Ngày xuất bản: 15-08-2015

Thiết kế ứng dụng paint trên nền FPGA

Trương Phong Tuyên, Tạ Duy Thắng, Lưu Tioni, Lương Vinh Quốc Danh
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, các hệ thống nhúng trên nền FPGA với nhiều ưu điểm vượt trội như tốc độ, hiệu suất xử lý cao và tiêu hao năng lượng thấp đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu và ứng dụng ngày càng tăng. Nghiên cứu “Thiết kế ứng dụng Paint trên nền FPGA” được thực hiện với mục tiêu thi công một ứng dụng nhúng sử dụng FPGA thực hiện một số giải thuật đồ họa máy tính cơ bản. Những kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục phát triển các ứng dụng nhúng về đồ họa và giải trí đa phương tiện trên nền FPGA.

Tái chế nhựa polyethylene terephthalate (PET) và ứng dụng nhựa đã qua tái chế

Văn Phạm Đan Thủy, Nguyễn Thanh Việt, Trương Hà Phương Ân
Tóm tắt | PDF
Polyethylene terephthalate (PET) là một trong những loại vật liệu phổ biến được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực với tốc độ tăng rất nhanh. Với phạm vi sử dụng rộng, PET hầu như dần thay thế các loại vật dụng truyền thống khác như gỗ, sứ, thủy tinh... Vì mức độ tiêu thụ nhựa PET ngày càng nhiều, vòng đời sử dụng tương đối ngắn nên hàng năm lượng rác thải từ nhựa PET thải ra môi trường là rất lớn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ tái chế hoặc tái sử dụng nhựa PET phế thải là hết sức cần thiết, góp phần ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế khả năng khai thác nguồn tài nguyên. Việc tìm hiểu các phương pháp tái chế PET cũng như khả năng, phạm vi ứng dụng PET tái chế là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay.

Khảo sát ảnh hưởng giới hạn của cốt liệu đất gia cường trong thí nghiệm ba trục tỷ lệ lớn

Hồ Văn Thắng
Tóm tắt | PDF
Chuỗi thí nghiệm nén ba trục tỷ lệ lớn để khảo sát tác dụng gia cường của lưới địa kỹ thuật được thực hiện tại Viện Khoa học Công nghiệp, Trường Đại học Tokyo. Kết quả của chuỗi thí nghiệm gia cường và không gia cường cho thấy sự gia tăng đáng kể của cường độ đỉnh cũng như sự giảm về biến dạng của mẫu thí nghiệm do bởi sự gia cường. Ảnh hưởng giới hạn của sự gia cường được xác định rõ ràng và được giải thích với mô hình cơ học.

Ứng dụng xử lý ảnh kỹ thuật số trong việc theo dõi sự chuyển động của các robot di động

Phạm Trần Lam Hải, Trần Thanh Hùng, Nguyễn Văn Khanh, Lưu Trọng Hiếu
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu chủ yếu của bài báo là phát triển một chương trình MATLAB có thể kết nối với máy ảnh qua mạng không dây để quan sát từng con trong nhóm robot với quá trình xử lý thời gian thực. Tuy nhiên, không thể mô phỏng hành vi của robot di động theo thời gian thực do sự hạn chế của tốc độ kết nối không dây. Do đó, phương pháp nghiên cứu này chỉ dựa trên xử lý ngoại tuyến (offline) cho một nhóm gồm ba robot đại diện bởi ba vòng tròn với ba màu sắc khác nhau (xanh lơ, hồng sẫm và màu vàng). Các mô hình tròn này mô phỏng ba robot được sử dụng cho mục đích giám sát. Chương trình đã sử dụng phương pháp phân đoạn ảnh (image segmentation) cùng với phép toán hình thái học (morphology) để phân biệt, xác định vị trí và tính vận tốc của từng robot. Bên cạnh đó, chương trình cũng ứng dụng các hàm lượng giác nhằm biết được hướng đứng và hướng di chuyển của mỗi robot. Nghiên cứu sẽ phát triển chương trình này để có thể xử lý thời gian thực khi những hạn chế của máy ảnh kết nối không dây được cải thiện.

Xác định bột ớt đã chiếu xạ bằng cơ chế nhiệt huỳnh quang

Nguyễn Duy Sang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hiện tượng nhiệt huỳnh quang cho thấy tiềm năng ứng dụng hiện tượng này trong lĩnh vực phóng xạ và đặc biệt là trong việc xác định mẫu thực phẩm chiếu xạ ở Việt Nam. Xác định đúng liều chiếu sẽ kiểm chứng được tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ trên thị trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Các mẫu thực phẩm cần được tách khoáng silicat theo một qui trình hợp lý qua hai bước: làm giàu khoáng và tách tỷ trọng trước khi đem nhiệt phát quang. Mẫu không chiếu xạ có đỉnh phổ thấp, các mẫu chiếu xạ có đỉnh cao hơn và tăng dần theo liều chiếu. Bài viết này nêu ra cơ sở của việc xác định mẫu bột ớt đã chiếu xạ trên thiết bị nhiệt huỳnh quang nhằm đánh giá đầy đủ hơn về khả năng ứng dụng của hiện tượng nhiệt huỳnh quang trên thực tế.

Sử dụng nước thải ao nuôi cá tra để nuôi sinh khối tảo Chlorella sp.

Trần Chấn Bắc, Lê Thị Quyên Em, Phạm Hồng Nga, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Minh Chơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu “Sử dụng nước thải ao cá tra Pangasianodon hypophthalmus để nuôi sinh khối tảo Chlorella sp.” được thực hiện nhằm đánh giá khả năng nuôi và thu hoạch sinh khối tảo Chlorella sp. từ nước thải ao nuôi cá tra thâm canh.  Thí nghiệm được bố trí ngoài đồng trong ô nuôi 500 L với các nghiệm thức (1) 500 L nước thải từ ao nuôi cá, (2) 450 L nước thải từ ao nuôi cá kết hợp 50 L Chlorella sp. (3.675.000 cá thể/mL) và (3) 450 L nước thải từ ao nuôi cá được lọc kết hợp 50 L Chlorella (3.675.000 cá thể/mL) với 3 lần lặp lại ở mỗi nghiệm thức. Mẫu tảo, DO, N-NO3-, N-NH4+, P-PO43-được thu và phân tích liên tục trong 11 ngày thí nghiệm. Kết quả cho thấy ở ngày thứ 2 của thí nghiệm, mật độ (1.400.000 cá thể/mL và 1.566.667 cá thể/mL) và sinh khối (≥ 2,5 µg/L) của tảo Chlorella sp. ở nghiệm thức (2) và (3) cao nhất trong khi các chỉ tiêu N-NO3-, N-NH4+, P-PO43-đạt giá trị thấp nhất. Mật độ và sinh khối tảo Chlorella sp. ở các nghiệm thức này và giảm dần vào các ngày tiếp theo đến kết thúc thí nghiệm. Ở nghiệm thức (1), mật độ và sinh khối Chlorella sp. tăng dần từ ngày 0 đến ngày 4 trong khi hàm lượng N-NO3-, N-NH4+, P-PO43-giảm trong thời gian này với ngành tảo lục Chlorophyta chiếm ưu thế. Có thể sử dụng nước thải ao cá tra để nuôi tảo Chlorella sp. và thu sinh khối nhưng cần lưu ý hàm lượng N-NH4+ và P-PO43- trước khi thải ra môi trường nước mặt lân cận.

