Ngày xuất bản: 23-06-2016

Mô hình trường 3D thông số môi trường ao nuôi thủy sản

Dương Thái Bình, Võ Minh Trí
Tóm tắt | PDF
Đề tài nhằm bước đầu xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và xây dựng mô hình phân bố các chỉ số quan trọng trong ao nuôi thủy sản. Trong đó, nhiệt độ ao nuôi giả lập được chọn làm thông số giám sát và sự phân tầng của nhiệt độ trong không gian ao nuôi được mô phỏng dựa trên dữ liệu thu thập thực tế. Đề tài xây dựng ao nuôi giả lập kết hợp cảm biến nhiệt độ DS18B20 cùng với mạch vi điều khiển Arduino và phần mềm MATLAB tạo ra được một công cụ thu thập, lưu trữ và truy xuất dữ liệu nhiệt độ trong môi trường 3D của ao nuôi giả lập. Đề tài góp phần trong việc thiết kế và xây dựng hệ thống giám sát các thông số môi trường ao nuôi một cách tự động, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nuôi thuỷ sản.

Tổng hợp biodiesel từ bùn thải trong điều kiện methanol-nước cận tới hạn

Huỳnh Liên Hương, Đỗ Thị HồNg PhượNg, NguyễN Thị NhiễN, Hồ Quốc Phong
Tóm tắt | PDF
Biodiesel có thể được tổng hợp từ phản ứng giữa methanol và chất béo trong nguyên liệu dưới sự hiện diện của nước trong điều kiện cận tới hạn mà không cần phải sử dụng xúc tác như potassium hydroxide hay acid sulfuric. Trong nghiên cứu này phản ứng chuyển hóa ester trực tiếp (in-situ transesterification) trong điều kiện cận tới hạn sẽ được khảo sát và so sánh với phương pháp sử dụng xúc tác thông thường. Bùn thải được chọn làm nguyên liệu khảo sát. Kết quả thí nghiệm cho thấy hiệu suất chuyển hóa biodisel đạt được khá cao (90,46 %) khi tiến hành phản ứng trong điều kiện cận tới hạn ở 200°C và 6h. Kết quả đạt được khi  sử dụng xúc tác acid sulfuric là 97,05 % ở điều kiện phản ứng là 55°C trong 24h. Do phản ứng được thực hiện trong điều kiện cận tới hạn, không cần phải sử dụng xúc tác nên quy trình tổng hợp rất đơn giản và không gây ô nhiễm môi trường so với khi sử dụng xúc tác. Ngoài ra, trong điều kiện cận tới hạn, nước đóng vai trò như là xúc tác nên việc loại trừ nước trong nguyên liệu là không cần thiết. Phương pháp cận tới hạn được đánh giá là một phương pháp có tiềm năng áp dụng cho các nguồn nguyên liệu chất lượng thấp có hàm lượng acid béo và nước cao.

Nghiên cứu các phương pháp quản lý thời gian dự trữ của công việc bằng sơ đồ mạng trong quản lý dự án

Võ Minh Huy, Nguyễn Thanh Tâm
Tóm tắt | PDF
Quản lý dự án xây dựng bằng sơ đồ mạng là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần để đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ. Thông qua việc lập tiến độ, tính thời gian thực hiện dự án và thời gian dự trữ cho công việc là một nguồn tài nguyên có giá trị, các kỹ sư quản lý dự án sẽ đề xuất các phương pháp nhằm hạn chế tối đa sự chậm trễ bằng việc tối ưu hóa thời gian thi công, nguồn lực cũng như chi phí xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các bên tham gia dự án đơn vị nào sẽ sở hữu thời gian dự trữ hoàn thành của công việc. Thêm vào đó, các bên tham gia dự án nếu sử dụng hết thời gian dự trữ hoàn thành thì dự án sẽ có thể chậm trễ và ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Nghiên cứu này sẽ phân tích các phương pháp quản lý thời gian dự trữ của công việc bằng sơ đồ mạng, và đề xuất giải pháp áp dụng quản lý dự án thực tế. Kết quả của nghiên cứu cho thấy thời gian dự trữ của công việc được sử dụng và phải kiểm soát chặt chẽ cũng như có sự thống nhất trong hợp đồng xây dựng giữa các bên tham gia.

Hệ thống gợi ý hỗ trợ tra cứu tài liệu

Trần Nguyễn Minh Thư, Huỳnh Quang Nghi
Tóm tắt | PDF
Tra cứu tài liệu phục vụ cho nghiên cứu là thường xuyên và cần thiết đối với tất cả sinh viên cũng như giảng viên, đây là một quá trình không thể thiếu trong bất kỳ thư viện hay trung tâm học liệu. Tuy nhiên, các chức năng tìm kiếm hiện nay chủ yếu dựa theo từ khoá nên kết quả tìm kiếm không được phong phú cũng như chưa thực sự hiệu quả đáp ứng nhu cầu của độc giả. Để hỗ trợ tốt nhất cho độc giả tại các thư viện, trung tâm học liệu, nghiên cứu này đề xuất ứng dụng phương pháp lọc cộng tác của hệ thống gợi ý kết hợp với công cụ chỉ mục từ khoá tìm kiếm Elastic Search vào chức năng tìm kiếm tài liệu. Kết quả là một hệ thống gợi ý tài liệu – RecoLRC đảm bảo tìm kiếm tốt theo từ khoá đồng thời tạo ra danh sách các gợi ý dựa trên tên tài liệu, từ khoá và lịch sử mượn sách. Hệ thống RecoRLC giúp nâng cao hiệu quả của việc tra cứu tại Trung tâm Học liệu-Trường Đại học Cần Thơ.

