Ngày xuất bản: 30-08-2017

Sinh trưởng và phát triển của cỏ VA06 và Ghine TD58 tại huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk

Phạm Thế Huệ
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và độ ngon miệng của 2 giống cỏ VA06 và Ghine TD 58 trồng làm thức ăn cho bò thịt tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Kết quả thu được cho thấy cỏ VA06 và Ghine TD 58 phát triển tốt tại Ea Kar. Cỏ VA06 có khả năng đâm chồi mạnh đạt 24,45 chồi/bụi, trong khi đó cỏ Ghine TD đạt 10 chồi/bụi. Chiều cao của cỏ VA06 lúc 60 ngày tuổi đạt 190 cm, đường thân của VA06 đạt 2,35 cm, đối với cỏ Ghine TD 58 đường kính gốc đạt 0,96 cm.Cỏ VA06 và Ghine TD58 có năng suất chất xanh cao đạt tương ứng là 515,2 và 360 tấn/ha/năm, năng suất chất khô đạt 83,57 và 73,94 tấn/ha/năm. Năng suất protein đạt 8,19 – 8,74 tấn/ha/năm. Bò thịt rất ưa thích ăn hai loại cỏ này, tỷ lệ ăn được rất cao đạt 96,33% - 100% khi cắt cỏ ở 30 – 40 ngày tuổi.

Tuyển chọn nấm men chịu nhiệt và nghiên cứu điều kiện lên men rượu vang khóm

Huỳnh Xuân Phong, Bùi Hoàng Đăng Long, Pornthap Thanonkeo, Mamoru Yamada, Le Phan Dinh Qui, Danh Minh Lợi, Nguyễn Ngọc Thạnh, Ngô Thị Phương Dung
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là tuyển chọn và định danh các dòng nấm men có khả năng chịu nhiệt, chịu cồn và khảo sát các điều kiện lên men rượu vang khóm. Kết quả đã tuyển chọn được 7/23 dòng nấm men (Y8, Y32, YVN7, Y81, Y34, Y54 và Y80) có khả năng lên men tốt từ dịch khóm ở 37oC, hàm lượng ethanol sinh ra trong khoảng 4,17-7,45% (v/v). Bảy dòng này được định danh thuộc loài Saccharomyces cerevisiae (Y8, Y32, Y34, Y54, Y80 và Y81) và loài Candida glabrata (YVN7). Dòng nấm men S. cerevisiae Y8 được tuyển chọn do có khả năng lên men tốt nhất, với lượng ethanol sinh ra cao nhất ở 37oC và 40oC lần lượt là 7,45% (v/v) và 4,18 % (v/v). Điều kiện lên men rượu vang khóm thích hợp của dòng S. cerevisiae Y8 ở 37oC với thời gian lên men 5 ngày, hàm lượng đường 18,6°Brix và mật số nấm men 107 tế bào/mL, hàm lượng ethanol đạt 10,03% (v/v) với hiệu suất lên men đạt 80,85%.

Ảnh hưởng của điều kiện chế biến và bảo quản đến sự ổn định màu betacyanin trong nước ép thịt quả thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus)

Phan Thị Thanh Quế, Tống Thị Ánh Ngọc, Nguyễn Thị Thu Thủy, Lê Duy Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sự ổn định của chất màu betacyanin từ nước ép thịt quả thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) đã được thực hiện. Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của nồng độ acid ascorbic bổ sung trong quá trình phối chế, chế độ thanh trùng và điều kiện bảo quản (trong chai thủy tinh trong và thủy tinh màu nâu ở nhiệt phòng (30±2oC) – không ngăn sáng và nhiệt độ mát (13oC) – tối) đến sự ổn định của hợp chất màu betacyanin trong nước ép thịt quả thanh long ruột đỏ. Hàm lượng betacyanin được xác định bằng phương pháp đo quang phổ tử ngoại khả kiến ở bước sóng 538 nm. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm nước ép thịt quả thanh long, giá trị PU (Pasteurisation Unit) cũng được tính toán. Kết quả thí nghiệm cho thấy màu betacyanin trong sản phẩm nước ép thịt quả thanh long ruột đỏ duy trì tốt khi phối chế với 0,2% acid ascorbic, pH 4,0 và thanh trùng ở nhiệt độ 80oC trong 15 phút (giá trị thanh trùng PU đạt được là 5,33 phút). Điều kiện bảo quản có ảnh hưởng đáng kể đến sự phân hủy hợp chất màu betacyanin. Bảo quản ở nhiệt độ phòng (30±2oC) - không ngăn sáng, màu betacyanin của mẫu chứa trong bao bì thủy tinh nâu duy trì tốt hơn (51%) so với mẫu chứa trong bao bì thủy tinh trong (22%) sau 3 tuần bảo quản. Ngược lại, khi mẫu bảo quản ở nhiệt độ 13oC – tối, hàm lượng betacyanin thay đổi không đáng kể (còn lại hơn 90%) sau 3 tuần bảo quản cho cả 2 loại bao bì.

