Ngày xuất bản: 30-12-2023
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Ứng dụng Compromise Programming và Fuzzy Programming thiết kế mạng lưới chuỗi cung ứng khép kín với sự biến động về giá nguyên liệu và nhu cầu nhà bán lẻ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu hoạch định mạng lưới chuỗi cung ứng khép kín xem xét quá trình cung ứng và thu hồi sản phẩm đã qua sử dụng. Một mô hình toán tối ưu tuyến tính nguyên hỗn hợp (MILP) được đề xuất như một cách tiếp cận ban đầu cho bài toán. Sự biến động về giá nguyên liệu và nhu cầu nhà bán lẻ trong chuỗi cung ứng được xem như các tham số bất định trong đề tài. Hai phương pháp được đề xuất là Fuzzy Programming (FP) và Compromise Programming (CP) giúp giải quyết tham số không chắc chắn và tiếp cận mục tiêu thông qua biến đổi mô hình MILP thành mô hình tuyến tính đa mục tiêu (MOLP). Một trường hợp điển hình với mặt hàng vòi nước dùng trong gia đình được áp dụng để kiểm chứng mô hình. Kết quả cho thấy phương pháp CP có thể tìm ra mức độ tối ưu của người ra quyết định và giá trị kỳ vọng của hàm mục tiêu tương ứng ít chịu ảnh hưởng bởi sự chủ quan của người ra quyết định.
Môi trường
Nghiên cứu xử lý Cr(vi) trong môi trường nước bằng than biến tính sản xuất từ cành thanh long (Hylocereus sp.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu khả năng hấp phụ Cr(VI) trong môi trường nước bằng than sinh học (TSH) được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp – cành thanh long (Hylocereus sp.). Kết quả phân tích cho thấy tác nhân hoạt hóa HNO3 đã làm thay đổi tính chất bề mặt của TSH dẫn đến việc tăng khả năng hấp phụ Cr(VI) trong nước so với TSH chưa hoạt hóa. TSH sau biến tính có thể xử lý Cr(VI) ở nồng độ 10 mg/L với hiệu suất và dung lượng hấp phụ lần lượt là 88,9% và 2,2 mg/g ở điều kiện pH 2 và khối lượng than sử dụng là 0,2 g trong 90 phút. Khảo sát động học cho thấy mô hình động học biểu kiến bậc 2 là phù hợp để giải thích động học quá trình hấp phụ Cr(VI) lên TSH với R2 = 0,9821. Nghiên cứu xây dựng mô hình đẳng nhiệt cho thấy mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Langmuir phù hợp hơn mô hình đẳng nhiệt Freundlich đối với quá trình hấp phụ Cr(VI) lên vật liệu hấp phụ từ cành thanh long và dung lượng hấp phụ cực đại là 5,91 mg/g.
Tự nhiên
Bài toán vị trí liên thông không mong muốn trên cây
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, bài toán liên thông p-maxian trên đồ thị cây sẽ được xem xét. Để giải bài toán, đầu tiên, một tập trội hữu hạn được tìm ra. Sau đó, một thuật toán tổ hợp được phát triển cho bài toán dựa trên việc tính toán giá trị mục tiêu đối với mỗi phần tử trong tập trội.
Chiến lược nhắm mục tiêu vào DNA dựa trên cấu trúc các dẫn xuất chalcone mang dị vòng như là tác nhân chống ung thư tiềm năng
Tóm tắt
|
PDF
Khung sườn chalcone đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thiết kế các loại thuốc chống ung thư. Trong nghiên cứu này, các dẫn xuất chalcone chứa hợp chất dị vòng là quinazolinone, benzimidazole, benzoxazole và 1,3,4-oxadiazole với hoạt tính chống ung thư tiềm năng đã được xem xét về khả năng gắn kết với DNA. Các hợp chất cho kết quả xen kẽ vào DNA chặt so với hợp chất đối chứng trên phương diện cấp độ phân tử. Mô phỏng động lực học đã được thực hiện cho bốn phức hợp tốt nhất, kết quả cho thấy sự ổn định về cấu trúc đã được gắn kết ở các phức hợp phối tử-DNA. Dự đoán về ADMET cũng đã được thực hiện cho các phối tử này. Tóm lại, nghiên cứu này khuyến khích tổng hợp các hợp chất chalcone chứa dị vòng, nghiên cứu khả năng tương tác với DNA và hiệu quả gây độc tế bào của chúng bằng các mô hình thực nghiệm in vitro. Nhóm hợp chất này có thể hữu ích cho việc phát triển các tác nhân hoặc thuốc chống ung thư đa mục tiêu mới và tiềm năng trong tương lai.
