu trang kháng bức xạ cực tím từ sợi chuối
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu trình bày quy trình gia công khẩu trang thân thiện môi trường từ sợi chuối và đánh giá khả năng kháng bức xạ UV của khẩu trang thông qua khảo sát các yếu tố ảnh hưởng. Cấu trúc mặt cắt ngang và trên bề mặt của sợi chuối được quan sát thông qua kính hiển vi điện tử quét. Các yếu tố ảnh hưởng (gồm nhiệt độ ép, thời gian ép) để gia công khẩu trang đã được khảo sát. Để cải thiện khả năng kháng bức xạ UV của khẩu trang, một lượng muối lignin đã được bổ sung hoặc tăng bề dày tấm sợi. Khẩu trang từ sợi chuối đã được gia công thành công với khả năng sàng lọc bức xạ UV tối đa là 50,88% trong điều kiện gia công như: nhiệt độ ép tấm sợi là 130ºC, thời gian ép là 20 phút, thể tích muối lignin là 30 mL, bề dày tấm sợi là 3 mm. Hơn nữa, việc gia công thành công khẩu trang từ sợi chuối có khả năng kháng bức xạ UV đã tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về khẩu trang thân thiện môi trường.
Đánh giá khả năng loại bỏ methylene blue của vật liệu hấp phụ được điều chế từ mụn dừa bằng phương pháp Hummers cải tiến
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng loại bỏ thuốc nhuộm methylene blue trong nước bằng vật liệu hấp phụ (VLHP) từ mụn dừa được chế tạo bằng phương pháp Hummers cải tiến. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vật liệu được tiến hành khảo sát nhằm tìm ra các điều kiện tối ưu. VLHP từ mụn dừa được phân tích hóa lý bằng phân tích nhiệt trọng lượng, diện tích bề mặt riêng. Diện tích bề mặt riêng của vật liệu là 9,3 m2/g và đường kính mao quản của VLHP là 6,96 nm. Hiệu suất hấp phụ đạt 99,82± 0,10% ở nồng độ đầu của MB là 500 mg/L và pH 8 tại nhiệt độ 30℃ trong vòng 40 phút đã cho thấy VLHP có khả năng xử lý chất màu MB rất tốt. Quá trình hấp phụ tuân theo mô hình đẳng nhiệt hấp phụ Langmuir ở khoảng nồng độ từ 10-50 mg/L, trong khi mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Freundlich lại phù hợp với khoảng nồng độ MB ban đầu 50-500 mg/L.
Tổng hợp có kiểm soát kích thước các hạt lignin từ bã mía với sự hỗ trợ của thanh siêu âm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu tập trung tổng hợp các hạt vi cầu lignin từ lignin bã mía thông qua quá trình khâu mạng hóa học với sự hỗ trợ của thiết bị siêu âm dạng thanh. Trong quá trình tổng hợp, nghiên cứu đã dần kiểm soát được kích thước của hạt lignin bằng cách điều chỉnh các thông số như tỷ lệ thể tích giữa dung dịch khâu mạng và dung dịch lignin trong ethanol và tần số siêu âm. Cụ thể, các thông số tối ưu như tỷ lệ thể tích giữa citric acid và dung dịch lignin là 4/100 và tần số siêu âm là 15 kHz. Với các thông số này, vi hạt lignin thu được với đường kính hạt nhỏ nhất ở 187,9 ± 6,7 nm, hình thái hạt cầu hoàn thiện, có ranh giới rõ ràng giữa các hạt và sự phân bố kích thước hạt tương đối đồng đều. Kết quả từ FTIR thể hiện các đỉnh đặc trưng của hạt lignin tổng hợp và độ tinh khiết khá cao. Ngoài ra, nhiệt độ chuyển thủy tinh của hạt lignin ~109ᵒC và nhiệt độ nóng chảy được xác định ~75ᵒC thông qua DSC.