Đánh giá phản ứng của chín dòng đậu nành đối với sâu đục trái (Etiella zinckenella) tại Cần Thơ ở vụ Xuân Hè 2015

Nguyễn Phước Đằng, Thái Kim Tuyến
Tóm tắt | PDF
Đậu nành [Glycine max (L.) Merrill] là cây trồng quan trọng trong cơ cấu luân canh với lúa, do khả năng cố định đạm và cải tạo đất. Tuy nhiên, trong sản xuất nhiều côn trùng có thể làm giảm năng suất đáng kể, một trong những loài gây hại nghiêm trọng trên đậu nành ở Đồng bằng sông Cửu Long là sâu đục trái (Etiella zinckenella) làm giảm năng suất và chất lượng hạt. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các phản ứng chống chịu và mức độ thiệt hại của chín dòng đậu nành đối với sâu đục trái. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên, ba lần lặp lại trong vụ Xuân-Hè 2015 tại Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy tất cả các dòng thử nghiệm đều bị nhiễm sâu đục trái. Tuy nhiên, dòng  MTĐ 860-1 chống chịu tốt nhất được đánh giá kháng trung bình (MR), bốn dòng MTĐ 860-3, MTĐ 861-1, MTĐ 865-3,  MTĐ 885-1 chống chịu khá, tương đối kháng (RR) với sâu đục trái. Tỷ lệ hạt bị thiệt hại và phần trăm thất thoát năng suất của MTĐ 860-1 thấp nhất với giá trị lần lượt là 3,66% và 3,43%. Dòng ĐH4 có tỷ lệ hạt thiệt hại và phần trăm thất thoát cao nhất là 9,69% và 8,60%. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt ý nghĩa giữa các dòng về năng suất.

Ảnh hưởng của việc giảm phân đạm bổ sung chế phẩm nBPT, Neb26 đến sinh trưởng, năng suất lúa và hiệu quả sử dụng đạm trên đất lúa Tam Bình - Vĩnh Long

Nguyễn Đỗ Châu Giang, Trần Văn Dũng, Nguyễn Minh Đông
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của phân ure bổ sung nBTPT và Neb26 trong điều kiện bón giảm lượng phân đạm (N) ở mức 75%N và 50%N đến sự sinh trưởng của lúa, năng suất lúa và hiệu quả sử dụng đạm. Nghiên cứu được thực hiện vào vụ Thu Đông 2014 trên vùng đất canh tác lúa tại Tam Bình, Vĩnh Long. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức bao gồm 0N, 100%N, 75%N-nBPT, 75%N-Neb26 và 50%N-Neb26 và 4 lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả cho thấy bón giảm 50%N-Neb26 không ảnh hưởng đến số chồi nhưng chi phối đến việc giảm chiều cao vào giai đoạn thu hoạch. Năng suất lúa, thành phần năng suất lúa cũng như khả năng hấp thu N trong cây không bị ảnh hưởng khi bón giảm N từ 25% đến 50% kết hợp với nBPT và Neb26. Áp dụng 50%N-Neb26 có hiệu quả nông học cao hơn so với mức bón 100%N.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai để tối ưu hóa lợi nhuận nông hộ tại ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

Phạm Thanh Vũ, Tôn Thất Lộc, Lê Quang Trí, Vương Tuấn Huy, Nguyễn Hiếu Trung
Tóm tắt | PDF
Sử dụng tối ưu những vùng đất xung quanh nhà nông hộ để cải tạo vườn tạp kém hiệu quả và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai là mục tiêu chung của chính quyền địa phương và các nhà quy hoạch. Nghiên cứu được thực hiện để giúp người dân có những định hướng bố trí sử dụng đất hợp lý dựa trên nguồn lực của nông hộ trong điều kiện giá sản phẩm ổn định và cả trường hợp có biến động giá, từ đó giúp tăng thêm thu nhập cho người dân, giảm thiểu các rủi ro của thị trường và giải quyết vấn đề việc làm ở địa phương. Thông qua phương pháp khảo sát nông hộ thực tế ở địa phương và mô hình toán tối ưu bằng công cụ solver đã tìm ra được 12 trường hợp sản xuất dựa trên nguồn lực của nông hộ về vốn, lao động, diện tích đất và 3 kịch bản biến động giá (giá heo giảm 25%; cây ăn trái, rau màu và cá tăng giá 20%; cây ăn trái, rau màu và cá tăng giá 5% trong khi giá heo giảm 15%) làm thay đổi bố trí sử dụng đất để đạt được lợi nhuận tối ưu, giúp bổ sung vào định hướng sử dụng đất cho địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đánh giá khả năng điều trị bệnh do Escherichia coli bằng cây nha đam (Aloe vera) trên chuột và vịt thí nghiệm