Tính chất vi phân trong điều khiển tối ưu có tham số với ràng buộc cân bằng
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các tính chất vi phân trong điều khiển tối ưu có tham số với ràng buộc cân bằng. Hướng nghiên cứu mới của bài viết là về tính chất vi phân suy rộng trong lớp bài toán điều khiển tối ưu có tham số cho phương trình đạo hàm riêng elliptic nửa tuyến tính với ràng buộc cân bằng. Kết quả mới của bài báo bao gồm các công thức tính đối đạo hàm Fréchet và đối đạo hàm Mordukhovich của toán tử ràng buộc trong bài toán điều khiển tối ưu có tham số với dạng ràng buộc cân bằng có nhiễu và các công thức tính dưới vi phân Fréchet của hàm giá trị tối ưu của bài toán điều khiển tối ưu có tham số với ràng buộc cân bằng.
Bào chế hydrogel từ hydroxypropyl methylcellulose chứa metformin và đánh giá tác dụng chống oxi hóa của chế phẩm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm bào chế và đánh giá tác dụng chống oxi hóa của hydrogel hydroxypropyl methylcellulose (HPMC) chứa metformin (HPMC-Met). Đầu tiên, phương pháp định lượng metformin bằng quang phổ UV-Vis được xây dựng và thẩm định, với bước sóng 233 nm, đường chuẩn y = 0,8224x + 0,0194 (R2 = 0,9984), khoảng nồng độ từ 0,0625 đến 2,0000 µg/mL và đạt tất cả các chỉ tiêu về độ đặc hiệu, độ đúng và độ chính xác. Tiếp theo, nghiên cứu tiến hành bào chế và đánh giá tính chất lý hóa (cảm quan, thời gian hóa gel, độ nhớt và khả năng giải phóng hoạt chất) của HPMC-Met. Kết quả cho thấy các tính chất này phụ thuộc tương quan vào hàm lượng HPMC và tỷ lệ ethanol:nước. Hơn nữa, quá trình giải phóng metformin trong dung dịch đệm pH 5,5 của HPMC-Met kéo dài và duy trì trong suốt 150 phút. Cuối cùng, bằng phương pháp chống oxi hóa DPPH (2,2-diphenyl-1 picrylhydrazyl), IC50 của metformin và HPMC-Met đều khoảng 70 µg/mL. Tóm lại, HPMC hydrogel có những tính chất tiềm năng như một hệ dẫn truyền thuốc nhằm vận chuyển metformin.
Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn trong nước thải chế biến thủy sản có khả năng hấp thu và hóa hướng động theo sodium tripolyphosphate
Tóm tắt
|
PDF
Sodium tripolyphosphate (STPP) là chất phụ gia được sử dụng rộng rãi trong chế biến thủy sản. Nồng độ phosphate cao trong nước thải chế biến thủy sản nếu không được xử lý sẽ gây phú dưỡng hóa dẫn đến tảo nở hoa từ đó làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Mục tiêu của nghiên cứu là phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn trong nước thải chế biến thủy sản có khả năng hấp thu và hóa hướng động theo STPP. Từ các mẫu nước được thu ở hệ thống xử lý nước thải của công ty chế biến thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng, 27 dòng vi khuẩn có khả năng hấp thu STPP đã được phân lập, trong đó, 11 dòng vi khuẩn gồm PAE1.1, PAE1.2, PAE1.4, PAE1.6, PAE1.7, PAN1.1, PAN1.12, PAN1.5, POU1.2, POU1.3 và POU1.4 có khả năng tạo sinh khối cao và hấp thu trên 50% STPP ở nồng độ 200 ppm sau 24 giờ nuôi cấy. Ba dòng vi khuẩn POU1.3, POU1.4 và PAN1.12 có khả năng hấp thu cao và hóa hướng động theo STPP được định danh lần lượt là Acinetobacter sp. POU1.3, Acinetobacter sp. POU1.4 và Comamonas sp. PAN1.12 dựa vào kết quả phân tích và so sánh trình tự gen 16S-rRNA.
