Ngày xuất bản: 29-11-2021

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân hủy protein và cellulose từ các nguồn rác thải hữu cơ được thu tại thành phố Cần Thơ

Trần Văn Dũng, Cao Thị Mỹ Tiên, Võ Dương Lan Anh, Nguyễn Thiện Mỹ, Bùi Thị Minh Diệu, Thái Chí Phong, Nguyễn Phạm Anh Thi, Nguyễn Hoàng Hậu, Đỗ Thị Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu phân lập các dòng vi khuẩn (VK) có khả năng phân huỷ protein và cellulose từ các nguồn rác thải hữu cơ; và khảo sát ảnh hưởng của VK lên sự sống sót của trùn quế (Perionyx excavates). Mẫu rác thải hữu cơ được thu từ các chợ, quán ăn và các hộ gia đình để phân lập VK có khả năng tiết enzyme protease và cellulase. Kết quả phân lập được 58 dòng VK. Trong đó, 46 dòng có khả năng tiết ra enzyme protease và 12 dòng có khả năng tiết enzyme cellulase. Kết quả đánh giá khả năng phân hủy thịt vụn, cá vụn và rau cải thừa đã tuyển chọn được 6 dòng VK có tiềm năng là pAT3, pPT, pTVC3, cAT1, cTA1 và cCR. Năm dòng VK được định danh sử dụng phương pháp sinh học phân tử ở vùng gene 16S rRNA và xác định đến mức độ loài và 1 dòng chưa được định danh. Sáu dòng VK này giúp giảm mùi hôi của rác phân hủy và không ảnh hưởng đến sự sống sót và sinh trưởng của trùn quế trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Ước lượng mức sẵn lòng chi trả đối với phân sinh khối lỏng của nông hộ trồng cây ăn trái tỉnh Bến Tre

Huỳnh Việt Khải, Huỳnh Thị Đan Xuân, Trần Ngọc Xứng
Tóm tắt | PDF
Với mục tiêu hướng tới nông nghiệp bền vững bằng việc giảm liều lượng sử dụng phân bón hóa học, phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) được sử dụng trong nghiên cứu để đánh giá nhu cầu của người dân trồng cây ăn trái thông qua ước lượng mức sẵn lòng chi trả của họ đối với việc sử dụng phân sinh khối lỏng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Kết quả nghiên cứu cho thấy trên 60% đáp viên ủng hộ và đồng ý mua phân sinh khối lỏng được đề xuất với mức sẵn lòng chi trả hay mức giá khoảng 172.000 đồng/tấn. Những nông dân lớn tuổi, trình độ học vấn cao, và đã từng sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá khứ có xu hướng thích và sẵn sàng chi trả cao hơn cho phân sinh khối lỏng.

Theo dõi tác động của đê bao ngăn lũ lên hiện trạng canh tác lúa vùng Đồng Tháp mười năm 2000 và 2019 sử dụng ảnh viễn thám

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Huỳnh Thị Thu Hương, Phan Kiều Diễm, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Tấn Phát
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu nhằm theo dõi và đánh giá tác động của đê bao ngăn lũ lên hiện trạng canh tác lúa vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) năm 2000 và 2019. Phương pháp nghiên cứu sử dụng ảnh LANDSAT áp dụng thuật toán ảnh chỉ số khác biệt nước (NDWI) và trích rút đường bờ và bộ dữ liệu ảnh MODIS áp dụng chuỗi ảnh chỉ số thực vật (NDVI) và phân loại phi giám sát (ISODATA) trong 2 năm 2000 và 2019. Độ tin cậy kết quả phân loại ảnh khá cao với độ chính xác toàn cục >85% và hệ số Kappa >0,7 cho 2 năm 2000 – 2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích canh tác lúa trong vùng đê bao ngăn lũ đã tăng thêm khoảng 126.139,40 ha (19,36%). Vùng được bao đê ở ĐTM không còn canh tác lúa 1 vụ và hầu hết đã chuyển đổi sang canh tác 2 hoặc 3 vụ lúa và gia tăng lần lượt năm 2019 là 81.229,47 ha (39,18%) và 126.142,15 ha (60,82%) so với năm 2000. Vùng chuyển đổi nhiều nhất là huyện Tháp Mười và Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, huyện Mộc Hóa tỉnh Long An,  huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang.

Đánh giá sự tích lũy carbon trong đất rừng ngập mặn tại vườn quốc gia mũi Cà Mau

Lê Tấn Lợi, Nguyễn Ngọc Duy, Nguyễn Như Quỳnh, Nguyễn Xuân Hoàng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá sự tích lũy carbon trong đất rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia mũi Cà Mau. Mẫu đất được thu ở 5 tầng có độ dày đều nhau là 20 cm. Các chỉ tiêu được phân tích: dung trọng, pH, độ dẫn điện (EC), độ mặn, chất hữu cơ (CHC), hàm lượng carbon (C). Dung trọng biến động giảm dần theo độ sâu và không khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. pH giữa các tầng và 3 trạng thái rừng đều không khác biệt và nằm trong khoảng trung tính. EC có xu hướng tăng dần theo độ sâu và có khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. Độ mặn biến động không đều và tăng dần theo độ sâu, và có khác biệt giữa các tầng và giữa 3 trạng thái rừng. Chất hữu cơ biến động không đều, phần lớn có xu hướng giảm theo độ sâu. Hàm lượng carbon tích tụ giảm dần theo độ sâu và hầu hết không khác biệt giữa các độ sâu và 3 trạng thái rừng. Dung trọng và chất hữu cơ có tương quan chặt với hàm lượng carbon.

Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010-2020 từ góc nhìn cán bộ quản lý

Nguyễn Minh Thông, Trần Thúy Phượng, Phan Trung Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh hiện trạng sử dụng đất và chỉ tiêu trong hai kỳ kế hoạch sử dụng đất (2010-2015 và 2015-2020) nhằm đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010-2020. Mô hình phân tích EFA và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến giúp xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất thông qua thực hiện phỏng vấn điều tra với 100 cán bộ quản lý có chuyên môn trong lĩnh vực đất đai. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đất thành phố Cần Thơ giai đoạn 2010-2020 chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Có 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng tích cực đến quy hoạch sử dụng đất thành phố Cần Thơ theo góc nhìn cán bộ quản lý gồm: nhóm yếu tố thể chế, pháp lý, nhóm yếu tố xã hội, nhóm yếu tố kinh tế, nhóm yếu tố môi trường và nhóm các yếu tố khác. Trong thời gian tới, để quy hoạch sử dụng đất thành phố Cần Thơ hiệu quả, các nhà quản lý cần quan tâm: (i) hoàn thiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, (ii) tốc độ đô thị hóa để dự báo nhu cầu sử dụng đất, (iii) đào tạo cán bộ làm công tác quy hoạch.

Đánh giá độ phì nhiêu đất canh tác lúa trong và ngoài đê bao ngăn lũ ở nhóm đất có vấn đề của tỉnh An Giang

Trần Bá Linh, Trần Sỹ Nam, Huỳnh Công Khánh, Lâm Văn Hậu, Mitsunori Tarao
Tóm tắt | PDF
Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá tính chất vật lý, hóa học đất trong và ngoài đê bao ngăn lũ ở nhóm đất phèn ở Tri Tôn và đất phù sa cổ ở Tịnh Biên. Số lượng mẫu đất được thu ngẫu nhiên trên mỗi nhóm đất là 32 mẫu gồm: 16 mẫu trong đê (vùng lúa 3 vụ) và 16 mẫu ngoài đê (lúa 2 vụ). Kết quả nghiên cứu cho thấy việc canh tác lúa 3 vụ trong đê bao đã làm pH đất trong đê thấp hơn so với pH đất ngoài đê; EC của đất trong đê cao hơn so với EC của đất ngoài đê. Hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt trong đê (3 vụ lúa) cao hơn so với đất ngoài đê (2 vụ lúa). Từ đó dẫn đến khả năng trao đổi cation (CEC), đạm tổng số của đất trong đê cũng cao hơn so với đất ngoài đê, đặc biệt ở tầng đất mặt Ap. Trong khi đó, hàm lượng lân tổng số và kali tổng số khác biệt không có ý nghĩa thống kê ở cả hai điểm nghiên cứu. Độ nén dẽ của tầng đất Bg luôn cao hơn ở đất trong đê so với đất ngoài đê ở cả hai điểm nghiên cứu Tri Tôn và Tịnh Biên thể hiện qua độ xốp và hệ số thấm thấp, dung trọng và độ chặt của đất cao.

