Ngày xuất bản: 25-12-2019

Tổng quan các kỹ thuật thu năng lượng từ tế bào nhiên liệu vi khuẩn

Quách Ngọc Thịnh, Đào Minh Trung, Thiều Quang Quốc Việt, Phạm Văn Toàn
Tóm tắt | PDF
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã có những sự quan tâm lớn đến tế bào nhiên liệu vi khuẩn bởi vì chúng sử dụng nhiên liệu từ nhiều chất nền phân hủy sinh học khác nhau và tế bào nhiên liệu vi khuẩn được xem như là một nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, năng lượng thu được từ tế bào nhiên liệu là rất nhỏ. Do đó, việc thu và sử dụng nguồn năng lượng này vẫn đang là một thử thách lớn đối các nhà khoa học. Vì thế, những hệ thống thu năng lượng từ tế bào nhiên liệu vi khuẩn là rất cần thiết cho những ứng dụng thực tiễn. Nhiều nghiên cứu về các kỹ thuật thu và tích trữ năng lượng từ tế bào nhiên liệu vi khuẩn đã được thực hiện. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ dừng lại ở mức độ riêng lẻ. Do đó, bài báo giúp cho các nhà khoa học có một cái nhìn tổng quan về các kỹ thuật thu năng lượng từ tế bào nhiên liệu vi khuẩn và khả năng phát triển thành một nguồn năng lượng thương mại.

Phân lập, tuyển chọn và nhận diện vi khuẩn trong đất trồng lúa có khả năng phân hủy thuốc trừ sâu chứa hoạt chất fenobucarb

Bùi Nhi Bình, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Hoạt chất fenobucarb được sử dụng phổ biến để diệt rầy nâu trên ruộng lúa. Khi lưu tồn trong đất hoặc bị rửa trôi vào môi trường nước, fenobucarb gây độc đến các loài động vật thủy sinh do làm giảm hoạt tính của enzyme cholinesterase. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và nhận diện các dòng vi khuẩn bản địa trong đất trồng lúa có khả năng phân hủy hiệu quả fenobucarb. Hai mươi dòng vi khuẩn có khả năng phát triển trên môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung fenobucarb 100 mg/L như nguồn carbon duy nhất đã được phân lập từ 8 mẫu đất tại huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Hai dòng vi khuẩn CĐ5.2 và CĐ5.3 được phân lập từ đất trồng lúa ở Cờ Đỏ có khả năng phân hủy fenobucarb hiệu quả hơn so với các dòng còn lại, đạt 58,2% và 60,1% sau 9 ngày nuôi cấy. Dựa vào trình tự gen 16S-rRNA và các đặc điểm sinh hóa như hoạt tính gelatinase, urease, oxidase, đồng hóa citrate và lên men đường, hai dòng vi khuẩn CĐ5.2 và CĐ5.3 được định danh khoa học lần lượt là Burkholderia arboris CĐ5.2 và Micrococcus terreus CĐ5.3.

Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải thủy sản của lồng quay sinh học hiếu khí ba bậc

Lê Hoàng Việt, Phan Thị Kim Hiền, Lâm Chí Bảo, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm thúc đẩy ứng dụng quy trình tăng trưởng bám dính để xử lý nước thải thủy sản thông qua khảo sát các thông số thiết kế và vận hành phù hợp. Với tải nạp chất hữu cơ 2,06 g BOD/m2.ngày-1 (tính theo diện tích màng sinh học), thời gian lưu nước 5 giờ, nước thải sau xử lý bằng lồng quay sinh học ba bậc và lắng tĩnh 30 phút có nồng độ các chất ô nhiễm giảm xuống đạt QCVN 11-MT:2015/BTNMT loại A. Khi vận hành với tải nạp chất hữu cơ là 2,4 g BOD/m2.ngày-1, thời gian lưu nước 4 giờ, nồng độ COD, BOD5, N-NH4+, TP, SS của nước thải đầu ra đạt cột A QCVN 11-MT:2015/BTNMT, riêng TP là 10,83 mg/L chỉ đạt cột B theo quy chuẩn. Như vậy, lồng quay sinh học hiếu khí ba bậc có thể dùng để xử lý nước thải chế biến thủy sản đạt cột A QCVN 11-MT:2015/ BTNMT ở thời gian lưu nước 5 giờ, và tải nạp chất hữu cơ là 2,06 g BOD/m2. ngày-1.

