Ngày xuất bản: 27-03-2021

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến động học quá trình sấy cà chua bi đen (Solanum lycopersicum cv. OG) trong điều kiện chân không

Hồ Thị Ngân Hà, Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Sấy chân không là một phương pháp tiên tiến được sử dụng rộng rãi trong chế biến các sản phẩm rau quả. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của bốn nhiệt độ sấy khác nhau (40oC, 50oC, 60oC và 70oC) ở mức chân không cố định là -700 mmHg (tương ứng với áp suất tuyệt đối 60 mmHg) đến động học biến đổi tỷ lệ ẩm của trái cà chua bi đen (Solanum lycopersicum cv. OG) đã được khảo sát. Tám mô hình sấy thông dụng (Lewis, Page, Page điều chỉnh, Henderson và Pabis, logarit, hai tham số, hàm mũ hai tham số, Henderson và Pabis điều chỉnh) được kiểm tra để chọn ra mô hình phù hợp. Độ khuếch tán ẩm hiệu quả và năng lượng hoạt hóa được tính toán bằng phương trình khuếch tán Fick. Kết quả cho thấy nhiệt độ sấy tăng đã thúc đẩy quá trình sấy chân không diễn ra nhanh hơn và mô hình logarit được chứng minh là phù hợp nhất với các dữ liệu thực nghiệm trong số tám mô hình thử nghiệm. Giá trị độ khuếch tán ẩm hiệu quả dao động từ 3,9028.10-10 đến 1,7580.10-9  m2/s trong phạm vi nhiệt độ khảo sát. Sự phụ thuộc nhiệt độ của độ khuếch tán ẩm hiệu quả tuân theo phương trình Arrhenius với giá trị năng lượng hoạt hóa là 38,69 kJ/mol trong khoảng nhiệt độ 40-70oC.

Ảnh hưởng của điều kiện chế biến đến chất lượng của nấm rơm tiệt trùng trong bao bì PA

Nguyễn Bảo Lộc, Võ Tấn Thành, Nguyễn Thị Hoàng Minh, Huỳnh Thị Phương Loan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng điều kiện chế biến đến chất lượng nấm rơm tiệt trùng trong bao bì polyamide (PA). Mẫu nấm được chần trong dung dịch có bổ sung 1% CaCl2, gia nhiệt trong 3 phút ở nhiệt độ 85oC cho sản phẩm có cấu trúc và màu sắc tốt nhất. Nấm rơm sau khi chần được hút chân không, và bao gói trong bao bì PA có bổ sung thêm dung dịch NaCl 3%, tỉ lệ nấm: nước muối là 1:1. Mẫu nấm trong bao bì PA có nhiệt độ ban đầu là 80oC được tiệt trùng ở chế độ tối ưu như sau: nhiệt độ 118oC với giá trị F-value bằng 4 phút, cho sản phẩm có cấu trúc tốt và màu sắc sáng đẹp

Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh kế của cư dân vùng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Tiến Dũng, Phan Thuận
Tóm tắt | PDF
Mục đích của bài viết là nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của cư dân vùng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 300 nông hộ ở Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh với phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, mỗi tỉnh lựa chọn 02 huyện và mỗi huyện lựa chọn 01 xã.  Phương pháp phân tích hồi quy đa biến được dùng trong nghiên cứu này nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của cư dân vùng hạn mặn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thu nhập là một trong những yếu tố của kết quả sinh kế và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của cư dân vùng hạn mặn. Vốn vay có mối quan hệ ngược chiều, trong khi đó đất sản xuất nông nghiệp, số nguồn thu nhập, kinh nghiệm, hỗ trợ của địa phương, số phương tiện sản xuất có mối quan hệ cùng chiều với thu nhập. Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm giúp người dân thích ứng với hạn mặn trong thời gian tới tại địa bàn nghiên cứu.

Thơ mới Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa thơ ca Đông Á nửa đầu thế kỷ XX

Kiều Thanh Uyên
Tóm tắt | PDF
Phong trào Thơ mới là một trong những thành tựu nổi bật của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, phong trào Thơ mới còn góp phần đưa văn học Việt Nam bước ra khỏi tầm ảnh hưởng khu vực và bắt kịp xu thế văn học thế giới. Bài viết này chủ yếu chỉ ra và phân tích đặc điểm cũng như tính chất của phong trào Thơ mới Việt Nam nhìn từ bối cảnh hiện đại hóa thơ ca Đông Á.

Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long mười năm đầu thế kỷ XXI - nhìn từ phương diện nội dung phản ánh và nghệ thuật thể hiện

Phạm Thị Lương
Tóm tắt | PDF
Truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long mười năm đầu thế kỷ XXI có một diện mạo phong phú, đa dạng. Các nhà văn luôn có ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật, đổi mới phương thức thể hiện, bộc lộ được cá tính, sáng tạo. Bên cạnh những nhà văn đã để lại dấu ấn từ giai đoạn trước, ở giai đoạn này xuất hiện thêm nhiều nhà văn và họ sớm khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn bằng các tác phẩm giá trị. Họ quan tâm đến nhiều mảng đề tài về cuộc sống đời thường; thân phận con người; thiên nhiên, văn hóa miền Tây Nam Bộ. Sự đa dạng trong đề tài phản ánh và và đặc sắc về nghệ thuật đã tạo cho truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long có một diện mạo riêng. Trong bài viết này, một số mảng đề tài và một số đặc điểm nghệ thuật được khai thác dưới góc nhìn thể loại.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân hủy và hóa hướng động theo dầu nhớt

Lê Hửu Nhẩn, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Dầu nhớt là hỗn hợp gồm nhiều hydrocarbon được sử dụng rộng rãi để bôi trơn máy móc, thiết bị và động cơ của phương tiện giao thông. Khi thấm vào đất, dầu nhớt có thể di chuyển vào nguồn nước từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng khoáng hóa và hóa hướng động theo dầu nhớt. Từ ba mẫu đất nhiễm dầu nhớt thu ở nội ô Thành phố Cần Thơ, 43 dòng vi khuẩn (gồm 27 dòng Gram âm và 16 dòng Gram dương) phát triển trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung dầu nhớt (1% v/v) đã được phân lập. Các dòng vi khuẩn đều có khả năng sinh trưởng trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung Tween 80 (1% v/v), trong đó, 3 dòng GS20, GS21 và GS38 có khả năng phát triển mật số nhanh hơn so với các dòng vi khuẩn khác. Sau 3 ngày nuôi cấy trong môi trường khoáng tối thiểu bổ sung dầu nhớt (2% v/v), dòng GS20 có khả năng khoáng hóa dầu nhớt tạo ra khí CO2cao nhất, đạt hiệu suất sinh khí CO2 là 93,4%, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với dòng GS21 và GS38 với hiệu suất tích lũy CO2 lần lượt là 72,9% và 54,9%. Kết quả khảo sát khả năng hóa hướng động của 3 dòng vi khuẩn GS20, GS21 và GS38 cho thấy chỉ có dòng GS38 có khả năng hóa hướng động theo dầu nhớt.

Thành phần flavonoid và hoạt tính kháng viêm của cây cam thảo nam Scoparia dulcis

Lê Tiến Dũng, Phạm Thị Nhật Trinh, Tong Thanh Danh
Tóm tắt | PDF
Cam thảo nam (Scoparia dulcis) được sử dụng trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, đái tháo đường, cao huyết áp, bảo vệ gan... Nghiên cứu này trình bày kết quả về hoạt tính kháng viêm của cao chiết và quá trình phân lập chất từ lá cam thảo nam. Bằng các phương pháp sắc ký, hai flavonoid đã được phân lập và xác định cấu trúc hóa học là apigenin 7-O-rutinoside  và isoquercitrin. Trên mô hình kháng viêm thông qua ức chế việc tạo thành nitric oxide, cao chiết cồn tổng, cao phân đoạn ethyl acetate, methanol có tác dụng kháng viêm.

Vô hướng hóa phi tuyến cho bài toán tối ưu đa mục tiêu với yếu tố không chắc chắn

Lâm Quốc Anh, Trần Thị Tuyết Mai, Tran Quoc Duy
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi nghiên cứu các đặc trưng của nghiệm tối tiểu đối với bài toán tối ưu đa mục tiêu với dữ liệu có chứa các yếu tố không chắc chắn được xác định trong một tập cho trước. Cụ thể, trước tiên, chúng tôi nhắc lại các kiến thức cơ bản của không gian vector topo được sắp thứ tự bởi nón như tính đóng, tính bị chặn và tính chính thường của các tập. Sau đó, chúng tôi xem xét các tính chất của hàm vô hướng hóa phi tuyến dạng Gerstewitz trong không gian vector topo được sắp thứ tự theo nón và các dạng mở rộng của nó. Cuối cùng, chúng tôi giới thiệu khái niệm điểm tối tiểu của bài toán đang xét và dựa vào các tính chất của hàm vô hướng phi tuyến suy rộng vừa đề xuất để thiết lập các đặc trưng của nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi đưa ra các ví dụ để minh họa cho các khái niệm và tính chất tổng quát nhằm giúp cho bài viết dễ đọc hơn.

