Ngày xuất bản: 19-05-2023
Số báo đầy đủ
Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ 2022
Đánh giá khả năng hấp phụ methylene bule trong nước của vật liệu composite tổng hợp từ phụ phẩm bã mía
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu là tổng hợp vật liệu hấp phụ dạng hạt và đánh giá khả năng hấp phụ Methylene blue trong nước của vật liệu với sự ảnh hưởng bởi các yếu tố: pH, thời gian, nồng độ. Kết quả của phân tích nhiệt trọng lượng, phổ hồng ngoại biến đổi Fuorier, hiển vi điện tử quét, diện tích bề mặt riêng và điện tích bề mặt cho thấy vật liệu được tổng hợp thành công, có các nhóm chức đặc trưng của chitosan và của sodium alginate. Hạt vật liệu hấp phụ Methylene blue với hiệu suất 85,33 ± 0,85% ứng với dung lượng 4,27 mg/g ở các điều kiện tối ưu pH 8, thời gian hấp phụ 3 giờ và nồng độ 10 ppm. Quá trình hấp phụ Methylene blue tuân theo mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Freundlich, có động học hấp phụ giả định bậc 2 và là quá trình hấp phụ vật lý.
Nghiên cứu các thuật toán dò tìm điểm công suất cực đại P&O và FLC cho máy phát điện gió PMSG
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích chính của hệ thống điện gió là chuyển đổi năng lượng gió thành điện năng thông qua hệ thống tuabin gió. Để thu được công suất lớn nhất từ hệ thống điện gió, nhiều thuật toán tìm điểm công suất cực đại (MPPT - Maximum Power Point Tracking) đã từng được nghiên cứu và áp dụng. Bài báo này sẽ phân tích và so sánh các thuật toán điều khiển khác nhau để tìm điểm công suất cực đại từ hệ thống chuyển đổi năng lượng gió dựa trên máy phát điện gió PMSG (Permanent magnet synchronous generator) 200 W. Các thuật toán được so sánh là thuật toán nhiễu loạn và quan sát (P&O) và thuật toán điều khiển mờ. Kết quả mô phỏng cho thấy thuật toán điều khiển mờ vượt trội và hiệu quả hơn thuật toán P&O về tính ổn định, khả năng theo dõi điểm công suất cực đại và đáp ứng nhanh hơn.
Thiết kế thẻ RFID tích hợp cảm biến công suất thấp ứng dụng theo dõi hoạt động cá thể bò sữa
Tóm tắt
|
PDF
Sữa bò và các sản phẩm của nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của cơ thể. Ngoài ra, sản xuất sữa mang lại lợi ích to lớn cho người sản xuất và đảm bảo sinh kế hộ gia đình, an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tuy nhiên, khả năng khai thác sữa có thể bị hạn chế do thức ăn kém chất lượng, dịch bệnh và năng suất của các trang trại truyền thống. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa, chúng tôi đã đề xuất một hệ thống giám sát bò sữa dựa trên nhận dạng chuyển động và giao tiếp không dây. Cốt lõi của hệ thống là một thẻ cảm biến tích hợp cảm biến gia tốc. Để đánh giá tính khả thi của hệ thống được đề xuất, các thí nghiệm đã được tiến hành để xác định ba hành vi của bò sữa trong một tuần với sự trợ giúp của hệ thống camera và thiết bị quan sát. Những hành vi này bao gồm đứng yên, đi bộ và ăn cỏ. Những kết quả đạt được của chúng tôi có thể mở đường cho sự phát triển các hệ thống trang trại thông minh và chính xác.
Dự báo ngắn hạn sản lượng điện năng điện mặt trời mái nhà sử dụng mạng neuron nhân tạo
Tóm tắt
|
PDF
Dự báo ngắn hạn sản lượng điện năng điện mặt trời mái nhà là công cụ thiết yếu trong quá trình vận hành hệ thống điện một cách hiệu quả. Bài báo này trình bày khảo sát về dự báo ngắn hạn sản lượng điện năng của một hệ thống điện năng lượng mặt trời sử dụng các mạng neuron nhân tạo. Dữ liệu được thu thập từ hệ thống giám sát với công suất điện và bức xạ mặt trời từ ngày 21/04/2022 đến 01/6/2022. Bốn mô hình mạng neuron được sử dụng để dự báo điện năng gồm: mạng neuron lan truyền thẳng nhiều lớp (MLFF), mô hình neuron tự hồi quy phi tuyến tính với đa biến ngoại sinh (NARX), mô hình neuron bộ nhớ dài-ngắn hạn (LSTM) và mô hình kết hợp NARX-LSTM. Các phương pháp đề xuất để kiểm tra hiệu quả cho các bài toán dự báo 5 phút và 1 giờ. Kết quả cho thấy mô hình mạng neuron truyền thẳng nhiều lớp cho kết quả dự báo chính xác hơn so với các phương pháp khác trong cả 2 trường hợp tính toán.
Tối ưu hóa đa mục tiêu vị trí và dung lượng nguồn phát điện phân tán trong lưới điện phân phối
Tóm tắt
|
PDF
Ở thị trường điện cạnh tranh, nguồn điện phân tán (Distributed generation – DG) là một giải pháp thay thế hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vận hành và điều khiển của lưới điện phân phối (LĐPP). Bài báo này cung cấp các chứng cứ thực nghiệm cho vấn đề kết nối tối ưu của DG vào LĐPP hình tia tiêu chuẩn 69 nút của IEEE cũng như LĐPP hình tia thực tế 257 nút của Điện lực Gia Lai. Một vài chỉ số đánh giá hiệu suất dựa trên chỉ số tổn thất công suất tác dụng, dao động điện áp, ổn định điện áp, cân bằng tải và độ tin cậy đã được sử dụng để thành lập hàm đa mục tiêu mới. Thuật toán tìm kiếm phân dạng ngẫu nhiên đã được áp dụng để tìm vị trí và dung lượng tối ưu của DG nhằm cực tiểu hàm đa mục tiêu đề xuất. Các kết quả thử nghiệm cho thấy sự kết nối của DG vào LĐPP đã cải thiện đáng kể. Hơn nữa, so với các thuật toán trước đây, thuật toán đề xuất đã cung cấp chất lượng lời giải tốt hơn ở các trường hợp so sánh.