Đánh giá hiệu quả tài chính, xã hội, môi trường của mô hình canh tác lúa trong vùng đê bao trước và sau xả lũ tại huyện Tri Tôn, An Giang

Trần Sỹ Nam, Hồ Vũ Khanh, Nguyễn Thị Kim Hai, Hồ Minh Nhựt, Huỳnh Công Khánh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả tài chính, xã hội và môi trường trong vùng đê bao ở thời điểm trước và sau xả lũ, làm cơ sở đề xuất biện pháp quản lý lũ vùng đê bao hiệu quả tại huyện Tri Tôn, An Giang. Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích, thang đo Likert trong đánh giá số liệu. Các chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí đánh giá đất đai của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và các nghiên cứu đã được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sau xả lũ, trung bình năng suất lúa (6,4 tấn/ha) cao hơn trước xả lũ (5,6 tấn/ha); lợi nhuận 15,8 triệu đồng/ha/vụ cao hơn trước xả lũ 11,4 triệu đồng/ha/vụ; lượng phân bón, lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như tần suất sử dụng thuốc giảm so với trước xả lũ. Môi trường đất sau xả lũ được cung cấp thêm phù sa, dinh dưỡng và tăng nguồn lợi thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy canh tác lúa sau xả lũ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường so với trước xả lũ. Mô hình canh tác lúa sau xả lũ cho tổng số điểm 3 mục tiêu (kinh tế, xã hội và môi trường) lớn hơn thời điểm trước xả lũ với số điểm lần lượt là 0,96 và 0,86.

Đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn lên các mô hình canh tác nông nghiệp tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Nguyễn Hiếu Trung, Trần Thị Kim Hồng, Trần Nguyễn, Nguyễn Vũ Luân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác nông nghiệp của người dân vùng ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Số liệu được thu thập dựa trên phương pháp phỏng vấn trực tiếp 83 nông hộ và 12 cán bộ địa phương nhằm đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến các mô hình canh tác gồm: chuyên tôm, lúa – tôm, chăn nuôi và làm muối. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình chăn nuôi và lúa – tôm là hai mô hình chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xâm nhập mặn. Các mô hình chuyên tôm, làm muối không bị ảnh hưởng nhiều, do đó có thể thấy các mô hình này sẽ thích hợp canh tác trong điều kiện mặn kéo dài hơn so với các mô hình còn lại. Để giảm các tác động bất lợi của xâm nhập mặn, 60% nông hộ trong mô hình lúa – tôm được phỏng vấn lựa chọn chuyển mô hình canh tác sang nuôi tôm, 15% lựa chọn nghỉ vụ để hạn chế rủi ro và 25% nông hộ còn lại canh tác bình thường. Các mô hình khác không ảnh hưởng nhiều nên không có sự chuyển đổi. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất thích ứng với xâm nhập mặn để đảm bảo được nguồn sinh kế cho người dân địa phương, thích ứng với sự xâm nhập mặn có thể diễn biến phức tạp trong tương lai.

Đa dạng thành phần loài cỏ dại thủy sinh trong hệ sinh thái đồng ruộng ở tỉnh An Giang

Đặng Minh Quân, Lê Thành Nghề, Nguyễn Hoài Thanh, Phạm Thị Bích Thủy, Trần Sỹ Nam
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu cung cấp dữ liệu về các loài cỏ dại thủy sinh trong hệ sinh thái đồng ruộng ở tỉnh An Giang, làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng, quản lý và phòng trừ cỏ dại ở các ruộng lúa hiệu quả hơn. Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA, điều tra thực địa và thu mẫu cỏ dại thủy sinh tại 24 ô tiêu chuẩn ở 12 ruộng lúa thuộc 6 huyện, thành phố ở tỉnh An Giang, so sánh hình thái và phân loại mẫu cây, và phân tích thống kê. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 37 loài cỏ dại thủy sinh thuộc 33 chi của 20 họ trong 2 ngành thực vật. Chúng được xếp vào 4 nhóm dạng sống, trong đó, dạng sống trồi và dạng lá nổi chiếm ưu thế. Số loài có giá trị sử dụng là 33 loài, chiếm ưu thế là các loài dùng làm thuốc, làm rau ăn và làm thức cho ăn gia súc, gia cầm. Sự phong phú, đa dạng về thành phần loài được ghi nhận cao nhất ở vụ Đông - Xuân và các ruộng lúa được khảo sát ở huyện Tri Tôn. Tuy thành phần loài đa dạng nhưng chỉ có một số ít loài xuất hiện với tần suất cao (Nhóm D, E). Hầu hết các loài còn lại có tần suất xuất hiện rất thấp (Nhóm A). Mật độ cỏ dại thủy sinh cao nhất là ở vụ Hè Thu (trung bình là 15,67±0,34 chồi/m2) và ở các ruộng lúa được khảo sát thuộc huyện Châu Phú (trung bình là 25,96±0,45 chồi/m2). Sự phong phú, đa dạng về thành phần loài và mật độ của các loài cỏ dại...

Xác định và đánh giá các yếu tố tác động đến các mô hình canh tác tại tỉnh Bến Tre

Lê Tấn Lợi, Nguyễn Mai Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Duy, Mai Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định và đánh giá các yếu tố tác động đến các mô hình canh tác tại tỉnh Bến Tre. Phương pháp phân tích thứ bậc (AHP), kiểm định độ tin cậy (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis) được áp dụng để xác định các yếu tố, và phỏng vấn 9 chuyên gia để đánh giá sự tác động của các yếu tố. Kết quả đã xác định được 4 yếu tố chính và 16 yếu tố phụ. Trong các yếu tố chính, yếu tố con người có trọng số cao nhất, kế đến là chính sách, kinh tế và thấp nhất là điều kiện tự nhiên. Trong các yếu tố phụ về điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng do mặn có trọng số cao nhất và ảnh hưởng do đất có trọng số thấp nhất. Trong các yếu tố phụ về chính sách, chính sách sử dụng đất có trọng số cao nhất và hỗ trợ khoa học kỹ thuật là thấp nhất. Trong các yếu tố phụ kinh tế, khả năng tài chính có tác động cao nhất là khả năng tài chính nông hộ và thấp nhất là hiệu quả đồng vốn. Trong các yếu tố phụ con người, trình độ học vấn có trọng số cao nhất và thấp nhất là nguồn lực lao động. Đánh giá toàn cục cho thấy yếu tố trình độ học vấn, trình độ khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ tài chính và chính sách sử dụng đất có trọng số tác động cao nhất, còn thị trường, ảnh hưởng do lũ và ảnh hưởng do hạn là thấp nhất.

Hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả kinh tế của mô hình canh tác sầu riêng tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Thanh Giao, La Nguyễn Khiết Linh, Lâm Thị Kiều Trinh, Huỳnh Thị Hồng Nhiên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hiệu quả tài chính trong mô hình canh tác sầu riêng tại Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bằng phương pháp khảo sát thực địa và phỏng vấn trực tiếp 40 nông hộ trồng sầu riêng. Giống sầu riêng chủ yếu được trồng là Ri6, có giá trị kinh tế trong vụ nghịch cao hơn so với vụ chính; tuy nhiên, chi phí đầu tư trung bình trên 1 ha trong vụ nghịch cao gấp 1,66 lần so với vụ chính (đặc biệt là chi phí cho việc sử dụng thuốc BVTV). Các loại sâu bệnh xuất hiện chủ yếu là rầy nhảy, sâu đục trái, rệp sáp phấn, sâu ăn bông, cháy lá.  Kết quả nghiên cứu cũng đã ghi nhận được 33 hoạt chất thuốc BVTV được nông hộ sử dụng trong quá trình canh tác sầu riêng. Trong đó, các hoạt chất có độ độc từ nhóm II (trung bình) đến nhóm IV (rất nhẹ) theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO). Đặc biệt, hoạt chất acephate bị cấm sử dụng vào năm 2019; trong khi đó, chlorpyrifos ethyl và fipronil là các hoạt chất thuộc danh mục thuốc BVTV bị cấm sử dụng kể từ ngày 12/2/2021. Liều lượng thuốc BVTV được sử dụng cao gấp 1,5-2 lần so với khuyến cáo. Hơn nữa, các phương pháp xử lý bao bì thuốc BVTV được nông dân áp dụng bao gồm đốt, chôn lấp và trữ để bán là không đảm bảo an toàn. Nhìn chung, việc sử dụng thuốc BVTV và xử lý bao bì của thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và...

Bổ sung than sinh học trấu và tre làm giảm phát thải khí CH4 của đất ngập nước trong điều kiện phòng thí nghiệm

Trần Sỹ Nam, Hồ Vũ Khanh, Hồ Minh Nhựt, Nguyễn Hữu Chiếm
Tóm tắt | PDF
Bổ sung than sinh học vào đất được xem là một biện pháp trong cải tạo đất và giảm phát thải khí CH­4 từ ruộng lúa. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả giảm phát thải khí methane (CH4) của đất ngập nước khi bổ sung than sinh học trấu (RB) và tre (BB) trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 7 nghiệm thức gồm hai loại than sinh học là trấu và tre với 3 tỷ lệ than sinh học được bổ sung là 0,1, 0,2 và 0,5% (tính theo trọng lượng than sinh học trên trọng lượng đất) và nghiệm thức đối chứng (không có than sinh học). Kết quả đo đạc cho thấy trong điều kiện đất ngập nước, cường độ phát thải khí CH4 mạnh nhất từ 7-10 ngày sau khi bắt đầu thí nghiệm (với mức phát thải tương ứng 58,2 - 87,9 µg/kg/ngày). Than sinh học được bổ sung vào đất trong điều kiện ngập nước làm giảm phát thải CH4 từ 21,9 đến 49,6% và 27,5 – 42,5% tương ứng với tỷ lệ bổ sung than từ 0,2 đến 0,5% (lần lượt cho than trấu và than tre). Than sinh học trấu bổ sung ở tỷ lệ 0,5% có mức giảm 49,64% tổng phát thải khí CH4 so với nghiệm thức đối chứng. Nghiên cứu cần thực hiện trong điều kiện đồng ruộng để đánh giá tác động của việc bổ sung than trong điều kiện thực tế.

Đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng môi trường đất ở các mô hình canh tác vùng nước ngọt vào mùa mưa tại huyện Cù Lao Dung – tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Dương Minh Truyền, Lý Văn Lợi, Trương Hoàng Đan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để so sánh một số chỉ tiêu về chất lượng môi trường đất của các mô hình canh tác ở vùng nước ngọt tại xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhằm cung cấp thêm thông tin cho công tác qui hoạch sử dụng đất nông nghiệp của địa phương cũng như hỗ trợ người dân trong việc xây dựng kế hoạch chăm sóc mô hình canh tác hiệu quả. Mẫu đất được thu ở bốn mô hình canh tác chiếm diện tích lớn trong khu vực (ao tôm thẻ chân trắng, vườn dừa, vườn nhãn và vườn xoài). Nghiên cứu được tiến hành trong mùa mưa do đây là thời điểm người dân bắt đầu mùa vụ mới. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá trị EC đất ghi nhận được ở ngưỡng trung bình (0,889 - 4,32 dS/m), giá trị pH đất nằm trong khoảng 4,5 – 5,5 được đánh giá là đất chua. Các chỉ tiêu như đạm tổng số (0,133 – 0,168%) và kali tổng số (0,15 - 0,20%) đều ở mức trung bình – khá, giá trị trung bình lân tổng (0,044 - 0,053%) trong đất thấp. Cần có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp cho vùng đất chua bị nhiễm mặn để gia tăng năng suất, thu nhập cho người dân ở khu vực nghiên cứu.

Đa dạng thực vật nổi trong và ngoài đê bao khép kín xã vọng đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

Huỳnh Công Khánh, Dương Trí Dũng, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Công Thuận, Nguyễn Hữu Chiếm, Nguyễn Văn Công
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự đa dạng của thực vật nổi trong và ngoài đê bao khép kín xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Mẫu thực vật nổi được thu 02 đợt trong năm 2019 vào thời điểm mùa khô (tháng 04) và mùa mưa (tháng 10) với tổng cộng 30 vị trí/đợt. Kết quả nghiên cứu đã xác định được số loài trong đê (42 loài) thấp hơn ngoài đê (74 loài) ở mùa khô, nhưng vào mùa mưa thì số loài trong đê (113 loài) cao hơn ngoài đê (101 loài). Trong đê thì ngành tảo khuê và tảo mắt chiếm ưu thế và ngoài đê thì tảo lục và tảo mắt chiếm ưu thế. Mật độ thực vật nổi trong đê thấp hơn ngoài đê, mật độ ghi nhận được trong đê mùa khô 4.980 ct/L và ngoài đê 13.943 ct/L; và mùa mưa mật độ là 11.540 ct/L và 13.550 ct/L. Chỉ số Shannon-Weiner (H') trong đê dao động từ 1,22-3,55 và ngoài đê dao động từ 1,27-3,58. Chất lượng nước tại các vị trí thu mẫu được đánh giá từ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm nặng. Nhìn chung, việc bao đê ở vùng nghiên cứu đã làm giảm số loài và số lượng thực vật nổi về lâu dài sẽ làm mất đi một lượng phân hữu cơ cho đất.    

Thực trạng phát sinh rác thải nhựa trong trường học - nghiên cứu điển hình tại Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Công Thuận, Nguyễn Trường Thành, Huỳnh Công Khánh, Nguyễn Xuân Hoàng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định thực trạng phát sinh rác nhựa và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh rác nhựa tại Trường Đại học Cần Thơ. Loại rác thải nhựa, loại nhựa trong rác thải nhựa phát sinh từ các phòng học và trong khuôn viên trường đã được khảo sát từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Điều tra về sử dụng sản phẩm nhựa và biện pháp giảm phát sinh rác nhựa được thực hiện bằng cách phỏng vấn cán bộ (n = 108), người học (n = 600) và người kinh doanh dịch vụ (n = 15). Kết quả cho thấy về khối lượng, rác nhựa chiếm 11,4% tổng khối lượng rác và nhựa LDPE phát sinh nhiều nhất (44,3%) trong khuôn viên trường. Túi nhựa loại LDPE phát sinh nhiều nhất từ phòng học, chiếm 31,9% tổng số loại rác thải nhựa. Hầu hết (80%) các đơn vị kinh doanh không phân loại sản phẩm nhựa sau sử dụng để tái chế hay bán phế liệu. Sự hạn chế công tác tuyên truyền, sự tiện lợi của sản phẩm nhựa và việc phân loại rác nhựa chưa tốt là các khó khăn chính trong việc hạn chế phát sinh rác nhựa. Tổng hợp các biện pháp gồm: tuyên truyền, phân loại rác, khen thưởng và chế tài (trừ điểm rèn luyện người học), nghiên cứu mô hình tái chế rác nhựa cần được tiến hành để hạn chế phát sinh rác nhựa.

