Ngày xuất bản: 10-05-2021
Số báo đầy đủ
Công nghệ thực phẩm
Thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật gây bệnh của tinh dầu vỏ bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định thành phần hóa học và khảo sát được các hoạt tính kháng vi sinh vật gây bệnh của tinh dầu vỏ bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck) được ly trích bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước. Khảo sát khả năng kháng khuẩn của tinh dầu với vi khuẩn Staphylococcus aureus, Bacillus cereus và Escherichia coli bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch với nồng độ tinh dầu (50%, 25%, 10% và 5%). Đánh giá khả năng kháng nấm mốc được thực hiện với Aspergillus flavus bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả cho thấy hiệu suất tinh dầu thu được 1,78%, xác định được 25 thành phần chính trong tinh dầu vỏ bưởi Năm Roi như các hợp chất terpen, rượu và aldehyde. Khả năng kháng 3 chủng vi khuẩn S. aureus, B. cereus và E. coli ở nồng độ tinh dầu 50% đường kính vòng kháng vô khuẩn lần lượt là 15,67 ± 0,76 mm, 14,00 ± 0,92 mm và 12,33 ± 0,57 mm; ở nồng độ 25% là 13,33 ± 0,58 mm, 11,00 ± 0,87 mm và 9,33 ± 0,58 mm. Kết quả kháng nấm mốc A. flavus với hiệu suất kháng nấm ở nồng độ tinh dầu 50%, 25%, 10% và 5% lần lượt là 81,24 ± 2,25%, 62,58± 2,04%, 26,19 ± 2,02% và 8,35 ± 2,24%.
Ảnh hưởng của quá trình tiền xử lý đến chất lượng cam Sành (Citrus sinensis) sấy dẻo
Tóm tắt
|
PDF

Cam sành là nguồn cung cấp dồi dào hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm cam sấy dẻo, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu cam sành dồi dào và cung cấp đầu ra bền vững cho sản xuất trong nước là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, vị đắng trong một số sản phẩm chế biến từ cam là một trong những vấn đề lớn của ngành công nghiệp chế biến. Do vậy, nghiên cứu giảm vị đắng trong cam sấy dẻo là vấn đề cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định ảnh hưởng của (i) loại hóa chất xử lý (NaOH, Na3C6H5O7, NaOH+Na3C6H5O7, NaCl và Na2CO3) và phương pháp tiền xử lý (ngâm trong dung dịch hóa chất sau đó chần hoặc chần trong dung dịch hóa chất); (ii) ảnh hưởng nồng độ của hóa chất xử lý (0, 50, 100, 150 và 200 ppm) đến khả năng giảm hàm lượng naringin và duy trì giá trị dinh dưỡng của sản phẩm cam sành sấy dẻo. Kết quả nghiên cứu cho thấy cam sành được chần trong dung dịch NaOH với nồng độ 150 ppm giúp giảm được hàm lượng naringin cao (từ 18,75 giảm còn 2,11 mg/100g). Hàm lượng polyphenol và vitamin C trong sản phẩm vẫn còn duy trì ở mức cao, tương ứng là 5,57 mgGAE/g and 71,71 mg/100 g.
Phân lập và nhận diện các dòng nấm mốc hiện diện trên vỏ bưởi Da Xanh và bưởi Năm Roi được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện với mục đích phân lập và nhận diện các dòng nấm mốc hiện diện trên bề mặt hai loại bưởi thường trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long là bưởi Da xanh và bưởi Năm Roi. Kết quả cho thấy cả hai loại bưởi đều có tần suất phân lập nấm cao, với 8 dòng nấm được tìm thấy đối với mỗi giống bưởi. Các dòng nấm phân lập được xác định đặc tính hình thái và định danh theo phương pháp sinh học phân tử, sử dụng cặp mồi ITS1 và ITS4. Từ vỏ bưởi Da Xanh, các dòng nấm phân lập được là Aspergillus brunneoviolaceus, A. aculeatus, A. carbonarius, Trichoderma asperellum và Neurospora intermedia. Tương tự, việc xác định bằng giải trình tự gen trên đoạn ITS cho thấy 8 dòng phân lập được chọn lọc từ bưởi Năm Roi có mức độ đồng hình 98 ÷ 100% với A. niger, A. assiutensis, A. aculeatus, N. intermedia, Schizophyllum commune và Penicillium sp. Việc nhận diện các dòng nấm có trên vỏ bưởi là bước đầu tiên để đề xuất điều kiện tiền xử lý và bảo quản sau thu hoạch phù hợp, giúp kéo dài thời gian bảo quản bưởi tươi.