Đánh giá biến động rừng ngập mặn tỉnh Tiền Giang trên cơ sở ảnh vệ tinh giai đoạn 1988-2018

Phùng Thái Dương, Tôn Sơn
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, tư liệu ảnh viễn thám Landsat 5-TM, 8-OLI và phương pháp phân loại có kiểm định Maximum Likelihood Classifier – MCL được sử dụng để phân loại và đánh giá biến động diện tích rừng ngập mặn (RNM) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1988-2018. Kết quả giải đoán ảnh viễn thám năm 1988, 1998, 2013, 2018 và kết quả chồng xếp các bản đồ rừng ngập mặn qua các giai đoạn cho thấy diện tích RNM ở Tiền Giang giảm liên tục từ năm 1988 đến năm 2013, sau đó tăng từ năm 2013 đến năm 2018. Nếu xét trong khoảng thời gian 30 năm từ 1988 đến 2018, tổng diện tích RNM ở Tiền Giang đã giảm 12,4% so với ban đầu, với 1.761,8 ha năm 1988 giảm xuống còn 1.543,5 ha năm 2018, giảm đi 218,4 ha. Tốc độ phục hồi của RNM được xác định là 36 ha/năm, thấp hơn so với tốc độ biến mất của chúng trong giai đoạn 1988-2018 (43 ha/năm). RNM được phục hồi chủ yếu từ mặt nước biển ven bờ (chiếm 66,6%); trồng mới RNM trong các ao nuôi tôm bị bỏ hoang, hoặc trồng RNM kết hợp với nuôi trồng thủy sản (NTTS) (chiếm 27,6%).

Luật số lớn cho quá trình khuếch tán trong không gian một chiều

Lâm Hoàng Chương, Trần Phước Lộc, La Mỹ Kim, Trần Thị Thiện
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu chính của bài báo là nghiên cứu mô hình quá trình khuếch tán trong một chiều. Phương pháp moment được sử dụng như trong các bài báo Depauw and Derrien (2009) và Lam (2014) để chứng minh sự hội tụ theo xác suất đến một hằng số của quá trình đang xét (Định lý 1.1). Chi tiết hơn, với là toán tử cực vi của quá trình đã cho và hàm  cho trước, bằng cách giải phương trình Poisson  rồi sau đó tìm giới hạn liên quan đến nghiệm của nó, một dạng của luật số lớn sẽ được cho bởi sự hội tụ của các moment.

Phân lập một số hợp chất từ thân rễ ngải tím (Kaempferia parviflora Wall. Ex Baker), họ gừng (Zingiberaceae)

Mai Đình Trị
Tóm tắt | PDF
Năm hợp chất bao gồm 5,7-dimethoxyflavone (1), 3,5,7-trimethoxyflavone (2), di-O-methylpinocembrin (3), bisdemethoxycurcumin (4),  aloe-emodin (5) được phân lập từ dịch chiết n-hexane thân rễ Ngải tím Kaempferia parviflora (họ Gừng). Cấu trúc hóa học các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ nghiệm kết hợp với so sánh cấu trúc với tài liệu tham khảo. Trong đó các hợp chất phân lập 4, 5 lần đầu tìm thấy trong loài Kaempferia parviflora

Nghiên cứu khả năng gắn kết với rotigotine của cluster vàng Au6 bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ

Phạm Vũ Nhật, Nguyễn Thành Tiên, Phạm Thị Bích Thảo, Trần Thị Ngọc Thảo
Tóm tắt | PDF
Lý thuyết phiếm hàm mật độ (DFT) được sử dụng để khảo sát cơ chế hấp phụ phân tử rotigotine (ROT) lên bề mặt vàng, sử dụng cluster vàng Au6 làm mô hình phản ứng. Cấu trúc của các phức hợp sinh ra được tối ưu hóa bởi phiếm hàm PBE kết hợp với bộ cơ sở cc-pVTZ-PP cho Au và cc-pVTZ cho các phi kim. Vị trí, năng lượng liên kết và một số chỉ số lượng tử cũng được khảo sát tại cùng mức lý thuyết. Kết quả tính toán cho thấy các phân tử thuốc có xu hướng neo đậu trên cluster vàng thông qua nguyên tử N với năng lượng liên kết khoảng −18,6 kcal/mol trong pha khí và −18,9 kcal/mol trong nước. Khi sử dụng ánh sáng khả kiến với bước sóng nm, thời gian hồi phục của Au6 từ 0,1 đến 0,2 giây ở 298 K. Ngoài ra, năng lượng vùng cấm của Au6 giảm đáng kể trong các phức hợp Au6∙ROT và có thể được chuyển hóa thành tín hiệu điện giúp phát hiện chọn lọc ROT. Đáng lưu ý, tương tác giữa ROT và cluster vàng là quá trình thuận nghịch, và cơ chế giải phóng ROT cũng đã được đề xuất. Theo đó, ROT dễ dàng tách khỏi bề mặt vàng do sự thay đổi nhỏ của pH trong tế bào khối u hoặc sự hiện diện của dư lượng cysteine trong các protein.     

