Ngày xuất bản: 29-06-2020

Tổng hợp sợi nano carbon/ZnO bằng kỹ thuật quay điện hóa

Văn Phạm Đan Thủy, Phạm Văn Toàn, Đặng Huỳnh Giao, Đoàn Văn Hồng Thiện
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm tổng hợp nano ZnO trên nền sợi carbon từ tiền thân sợi nano PVP/Zn(NO3)2 bằng phương pháp quay điện hóa. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo sợi nano PVP/Zn(NO3)2 bằng electrospinning đã được khảo sát: nồng độ polyvinyl pyrrolydone (PVP), hàm lượng muối Zn(NO3)2, hiệu điện thế và lưu lượng dòng dung dịch. Từ đó, chọn mẫu sợi phù hợp thông qua quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và tiến hành nung sợi trong điều kiện khí N2 ở 500℃ trong 1 giờ tạo hạt nano ZnO trên nền sợi carbon. Kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) được sử dụng để xác định hình dáng và kích thước hạt nano ZnO trên nền sợi carbon. Sự có mặt của tinh thể ZnO trong cấu trúc sợi carbon được xác định bằng phổ hồng ngoại FT-IR và nhiễu xạ tia X (XRD). Vì vậy, nano ZnO trên nền sợi carbon đã được điều chế thành công.

Phân tích hiệu quả sản xuất của các cơ sở nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) đạt tiêu chuẩn chứng nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam

Huỳnh Văn Hiền, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Văn Sánh
Tóm tắt | PDF
Hiệu quả sản xuất của các cơ sở nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn chứng nhận được ước lượng qua hàm sản xuất biên ngẫu nhiên dạng Cobb-Douglas. Kết quả ước lượng cho thấy mức hiệu quả kỹ thuật (TE) của mô hình trung bình là 69%, trong đó nuôi cá tra có chứng nhận cao hơn so với chưa chứng nhận (77% so với 65%). Năng suất mất đi do sử dụng không hiệu quả các yếu tố đầu vào của mô hình trung bình là 262 tấn/ha/vụ, trong đó nhóm chưa chứng nhận là 295 tấn/ha/vụ và nhóm chứng nhận là 183 tấn/ha/vụ. Các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng (tương quan thuận) đến hiệu quả sản xuất bao gồm mật độ thả giống, hệ số FCR, ngày công lao động, chi phí thuốc thú y thủy sản và chi phí khác. Các yếu tố làm kém hiệu quả trong sản xuất bao gồm số lần được tập huấn, số ao lắng, số ao nuôi và thời gian nuôi.

Tiềm năng ứng dụng C-type lectin từ tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei trong hỗ trợ điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trên tôm nuôi

Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Văn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Tương tự như ở các động vật không xương sống khác, lectin của tôm rất phong phú và phức tạp. Cho đến nay, bảy loại lectin từ tôm đã được xác định. Khi đánh giá sự đa dạng và phong phú của chúng, C-type lectin (CTL) chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống miễn dịch của tôm. Chúng đóng vai trò quan trọng trong các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh như là các thụ thể nhận diện kiểu mẫu, opsonin hóa và tham gia vào truyền tín hiệu tế bào. Gần đây, một CTL từ tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei được xác định có khả năng gây ngưng kết vi khuẩn Gram âm Vibrio parahaemolyticus, tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Việc ứng dụng kỹ thuật gene và protein tái tổ hợp có thể giúp tăng cường biểu hiện CTL này để sử dụng như là lợi khuẩn bổ sung vào thức ăn đang là một cách tiếp cận giúp tôm phòng bệnh cho vi khuẩn nói chung và V. parahaemolyticus nói riêng. Báo cáo này đề xuất cách tiếp cận mới từ protein tái tổ hợp và phân tích tiềm năng sử dụng CTL từ tôm thẻ chân trắng L. vannamei trong hỗ trợ điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn V. parahaemolyticus trên tôm nuôi.

Tỉ lệ năng lượng protein/lipid tối ưu cho cá lóc (Channa striata) nuôi trong điều kiện nhiệt độ và độ mặn cao