Ảnh hưởng của điều kiện xả tiết đến chất lượng sản phẩm phi lê cá lóc (Channa striata)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của trạng thái nguyên liệu (làm choáng và không làm choáng), môi trường xả tiết (nước và không khí) và điều kiện xả tiết (nhiệt độ và thời gian) đến chất lượng của sản phẩm phi lê cá lóc. Các chỉ tiêu hóa lý được đánh giá gồm màu sắc (L*, a* và b*), hiệu suất thu hồi sau gia nhiệt, trạng thái cấu trúc, hàm lượng sắt heme, sắt non-heme và oxy hóa lipid (chỉ số peroxide-PV và TBARS). Kết quả cho thấy cá được làm choáng trước khi cắt tiết có giá trị L* cao hơn và giá trị a*, b* thấp hơn và hiệu quả loại máu tốt hơn (hàm lượng sắt heme và sắt non-heme thấp hơn) so với cá không được làm choáng. Nước là môi trường phù hợp để xả tiết cá lóc. Nhiệt độ và thời gian xả tiết là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả loại máu, điều kiện phù hợp để xả tiết cá lóc là nhiệt độ nước 23-25°C trong thời gian 20 phút.
Nghiên cứu công nghệ chế biến trà túi lọc từ vỏ bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck)
Tóm tắt
|
PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là thiết lập quy trình công nghệ chế biến trà túi lọc từ vỏ bưởi Năm Roi (Citrus grandis L. Osbeck). Nội dung nghiên cứu bao gồm: (i) khảo sát ảnh hưởng của điều kiện tiền xử lý (chần, ngâm muối NaCl) nguyên liệu nhằm giảm vị đắng và duy trì chất lượng trà; (ii) xác định điều kiện chế biến (sấy sơ bộ, sao rang) phù hợp cho sản phẩm; (iii) đánh giá chất lượng của sản phẩm theo các tiêu chuẩn hiện hành. Kết quả nghiên cứu cho thấy vỏ bưởi Năm Roi được chần trong nước sôi (100°C) với thời gian 60 giây giúp duy trì được màu xanh, đồng thời giúp sản phẩm có giá trị polyphenol tổng số (TPC), flavonoids tổng số (TFC), hoạt tính kháng oxy hóa tính tương đương Trolox (TEAC) cao. Sau quá trình chần, việc ngâm trong dung dịch muối NaCl 10% (tỷ lệ 1:5 w/v) sau đó xả lại với nước (tỷ lệ 1:4, w/v) giúp loại bỏ được tác nhân gây đắng trong khi kiểm soát được các thành phần có hoạt chất sinh học. Sấy sơ bộ ở nhiệt độ 60°C trước khi sao khô ở nhiệt độ 140°C đến độ ẩm cuối của sản phẩm 8% giúp duy trì màu sắc và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm trà vỏ bưởi Năm Roi an toàn, không có sự hiện diện độc tố,...
Đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của một số loại chanh (Citrus sp.) ở Long An
Tóm tắt
|
PDF

Chanh là một loại cây đặc thù và phù hợp thỗ nhưỡng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của quả chanh là cần thiết làm cơ sở cho sản xuất và ứng dụng trong công nghệ chế biến nhằm làm tăng giá trị của quả chanh. Trong nghiên cứu này, để đánh giá chỉ tiêu chất lượng một số loại chanh phổ biến ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ba giống chanh là chanh không hạt (Citrus latifolia), chanh giấy (Citrus aurantifolia) và chanh bông tím (Citrus limonia) đã được phân tích và so sánh về các chỉ tiêu như hóa lý (pH và màu sắc nước chanh), tỷ lệ thu hồi dịch, hàm lượng chất rắn hòa tan, acid tổng và hàm lượng đường. Hàm lượng vitamin C và citric acid cũng đã được định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Ngoài ra, chỉ số kỹ thuật của từng giống chanh cũng được tính toán và so sánh. Kết quả cho thấy chanh không hạt có tỷ lệ thu hồi dịch cao nhất (40%), dịch chanh không hạt có hàm lượng chất rắn hòa tan cao (8oBrix), có hàm lượng vitamin C (32,5 mg/100 mL) và đường tổng (2,11 g/100 mL) cao nhất. Qua tính toán, chanh không hạt có chỉ số kỹ thuật cao nhất (3,2). Các kết quả thu được chỉ ra rằng trong ba giống chanh khảo sát thì chanh không hạt có...
