Ngày xuất bản: 28-12-2020
Môi trường
Phân lập và tuyển chọn vi sinh vật phân hủy phenol từ mẫu bùn khu chứa nước thải phòng thí nghiệm thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm phân lập vi sinh vật có khả năng phân hủy phenol từ mẫu bùn khu chứa nước thải phòng thí nghiệm thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Hai mẫu bùn khu chứa nước thải phòng thí nghiệm và một mẫu đất cỏ thuộc Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ được nuôi tăng sinh trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng bổ sung 500 mg.L-1 phenol để nhân mật số vi sinh vật. Nồng độ phenol trong môi trường nuôi cấy được xác định bằng phương pháp so màu với thuốc thử Folin – Ciocalteu’s phenol ở bước sóng 758 nm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả ba hệ vi sinh vật từ mẫu bùn và mẫu đất đều có khả năng phân hủy phenol cao và dao động trong khoảng từ 87,6% đến 91,5% sau 5 ngày nuôi cấy. Hai dòng nấm men ký hiệu PS1.1 và PS6 trong số 28 dòng vi khuẩn và nấm men phân lập được có khả năng phân hủy phenol rất cao trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng bổ sung 500 mg.L-1 phenol với phần trăm phân hủy lần lượt đạt 98,9% và 97,6% sau 5 ngày nuôi cấy. Kết quả giải trình tự đoạn gen 28S-rRNA cho thấy cả 2 dòng PS1.1 và PS6 có độ tương đồng 100% với loài nấm men Candida tropicalis và được định danh là Candida tropicalis PS1.1 và Candida tropicalis PS6.
Đánh giá sự thay đổi tổng sản lượng sơ cấp theo thời gian của các kiểu thực phủ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá tổng sản lượng sơ cấp (GPP) của các nhóm thực phủ chính khu vực ĐBSCL năm 2018. Tổng cộng 92 ảnh MODIS MOD17A2 có độ phân giải không gian 500 m, độ phân giải thời gian 8 ngày được sử dụng trong nghiên cứu này. Công cụ MRT sử dụng để chuyển ảnh về đúng hệ tọa độ và quy chiếu, phần mềm LDOPE áp dụng nhằm chọn lọc các điểm ảnh đạt chất lượng tốt sử dụng trong các phân tích GPP để nâng cao độ tin cậy của nghiên cứu. Kết quả cho thấy, GPP rừng đạt giá trị cao nhất khoảng 7,23 gC/m2/ngày, tiếp theo là lúa từ 3 – 5 gC/m2/ngày, màu (3,12 gC/m2/ngày) và vùng canh tác tôm có giá trị thấp nhất (1 gC/m2/ngày). Tính toán trên toàn khu vực ĐBSCL, GPP năm 2018 đạt khoảng 3.107,37 tấnC/năm, trong đó tổng GPP của lúa cao hơn các kiểu thực phủ khác. Cụ thể, canh tác 1 vụ lúa (ĐX) chiếm khoảng 51,31 tấnC/năm (1,65%), canh tác 2 vụ lúa (ĐX-HT) khoảng 1.063,93 tấnC/năm (34,24%), canh tác 3 vụ lúa (ĐX-HT-TĐ) khoảng 1.161,52 tấnC/năm (37,38%), lúa – màu khoảng 56,31 tấnC/năm (1,81%), lúa – tôm khoảng 166,63 tấnC/năm (5,36%) và nhóm hiện trạng rừng khoảng 607,66 tấnC/năm (19,56%). Nhìn chung, mỗi nhóm thực phủ khác nhau có khả năng hấp thu một lượng carbon khác nhau và biến đổi các thời điểm trong năm.
Đa dạng phiêu sinh thực vật và động vật đáy tại cảng Vịnh Đầm thuộc đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện vào vào tháng 5/2020 tại 7 vị trí thu mẫu (D1 - D7) thuộc Cảng Vịnh Đầm, đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang nhằm đánh giá sự dạng của phiêu sinh thực vật (PSTV) và động vật đáy (ĐVD). Thông qua kết quả đo nhanh một số chỉ tiêu, chất lượng nước tại khu vực nghiên cứu hầu như chưa có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (ngoại trừ D7). Kết quả đã xác định được 97 loài PSTV thuộc 6 ngành, 33 họ và 38 chi và 43 loài động vật đáy thuộc 4 ngành 6 lớp, 33 họ và 37 chi tại khu vực nghiên cứu. Mật độ tại các điểm thu mẫu dao động từ 12.097 cá thể/L – 119.709 cá thể/L (PSTV) và 40 – 490 cá thể/m2 (ĐVĐ). Tính toán các chỉ số theo từng vị trí, có thể thấy chỉ số đa dạng H’, J’ và Dv dựa trên PSTV chia các vị trí thành hai khu vực; trong đó D1 – D4 có mức độ phong phú tương đối cao và ổn định (H’ = 3,42 – 3,77, J’= 0,84 – 0,91), D5 – D7 kém đa dạng và tính ổn định thấp (H’=1,90 – 2,88, J’=0,47 – 0,71). Phân tích chỉ số H’ và DBP cho thấy tính đa dạng về ĐVĐ tại hầu hết các vị trí trong khu vực nghiên cứu vẫn ở mức thấp (H’tb=1,66) và kém bền vững (DBP = 0,64). Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở dữ liệu về đa dạng loài PSTV và ĐVĐ tại Vịnh Đầm, Phú Quốc, Kiên Giang.