Huỳnh Kim Diệu, Trẩn Thanh Toàn, Trần Thị Ngọc Thanh
Tóm tắt | PDF
Để đánh giá khả năng điều trị bệnh do Escherichia coli của cây nha đam. Cao nha đam được sử dụng điều trị bệnh cho chuột bạch và vịt được gây nhiễm E. coli với liều LD50. Thí nghiệm trên chuột sử dụng cao chiết từ mehanol với các liều điều trị 0,01g/chuột/2lần/ngày; 0,02g/chuột/2lần/ngày và 0,03g/chuột/2lần/ngày. Thí nghiệm điều trị trên vịt sử dụng cao chiết từ ethanol với các liều điều trị 0,02 g/kg thể trọng/2lần/ngày; 0,03g/kgTT/ 2lần/ngày và 0,04 g/kg TT/2lần/ngày. Kết quả cho thấy cao Nha đam chiết xuất bằng methanol có khả năng điều trị bệnh do E.coli trên chuột ở liều 0,03 g/con/2lần/ngày cho hiệu quả cao nhất, tỷ lệ khỏi bệnh là 94,4%. Cao nha đam chiết xuất bằng ethanol cũng có khả năng điều trị bệnh do E.coli trên vịt, hiệu quả cao nhất ở liều 0,04 g/kg TT/ 2lần/ngày, tỷ lệ khỏi bệnh là 93,3%; hiệu quả hơn sử dụng colistin liều 0,5g/kg TT/2lần/ngày với tỷ lệ khỏi bệnh 86,7%.

Ảnh hưởng của bón lân phối trộn dicarboxylic acid polymer (DCAP) đến hàm lượng lân hữu dụng trong đất và hấp thu lân của cây khoai lang, khoai mì, khoai mỡ trồng trên đất phèn trong nhà lưới

Lê Văn Dang, Phan Kiên Em, Lâm Ngọc Phương, Ngô Ngọc Hưng, Phan Văn Ngoan
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của bón phân lân phối trộn DCAP đến hàm lượng lân hữu dụng trong đất và hấp thu lân của cây khoai lang, khoai mì và khoai mỡ trồng trong nhà lưới trên biểu loại đất phèn được lấy tại xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thí nghiệm nhà lưới từ tháng 2/2014 đến tháng 8/2014, được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, gồm 5 nghiệm thức: (i) không bón lân; (ii) bón 30 kg P2O5ha-1(30P); (iii) bón 30 kg P2O5ha-1 phối trộn DCAP (30P+DCAP); (iv) bón 60 kg P2O5ha-1 (60P) và (v) bón 60 kg P2O5ha-1 phối trộn DCAP (60P+DCAP). Chất DCAP được sử dụng ở nồng độ 2‰. Kết quả thí nghiệm cho thấy, bón 30P+ DCAP đã làm gia tăng hàm lượng lân hữu dụng trong đất trồng khoai mì và khoai mỡ ở cuối vụ, tương đương với bón 60P. Tuy nhiên, phối trộn DCAP với lân ở liều lượng cao hơn (60P) chưa làm gia tăng hàm lượng lân hữu dụng trong đất so với không phối trộn. Bón phân lân ở liều lượng 30 kg P2O5/ha phối trộn DCAP cho hấp thu lân của cây khoai mì tương đương với bón 60 kg P2O5/ha. Bón lân phối trộn DCAP chưa làm gia tăng hấp thu lân trên cây khoai lang và khoai mỡ. Tóm lại, hiệu quả của DCAP chưa nhất quán trong gia tăng hàm lượng lân hữu dụng trong đất và năng suất cây trồng.

Phân tích hiệu quả tài chính của mô hình nuôi cá sặc rằn ở tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu mô hình nuôi cá sặc rằn ở tỉnh Hậu Giang được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2015 thông qua phỏng vấn trực tiếp 47 hộ nuôi nhằm đánh giá khía cạnh kỹ thuật, tài chính và xác định những thuận lợi khó khăn của mô hình. Kết quả cho thấy ao nuôi cá sặc rằn có diện tích không lớn (0,16 ha/ao). Cá sặc rằn được thả giống nuôi từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Sau thời gian nuôi 293 ngày, cá được thu hoạch với năng suất trung bình đạt 23,79 tấn/ha/vụ; kích cỡ thu hoạch 94,03 g/con và hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 2,32. Hơn nữa, với tổng chi phí là 814 triệu đồng/ha/vụ, mô hình đạt tổng doanh thu là 1.138 triệu đồng/ha/vụ, và lợi nhuận bình quân là 324 triệu đồng/ha/vụ với tỉ suất lợi nhuận đạt 0,39 lần. Khó khăn lớn nhất là thời gian nuôi cá lâu, mỗi năm chỉ nuôi được 1 vụ.