Giải thuật xếp thời khóa biểu ứng dụng vào bài toán quản lý xếp lịch thi kết thúc các lớp học phần tại Trường Đại học Cần Thơ

Trương Quốc Định, Nguyễn Thanh Hải
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết là đề xuất quy trình và xây dựng hệ thống quản lý công tác tổ chức thi kết thúc các lớp học phần tại Trường Đại học Cần Thơ. Bài viết tập trung vào việc đề xuất quy trình đăng ký xếp lịch thi chung và thi riêng nhằm giải quyết các vấn đề bất cập còn tồn tại của việc tổ chức một tuần thi riêng và một tuần thi chung. Từ quy trình đề xuất, chúng tôi xây dựng hệ thống cho phép giảng viên đăng ký lịch thi riêng và thi chung một cách thuận lợi trong đó lịch thi chung được xếp một cách tự động theo tiêu chí không có sinh viên bị trùng lịch thi và không thi cùng hai môn thi trong một buổi thi.

Ứng dụng mô hình toán thủy lực một chiều mô phỏng dòng chảy trong giai đoạn mùa khô trên sông Hậu

Phạm Lê Mỹ Duyên, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Sông Hậu là một trong hai nhánh chính của sông Mê Kông, đóng góp lượng phù sa màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp và duy trì hệ thống Đồng bằng sông Cửu Long. Những dự đoán về tác động của việc xây dựng các đập thủy điện dọc sông Mê Kông, dòng chảy và trầm tích dọc sông Hậu được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ. Mô hình thủy lực một chiều (HEC-RAS) đã được xây dựng trên đoạn sông Hậu nhằm mô phỏng dòng chảy trong hai tháng mùa khô trong điều kiện hiện tại. Bên cạnh đó, những giả thiết đặt ra trong đề tài gồm: (i) bổ sung các nhánh sông thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên để thể hiện lượng nước mất của sông Hậu, và (ii) lược bỏ các nhánh sông ở tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ. Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định mô hình với hệ số nhám n = 0,022 (sông Hậu) và n =0,032 (các nhánh sông còn lại trong vùng nghiên cứu) cho kết quả mực nước tốt nhất. Ngoài ra, hệ số tương quan tuyến tính (R2) giữa mô phỏng và thực đo cũng có giá trị trên 0,5 nên mô hình HEC-RAS có khả năng sử dụng để đánh giá động thái nguồn tài nguyên nước dọc sông Hậu.

Áp dụng phương pháp k - Nearest Neighbors để ước lượng giá trị lâm phần lá rộng thường xanh dựa vào ảnh vệ tinh đa phổ SPOT 5

Nguyễn Thị Thanh Hương
Tóm tắt | PDF
Các biến số liên tục như trữ lượng hay sinh khối là rất cần thiết trong quản lý rừng và kế hoạch sử dụng rừng. Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp kNN (k-Nearest Neighbors) để ước lượng trữ lượng lâm phần rừng tự nhiên lá rộng thường xanh đã bị tác động ở các mức độ khác nhau. Nghiên cứu đã thử nghiệm với các giải pháp khác nhau, bao gồm lâm phần được ước lượng chung và ước lượng theo các khối trạng thái rừng; dữ liệu ảnh được ước lượng là ảnh chỉ số khác biệt thực vật NDVI (Normalized difference vegetation index) được tính từ ảnh SPOT 5 và ảnh đa phổ SPOT 5. Kết quả việc ước lượng bằng phương pháp kNN với dữ liệu từng khối trạng thái và ước lượng chung cho toàn lâm phần cho thấy nếu lâm phần được chia thành các khối tương đối đồng nhất thì việc ước lượng sẽ đạt kết quả tốt hơn so với việc ước lượng chung cho toàn bộ lâm phần, đặc biệt là đối với các khối trạng thái ít bị tác động. Tính chung cho toàn lâm phần sai số ước lượng bằng dữ liệu SPOT 5 đạt kết quả tốt hơn so với sử dụng dữ liệu NDVI. Trong khi sai số trung phương RMSE = 27,7 m3ha-1 tương ứng với sai số trung phương tương đối RMSE% = 15,6% nếu sử dụng ảnh SPOT5 để ước lượng thì sai số này của ảnh NDVI là 37,7 và 20,9%. Tuy nhiên, với lâm phần đã bị tác động mạnh (lớp1), kết quả ước lượng trữ lượng sử dụng dữ liệu NDVI cho thấy hiệu quả hơn so với ảnh đa phổ. Sai số ước lượng bằng ảnh đa phổ là 37 m3ha-1tương ứng với RMSE% là 37,3%, trong khi sai số này khi ước lượng bằng ảnh NDVI là 25 m3ha-1 với RMSE%  là 28%.

Ảnh hưởng của hợp chất gây rối loạn nội tiết nonylphenol lên sức sống và sinh sản của ba loài vi giáp xác, Ceriodaphnia cornuta, Daphnia lumholtzi và Daphnia magna

Võ Thị Mỹ Chi, Đào Thanh Sơn, Nguyễn Thanh Sơn
Tóm tắt | PDF
Sự hiện diện của những hợp chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disrupting compounds, EDCs) trong môi trường đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái do những ảnh hưởng của chúng gây ra. Trong đó, nonylphenol (NP), một loại EDCs, là một trong số những hợp chất gây rối loạn nội tiết được sử dụng phổ biến trong hoạt động công nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay những ảnh hưởng mãn tính của loại hợp chất này lên sinh vật nói chung và vi giáp xác nói riêng vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Vì vậy, trong nghiên cứu này, ảnh hưởng mãn tính của NP lên vi giáp xác Ceriodaphnia cornuta và Daphnia lumholtzi được đánh giá tại các nồng độ 110, 560 và 2800 µg/L và ảnh hưởng của hóa chất này lên Daphnia magna tại các nồng độ 280, 560 và 1120 µg/L trong thời gian 10 ngày. Kết quả cho thấy, tất cả các nồng độ thí nghiệm của NP đều ảnh hưởng đến sức sống và sinh sản của sinh vật. Đặc biệt, tại nồng độ thí nghiệm 560 µg NP/L đối với D. lumholtzi và D. magna, 110 µg NP/L đối với C. cornuta bắt đầu ghi nhận được những ảnh hưởng nghiêm trọng so với lô đối chứng. Vì vậy, cần chú ý đến sự hiện diện, phân bố và ảnh hưởng của những hợp chất gây rối loạn nội tiết, đặc biệt là NP lên thủy sinh vật và cân bằng hệ sinh thái thủy vực.

