Ngày xuất bản: 19-06-2018

Tính chất điện hóa của hệ xúc tác Pt/C và PtRu/C trong môi trường chất điện giải methanol, ethanol

Trần Hoàng Quế Anh
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu, các điện cực được chế tạo trên cơ sở là các vi hạt Pt/C, PtRu/C và khảo sát đặc tính điện hóa của điện cực trong môi trường chất điện giải methanol (MeOH) và ethanol (EtOH) đã acid hóa. Các vi hạt nano của kim loại Pt và PtRu được chế tạo bằng phương pháp đồng kết tủa từ dung dịch H2PtCl6 và RuCl3. Sau đó, khảo sát cấu trúc bằng phương pháp hiển vi điện tử quét và nhiễu xạ tia X. Các phương pháp đo quét thế vòng tuần hoàn (cyclic voltammetry – CV) và đo đặc trưng dòng – thời (chronoamperometry) đã được sử dụng để cung cấp thông tin định lượng về quá trình oxy hóa MeOH và EtOH trên điện cực chế tạo. Trong vùng thế -0,3 – 1,6 V sự oxy hóa MeOH dễ dàng hơn EtOH trên các hệ điện cực Pt/C và PtRu/C. Cơ chế oxy hóa của MeOH và EtOH là bất thuận nghịch và quá trình oxy hóa xảy ra không hoàn toàn. Phương pháp dòng - thời cũng cho thấy sự giảm của hoạt tính xúc tác điện hóa trong môi trường EtOH so với MeOH.

Xây dựng quy trình tính toán cấp phối cho bê tông tự lèn trên cơ sở tối ưu cấp phối cốt liệu và thể tích vữa

Bùi Lê Anh Tuấn, Hwang Chao Lung, Nguyễn Quốc Chiến, Kiều Phước Ngọc, Nguyễn Nhật Trường, Ngô Văn Ánh
Tóm tắt | PDF
Phương pháp tính toán cấp phối cho bê tông tự lèn dựa trên cơ sở xác định tỷ lệ phối trộn tối ưu cho cốt liệu và lượng vữa được xây dựng trong nghiên cứu. Cấp phối bê tông tính toán theo phương pháp được xây dựng có tỷ lệ cốt liệu và vữa phù hợp theo yêu cầu của bê tông tự lèn. Lượng vữa và cốt liệu có thể điều chỉnh dễ dàng theo yêu cầu chung cho bê tông tự lèn cũng như các yêu cầu thiết kế đặc thù khác.

Đánh giá năng suất lao động của công nhân xây dựng trên địa bàn thành phố Cần Thơ bằng phương pháp lấy mẫu công việc

Trần Hoàng Tuấn
Tóm tắt | PDF
Hiệu quả lao động luôn là vấn đề cốt lõi của bất cứ ngành nghề sản xuất nào, trong đó ngành xây dựng càng được quan tâm với đặc thù là sản phẩm xây dựng được tạo ra phụ thuộc rất lớn vào sự đóng góp từ công sức của người công nhân, chính vì thế kiểm soát năng suất lao động luôn là mục tiêu của các nhà quản lý. Thông qua phương pháp lấy mẫu công việc để đánh giá năng suất lao động, kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ sử dụng hiệu quả thời gian của người công nhân xây dựng trung bình chiếm khoảng 81%. Với kết quả này, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xây dựng nói chung, các nhà quản lý lao động trực tiếp tại công trường nói riêng có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng nguồn lực lao động trong ngành xây dựng. Từ đó các nhà quản lý sẽ nghiên cứu đề xuất cách thức quản lý và phương pháp cải tiến nhằm khai thác một cách hiệu quả thời gian làm việc của người công nhân.