Đánh giá khả năng kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase của các cao chiết từ lá cây núc nác (Oroxylum indicum L.)

Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Thị Thúy Oanh, Trần Chí Linh, Nguyễn Trọng Tuân, Trần Thanh Mến, Lê Thanh Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Thành phần hóa học của lá cây Núc Nác được xác định có chứa các nhóm chất alkaloid, flavonoid, glycoside, tannin, steroid và triterpenoid. Hàm lượng polyphenol (60,56±0,30 mg GAE/g cao chiết) và flavonoid (235,29±2,88 mg QE/g cao chiết) trong cao ethyl acetate nhiều hơn cao chiết từ ba dung môi còn lại là ethanol, n-hexane và dichloromethane. Kết quả đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế enzyme của các cao chiết ethanol, n-hexane, dichloromethane và ethyl acetate từ lá cây Núc Nác: cao ethyl acetate có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế hoạt động của các enzyme α-amylase và α-glucosidase mạnh nhất trong các cao chiết được khảo sát.

Đa dạng thành phần loài cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Phùng Thị Hằng, Phan Thành Đạt, Cao Văn Vững, Huỳnh Bảo Toàn, Trần Thị Ngọc Linh, Phạm Đông Hải, Nguyễn Thị Thùy Nhiên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đa dạng thành phần loài cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được thực hiện với mục tiêu lập cơ sở dữ liệu đầy đủ về cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Bằng phương pháp điều tra thực địa trên bảy tuyến, hai khu đặc biệt với sáu sinh cảnh trong 10 tháng, đề tài đã thu được 62 loài cây có độc thuộc 2 ngành, 26 họ và 52 chi, bổ sung thêm 31 loài cho danh lục cây có độc trong “Cây độc ở Việt Nam”. Cây có độc trong phạm vi nghiên cứu có số loài dạng thân thảo chiếm tỷ lệ nhiều nhất (43,55%); đa số chất độc có ở toàn cây (chiếm 35,48%); nôn mửa, tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến nhất khi ăn phải (lần lượt chiếm tỷ lệ 50% và 45,16%). Nhóm chất độc chủ yếu là alkaloid, glycoside (chiếm tỷ lệ 25,81%), dầu béo, triterpene, calcium oxalate (chiếm tỷ lệ 11,29%).

Sử dụng mô hình Markov ẩn để phân tích sự chuyển đổi trạng thái ngẫu nhiên của quá trình giá cổ phiểu

Trần Văn Lý, Lê Thị Mỹ Xuân, Đặng Hoàng Tâm, Trần Văn Trọng, Nguyễn Thị Tú Anh
Tóm tắt | PDF
Sự chuyển đổi trạng thái ngẫu nhiên của quá trình giá cổ phiếu sẽ được mô hình hóa bởi mô hình Markov ẩn. Đó là một cặp gồm hai quá trình ngẫu nhiên (Xh,Kh). Quá trình (Xh) được gọi là quá trình trạng thái, là một xích Markov ẩn không quan sát được, biểu diễn cho chuỗi thay đổi các trạng thái của giá cổ phiếu. Quá trình (Kh) được gọi là quá trình quan sát, đo cho chuỗi giá cổ phiếu quan sát được. Các tham số của mô hình sẽ được ước lượng từ dữ liệu thực nhờ vào giải thuật cực đại hóa kỳ vọng EM (expectation maximization algorithm). Dự báo cho chuỗi giá cổ phiếu bằng dữ liệu mô phỏng là ứng dụng được đề xuất.