Khả năng hấp thu đạm, lân từ nước thải ao nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) thâm canh của cây lúa

Đặng Quốc Cường, Trương Thị Nga, Nguyễn Thị Kim Dung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu “Khả năng hấp thu đạm, lân từ nước thải ao nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) thâm canh của cây lúa” được thực hiện trong vụ lúa Đông Xuân tại huyện Vĩnh Thạnh – Cần Thơ nhằm nghiên cứu tính khả thi của việc tận dụng dinh dưỡng nước thải ao nuôi cá tra để tưới lúa, hạn chế việc sử dụng phân hóa học trên ruộng. Thí nghiệm được bố trí trên ruộng lúa của nông dân tại khu vực nghiên cứu gồm bốn (4) nghiệm thức: (1) nước thải + đất ruộng không trồng lúa, (2) nước thải + đất ruộng có trồng lúa và không bón phân, (3) nước thải + bón phân NPK (60N – 40P2O5 – 40K2O), (4) nước thải + bón phân NPK (90N – 60P2O5 – 60K2O). Kết quả nghiên cứu cho thấy:Tổng nitơ Kjeldahl (TKN) và tổng lân (TP) được xử lý cao nhất ở nghiệm thức (2) lần lượt là 10,14 mg/L và 2,88 mg/L và thấp nhất ở nghiệm thức (4) là 7,75 mg/L và 1,99 mg/L. Trong các giai đoạn sinh trưởng, hiệu suất xử lý thấp nhất ở giai đoạn cây mạ đạt 45,99% (TKN) và 37,23% (TP) và cao nhất ở giai đoạn cây lúa vào hạt đạt 72,33% (TKN) và 70,92% (TP). Bên cạnh đó, khi sử dụng nước ao nuôi cá tra thâm canh để tưới cho cánh đồng lúa có thể giảm ít nhất 1/3 lượng phân bón sử dụng trên đồng ruộng mà vẫn duy trì năng suất lúa.

Phân bố không gian của môi trường bức xạ trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Văn Phạm Đăng Trí, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Tấn Đạt
Tóm tắt | PDF
Tác động của bức xạ ngày càng được xã hội quan tâm do những ảnh hưởng tức thời và lâu dài lên sức khỏe con người và môi trường. Bức xạ gồm có bức xạ tự nhiên và nhân tạo (85% và 15%, tương ứng); trong đó, bức xạ nhân tạo có nguồn gốc từ y tế là 14%. Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nhằm cung cấp dữ liệu hiện trạng bức xạ để nhà quản lý đưa ra chính sách quản lý thích hợp. Nghiên cứu này sử dụng thiết bị đo suất liều bức xạ môi trường theo lưới đo được thiết lập trước với khoảng cách 500 x 500 m. Phương pháp nội suy Kriging được sử dụng để nội suy giá trị bức xạ theo không gian. Suất liều tại các cơ sở y tế được đo khi thiết bị bức xạ hoạt động. Ngoài ra, các thông tin về thực hiện an toàn bức xạ tại cơ sở y tế được thu thập để đánh giá và đưa ra giải pháp cải thiện an toàn bức xạ tại cơ sở. Nhìn chung, bức xạ nền tự nhiên của quận Ninh Kiều có giá trị từ 0,10 đến 0,30 µSv/h. Liều chiếu xạ khi chụp X-quang thoát ra môi trường nằm trong giới hạn an toàn theo TCVN 6561:1999. Khoảng 94% cơ sở y tế vi phạm về thực hiện quy định an toàn bức xạ theo quy định tại Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT.

Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu vệ tinh gosat theo dõi xu hướng phát thải khí cacbonic (CO2) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Phan Kiều Diễm, Phạm Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Hồng Điệp
Tóm tắt | PDF
Carbon dioxide (CO2) là một trong những khí nhà kính quan trọng có tác động mạnh mẽ và góp phần lớn trong việc biến đổi khí hậu, việc theo dõi xu hướng phát thải khí nhà kính là hết sức cần thiết để có cái nhìn tổng thể nhằm có giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tốt hơn. Đo nồng độ CO2 trong khí quyển bằng vệ tinh viễn thám là một nghiên cứu khoa học được phát triển nhanh chóng, từ đó có những cơ sở nhất định về chu trình cacbon trên toàn cầu và cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự hiện diện của CO2 trên bề mặt của Trái Đất. Từ những dữ liệu ghi nhận và phân tích nồng độ CO2 của vệ tinh GOSAT, đề tài sử dụng kỹ thuật nội suy và phương pháp GIS nhằm xây dựng bản đồ phân bố không gian nồng độ XCO2 cho đồng thời đánh giá được khuynh hướng phân bố và biến động CO2 theo không gian và thời gian cho khu vực khu vực nghiên cứu. Kết quả so sánh giá trị trung bình nồng độ XCO2 năm 2013 cho thấy, xu hướng phát thải khí XCO2  không có sự thay đổi lớn vào các tháng đầu năm. Tuy nhiên, vào mùa lũ tháng 9, 10 nồng độ XCO2 đạt ngưỡng thấp nhất và tăng lại vào tháng 11, 12. Tháng 4, 5, 12 nồng độ XCO2 đạt ngưỡng cao nhất trong năm.

Chất lượng nước mặt và khả năng tự làm sạch của hệ thống kênh trong vùng đê bao khép kín ở thị trấn Mỹ Lu

Phạm Lê Mỹ Duyên, Phạm Văn Toàn, Văn Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Chiếm
Tóm tắt | PDF
Hệ thống đê bao khép kín đã và đang được xây dựng ở tỉnh An Giang, điển hình là thị trấn Mỹ Luông thuộc huyện Chợ Mới để bảo vệ khu vực trồng lúa 3 vụ hiện có. Ngoài những lợi ích của đê bao, các công trình đã ngăn cản lượng phù sa tích lũy cho ruộng lúa và lượng nước trao đổi giữa đồng ruộng và môi trường bên ngoài, dẫn đến sự suy thoái đất và nguồn nước mặt. Vì thế, để duy trì năng suất lúa, nông dân sử dụng phân bón ngày càng nhiều để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặt trong kênh nội đồng. Kết quả khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường nước mặt ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho thấy, nồng độ BOD5 vào mùa khô lẫn mùa lũ còn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT sử dụng với mục đích tưới tiêu. Tổng nitơ Kjeldahl (TKN) và tổng photpho (TP) đã vượt mức cho phép của quy chuẩn với giá trị biến đổi đáng kể theo mùa. Bên cạnh đó, nồng độ TKN và TP có liên hệ mật thiết với lượng và loại phân bón được sử dụng. Ngoài việc đánh giá chất lượng nước mặt, khả năng tự làm sạch của hệ thống kênh nội đồng được đánh giá là không còn khả năng tiếp nhận thêm những nguồn ô nhiễm (thông qua BOD5, TKN và TP) từ đồng ruộng.

