Ngày xuất bản: 29-11-2017

Định vị và điều phối ứng cứu sự cố lưới điện

Nguyễn Thị Bích Ngư, Nguyễn Chí Ngôn, Phan Bình Minh
Tóm tắt | PDF
Việc phát hiện khi có bất thường trên lưới điện hạ áp thường được cung cấp từ người sử dụng điện đến trung tâm chăm sóc khách hàng. Sau đó, trung tâm phản hồi về đội sửa chữa khu vực quản lý, gây mất nhiều thời gian và chi phí. Giải pháp đề xuất là xây dựng hệ thống giám sát, chủ động phát hiện bất thường trên lưới điện và hiển thị địa điểm xảy ra sự cố lên máy tính quản lý; đồng thời gửi cảnh báo điều hướng nhân viên vận hành gần nhất đến điểm cần ứng cứu dựa trên Google Maps. Hệ thống nhằm mục tiêu phát hiện sớm, xử lý nhanh, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ. Kết quả kiểm chứng cho thấy giải pháp đề xuất là khả thi và có khả năng thử nghiệm thực tế.

Tối ưu hệ điều khiển mực chất lỏng công nghiệp với bộ điều khiển Fuzzy Logic

Lâm Thiện Tín, Võ Minh Trí, Nguyễn Chánh Nghiệm
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày phương pháp thiết lập và tối ưu hệ điều khiển mực chất lỏng công nghiệp với bộ điều khiển mờ. Trên cơ sở các đặc tính vận hành thực tế của hệ thống cho thấy hệ thống có tính chất phi tuyến, độ quán tính lớn và độ trễ khi vận hành, bộ điều khiển mờ được thiết kế và tinh chỉnh một cách phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả điều khiển. Kết quả thực nghiệm trên mô hình hệ điều khiển mực chất lỏng công nghiệp cho thấy hiệu quả của bộ điều khiển mờ, dựa trên việc đánh giá các chỉ tiêu chất lượng về thời gian tăng, thời gian đáp ứng, sai số xác lập và mức năng lượng tiêu hao tối thiểu trong thời gian vận hành liên tục. Ngoài ra, sự ổn định của hệ thống được kiểm chứng qua khả năng đáp ứng nhanh, chính xác, ổn định theo tín hiệu điều khiển dưới sự thay đổi của nhiễu vào hệ thống.

Thiết kế bộ nhận dạng và điều khiển thông minh lò nhiệt

Nguyễn Trường Sanh, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Bài báo nhằm nghiên cứu cấu trúc của mạng nơ-ron RBF, áp dụng để nhận dạng và điều khiển đối tượng. Đối tượng được chọn là mô hình hệ bồn khuấy, có tính phi tuyến ở một số thời điểm. Hệ thống bồn khuấy yêu cầu phải đạt nhiệt độ mong muốn trong một thời khoảng nhất định, tránh vọt lố và sai số xác lập. Để đáp ứng yêu cầu này, một bộ điều khiển thông minh với thuật toán điều khiển PID một nơ-ron đã được áp dụng; một bộ nhận dạng đối tượng dùng mạng nơ-ron RBF, với giải thuật huấn luyện trực tuyến cũng được xây dựng. Kết quả mô phỏng trên MATLABÒ cho thấy hệ điều khiển hoạt động ổn định và bền vững dưới tác động của nhiễu.

Mô phỏng độ nhạy của cảm biến quang học sử dụng đồng tạo hiệu ứng cộng hưởng bề mặt trên lăng kính để ứng dụng trong chẩn đoán bệnh

Nguyễn Tấn Tài
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày kết quả mô phỏng cho cảm biến quang học được phủ đồng (Cu) để tạo hiệu ứng cộng hưởng bề mặt sử dụng ma trận truyền tải cho nhiều lớp kim loại. Hiệu ứng cộng hưởng bề mặt được tạo ra bằng cách phủ một lớp kim loại với độ dày thích hợp (d ≤ 100 nm) trên bề mặt một chất có chiết suất lớn như lăng kính. Kết quả mô phỏng cho thấy lớp phủ Cu với độ dày khoảng 50 nm đã cho thấy thành phần sóng từ trường nằm ngang (transverse magnetic field) tạo nên hiệu ứng cộng hưởng bề mặt với độ nhạy khoảng 99,5o/RIU. Kết quả này có thể dùng để tiến hành thực nghiệm chế tạo cảm biến quang học dùng để phát hiện và đo lường nồng độ các protein trong máu như fibrinogen (bệnh tim), tau-protein (bệnh mất trí nhớ) để ứng dụng trong chẩn đoán bệnh, giá thành rẻ hơn và độ nhạy tương đối cao.

Cải tiến phương pháp phân tích thứ bậc sử dụng thuyết Dempster-Shafer

Phạm Minh Đương, Trương Quốc Định, Nguyễn Văn Hiệu
Tóm tắt | PDF
Phương pháp phân tích thứ bậc của Thomas Saaty có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc xử lý thông tin để đưa ra quyết định lựa chọn, các phương án hành động tốt nhất, hợp lý nhất. Tuy nhiên, phương pháp này không thể sử dụng trong nhiều trường hợp khi sự đánh giá của chuyên gia về các tiêu chí là không chính xác và không đầy đủ. Bài báo đề xuất một phương pháp cải tiến phương pháp phân tích thứ bậc của Thomas Saaty. Phương pháp cải tiến đề xuất sử dụng nhóm chuyên gia để thực hiện sự đánh giá các tiêu chí và các phương án. Phương pháp cải tiến không yêu cầu nhóm chuyên gia đưa ra giá trị đánh giá cụ thể về các tiêu chí và các phương án. Ngoài ra, phương pháp cải tiến còn sử dụng chiến lược Maximin để kết hợp các tiêu chí. Thuật toán hiệu quả được xây dựng để tìm  phương án tối ưu. Kết quả nghiên cứu được giải thích và làm rõ thông qua ví dụ minh họa.

Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật theo dõi đối tượng xây dựng hệ thống camera giám sát thông minh

Phạm Nguyên Khang, Đỗ Thanh Nghị, Phạm Thế Phi
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày các kết quả nghiên cứu về việc xây dựng hệ thống camera giám sát thông minh sử dụng kỹ thuật theo dõi đối tượng. Phần cốt lõi của hệ thống là bộ theo dõi đối tượng, hoạt động dựa trên trên việc kết hợp giữa (i) truy vết đối tượng bằng luồng quang học, (ii) so khớp các đặc trưng cục bộ và (iii) tìm sự đồng thuận lớn nhất của các đặc trưng cục bộ. Cũng trong bài báo này, một thuật giải thuật mới đã được đề xuất nhằm tăng tốc độ xử lý các khung ảnh bằng kỹ thuật ống dẫn (pipeline) trên các hệ thống máy tính đa nhân. Giải thuật này chia quá trình xử lý thành 4 giai đoạn liên tiếp, phụ thuộc nhau và giao cho 4 tiến trình xử lý chúng một cách độc lập. Việc đồng bộ giữa các tiến trình được thực hiện bằng mô hình sản xuất – tiêu thụ (producer – consumer). Điều này giúp tăng tốc độ xử lý lên đến 3,3 lần trên hệ thống máy tính 4 nhân. Hệ thống camera giám sát thông minh sẽ theo dõi đối tượng liên tục và phát tín hiệu cảnh báo khi đối tượng cần theo dõi biến mất trong một khoảng thời gian được định trước. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng các giải pháp đề xuất là hoàn toàn phù hợp.

Phân lập vi khuẩn có khả năng phân hủy chlorate kali từ đất trồng nhãn ở quận Thốt Nốt, Cần Thơ

Trần Thị Diệu Nguyên, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Chlorate kali được sử dụng để kích thích ra hoa nghịch mùa ở các vùng trồng nhãn. Hai mươi bốn dòng vi khuẩn được phân lập từ đất trồng nhãn ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ trong đó bảy dòng vi khuẩn có khả năng tạo sinh khối cao trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung KClO3 (0,1 g/L) và glucose (2 g/L), các dòng này đều là vi khuẩn Gram âm. Trong môi trường khoáng tối thiểu bổ sung KClO3,các dòng vi khuẩn đạt hiệu suất phân hủy KClO3 cao nhất (70,4% - 77,6%) sau 11 ngày nuôi cấy. Trong môi trường có bổ sung KClO3và glucose, hiệu suất phân hủy KClO3 của các dòng vi khuẩn cao hơn, đạt 65,8% - 78,6% sau 7 ngày nuôi cấy. Dòng TN3 có hiệu suất phân hủy KClO3 cao nhất trong môi trường không bổ sung glucose (77,6% sau 11 ngày nuôi cấy) vàtrong môi trường có bổ sung glucose (78,6% sau bảy ngày nuôi cấy). Khảo sát khả năng hóa hướng động cho thấy hai dòng vi khuẩn TN3 và TN34 có khả năng di chuyển về phía có bổ sung KClO3. Kết quả nghiên cứu chứng tỏ dòng TN3 phân hủy KClO3 cao nhất so với các dòng vi khuẩn khảo sát và có khả năng hóa hướng động theo KClO3 nên TN3 được xem là dòng vi khuẩn tiềm năng cho các nghiên cứu ứng dụng về phân hủy sinh học KClO3 lưu tồn trong đất.

Nghiên cứu sử dụng nước thải biogas trồng bắp (Zea mays L.)

Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Thị Lan Anh, Bùi Thị Nga, Trần Thị Thúy Vân
Tóm tắt | PDF
“Nghiên cứu sử dụng nước thải biogas trồng bắp (Zea mays L.)” được thực hiện nhằm tận dụng dinh dưỡng của nước thải biogas như phân hữu cơ dạng lỏng thay thế phân hóa học góp phần giảm lượng nước tưới, hạn chế lượng nước thải biogas xả trực tiếp ra thủy vực tiếp nhận và giảm chi phí trong canh tác bắp. Thí nghiệm trong chậu gồm 4 nghiệm thức: phân hóa học, nước thải biogas tỷ lệ 100%, 75% và 50% nhằm chọn tỷ lệ nước thải biogas hợp lý cho thí nghiệm ngoài đồng. Thí nghiệm ngoài đồng được bố trí với 3 nghiệm thức: phân hóa học (đối chứng), nước thải biogas hàm lượng đạm 75%, và nước thải biogas hàm lượng đạm 50%. Kết quả cho thấy chiều cao cây, chiều dài trái bắp, đường kính trái bắp, khối lượng trái, số hàng trên trái, số hạt trên trái và năng suất cây bắp ở nghiệm thức nước thải biogas hàm lượng đạm 75% khác biệt không có ý nghĩa so với nghiệm thức đối chứng. Sử dụng nước thải biogas trồng bắp giúp giảm 35 L/m2 nước thải biogas với hàm lượng đạm 75% thải ra môi trường, tận dụng 18,7 g/m2 đạm, 4,47 g/m2 lân và 6,42 g/m2 kali, giảm chi phí phân bón hóa học 1.147 VNĐ/m2 và chi phí thuốc bảo vệ thực vật 500 VNĐ/m2. Đề tài khuyến khích nông hộ có mô hình khí sinh học sử dụng nước thải biogas thay thế phân hóa học canh tác cây bắp.