Đánh giá lý – hóa tính đất trồng lúa trong và ngoài đê bao khép kín huyện Phú Tân, tỉnh An Giang

Trần Sỹ Nam, Huỳnh Công Khánh, Huỳnh Văn Thảo, Nguyễn Công Thuận
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại xã Phú Xuân (khu vực trong đê bao khép kín) và Hiệp Xương (khu vực ngoài đê bao khép kín), huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với mục tiêu đánh giá tính chất đất giữa trong đê và ngoài đê bao khép kín. Mẫu đất được thu tại (i) 15 điểm trong đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 10/2018 và (ii)15 điểm ngoài đê với 2 đợt thu mẫu vào tháng 2/2018 và tháng 8/2018. Mẫu đất được thu theo phương pháp tổ hợp gồm 5 mẫu đất (tầng 0-20 cm) để phân tích dung trọng, tỷ trọng, độ xốp, sa cấu đất, pH, độ dẫn điện, chất hữu cơ, khả năng trao đổi cation (CEC), tổng đạm, tổng lân, tổng kali và nitrate (NO3-N). Kết quả nghiên cứu đã cho thấy pH, dung trọng, tỷ trọng và độ xốp không có sự khác biệt giữa trong đê và ngoài đê, ngoại trừ độ dẫn điện thì trong đê cao có ý nghĩa so với ngoài đê. Các thông số như hàm lượng chất hữu cơ, CEC, tổng đạm và tổng lân trong đê có giá trị cao hơn ngoài đê với các giá trị lần lượt: chất hữu cơ (8,67% và 5,49%), CEC (26,1 cmol kg-1 và 20,7 cmol kg-1), tổng đạm (0,32 %N và 0,25 %N) và tổng lân (0,19 %P2O5 và 0,14 %P2O5). Thông số NO3-N cũng cho thấy được giá trị trong đê (1,74 mg kg-1) cao hơn ngoài đê (1,52 mg kg-1) nhưng không có khác biệt (p>0,05). Tương tự, hàm lượng tổng kali không khác biệt giữa trong đê (1,33%) và ngoài đê (1,32%). Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân trong đê cao hơn ngoài đê.

Phân tích thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm cải thảo nhãn hiệu sinh thái: Trường hợp nghiên cứu tại thành phố Cần Thơ

Trần Trung Tín, Huỳnh Việt Khải, Trần Thị Thu Duyên, Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Tóm tắt | PDF
Phương pháp thực nghiệm lựa chọn (CE) được sử dụng trong nghiên cứu này để xác định thị hiếu của người tiêu dùng thành phố Cần Thơ đối với các thuộc tính của cải thảo nhãn hiệu sinh thái. Kết quả cho thấy rằng đáp viên sẵn lòng chi trả cho cải thảo có nhãn hiệu “Cải thảo hữu cơ” khoảng 15.000 đồng/kg, khoảng 12.000 đồng/kg cho “Cải thảo xanh”, và khoảng 10.000 đồng/kg cho nhãn hiệu “Cải thảo an toàn”. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đồng ý chi trả thêm khoảng 14.000 đồng/kg cho cải thảo có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Sử dụng đất phèn tiềm tàng nung hấp phụ lân trong nước thải sau túi ủ biogas

Nguyễn Hữu Chiếm, Phạm Ngọc Thoa, Phạm Văn Toàn, Nguyễn Xuân Lộc, Tăng Lê Hoài Ngân, Trương Thị Phiên , Huỳnh Thị Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sử dụng vật liệu đất phèn tiềm tàng nung hấp phụ lân trong nước thải sau túi ủ biogas được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm. Hai thí nghiệm đều được bố trí ngẫu nhiên, 5 lần lặp lại: thí nghiệm 1 sử dụng loại đất phèn nung trong điều kiện có oxy và thí nghiệm 2 sử dụng đất phèn nung trong điều kiện không oxy. Khối lượng đất của mỗi loại được sử dụng gồm: 0 g, 5 g, 7,5 g, 10 g, 12,5 g và 15 g. Thời gian phản ứng ở cả hai thí nghiệm là 30 phút. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đất phèn tiềm tàng nung không có oxy, hiệu suất hấp phụ khá cao, đạt 98,96% ở nghiệm thức 7,5 g. Trong khi đất phèn tiềm tàng nung có oxy cũng đạt hiệu suất cao nhất ở nghiệm thức 7,5 g đất, nhưng có hiệu suất hấp phụ thấp hơn (86,92 %) so với đất nung không oxy. Kết luận, có thể sử dụng đất phèn tiềm tàng nung trong điều kiện không oxy để hấp phụ lân trong nước thải biogas là tốt nhất.

Ảnh hưởng của biochar và phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học lên một số đặc tính sinh học, hóa học đất trong mô hình chuyên lúa vụ Đông Xuân tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng

Đỗ Thị Xuân, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Phúc Tuyên, Nguyễn Phạm Anh Thi, Cao Thị Mỹ Tiên, Phan Thị Kim Ba, Mitsunori Tarao, Bùi Thị Minh Diệu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của vật liệu hữu cơ lên quần thể vi sinh vật, sự phát thải khí methane và một số đặc tính dinh dưỡng đất theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa tại huyện Trần Đề. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với ba nghiệm thức (NT) (n=3). Kết quả thí nghiệm cho thấy NT2-Biochar hoặc NT3-bổ sung phân gà (PHC) giúp gia tăng mật số nấm tổng số, vi khuẩn tổng số, nhóm vi khuẩn phân hủy cellulose, cố định đạm, hòa tan lân cao hơn so với NT1-khuyến cáo (KC). Hàm lượng chất hữu cơ, P dễ tiêu, Pts trong đất ở NT2-Biochar đạt cao hơn so với các NT còn lại. Tổng lượng khí CH4 phát thải từ NT2-Biochar đạt thấp hơn so với các NT còn lại. Tuy nhiên năng suất lúa của các NT khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Kết quả của nghiên cứu cho thấy việc bổ sung biochar hoặc phân gà kết hợp với phân vô cơ theo khuyến cáo giúp gia tăng quần thể vi sinh vật có lợi, giúp cải thiện một số tính chất đất trồng lúa chuyên canh và bổ sung biochar giúp giảm lượng khí CH4 phát thải trong vụ Đông Xuân 2018-2019.

Đánh giá thực trạng khô hạn tại tỉnh Bến Tre

Mai Xuân, Lê Tấn Lợi
Tóm tắt | PDF
Điều kiện khô hạn trong giai đoạn 2015 - 2019 được đánh giá trong nghiên cứu nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Các dữ liệu về điều kiện thời tiết được thu thập tại Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre; phương pháp nội suy IDW (Inverse Distance Weighted) được áp dụng để xây dựng bản đồ khô hạn; mức độ ảnh hưởng của khô hạn được đánh giá dựa vào chỉ số SPI (Standardized Precipitation Index). Kết quả nghiên cứu cho thấy Bến Tre có 4 vùng hạn theo các mức độ nặng, trung bình, nhẹ và không hạn. Mức độ hạn nặng và trung bình cao nhất năm 2015, 2016; các năm còn lại hạn ở mức nhẹ. Tuy nhiên, diện tích khô hạn năm 2019 là cao nhất và giảm dần theo năm 2017, 2016, 2015, 2018. Khô hạn đã và đang ảnh hưởng đến các mô hình canh tác nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre. Vì vậy, nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của khô hạn đến sản xuất nông nghiệp, có những định hướng sử dụng đất hợp lý và bền vững trong điều kiện ở tỉnh Bến Tre là cần thiết.