Đánh giá hiệu quả tuyển nổi điện hóa nước thải chế biến cá da trơn

Lê Hoàng Việt, Doãn Thị Ngọc Mai, Đào Tấn Phương, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành để đánh giá tính khả thi về mặt kỹ thuật của việc áp dụng phương pháp tuyển nổi điện hóa ở công đoạn xử lý sơ cấp trong hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở chế biến cá da trơn. Bốn thí nghiệm đã được tiến hành để lựa chọn các thông số vận hành thích hợp. Kết quả vận hành mô hình bể tuyển nổi điện hóa với các thông số được chọn như góc nghiêng điện cực 45o, diện tích bản điện cực 486 cm2, khoảng cách điện cực 1 cm, thời gian lưu nước 30 phút cho kết quả loại bỏ SS, COD, BOD, TKN, Ptổng lần lượt là 83,2%; 76,8%; 68,3%; 66,9% và 71,4%. Nước thải sau tuyển nổi đạt yêu cầu đưa vào công đoạn xử lý sinh học phía sau.

Ảnh hưởng của điều kiện khí hậu và nước tưới thay đổi lên năng suất lúa ở phường Trà Nóc, thành phố Cần Thơ

Hồng Minh Hoàng, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến sự thay đổi nguồn nước là nguyên nhân tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại có ít nghiên cứu để hiểu rõ tác động của sự thay đổi này đến vấn đề an ninh lương thực. Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu về tác động của BĐKH và sự thay đổi phương pháp tưới tưới đến năng suất lúa ở vùng chịu nhiều tác động của lũ hằng năm ở ĐBSCL. Mô hình AquaCrop được sử dụng trong nghiên cứu này với phương pháp tưới được thiết kế lại theo nhu cầu tưới thực tế của cây lúa tại khu vực nghiên cứu. Kết quả mô phỏng cho thấy rằng, trong tương lai lượng mưa và nhiệt độ tăng dẫn đến sự biến động lớn về nguồn nước tưới và tác động không đáng kể đến năng suất lúa ở các mùa vụ khác nhau. Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp tưới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi năng suất lúa. Kết quả đạt được của nghiên cứu cho thấy mô hình AquaCrop có thể được sử dụng để mô phỏng ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu và phương pháp tưới khác nhau lên năng suất cây lúa. Ngoài ra, nghiên cứu này cung cấp cho chính quyền địa phương một cái nhìn sáng suốt trong các kế hoạch thích ứng thích hợp để đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực nghiên cứu nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Năng lượng liên kết của exciton trong giếng lượng tử parabol AlGaAs/GaAs/AlGaAs dưới tác dụng của từ trường đều áp theo hướng nuôi

Phạm Thị Bích Thảo, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Thành Tiên
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, chúng tôi tính năng lượng liên kết của exciton Wannier trong giếng lượng tử parabol đặt trong từ trường đều dọc theo hướng nuôi sử dụng phương pháp biến phân. Chúng tôi đã thực hiện các quá trình tính toán trong gần đúng khối lượng hiệu dụng và mô hình hai vùng. Từ kết quả tính giải tích này, chúng tôi lập trình để tính năng lượng liên kết exciton theo các thông số của hệ (độ rộng giếng L và từ trường ngoài B). Chúng tôi cũng khảo sát ảnh hưởng của từ trường và độ rộng giếng vào sự hình thành exciton.

Calcium ethoxide: Tổng hợp, đặc trưng và hoạt xúc tác cho phản ứng tạo biodiesel từ dầu ăn đã qua sử dụng và hỗn hợp ethanol/methanol

Biện Công Trung, Dương Thị Bích Tuyền, Nguyễn Quang Long
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, calcium ethoxide (Ca(OC2H5)2) được tổng hợp từ calcium tinh thể và ethanol. Vật liệu được sử dụng như một chất xúc tác base cho phản ứng transester hóa tạo biodiesel từ dầu ăn đã qua sử dụng và hỗn hợp rượu ethanol/methanol. Ảnh hưởng của các yếu tố trong quá trình phản ứng như: hàm lượng xúc tác, nhiệt độ phản ứng, tỷ lệ mol alcohol/dầu, thời gian phản ứng đến độ chuyển hóa và chất lượng của sản phẩm được đánh giá trong nghiên cứu này.

Tính giải được của bài toán biên ban đầu thứ hai đối với phương trình hyperbolic trong hình trụ với đáy không trơn

Phùng Kim Chức
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi nghiên cứu về Bài toán biên ban đầu thứ hai đối với phương trình hyperbolic trong hình trụ với đáy không trơn. Bài báo trình bày kết quả về sự tồn tại duy nhất nghiệm suy rộng của bài toán.

Khảo sát tỷ lệ nhiễm và xác định gene kháng kháng sinh của Enterotoxigenic Escherichia coli trên heo con tiêu chảy tại tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp

Lý Thị Liên Khai, Nguyễn Thanh Lãm, Nguyễn Thị Hạnh Chi
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định các chủng, sự đề kháng và gene kháng kháng sinh của Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC) trên heo con tiêu chảy tại tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Tỷ lệ heo con tiêu chảy do E. coli khá cao (26,49%). Kết quả cho thấy tỷ lệ nhiễm E. coli ở heo con theo mẹ (97,27%) cao hơn ở heo cai sữa (89,00%). Sự hiện diện của vi khuẩn E. coli ở nền chuồng chiếm tỷ lệ 67,85% cao hơn trong nước uống (3,57%). Sự phân bố giữa các chủng K88, K99, 987P có sự khác biệt và K88 là chủng phân lập phổ biến nhất trên heo con tiêu chảy (20,24%). Tỷ lệ phát hiện chủng K88 ở heo theo mẹ (23,36%) cao hơn ở heo cai sữa (16,47%). Trong 196 dương tính có 263 chủng mang kháng nguyên bám dính; Có 20,58% (121/588 khuẩn lạc) mang cả 2 đến 3 loại kháng nguyên như  K88+K99 (6,46%), K99+987P (5,27%), K88+987P (6,12%) và K88+K99+987P (2,72%). ETEC đã đề kháng cao với ampicillin, tetracycline, và bactrim. Có đến 134/152 chủng có hiện tượng kháng cùng lúc với nhiều loại kháng sinh và có đến 32 kiểu ghép khác nhau. Kiểu đa kháng với ampicillin + tetracycline + bactrim là phổ biến nhất. Tất cả các chủng ETEC kiểm tra đều mang gene đề kháng, bla TEM và tet(A). ETEC nhạy cảm cao với ceftazidime, norfloxacin, và colistin. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Vĩnh Long và Đồng Tháp về gene đề kháng kháng sinh của các chủng ETEC K88, K99, 987P gây tiêu chảy cho heo con.

