Ngày xuất bản: 15-10-2019

Đa dạng loài tảo bám trong ruộng lúa thâm canh ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Việt Nam

Bùi Thị Mai Phụng, Võ Đan Thanh, Nguyễn Hữu Chiếm
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là xác định và so sánh thành phần loài vi tảo sống bám trên đài vật nhân tạo (gạch thẻ) được đặt trong ruộng lúa thâm canh vào vụ Đông Xuân 2016-2017 và Hè Thu 2017. Thí nghiệm được thực hiện ở ba ruộng lúa, mỗi ruộng có diện tích 1.000 m2. Phương pháp hình thái so sánh được sử dụng để định danh loài. Kết quả định tính cho thấy trong ruộng lúa thâm canh có sự hiện diện của 157 loài thuộc 63 giống, 34 họ, 15 bộ và 3 ngành tảo (tảo lục, tảo khuê và vi khuẩn lam), trong đó ưu thế thuộc ngành tảo lục. Cấu trúc thành phần loài vi tảo bám đặc trưng cho ruộng lúa thâm canh với sự phát triển mạnh của các loài tảo khuê thuộc lớp tảo lông chim Pennales, tảo lục thuộc bộ Volvocales, Desmidiales và Chlorococcales. Thời tiết mưa nhiều, độ che rợp của tán lá lúa, khối lượng phân bón ít cùng với việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật đều có khả năng làm giảm thành phần loài và mật độ tảo bám.

Đánh giá vận chuyển bùn cát lơ lửng, phân bố trầm tích đáy, địa mạo và chế độ thủy lực sông Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Văn Khanh, Nguyen Thanh Quan, Dương Thị Trúc, Trương Minh Nhật
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tập trung phân tích chế độ thủy lực và vận chuyển bùn cát lơ lửng dưới tác động của thủy triều Biển Đông và đưa ra đánh giá về địa mạo, phân bố trầm tích đáy của sông Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng. Dữ liệu nghiên cứu được đo thực địa tại sông Mỹ Thanh từ 06/2018 đến 10/2018, bao gồm: 1) lưu lượng, vận tốc dòng chảy và địa mạo một số mặt cắt sử dụng thiết bị acoustic doppler current profiler (ADCP), 2) bùn cát lơ lửng và trầm tích phù sa đáy sông bằng cách lấy mẫu nước và đất. Từ các dữ liệu thu thập, địa mạo, phân bố thành phần cơ giới và biến động của bùn cát lơ lửng sẽ được phân tích và đánh giá theo lưu lượng kết hợp vận tốc dòng chảy và biến động của thủy triều, từ đó đánh giá sự tương quan giữa thủy lực và bùn cát lơ lửng của sông dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu này sẽ là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo về tính toán và mô phỏng sự thay đổi địa mạo đáy sông, bồi lắng và xói lở tại khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Ảnh hưởng của khô hạn đến tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá-Trường hợp nghiên cứu tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan

Phan Kiều Diễm, Pariwate Varnakovida, Amnat Chidthaisong
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của năm cực đoan (khô hạn) đến tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá tại tỉnh Ratchaburi, Thái Lan. Trước tiên, số liệu đo đạc về nhiệt độ và lượng mưa sử dụng nhằm đánh giá sự biến đổi thời tiết. Tiếp theo, chuỗi ảnh NDVI MODIS dùng để đánh giá sự thay đổi mùa sinh trưởng của rừng rụng lá giai đoạn 2009-2011. Các phân tích mùa vụ sinh trưởng sau sùng được so sánh với số liệu đo đạc thực tế tổng sản lượng sơ cấp vào năm khô hạn và năm bình thường khác. Kết quả cho thấy vào mùa khô năm 2010 (khô hạn), nhiệt độ không khí tại điểm nghiên cứu tăng cao, lượng mưa giảm, tương ứng với thời gian bắt đầu mùa sinh trưởng của rừng rụng lá muộn hơn năm bình thường khoảng 49-50 ngày, độ dài của mùa sinh trưởng ngắn hơn khoảng 54-57 ngày so với năm 2009 và 2011. Theo đó, tổng sản lượng sơ cấp của rừng rụng lá cũng giảm đáng kể vào năm khô hạn (376,4 kgC/ha, năm 2010) so với năm bình thường (581,1 kgC/ha năm 2009 và 530,0 kgC/ha năm 2011). Phân tích chuyên sâu hơn nhằm tìm ra nguyên nhân, cơ chế tác động của các yếu tố khí hậu đến sự suy giảm tổng sản lượng sơ cấp cần được quan tâm trong các nghiên cứu tiếp theo.

Độc cấp tính và ảnh hưởng của Marshal 200sc lên hoạt tính cholinesterase và sinh trưởng cá rô phi (Oreochoromis niloticus)

Nguyễn Văn Công, Phạm Quốc Nguyên, Nguyễn Đăng Khoa, Mitsunori Tarao, Nguyễn Xuân Khuê, Huỳnh Thị Giàu, Trần Sỹ Nam, Huỳnh Văn Thảo, Nguyễn Thanh Giao, Huỳnh Công Khánh
Tóm tắt | PDF
Xác định LC50 và tác động của Marshal 200SC lên cholinesterase (ChE) và sinh trưởng cá rô phi (Oreochoromis niloticus), cỡ giống được triển khai trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thí nghiệm  xác dịnh LC50 được bố trí theo phương pháp nước tĩnh, không thay nước. Marshal 200SC ở nồng độ 1, 5 và 10%LC50-96h và đối chứng được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trong bể kính 50L và bể composite 600L để xác định ảnh hưởng của thuốc đến ChE và sinh trưởng của cá. Kết quả cho thấy Marshal 200SC độc cấp tính cao đối với cá rô phi, giá trị LC50 - 96h là 0,52 ppm (carbosulfan 0,1 mg/L). Ở nồng độ ≤10%LC50-96h, thuốc không gây ảnh hưởng lâu dài đến các thông số tăng trưởng. ChE cá rô phi rất nhạy cảm với Marshal 200SC. Ở các nồng độ dưới ngưỡng gây chết, hoạt chất này gây ức chế ChE nhanh sau 6 giờ phơi nhiễm nhưng phục hồi hoàn toàn sau 48 giờ. Nồng độ thấp nhất thấy ảnh hưởng đến ChE là 0,05ppm (10%LC50-96h).

Đánh giá biến động chất lượng nước mặt sông cần thơ giai đoạn 2010-2014 bằng phương pháp tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI)

Võ Thị Ngọc Giàu, Phan Thi Bich Tuyen, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Sông Cần Thơ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước cho thành phố Cần Thơ. Việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng nước sông Cần Thơ qua các giai đoạn là rất cần thiết. Nghiên cứu đã thu thập số liệu quan trắc nước mặt từ năm 2010-2014 trên sông Cần Thơ. Chất lượng nước được xác định thông qua các nhóm thông số vật lý, sinh học và hóa học được quan tâm bao gồm:  pH, TSS, DOBOD, COD, NH3, NO3- Coliform. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng nước trên sông Cần Thơ đã bị ô nhiễm, hầu hết các chỉ tiêu nghiên cứu đều vượt giới hạn cho phép. Tuy nhiên, quá trình ô nhiễm đã được cải thiện trong những năm cuối của quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu  còn sử dụng chỉ số WQI đánh giá chất lượng nước. Kết quả tính toán chỉ số WQI cho thấy giá trị trung bình WQI ở sông Cần Thơ chảy qua các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền tăng dần qua các năm, từ đó cho thấy chất lượng nước ở khu vực nghiên cứu có chiều hướng cải thiện dần từ 2010 đến năm 2014.