Xây dựng bộ dữ liệu GIS quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất phục vụ cấp nước tỉnh Sóc Trăng

Trương Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Xuân Thịnh, Văn Phạm Đăng Trí, Trần Thị Lệ Hằng
Tóm tắt | PDF
Hệ thống cấp nước sạch tại tỉnh Sóc Trăng do 2 đơn vị cấp nước là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Sóc Trăng và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng thực hiện. Nguồn nước khai thác phục vụ cấp nước của 2 đơn vị được khai thác từ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Để thực hiện khai thác nước dưới đất (NDĐ) phục vụ cho sản xuất, cả 2 đơn vị phải thực hiện xin cấp phép khai thác, kiểm tra và quan trắc định kỳ (chất lượng và mực nước) tại công trình khai thác theo quy định. Tuy nhiên, các dữ liệu về công trình, giấy phép khai thác, các báo cáo quan trắc định kỳ về trữ lượng, chất lượng nước khai thác được cơ quan quản lý lưu trữ dạng hồ sơ giấy và các bảng tính riêng lẻ gây khó khăn trong kiểm soát thông tin khai thác. Nghiên cứu sử dụng phần mềm ArcGIS tạo bộ dữ liệu và bản đồ chuyên đề phục vụ công tác quản lý cấp nước tại địa phương. Nghiên cứu dừng lại ở công tác xây dựng bộ dữ liệu cho 2 đơn vị cấp nước, tiếp theo cần xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên NDĐ trên phạm vi toàn tỉnh.

Chất lượng nước trên sông chính và sông nhánh thuộc tuyến Sông Hậu

Nguyễn Thị Kim Liên, Vũ Ngọc Út, Trương Quốc Phú, Dương Thị Hoàng Oanh, Lâm Quang Huy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá đặc điểm chất lượng nước trên sông chính và sông nhánh thuộc tuyến sông Hậu làm cơ sở cho việc quản lý và bảo vệ nguồn nước trên sông này. Mẫu nước được thu vào mùa mưa (tháng 6/2013 và tháng 9/2013) và mùa khô (tháng 12/2013 và 3/2014) tại 14 điểm trên sông chính và 22 điểm trên sông nhánh để phân tích một số thông số chất lượng nước. Kết quả cho thấy ở hầu hết các vị trí thu mẫu nhiệt độ và pH phù hợp với đời sống của thủy sinh vật, độ đục và TSS vào mùa mưa cao hơn mùa khô. Hàm lượng DO giữa các khu vực dao động trong khoảng 1,76-7,96 mg/L, trung bình 4,9±1,4 mg/L. Hàm lượng các chất dinh dưỡng và vật chất hữu cơ vào mùa khô cao hơn mùa mưa. Giá trị trung bình của TAN, N-NO3-, TN, P-PO43-, TP, COD và TOM ghi nhận được lần lượt là 0,26±0,26 mg/L, 0,11±0,07 mg/L, 1,17±0,6 mg/L, 0,1±0,07 mg/L, 0,29±0,25 mg/L, 14,3±6,3 mg/L và 5,7±1,4%. Kết quả phân tích PCA cho thấy có qui luật biến động chung của một số thông số chất lượng nước ở khu vực nghiên cứu. Hàm lượng vật chất lơ lửng đạt giá trị cao vào mùa mưa, trong khi hàm lượng dinh dưỡng và vật chất hữu cơ có giá trị cao nhất vào mùa khô. Nhìn chung, chất lượng nước trên sông Hậu khá giàu dinh dưỡng, đặc biệt ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả các mô hình sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

Lê Tấn Lợi, Lê Thị Mỹ Tiên, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố có tác động đến hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Ba Tri, Bến Tre. Các phương pháp như: đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA), phỏng vấn lấy ý kiến chuyên gia (KIP) và phỏng vấn nông hộ được áp dụng để thu thập số liệu tại ba vùng sinh thái nông nghiệp bao gồm: vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn. Dùng phần mềm mDSS kết hợp DPSIR xác định sự tương tác và kiểm soát các yếu tố tác động đến sự bền vững và FAHP-GDM để phân tích thứ bậc xác định mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố đến mô hình canh tác. Kết quả cho thấy: Nước, dịch bệnh, khả năng vốn của nông dân, hiệu quả đồng vốn và hỗ trợ kỹ thuật là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Về kinh tế: vùng  ngọt sẽ ưu tiên bố trí mô hình Dừa, Lúa 2 vụ và Chuyên màu; vùng mặn bố trí mô hình Muối; vùng  lợ bố trí mô hình Tôm-Lúa. Về môi trường: vùng ngọt bố trí theo thứ tự là Dừa, Lúa 2 vụ; vùng mặn bố trí sản xuất Muối và vùng lợ là mô hình Tôm-Lúa. Kết quả này làm cơ sở giúp các nhà quản lý trong việc hỗ trợ và ra quyết định sử dụng đất nông nghiệp hợp lý và hiệu quả theo hướng phát triển bền vững.