Đa dạng di truyền mười bốn dòng cacao nổi trội của Việt Nam bằng plant c/d sequences

Lâm Thị Việt Hà, Koen Dewettinck, Kathy Messens, Nguyễn Thị Pha, Hà Thanh Toàn, Nguyễn Thị Liên, Trần Văn Bé Năm
Tóm tắt | PDF
Đề tài xác định mối quan hệ di truyền mười bốn dòng Cacao (Theobroma cacao L.) nổi trội được tuyển chọn và đang trồng phổ biến tại Việt Nam. Phân tích di truyền dựa trên 2 đoạn mồi chuyên biệt cho Cacao Plant c và Plant d. Các băng thu được mã hóa bằng hệ nhị phân để phân nhóm di truyền sử dụng phần mềm NTSYS2.1 phân nhóm theo phương pháp UPGMA. Kết quả nghiên cứu nêu rõ sự khác biệt di truyền của 14 dòng Cacao dao động trong khoảng 0- 41%. Các băng xuất hiện nhiều ở vị trí từ 500 bp – 600 bp. Ở khoảng tương đồng 59% 14 dòng Cacao được chia làm 3 nhóm chính: A, B, C. Nhóm A có 10 dòng (TD1, TD2, TD3, TD5, TD6, TD7, TD8, TD9, TD11, TD12), nhóm B có 2 dòng (TD10 và TD13), nhóm C có 2 dòng (TD14 và TD15). Trong đó, hai dòng nhóm B với khoảng tương đồng là 80% có mối quan hệ gần hơn so với nhóm A và C, các dòng trong nhóm A có quan hệ tương đồng ở mức 76.4%,  các dòng trong nhóm C có quan hệ tương đồng khoảng 73%.

Các biến đổi chất lượng bánh tráng sữa khoai lang tím trong quá trình chế biến

Nhan Minh Trí
Tóm tắt | PDF
Khoai lang tím được biết là loại cây lương thực quan trọng chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, glucose, starch, vitamins, khoáng chất và hợp chất hoạt tính sinh học (chất sơ và anthocyanin). Khoai lang tím cũng rất rẻ nếu kích thước không đạt yêu cầu, bị gãy và vỡ. Nghiên cứu này trình bày về công nghệ chế biến (quá trình lão hóa và sấy) sản phẩm bánh tráng khoai lang sữa với giá trị cảm quan cao, dinh dưỡng và bảo quản lâu. Mục tiêu của nghiên cứu là khảo sát (i) quá trình lão hóa và (ii) nhiệt độ và thời gian sấy ảnh hưởng đến chất lượng bánh tráng sữa khoai lang tím. Trong quá trình lão hóa, độ ẩm giảm, độ màu (L*, a* và b*) giảm nhưng độ cứng bánh tăng. Mô hình Lewis-Newton có thể mô tả rất tốt quá trình giảm ẩm khi sấy ở điều kiện nhiệt độ và thời gian khác nhau. Bánh tráng sữa khoai lang tím có chất lượng tốt, hàm lượng anthocyanin cao và bảo quản lâu nếu bánh được lão hóa 5 giờ và được sấy ở nhiệt độ 50oC trong thời gian 90 phút.

Phân lập và tuyển chọn nấm men có hoạt lực cao từ men rượu

Lý Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Thành, Hà Phương Thảo, Trần Văn Khánh
Tóm tắt | PDF
Với mục đích tuyển chọn dòng nấm men thuần để tăng hiệu suất lên men rượu và nâng cao chất lượng sản phẩm rượu gạo, nghiên cứu được tiến hành dựa trên việc phân lập các dòng nấm men từ sáu loại men rượu được sử dụng phổ biến trên thị trường là men Hoàng Anh, Hải Anh Quang, Nàng Thơm, Nàng Hương, Nếp Thơm và men thuốc bắc Hà Nội. Các dòng nấm men có hoạt lực cao được chọn để khảo sát hoạt tính. Kết quả 17 dòng men đã được phân lập, bao gồm HA1, HA2, HA3, HAQ1, HAQ2, HAQ3, NT1, NT2, NT3, NG1, NG2, NG3, NH1, NH2, TB1, TB2, và TB3. Trong đó, hai dòng nấm men NH2 và NT3 thích hợp là nguồn nấm men thuần để ứng dụng vào quá trình lên men rượu gạo.

Gia tăng tốc độ phân hủy sinh học hoạt chất propoxur trong môi trường nuôi cấy lỏng bằng vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 cố định trong biochar

Nguyễn Khởi Nghĩa, Lâm Tử Lăng, Đỗ Hoàng Sang, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Dương Minh Viễn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của một số phương pháp chủng vi khuẩn khác nhau lên khả năng phân hủy sinh học hoạt chất thuốc trừ sâu Propoxur trong môi trường lỏng. Vi khuẩn phân hủy chuyên biệt Propoxur, Paracoccus sp. P23-7 được phân lập từ mẫu đất nhiễm Propoxur, được chủng vào môi trường nuôi cấy. Vi khuẩn được chủng vào môi trường qua hai dạng: 1) dạng vi khuẩn tự do trong dung dịch và 2) dạng vi khuẩn cố định trong biochar. Mật số vi khuẩn và nồng độ Propoxur được theo dõi theo thời gian thí nghiệm. Tổng mật số vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 ở tất cả các nghiệm thức có chủng vi khuẩn tăng từ 1,1-2,0 lần trong thời gian thí nghiệm so với mật số ban đầu. Điều này chứng tỏ vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 có khả năng tồn tại và phát triển tốt trong môi trường lỏng mới. Tuy nhiên, mật số vi khuẩn ở hai nghiệm thức bổ sung biochar cao hơn rất nhiều so với nghiệm thức chủng Paracoccus sp. P23-7 dạng tự do. Môi trường lỏng chủng vi khuẩn Paracoccus sp. P23-7 cố định trong biochar thể hiện tốc độ phân hủy Propoxur cao nhất, trong khi các phương pháp chủng khác có tốc độ phân hủy Propoxur thấp hơn. Vì vậy, kết quả nghiên cứu này cho phép kết luận rằng, việc ứng dụng một thể phức hợp gồm biochar và dòng vi khuẩn phân hủy chuyên biệt hoạt chất nông dược là phương pháp triển vọng nhất trong việc gia tăng tốc độ phân hủy sinh học đối với độc chất hữu cơ trong môi trường lỏng.