Xây dựng không gian tôpô mềm trung tính trên các phép toán mới

Trần Thị Bảo Trâm
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu chính của bài viết này là xây dựng không gian tôpô trên tập mềm trung tính bằng cách đưa ra các phép toán mới. Bài viết thay thế các phép toán đã đưa ra trong nghiên cứu của Ozturk et al. (2019). bằng các phép toán mới trên nền các định nghĩa gốc về tập mờ, tập mềm, tập mềm trung tính. Từ đó, chúng tôi kiểm tra lại các tính chất và định lý của các phép toán này. Cuối cùng, bài viết cũng muốn chứng tỏ các phép toán này đảm bảo việc giữ mối liên hệ giữa không gian tôpô mềm trung tính và các không gian tôpô thành phần: không gian tôpô mờ, không gian tôpô mềm mờ.

Khảo sát cơ cấu đàn, năng suất và chất lượng sữa của đàn bò sữa tại trang trại Farm Milk Cần Thơ

Lâm Phước Thành
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng cơ cấu đàn, năng suất và thành phần sữa của đàn bò sữa tại trại bò sữa Farm Milk Cần Thơ. Tổng đàn của trại hiện có 408 con, khảo sát tập trung vào nhóm bò đang cho sữa. Bò cho sữa tại trại được chia thành hai nhóm là: A (≥15 kg sữa/ngày) và B (

Motif nghệ thuật trong tác phẩm hóa thân của Franz Kafka

Phạm Tuấn Anh, Trần Vũ Anh
Tóm tắt | PDF
Franz Kafka là nhà văn gốc Do Thái, sáng tác chủ yếu bằng tiếng Đức. Đến nay, nhiều tác phẩm của Kafka được tuyển dịch và giới thiệu ở Việt Nam: Hóa thân, Lâu đài, Vụ án, Nước Mỹ, Thư gửi bố… Tác phẩm của Kafka phục dựng một thế giới rạn nứt, vỡ vụn, đầy hoài nghi và bất tín nhận thức. Hóa thân là tác phẩm tiêu biểu trong di sản sáng tác của Kafka. Trong Hóa thân, Kafka khéo léo đan cài, ráp nối nhiều motif nghệ thuật để truyền tải giá trị tác phẩm, kích thích tư duy tìm tòi, khám phá của độc giả. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung kiến giải motif hóa thân - motif đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải các vấn đề bất khả giải trong đời sống hiện đại. Từ đó, chúng tôi phân tích sự thành công và đóng góp của Kafka trong nền văn học thế giới.

Tổng quan nghiên cứu về kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin (TPACK) trong dạy học ngoại ngữ

Nguyễn Văn Lợi
Tóm tắt | PDF
Bài viết này phân tích tổng quan về kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin (technological pedagogical content knowledge - TPACK) trong dạy học ngoại ngữ. Dựa trên các nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín trên thế giới trong 20 năm gần đây, bài viết này thảo luận mô hình TPACK, vai trò của nó cũng như những thành tựu đạt được từ những nghiên cứu. Với những hiểu biết từ tổng quan, bài viết đề xuất ba hướng nghiên cứu về TPACK nhằm góp phần nâng cao hiểu biết về lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên về kiến thức ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ. Ba hướng nghiên cứu bao gồm: xác trị công cụ khảo sát TPACK, nghiên cứu TPACK của giáo viên ngoại ngữ và nghiên cứu tác động của đào tạo và tập huấn TPACK đối với dạy và học ngoại ngữ.

Xác định nhân tố ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Phạm Thanh Thảo, Phan Trung Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục đích xác định các nhân tố ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ trên cơ sở ứng dụng mô hình phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis – EFA) và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến. Điều tra được thực hiện với 328 người sử dụng đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian từ tháng 6 – 12/2019. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến cho thấy 61,0% sự biến động của giá đất bị ảnh hưởng bởi các nhóm yếu tố đưa vào mô hình nghiên cứu, còn lại 39,0% sự biến động của giá đất là do các yếu tố khác. Kết quả nghiên cứu có 6 nhóm yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến giá đất tại thành phố Cần Thơ gồm: nhóm nhân tố tự nhiên, nhóm nhân tố khác, nhóm nhân tố kinh tế , nhóm nhân tố hạ tầng, nhóm nhân tố pháp lý, chính sách Nhà nước , nhóm nhân tố xã hội . Trong đó nhóm nhân tố tự nhiên  được xác định là có ảnh hưởng lớn nhất đến giá đất với sự đóng góp 12,86%, nhóm nhân tố xã hội được xác định là ít ảnh hưởng đến giá đất nhất với sự đóng góp 6,45 %.

Ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên khả năng phân hủy phenol của ba dòng nấm men

Nguyễn Khởi Nghĩa, Đỗ Thành Luân, Nguyễn Hửu Thiện, Trần Hoàng Ty
Tóm tắt | PDF
Phenol là một hợp chất hữu cơ thơm có công thức phân tử C6H5OH, có tính độc hại cho con người và động vật, thường được tìm thấy trong nước thải và bùn cống rãnh. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường lên khả năng phân hủy phenol của ba dòng nấm men phân lập từ mẫu đất bùn đáy ao ở khu xả nước thải từ phòng thí nghiệm thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Việc khảo sát các yếu tố môi trường gồm pH, nhiệt độ, nồng độ muối, nguồn đạm và nguồn carbon được thực hiện trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng bổ sung 500 mg.L-1 phenol. Nồng độ phenol trong môi trường nuôi cấy lỏng được xác định bằng phương pháp so màu với thuốc thử Folin – Clocalteu’s ở bước sóng 758 nm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả ba dòng nấm men phân lập có khả năng phân hủy rất tốt phenol ở điều kiện môi trường pH từ 5 đến 7, khả năng chịu mặn lên đến 1,5% NaCl, nhiệt độ 30oC và nguồn đạm (NH4)2SO4. Tóm lại, kết quả cho thấy ba dòng nấm men thử nghiệm có tiềm năng ứng dụng cao trong việc xử lý đất và trầm tích ô nhiễm với phenol.

Phân bố hàm lượng chất rắn lở lửng (TSS) tỉnh An Giang sử dụng ảnh viễn thám sentinel 2A

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Đinh Thị Cẩm Nhung, Trần Thanh Giám, Nguyễn Hồ, Trần Bá Linh, Phạm Duy Tiễn, Trần Sỹ Nam
Tóm tắt | PDF
Trầm tích lơ lửng (phù sa) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nguồn dinh dưỡng, có ý nghĩa rất lớn trong sản xuất nông nghiệp và cả hệ sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hồi quy tương quan giữa giá trị chỉ số vật chất lơ lửng (Normalized Suspended Material Index) trên ảnh và lượng phù sa thực tế để thành lập bản đồ phân bố phân bố không gian hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng trong nước mặt (phù sa). Kết quả xác định hệ số R2 trong các hàm hồi quy này đạt 0,868 cho đợt quan trắc ngày 18/10/2019. Kết quả xác định hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng từ ảnh Sentinel 2A tỉnh An Giang có giá trị dao động trong khoảng từ 0-100mg/l. Hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng tập trung chủ yếu trên các cánh đồng ngập nước, vùng thượng nguồn và cuối nguồn dọc theo tuyến sông Hậu thuộc tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy dữ liệu ảnh Sentinel 2 có khả năng hỗ trợ xây dựng bản đồ phân bố hàm lượng chất lơ lửng nước mặt cụ thể năm 2019 với độ tin cậy cao. Kết quả này là tiền đề cho các đề tài nghiên cứu có liên quan đến tăng giảm hàm lượng phù sa hay chất lượng phù sa vùng ĐBSCL đặc biệt là các vùng cửa sông tại Việt Nam.

Hiệu quả sử dụng nước muối biển nuôi sinh khối Artemia trong hệ thống biofloc

Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Hòa, Huỳnh Thanh Tới
Tóm tắt | PDF
Trong thí nghiệm này, Artemia được nuôi bằng nước biển và nước muối với hai phương thức có và không có ứng dụng biofloc, kết hợp của hai nhân tố này cho ra tổ hợp gồm 4 nghiệm thức (NT)với ba lần lặp lại cho mỗi NT. Artemia được nuôi trong các bể nhựa 60 L chứa 40 L nước nuôi, mật độ 500 nauplii/L, độ mặn 30‰ và được theo dõi trong 20 ngày. Trong hai ngày đầu, Artemia được cho ăn tảo tươi Chaetoceros sau đó thay thế bằng thức ăn cho Artemia. Đối với các NT ứng dụng biofloc, rỉ đường được thêm vào bể nuôi từ ngày thứ 5 và tuần tự bổ sung sau đó theo hàm lượng TAN trong nước. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống, tăng trưởng tương tự giữa các NT sau ngày nuôi thứ 7. Sức sinh sản và sinh khối thu bị ảnh hưởng bởi ứng dụng biofloc và Artemia có khuynh hướng sinh trứng (79%) khi nuôi ở nước biển có biofloc. Các NT biofloc có lượng sinh khối thu cao hơn nuôi bình thường (3,52 g/L so với 3,24g/L; p

Biến động quần thể loài cá dảnh (Puntioplites proctozystron Bleeker, 1865) ở Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang

Nguyễn Hoàng Huy, Trần Văn Việt, Phạm Thanh Liêm, Âu Văn Hóa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu biến động quần thể cá dảnh (Puntioplites proctozystron) ở Búng Bình Thiên nhằm xác định sự biến động kích cỡ và số lượng, xác định các tham số tăng trưởng làm cơ sở cho việc khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản. Nghiên cứu tại Búng Bình Thiên từ tháng 7/2018-6/2019 với 12 đợt thu mẫu tương ứng 12 tháng. Ngư cụ là dớn, lưới, đăng, chài, mắt lưới từ 0,5 cm đến 4,5 cm, nhằm thu cá ở các kích cỡ và các tầng nước khác nhau trong búng. Mẫu cá được cân (g/cá thể) và đo chiều dài tổng (cm). Kết quả thu được 1.975 cá thể với nhiều kích cỡ khác nhau trong cùng 1 thời điểm, trong đó cá cỡ nhỏ chiếm tỷ lệ cao trong mùa mưa và mùa lũ, trong khi cá kích cỡ lớn chiếm tỷ lệ cao trong mùa khô tháng 3-7. Số liệu được xử lý bằng phần mềm FISAT II. Kết quả cho thấy có 2 đợt bổ sung quần là tháng 1-2 và tháng 9 do cá đẻ trong BBT kết hợp cá từ nước lũ thượng nguồn. Cá thể thu được có chiều dài tổng lớn nhất là 23 cm vào tháng 5, trong khi chiều dài tối đa của loài cá này có thể đạt được là L∞=30 cm, hệ số tăng trưởng K=1,5/năm, mức chết tự nhiên M=1,5/năm, mức chết do khai thác F=0,8/năm, to=0,1, số lượng cá thể có kích cỡ lớn (18-23cm) có rất ít trong BBT, không bắt gặp cá dài hơn 23,5 cm.

Đa dạng hình thái theo giới tính của cá ba kỳ đỏ (Cyclocheilichthys apogon)

Dương Thúy Yên, Trần Thị Vân Phụng, Nguyễn Thị Ngọc Trân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những điểm giống và khác nhau về đặc điểm sinh trưởng và hình thái của cá ba kỳ đỏ (Cyclocheilichthys apogon) theo giới tính. Mẫu cá được thu (n=244) ở kênh bao quanh U Minh Thượng – Kiên Giang, từ tháng 7/2019 đến tháng 3/2020. Mối quan hệ chiều dài-khối lượng và đặc điểm hình thái gồm chỉ tiêu đếm (số lượng tia, gai ở vi) và chỉ tiêu sinh trắc (tỉ lệ số đo phần thân và đầu trên chiều dài chuẩn và chiều dài đầu) được phân tích. Cá cái có kích cỡ lớn hơn cá đực (P

Sự sẳn lòng tham gia đóng góp vào quỹ tín dụng nội bộ của thành viên hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Võ Hồng Tú, Nguyễn Thùy Trang
Tóm tắt | PDF
Quỹ tín dụng nội bộ (TDNB) là một trong những dịch vụ quan trọng đối với các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN), góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cả HTX và thành viên. Từ thực trạng các HTXNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, quỹ TDNB chưa được thành lập do còn nhiều khó khăn về nguồn vốn tài chính. Kết quả phỏng vấn nhóm Hội đồng quản trị của 29 HTXNN và 244 thành viên của các HTXNN cho thấy phần lớn Hội đồng quản trị HTXNN và thành viên đều có nguyện vọng thành lập quỹ TDNB, cụ thể có đến 62,1% các HTX đồng ý thành lập quỹ và 81,97% thành viên sẽ sẵn sàng tham gia vào quỹ TDNB. Kết quả hồi quy bằng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) cho thấy tham gia tập huấn và tham gia vào hội, đoàn thể có ảnh hưởng tỷ lệ thuận trong khi kinh nghiệm sản xuất ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến sự sẵn lòng tham gia đóng góp cho quỹ TDNB. Nghiên cứu cũng đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể để thành lập và phát triển quỹ TDNB cho các HTXNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Nghiên cứu hoạt đông của “Cò” lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Đỗ Văn Hoàng, Nguyễn Văn Nay
Tóm tắt | PDF
Việc Sử dụng giống lúa cao sản ngắn ngày để sản xuất 2, 3 vụ trên năm ở Đồng bằng sông Cửu Long và gieo sạ đồng loạt dẫn đến thu hoạch đồng loạt nên vào lúc cao điểm, việc đặt lịch máy gặt đập liên hợp và tiêu thụ lúa với sản lượng lớn gây khó khăn cho nông dân trong khâu thu hoạch và tiêu thụ. Chính vì vậy, xuất hiện những người làm công tác môi giới hay còn gọi là "Cò" trong khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa. Đa phần những người làm “Cò” họ vừa sản xuất lúa vừa tranh thủ làm công tác môi giới này, thời gian hoạt động “Cò” tùy vào mỗi người, chỉ chiếm thời gian khoảng 7 ngày/vụ, nếu hoạt động sang các địa phương khác thì thời gian này nhiều hơn, trung bình 80 ngày/vụ và nguồn thu nhập trung bình của những người này khá cao so với những người dân chỉ chuyên sản xuất lúa, cụ thể là 159,13 triệu đồng/ha/ năm so với  43,97 triệu đồng/ha/ năm. Như vậy, với thu nhập như trên, người làm hoạt động “Cò” ở nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều. Để tránh những vấn đề phát sinh, vướng mắc, cần tập huấn cho người dân những thông tin cơ bản về luật pháp, huấn luyện về quản trị điều hành Hợp tác xã, Tổ hợp tác, giúp người dân chủ động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra.

