Ngày xuất bản: 26-08-2021

Phân tích tần số dao động riêng của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực

Lê Tuấn Tú, Đỗ Kiến Quốc, Trần Thị Phượng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích tần số dao động riêng của hệ thanh không gian bằng phương pháp độ cứng động lực. Nghiên cứu trình bày cách xây dựng các ma trận độ cứng động lực của phần tử thanh thẳng chịu lực dọc trục, chịu xoắn và chịu uốn trên cơ sở tìm nghiệm chính xác của phương trình cân bằng động học theo lý thuyết dầm Euler – Bernoulli. Từ đó, các ma trận trên được sử dụng để xây dựng ma trận độ cứng động lực cho phần tử thanh chịu lực tổng quát và ứng dụng nó vào việc phân tích tần số dao động riêng của hệ thanh không gian. So sánh các kết quả tính toán của phương pháp độ cứng động lực với các kết quả của phương pháp phần tử hữu hạn cho thấy độ chính xác của phương pháp độ cứng động lực. Phương pháp độ cứng động lực cho kết quả phân tích chính xác ngay khi xem thanh là một phần tử duy nhất – điều mà phương pháp phần tử hữu hạn không làm được.

Nhận dạng động cơ không đồng bộ sáu pha sử dụng mạng neuron RBF

Nguyễn Việt Trung, Pham Thanh Tung
Tóm tắt | PDF
Nhận dạng hệ thống là một trong những công việc đầu tiên phải thực hiện khi giải quyết bài toán điều khiển tự động bởi vì không thể phân tích, tổng hợp hệ thống khi không có mô hình toán mô tả hệ thống. Bài báo này trình bày và mô phỏng phương pháp nhận dạng động cơ không đồng bộ sáu pha sử dụng mạng neuron hàm cơ sở xuyên tâm (RBF – Radial Basis Function), thông số nhận dạng gồm có tốc độ quay, mômen xoắn, từ thông rotor trên hệ trục cố định . Mạng RBF được xây dựng, huấn luyện trực tuyến dựa trên dữ liệu vào ra của đối tượng. Kết quả mô phỏng dùng phần mềm Matlab/Simulink cho thấy sai số của bộ nhận dạng hội tụ về 0. Thông số nhận dạng bám theo thông số đối tượng trong khoảng thời gian động cơ khởi động, sau khi lắp tải và có nhiễu trắng tác động, độ phù hợp giữa đáp ứng ngõ ra và đáp ứng nhận dạng nằm trong khoảng 98%-99%. Nghiên cứu này là tiền đề để tiến đến các phương pháp điều khiển hiệu suất cao như điều khiển trực tiếp mômen (DTC – Direct Torque Control), điều khiển tựa từ thông (FOC – Field Oriented Control), Logic mờ được thuận lợi hơn.

Nghiên cứu sản xuất nano-hydroxyapatite từ xương cá ngừ (Thunnus tonggol) và đánh giá khả năng tương thích sinh học

Nguyễn Trí, Nguyễn Thị mai Phương, Nguyễn Thị Thùy Vân, Nguyễn Phụng Anh, Dương Huỳnh Thanh Linh, Nguyễn Thị Hồng Nơ , Phan Hồng Phương, Đoàn Văn Hồng Thiện, Huynh Ky Phuong Ha
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, ảnh hưởng của điều kiện thủy nhiệt và nung đến cấu trúc của nano-hydroxyapatite được tổng hợp từ xương cá ngừ bằng phương pháp thủy nhiệt đã được nghiên cứu. Các tính chất lý hóa của sản phẩm nano-hydroxyapatite được xác định bằng các phương pháp phân tích hiện đại như nhiễu xạ tia X (XRD), quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR), hiển vi điện tử quét phát xạ trường (FE-SEM), hiển vi điện tử truyền qua (TEM) và quang phổ huỳnh quang tia X (XRF). Kết quả phổ XRD cho thấy điều kiện thủy nhiệt và nung ảnh hưởng đến độ kết tinh cũng như độ tinh khiết của hydroxyapatite. Các điều kiện thích hợp để tổng hợp nano-hydroxyapatite đã được xác định cụ thể thủy nhiệt ở 120°C trong 7 giờ và nung ở 800°C trong 1 giờ. Ở các điều kiện phù hợp, nano-hydroxyapatite thu được có kích thước hạt 30–100 nm và đạt diện tích bề mặt BET 15,8 m2/g, thể tích lỗ xốp 0,018 cm3/g, và đường kính lỗ xốp 23,0 Å. Tỷ lệ mole của Ca/P trong nano-hydroxyapatite được tổng hợp là 1,67 bằng tỉ lệ xác định theo lý thuyết trong hydroxyapatite. Sản phẩm nano-hydroxyapatite có độ kết tinh và tương thích sinh học cao khi thử nghiệm trong môi trường cơ thể người giả lập (SBF - Simulated Body Fluid).

