Ngày xuất bản: 27-04-2018

Phân tích tài liệu trọng lực 2-D vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng các thuật giải tối ưu toàn cục

Lương Phước Toàn
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày kết quả tính bề dày bồn trầm tích 2-D bằng thuật giải di truyền và thuật giải memetic. Mô hình bồn trầm tích được chọn là tập hợp các tấm hình chữ nhật thẳng đứng đặt liền kề có hiệu mật độ thay đổi theo độ sâu theo qui luật hàm parabôn. Hai thuật giải áp dụng thuộc nhóm thuật giải tối ưu toàn cục. Trong đó, thuật giải memetic là sự kết hợp của thuật giải di truyền và phương pháp tìm kiếm địa phương Quasi-Newton. Hai thuật giải được kiểm tra trên mô hình; sau đó, áp dụng tính bề dày bồn trầm tích từ dữ liệu trọng lực ở Bạc Liêu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả độ sâu cực đại và cực tiểu tính bằng hai thuật giải hầu như trùng khớp nhau và có giá trị cực tiểu là 0,3 km – 0,4 km và độ sâu cực đại là 1,6 km; thời gian tính bằng thuật giải memetic nhanh hơn thời gian tính bằng thuật giải di truyền.

Xây dựng hệ thống thông tin địa lý quản lý quy hoạch đô thị và định giá đất tại thành phố Sóc Trăng

Nguyễn Thanh Phi, Trần Văn Sơn, Trần Cao Đệ
Tóm tắt | PDF
Trong những năm gần đây, việc xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào công tác quản lí đã trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất, có thể kể đến các hệ thống thông tin quản lí hạ tầng đô thị, quản lí quy hoạch đô thị hay quản lí sử dụng đất đai. Mặc dù vậy, quản lí sử dụng đất và quy hoạch đất đai vẫn còn thiếu các công cụ hỗ trợ. Chẳng hạn việc định giá đất theo các quy định pháp luật thường được cụ thể hóa bằng bảng giá đất hàng năm do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhưng chưa có công cụ tính toán để hỗ trợ định giá đất một cách nhanh chóng. Nghiên cứu sẽ trình bày phương pháp xây dựng hệ thống tích hợp các lớp dữ liệu chuyên đề bao gồm dữ liệu địa chính, địa hình, giao thông hiển thị trên cùng một hệ quy chiếu thống nhất; đề xuất xây dựng bản đồ giá đất một cách tự động thông qua văn bản quy định giá đất của Uỷ ban nhân dân thành phố kết hợp với bản đồ địa chính. Nghiên cứu thực hiện chủ yếu trên phường 1, thành phố Sóc Trăng. Kết quả thực nghiệm ban đầu cho thấy đã xây dựng được hệ thống GIS tích hợp hỗ trợ định giá đất tự động theo bảng giá đất Nhà nước quy định, tích hợp công cụ hỗ trợ khái toán kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho một dự án quy hoạch cụ thể.

Tính toán thể tích bể chứa nước mưa quy mô hộ gia đình ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Đinh Diệp Anh Tuấn, Nguyễn Hiếu Trung, Huỳnh Thị Mỹ Nhiên
Tóm tắt | PDF
Nước mưa là nguồn nước thay thế tiềm năng cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giá thành của một hệ thống thu gom nước mưa còn khá cao đối với các hộ dân nghèo ở vùng đồng bằng này, đặc biệt là chi phí đầu tư lắp đặt bể chứa nước mưa. Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 07 năm 2016 đến tháng 03 năm 2017 ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Nghiên cứu đã thực hiện các nội dung như sau: 1) Khảo sát 102 hộ dân về hiện trạng sử dụng nước sinh hoạt và tiềm năng khai thác nước mưa; 2) Tính toán tối ưu thể tích bể chứa cho hộ gia đình dựa trên kết quả đầu ra từ bước 1. Theo kết nghiên cứu cho thấy nhu cầu nước của hộ trung bình là từ 300 - 500 lít/ngày, diện tích mái nhà từ 50 - 100 m2, diện tích nơi chứa nước từ 1 - 3 m2. Ứng với nhu cầu nước và khả năng trữ như trên, thể tích bể chứa tối ưu là từ 1 - 3 m3 tùy theo loại vật liệu. Vật liệu kiệu sành có chi phí thấp nhất và thể tích bể chứa tối ưu là 1 - 3 m3, vật liệu bê tông cốt thép có chi phí cao nhất và thể tích bể chứa tối ưu từ 0,5 - 2 m3.