Trần Thị Phương Lan, Trần Minh Phú, Trần Lê Cẩm Tú, Lam Mỹ Lan, Trần Thị Thanh Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỉ lệ năng lượng (protein/lipid) tối ưu cho cá lóc (Channa striata) giống khối lượng trung bình 6,5 g được thực hiện trong môi trường nuôi 28oC-0‰ và môi trường nhiệt độ và độ mặn cao (34oC-9‰) với 6 nghiệm thức thức ăn gồm ba mức protein (40, 45 và 50%) và hai mức lipid (7 và 10%) tương ứng tỉ lệ năng lượng (protein/lipid) lần lượt là 3,41; 3,36; 3,82; 2,49; 2,71và 3,03 trong thời gian nuôi 60 ngày. Kết quả cho thấy cá lóc được nuôi trong môi trường nhiệt độ và độ mặn cao (34oC-9‰) làm giảm tỉ lệ sống, tăng trưởng, tỉ lệ thức ăn ăn vào, hiệu quả sử dụng thức ăn, hiệu quả sử dụng protein, lipid và hiệu quả tích lũy protein, lipid; tuy nhiên, không ảnh hưởng lên chỉ số gan tụy (HSI) của cá lóc. Tỉ lệ năng lượng (protein:lipid) trong thức ăn có ảnh hưởng lên tăng trưởng, hiệu quả sử dụng và tích lũy dưỡng chất (protein và lipid) cá lóc thí nghiệm. Tỉ lệ năng lượng (protein/lipid) tối ưu trong thức ăn cho cá lóc là 3,5 ở điều kiện nhiệt độ và độ mặn 28oC-0‰ và 3,37 ở điều kiện nhiệt độ và độ mặn cao (34oC-9‰).

Tình hình sinh kế của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Trần Văn Việt, Lê Hồng Tuyến, Nguyễn Trung Tín
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định hiện trạng sinh kế của cộng đồng ở vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng để tìm ra giải pháp cải thiện nâng cao thu nhập, góp phần hạn chế khai thác trái phép và bảo vệ sự đa dạng sinh học ở VQG này. Nghiên cứu bao gồm: xác định tình hình KTXH và các họat động canh tác, các thuận lợi và khó khăn của cộng đồng, đề xuất các giải pháp đến nhà quản lý để nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Nghiên cứu từ tháng 9-12/ 2019. Số liệu và thông tin dựa trên số liệu thứ cấp và khảo sát 100 hộ ở vùng đệm của VQG U Minh Thượng, bao gồm xác định: nguồn thu nhập chính, an sinh xã hội, mức độ hài lòng và kiến nghị từ cộng đồng. Kết quả cho thấy canh tác nông nghiệp chiếm 20-80% tổng thu nhập. Thu nhập của cộng đồng còn thấp do điều kiện tự nhiên, thiếu vốn và kỹ thuật là tiềm ẩn việc đánh bắt trái phép ảnh hưởng tính đa dạng sinh học trong VQG.

Ảnh hưởng của β-glucan lên đáp ứng miễn dịch tự nhiên của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) cảm nhiễm Vibrio parahaemolyticus

Trần Việt Tiên, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung β-glucan vào thức ăn đến các chỉ tiêu miễn dịch và tính mẫn cảm của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Tôm thẻ chân trắng có trọng lượng trung bình 1,8 ± 0,51 g/con được bố trí ngẫu nhiên trong 15 bể nhựa (30 con/bể) với 5 nghiệm thức (NT), mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, gồm: (NT1) không cảm nhiễm và không cho ăn bổ sung β-glucan; (NT2) không cảm nhiễm và cho ăn bổ sung β-glucan; (NT3) cảm nhiễm và không cho ăn bổ sung β-glucan; (NT4) cảm nhiễm và cho ăn bổ sung β-glucan (7 ngày trước cảm nhiễm) và (NT5) cảm nhiễm và cho ăn bổ sung β-glucan (7 ngày trước cảm nhiễm và 7 ngày sau cảm nhiễm). Sau 14 ngày cảm nhiễm, tôm ở NT3 có tỷ lệ chết tích lũy cao hơn đáng kể (46,7 ± 1,9%) (P 0,05) và tỷ lệ chết tích lũy của hai nghiệm thức này khác biệt có ý nghĩa so với NT1 và NT2 (P

Ảnh hưởng của chất chiết từ lá cây hoàn ngọc (Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk) lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Bùi Thị Bích Hằng, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của bổ sung chất chiết lá hoàn ngọc (Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk) vào thức ăn lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức gồm 0%; 0,02%; 0,1% và 0,5% chất chiết lá hoàn ngọc và được lặp lại 3 lần. Các chỉ tiêu miễn dịch bao gồm tổng hồng cầu, tổng bạch cầu, tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân, trung tính, tiểu cầu và hoạt tính lysozyme được theo dõi vào tuần thứ 3 và 6 của thí nghiệm và 3 ngày sau cảm nhiễm với vi khuẩn. Kết quả cho thấy bổ sung chất chiết lá cây hoàn ngọc không ảnh hưởng đến tăng trưởng cá tra. Mật độ tổng hồng cầu và tổng bạch cầu tăng cao có ý nghĩa ở các nghiệm thức bổ sung chất chiết lá cây hoàn ngọc. Sau 6 tuần thì hoạt tính lysozyme đạt giá trị cao nhất (90, 7 mg/mL) ở nghiệm thức 0,5%, khác biệt có ý nghĩa thống kê với nghiệm thức đối chứng (57,8 U/mL) (p