Nhận dạng tiếng nói điều khiển với convolutional neural network (CNN)

Thái Thuận Thương
Tóm tắt | PDF
Điều khiển bằng giọng nói là một chức năng quan trọng trong nhiều thiết bị di động, hệ thống nhà thông minh, đặc biệt đó là một giải pháp giúp cho người khuyết tật có thể điều khiển được các thiết bị thông dụng trong cuộc sống. Bài báo trình bày một phương pháp nhận dạng tiếng nói điều khiển ngắn sử dụng đặc trưng MFCC (Mel frequency cepstral coefficients) và mô hình convolutional neural network (CNN). Dữ liệu âm thanh đầu vào là các file wave được giả định có thời lượng đúng 1 giây. Một cửa sổ trượt kích thước 30 ms với bước dịch chuyển 10 ms lần lượt trượt trên dữ liệu đầu vào để tính các thông số MFCC. Với mỗi tập tin đầu vào sẽ thu được 98 đặc trưng MFCC, mỗi đặc trưng MFCC là một vector 40 chiều (tương ứng 40 hệ số của các bộ lọc Mel-scales). Nghiên cứu đã để xuất sử dụng 3 mô hình Neural Network để phân lớp các tập tin tiếng nói điều khiển này: Mô hình Vanilla Neural Network 1 layer (1 softmax layer), Deep Neural Network - DNN (với 3 layers ẩn kết nối đầy đủ và 1 lớp output) và mô hình Convolution Neural Network - CNN. Các thực nghiệm được thực hiện trên tập dữ liệu “Speech Commands Dataset” của Google (https://ai.googleblog.com/2017/08/launching-speech-commands-dataset.html) gồm 65.000 mẫu được chia thành 30 lớp. Kết quả thực nghiệm cho thấy mô hình CNN đạt...

Tổng hợp vật liệu Fe3O4@SiO2 đính Fe0 và xử lý methyl blue trong nước

Lương Huỳnh Vủ Thanh, Khưu Gia Hân, Nguyễn Ngọc Hân, Bùi Yến Pha, Ngô Trương Ngọc Mai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng xử lý thuốc nhuộm methyl blue (MB) trong nước bằng hạt Fe3O4@SiO2 đính Fe0. Kỹ thuật nhiễu xạ tia X (XRD) được sử dụng để xác định đặc điểm cấu trúc của các hạt nano. Các hạt nano tổng hợp được phân tích bằng kỹ thuật quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) để xác định sự có mặt của các nhóm chức và các liên kết trong phân tử vật liệu hấp phụ (VLHP). Hình thái bề mặt của các hạt nano Fe3O4@SiO2 khi tổng hợp được nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM). Tính chất từ của các hạt nano Fe3O4 và Fe3O4@SiO2 đính Fe0 được đánh giá bằng kỹ thuật từ kế mẫu rung (VSM). Vật liệu sau tổng hợp có dạng khối cầu và kích thước khoảng 100-500 nm với độ từ hóa 56,29 emu.g-1. Quá trình xử lý MB thu được hiệu suất 92,8% ở pH 6,0 và tuân theo mô hình động học giả kiến bậc 2 và mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Langmuir.

Ứng dụng sản phẩm ảnh chỉ số diện tích lá (MODIS LAI) và hệ thống quan trắc dữ liệu thời tiết trong mô hình ước đoán năng suất lúa

Trương Chí Quang, Lê Vũ Bằng , Võ Quang Minh
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm đánh giá khả năng ứng dụng ảnh viễn thám chỉ số diện tích lá MODIS LAI và dữ liệu thời tiết thu thập bằng IOT trong ước đoán năng suất lúa dựa trên pixel ảnh. Phương pháp nghiên cứu dựa trên nguồn ảnh MODIS LAI MCD15A2Hv006. Bản đồ diện tích lá mỗi vụ được tổng hợp từ các ảnh LAI ứng với thời điểm 30-40 ngày sau sạ cho từng đợt sạ. Giá trị LAI được chuyển đổi thành hệ số phát triển tương đối của lá (RGRL) sử dụng cho mô hình Oryza2000 v3 để ước đoán năng suất lúa. Mô hình được hiệu chỉnh dựa vào năng suất lúa vụ Hè Thu năm 2018 để làm cơ sở ước tính cho các vụ còn lại. Với các tham số được hiệu chỉnh, năng suất mô phỏng được kiểm chứng cho vụ Thu Đông 2018, Đông Xuân 2018-2019 và  Hè Thu 2019 với sai số RMSE lần lượt là 0,44 tấn, 0,38 tấn và 0,31 tấn tương ứng với nRMSE là 5,61%, 4,22% và 5,40%. Kết quả đạt được cho thấy ảnh MODIS LAI giúp xây dựng bản đồ ước đoán năng suất chi tiết mức pixel nhờ vào phương pháp xử lý ảnh đơn giản, dễ triển khai ứng dụng cho các nhà quản lý trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bước đầu nghiên cứu thành phần loài và phân bố cá rạn san hô vùng biển ven quần đảo Hải Tặc, tỉnh Kiên Giang