Đánh giá khung pháp lý của nhà nước về tài nguyên nước mặt tại tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu dựa vào nguyên tắc 7 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để đánh giá khung pháp lý quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Số liệu thứ cấp là các văn bản quản lý Nhà nước về phòng, chống xâm nhập mặn được thu thập thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ, cấp tỉnh và cấp huyện; số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn những người am hiểu về tài nguyên nước tại các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề từ năm 2019 đến 2021. Công tác phòng, chống xâm nhập mặn (XNM) đã có khung pháp lý quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương về phòng, chống XNM. Ngoài ra, Trung ương và tỉnh đã triển khai toàn diện, chặt chẽ các giải pháp ứng phó với XNM giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ của tỉnh về phòng, chống XNM còn hạn chế về các giải pháp công trình không đảm bảo tính khả thi so với thực trạng XNM tại địa phương.
Tự nhiên
Tính chất quang của bột huỳnh quang MgAl2O4 đồng pha tạp Cr3+ và Na+ được chế tạo bằng phương pháp đồng kết tủa
Tóm tắt
|
PDF
Bột huỳnh quang MgAl2O4 đồng pha tạp Cr3+ và Na+ đã được nghiên cứu và chế tạo bằng phương pháp đồng kết tủa. Cấu trúc pha, hình thái, thành phần và các tính chất quang của mẫu đã được khảo sát bằng nhiễu xạ tia X (XRD), kính hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FESEM), phổ tán sắc năng lượng tia X (EDS) và phổ phát xạ huỳnh quang (PL). Bột MgAl2O4 đồng pha tạp Cr3+ và Na+ cho thấy bột phát xạ trong vùng ánh sáng đỏ xa và có đỉnh phát quang cực đại ở 689 nm với nồng độ pha tạp tối ưu là 2,5% mol Cr3+ và 5% mol Na+. Khảo sát này cũng cho thấy hiệu quả của việc đồng pha tạp Cr3+ và Na+ làm tăng cường độ phát quang. Phổ kích thích huỳnh quang của vật liệu MgAl2O4 đồng pha tạp Cr3+ và Na+ hấp thu mạnh vùng bước sóng tử ngoại gần đến vùng ánh sáng nhìn thấy với hai đỉnh cực đại tại 420 nm và 550 nm. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng bột huỳnh quang MgAl2O4 đồng pha tạp Cr3+ và Na+ có tiềm năng ứng dụng trong chiếu sáng rắn.
Ảnh hưởng của điều kiện sinh thái đến hoạt tính sinh học của Chè đại (Trichanthera gigantea)
Tóm tắt
|
PDF
Chè đại (Trichanthera gigantea) là loài có giá trị dinh dưỡng thường được dùng làm thức ăn vật nuôi. Nghiên cứu này khảo sát thành phần hóa học, hiệu quả kháng oxy hóa và kháng khuẩn của chè đại thông qua phương pháp phản ứng so màu, phương pháp trung hòa gốc tự do DPPH và phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả cho thấy có 18 hợp chất hóa học trong lá Chè đại gồm amino acid - protein, acid hữu cơ, betalanins, carbohydrate, carotenoid, chất nhầy, coumarin, diterpenes, flavonoid, gum - nhựa, phenol, phlobatannin, phytosterol, polyuronid, saponin, tanin, tinh dầu và xanthoprotein. Chè đại trồng ở điều kiện nắng có hoạt tính kháng oxy hóa cao hơn môi trường ngập nước và môi trường bóng râm, với EC50 tương ứng là 40,92±1,86, 265,73±19,49 và 294,36±19,55 µg/mL. Cao chiết lá Chè đại có khả năng kháng 3 dòng khuẩn là Bacillus cereus, Bacillus subtilis, Escherichia coli nhưng không có hiệu quả với Salmonella sp. và Staphylococcus aureus. Kết quả nghiên cứu cho thấy Chè đại có tiềm năng gia tăng giá trị dinh dưỡng và sức đề kháng của vật nuôi khi bổ sung vào khẩu phần ăn.