Bào chế và thử nghiệm In vitro liposome metformin

Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Thiện Toàn, Lê Thùy Dung, Trần Thanh Xuân, Lê Thanh Phước
Tóm tắt | PDF
Metformin là thuốc được Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo điều trị bước đầu đối với bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Tuy nhiên thuốc được hấp thu nhanh chóng (sau 2,5 giờ), thời gian bán thải ngắn (0,6-2,9 giờ) vì vậy bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc nhiều lần trong ngày. Điều này làm giảm sự tuân thủ của bệnh nhân và tăng tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, nghiên cứu bào chế và đánh giá đặc tính của liposome metformin được thực hiện nhằm giảm số lần dùng thuốc trong ngày, tăng hiệu quả điều trị và giảm độc tính. Hệ phân tán liposome metformin được tạo ra bằng phương pháp hydrat hóa film mỏng, với thành phần chính của màng liposome là phosphatidylcholine (PC) kết hợp với cholesterol (CHL) có tỷ lệ choleslerol thay đổi từ 20-30%. Dựa vào khả năng liposome hóa, kích thước các tiểu phân (hạt) và kết quả phóng thích thuốc từ thử nghiệm in vitro để xác định hệ có công thức tối ưu nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy các công thức tạo ra đều cho hiệu suất liposome hóa cao (61,7-74,3%), có sự phóng thích thuốc chậm trong 8 giờ và bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ khối lượng phosphatidyl choline/cholesterol và khối lượng màng liposome/metformin. Công thức tối ưu trong nghiên cứu (F) với tỷ lệ PC/CHL là 80/20 và tỷ lệ màng liposome/metformin là 4/1 có hiệu suất liposome hóa trên 74%, kích thước hạt trung bình 521 nm và cho thấy sự phóng thích thuốc kéo dài (sau 8 giờ chỉ giải phóng 60% dược chất). Đây là công thức có tiềm năng phát triển dạng thuốc phóng thích kéo dài cho metformin.

Phân tích thống kê các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Khoa Khoa học Tự nhiên Trường Đại học Cần Thơ

Võ Văn Tài, Nguyễn Thành Luân, Trần Quốc Anh
Tóm tắt | PDF
Dựa trên những thông tin được khảo sát, bằng các phương pháp phân tích thống kê đơn biến và đa biến, bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ (CNS). Phân tích số liệu cho thấy, kết quả học tập phụ thuộc vào nhiều nhân tố: Trình độ ngoại ngữ, việc yêu thích ngành học, sự tự học, việc tham gia các hoạt động của lớp, của đoàn và điểm tuyển sinh đầu vào. Sự phân tích cũng cho thấy, kết quả học tập phụ thuộc vào năm học, ngành học và điểm tuyển sinh. Kết quả của nghiên cứu là thông tin hữu ích, làm cơ sở cho những đề xuất và những cải tiến trong quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của CNS.

Tính nửa liên tục trên của ánh xạ nghiệm bài toán cân bằng mạnh theo nón Lorentz

Lâm Quốc Anh, Nguyễn Hữu Danh, Lê Minh Huy
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi xét các bài toán cân bằng mạnh theo nón Lorentz trong không gian mêtric. Các điều kiện đủ cho tính nửa liên tục trên, tính đóng của ánh xạ nghiệm cho bài toán đang xét cũng được thiết lập. Chúng tôi đưa ra nhiều thí dụ để chỉ ra rằng tất cả các giả thiết đưa ra là tính cốt yếu. Ứng dụng các kết quả đạt được vào bài toán bất đẳng thức biến phân theo nón Lorentz cũng được thảo luận.

Nghiên cứu bào chế niosome metformin

Lê Thùy Dung, Lê Trọng Nghĩ, Lê Thanh Phước
Tóm tắt | PDF
Metformin là thuốc trị đái tháo đường (ĐTĐ) sử dụng điều trị bước đầu dành cho bệnh nhân ĐTĐ type 2 theo phác đồ điều trị của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Tuy nhiên, thuốc thường hấp thu nhanh chóng, thời gian bán thải ngắn. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm góp phần tìm kiếm dạng thuốc mới cho metformin, giúp kéo dài thời gian tồn tại của thuốc trong huyết tương, tăng hiệu quả điều trị và mang lại hiệu quả kinh tế thông qua việc kết hợp metformin vào niosome. Các chất hoạt động bề mặt (HĐBM) không ion khác nhau (tween 80, span 80, span 60) và cholesterol (1:1, mol/mol) được sử dụng để tạo niosome bằng phương pháp hydrat hóa film mỏng. Tiến hành khảo sát ảnh hưởng của những loại chất hoạt động bề mặt khác nhau, thời gian siêu âm, phương pháp đưa metformin vào niosome đến kích thước tiểu phân (hạt) và hiệu suất niosome hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi siêu âm hệ trong 30 phút cho kích thước hạt nhỏ hơn, hiệu quả đưa dược chất vào hệ tốt hơn khi siêu âm 15 phút. Đối với hai phương pháp đưa metformin vào niosome thì phương pháp chủ động tạo ra các hạt có kích thước lớn hơn và hiệu suất niosome hóa tốt hơn phương pháp thụ động. Kích thước trung bình các tiểu phân thay đổi từ 0,6 µm (span 60) đến 9,8 µm (tween 80+span 60), hiệu suất niosome hóa cao nhất với phương pháp thụ động là 19,9% (tween 80) và với phương pháp chủ động là 36,3% (tween 80+span 80). Hầu hết các công thức tạo ra đều giữ trạng thái nhũ ổn định hơn 30 ngày bảo quản.