Lựa chọn tham số phân đoạn phù hợp để phân loại ảnh vệ tinh đa phổ Landsat 8 OLI

Ngô Thị Thùy Phương, Nguyễn Thị Thanh Hương, Võ Quang Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này lựa chọn các tham số phân đoạn phù hợp đối với ảnh vệ tinh đa phổ Landsat 8 để phân loại thảm phủ/sử dụng đất (LULC-Land Use Land Cover). Đầu tiên thuật toán phân đoạn đa phân giải (Multiresolution) được sử dụng để phân đoạn ảnh theo các mức độ khác nhau. Hai tham số được sử dụng để phân đoạn ảnh là tham số quy mô (Scale) và tham số hình dạng (Shape). Nghiên cứu đã thử nghiệm phân đoạn với các cấp độ khác nhau của hai tham số này. Với tham số Scale, có 3 cấp độ được thử nghiệm bao gồm: 20, 30, 40, trong khi tham số Shape các giá trị thay đổi bao gồm 0,1, 0,2, 0,3, 0,4. Sau đó sử dụng thuật toán Nearest Neighbor để phân loại ảnh thành 7 lớp thảm phủ/sử dụng đất dựa vào vùng mẫu đã được lựa chọn trên thực địa và dữ liệu có sẵn. Cuối cùng sử dụng bộ dữ liệu độc lập để đánh giá kết quả phân loại dựa vào độ chính xác toàn bộ (Overall Accuracy) và hệ số Kappa. Kết quả chỉ ra khi sử dụng ảnh vệ tinh Landsat 8 để phân thành 7 loại LULC bao gồm: Đất nông nghiệp, Cao su, Khu dân cư, Mặt nước, Rừng thường xanh, Rừng bán thường xanh và Rừng Khộp, các tham số phù hợp lần lượt là: Scale=40, Shape=0,3 cho độ chính xác cao nhất với độ chính xác toàn bộ là 81,9% và hệ số Kappa là 0,788.

Đánh giá thực trạng cấp nước và hiện trạng chất lượng nước cấp ở vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang

Võ Thành Hòa, Ngô Thụy Diễm Trang
Tóm tắt | PDF
Đề tài nhằm đánh giá các quy định về thực trạng cấp nước và chất lượng nước cấp sinh hoạt nông thôn và ý kiến của người dân sử dụng làm cơ sở nâng cao công tác cấp nước tại Tiền Giang. Đề tài được thực hiện bằng cách thu thập số liệu thứ cấp về chất lượng nước cấp sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2010-2014 của 30 trạm thuộc 3 nhóm doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng, kết hợp phỏng vấn trực tiếp 30 người quản lý và 30 hộ dân sử dụng nước của mỗi nhóm. Kết quả cho thấy 30 trạm khảo sát có thực hiện công tác quản lý cấp nước theo quy định của Thông tư 15/2006/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định này tại các trạm chưa đầy đủ, cụ thể như: chưa đảm bảo về khoảng cách vệ sinh, chưa trang bị máy phát dự phòng và xây dựng hệ thống xử lý nước. Kết quả giám sát chất lượng nước cấp đều đạt QCVN 02:2009/BYT ngoại trừ chỉ tiêu asen và vi sinh. Mô hình Nhà nước có công tác quản lý và cấp nước tốt hơn hai mô hình còn lại. Tuy nhiên, mô hình Nhà nước cần đầu tư thêm hệ thống xử lý để cải thiện chất lượng nước cấp trong thời gian tới.

Khảo sát khả năng đáp ứng miễn dịch trên vịt và vịt Xiêm đối với vaccine H5N1 Re-6 tại Kiên Giang

Phạm Hoàng Dũng, Trần Ngọc Bích, Phạm Nguyên Vũ
Tóm tắt | PDF
Khảo sát đáp ứng miễn dịch của vịt và vịt Xiêm đối với vaccine H5N1 chủng Re-6 bằng phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu (HI) cho thấy lúc 14 ngày tuổi trước khi tiêm phòng đàn vịt và vịt Xiêm hoàn toàn không có kháng thể đủ bảo hộ; 21 ngày sau khi tiêm phòng lần 1 lúc vịt và vịt Xiêm được 35 ngày tuổi tỷ lệ bảo hộ của vịt là 68,18% (30/44) tương ứng với giá trị GMT là 3,32log2, trên vịt Xiêm là 60% (12/20) tương ứng với giá trị GMT là 2,4log2; lúc 30 ngày sau khi tiêm phòng lần 2 tỷ lệ bảo hộ của vịt là 100% (44/44) tương ứng với giá trị GMT là 5log2, trên vịt Xiêm là 75,0% (15/20) tương ứng với giá trị GMT là 3,45log2; lúc 60 ngày sau khi tiêm phòng lần thứ 2 tỷ lệ bảo hộ của vịt là 93,18% (41/44) tương ứng với giá trị GMT là 4,59log2, trên vịt Xiêm là 70,0% (14/20) tương ứng với giá trị GMT là 3,02log2. Hai mươi mốt ngày sau khi tiêm phòng lần 1, vịt và vịt Xiêm chưa có đủ kháng thể để bảo hộ đàn. Đáp ứng miễn dịch của vịt Xiêm đối với vaccine H5N1 chủng Re-6 chậm hơn so với vịt.