Phương pháp hàm đặc trưng cho một số định lí giới hạn trong xác suất

Lê Trường Giang, Trịnh Hữu Nghiệm
Tóm tắt | PDF
Nội dung chính của bài viết này là sử dụng công cụ hàm đặc trưng để giải quyết một số bài toán xấp xỉ trong xác suất nh­ư xấp xỉ Poisson phức hợp, xấp xỉ Gamma và xấp xỉ Laplace. Các kết quả nhận được là sự mở rộng và khái quát hóa một số kết quả đã có.

Điều chế chất hoạt động bề mặt diethanolamide từ mỡ cá tra, cá basa ứng dụng trong phối chế chế phẩm bảo vệ thực vật dạng huyền phù đậm đặc

Bùi Thị Bửu Huê, Nguyễn Thị Phong Lan, Nguyễn Quốc Châu Thanh
Tóm tắt | PDF
Một loại chất hoạt động bề mặt không ion diethanolamide đã được tổng hợp thành công với hiệu suất khá tốt (62 %) bằng phản ứng giữa methyl ester tổng hợp từ mỡ cá tra, cá basa và diethanolamine. Chất hoạt động bề mặt này được sử dụng làm nguyên liệu để phối chế ra loại chế phẩm bảo vệ thực vật dạng huyền phù đậm đặc SC chứa hoạt chất Fipronil, một loại hoạt chất trừ sâu phổ biến trên thị trường. Chế phẩm SC phối chế được đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam theo TC-05-2002-CL. Kết quả thử nghiệm trên đồng ruộng cho thấy loại chế phẩm SC điều chế được thể hiện hoạt tính diệt trừ sâu cuốn lá tốt tương đương thuốc trên thị trường chứa cùng hoạt chất.

Hợp hữu hạn của các module con

Lê Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Prime Avoidance là một định lý nổi tiếng trong Đại số giao hoán. Một số tác giả đã chứng minh định lý này trong trường hợp vành không giao hoán. Hơn nữa, nhiều nhà toán học đã mở rộng kết quả này cho module trên vành giao hoán và vành không giao hoán. Trong bài báo này, định nghĩa module con nguyên tố theo Sanh (2010) được sử dụng để nghiên cứu bài toán hợp hữu hạn của các module con và chứng minh kết quả Định lý Prime Avoidance cho module trên vành không giao hoán.

Đóng góp bậc một vòng của hạt fermion nặng vào quá trình rã Higgs trong mô hình Seesaw III

Trịnh Thị Hồng, Nguyễn Thị Lan Anh, Lâm Thị Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Các đóng góp bậc một vòng của các hạt mới trong mô hình chuẩn mở rộng (Seesaw III) vào một số quá trình rã của hạt Higgs trung hòa (h) là một vấn đề mang tính thời sự. Bài báo đặt vấn đề nghiên cứu chi tiết quá trình rã của hạt Higgs trong mô hình Seesaw với các tam tuyến fermion mới. Biểu thức tính cường độ rã nhánh cho hai quá trình rã cụ thể là h → γγ và h → Zγ sẽ được xây dựng bằng những tính toán chi tiết. Mặt khác, kết quả khảo sát số và so sánh với dữ liệu thực nghiệm hiện tại cũng sẽ được sử dụng. Từ đó, chỉ ra được rằng các đóng góp của fermion mang điện nặng trong mô hình là rất nhỏ và luôn nằm trong giới hạn cho phép của thực nghiệm. Vì vậy, mô hình xét ở đây vẫn không bị loại trừ.

Về M-cơ sở mạnh trong không gian Banach

Trần Văn Sự
Tóm tắt | PDF
Bài báo này nhằm mục đích nghiên cứu một số điều kiện cần và  đủ  sao cho một hệ thống cho trước trở thành một -cơ sở mạnh trong không gian Banach. Các kết quả thu được trong bài báo  dựa trên tính ổn định của -cơ sở mạnh trong không gian Hilbert. Trước tiên, với hai dãy -cơ sở mạnh cho trước,  luôn tồn tại một toán tử tuyến tính liên tục  sao cho  là một đơn cấu tuyến tính liên tục. Dưới các giả thiết phù hợp,  sẽ trở thành một đẳng cấu tuyến tính. Tiếp theo, một điều kiện đủ về sự tồn tại của một -cơ sở mạnh trong không gian Banach cho trước cũng được dẫn tốt. Cuối cùng, một sự  kết  luận cho các kết quả thu được cũng được đề xuất.

Đa dạng loài và đặc điểm phân bố giun đất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Nam, Trương Thúy Ái, Nguyễn Phúc Hậu
Tóm tắt | PDF
Trên cơ sở phân tích 1.200 cá thể giun đất được thu định tính ở 58 điểm thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 10 năm 2016, nghiên cứu này đã tổng kết được 26 loài giun đất xếp trong 10 giống và 5 họ. Trong số các loài trên, có 17 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở khu vực nghiên cứu; thêm vào đó, giống Pheretima sensu stricto lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam và loài Metphire mangophila (Nguyen, 2011) được điều chỉnh thành tên đồng vật của Metaphire easupana (Thai & Huynh, 1993). Về cấu trúc thành phần loài, họ Megascolecidae chiếm ưu thế tuyệt đối với 22 loài (chiếm 84,60%); các họ còn lại Almidae, Rhinodrilidae, Moniligastridae và Octochaetidae mỗi họ có 1 loài. Giống Metaphire (12 loài) và giống Amynthas (5 loài) chiếm ưu thế so với các giống còn lại; giống Polypheretima không phân bố ở vùng nội địa của khu hệ này. Khu vực nghiên cứu có độ tương đồng về thành phần loài giữa các địa hình cao (> 60%), trong khi đó độ tương đồng về thành phần loài giữa các sinh cảnh tương đối thấp (29,91% – 53,76%). Chỉ số ưu thế của các loài giun đất ở khu vực nghiên cứu thấp (λ < 0,24), tuy nhiên M. bahli, A. polychaetiferus và M. houlleti có độ phong phú cao hơn các loài còn lại.