Phân lập và tuyển chọn một số dòng vi khuẩn từ hạt ngũ cốc lên men có khả năng đối kháng với nấm Rhizoctonia solani gây bệnh chết cây con trên ớt (Capsicum annuum L.) trong điều kiện in vitro

Nguyễn Khởi Nghĩa, Nguyễn Hửu Thiện
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra dòng vi khuẩn đối kháng tốt với nấm Rhizoctonia solani gây bệnh chết gục cây con trên ớt được phân lập từ 4 hạt ngũ cốc gồm gạo, bắp, đậu nành và mè lên men trên môi trường De Man, Rogosa and Sharpe (MRS) agar. Thí nghiệm khảo sát khả năng đối kháng được thực hiện trên môi trường PDA với 4 phương pháp bố trí gồm: (1) vi khuẩn đối kháng và nấm bệnh được đặt vào đĩa Petri cùng lúc; (2) sử dụng dịch ngoại bào của vi khuẩn; (3) nấm được đặt trước vi khuẩn 24 giờ và (4) vi khuẩn được đặt trước nấm 24 giờ. Tổng cộng 33 dòng vi khuẩn được phân lập từ 4 loại hạt ngũ cốc với 11, 14, 4 và 4 dòng lần lượt từ gạo, bắp, đậu nành và mè, trong đó 3 dòng vi khuẩn M2, M3 và G5 có hiệu suất đối kháng tốt với khuẩn ty nấm R. solani. Ngoài ra, dòng G5 thể hiện hiệu suất đối kháng với nấm R. solani tốt nhất khi vi khuẩn được đặt trước nấm 24 giờ. Kết quả giải trình tự đoạn gen 16S-rRNA (với cặp mồi 27F-1492R) của dòng G5 cho thấy thuộc loài Bacillus velezensis G5. Tóm lại, có thể thấy rằng hạt gạo lên men có chứa nguồn vi khuẩn Bacillus spp. có khả năng ức chế tốt nấm R. solani gây bệnh chết gục cây con trên ớt.

Ảnh hưởng của dung dịch dinh dưỡng và giá thể lên sự sinh trưởng và phát triển của cây cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii Bolus ex Hooker F.) trồng chậu trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Lê Văn Hòa, Phạm Thị Xuân Quyên, Lê Bảo Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định loại dung dịch dinh dưỡng và giá thể thích hợp cho hệ thống tưới nhỏ giọt cây cúc đồng tiền trồng chậu trong nhà màng. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 2 nhân tố gồm 3 loại dung dịch dinh dưỡng (Hoagland, Çolakoğlu-2 và Johnson; đối chứng là nước máy) (nhân tố A) và 3 loại giá thể (mụn xơ dừa, phân rơm, mụn xơ dừa + phân rơm tỉ lệ 1:1) (nhân tố B). Thí nghiệm gồm có 12 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức có 5 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại 5 cây (chậu). Kết quả thí nghiệm cho thấy, cây cúc đồng tiền trồng chậu trong nhà màng tưới nhỏ giọt với dung dịch dinh dưỡng Johnson giúp gia tăng chiều cao cây, số rễ, chiều dài phát hoa, đường kính hoa và kéo dài độ bền hoa nở (12,9 ngày). Giá thể phân rơm hoặc mụn xơ dừa + phân rơm (tỉ lệ 1:1) có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp gia tăng chiều cao cây, số lá, số rễ, tổng số hoa/cây, chiều dài phát hoa và đường kính hoa.

Khả năng sinh trưởng và tích lũy sinh khối của bồn bồn (Typha orientalis), cỏ bàng (Lepironia articulata) và năn tượng (Scirpus littoralis) trồng trên đất phèn

Ngô Thụy Diễm Trang, Đỗ Hữu Thành Nhân, Phạm Văn Toàn, Võ Hoàng Việt, Võ Hữu Nghị, Võ Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và tích lũy sinh khối ở ba loài thực vật thủy sinh gồm bồn bồn (Typha orientalis C. Presl), cỏ bàng (Lepironia articulata Retz. Domin.) và năn tượng (Scirpus littoralis Schrab.) trồng trên đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi trồng cây, thí nghiệm đánh giá khả năng cải thiện pH đất bằng CaCO3 được thực hiện trên 2 nghiệm thức bón 2 tấn CaCO3/ha và không bón CaCO3 (được xem là nghiệm thức đối chứng). Đất này được sử dụng để trồng cây cho thí nghiệm tiếp theo với ba loài cây, bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại. Sau 42 ngày ngâm đất, giá trị pH trong đất đạt 4,02 ở nghiệm thức có CaCO3 và cao hơn so với đất ban đầu (pH=3,02). Sau 90 ngày trồng cây, khả năng sinh trưởng và tiềm năng tích lũy sinh khối tươi và khô của phần thân và rễ cây và chỉ số diệp lục tố (SPAD) của bồn bồn và năn tượng tốt hơn khi cây trồng trên đất phèn có bón CaCO3.