Đánh giá khả năng cung cấp dưỡng chất bản địa của đất cho cây mía trên đất phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Quốc Khương, Ngô Ngọc Hưng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định khả năng cung cấp dưỡng chất bản địa của đất và hấp thu dinh dưỡng NPK của cây mía ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức phân bón (NPK, NP, NK và PK) trên đất phù sa ở Cù Lao Dung – Sóc Trăng và Long Mỹ - Hậu Giang. Kết quả thí nghiệm cho thấy khả năng cung cấp dưỡng chất NPK bản địa của đất phù sa trồng mía là 84-109 kg N ha-1; 68- 82 kg P2O5 ha-1 và 401- 577 kg K2O ha-1. Khả năng cung cấp N, P và K từ đất phù sa không đáp ứng đủ nhu cầu sinh trưởng cho cây mía đường thông qua đáp ứng năng suất mía. Tổng hấp thu NPK của cây mía trồng trên đất phù sa đạt năng suất 154 – 172 tấn ha-1 là 285 - 296 kg N ha-1; 131 - 148 kg P2O5 ha-1 và 564 - 869 kg K2O ha-1 ở nghiệm thức NPK. Dựa trên kỹ thuật lô khuyết và năng suất mục tiêu cho vùng trồng mía ở Cù Lao Dung và Long Mỹ theo thứ tự là 180 và 160 tấn ha-1 thì công thức phân bón cho hai vùng này là 268N - 91P2O5 -122 K2O và 269N – 89P2O5-120K2O.

Yếu tố hạn chế năng suất và lợi nhuận trồng mía tại tỉnh Sóc Trăng

Trịnh Thanh Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm nhận ra các yếu tố hạn chế năng suất và lợi nhuận trồng mía tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng trong niên vụ 2013 - 2014. Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 198 hộ nông dân trồng mía. Phân tích phương sai và phân tích hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để đánh giá hiệu quả kỹ thuật và nhận ra yếu tố ảnh hưởng dến năng suất và lợi nhuận trồng mía. Kết quả phân tích cho thấy nông dân trồng mía trên quy mô nhỏ, trung bình chỉ có 0,7 ha/hộ. Năng suất mía tăng khi tăng lượng năng lượng sử dụng tưới mía. Năng suất mía giảm khi mía được trồng sau tháng tư, thu hoạch dưới 10 tháng hoặc trên 12 tháng tuổi và lưu gốc mía từ vụ trước. Lợi nhuận trồng mía tăng lên khi diện tích đất canh tác lớn, tưới nhiều hơn và nông dân tham gia hội nông dân. Tuy nhiên, đầu tư nhiều phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, lao động thuê, trồng mía trễ, thu hoạch sớm hoặc trễ làm giảm lợi nhuận trồng mía.

So sánh một số loại cơ chất tiềm năng trồng nấm bào ngư xám (Pleurotus sajor-caju) ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Mai Vũ Duy
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên có 5 nghiệm thức là mùn cưa, bã mía, trấu, mụn dừa và rơm với 18 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một bịch phôi. Kết quả thí nghiệm cho thấy tơ nấm lan nhanh nhất và thu hoạch nấm sớm nhất (26 ngày sau khi cấy tơ) trên cơ chất trấu. Rơm và mụn dừa là 2 cơ chất có tơ nấm lan chậm và thời gian thu hoạch muộn (41-43 ngày sau khi cấy tơ). Bã mía cho năng suất bịch phôi cao nhất là 359,2 g, mùn cưa cao su là 305,23 g, trấu là 288,8 g, rơm là 224,2 g và thấp nhất là mụn dừa (99,1 g). Phần trăm khối lượng khô của nấm bào ngư cao nhất trên cơ chất mùn cưa cao su (10,2%) và bã mía (10%), các nghiệm thức còn lại thấp hơn dao động từ 8,4-8,8%. Hiệu quả sinh học của nấm bào ngư trên cơ chất mùn cưa và trấu tương đương nhau (34%).

Hiệu quả của việc bón hỗn hợp bã cà phê và vỏ trứng lên năng suất đậu bắp (Abelmoschus esculentus Moench) và dinh dưỡng đất tr

Nguyễn Khởi Nghĩa, Lâm Tử Lăng, NGUYEN VU BANG, Đỗ Hoàng Sang
Tóm tắt | PDF
Để đánh giá hiệu quả của hỗn hợp bã cà phê và vỏ trứng lên năng suất đậu bắp (Abelmoschus esculentus Moench) và dinh dưỡng đất, một thí nghiệm trong nhà lưới được thực hiện trong ba tháng với 4 lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Đất thí nghiệm được thu từ vườn thí nghiệm của Trường đại học Cần Thơ. Hỗn hợp bã cà phê và vỏ trứng được bón với 3 mức độ: 5, 10 và 15% (w/w) tính theo trọng lượng của đất. Nghiệm thức bón phân theo khuyến cáo cho cây đậu bắp được xem như là nghiệm thức đối chứng. Một nghiệm thức còn lại được bón với 15% bã cà phê không kết hợp vỏ trứng nhằm đánh giá ảnh hưởng riêng lẻ của bã cà phê lên năng suất đậu bắp và dinh dưỡng đất. Kết quả thí nghiệm cho thấy mặc dù sinh trưởng và phát triển của cây trồng tốt hơn trong nghiệm thức đối chứng, tuy nhiên, năng suất đậu bắp đạt cao nhất ở 2 nghiệm thức bón 10 và 5 % bã cà phê lần lượt là 167 và 161 g/cây/chậu, tăng rất nhiều so với nghiệm thức đối chứng. Chất lượng trái ở các nghiệm thức này đạt chuẩn chất lượng thương phẩm. ...

Hiện trạng kỹ thuật và tài chính trong sản xuất giống tôm chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lý Văn Khánh, Phó Văn Nghị, Trần Ngọc Hải, Võ Nam Sơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khía cạnh kỹ thuật và các chỉ tiêu tài chính của mô hình sản xuất giống tôm chân trắng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm cơ sở đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững nghề sản xuất giống tôm chân trắng ở ĐBSCL. Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát tại tỉnh Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang bằng cách phỏng vấn trực tiếp các Chi cục NTTS và 48 cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng. Kết quả nghiên cứu cho thấy toàn vùng khảo sát có khoảng 48 cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng. Công suất sản xuất thực tế của mô hình 1 là thấp nhất (47,5 triệu PL/năm) và mô hình 3 là cao nhất (1.873 triệu PL/năm). Mô hình 1 và mô hình 2 chủ yếu mua ấu trùng Nauplius từ các trại ở miền Trung về ương, riêng mô hình 3 nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài cho đẻ và ương ấu trùng (100%). Năng suất PL trên đơn vị thể tích ở 3 mô hình khác nhau không lớn, dao động từ 96.700 – 100.000 PL/m3. Tổng chi phí sản xuất của mô hình 1 thấp nhất (48,8 triệu đồng/triệu PL), và cao nhất là mô hình 3 (61,2 triệu đồng/triệu PL). Lợi nhuận mô hình 2 thấp nhất (31,8 triệu đồng/triệu PL). Mô hình 3 có lợi nhuận cao nhất (36,0 triệu đồng/triệu PL). Tuy nhiên, hiệu quả chi phí và tỷ suất lợi nhuận mô hình 1 cao nhất (1,72 và 0,72) và thấp nhất là mô hình 3 (1,6 và 0,6).