Ảnh hưởng của phương pháp trích ly và độ tuổi thu hoạch đến hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính chống oxy hóa của vỏ trắng bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck)
Tóm tắt
|
PDF

Bưởi Năm Roi là một loại bưởi được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình trồng, bưởi có thể được tỉa hoặc tự rụng ở các độ tuổi khác nhau như 1-2 tháng, 3-4 tháng, 5-6 tháng cho đến thời gian 7-8 tháng lúc này quả sắp chín hoặc đã chín và > 9 tháng là giai đoạn bưởi chín hoàn toàn hoặc chín nhiều. Trong vỏ trắng của bưởi Năm Roi có chứa các hợp chất sinh học với hoạt tính chống oxy hóa, do đó trong nghiên cứu này, phương pháp trích ly có hỗ trợ siêu âm (UAE) và phương pháp trích ly có hỗ trợ nhiệt (HAE) được sử dụng để so sánh hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính chống oxy hóa của vỏ bưởi trắng ở các độ tuổi thu hoạch khác nhau. Kết quả cho thấy phương pháp trích ly có hỗ trợ siêu âm có hiệu quả thu nhận hoạt chất cao hơn phương pháp trích ly có hỗ trợ nhiệt, bưởi ở độ tuổi thu hoạch 1-2 tháng vỏ bưởi trắng với phương pháp trích ly hỗ trợ siêu âm có hàm lượng hoạt chất cao nhất, hàm lượng cao tiếp theo là giai đoạn 3-4 tháng, tiếp đó là giai đoạn > 9 tháng, tiếp theo là 7-8 tháng, và ở giai đoạn 5-6 tháng hàm lượng hoạt chất trong vỏ bưởi trắng thấp nhất.
Nghiên cứu thu hồi dịch thủy phân từ đầu cá lóc (Channa striata) bằng enzyme alcalase và flavourzyme
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định chế độ thủy phân đầu cá lóc thu hồi dịch đạm bằng enzyme alcalase ở giai đoạn 1 và flavourzyme ở giai đoạn 2 trong quá trình thủy phân hai giai đoạn. Nghiên cứu bao gồm 4 thí nghiệm: (i) ảnh hưởng của tỷ lệ enzyme alcalase so với nguyên liệu, (ii) thời gian thủy phân bằng enzyme alcalase, (iii) tỷ lệ enzyme flavourzyme so với nguyên liệu và (iv) thời gian thủy phân bằng enzyme flavourzyme. Đầu cá được thủy phân với các thông số cố định là nhiệt độ 50℃, pH 8,0 và tỷ lệ nguyên liệu: dung dịch ethanol 20° là 1: 1. Kết quả cho thấy đầu cá lóc được thủy phân với 0,2% alcalase trong 12 giờ ở giai đoạn 1 và tiếp tục thủy phân với 0,4% flavourzyme trong 9 giờ giai đoạn 2 thu được dịch đạm có hàm lượng đạm amino acid, hiệu suất thu hồi nitrogen và độ thủy phân cao nhất lần lượt là 6,58 g/L; 44,6% và 38,0%, trong khi hàm lượng đạm ammoniac thấp là 0,269 g/L.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến để kéo dài thời gian bảo quản trái cây
Tóm tắt
|
PDF

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng trái cây nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 50% trái cây được tiêu thụ tươi. Tổn thất sau thu hoạch về số lượng và chất lượng của các loại trái cây này thường rất cao, đặc biệt ở giai đoạn vận chuyển đường dài đến thị trường hoặc xuất khẩu. Trong phạm vi nghiên cứu, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, tập trung vào các biến đổi và công nghệ sau thu hoạch sẽ được đề cập. Các vấn đề liên quan đến từng sản phẩm cụ thể được thảo luận, điển hình như sinh lý sau thu hoạch, xử lý cận thu hoạch ảnh hưởng đến chất lượng quả, duy trì chất lượng sau thu hoạch và phát triển các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng.