Nghiên cứu đa dạng thành phần loài và đánh giá một số chỉ số đa dạng sinh học cây thuỷ sinh tại các sinh cảnh khác nhau ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại Cù Lao Dung trong 2 năm (2018-2020) với mục tiêu đánh giá đa dạng sinh học và tác động của môi trường đến hệ thực vật thuỷ sinh bậc cao. Các sinh cảnh ngập nước được chia thành 3 khu vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn với 18 tuyến điều tra và 28 ô tiêu chuẩn. Kết quả về đa dạng thành phần loài thu được 58 loài thuộc 49 chi, 30 họ của 2 ngành là Dương xỉ (Pteridophyta) và Ngọc Lan (Magnoliophyta). Trong ngành Ngọc Lan có tỉ lệ thành phần loài giữa lớp Ngọc Lan và lớp Hành (M/L) là 0,65. Hệ thực vật thuỷ sinh ở khu vực nghiên cứu có các đặc trưng (1) cấu trúc bậc họ với tỉ lệ họ đơn loài rất cao (73,33%); (2) số lượng loài ở các sinh cảnh nước ngọt cao nhất; (3) tỉ lệ loài có tác dụng làm thuốc là 84,48%; (4) Dừa nước (Nypa fruticans) là loài xuất hiện ở tất cả các sinh cảnh với tần suất cao nhất; (5) Tỉ lệ A/F của các loài thuộc 3 sinh cảnh đều thuộc dạng phân bố Contagious; (6) Chỉ số đa dạng Shannon (H) ở sinh cảnh nước ngọt, nước lợ, nước nặm lần lượt là: 5:3,72:3,01. Môi trường tại đây khá ổn định và phù hợp với các nhóm cây thuỷ sinh nhiệt đới.
Cơ chế hấp phụ và sự tăng cường hóa học phổ SERS của mercaptopurine và thioguanine trên bề mặt Au6 cluster
Tóm tắt
|
PDF
Các phép tính DFT (lý thuyết hàm mật độ) được sử dụng để làm sáng tỏ bản chất của quá trình hấp phụ các phân tử thuốc mercaptopurine (MP) và thioguanine (TG) trên bề mặt vàng, sử dụng Au6 cluster làm mô hình phản ứng. Phiếm hàm PBE kết hợp với bộ cơ sở cc-pVDZ-PP cho Au6 và cc-pVTZ cho các phân tử thuốc được sử dụng để khảo sát cấu trúc hình học, các thông số nhiệt động và tính chất điện tử của các phức chất thu được. Mô hình IEF-PCM với dung môi nước được sử dụng để đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường sinh học lên quá trình tương tác. Các kết quả tính toán cho thấy rằng liên kết được quyết định bởi liên kết cộng hóa trị Au−S và một phần bởi hiệu ứng tĩnh điện, cụ thể là liên kết hydro −NH∙∙∙Au. Ngoài ra, sự hấp phụ là quá trình thuận nghịch và cơ chế giải phóng thuốc khỏi bề mặt Au6 cũng được khảo sát. Theo đó, các phân tử thuốc dễ dàng tách khỏi Au6 do sự thay đổi nhỏ của pH trong tế bào khối u hoặc sự hiện diện của cysteine trong protein. Đặc biệt, hiện tượng tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) của chúng trên bề mặt kim loại Au cũng được làm sáng tỏ.
Khảo sát đặc điểm hình thái, giải phẫu và hoạt tính kháng khuẩn của cúc tần (Pluchea indica (L.) Less.) và nam sài hồ (Pluchea pteropoda Helms.)
Tóm tắt
|
PDF
Cúc tần (Pluchea indica) và nam sài hồ (Pluchea pteropoda) là hai loài cùng chi. Các nghiên cứu về P. indica cho thấy đây là nguồn dược liệu quý. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, P. pteropoda mọc phổ biến khu vực ngập mặn, thường bị nhầm lẫn với P. indica. Nghiên cứu này thực hiện để phân biệt và so sánh tiềm năng dược liệu của P. indica (thu tại khu vực nước ngọt) và P. pteropoda (thu tại khu vực nước mặn) thông qua khảo sát các đặc điểm hình thái, cấu trúc giải phẫu và hoạt tính kháng khuẩn. Trình tự DNA ở vùng ITS của hai loài được xác định để phân loại di truyền. Các đặc điểm hình thái lá được mô tả và so sánh. Mẫu thân và lá được cắt mỏng và nhuộm kép để quan sát cấu trúc giải phẫu. Khả năng kháng khuẩn được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch với hai loại cao chiết (nước và ethanol) trên 6 dòng vi khuẩn phổ biến. Kết quả cho thấy vùng trình tự ITS của hai loài chỉ khác nhau ở vị trí 76 trong tổng số 468 nucleotide được so sánh. Có thể phân biệt hai loài thông qua hình thái và kích thước của lá. Cấu trúc giải phẫu của P. pteropoda cho thấy sự thích nghi với môi trường ngập mặn. Cao chiết nước của P. indica có khả năng kháng khuẩn tốt nhất. Cao chiết nước hoặc cao chiết ethanol của P. pteropoda cũng kháng tốt một số dòng vi khuẩn nghiên cứu.