Khảo sát sinh lượng và tác động của rong xanh (Cladophoraceae) trong đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Ngọc Hải, Đinh Thanh Hồng
Tóm tắt | PDF
Biến động sinh lượng và ảnh hưởng của rong xanh Cladophoraceae đến tôm nuôi trong các đầm quảng canh cải tiến (QCCT) được khảo sát hàng tháng từ tháng 5/2015 đến tháng 4/2016 ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả đã tìm thấy độ phủ rong dao động từ 20% đến 90% diện tích ao, sinh lượng và sản lượng tự nhiên của rong xanh đạt khá cao, trung bình là 0,6-3,1 kg/m2, tương ứng với sản lượng tự nhiên là 1,7-16,8 tấn tươi/ha; biến động lớn trong thời gian khảo sát, trong đó sản lượng rong xanh có mối tương quan thuận với độ mặn. Ngoài ra, qua thời gian khảo sát nhận thấy sự phát triển của rong biểu thị bởi độ phủ đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và năng suất tôm nuôi trong ao QCCT cũng như thu nhập của nông hộ. Ở độ phủ rong >50%, hàm lượng oxy hòa tan (DO) và pH biến động lớn trong ngày (DO: 3,2-6,8 mg/L và pH: 7,1-9,2). Khi rong tàn lụi, hàm lượng NO2- (4,87±1,70 mg/L) và H2S (0,03±0,02 mg/L) tăng lên rất cao và thường gây hại tôm nuôi. Năng suất tôm và thu nhập của nông hộ trong ao QCCT có độ phủ rong ≤50% (233,4±98,1 kg/ha/năm và 41,6±15,5 triệu đồng/ha/năm) cao hơn có ý nghĩa thống kê (p50% (48,1±39,9 kg/ha/năm và 13,3±6,5 triệu đồng/ha/năm). Do đó, các hộ dân nên duy trì độ phủ rong trong ao QCCT với độ phủ thích hợp khoảng 50%.

Những thành tựu trong nghiên cứu chuyển giới tính tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii De Man, 1879)

Dương Thúy Yên, Nguyễn Thanh Phương, Trần Ngọc Hải, Bùi Thị Liên Hà
Tóm tắt | PDF
Bài viết này tổng hợp những kết quả nghiên cứu về cơ chế xác định giới tính, cơ sở khoa học, phương pháp và thành tựu trong việc chuyển giới tính tôm càng xanh trên thế giới. Tôm càng xanh có cơ chế xác định giới tính là ZW, trong đó con đực đồng hợp (ZZ) và con cái dị hợp (ZW) ở cặp nhiễm sắc thể giới tính. Sự biệt hóa giới tính của tôm càng xanh được điều khiển bởi hormon có bản chất protein của tuyến androgen. Con đực khi bị cắt bỏ tuyến androgen (phương pháp vi phẫu) hay bất hoạt tuyến này bằng phương pháp RNA can thiệp (RNAi) sẽ chuyển thành con cái giả. Sinh sản giữa những con cái giả với con đực bình thường sẽ sinh ra đàn tôm toàn đực. Các phương pháp trên đã và đang được áp dụng thành công trong nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, phương pháp chuyển giới tính tôm càng thành bằng hormon nhân tạo như 17 α-methyltestosterol thì không thành công.

Thực trạng sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học trong cá điêu hồng (Oreochromis sp.) nuôi bè vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Minh Phú, Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Khánh Nam, Phùng Thị Trúc Hà, Nguyễn Tâm Em, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá việc sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học trong cá điêu hồng nuôi bè được thực hiện thông qua phỏng vấn 86 hộ nuôi ở 4 tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả cho thấy các biểu hiện bệnh thường xuất hiện trên cá điêu hồng là bệnh phù đầu, phù mắt và xuất huyết với 81,8 – 100%. Người nuôi thường không biết nguyên nhân gây bệnh nhưng hầu hết dùng kháng sinh để trị bệnh nhiễm khuẩn và sử dụng các hóa chất để quản lý các biểu hiện nhiễm ký sinh trùng. Hầu hết các hộ nuôi không biết về kháng sinh đồ trong điều trị bệnh cá. Các loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất là sulfonamide kết hợp trimethoprim, amoxicillin, doxycycline  và florfenicol. Cá bán cho các thương lái hay chợ đầu mối thì không cần kiểm tra kháng sinh dẫn đến mối nguy về tồn lưu kháng sinh trong sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng nội địa. Kết quả nghiên cứu cho thấy cần thiết phải tổ chức tập huấn cho người nuôi về chẩn đoán bệnh, sử dụng thuốc và hóa chất đúng cách, an toàn.

Bảo quản fillet cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) đông lạnh bằng hợp chất gelatin kết hợp với gallic hoặc tannic acid

Lê Thị Minh Thủy, Nguyễn Thị Kim Ngân, Đinh Lê Thị Thúy Dân, Nhâm Đức Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của gelatin kết hợp với gallic acid hoặc tannic acid đến sự giảm thất thoát khối lượng sau khi lạnh đông – tan giá và sự oxi hóa lipid thông qua chỉ số PV và TBARS cá tra phi lê đông lạnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mẫu nhúng trong dung dịch gelatin nồng độ 1,5% có bổ sung gallic acid 2% hoặc tannic acid 2% không ảnh hưởng đến cấu trúc và chất lượng cảm quan của sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ số peroxide (1,25 và 1,2 meq/kg) và TBARS (3,01 và 2,91 mgMDA/kg) của mẫu nhúng trong dung dịch gelatin bổ sung gallic hoặc tannic acid khác biệt có ý nghĩa thống kê và thấp hơn so với mẫu nhúng STPP (1,61 meq/kg và 4,37 mgMDA/kg) và mẫu trắng (2,64 meq/kg và 5,44 mgMDA/kg). Sử dụng gelatin kết hợp với gallic acid hoặc tannic acid bảo quản fillet cá tra đông lạnh cho hiệu quả hạn chế sự oxy hóa lipid của sản phẩm.