Nghiên cứu điều kiện chiết xuất naringin từ vỏ bưởi Năm Roi (Citrus grandis (L.) Osbeck)
Tóm tắt
|
PDF

Naringin là một flavonoid glycoside được tìm thấy với hàm lượng cao trong vỏ bưởi có tác dụng như kháng oxy hóa, giảm cholesterol, ngăn ngừa cao huyết áp,... Nghiên cứu này được tiến hành nhằm chọn các điều kiện chiết xuất naringin thích hợp từ nguồn phụ phẩm vỏ bưởi. Nghiên cứu khảo sát tỷ lệ ethanol và nước (100:0; 80:20; 70:30 v/v), thời gian ngâm (0,5; 1,0; 1,5 giờ), tỉ lệ mẫu và dung môi (1:10; 1:12; 1:14; 1:16 w/v), thời gian chiết xuất được ghi nhận sau mỗi 0,5 giờ đến 5 giờ đối với phương pháp ngâm và đến 7 giờ đối với phương pháp Soxhlet. Kết quả chiết xuất naringin từ vỏ bưởi Năm Roi cho thấy tỷ lệ ethanol và nước (80:20 v/v), thời gian ngâm là 1,5 giờ, tỷ lệ mẫu và dung môi (1:14 w/v), thời gian chiết xuất là 3,5 giờ đối với phương pháp ngâm và 5,5 giờ đối với phương pháp Soxhlet, hàm lượng naringin đạt được giá trị cao nhất tương ứng là 0,0879 ± 0,0021 mg/mL và 3,9157 ± 0,0921 mg/mL.
Khảo sát màng bao kháng nấm bảo quản quả cam
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu nhằm thực hiện màng bao polymer có tính thẩm thấu khí chọn lọc, có chứa chất kháng khuẩn an toàn để tăng thời gian bảo quản quả cam sau thu hoạch. Quả cam tươi sau khi làm sạch được nhúng vào nhũ tương tạo màng gồm dung dịch chitosan kết hợp dung dịch nano bạc ethanol PA trong một thời lượng nhất định. Kết quả cho thấy đối với hầu hết các mẫu được xử lý qua màng bảo quản thì còn tốt đến 30 ngày ở điều kiện phòng. Độ hao hụt khối lượng quả ổn định, hơn nữa cảm quan màu sắc và độ cứng của quả không thay đổi đáng kể; ngược lại các mẫu không xử lý màng bao mau hư hỏng. Với phương pháp này, quả cam được bảo quản tốt hơn bình thường, được vận chuyển đi nhiều nơi trong thời gian lâu hơn và không bị nhiễm nấm bệnh.
Ảnh hưởng của nhiệt độ cao kết hợp thủy phân bằng alkaline đến hiệu quả thu nhận bột khoáng giàu calcium từ xương cá lóc (Channa striata)
Tóm tắt
|
PDF

Mục đích của nghiên cứu là thu nhận bột khoáng giàu calcium từ xương cá lóc bằng enzyme alkaline, nghiên cứu được thực hiện thông qua ba thí nghiệm chính: xương cá được gia nhiệt ở 95-100 trong 10 phút trước khi tiến hành thủy phân bằng enzyme alkaline ở 50 trong 6 giờ với các nồng độ enzyme khác nhau (i); ảnh hưởng của thời gian sấy đến chất lượng sản phẩm bột khoáng (ii) và theo dõi sự thay đổi chất lượng bột khoáng giàu calcium từ xương cá lóc trong 4 tuần bảo quản ở diều kiện nhiệt độ phòng (iii). Kết quả cho thấy, mẫu xương cá lóc được thủy phân bằng enzyme alkaline nồng độ 0,6% loại được 47,5% protein. Sau đó mẫu được đem sấy khô ở 50 trong 2 giờ thu được bột khoáng giàu calcium có độ ẩm, độ hòa tan, hiệu suất thu hồi và độ sáng lần lượt là 10,3%; 15,1%; 70,1% và 83,6. Sản phẩm bột khoáng giàu calcium từ xương cá lóc chứa 62,8% khoáng và hàm lượng calcium chiếm 21,01%. Sản phẩm vẫn duy trì chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm sau 4 tuần bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Thực trạng tiêu dùng các sản phẩm được phát triển từ cá lóc tại Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu nhằm mục đích xác định nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chế biến từ cá lóc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả khảo sát từ 817 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 đến 75, trong đó người tiêu dùng có độ tuổi từ 25 đến 35 chiếm đa số, đối tượng tiêu dùng chính của các sản phẩm này là người có thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng mong muốn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ cá lóc để đa dạng bữa ăn gia đình, dạng chả được ưa thích nhờ sự thuận tiện trong chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như món lẩu, các món ăn khai vị. Trong phạm vi khảo sát, nhóm người tiêu dùng tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cá lóc như chả dạng tươi (giò sống), khô, chả dạng viên/khoanh đã được chiên hay hấp chín và cả chà bông. Các sản phẩm này sẽ thu hút khách hàng nhờ các tiêu chí như: nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ngày sản xuất và hạn sử dụng trên bao bì, vị mặn vừa phải, màu sậm tự nhiên, uy tín và thương hiệu sản phẩm, hình thức bao bì, có tiêu chuẩn chất lượng, thành phần nguyên liệu, giá cả hợp lý.