Trần Văn Hướng, Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Anh Duy , Vũ Quyết Thành , Nguyễn Khắc Bát
Tóm tắt | PDF
Kết quả nghiên cứu quần xã cá rạn san hô bằng phương pháp dây mặt cắt, sử dụng thiết bị lặn (scuba) tại quần đảo hải tặc thuộc thành phố hà tiên trong hai năm 2018 - 2019 đã xác định được 57 loài cá rạn san hô thuộc 36 giống, 24 họ, 6 bộ, 1 lớp. Hai loài được ghi nhận thuộc danh mục sách đỏ việt nam năm 2007. Thành phần loài cá ghi nhận được ở mùa gió đông bắc cao hơn mùa gió tây nam là 8 loài. Hệ sinh thái rạn san hô có số lượng loài chiếm ưu thế hơn hệ sinh thái cỏ biển. Chỉ số đa dạng thuộc mức tốt (h' = 2,25). Mật độ trung bình đạt 608,3±443,0 cá thể/ 500 m2, mật độ tại mùa gió tây nam thấp hơn mùa gió đông bắc. Nhóm cá có kích cỡ < 10 cm chiếm trên 80% số lượng cá thể bắt gặp. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung cho dữ liệu đa dạng nguồn lợi nhóm cá rạn san hô vùng biển ven đảo tây nam bộ.

Xác định khả năng phân giải cellulose của các chủng vi khuẩn, nấm phân lập từ ruột mối (Microcerotermes spp.) thu nhận ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

Ngô Thanh Phong, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn Huỳnh Thúy Diệu , Bùi Thế Vinh
Tóm tắt | PDF
Vi khuẩn và nấm phân giải cellulose càng trở nên quan trọng hơn do có nhiều ứng dụng trong đời sống, đặc biệt trong phân hủy chất thải giàu cellulose và sản xuất phân hữu cơ. Từ 6 tổ mối thu nhận ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã phân lập được 28 chủng vi khuẩn và 7 chủng nấm đều có khả năng phân giải CMC (carboxymethyl cellulose), trong đó các chủng có khả năng phân giải CMC đạt hiệu quả cao gồm 1BTL6 (61,7%), 3BTT6 (65,8%), 2BTNT5 (61,5%) và 1BTNT3 (60,4%). Thêm vào đó, chủng 2BTNT5 có khả năng phân giải cellulose từ rơm tạo đường glucose (0,14 mg/L) sau 15 ngày.

Hiệu quả quản lý tài nguyên nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản dưới tác động của xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre

Nguyễn Thị Thúy Vy , Nguyễn Minh Tuấn , Trần Hoàng Hiểu, Lê Tấn Lợi, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Xâm nhập mặn tại các vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng, đã ảnh hưởng đến công tác quản lý nguồn tài nguyên nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả trong công tác ứng phó xâm nhập mặn vào mùa khô 2019 – 2020 tại tỉnh Bến Tre, dựa trên nguyên tắc về vai trò và trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan về quản trị tài nguyên nước của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế). Các số liệu được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn cán bộ địa phương và được xử lý bằng phương pháp thống kê mô tả và công cụ GIS được sử dụng để biên tập bản đồ. Thời gian xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 kéo dài và có phạm vi ảnh hưởng rộng hơn so với trung bình 40 năm trở lại đây, điều này đã dẫn đến việc thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác ứng phó xâm nhập mặn trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản đã được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, sự phối hợp theo chiều ngang giữa các bên tham gia tại địa phương còn gặp hạn chế.

Nghiên cứu khả năng hấp thu nitrate và phosphate của vi tảo được phân lập từ nước thải sinh hoạt

Nguyễn Thị Kim Huê, Đặng Thanh Thảo, Nguyễn Công Thuận, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Nước thải sinh hoạt thường chứa một lượng lớn nitrate và phosphate có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng và ô nhiễm môi trường nước. Vi tảo thường tích lũy nitrogen và phosphorus dưới dạng nitrate và phosphate để tạo sinh khối cho chúng. Do vậy, việc chọn ra dòng tảo có khả năng hấp thu hiệu quả nitrate và phosphate là cần thiết để làm cơ sở cho các nghiên cứu về xử lý nước thải. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát khả năng hấp thu nitrate và phosphate của 6 dòng vi tảo được phân lập từ nguồn nước thải sinh hoạt. Trong 6 dòng tảo được phân lập, 2 dòng vi tảo là Chlorella sp.1 và Chlorella sp.2 có hiệu suất hấp thu trên 90% nitrate và 88% phosphate đã được tuyển chọn. Hai dòng tảo tiềm năng này được tiếp tục nghiên cứu xử lý nitrate và phosphate trong nước thải sinh hoạt ở các thí nghiệm tiếp theo.

Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh phytase của Trichoderma asperellum và đánh giá hiệu quả tăng hấp thu phosphor trên gà thả vườn

Trần Ngọc Hùng
Tóm tắt | PDF
Enzyme phytase được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi nhằm giúp vật nuôi hấp thu tốt phosphor và kiểm soát các yếu tố kháng dưỡng. Trong số 4 chủng vi nấm khảo sát, Trichoderma asperellum cho thấy việc thu nhận phytase hiệu quả nhất trên môi trường bán rắn chứa 60% bột bắp và 40% bã đậu nành. Ảnh hưởng của tỷ lệ dịch khoáng bổ sung và thời gian nuôi được tối ưu theo phương pháp đáp ứng bề mặt (Response surface methodology, RSM). Ở tỷ lệ dịch khoáng bổ sung 60,4%, thời gian nuôi cấy 3,75 ngày, chế phẩm có hoạt độ phytase đạt 5,31±0,65 UI/g. Chế phẩm thủy phân phytate trong thức ăn viên tốt nhất ở pH 5,0 với hàm lượng phosphor vô cơ tăng 25,6% sau 2 giờ. Thử nghiệm bổ sung 1% (w/w) chế phẩm giàu phytase vào khẩu phần ăn gà thả vườn cho thấy hàm lượng phosphor vô cơ trong phân giảm từ 14,5% đến 39,1% so với đối chứng, trong khi khối lượng gà không khác biệt, đạt 791,5 g/con sau 7 tuần.