Tái sử dụng ống hút nhựa làm giá thể trong bể lọc sinh học ngập nước để xử lý nước thải sinh hoạt

Kim Lavane, Nguyễn Trường Thành, Phạm Văn Toàn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng sử dụng ống hút nhựa làm giá thể trong bể lọc sinh học (LSH) ngập nước để xử lý nước thải sinh hoạt. Ống hút nhựa đã qua sử dụng được thu thập và tạo thành khối hình trụ có chiều dài 2,5 cm và đường kính 1,8 cm làm giá thể cho vi sinh vật phát triển thành màng sinh học. Hai mô hình bể LSH được thiết kế giống nhau có kích thước DxRxC là 0,15 m x 0,15 m x 1,2 m. Tổng chiều cao giá thể (0,7 m) được giữ cố định và ngập hoàn toàn trong nước thải, cách đáy bể và mặt thoáng lần lượt 0,25 m. Hai bể LSH được vận hành song song với một bể cấp không khí liên tục có thời gian lưu nước (HRT) lần lượt 5 giờ và 6 giờ và bể còn lại không cấp không khí có HRT lần lượt 6 giờ và 8 giờ. Kết quả thí nghiệm cho thấy nồng độ các chỉ tiêu TSS, BOD5, COD, N-NO3-, TP, P-PO43- đầu ra của hai bể trong nghiên cứu này đều đạt loại A QCVN 14:2008/BTNMT ngoại trừ chỉ tiêu N-NH4+. Khi HRT của bể LSH có cấp không khí kéo dài 6 giờ thì hiệu suất xử lý tăng và chỉ tiêu N-NH4+ đạt loại B QCVN 14:2008/BTNMT. Bể LSH không cấp không khí có hiệu suất xử lý N-NO3- cao hơn bể có cấp không khí nhưng đối với các chỉ tiêu khác thì ngược lại. Nhìn chung, ống hút nhựa đã qua sử dụng có thể tái sử dụng để làm giá thể vi sinh trong LSH ngập nước để xử lý nước thải sinh hoạt.

Phân tích hiệu quả tài chính và chuỗi giá trị phế liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Khổng Tiến Dũng, Huỳnh Thị Đan Xuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này phân tích các chỉ số tài chính và chuỗi giá trị phế liệu để đo lường hiệu quả của hoạt động thu mua phế liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm làm luận cứ khoa học đề xuất các giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt có hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy công việc thu mua đem lại lợi nhuận khá cao cho tác nhân trong chuỗi. Tuy nhiên, nhận thức về an toàn và mức độ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản của họ chưa cao. Sơ đồ chuỗi giá trị thu mua phế liệu cho thấy hoạt động này khá đa dạng, tùy thuộc vào biến động mức giá mà các kênh cụ thể sẽ có hiệu quả hơn. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách nhằm cải thiện chuỗi giá trị phế liệu, nâng cao thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị phế liệu và giải pháp quản lý phế liệu được đề xuất bao gồm tuyên truyền, tiếp cận tín dụng, trợ giá sản phẩm thu mua và hỗ trợ tiếp cận y tế sẽ giúp các kênh thu mua phát triển hiệu quả.

Đánh giá hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ của vi khuẩn tồn trữ trong các chất mang

Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Thiện Mỹ, Cao Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Thị Cẩm Hơn, Nguyễn Hoàng Hậu, Nguyễn Phạm Anh Thi, Bùi Thị Minh Diệu, Võ Dương Lan Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng duy trì mật số và hoạt tính của ba dòng vi khuẩn (VK) chức năng được tồn trữ trong bốn loại chất mang và hiệu quả xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ sau thời gian tồn trữ. Mật số và hoạt tính của các dòng VK được khảo sát  thời gian tồn trữ. Chế phẩm thử nghiệm gồm các VK tồn trữ hiệu quả trong các chất mang được sử dụng để đánh giá hiệu quả phân hủy rác thải hữu cơ. Sau 6 tháng tồn trữ, chất mang xơ dừa giúp duy trì mật số tốt nhất cho dòng pTVC3, cAT1 và chất mang cám gạo thích hợp với dòng aCR1 với mật số VK trên 7 log CFU/g chất mang. Hoạt tính enzyme của ba dòng VK vẫn được duy trì sau 6 tháng. Nghiệm thức chế phẩm thử nghiệm cho hiệu quả phân hủy rác thải sinh hoạt hữu cơ đạt 80% ở 3 ngày sau ủ. Sản phẩm từ rác thải sau khi phân hủy đạt tiêu chuẩn Việt Nam về mùi, độ an toàn và chất lượng của phân hữu cơ.

Nghiên cứu nhu cầu gạo an toàn của người dân tại thành phố Cần Thơ

Huỳnh Việt Khải, Võ Thành Danh, Nguyễn Nhật Tâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích nhận thức và xác định nhu cầu của người dân thành phố Cần Thơ đối với sản phẩm gạo an toàn thông qua mức sẵn lòng chi trả được ước lượng bằng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên giới hạn kép (DBDC CVM). Kết quả cho thấy đa số đáp viên nhận thức được lợi ích của nông nghiệp hữu cơ và những tồn tại các vấn đề về an toàn thực phẩm hiện nay. Đáp viên sẵn lòng chi trả cho gạo an toàn khoảng 22.500 đồng/kg, cao hơn 75% so với mức giá thường được đưa ra ban đầu (13.000 đồng/kg). Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những đáp viên có nghề nghiệp là kinh doanh tự do, có trình độ học vấn hoặc thu thập càng cao thì khả năng chi trả cho gạo an toàn nhiều hơn.

Ảnh hưởng tưới nước sông nhiễm mặn lên sinh trưởng và năng suất của hai giống mè đen (Sesamum indicum L.)

Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Đặng Thị Thu Trang, Huỳnh Trần Lan Vi, Phạm Việt Nữ, Đặng Hữu Trí, Vũ Thị Xuân Nhường, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Ngô Thụy Diễm Trang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tính chịu mặn của hai giống mè vỏ đen ADB1 và hai vỏ Bình Thuận khi tưới nước sông nhiễm mặn 2-4‰ và đánh giá khả năng nhiễm mặn trong đất lúa khi canh tác cây mè và tưới nước sông nhiễm mặn. Thí nghiệm sử dụng nước ót pha với nước sông để có nồng độ mặn xác định bằng khúc xạ kế là 2 và 4‰ (nghiệm thức 0‰ là nghiệm thức đối chứng, nước sông không pha nước ót). Thí nghiệm thực hiện trong điều kiện nhà lưới, được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, 3 lần lặp lại với 2 nhân tố bao gồm (1) là loài cây: không cây, giống mè ADB1 và giống mè 2 vỏ Bình Thuận; nhân tố (2) là 3 nồng độ tưới mặn là 0, 2 và 4‰. Kết quả sau khi tưới mặn 14 ngày (tổng 2,5 L nước mặn/chậu đất 6 kg) và tưới nước sông đến khi kết thúc thí nghiệm cho thấy, với nồng độ mặn trong nước tưới 4‰ cho thấy đất đã tích lũy mặn (ECe >4 mS/cm), được xem là đất nhiễm mặn. Tuy nhiên, do thời gian nhiễm mặn ngắn, 14 ngày, nên tưới mặn ở mức 4‰ chưa ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của hai giống mè nghiên cứu, như chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối tươi rễ, số trái, sinh khối hạt và trọng lượng 1.000 hạt.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hình thái của cá thòi lòi vạch Periophthalmus gracilis Eggert, 1935