Nghiên cứu thực nghiệm sấy bùn thải bằng buồng sấy sử dụng năng lượng mặt trời
Tóm tắt
|
PDF
Bùn thải được hình thành như một sản phẩm phụ trong quá trình xử lý nước thải và là một hỗn hợp không đồng nhất. Trong nghiên cứu này, bùn thải được sấy khô bằng hệ thống buồng sấy sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). Tổng cộng có 4 đợt thử nghiệm, bao gồm 3 đợt sấy (có tải bùn thải) và 1 đợt sấy (không tải bùn thải). Sau thử nghiệm, đối với 3 đợt sấy có tải, nhiệt độ trong trong buồng sấy dao động trong khoảng 50±5°C; riêng đợt 4 ở chế độ sấy không tải thì nhiệt độ của buồng sấy duy trì trong khoảng 60±5°C so với nhiệt độ ngoài trời 30±5°C. Sau 5 ngày thử nghiệm, độ ẩm trung bình của bùn giảm từ 88,69 - 90,84% xuống 19,12 - 22,73% trong điều kiện có xới và 23,32 - 28,28% trong điều kiện không xới. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng buồng sấy năng lượng mặt trời có thể được sử dụng hiệu quả để làm khô bùn thải.
Khảo sát các yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình tạo bột rau má bằng phương pháp sấy vi sóng sủi bọt
Tóm tắt
|
PDF
Phương pháp sấy vi sóng sủi bọt được thực hiện để khảo sát ảnh hưởng của nồng độ chất tạo bọt (lòng trắng trứng) và chất ổn định (carboxymethyl cellulose - CMC) đến độ ổn định của lớp bọt rau má và ảnh hưởng của độ dày lớp bọt trải cùng với công suất vi sóng lên màu sắc bột rau má thành phẩm. Kết quả cho thấy hỗn hợp bọt đạt mức độ ổn định nhất khi tỷ lệ chất tạo bọt và chất ổn định bọt nằm trong một khoảng giá trị cụ thể mà ở đây là 15% lòng trắng trứng và 1,4% CMC (so với khối lượng mẫu); Màu sắc tối ưu của bọt đạt được ở độ dày bọt trải dày 4 mm trên đĩa thủy tinh và được mang đi sấy trong lò vi sóng với công suất 130 W. Kết quá thí nghiệm là cơ sở bước đầu cho việc tối ưu hóa các thông số trong quá trình tạo bột rau má bằng phương pháp sấy vi sóng sủi bọt.
Xây dựng mô hình toán tối ưu hóa số lượng đặt hàng với không gian lưu trữ hạn chế
Tóm tắt
|
PDF
Hàng tồn kho là một trong những tài sản có giá trị lớn đối với doanh nghiệp và luôn được quan tâm hàng đầu. Để quản lý hàng tồn kho hiệu quả, việc áp dụng được chính sách thích hợp sẽ giúp giảm chi phí tồn kho, chi phí sản xuất đồng thời tăng khả năng đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi sức chứa của kho bị giới hạn. Nghiên cứu này thực hiện nhằm xây dựng mô hình toán tối ưu số lượng đặt hàng với không gian lưu trữ hạn chế thông qua phương pháp Tọa độ Tuần Hoàn. Sau đó, sử dụng phân tích phươmg sai ANOVA để kiểm tra độ tin cậy của phương pháp. Kết quả phân tích cho thấy số lượng đặt hàng và mức đặt hàng lại tối ưu cho sản phẩm dược liệu khi nhu cầu và thời gian chờ không chắc chắn và tối thiểu được tổng chi phí bao gồm chi phí đặt hàng, chi phí thiếu hụt, chi phí tồn trữ và chi phí tồn kho quá mức trong sức chứa của kho bị hạn chế.
Điều khiển giám sát và tiết kiệm năng lượng kho lạnh
Tóm tắt
|
PDF
Để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí vận hành kho lạnh thế hệ cũ, nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tiến chế độ làm lạnh và xả đá của kho. Ở chế độ làm lạnh, sử dụng nước sinh hoạt thay cho nước cấp từ tháp giải nhiệt để giúp môi chất lạnh dễ dàng hóa lỏng tại bình ngưng đồng thời tận dụng nguồn nước nóng hồi về phục vụ sản xuất. Ở chế độ xả đá, gas nóng được nén luân phiên cho một trong hai dàn lạnh. Kết quả thực nghiệm với một hệ thống kho gồm hai dàn lạnh với 2 động cơ 40 Hp kéo 2 máy nén khí, bình ngưng, cho thấy sử dụng nước cấp sinh hoạt để giải nhiệt hệ thống đạt hiệu quả cao hơn so với việc dùng nước cấp từ tháp giải nhiệt. Quá trình xả đá bằng gas nóng tiêu thụ điện năng 12 kWh, tiết kiệm hơn 45% so với hệ thống cũ, ổn định nhiệt độ kho. Như vậy, giải pháp có tính khả thi và có thể được áp dụng để cải tiến nhiều kho lạnh thế hệ cũ đang sử dụng.