Thủy sản
Đa dạng thành phần loài giáp xác (crustacea) trong hệ sinh thái rạn san hô của Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Giáp xác là nhóm loài có giá trị kinh tế trong hệ sinh thái rạn san hô, tuy nhiên, danh mục thành phần loài đến nay vẫn chưa được cập nhật đầy đủ. Nghiên cứu này nhằm đánh giá và cập nhật đa dạng thành phần loài giáp xác trong rạn san hô ven bờ và ven đảo Việt Nam. Dự án I.2 được thực hiện trong các năm 2010, 2011và 2015, dự án I.8 được thực hiện năm 2015 và 2016, hai dự án I.2 và I.8 đã khảo sát lặn SCUBA và thu thập mẫu vật giáp xác. Kết quả đã xác định được 106 loài giáp xác của 45 giống thuộc 23 họ trong 02 bộ của ngành phụ Crustacea. Trong đó, có 55 loài trong rạn san hô ven bờ và 92 loài trong rạn san hô ven đảo. Từ nghiên cứu này, (năm 2020) tên khoa học của 23 loài đã đươc cập nhật và hiệu chỉnh theo hệ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học toàn cầu. Chỉ số tương đồng Sorensen giữa các vùng rạn san hô ven bờ dao động trong khoảng từ 0,04 - 0,70 và vùng rạn san hô ven đảo trong khoảng 0,61- 0,93. Chỉ số đa dạng loài giáp xác (H’) của vùng rạn san hô ven bờ và ven đảo đạt mức trung bình lần lượt là 1,41 và 0,83. Trong số này, 09 loài đã được xác định có giá kinh tế cao phục vụ cho việc quy hoạch vùng nuôi.
Thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn bột đến giống
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn bột đến giống. Tổng số 655 mẫu cá tra được thu tại 14 ao ương giống ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp. Kết quả cho thấy tỉ lệ nhiễm vi nấm cao nhất ở cá giống (22,8%), kế đến là cá bột (20,5%) và thấp nhất ở cá hương (16,9%) . Vi nấm nhiễm trên da ở cá bột, cá hương và cá giống với tỉ lệ lần lượt là 40,3%, 35,1% và 23,4%. Tỉ lệ nhiễm vi nấm ở da cá tra cao hơn các cơ quan khác như mang, gan, thận và bóng hơi. Bốn giống nấm đã được định danh gồm Fusarium sp. (43,9%), Aspergillus sp. (40,1%), Achlya sp. (11,5%) và Mucor sp. (4,5%). Fusarium sp., Aspergillus sp. và Achlya sp. nhiễm trên các cơ quan. Mucor sp. chỉ phân lập được ở da và mang cá bột và không phát hiện ở cá hương và giống. Fusarium sp. được tìm thấy với tỉ lệ nhiễm cao ở bóng hơi, đặc biệt vào giai đoạn cá giống nhiễm bệnh trương bóng hơi.
Nghiên cứu một số điều kiện nuôi tăng sinh vi khuẩn Streptomyces spp. trong phòng thí nghiệm
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện với mục tiêu tối ưu các điều kiện nuôi tăng sinh để cải thiện tốc độ tăng trưởng của các chủng Streptomyces spp. tiềm năng trong điều kiện in vitro. Các điều kiện nhiệt độ, pH, độ mặn, các nguồn C và nguồn N được thực hiện trên 3 chủng vi khuẩn Streptomyces spp. TV1.4, CM2.4 và DH3.4 trong môi trường m-ISP2 C. Sau đó, nguồn C và N phù hợp đươc chọn để xác định nồng độ tối ưu cho sự phát triển của các chủng vi khuẩn nghiên cứu. Thí nghiệm được bố trí trong ống nghiệm chứa môi trường m-ISP2 và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn được đánh giá thông qua giá trị hấp thụ quang OD ở bước sóng 600 nm. Kết quả cho thấy chủng TV1.4 phát triển tốt nhất ở pH 7, nhiệt độ 30℃, độ mặn 10‰, starch 2%, tryptone 2%. Chủng CM2.4 phát triển tốt nhất ở pH 8, nhiệt độ 40℃, độ mặn 10‰, starch 1%, tryptone 1% và chủng DH3.4 phát triển tốt pH 7, nhiệt độ 35℃, độ mặn 10‰, starch 1% và tryptone ở nồng độ 2%. Trong 3 chủng nghiên cứu chủng Streptomyces TV1.4 là chủng vi khuẩn tốt nhất.
Khảo sát tình hình sử dụng thảo dược trong nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) tại Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng, nhu cầu và hiệu quả của việc sử dụng thảo dược trong hệ thống nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) lồng bè tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang. Tổng cộng có 60 hộ tại 3 tỉnh được phỏng vấn về (i) đặc điểm hộ nuôi, (ii) tình hình sử dụng thảo dược và (iii) tiềm năng sử dụng thảo dược. Kết quả ghi nhận tỉ lệ hộ đang sử dụng thảo dược ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang lần lượt là 70%, 95%, 60%. Có 15 loại thảo dược đã được sử dụng trong quá trình nuôi cá điêu hồng, trong đó tỏi (Allium sativum), atiso (Cynara scolymus), trâm bầu (Combretum quadrangulare), mần ri (Cleome chelidonii) và dây vác (Cayratia trifolia) được sử dụng nhiều nhất. Công dụng của thảo dược được đa số hộ sử dụng là tăng cường khả năng miễn dịch, phòng, trị bệnh do kí sinh trùng và cải thiện chất lượng nước. Mặc dù nghiên cứu chưa đánh giá được chi phí và lợi nhuận giữa hộ có sử dụng và không sử dụng thảo dược, nghiên cứu đã cung cấp được những thông tin cơ bản về hiệu quả và tiềm năng sử dụng thảo dược trong quá trình nuôi cá điêu hồng.