Hiện trạng nhiễm ký sinh trùng trên cá bớp (Rachycentron canadum) nuôi lồng ở tỉnh Kiên Giang

Từ Thanh Dung, Nguyễn Bảo Trung, Phan Văn Út
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm khảo sát tình hình nhiễm ký sinh trùng trên cá bớp (Rachycentron canadum) nuôi lồng ở 4 đảo (Phú Quốc, Tiên Hải, Hòn Nghệ và Nam Du) vùng biển tỉnh Kiên Giang. Tổng số mẫu cá bớp trong nghiên cứu là 75 con được thu từ 36 lồng, bao gồm 49 cá giống và 26 cá thương phẩm. Mẫu cá được ghi nhận các dấu hiệu bệnh lý và kiểm tra ký sinh trùng. Kết quả nghiên cứu đã tìm được 6 loài ngoại ký sinh là Amyloodinium ocellatum, Trichodina sp. Cryptocaryon irritans, Neobenedenia sp., Pseudorhabdosynochus sp. và Parapetalus sp.; 3 loài nội ký sinh bao gồm Leptorhynchoides sp., Procamalanus sp. và Anisakis sp. Giun đầu gai Leptorhynchoides sp. có tỷ lệ nhiễm cao nhất (95%) và cường độ nhiễm là 1-14 trùng/cá. Sán lá Neobenedenia sp. có cường độ cảm nhiễm cao nhất (3-160 trùng/cá) trên cả cá bớp giống và cá thịt ở tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, hai loài ký sinh A ocellatum và C. irritans gây bệnh quan trọng nhất, làm cá chết rất nhanh ở giai đoạn cá bớp giống và lứa đã được phát hiện ở 2 đảo Phú Quốc và Hòn Nghệ.

Hiệu quả của việc chuyển đổi nuôi tôm sú (Penaeus monodon) sang thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở tỉnh Sóc Trăng

Trương Hoàng Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự chuyển đổi mô hình nuôi tôm thâm canh của nông hộ ở tỉnh Sóc Trăng thông qua việc phỏng vấn 30 hộ nuôi tôm sú (TS) và 30 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) từ tháng 6-12/2015. Các thông tin được thu thập gồm (1) các khía cạnh kỹ thuật và tài chính và (2) các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tượng nuôi. Các yếu tố kỹ thuật trước và sau khi chuyển đổi mô hình nuôi cho thấy số vụ nuôi, mật độ nuôi, tỷ lệ sống, năng suất và kích cỡ tôm thu hoạch ở mô hình nuôi TS (1-2 vụ/năm, 27,13 con/m2, 66,37%, 2,5 tấn/ha/vụ, 63,77 con/kg) thấp hơn khi chuyển sang nuôi tôm TCT (2-3 vụ/năm, 55,43 con/m2, 67,13%, 4,05 tấn/ha/vụ, 95,37 con/kg). Tổng chi phí của mô hình nuôi TCT (347,8 triệu/ha/vụ) cao hơn so với TS (299,2 triệu/ha/vụ). Lợi nhuận trong nuôi tôm TCT (135,7 triệu/ha/vụ) cao hơn so với TS (96,5 triệu/ha/vụ). Có 4 nguyên nhân dẫn đến việc quyết định sự chuyển đổi mô hình nuôi tôm. Đó là dịch bệnh, thời gian nuôi, tỷ suất lợi nhuận và môi trường. Có 55% hộ nuôi tiếp tục nuôi tôm TCT, 23,3% hộ nuôi tiếp tục nuôi TS, 15% hộ chọn nuôi cả hai mô hình và 6,7% hộ chuyển sang nuôi loài khác. Năng suất có tương quan tỷ tuyến tính với mật độ nuôi, tỷ lệ sống, kích cỡ thu hoạch và hệ số tiêu tốn thức ăn.

Nhu cầu học và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong bối cảnh hội nhập

Lưu Nguyễn Quốc Hưng
Tóm tắt | PDF
Đánh giá nhu cầu học tập ngoại ngữ là bước tiên quyết nhằm giúp đưa ra các quyết định liên quan đến việc xác định mục tiêu, hay nội dung chương trình giảng dạy, giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy và đánh giá. Bài viết trình bày kết quả khảo sát nhu cầu học ngoại ngữ trên địa bàn Thành phố Cần Thơ nhằm cung cấp thông tin dự báo các xu thế phát triển của việc học và sử dụng ngoại ngữ trong bối cảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ đang hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế.