Đánh giá hiệu quả của kè giảm sóng tại bờ biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả giảm sóng và mức độ ổn định của kè giảm sóng tại bờ biển Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Các số liệu về chiều cao sóng và cấp phối trước và sau công trình được đo đạc và phân tích. Mức độ bồi/xói được đánh giá thông qua đo đạc cao độ sau công trình. Mức độ ổn định công trình được đánh giá thông qua quan trắc độ lún của phần bê tông và đá hộc trong kè. Song song đó, hơn 100 chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi được tham vấn ý kiến về hiệu quả của công trình giảm sóng. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả giảm chiều cao sóng tương ứng với Hmax, 1/3 Hmax và 1/10 Hmax của kè lần lượt là 67,5%, 66,7% và 65,8%. Chiều cao bãi bồi sau kè tăng lên trung bình 3,1cm/tháng. Độ lún phần bê tông của kè rất nhỏ; tuy nhiên độ lún phần đá hộc tương đối lớn. Hiệu quả về các mặt kinh tế, kỹ thuật, tác động đến môi trường và xã hội của kè được các chuyên gia đánh giá cao.
Nghiên cứu sử dụng vật liệu Cu/ZIF làm xúc tác xử lý malachite green với sự có mặt của hydrogen peroxide
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm tổng hợp vật liệu khung lưỡng kim Cu/ZIF-67 và đánh giá khả năng xúc tác của nó. Cu/ZIF-67 được tổng hợp thành công trong dung môi ethanol bằng sóng siêu âm. Vật liệu được phân tích tính chất đặc trưng bằng các phương pháp phân tích hiện đại. Kết quả cho thấy vật liệu có cấu trúc đa diện với kích thước tinh thể đồng đều cùng diện tích bề mặt riêng lớn với diện tích bề mặt Brunauer-Emmett-Teller (BET) là 1241,8 m2.g-1. Bên cạnh đó, vật liệu được đánh giá khả năng xúc tác xử lý malachite green với sự có mặt của hydrogene peroxide. Kết quả cho thấy rằng hiệu suất xử lý malachite green đạt đến hơn 98% với nồng độ H2O2 là 0,06 M, lượng Cu/ZIF-67 sử dụng là 50 mg/L, nồng độ malachite green ban đầu là 50 mg/L, được xử lý trong 30 phút ở nhiệt độ phòng.
Gạch thông gió: Thực trạng và giải pháp ứng dụng hiệu quả trong kiến trúc hiện đại
Tóm tắt
|
PDF
Gạch thông gió là một trong những sản phẩm vật liệu xây dựng có mặt từ rất lâu đời và được sử dụng khá phổ biến trong nhiều công trình xây dựng từ trước đến nay. Việc ứng dụng gạch thông gió mang lại cho công trình nhiều giá trị về mặt kiến trúc, thẩm mỹ và hiệu quả sử dụng. Nhằm cung cấp thêm thông tin cho đọc giả, bài viết này giới thiệu một số loại gạch thông gió phổ biến trên thị trường và hiện trạng sử dụng loại gạch này trong các công trình. Bên cạnh đó, bài viết cũng đề xuất giải pháp phát huy ưu điểm và khắc phục các nhược điểm của việc ứng dụng gạch thông gió cho từng hạng mục công trình nhằm ứng dụng hiệu quả loại gạch này trong các công trình kiến trúc hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người sử dụng cũng như tính bền vững và thẩm mỹ của công trình.
Mô phỏng khảo sát chất lượng của hệ thống tìm đường và bám đường cho xe tự hành lái bằng nguyên lý ackermann trên ROS và Gazebo
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo này được thực hiện nhằm nghiên cứu xe tự hành lái theo nguyên lý Ackermann. Mô hình xe được xây dựng để mô phỏng hệ thống định vị, tìm đường, bám đường dựa trên Gazebo và Robot Operating System (ROS). Mô phỏng thực hiện dựa trên cấu trúc Cây hành vi và các node được thiết lập trong ROS 2 nhằm đưa xe đến đúng vị trí theo yêu cầu. Kết quả mô phỏng cho thấy giải pháp đề xuất đã đáp ứng tốt hơn so với nguyên lý lái hai bánh chủ động và lái đa hướng khi thực hiện trên địa hình dễ bị trượt và gồ ghề. Kết quả khảo sát cho thấy robot di chuyển đến mục tiêu với độ lệch khoảng cách lớn hơn hoặc bằng 1 m đạt 96% và nhỏ hơn 1 m đạt 79%. Đồng thời, nghiên cứu này có thể làm tiền đề để triển khai mô hình thực tế trên cơ sở định vị bằng hệ thống GPS.