Định lý giới hạn trung tâm cho quá trình khuếch tán trong không gian một chiều

Lâm Hoàng Chương, Dương Thị Bé Ba, Lê Hoài Nhân, Trần Thị Thiện
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu chính của bài báo là nghiên cứu mô hình quá trình khuếch tán trong một chiều. Sử dụng phương pháp như trong các bài báo của Depauw and Derrien (2009) và Chuong (2014) để chứng minh sự hội tụ theo phân phối đến phân phối chuẩn của quá trình đang xét (Định lý 1.1). Chi tiết hơn, với là toán tử Markov cực vi của quá trình như trên và hàm  cho trước, bằng cách giải phương trình Poisson  rồi sau đó tìm giới hạn liên quan đến nghiệm của nó, khi đó định lý giới hạn trung tâm sẽ được cho bởi sự hội tụ của các moment.

Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của bệnh giun thực quản trên chó tại tỉnh Điện Biên

Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Thị Dịu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình nhiễm giun tròn giống Spirocerca ở chó tại một số huyện của tỉnh Điện Biên từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 4 năm 2019. 308 chó ở thành phố Điện Biên Phủ và hai huyện Điện Biên, Điện Biên Đông được tiến hành mổ khám. Kết quả cho thấy: có 16,56% chó nhiễm Spirocerca lupi, trong đó Điện Biên Đông là huyện có tỷ lệ nhiễm cao nhất (21,35%), kế đến là huyện Điện Biên (16,98%) và thấp nhất là thành phố Điện Biên Phủ (12,39%). Giữa các địa điểm có tỷ lệ nhiễm S. lupi là khác nhau (P

Khảo sát vi khuẩn Salmonella spp. trên gà và môi trường ở một số nông hộ tại tỉnh Vĩnh Long

Hồ Xuân Yến, Lý Thị Liên Khai, Nguyễn Khánh Thuận
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự lưu hành và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella trên gà và môi trường chăn nuôi tại một số nông hộ ở tỉnh Vĩnh Long. Tổng cộng có 322 mẫu (127 mẫu phân gà và 195 mẫu môi trường) đã được thu thập từ ba nông hộ ở tỉnh Vĩnh Long để phân lập và kiểm tra sự đề kháng kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch. Kết quả cho thấy có 20 mẫu (6,21%) dương tính với vi khuẩn Salmonella. Salmonella dương tính được phân lập từ mẫu phân (9,45%) cao hơn so với từ mẫu môi trường (4,10%). Salmonella được phân lập từ gà tiêu chảy phân trắng (8/44 mẫu, 18,18%) cao hơn gà khỏe (4/83, 4,82%); chủ yếu trên gà 1-2 tuần tuổi (17,31%, 9/52 mẫu). Vi khuẩn hiện diện trên nền chuồng là 10,71% cao hơn mẫu nước uống (1,96%) và thức ăn (1,14%). Kết quả kiểm tra sự đề kháng của vi khuẩn với 14 loại kháng sinh cho thấy, các chủng vi khuẩn này đã đề kháng từ 2 – 10 loại kháng sinh. Vi khuẩn Salmonella đã đề kháng cao với ampicillin (100%), chloramphenicol (95%), cefuroxime, streptomycin, tetracycline (90%), doxycycline (85%) và kháng trung bình với trimethoprim/sulfamethoxazole (60%). Các chủng vi khuẩn này vẫn còn nhạy cảm cao với các kháng sinh amoxicillin/clavulanic acid, amikacin, levofloxacin, ofloxacin (100%), ceftazidime (95%) và colistin (75%). Cả 20 chủng đã đa kháng với 11 kiểu hình đa kháng khác nhau, rất đa dạng và phức tạp.