Nghiên cứu hoạt tính gây độc của cao chiết ethanol từ trâm ổi (Lantana camara L.) trên ruồi giấm (Drosophila melanogaster)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này sử dụng ruồi giấm Drosophila melanogaster để đánh giá độc tính của cao chiết ethanol trâm ổi. Kết quả định tính cho thấy trâm ổi có sự hiện diện alkaloids, flavonoids, saponins, phenolics, tanins, terpenoids, cardiac glycosides và steroids-triterpenoids. Polyphenols và flavonoids tổng được xác định lần lượt là 123±2,30 mg GAE/g và 309±2,17 mg QE/g cao chiết. Cao chiết trâm ổi có khả năng gây độc cho ruồi giấm ở các nồng độ khác nhau. Ở nồng độ 250 mg/mL, trâm ổi gây chết 84,4±8,39% và nồng độ gây chết 50% (LD50) được xác định là 140 mg/mL. Ở nồng độ 20 mg/mL, trâm ổi ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của ruồi giấm thể hiện qua số nhộng hình thành thấp hơn so với đối chứng, tỉ lệ chết ở giai đoạn nhộng 55,9±2,09%, khả năng tích trữ năng lượng như carbohydrate, lipid và protein giảm. Nghiên cứu còn ghi nhận trâm ổi có khả năng ức chế hoạt tính của các enzyme thuộc nhóm esterase và phosphatase. Từ đó cho thấy trâm ổi là thực vật có khả năng tổng hợp các hợp chất thứ cấp gây độc cho ruồi giấm.
Công nghệ sinh học
Phân lập và nhận diện vi khuẩn cố định đạm từ đất vùng rễ cây bắp ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm phân lập và định danh một số dòng vi khuẩn cố định đạm từ đất vùng rễ cây bắp. Mẫu đất được thu thập tại ruộng trồng bắp giai đoạn sinh trưởng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ba môi trường gồm Nfb không N, môi trường LGI và môi trường Burks không N dùng để phân lập vi khuẩn và đánh giá vi khuẩn khả năng tổng hợp NH4+. Kết quả 120 dòng vi khuẩn có khả năng cố định đạm đã được phân lập từ 38 mẫu đất vùng rễ cây bắp. Năm mươi dòng vi khuẩn có khuẩn lạc phát triển mạnh trên 3 loại môi trường không N sau 72 giờ ủ ở 30oC sau cấy đã được tuyển chọn cho các nghiên cứu tiếp theo. Năm mươi dòng vi khuẩn này có khả năng tổng hợp NH4+ trong môi trường lỏng tại ngày 2, 4 và 6 nuôi cấy có trung bình dao động từ 0,82 mg/L đến 4,28 mg/L. Sáu dòng vi khuẩn có khả năng cố định đạm tốt nhất được giải trình tự gene 16S rRNA. Chúng thuộc 3 chi khác nhau gồm Bacillus, Pseudomonas và Klebsiella.
Nghiên cứu môi trường và giá thể phù hợp để sản xuất nấm hoàng đế (Calocybe indica APK2)
Tóm tắt
|
PDF
Nấm Hoàng Đế, Calocybe indica (C. indica) APK2 là nấm ăn, có vị ngon ngọt, hương thơm đặc trưng được con người ưa chuộng. Nhân nuôi quả thể nấm C. indica trên giá thể trong điều kiện bán nhân tạo đã được nghiên cứu thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy nuôi cấy hệ sợi nấm C. indica trên môi trường bán tổng hợp (potato dextrose agar (PDA) bổ sung muối khoáng) là phù hợp nhất, sau 20 ngày cho hệ sợi nấm ăn kín bề mặt môi trường, sợi tơ tốt, dày, phân nhánh nhiều. Môi trường nuôi bào tử, hạt bắp có tốc độ lan tơ tối ưu sau 20 ngày nhân nuôi. Giá thể nuôi trồng quả thể, mùn cưa tạp gồm cao su và bồ đề (7:3) (70%) + bột cám gạo ST20 (16%) + rơm rạ ST20 (14%) (MH2) đạt tốc độ lan tơ nhanh nhất ở 28 ngày sau khi chủng và năng suất nấm tươi đạt 16,35 kg/m2. Kỹ thuật này có thể ứng dụng sản xuất nấm Hoàng Đế quy mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường về thực phẩm nấm ăn hiện nay.