Đinh Minh Quang, Nguyễn Thị Thuý Hiền, Nguyễn Hữu Đức Tôn, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu cung cấp thông tin về sự tác động của một số nhân tố đến đặc điểm hình thái của cá thòi lòi vạch (Periophthalmus gracilis), một loài cá phân bố ở vùng bãi bồi ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Mẫu cá được thu tại bốn khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, định kỳ một lần/tháng, từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021. Kết quả phân tích 486 cá thể cho thấy khối lượng toàn thân (TW) của cá biến động theo giới tính và theo địa điểm, trong khi chiều dài toàn thân (TL) của cá dao động không có ý nghĩa thống kê theo các yếu tố này. Sự tương tác của mùa vụ ´ địa điểm có sự tác động làm thay đổi các giá trị của khối lượng toàn thân cá. Các thông số khác của cá như chiều cao thân (BH), chiều dài đầu (HL), khoảng cách giữa hai mắt (ED), đường kính mắt (DE) không thay đổi theo mùa vụ và giới tính, nhưng thay đổi theo địa điểm. Bên cạnh đó, các tỉ lệ như HL/TL, BH/TL, ED/HL và DE/HL đều có sự biến đổi theo điểm nghiên cứu và không thay đổi theo mùa và giới tính. Tất cả các thông số hình thái và hầu hết các tỉ lệ hình thái của loài cá này đều không chịu tác động của mùa vụ ´ giới tính, mùa vụ ´ địa điểm, giới tính ´ địa điểm. Kết quả của nghiên cứu này nhằm bổ sung thông tin cho việc phân loại và sự hiểu biết về khả năng thích nghi sinh thái đối với loài cá này.

Đánh giá các yếu tố tác động đến chuyển đổi các loại hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Võ Thị Phương Linh, Nguyễn Hiếu Trung, Nguyễn Hồng Trang, Nguyễn Ngọc Trúc Thanh, Võ Quốc Thành
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường và tự nhiên dẫn đến sự chuyển đổi các loại hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020. Bốn mươi hộ dân và 09 cán bộ địa phương đã được phỏng vấn để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến quyết định chuyển đổi loại hình sản xuất của nông hộ. Phương pháp thống kê mô tả, chuyển đổi định tính sang định lượng và phân tích đa thứ bậc được sử dụng để xử lý và phân tích số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba xu hướng chuyển đổi chính bao gồm: (1) từ mô hình chuyên lúa sang chuyên tôm, (2) từ mô hình chuyên lúa sang lúa – tôm và (3) từ mô hình lúa – tôm sang chuyên tôm. Việc thay đổi loại hình sản xuất được quyết định do năm yếu tố chính xếp hạng lần lượt là  (i) lợi nhuận, (ii) xu hướng cộng đồng, (iii) xâm nhập mặn, (iv) chi phí và (v) thời tiết. Các yếu tố này có quyết định đến 87,81% quyết định chuyển đổi loại hình sản xuất của nông hộ.

Ảnh hưởng của biochar và kỹ thuật quản lý nước lên một số đặc tính hóa học và sinh học đất cuối vụ lúa tại quận Bình Thủy-thành phố Cần Thơ

Đỗ Thị Xuân, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Hữu Chiếm, Nguyễn Quốc Khương, Phạm Thị Hải Nghi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của biochar và kỹ thuật quản lý nước lên một số đặc tính hóa học và sinh học đất cũng như năng suất lúa vụ Đông Xuân sớm 2019 – 2020 tại Bình Thủy, Cần Thơ. Thí nghiệm đồng ruộng được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên với tổng cộng 6 nghiệm thức (n=3) từ hai nhân tố bao gồm loại biochar và kỹ thuật quản lý nước. Kết quả phân tích cho thấy bổ sung biochar hoặc quản lý nước tưới và sự kết hợp của biochar và quản lý nước giúp gia tăng giá trị pH đất, tăng hàm lượng chất hữu cơ trong đất, giảm EC, ảnh hưởng sự hiện diện của nấm rễ nội cộng sinh (AM) và mật số vi khuẩn khòa tan lân. Mật số vi khuẩn tổng số, mật số nấm tổng số, nhóm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân hủy cellulose và năng suất lúa ở các nghiệm thức chưa thể hiện sự khác biệt so với nghiệm thức đối chứng không bổ sung biochar cũng như trong kỹ thuật quản lý nước.

Nghiên cứu mức sẵn lòng trả cho dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cách tiếp cận tham số và phi tham số

Huỳnh Thị Đan Xuân, Khổng Tiến Dũng, Huỳnh Việt Khải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm ước lượng mức sẵn lòng trả của người dân ở khu vực đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp cận bằng phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent Valuation Method – CVM) dựa theo hai cách ước lượng tham số và phi tham số. Nghiên cứu cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sẵn lòng trả bằng hàm Logit. Kết quả phân tích từ thu thập ngẫu nhiên 400 quan sát từ ba thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy người dân sẵn lòng chi trả từ 86.000 đồng đến 110.000 đồng/tháng/hộ lần lượt đối với phương pháp phi tham số và tham số. Kết quả xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chi trả cho sự cải thiện chất lượng của dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt gồm mức phí, hộ có phân loại chất thải rắn sinh hoạt, hộ có ý định ủng hộ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu nhập hàng tháng của đáp viên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận là nhỏ từ đó tăng tính tin cậy của kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, để khuyến khích người dân tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức và khuyến khích các hộ có thu nhập cao hơn tham gia trước.

Phân loại đất đô thị sử dụng các ảnh chỉ số từ ảnh vệ tinh Sentinel-2 - Trường hợp nghiên cứu tại thành phố Long Xuyên, thành phố Cà Mau và quận Ninh Kiều

Nguyễn Tấn Lợi, Võ Quốc Tuấn
Tóm tắt | PDF
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh so với tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước, vì thế việc cung cấp các thông tin về đất đô thị kịp thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giám sát và quản lý đô thị. Công nghệ viễn thám đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là công cụ hữu hiệu trong việc giám sát và quản lý đô thị. Có rất nhiều chỉ số được sử dụng trong viễn thám để phân loại đất đô thị (NDBI, NBI và IBI), tuy nhiên, mỗi chỉ số đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Mục tiêu của nghiên cứu là so sánh về độ tin cậy của các chỉ số phân loại đất đô thị bằng ảnh vệ tinh Sentinel-2, từ đó đề xuất các chỉ số có độ chính xác cao để ứng dụng vào phân loại đất đô thị. Phương pháp phân loại được sử dụng dựa trên đối tượng (object-based approach), dựa trên các chỉ số: NDBI, NBI và IBI để phân loại đất đô thị tại thành phố Long Xuyên, thành phố Cà Mau và Quận Ninh Kiều. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp phân loại đất đô thị dựa trên chỉ số IBI, NDBI và NBI có độ tin cậy đạt tiêu chuẩn phân loại, trong đó chỉ số IBI có độ tin cậy cao nhất. Do đó, việc sử dụng chỉ số IBI để phân loại đất đô thị, đặc biệt là các đô thị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng ảnh Sentinel-2 được đề xuất.