Đa dạng di truyền của các mẫu giống đậu tương dựa trên các hình thái, chỉ thị phân tử SSR và hàm lượng protein

Vũ Thị Thúy Hằng, Trần Thị Trường, Trần Thị Thu Trang, Lê Thị Ngọc Loan, Vũ Thị Vân Anh, Vũ Thế Anh, Nguyễn Thị Quyên
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá đa dạng di truyền của 109 mẫu giống đậu tương (Glycine max (L.) Merr.) ở các đặc điểm về hình thái (đặc điểm thực vật học, nông sinh học) trên đồng ruộng trong vụ xuân năm 2018, ở hàm lượng protein và kiểu gen bằng 9 dấu chỉ thị phân tử SSR. Kết quả cho thấy 109 mẫu giống đa dạng ở các đặc điểm hình thái, thời gian sinh trưởng và các yếu tố cấu thành năng suất. Sử dụng chỉ thị SSR đã phân nhóm 109 mẫu giống đậu tương thành 5 nhóm chính với hệ số tương đồng 0,66. Hàm lượng protein của 22 mẫu giống phân tích dao động từ 30,2% - 46,8%, có thể sử dụng làm vật liệu cải tiến hàm lượng protein. Các mẫu giống có tiềm năng tốt về năng suất (HSB0098,  HSB0100, HSB0125, HSB0128, HSB0130,  HSB0132) và hàm lượng protein cao (HSB0057, HSB0100, HSB0139, HSB1048) có thể đươc sử dụng làm vât liệu trong chọn tạo cải tiến giống. Năm chỉ thị SSR: Satt239, Satt270, Satt277, Satt281 và Satt520 cho mức độ đa hình cao nhất.

Phân lập và tuyển chọn một số dòng nấm bản địa có khả năng phân hủy vật liệu hữu cơ từ đất nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng

Quách Thịtrúc Ly, Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân lập một số dòng nấm từ 14 hệ vi sinh vật bản địa trên hệ cây trồng khác nhau ở tỉnh Sóc Trăng có khả năng phân hủy vật liệu hữu cơ. Môi trường Bushnell Haas Medium (BHM) bổ sung 1% carboxymethyl cellulose (CMC) dùng để phân lập và khảo sát khả năng tổng hợp enzyme cellulase bằng thuốc thử Congo Red 0.25%. Hoạt độ enzyme cellulase được xác định bằng thuốc thử 2- hydroxy - 3,5 – dinitrobenzoic acid (DNS) ở bước sóng 540 nm. Khả năng phân hủy hữu cơ được xác định bằng trọng lượng khô mất đi sau 30 ngày nuôi cấy. Kết quả cho thấy có 56 dòng nấm được phân lập, trong đó 36 dòng có đường kính vòng halo dao động từ 1,67 mm đến 25,7 mm. Hoạt độ enzyme của 10 dòng nấm tuyển chọn dao động từ 2,52 đến 16,5 UI/mL/h. Các dòng nấm phân hủy rơm, bồn bồn và lục bình cao nhất lần lượt gồm H3-1 (59,13%), H9-6 (78,3%) và H4-7 (63,1%). Dòng nấm H7-4 phân hủy tốt cả 3 loại vật liệu thí nghiệm với tỉ lệ lần lượt 40,7, 68,7 và 47,9%. Giải trình tự đoạn gen vùng 28S rRNA cho thấy dòng H9-6 có quan hệ gần gũi với loài nấm Aspergillus oryzae và 3 dòng còn lại gồm H3-1, H4-7, H7-4 có quan hệ gần gũi với loài Aspergillus niger.