Xây dựng bản đồ phân bố hiện trạng cây xanh đô thị và ước lượng khí nhà kính thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Hồng Điệp, Nguyễn Văn Biết, Nguyễn Trọng Cần
Tóm tắt | PDF
Sự phát triển đô thị thiếu kiểm soát, phát thải khí nhà kính cao cùng với thực trạng chi phí năng lượng tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đã và đang tạo áp lực lên các đô thị ở nước ta. Nghiên cứu thực hiện nhằm theo dõi nguồn phát thải khí nhà kính đô thị và áp dụng “giải pháp xanh” giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải là một trong những giải pháp mang tính kinh tế trong chiến lược phát triển đô thị xanh. Nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám trên Google Earth và áp dụng phương pháp phân loại hướng đối tượng (OBIA) trong xây dựng bản đồ hiện trạng cây xanh quận Ninh Kiều. Kết quả đã xác định được diện tích cây xanh của quận là 621,62 ha với độ chính xác toàn cục là 85,71 % (K=0,71). Mật độ cây xanh tại quận Ninh Kiều chỉ đạt 50-60% so với quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Với diện tích cây xanh này, ước tính chỉ hấp thụ được hơn 60% lượng khí nhà kính phát thải của quận (226.891,30 tấn CO2 tương đương) trong khi tổng lượng khí phát thải trong ba lĩnh vực: năng lượng, nông nghiệp và chất thải là 734.740,48 tấn CO2 tương đương.

Ứng dụng phương pháp vô hướng hóa phi tuyến giải bài toán cân bằng vectơ mạnh

Lâm Quốc Anh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyễn Cao Phong, Phạm Thị Vui, Lê Phương Thảo, Đỗ Thị Kim Thoản
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, bài toán cân bằng vector mạnh với hàm mục tiêu được cho dưới dạng tổng của hai hàm được nghiên cứu. Phép vô hướng hóa phi tuyến và phép chiếu metric được áp dụng nhằm xây dựng thuật toán chiếu lặp để tìm nghiệm của bài toán cân bằng vectơ mạnh (SVEP). Để xây dựng thuật toán giải đó, trước hết bài toán phụ (AP) liên kết với bài toán SVEP được thiết lập. Hơn nữa, các tính chất cho hàm mục tiêu dạng tổng cùng với mối quan hệ của hai bài toán trên cũng được nghiên cứu đến. Từ đó, thuật toán chiếu lặp cho bài toán SVEP đã được đề xuất. Các kết quả đạt được trong bài báo này là một mở rộng kết quả tương ứng của Wang và Li (2015).

Sự tồn tại nghiệm của bài toán cân bằng véctơ dựa vào nguyên lý biến phân Ekeland

Đinh Ngọc Quý, Phạm Hải Đăng, Đỗ Hồng Diễm
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, nguyên lý biến phân Ekeland được mở rộng cho hàm hai biến véctơ từ không gian mêtric đủ vào không gian Hausdorff lồi địa phương được trang bị thứ tự bởi một nón lồi đóng có đỉnh. Dựa vào nguyên lý biến phân Ekeland để thiết lập điều kiện đủ cho tồn tại nghiệm của bài toán cân bằng véctơ trong trường hợp tập xác định là compact.

Xấp xỉ poisson trên không gian d-chiều qua khoảng cách Trotter-Rényi

Lê Trường Giang, Trịnh Hữu Nghiệm
Tóm tắt | PDF
Mục đích chính của bài báo là sử dụng công cụ khoảng cách Trotter-Rényi để giải quyết các bài toán xấp xỉ Poisson trên không gian d-chiều. Bên cạnh việc giải quyết bài toán cho trường hợp tổng tất định, bài viết còn xét cho cả tr­ường hợp tổng ngẫu nhiên. Các kết quả nhận đ­ược là sự mở rộng và khái quát hóa một số kết quả đã biết.

Phân lập và khảo sát điều kiện tối ưu cho hoạt động của enzyme xanthine oxidase từ sữa bò

Từ Văn Quyền, Nguyễn Minh Chơn, Đái Thị Xuân Trang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân lập enzyme xanthine oxidase (XO) từ sữa bò, xác định một số điều kiện tối ưu cho hoạt động của enzyme XO và chứng minh enzyme XO được phân lập có thể thay thế enzyme XO thương mại trong các nghiên cứu về ức chế hoạt tính của enzyme XO. Phương pháp trích enzyme được sử dụng trong nghiên cứu này là dùng ammonium sulfate để kết tủa enzyme. Enzyme XO được phân lập từ sữa bò có hàm lượng protein là 0,509 mg/mg enzyme thô, enzyme sau khi được phân lập có hoạt tính và hoạt tính riêng lần lượt là 0,2095 U/mg enzyme thô và 0,412 U/mg protein. Điều kiện tối ưu cho hoạt động của enzyme XO phân lập được xác định ở pH 7,5; 25°C; 0,02 U/mL enzyme XO và 0,15 mM xanthine. Hiệu quả ức chế của allopurinol đối với hoạt tính của enzyme XO phân lập và thương mại là tương đương nhau. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy enzyme XO được phân lập từ sữa bò có thể thay thế được enzyme thương mại trong các nghiên cứu về ức chế hoạt tính của enzyme XO.