Nghiên cứu thủy phân protein từ thịt cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) bằng enzyme thương phẩm và ứng dụng chế biến bột nêm

Trương Thị Mộng Thu, Lê Thị Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Dịch đạm thủy phân đã được sản xuất từ fillet cá tra bằng hỗn hợp enzyme alcalase và flavourzyme ở pH 6.5 -7.0, với nhiệt độ thủy phân là 55°C và tỷ lệ alcalase và flavourzyme là 1:3. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều kiện thủy phân thích hợp là tỷ lệ hỗn hợp enzyme so với thịt cá là 0,2% (v/w) và thời gian thủy phân 26 giờ. Dịch thủy phân thu được có hàm lượng peptide và hàm lượng amino acid cao nhất lần lượt là 21,1 g/L và 10,2 g/L, hàm lượng NH3-N thấp là 0,472 g/L. Bột nêm thu được có chất lượng cảm quan tốt nhất theo phương pháp cho điểm đạt 18,2;, hàm lượng protein là 17,6%; hàm lượng ẩm thấp là 4,27%; hiệu suất thu hồi cao đạt 39,7% khi phối trộn dịch thủy phân với dịch mía theo tỷ lệ dịch mía: dịch đạm là 20%:45% (w/w), sấy ở 60°C trong 72 giờ. Sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng cảm quan tốt, độ ẩm và vi sinh nằm trong giới hạn cho phép sau 4 tuần bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Các yếu tố marketing mix tác động đến sự hài lòng và lòng trung thành của khách du lịch nội địa - Nghiên cứu trường hợp khu du lịch Cồn Phụng tỉnh Bến Tre

Phạm Hồng Hải
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là kiểm tra mối quan hệ giữa các yếu tố marketing mix, sự hài lòng và lòng trung thành của khách du lịch. Nghiên cứu trường hợp khách du lịch nội địa chọn khu du lich Cồn Phụng tại Bến Tre làm điểm đến. Phương pháp phân tích được sử dụng nhằm kiểm định các giả thuyết bao gồm kiểm định độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và kiểm định giả thuyết bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các yếu tố của marketing mix (giá cả, sản phẩm, địa điểm, quảng cáo, quy trình, con người và cơ sở vật chất) tác động tích cực đến sự hài lòng và lòng trung thành của du khách. Nghiên cứu cũng đóng góp một số hàm ý chính sách như phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, chiến lược quảng cáo và tăng cường cơ sở vật chất nhằm thu hút du khách đến khu du lịch Cồn Phụng, những hạn chế và gợi ý cho các nghiên cứu trong tương lai.

Tác động của trách nhiệm xã hội đến sự hài lòng, tin tưởng, gắn kết và cam kết của nhân viên với doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang

Nguyễn Thị Ngọc Phương, Đặng Như Ngà
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu kiểm định tác động của trách nhiệm xã hội của tổ chức (CSR) đến các biến số quan trọng liên quan đến nhân viên trong doanh nghiệp. Cụ thể hơn, mối quan hệ giữa CSR và sự camkếtcủa nhân viên với doanh nghiệp đã được khám phá dưới vai trò liên kết của sự hài lòng với công việc, sự tin tưởng đối với tổ chức và sự gắn kết với công việc. Phương pháp mô hình cấu trúc bình phương bé nhất bán phần (PLS-SEM) đã được áp dụng trên mẫu gồm 330 nhân viên để kiểm định giả thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy các giả thuyết phù hợp với thực tế và được ủng hộ của nhân viên với CSR của doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng của các mô hình liên kết trong nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam

Huỳnh Văn Hiền, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Văn Sánh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 02/2018 đến tháng 06/2019 tại 4 tỉnh/thành phố nuôi cá tra chính của đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ. Sử dụng bảng phỏng vấn cấu trúc kết hợp chọn hộ ngẫu nhiên phân tầng để thu số liệu từ 271 cơ sở nuôi cá tra với các hính thức liên kết khác nhau. Mô hình hồi qui nhị phân (binary logistic) được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hướng đến mô hình liên kết. Kết quả phân tích của mô hình hồi qui đã xác định được 4 yếu tố có ảnh hưởng tới liên kết của mô hình nuôi cá được xếp theo thứ tự quan trọng từ cao đến thấp gồm trình độ học vấn của chủ cơ sở, diện tích nuôi, lợi nhuận và giá thành. Tuy nhiên, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa các bên có liên quan cần phải được quan tâm để mô hình liên kết ổn định và phát triển lâu dài. Bên cạnh, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nuôi cá tra theo hình thức gia công cho nhà máy chế biến có năng suất (517 tấn/ha/vụ) và tỷ suất lợi nhuận (17,1%) cao nhất so với các hình thức nuôi khác.