Ảnh hưởng của tần suất sử dụng ozone đến tỷ lệ sống và biến thái của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của tần suất xử lý ozone đến tỷ lệ sống và biến thái của ấu trùng cua biển (Scylla paramamosain) được thực hiện nhằm nâng cao năng suất và tỷ lệ sống trong ương ấu trùng cua biển. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức với tần suất xử lý ozone khác nhau gồm (1) đối chứng, (2) xử lý ozone 1 ngày/lần, (3) xử lý ozone 2 ngày/lần và (4) xử lý ozone 3 ngày/lần. Mật độ ấu trùng bố trí trong thí nghiệm là 200 con/L. Máy ozone có công suất 4 g/h, lắp với 3 vòi sục có gắn đá bọt. Kết quả thí nghiệm cho thấy, mật độ vi khuẩn tổng, Vibrio và tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên ấu trùng sau khi xử lý ozone thấp nhất ở nghiệm thức tần suất 1 ngày/lần, lần lượt là 2,2 x 103 cfu/mL, 0,20 x 103 cfu/mL và 4,86% khác biệt có ý nghĩa (p
Kinh tế
Hiệu quả đầu tư vườn thanh long ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư vườn thanh long ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, được thực hiện bằng phỏng vấn 86 hộ trồng thanh long bằng phiếu câu hỏi cấu trúc. Các chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư gồm giá trị hiện tại ròng, nội suất sinh lợi, tỉ suất hiệu quả đồng vốn và thời gian hoàn vốn. Phân tích được được thực hiện trên 3 kịch bản:1 kịch bản nền với giá thực tế và 2 kịch bản giả định về giá giảm 30% và 50% so với giá thực tế. Kết quả cho thấy trồng thanh long cần vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận mang lại cũng rất cao, theo đó giá trị hiện tại ròng trung bình của nhà vườn đạt 192 triệu đồng/ha/năm đến 1,2 tỉ đồng/ha/năm tùy theo tuổi vườn, đồng thời nhà vườn chỉ cần 2 năm để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, giá giảm 30% và 50% thì hiệu quả đầu tư của vườn giảm sút nghiệm trọng, theo đó hầu hết các vườn mới thành lập không có khả năng hoàn vốn. Để hạn chế rủi ro do về giá, các nhà vườn cần thực hiện liên kết chuỗi giá trị cũng như áp dụng kỹ thuật ra hoa, rải vụ thu hoạch nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu trong không gian thị trường nhất định.
Hiệu quả đổi mới các doanh nghiệp tại Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết này nhằm mục đích phân tích hiệu quả đổi mới các doanh nghiệp tại Việt Nam. Số liệu trong nghiên cứu được trích ra từ cuộc khảo sát các doanh nghiệp tại Việt Nam của World Bank năm 2015, nghiên cứu trích dữ liệu từ 442 doanh nghiệp trong cuộc khảo sát trên để tiến hành nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động đổi mới có tác động đến hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm: đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ, đổi mới tiếp thị, đổi mới tiến trình và đổi mới tổ chức. Bên cạnh đó, đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ có tác động lớn nhất đến hiệu quả đổi mới của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tự nhiên
Tính các thừa số dạng đa cực và đánh giá đóng góp của tương tác yếu trong tán xạ ở năng lượng cao
Tóm tắt
|
PDF
Các công thức tính yếu tố ma trận rút gọn có mặt trong biểu thức thừa số dạng đa cực của hạt nhân trong tán xạ ở năng lượng cao được thiết lập trong khuôn khổ lý thuyết hợp nhất điện từ-yếu. Các thừa số dạng đa cực của hạt nhân trong tán xạ đàn hồi ứng với trạng thái cơ sở được tính toán từ các công thức đưa ra. Đóng góp của tương tác yếu ở năng lượng hàng trăm GeV trở lên cũng được đánh giá trên cơ sở các thừa số dạng vừa tính được.
Phân loại bằng phương pháp Bayes và ứng dụng trong y học
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết này nghiên cứu bài toán phân loại bằng phương pháp Bayes, trong đó việc ước lượng hàm mật độ xác suất và tìm xác suất tiên nghiệm từ số liệu thực tế được xem xét. Nghiên cứu cũng giải quyết được những tính toán phức tạp của phương pháp này bởi sự xấp xỉ và chương trình Matlab được xây dựng. Từ những cải tiến trên, thuật toán phân loại bệnh bằng phương pháp Bayes được đề xuất. Thuật toán này được áp dụng cụ thể cho một tập dữ liệu thực tế bệnh suy thận mạn tại bệnh viện đa khoa Trung ương Thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy thuật toán đề nghị đã cho kết quả tốt trong phân loại bệnh này. Kết quả này cũng chứng minh ưu điểm của thuật toán đề xuất so với các thuật toán được áp dụng phổ biến gần đây.
Nghiên cứu tương tác của vorinostat với enzyme HDAC8 (1T67) bằng Autodock
Tóm tắt
|
PDF
Vorinostat là thuốc có khả năng ức chế enzyme HDAC, được FDA Hoa Kỳ phê duyệt năm 2006 điều trị u lympho tế bào T ở da. Trong số 18 loại enzyme HDAC, vorinostat ức chế mạnh hoạt động của enzyme HDAC1, HDAC2, HDAC3 và HDAC6. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tài liệu công bố về khả năng ức chế của vorinostat về HDAC8 (1T67). Trong nghiên cứu này, các tương tác của vorinostat với enzyme HDAC8 (1T67) được thực hiện và mô tả bằng việc docking vorinostat vào vùng hoạt động của enzyme HDAC8 thông qua Autodock. HDAC8 là HDAC loại I được coi là mục tiêu điều trị trong các bệnh khác nhau bao gồm: ung thư, nhiễm ký sinh trùng và hội chứng Cornelia de Lange. Trong các tế bào khối u vú xâm lấn, HDAC8 là một trong ba thành viên nhóm các HDAC được điều hòa và điều trị xâm lấn. Phân tích kết quả docking cho thấy vorinostat tương tác mạnh với ion Zn+2, Gly151, Gly304, Asp178, Tyr306, Phe207, Met274 và các amino acid khác. Do đó, kết quả là tiền đề giúp thiết kế các chất ức chế chọn lọc HDAC8 mới.