Nghiên cứu điều kiện hoạt hóa enzyme protease nội tại từ thịt đầu tôm thẻ (Litopenaeus vannamei)

Hà Thị Thụy Vy, Trần Thanh Trúc, Nguyễn Văn Mười
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác động của enzyme protease nội tại đến khả năng thủy phân protein từ thịt đầu tôm thẻ. Nội dung khảo sát bao gồm ảnh hưởng của thời gian trữ đông thịt đầu tôm thẻ đến quá trình thủy phân protein. Bên cạnh đó, quá trình tiền xử lý nhằm kích hoạt protease nội tại được tối ưu hóa theo phương pháp bề mặt đáp ứng với 3 thừa số nhiệt độ, pH và thời gian. Thời gian thủy phân protein thịt đầu tôm bằng protease nội tại sau khi hoạt hóa cũng được nghiên cứu. Kết quả khảo sát cho thấy thời gian trữ đông thịt đầu tôm thích hợp là 6 tuần. Điều kiện kích hoạt enzyme thủy phân đạt tốt nhất khi thịt đầu tôm thẻ được tiền xử lý nhiệt ở nhiệt độ 57,5°C, pH 6,95 và thời gian 3,78 phút. Khi đó, hiệu suất thủy phân (%DH) protein thịt đầu tôm thẻ tăng đến 41,12%, hàm lượng protein đạt 44,33 mg/100 g sau 6 giờ.

Ảnh hưởng của chế phẩm Regent 800WG đến hoạt động phân chia và nhiễm sắc thể trong quá trình nguyên phân ở tế bào rễ hành lá - Allium fistulosum L.

Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Anh
Tóm tắt | PDF
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc lạm dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt đã ảnh hưởng tiêu cực đến thực vật và có thể gây đột biến cho các sinh vật (kể cả con người) gián tiếp tiếp xúc với thuốc. Trong nghiên cứu này, chế phẩm thương mại Regent 800WG được sử dụng để kiểm tra sự ảnh hưởng của chế phẩm đến nhiễm sắc thể và tế bào rễ hành Allium fistulosum L. trong quá trình nguyên phân. Hai nồng độ của hoạt chất fipronil (0,005% và 0,008%) có trong chế phẩm được sử dụng để xử lý rễ trong các khoảng thời gian (4 giờ, 8 giờ và 24 giờ). Kết quả cho thấy, ở cả hai nồng độ fipronil trong Regent 800WG đều làm giảm chỉ số nguyên phân so với đối chứng âm. Đặc biệt, nhiều dạng sai hình nhiễm sắc thể xuất hiện, bao gồm: dính nhiễm sắc thể, nhiễm sắc thể bị rối loạn ở kì giữa, hình thành cầu nhiễm sắc thể ở kì sau và kì cuối, xuất hiện dị nhân và nhân con, nhiễm sắc thể lang thang. Ngoài ra, nhiều tế bào bị biến dạng cũng được quan sát thấy khi xử lý rễ với Regent 800WG ở cả hai nồng độ trên.

Tương quan giữa độ mặn đất và các đặc điểm nông sinh học của một số giống lúa chịu mặn

Nguyễn Hồ Lam
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đất khác nhau đến sự biểu hiện và mối quan hệ tương quan giữa một số đặc điểm nông sinh học của một số giống lúa chịu mặn. Hai thí nghiệm được bố trí trực tiếp trên 2 nền đất lúa bị nhiễm mặn ở mức độ trung bình (ECe = 6,35 dS/m) và cao (ECe = 9,90 dS/m), ở vụ Đông Xuân 2017, tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Thí nghiệm sử dụng 10 giống lúa chịu mặn. Các đặc điểm nông sinh học như chiều cao, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất được nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự biểu hiện về sinh trưởng, năng suất và yếu tố cấu thành năng suất của các giống lúa thí nghiệm khá kém, đặc biệt là ở độ mặn cao ECe = 9,90 dS/m. Năng suất cá thể giảm 14,8% khi độ mặn tăng lên 3,55 đơn vị (6,35 dS/m lên 9,90 dS/m). Để tăng năng suất ở độ mặn trung bình (ECe = 6,35 dS/m) thì biện pháp tốt nhất là tác động các giải pháp để tăng chiều cao cây, tổng số bông, trọng lượng bông và sinh khối khô của cây. Tuy nhiên, để tăng năng suất cá thể ở độ mặn cao (ECe = 9,90 dS/m) cần tác động các giải pháp để tăng các đặc điểm như trọng lượng bông, tổng số hạt/bông, hạt chắc/bông và tổng sinh khối khô của cây.