Công nghệ sinh học
Tuyển chọn và định danh chủng vi khuẩn acid lactic có tiềm năng probiotic từ trái sơ ri (Malpighia glabra L.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn được các chủng vi khuẩn có tiềm năng probiotic từ trái sơ ri (Malpighia glabra L.). Kết quả tuyển chọn được 9 chủng vi khuẩn có khả năng chịu được pH 2,5 trong đó chủng vi khuẩn HC1 có khả năng sống sót tốt nhất với mật số là 4,73 logCFU/mL. Nghiên cứu đã tuyển chọn được ba chủng vi khuẩn HC1, KA2, TB5 có khả năng chịu muối mật cao nhất. Các chủng vi khuẩn HC1, KA2, KA3, KA4, TB4 và TB5 có khả năng kháng ba loại kháng sinh là tetracyclin (30 µg/mL), ampicillin (10 µg/mL) và ofloxacin (30 µg/mL). Chủng vi khuẩn HC1 và KA4 có khả năng tự kết dính cao nhất với tỷ lệ kết dính lần lượt là 49,35% và 48,69%. Hơn thế nữa, ba chủng vi khuẩn HC1 có khả năng kháng vi khuẩn Escherichia coli với đường kính vòng vô khuẩn (ĐKVKK) lần lượt là 7,27 mm. Qua các thử nghiệm kiểm tra tiềm năng probiotic, HC1 là chủng vi khuẩn tiềm năng được chọn để giải trình tự gene 16S RNA, kết quả cho thấy chủng vi khuẩn này là chủng Lactiplantibacillus plantarum với độ tương đồng đạt 97,20%.
Công nghệ thực phẩm
Ảnh hưởng của tiền xử lý nhiệt nguyên liệu và điều kiện thẩm thấu đến chất lượng trà gừng (Zingiber officinale) túi lọc
Tóm tắt
|
PDF
Quá trình chế biến trà gừng túi lọc có thể ảnh hưởng đáng kể đến đặc tính chất lượng của sản phẩm. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá các yếu tố tác động đến việc duy trì màu vàng đặc trưng của gừng và các hoạt chất sinh học để tạo ra một sản phẩm trà có chất lượng. Nghiên cứu được thực hiện với ba nội dung (i) khảo sát ảnh hưởng của nồng độ acid citric, (ii) nhiệt độ và thời gian chần và (iii) nồng độ muối NaCl trong dịch ngâm đến màu vàng đặc trưng, mùi vị và hợp chất có hoạt tính sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, gừng được ngâm trong acid citric có nồng độ 2% với tỷ lệ 1:3 (w/v) trong 30 phút đạt giá trị tốt về độ sáng và giữ được hoạt tính sinh học tốt nhất. Gừng sau khi ngâm acid citric được chần ở nhiệt độ 100°C trong 2 phút đạt giá trị tốt nhất về màu sắc. Bên cạnh đó, gừng ngâm trong dung dịch muối 1% NaCl với tỷ lệ 1:3 (w/v) làm giảm vị hăng và cay nồng của sản phẩm trà gừng.
Ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản đến sự oxy hóa lipid và protein của cá lóc (Channa striata) sấy khô
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản đến sự oxy hóa lipid và protein của cá lóc (Channa striata) nuôi sấy khô. Khảo sát cá lóc sấy khô khi bảo quản ở ba mức nhiệt độ là (28÷30ºC), (0÷4°C) và (-18÷-20°C). Kết quả nghiên cứu cho thấy cá lóc sấy khô sau 12 tuần bảo quản ở nhiệt độ phòng (28÷30°C), 32 tuần bảo quản ở nhiệt độ lạnh (0÷4°C) và 48 tuần trữ đông (-18÷-20°C) thì chỉ số peroxide, giá trị TBARS, nhóm sulfhydryl tổng, nhóm sulfhydryl tự do, độ màu b*, và hàm lượng N-NH3 thấp hơn giá trị chấp nhận được khuyến nghị. Cá lóc sấy khô bảo quản ở nhiệt độ (-18÷-20°C) sau 48 tuần có chỉ số peroxide (0,170 mEq/kg), giá trị TBARS (4,69 mg MDA/Kg), nhóm sulfhydryl tổng (22,44 µmol/g protein), nhóm sulfhydryl tự do (8,48 µmol/g protein), độ màu b* (4,27) và hàm lượng N-NH3 (42,86 mg%).
Nông nghiệp
Hiệu quả của một số dạng phân hữu cơ từ phụ phế phẩm nông nghiệp lên sinh trưởng cây rau muống và cây bắp ở điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiệu quả của 4 dạng phân hữu cơ sản xuất từ vật liệu hữu cơ gồm bã cà phê, bèo hoa dâu, vỏ trứng, xỉ than, phân bò và lông vũ lên sinh trưởng cây rau muống và cây bắp ở điều kiện nhà lưới. Có 4 dạng phân hữu cơ được tạo để thử nghiệm gồm phân phối trộn tươi, ủ compost không chủng nấm, ủ compost có chủng 4 dòng nấm phân hủy hữu cơ và phân trùn quế. Thí nghiệm được thực hiện trong nhà lưới gồm 11 nghiệm thức với 3 lặp lại. Kết quả cho thấy các vật liệu hữu cơ và 4 dạng phân thành phẩm đạt tiêu chuẩn phân hữu cơ. Phân ủ compost (compost), compost có chủng nấm (compost + N) và phân trùn quế (PTQ) có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn phân phối trộn tươi (PPTT). Nghiệm thức PTQ có hoặc không bổ sung 50% đất giúp chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối thân và rễ cây rau muống và cây bắp tương đương và thậm chí cao hơn so với nghiệm thức đối chứng dương (phân trùn quế trên thị trường).
Đánh giá hiệu quả của một số vật liệu hữu cơ tươi lên sinh trưởng, năng suất hoa hồng và đặc tính sinh học đất ở điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Vật liệu hữu cơ như bã cà phê, vỏ trứng, phân bò, bèo hoa dâu… có giá trị dinh dưỡng cao giúp cải tạo đất, tăng sinh trưởng cây trồng, nhưng nghiên cứu đánh giá hiệu quả của nó lên sinh trưởng cây hoa hồng chưa phổ biến. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả vật liệu hữu cơ tươi gồm: bã cà phê, vỏ trứng, lông vũ, phân bò, bèo hoa dâu và xỉ than lên sinh trưởng, năng suất của hoa hồng và một số đặc tính sinh học đất ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được thực hiện trong sáu tháng với 6 nghiệm thức và 4 lặp lại. Vật liệu hữu cơ và phân hữu cơ thương mại được bón với liều lượng 4% (so với khối lượng đất khô), vào thời điểm 0, 40, 80 và 120 ngày sau khi trồng. Kết quả thí nghiệm cho thấy hỗn hợp hữu cơ tươi gồm bã cà phê, vỏ trứng, bèo hoa dâu, phân bò, lông vũ và xỉ than với tỉ lệ 1:1:1:1:1:1 giúp gia tăng chiều dài cành cây hoa hồng, số lá, đường kính hoa, số hoa và khối lượng hoa/chậu tốt nhất. Bên cạnh đó, các đặc tính đất như pH, EC trong đất cũng như thành phần sinh học đất gồm mật số vi khuẩn và mật số nấm được cải thiện và gia tăng đáng kể ở các nghiệm thức bón vật liệu hữu cơ tươi.