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xác định các thông số hình thái lưu vực sông Lại Giang, tỉnh Bình Định
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo giới thiệu kết quả ứng dụng GIS xác định hình thái lưu vực sông Lại Giang, tỉnh Bình Định. Các thông số hình thái lưu vực sông như ranh giới, diện tích, hệ số đối xứng, hướng dòng chảy, độ cao, độ dốc trung bình, ... của lưu vực được tính toán từ dữ liệu mô hình số độ cao (DEM) với độ phân giải 12,5×12,5 m cho kết quả định lượng khá chính xác. Kết quả xác định thông số hình thái cho thấy lưu vực sông Lại Giang có diện tích 1404,41 km2; độ cao trung bình 300 m; chiều dài của lưu vực khoảng 87 km; có sự bất đối xứng lớn giữa tả ngạn và hữu ngạn với hệ số đối xứng lưu vực = 0,27; độ dốc trung bình 9,10o,… Theo hướng dòng chảy lưu vực sông Lại Giang được chia thành hai vùng rõ rệt (vùng An Lão và vùng Kim Sơn). Thông qua xác định hình thái lưu vực sông Lại Giang giúp nhà quản lý đánh giá khả năng tập trung lũ, truyền lũ, phân bố lũ cũng như trữ lượng nước trên toàn lưu vực.
Nông nghiệp
Phân tích hiệu quả tài chính và các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận mô hình trồng hẹ và húng cây chuyên canh của nông hộ tại xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích hiệu quả tài chính và các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận mô hình trồng hẹ và húng cây chuyên canh của nông hộ dựa trên cơ sở khảo sát 120 nông hộ tại xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Các phương pháp thống kê mô tả, so sánh trung bình và hồi qui đa biến đã được áp dụng để phân tích số liệu. Kết quả cho thấy mô hình trồng hẹ và húng cây chuyên canh đều mang lại lợi nhuận cao. Lợi nhuận (31.704.398 đồng/1000m2/năm) của mô hình trồng hẹ cao hơn so với lợi nhuận (28.018.263 đồng/1000m2/năm) của mô hình trồng húng cây, nhưng tỷ suất lợi nhuận của mô hình trồng hẹ (1,147 lần) thấp hơn so với tỷ suất lợi nhuận (1,557 lần) của mô hình trồng húng cây. Các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận có ý nghĩa thống kê của mô hình trồng hẹ là chi phí phân, chi phí thuốc, chi phí điện, chi phí lao động thuê và của húng cây là chi phí giống, chi phí phân, chi phí thuốc, chi phí điện, chi phí thu hoạch, chi phí lao động nhà và chi phí lao động thuê.
Quy trình canh tác giống lúa nàng nhen thơm phục tráng cho vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Vùng Bảy Núi tỉnh An Giang có nhiều giống lúa bản địa ngon cơm đã được lưu giữ và truyền thừa, tiêu biểu phải kể đến là lúa Nàng Nhen là giống lúa mùa thơm cổ truyền gắn liền từ hàng trăm nay với người dân Khmer. Giống lúa Nàng Nhen thơm không chỉ là giống lúa đặc sản nổi tiếng bởi phẩm chất gạo ngon và hương thơm đặc trưng dễ chịu mà giống lúa này chỉ thích hợp sản xuất với đất ruộng vùng Bảy Núi, thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy nhiên, giống Nàng Nhen trong sản xuất đang thoái hóa, công tác phục tráng giống lúa Nàng Nhen được thực hiện nhằm duy trì các đặc tính tốt về chất lượng cũng như có năng suất của giống lúa này. Ba dòng ưu tú đã được tuyển chọn có thời gian sinh trưởng ngắn, phẩm chất tốt, hàm lượng amylose thấp, có tiềm năng năng suất. Bên cạnh các kỹ thuật canh tác truyền thống, việc nghiên cứu thời vụ gieo cấy và ứng dụng kỹ thuật canh tác có bổ sung phân hữu cơ vi sinh giúp gia tăng năng suất đạt 5,51 tấn/ha so với cách canh tác truyền thống chỉ đạt 4,59 tấn/ha. Chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với giống lúa Nàng Nhen thơm đúng quy trình không những giúp giữ năng suất ổn định mà còn để duy trì mùi thơm đặc trưng của hạt gạo được lâu dài.
Ảnh hưởng của mặn NaCl đến sự tăng trưởng và tích lũy sinh khối của ba loài cỏ voi (Pennisetum sp.) ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của ba loài cỏ voi (Pennisetum sp.) bao gồm cỏ voi VA06 (Pennisetum purpureum), cỏ voi xanh Thái Lan (Pennisetum glaucum) và cỏ voi tím (Pennisetum setaceum), làm cơ sở cho việc lựa chọn bổ sung các loài cỏ trồng trên vùng đất nhiễm mặn. Cây được trồng bằng phương pháp thủy canh trong dung dịch dinh dưỡng Hoagland với năm mức độ muối NaCl 0, 5, 10, 15 và 20 g NaCl/L. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên thừa số 2 nhân tố với ba lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Kết quả cho thấy cả ba loài cỏ voi đều giảm sinh trưởng, sinh khối tươi, sinh khối khô, tốc độ tăng trưởng và chỉ số SPAD khi độ mặn tăng lên. Cỏ voi tím là loài có khả năng chịu mặn kém nhất trong ba loài cỏ voi nghiên cứu, cây có dấu hiệu ngộ độc mặn cháy lá ở 10 g NaCl/L và tất cả cây chết khi độ mặn tăng lên 15 và 20 g NaCl/L. Kết quả cho thấy cỏ voi Thái Lan và cỏ voi xanh VA06 là hai loài cỏ voi có tiềm năng để chọn trồng kết hợp với chăn nuôi gia súc ở những vùng đất bị nhiễm mặn trong bối cảnh xâm nhập mặn hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh hưởng của kỹ thuật cắt dây tại thời điểm 50 ngày sau khi trồng đến đặc tính sinh trưởng, năng suất và chất lượng của ba giống khoai lang tím (Ipomoea batatas (L.) Lam.)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật cắt dây tại thời điểm 50 ngày sau trồng đến sự sinh trưởng, năng suất cũng như chất lượng của ba giống khoai lang tím (Ipomoea batatas (L.) Lam). Đề tài được bố trí tại xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, thừa số hai nhân tố. Nhân tố (A) bao gồm: ba giống khoai lang tím (HL491 (địa phương), Lord và Malaysia. Nhân tố (B) bao gồm: cắt dây và không cắt dây, có hai mức độ là không cắt dây và cắt dây. Thí nghiệm có 4 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là 10 m2. Kết quả thí nghiệm cho thấy, việc cắt dây khoai lang tím vào lúc 50 ngày sau trồng và giữ phần thân chính còn lại khoảng 50-60 cm đã làm thay đổi một số chỉ tiêu sinh trưởng của dây khoai lang và giúp gia tăng số củ hình thành, tăng năng suất và một số chỉ tiêu phẩm chất củ như hàm lượng chất khô, tinh bột và anthocyanin trong thịt củ. Kết quả cho thấy, giống khoai lang tím Malaysia có chiều dài dây và các chỉ tiêu năng suất (tổng số củ, năng suất thương phẩm và năng suất tổng) cao hơn so với giống khoai lang tím HL491 và khoai lang tím Lord. Giống khoai lang tím HL491 có số nhánh, số lá, hàm anthocyanin và flavonoid cao hơn hai giống còn lại.