Phân tích hệ thống canh tác nông-lâm kết hợp vùng núi tỉnh An Giang

Đặng Thị Thanh Quỳnh, Đặng Kiều Nhân, Trần Văn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Hệ thống canh tác nông-lâm kết hợp là phương thức để cải thiện sinh kế nông dân và hệ sinh thái nông nghiệp vùng núi. Mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hệ thống canh tác nông-lâm kết hợp (NLKH) vùng núi tỉnh An Giang, từ đó đưa ra những giải pháp để phát triển các hệ thống canh tác này. Phân tích hệ sinh thái nông nghiệp và phỏng vấn nông hộ được áp dụng. Có 90 hộ nông dân đang canh tác NLKH ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên được phỏng vấn. Hệ thống trồng xen cây ăn trái và cây rừng chiếm ưu thế, trồng xen với tỷ lệ tương ứng là 80:20. Bằng cách đó, người dân giữ được hệ sinh thái rừng phòng hộ với độ che phủ rừng là 14,2%. Trồng bưởi hoặc xoài dưới tán rừng giúp cải tiến thu nhập nông nghiệp cho nông dân, so với các loài cây ăn trái khác. Nguồn nước tưới và mật độ cây rừng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của hệ thống canh tác. Cung cấp nước tưới, khai thác hiệu quả cây rừng và cải thiện kỹ thuật trồng cây ăn trái rất quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm sự đánh đổi giữa kinh tế và môi trường trong hệ sinh thái nông nghiệp.

Đánh giá tính đa dạng phiêu sinh động vật ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau

Lê Văn Dũ, Trần Thị Ngọc, Phạm Quốc Thái, Phạm Sỹ Nguyên, Trương Hoàng Đan, Nguyễn Thanh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm khảo sát đa dạng phiêu sinh động vật (PSĐV) ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau. Với 30 mẫu PSĐV được thu trên 3 mô hình tràm trồng, tràm tự nhiên và keo lai trên 2 loại đất phèn nông (PN) và phèn sâu (PS) vào tháng 10 năm 2018. Kết quả cho thấy có 131 loài thuộc các nhóm, ngành nguyên sinh vật (Protozoa), trùng bánh xe (Rotifera), giáp xác râu ngành (Cladocera) và giáp xác chân chèo (Copepoda). Rotifera, Copepoda, Cladocera, và Protozoa chiếm tỷ lệ lần lượt là 55,7%, 18,3% và 15,3%, và 10,7%. Tổng mật độ các loài dao động từ 41.773- 589.418 ct/m3, trong đó Rotifera là ngành có mật độ cao nhất. Chỉ số đa dạng H’ tương đối thấp từ 0,74 – 1,24, cao nhất ở  mô hình keo lai ở tầng PS và thấp nhất ở mô hình tràm trồng PN. Chỉ số H’ cho thấy môi trường nước trong vùng nghiên cứu ô nhiễm từ trung bình đến nặng. Theo phân tích cụm đa dạng PSĐV được chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm 1 gồm các điểm khảo sát thuộc mô hình keo lai ở cả 2 tầng phèn, nhóm 2 gồm tràm tự nhiên và tràm trồng. Kết quả cho thấy tính chất nước ở các loại mô hình khác nhau có ảnh hưởng lớn đến đa dạng PSĐV và ưu thế của nhóm sinh vật chỉ thị.

Đặc tính của phẫu diện đất phèn chuyên canh khóm và xen canh với cam sành, dừa tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Quốc Khương, Lý Ngọc Thanh Xuân, Phan Chí Nguyện, Trần Chí Nhân, Lê Phước Toàn, Lê Vĩnh Thúc, Trần Bá Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đặc tính hình thái, hóa học đất của các mô hình canh tác khóm. Dựa vào đặc tính hình thái, hai phẫu diện đất canh tác chuyên khóm tại Vĩnh Viễn thuộc đất phèn tiềm tàng rất sâu trong khi hai phẫu diện đất canh tác khóm xen canh cam và khóm xen canh dừa tại xã Vĩnh Viễn A thuộc đất phèn tiềm tàng sâu. Đối với đặc tính hóa học đất, pHKCl  có giá trị nhỏ hơn 3,55. Hàm lượng nhôm nhỏ hơn 6,0 meq Al3+.100 g-1 và sắt nhỏ hơn 6,0 mg.kg-1. Ngoài ra, hàm lượng đạm tổng số được đánh giá ở mức trung bình đến cao và lân tổng số ở mức nghèo, với hàm lượng 0,39 - 0,60% và 0,03 - 0,06%, theo thứ tự. Lượng đạm hữu dụng và lân dễ tiêu được xác định theo thứ tự 88,1. - 313,5 mg NH4+.kg-1 và 37,2 - 39,7 mg P.kg-1. Tuy nhiên, thành phần lân nhôm và lân sắt cao (83,5 - 110,7 và 16,5 - 38,9 mg P.kg-1). Trong đó, hàm lượng lân nhôm và lân sắt ở hai phẫu diện đất chuyên khóm thấp hơn. Hàm lượng chất hữu cơ được đánh giá ở ngưỡng trung bình. Khả năng trao đổi cation ở mức thấp đến trung bình. Sa cấu đất là đất sét pha thịt. Nhìn chung, đất phèn của các mô hình canh tác khóm có độ phì nhiêu thấp.

Nghiên cứu xử lý nước thải thủy sản bằng công nghệ A2/O - MBR

Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Minh Thư, Lê Anh Thư, Lê Hoàng Việt
Tóm tắt | PDF
Nhằm nghiên cứu khả năng áp dụng quá trình A2/O-MBR (Anaerobic Anoxic/Oxic – Membrane BioReactor) trong xử lý nước thải, mô hình A2/O-MBR quy mô phòng thí nghiệm với thể tích bể A2/O 55 lít kết hợp bể lọc màng MBR 26 lít được sử dụng để xử lý nước thải chế biến thủy sản có nồng độ ni-tơ và phốt-pho tương đối cao. Nước thải đầu vào có COD, BOD5, N-NO3-, N-NH4+, TKN, TN và TP lần lượt là 749± 41,73 mg/L, 507± 49,08 mg/L, 4,35± 1,43 mg/L, 18,77± 0,92 mg/L, 72,9 ± 11,38 mg/L, 77,25 ± 10,01 mg/L và 37,67± 9,07 mg/L và ở pH 6,9. Mô hình A2/O-MBR được vận hành với thời gian lưu nước 8 giờ, tải nạp chất hữu cơ 1,52 kg BOD/m3.ngày, tải nạp COD cho ngăn yếm khí là 22,47 kg COD/m3.ngày và nồng độ MLSS trong bể A2/O là 4.163 mg/L. Nước sau xử lý có giá trị COD, BOD5, N-NO3-, N-NH4+, TKN, TN, và TP tương ứng lần lượt là 21,49 ± 0,86 mg/L, 16,8 ± 1,56 mg/L, 2,4 ± 0,28 mg/L, 0,75 ± 0,13 mg/L, 1,32 ± 0,39 mg/L, 3,72 ± 0,41 mg/L, và 5,87 ± 1,0 mg/L. Kết quả này đạt cột A của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thuỷ sản QCVN 11-MT:2015/BTNMT với hiệu suất xử lý tương ứng COD 97%; BOD5 96%; N-NO3- 45%, N-NH4+ 96%; TKN 98%, TN 95%, và TP 84 %. Do đó, công nghệ A2/O-MBR hoàn toàn có khả năng áp dụng trong xử lý nước thải thuỷ sản và các loại nước thải có lượng chất ô nhiễm tương tự.