Đa dạng di truyền các giống sầu riêng (Durio zibethinus) dựa trên trình tự dna mã vạch và chỉ thị phân tử ISSR

Đỗ Tấn Khang, Phan Thanh Huynh, Trần Gia Huy, Nguyễn Phạm Anh Thi, Trần Thanh Mến, Nguyễn Văn Ây
Tóm tắt | PDF
Sầu riêng (Durio zibethinus) là một trong những giống cây ăn quả đặc sản của Việt Nam được thị trường ưa chuộng. Hiện nay có nhiều giống sầu riêng được trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khó phân biệt được qua hình thái. Đề tài được thực hiện nhằm bước đầu khảo sát về mặt di truyền dựa trên DNA mã vạch và chỉ thị phân tử ISSR. Trình tự DNA của ba locus DNA mã vạch gồm ITS, matK, rpoC1 của chín giống (Ri-6, Monthong, Khổ Qua Xanh, Chín Hóa, Sữa Hạt Lép, Chuồng Bò, Bí, Musang King và Sáu Hữu) được thu từ Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đã được giải trình tự và phân tích. Nghiên cứu đã xác định 6 SNPs của vùng ITS giữa các cá thể Ri-6-Bến Tre, Monthong-Tiền Giang, Chuồng Bò-Tiền Giang, Sữa Hạt Lép-Cần Thơ và Sáu Hữu-Tiền Giang. Đối với vùng trình tự matK tìm được 9 SNPs phân biệt được các cá thể Ri-6 (Cần Thơ và Viện Cây ăn quả miền Nam), Chín Hóa-Bến Tre, Sữa Hạt Lép-Bến Tre và Sáu Hữu-Tiền Giang. Vùng trình tự rpoC1 có độ bảo tồn cao giữa các giống trong nghiên cứu. Cây phân loại dựa trên các dấu phân tử ISSR đã tách các giống sầu riêng thành 5 nhóm và cho thấy sự khác biệt rõ của giống sầu riêng nhập ngoại Musang King-Vĩnh Long và cá thể sầu riêng Monthong-Tiền Giang.

Phân lập và tuyển chọn nấm men ứng dụng trong lên men rượu vang mãng cầu xiêm (Annona muricata L.)

Nguyễn Ngọc Thạnh, Huỳnh Văn Kiệt, Lê Trung Tín, Lưu Minh Châu, Huỳnh Xuân Phong
Tóm tắt | PDF
Mãng cầu xiêm (Annona murica L.) là một loại trái cây có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng nhưng lại rất dễ hư hỏng và khó bảo quản. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập và tuyển chọn được dòng nấm men có khả năng lên men dịch quả mãng cầu xiêm để ứng dụng trong sản xuất rượu vang mãng cầu xiêm. Kết quả đã phân lập được 30 dòng nấm men thuộc hai chi Saccharomyces và Pichia. Sơ tuyển được 4 dòng nấm men triển vọng để khảo sát khả năng lên men dịch quả (xử lý enzyme pectinase 0,3% trong 1 giờ và điều chỉnh về pH 4 và 25oBrix) trong thời gian 9 ngày. Kết quả đã tuyển chọn được dòng nấm men FBY015 có khả năng lên men tốt nhất với độ rượu đạt 10,70% v/v và được định danh là Saccharomyces cerevisiae.

Hiệu quả dấu phân tử gene chức năng trong đánh giá tính trạng chất lượng giống lúa

Huỳnh Kỳ, Nguyễn Văn Thép, Văn Quốc Giang, Nguyễn Văn Mạnh, Trần In Đô, Huỳnh Như Điền, Lê Thị Hồng Thanh, Chung Trương Quốc Khang, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Nguyễn Lộc Hiền, Phạm Thị Bé Tư
Tóm tắt | PDF
Ngày nay khi nền kinh tế đang ngày càng phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng về lúa gạo cũng thay đổi theo, người tiêu dùng hiện này có xu hướng thích sản phẩm gạo có hình thức đẹp và chất lượng cao như cơm nấu ra phải mềm dẻo và có mùi thơm. Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng về chất lượng gạo, nghiên cứu được thực hiện nhằm chọn ra những giống lúa có chất lượng cao đáp ứng mục tiêu trên. Dấu chỉ thị phân tử DRR-GL được sử dụng để xác định gene kiểm soát chiều dài hạt GS3; chỉ thị phân tử Wx-in1 xác định gene Wx kiểm soát tính trạng amylose và gene chỉ thị phân tử BADH2 xác định gene kiểm soát tính trạng mùi thơm. Qua kết quả nghiên cứu, các tính trạng chất lượng của 50 dòng lúa IRRI đã tuyển chọn được 1 dòng (IR 86385-172-1-1-B) có chất lượng tốt như hạt gạo thon dài, chiều dài hạt 7,12mm, hàm lượng amylose thấp 17,51%, độ bền thể gel rất mềm (cấp 1) 86,67mm, nhiệt trở hồ trung bình (cấp 5). Kết quả này đã chọn ra được dòng lúa nhập nội có thể làm vật liệu khởi đầu cho chương trình chọn giống chất lượng trong tương lai.