Phân lập và xác định khả năng gây hoại tử gan tụy của vi khuẩn Vibrio paraheamolyticus phân lập từ tôm nuôi ở Bạc Liêu

Nguyễn Trọng Nghĩa, Phạm Anh Tuấn, Trương Quốc Phú, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) đang được xem là bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi. Ở Việt Nam, bệnh được phát hiện vào năm 2010 và gây thiệt hại đáng kể cho tôm nuôi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập, định danh và xác định khả năng gây hoại tử gan tụy của chủng vi khuẩn được phân lập từ tôm thu ở những ao nuôi tôm thâm canh tại tỉnh Bạc Liêu có dấu hiệu lâm sàng của bệnh hoại tử gan tụy như gan tụy teo dai, ruột rỗng kèm theo một số biến đổi mô bệnh học trên vùng gan tụy như sự thoái hóa cấp tính của các tế bào gan, sự tập trung của tế bào máu cùng với nhiễm khuẩn thứ cấp. Các chủng vi khuẩn phân lập được đều là vi khuẩn Gram âm, hình que ngắn, có thể di động, dương tính với các chỉ tiêu oxidase và catalase, lên men đường trong điều kiện hiếu khí và kỵ khí, có khả năng phát triển trên môi trường thiosulfate citrate bile salt với khuẩn lạc màu xanh, tròn, lồi và đường kính 2-3 mm. Cả 3 chủng đều có khả năng gây tan huyết dạng beta. Các chủng vi khuẩn được định danh là Vibrio parahaemolyticus (99,9% ID) bằng kit API 20E (BioMerieux). Kết quả gây cảm nhiễm trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) khỏe với bốn nghiệm thức (tiêm 1,5% NaCl, 104 CFU/g, 105CFU/g, 106CFU/g) cho thấy vi khuẩn này có khả năng gây hoại tử gan tụy ở nghiệm thức tiêm 105 CFU/g (sau 9 ngày) và 106 CFU/g (sau 6 ngày) với dấu hiệu bệnh lý và mô bệnh học giống như tôm bệnh thu từ tự nhiên.

Nghiên cứu ương giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) theo công nghệ bio-floc ở các mức nước khác nhau

Châu Tài Tảo, Lý Minh Trung, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra mức nước thích hợp trong bể ương ứng dụng công nghệ bio-floc đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Nghiên cứu gồm 3 nghiệm thức ở các mức nước khác nhau lần lượt là (i) 40 cm, (ii) 60 cm và (iii) 80 cm. Tôm giống PL12 được bố trí trong các bể composite có thể tích 0,5 m3, mật độ 2.000 con/m3, độ mặn 15 ‰, thời gian ương là 28 ngày, sử dụng 2 nguồn bột mì và bột đậu nành để tạo bio-floc với tỉ lệ C/N >12. Kết quả nghiên cứu cho thấy mật độ vi khuẩn Vibrio và vi khuẩn tổng giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Thể tích bio-floc ở mức nước 80 cm (12,7 ± 6,2 ml/L) cao nhất và khác biệt có ý nghĩa (p

Nghiên cứu hoạt động của nghề lưới đăng ở tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hoạt động của nghề lưới đăng được thực hiện tại tỉnh Hậu Giang từ tháng 5/2014 đến tháng 11/2014 nhằm đánh giá các khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính của nghề lưới đăng thông qua phỏng vấn trực tiếp 45 hộ thực hiện nghề này. Kết quả cho thấy số lao động trung bình của hộ khai thác lưới đăng là 2,67 người/hộ. Số lượng trung bình lưới đăng của một hộ là 20,6 lưới/hộ. Kích thước mắt lưới 2a trung bình của lưới đăng nhỏ hơn 18 mm. Sản lượng khai thác trung bình trong năm của nghề lưới đăng là 590 kg/năm/hộ và tỷ lệ cá tạp chiếm 49,1%. Với chi phí đầu tư nghề lưới đăng là 4,14 triệu đồng thì nghề này đem lại lợi nhuận là 6,12 triệu đồng/năm. Nghề lưới đăng có vai trò quan trọng trong thu nhập của nông hộ. Khó khăn lớn nhất của nghề lưới đăng là năng suất khai thác giảm.

Ảnh hưởng của vitamin C lên một số yếu tố miễn dịch không đặc hiệu và khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Bùi Thị Bích Hằng, Trương Quỷnh Như, Phạm Văn Thi, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự ảnh hưởng của hàm lượng vitamin C đến khả năng đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá tra cũng như khả năng bảo hộ cá giống khi cảm nhiễm với vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Edwardsiella ictaluri. Thí nghiệm tiến hành với cá tra giống (15-20g/cá) được cho ăn với thức ăn có bổ sung nhiều mức vitamin C (0, 50, 500 và 1000mg/kg thức ăn) trong 4 tuần. Mẫu máu cá được thu sau 2 và 4 tuần bổ sung vitamin C để phân tích các chỉ tiêu huyết học, hoạt tính lysozyme và bổ thể. Sau 4 tuần tiến hành gây cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri (105 cfu/ml). Kết quả cho thấy số lượng tế bào bạch cầu, hoạt tính lysozyme và bổ thể tăng nhẹ sau 2 tuần bổ sung vitamin C và tăng cao hơn sau 4 tuần. Đặc biệt số lượng bạch cầu, hoạt tính lysozyme và bổ thể đạt mức cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 1000 mg vitamin C/kg thức ăn. Sau khi gây cảm nhiễm với vi khuẩn, tỉ lệ chết của cá được bổ sung vitamin C (500 và 1000 mg/kg) thấp hơn so với tỉ lệ chết của cá ở nghiệm thức đối chứng. Những kết quả trên cho thấy bổ sung vitamin C ở mức 500-1000mg/kg thức ăn kích thích gia tăng một số chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu và tăng khả năng kháng vi khuẩn bảo vệ cá tra.

Ảnh hưởng kết hợp của độ mặn và việc bổ sung vi khuẩn Bacillus subtilis đến sinh trưởng và sinh sản của Artemia franciscana

Ngô Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Bảo Trang, Phạm Thị Tuyết Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đến sự phát triển và tác dụng của vi khuẩn Bacillus subtilis đến sinh trưởng và sinh sản của Artemia franciscana dòng Vĩnh Châu. Thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần và được bố trí theo 2 nhân tố là độ mặn (30, 70 và 90‰) kết hợp với bổ sung hoặc không bổ sung B. subtilis vào môi trường nuôi Artemia. Artemia được nuôi với mật độ 500con/L và cho ăn bằng thức ăn tôm sú số 0. Sau 15 ngày nuôi, tỉ lệ sống của Artemia cao nhất (61,5%) ở nghiệm thức 90‰ có bổ sung chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn B. subtilis và cũng ở nghiệm thức này thì chiều dài (8,35 mm), tỉ lệ bắt cặp (51,3%) và sức sinh sản (45 phôi/con cái) đều đạt cao nhất và khác biệt so với các nghiệm thức khác (p