Đánh giá một số chỉ tiêu nước mặt ở các mô hình canh tác tại Cù Lao Dung - Sóc Trăng

Nguyễn Ngọc Bảo Châu, Dương Minh Truyền, Lý Văn Lợi, Trương Hoàng Đan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số chỉ tiêu về chất lượng nước mặt ở các mô hình canh tác nông nghiệp điển hình vùng thượng nguồn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, góp phần cung cấp thông tin cho các quyết định canh tác nông nghiệp tại địa phương. Các thông số chất lượng nước mặt được đánh giá bao gồm pH, oxy hòa tan (DO), nhiệt độ (℃), độ dẫn điện (EC), độ mặn, BOD520, tổng đạm và tổng lân. Mẫu nước được thu tại bốn mô hình sản xuất đại diện tại khu vực nghiên cứu là ao tôm (tôm thẻ chân trắng), vườn nhãn, vườn xoài và vườn dừa trong mùa mưa (10/2019) và mùa khô (3/2020). Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nước tại khu vực nghiên cứu được đánh giá là đáp ứng được cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo QCVN08:2015/BTNMT (cột B1). Tuy nhiên, độ mặn trong nước mặt vào mùa khô cao (2,8 – 3,3 ppt) có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của các mô hình trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, hàm lượng BOD520 ­trong mô hình nuôi tôm vào mùa khô cần được kiểm soát nhằm hạn chế các ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng môi trường nước khi xả thải ra môi trường xung quanh.

Loại bỏ chlorpyrifos ethyl trong nước bằng than sinh học trấu

Trần Đức Thạnh, Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Hữu Chiếm, Nguyễn Văn Công
Tóm tắt | PDF
Than sinh học trấu được sản xuất ở 500oC, 700oC và 900oC được sử dụng trong nghiên cứu để hấp phụ chlorpyrifos ethyl (CE) trong nước. Ba nghiệm thức than và đối chứng (không than) được bố trí với 3 lần lặp lại. Ở mỗi lần lặp lại, 1 g than được cho vào 200 mL dung dịch CE và lắc ở tốc độ 125 vòng/phút trong 60, 120, 180 và 300 phút. Sau đó, dung dịch được lọc qua giấy lọc rồi trữ để phân tích CE còn lại trong nước bằng phương pháp sắc ký. Kết quả cho thấy than sinh học trấu có khả năng hấp phụ CE nhanh trong 60 phút đầu, sau đó giảm dần và bão hòa ở 120 phút trong điều kiện lắc. Trung bình khả năng hấp phụ CE của than trấu được sản xuất ở 500oC, 700oC và 900oC trong 300 phút lần lượt là 303,4±24,10 µg/g, 328,59±1,47 µg/g và 323,68±3,82 µg/g. Nghiên cứu khả năng hấp phụ của than này đối với một số thuốc khác là cần thiết để đưa ra khả năng ứng dụng của than sinh học trấu trong hấp phụ thuốc bảo vệ thực vật.

Mô hình hóa sự thay đổi sử dụng đất dựa trên lựa chọn đa tiêu chí: Trường hợp nghiên cứu ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Trương Chí Quang, Nguyễn Thị Kim Loan, Lê Vũ Bằng, Phạm Thanh Vũ, Nguyễn Hồng Thảo
Tóm tắt | PDF
Sự thay đổi hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp đặt ra cho công tác quản lý đất đai nhiều thách thức trong việc đảm bảo thực hiện các kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Bài viết nhằm xây dựng mô hình mô phỏng sự thay đổi sử dụng đất dưới tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Phương pháp xây dựng mô hình dựa trên tiếp cận mô hình hóa đa tác tử (agent-based modeling) trên phần mềm GAMA. Trong đó quá trình ra quyết định sử dụng đất dựa trên phân tích đa tiêu chí với các tiêu chí chính bao gồm gồm tỷ lệ kiểu sử  dụng đất ở các ô lân cận, thích nghi đất đai, lợi nhuận và mức độ thuận lợi khi chuyển từ kiểu hiện tại sang loại khác. Dữ liệu đầu vào để mô phỏng là bản đồ sử dụng đất các năm 2010, 2015 và 2020 của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được mô hình mô phỏng sự thay đổi sử dụng đất nông nghiệp và đã được hiệu chỉnh bản đồ sử dụng đất năm 2015 (với Kappa = 0,71). Mô hình đã được kiểm chứng với bản đồ sử dụng đất năm 2020 với tỷ lệ sai số mô phỏng (nRMSE) là 5,2%. Kết quả mô phỏng cho thấy đất lúa có xu hướng chuyển đổi sang đất trồng lúa - rau màu, chuyên màu, cây ăn quả lâu năm để thích ứng với điều kiện khí hậu năm 2030. Từ kết quả nghiên cứu đã cho thấy mô hình là một công cụ hiệu quả giúp người quản lý đất đai và nông dân xây dựng kế hoạch sử dụng đất.

Ảnh hưởng của marshal 200SC đến cholinesterase và tăng trưởng cá mè vinh (Barbonymus gonionotus)

Nguyễn Văn Công, Huỳnh Thị Diễm, Trần Thị Thanh Xuân, Trần Sỹ Nam, Bùi Thị Bích Hằng
Tóm tắt | PDF
Marshal 200SC chứa carbosulfan 200g/L được sử dụng trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Carbosulfan có cơ chế gây hại cho sinh vật qua ức chế cholinesterase (ChE). Cá mè vinh (Barbonymus gonionotus) sống ở nhiều thủy vực và được nuôi xen canh trong mô hình lúa - cá nên có nhiều nguy cơ tiếp xúc và bị ảnh hưởng do sử dụng thuốc này. Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng ở nồng độ dưới ngưỡng gây chết của Marshal 200SC đến ChE và tăng trưởng của loài cá này. Ba nồng độ Marshall 200SC (1, 10 và 20%LC50-96 giờ) được triển khai trong điều kiện phòng thí nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của thuốc đến ChE trong 96 giờ và đến tăng trưởng cá trong 60 ngày. Kết quả cho thấy Marshal 200SC chứa carbosulfan 200g/L có độ độc cấp tính cao đối với cá mè vinh cỡ giống, giá trị LC50-96 giờ của thuốc đối với loài cá này là 1,375 ppm (# 0,275 mg/L carbosulfan). Thông số ChE trong não cá mè vinh nhạy cảm với Marshal 200SC hơn các thông số tăng trưởng. Ở nồng độ 1%LC50-96 giờ, thuốc đã làm ức chế 18,4% hoạt tính ChE; trong khi ở nồng độ 20%LC50-96 giờ, thuốc làm FCR và FI tăng lần lượt bằng 129,6% và 116,7% đối chứng nhưng SGR giảm còn 74,5% đối chứng. Nghiên cứu ảnh hưởng của Marshal 200SC đến cá ở điều kiện ruộng lúa là cần được triển khai.

Đánh giá hiện trạng canh tác và hiệu quả tài chính của canh tác lúa trong và ngoài đê bao ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên - tỉnh An Giang

Trần Bá Linh, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Thị Hồng Điệp, Lâm Văn Hậu
Tóm tắt | PDF
Quá trình canh tác lâu dài trong vùng đê bao (không xả lũ), hiệu quả sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng canh tác và hiệu quả tài chính của việc canh tác lúa trong và ngoài đê bao ở vùng đất phèn và đất phù sa cổ của tỉnh An Giang. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn và xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Tại mỗi huyện phỏng vấn ngẫu nhiên 60 nông hộ có hoạt động sản xuất  lúa trong và ngoài đê bao. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng chi phí bình quân sản xuất một vụ lúa của mô hình lúa 3 vụ trong đê bao cao hơn có ý nghĩa thống kê so với mô hình lúa 2 vụ ngoài đê ở cả 2 điểm nghiên cứu Tri Tôn và Tịnh Biên, trong đó chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là cao nhất. Chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vùng canh tác lúa 3 vụ (trong đê) cao gấp 1,48 lần tại Tri Tôn và 1,15 lần tại Tịnh Biên so với vùng canh tác lúa 2 vụ (ngoài đê). Tổng lợi nhuận bình quân 1 vụ lúa của mô hình canh tác lúa 2 vụ cao hơn mô hình canh tác lúa 3 vụ tại Tri Tôn là 3.410.822 đồng/ha/vụ, và Tịnh Biên là 2.867.819 đồng/ha/vụ.