Đánh giá chất lượng khô cá lóc theo tiêu chuẩn Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm khô cá lóc (Channa striata) được bảo quản ở các nhiệt độ khác nhau và nhằm so sánh chất lượng khô cá lóc nghiên cứu và các sản phẩm khô cá lóc trên thị trường. Kết quả cho thấy việc sử dụng nhiệt độ thấp làm hạn chế sự oxy hóa lipid giúp kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của khô cá. Khô cá lóc vẫn đảm bảo an toàn về chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng và độ hoạt động của nước sau 12 tuần bảo quản ở nhiệt độ phòng (28-30°C), 32 tuần bảo quản ở nhiệt độ lạnh (0-4°C) và 48 tuần trữ đông (-18 đến -20°C). Bên cạnh đó, sản phẩm khô cá lóc nghiên cứu có chất lượng và cảm quan cao hơn sản phẩm khô trên thị trường, đồng thời đáp ứng được TCVN 5649:2006 và TCVN 10734:2015.
Tối ưu hóa điều kiện ngâm thẩm thấu trong mật ong của cam Sành (Citrus sinensis)
Tóm tắt
|
PDF

Trong nghiên cứu này, sự di chuyển ẩm và khuếch tán chất tan của cam Sành ngâm trong dung dịch mật ong được mô hình hóa theo quy luật lũy thừa. Quá trình thẩm thấu được đánh giá mỗi ngày đến khi sản phẩm đạt cân bằng. Sự giảm ẩm (WL) và gia tăng khối lượng chất khô (SG) được tính toán trên cơ sở cân bằng khối lượng và hằng số tốc độ động học cùng với các thông số thống kê khác được xác định. Thiết kế Box-Behnken được bố trí để xác định các thông số quy trình tối ưu, bao gồm thời gian chần cam (30-90 giây), nồng độ mật ong trong dung dịch ngâm (60-80% v/v) và tỷ lệ dung dịch ngâm so với cam (1-2 lần v/w). Hàm lượng ascosbic acid và điểm chất lượng cảm quan ở trạng thái cân bằng được xác định, số liệu được xử lý bằng phần mềm Statgraphics Centurion XV.I. Quy trình tối ưu tương ứng với thời gian chần cam, tỷ lệ mật ong trong dung dịch ngâm và tỷ lệ dịch ngâm thẩm thấu so với cam lần lượt là 66,39 giây, 71,96% và 1,57 lần, WL và SG là 39,39 và 18,83 (%). Sản phẩm đạt cân bằng sau 7 ngày, hàm lượng ascosbic acid của cam là 9,43 mg/100 g và điểm chất lượng cảm quan thể hiện qua màu sắc và mùi vị của sản phẩm tương ứng là 4.42 và 4.61.
Tính chất hóa lý của bưởi Da Xanh và bưởi Năm Roi được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tính chất hóa lý cơ bản của bưởi Da Xanh và bưởi Năm Roi, tạo cơ sở dữ liệu cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm và nâng cao giá trị của hai giống bưởi này. Nghiên cứu đã ghi nhận được sự khác biệt cả về đặc điểm hình thái và thành phần hóa học, đặc tính chất lượng của hai giống bưởi. Kết quả nghiên cứu cho thấy bưởi Da Xanh có kích thước quả và hàm lượng thịt quả ăn được cao hơn bưởi Năm Roi. Bên cạnh đó, bưởi Da Xanh có hàm lượng chất khô hòa tan tổng số (TSS) cao nhất và chỉ số TSS/TA lớn nhất, tương ứng với chất lượng ăn cao nhất. Ngược lại, bưởi Năm Roi lại có hàm lượng vitamin C, polyphenol tổng số và flavonoid cao hơn.