Các biến thể gene OsTZF1 liên quan đến khả năng chịu mặn ở giống lúa Đốc Phụng bằng phương pháp giải trình tự bộ gene

Huỳnh Kỳ, Trần Đặng Thành Phát, Nguyễn Thị Kim Phụng, Văn Quốc Giang, Nguyễn Văn Mạnh, Trần In Đô, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Nguyễn Lộc Hiền, Huỳnh Như Điền
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (next generation sequencing) được ứng dụng để giải trình tự của bộ gene 2 giống lúa Đốc Phụng (giống chống chịu mặn) và giống Nếp Mỡ (giống mẫn cảm với mặn), nhằm tìm các chỉ thị phân tử là gene chức năng mà các gene này liên quan đến cơ chế chống chịu mặn có trong giống lúa Đốc Phụng. Kết quả so sánh với bộ gene tham chiếu, bộ gene của giống lúa Đốc Phụng có khoảng 1.918.726 biến thể dạng thay đổi một nucleotide (Single Nucleotide Polymorphism) và và chèn vào khoảng 81.435, mất đi khoảng 81.974. Trong khi đó ở giống Nếp Mỡ, có khoảng 1.931.380 SNP và chèn vào khoảng 88.473, mất đi khoảng 83.190 vùng DNA. Đa số các biến thể xuất hiện ở các vùng không mang chức năng như trước sau và giữa các gene chiếm tỉ lệ trên 75%. Kết quả khảo sát biến thể xuất hiện trong vùng gene OsTZF1 (LOC_Os05g10670.1), có chức năng điều hòa các nhóm gene liên quan đến các yếu tố stress sinh học và phi sinh học, cho thấy ở giống Đốc Phụng có 7 biến thể SNP và có chèn thêm 9 nucleotide mã hóa 3 amino acid arginine khi so với giống Nếp Mỡ dựa trên bộ gene tham chiếu. Thông tin này giúp cho các nhà chọn giống sử dụng nó như chi thị phân tử, chọn tạo giống chống chịu...

Sử dụng màng chitosan trong bảo quản chả cá lóc chiên ở nhiệt độ thấp

Võ Hoàng Ngân, Nguyễn Văn Mười, Trần Thanh Trúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu chính là khảo sát khả năng bảo quản chả cá lóc chiên ở nhiệt độ thấp sử dụng màng chitosan ăn được. Các nội dung đã được tiến hành trong nghiên cứu bao gồm: (i) xác định nồng độ chitosan thích hợp dùng để bao màng sản phẩm chả cá lóc chiên, (ii) nghiên cứu khả năng bảo quản chả cá lóc chiên của các loại màng chitosan ở điều kiện nhiệt độ lạnh và (iii) đánh giá khả năng bảo quản chả cá lóc chiên của các loại màng chitosan ở điều kiện trữ đông. Kết quả nghiên cứu giúp xác định được, dung dịch chitosan có nồng độ 1,5% là thích hợp nhất để bao màng chả cá lóc chiên. Bên cạnh đó, việc bảo quản bằng màng chitosan 1,5% kết hợp sodium tripolyphosphate ở nồng độ 0,2%, với thời gian nhúng 2 phút giúp cải thiện khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật và duy trì chất lượng của chả so với sử dụng màng chitosan riêng lẻ. Với sự hỗ trợ của màng bao, thời gian bảo quản của chả cá lóc chiên tương ứng đạt 8 tuần bảo quản lạnh và 12 tuần trữ đông với chất lượng sản phẩm thay đổi không đáng kể và đảm bảo an toàn về vi sinh.

Ảnh hưởng của quá trình ngâm rửa và điều kiện tồn trữ đến một số chỉ tiêu vật lý của nấm bào ngư tươi (Pleurotus spp.)

Nguyễn Thị Ngọc Giang , Nguyễn Minh Thủy
Tóm tắt | PDF
Nấm bào ngư Pleurotus spp. rất dễ hư hỏng sau thu hoạch, thời hạn sử dụng nấm bào ngư tươi khó có thể kéo dài hơn 24 giờ ở nhiệt độ phòng. Nghiên cứu nhằm thực hiện khảo sát ảnh hưởng của quá trình ngâm rửa nấm bào ngư tươi, bao gồm (i) CaCl2 và (ii) citric acid (ở các nồng độ 0,5; 1,0; 1,5 và 2% trong thời gian 5, 10, 15 và 20 phút, tương ứng) đến độ cứng và màu sắc của nấm bào ngư sau thu hoạch. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định (iii) các loại bao gói (bao bì giấy, High-density polyethlene (HDPE), polyethylene terephthalate (PET), bao bì giấy đục lỗ, HDPE đục lỗ và PET đục lỗ) (đường kính lỗ 7 mm, mật độ 8-9 lỗ/100 cm2) và (iv) nhiệt độ tồn trữ (3-5oC và 28-30oC) (độ ẩm không khí lần lượt là 60-62% và 76-78%) để duy trì chất lượng nấm bào ngư tươi. Các chỉ tiêu vật lý của nấm bào ngư tươi sau xử lý được đo đạc. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ cứng và màu sắc nấm bào ngư được cải thiện khi ngâm rửa 10 phút trong dung dịch CaCl2 1,5% và 10 phút trong dung dịch citric acid 1%. Sau ngâm rửa, nấm bào ngư chứa trong bao bì HDPE có thể được bảo quản tốt trong khoảng 3 ngày ở 28-30oC và khoảng 18-21 ngày ở nhiệt độ 3-5oC.