Ảnh hưởng thời điểm xuống giống, thời điểm thu hoạch và hoạt chất sinh trưởng đến năng suất và chất lượng dầu trong hạt mè đen (Sesamum indicum L.) tại tỉnh Đồng Tháp

Tran Ngoc Huu, Nguyễn Quốc Khương, Nguyễn Hồng Huế, Lê Vĩnh Thúc
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là (i) xác định thời điểm xuống giống và hoạt chất sinh trưởng cho tăng năng suất mè, (ii) xác định thời điểm thu hoạch phù hợp để đạt năng suất và hàm lượng dầu trong hạt mè. Thí nghiệm 1 được bố trí 2 nhân tố: (A) thời điểm gieo sạ (sớm 14 ngày, trùng với nông dân và trễ 14 ngày so với nông dân); (B) sử dụng hoạt chất sinh trưởng (Brassinolide, Canxi-Bo và Selenium). Thí nghiệm 2 được bố trí 2 nhân tố: (A) thời điểm gieo sạ (sớm 14 ngày, trùng với nông dân và trễ 14 ngày so với nông dân), (B) thời điểm thu hoạch (85, 95 và 100% lá vàng). Mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy xuống giống sớm 14 ngày cho số trái trên cây, số hạt trên trái, khối lượng 1.000 hạt và năng suất cao. Phun bổ sung Canxi-Bo giúp tăng số trái trên cây mè tại Lấp Vò. Trong khi phun Brassinolide làm tăng chiều cao cây, số trái trên cây và năng suất mè tại Hồng Ngự. Thu hoạch mè vào thời điểm 95% hoặc 100% số lá chuyển vàng cho năng suất mè cao hơn so với thu hoạch mè vào thời điểm 85% lá vàng. Thu hoạch mè vào thời điểm 100% số lá chuyển vàng cho hàm lượng dầu trong hạt cao. 

Khảo sát hoạt tính kháng nấm gây bệnh thối trái của tinh dầu quế (Cinnamomum verum)

Thái Bảo, Đỗ Tấn Khang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đánh giá hoạt tính ức chế của tinh dầu quế (Cinnamomum verum) đối với các dòng nấm mốc gây thối được phân lập từ trái dâu tây, đu đủ, mận và xoài. Các dòng nấm được phân lập trên môi trường PDA, định danh thông qua hình thái khuẩn lạc, sợi nấm, bào tử và trình tự ITS. Hoạt tính kháng nấm của tinh dầu quế được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch và phương pháp vi lỏng. Kết quả cho thấy bốn dòng nấm mốc gây thối trái bao gồm hai dòng nấm Fusarium sp., một dòng nấm Lasiodiplodia sp. và một dòng nấm Diaporthe sp. Tinh dầu quế ức chế hoàn toàn sự tăng sinh sợi nấm của bốn dòng nấm ở nồng độ 0,4 µL/mL bằng phương pháp khuếch tán môi trường thạch và ngăn chặn hoàn toàn bào tử nấm nảy mầm của hai dòng Fusarium sp. bằng phương pháp vi lỏng với cùng nồng độ. Giá trị MIC của tinh dầu đối với 4 dòng nấm bằng phương pháp khuêch tán đĩa thạch là 0,3 – 0,4 µL/mL và bằng phương pháp vi lỏng là 0,4 µL/mL với dòng TB1 và 0,2 µL/mL với dòng TB2. Giá trị MFC của tinh dầu là 0,3 – 0,6 µL/mL đối với các dòng nấm thông qua phương pháp khuếch tán đĩa thạch và bằng phương pháp vi lỏng là 0,2 - 0,4 µL/mL.

Khảo sát hoạt tính kháng vi sinh từ dịch chiết vỏ măng cụt Lái Thiêu (Garcinia mangostana)

Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Ngọc Ly
Tóm tắt | PDF
Măng cụt Lái Thiêu là trái cây đặc sản của Việt Nam; vỏ trái chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng sử dụng vỏ trái măng cụt Lái Thiêu để kháng loài vi sinh vật. Dịch chiết nước vỏ măng cụt có khả năng kháng vi khuẩn và nấm bệnh thực vật tốt hơn so với khi chiết bằng ethanol. Đường kính vòng kháng Bacillus sp., Staphylococcus aureus và Fusarium sp. của dịch chiết nước lần lượt đạt 4,8; 4,2 và 2,4 mm. Hiệu quả thu nhận hoạt chất kháng khuẩn từ vỏ măng cụt tốt nhất khi chiết trong dung dịch ethanol/nước với tỷ lệ 30/70, nhiệt độ chiết ở 50oC trong thời gian 5 giờ với đường kính vòng kháng Staphylococcus aureus đạt 9,6 mm. Giá trị MIC và MBC đối với S. aureus của vỏ măng cụt chiết ở điều kiện thích hợp lần lượt đạt 56,25 và 112,5 µg/ mL.