Ảnh hưởng của biện pháp thụ phấn bổ sung đến sự đậu trái của giống mãng cầu Xiêm và mãng cầu Xiêm Thái (Annona muricata) tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu cải thiện năng suất và chất lượng trái mãng cầu Xiêm (MCX) và mãng cầu Xiêm Thái (MCXT) tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên 4 nghiệm thức, 5 lần lặp lại, mỗi đơn vị thí nghiệm là một cây. Hai thí nghiệm đã được tiến hành trên cây MCX và MCXT 5 năm tuổi, từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 2 năm 2019. Bốn nghiệm thức bao gồm: (i) thụ phấn tự nhiên, (ii) thụ phấn bổ sung bằng chính nguồn phấn của nó, (iii) thụ phấn bổ sung bằng phấn của cây khác cùng giống và (iv) thụ phấn chéo với phấn hoa của giống khác. Kết quả cho thấy thụ phấn bổ sung làm tăng tỷ lệ đậu trái, tỷ lệ trái cân đối, giảm tỷ lệ rụng trái non. Điều đó dẫn đến sự gia tăng năng suất trên cả hai giống MCX và MCXT. Thụ phấn bằng nguồn phấn của cây khác cùng giống làm tăng năng suất rõ rệt so với thụ phấn tự nhiên, cao gấp 2,8 lần trên giống MCX và 2,5 lần trên giống MCXT. Biện pháp thụ phấn bổ sung không ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu phẩm chất trái.
Công nghệ sinh học
Tạo dòng, biểu hiện nhân tố bám dính F18 trên bề mặt tế bào nấm men Pichia pastoris
Tóm tắt
|
PDF
Tiêu chảy sau cai sữa (post-weaning diarrhea, PWD) là bệnh thường gặp ở heo con, gây tổn thất kinh tế nặng nề. Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC) là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây PWD. Chủng vi khuẩn này đặc trưng bởi hai yếu tố gây bệnh là nhân tố bám dính thành ruột, và các độc tố gây mất nước. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tiên mao F18 và F4 là hai kháng nguyên bám dính phổ biến nhất ở các chủng ETEC trong nước và trên thế giới. Vaccine là biện pháp ngăn ngừa PWD hữu hiệu và kinh tế, đặc biệt là vaccine uống với khả năng kích thích hệ miễn dịch đường ruột. Hiện nay vacccine uống phòng ETEC/F4 đã được thương mại hóa, tuy nhiên nhân tố bám dính F18 vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kích thích miễn dịch niêm mạc ruột. Ở nghiên cứu này, hệ thống nấm men Pichia pastoris biểu hiện nhân tố bám dính F18 trên bề mặt được phát triển và đánh giá khả năng biểu hiện trên màng. Kết quả cho thấy F18 đã được biểu hiện trong phân đoạn màng của P. pastoris. Hệ thống biểu hiện trên bề mặt nấm men P. pastoris này có thể được ứng dụng nhằm tạo ra vaccine uống giá rẻ và hiệu quả.
Phân lập và tuyển chọn các dòng vi khuẩn có khả năng phân huỷ hoạt chất carbosulfan từ đất trồng lúa chuyên canh ở tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện trên các mẫu đất lúa chuyên canh 3 vụ ở tỉnh Hậu Giang nhằm mục tiêu phân lập và tuyển chọn một số dòng vi khuẩn có khả năng phân huỷ hoạt chất carbosulfan. Khảo sát khả năng tăng trưởng của vi khuẩn trên môi trường khoáng tối thiểu bổ sung carbosulfan nồng độ tăng dần từ 30 mg.L-1 đến 60 mg.L-1dựa trên phương pháp đếm sống. Định lượng dư lượng carbosulfan trong dịch nuôi vi khuẩn bằng kỹ thuật sắc ký khối phổ. Kết quả cho thấy tổng cộng 31 dòng vi khuẩn đã được phân lập. Đa số các dòng phân lập có hình dạng que ngắn, Gram âm và di chuyển chậm. Tổng cộng 31 dòng vi khuẩn phát triển tốt trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng bổ sung 20 mg.L-1 carbosulfan. Trong đó, 8, 6, 7 và 6 dòng phát triển tốt trong môi trường lỏng bổ sung lần lượt 30, 40, 50 và 60 mg.L- carbosulfan sau 72 giờ nuôi cấy. Trong đó, hai dòng vi khuẩn ký hiệu NB02 và NB04 phát triển mật số tốt trong môi trường lỏng chứa 60 mg.L-1 carbosulfan được nhận diện lần lượt là loài vi khuẩn Stenotrophomonas panacihumi và Acinetobacter calcoaceticus. Hai dòng vi khuẩn này lần lượt phân huỷ 82,3% và 75,0% carbosulfan trong môi trường khoáng tối thiểu lỏng sau 7 ngày nuôi cấy ở điều kiện phòng thí nghiệm với nồng độ ban đầu là 60 mg.L-1.