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tuổi thọ công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo vòng đời dự án
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tuổi thọ công trình thủy lợi. Hệ thống các yếu tố được tổng hợp dưới dạng biểu đồ xương cá qua việc lược khảo các quy định thể chế pháp luật về xây dựng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tổng hợp, phân tích kết quả phỏng vấn chuyên gia thủy lợi bằng bảng câu hỏi mở. Kết quả nghiên cứu đưa ra 34 hoạt động xây dựng chính theo vòng đời dự án. Trong đó có 15 hoạt động và 37 yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tuổi thọ công trình thủy lợi. Nghiên cứu tìm ra các yếu tố tác động tiêu cực đến chất lượng tuổi thọ công trình thủy lợi và đề xuất giải pháp chia chiều dài của vòng đời dự án thành ba giai đoạn và liệt kê vai trò quản lý của các đơn vị tham gia nhằm giúp nâng cao chất lượng tuổi thọ công trình thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ổn định độ quá nhiệt kho lạnh bằng phương pháp đóng, mở bình hồi nhiệt
Tóm tắt
|
PDF
Điều khiển kho lạnh 1 cấp sử dụng chu trình khô với môi chất R22 thường đối mặt với một số khó khăn như ổn định nhiệt độ kho lạnh và độ quá nhiệt hơi môi chất hút về máy nén. Do đó nghiên cứu này đề xuất giải pháp điều khiển ổn định nhiệt độ kho lạnh và độ quá nhiệt của môi chất dựa trên giải thuật PID (A proportional integral derivative controller) được tích hợp trên PLC (Programmable Logic Controller) kết hợp với việc đóng mở bình hồi nhiệt. Màn hình HMI (Human machine interface) được dùng để giám sát và điều khiển nhiệt độ. Trong trường hợp này, tín hiệu áp suất hơi môi chất về máy nén được nội suy và so sánh với nhiệt độ trên bề mặt ống dẫn môi chất trên ống hút môi chất về máy nén, tính ra độ quá nhiệt hệ thống lạnh, từ đó đưa ra quy luật đóng mở bình hồi nhiệt. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bộ điều khiển PID đảm bảo ổn định nhiệt độ kho lạnh mong muốn (-90C đến -110C) nhưng độ quá nhiệt thấp có thể gây ngập dịch máy nén. Do đó trong nghiên cứu này, độ quá nhiệt hơi môi chất sẽ được kiểm soát nằm trong giới hạn an toàn.
Đánh giá khả năng xử lý methylene blue trong nước của xúc tác Fe3O4/Cu0 thông qua phản ứng Fenton-like
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đã đánh giá khả năng phân hủy Methylene Blue (MB) bằng xúc tác Fe3O4/Cu0 thông qua phản ứng Fenton-like. Fe3O4/Cu0 sau tổng hợp được đánh giá bởi các phương pháp phân tích hiện đại và kết quả cho thấy Fe3O4/Cu0 đã được hình thành thông qua các đỉnh nhiễu xạ của đồng và oxit sắt từ. Fe3O4/Cu0 có dạng hình cầu và khối đa giác với kích thước trong khoảng 40–60 nm. Độ từ hoá của Fe3O4 và Fe3O4/Cu0 được xác định lần lượt là 40,1 và 10,2 emu.g. Kết quả phổ tán sắc năng lượng tia X và quang phổ phát xạ plasma đã chứng minh được sự hiện diện của Fe, Cu và O trong vật liệu. Kết quả quang phổ phát xạ plasma còn phát hiện được hàm lượng Cu và Fe trong mẫu dung dịch đã xử lý MB, chứng minh rằng cả Fe3O4 và Cu đều tham gia vào phản ứng Fenton-like. Quá trình phân hủy MB bằng Fe3O4/Cu0 đạt hiệu suất cao nhất là 99,5% ở nhiệt độ phòng, pH 4, thời gian 75 phút và nồng độ đầu của MB là 25 mg/L.
Ứng dụng công nghệ UAV (drones) theo dõi sinh trưởng và dự báo năng suất lúa tại vùng canh tác lúa tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của độ cứng đất và chỉ số khác biệt thực vật chuẩn hóa (NDVI) và chỉ số khác biệt rìa đỏ (NDRE) đến khả năng sinh trưởng và năng suất thực tế (NSTT) của lúa thật sự cần thiết. Trong nghiên cứu này, kiểm định hệ số tương quan Pearson được áp dụng để phân tích sự tương quan giữa các yếu tố. Kết quả nghiên cứu chỉ ra độ cứng đất tăng dần theo độ sâu và phân bố không đều trên đồng; mối quan hệ giữa độ cứng đất tại thời điểm lúa 26 ngày tuổi với sự sinh trưởng và NSTT của lúa chưa được xác định. NDVI và NDRE tăng và giảm đều khi đạt giá trị lớn nhất (0,79-0,86) trong giai đoạn lúa làm đồng. NDVI và NDRE có mối quan hệ cao với năng suất thành phần của lúa, nhưng thấp với chiều cao cây và số chồi lúa. Hai mạng nơron nhân tạo được xây dựng, huấn luyện và kiểm tra theo thuật toán huấn luyện tích hợp trong bộ công cụ của phần mềm Matlab cho kết quả dự đoán NSTT của lúa với độ tin cậy cao.
Khảo sát khả năng hấp phụ ion Cu (II) bằng hydrogel trên cơ sở Poly(vinyl alcohol)/ chitosan/carbon
Tóm tắt
|
PDF
Abstract – Hydrogels have attracted the attention of domestic and foreign researchers due to their outstanding properties such as simple fabrication and diverse applications in many fields. In this study, hydrogels were synthesized from polyvinyl alcohol (PVA), chitosan (CS), and activated carbon (AC) towards removing copper ions from wastewater. The characteristic properties of hydrogels were investigated by analytical methods, including infrared spectroscopy (FTIR), X-ray diffraction (XRD), water swelling behavior, and Cu (II) ion adsorption capacity. The maximum water swelling capacity of the hydrogel was 497.1% when the active carbon content in the hydrogel sample was 2 wt%. The Langmuir and Freundlich isotherm models were used in the study to evaluate the Cu (II) ion adsorption capacity of the hydrogel and the experimental parameters of the survey process completely matched the model. The PVA/chitosan/active carbon hydrogel achieved a maximum Cu (II) ion adsorption of 212.766 mg/g in neutral medium.