Khả năng hấp phụ ion Cr(VI) của vật liệu Fe3O4@SiO2 với SiO2 từ tro trấu

Lương Huỳnh Vủ Thanh, Lê Phước Bảo Thơ, Hà Quốc Nam, Trần Thị Bích Quyên, Trần Nguyễn Phương Lan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng hấp phụ ion kim loại nặng Cr(VI) trong nước bằng hạt nano Fe3O4@SiO2 với SiO2 có nguồn góc từ tro trấu. Vật liệu hấp phụ từ tính được tổng hợp ở các điều kiện đơn giản, kinh tế và thân thiện với môi trường. Phân tích kính hiển vi điện tử quét (SEM) cho thấy hạt nano SiO2, hạt nano Fe3O4 và vật liệu hấp phụ Fe3O4@SiO2 có hình dạng gần hình cầu với đường kính lần lượt là 5 nm đến 10 nm, 30 nm đến 50 nm và 100 nm đến 500 nm. Kết quả hấp phụ cho thấy Fe3O4@SiO2 có thể loại bỏ 92,49% Cr(VI) tại pH 2,5, thời gian hấp phụ 30 phút, khối lượng Fe3O4@SiO2 0,1 g và nồng độ Cr(VI) ban đầu 100 mg/L. Đây là quá trình hấp phụ vật lý đơn lớp trên bề mặt không đồng nhất với dung lượng hấp phụ cực đại là 166,67 mg/g. Năng lượng liên kết giữa vật liệu hấp phụ và chất bị hấp phụ là E = 7,1795 kJ/mol và kết tủa CrxFe1-x(OH)3 bị hấp phụ trực tiếp trên bề mặt lỗ xốp của SiO2được xem là cơ chế chính của quá trình hấp phụ.  

Ứng dụng chỉ thị phân tử SSR13251 và SSR18956 trong nhận diện giới tính hoa dưa leo

Nguyễn Thị Mỹ, Lê Thị Trúc Linh, Hồ Thị Bích Phượng, Lương Hiếu Ngân, Lê Thị Kính
Tóm tắt | PDF
Trong quá trình chọn tạo giống dưa leo, việc sử dụng các dòng toàn hoa cái làm dòng mẹ đóng vai trò quan trọng trong hạn chế lẫn giống do quá trình tự thụ gây ra, không cần tốn công lao động khử đực hoặc bao cách ly hoa cái, có thể tận dụng côn trùng để thụ phấn và đảm bảo năng suất cao. Để nhận diện sớm và chính xác các dòng dưa leo toàn hoa cái, marker phân tử chính là công cụ hỗ trợ hữu ích nhất. Nghiên cứu này tiến hành khảo sát mối tương quan giữa hai chỉ thị phân tử SSR13251 và SSR18956 với giới tính hoa của 50 mẫu dưa leo thuần (19 dòng toàn hoa cái, 31 dòng có cả hoa đực và hoa cái). Thực hiện phản ứng PCR để khuếch đại vùng trình tự mục tiêu. Kết quả cho thấy marker SSR13251 không phân biệt được các dòng dưa leo. Trong khi đó, kích thước sản phẩm PCR của marker SSR18956 có sự khác nhau giữa các dòng dưa leo, giúp nhận diện đúng mục tiêu dòng dưa leo toàn hoa cái. Sau khi sàng lọc 50 mẫu thuần với marker SSR18956, ghi nhận tỷ lệ nhận diện chính xác của marker này so với kiểu hình giới tính hoa dưa leo là 84%. Như vậy, marker SSR18956 có thể là một marker tiềm năng giúp hỗ trợ nhận diện các dòng dưa leo toàn hoa cái.

So sánh hiệu quả khả năng làm lành vết thương ở chuột Swiss bằng tế bào gốc trung mô từ mỡ và tế bào gốc đơn nhân từ mỡ

Lê Hoàng Duy Minh, Lâm Phạm Phước Hùng, Nguyễn Ngọc Hiếu, Ngô Thị Minh Thu
Tóm tắt | PDF
Tế bào gốc từ mỡ có khả năng điều hòa miễn dịch và biệt hóa thành các tế bào chuyên hóa nhằm sửa chữa các cơ quan tổn thương của cơ thể. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của tế bào từ mỡ đến quá trình làm lành vết thương ở chuột Swiss. Sau khi gây loét, 15 con chuột được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm, tiêm NaCl, tiêm 1×106 tế bào gốc đơn nhân từ mỡ và tiêm 1×106 tế bào gốc trung mô từ mỡ. Tất cả các nhóm đều tiêm vào tĩnh mạch đuôi của chuột, theo dõi liên tục trong 13 ngày và đánh giá khả năng làm lành vết thương thông qua hình thái vết thương và giải phẫu mô học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm chuột ghép tế bào làm lành vết thương nhanh hơn so với nhóm đối chứng, ở nhóm ghép ADSCs, vết thương làm lành nhanh nhất và lành hoàn toàn sau 9 ngày ghép. Kết luận, tế bào gốc từ mỡ có ý nghĩa quan trọng trong điều trị vết thương, đặc biệt là tế bào gốc trung mô từ mỡ có khả năng làm lành vết thương nhanh và không tạo sẹo.