Bước đầu xây dựng bộ KIT phát hiện sự lẫn tạp DNA một số loại thịt trong thực phẩm chay
Tóm tắt
|
PDF
Thực phẩm chay đang được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ vì mục đích tín ngưỡng mà còn để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp phát hiện sự hiện diện của các loại thịt trong thực phẩm chay do không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng DNA để nhận diện thành phần nguyên liệu đã được sử dụng thành công ở nhiều đối tượng. Trong nghiên cứu này, bộ KIT phát hiện DNA từ một số loại thịt phổ biến dựa vào kĩ thuật PCR đa mồi (Multiplex PCR) được xây dựng và hoàn thiện. Kết quả bộ KIT bước đầu có thể xác định được sự hiện diện của DNA trong các loại thịt heo, bò, và gà trong thực phẩm chay ở nồng độ DNA 50 ng/phản ứng. Kết quả này là tiền đề để phát triển và đưa vào ứng dụng bộ KIT PCR để kiểm tra sự hiện diện của các loại thịt ở các mẫu thực phẩm nói chung và thực phẩm chay nói riêng trong thực tế.
Khảo sát khả năng kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase và gây độc tế bào ung thư vú (MCF-7), ung thư cổ tử cung (HeLa) của cao chiết từ cánh hoa vạn thọ (Tagetes erecta L.)
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát hàm lượng polyphenol toàn phần (bằng phương pháp Folin-Ciocalteu) và hàm lượng flavonoid (bằng phương pháp so màu AlCl3) của các cao chiết từ cánh hoa vạn thọ thuộc 2 giống vạn thọ hoa vàng và vạn thọ hoa cam (Tagetes erecta L.). Hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế α-glucosidase và gây độc tế bào cũng được khảo sát trong nghiên cứu này. Kết quả cho thấy, hàm lượng polyphenol toàn phần trong mẫu cao chiết bằng ethanol 70% của cánh hoa vạn thọ hoa vàng là 150,18 ± 1,24 (mg GAE/ g dược liệu khô) cũng như hoạt tính kháng oxy hóa (khảo sát bằng phương pháp khử gốc tự do DPPH) và hoạt tính ức chế α-glucosidase của mẫu cao chiết này cao hơn các mẫu cao chiết còn lại gồm cánh hoa vạn thọ hoa vàng dung môi ethanol 96%, cánh hoa vạn thọ hoa cam dung môi ethanol 70% và ethanol 96%. Kết quả thống kê cũng chỉ ra được có sự tương quan giữa hàm lượng polyphenol, flavonoid và hoạt tính ức chế α-glucosidase trong các mẫu cao chiết. Ở nồng độ 500 µg/mL, các mẫu cao chiết đều thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trên 2 dòng tế bào ung thư vú MCF-7 và ung thư cổ tử cung HeLa (thực hiện bằng phương pháp Sulforhodamin B). Hàm lượng polyphenol và flavonoid trong mẫu cao chiết từ cánh hoa vạn thọ càng cao, hoạt tính ức chế α-glucosidase của mẫu cũng sẽ cao tương tự.
Công nghệ thông tin
Quản lý dữ liệu không gian trong các hệ thống thông tin nền web: các vấn đề phát sinh và giải pháp chuẩn hóa
Tóm tắt
|
PDF
Trong một hệ thống quản lý cho các tổ chức có quy mô lớn, nhu cầu theo dõi và quản lý hạ tầng không gian đang ngày trở thành nhu cầu thiết yếu. Mặc dù phần lớn các tổ chức này sở hữu rất nhiều hệ thống thông tin chuyên ngành khác nhau nhưng phần lớn đều bỏ qua các thông số không gian. Điều đó dẫn đến rất nhiều hạn chế liên quan đến việc quản trị các đối tượng phân tán như cơ sở hạ tầng. Bài viết đề xuất quy trình và mô hình chuẩn hóa dữ liệu hạ tầng (không gian và phi không gian) dựa trên nguyên lý thực thể học phân tán. Mô hình đề xuất, dựa trên hai nhóm dịch vụ Web: Domain-based Web Services (DWS) và Web Features Services (WFS), đã đạt được mục tiêu chuẩn hóa hai nhóm dữ liệu hạ tầng đặc thù là phi không gian và không gian, sẵn sàng vận hành trên môi trường phân tán để kết xuất các bản đồ tương tác nền Web.
Công nghệ thực phẩm
Ảnh hưởng của quá trình chế biến đến chất lượng của nấm rơm thanh trùng trong môi trường acid
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát ảnh hưởng của điều kiện chế biến đến chất lượng nấm rơm thanh trùng trong môi trường acid. Nấm rơm được hút chân không trong thời gian 10 phút và chần ở nhiệt độ 100oC trong dung dịch glucono-delta-lactone (GDL) có pH = 3 đến nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 90oC. Nấm sau chần được cho vào bao bì nhựa và rót dung dịch GDL có nồng độ 1%, tỉ lệ nấm rơm: nước rót là 40:60. Nấm rơm chứa trong bao bì nhựa được thanh trùng trong hệ thống thanh trùng dạng phun nước có lưu lượng nước phun 0,6 m3/h với nhiệt độ thanh trùng 90oC, sản phẩm đạt giá trị Fvalue bằng 18 phút, có màu sắc và cấu trúc tốt. Sau 4 tuần bảo quản ở nhiệt độ thường (khoảng 30oC) sản phẩm có mật số vi sinh vật hiếu khí là 6,0Í101 cfu/g cho thấy quá trình thanh trùng đảm bảo được an toàn về mặt vi sinh cho sản phẩm.