Tổng hợp và đánh giá độc tính đối với tế bào của một số dẫn xuất naphthalenyl-benzimidazole

Phùng Văn Bình, Lê Trọng Hiếu, Bùi Thị Bửu Huê, Ngô Thị Cẩm Tuyết, Nguyễn Thị Ngọc Yến
Tóm tắt | PDF
Benzimidazole và các dẫn xuất của chúng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y học với nhiều hoạt tính dược lý như kháng viêm, kháng khuẩn, kháng virus, chống đái tháo đường và kháng ung thư. Trong nghiên cứu này, bốn dẫn xuất naphthalene-benzimidazole đã được tổng hợp thành công với hiệu suất tốt qua năm bước bắt đầu từ 2,5-dimethoxybenzaldehyde. Phương pháp tổng hợp sử dụng phản ứng ngưng tụ Stobbe, sau đó đóng vòng tạo khung sườn ethyl-4-acetoxy-5,8-dimethoxy-2-napthoate. Chuyển hóa nhóm chức ethyl ester thành nhóm aldehyde, sau đó ngưng tụ với các dẫn xuất o-phenyldiamine và o-nitroaniline trong những điều kiện khác nhau để tạo thành các dẫn xuất 2-naphthalyl-1H-benzimidazole tương ứng. Cấu trúc của các hợp chất này được xác nhận đầy đủ bằng một số phương pháp quang phổ như phổ MS, IR, 1H-NMR và 13C-NMR. Kết quả đánh giá độc tính đối với tế bào ung thư cho thấy hai dẫn xuất 5,8-dimethoxy-3-(5-methyl-1H-benzo[d]imidazol-2-yl)naphthalene-1-ol (6a) và 3-(1H-benzo[d]imidazol-2-yl)-5,8-dimethoxynaphthalen-1-ol (7a) thể hiện độc tính yếu đối với dòng tế bào ung thư da ác tính Mouse skin B16 melanoma.

Ảnh hưởng của chất xơ tự nhiên (Opticell) bổ sung trong khẩu phần lên năng suất của heo nái và heo con theo mẹ

Ngô HỒng PhưỢng, Nguyễn Danh Giá
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện tại trại chăn nuôi Phú Sơn, thuộc tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Thí nghiệm trên 40 heo nái mang thai giai đoạn cuối, heo nái được chia thành 2 lô bao gồm lô đối chứng và lô thí nghiệm, mỗi lô có 20 heo. Lô đối chứng được cho ăn thức ăn căn bản của trại, lô thí nghiệm ăn thức ăn có bổ sung sản phẩm OptiCell® với liều dùng 10 kg/tấn thức ăn. Các heo được lựa chọn đồng đều về lứa đẻ, sức khoẻ và năng suất sinh sản. Kết quả cho thấy rằng OptiCell® giúp cải thiện đáng kể năng suất của heo nái và tăng trưởng heo con như tăng lượng thức ăn tiêu thụ, rút ngắn thời gian đẻ trên heo nái, cải thiện số heo con sinh ra còn sống, số heo con cai sữa và trọng lượng trung bình của heo con của lô thí nghiệm so với lô đối chứng. Thí nghiệm là bước khởi đầu cho nghiên cứu tiêu hoá chất xơ ở ruột già trên thú dạ dày đơn.

Khảo sát hàm lượng flavonoid, alkaloid và khả năng kháng khuẩn của cao chiết cỏ Mần Trầu (Eleusine indica)

Nguyễn Nhật Thanh Phương, Trần Hồng Đức, Nguyễn Đức Độ, Nguyễn Hoàng Trí Tài, Phạm Tấn Phương
Tóm tắt | PDF
Cỏ Mần Trầu (Eleusine indica) chứa nhiều hợp chất tự nhiên với hoạt tính kháng khuẩn. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích khảo sát sự ảnh hưởng của phương pháp ly trích thông thường so với phương pháp ly trích có kết hợp sóng siêu âm lên hoạt tính các hợp chất kháng khuẩn. Phương pháp ly trích kết hợp sóng siêu âm có hiệu quả thấp hơn phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, ly trích có kết hợp sóng siêu âm mang lại hàm lượng flavonoid tổng và alkaloid tổng cao hơn khoảng 25% và 28%. Khả năng kháng khuẩn ở tất cả nghiệm thức là khá tốt, khả năng kháng đối với Escherichia coli cao hơn so với Bacillus subtilis. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) của cao chiết S70 tương ứng hai dòng vi khuẩn trên là 12,5 mg/mL và 50 mg/mL.