Sản xuất protease từ Bacilus subtilis N1 sử dụng phụ phẩm đậu nành

Phan Thị Bích Trâm, Khúc Ngọc Vy, Lương Thị Thu Hương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm phân lập, tuyển chọn và khảo sát môi trường nuôi cấy thích hợp cho vi khuẩn để tổng hợp protease. Từ natto thương mại và bã đậu nành đã phân lập được năm dòng vi khuẩn trên môi trường casein, pH 9,5. Vi khuẩn N1 có hoạt tính protease cao nhất được tuyển chọn để định danh bằng cách giải trình tự vùng gen 16S rRNA và sử dụng phần mềm BLAST N so sánh với trình tự các dòng vi khuẩn có trong GenBank của NCBI. Kết quả cho thấy vi khuẩn N1 có tỉ lệ đồng hình cao với dòng GU980947.1 Bacillus subtilis CICC 10023 tỉ lệ 99% và được đặt tên là Bacillus subtilis N1. Kết quả khảo sát môi trường nuôi cấy vi khuẩn Bacillus subtilis N1 cho thấy đậu nành tách béo ở nồng độ 1,2% với thời gian lên men 48 giờ trong môi trường pH 8 là thích hợp nhất cho sự tổng hợp protease của vi khuẩn, hoạt tính cao nhất đạt 1,870 TU/mL. Protease thô thu được thuộc nhóm protease kiềm hoạt động tối ưu trong khoảng pH 8-9 và có khả năng thủy phân huyết khối fibrin.

Điều tra và đánh giá ảnh hưởng paclobutrazol đến sinh trưởng và năng suất lúa IR 50404

Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thành Lập
Tóm tắt | PDF
Chống đổ ngã và tăng số lượng chồi cho cây lúa là cách mà nông dân sử dụng Paclobutrazol (PBZ) lâu nay. Đề tài được thực hiện với các mục tiêu: (i) điều tra sử dụng PBZ của nông dân trên cây lúa, (ii) đánh giá mức độ tồn dư PBZ trong đất (iii) đánh giá hấp thụ PBZ từ đất vào trong cây lúa. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với bốn nghiệm thức (T1-Đối chứng: 0 kg PBZ / ha, T2: 1,0 kg PBZ / ha, T3: 1,5 kg PBZ / ha, T4: 3,0 kg PBZ / ha) và bốn lần lặp lại. Kết quả điều tra nông dân đã sử dụng PBZ, kết hợp với phân bón để bón vào hai giai đoạn lúa 20 đến 25 ngày sau sạ (NSS) và 40 đến 45 NSS, với liều lượng trung bình 1,55 kg/ha. Xử lý PBZ ở nghiệm thức T2 và T3 giúp giảm chiều cao cây lúa, tăng số chồi trên đơn vị diện tích nhưng không làm tăng năng suất lúa. Các nghiệm thức xử lý đều để lại tồn lưu PBZ trên thân (T1: 60 µg, T2: 2.220 µg, T3: 1.090 µg, T4: 34 µg) và trên hạt lúa (T1: 104 µg, T2: 550 µg, T3: 110 µg, T4: 0 µg) và trong đất sau thí nghiệm (T1: 16,3 µg, T2: 24,0 µg, T3: 9,90 µg, T4: 6,60 µg).

Đặc tính sự ra hoa và phát triển trái sầu riêng Ri-6 (Durio zibethinus Murr.) tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Trần Văn Hâu, Trần Sỹ Hiếu, Lê Thị Yến Như
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định đặc tính sinh học sự ra hoa và phát triển trái giống sầu riêng Ri-6, là giống đang được ưa chuộng và trồng phổ biến hiện nay. Thí nghiệm được thực hiện trên 6 cây sầu riêng Ri-6 7 năm tuổi được trồng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từ tháng 4/2017 đến tháng 1/2018. Kết quả cho thấy quá trình nở hoa kéo dài trong 25 ngày bắt đầu từ khi hoa đầu tiên nở . Hoa nở vào thời điểm 16:00-17:00 giờ trong ngày, nở rộ từ ngày thứ 4-12 và hoa nở cao nhất vào ngày thứ 6. Tỷ lệ hoa đậu trái đạt 82%. Quá trình phát triển trái diễn ra trong 97 ngày sau khi đậu trái (NSĐT), hiện tượng rụng trái non xảy ra tập trung nhiều nhất ở giai đoạn 0-14 NSĐT (71,7%). Trái sầu riêng phát triển qua ba giai đoạn, giai đoạn phát triển chậm (0-42 NSĐT), giai đoạn phát triển nhanh (42-70 NSĐT) và giai đoạn trưởng thành và chín (70-97 NSĐT). Thịt trái bắt đầu phát triển ở giai đoạn 42 NSĐT, trái tăng trưởng nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng tối đa ở giai đoạn 56 NSĐT. Ở thời điểm thu hoạch, trái có trọng lượng trung bình 2.985,0 ± 503,1 g, tỷ lệ ăn được của trái chiếm 31,6% khối lượng. Trái có tỷ lệ hạt lép chiếm 29,5%. Hiện tượng cháy múi xuất hiện ở giai đoạn 70-97 NSĐT với tỷ lệ 14,4% số hộc/trái và 14,2% số múi.