Dạy và học định nghĩa chính xác về giới hạn của hàm số thông qua quá trình mô hình hóa toán học

Lê Thái Bảo Thiên Trung, Phạm Hoài Trung
Tóm tắt | PDF
Bài báo đề cập đến việc dạy học định nghĩa chính xác về khái niệm giới hạn từ một trường hợp cụ thể. Tiếp theo, một số hoạt động dạy và học đã được xây dựng với mục đích giảm bớt những khó khăn cho học sinh khi họ lĩnh hội khái niệm trừu tượng này thông qua quá trình mô hình hóa toán học. Qua đó, học sinh sẽ có được hiểu biết sâu sắc hơn về mối liên hệ giữa khái niệm giới hạn và thực tiễn.

Khả năng hình thành trật tự thế giới lưỡng cực trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI (tính đến hết nhiệm kỳ thứ 2 của tổng thống Mỹ Barack Obama)

Ngô Thị Bích Lan
Tóm tắt | PDF
Những năm đầu trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự phục hồi của kinh tế và vị thế của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế, đồng thời quan ngại trước sự “trỗi dậy” đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Từ sau sự kiện Trung Quốc gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế thừa nhận “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” (5/2009), Trung Quốc ngày càng tấn công mạnh mẽ vào chính trường thế giới. Những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế đặt ra khả năng Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Hoa Kỳ và cùng với Hoa Kỳ xác lập trật tự thế giới mới. Tuy nhiên, so với Hoa Kỳ, Trung Quốc còn vấp phải nhiều hạn chế nhất định về kinh tế, chính trị và ảnh hưởng quốc tế. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích và làm rõ nguyên nhân tại sao Trung Quốc chưa thể cùng với Hoa Kỳ xác lập trật tự Lưỡng cực trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Tiểu thuyết lịch sử và quan niệm của các nhà văn Nam Bộ đầu thế kỷ XX về tiểu thuyết lịch sử

Lê Thị Kim Út
Tóm tắt | PDF
Từ việc trình bày một số diễn giải về tiểu thuyết lịch sử, bài viết đi vào phân tích quan niệm về tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn Nam Bộ. Những luận điểm then chốt trong quan niệm của các nhà văn Nam Bộ về tiểu thuyết lịch sử sẽ được phân tích là: tiểu thuyết lịch sử cần đảm bảo độ chính xác lịch sử với những sự kiện có tầm vóc, nhân vật có can dự trực tiếp vào biến cố lịch sử, đóng vai trò nhân vật trung tâm và có mục đích tái hiện lại lịch sử theo quan điểm chính thống. Việc chú ý đến khía cạnh đời sống thường ngày của nhân vật lịch sử cũng được xem là một quan điểm thẩm mỹ tiến bộ của các nhà văn Nam Bộ.

Phân công lao động và vai trò của giới trong nuôi trồng thủy sản: Nghiên cứu trường hợp nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ở tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Thị Kim Quyên
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, vấn đề giới ngày càng được quan tâm và nghiên cứu. Nhằm phân tích sự phân công lao động và vai trò của giới của mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT), nghiên cứu được thực hiệnthông qua phỏng vấn 60 hộ nuôi tôm sú QCCT tại tỉnh Bạc Liêu. Kết quả cho thấy chủ hộ nuôi tôm sú đa số là nam giới ở độ tuổi trung niên và trình độ học vấn khá thấp. Tôm sú QCCT được nuôi quanh năm với mật độ thả nuôi cao và năng suất đạt483 kg/ha/năm, ít tốn chi phí với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận tương đối cao (2,63 lần). Sự phân công lao động trong mô hình chưa đồng đều. Hầu hết nam giới tham gia vào tất cả các công việc nuôi tôm (hơn 75% số hộ). Tất cả các công việc đều có phụ nữ tham gia vào nhưng tỷ lệ thấp. Khi công việc do cả nam và nữ cùng phụ trách thì nam giới đóng góp hơn 80% khối lượng công việc. Vai trò của nữ giới đặc biệt quan trọng trong khâu nội trợ, quản lý tiền và chăm sóc gia đình. Khả năng tham gia vào các công việc của nữ giới còn hạn chế do trình độ học vấn và kỹ thuật thấp, điều kiện sức khỏe không phù hợp. Tổng thu nhập trung bình của hộ là 259,5 triệu đồng/năm, trong đó nữ giới đóng góp 17,3% tổng thu nhập.