Thiết kế mô hình hỗ trợ giảng dạy thực hành châm cứu bằng kỹ thuật thị giác máy tính
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu trình bày mô hình hỗ trợ giảng dạy thực hành châm cứu cho sinh viên ngành Y học dân tộc bằng kỹ thuật thị giác máy tính. Mô hình gồm một máy ảnh thương mại, một máy tính nhúng Raspberry Pi có thể kết nối tới màn hình máy tính. Phần mềm được thiết kế bằng Python trên nền tảng thư viện OpenCV, trên hệ điều hành Ubuntu. Hệ thống có thể đo được góc châm, độ sâu của kim và vận tốc khi châm. Kết quả cho thấy hệ thống cho độ chính xác cao với các sai số nhỏ. Nghiên cứu đã được hội đồng khoa học trường đại học Y Dược Cần Thơ thông qua và đang được sử dụng giảng dạy để đánh giá ưu điểm của thiết bị so với phương pháp giảng dạy truyền thống.
Tổng quan về phương pháp phần tử rời rạc (DEM) ứng dụng trong nghiên cứu vật liệu địa kỹ thuật
Tóm tắt
|
PDF
Phương pháp phần tử rời rạc (DEM) ngày càng thể hiện tính vượt trội so với phương pháp phần tử hữu hạn (FEM) trong các nghiên cứu về địa kỹ thuật hiện nay. Bài báo giới thiệu một cách tổng quan về những thành tựu mà phương pháp DEM đã đạt được trong những năm gần đây. Các kết quả cho thấy việc ứng dụng DEM vào việc mô phỏng các đặc tính của vật liệu khá linh hoạt: từ các vật liệu rời rạc truyền thống, phương pháp này đặt nhiều tiềm năng trong nghiên cứu các vật liệu kết dính
Tính toán phân tích sóng hài trong lưới điện phân phối bằng phần mềm PSS/ADEPT
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo trình bày việc ứng dụng phần mềm PSS/ADEPT để tính toán phân tích sóng hài trong lưới điện phân phối. Bên cạnh việc mô hình hóa các phần tử thông thường như nguồn, máy biến áp, đường dây, các phụ tải sử dụng bộ biến đổi điện tử công suất cũng được mô hình hóa trong phần mềm. Các bộ biến đổi này được xem như là nguồn hài gây ra trên lưới điện, do đó chúng làm méo dạng sóng điện áp, dòng điện. Các kết quả tính toán phân tích từ phần mềm PSS/ADEPT được đưa ra dưới dưới dạng đồ thị dạng sóng, biểu đồ phổ hài và số liệu dạng text. Đây là những kết quả rất hữu ích giúp lựa chọn giải pháp lọc sóng hài phù hợp cho lưới điện. Các kết quả kiểm chứng trong bài báo được mô phỏng và tính toán bởi lưới điện mẫu 13 nút.
Xây dựng môi trường dựa trên đám mây cho việc giám sát hệ thống năng lượng tòa nhà
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo nhằm mục đích xây dựng mô hình sử dụng môi trường dựa trên đám mây để giám sát hệ thống điện trong một khuôn viên với các mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và sử dụng điện hiệu quả trong bối cảnh phát triển bền vững. Thực tế, việc áp dụng công nghệ LoRaWAN có thể trở thành một giải pháp rất hứa hẹn, do khả năng phủ sóng tốt ở ngoài trời và trong môi trường hỗn hợp, tầm xa thay vì giải pháp LAN hoặc truyền thông đường dây điện PLC. Cách tiếp cận được đưa ra là sử dụng LoraWAN kết hợp với môi trường dựa trên đám mây để giám sát diện rộng một khuôn viên, một tòa nhà hoặc một khu vực. Kết quả đạt được với các thông số nguồn trong hệ thống điện có thể hiển thị trên các thiết bị ứng dụng di động và ứng dụng trình duyệt web, ngoài ra còn xây dựng được cơ sở dữ liệu đám mây để nghiên cứu tiêu thụ năng lượng cho tòa nhà. Trong tương lai, kết quả này sẽ góp phần nhỏ vào thực tiễn Việt Nam đang phát triển Thành phố thông minh, Khu công nghệ cao thông minh và kiểm soát tối ưu việc sử dụng điện của phụ tải trong hệ thống điện phân tán.
Khảo sát đặc tính vi lỏng của chất lỏng có độ nhớt cao trong ống vi mao quản bằng phương pháp sử dụng áp suất hỗ trợ
Tóm tắt
|
PDF
Đặc tính vi lỏng của chất lỏng có độ nhớt cao trong ống vi mao quản được khảo sát bằng kỹ thuật sử dụng áp suất hỗ trợ. Các mô phỏng CFD được thực hiện để dự đoán đặc tính dòng chảy, thời gian và chiều dài dâng lên trong ống vi mao quản. Kết quả mô phỏng cho thấy sự tương đồng với thực nghiệm. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng độ nhớt của chất lỏng trong ống vi mao quản không phụ thuộc đường kính của ống, vì thế độ nhớt đo được từ phương pháp này tương đương với độ nhớt được đo bằng những phương pháp thông dụng. Điều này cho phép kỹ thuật hỗ trợ áp suất có thể được sử dụng để xác định độ nhớt nóng chảy của một số loại thủy tinh nhất định. Tuy nhiên, độ chính xác của phương pháp này phụ thuộc phần lớn vào kích thước ống mao dẫn và những phản ứng bề mặt xảy ra giữa thủy tinh nóng chảy bên trong và ống mao quản.