Phân lập vi khuẩn có khả năng chuyển hóa nitrite trong một số ao nuôi tôm ở Bạc Liêu

Nguyễn Thị Phi Oanh, Nguyễn Thị Trúc Mai
Tóm tắt | PDF
Trong chu trình nitơ, nitrite được sinh ra từ sự oxy hóa sinh học ammonium trong điều kiện hiếu khí. Ammonium hiện diện trong ao nuôi thủy sản có nguồn gốc từ thức ăn thừa và từ chất thải của tôm, cá được vi khuẩn trong nước chuyển hóa thành nitrite. Nitrite tích tụ trong ao nuôi sẽ gây độc cho tôm, cá từ đó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm thủy sản. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng chuyển hóa nitrite hiệu quả. Mười sáu dòng vi khuẩn phát triển trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung NaNO2 đã được phân lập từ  mẫu nước và mẫu bùn thu tại các ao nuôi tôm ở Bạc Liêu. Kết quả khảo sát cho thấy ba dòng vi khuẩn gồm BLS1.3, BLW2.2 và BLW2.4 có khả năng chuyển hóa nitrite cao hơn so với các dòng còn lại, đạt trên 56,3% sau bảy ngày nuôi cấy, trong đó dòng vi khuẩn BLW2.2 có hiệu suất chuyển hóa nitrite cao nhất, đạt 97,2% sau ba ngày nuôi cấy.

Biến động các yếu tố môi trường và chu kỳ sinh sản của vọp nước lợ Geloina sp. phân bố tại U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Ngô Thị Thu Thảo, Danh Nhiệt, Cao Mỹ Án, Lê Quang Nhã, Nguyễn Nhựt Cường, Đặng Thái Duy, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu biến động của các yếu tố môi trường và chu kỳ sinh sản của vọp Geloina sp. phân bố tại U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Mẫu vọp được thu với số lượng 30 con/tháng trong 12 tháng liên tục để thực hiện tiêu bản mô học phân tích sự phát triển của noãn sào và tinh sào. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình thành thục sinh sản của vọp diễn ra quanh năm với chỉ số tuyến sinh dục biến động từ 2,75 (tháng 6) đến 3,70 (tháng 12). Thời vụ vọp sinh sản tập trung là tháng 2-3, tháng 4-5 và tháng 12 với hơn 50% số cá thể đang trong tình trạng sinh sản. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đường kính trứng của vọp biến động từ 15 µm đến 41 µm với giá trị cao nhất vào tháng 3 (40,8 µm) và tháng 12 (41,4 µm). Các kết quả thu được từ nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm thông tin về đặc điểm sinh học sinh sản của vọp tại địa điểm nghiên cứu và đóng góp thông tin hữu ích cho hoạt động quản lý nguồn lợi, bảo tồn sinh học và phát triển nuôi thương phẩm loài hai mảnh vỏ này trong tương lai gần.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy hải sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Lệ, Huỳnh Thanh Nhã, Nguyễn Thiện Phong
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ 155 doanh nghiệp bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kết quả của kiểm định thang đo Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hồi qui tuyến tính cho thấy có bốn nhóm nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy hải sản trong vùng là: nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực, đặc điểm và khả năng của doanh nghiệp và đạo đức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Kết quả phân tích của nghiên cứu là căn cứ đề xuất bốn hàm ý quản trị góp phần hoàn thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hải sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tạo các câu hỏi trắc nghiệm toán tương đương nhau dựa trên Sagetex