Sự phân bố và xâm nhiễm của nấm rễ nội sinh (Vesicular arbuscular mycorrhiza - VAM) trong mẫu rễ và đất trồng bắp tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Vo Thi Tu Trinh, Dương Minh
Tóm tắt | PDF
Kết quả khảo sát các mẫu đất và rễ bắp thu thập tại năm tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang có pH từ 3,64 - 5,80, đất thịt pha sét, trên các ruộng bắp khoảng 40 ngày tuổi cho thấy tất cả các mẫu đất và rễ đều có sự hiện diện nấm rễ (vesicular arbuscular mycorrhiza - VAM) cộng sinh, thể hiện qua sự xâm nhiễm của nấm bên trong rễ và số lượng bào tử trong đất, có ba dạng cấu trúc xâm nhiễm: dạng sợi nấm, túi (vesicular) và bụi (arbuscular). Tỷ lệ xâm nhiễm của nấm trong rễ bắp tương quan thuận với giá trị pH đất (từ 3,6 - 5,8) tại vùng trồng bắp. Tiêu chuẩn phân loại và định danh dựa trên đặc điểm hình thái về màu sắc, hình dạng, số lớp của vách bào tử, hình dạng cuống bào tử và tên chi của bào tử. Kết quả cho thấy các dạng bào tử của nấm rễ thuộc ba chi: Glomus, Acaulospora và Entrophospora. Các bào tử thuộc chi Glomus và Acaulospora hiện diện ở tất cả các mẫu đất trồng bắp thu thập từ năm tỉnh trên, chi Entrophospora chỉ hiện diện trong mẫu đất thuộc hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.

Phân lập và tuyển chọn một số dòng nấm từ gỗ mục có khả năng loại màu thuốc nhuộm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Khởi Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phân lập và định danh một số dòng nấm phân hủy gỗ mục có khả năng loại màu thuốc nhuộm xanh và đen. Thể quả của nấm được thu thập trên gỗ mục ở Đồng bằng sông Cửu Long để phân lập. Định tính và định lượng khả năng loại màu thuốc nhuộm được tiến hành với môi trường MT3 (Jonathan and Fasidi, 2001) bổ sung 500 mg.L-1 thuốc nhuộm. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng cộng 54 dòng nấm từ gỗ mục được phân lập, trong đó 12 và 15 trong số 54 dòng nấm phân lập lần lượt thể hiện khả năng loại màu thuốc nhuộm xanh và đen. Hai dòng nấm ký hiệu HG1 và TV13 thể hiện khả năng loại màu thuốc nhuộm xanh và đen cao nhất. Dòng nấm HG1 có khả năng loại màu thuốc nhuộm xanh cao nhất sau 8 ngày nuôi cấy, giảm 457 mg.L-1, chiếm 92% nồng độ ban đầu (500 mg.L-1) trong khi dòng nấm TV13 có khả năng loại màu thuốc nhuộm đen tốt nhất sau 7 ngày nuôi cấy, giảm 493 mg.L-1, chiếm 99% nồng độ ban đầu. Kết quả giải mã trình tự đoạn gen 18S-rRNA cho thấy cả 02 dòng nấm HG1 và TV13 thuộc chi Marasmiellus. Vì vậy, cả 02 dòng này được định danh là Marasmiellus sp. HG1 và Marasmiellus sp. TV13.

Vai trò của hydrocarbon biểu bì trong pheromone giới tính của sâu đục dây khoai lang Omphisa anastomosalis Gueneé (Lepidoptera: Crambidae)

Trần Văn Hiếu, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Omphisa anastomasalis là đối tượng gây hại quan trọng trên khoai lang ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm ứng dụng pheromone giới tính như là công cụ khảo sát diễn biến mật số quần thể, từ đó hỗ trợ thông tin cho việc xây dựng các chương trình quản lý hiệu quả, vai trò của hydrocarbon biểu bì trong sự hấp dẫn của pheromone giới tính đối với O. anastomasalis được khảo sát bằng các phân tích GC-EAD và GC-MS và đánh giá hiệu quả hấp dẫn ngoài đồng. Kết quả phân tích mẫu ly trích từ tuyến pheromone ghi nhận được ba thành phần gồm các hợp chất E10-16:Ald, E14-16:Ald và E10,E14-16:Ald. Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu ly trích từ thân đã ghi nhận được bốn thành phần với hợp chất Z3,Z6,Z9-23:H là thành phần thứ tư. Xa hơn, phân tích mẫu ly trích từ cánh chỉ ghi nhận được thành phần Z3,Z6,Z9-23:H. Điều này chứng tỏ thành phần Z3,Z6,Z9-23:H là một hydrocarbon biểu bì và được tiết ra từ bề mặt cơ thể của ngài cái. Trong đánh giá ngoài đồng, mồi pheromone được điều chế từ 3 thành phần ghi nhận trong tuyến pheromone không cho hiệu quả hấp dẫn đối với ngài O. anasotosalis đực. Khi được thêm vào mồi Z3,Z6,Z9-23:H đã làm gia tăng có ý nghĩa số lượng ngài O. anasotosalis đực vào bẫy, ngay cả cao hơn so với bẫy được đặt mồi là ngài cái chưa giao phối.

Nghiên cứu điều kiện tồn trữ và hiệu quả của chất bảo vệ sự tồn tại thực khuẩn thể trong quản lý bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae trong điều kiện nhà lưới