Ảnh hưởng của giá thể trồng và nồng độ đạm đến sự sinh trưởng và phát triển của cây hương thảo (Rosmarinus officinalis L.) trồng trong chậu

Phạm Thị Minh Tâm, Nguyễn Thị Bích Phươngj
Tóm tắt | PDF
Cây hương thảo có nguồn gốc từ Địa Trung Hải được sử dụng rộng rãi trong trang trí, thực phẩm và dược liệu. Cây hương thảo là một loại cây kiểng mới tại Việt Nam và chưa có nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng trên cây hương thảo. Một thí nghiệm 2 yếu tố được bố trí theo kiểu lô phụ, ba lần lặp lại đã được triển khai nhằm xác định được giá thể trồng và nồng độ đạm thích hợp cho sự sinh trưởng phát triển của cây hương thảo trồng trong chậu áp dụng chế độ tưới nhỏ giọt. Yếu tố lô chính là 3 loại giá thể trồng ((i) Đối chứng (không phối trộn phân hữu cơ - 35% cát + 37,5% tro trấu + 37,5% mụn dừa), (ii) 30% phân trùn quế + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa, và (iii) 30% phân bò ủ hoai + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa). Tỉ lệ phối trộn theo thể tích. Yếu tố lô phụ là 6 nồng độ đạm (50, 100, 150 , 200, 250, 300 ppm, trong đó 150 ppm là đối chứng). Kết quả cho thấy cây hương thảo sinh trưởng tốt khi được trồng trên giá thể 30% phân trùn quế + 35% cát + 17,5% tro trấu + 17,5% mụn dừa và tưới đạm với nồng độ 100 ppm với liều lượng tưới 150 mL/cây/ngày trong 1 tháng sau khi trồng và tiếp theo là 300 mL/cây/ngày từ tháng thứ 2 trở đi, 5 lần/ngày (8 giờ, 10 giờ, 12 giờ, 14 giờ, 16 giờ).

Ứng dụng kỹ thuật khai phá dữ liệu đánh giá thích nghi đất đai cây cao su trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Nguyễn Hữu Cường
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng kỹ thuật khai phá dữ liệu bằng cây quyết định trong đánh giá đất đai nhằm xác định các yếu tố đặc điểm đất đai ảnh hưởng đến tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp, lượng hóa mối quan hệ giữa các yếu tố đặc điểm đất đai với năng suất cây trồng nhằm hoàn thiện phương pháp đánh giá đất đai có khả năng cung cấp căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất đai. Mô hình hồi quy cây quyết định được thực hiện với biến mục tiêu (target) là năng suất (tấn/ha), các biến dự báo (predictor) là: loại đất, độ dày tầng đất, độ dốc, khả năng tưới và thành phần cơ giới. Từ kết quả phân tích dữ liệu điều tra theo mô hình cây quyết định ta rút ra những tổ hợp các yếu tố theo năng suất trung bình của cây trồng. Dựa vào năng suất để đánh giá mức độ thích nghi cho từng tổ hợp yếu tố ảnh hưởng. Nghiên cứu áp dụng trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho cây cao su. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ giải thích các biến dự báo là 96,49%. Cấp thích nghi cao chiếm 474,67 ha, cấp thích nghi trung bình chiếm 53.597,70 ha. Kết quả có sự sai lệch so với phương pháp phân tích thứ bậc (AHP).

Tình hình gây hại của sâu kéo màng, Hellula undalis Fabricius (Lepidoptera: Crambidae) hại rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Thanh Thy, Lê Văn Vàng, Nguyễn Lộc Hiền
Tóm tắt | PDF
Tình hình gây hại của sâu kéo màng (Hellula undalis) hại rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long được điều tra và khảo sát tại 03 tỉnh/thành phố, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang trong thời gian từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017. Kết quả điều tra 180 hộ nông dân trồng rau cải cho thấy, nông dân trồng 9 loại rau cải thuộc họ Brassicaceae đều bị sâu kéo màng gây hại, thường ở giai đoạn 10–15 ngày sau khi gieo và gây hại nặng trong mùa nắng. Có đến 48,9% tổng số hộ được phỏng vấn là hiểu biết ít về sâu kéo màng, số còn lại 17,2% là không hiểu biết và 33,9% là hiểu biết rõ ràng về đặc điểm hình thái, thời điểm và mùa vụ gây hại của loài sâu này. Kết quả khảo sát trên 25 ruộng rau cải cho thấy, sâu kéo màng gây hại ở mức độ phổ biến (++, 25-50%) với tần suất xuất hiện là 5/5 lần khảo sát suốt vụ rau cải. Cải tùa xại, xà lách xoong, cải xanh và cải ngọt bị sâu kéo màng gây hại với tỷ lệ cao trong 7 loại cải được khảo sát tại 03 tỉnh/thành phố nói trên.