Ảnh hưởng của beta-glucan và bột đạm thuỷ phân từ phụ phẩm cá tra (Pangasius hypophthalmus) trong khẩu phần đến tăng trưởng của heo con sau cai sữa

Nguyễn Thị Thủy, HuỳNh Thị ThắM
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm đánh giá sự kết hợp của chế phẩm Beta-glucan và bột đạm thủy phân từ phụ phẩm cá tra (BTP) trong khẩu phần lên tăng trưởng của heo con sau cai sữa được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên trên 36 heo con sau cai sữa (26-28 ngày tuổi), với 3 nghiệm thức (NT) và 4 lần lặp lại (ô chuồng), 3 con/ô chuồng. NT đối chứng (ĐC) bao gồm thực liệu cơ bản và bột cá biển (BC), 2 NT còn lại được thay thế đạm thô (CP) của BC bằng CP của BTP có kết hợp với Beta-glucan (BTPB) và không có Beta-glucan (BTP). Kết quả về tăng trọng (ADG) bình quân của heo cao nhất là ở BTPB (393,3 g/con/ngày), thấp nhất là ở ĐC (315,7 g/con/ngày); tiêu tốn thức ăn (ADFI) gần như không có sự khác biệt có‎ nghĩa thống kê giữa các NT dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của heo ở BTPB thấp nhất 1,76 kg TA/kg tăng trọng (TT), cao nhất ở ĐC là 2,18 kg TA/kg TT. Về tỷ lệ và mức độ tiêu chảy của heo ở BTPB là thấp nhất (7,8 % và 0,12), cao nhất là ở ĐC (18,0 % và 0,14). Chí phí thức ăn/kg TT ở BTPB thấp nhất (20.144 VND/kg TT), cao nhất là ở ĐC (24.494 VND/kg TT). Nhìn chung, khẩu phần sử dụng bột đạm thủy phân kết hợp với chế phẩm Beta- glucan cải thiện tăng trưởng và giảm được tỷ lệ và mức độ tiêu chảy ở heo con sau cai sữa.

Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm giun sán trên chó nuôi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Nguyễn Phi Bằng, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Hồ Bảo Trân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2014 đến 6/2015 nhằm xác định mức độ lưu hành bệnh giun sán trên chó nuôi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang bằng phương pháp nghiên cứu tại một thời điểm. Đánh giá một số yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm bệnh giun sán ký sinh trên chó bằng Relative risk (RR) để xác định mức độ ảnh hưởng giữa yếu tố nguy cơ đến bệnh giun sán ký sinh trên chó. Chó nhiễm giun sán với tỉ lệ nhiễm cao 73,67%, trong đó có 4 loài thuộc lớp giun tròn là Ancylostoma sp., Toxocara canis, Toxascaris leonina, Trichocephaplus vulpis và 3 loài thuộc lớp sán dây là Dipylidium  caninum, Spirometra mansoni, Taenia sp.. Có ba yếu tố nguy cơ liên quan mật thiết đến tỷ lệ nhiễm bệnh giun sán trên chó là phương thức nuôi, vệ sinh gia súc và tẩy giun sán định kỳ. Cả ba yếu tố này đều làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh giun sán ký sinh trên chó nuôi tại thành phố Long Xuyên với phương thức nuôi thả rong là 1,71 lần, vệ sinh tắm chải dưới 1 lần/tuầnlà 1,40 lần, không thực hiện tẩy giun định kỳ 1,83 lần.

Đánh giá và chọn lọc các dòng mía (Saccharum officinarum L.) chịu mặn tái sinh từ mô sẹo đã được xử lý ethyl methane

Phạm Đình Dũng, Dương Ngọc Kiều Thi, Đoàn Thị Quỳnh Hương, Phạm Văn Thắng, Phạm Thị Thì
Tóm tắt | PDF
Nhằm tạo ra giống mía có năng suất cao, phẩm chất tốt và có khả năng kháng mặn. Trong điều kiện in vitro, các cá thể mía được tái sinh sau khi xử lý đột biến được đánh giá lại trên 2 loại chất làm rắn (agar và phytagel) ở các nồng độ muối khác nhau từ 70 ÷ 160 mM. Phytagel đã được xác định là chất làm rắn phù hợp để đánh giá và chọn lọc các dòng mía có khả năng chịu mặn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, đã chọn được những dòng mía có khả năng chịu mặn ở các ngưỡng muối khác nhau để khảo sát ở điều kiện trong nhà màng là D1 sử dụng nồng độ muối 160 mM, D2 sử dụng nồng độ muối 135 mM và D3 sử dụng nồng độ muối 120 mM. Qua các chỉ tiêu sinh trưởng như số lá, số đốt và chiều cao cây, cho thấy dòng mía D1 sinh trưởng và phát triển ổn định ở nồng độ muối 100 mM.

Nghiên cứu cải thiện sự tồn tại của xạ khuẩn trong chế phẩm tồn trữ dạng đông khô

Đoàn Thị Kiều Tiên, Huỳnh Vân An, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Xạ khuẩn 54 là dòng xạ khuẩn triển vọng trong phòng trừ nhiều bệnh do nấm gây hại trên cây trồng. Nghiên cứu các chất phụ gia giúp bảo vệ và cải thiện tế bào xạ khuẩn trong điều kiện đông khô là rất cần thiết cho việc ứng dụng xạ khuẩn trên diện tích rộng. Nghiên cứu đầu tiên về chất phụ gia bảo vệ tế bào xạ khuẩn 54 RM tồn tại trong điều kiện đông khô, kết quả đã ghi nhận gelatin 5% và 10%, sucrose 5% thể hiện hiệu quả bảo vệ tế bào xạ khuẩn 54 RM trong quá trình đông khô và sucrose 5% được chọn làm chất phụ gia bảo vệ tế bào xạ khuẩn trong quá trình đông khô cho các thí nghiệm tiếp theo. Nghiên cứu tiếp theo về chất phụ gia giúp tế bào xạ khuẩn 54 RM hồi phục từ tình trạng đông khô về tình trạng tăng trưởng, thí nghiệm khảo sát  sáu chất  phụ gia glucose (5% và 10%), mannitol (5% và 10%) và sữa ít béo (10% và 20%) và đối chứng không chất phụ gia. Kết quả các chất như sữa ít béo 10% và 20%, glucose 10% và mannitol 10% đều có hiệu quả phục hồi tế bào xạ khuẩn tốt hơn so với đối chứng. Thí nghiệm khảo sát thời gian tồn trữ của chế phẩm xạ khuẩn 54 RM dưới dạng bột đông khô. Thí nghiệm gồm nghiệm thức đối chứng và bốn nghiệm thức thêm chất bảo quản (sữa ít béo 10% và 20%, glucose 10% và mannitol 10%) với bốn lần lặp lại. Kết quả sữa ít béo 10% và 20% là chất phụ gia tốt, có khả năng phục hồi tế bào tốt so với các nghiệm thức còn lại. Chế phẩm xạ khuẩn 54 RM sau đông khô không giảm ý nghĩa về mật số sau 5 tháng tồn trữ ở nhiệt độ phòng.