Hiệu quả của vi khuẩn cố định đạm sinh học đến sự sinh trưởng và năng suất bắp tại tỉnh Đồng Tháp
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của hai dòng vi khuẩn cố định đạm lên sinh trưởng và năng suất bắp lai NK7328. Hai dòng vi khuẩn cố định đạm phân lập từ rễ cây bắp được nhân sinh khối và chủng với than bùn tạo chế phẩm VK1 và VK2. Một thí nghiệm trong nhà lưới với 15 nghiệm thức được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên và ngoài đồng gồm 20 nghiệm thức được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên. Nghiệm thức sắp xếp với lượng đạm tăng dần từ 0% N, 25% N, 50% N, 75% N, 100% N. Chủng vi khuẩn kết hợp bón đạm với nền lân và phân kali theo công thức khuyến cáo 180 kg N+135 kg P2O5+90 kg K2O/ha. Kết quả cho ta thấy ở nghiệm thức chủng vào đất với vi khuẩn cố định đạm kết hợp bón 75% NPK giúp chiều cao, đường kính gốc thân, chỉ số diệp lục ở lá, số lá, khối lượng chất khô, khối lượng 1000 hạt và năng suất hạt bắp tương đương với nghiệm thức chỉ bón 100% NPK. Như vậy, việc chủng vi khuẩn Bacillus aryabhattai ADR3 và Klebsiella pneumoniae DNR5 vào hạt bắp giúp tiết kiệm đến 25% lượng phân đạm cho cây bắp lai.
Công nghệ thực phẩm
Nghiên cứu quy trình tạo sourdough từ nước khóm lên men và ứng dụng trong chế biến bánh mì
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thông số tối ưu của quy trình tạo sourdough từ nước khóm lên men cũng như thông số tối ưu của quy trình chế biến bánh mì từ sourdough để bánh mì có chất lượng tốt nhất. Nội dung nghiên cứu bao gồm: (i) xác định thời gian lên men sourdough tối ưu, là thời gian phối trộn bột mì với nước khóm lên men (5, 6 và 7 ngày); (ii) xác định tỷ lệ levain tối ưu (10%, 20% và 30%) cùng thời gian ủ bánh mì lần thứ nhất tối ưu (1 giờ, 2 giờ và 3 giờ); và (iii) xác định nhiệt độ nướng tối ưu (220oC, 230oC, 240oC) trong quy trình chế biến bánh mì. Kết quả nghiên cứu cho thấy bánh mì đạt chất lượng cao nhất khi sử dụng sourdough được lên men trong 6 ngày, tỷ lệ levain 20%, thời gian ủ lần thứ nhất là 2 giờ và nhiệt độ nướng 230oC.
Nông nghiệp
Hiệu Quả của SALIBROTM (Fluazaindolizine) trong phòng trừ tuyến trùng Pratylenchus coffeae trên cây cà phê trong phòng thí nghiệm và nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Các thí nghiệm đánh giá hiệu quả của SalibroTM 500SC (Fluazaindolizine) trong phòng trừ tuyến trùng Pratylenchus coffeae (P. coffeae) trên cây cà phê được bố trí trong phòng thí nghiệm và nhà lưới. Kết quả cho thấy hiệu quả diệt tuyến trùng P. coffeae trong phòng thí nghiệm. SalibroTM ở nồng độ 100-200 ppm hoạt chất cho thấy mức độ diệt tuyến trùng P. coffeae nhanh với hiệu quả từ 92-95%. Kết quả thí nghiệm trong nhà lưới ghi nhận SalibroTM 500SC nồng độ 200 ppm có hiệu quả diệt tuyến trùng cao nhất đối với cả mật số tuyến trùng trong đất và rễ. Hiệu quả kiểm soát thối rễ cao nhất được ghi nhận tại nghiệm thức SalibroTM ở nồng độ 200 ppm hoạt chất (65,6%) và NimitzTM 480EC (Fluensulfone) nồng độ 400 ppm (65,2%), tiếp theo là các nghiệm thức SalibroTM ở nồng độ 200 ppm (64,8%) và Tervigo 020SC (Abamectin) nồng độ 1000 ppm (62,1%). SalibroTM ở nồng độ 150-200 ppm hoạt chất cũng làm giảm tỷ lệ vàng lá và chỉ số vàng lá trên cà phê và trọng lượng rễ tươi cũng được ghi nhận cao hơn so với đối chứng 30-36,7%.