Đánh giá hiệu quả của chế phẩm Burkholderia vietnamiensis BV3 trên giống lúa OM6976 trong điều kiện đất phèn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang

Phạm Thị Thủy, Ngô Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm ngoài đồng được thực hiện để đánh giá hiệu quả cố định đạm của chế phẩm sinh học từ dòng vi khuẩn Burkholderia vietnamiensis BV3 (sau 3 tháng tồn trữ) trên giống lúa OM6976 trồng trên đất phèn ở huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang trong vụ Hè Thu 2016. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy chế phẩm sinh học có thể tiết kiệm 50% đạm hóa học tương đương cung cấp được 50% đạm sinh học cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa trồng ngoài đồng.

Ảnh hưởng của các hàm lượng đạm khác nhau trong ương ốc bươu đồng (Pila polita) giống

Võ Thị Kiều Diễm, Nguyen Anh Tuan, Ngô Thị Thu Thảo, Lê Văn Bình, Nguyễn Trí Thanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các hàm lượng đạm khác nhau trong thức ăn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc bươu đồng (Pila polita) giai đoạn ương giống. Mỗi nghiệm thức có 3 lần lặp lại với các mức hàm lượng đạm lần lượt là: 15 (P15); 20 (P20); 25 (P25); 30 (P30); 35 (P35) và 40% (P40). Ốc giống mới nở có chiều cao và khối lượng ban đầu là 4,88 mm và 0,03 g được ương trong bể composite (kích thước 80×60 cm, chiều cao cột nước 20 cm) với mật độ 150 con/bể. Sau 49 ngày ương, khối lượng và chiều cao trung bình của ốc ương ở hàm lượng đạm P25 (1,17 g và 17,3 mm) cao hơn (p0,05). Ương ốc ở hàm lượng đạm P25 cho năng suất (349 g/m2) cao nhất và khác biệt (p

Ảnh hưởng của nồng độ CO2 cao trong nước lên cân bằng acid và base của lươn đồng, Monopterus albus (Zuiew, 1973)

Phan Vĩnh Thịnh, Tobias Wang, Mark Bayley, Nguyễn Thanh Phương, Đỗ Thị Thanh Hương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự biến động của một số yếu tố môi trường nước ở các giai đoạn nuôi thương phẩm cũng như xác định sự ảnh hưởng của CO2 cao lên khả năng điều hòa acid base của lươn. Kết quả khảo sát môi trường hiện trường của 9 bể nuôi lươn thương phẩm có giá trị PwCO2 dao động 9,5 mmHg ở giai đoạn giữa và 28 mmHg ở giai đoạn cuối vụ nuôi. Ảnh hưởng của hàm lượng CO2 lên lươn được tiến hành gồm 3 nghiệm thức là 0, 14 và 30 mmHg CO2 (lặp lại 3 lần/nghiệm thức) với mật độ 50 lươn/bể. Mẫu máu được thu lúc 0, 3, 6, 24, 48, và 72 giờ và mỗi lần thu 6 lươn/bể. Giá trị pH máu giảm trong 24 giờ đầu và phục hồi sau 72 giờ. PaCO2 và HCO3- trong máu tăng cao ở nghiệm thức 14 và 30 mmHg CO2. Số lượng các tế bào máu (hồng cầu và bạch cầu) cũng tăng cao sau 72 giờ ở nghiệm thức 30 mmHg CO2. Nồng độ glucose cũng tăng lên 10,9 và 12,63 mg/100 mL ở các nghiệm thức 14 và 30 mmHg CO2 sau 24 giờ. Tuy nhiên, nồng độ ion thay đổi không đáng kể ở cả 3 nghiệm thức. Kết quả cho thấy lươn đồng là một trong những loài cá hô hấp khí trời có khả năng điều hòa pH máu bằng cơ chế cân bằng acid và base.

Đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và tôm - lúa tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Võ Nam Sơn, Trần Ngọc Hải, Lý Văn Khánh, Nguyễn Thanh Phương, Bành Văn Nhẫn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện qua việc phỏng vấn trực tiếp 123 hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT) và 141 hộ nuôi tôm – lúa (T-L) tại 4 khu vực của hai vùng chịu ảnh hưởng của hai nguồn nước mặn từ biển Đông và Vịnh Thái Lan ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tác động của các yếu tố kỹ thuật lên năng suất và lợi nhuận các mô hình nuôi, góp phần cung cấp thông tin cho các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất của các mô hình nuôi này. Kết quả cho thấy mô hình QCCT có mật độ thả tôm cả năm 9,29±3,78 con/m2/năm (4,02±1,19 đợt/năm). Năng suất tôm là 558,40±113,01 kg/ha/năm cho lợi nhuận 93,81±21,02 triệu /ha/năm. Mô hình tôm – lúa, mật độ thả tôm trung bình là 5,39±2,38 con/m2/năm (3,36±0,96 đợt/năm). Năng suất tôm trung bình là 491,90±156,99 kg/ha/năm, lợi nhuận 95,41±29,01 triệu đồng/ha/năm. Trong cả hai mô hình nuôi QCCT và T-L: mật độ thả tôm sú, số lần thả giống, sử dụng ao vèo để ương tôm và tỉ lệ diện tích thực vật ảnh hưởng tới năng suất tôm muôi và lợi nhuận của mô hình; trong khi đó ở mô hình T – L, việc thả thêm tôm càng xanh vào mùa mưa làm tăng năng suất và lợi nhuận. Mô hình nuôi tôm QCCT có lợi nhuận cao và phát triển mạnh ở các khu vực gần biển và thay thế mô hình nuôi T – L, mô hình nuôi T – L có xu hướng dịch chuyển sâu vào nội địa do sự xâm nhập mặn ngày càng sâu.