Diễn tiến tình hình sạt lở ven bờ sông Tiền và sông Hậu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Lâm Kim Thành, Lê Trần Quang Vinh, Võ Quang Minh, Phan Nhựt Trường
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS theo dõi diễn tiến đường bờ và đánh giá tình hình sạt lở ven hai nhánh sông Tiền và sông Hậu giai đoạn 1989-2017. Nghiên cứu sử dụng chuỗi lịch sử ảnh LANDSAT kết hợp phương pháp ảnh chỉ số nước (NDWI) để trích lọc đường bờ và phương pháp GIS theo dõi biến động đường bờ và tình hình sạt lở trong giai đoạn 30 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng diện tích sạt lở trong giai đoạn nghiên cứu là 14.685,83 ha, chủ yếu tại tỉnh An Giang 3.146,94 ha (chiếm 21,43%) và tỉnh Đồng Tháp 3.787.68 ha (chiếm 25,79%). Tốc độ sạt lở tại các tỉnh chủ yếu ở cấp độ nhanh đến rất nhanh và nhiều nhất thuộc tỉnh An Giang (318,97 ha/năm) trong giai đoạn 2000-2005. Độ tin cậy kết quả giải đoán được xác định dựa trên hai thông số gồm độ chính xác toàn cục (T) dao động từ 78,8 đến 85,7 và hệ số Kappa (K) từ 0,58 đến 0,71 trên hai bờ sông Tiền và sông Hậu trong giai đoạn 1989-2017.

Đánh giá độ phì vật lý và khả năng giữ nước của đất canh tác cây trồng cạn ở huyện U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang

Trần Bá Linh, Nguyễn Hữu Tri, Châu Minh Khôi, Đặng Duy Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá độ phì vật lý đất, xác định khả năng giữ nước trên đất trồng rau màu, phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững tại huyện U Minh Thượng. Mẫu đất được lấy ở độ sâu 0-20 cm và 20-40 cm để xác định các đặc tính hóa lý đất trên ba mô hình trồng hẹ, bắp và nghệ. Trên mỗi mô hình, mẫu đất được lấy ngẫu nhiên trên 6 ruộng nông dân đang canh tác khác nhau, tổng cộng 18 ruộng cho 3 mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy đất có hàm lượng sét và thịt chiếm >95%. Mô hình canh tác nghệ và bắp có hàm lượng chất hữu cơ nghèo, đất bị nén dẽ, tính thấm thấp, cấu trúc đất yếu và khả năng giữ nước của đất thấp. Đất canh tác hẹ do nông dân có bón phân hữu cơ kết hợp phân vô cơ nên có độ phì vật lý và khả năng giữ nước tốt hơn so với mô hình trồng nghệ và trồng bắp. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất của mô hình trồng nghệ và bắp nghèo dẫn đến đất dễ bị đóng váng tầng mặt do mưa, lượng nước hữu dụng của đất thấp do đó cần chú ý cung cấp nước đầy đủ trong mùa khô và tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa.

Ứng dụng mô hình toán tối ưu và đánh giá đa tiêu chí trong lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp bền vững cho huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang

Tôn Thất Lộc, Phan Chí Nguyện, Nguyễn Đức Nguyên, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố gây ra các thay đổi trong sử dụng đất đai, làm suy giảm diện tích đất rừng tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Phương pháp nghiên cứu bao gồm thu thập số liệu thứ cấp, phỏng vấn nông hộ, mô hình đánh giá đa tiêu chí (MCE), đánh giá thích nghi đất đai và mô hình toán tối ưu (công cụ Solver). Kết quả đã xác định được nhóm yếu tố kinh tế có ảnh hưởng quan trọng nhất đến việc thay đổi sử dụng đất của người dân địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã đề xuất được các phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp có thể đảm bảo được sinh kế cho người dân nhưng vẫn bảo vệ được diện tích đất trồng rừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tích hợp 3 mô hình đánh giá đất đai, đánh giá đa tiêu chí và mô hình toán tối ưu trong lập quy hoạch sử dụng đất cơ bản đã giúp chính quyền địa phương và người dân sử dụng nguồn tài nguyên đất đai tối ưu và bảo vệ hệ sinh thái rừng bền vững.

Định hướng sử dụng đất nông nghiệp có sự tương tác giữa các chủ thể tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Vương Tuấn Huy, Phan Hoàng Vũ, Phạm Thanh Vũ, Nguyễn Thị Song Bình, Nguyen Phan Chi
Tóm tắt | PDF
Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là một huyện thuần nông, do đó phân bố sử dụng đất giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững của huyện. Đồng thời, một phương án bố trí sử dụng đất nông nghiệp khả thi phải được sự đồng thuận cao của cộng đồng sinh sống tại địa phương và các bên liên quan. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thu thập từ số liệu sẵn có, báo cáo kỹ thuật, khảo sát thực địa, phỏng vấn nông hộ, đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng (PRA) và áp dụng phương pháp đánh giá đất đai (FAO, 1976) và phương pháp quy hoạch sử dụng đất có sự tham gia (PLUP) cho quá trình phân tích. Kết quả nghiên cứu đã thành lập được các định hướng phân bố sử dụng đất nông nghiệp trong tương lai gần (2020) cho huyện Châu Thành A dựa trên tiềm năng đất đai và sự tham gia tích cực của các chủ thể trong tiến trình quy hoạch sử dụng đất. Định hướng quy hoạch tại địa phương đã đạt được thảo luận để đạt được sự đồng thuận và sự phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình thực hiện thực tế. Kết quả có thể hỗ trợ cho các nhà hoạch định trong sự phát triển bền vững nông nghiệp tại địa phương.

Phân tích không gian các kiểu sử dụng đất dưới tác động xâm nhập mặn tại tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Trần Lệ My, Nguyễn Trọng Cần, Phan Kiều Diễm
Tóm tắt | PDF
Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long dễ ảnh chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất. Nghiên cứu đã sử dụng phép hợp (union) trong kỹ thuật hệ thống thông tin địa lý nhằm xác định các kiểu sử dụng đất dễ bị tổn thương trên vùng lợ và mặn. Kết quả nghiên cứu cho thấy các kiểu sử dụng đất phổ biến tại tỉnh Sóc Trăng (năm 2014) chủ yếu là đất nông nghiệp với hơn 50% diện tích, trong đó có khoảng 32% diện tích canh tác lúa và 11% nuôi trồng thủy sản lợ ven biển. Những khu vực được xác định có ảnh hưởng do xâm nhập mặn thuộc các kiểu hiện trạng phân bố trên địa bàn ven biển thuộc các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu, một phần các huyện Long Phú, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng. Trong đó, hiện trạng bị ảnh hưởng chủ yếu là vùng sản xuất lúa chuyên 2-3 vụ với hơn 113.368 ha. Về định hướng sử dụng đất ở những vùng lợ và mặn cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các loại cây có khả năng chịu mặn, tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước lợ, hoặc trồng các loại cây ăn trái đặc sản.