Đặc điểm dịch tễ học của bệnh gumboro trên đàn gà tại Đồng bằng sông Cửu Long

Ngô Phú Cường, Trần Ngọc Bích
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu trình bày kết quả điều tra dịch tễ trên 64 ổ dịch tại An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long. Kết quả lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm phản ứng ELISA như sau: 30 đàn có kết quả dương tính với virus Gumboro chiếm tỷ lệ 46,9%. Bệnh Gumboro xảy ra trên gà chủ yếu 21 - 42 ngày tuổi (59,0%), > 42 ngày có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn (28,0%). Gà nuôi theo phương thức thả hoàn toàn có tỷ lệ mắc bệnh (29,2%) thấp hơn so với gà nuôi nhốt hoàn toàn (60,00%) và bán chăn thả (57,1%). Giống gà Nòi có sức đề kháng tốt hơn so với gà Lương Phượng, Tàu Vàng.

Khảo sát bệnh viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae trên heo tại tỉnh Bến Tre

Phan Kim Thanh, Lý Thị Liên Khai, Huỳnh Văn Thẩm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự lưu hành, xác định serotype và kiểm tra sự nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) gây bệnh viêm phổi, màng phổi trên heo tại tỉnh Bến Tre. Các serotype vi khuẩn APP được xác định và định danh dựa vào gene độc tố apx từ 114 mẫu dịch xoang mũi, 15 mẫu hạch hạnh nhân và 15 mẫu phổi heo ở các lứa tuổi tại các trại, hộ chăn nuôi và lò giết mổ gia súc tại tỉnh Bến Tre bằng phương pháp PCR, kiểm tra sự nhạy cảm kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh hô hấp trên heo tại tỉnh Bến Tre là 11,52%. Tỷ lệ phân lập được vi khuẩn Actinobacillus spp. là 45,14% (65/144); APP là 24,62% (16/65). Trong 16 chủng vi khuẩn APP phân lập được có 5 chủng thuộc serotype 4; 1 chủng thuộc serotype 6 và 10 chủng thuộc serotype 9, 11. Vi khuẩn APP gây bệnh viêm phổi, màng phổi nhạy cảm với kháng sinh amoxicillin/clavulanic acid (100%), tulathromycin (81,25%), gentamicin (68,75%); và đa kháng với ít nhất 4 đến 9 loại kháng sinh gồm florfenicol, tetracycline, ampicillin, amoxicillin, bactrim, norfloxacin, neomycin, tobramycin, streptomycin.

Tình hình bệnh Parvovirus trên chó tại Bệnh xá Thú y - Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Thị Yến Mai, Trần Văn Thanh, Trần Ngọc Bích
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành để xác định tỷ lệ nhiễm Canine Parvovirus (CPV) dựa vào kit chẩn đoán  nhanh CPV – Ag  trên chó từ 2 đến 6 tháng tuổi bị  tiêu chảy phân có lẫn máu tại Bệnh xá Thú y-Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy 70 trong tổng số 159 chó tiêu chảy phân có lẫn máu bị mắc bệnh Parvovirus, chiếm tỷ lệ 44,03%.  Chó từ độ tuổi từ 2 đến nhỏ hơn 3 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao (82,61%) và khác biệt có ý nghĩa thống kê với chó ở độ tuổi từ 3 đến nhỏ hơn 4 tháng tuổi (50%). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ nhiễm bệnh ở chó đực và cái. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm chó giống nội và nhóm chó giống ngoại lần lượt là 43,06% và 44,83%. Chó được tiêm ngừa vaccine phòng bệnh thì tỷ lệ bệnh thấp hơn so với chó không được tiêm ngừa vaccine (2,90% so với 75,56%). Hiệu quả điều trị bệnh Parvovirus trên chó là 84,29%.