Điều khiển vị trí cơ nhân tạo khí nén sử dụng bộ điều khiển PID
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo này trình bày khả năng sử dụng bộ điều khiển kinh điển PID để điều khiển vị trí cơ nhân tạo khí nén (PAM). Mô hình thực nghiệm được thiết lập nhằm chứng minh tính khả thi của bộ điều khiển đề xuất. Thuật toán điều khiển được thực hiện trên phần mềm MATLAB/Simulink thông qua mạch điều khiển nhúng thời gian thực TI C2000 để điều khiển áp suất không khí vào/ra cơ nhân tạo khí nén với bộ điều khiển PI, từ đó điều khiển vị trí PAM với bộ điều khiển PID. Thực nghiệm điều khiển vị trí của bộ điều khiển PID với giá trị đặt là 65%, khoảng dịch chuyển tối đa của PAM khi sử dụng vật nặng có khối lượng 25 kg cho kết quả khá tốt với sai số ±0,35 mm (tương ứng ±1,5% giá trị đặt), độ vọt lố không đáng kể và thời gian xác lập là 1 giây. Như vậy, bộ điều khiển kinh điển PID có thể dùng để điều khiển vị trí PAM khi không có yêu cầu khắc khe về đáp ứng quá độ. Kết quả ban đầu cũng cho thấy khả năng cải thiện chất lượng điều khiển, đặc biệt đối với chỉ tiêu về thời gian xác lập trong các nghiên cứu tiếp theo.
Nghiên cứu làm giàu và phân tích arsenic vô cơ (AsIII/AsV) trong nước bằng kĩ thuật chiết pha rắn sử dụng vật liệu ZIF-8 tổng hợp làm pha tĩnh
Tóm tắt
|
PDF
Một phương pháp phân tích siêu vết arsenic vô cơ (iAs) trong nước được thực hiện thành công bằng phương pháp phổ khối plasma ghép cặp cảm ứng cao tần (ICP-MS) kết hợp kĩ thuật chiết pha rắn (SPE) sử dụng vật liệu ZIF-8 làm vật liệu hấp phụ cho quá trình làm giàu mẫu. Giới hạn phát hiện của phương pháp (LOD) cho kết quả 0,5 pg/mL với hệ số làm giàu 20 lần. ZIF-8 trong nghiên cứu này được tổng hợp bằng phương pháp nhiệt dung môi và đặc trưng cấu trúc vật liệu được kiểm tra bằng các phương pháp phân tích hiện đại bao gồm nhiễu xạ tia X (XRD), phổ hồng ngoại biến đổi fourier (FT-IR), kính hiển vi điện tử quét (SEM) và phương pháp Brunauer-Emmett-Teller (BET). Quá trình hấp phụ động qua cột SPE và giải hấp phụ bằng phương pháp lắc chiết được áp dụng cho quá trình làm giàu mẫu cho hiệu suất thu hồi của iAs trên 85%. Vật liệu ZIF-8 còn cho thấy khả năng thu hồi và tái sử dụng nhiều lần với hoạt tính và cấu trúc được duy trì tương đối ổn định.
Nghiên cứu phương pháp đánh giá ổn định đáy hố đào sâu trong điều kiện tầng chứa nước có áp
Tóm tắt
|
PDF
Trọng tâm chính của nội dung được trình bày trong bài báo này là đánh giá khả năng mất ổn định của đáy hố đào sâu do sự thay đổi trạng thái ứng suất ban đầu và áp lực nước gây phá hoại. Các kết quả tính toán bằng các phương pháp cơ học kết hợp với việc mô phỏng bằng phần mềm Plaxis 2D được sử dụng để phân tích, so sánh và tìm ra chiều sâu thích hợp của hố đào trong điều kiện tầng chứa nước có áp đảm bảo điều kiện ổn định. Kết quả tính toán và phân tích so sánh cho thấy độ sâu đào tối đa của đáy hố đào trong trường hợp bài toán cụ thể là 5,4 m, phù hợp với kết quả mô phỏng bằng phần mềm Plaxis 2D không xét đến sức chống kéo của đất. Khi xét sức chống cắt của đất nền, độ sâu đào tối đa tính toán được là 7,1m là không an toàn do không xét đến ứng xử thực tế của đất nền.
Mô hình tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển trong chuỗi cung ứng lạnh nông sản
Tóm tắt
|
PDF
Chuỗi cung ứng lạnh là chuỗi cung ứng các loại sản phẩm dễ hư hỏng từ nơi xuất xứ, qua các quy trình chế biến, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và tiếp thị dưới nhiệt độ cần thiết để đảm bảo an toàn, giảm tổn thất và ngăn ngừa ô nhiễm. Trong chuỗi cung ứng lạnh, một trong những yêu cầu cần thiết là tối thiểu thời gian và tuyến đường vận chuyển, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả chi phí. Bài báo này xây dựng mô hình toán nhằm tối thiểu tổng chi phí thông qua việc lựa chọn tuyến đường có thời gian di chuyển ngắn nhất. Bài toán được xây dựng dựa trên mô hình quy hoạch tuyến đường VRP và mô hình lập trình phi tuyến (Non-linear Programming_NLP). Hoạt động phân phối của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại quận Ninh Kiều, thành Phố Cần Thơ được sử dụng làm ví dụ cho mô hình đề xuất. Kết quả phân tích cung cấp tuyến đường vận chuyển thích hợp nhằm cải thiện chi phí logistics trong trường hợp nghiên cứu tại 18 điểm cửa hàng Bách Hóa Xanh, làm tiền đề phát triển và áp dụng mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho toàn chuỗi.