Ứng dụng GIS và viễn thám phân tích mối quan hệ giữa sự gia tăng diện tích đất có công trình xây dựng và mật độ dân số thành phố Huế

Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Hữu Tỵ, Lê Ngọc Phương Quý, Nguyễn Đình Tiến
Tóm tắt | PDF
Sự thay đổi về diện tích đất có công trình xây dựng tại thành phố Huế từ năm 2013 đến 2017 được tính toán dựa trên ảnh vệ tinh Landsat 8 được cung cấp từ địa chỉ website: earthexplore.usgs.gov do cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ quản lý. Để trả lời được câu hỏi về mối quan hệ giữa diện tích đất có công trình xây dựng và mật độ dân số, ba phương pháp chính bao gồm phương pháp thu thập số liệu, phương pháp điều tra thực địa, lấy mẫu điểm GPS, phương pháp phân loại và đánh giá độ chính xác phân loại được sử dụng để nghiên cứu. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017, diện tích đất có công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Huế được mở rộng 382,82 ha cùng với đó là sự tăng trưởng của mật độ dân số từ 242 người/km2 lên 247 người/km2. Mối quan hệ giữa diện tích đất có công trình xây dựng và mật độ dân số, thể hiện thông qua phương trình Y = 65,294X – 11415 có hệ số tương quan  r = 0,808 và hệ số xác định R2 = 0,6531. Kết quả cho thấy rằng sự gia tăng của mật độ dân số có mối tương quan nhất định đối với diện tích đất có công trình xây dựng.

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất cây lúa và cây màu ở thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

Lê Quang Trí, Bùi Minh Chánh, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích phân tích việc chuyển đổi sản xuất cây lúa, màu trên địa bàn thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Các phương pháp thống kê mô tả, tổng hợp và phân tích số liệu, đánh giá đa chỉ tiêu (MCE) được sử dụng cho phân tích. Tổng số mẫu điều tra là 120 mẫu và các  số liệu thu thập của cấp quản lý  được xử lý tính toán bằng phần mềm Excel và SPSS 20. Kết quả đánh giá đa tiêu chí (MCE) cho thấy có sáu yếu tố có ảnh hưởng đến biến động sử dụng đất trồng lúa: yếu tố kinh tế có trọng số chung là W=0,24 kế đến là yếu tố chính sách nhà nước (W=0,22), nhu cầu sử dụng đất (W=0,15), đất (W=0,15), nguồn nước tưới tiêu (W=0,12) và yếu tố khí hậu, thời tiết (W=0,11). Có sáu yếu tố có ảnh hưởng đến biến động sử dụng đất trồng màu: yếu tố kinh tế có trọng số chung là W=0,33; kế đến là đất đai, thổ nhưỡng (W=0,18); nhu cầu sử dụng đất (W=0,13); khí hậu, thời tiết (W=0,13); nguồn nước tưới tiêu (W=0,12) và chính sách nhà nước (W=0,09).

Ứng dụng GIS xây dựng cơ sở dữ liệu không gian hỗ trợ công tác quản lý cấp nước tại các quận nội thành Cần Thơ

Nguyễn Thanh Ngân, Phạm Thanh Vũ, Đinh Diệp Anh Tuấn, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Cần Thơ là một thành phố ven sông năng động nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông và phần hữu ngạn của sông Hậu. Trong những năm gần đây, quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh đã gây ra những khó khăn và thách thức rất lớn cho công tác quản lý cấp nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhất là các quận nội thành. Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) với khả năng quản lý và phân tích tổng hợp dữ liệu không gian là một công cụ thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cấp nước tại đây. Để có thể ứng dụng được GIS vào quản lý cấp nước, một trong những yếu tố không thể thiếu đó chính là thành phần dữ liệu không gian. Trong nghiên cứu này, với việc sử dụng GIS đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu không gian định dạng ESRI Personal Geodatabase với một bộ dữ liệu raster (ảnh DigitalGlobe), sáu bộ dữ liệu vector (năm bộ dữ liệu bản đồ nền và một bộ dữ liệu chuyên đề), chia thành tất cả 34 lớp dữ liệu vector (19 lớp dữ liệu bản đồ nền và 15 lớp dữ liệu chuyên đề) về hệ thống cơ sở hạ tầng cấp nước tại khu vực nghiên cứu. Đây được xem là một nguồn dữ liệu nghiệp vụ giá trị cho các nhà khoa học và các nhà quản lý tại thành phố Cần Thơ, là cơ sở cho việc ứng dụng GIS để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cấp nước tại khu vực này.

Xác định các dịch vụ hệ sinh thái của hệ sinh thái rừng tràm ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau

Lê Văn Dũ, Phạm Hoàng Tuấn Anh, Trịnh Ý Lan, Nguyễn Viết Lảm, Trương Hoàng Đan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá tầm quan trọng các dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) tại vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Việc nghiên cứu được tiến hành bằng cách phỏng vấn trực tiếp 120 hộ dân thuộc các mô hình trồng tràm, trồng keo lai, lúa 2 vụ, và lúa – tôm về những lợi ích trực tiếp, gián tiếp và đóng góp của rừng đối với sinh kế của người dân địa phương nhằm kiểm soát, khai thác các sản phẩm rừng mà không làm tổn hại đến môi trường, đồng thời duy trì và bảo tồn được nguồn tài nguyên này. Kết quả nghiên cứu được tổng hợp ý kiến từ đại diện các mô hình trên cho thấy dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết và dịch vụ hỗ trợ đóng vai trò quan trọng nhất (điểm 5) chiếm tỷ lệ lần lượt là 46,8%, 28,13%, 25%, trong khi đó dịch vụ văn hóa không nhận được ý kiến đánh giá (0%). Từ đó cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chuyên môn và doanh nghiệp cần xúc tiến hợp tác nghiên cứu, phát triển các loại hình du lịch sinh thái cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến rừng, cụ thể cần xác định các DVHST rừng tràm từ ý kiến các bên liên quan và thụ hưởng nhằm đề xuất giải pháp quản lý và khai thác rừng hiệu quả hơn.