Huỳnh Thanh Suôl, Nguyễn Thị Thu Nga, Ngô Bá Tước
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu chất phụ gia phục hồi thực khuẩn thể (TKT) sau đông khô ghi nhận Glucose 10% cho hiệu quả tốt nhất, sau đó là Mannitol (5% và 10%). Khảo sát thời gian tồn trữ ở 3 điều kiện tồn trữ cho thấy dạng bột đông khô trữ nhiệt độ phòng duy trì mật số TKT ổn định đến 5 tháng, trong khi dạng lỏng trữ ở 40C và nhiệt độ phòng mật số TKT giảm mạnh sau 3 và 1 tháng tồn trữ, tuần tự. Nghiên cứu chất bảo vệ giúp TKT tồn tại dưới ánh nắng mặt trời, mật số TKT duy trì tương đương nhau ở các nghiệm thức trong 24 giờ sau khi phun trên bề mặt tán lá lúa. Nghiệm thức TKT + sữa tách béo giúp duy trì mật số TKT tốt lên đến 5 ngày, ở các nghiệm thức còn lại thì mật số giảm mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả giảm bệnh không tương quan với mật số TKT trên lá lúa. Kết quả này là do hiệu quả giảm bệnh được quyết định dựa vào số lượng TKT tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh trong vài giờ đầu nên việc suy giảm mật số TKT sau 24 giờ không ảnh hưởng đến hiệu quả giảm bệnh. Riêng nghiệm thức TKT + bột đậu xanh hoặc đậu nành thể hiện giảm phần trăm diện tích lá bệnh tốt hơn, hiệu quả của hai nghiệm thức này có thể do sự tác động của chất bảo vệ lên tính kháng bệnh của cây bên cạnh tác động của TKT.

Tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân huỷ phế phụ phẩm sau thu hoạch quả vải

Đinh Hồng Duyên, Nguyễn Thế Bình, Vũ Thanh Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn vi khuẩn có khả năng phân giải cellulose để tạo nguồn giống sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm sau thu hoạch quả vải. Từ 300 mẫu phụ phẩm quả vải hoai mục tự nhiên tại Lục Ngạn - Bắc Giang đã phân lập được 98 chủng vi khuẩn. Các chủng vi khuẩn được tuyển chọn thông qua đánh giá hoạt tính cellulase, amylase, protease và thông qua đánh giá sinh trưởng, hoạt tính enzyme ngoại bào khi nuôi ở các điều kiện pH, nhiệt độ, kháng sinh khác nhau. Kết quả đã tuyển chọn được 2 chủng vi khuẩn, chủng V19 được định danh là Bacillus cereus thuộc nhóm an toàn sinh học cấp 2, chủng V98 là Bacillus toyonensis thuộc nhóm an toàn sinh học cấp 1. Bước đầu thử nghiệm chế phẩm sản xuất từ V19 và V98  xử lý phụ phẩm quả vải sau thu cho thấy độ hoai mục đạt 57 - 59% sau 35 ngày ủ ở quy mô chậu vại. Độ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng ở công thức có chế phẩm vi khuẩn đều cao hơn công thức đối chứng và cao hơn trước khi ủ. 

Nghiên cứu khả năng sử dụng hợp chất màng cầu béo sữa trong chế biến sữa chua

Phan Thị Thanh Quế, Tống Thị Ánh Ngọc, Võ Thị Vân Tâm, Koen Dewettinck
Tóm tắt | PDF
Sữa tươi chứa ít vật chất từ màng cầu béo sữa, chỉ khoảng 2 g/L. Tuy nhiên, vật chất này thu hút nhiều sự chú ý trong những năm gần đây do những tính chất có lợi cho sức khỏe và những đặc tính công nghệ. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá khả năng sử dụng màng cầu béo sữa trong chế biến sữa chua. Ảnh hưởng của hàm lượng bột sữa gầy sử dụng để chuẩn hóa hàm lượng chất khô thay đổi từ 12-15% và hàm lượng Lacprodan®PL-20 bổ sung thay thế bột sữa gầy từ 0-4% đến các tính chất vật lý của sữa chua như độ cứng và khả năng giữ nước của sản phẩm được khảo sát. Bên cạnh đó, hàm lượng lipid phân cực và protein màng cầu béo trong các mẫu sữa chua có bổ sung Lacprodan®PL-20 cũng được phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi tăng hàm lượng chất khô trong dịch sữa từ 12 đến 15% giúp cải thiện độ cứng và khả năng giữ nước của sản phẩm, tuy nhiên thời gian lên men kéo dài. Bổ sung 3% Lacprodan®PL-20 thay thế sữa bột gầy vào sữa chua giúp cải thiện khả năng giữ nước cho sản phẩm (85,23%). Bên cạnh đó, hàm lượng lipid phân cực tổng số cao (0,24%) và mức độ bắt màu các băng XO, CD36, BTN, PAS 6/7, ADPH ở giếng bổ sung 3% Lacprodan®PL-20 đậm hơn so với mẫu không bổ sung Lacprodan®PL-20. Các kết quả trên cho thấy Lacprodan®PL-20 rất có tiềm năng để tích hợp vào sản phẩm sữa chua, ngoài tác dụng cung cấp các cấu phần có lợi cho sức khỏe, nó còn giúp cải thiện khả năng giữ nước của sản phẩm.

Ảnh hưởng của mặn đến khả năng nảy mầm, sinh trưởng và năng suất của hai giống lạc L14 và L27

Vũ Ngọc Thắng, Lê Thị Tuyết Châm, Nguyễn Ngọc Quất, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Lãm
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mặn đến khả năng nảy mầm, sinh trưởng, sinh lý và năng suất của 2 giống lạc L14 và L27. Kết quả thí nghiệm cho thấy khi tăng độ mặn đã làm giảm tỷ lệ nảy mầm, chiều dài mầm, rễ mầm, khối lượng tươi của cây mầm và rễ mầm. Bên cạnh đó, khi tăng độ mặn đã làm giảm chiều cao thân chính, diện tích lá, khả năng tích lũy chất khô, khả năng hình thành nốt sần. Ngoài ra, gây mặn còn làm giảm chỉ số SPAD, hiệu suất huỳnh quang diệp lục, năng suất và yếu tố cấu thành năng suất. Đặc biệt, độ thiếu hụt bão hòa nước, độ rò rỉ ion có xu hướng tăng cao khi tăng độ mặn trên cả 2 giống lạc tham gia thí nghiệm.