Đánh giá sự biến động chất lượng nước ở Búng Bình Thiên, tỉnh An Giang

Đặng Văn Tý, Nguyễn Hoàng Huy, Châu Thi Đa, Vũ Ngọc Út, Trần Văn Việt
Tóm tắt | PDF
Chất lượng nước ở Búng Bình Thiên (BBT), An Giang được nghiên cứu nhằm đánh giá sự biến động các chỉ tiêu thủy lý hóa trong búng làm cơ sở cho việc nuôi trồng, khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Nghiên cứu đã được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016 thông qua 12 đợt thu mẫu (theo nhịp thu mẫu 30 ngày/lần) bao gồm các chỉ tiêu: nhiệt độ, độ sâu, pH, TSS, N-NO2-, DO, COD, BOD, TAN, P-PO43- và coliform, việc thu mẫu đã thực hiện ở các khu vực đầu búng, giữa búng và cuối búng, mỗi vị trí thu ở 2 tầng nước (tầng mặt cách mặt nước 50 cm và tầng đáy cách mặt đáy búng 50 cm). Kết quả thấy rằng chất lượng nước trong BBT có sự biến động theo thời gian và không gian, các chỉ tiêu nghiên cứu đều nằm trong mức cho phép ngoại trừ COD trong mùa khô và vượt mức cho phép tiêu chuẩn chất lượng nước mặt khi so sánh với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A1), chỉ có COD vượt mức ở các tháng mùa khô. Ngoài ra, coliform xuất hiện trong BBT mùa khô nhiều hơn mùa mưa mặc dù ở mức cho phép nhưng chứng tỏ hiện nay BBT đang tiếp nhận nguồn nước thải từ hoạt động của cộng đồng xung quanh.

Bảo quản lạnh cá lóc phi lê (Channa striata) kết hợp xử lý acid acetic

Trần Minh Phú, Nguyễn Quốc Thịnh, Lê Thị Minh Thủy, Đào Thị Mộng Trinh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự thay đổi chất lượng của cá lóc phi lê xử lý bằng acid acetic và bảo quản lạnh. Thí nghiệm gồm hai nghiệm thức (1) bảo quản trong điều kiện nước đá và (2) bảo quản trong điều kiện nước đá có kết hợp rửa acid acetic nồng độ 0,05%. Nghiệm thức (1), 25 miếng cá phi lê (80-90 g) ngâm bằng nước lạnh trong 10 phút, để ráo 10 phút, để khô trong 10 phút sau đó cho vào túi PE, 5 miếng cá/túi, bảo quản bằng nước đá, tỷ 1ệ đá:cá là 1:1 trong thùng xốp. Nghiệm thức (2), 25 miếng cá phi lê được rửa trong dung dịch acid acetic 0,05% trong 10 phút, để ráo 10 phút, sau đó cho vào túi PE, 5 miếng cá/túi, bảo quản tương tự nghiệm thức 1. Thu mẫu vào các ngày 0, 3, 6, 9 và 12. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm nhiệt độ, vi sinh tổng số, giá trị cảm quan, độ đàn hồi, WHC, pH, TVB–N, PV và TBARs. Kết quả cho thấy phi lê cá lóc có xử lý acid acetic (0,05%) có giá trị cảm quan cao hơn cá đối chứng trong quá trình bảo quản lạnh. Sản phẩm có thể được sử dụng đến 12 ngày cho cả xử lý hay không xử lý acid acetic. Sử dụng acid acetic đã làm giảm tổng số vi sinh vật hiếu khí so với mẫu đối chứng.