Giải thuật tìm điểm công suất cực đại cho hệ thống pin năng lượng mặt trời trong điều kiện bị che khuất bóng một phần
Tóm tắt
|
PDF
Kỹ thuật bám theo điểm công suất cực đại (maximum power point tracking - MPPT) là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong vận hành hệ thống pin năng lượng mặt trời (PV). Trên thực tế, trong điều kiện bức xạ đồng nhất, có thể dễ dàng tìm ra điểm công suất toàn hệ thống (global maximum power point - GMPP) trên đường cong phi tuyến P-V bằng các phương pháp MPPT phổ biến. Tuy nhiên, các phương pháp MPPT này rất khó có thể theo dõi được điểm công suất cực đại toàn hệ thống trong trường hợp có nhiều điểm công suất cực đại địa phương (local maximum power point - LMPP) do hệ thống PV bị che phủ một phần. Bài báo đề xuất một thuật toán dò tìm điểm công suất cực đại trên toàn vùng làm việc của hệ thống trong điều kiện bị che bóng một phần được phát triển dựa trên thuật toán dò tìm điểm cực đại P&O cổ điển. Kết quả mô phỏng trên phần mềm PSIM được đưa ra để kiểm chứng giải thuật đề xuất.
Sự biến động của hệ số an toàn bờ sông theo các cấp tải trọng tác dụng bên ngoài và theo sự thay đổi mực nước sông với điều kiện địa chất ven rạch Cái Sâu đoạn bên trong khu dân cư 586, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Ổn định mái dốc của bờ sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những chủ đề quan trọng trong việc thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự biến động của hệ số an toàn bờ sông theo các cấp tải trọng tác dụng bên ngoài và theo sự thay đổi mực nước sông với điều kiện địa chất ven rạch Cái Sâu đoạn bên trong khu dân cư 586 thành phố Cần Thơ. Khoan khảo sát địa chất và mô phỏng bài toán bằng phần mềm Plaxis 2D với các cấp tải trọng cũng như các mực nước sông khác nhau đã được thực hiện. Một số hình ảnh về vùng phá hoại và điểm dẻo của kết quả phân tích bằng phần mềm cho thấy khối đất ven bờ có xu hướng trượt ra sông khi dưới tác động của tải ngoài. Khi tăng tải trọng ngoài hoặc hạ thấp mực nước sông thì hệ số an toàn tổng thể của mái dốc bờ sông giảm. Nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa hai yếu tố trên với hệ số an toàn là phi tuyến.
Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cao chiết lá ổi Psidium Guajava L.
Tóm tắt
|
PDF
Lá ổi được thu hoạch tại Bến Tre, loại bỏ lá hư, rửa sạch, sấy khô và xay nhỏ. Mẫu khô được chiết bằng 4 loại dung môi bằng phương pháp ngâm dầm, cô quay và định lượng flavonoid tổng. Trong các dung môi khảo sát, cao acetone có hàm lượng flavonoid cao nhất. Tiếp theo đó, cao acetone được xác định thành phần hóa học và hoạt tính sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao acetone thể hiện hoạt tính kháng khuẩn cao đối với 7 chủng vi sinh vật: Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Listeria innocua, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Bacillus cereus, Enterococcus faecalis nhưng nó không có hiệu quả kháng chủng nấm Aspergillus Niger. Thêm vào đó, cao chiết này cũng cho hiệu quả kháng oxy hóa tốt với giá trị IC50 = 24,01 (µg/mL). Kết quả này cho biết cao chiết lá ổi là một dược liệu tiềm năng do có tính kháng oxi hóa tốt và tính kháng sinh.
Nghiên cứu vận hành công trình thủy lợi trong điều kiện xâm nhập mặn: Trường hợp nghiên cứu tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hiện trạng thủy lợi và vận hành cống trong điều kiện xâm nhập mặn tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Hiện trạng công trình thủy lợi được số hóa bằng QGIS và các cao trình đê bao được đánh giá theo mực nước trạm Mỹ Thuận dự báo từ các kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Cống Nàng Âm được chọn để vận hành (2015-2021) theo điều kiện: (1) Mực nước và (2) Độ mặn (ngưỡng mặn là 1 g/L). Kết quả cho thấy mực nước trạm Mỹ Thuận hiện tại với tần suất 3%, 5% và 10% thấp hơn cao trình đỉnh đê (+2,20 m); tuy nhiên, mực nước tương ứng năm 2030 và 2050 theo ba kịch bản RCP2.6, RCP4.5 và RCP 8.5 đều cao hơn cao trình đỉnh đê. Trong những năm có độ mặn cao như 2016, 2020 và 2021 thì thời gian đóng cống trong các tháng mùa khô là trên 25%. Số lần lấy nước liên tục nhiều nhất là từ 7 giờ đến 8 giờ, chiếm từ 30-47% trong năm.
Nghiên cứu hoạt tính xúc tác phân hủy congo red của vật liệu Cu/ZIF-67 với sự hiện diện của hydrogen peroxide
Tóm tắt
|
PDF
Vật liệu Cu/ZIF-67 được tổng hợp thành công trong “dung môi xanh” ethanol với sự hỗ trợ của sóng siêu âm giúp thời gian phản ứng được rút ngắn hơn so với phương pháp nhiệt dung môi thông thường mà vẫn đảm bảo được cấu trúc tinh thể cao. Vật liệu này được sử dụng làm xúc tác để phân hủy congo red với sự hiện diện của hydrogen peroxide. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của nồng độ H2O2, khối lượng xúc tác, nồng độ congo red và thời gian phản ứng được khảo sát. Kết quả cho thấy hoạt tính xúc tác phân hủy congo red của Cu/ZIF-67 đạt khá cao, loại bỏ hơn 98% congo red ở nồng độ 40 ppm chỉ sau 50 phút khi có sự hiện diện của 0,25 mol/L H2O2, 100 mg/L vật liệu Cu/ZIF-67 tại điều kiện êm dịu là nhiệt độ phòng và áp suất khí quyển. Nhờ vào hiệu quả phân hủy congo red, vật liệu Cu/ZIF-67 hứa hẹn là một xúc tác dị thể tiềm năng trong việc loại bỏ thuốc nhuộm độc hại từ dung dịch nước.