Hiệu quả của một số biện pháp phòng trừ tuyến trùng ký sinh rễ cây cam quýt theo hướng thân thiện với môi trường
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định hiệu quả của một số biện pháp phòng trừ tuyến trùng ký sinh rễ cam quýt thân thiện với môi trường. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 22 nghiệm thức: đối chứng; dung dịch Ca(OH)2, KOH (pH: 10, 11, 12); dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta nồng độ 10%, 20% và 30%; nấm Paecilomyces lilacinus 10, 20 và 40 kg/ha; nấm Trichoderma sp. 20, 40 và 80 kg/ha, mỗi nghiệm thức có 5 lần lặp lại. Dung dịch Ca(OH)2 (pH: 11 và 12), dịch trích cây sài đất, lá neem, lá tràm ta nồng độ 10%, 20% và 30% cho hiệu quả nhanh nhưng giảm dần theo thời gian, hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất đạt 67,8 – 86,5% (20 ngày sau khi xử lý - NSKXL), ở rễ đạt 59,8 – 89,4% (100 NSKXL). Dung dịch Ca(OH)2 (pH: 10) và KOH (pH: 10, 11 và 12) có hiệu quả nhanh, trong đất đạt 51,6 – 60,3% (20 NSKXL), kéo dài đến 40 và 60 NSKXL sau đó giảm dần, ở rễ đạt 59,1 – 66,9% (100 NSKXL). Nấm Paecilomyces lilacinus (10, 20 và 40 kg/ha) và nấm Trichoderma sp. (20, 40 và 80 kg/ha) có hiệu quả chậm hơn và tăng dần theo thời gian, ở 100 NSKXL, hiệu quả phòng trừ tuyến trùng ký sinh trong đất đạt 69,6 – 80,4% và ở rễ đạt 59,7 – 82,9%.,...
Hiệu quả của chế phẩm vi sinh plant probiotics (PP) lên đặc tính sinh học đất, sinh trưởng và năng suất cây mồng tơi (Basella alba L.) ở điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của chế phẩm vi sinh plant probiotics (PP) chứa vi khuẩn Bacillus spp. và Lactobacillus spp. lên đặc tính sinh học đất, sinh trưởng và năng suất cây mồng tơi ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 6 nghiệm thức, 4 lần lặp lại và liên tục trong 2 vụ. Kết quả cho thấy các nghiệm thức bổ sung chế phẩm vi sinh PP riêng lẻ hoặc kết hợp với 50% và 75% NPK khuyến cáo giúp gia tăng mật số vi khuẩn trong đất. Đặc biệt, việc bón chế phẩm vi sinh PP kết hợp bón giảm 25% NPK được khuyến cáo giúp gia tăng chiều cao cây, chiều dài và chiều rộng lá, hàm lượng chlorophyll trong lá và khối lượng cây mồng tơi tươi/chậu tương đương với nghiệm thức bón 100% NPK khuyến cáo. Tóm lại, chế phẩm vi sinh PP có tiềm năng ứng dụng hiệu quả cho canh tác rau màu theo hướng an toàn, bền vững.
Khả năng chịu hạn của cam đường (Limnocitrus littoralis (Miq.) Sw.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định khả năng chống chịu hạn của cam đường. Thực hiện từ 10/2022-12/2022 trong nhà màng với nhiệt độ và ẩm độ không khí trung bình tương ứng là 33,8oC và 64,9%. Thí nghiệm bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, thừa số 2 nhân tố là môi trường (không và có xử lý hạn) và giống cam (đường, ba lá và mật), thí nghiệm có 30 lặp lại, 1 lặp lại là 1 cây/chậu. Kết quả cho thấy: cây cam đường duy trì màu sắc lá (ΔE*ab) sau 25 ngày xử lý hạn. Điều kiện hạn có ảnh hưởng ít đến chỉ số diệp lục tố của cam đường. Hàm lượng proline trong lá cũng như khả năng tích lũy proline trong điều kiện hạn của cây cam đường rất thấp, cho thấy cam đường ít nhạy cảm với hạn. Cây cam đường có biểu hiện héo sau 23,8 ngày xử lý hạn và tỷ lệ cây chết (thân lá khô) sau 30 ngày xử lý hạn thấp (30%) khi ẩm độ cát còn 1,53%. Cây cam đường có sự sinh trưởng tương đương với điều kiện không xử lý hạn và có bộ rễ phát triển tốt. Sinh khối của cây cam đường cao hơn so với các giống trong cùng điều kiện hạn. Do đó, cây cam đường có khả năng chống chịu tốt với điều kiện hạn.