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu học nghề - Trường hợp nghiên cứu ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Phạm Ngọc Nhàn, Hồ Quốc Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố tác động đến nhu cầu học nghề của lao động và đưa ra các giải pháp đào tạo nghề trên địa bàn xã với mục đích nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu này tập trung vào các đối tượng là lao động trong nông hộ trên địa bàn xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang để phân tích những yếu tố có tác động đến nhu cầu học nghề của lao động qua cách tiếp cận điều tra xã hội học. Kết quả phân tích mô hình hồi qui Binary Logistic cho thấy, yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhu cầu học nghề là Thông tin giới thiệu đào tạo nghề (Hệ số B = 1,346), thứ hai là yếu tố Số lao động trong nông hộ (Hệ số B = 1,291) và cuối cùng là Số nhân khẩu trong nông hộ (Hệ số B = 1,214). Một số giải pháp như nâng cao chất lượng dạy nghề tại địa phương, mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động được đề xuất để họ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Quá trình đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới Đồng Khởi ở Cần Thơ (1954 - 1960)

Thái Văn Thơ
Tóm tắt | PDF
Từ sau Hiệp định Genève, đối lập với những hoạt động khủng bố, đàn áp khốc liệt của chính quyền Mỹ - Diệm là quá trình quân và dân Cần Thơ kiên cường đứng lên đấu tranh giữ gìn và củng cố lực lượng cách mạng. Trải qua gần 5 năm đấu tranh xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, quân dân miền đất Tây Đô đã làm nên cuộc Đồng Khởi diệu kỳ, thắng lợi vang dội trong năm 1960, mở ra bước ngoặt quan trọng cho tình thế cách mạng trong toàn tỉnh, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch quân mạnh mẽ.

Thực trạng và giải pháp khai thác các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch tại quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

Đào Ngọc Cảnh, Ông Thị Diệu Huyền
Tóm tắt | PDF
Di tích lịch sử - văn hóa là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa; đồng thời, di tích lịch sử - văn hóa cũng là nguồn tài nguyên quý giá để đẩy mạnh phát triển du lịch. Việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch không những đem lại các lợi ích kinh tế - xã hội, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Bài viết này phân tích thực trạng khai thác các di tích lịch sử - văn hóa trong du lịch trên địa bàn quận Bình Thủy và đề xuất một số giải pháp để phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong du lịch, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch ở quận Bình Thủy nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung.

An ninh lương thực cấp hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Thị Bé Ba
Tóm tắt | PDF
Ngày nay, nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức với công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Tuy nhiên, loài người cũng đang đối diện với những thách thức to lớn, đó là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm nguồn tài nguyên đặc biệt là tài nguyên đất cho sản xuất lương thực,... Chính những điều đó đang đặt ra vấn đề cần đảm bảo an ninh lương thực cho từng quốc gia và trên toàn cầu. Tuy vậy, trước hết cần đảm bảo an ninh lương thực của từng hộ gia đình. Để cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc đảm bảo an ninh lương thực cấp hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long, bảng câu hỏi được sử dụng để thu thập dữ liệu với cỡ mẫu 300 đáp viên. Kết quả phân tích thống kê mô tả, kết hợp phân tích tương quan và hồi quy dựa trên xu thế biến động về dân số, thu nhập hộ gia đình cho thấy vẫn tồn tại hộ gia đình ở vựa lúa không đủ thu nhập để tiếp cận nguồn lương thực đầy đủ. Vì vậy, cần có giải pháp tăng thu nhập cho các hộ gia đình và đảm bảo  hộ gia đình sản xuất lương thực phải có thu nhập không thấp hơn mặt bằng chung của xã hội thì an ninh lương thực hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long mới vững chắc.

Ẩn dụ ý niệm trong bài thơ Tràng Giang của Huy Cận

ĐỒng ThỦy ThẢo
Tóm tắt | PDF
Ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphors) là một khái niệm của Ngữ nghĩa học tri nhận. Tìm hiểu những ẩn dụ ý niệm trong Tràng giang của Huy Cận, một mặt giới thiệu những hình ảnh ẩn dụ phổ quát, quen thuộc trong tư duy của người Việt, mặt khác đi vào lý giải, phân tích các yếu tố sáng tạo trong việc cụ thể hóa ẩn dụ ý niệm của Huy Cận qua Tràng giang. Để từ đó, thấy được cái hay, cái độc đáo sáng tạo của thi nhân trong việc sử dụng thành công các yếu tố của ngôn từ tiếng Việt làm nên vẻ đẹp độc đáo cho bài thơ.

Các yếu tố xã hội liên quan đến hôn nhân xuyên quốc gia

Trần Thị Phụng Hà, Nguyễn Ngọc Lẹ, Nguyễn Thị Thu Thủy
Tóm tắt | PDF
Hôn nhân xuyên quốc gia và/hoặc di cư hôn nhân đã xuất hiện từ lâu đời. Vào khoảng đầu năm 1990, hiện tượng hôn nhân xuyên quốc gia lan rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là phụ nữ lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc (Đài-Hàn). Đề tài nghiên cứu về hôn nhân xuyên quốc gia nhấn mạnh các vấn đề xã hội, sinh kế và quan điểm của cộng đồng xoay quanh hiện tượng này. Bên cạnh nhìn nhận sự rủi ro trong hôn nhân, đề tài tìm kiếm sự đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ và phân tích giá trị tinh thần vật chất cô dâu có thể mang lại cho gia đình và cộng đồng. Đề tài được thực hiện ở 2 xã Phương Bình và Lục Sĩ Thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy cô dâu tự quyết định hôn nhân của mình, sự rủi ro trong hôn nhân xuất phát từ bước đầu thiếu chuẩn bị, liều lĩnh và bất chấp; tuy nhiên, cho đến nay mức độ hài lòng của thân nhân về hôn nhân của con gái là khá cao, vai trò đóng góp của cô dâu trong phát triển kinh tế hộ cũng được ghi nhận.