Tạo dòng và biểu hiện protein dung hợp LTB-STB của Enterotoxigenic Escherichia coli gây tiêu chảy trên heo con

Huỳnh Thị Xuân Mai, Huỳnh Kiến Quang, Nguyễn Đặng Thanh Hảo, Trần Văn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Bệnh tiêu chảy do Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC) làm heo giảm trọng lượng, chậm lớn hoặc chết, gây nhiều thiệt hại kinh tế nhưng vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Vaccine giải độc tố phổ biến nhất dựa trên tiểu phần B của độc tố bền nhiệt (STb) nhưng lại sinh miễn dịch kém. Để giải quyết vấn đề, STb được dung hợp với tiểu phần B độc tố nhạy nhiệt (LTb) để tăng tính sinh miễn dịch cho STb và mở rộng phổ kháng. Trong nghiên cứu này, gene estB mã hóa STb và plasmid pET28a-eltB được xử lý với hai enzyme HindIII và XhoI, sau đó nối với nhau bằng T4 ligase để tạo plasmid pET28a-eltB-estB. Plasmid tái tổ hợp sau khi xác nhận bằng giải trình tự được biến nạp vào chủng E. coli BL21 (DE3) và được kiểm tra sự biểu hiện protein bằng phương pháp SDS ‑ PAGE và Western blot với kháng thể anti-6xHis. Kết quả, gene mã hóa độc tố đường ruột LTB-STb đã được tạo dòng và biểu hiện thành công ở dạng thể vùi, làm nguyên liệu cho các thử nghiệm tính sinh miễn dịch của protein dung hợp này.

Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao phân đoạn sắc ký cột silica gel từ cao chiết lá cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz.)

Phạm Ngọc Cẩn, Trần Gia Hân, Lê Ngọc Huỳnh Như, Nguyễn Đức Độ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích khảo sát khả năng kháng oxy hóa và kháng vi khuẩn Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus của cao phân đoạn sắc ký cột silica gel từ cao chiết lá cây cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz.). Các phân đoạn cao bao gồm: F1 (dichloromethane : ethyl acetate, 1 : 1 (v/v)), F2 (acetone : ethyl acetate, 9 : 1 (v/v)), F3 (acetone), F4 (methanol). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu suất thu hồi cao chiết cao nhất ở phân đoạn F4 (20,32 %). Hàm lượng flavonoid (211,33 QE/g cao chiết) cao nhất ở phân đoạn F1. Hàm lượng polyphenol tổng (465,38±2,15 mg GAE/g cao chiết), tannin tổng (782,80±17,07 mg TAE/g cao chiết) cao nhất ở phân đoạn F2. Khả năng khử H2O2, Fe3+ cao nhất ở phân đoạn F2 với giá trị IC50 lần lượt là 20,81±0,06 và 7,40±0,12 (µg/mL). Các phân đoạn đều có khả năng kháng khuẩn (nồng độ 100 mg/mL, 24 giờ). Phân đoạn F2 kháng khuẩn cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn là: E. coli (9,8±0,3 mm); S. aureus (4,9±0,1 mm); B. subtilis (5,8±0,3 mm) (khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với F1); L. bacillus (5,8±0,8 mm). Giá trị MIC: E. coli (0,5 mg/mL), B. subtilis (1,0 mg/mL). Giá trị MBC: E. coli (1,5 mg/mL).

Ảnh hưởng của chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử đến sự hài lòng của khách hàng: Thực tiễn ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam

Bùi Nhật Quang, Nguyễn Hữu Thái Thịnh
Tóm tắt | PDF
Phát triển giá trị kinh doanh của chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử (NHĐT) là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng thời kỷ nguyên số. Nghiên cứu đã khảo sát trực tiếp 389 khách hàng tại thành phố Nha Trang nhằm làm sáng tỏ ảnh hưởng của chất lượng dịch vụ NHĐT đến sự hài lòng của khách hàng. Qua các phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định và phân tích mô hình cấu trúc, nghiên cứu đã xác định 5 yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ NHĐTgồm: đặc tính thiết kế, tính bảo mật, sự tin cậy, chất lượng thông tin và thời gian phản hồi. Kết quả cũng khẳng định chất lượng dịch vụ NHĐT tác động trực tiếp đến sự hài lòng của khách hàng. Hàm ý quản trị đã được thảo luận để cải thiện chất lượng dịch vụ NHĐT nhằm gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Phân tích tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp của ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 - 2015