Ảnh hưởng của pH, khối lượng, thời gian và nồng độ nitrate lên khả năng hấp phụ nitrate của than tre trong nước thải biogas

Phạm Ngọc Thoa, Tăng Lê Hoài Ngân, Đặng Thị Minh Thùy, Nguyễn Đạt Phương, Đỗ Thị Mỹ Phượng, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Hữu Chiếm
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá khả năng hấp phụ nitrate trong nước thải biogas bằng than sinh học tre. Đặc điểm của than tre được xác định bằng cách đo diện tích bề mặt riêng (BET) và chụp ảnh SEM. Thí nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm và được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 lần lặp lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình hấp phụ nitrate đạt tối ưu khi pH dung dịch bằng 4, với khối lượng than là 1 g, thời gian hấp phụ đạt cân bằng sau 15 phút. Dữ liệu thí nghiệm phù hợp với các mô hình hấp phụ đẳng nhiệt khác nhau (mô hình Langmuir, mô hình Freundlich). Dung lượng nitrate hấp phụ cực đại của than tre đạt 8,1 mg/g.

Nghiên cứu đặc điểm ống tiêu hóa và hệ số béo của cá bống cát tối Glossogobius aureus Akihito & Meguro, 1975

Đinh Minh Quang, Phan Hoàn Giẻo, Trương Trọng Ngôn, Trần Sỹ Nam, Nguyễn Hữu Đức Tôn
Tóm tắt | PDF
Bài báo này bổ sung thông tin về đặc điểm hình thái của ống tiêu hoá và sự biến thiên của hệ số béo Clark ở loài cá bống cát tối Glossogobius aureus. Nghiên cứu được thực hiện trong 12 tháng (từ tháng 01 đến tháng 12 năm 2020) tại bốn địa điểm gồm: Cái Răng, Thành phố Cần Thơ (CRCT); Long Phú, tỉnh Sóc Trăng (LPST); Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu (HBBL) và Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (DDCM). Trong tổng số 742 cá thể thu được bằng lưới đáy có 382 cá đực và 360 cá cái, tất cả đều được dùng để xác định đặc điểm ống tiêu hoá và hệ số béo Clark của loài cá này. Kết quả cho thấy miệng cá có cấu trúc hướng lên, trên hàm có hai hàng răng xếp không đều, chiều dài ruột ngắn, cho thấy loài Glossogobius aureus thuộc nhóm cá ăn động vật. Loài cá này có cỡ miệng biến động theo giới tính và nhóm chiều dài có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Hệ số béo Clark của loài cá này thay đổi giữa giới tính, nhóm chiều dài và mùa vụ nhưng không ý nghĩa thống kê ở mức 5%, nhưng thay đổi ý nghĩa thống kê ở mức 5% theo địa điểm. Môi trường ở CRCT và DDCM có thể thuận lợi về nguồn thức ăn cho loài cá này vi hệ số béo Clark ở hai địa điểm này cao hơn so với HBBL và LPST. Ngoài ra, hệ số béo Clark còn bị ảnh hưởng bởi sự tương tác giới tính ´ địa điểm, mùa vụ ´ địa điểm. Kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp thêm thông tin dẫn liệu về đặc điểm dinh dưỡng của loài...

Nghiên cứu hiện trạng tiêu thụ năng lượng thông qua vật tư nông nghiệp đầu vào và hiệu quả tài chính của mô hình trồng rau ăn lá tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Lê Trần Thanh Liêm, Nguyễn Thị Kim Phước
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là phân tích hiện trạng tiêu thụ năng lượng thông qua vật tư nông nghiệp đầu vào và hiệu quả tài chính của mô hình canh tác rau ăn lá tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang từ tháng 01 đến tháng 7 năm 2021. Sáu mươi người sản xuất chính hoặc chủ hộ trồng rau ăn lá với diện tích từ 1.000 m2 trở lên đã được phỏng vấn trực tiếp trong nghiên cứu. Phần mềm MiLCA thương mại phiên bản 2.3 được sử dụng để phân tích tiêu thụ năng lượng thông qua phương pháp nhiệt cao hơn dựa vào loại và lượng vật tư đầu vào đã sử dụng. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sản xuất rau ăn lá mang lại hiệu quả tài chính cao hơn không đáng kể so với trung bình diện tích đất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (75.289.000 đồng/ha/vụ - bao gồm chi phí lao động). Sản xuất rau ăn lá sử dụng 44.118 MJ/ha/vụ, tương ứng với 2,68 MJ/kg rau thương phẩm. Mức tiêu thụ năng lượng này cao hơn so với cải rổ và xà lách được canh tác ở Thái Lan trên đơn vị diện tích nhưng thấp hơn khi xét trên trọng lượng sản phẩm. Để cải thiện chi phí và hiệu quả năng lượng, cần tối ưu hóa hiệu quả của phân bón như chọn thời điểm bón phân phù hợp và ứng dụng than sinh học.

Ứng dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR trong nghiên cứu thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Thị Đan Xuân, Khổng Tiến Dũng, Huỳnh Việt Khải, Ngô Thị Thanh Trúc, Tống Yên Đan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng tình hình phát sinh, thu gom và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sử dụng mô hình đánh giá tổng hợp DPSIR (Nguyên nhân – Drive forces, Áp lực – Pressures, Hiện trạng – State, Tác động – Impact và Phản hồi – Response). Số liệu chính được dùng để phân tích là số liệu thứ cấp được thu trực tiếp từ các cơ quan quản lý ngành và phương pháp phỏng vấn KIP ở khu vực nghiên cứu và bộ số liệu sơ cấp khảo sát 456 hộ dân tại Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù các thiệt hại do ô nhiễm CTRSH gây ra hiện nay là lớn, số lượng phát sinh theo ngày và năm rất cao, nhưng tỷ lệ thu gom xử lý còn rất hạn chế (chỉ đạt từ 80% đến 87%). Trong khi đó, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường (bao gồm cho CTRSH) tăng gấp hai lần sau năm năm. Các nguyên nhân chính được xác định bao gồm khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và chính sách quản lý chưa hiệu quả. Giải pháp giúp cải thiện tình trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt được đề xuất bao gồm các giải pháp có liên quan đến phí và lệ phí, giải pháp kỹ thuật và cải thiện hệ thống thu gom, phát triển công nghệ tái chế và nâng cao ý thức của cộng đồng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long: Trường hợp nghiên cứu ở thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang

Khổng Tiến Dũng, Huỳnh Thị Đan Xuân, Huỳnh Việt Khải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích thực trạng, nhận thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dữ liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 545 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang. Mô hình nhị phân Logit được sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia chương trình. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ tình hình quản lý chất thải rắn ngày càng được cải thiện như số lượng thu gom ngày càng tăng, người dân có nhận thức cao về lợi ích của việc phân loại rác, tỷ trọng đáp viên ủng hộ chương trình phân loại cao. Kết quả mô hình Logit khẳng định sự ảnh hưởng của yếu tố thời gian, đáp viên ủng hộ chương trình bảo vệ môi trường, thu nhập và khu vực chưa có chương trình thí điểm có tác động đến quyết định tham gia chương trình phân loại chất thải rắn của hộ gia đình. Từ kết quả này, chính quyền các cấp cần quan tâm đặc biệt đến việc tuyên truyền cho toàn bộ người dân, nhất là ở khu vực đô thị về các thông tin của chương trình. Ngoài ra, trong thời gian tới, khi thực hiện chương trình ở các khu vực còn lại, chính quyền các cấp cần thực hiện thật tốt, đúng quy chuẩn để tăng niềm tin của các hộ tham gia và chưa tham gia chương trình.