Ảnh hưởng của mức nước, mật độ ương và lượng giá thể khác nhau lên tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain) giai đoạn megalop đến cua 1

Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mức nước, mật độ và lượng giá thể thích hợp cho sự phát triển của ấu trùng cua biển giai đoạn megalop đến cua 1. Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm: (1) thí nghiệm gồm 2 nhân tố với 9 nghiệm thức (mức nước 20; 40; 60 cm kết hợp với mật độ ương 5.000; 10.000 và 15.000 con/m2) và (2) ảnh hưởng của lượng giá thể (0, 2, 4 và 6 m2 giá thể /m2 diện tích đáy), được bố trí với mức nước 40 cm và mật độ 5.000 con/m2 (kết quả tốt nhất từ thí nghiệm 1). Cả 2 thí nghiệm được bố trí trong bể có diện tích đáy 0,1 m2, độ mặn 26‰ và kích cỡ megalop từ 2,08 – 2,10 cm. Sau 7 ngày ương, tỷ lệ sống của cua không có sự tương tác giữa mức nước và mật độ ương (p=0,226), tuy nhiên tỷ lệ sống cua ở mức nước 40 (76,9%) và 60 cm (75%) cao hơn và khác biệt so với mức nước 20 cm; ở mật độ ương 5.000 con/m2 đạt tỷ lệ sống 85,6% cũng cao hơn và khác biệt có ý nghĩa so với các mật độ ương khác. Tỷ lệ sống của cua ở nghiệm thức lượng giá thể 6 m2 đạt tỷ lệ sống cao nhất (79,7%) nhưng khác biệt không có ý nghĩa so với lượng giá thể 2 m2 (79,4%) và 4 m2 (74,9%). Kết quả cho thấy, ương megalop lên cua 1 với mật độ 5.000 con/m2, mức nước 40 cm và diện tích giá thể gấp 2 lần diện tích đáy đạt hiệu quả cao nhất.

Nghiên cứu đặc điểm bệnh học của vi khuẩn Streptococcus iniae trên cá chẽm (Lates calcarifer)

Trương Thị Hoa, Đặng Thị Hoàng Oanh, Nguyễn Ngọc Phước
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số đặc điểm bệnh học của vi khuẩn Streptococcus iniae phân lập từ cá chẽm (Lates calcarifer) nuôi trong lồng tại Thừa Thiên Huế. Kết quả có 27 chủng vi khuẩn được phân lập từ 50 mẫu cá chẽm bị bệnh xuất huyết và được định danh là S. iniae bằng phương pháp sinh hóa. Các chủng vi khuẩn này có dạng hình cầu, Gram dương, phản ứng oxidase và catalase âm tính, không di động, có khả năng thủy phân tinh bột và esculin, không thủy phân hippurate. Kết quả xác định kiểu huyết thanh bằng phương pháp ngưng kết miễn dịch sử dụng kít Slidex Strepto Plus cho thấy 27 chủng vi khuẩn phân lập được đều âm tính với 6 kiểu huyết thanh A, B, C, D, F, G của nhóm Lancefield. Hai chủng S. iniae (HTA1 và HTA3) được chọn để kiểm tra khả năng gây bệnh thực nghiệm và xác định giá trị LD50. Giá trị LD50 của 2 chủng HTA1 và HTA3 lần lượt là 1,9x105 CFU/mL và 1,5x105CFU/mL. Sau 48 giờ cảm nhiễm với 2 chủng HTA1 và HTA3 cá chẽm thí nghiệm có dấu hiệu bệnh lý như bơi lờ đờ trên mặt nước, xuất huyết trên da và gốc vây, mắt lồi và xuất huyết. Sau 72 giờ thí nghiệm, cá bắt đầu chết và đạt tỉ lệ chết tích lũy cao nhất sau 8 ngày cảm nhiễm với tỉ lệ chết tích lũy là 76,7% (HTA1) và 80% (HTA3). Trong khi đó ở lô đối chứng, cá không thể hiện dấu hiệu bệnh lý, không chết cũng như không phân lập được vi khuẩn S.iniae.

Tích hợp giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở các trường trung học phổ thông thành phố Cần Thơ

Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt | PDF
Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Làm thế nào để giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế, đây là một vấn đề cần được nghiên cứu để có những định hướng đúng đắn cho con đường phát triển của dân tộc. Bài viết “Tích hợp giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT Thành phố Cần Thơ” sẽ đi sâu phân tích vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa trong dạy học Lịch sử ở trường THPT, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố Cần Thơ trong dạy học Lịch sử ở trường THPT, góp nâng cao chất lượng dạy học bộ môn hiện nay.

Thực trạng dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, nguyên nhân và giải pháp

Cao Ngọc Báu, Nguyễn Văn Tuấn
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN)-Trường Đại học Cần Thơ, giảng viên đã và đang áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn GDQP&AN. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn sử dụng một số phương pháp dạy học chưa thật sự phù hợp. Để tìm hiểu bức tranh về phương pháp dạy học môn GDQP&AN, nghiên cứu tiến hành khảo sát thực trạng dạy và học GDQP&AN tại Trung tâm GDQP&AN-Trường Đại học Cần Thơ. Từ thực trạng và nguyên nhân, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp đổi mới trong dạy học môn GDQP&AN.