Nguyễn Thị Lương, Võ Thành Danh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm ước lượng tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp của ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1990 – 2015 và phân tích sự thay đổi của năng suất tổng hợp thành các yếu tố cấu thành năng suất các yếu tố tổng hợp bao gồm thay đổi của kỹ thuật sản xuất, thay đổi hiệu quả kỹ thuật và thay đổi hiệu quả quy mô sản xuất. Để ước lượng được tăng trưởng của năng suất các yếu tố tổng hợp và phân tích các yếu tố, chỉ số Malmquist TFP được sử dụng như là một cách tiếp cận phi tham số. Kết quả cho thấy mức tăng trưởng bình quân của TFP là 2,57%/năm là do sự đóng góp của kỹ thuật với mức đóng góp là 2,94%/năm, trong khi hiệu quả sản xuất lại đóng góp ngược chiều với kỹ thuật sản xuất ở mức -0,37%/năm. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy 10/13 tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng trưởng trong năng suất tổng hợp trong giai đoạn trên.

Xác định sự kết nối động giữa tỷ suất sinh lợi của thị trường chứng khoán các quốc gia Đông Nam Á: Tiếp cận bằng chỉ số lan truyền

Trần Thị Tuấn Anh
Tóm tắt | PDF
Việc nghiên cứu mức độ hội nhập và sự kết nối giữa các quốc gia trong cùng khu vực là một trong những đề tài nghiên cứu rất được quan tâm của các nhà kinh tế. Bài viết này được thực hiện nhằm xác định mức độ và chiều hướng kết nối giữa các thị trường chứng khoán trong khối ASEAN-6 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Phương pháp Diebold and Yilmaz (2012) để tính chỉ số lan truyền được áp dụng kết hợp với kỹ thuật cửa sổ cuộn dựa trên dữ liệu về tỷ suất sinh lợi hàng ngày trong giai đoạn từ 2012 đến 2019. Kết quả phân tích chỉ số lan truyền tĩnh và động đều cho thấy mức độ kết nối trong khu vực ASEAN-6 khá cao, lên đến gần 27%. Tuy nhiên, chỉ có 4 trong số 6 quốc gia này thực sự có kết nối chặt chẽ gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Việt Nam và Philippines có mức độ kết nối với thị trường ASEAN-6 khá yếu. Ngược lại, Malaysia và Singapore là hai quốc gia đóng vai trò chủ động trong khu vực.

Nghiên cứu hiện tượng hấp phụ phân tử khí trên biên dãy nano penta-graphene dạng răng cưa pha tạp nitrogen

Nguyễn Thành Tiên, Nguyễn Thị Pha, Võ Văn Ớn, Lê Võ Phương Thuận
Tóm tắt | PDF
Dãy nano penta-graphene (PGNRs),  một dãy penta-graphene một chiều (1D) có khả năng ứng dụng trong thiết bị cảm biến. Trong bài báo này, đặc tính hấp phụ của CO, CO2, NH3 trên biên N:SSPGNR được nghiên cứu bằng cách tính toán năng lượng hấp phụ, sự truyền điện tích, khoảng cách hấp phụ, sự sai khác mật độ điện tử, mật độ trạng thái và mật độ trạng thái riêng bởi phương pháp nguyên lý ban đầu. Chúng tôi thấy rằng sự hấp phụ phân tử khí CO và CO2 trên biên N:SSPGNR thể hiện đặc tính hấp phụ hóa học, trong khi đó N:SSPGNR hấp phụ NH3 trên biên thể hiện đặc tính hấp phụ vật lý. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đưa ra để dự đoán và hiểu đặc tính hấp phụ của CO, CO2, NH3 trên N:SSPGNR. Từ đó, giúp các nhà thực nghiệm nghiên cứu phát triển PGNRs ứng dụng cho cảm biến khí thế hệ mới.