Tổng hợp xúc tác Zn-Zr-SBA-16 thực hiện phản ứng reforming cho n-hexane
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, xúc tác Zn-Zr-SBA-16 đã được tổng hợp từ vật liệu Zr/SBA-16 được biến tính Zn bằng kỹ thuật hai dung môi cho phản ứng reforming trên n-hexane. Đầu tiên, vật liệu Zr-SBA-16 được điều chế bằng cách thêm từng giọt zirconyl oxy chloride (ZrOCl2) vào dung dịch silicate với tỷ lệ nguyên tử Zr/Si = 10%. Kỹ thuật hai dung môi đã được sử dụng để biến tính kẽm vào vật liệu silica. Xúc tác Zn-Zr-SBA-16 thu được đem phân tích đặc trưng bởi các kỹ thuật nhiễm xạ tia X (XRD), phổ hồng ngoại (FT-IR), đẳng nhiệt hấp phụ - giải hấp phụ N2 (BET), kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), và giải hấp phụ NH3 theo chương trình nhiệt độ (TPD-NH3). Ảnh hưởng của hoạt tính xúc tác lên phản ứng reforming cho n-hexane được khảo sát thông qua hàm lượng kẽm, thời gian và nhiệt độ phản ứng khác nhau. Kết quả cho thấy, độ chuyển hóa của n-hexane đạt 88,03% ở 500°C và trong thời gian 4 giờ.
Mô hình tích hợp Fuzzy-AHP-TOPSIS trong đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Logistics
Tóm tắt
|
PDF
Với sự phát triển nhanh của kinh tế, khoảng cách trong các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như chất lượng hàng hóa hay giá cả ngày càng thu hẹp. Các nhà sản xuất, xuất khẩu đã chuyển sang cạnh tranh về tốc độ giao hàng, hợp lý hóa và giảm chi phí của quá trình lưu chuyển hàng hóa trong hệ thống quản lý phân phối.Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm đến hoạt động logistics tự đảm nhận hoặc thuê ngoài nhằm tối ưu chi phí logistics cho doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, mô hình tích hợp Fuzzy AHP-TOPSIS được đề xuất nhằm đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Logistics. Trước tiên, phương pháp phân tích thứ bậc Fuzzy AHP được sử dụng để xây dựng bộ trọng số của các tiêu chí đánh giá, bộ 8 tiêu chí gồm chất lượng của dịch vụ, chi phí, độ tin cậy, danh tiếng công ty, chia sẻ thông tin, tính linh hoạt, chất lượng quản lý, và vị trí địa lý. Tiếp đến, mô hình xếp hạng đối tượng theo tính tương đồng với giải pháp lý tưởng (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution_TOPSIS) được sử dụng để đánh giá và xếp hạng các nhà cung cấp, lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất cho doanh nghiệp. Một ví dụ tại công ty X được áp dụng để minh họa cho mô hình đề xuất...
Nghiên cứu xử lý đất sét bentonite Kiện Khê, Hà Nam thô đạt chuẩn USP trong mỹ phẩm
Tóm tắt
|
PDF
Lần đầu tiên, đất sét bentonite có nguồn gốc Việt Nam, từ mỏ Kiện Khê, Hà Nam được khảo sát và tinh chế nhằm đạt tiêu chuẩn USP (Mỹ) như một nguyên liệu trong sản xuất mỹ phẩm. Đất sét thô được xử lý sơ bộ, sau đó tinh chế bằng lắng và ly tâm 300 vòng/phút. Đất sét mịn được thu bằng ly tâm 4.000 vòng/phút trong 25 phút, và được khử khuẩn ở 1210C trong 30 phút. Thành phần hóa học gồm SiO2, Al2O3, Fe2O3 lần lượt chiếm 53,82%; 12,69% và 23,25% và không chứa kim loại nặng như chì và asen. Ảnh chụp kính hiển vi điện tử quét và kết quả phân tích kích thước hạt cho thấy bentonite có kích thước nhỏ và đồng đều hơn sau khi tinh chế, với kích thước hạt trung bình 0,469 µm. Đất sét sau khi biến tính với NaOH đạt giá trị pH trong khoảng 9,0-9,6. Vi sinh vật cũng không tìm thấy sau khi khử nhiễm. Với những kết quả này, bentonite Kiện Khê, Hà Nam sau tinh chế đã đạt tiêu chuẩn USP để có thể sử dụng như một nguyên liệu trong mỹ phẩm.
Phân bố tối ưu nguồn phân tán có chức năng volt-var trên lưới điện truyền tải bằng phương pháp moth-flame optimization cải tiến
Tóm tắt
|
PDF
Trong những năm gần đây, hệ thống năng lượng đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc. Đặc biệt là sự tăng nhanh của các nguồn năng lượng phân tán (DG) trên toàn thế giới đã tạo ra nhiều thách thức. Tại Việt Nam, việc tích hợp các nguồn phân tán này vào hệ thống lưới điện quốc gia được xem là một thách thức lớn. Bài báo đã giải quyết vấn đề tối ưu hóa vị trí lắp đặt và công suất của các nguồn phân tán thông qua chức năng Volt/Var của các bộ Inverter. Bên cạnh đó, ngoài các tiêu chí về kỹ thuật, chi phí DG cũng được xem xét. Bài báo sử dụng phương pháp MFO cải tiến và phần mềm mô phỏng là MATLAB có tích hợp MatPower Toolbox. Lưới điện sử dụng mô phỏng là lưới điện truyền tải IEEE 30 nút. Kết quả mô phỏng được so sánh với phương pháp tối ưu GA, chứng minh sự hiệu quả của phương pháp MFO cải tiến.