Thiết kế mô hình kiểm tra và giám sát thành tích trong thi năng khiếu thể dục thể thao tại Trường Đại học Cần Thơ

Lê Quang Anh, Huỳnh Minh Nhật, Lưu Hải Tuấn, Quách Văn Khương, Võ Quốc Quân, Trần Hữu Danh
Tóm tắt | PDF
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong giảng dạy, nghiên cứu sản xuất và trong đời sống đang là xu thế tích cực hiện nay. Tuyển sinh năng khiếu thể dục thể thao cho ngành giáo dục thể chất tại Trường Đại học Cần Thơ lâu nay sử dụng những thiết bị xác định thành tích chủ yếu bằng thủ công và ảnh hưởng chủ quan của người đo. Công việc này ít nhiều chưa đảm bảo tính khách quan và công bằng cho thí sinh. Với mong muốn tạo ra những thiết bị có hệ thống giám sát và kiểm tra nội dung thi năng khiếu thể dục thể thao tại Trường Đại học Cần Thơ.  Đề tài nghiên cứu đã sử dụng Kit Raspberry Pi 3 được cài đặt với phần mềm WinIoT và Visual Studio, cảm biến quang SRF05, Module thu phát RF 315 MHz và những linh kiện thiết kế cảm biến quang. Những thiết bị này mang tính chuyên dụng, có chi phí thấp, có khả năng đảm bảo tính khách quan và chính xác trong việc xác định thành tích cho các thí sinh. Để đạt được điều này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và tạo ra ba sản phẩm: máy đếm thời gian môn chạy, máy đo gập dẻo dạng ngồi và bật xa tại chỗ.

Vai trò địa chính trị của khu vực Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ những năm đầu thế kỷ XXI

Ngô Thị Bích Lan
Tóm tắt | PDF
Địa chính trị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế nói chung và chính sách đối ngoại của các quốc gia nói riêng. Hoa Kỳ là một trong số các cường quốc hàng đầu thế giới đánh giá cao yếu tố địa chính trị trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại. Bước vào thế kỷ XXI, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được xem là khu vực đáng chú ý của thế giới khi là nơi cạnh tranh lợi ích chiến lược các cường quốc. Tại đây, Đông Nam Á được đánh giá là địa bàn chiến lược với vai trò địa chính trị quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ. Bài viết đi sâu phân tích vai trò địa chính trị khu vực Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ trên ba khía cạnh: chính sách chống khủng bố và an ninh, quan hệ thương mại và thực thi quyền lực mềm của Hoa Kỳ.

Tiếp cận “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ từ quan niệm về vô thức cá nhân của Sigmund Freud

Hoàng Thị Thùy Dương
Tóm tắt | PDF
“Truyền kì mạn lục” là tác phẩm đỉnh cao của thể loại truyền kì trong văn học Việt Nam. Nếu dùng quan niệm về vô thức cá nhân của Sigmund Freud soi chiếu vào tác phẩm này, chúng ta sẽ thấy giá trị của tác phẩm hiện lên với nhiều chiều kích khác nhau. “Truyền kì mạn lục” thể hiện ước mơ của con người, đặc biệt là bản năng tính dục. “Truyền kì mạn lục” còn thể hiện bản năng sống, chết của con người. “Truyền kì mạn lục” đã miêu tả vô thức cá nhân, bộc lộ chiều sâu tâm lí của con người, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, tạo được sự đồng cảm của độc giả.

Vấn đề kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Châu Đốc nửa đầu thế kỉ XX

Trần Minh Thuận
Tóm tắt | PDF
Tỉnh Châu Đốc là một trong các tỉnh thuộc miền Tây Nam Kỳ được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ngày 20/12/1899. Điều kiện tự nhiên, xã hội ở đây rất đặc biệt và phức tạp. Vì vậy, tình hình khẩn hoang, sở hữu ruộng đất, hoạt động kinh tế nông nghiệp luôn có những biến động liên tục dưới nhiều góc độ như diện tích canh tác, năng suất, nhân công, số lượng trâu bò, xuất khẩu lúa gạo...Bài viết này sẽ phân tích và đánh giá những vấn đề trên, cũng như vai trò kinh tế của tỉnh Châu Đốc đối với miền Tây Nam Kỳ trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.

Tính chất nước đôi và kỹ thuật dòng ý thức trong tiểu thuyết Chinatown của Thuận

Trần Mỹ Tường, Bùi Thanh Thảo
Tóm tắt | PDF
Bài viết tập trung nghiên cứu hai yếu tố nổi bật của tiểu thuyết Chinatown. Với tính chất nước đôi của lý thuyết hậu thực dân, Thuận đã đi sâu khai thác tâm trạng mâu thuẫn của những con người lưu vong nơi đất khách, trên quê hương và thậm chí ngay trong gia đình họ. Bên cạnh đó, kỹ thuật “dòng ý thức” đã tạo nét riêng cho tác phẩm. Nó được thể hiện qua cách xác lập nên trung tâm ý thức, xây dựng và làm mới nhân vật. Qua đây, khẳng định thành công của Thuận trong việc cách tân nghệ thuật tiểu thuyết.