Đánh giá hiệu quả của chế phẩm vi sinh plant probiotics (PP) lên sinh trưởng, năng suất rau muống và một số đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiệu quả của chế phẩm vi sinh PP (CPVS PP) có chứa một số dòng vi khuẩn thuộc chi Bacillus và Lactobacillus lên sinh trưởng, năng suất rau muống và đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới. Thí nghiệm được bố trí với 6 nghiệm thức, 4 lần lặp lại trong 2 vụ liên tục. Kết quả cho thấy nghiệm thức bón kết hợp 75% NPK + 0,4% chế phẩm PP giúp gia tăng chiều cao cây, số lá, hàm lượng chlorophyll của lá, trong khi khối lượng tươi và sinh khối khô/chậu của rau muống cho kết quả tương đương với nghiệm thức đối chứng dương bón 100% NPK theo khuyến cáo. Bên cạnh đó các nghiệm thức bón chế phẩm vi sinh PP giúp cải thiện giá trị độ dẫn điện của đất (EC) và mật số vi khuẩn trong đất. Như vậy, sử dụng CPVS PP với nồng độ 0,4% được khuyến cáo trong canh tác rau theo hướng an toàn và phát triển bền vững.
Khảo sát tương tác của tuyến trùng Meloidogyne incognita và nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense trên cây chuối già Nam Mỹ (Musa acuminata) trong điều kiện nhà lưới
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự tương tác giữa tuyến trùng bướu rễ Meloidogyne incognita và nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense gây bệnh héo rũ Panama trên giống chuối già Nam Mỹ Musa cavendish “Grande Naine” đánh giá sự tương tác đồng thời của hai tác nhân mầm bệnh và sự gia tăng tuần tự của mật số tuyến trùng đến triệu chứng héo rũ Panama. Kết quả ghi nhận tại các thí nghiệm được lây nhiễm kết hợp đồng thời hai tác nhân tuyến trùng và nấm bệnh đều có chỉ tiêu sinh trưởng của cây thấp hơn, biểu hiện triệu chứng héo rũ và/hoặc thiếu dinh dưỡng nặng hơn so với khi lây nhiễm riêng lẻ, mức độ này tăng nhanh và trầm trọng hơn theo sự gia tăng mật số tuyến trùng hiện diện đồng thời. Nghiệm thức mật độ tuyến trùng Meloidogyne incognita 1 con/g đất và nấm Fusarium oxysporum 106 bào tử/mL thì sự phát triển của cây đã giảm và thấp hơn so với nghiệm thức chỉ xâm nhiễm riêng lẻ và sự gia tăng triệu chứng héo rũ tỷ lệ thuận với mật số tuyến trùng M. incognita. Tuy nhiên, thí nghiệm lây nhiễm 4 con tuyến trùng/g đất tương tác với 106 bào tử nấm/mL thì mật độ tuyến trùng gia tăng thấp nhất cho thấy với mật độ lây nhiễm ban đầu cao đã có sự cạnh tranh giữa hai tác nhân ký sinh.
Thủy sản
Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá sát sọc (Pangasius macronema Bleeker, 1851)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp những thông tin về các đặc điểm sinh học sinh sản của cá sát sọc. Mẫu cá được thu (30 mẫu/điểm/lần) định kỳ 1 lần/tháng tại 3 vị trí dọc theo tuyến sông Hậu (n=1.170) trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Thời gian thu mẫu là 13 tháng (từ tháng 02/2020 đến tháng 02/2021). Mẫu cá sau khi thu sẽ được vận chuyển về phòng thí nghiệm Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ để phân tích các chỉ tiêu sinh học sinh sản gồm: giai đoạn phát triển tuyến sinh dục, hệ số thành thục, sức sinh sản, đường kính trứng. Kết quả cho thấy, cá sát sọc có tuyến sinh dục ở giai đoạn III và IV chiếm tỷ lệ cao chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8, với hệ số thành thục dao động 5,08 – 7,16%. Độ béo Clark dao động 0,60 – 1,12%. Sức sinh sản của cá sát sọc tương đối cao, sức sinh sản tuyệt đối trung bình là 6.007±4.484 trứng/cá thể và sức sinh sản tương đối trung bình là 161±71 trứng/g cá cái. Đường kính trứng cá bằng trung bình là 0,79±0,06 mm. Kết quả trên cho thấy mùa vụ sinh sản của cá từ tháng 3 đến tháng 8.