Sự đa dạng sử dụng đất trên bờ bao hệ thống luân canh tôm-lúa vùng nước lợ: Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Sóc Trăng

Võ Văn Hà, Vũ Anh Pháp
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đa dạng sử dụng tài nguyên đất bờ bao hệ thống luân canh tôm-lúa tại vùng nước lợ nhằm giúp nông dân đa dạng các nguồn thu nhập, hạn chế rủi ro cho sản xuất nông nghiệp và thích ứng với sự thay đổi bất thường của thời tiết. Nghiên cứu đã bố trí thí nghiệm trồng cây cao lương (sorghum bicolor) và trồng cỏ voi (Pennisetum purpureum) kết hợp chăn nuôi bò trong nông hộ. Đồng thời, nghiên cứu cũng ghi chép sổ nhật ký 14 nông hộ tham gia nghiên cứu và phỏng vấn trực tiếp 61 nông dân trồng hoa màu, trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn. Kết quả cây cao lương thích nghi tốt và cho năng suất cao ở vùng này. Năng suất cỏ voi cao là nguồn cung cấp thức ăn ổn định cho chăn nuôi bò. Hoạt động trồng hoa màu đều mang lại hiệu quả nên nâng cao sự đa dạng thu nhập hộ và tăng khả năng sử dụng đất, thay vì không canh tác như trước đây của nông dân. Nhóm cây trồng họ bầu bí, dưa, khổ qua và ớt trồng đơn hay trồng kết hợp với cây cao lương đều cho lợi nhuận cao so với các loại cây khác. Đa dạng sử dụng đất sẽ giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định sinh kế và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu tại vùng nước lợ.

Ảnh hưởng của độ mặn thấp lên sinh trưởng và sinh sản của Artemia franciscana dòng Vĩnh Châu

Nguyễn Thị Hồng Vân, Huỳnh Thanh Tới
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành gồm năm nghiệm thức tương ứng với năm độ mặn khác nhau 10‰; 20‰; 30‰; 50‰ và 80‰ nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn thấp đến tỉ lệ sống, chiều dài và một số chỉ tiêu sinh sản của Artemia franciscana (dòng Vĩnh Châu). Kết quả cho thấy độ mặn ảnh hưởng không lớn đến tỉ lệ sống và chiều dài của A. franciscana, sau 14 ngày nuôi tỉ lệ sống và chiều dài khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) giữa các nghiệm thức. Kết quả cũng cho thấy độ mặn càng thấp thì tuổi thọ Artemia càng ngắn và sức sinh sản cũng giảm đi, ở 10‰ tuổi thọ là 18,7 ngày trong khi ở 50‰ và 80‰ là 35 ngày, khác biệt có nghĩa thống kê (p30>20>10, cao nhất ở nghiệm thức 80‰ là 673,3 phôi/con và thấp nhất ở 10‰ chỉ có 96 phôi/con. Tỉ lệ phần trăm đẻ trứng cyst khá cao (67-83%) quan sát được ở các độ mặn thấp (10-30‰) và giảm (50%) khi độ mặn tăng (50‰ và 80‰). Nhìn chung, ngoại trừ độ mặn 10‰ thì các độ mặn khác như 20‰; 30‰; 50‰ và 80‰ đều có khả năng sinh sản tốt và tốt nhất là độ mặn 50‰ và 80‰.

Nhu cầu duy trì và hiệu quả sử dụng protein, năng lượng của cá lóc (Channa striata)

Ngô Minh Dung, Trần Thị Thanh Hiền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định nhu cầu duy trì và hiệu quả sử dụng protein và năng lượng của cá lóc (Channa striata) làm cơ sở phát triển công thức thức ăn tối ưu trong nuôi cá lóc thương phẩm. Thí nghiệm 1 xác định protein, năng lượng tiêu hao, hệ số trao đổi protein, năng lượng của cá lóc với khối lượng khác nhau (10 g; 50 g; 100 g; 200 g and 500 g) và cá lóc không được cho ăn trong suốt thời gian thí nghiệm 28 ngày. Ở thí nghiệm 2, cá được cho ăn thức ăn thí nghiệm thỏa mãn nhằm xác định độ tiêu hóa thức ăn và dưỡng chất. Thí nghiệm 3 xác định nhu cầu duy trì, hiệu quả sử dụng protein và năng lượng của cá lóc thông qua cho cá lóc ăn các mức khác nhau 0%, 25%, 50%, 75% và 100% nhu cầu. Kết quả cho thấy hệ số trao đổi protein và năng lượng của cá lóc lần lượt là 0,76 và 0,82. Độ tiêu hóa thức ăn của cá lóc là 75,1%, độ tiêu hóa protein, năng lượng và lipid tương ứng là 88,6%; 86,1% và 95,1%. Hiệu quả sử dụng protein và năng lượng của cá lóc là 58,2% và 47,6%. Nhu cầu protein và năng lượng tiêu hao cho duy trì của cá lóc lần lượt là 0,41 g/kg0,76/ngày và 43,7 kJ/kg0,82/ngày.