Tuyển chọn nấm men chịu nhiệt và ứng dụng lên men rượu vang trái giác (Cayratia trifolia L.) từ tỉnh Hậu Giang

Đoàn Thị Kiều Tiên, Huỳnh Xuân Phong, Bùi Hoàng Đăng Long, Viên Thị Hải Yến, Hà Thanh Toàn, Ngô Thị Phương Dung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân lập và tuyển chọn chủng nấm men chịu nhiệt có khả năng lên men rượu vang trái giác (Cayratia trifolia L.). Kết quả phân lập được 50 chủng nấm men từ 16 nguồn trái giác thu thập ở 4 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dựa vào các khóa phân loại của nấm men như hình thái, sinh lý và sinh hóa, các chủng nấm men phân lập được phân loại gồm 3 giống Sacccharomyces, Pichia và Hanseniaspora. Kết quả thử nghiệm khả năng chịu nhiệt và chịu ethanol đã sơ tuyển được 23 chủng nấm men có khả năng chịu nhiệt và chịu ethanol lần lượt trong khoảng 37-43oC và 9-12% (v/v). Từ kết quả lên men dịch trái giác ở 37°C đã tuyển chọn được chủng Saccharomyces sp. HG1.3 có khả năng lên men tốt nhất với hàm lượng ethanol đạt đến 9,9% (v/v).

Ảnh hưởng của tính chất hóa học và sinh học đất lên sự hiện diện và sự xâm nhiễm của nấm rễ nội cộng sinh trong mẫu đất vùng rễ và rễ bắp trồng tại thành phố Cần Thơ

Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Thị Yến Nhi, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Tấn Thành, Dương Ngọc Thành, Nguyễn Thị Huỳnh Như
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát thành phần hóa học và sinh học đất ảnh hưởng lên sự hiện diện và xâm nhiễm của nấm rễ vesicular arbuscular mycorrhiza (VAM) trong đất vùng rễ và rễ của bắp (Zea maize L.) được trồng tại ba quận và hai huyện thuộc thành phố Cần Thơ. Hai mươi mẫu rễ và  hai mươi mẫu đất vùng rễ bắp được thu để phân tích và đánh giá sự tương quan của tỉ lệ xâm nhiễm, số lượng bào tử nấm VAM với mật số vi sinh vật và các chỉ tiêu hóa học đất. Kết quả phân tích cho thấy tỉ lệ xâm nhiễm của nấm rễ trong rễ bắp trên 50%, bốn chi bào tử hiện diện trong đất là Acaulospora, Glomus, Entrophospora, Gigaspora và ba chi bào tử chưa định danh được. Tổng số bào tử nấm VAM có mối tương quan âm với tổng mật số nấm trong đất (r= -0,71*), có tương quan dương với mật số bào tử chi Glomus (r= 0,86*) và với pH đất (r= 0,77*). Tỉ lệ xâm nhiễm của nấm VAM có tương quan dương với mật số vi khuẩn (r = 0,76*), tương quan âm với Pts (r= -0,71*) và Pdt trong đất (r = -0,78*). Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hiện diện và xâm nhiễm của nấm rễ VAM trên bắp bị ảnh hưởng bởi mật số vi sinh vật, giá trị pH và hàm lượng lân trong đất.

Yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân sau thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Thành Nghiệp, Dương Ngọc Thành
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của khu công nghiệp (KCN) đến thay đổi thu nhập của hộ dân bị thu hồi đất. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 126 hộ gia đình bị thu hồi đất phục vụ xây dựng KCN Hoà Phú và Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Các phương pháp thống kê mô tả, phân tích hồi qui đa biến được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự thay đổi đáng kể về các nguồn lực sinh kế của cộng đồng sau khi bị thu hồi đất. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thay đổi thu nhập của hộ dân bị thu hồi đất là tuổi chủ hộ, trình độ học vấn của chủ hộ, số lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp, tỷ lệ bị thu hồi đất, diện tích đất hiện tại. Nghiên cứu còn đề xuất một số khuyến nghị nhằm ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư bị thu hồi đất.

Xác định tác nhân gây bệnh thối khô cuống trái cam soàn (Citrus sinensis L.) tại Đồng Tháp

Nguyễn Thị Hoàng Nữ, Mai Nguyễn Minh Trí, Huỳnh Kỳ, Nguyễn Thị Thu Nga, Đoàn Thị Kiều Tiên, Văn Quốc Giang
Tóm tắt | PDF
Bệnh thối khô cuống trái cam soàn là một đối tượng bệnh mới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Mẫu bệnh được thu thập tại Đồng Tháp để quan sát triệu chứng, phân lập và thực hiện quy trình Koch kiểm tra khả năng gây bệnh của 8 dòng nấm. Kết quả xác định được 6/8 dòng phân lập có khả năng xâm nhiễm gây triệu chứng khô cuống trái cam soàn ở điều kiện ngoài vườn và LVg-4 là dòng cho tỷ lệ bệnh cao nhất. Dòng LVg-4 gây bệnh thối cuống trái trên cam soàn ở Đồng Tháp được nhận diện do nấm thuộc loài Colletotrichum gloeosporioides dựa vào đặc tính hình thái và trình tự vùng gen ITS của rRNA. Kết quả này sẽ giúp cho những nghiên cứu tiếp theo về quản lý bệnh khô cuống trái cam soàn ở Đồng Tháp.