Tổng quan nghiên cứu về nấm rễ nội cộng sinh ở Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Canh tác nông nghiệp bền vững đặt ra những thách thức lớn trong việc tiếp cận những ứng dụng sinh học có tính hiệu quả cao và thân thiện với môi trường. Nấm rễ nội cộng sinh (AMF) hình thành mối quan hệ với hầu hết các loài thực vật cạn và cây lúa được trồng trong điều kiện ngập nước đóng góp nhiều ý nghĩa quan trọng đối với canh tác nông nghiệp và xử lý môi trường sinh thái. Bài tổng quan về lĩnh vực nghiên cứu nấm rễ nội cộng sinh này được thực hiện nhằm tổng hợp lại tình hình nghiên cứu nấm rễ nội cộng sinh tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu mới nhằm khám phá tiềm năng của AMF giúp hỗ trợ cây trồng về hấp thụ nước và dinh dưỡng khoáng trong đất cũng như hạn chế kim loại nặng, tăng cường sức chống chịu của cây trồng trong các điều kiện bất lợi của môi trường (nhiệt độ cao, nhiễm mặn, khô hạn, nghèo dinh dưỡng) thông qua đó tăng năng suất cây trồng. Cuối cùng, những tác động tích cực của AMF còn đặt ra cơ hội mới trong việc sản xuất phân bón sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học trong trồng trọt.
Điều tra hiện trạng canh tác và chọn giống lúa mùa tại Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Điều tra hiện trạng canh tác lúa mùa được thực hiện tại các huyện Châu Thành, Gò Quao và An Minh từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2018. Thí nghiệm chọn giống được thực hiện tại thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang từ tháng 7/2018 đến tháng 02/2019, bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại, 5 nghiệm thức là 5 giống lúa mùa (Tài Nguyên, Ba bụi, Một bụi, Trắng Tép và Chim Rơi). Kết quả điều tra cho thấy diện tích sản xuất lúa mùa của từng nông hộ trong vùng điều tra là khá lớn. Trình độ học vấn của nông dân còn thấp. Nông dân trong vùng điều tra chủ yếu sử dụng một số giống lúa mùa địa phương để gieo cấy và thường sử dụng lúa thương phẩm để làm giống, trong đó giống Tài Nguyên, Trắng Tép và Ba bụi được canh tác khá phổ biến. Mật độ cấy khá dày so với khuyến cáo. Phân bón vô cơ được bón ít. Kết quả thí nghiệm đã xác định được 3 giống lúa là Tài Nguyên, Trắng Tép và Ba bụi có năng suất và phẩm chất khá tốt phù hợp cho sản xuất lúa mùa tại Kiên Giang.
Thủy sản
Đặc điểm cơ quan tiêu hóa và nhu cầu dinh dưỡng của một số loài ốc thuộc lớp gastropoda
Tóm tắt
|
PDF
Tế bào tiêu hóa của lớp Chân bụng là xoang tiêu hóa được bao trùm bởi lớp biểu mô, lớp biểu mô sẽ tạo thành tế bào tuyến và tế bào tiêm mao, quá trình tiêu hóa bao gồm tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào xảy ra đồng thời với nhau chủ yếu ở gan là chính. Cấu tạo hệ tiêu hóa của lớp Chân bụng hoàn chỉnh với miệng và hậu môn riêng biệt, miệng có các lưỡi sừng (radula) còn hậu môn thường đổ vào xoang áo, hệ tiêu hóa gồm có miệng, thực quản, dạ dày và gan tụy. Lớp Chân bụng có enzyme protease, amylase, cellulase, lipase, pepsin và trypsin hoạt động để tiêu hóa thức ăn, đối với ốc ăn động vật hoạt động enzyme tiêu hóa cellulase rất thấp. Nhiều loài gặm, cắt xén các loại thức ăn như rong, tảo và các mùn bã hữu cơ lắng đọng, một số loài khác thích nghi với tập tính ăn thịt. Đặc tính dinh dưỡng của nhiều loài ốc thuộc lớp Chân bụng trong đó chủ yếu là nhóm ốc biển thay đổi theo các giai đoạn phát triển. Trong khi đó , các loài ốc nước ngọt không có sự thay đổi đặc điểm dinh dưỡng từ giai đoạn ốc con đến ốc trưởng thành.