Ảnh hưởng của bón NPK đến sinh trưởng, năng suất lúa trên đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Quốc Khương, TrầN Văn HùNg, Ngô Ngọc Hưng, Nguyễn Văn Nghĩa
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá đáp ứng của sinh trưởng và năng suất lúa đối với phân N, P, K trên đất phèn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thí nghiệm được thực hiện trên ba hộ nông dân khác nhau của mỗi vùng sinh thái tại Hòn Đất, Phụng Hiệp, Hồng Dân và Tháp Mười. Các nghiệm thức thí nghiệm cho từng hộ là (i) bón NPK; (ii) bón khuyết K; (iii) bón khuyết P; (iv) bón khuyết N và (v) bón theo nông dân (FFP). Kết quả thí nghiệm cho thấy, tính chất đất phèn Tháp Mười và Hồng Dân được ghi nhận có hàm lượng Al trao đổi rất thấp so với Hòn Đất và Phụng Hiệp, điều này dẫn đến năng suất lúa ở Tháp Mười và Hồng Dân (2,0-2,5 tấn ha-1) đạt cao hơn. Hiệu quả của phân đạm đối với năng suất lúa trên đất phèn được thể hiện qua sự gia tăng số bông m-2 và số hạt bông-1. Tác động của bón lân và kali đến năng suất lúa ở các địa điểm là không đáng kể, ngoại trừ có sự thể hiện rõ hơn đối với đất ở Tháp Mười. Năng suất lúa vụ Đông Xuân cao hơn so với Hè Thu ở mức 3 tấn ha-1, mặc dù lượng phân bón (kg N-kg P2O5-kg K2O ha-1) được sử dụng trên đất phèn ở vụ Đông Xuân (100-60-30) là ít khác biệt so với Hè Thu (80-60-30). Thành phần năng suất về số bông m-2 và tỉ lệ hạt chắc của lúa Đông Xuân thể hiện cao hơn khác biệt so với lúa Hè Thu. Năng suất lúa của nghiệm thức khuyết lân không thấp hơn so với có lân, nhưng sự giảm số bông m-2, số hạt bông-1 và trọng lượng 1000 hạt nên cần tiếp tục theo dõi và đánh giá trên nghiệm thức khuyết lân để có biện pháp bón lân có hiệu quả cho lúa trên từng vùng đất phèn cụ thể.

Ảnh hưởng của phân hữu cơ và vô cơ lên đặc tính đất và năng suất đậu phộng (Arachis hypogaea L.)

Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Bảo Vệ
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 lần lặp lại, gồm 7 nghiệm thức tương ứng với các tổ hợp phân khác nhau: Bón 80 kg/ha N + 170 kg/ha P2O5 + 210 kg/ha K2O (đối chứng-phân hóa học); bón 4, 6 tấn/ha phân hữu cơ và bón kết hợp phân hữu cơ với 100 % và 50 % lượng phân hoá học dùng làm đối chứng. Mật độ trồng khoảng cách là 20 x 15 cm. Kết quả thí nghiệm cho thấy khi bón kết hợp 4 tấn/ha phân hữu cơ vi sinh và 50 % lượng phân hoá học đối chứng thì cây sinh trưởng và cho năng suất không có khác biệt so với đối chứng. Ở các nghiệm thức có sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tính chất hoá học cũng như độ phì của đất có cải thiện hơn so với đối chứng và so với trước khi trồng.

Khảo sát mối tương quan giữa hàm lượng lân và hoạt tính enzyme phosphatase trên đất phèn chuyên canh khóm tại Tân Phước - Tiền Giang

Tất Anh Thư, Nguyễn Văn Quí
Tóm tắt | PDF
Enzyme phosphatase là enzyme tham gia xúc tác sự thủy phân các esters và phosphomonesterases phosphoric acid, giữ vai trò quan trọng trong các tiến khoáng hóa lân hữu cơ dẫn đến phóng thích lân hữu dụng cho cây trồng. Mục đích của nghiên cứu là nhằm đánh giá mối tương quan giữa hoạt tính enzyme phosphatse và một số đặc tính đất canh tác khóm trên vùng đất phèn tại Tân Phước- Tiền Giang. Mẫu đất (0-20 cm) được thu tại 20 ruộng canh tác khóm thuộc huyện Tân Phướcmỗi ruộng thu 5 mẫu xem như 5 lần lặp lại, dùng để phân tích các chỉ tiêu hóa học và sinh học đất. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có mối tương quan giữa hoạt tính enzyme phosphatase với đạm tổng số, mật số vi khuẩn nuôi cấy trên môi trường TSA. Ngược lại, hoạt tính enzyme phosphatase có mối trương quan chặt với pH, EC, chất hữu cơ, CEC, lân tổng số, N dễ tiêu, P dễ tiêu, mật số vi sinh vật nuôi cấy trên môi trường Pikovskaya có chứa lân dễ hòa tan (KH2PO4) và lân khó hòa tan Ca3(PO4)2. Kết quả phân tích hồi qui đa biến cho thấy các tính chất của đất như pHH20, PH20 và PBray2 có vai trò quan trọng giúp giải thích  hoạt tính enzyme phosphatase, và vì vậy có thể dựa vào kết quả phân tích các chỉ tiêu này để đánh giá hoạt tính enzyme phosphatase. Kết quả phân tích độ nhạy của phương trình hồi qui đa biến cho thấy, pH đất và PH20 là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất lên hoạt tính enzyme phosphatase trong đất.