Mức độ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi ở tỉnh Bến Tre

Nguyễn Trọng Nhân, Lê Thị Tố Quyên, Phan Thị Dang, Đào Ngọc Cảnh
Tóm tắt | PDF
Mức độ đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tâm trạng và cảm nhận cuộc sống của họ diễn tiến theo hướng tích cực. Người cao tuổi có rất nhiều nhu cầu từ vật chất cho đến tinh thần, từ cơ bản cho đến cấp cao. Trong 27 nhu cầu của người cao tuổi được nghiên cứu, 20 nhu cầu được đánh giá ở mức đáp ứng, 6 nhu cầu ở mức không phải không đáp ứng cũng không phải đáp ứng và 1 nhu cầu ở mức chưa đáp ứng. Mức độ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi có sự khác biệt theo nghề nghiệp chính trước đây, loại nhà ở, đối tượng sống cùng, điều kiện vệ sinh, phương tiện giải trí, phương tiện đi lại, nguồn sống hiện tại, tình trạng sức khỏe, mức độ thực hiện các hoạt động giải trí, hưởng thụ văn hóa và rèn luyện sức khỏe hàng ngày, loại hộ gia đình của họ. Các kết quả trên là sản phẩm của sự phản hồi từ 128 đáp viên ở tỉnh Bến Tre với kỹ thuật chọn mẫu kiểu thuận tiện và phát triển mầm. Các phương pháp phân tích thống kê mô tả (descriptive statistics analyis), kiểm định giả thuyết về trị trung bình của hai tổng thể (independent-samples T-test), phân tích phương sai một chiều (one-way-ANOVA) và phân tích tương quan hai biến (bivariate correlate analysis) được sử dụng trong phân tích dữ liệu.

Các khó khăn về ngôn ngữ trong quá trình biên dịch quảng cáo cung cấp thông tin của sinh viên năm cuối chuyên ngành Phiên - Biên dịch tiếng anh, Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Văn Phúc, Trương Thị Ngọc Điệp
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu này là mô tả năng lực biên dịch quảng cáo của sinh viên thông qua việc tìm hiểu ý kiến của họ về các khó khăn liên quan đến ngôn ngữ và khảo sát các khó khăn họ đã gặp phải trong quá trình thực hành biên dịch quảng cáo. Nghiên cứu này sử dụng một bảng hỏi gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm và một bài thực hành biên dịch quảng cáo trên 41 sinh viên Phiên – Biên dịch tiếng Anh (PBDTA) năm cuối của Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lực biên dịch quảng cáo loại cung cấp thông tin của sinh viên ở mức trung bình và họ gặp nhiều khó khăn về từ vựng và ít khó khăn về ngữ pháp trong quá trình dịch. Các kết quả nghiên cứu giúp cho sinh viên chuyên ngành PBDTA nâng cao nhận thức về lĩnh vực dịch quảng cáo cũng như chuẩn bị tốt hơn về mặt kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhằm mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, nhất là về lĩnh vực dịch thuật này.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của giảng viên trẻ Trường Đại học Cần Thơ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học

Nguyễn Quốc Nghi, Lê Kim Thanh, Phan Quốc Cường, Khưu Ngọc Huyền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của giảng viên trẻ (GVT) Trường Đại học Cần Thơ đối với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Số liệu phục vụ đề tài được thu thập từ 141 GVT đang làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ. Phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) được ứng dụng trong nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của GVT đối với hoạt động NCKH. Kết quả phân tích đã chỉ ra rằng, có 5 yếu tố tác động đến sự hài lòng của GVT đối với hoạt động NCKH là yếu tố tài chính, lãnh đạo đơn vị, khối lượng công việc, cơ chế quản lý và tài liệu hỗ trợ. Trong đó, yếu tố tài chính có tác động mạnh nhất đến sự hài lòng của GVT.

Ý nghĩa của biểu tượng Mammy trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió

NguyỄn ThỊ TuyẾt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu biểu tượng Mammy trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió như một hiện tượng văn hóa, bài viết nỗ lực tìm hiểu những ý nghĩa biểu tượng của nhân vật. Cuộc sống hạnh phúc của Mammy là một cách Margaret Mitchell lãng mạn hóa chế độ nô lệ, và khi chế độ ấy chỉ còn lại những tàn tích, thì Mammy là cội rễ cuối cùng mà người da trắng miền Nam muốn lưu giữ. Phát triển mạnh mẽ trong tiểu thuyết và điện ảnh miền Nam, Mammy đã trở thành một biểu tượng văn hóa phổ biến, phục vụ lợi ích cho người da trắng và không được chấp nhận đối với người da đen.