Nguyễn Thanh Hùng
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này chúng tôi trình bày cách tạo ra các câu hỏi trắc nghiệm Toán tương đương nhau một cách tự động. Đầu tiên, ta cần xây dựng một câu hỏi trắc nghiệm dạng tổng quát có chứa một bộ tham số. Sau đó, các giá trị khác nhau được gán cho các tham số đó để tạo ra các câu hỏi trắc nghiệm tương đương nhau. Việc gán tham số được thực hiện thông qua Sagetex, một gói lệnh của Latex. Gói lệnh này cho phép nhúng phần mềm đại số máy tính Sagemath vào trong trình soạn thảo toán học Latex. Việc tạo ra các câu hỏi trắc nghiệm tương đương sẽ giúp việc đánh giá người học được chính xác và công bằng hơn.

Đánh giá chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang qua một số tiêu chí

Trịnh Chí Thâm, Huỳnh Hoang Khả, Lê Văn Nhương, Nguyễn Thị Ngọc Phúc, Ngô Ngọc Trân, Lê Văn Hiệu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá chất lượng cuộc sống (CLCS) của người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang qua một số chỉ tiêu cụ thể. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập dựa trên việc tìm hiểu tư liệu, khảo sát bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu và thực địa tại địa phương. Kết quả đánh giá CLCS của người DTTS cho thấy thu nhập bình quân thấp, giáo dục kém phát triển, sức khỏe và dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế; và điều kiện và môi trường sống chưa được đảm bảo. Qua đó, một số đề xuất được đưa ra nhằm cải thiện CLCS của người DTTS như phát triển giao thông từ vốn huy động/tài trợ, lựa chọn sinh kế phù hợp, tư vấn và dạy nghề cho lao động là người DTTS; cải thiện hệ thống truyền thanh nông thôn; và miễn/giảm học phí cho người DTTS.

Phân tích tác động của trách nhiệm xã hội đến giá trị thương hiệu và sự gắn kết tổ chức thông qua cảm nhận của người lao động tại các doanh nghiệp thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Ngọc Phương, Võ Hùng Dũng, Nguyễn Thị Hương
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết nhằm phân tích tác động của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đến giá trị thương hiệu và sự gắn kết với tổ chức dựa trên cảm nhận của người lao động tại các doanh nghiệp thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dữ liệu được thu thập từ 430 người lao động của doanh nghiệp thủy sản thông qua bảng câu hỏi được thiết kế sẵn bằng phương pháp chọn mẫu định ngạch. Các phương pháp thống kê so sánh, mô tả, tổng hợp; kiểm định độ tin cậy qua hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hồi qui tuyến tính đa biến được dùng để giải thích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả năm yếu tố: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm từ thiện và trách nhiệm môi trường đều tác động tích cực đến sự gắn kết với tổ chức thông qua cảm nhận của người lao động. Tuy nhiên mức độ tác động của các yếu tố này có sự thay đổi so với mô hình Carroll (1991). Đồng thời, giá trị thương hiệu cũng tác động tích cực đến với sự gắn kết với tổ chức của người lao động. Các kết quả này là nguồn tham khảo cho các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm đẩy mạnh sự gắn kết với tổ chức của người lao động.