Tuyển chọn và ứng dụng dòng vi khuẩn lactic lên men dưa bồn bồn (Typha orientalis) muối chua
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh được dòng vi khuẩn lactic có khả năng sinh ra hàm lượng acid lactic cao từ cây bồn bồn (Typha orientalis), đồng thời ứng dụng lên men dưa bồn bồn và tìm ra nghiệm thức tối ưu cho quá trình lên men đạt hiệu quả cao. Từ nguồn mẫu bồn bồn được thu tại tỉnh Cà Mau, dòng CMT2 cho hàm lượng acid cao nhất được tuyển chọn trong 21 dòng vi khuẩn lactic được phân lập. Kết quả định danh bằng phương pháp 16S rRNA cho thấy dòng CMT2 tương đồng 99% với dòng Lactobacillus plantarum đã được đăng ký trên GenBank với mã số MN841920. Sau 6 ngày lên men dưa bồn bồn, thông qua phần mềm Design Expert 7.0 với mô hình Box–Behnken, đã xác định được nghiệm thức tối ưu cho quá trình lên men dưa bồn bồn là pH 4,87, nồng độ muối 4,08%, mật số vi khuẩn 5,1 x 108 tế bào/mL với hàm lượng lactic acid đạt 5,71 g/L.
Xã hội-Nhân văn
Biểu hiện khuynh hướng sử thi trong hồi kí cách mạng Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Khảo sát hồi kí cách mạng, khuynh hướng sử thi là một đặc điểm quan trọng trong việc phản ánh hiện thực và thể hiện hình tượng con người. Bài viết làm nổi bật biểu hiện của khuynh hướng sử thi của hồi kí qua việc tái hiện những sự kiện trọng đại của dân tộc và xây dựng hình tượng nhân dân với tầm vóc vĩ đại. Đặc điểm này trong hồi kí nói riêng và các thể loại văn học nói chung cho thấy xu hướng vận động và phát triển của văn học cách mạng Việt Nam.
Nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương, Thừa Thiên Huế, Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Phủ Tuy Lý Vương được xây dựng dưới triều Nguyễn (1802-1945), mang những đặc trưng văn hóa xã hội Việt Nam trong thời kỳ này. Phủ Tuy Lý Vương là công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật kiến tạo cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Nghiên cứu này đã tiến hành điều tra, phân tích và tổng hợp nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương trên phương diện bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian cảnh quan, kiến trúc cảnh quan và cây xanh cảnh quan. Kết quả của nghiên cứu này đã làm rõ giá trị nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương và là cơ sở dữ liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực cảnh quan cổ điển trên Thế giới và Việt Nam.
Công nghệ
Tổng hợp zeolite NaA/NaX từ tro trấu không nung bằng phương pháp thủy nhiệt
Tóm tắt
|
PDF
Khoa học kỹ thuật phát triển và bùng nổ dân số dẫn đến môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm kim loại nặng. Tổng hợp zeolite và ứng dụng làm chất hấp phụ, xúc tác rắn và trao đổi ion đã được quan tâm. Trong nghiên cứu này, zeolite được tổng hợp từ tiền chất sodium silicate có nguồn gốc từ tro trấu không nung. Phần trăm thu hồi silica từ tro trấu không nung là 90% ở tỉ lệ tro trấu:NaOH = 1:10 (g/mL), nồng độ NaOH 5 M, thời gian phản ứng 3 h, tốc độ khuấy 300 rpm ở 90oC. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp zeolite NaA/NaX như tỉ lệ SiO2:Al2O3, nhiệt độ phản ứng T1 (oC), thời gian phản ứng t1 (h) và thời gian già hóa t2 (h) được khảo sát. Kết quả cho thấy phần trăm zeolite NaA/NaX kết tinh là 52,7% ở 100oC, 4 h, thời gian già hóa 12 h, tỉ lệ SiO2:Al2O3 = 1:2,5 và tỉ lệ Al:NaOH = 1:2. Mặc dù phần trăm kết tinh của zeolite NaA/NaX không cao so với những nghiên cứu đã công bố nhưng nghiên cứu này đã sử dụng trực tiếp tro trấu mà không cần trải qua quá trình nung để thu hồi silica. Do đó, quy trình tổng hợp thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng của quá trình.
Phương pháp cải thiện độ bền môi trường của vật liệu composite từ nhựa polypropylene và trấu
Tóm tắt
|
PDF
Bài báo trình bày kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng và phương pháp cải thiện độ bền môi trường của vật liệu composite từ trấu nghiền và nhựa polypropylene (PP). Các phương pháp cải thiện độ hút nước vật liệu như xử lý nguyên liệu trấu bằng dung dịch sodium hydroxide, sử dụng potassium permanganate/acetone, bổ sung chất tương hợp MAPE và phủ lớp nhựa mỏng trên bề mặt mẫu vật liệu. Kết quả cho thấy việc phủ lớp mỏng nhựa PP (3%) lên bề mặt vật liệu composite là phương pháp hiệu quả để cải thiện độ hút nước cho vật liệu, cụ thể là giảm gần 70% độ hút nước so với mẫu không được phủ. Bên cạnh đó, việc kết hợp MAPE (2%) vào vật liệu composite cũng góp phần hạn chế tính hút nước cho vật liệu, tuy nhiên chỉ cho hiệu quả đáng kể trong khoảng 7 ngày đầu (giảm độ hút nước gần 40% so với mẫu không chứa MAPE). Việc xử lý trấu nghiền với KMnO4 và NaOH hầu như không hiệu quả để giảm độ hút nước cho vật liệu. Ngoài ra, để hạn chế tác động của tia tử ngoại đến vật liệu, các hợp chất chứa titanium dioxide như TiO2 kích thước nano, masterbatch PP-PE-TiO2 và TiO2 công nghiệp được sử dụng. Kết quả là, mẫu composite kết hợp với 0.5% TiO2 dạng masterbatch đạt hiệu quả cao nhất đồng thời vẫn giữ được 98.67% độ bền kéo và 99% độ bền uốn sau thời gian khảo sát.