Đánh giá khả năng giảm sóng triều của độ dày rừng ngập mặn tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Lê Tấn Lợi, Nguyễn Ngọc Duy, Văn Phạm Đăng Trí, Lý Trung Nguyên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá khả năng giảm sóng triều của rừng ngập mặn ven biển huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, vùng ven biển Đông của đồng bằng sông Cửu Long. Đặc tính sóng triều được đo bằng thiết bị đo sóng tự ghi INFINITY-WH AWH-USB. Nghiên cứu được bố trí với ba nghiêm thức (NT) độ dày rừng tương ứng với ba điểm máy đo sóng từ ngoài vào trong bao gồm: NT 1: có độ dày rừng 0 m, NT 2: có độ dày rừng 50 m và NT 3: có độ dày rừng 100 m. Các NT đo được  lặp lại ba lần tại ba vị trí là Cống 1, Cống 3 và Mỏ Ó. Đặc tính triều được đo ở hai thời điểm trong ngày vào lúc triều cao và triều thấp. Số liệu về cấu trúc của mỗi độ dày rừng cũng được khảo sát bao gồm: cao trình mặt đất bãi triều, đường kính thân cây, đường kính gốc, mật độ cây, chiều cao cây, mật độ rễ và chiều cao rễ. Kết quả cho thấy sự hiện diện của rừng ngập mặn đã làm giảm năng lượng sóng triều khi đi qua các độ dày rừng khác nhau trong cả hai trường hợp triều thấp và triều cao. Độ dày của rừng có mối tương quan chặt với tỷ lệ  giảm sóng (R%) và hệ số giảm sóng (R’). Rừng càng dày, tỷ lệ giảm sóng (R%) giảm càng nhiều, đồng thời hệ số giảm sóng (R’) càng nhỏ.

Ứng dụng mô hình Monte Carlo dự báo diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong tối ưu hóa đất nông nghiệp

Nguyễn Hồng Thảo, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Tối ưu hóa đa mục tiêu là công cụ hiệu quả để phân tích và xác định diện tích cần bố trí cho từng kiểu sử dụng đất của một địa phương. Tuy nhiên, khó khăn mà các nghiên cứu đang gặp phải là xây dựng các điều kiện ràng buộc trước cho bài toán tối ưu hóa. Mục tiêu của nghiên cứu này là dựa vào mô phỏng Monte Carlo để dự tính diện tích sản xuất dựa trên dữ liệu diện tích canh tác của rau màu và cây ăn quả từ năm 2013 đến 2017 và kết quả dự báo được dùng làm ràng buộc diện tích tối đa trong phương pháp tối ưu hóa đa mục tiêu với chương trình LandOptimizer. Kết quả ứng dụng cho huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho thấy đã dự tính được diện tích đất canh tác cho rau màu và cây ăn quả của huyện đến năm 2020. Dựa trên kết quả dự tính tổng diện tích yêu cầu đó, mô hình tối ưu hóa diện tích đã tính toán bố trí cho năm kiểu sử dụng đất (ba vụ lúa, hai vụ lúa, hai vụ lúa – màu, chuyên màu và cây ăn quả) theo ba phương án: tối ưu về mặt thích nghi tự nhiên, tối đa hóa lợi nhuận và tối ưu hóa đa mục tiêu.

Đánh giá khả năng chịu mặn tăng dần của cỏ thức ăn gia súc lông tây (Brachiaria mutica), cỏ Paspalum (Paspalum atratum) và cỏ Setaria (Setaria sphacelata) trong điều kiện thí nghiệm

Võ Hoàng Việt, Phạm Thị Hân, Nguyễn Minh Đông, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Ngô Thụy Diễm Trang
Tóm tắt | PDF
Đề tài thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của cỏ lông tây, cỏ Paspalum và cỏ Setaria trồng bằng phương pháp thủy canh trong dung dịch dinh dưỡng Hoagland. Muối NaCl được bổ sung để có năm mức độ muối 0, 5, 10, 15 và 20‰, nồng độ mặn 5‰ được tăng dần mỗi tuần đến khi đạt mức 20‰. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả cho thấy nồng độ mặn 15 và 20‰ ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng và phát triển của ba loài cây nghiên cứu, nhưng chưa ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của lông tây và cỏ Setaria. Hàm lượng diệp lục tố trong lá (SPAD) của cỏ lông tây có dấu hiệu tăng khi độ mặn tăng, trong khi cỏ Paspalum có dấu hiệu giảm và cỏ Setaria thì không thay đổi khi nồng độ mặn tăng. Trong ba loài cây nghiên cứu, cỏ lông tây tích lũy proline cao nhất. Điều này cho thấy khả năng chịu mặn của cỏ Paspalum kém hơn lông tây và cỏ Setaria, do đó, hai loài cây này có tiềm năng được chọn trồng cho sản xuất cỏ làm thức ăn cho gia súc vùng ven biển hay vùng đất bị nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu khả năng bổ cập nước dưới đất từ nước mưa trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương

Nguyễn Minh Kỳ, Nguyễn Công Mạnh, Cù Thảo Nguyên, Nguyễn Tri Quang Hưng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất và tính toán lượng nước bổ cập tự nhiên cho nước dưới đất trong giai đoạn 2013-2017 trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Các phương pháp được sử dụng gồm thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp, khảo sát thực địa, điều tra phỏng vấn, phân tích và xử lý số liệu, tính lượng mưa bổ cập theo Bindeman (1963). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện trạng khai thác nước dưới đất tương ứng 84.855,38 m3/ngày và cao hơn lượng bổ cập tự nhiên 1,21 lần. Theo đó, lượng bổ cập cao nhất vào năm 2013 và thấp nhất là năm 2017. Trong giai đoạn 2013-2017, lượng nước bổ cập cho nguồn nước dưới đất giảm với trung bình 12.485 m3/ngày. Đồng thời, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thấm trên tổng lượng mưa ở địa bàn thị xã Dĩ An cũng có xu hướng suy giảm đáng kể. Do đó, chúng ta cần có biện pháp quản lý thích hợp nhằm hạn chế sự khai thác nước ngầm quá mức.

Kiến thức bản địa: Hiện trạng, ứng dụng trong sản xuất và đời sống ở tỉnh An Giang

Phạm Xuân Phú, Ngô Thụy Bảo Trân, Nguyễn Ngọc Đệ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu hiện trạng và mức độ tin cậy ứng dụng kiến thức bản địa thích nghi với lũ lụt trong sản xuất và đời sống của nông dân ở tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả sử dụng kiến thức bản địa trong việc giảm tính dễ bị tổn thương của nông dân vùng lũ lụt. Kết quả nghiên cứu đã tổng hợp được 39 kiến thức bản địa và khả năng thích ứng với lũ lụt, dự báo thời tiết trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân địa phương ở địa bàn nghiên cứu. Trong đó, 31/39 kiến thức bản địa vẫn còn giá trị được người dân sử dụng dự báo thời tiết và thích ứng với lũ lụt trong sản xuất nông nghiệp và đời sống. Tuy nhiên, những kiến thức này chưa được ghi chép cụ thể và lưu trữ phù hợp để truyền lại cho các hệ sau và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có 8/39 kiến thức bản địa của người dân không còn phù hợp và đã sai lệch so với hiện nay cần nên xem xét trong điều kiện hiện tại do tác động của con người và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy kiến thức bản địa vẫn có giá trị trong thích ứng với lũ trong sản xuất nông nghiệp và đời sống trong điều kiện thay đổi của biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng của biến động dòng chảy và độ mặn theo mùa đến (sinh trưởng và phát triển) cây tràm và cây dừa nước – Nghiên cứu tại rừng tràm Mỹ Phước, tỉnh Sóc Trăng

Đặng Thị Hồng Nhung, Huỳnh Vương Thu Minh, Trần Lê Ngọc Trâm, Trần Thị Kim Hồng
Tóm tắt | PDF
Rừng tràm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái ở Mỹ Phước, Sóc Trăng. Hệ thống đê bao khép kín và cống đã được xây dựng nhằm ngăn mặn và quản lý nước. Tuy nhiên, sự biến động dòng chảy bên trong đê có thể ảnh hưởng đến các loài thực vật bản địa. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của thay đổi mực nước và xả thải đến sự phát triển của thực vật bên trong đê. Khảo sát mặt cắt ngang và vận tốc trung bình được thực hiện trong mùa khô (5/2018) và mùa mưa (8/2018). Phân tích thống kê đa biến và phỏng vấn trực tiếp cũng được sử dụng để đánh giá sự thay đổi mực nước và sự phát triển của thực vật trong cả hai mùa. Kết quả cho thấy mực nước có sự thay đổi rất ít và xấp xỉ nhau trong cả hai mùa. Bên cạnh đó, xu hướng giảm diện tích cây bản địa đang được lưu tâm và tìm kiếm biện pháp đề giải quyết.