Mối liên hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

Hồ Hữu Phương Chi
Tóm tắt | PDF
Mối liên hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế là một vấn đề gây nhiều tranh cãi từ trước tới nay. Những nghiên cứu gần đây đã tìm được mối liên hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tìm ra ngưỡng lạm phát là mức lạm phát tối ưu mà tại đó tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất. Áp dụng mô hình hồi quy ngưỡng được đề xuất bởi Hansen (1999), ước lượng dựa vào bộ số liệu theo quý của Việt Nam từ năm 1995-2016 cho kết quả ngưỡng lạm phát tại Việt Nam là 3,79%. Khi lạm phát nhỏ hơn 3,79%, lạm phát sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại khi lạm phát lớn hơn 3,79%, lạm phát sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế. Kết quả trên cho thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên có những chính sách tiền tệ duy trì mức lạm phát xoay quanh mức 3,79% để có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế tối ưu.

Nghiên cứu tác động của hình ảnh điểm đến huế đối với lòng trung thành của khách du lịch Châu Á

Lê Thị Hà Quyên, Trương Thị Thu Hà
Tóm tắt | PDF
Trong các tiền đề của lòng trung thành điểm đến, hình ảnh điểm đến được cho là tiền đề cơ bản nhất và là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn một điểm đến du lịch của du khách. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu chính là đo lường mức độ tác động giữa các nhân tố hình ảnh điểm đến Huế đến lòng trung thành của khách du lịch Châu Á dựa trên việc điều tra ý kiến của 160 du khách Châu Á đến Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong bốn nhóm nhân tố cấu thành hình ảnh điểm đến Huế, nhóm Giá trị trải nghiệm có tác động tích cực nhất đến lòng trung thành của du khách Châu Á; các du khách có xu hướng đồng ý với việc sẽ giới thiệu tích cực về điểm đến Huế với người thân và bạn bè hơn so với việc sẽ quay lại điểm đến trong lương lai gần. Từ đó, các nhóm giải pháp đã được xác định, trong đó nhóm giải pháp quan trọng nhất là nhấn mạnh vai trò của tổ chức quản lý điểm đến (DMO) trong việc xây dựng và định vị hình ảnh điểm đến Huế.

Thực trạng và chiến lược sử dụng nguồn vốn sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Duy Cần, Võ Hồng Tú
Tóm tắt | PDF
Trong bối cảnh ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến hoạt động sinh kế nông hộ vùng ven biển ngày càng nghiêm trọng, nghiên cứu về thực trạng sử dụng các nguồn vốn sinh kế, từ đó đề xuất giải pháp chiến lược về sinh kế cho nông hộ vùng ven biển là rất cần thiết. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp 298 nông hộ tại 10 xã ở hại huyện An Minh (Kiên Giang) và Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Phương pháp hồi quy đa biến được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn vốn con người khá dồi dào, nguồn vốn xã hội còn hạn chế, nguồn vốn đất đai lớn, nguồn vốn tài chính chưa cao và nguồn vốn vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Vay vốn và kinh nghiệm sản xuất có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến kết quả sinh kế nông hộ. Diện tích đất, đầu tư sản xuất và tổng giá trị phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với kết quả sinh kế nông hộ Để nâng cao năng lực thích ứng cho nông hộ và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sinh kế sẵn có, vốn vật chất và tài chính là hai yếu tố cần tiếp tục được đầu tư hỗ trợ để nông hộ sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh kế còn lại như vốn con người, xã hội và tự nhiên.

Các nhân tố ảnh hưởng tới lòng trung thành thương hiệu và truyền miệng tích cực của khách hàng đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc: Vai trò trung gian của tình yêu thương hiệu

Nguyễn Văn Thụy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm khám phá và phân tích vai trò trung gian của tình yêu thương hiệu của khách hàng đối với thương hiệu nước mắm Phú Quốc – Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 418 khách hàng đang sử dụng nước mắm Phú Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Phương pháp phân tích được sử dụng nhằm kiểm định các giả thuyết thông qua kiểm định độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai yếu tố là sản phẩm hưởng thụ và thương hiệu tự thể hiện đều ảnh hưởng tích cực đến tình yêu thương hiệu và tình yêu thương hiệu có ảnh hưởng đến truyền miệng tích cực mạnh hơn so với trung thành thương hiệu.