Phát triển các thuộc tính cảm quan trong đánh giá độ tươi sản phẩm phi lê cá lóc (Channa striata) bằng phương pháp QIM và Torry
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích phát triển các thuộc tính cảm quan cho đánh giá độ tươi của sản phẩm phi lê cá lóc bằng phương pháp QIM (quality index method) và Torry, đồng thời áp dụng đánh giá độ tươi của sản phẩm phi lê cá lóc bao gói chân không bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2-4°C. Bảng mô tả cảm quan theo phương pháp QIM đã được phát triển gồm 5 thuộc tính: màu sắc mặt da, màu sắc mặt thịt, trạng thái cấu trúc, mùi và độ dính của mặt thịt với tổng số điểm chỉ số chất lượng QI (quality index) là 12. Kết quả áp dụng bảng mô tả chỉ số chất lượng QI vào đánh giá độ tươi của sản phẩm phi lê cá lóc bao gói chân không bảo quản lạnh ở nhiệt độ 2-4°C cho thấy, điểm QI tương quan tuyến tính với thời gian bảo quản (QI =0,799*thời gian bảo quản + 0,6241, R2=0,9605). Điểm cảm quan Torry của thịt cá lóc nấu chín tương quan tuyến tính với thời gian bảo quản. Căn cứ vào điểm Torry thì thời hạn sử dụng của sản phẩm phi lê cá lóc là 13 ngày, tương ứng với chỉ số chất lượng QI là 11. Kết quả thu được cho thấy bảng mô tả cảm quan theo phương pháp QIM xây dựng được có thể áp dụng để đánh giá độ tươi,...
Ảnh hưởng của điều kiện trích ly và cô quay chân không đến đặc tính của cao chiết từ vỏ bưởi da xanh (Citrus maxima (Burn.) Merr.)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện với mục đích đánh giá hiệu quả thu nhận thành phần polyphenol hòa tan từ vỏ bưởi Da Xanh (Citrus maxima (Burn.) Merr.) ở các điều kiện trích ly và cô quay chân không khác nhau. Trên cơ sở này, ảnh hưởng của đặc tính nguyên liện và phương pháp trích ly, điều kiện cô quay chân không để đuổi dung môi (áp suất, độ giảm khối lượng) được khảo sát. Kết quả phân tích cho thấy thực hiện ly trích theo phương pháp tách ép công nghiệp (nguyên liệu tươi, bổ sung ethanol 40⁰ ở tỉ lệ 1:1, w/v, gia nhiệt ở 90⁰C trong thời gian 2 phút) giúp cải thiện chất lượng của dịch trích sau khi đuổi dung môi và giảm chi phí năng lượng khi so sánh với phương pháp thông dụng (trên nguyên liệu khô, ngâm trích, không hoặc có sự hỗ trợ của vi sóng). Song song đó, hiệu quả của chế độ loại dung môi bằng thiết bị cô quay ở áp suất tuyệt đối 160-180 mBar cũng được ghi nhận, đặc biệt với khả năng giúp gia tăng giá trị TPC, TFC, TEAC của dịch trích sau khi loại dung môi. Cô quay cho đến khi mất đi 92,5% khối lượng dịch trích được đề nghị để thu nhận cao chiết có chất lượng tốt nhất.
Ảnh hưởng của nhiệt độ sấy đến các hợp chất có hoạt tính sinh học trong vỏ bưởi Da Xanh (Citrus maxima Burm. Merr.)
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ sấy đối lưu đến hiệu quả duy trì các thành phần có hoạt tính sinh học trong vỏ bưởi da xanh, thể hiện qua phenolic tổng số (TPC), flavonoid tổng số (TFC), khả năng trung hòa gốc tự do bằng DPPH và ABTS . Thông qua đó, nhiệt độ sấy vỏ bưởi phù hợp để hạn chế sự giảm thấp các thành phần này được đề xuất thất thoát khi xử lý nhiệt vỏ bưởi. Kết quả khảo sát cho thấy các hoạt chất có hoạt tính sinh học giảm khoảng 50% do tác động của nhiệt độ sấy và 80% TPC giảm sau chiết tại 60℃ (19,21 ± 3,21%) và 65℃ (18,99 ± 0,87%). Nhiệt độ tác động đến các thành phần trong nhóm TFC và kéo theo giá trị DPPH, ABTS không lớn.