Ảnh hưởng của các loại thức ăn lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng ba khía (Sesarma sederi) ương trong hệ thống nước xanh và nước trong

Châu Tài Tảo, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định loại thức ăn và môi trường ương thích hợp cho từng giai đoạn của ấu trùng ba khía. Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm gồm 6 nghiệm thức, thí nghiệm 1 ương ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 với các loại thức ăn A (Artemia bung dù + Frippak-150/Zoea-1đến Zoea-2 và Artemia nở + Frippak-150/Zoea-3 đến Zoea-4), thức ăn B (Luân trùng/Zoea-1 đến Zoea-2 và Artemia nở /Zoea-3-Zoea-4) và thức ăn C (Luân trùng + Artemia bung dù/Zoea-1 đến Zoea-2 và Artemia nở + Frippak-150/Zoea-3 đến Zoea-4). Thí nghiệm 2 là ương ấu trùng ba khía từ Zoea-4 đến ba khía-1 với các loại thức ăn D (Artemia nở + Frippak-150/Zoea-4 đến Ba khía-1), thức ăn E (Artemia nở /Zoea-4 đến Ba khía-1) và thức ăn F (Artemia nở + Lansy-PL/Zoea-4 đến Ba khía-1) trong hệ thống nước xanh và nước trong. Kết quả cho thấy ương trong hệ thống nước xanh hay nước trong không ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng ba khía. Ương ấu trùng ba khía từ Zoea-1 đến Zoea-4 với loại thức ăn C và ương từ Zoea-4 đến ba khía-1 với loại thức ăn D cho tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất ở ba khía-1 tốt nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Phát hiện vi khuẩn Aeromonas schubertii gây đốm trắng ở nội quan cá lóc (Channa striata) bằng phương pháp PCR

Nguyen Ngoc Dung, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Quy trình PCR phát hiện vi khuẩn Aeromonas schubertii gây bệnh đốm trắng nội quan trên cá lóc được thực hiện và chuẩn hóa. Cặp mồi Schubertii-16S- (UF-2) F và Schubertii-16S- (UF-2) R (Demarta et al., 1999) được sử dụng để khuếch đại gen 16s rDNA cho vi khuẩn A. schubertii với kích thước sản phẩm PCR là 322 bp được thực hiện nhằm rút ngắn thời gian và phát hiện chính xác tác nhân gây bệnh. Quy trình PCR được chuẩn hóa có thành phần phản ứng là 1 mM MgCl2, 1U Taq DNA polymerase và 0,2 mM dNTPs, 0,25 µM mồi Schubertii-16S- (UF-2) F và 0,25 µM Schubertii-16S- (UF-2) R. Độ nhạy của qui trình PCR là 30ng DNA /phản ứng. Tính đặc hiệu của cặp mồi được xác định là chỉ phát hiện A. schubertii mà không phát hiện được một số loài vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản như: Streptococcus agalactiae, Aeromonas hydrophila, Vibrio parahaemolyticus, Edwardsiella ictaluri và Flavobactertium columnare.

Sử dụng rifamycin như chất kiềm hãm vi khuẩn và ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị bền N15 trong nghiên cứu hấp thụ dinh dưỡng của Artemia trong điều kiện gnotobiotic

Huỳnh Thanh Tới, Nguyễn Thị Hồng Vân
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng lọc và hấp thụ dinh dưỡng của Artemia từ vi khuẩn trong điều kiện gnotobiotic (là điều kiện đã biết được loài vi khuẩn trong môi trường nuôi). Artemia được cho ăn với thức ăn pha trộn theo phần trăm giữa nấm men Saccharomyces cerevisiae dòng mnn9 và vi khuẩn HT3 (Tamlana sp. ZJU HZ22) đã được đánh dấu chất đồng vị bền N15, phần trăm của vi khuẩn trong khẩu phần ăn được tăng dần 25% theo nghiệm thức, và rifamycin được sử dụng với nồng độ 10 ppm để kiềm hãm sự phân chia của vi khuẩn (tránh làm giảm đi hàm lượng N15 trong vi khuẩn). Kết quả cho thấy rifamycin không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống và tăng trưởng của Artemia sau 6 ngày nuôi. Hàm lượng N15 tích tụ trong mô của Artemia tỉ lệ thuận với sự tăng dần của vi khuẩn trong khẩu phần ăn. Kết quả này đã làm sáng tỏ Artemia có khả năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ vi khuẩn và Artemia tiêu thụ nhiều vi khuẩn khi điều kiện nuôi thiếu thức ăn.

Nghiên cứu kích thích cá chành dục (Channa gachua Hamilton, 1822) sinh sản

Hồ Mỹ Hạnh, Bùi Minh Tâm, Dương Thúy Yên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu kích thích cá chành dục sinh sản nhằm xác định loại và liều lượng kích thích tố cho hiệu quả trong sinh sản. Thí nghiệm 1: HCG đơn với liều cho cá đực và cái cái 1.000 IU/kg và 1.500 IU/kg, chỉ tiêm 1 lần. Thí nghiệm 2: Hỗn hợp HCG và não thùy (5mg) với 4 liều tiêm 500 IU/kg, 1.000 IU/kg, 1.500 IU/kg và 2.000 IU/kg cá đực và 500 UI/kg cá cái, cá đực tiêm 2 lần. Thí nghiệm 3: LHRHa + Domperidone với 3 liều tiêm 60 µg/kg, 80 µg/kg và 100 µg/kg cá đực và 50µg/kg + Dom + 1 não cho cá cái, cá đực được tiêm 2 lần. Mỗi nghiệm thức trong các thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Kết quả, tất cả kích thích tố đều có tác động đến sự sinh sản của cá, trong đó HCG + 5 mg não thùy, liều 2000 IU/ kg cá đực và 500 IU/kg cá cái cho hiệu quả sinh sản về thời gian hiệu ứng (44,4 giờ, nhiệt độ 26,5-28 oC), tỷ lệ cá sinh sản (66,7%), tỷ lệ trứng nở (51,2%). Cá chành dục có thể sinh sản tốt trong điều kiện không tiêm kích thích tố với tỷ lệ đẻ, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ trứng nở cao và tỷ lệ cá dị hình thấp.