Khảo sát khả năng hỗ trợ sinh trưởng của cộng đồng nấm rễ trên cây bắp trong điều kiện nhà lưới

Nguyễn Thanh Phong, Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Thị Quyên, Trần Hoàng Ý, Khả Lê Khánh Toàn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là chọn lọc quần thể nấm rễ nội cộng sinh (VAM) đáp ứng sự sinh trưởng của cây bắp (Zea mays L.) trong điều kiện nhà lưới. Bảy quần thể (CĐ) nấm VAM CĐ B4, CĐ B5, CĐ B6, CĐ B7, CĐ B8, CĐ B9, CĐ B10 được thu thập từ các mẫu đất vùng rễ bắp tại thành phố Cần Thơ. Mật số bào tử từ các CĐ được chủng cho bắp là 25 bào tử/100g đất khô kiệt trong điều kiện nhà lưới. Kết quả đánh giá sự xâm nhiễm cho thấy rễ bắp có tỉ lệ xâm nhiễm của nấm rễ trên 66%. Cấu trúc xâm nhiễm của nấm VAM vào bên trong sợi rễ bắp có dạng bụi, dạng túi và dạng sợi. Mật số bào tử trong mỗi CĐ dao động trong khoảng 66 - 391 bào tử/100g đất khô kiệt. Chi Glomus, Acaulospora, Entrophospora và Gigaspora được xác định. Kết quả thí nghiệm nhà lưới cho thấy CĐ B4, CĐ B7, CĐ B9 và CĐ B10 có tỉ lệ xâm nhiễm trên 90% và tăng trọng lượng trái từ 48,89g/cây đến 57,22 g/cây cao hơn nghiệm thức đối chứng (41,40 g/cây). Quần thể CĐ B4, CĐ B7, CĐ B9 và CĐ B10 tiên tiến có tiềm năng sử dụng trong canh tác bắp.

Xác định gen kháng kháng sinh nhóm sulfonamide của Escherichia coli sinh beta-lactamases phổ rộng phân lập trên cá

Phan Như Ý, Trần Thị Tuyết Hoa
Tóm tắt | PDF
Escherichia coli sinh enzyme beta-lactamases phổ rộng (ESBL-E. coli) là loài vi khuẩn gây nhiều bệnh nguy hiểm cho người và những loài động vật trên cạn. Một số nghiên cứu đã ghi nhận ESBL-E. coli xuất hiện trên cá nuôi và cá tự nhiên, điều đáng quan tâm là tỉ lệ kháng thuốc của chúng rất cao, đặc biệt đối với nhóm sulfonamide. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định sự hiện diện và phân bố nhóm gen sul (sul1, sul2, sul3) của vi khuẩn ESBL-E. coli trên cá từ nhiều địa bàn khác nhau thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu sử dụng 60 chủng vi khuẩn phân lập được từ cá tự nhiên, và mẫu cá nuôi (Pangasianodon hypophthalmus và Oreochromis sp.) ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp trong năm 2015 và năm 2016. Kết quả ghi nhận: (i) Tỉ lệ vi khuẩn ESBL-E.coli kháng kháng sinh nhóm sulfonamide chiếm 98,3% với giá trị MIC >32µg/ml; (ii) ESBL-E. coli phân lập từ các mẫu cá thu ở An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp mang các gen kháng thuốc kháng sinh nhóm sulfonamide phổ biến là sul2 (35%), sul3 (10%), sul1 (5%) và một số chủng nhiễm kép 2, 3 gen là sul1 và sul2 (25%), sul2 và sul3 (10%), sul1 và sul3 (2%), sul1, sul2 và sul3 (12%).

Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tại làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Trương Trí Thông, Lý Mỷ Tiên
Tóm tắt | PDF
Làng nghề thổ cẩm Văn Giáo của đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một làng nghề nổi tiếng hình thành hơn 100 năm, mang một nét văn hóa độc đáo và đặc trưng nên hấp dẫn được nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư cũng như nguồn nhân lực phục vụ du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cho nên giá trị của làng nghề còn dưới dạng tiềm năng, chưa gắn kết được với du lịch để phát triển thành du lịch làng nghề. Thông qua phỏng vấn và phân tích các ý kiến của du khách cũng như người dân địa phương, nghiên cứu đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch ở làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo và đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn để phát triển du lịch tại làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer ở Văn Giáo được hiệu quả hơn.

Chất lượng chương trình đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Cần Thơ qua ý kiến của cựu sinh viên và nhà tuyển dụng

Võ Phương Quyên, Đào Phong Lâm, Nguyễn Khánh Ngọc
Tóm tắt | PDF
Đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) được xem là khâu quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục và là thước đo đánh giá thứ hạng và uy tín của một cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế. Đánh giá chất lượng CTĐT có thể được tiến hành bằng phương pháp tự đánh giá hay đánh giá ngoài. Cả hai phương pháp đều cần có ý kiến của bên liên quan ngoài trường. Hiểu rõ tầm quan trọng này, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) từ năm 2010 đã chú trọng thực hiện lấy ý kiến đánh giá CTĐT từ người tốt nghiệp chương trình và nhà tuyển dụng để đảm bảo tính khách quan của hoạt động đánh giá CTĐT. Tuy nhiên, đối với chương trình cử nhân Ngôn ngữ Anh (CN NNA) tại Trường ĐHCT thì những nghiên cứu thực hiện bằng cách khảo sát ý kiến cựu sinh viên và nhà tuyển dụng nhằm đánh giá chương trình này cho đến nay vẫn chưa được ghi nhận với số liệu thống kê cụ thể. Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là thông qua phân tích ý kiến đánh giá của 98 cựu sinh viên và 12 nhà tuyển dụng về CTĐT CN NNA tại Trường ĐHCT làm cơ sở cho một số đề xuất để hoàn thiện chương trình này hiện nay và trong tương lai nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đòi hỏi của thị trường lao động cũng như nâng cao uy tín và năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp chương trình này.

Mức giá mong đợi của du khách đối với các đặc sản “nhà làm” ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Bùi Văn Trịnh, Nguyễn Quốc Nghi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mức giá mong đợi của du khách đối với các đặc sản “nhà làm” ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ 353 du khách nội địa và quốc tế. Ứng dụng phương pháp xác định mức giá mong đợi, kết quả nghiên cứu cho thấy mức giá mong đợi của du khách đối với các đặc sản “nhà làm” ở huyện Phong Điền tương đối thấp, trong đó mức giá mong đợi sản phẩm rượu, cacao và bánh hỏi mặt võng khá thấp so với mức giá thực tế, trong khi mức giá mong đợi của du khách đối với sản phẩm bánh tráng tương đối phù hợp với giá bán thực tế. Đồng thời, nghiên cứu chỉ ra rằng du khách quốc tế sẵn lòng chi trả cho các  đặc sản “nhà làm” cao hơn du khách nội địa. Từ đó, nghiên cứu đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ  đặc sản “nhà làm” của hộ kinh doanh ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Tín ngưỡng thờ thần ở đình làng Đồng Tháp

Đỗ Thị Hà Thơ
Tóm tắt | PDF
Đình làng Đồng Tháp hiện vẫn còn lưu giữ dấu vết tín ngưỡng thờ tự một thời của cư dân địa phương. Vị trí cấp bậc của thần được “bảo vệ” và “thiết đặt” chính bằng sự phong cấp của thế tục. Theo đó, các vị thần khác – kết quả từ nhu cầu địa phương hoá phúc thần của người Việt, sự giao thoa văn hoá với người Trung Quốc, người Chiêm Thành, người Chân Lạp – đều quy tụ về đình để trú ngụ và hưởng tế lễ bên cạnh vị thần chủ soái: Thần Thành Hoàng. Qua khảo sát thực tế, bài viết xin giới thiệu về cơ bản tập hợp thần linh được thờ tự ở đình, làm cơ sở phát huy văn hóa địa phương trong việc hoạch định và tôn tạo tự tích đình thời hiện đại.