Sử dụng nước thải biogas với nguyên liệu nạp phân bò tưới lúa trồng trên đất phù sa

Huỳnh Công Khánh, Yasukazu Hosen, Nguyễn Xuân Lộc, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Hữu Chiếm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tính khả thi của việc sử dụng nước thải biogas với nguyên liệu nạp là phân bò để trồng lúa, hạn chế dùng phân bón hóa học trên ruộng. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên trong chậu 0,24 m2 (dài x rộng = 0,6 m x 0,4 m), 3 lần lặp lại ở điều kiện nhà lưới với 4 nghiệm thức: NTđối chứng (140 kg urea-N.ha-1); NTNH4 (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính dựa trên đạm N-NH4); NTTKN (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính dựa trên đạm N-TKN); NTTB (tưới nước biogas với lượng đạm 140 kg.ha-1 tính theo trung bình giữa đạm NH4và  TKN). Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất lúa ở nghiệm thức sử dụng phân hóa học là thấp nhất đạt 0,90 kg.m-2 (tươngđương 9 tấn.ha-1) và NTNH4 cho năng suất lúa cao nhất và gấp 1,8 lần so với NTđối chứng. Như vậy, nước thải sau túi ủ biogas có tiềm năng sử dụng trong canh tác lúa để thay thế một phần cho phân bón hóa học, mà vẫn đảm bảo được năng suất lúa.

Tác động của thay đổi nguồn nước mặt và hiện trạng sử dụng đất đai đến hoạt động nông nghiệp ở vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp

Hồng Minh Hoàng, Hà Huỳnh Dư, Trần Dương Ngân Thảo, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục tiêu phân tích tác động của sự thay đổi nguồn nước đến lĩnh vực nông nghiệp để làm cơ sở hỗ trợ quản lý hiệu quả nguồn nguồn nước ở vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp trước bối cảnh thay đổi bất định trong tương lai. Nghiên cứu áp dụng khung phân tích hệ thống DPSIR kết hợp với khảo sát thực tế và tham vấn ý kiến chuyên gia để đánh giá tác động của sự thay đổi nguồn nước mặt đến hoạt động nông nghiệp của người dân ở vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp. Kết quả cho thấy đỉnh lũ có biên độ dao động cao tính từ năm 2010 tại trạm Tân Châu và điều này gây khó khăn trong việc quản lý và thích ứng với sự thay đổi nguồn nước ở vùng ngập lũ Đồng Tháp trong tương lai. Ngoài ra, hiện trạng sử dụng đất đai đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự suy giảm chất lượng nước và đất canh tác. Sự tác động giữa thay đổi nguồn nước và hiện trạng sử dụng đất đai có thể ảnh hưởng đến sự không ổn định hoạt động nông nghiệp ở vùng ngập lũ Đồng Tháp trong tương lai.

Ứng dụng phần mềm primer đánh giá sự phân bố cá tự nhiên ở vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau

Lê Văn Dũ, Phạm Quốc Thái, Nguyễn Thu Thùy Anh, Trương Hoàng Đan, Nguyễn Thanh Giao
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thành phần loài cá tự nhiên ở mô hình trồng keo lai, tràm trồng và tràm tự nhiên theo tầng phèn và độ tuổi cây rừng được thực hiện từ 09/2018 đến 03/2019 tại vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Ngư cụ lưới kéo, lưới giăng, lợp, lờ, lú, vớn, lưới ma trận được sử dụng để bắt cá. Vào mùa mưa, 21 loài cá thuộc 06 bộ, 12 họ được phát hiện, trong khi đó 25 loài cá thuộc 15 họ, 08 bộ được phát hiện vào mùa khô. Bộ cá Vược chiếm ưu thế nhất ở cả hai mùa với 11 loài. Sản lượng cá theo mẫu khảo sát dao động trong mùa mưa và mùa khô lần lượt là 2,28 g và 2,32 g; 2,13 g – 7.652,53 g và 1,52 g – 10.339,85 g. Nhóm cá trắng như cá rằm (Puntius brevis), cá đỏ mang (Puntius orphoides), cá lành canh xiêm (Parachela siamensis), cá ngựa sông (Hampala macrolepidota) phân bố ở vùng đất phèn sâu, trong khi cá rô (Anabas testudineus), cá bãi trầu (Trichopsis vittata), cá lia thia (Betta taeniata) phân bố ở vùng phèn nông. Đa dạng cá được chia thành 03 nhóm cá tương đồng theo vị khảo sát trong mùa mưa và 02 nhóm trong mùa khô. Qua kết quả nghiên cứu, loại mô hình, điều kiện phèn và yếu tố mùa có ảnh hưởng lớn đến đa dạng cá tự nhiên tại khu vực nghiên cứu.

Chất lượng nước mặt của sông Tiền chảy qua địa phận Tân Châu, tỉnh An Giang

Dương Thị Trúc, Phạm Hữu Phát, Nguyễn Đình Giang Nam, Phạm Văn Toàn, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng nước mặt của sông Tiền chảy qua sông Tân Châu trong giai đoạn tháng 6 năm 2017 đến tháng 9 năm 2018 tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Các chỉ tiêu được đo đạc ngoài hiện trường tại vị trí giữa sông bao gồm: pH, nhiệt độ, DO, độ mặn và TDS. Mẫu nước mặt ở sông Tân Châu được thu thập theo TCVN 6663-6:2008 (ISO 5667-6:2005) và phân tích trong phòng thí nghiệm một số chỉ tiêu hóa theo TCVN 6494:1999 và TCVN 6194:1996 (ISO 9297:1989) gồm clorua (Cl-), độ cứng tổng (Ca2+, Mg2), nitrit (NO2-), nitrat (NO3-), amoni (NH4+); sunfat (SO42-); florua (F-), bromua (Br-), phosphat (PO43-), các ion kim loại kiềm (Na+, K+), asen và silic dioxit (SiO2-). Hàm lượng các chỉ tiêu gồm: PO43-, NH4+ và NO2- có giá trị vượt ngưỡng cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT khi so với cột A2. Các chỉ tiêu Br-, As, F-, SiO2- không được phát hiện trong nghiên cứu. Kết quả này là cở sở xây dựng bộ dữ liệu về chất lượng nước mặt cho vùng nghiên cứu.