Một số đặc điểm hình thái và giải phẫu của các loài thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae) mọc hoang tại Bảy Núi, tỉnh An Giang

Phùng Thị Hằng, Phan Thành Đạt, Nguyễn Kim Đua, Phạm Đông Hải, Nguyễn Thị Thanh Diệu, Nguyễn Thị Thùy Nhiên
Tóm tắt | PDF
Họ Củ nâu (Dioscoreaceae) là họ với nhiều loài có giá trị dinh dưỡng cao, phần lớn được sử dụng làm thực phẩm hoặc làm thuốc (Maynard and O’Hair, 2003; Gupta et al., 2012). Kết quả khảo sát trong hai năm (2016-2017) tại vùng Bảy Núi - tỉnh An Giang, qua sáu tuyến với các sinh cảnh khe suối, vực sâu, lối mòn, vườn nhà, khu dân cư, rừng đã ghi nhận được tám loài mọc hoang thuộc họ này, trong đó có bảy loài được sử dụng làm thuốc và một loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” (2007). Các dữ liệu về hình thái ngoài biểu hiện sự đa dạng về dạng lá,  thân và rễ củ. Kết quả phân tích cấu trúc giải phẫu lá cho thấy những loài này khác nhau về số lượng và sự sắp xếp biểu bì tại các mép lá, cấu trúc bó dẫn tại gân lá và cuống lá; sự khác biệt còn thể hiện ở hình dạng mô gỗ của gân lá, cuống lá và độ dày của mô nâng đỡ.

Tổng hợp vật liệu khung cơ kim cấu trúc tinh thể 3D dựa trên dẫn xuất của phenol

Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Diễm Hương, Hồ Bá Duy
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này vật liệu khung cơ kim cấu trúc tuần hoàn không gian 3 chiều đã được tổng hợp thành công dựa trên dẫn xuất của phenol. Vật liệu được tạo thành do sự kết hợp giữa titanium isopropoxide (TTIP) và hợp chất H6THO (trong đó THO6- = triphenylene-2,3,6,7,10,11-hexakis(olate)), được gọi là Ti-76. Độ kết tinh của vật liệu được phân tích dựa trên nhiễu xạ tia X dạng bột (PXRD). Cấu trúc của vật liệu được phân tích dựa trên giản đồ PXRD kết hợp với phương pháp “charge filipping”, sử dụng phần mềm “superflip”. Kết quả cho thấy vật liệu có độ kết tinh cao, có cấu trúc tuần hoàn không gian ba chiều như mong đợi. Cụ thể, vật liệu kết tinh với kiểu mạng tinh thể lập phương với nhóm đối xứng P213 và kích thước ô mạng cơ sở, a = 17,996 Å.  “Topology” của vật liệu cũng được xác định, srs với khung sườn đan xen bậc 2.

Xác định yêu cầu cho sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh An Giang trên cơ sở tham vấn các chủ thể khác nhau

Nguyen Phan Chi, Phạm Thanh Vũ, Lê Quang Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các yêu cầu cho sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao dưới hình thức sản xuất đại trà, từ đó làm cơ sở khoa học xây dựng vùng có khả năng phát triển lúa ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh An Giang. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hệ thống hóa cơ sở lý luận về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham vấn ý kiến chuyên gia và phương pháp đánh giá đa tiêu chí. Kết quả nghiên cứu đã xác định được bốn yêu cầu chung và 20 yêu cầu cụ thể cho sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh An Giang. Trong đó, yêu cầu cụ thể về thị trường tiêu thụ, lợi nhuận, chi phí đầu tư, khả năng quản lý, phương thức tổ chức sản xuất, thổ nhưỡng, nguồn nước và các yêu cầu môi trường được quan tâm nhiều, yêu cầu nguồn lao động và quyền sử dụng đất ít được quan tâm từ các chủ thể. Bên cạnh đó, các chủ thể cũng cho rằng cần quan tâm đến quy mô diện tích canh tác khi thực hiện ứng dụng công nghệ cao. Kết quả này là cơ sở bước đầu xây dựng được các tiêu chí đánh giá khả năng phù hợp để xác định vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang

Trương Trí Thông
Tóm tắt | PDF
Du lịch bền vững đang là xu hướng phát triển của ngành du lịch. Thành phố Hà Tiên là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch luôn mang cả tác động tích cực và tiêu cực cho điểm đến, vì vậy để giảm thiểu các tác động tiêu cực và phát huy các tác động tích cực mà du lịch mang lại, đòi hỏi phải phát triển bền vững. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy có 08 nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên: (1) Thể chế chính sách, (2) An toàn và an ninh, (3) Môi trường, đường sá và cơ sở lưu trú, (4) Văn hóa, (5) Con người, (6) Kinh tế, (7) Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật và (8) Dịch vụ giải trí và bãi đậu xe. Từ đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững ở địa bàn nghiên cứu.