Ảnh hưởng của kế toán trách nhiệm đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Phước Hương, Lưu Tiến Thuận, Huỳnh Ngọc Lan Anh
Tóm tắt | PDF
Kế toán trách nhiệm (KTTN) là một trong các công cụ được đánh giá cao và không thể thiếu trong quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên đo lường tác động của các nhân tố thuộcKTTN đến hiệu quả hoạt động là một chủ đề cần thảo luận. Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của KTTN đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cách áp dụng KTTN phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động. Số liệu được thu thập từ 122 doanh nghiệp qua phỏng vấn bằng bảng câu hỏi. Phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá, kiểm định Cronbach Alpha và phân tích bằng mô hình hồi quy bội được sử dụng trong nghiên cứu này. Việc thực thi KTTN tại các doanh nghiệp ở ĐBSCL ở mức khá. Kết quả hồi quy cho thấy việc phân chia cơ cấu tổ chức thành các trung tâm trách nhiệm, lập dự toán, chính sách khen thưởngvà nhận thức của nhà quản lý ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả. Trong khi phân quyền quản lý và phân bổ thu nhập – chi phí ảnh hưởng tiêu cựcđến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.Cuối cùng, một số giải pháp đồng bộ được đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tránh né quảng cáo và nhận thức nhãn hiệu - một nghiên cứu về hình thức video quảng cáo trên các trang mạng xã hội của giới trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh

HỒ Trúc Vi, Phan TrỌng Nhân, Phan ThỊ Song Thương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm khám phá và khẳng định các yếu tố tác động đến tránh né quảng cáo cũng như mối quan hệ đến nhận thức của khách hàng về nhãn hiệu sản phẩm dưới hình thức video quảng cáo trên mạng xã hội. Dữ liệu được thu thập từ 435 khách hàng là giới trẻ tuổi từ 18 đến 35 đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình nghiên cứu và các thang đo được xây dựng từ các cơ sở lý thuyết về tránh né quảng cáo từ các tác giả Ducoffe (1995), Edwards et al. (2002), Cho và Cheon (2004) cũng như nghiên cứu về mối quan hệ của nó đến nhận thức nhãn hiệu trên cơ sở nền của Rafi et al. (2011), Bellman et al. (2009). Mô hình được thực hiện với phương pháp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị quảng cáo (bao gồm giá trị giải trí và giá trị thông tin) có tác động nghịch chiều và mạnh nhất đến tránh né quảng cáo. Bên cạnh đó, có sự tương quan thuận chiều giữa trải nghiệm tiêu cực và hành vi tránh né này. Ngoài ra, bài nghiên cứu còn tiên phong khám phá và khẳng định về mối quan hệ nghịch biến giữa tránh né quảng cáo và nhận thức của khách hàng về nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.

Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Mỹ Loan, Quan Minh Nhựt, Phan Anh Tú
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Dựa trên cỡ mẫu thu thập 120 doanh nghiệp và bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá kết hợp với hồi quy tuyến tính, kết quả nghiên cứu cho thấy có 7 nhân tố có tác động tích cực đến chất lượng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp bao gồm: Sự cảm thông, năng lực phục vụ, sự tin cậy, sự đáp ứng, phương tiện hữu hình, thái độ ứng xử và công khai minh bạch. Nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách có thể được xem là cơ sở tham khảo cho các nhà hoạch định và tư vấn chính sách nhằm thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong thời gian tới.

Xác định chi phí đào tạo đại học chính quy giai đoạn 2013-2015 và đề xuất giải pháp sử dụng chi phí hợp lý tại Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Văn Duyệt, Võ Thị Quỳnh Như
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của đề tài là xác định suất chi phí đào tạo đại học chính quy tại Trường Đại học Cần Thơ, từ đó đề xuất các giải pháp thu chi hợp lý trong khả năng nguồn lực tài chính của nhà trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở các đơn vị đào tạo khác nhau thì mức độ chi phí khác nhau, tuỳ thuộc vào đội ngũ giảng viên, quy mô sinh viên, tính đặc thù của ngành đào tạo,... ảnh hưởng đến suất chi phí đào tạo. Suất chi phí đào tạo bình quân/sinh viên giai đoạn 2013-2015 là 9,03 triệu đồng/sinh viên, trong đó chi phí trực tiếp ở đơn vị đào tạo chiếm 61,9%, chi phí chung ở đơn vị chức năng chiếm 38,1%. Qua đó, các giải pháp liên quan đến tổ chức, nhân sự; về quản lý tài chính; giải pháp tăng nguồn thu và kiểm soát, tiết kiệm chi tiêu được đề xuất nhằm góp phần cải thiện lại cân đối thu-chi có tích luỹ ngày càng lớn hơn trong thời gian tới.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ

Võ Thành Danh, Ong Quốc Cường, Nguyễn Hữu Đặng, Lê Tín
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2004-2015. Kết quả phân tích cho thấy tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn này luôn ở mức cao và tăng đều, trong đó khu vực II luôn là đầu tàu tăng trưởng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra tương đối ổn định theo xu hướng tăng dần tỷ trọng đóng góp của khu vực II và khu vực III và giảm dần tỷ trọng đóng góp của khu vực I. Cơ cấu lao động cũng có sự biến động theo hướng giảm dần lao động trong khu vực I nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu lao động của Thành phố. Bằng cách sử dụng mô hình Cobb-Douglas, kết quả phân tích cho thấy trong giai đoạn 2006-2010 và 2011-2015, vốn đầu tư đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố lần lượt là 61,55% và 56,94%; đóng góp của lao động là 14,74% và 17,62%; và đóng góp của TFP là 23,71% và 25,44%. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả vốn đầu tư có xu hướng giảm mặc dù đầu tư tăng nhưng trữ lượng vốn đưa vào sản xuất để tạo ra hàng hóa, dịch vụ đã không tăng tương xứng.

Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Quốc Nghi, Trần Thị Diễm Cần, Nguyễn Thị Kim Thuyền, Nguyễn Văn Rảnh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích chuỗi giá trị sản phẩm dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ (TP. Cần Thơ). Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập từ 84 quan sát, bao gồm các tác nhân như nông hộ, thương lái, vựa và tác nhân bán lẻ. Nghiên cứu dựa vào lý thuyết chuỗi giá trị của Kaplinsky và Morris (2001), phương pháp liên kết chuỗi giá trị của GTZ Eschborn (2007), bộ công cụ phân tích chuỗi giá trị của Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2013) và sự tham gia của các tác nhân tham gia chuỗi. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chuỗi giá trị sản phẩm dâu Hạ Châu được vận hành chủ yếu thông qua 4 kênh thị trường chính. Phần lớn sản lượng được nông hộ bán chủ yếu cho vựa trái cây (chiếm 43,67%) và thương lái đường dài (chiếm 43,26%). Trong các kênh thị trường chính, kênh 1 và kênh 2 là 2 kênh tạo ra giá trị gia tăng (GTGT) và nhận về giá trị gia tăng thuần (GTGTT) cao nhất. Trong các kênh thị trường có mặt của tác nhân bán lẻ thì đây là tác nhân tạo ra GTGT và nhận về GTGTT cao nhất so với các tác nhân còn lại. Kết quả nghiên cứu đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh An Giang

Dương Ngọc Thành, Hà Thị Thu Hà, Nguyễn Công Toàn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tỉnh An Giang, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp chưa cao, chỉ có 55% HTXNN được xếp loại mạnh, trung bình/yếu (45%). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra khó khăn của HTXNN là thiếu vốn (do số góp vốn của các thành viên HTX thấp, bình quân 100.000 đồng/thành viên HTX); và quy mô diện tích đất do HTXNN quản lý thấp (do thành viên HTX tham gia vào HTXNN có diện tích đất sản xuất ít, thấp nhất 0,2 ha). Đồng thời, qua phân tích kết quả hồi quy cho thấy, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTXNN bị tác động bởi các yếu tố: năm thành lập HTXNN, nguồn vốn, trình độ quản lý của ban giám đốc và hình thức hoạt động dịch vụ của HTXNN.

Các yếu tố xác định năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Phú Son
Tóm tắt | PDF
Nhiều kết quả nghiên cứu về du lịch đã chỉ ra rằng năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch là tập hợp các yếu tố: nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, các chính sách, con người của một điểm đến, hình thành nên khả năng hấp dẫn thu hút khách, làm thỏa mãn nhu cầu của du khách và đồng thời giúp điểm đến du lịch xác định được vị trí của mình so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trong nghiên cứu này, việc thu thập thông tin, phân tích, đánh giá của du khách về những yếu tố xác định năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Bạc Liêu bao gồm danh lam thắng cảnh, cơ sở hạ tầng, thông tin tổ chức điểm đến, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, mua sắm… được thực hiện. Những yếu tố này được xem là những yếu tố quan trọng để thỏa mãn nhu cầu của du khách đối với một điểm đến du lịch. Cho nên, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh điểm đến là chìa khóa quyết định thành công của một điểm đến.