Đặc điểm hình thái và sinh học của sâu đục trái cà xanh mỡ, Leucinodes orbonalis Guenée (Lepidoptera: crambidae)

Phạm Kim Sơn, Lâm Thị Xuân Mai, Thạch Anh Thảo, Lê Văn Vàng
Tóm tắt | PDF
Cà xanh mỡ được trồng phổ biến khắp nơi ở nước ta, là một trong những loại rau ăn quả có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin giúp cho sự duy trì và phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, cây cà phổi thường bị mất năng suất chủ yếu là do sâu đục trái, Leucinodes orbonalis Guenée (Lepidoptera: Crambidae) là loài gây hại nghiêm trọng nhất. Do đó, đặc điểm hình thái và sinh học, sự sinh sản và tuổi thọ của thành trùng loài gây hại này đã được khảo sát trong phòng thí nghiệm ở điều kiện nhiệt độ 29,9oC và ẩm độ 59,8%, làm cơ sở hữu ích cho việc xây dựng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp ổn định. Kết quả khảo sát đặc điểm của sâu đục trái cà phổi cho thấy các giai đoạn phát triển gồm trứng là 5,1±0,30 ngày, ấu trùng có 5 tuổi với thời gian phát triển là 12,9±1,08 ngày, thời kỳ nhộng là 9,33±1,0 ngày, tuổi thọ của thành trùng đực là 5,03±1,47 ngày và thành trùng cái là 5,66±1,6 ngày. Các số liệu sinh học cho thấy loài sâu hại này có thể hoàn thành vòng đời trong một tháng (29,73±2,14 ngày). Sau khi vũ hoá 1-3 ngày thành trùng có thể bắt cặp và đẻ trứng, khả năng sinh sản của bướm cái là 206,7 trứng trong 3,9 ngày với tỷ lệ nở là 56,19%.

Ảnh hưởng của ba khoảng cách hàng trên các đặc tính nông học và năng suất của năm giống đậu nành [Glycine max (L.) Merr.] vụ Xuân Hè 2015 tại tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Phước Đằng, Phan Thị Thanh Thủy, Thái Kim Tuyến
Tóm tắt | PDF
Năng suất đậu nành [Glycine max (L.) Merr.] đáp ứng nhanh với những thay đổi theo mật độ cây trồng và khoảng cách hàng. Mục đích của nghiên cứu là so sánh một số đặc tính nông học và năng suất của năm giống đậu nành được trồng ở ba khoảng cách hàng khác nhau tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức lô phụ (Split Plot), với lô chính là ba khoảng cách hàng (30, 40 và 50 cm) và lô phụ là năm giống đậu nành (MTĐ 176, MTĐ 517-8, MTĐ 760-4, MTĐ 860-3 và MTĐ 878-2). Khoảng cách giữa các cây (bên trong hàng) là 15 cm. Kết quả cho thấy giữa các giống có sự khác biệt ý nghĩa đối với tất cả số liệu được thu thập. Giống MTĐ 517-8 và MTĐ 878-2 phân cành khá, có nhiều trái và nhiều hạt trên cây dẫn đến năng suất đạt cao nhất, lần lượt là 2,95 tấn/ha và 2,73 tấn/ha. Trong khi khoảng cách hàng chỉ ảnh hưởng trên chiều cao cây lúc chín, chiều cao đóng trái, số cành, số hạt trong trái và năng suất hạt. Khả năng phân cành mạnh nhất ở khoảng cách 50 cm, nhưng chiều cao cây và năng suất hạt lại đạt cao nhất ở khoảng cách 30 cm (lần lượt là 45,2 cm và 3,17 tấn/ha, các khoảng cách còn lại năng suất khác biệt không ý nghĩa, dao động trong khoảng 2,10-2,48 tấn/ha. Do đó, trong số năm giống đậu nành được thử nghiệm có thể khuyến cáo cho nông dân trồng đậu nành ở vùng này sử dụng giống MTĐ 517-8 hoặc MTĐ 878-2 và gieo ở khoảng cách 30x15 cm có khả năng đạt năng suất tối đa.

Ảnh hưởng của bón giảm lượng phân lân đến lân dễ tiêu trong đất và năng suất lúa trên vùng đất trồng lúa ba vụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu

Vũ Văn Long, Nguyễn Văn Quí, Châu Minh Khôi, Nguyễn Minh Đông
Tóm tắt | PDF
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân thường cung cấp phân lân (P) cho đất trồng lúa vượt quá lượng P lấy đi từ đất. Qua nhiều năm, lượng P cung cấp thừa có thể đưa đến sự tích lũy P cao, đặc biệt trong đất trồng lúa 3 vụ. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá sự thay đổi về khả năng cố định P của đất, lượng P dễ tiêu trong đất, hàm lượng P hấp thu trong rơm, hạt và năng suất lúa khi áp dụng bón giảm lượng phân P. Thí nghiệm được thực hiện qua 7 vụ liên tục trên đất trồng lúa 3 vụ ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lặp lại. Các nghiệm thức bao gồm (1) không bón phân P, (2) bón 20 kg P2O5/ha, (3) bón 40 kg P2O5/ha, (4) bón 60 kg P2O5/ha. Mẫu đất được lấy vào vụ thứ 7 (vụ Đông Xuân 2013-2014) để đánh giá sự thay đổi về hàm lượng P dễ tiêu và khả năng hấp phụ P tối đa của đất. Hàm lượng P trong mẫu hạt và rơm cũng được phân tích, đồng thời ghi nhận các chỉ tiêu về thành phần năng suất và năng suất lúa. Kết quả nghiên cứu ghi nhận đất tại địa điểm nghiên cứu có khả năng hấp phụ P cao và có sự tích lũy P trong đất. Hàm lượng P dễ tiêu trong đất và hàm lượng P hấp thu trong rơm ở nghiệm thức không bón phân P qua 7 vụ liên tiếp (p < 0,05) mặc dù thấp khác biệt so với các nghiệm thức bón phân P, tuy nhiên hàm lượng P dễ tiêu trong đất vẫn ở ngưỡng đủ và năng suất lúa vẫn được duy trì. Bón giảm lượng phân P ở mức 20 và 40 kg P2O5/ha qua 7 vụ đã không ảnh hưởng đến hàm lượng P dễ tiêu trong đất, P hấp thu trong rơm, hạt và năng suất lúa so với mức bón 60 kg P2O5/ha.