Khả năng chuyển hóa đạm của chủng vi khuẩn nitrate hóa chọn lọc sử dụng cho hệ thống lọc tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá khả năng chuyển hóa đạm của các chủng vi khuẩn nitrate hóa chọn lọc từ ao nuôi tôm sử dụng cho hệ thống lọc tuần hoàn trong nuôi tôm thẻ trên bể. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lập lại 3 lần. Đối chứng: không bổ sung vi khuẩn; 2) Nghiệm thức 1: bổ sung vi khuẩn AOB TB7.2; Nghiệm thức 2: bổ sung vi khuẩn NOB TV4.2 và Nghiệm thức 3: bổ sung hỗn hợp vi khuẩn AOB TB7.2 và NOB TV4.2. Kết quả cho thấy việc bổ sung vi khuẩn AOB TB7.2 và vi khuẩn NOB TV4.2 vào bể lọc sinh học trong hệ thống tuần hoàn làm giảm hàm lượng các khí độc ammonia và nitrite trong bể nuôi, tăng tỉ lệ sống, khác biệt có ý nghĩa thống kê đồng thời tái sử dụng được nguồn nước trong suốt chu kỳ nuôi, giảm thiểu tác động đến môi trường bên ngoài. Bổ sung kết hợp AOB TB7.2 và NOB TV4.2 quá trình nitrate hóa diễn ra nhanh hơn so với bổ sung đơn dòng. Quá trình nitrite hóa và nitrate hóa diễn ra sớm hơn ở các nghiệm thức có bổ sung vi khuẩn so với đối chứng (nitrite hóa và nitrate hóa là 7 ngày và 14 ngày; 14 ngày và 35 ngày lần lượt ở nghiệm thức bổ sung vi khuẩn và đối chứng).

Nghiên cứu sự phát triển ống tiêu hóa của cá lóc (Channa striata) từ giai đoạn bột đến 35 ngày tuổi

Trần Thị Thanh Hiền, Ngô Minh Dung , Nguyễn Thị Long Châu , Trương Thị Tú Nga , Phạm Thanh Liêm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sự phát triển về hình thái và cấu trúc mô ống tiêu hóa của cá lóc được thực hiện từ khi mới nở đến 35 ngày tuổi nhằm xác định thức ăn phù hợp cho cá lóc trong giai đoạn này. Cá bột 3 ngày tuổi  được cho ăn Moina sp., đến ngày tuổi thứ 10 Moina sp. được thay thế dần bằng cá tạp, và đến ngày tuổi thứ 17 cá tạp được thay thế bằng thức ăn chế biến. Mẫu cá được thu vào buổi sáng trước khi cho ăn vào các ngày 1, 3, 5, 7, 9, 12, 15, 18, 21, 25, 30 và 35 để phân tích các biến đổi về hình thái và cấu trúc mô của ống tiêu hóa. Kết quả khảo sát cho thấy từ khi mới nở đến ngày tuổi thứ 3, ống tiêu hóa chỉ là một ống thẳng chưa phân hóa thành các phần chức năng. Ống tiêu hóa phân chia thành khoang miệng, thực quản, vùng dạ dày và ruột vào ngày thứ 5. Ruột bắt đầu gấp khúc và không bào lipid xuất hiện vào ngày thứ 7. Tuyến dạ dày xuất hiện vào ngày thứ 12 cho thấy sự hoàn thiện của ống tiêu hóa cả về hình thái và chức năng. Các biến đổi về sau chủ yếu là sự gia tăng các nếp gấp niêm mạc của ống tiêu hóa, chủ yếu là ở dạ dày và ruột sau của cá lóc...

Tác động của rủi ro dịch bệnh lên hiệu quả tài chính và các giải pháp ứng phó của người nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở tỉnh Bến Tre

Nguyễn Thị Kim Quyên, Đặng Thị Phượng, Huỳnh Văn Hiền, Lê Nguyễn Đoan Khôi
Tóm tắt | PDF
Dịch bệnh là một trong những rủi ro phổ biến và tác động lớn đối với kinh tế người dân nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn 108 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Bến Tre nhằm đánh giá tác động về mặt tài chính và các giải pháp ứng phó rủi ro dịch bệnh. Có 98% hộ nuôi gặp rủi ro trong sản xuất và dịch bệnh chiếm 30,77%. Đốm trắng, gan tụy và đường ruột là bệnh phổ biến nhất. Dịch bệnh làm giảm 279,01 triệu đồng/ha/vụ lợi nhuận. Đốm trắng gây thiệt hại cao nhất (546,33 triệu đồng/ha/vụ) và 26% số hộ thua lỗ. Bệnh phát sinh giai đoạn đầu gây thiệt hại đến 224,15 triệu đồng/ha/vụ. Các giải pháp ứng phó dịch bệnh bao gồm các giải pháp đối phó (sử dụng thuốc, thu hoạch gấp, bỏ vụ,…) và đề phòng (tập huấn kỹ thuật, theo dõi nguồn nước, chọn giống xét nghiệm,…). Các giải pháp đối phó được thực hiện thường xuyên hơn nhưng các phải pháp đề phòng có hiệu quả cao hơn. Do đó, người nuôi cần được cung cấp giống chất lượng và tập huấn nâng cao kỹ thuật trong phòng trị bệnh.