Các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất xuất bản quốc tế của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ

Hồ Hữu Phương Chi, Nguyễn Tuấn Kiệt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất xuất bản quốc tế của giảng viên[1] Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy năng suất xuất bản quốc tế của trường Đại học Cần Thơ chỉ đạt mức thấp, khoảng 0,35 bài/giảng viên/năm. Từ kết quả mô hình hồi quy dựa trên số liệu của 158 giảng viên, giảng viên là nam giới có năng suất xuất bản quốc tế cao hơn nữ giới và giảng viên học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài có năng suất xuất bản quốc tế cao hơn so với giảng viên tốt nghiệp ở trong nước. Ngoài ra, các yếu tố khác như trình độ chuyên môn, mức độ yêu thích nghiên cứu khoa học quốc tế, số giờ nghiên cứu trong tuần và kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học cũng có tác động tích cực đến năng suất xuất bản quốc tế của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh: Bất cập và giải pháp

Nguyễn Thị Bảo Anh, Truong Kim Phung
Tóm tắt | PDF
Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh giữ vai trò quan trọng đối với người hành nghề trong việc hỗ trợ họ chi trả những thiệt hại do những sai sót xảy ra cho bên thứ ba. Mặc dù vậy, chỉ có một tỉ lệ thấp số người hành nghề được bảo hiểm vì có một số vấn đề bất cập. Đó là các quy định pháp luật chưa đủ và phù hợp, phí bảo hiểm cao và sự phức tạp trong của ngành y tế để có thể tạo ra sản phẩm phù hợp. Một số đề xuất được trình bày trong nội dung này nhằm giải quyết những vướng mắc.

Dự báo kết quả học tập bằng kỹ thuật học sâu với mạng nơ-ron đa tầng

Lưu Hoài Sang, Nguyễn Thái Nghe, Trần Thanh Điện, Nguyễn Thanh Hải
Tóm tắt | PDF
Dự báo kết quả học tập là một chủ đề đang được quan tâm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Dự báo sớm kết quả học tập có thể giúp sinh viên lựa chọn học phần phù hợp với năng lực cá nhân, giúp nhà quản lý và giảng viên xác định được những sinh viên cần được quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để hoàn thành tốt học phần, giảm tình trạng cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học do kết quả học tập kém, từ đó tiết kiệm được thời gian chi phí cho cả sinh viên, gia đình, nhà trường và xã hội. Bài viết này đề xuất một phương pháp dự báo kết quả học tập của sinh viên bằng kỹ thuật học sâu nhằm khai thác cơ sở dữ liệu trong hệ thống quản lý sinh viên tại các trường đại học. Dữ liệu sau khi thu thập được phân tích, tiền xử lý dữ liệu, thiết kế và huấn luyện mạng nơ-ron đa tầng. Kết quả thực nghiệm cho thấy mô hình đề xuất cho kết quả dự đoán khá chính xác và hoàn toàn khả thi để áp dụng vào thực tế.

Nghiên cứu điều kiện thủy phân dịch quả thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) và thừ nghiệm lên men rượu

Hoang Quang Binh, Duong Thi Ngoc Diep, Lê Thị Như, Mai Thanh Tòng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thông số thủy phân dịch thanh long ruột đỏ bằng enzyme Pectinex Ultra SP-L và đánh giá chất lượng nước thanh long ruột đỏ sau lên men. Chế phẩm enzyme Pectinex Ultra SP-L bổ sung vào trong dịch quả với tỷ lệ 0,3% và điều kiện thủy phân ở nhiệt độ 50  trong 1 giờ đã cho hiệu suất thu hồi dịch quả 77,03%, hiệu suất thu hồi betacyanin 82,31%, hiệu suất thu hồi polyphenol tổng số 41,57% và độ truyền suốt 86,28%. Kết quả phân tích sắc ký khí rượu có 49 hợp chất tạo mùi, trong đó chủ yếu là nhóm alcohol (9 nhóm) và ester (14 nhóm). Sản phẩm đạt yêu cầu về một số chỉ tiêu hóa học cơ bản theo TCVN 7045:2013 cho rượu vang: methanol 0,00967 g/L, aldehyde 1,12 mg/L, hàm lượng ethanol 9,5%,

Tích hợp dạy đọc hiểu văn bản với dạy viết để phát triển kỹ năng viết văn nghị luận văn học cho học sinh lớp 11

Nguyễn Bình An, Nguyễn Thị Hồng Nam
Tóm tắt | PDF
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tích hợp là một định hướng dạy học quan trọng. Năm học 2018-2019 nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tích hợp dạy đọc và viết văn nghị luận ở lớp 11A1, trường THPT Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Trong bài báo này,  nhóm nghiên cứu trình bày kết quả thực nghiệm việc tích hợp dạy đọc với dạy viết văn nghị luận thông qua phân tích mẫu văn bản  đọc và hướng dẫn học sinh trong suốt tiến trình đọc, viết bằng các phiếu học tập. Việc phân tích các bài viết và ý kiến trả lời phỏng vấn của học sinh đã chứng minh kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận của HS đã có những tiến bộ đáng kể qua 20 tiết thực nghiệm.