Dạy học tích hợp nội dung giáo dục môi trường trong môn Lịch sử - Địa lí lớp 4 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản thà

Lê Ngọc Hóa, Huỳnh Thị Hồng Loan
Tóm tắt | PDF
Dạy học tích hợp giáo dục môi trường (GDMT) vào các môn học nói chung và môn Lịch sử - Địa lí (LS-ĐL) nói riêng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình giáo dục tiểu học. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày: (1) Việc hướng dẫn tích hợp nội dung GDMT vào môn LS-ĐL lớp 4 thông qua việc xác định những bài học trong môn học này có thể tích hợp nội dung GDMT và tổng hợp các phương pháp dạy học được sử dụng để tiến hành việc tích hợp; (2) Quá trình thực nghiệm dạy học tích hợp nội dung GDMT trong môn LS-ĐL lớp 4 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Cần Thơ. Những dữ liệu bài nghiên cứu này thu thập là các giáo án dạy học tích hợp GDMT vào môn LS-ĐL lớp 4, phiếu điều tra nhận thức và hành động của học sinh về việc bảo vệ môi trường.

Môn Lịch sử với việc giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay

Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt | PDF
Thời gian qua, tình hình tranh chấp ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp về chủ quyền của một số nước trên biển Đông, trong đó có Việt Nam. Vấn đề về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vận mệnh của đất nước đều nhận được sự quan tâm của mọi người, trong đó có học sinh (HS). Trong bài viết này, tác giả xin được đóng góp một số ý kiến về vai trò của môn Lịch sử ở trường phổ thông (PT) đối với việc giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc và khơi dậy trong các em ý thức đóng góp sức mình vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền dân tộc, trong đó có chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Tổ chức dạy học nêu và giải quyết vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Đại học Cần Thơ

Cao Ngọc Báu
Tóm tắt | PDF
Nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Đại học Cần Thơ hiện nay là cần thiết. Bài viết kế thừa kết quả nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng yếu kém trong dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Từ thực trạng đó, tác giả đề xuất tổ chức vận dụng phương pháp dạy học theo quan điểm tích cực mà cụ thể là dạy học nêu và giải quyết vấn đề vào giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Tác giả nhận thấy, việc tổ chức vận dụng phương pháp nêu và giải quyết vấn đề vào trong quá trình dạy học đã đem lại hiệu quả rõ rệt và tương đối ổn định. Phương pháp này đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học, góp phần nâng cao kết quả học tập môn Giáo dục quốc phòng, an ninh và năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên tại Trường Đại học Cần Thơ. Từ đây có thể khẳng định tính khả thi khi giảng viên lựa chọn và vận dụng phương pháp nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp không thể tách rời với việc đổi mới phương tiện, hình thức tổ chức và phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả.

Thực trạng sử dụng suy luận tương tự vào dạy học của sinh viên sư phạm toán - Đại học Cần Thơ qua học phần tập giảng

Bùi Phương Uyên
Tóm tắt | PDF
Dạy học với suy luận tương tự là một chiến lược dạy học hiệu quả trong dạy học môn Toán. Vì vậy, phương pháp này đang được nhiều giáo viên lựa chọn để phát huy tính tích cực của học sinh. Bài báo đã khảo sát 52 sinh viên ngành Sư phạm toán, Trường Đại học Cần Thơ, ở học phần tập giảng và kết quả cho thấy chỉ có 5 sinh viên lựa chọn dùng suy luận tương tự để phát huy tính tích cực của học sinh.

Tổ chức toán học đối với khái niệm tích phân: Một nghiên cứu theo cách tiếp cận didactic toán

Nguyễn Phú Lộc, Huỳnh Thanh Liêm
Tóm tắt | PDF
Trong chương trình môn Toán lớp 12, học sinh được học khái niệm tích phân và các ứng dụng. Nhờ đó, các em thấy được ý nghĩa thực tiễn của Toán học nói chung và của môn Giải tích nói riêng. Ngoài ra, các em còn nhận biết được rằng, toán học là một thể thống nhất, các phân môn toán có sự nhất quán và hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn, với tích phân người ta có thể tìm lại các công thức tính diện tích và thể tích các hình mà học sinh đã học trong Hình học và có thể tính được diện tích và thể tích các hình mà với công cụ Hình học rất khó có thể tìm ra. Với tầm quan trọng của khái niệm tích phân như thế, vấn đề đặt ra là các sách giáo khoa Giải tích 12 đã bao gồm các tổ chức toán học nào liên quan đến khái niệm này và những hạn chế về nhận thức và vận dụng khái niệm tích phân có thể có của học sinh ra sao? Nội dung bài báo góp phần trả lời hai câu hỏi trên.

Yếu tố con người trong cuộc vận động cải cách ở Đông Nam Á (nửa sau thế kỉ XIX-đầu thế kỉ XX)

Phạm Thị Phượng Linh
Tóm tắt | PDF
Yếu tố con người trong các cuộc vận động cải cách ở Đông Nam Á có vai trò rất  quan trọng trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. Trong yếu tố con người thì vai trò và vị thế của người lãnh đạo cải cách là quan trọng nhất quyết định đến sự thành công hay thất bại của chương trình cải cách đó. Các cuộc vận động cải cách diễn ra và thắng lợi theo con đường từ trên xuống nên nhân tố đảm bảo thắng lợi cho cải cách không phải là quần chúng nhân dân mà là tầng lớp lãnh đạo đất nước. Nếu tầng lớp bên trên là lực lượng khởi xướng cải cách thì đảm bảo sự nghiệp cải cách thành công điển hình ở Đông Nam Á cóThái Lan (Xiêm). Còn đối với các nước khác như Indonesia, Philippines và Việt Nam thì cuộc vận động cải cách diễn ra sôi nổi nhưng do tầng lớp bên dưới xã hội tiến hành nên thất bại.

Tìm hiểu nhận thức của học sinh về khái niệm phân số thông qua một thực nghiệm sư phạm