Ảnh hưởng của gluten, protein đậu nành và cao chiết hương thảo (Rosmarinus officinalis) đến chất lượng chả cá từ thịt dè cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của gluten, protein đậu nành và cao chiết hương thảo (Rosmarinus officinalis) đến chất lượng chả cá từ thịt dè cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Nghiên cứu gồm hai nội dung chính: (1) Ảnh hưởng của bổ sung gluten và protein đậu nành đến chất lượng chả cá và (2) Đánh giá ảnh hưởng của nồng độ cao chiết hương thảo đến đặc tính chả cá từ thịt dè cá tra trong điều kiện bảo quản lạnh (3±10C). Kết quả nghiên cứu cho thấy phối hợp sử dụng 0,25% gluten và 0,25% protein đậu nành trong chả cá giúp nâng cao độ bền gel, đạt cấu trúc đàn hồi cao và có giá trị cảm quan cao nhất. Mẫu chả cá được bổ sung nồng độ 156 và 71,5 mg/kg cao chiết hương thảo được đảm bảo an toàn thực phẩm trong 9 ngày bảo quản ở nhiệt độ lạnh (3±10C). Trong khi đó, mẫu không bổ sung cao chiết chỉ có hạn dùng 6 ngày trong cùng điều kiện bảo quản (3±10C).
Ảnh hưởng của CO2 và nitrit cao trong môi trường lên khả năng điều hòa acid và base của lươn đồng (Monopterus albus, 1793)
Tóm tắt
|
PDF
Ảnh hưởng của CO2 và nitrite lên động vật thuỷ sản đã có nhiều công bố khoa học. Lươn đồng (Monopterus albus) là loài hô hấp khí trời được nuôi phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lươn đồng có thể bị ảnh hưởng bởi CO2 tăng do tác động của biến đổi khí hậu và nitrite cao do nuôi thâm canh. Nghiên cứu ảnh hưởng đơn và kết hợp CO2 với nitrite cao lên khả năng điều hòa acid và base trên lươn đồng (250-350 g/con) được thực hiện với 4 nghiệm thức gồm 30 mmHg CO2, 23,57 mM NO2-, 30 mmHg CO2 + 23,57 mM NO2- và đối chứng, mỗi nghiệm thức được lặp lại 6 lần. Sau 96 giờ thí nghiệm, kết quả cho thấy sự xâm nhập kết hợp CO2 và nitrite gây cản trở quá trình phục hồi pH máu của lươn đồng (pH máu giảm), nồng độ các ion Na+, K+, Cl‑ và áp suất thẩm thấu đều giảm. Tuy nhiên, lươn đồng vẫn có khả năng điều hòa acid và base trong máu cũng như điều hòa các ion khi bị nitrite xâm nhập nhờ cơ chế trao đổi ion Cl- gián tiếp (giảm ion Cl- qua sự trao đổi HCO3-/Cl-).
Hiệu quả tài chính và tính ổn định của mô hình tôm-rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Tôm-rừng là mô hình sản xuất thuận thiên, phù hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xác định hiệu quả và tính ổn định của mô hình làm tham chiếu cho qui hoạch sản xuất là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Viên An, Viên An Đông và Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trong năm 2019-2020 nhằm đánh giá hiệu quả và tính ổn định của mô hình tôm-rừng. Cách tiếp cận có sự tham gia thông qua phỏng vấn người am hiểu, thảo luận nhóm và phỏng vấn 200 nông dân được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình tôm-rừng có ưu điểm chi phí đầu tư thấp, đa dạng nguồn thu, ít rủi ro và bền vững về môi trường. Song, hạn chế của mô hình là hiệu quả tài chính thấp và sự ổn định không cao. Khó khăn chính của mô hình là con giống kém chất lượng, dịch bệnh, kỹ thuật nuôi của nông dân hạn chế, hệ thống hạ tầng giới hạn, tác động của biến đổi khí hậu và năng suất thấp.