Đánh giá tiềm năng đất đai cho phát triển vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang

Nguyen Phan Chi, Võ Quốc Sử, Phan Hoàng Vũ, Phạm Thanh Vũ, Vương Tuấn Huy, Nguyễn Thị Song Bình, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Huyện Châu Thành A được coi là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, là nơi hội tụ nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu nhằm xác định tiềm năng đất đai cho phát triển nông nghiệp tại huyện Châu Thành A để phát huy những lợi thế sẵn có và đề xuất các giải pháp khắc phục các yếu tố hạn chế trong quá trình canh tác nông nghiệp. Nghiên cứu đã phỏng vấn 70 hộ dân để xác định các điều kiện sản xuất, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình canh tác nông nghiệp thông qua việc thực hiện đánh giá nhanh nông thôn (10 cuộc), và sử dụng phương pháp đánh giá thích nghi đất đai theo FAO (1976 và 2007) để xác định tiềm năng đất đai về tự nhiên và kinh tế. Kết quả nghiên cứu đã thành lập được 24 đơn vị đất đai từ 05 đặc tính đất đai. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã xây dựng được 05 vùng thích nghi về điều kiện tự nhiên kết hợp với kinh tế cho 05 kiểu sử dụng đất (lúa 03 vụ, lúa 03 vụ-cá, lúa 02 vụ, lúa-màu và cây ăn trái). Trên cơ sở tiềm năng đất đai trong điều kiện hiện tại, nghiên cứu đã đề xuất được 05 vùng cho phát triển nông nghiệp hướng đến phát triển bền vững trong quá trình canh tác nông nghiệp tại huyện Châu Thành A.

Thực trạng và hạn chế trong quá trình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở khu vực miền núi huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguyễn Quang Tân, Ubukata Fumikazu, Nguyễn Công Định, Dương Viết Tân
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là cung cấp một cái nhìn tổng quan về thực trạng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, từ đó chỉ ra những hạn chế trong quá trình hình thành và phát triển. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên số liệu phỏng vấn 40 hộ dân trên địa bàn xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả cho thấy mặc dù được xem là khu vực tiềm năng, nhưng du lịch dựa vào cộng đồng ở Hồng Hạ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Du lịch về cơ bản được thiết kế và thực hiện theo kiểu tiếp cận từ trên xuống và hạn chế về năng lực của cộng đồng tham gia là những nguyên nhân chính. Nghiên cứu chỉ ra rằng để du lịch phát triển bền vững và hiệu quả cần phải tạo mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa người dân, Chính phủ và khu vực tư nhân.

Khả năng ứng dụng ảnh viễn thám Landsat ước lượng nồng độ phù sa lơ lửng trên sông Tiền và sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long

Võ Thị Phương Linh, Lê Văn Hoàng, Võ Quốc Thành
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định nồng độ phù sa lơ lửng (SSC) trên hệ thống sông chính tại đồng bằng sông Cửu Long dựa trên cơ sở phân tích ảnh viễn thám. Số liệu SSC thực đo tại hai trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận được thu thập từ Trung tâm Thủy văn Sông Cửu Long. Các ảnh Landsat 8 khu vực nghiên cứu được thu thập trong giai đoạn 2013-2014. Chuỗi số liệu thực đo và chuỗi số liệu phản xạ (của các kênh phổ) được phân tích hồi quy tuyến tính nhằm tìm ra phương trình ước lượng SSC. Kết quả nghiên cứu xác định được mô hình hồi quy tuyến tính với các biến là hệ số phản xạ từ kênh lục và kênh đỏ có khả năng ứng dụng ước lượng SSC cho khu vực nghiên cứu (R2 = 0,71). Kết quả kiểm chứng cho thấy giữa chuỗi số liệu SSC thực đo và SSC ước tính theo phương trình có sự tương quan chặt chẽ (r = 0,84, Bias = -4 x 10-5). Bên cạnh đó, kết quả phân bố SSC theo không gian và thời gian phản ánh đúng đặc tính của vùng nghiên cứu. Do đó, có thể nghiên cứu diễn biến SSC trên sông theo hướng tiếp cận ảnh vệ tinh.

Phát triển du lịch học tập của sinh viên tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa xuân và Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Ngô Thị Thanh Trúc, Trần Minh Quân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định tham gia các tour du lịch học tập thiết kế cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tại Trung tâm Nông nghiệp (TTNN) Mùa Xuân và Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Lung Ngọc Hoàng bằng kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích thành phần chính (Principle Component Analysis) và mô hình Binary Logistic. Kết quả phân tích 330 phiếu điều tra sinh viên cho thấy 76% sinh viên có ý định tham gia tour du lịch học tập. Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định tham gia tour du lịch học tập của sinh viên tại TTNN Mùa Xuân và KBTTN Lung Ngọc Hoàng gồm đặc điểm của sinh viên (ngành học, khóa học, học lực và thu nhập) và các nhóm yếu tố về đặc điểm thu hút và an toàn của điểm đến, nhận thức và động cơ của sinh viên về du lịch học tập và yếu tố về kinh tế. Kết quả nghiên cứu này đóng góp thiết thực vào việc thiết kế hoạt động khai thác du lịch của hai điểm đến, đặc biệt dành riêng cho đối tượng sinh viên kết hợp du lịch với hoạt động học tập trải nghiệm.

Ứng dụng thống kê đa biến trong đánh giá chất lượng nước mặt ở Vườn Quốc Gia U Minh Hạ - Cà Mau

Lê Văn Dũ, Phạm Quốc Thái, Nguyễn Thu Thùy Anh, Lê Thị Hồng Nga, Trương Hoàng Đan, Nguyễn Thanh Giao, Trần Văn Sơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích thành phần chính (PCA) và phân tích cụm (CA) để đánh giá biến động chất lượng nước mặt theo độ sâu tầng phèn nông và sâu ở vùng trồng keo lai, tràm trồng và tràm tự nhiên ở vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Mẫu nước được thu tại 30 điểm vào tháng 9 năm 2018. Chín thông số chất lượng nước (pH, EC, DO, BOD5, COD, N-NH4+, N-NO3-, Al3+ và Fe3+) được lựa chọn để phân tích PCA và CA. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng nước mặt tại khu vực nghiên cứu đã ô nhiễm hữu cơ, phèn và mặn. Nước mặt trong rừng tràm và keo lai có BOD và COD rất cao (52,8 - 245,4 mg/l) dẫn đến DO thấp. Al3+ và Fe3+ trong nước ở những vị trí phèn nông cao hơn phèn sâu do tầng phèn trở nên hoạt động. EC cao (1.806±1.256 µS/cm) do nước bị nhiễm phèn và nhiễm mặn. Phân tích PCA cho thấy có ít nhất hai nguồn phát sinh ô nhiễm tác động đến chất lượng nước mặt biểu hiện qua pH, EC, BOD, N-NH4+, Al3+, và Fe3+. Phân tích cụm cho thấy trong 30 vị trí khảo sát chất lượng nước có thể lựa chọn 4 vị trí đại diện để bố trí điểm quan trắc chất lượng nước mặt cho khu vực nghiên cứu tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Đánh giá hiệu quả của các mô hình canh tác và đề xuất vùng sản xuất nông nghiệp tại huyện Phú Tân - tỉnh Cà Mau

Nguyen Phan Chi, Nguyễn Minh Hải, Phạm Minh Hiền, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các kiểu sử dụng đất mang tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, từ đó, làm cơ sở đề xuất vùng có khả năng phát triển nông nghiệp một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong tương lai. Nghiên cứu đã thu thập các số liệu về tình hình sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Xác định các thuận lợi, khó khăn trong quá trình canh tác nông nghiệp bằng cách phỏng vấn nông hộ (391 phiếu cho 04 mô hình sản xuất nông nghiệp). Xác định sự phù hợp về tự nhiên và kinh tế bằng phương pháp đánh giá thích nghi đất đai FAO (1976 và 2007). Kết quả đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu đã xác định được tôm-rừng là mô hình canh tác mang tính bền vững cao nhất, và tôm thâm canh là mô hình có tính bền vững thấp nhất. Nghiên cứu cũng đã đề xuất được 04 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững dựa trên việc đánh giá tiềm năng đất đai về tự nhiên và kinh tế. Đây là cơ sở khoa học nhằm giúp các nhà quản lý hoạch định chiến lược định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững cho huyện Phú Tân.