Hiệu quả của chất chiết cây giấm (Hibiscus sabdariffa L.) đối với hoạt tính kháng Vibrio parahaemolyticus, tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiệu quả của chất chiết lá cây giấm (Hibiscus sabdariffa L.) trong các dung môi khác nhau. Các chất chiết xuất thu được có hoạt tính kháng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Đường kính vùng ức chế lần lượt là 24,9 mm, 21,6 mm và 11,9 mm trong dung môi methanol, ethanol và nước đun sôi. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và diệt khuẩn tối thiểu (MBC) của dịch chiết trong methanol lần lượt là 0,02 mg/mL và 0,08 mg/mL. Ngoài ra, chất chiết methanol lá cây giấm còn kích thích tôm tăng trưởng khi cho tôm ăn thức ăn có bổ sung chất chiết ở nồng độ 1% và 1,5% sau 30 ngày thí nghiệm. Thông số huyết học bao gồm tổng tế bào máu (THC), bạch cầu có hạt (GC), bạch cầu không hạt (HC) của tôm ở các nghiệm thức có 1% và 1,5% chất chiết có sự tăng cường khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng (p< 0,05). Kết quả nghiên cứu cho thấy chất chiết lá cây giấm rất tiềm năng trong nuôi tôm.
Kinh tế
Ứng dụng mô hình Sarima dự báo sản lượng xuất khẩu bột cá của Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng mô hình SARIMA để dự báo sản lượng bột cá xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng cuối năm 2023 bằng phần mềm R, ngôn ngữ lập trình Python và gợi ý từ Trí tuệ nhân tạo của OpenAI. Số liệu nghiên cứu thu thập từ Tổng cục Hải quan Việt Nam giai đoạn tháng 01 năm 2018 đến tháng 4 năm 2023. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình phù hợp nhất để dự báo là SARIMA(1,0,0)(1,0,0)12. Vận dụng mô hình dự báo này cho kết quả với độ chính xác cao, gần đúng với sản lượng xuất khẩu thực tế. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng đề xuất một số khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách xuất khẩu. Cụ thể là các nhà hoạch định cần chú trọng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA, quy hoạch vùng nuôi thủy sản hợp lý, điều tiết sản lượng bột cá xuất khẩu tránh sự thiếu hụt trong nước, tạo sự nghịch lý khi phải nhập khẩu bột cá từ các nước với số lượng lớn.
Phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động các công ty bảo hiểm ở Việt Nam bằng phương pháp hồi quy phân vị
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các công ty ngành bảo hiểm ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2021 bằng phương pháp hồi quy phân vị theo mô hình hồi quy tuyến tính. Kết quả nghiên cứu trên mô hình đối với ROE cho thấy các yếu tố đòn bẩy tài chính, vòng quay tài sản, biên lợi nhuận ròng có tác động tích cực đối với hiệu quả hoạt động của các công ty bảo hiểm ở Việt Nam và tác động này xảy ra trên tất cả các phân vị được xem xét. Các yếu tố như thời gian hoạt động công ty từ lúc thành lập, việc kinh doanh tái bảo hiểm có tác động ngược chiều đối với hiệu quả hoạt động của các công ty bảo hiểm. Các yếu tố quy mô công ty, tỷ lệ tăng trưởng, chỉ số thanh toán hiện thời và Covid-19 không có bằng chứng thống kê về sự tác động đối với hiệu quả hoạt động của các công ty thuộc ngành bảo hiểm ở Việt Nam ở tất cả các phân vị. So với những nghiên cứu trước, kết quả của nghiên cứu này cho thấy việc kinh doanh tái bảo hiểm của những công ty thuộc ngành bảo hiểm tại Việt Nam có làm giảm hiệu quả hoạt động của các công ty đó.