Ảnh hưởng tỉ lệ surimi cá tra và cao chiết từ màng hạt gấc bổ sung đến chất lượng chả cá thát lát còm (Chitala chitala)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỉ lệ cá thát lát còm với surimi cá tra và nồng độ cao chiết từ màng hạt gấc thích hợp bổ sung vào chả cá trong điều kiện bảo quản lạnh (3±1oC). Kết quả cho thấy kết hợp 60% cá thát lát cùng 40% surimi cá tra giúp chả cá đạt chất lượng cao. Mẫu không bổ sung cao chiết màng hạt gấc có thời hạn sử dụng 9 ngày. Trong khi đó, các mẫu chả cá được bổ sung cao chiết duy trì chất lượng cảm quan và đạt an toàn vi sinh đến 12 ngày tại 3±1oC. Sản phẩm có nồng độ cao chiết bổ sung 1,183 mg/mL đạt điểm cảm quan và độ bền gel cao nhất (lần lượt là 15,48 điểm và 577 g*cm), đồng thời chả cá có chỉ số của sự oxy hóa lipid (TBARs) và giá trị tổng số vi khuẩn hiếu khí thấp nhất (lần lượt là 0,138 mg MDA/kg và 4,61 log10CFU/g) sau 12 ngày bảo quản lạnh (3±1℃).
Giáo dục
Phát triển du lịch học tập cộng đồng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc tiếp cận từ nội lực của cộng đồng và tổng hợp, phân tích các kết quả nghiên cứu trước. Mục tiêu nhằm tìm hiểu về thực trạng phát triển của hoạt động du lịch học tập cộng đồng tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng, từ đó hình thành cơ sở lý luận cho loại hình du lịch này. Kết quả cho thấy du lịch học tập cộng đồng được cấu thành bởi 3 hoạt động chính: (1) Hoạt động du lịch; (2) Hoạt động học tập trải nghiệm của học sinh, sinh viên; (3) Hoạt động giáo dục, đào tạo tại cộng đồng. Kết quả nghiên cứu góp phần định hướng cho các cơ quan quản lý du lịch Đà Nẵng trong việc phát triển du lịch học tập cộng đồng tại địa phương, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện, bảo tồn sự đa dạng sinh học, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa địa phương và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Xã hội-Nhân văn
Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của nhân viên khách sạn tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trong bối cảnh COVID-19
Tóm tắt
|
PDF
Trong vài năm gần đây, ý định nghỉ việc đã trở thành một vấn đề quan trọng trong giới nghiên cứu cũng như đối với các doanh nghiệp; đặc biệt là ý định nghỉ việc của nhân viên khách sạn. Mục đích của nghiên cứu này là tập trung xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của nhân viên khách sạn tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong bối cảnh COVID-19. Phương pháp thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy tuyến tính được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 2 nhân tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc của nhân viên khách sạn trong bối cảnh COVID-19: (1) Cam kết tổ chức và (2) Sự hài lòng công việc. Từ đó, một số khuyến nghị được đề xuất nhằm hạn chế ý định nghỉ việc của nhân viên khách sạn tại Phú Quốc trong thời gian tới.
Kinh tế
Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc sinh học của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc sinh học của hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 180 nông hộ thuộc 3 tỉnh/thành gồm An Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng đại diện cho 3 vùng sản xuất lúa điển hình trong khu vực. Phương pháp thống kê mô tả, thang đo Likert và mô hình Logit được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy tín hiệu tốt với hơn 60% nông hộ được khảo sát sẵn sàng chuyển đổi. Ngoài ra, mô hình Logit chỉ rõ nhân tố học vấn và sự nhận biết về thuốc sinh học làm tăng xác suất đồng ý chuyển đổi của nông hộ, trong khi tuổi chủ hộ làm giảm xác suất này. Dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích SWOT, một số giải pháp và hàm ý chính sách được đề xuất nhằm mục đích giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và tạo động cơ chuyển đổi sang thuốc sinh học cho nông dân.