Chăn nuôi
Khảo sát gene mã hóa độc lực và quan hệ di truyền của vi khuẩn Salmonella weltevreden và Salmonella Typhimurium phân lập trên heo, môi trường và động vật hoang dã tại tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm khảo sát sự hiện diện của gene độc lực và quan hệ di truyền của hai chủng S. Weltevreden và S. Typhimurium phân lập trên heo, môi trường và động vật hoang dã tại tỉnh Vĩnh Long. Kỹ thuật PCR được sử dụng để xác định sự hiện diện của các gene độc lực trên 22 chủng S. Weltevreden và 19 chủng S. Typhimurium. Kết quả cho thấy có sự hiện diện 6/6 gene độc lực được khảo sát trên hai chủng vi khuẩn này, trong đó gene sopB chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả S. Weltevreden (81,82%) và S. Typhimurium (94,74%). Ứng dụng phương pháp ERIC-PCR trong nghiên cứu này để xác định mối quan hệ di truyền của các chủng S. Weltevreden và S. Typhimurium cho thấy các chủng phân lập được có mối quan hệ di truyền tương đồng khá cao. Các chủng S. Weltevreden đa dạng với 21 kiểu hình và có khả năng vấy nhiễm qua phân, nước thải, gián và đặc biệt từ thằn lằn là loài động vật trung gian đáng quan tâm. S. Typhimurium cũng có sự đa dạng về kiểu hình di truyền (17 kiểu hình) và có thể nhiễm qua phân, côn trùng như ruồi, kiến.
Sự hiện diện của gene độc lực và tính đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Escherichia coli O157:H7/H- phân lập từ bò tại Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Vi khuẩn Escherichia coli O157:H7/H- là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trên thế giới và con bò là động vật mang trùng chủ yếu nhất. Tổng số 24 chủng E. coli O157:H7/H- (11 chủng E. coli O157:H7, 13 chủng E. coli O157:H-) phân lập trên bò tại Đồng bằng sông Cửu Long được khảo sát sự hiện diện của các gene độc lực (stx1, stx2, eae, EHEC-hlyA) và sự nhạy cảm đối với 12 loại kháng sinh. Thông qua phương pháp PCR, tỷ lệ hiện diện của các gene độc lực trên 24 chủng E. coli O157:H7/H- lần lượt là stx1 (29,17%), stx2 (33,33%), eae (37,50%) và EHEC-hlyA (33,33%); có 7/11 chủng E. coli O157:H7 mang đầy đủ 4 gene độc lực được khảo sát. Các chủng E. coli O157:H7/H- còn nhạy cảm cao (100%) với 7 loại kháng sinh (ceftazidime, gentamycin, amikacin, kanamycin, tetracycline, ciprofloxacin, và norfloxacin). Tuy nhiên, các chủng này cho thấy có sự đề kháng khá cao đối với ampicillin (50,00%) và đề kháng thấp đối với nalidixic acid (16,67%), bactrim (12,50%), amox-clavulanic (8,33%), và ceftriaxone (8,33%). Ngoài ra, các chủng vi khuẩn E. coli O157:H7/H- này có thể đề kháng từ 2 đến 5 loại kháng sinh với 5 kiểu hình đa kháng được ghi nhận.
Kinh tế xã hội
Phân tích hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Tóm tắt
|
PDF
Nhằm góp phần để xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn nhóm các hội đồng quản trị của 75 HTXNN. Kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng về hoạt động của các HTXNN tỉnh Vĩnh Long còn nhỏ về quy mô thị trường, số lượng thành viên và vốn điều lệ. Số lượng dịch vụ của các HTXNN còn hạn chế, chủ yếu là hoạt động đơn dịch vụ. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tài chính của các HTXNN trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, lợi nhuận chỉ dao động khoảng 129-177 triệu đồng/năm. Các chỉ số tài chính của HTXNN có dịch vụ đều cao hơn so với HTX không có dịch vụ. Về kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HTXNN cho thấy số lượng dịch vụ, quy mô của HTX, chi phí sản xuất và số lượng thành viên HTX có ảnh hưởng có ý nghĩa và tỷ lệ thuận với lợi nhuận.
Nghiên cứu mức sẵn lòng trả cho dịch vụ xe buýt nhanh BRT tại thành phố Cần Thơ: Tiếp cận bằng phương pháp định giá ngẫu nhiên và định giá suy luận
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm ước lượng giá sẵn lòng trả của người dân thành phố Cần Thơ cho dịch vụ xe buýt nhanh (bus rapid transit - BRT) tiếp cận bằng phương pháp định giá ngẫu nhiên (contingent valuationa methodology - CVM) và định giá suy luận (inferred valuation - IV) dưới dạng lựa chọn nhị phân kép (double-bound dichotomous choice). Nghiên cứu cũng xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sẵn lòng chi trả cho dịch vụ BRT của người dân sử dụng hàm Probit. Số liệu trong bài viết được thu thập từ phỏng vấn ngẫu nhiên 150 đáp viên đã và đang sử dụng xe buýt tại các quận trung tâm của thành phố Cần Thơ bao gồm: Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Kết quả nghiên cứu cho thấy giá sẵn lòng trà (WTP – willing to pay) trung bình là 15.750 đồng/vé cho một lần đi xe buýt BRT theo phương pháp CVM. Theo phương pháp định giá suy luận dạng 1 và dạng 2, giá trị ước lượng WTP trung bình lần lượt là 16.787 đồng và 17.920 đồng/vé. Kết quả nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến quyết định chi trả cho BRT là số thành viên trong gia đình, thu nhập và hiện trạng đi xe buýt của đáp viên. Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu này cũng khuyến nghị các nghiên cứu về CVM trong tương lai nên dùng phương pháp IV để kiểm tra tính chính xác của phương pháp CVM truyền thống.