Tối ưu các điều kiện sinh enzyme protease ngoại bào của vi khuẩn Streptomyces DH3.4

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Huỳnh Trường Giang, Vũ Ngọc Út
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện in vitro nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của các yếu tố môi trường lên hoạt tính enzyme protease của vi khuẩn Streptomyces DH3.4. Thí nghiệm thực hiện ở các môi trường pH khác nhau 4; 5; 6; 7; 8 và 9, nồng độ NaCl 0; 0,5; 1; 1,5; 2; 2,5; 3 và 3,5%. Thời gian quan sát trong thí nghiệm là 24, 48, 72, 96, 120, 144 và 168 giờ. Nguồn carbohydrate sử dụng trong thí nghiệm là glycerol, D-glucose, sucrose, D-maltose, D-xylose, soluble starch với nồng độ 1%. Nguồn nitrogen hữu cơ sử dụng là casein, malt extract, peptone, tryptone, bã đậu nành, yeast extract với nồng độ 0,5%. Nguồn nitơ vô cơ bao bồm KNO3, NH4NO3, (NH4)2SO4 và NH4Cl được bố trí với nồng độ 0,1%. Thí nghiệm đươc bố trí với 3 lần lặp lại. Kết quả cho thấy khả năng sinh hoạt tính protease cao nhất của chủng Streptomyces DH3.4 được ghi nhận ở điều kiện nuôi cấy pH 7,0; 1,5% NaCl và thời gian nuôi cấy là 144 giờ. Tinh bột là nguồn carbon tốt nhất, trong khi malt extract và (NH4)2SO4 lần lượt là các cơ chất đạm hữu cơ và vô cơ tối ưu.

Ứng dụng của ngôn ngữ học khối liệu trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ qua ví dụ đối với tiếng Đức

Đặng Thị Thu Hiền
Tóm tắt | PDF
Sự phát triển vượt bậc của khoa học máy tính có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường hướng nghiên cứu ngôn ngữ học vào giữa những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Với việc xây dựng các ngân hàng ngữ liệu bao gồm các văn bản điện tử đại diện cho một ngôn ngữ nhất định (khối liệu), các nhà ngôn ngữ học có thể nhanh chóng tiếp cận và tìm kiếm ngữ liệu thực cho các đề tài nghiên cứu của mình trên nền tảng các khối liệu có dung lượng khổng lồ. Nhìn thấy được tiềm năng của khối liệu đối với việc giảng dạy và nghiên cứu về giảng dạy ngoại ngữ, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới cũng đã xây dựng “khối liệu người học”. Bài viết dưới đây cung cấp một cái nhìn tổng quan về khối liệu, khối liệu người học và khả năng ứng dụng của nó trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ thông qua ví dụ đối với tiếng Đức.

Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên

Bùi Đức Hùng, Bùi Đức Phi Hùng, Trần Quốc Hùng
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, mô hình nhị phân ogistic được sử dụng để ước lượng các nhân tố tác động đến quyết định ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng có bốn nhân tố tác động quan trọng đến quyết định ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê, gồm: độ tuổi, trình độ học vấn, số năm kinh nghiệm và thể chế (gồm khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ mở rộng và tín dụng). Trong đó, nhân tố thể chế ảnh hưởng rõ nét nhất đến quyết định ƯDCNC trong sản xuất cà phê. Trên cơ sở kết quả lượng hóa, một số hàm ý chính sách về tiếp cận thông tin công nghệ, dịch vụ mở rộng và đào tạo – tập huấn; chính sách về đạo tạo nguồn nhân lực công nghệ cao được đề xuất góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê cho toàn vùng, trong đó ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.

Tác động của sự hấp dẫn của điểm đến và sự hài lòng với điểm đến tới hành vi có trách nhiệm với môi trường của khách du lịch: Trường hợp tại thành phố Đà Nẵng

Nguyễn Thị Lộc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu phân tích tác động của sự hấp dẫn của điểm đến và sự hài lòng với điểm đến tới hành vi có trách nhiệm với môi trường của khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Dựa trên dữ liệu khảo sát 393 khách du lịch, các phương pháp phân tích nhân tố khám phá, nhân tố khẳng định và mô hình cấu trúc tuyến tính được sử dụng. Kết quả cho thấy sự hấp dẫn của các thuộc tính cốt lõi và thuộc tính tăng cường của điểm đến tác động tích cực tới sự hài lòng với điểm đến và từ đó, thúc đẩy hành vi có trách nhiệm của họ tại điểm đến Đà Nẵng. Nghiên cứu góp phần giúp những nhà quản lý hiểu về nhân tố ảnh hưởng đến hành vi có trách nhiệm với môi trường của du khách tại đây, từ đó, có những chiến lược nhằm nâng cao hành vi có trách nhiệm với môi trường khi họ viếng thăm thành phố.