Các phương pháp tạo màng bảo quản trái cây họ cam quýt
Tóm tắt
|
PDF

Cam quýt (Citrus spp., Rutaceae) là họ cây ăn trái có vai trò rất quan trọng trong thành phần thực phẩm của con người. Sau khi thu hoạch, trái cây thường bị thay đổi sinh lý, mất khối lượng, dễ nhiễm bệnh làm hư hao cũng như làm giảm chất lượng của trái ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Các bệnh xảy ra với trái cam quýt chủ yếu là do các loại nấm bệnh trên cây gây ra như: Penicillium digitatum, Penicillium italicum, Colletotrichum, Lasiodiplodia, Phomopsis, Alternaria và Phytophthora. Do vậy để bảo quản trái, các loại màng polymer sinh học hoặc tổng hợp để bao phủ trái thường được sử dụng nhằm ngăn cản sự tấn công của mầm bệnh, ngoài ra để tăng cường khả năng chống nhiễm bệnh của trái, có thể bổ sung vào màng bao phủ trái các chất kháng nấm bệnh an toàn được cho phép là các hóa chất tổng hợp hoặc chiết xuất từ tự nhiên có thể ăn được. Bài viết này trình bày các công trình bảo quản trái bằng phương pháp tạo màng đã được nghiên cứu và ứng dụng cho đến nay để đảm bảo chất lượng quả cam sau thu hoạch.
Nghiên cứu chế độ thủy phân đầu cá lóc (Channa striata) thu hồi dịch đạm bằng enzyme flavourzyme
Tóm tắt
|
PDF

Nghiên cứu sản xuất dịch đạm thủy phân từ đầu cá lóc bằng enzyme flavourzyme được thực hiện gồm bốn thí nghiệm (i) ảnh hưởng của tỷ lệ nguyên liệu: nước (1:0,3; 1:0,8; 1:1,8; 1:2,8 và 1:3,8 w/v), (ii) tỷ lệ enzyme flavourzyme so với nguyên liệu (0,2; 0,4; 0,6; 0,8; 1,0 và 1,2%), (iii) thời gian thủy phân (12, 18, 24, 30 và 36 giờ) và (iv) nhiệt độ thủy phân (30, 40, 50, 60 và 70oC) đến chất lượng dịch đạm thủy phân. Kết quả cho thấy dịch đạm thủy phân có hàm lượng đạm amino acid, hiệu suất thu hồi nitrogen và độ thủy phân cao nhất lần lượt là 6,49 g/L; 42,5% và 39,1% trong khi hàm lượng ammonia thấp nhấtà 0,205 g/L khi đầu cá lóc được thủy phân với tỷ lệ nguyên liệu: nước là 1: 0,8 và tỷ lệ enzyme flavourzyme so với nguyên liệu là 0,6% trong 30 giờ ở nhiệt độ 50oC.
Thực trạng sản xuất các sản phẩm dạng khô từ cá lóc ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF

Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu, đánh giá quy trình sản xuất và phân tích chất lượng các sản phẩm dạng khô từ cá lóc có trên thị trường. Nghiên cứu đã điều tra ở hai vùng sản xuất sản phẩm từ cá lóc chủ yếu là huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Kết quả cho thấy khô và chà bông cá lóc là 2 sản phẩm phổ biến nhất, có 28 hộ sản xuất khô cá lóc và 6 hộ sản xuất chà bông cá lóc trong điều kiện hoạt động ổn định. Cả 2 nhóm sản phẩm đều được chế biến theo phương thức truyền thống, công thức chế biến dựa vào kinh nghiệm, sự đầu tư khoa học kỹ thuật, thiết bị, máy móc, nhà xưởng chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất khô cá lóc là lớn hơn và sản xuất phổ biến hơn khi so sánh với chà bông cá lóc. Từ 5 mẫu khô cá lóc và 5 mẫu chà bông trên thị trường, kết quả kiểm tra cho thấy cả 5 mẫu khô cá đều có chỉ tiêu vi sinh vượt hơn mức cho phép, độ hoạt động của nước đều cao hơn 0,75 – giá trị thấp nhất theo TCVN 10734: 2015. Đối với chà bông cá lóc, chất lượng và điều kiện an toàn vệ sinh của các sản phẩm đạt yêu cầu, sản phẩm vẫn có mùi vị tốt, chưa nhận...