Dương Hữu Tòng
Tóm tắt | PDF
Trong lịch sử hình thành khái niệm phân số, nó được tiếp cận theo các cách: dựa trên số phần / toàn thể, dựa trên phép chia, dựa trên tia số, dựa trên lí thuyết tập hợp, dựa trên tỉ số. Tuy nhiên, sách giáo khoa toán 4 hiện hành chưa có nội dung nào yêu cầu học sinh biểu diễn phân số trên tia số. Điều đó có thực sự tạo điều kiện cho học sinh hiểu đúng về khái niệm phân số hay chưa? Do vậy, bài báo sẽ triển khai một thực nghiệm sư phạm để tìm hiểu nhận thức của học sinh về khái niệm phân số.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ công chức viên chức quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Quốc Nghi, Trần Tiến Dũng, Bùi Văn Trịnh, Hà Vũ Sơn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định và đánh giá các yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ công chức viên chức(CBCCVC) cấp quận tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 125 CBCCVC cấp quận đang làm việc tại các đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp tại quận Ninh Kiều. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá kết hợp với hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng để giải quyết mục tiêu đã đặt ra. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố chủ quan tác động đến mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của CBCCVC cấp quận là “Sự tự tin và hồi phục”, “Niềm hy vọng” và “Tuổi tác”. Đối với các yếu tố khách quan, chỉ có yếu tố “Lãnh đạo và mối quan hệ” có tác động đến mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của CBCCVC cấp quận tại Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên đại học ngành Phát triển nông thôn của Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Công Toàn, Trịnh Minh Trí, Huỳnh Văn Hậu, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Nguyễn Văn Quân
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập (KQHT) của sinh viên đại học ngành Phát triển Nông thôn (PTNT), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Các số liệu của đề tài nghiên cứu được thu thập từ 120 sinh viên đại học ngành PTNT tại Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Viện PTĐB) và khoa PTNT của Trường ĐHCT thông qua bảng câu hỏi đã được soạn sẵn. Phương pháp phân tích được sử dụng trong nghiên cứu này là thống kê mô tả, so sánh và phân tích hồi qui Binary Logistic bằng phần mềm IBM SPSS  20.0. Kết quả phân tích hồi qui cho thấy, có 4 biến ảnh hưởng đến KQHT của sinh viên ngành PTNT đó là giới tính, số giờ tự học, số buổi nghỉ học và tài liệu giảng viên cung cấp, trong đó 2 biến số giờ tự học và tài liệu giảng viên cung cấp có tương quan thuận với biến phụ thuộc KQHT của sinh viên, còn 2 biến giới tính và số buổi nghỉ học có tương quan nghịch với biến phụ thuộc KQHT của sinh viên.

Thực trạng việc làm của sinh viên ngành Việt Nam học (hướng dẫn viên du lịch) tốt nghiệp từ Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Trọng Nhân, Lý Mỷ Tiên, Nguyễn Mai Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát 91 sinh viên ngành Việt Nam học tốt nghiệp từ Trường Đại học Cần Thơ bằng phương pháp chọn mẫu kiểu thuận tiện. Các phương pháp được sử dụng để phân tích dữ liệu sơ cấp gồm thống kê mô tả, phân tích tương quan hai biến, phân tích độ tin cậy thang đo và phân tích nhân tố khám phá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên có việc làm chiếm tỷ lệ cao và thời gian tìm được việc làm ngắn. Hai kênh thông tin quan trọng để sinh viên tìm việc làm là thông báo của nhà tuyển dụng và sự giới thiệu của người quen. Kiến thức và kỹ năng học từ Trường chỉ được sử dụng vào công việc ở mức trung bình. Chức vụ có liên quan thuận đối với thu nhập và thu nhập có liên quan thuận với lòng yêu nghề và sự hài lòng với nghề. Một số yếu tố liên quan đến ngành đào tạo mới chỉ ở mức trung bình và hơi tốt. Sinh viên chưa có việc làm do ảnh hưởng của năng lực bản thân, tính chất công việc và lương bổng.

Khái niệm Chủ nghĩa nhân văn và Chủ nghĩa nhân đạo (Humanism) trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1945 đến nay

Nguyễn Đăng Hai
Tóm tắt | PDF
Trong khoa nghiên cứu văn học, Chủ nghĩa nhân văn và Chủ nghĩa nhân đạo (Humanism) là những phạm trù lí luận, phạm trù lịch sử mà cho đến nay việc nhìn nhận, đánh giá vẫn còn nhiều tranh cãi, thậm chí trái nghịch. Vì vậy, bài viết đề cập đến hai vấn đề cơ bản của khái niệm: (1) Khái quát về nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của khái niệm humanism ở phương Tây; (2) Phân tích nội dung, ý nghĩa và các khuynh hướng khác nhau trong việc sử dụng khái niệm Chủ nghĩa nhân văn, Chủ nghĩa nhân đạo trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1945 đến nay.

Tâm thức lưu đày trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965-1975

Bùi Thanh Thảo
Tóm tắt | PDF
Phê bình hậu thực dân là một trong những hướng nghiên cứu mới, đem lại cách tiếp cận mới cho văn học. Tâm thức lưu đày (exile) là một trong những thuật ngữ quan trọng của khuynh hướng hậu thực dân. Thuật ngữ này “bao gồm quan niệm về sự chia cắt và khoảng cách từ quê hương thực sự hoặc từ nguồn gốc văn hoá và dân tộc”. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu những biểu hiện của tâm thức lưu đày” trong truyện ngắn yêu nước ở đô thị miền Nam 1965-1975. Khá nhiều nhân vật của bộ phận văn học này mang cảm giác đau đớn vì sự chia cắt với nguồn cội, gốc rễ, thấy mình không phải là chủ thể ngay trên chính quê hương của mình. Khám phá được điều này cũng là cách thể hiện tiếng nói đầy trách nhiệm của các tác giả, góp phần vào phong trào đấu tranh ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ cung cấp nước sạch ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Lê Thị Diệu Hiền, Võ Phương Thảo, Hoàng Thị Hồng Lộc, Nguyễn Quốc Nghi
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên này, các phương pháp kiểm định cronbach alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi qui tuyến tính đa biến được sử dụng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ cung cấp nước sạch (DVCCNS) tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 228 người dân đang sử dụng DVCCNS trên địa bàn quận Ninh Kiều. Kết quả nghiên cứu đã xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân đối với DVCCNS là sự tin cậy và đảm bảo, khả năng đáp ứng, phương tiện hữu hình và sự đồng cảm. Trong đó, nhân tố khả năng đáp ứng có ảnh hưởng mạnh nhất đến mức độ hài lòng của người dân đối với DVCCCNS. Một số khuyến nghị được đề xuất nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân đối với DVCCCNS ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Thực trạng việc ứng dụng Web 2.0 trong các thư viện đại học Việt Nam và đề xuất trang Web 2.0 mẫu cho Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ và thư viện đại học

Lâm Thị Hương Duyên, Lý Thành Lũy, Nguyễn Thị Kim Tri
Tóm tắt | PDF
Bài viết cung cấp một bức tranh tổng thể của ứng dụng công nghệ Web 2.0 trong thư viện đại học Việt Nam. Trọng tâm của nghiên cứu là đánh giá những loại công nghệ Web 2.0 đã được áp dụng trong các hoạt động của thư viện qua khảo sát người dùng thư viện đại học Việt Nam. Bên cạnh phân tích hành vi người dùng và quan điểm ứng dụng Web 2.0 trong thư viện, nghiên cứu này còn đề xuất mô hình trang web có ứng dụng công nghệ Web 2.0 và thiết kế trang Web 2.0 mẫu cho Trung tâm Học liệu Trường Đại học Cần Thơ nói riêng và các thư viện đại học Việt Nam nói chung. Nghiên cứu này cũng tạo tiền đề cho các nghiên cứu về áp dụng công nghệ Web 2.0 hay công nghệ mới cho môi trường thư viện.