Nghiên cứu sự hài lòng của người học đối với hình thức học tập trực tuyến (e-learning): Trường hợp sinh viên ngành kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh

Lê Nam Hải, Trần Yến Nhi
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người học đối với dịch vụ học tập trực tuyến (e-learning). Nghiên cứu vận dụng mô hình chấp nhận công nghệ và lý thuyết hệ thống thông tin thành công làm cơ sở đề xuất và kiểm định giả thuyết. Dữ liệu phân tích được thu thập từ 267 sinh viên hiện đang theo học tại một số trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và đã từng tham gia dịch vụ học tập trực tuyến. Kết quả cho thấy nhận thức dễ sử dụng, nhận thức sự hữu ích, chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống, giảng viên hướng dẫn, dịch vụ hỗ trợ, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực đến sự hài lòng của người học đối với hình thức học tập trực tuyến. Ngoài ra, một số hàm ý quản trị được thảo luận và đề xuất nhằm giúp cho các tổ chức giáo dục gia tăng sự hài lòng của người học thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ học tập trực tuyến.

Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sử dụng nguyên liệu gỗ keo (Acacia) vùng Nam Bộ

Trần Thanh Cao , Huỳnh Thanh Nhã
Tóm tắt | PDF
Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sử dụng nguyên liệu gỗ Keo (Acacia) ở vùng Nam Bộ nhằm mục tiêu đề xuất các chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị để tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu được áp dụng lý thuyết chuỗi giá trị của Kaplinsky and Morris (2001), phương pháp liên kết chuỗi giá trị của GTZ Eschborn (2007) thông qua các công cụ phân tích như: mô tả chuỗi giá trị, phân tích kinh tế chuỗi và phân tích SWOT. Dữ liệu phân tích được thu thập từ 123 quan sát. Kết quả phân tích cho thấy chuỗi giá trị có 6 chức năng cơ bản, 15 tác nhân tham gia hỗ trợ, thúc đẩy chuỗi, 4 kênh thị trường. Tại kênh phổ biến nhất, tổng giá tri gia tăng của chuỗi đạt được từ 1 m3 nguyên liệu gỗ tròn là 7.026.500 đồng/m3, tổng lợi nhuận đạt 1.585.600 đồng/m3. Hiện tại, chuỗi giá trị có 11 thuận lợi nhưng đồng thời tồn tại 13 khó khăn. Các nhóm chiến lược được đề xuất để nâng cấp  chuỗi giá trịgồm: 1) cải thiện tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm; 2) giảm chi phí sản xuất; 3) đầu tư để tăng sản lượng, giảm thâm dụng lao động và 4) cải thiện hệ thống phân phối.

Giá trị kinh tế của hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ đối với người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

Huỳnh Việt Khải
Tóm tắt | PDF
Bài viết nhằm xác định giá trị kinh tế của hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ thông qua ước tính mức sẵn lòng đóng góp của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho dự án bảo tồn rừng bằng phương pháp mô hình lựa chọn (Choice Modeling). Kết quả mô hình ước lượng cho thấy người dân sẵn sàng trả thêm cho các lợi ích mà Vườn Quốc gia U Minh Hạ mang lại như làm tăng sản phẩm rừng, giảm mất đất rừng, và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Đáp viên sẵn lòng đóng góp trung bình khoảng 0,5kg gạo hàng tháng để tăng thêm 10 năm cung cấp sản phẩm rừng, đóng góp khoảng 0,9kg gạo hàng tháng nếu dự án có thể làm giảm mất đất rừng 50%. Để tăng thêm dịch vụ du lịch sinh thái 15%, các đáp viên sẵn lòng đóng góp hàng tháng khoảng 1kg gạo. Những kết quả đạt được này rất hữu ích để đánh giá thực trạng và khả năng chi trả của người dân trong việc phát triển hệ sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ.

Các yếu tố tác động tới biện pháp phòng dịch tả heo Châu Phi của nông hộ tại tỉnh Đồng Nai

Hoàng Hà Anh, Lê Na
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới số lượng biện pháp phòng dịch tả heo Châu Phi các nông hộ đã áp dụng tại tỉnh Đồng Nai từ số liệu điều tra 140 hộ chăn nuôi heo bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Khung phân tích KAP (Knowledge-Attitude-Practice) và mô hình hồi quy Poisson được sử dụng. Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ có đàn heo bị nhiễm bệnh lên tới 70% trong mẫu khảo sát. Người nuôi heo có kiến thức căn bản để nhận biết bệnh dịch nhưng vẫn có một số dấu hiệu của bệnh chưa được nắm rõ. Đa phần các hộ chăn nuôi đều áp dụng từ 9 đến 12 biện pháp an toàn sinh học phòng dịch bệnh cho trang trại heo, chiếm tỷ lệ 65,0%. Kết quả ước lượng của mô hình cho thấy các biến có ý nghĩa thống kê và tác động tích cực lên số lượng biện pháp phòng dịch của nông hộ là kiến thức, mức độ lo lắng lây nhiễm, khoảng cách và kinh nghiệm phòng dịch.