Kinh tế xã hội
Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ đến ý định hành vi của người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ hiện đại: trường hợp siêu thị Go Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được tiến hành khảo sát 203 khách hàng đã từng mua sắm tại siêu thị Go Cần Thơ, sau đó thống kê mô tả và so sánh để nhận xét mức độ đánh giá và nhận thức của khách hàng về các nhận định liên quan về các biểu trưng văn hóa doanh nghiệp, các yếu tố cấu thành chất lượng dịch vụ, ý định hành vi khách hàng sau khi tiêu dùng tại siêu thị. Kết quả phân tích nhân tố khám phá mô hình cho ra 10 nhóm nhân tố bao gồm: hàng hóa (4 biến quan sát), nhân viên (5 biến quan sát), trưng bày (3 biến quan sát), mặt bằng (3 biến quan sát), an toàn (3 biến quan sát), lòng trung thành (5 biến quan sát), trả thêm (2 biến quan sát), phàn nàn khách hàng (2 biến quan sát), biểu trưng trực quan (6 biến quan sát) và biểu trưng phi trực quan (8 biến quan sát). Phân tích cấu trúc tuyến tính SEM cho thấy văn hóa doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến chất lượng dịch vụ, văn hóa doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến ý định hành vi khách hàng và chất lượng dịch vụ có tác động dương đến ý định hành vi khách hàng.
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo tại trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo tại trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu dựa trên ý kiến khảo sát từ 245 sinh viên đã tốt nghiệp. Phương pháp kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (exploratory factor analysis-EFA) và hồi quy tuyến tính bội được sử dụng để phân tích số liệu. Kết quả phân tích cho thấy, sinh viên khá hài lòng với chất lượng đào tạo của trường. Bên cạnh đó, kết quả mô hình cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng đào tạo bao gồm: cơ sở vật chất và thiết bị, danh tiếng, uy tín nhà trường, chất lượng giảng viên, hoạt động ngoại khóa và chương trình đào tạo. Trong đó, nhân tố cơ sở vật chất và thiết bị tác động mạnh nhất đến sự hài lòng về chất lượng đào tạo của trường.
Luật
Xác định chủ sở hữu quyền tác giả và việc xin phép sử dụng đối với tác phẩm được tạo ra bởi sinh viên trong các trường đại học
Tóm tắt
|
PDF
Việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng trong các trường đại học là một vấn đề khá phức tạp bởi có liên quan đến việc xác định các chủ thể quyền và nội dung quyền được nắm giữ bởi các chủ thể đó. Nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 và năm 2022 về một số vấn đề liên quan đến việc xác định tư cách là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm do sinh viên tạo ra trong các trường đại học. Bên cạnh đó, dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, nghiên cứu còn tìm hiểu các quyền được nắm giữ trong từng trường hợp cụ thể, các tư cách được nắm giữ liên quan đến việc sáng tạo tác phẩm và phân tích việc xin phép, sử dụng quyền tác giả trong một số trường hợp đặc biệt.
Một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động công bố, truyền đạt giáo trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường thuộc sở hữu của Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nhu cầu về học tập và nghiên cứu khoa học luôn là nhu cầu trọng tâm và thiết thực tại các trường đại học nói chung và Trường Đại học Cần Thơ (Trường ĐHCT) nói riêng. Để đạt được hiệu quả trong các hoạt động học thuật thì nguồn tài liệu từ giáo trình, tập bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp là những thông tin bổ trợ kiến thức vô cùng hữu ích. Với tư cách là một cơ sở giáo dục, Trường ĐHCT đang là chủ sở hữu quyền tác giả đối với rất nhiều tác phẩm khoa học do cán bộ, viên chức của trường sáng tạo. Tuy nhiên, việc công bố, truyền đạt các tác phẩm này của trường hiện nay còn khá hạn chế. Vì vậy, các kiến nghị được đề ra với mong muốn giúp nhà trường đẩy mạnh các phương thức phân phối, truyền đạt nhằm mang lại kênh tài liệu phong phú cho các chủ thể có nhu cầu có được cơ hội tiếp cận những tác phẩm này.