Ứng dụng ảnh viễn thám Landsat 8 xây dựng bản đồ mùa vụ và ước đoán sản lượng lúa tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Quốc Hậu, Ngô Vĩnh Tân, Phan Văn Tuấn, Võ Quang Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng ứng dụng của ảnh Landsat 8 trong việc (i) thành lập bản đồ cơ cấu mùa vụ lúa, (ii) ước đoán sản lượng lúa tỉnh Sóc Trăng năm 2018. Nghiên cứu phân tích chuỗi ảnh chỉ số thực vật (NDVI) đa thời gian trên dữ liệu ảnh Landsat 8 độ phân giải không gian 30 m từ năm 2015 đến năm 2017, kết hợp điều tra thực địa 186 điểm đại diện. Theo đó, việc sử dụng phần mềm ENVI trong phân tích ảnh Landsat 8 và công cụ biên tập trên MapInfo đã tính toán được diện tích đất trồng lúa giai đoạn 2015 – 2017 và thành lập được bản đồ mùa vụ lúa có độ chính xác toàn cục 94,6%, hệ số Kappa là 0,93. Ngoài ra, diện tích đất lúa được giải đoán từ ảnh có sự tương quan cao (hơn 95%) với số liệu thống kê từ báo cáo ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, tương đương sản lượng lúa giải đoán là 2.094.423,4 tấn so với thực tế là 2.127.316,6 tấn (thấp hơn 1,55%). Từ đó, ảnh Landsat 8 có khả năng ứng dụng trong việc xác định cơ cấu mùa vụ và ước đoán sản lượng lúa với độ tin cậy 95%. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu của việc ước đoán sản lượng lúa, cần kết hợp giữa chuỗi ảnh NDVI với mô hình toán học để kết quả giải đoán được chính xác hơn.

Sử dụng ảnh viễn thám giám sát lũ và đánh giá thiệt hại đến đất nông nghiệp tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguyễn Bích Ngọc, Lê Ngọc Phương Quý, Nguyễn Hữu Ngữ, Trần Thanh Đức
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là lập bản đồ phân bố ngập lụt với hình ảnh vệ tinh Landsat TM và đánh giá ảnh hưởng ngập lụt đến sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vùng ngập lụt năm 2015 ở huyện Quảng Điền được xác định bằng phương pháp phân loại chỉ số mặt nước (land surface water index - LSWI) và chỉ số thực vật tăng cường (enhanced vegetation index - EVI) từ ảnh Landsat-7/TM. Kết quả phân loại vùng ngập lụt được so sánh với giá trị tham chiếu mặt đất cho thấy độ chính xác tổng thể và hệ số Kappa đạt được là 96,5% và 0,72. Tại các thời điểm ngập trong năm 2015, diện tích ngập lụt là 912,90 ha, thời điểm xuất hiện ngập lớn trong năm là tháng 3. Các xã bị ngập lớn là Quảng An, Quảng Phước và Quảng Thành. Ngoài ra, diện tích đất bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ngập lụt là đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm.

Ảnh hưởng thời gian khô và ngập đến khả năng phóng thích độ chua và hàm lượng Fe2+, Al3+, SO42- trong đất phèn hoạt động

Trần Văn Hùng, Lê Văn Dang, Ngô Ngọc Hưng, Trần Văn Dũng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm: (i) khảo sát hình thái phẫu diện đất, (ii) đánh giá sự thay đổi của một số tính chất hóa học và độc chất khi để đất khô ở các thời gian khác nhau trên đất phèn. Khảo sát hình thái phẫu diện đất được thực hiện vào tháng 5/2015 tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thí nghiệm thẩm kế được thực hiện từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 2 năm 2016 tại Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu về hình thái của phẫu diện trên biểu loại đất phèn hoạt động nặng, với tên phân loại là Orthi Thionic Fluvisols cho thấy tầng phèn hoạt động với tầng chẩn đoán sulfuric xuất hiện ở độ sâu 25 – 110cm, tầng chứa vật liệu pyrite (FeS2) xuất hiện ở độ sâu >110 cm. Qua kết quả các nghiệm thức thẩm kế (lysimeter) sự thay đổi một số đặt tính hóa học đất. Hàm lượng SO42- giữa các nghiệm thức có sự biến động bất thường rất khó đánh giá. Sự biến động theo chiều hướng tăng rất rõ về hàm lượng độc chất Al3+, Fe2+ ở các tầng Bgj1, Bgj2 và Crp trong điều kiện để đất khô trong thời gian 1, 2 và 3 tháng so với nghiệm thức để ngập nước liên tục. Trong điều kiện các nghiệm thức để khô, đất tầng Crp có hàm lượng SO42-, Al3+, Fe2+ tăng cao hơn rất nhiều so với các tẩng Bgj1 và Bgj2.

Ứng dụng mạng nơron hồi quy tổng quát và thuật toán nội suy đánh giá chất lượng nước mặt sông và các chi lưu sông Đồng Nai, tỉnh Bình Dương năm 2012 - 2018

Nguyễn Thị Thanh Thúy, Nguyễn Hiền Thân
Tóm tắt | PDF
Sông Đồng Nai là một trong những nguồn nước cấp chính cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, hiện nay sông Đồng Nai đang chịu nhiều áp lực bởi nguồn phát thải từ các khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp và dịch vụ. Trong bài báo này, mô hình mạng nơron hồi quy tổng quát (GRNN) và thuật toán nội suy được sử dụng đánh giá chất lượng nước sông Đồng Nai và các chi lưu. Dữ liệu quan trắc được sử dụng trong 7 năm từ năm 2012-2018 tại 12 điểm quan trắc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương. Kết quả nghiên cứu chỉ ra GRNN có thể giúp đánh giá chất lượng nước sông Đồng Nai và các chi lưu với RMSE = 0,052 trong huấn luyện và RMSE = 0,061 trong kiểm tra mô hình. So sánh kết quả tính chất lượng nước từ mô hình GRNN và chỉ số WQI của Tổng cục Môi trường cho thấy GRNN cho kết quả đánh giá đáng tin cậy và gần với kết quả thực tế với R2= 0,938, RMSE= 0,055, E = 0,935. Bên cạnh đó, mô hình GRNN có chi phí đánh giá thấp và thời gian tính toán nhanh hơn so với phương pháp đánh giá WQI của Tổng cục Môi trường.