Đánh giá hiệu quả lắng và chất lượng tảo Chaetoceros sp. được lắng với các nồng độ chitosan khác nhau

Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra nồng độ chitosan phù hợp để lắng tảo và sử dụng tảo lắng để ương sò huyết (Anadara granosa) giai đoạn giống. Nghiên cứu gồm có 2 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Trong thí nghiệm 1, tảo Chaetoceros sp. được lắng với 4 nồng độ chitosan khác nhau là 10, 40, 70 và 100 mg/L, sau đó tảo lắng được bảo quản ở 4oC  trong 14 ngày để kiểm tra tỷ lệ tế bào nguyên vẹn và sự phát triển của vi khuẩn. Trong thí nghiệm 2, sò huyết giống được cho ăn tảo đã được lắng với chitosan ở các nồng độ 40, 70, and 100 mg/L và tảo ly tâm được sử dụng như khẩu phần đối chứng. Kết quả từ thí nghiệm 1 cho thấy tảo lắng với chitosan từ 40-100 mg/L cho kết quả tương đương về hiệu suất lắng (91-92%) sau 7 giờ. Khi nồng độ chitosan tăng từ 10 đến 100 mg/L thì mật độ vi khuẩn tổng giảm xuống (p0,05). Trong thí nghiệm 2, sò huyết giống có tốc độ tăng trưởng cao nhất khi cho ăn tảo lắng với chitosan 40 mg/L và tương đương với cho ăn tảo ly tâm. Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy tảo Chaetoceros được lắng với chitosan ở nồng độ 40 mg/L là thích hợp làm thức ăn để ương sò huyết giống.

Ảnh hưởng diện tích hệ thống đất ngập nước kiến tạo đến chất lượng nước và sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kín

Ngô Thụy Diễm Trang, Bùi Thành Luân, Nguyễn Hồng Khoa, Hans Brix
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của diện tích đất ngập nước (ĐNN) tương ứng cho các nghiệm thức là 1,77; 0,78 và 0,41 m2 lên chất lượng nước bể nuôi tôm thâm canh tuần hoàn kín. Mỗi hệ thống ĐNN được bố trí theo kiểu lắp nối tiếp hệ thống chảy ngầm đứng và chảy ngầm ngang. Thực vật được trồng trên các hệ thống là cây Huệ nước (Canna sp.) với mật độ 10 cây/m2. Thí nghiệm được tiến hành trong 70 ngày. Kết quả cho thấy, diện tích ĐNN càng lớn thì chất lượng nước càng tốt. Trong thời gian nghiên cứu không cần thay nước mới nhưng nồng độ các chất ô nhiễm ở tất cả các nghiệm thức đều nằm trong ngưỡng an toàn cho tôm phát triển. Sự sinh trưởng của tôm không bị ảnh hưởng bởi diện tích đất ngập nước, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) ở ba nghiệm thức trong khoảng 1,49 – 2,47. Trong thí nghiệm hiện tại, diện tích 0,78 m2 là thích hợp để tiếp tục nghiên cứu ứng dụng ĐNN vào thực tế vì vừa đảm bảo chất lượng nước cũng như sự sinh trưởng của tôm.

Đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên cá sặc rằn (Trichogaster pectogalis) và khả năng nuôi cá ở tỉnh Hậu Giang trong điều kiện xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu

Lê Thị Phương Mai, Dương Văn Ni, Trần Ngọc Hải, Võ Nam Sơn, Đỗ Thị Thanh Hương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với 2 nội dung là (i) thí nghiệm đánh giá khả năng tăng trưởng của cá giống sặc rằn (Trichogaster pectogalis) khi nuôi ở các độ mặn khác nhau và (ii) khảo sát hiện trạng nuôi cùng với khả năng thích ứng của người nuôi cá trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đối với nội dung thứ nhất, thí nghiệm được tiến hành trên bể với 6 nghiệm thức có độ mặn là 0, 3, 6, 9, 12 và 15 ‰. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá sặc rằn tăng trưởng tốt nhất ở độ mặn 9 ‰(đạt 6,15 g/con và 7,67cm/con) nhưng tỷ lệ sống của cá đạt cao nhất ở độ mặn 3 ‰(92,2%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với độ mặn 6 và 9 ‰(55,6% và 12,1%). Nội dung thứ hai là khảo sát hiện trạng nuôi cá và ý kiến của người nuôi về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng lên nghề nuôi được tiến hành tại tỉnh Hậu Giang và Bạc Liêu với 32 hộ bằng phiếu câu hỏi soạn sẵn. Kết quả cho thấy, năng suất cá nuôi trung bình 8,71 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình 43,1 triệu đ/ha/vụ/. Có 84 – 90% số hộ  nuôi đã nhận biết được sự thay đổi của khí hậu và 59 – 84% người nuôi nhận định lượng mưa lớn và sự thay đổi của nhiệt độ đã tác động đến mô hình nuôi. Kết quả khảo sát cũng cho thấy 94% số hộ cho rằng chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn trong thời gian qua. Tuy nhiên, đối với khả năng bị xâm nhập mặn trong thời gian tới, có trên 42% số hộ vẫn nuôi cá bình thường khi độ mặn nhỏ hơn 5 ‰, khi độ mặn lớn hơn 5 ‰ có trên 75% nông hộ không đề xuất được giải pháp ứng phó.

Phân tích khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính của mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa luân canh với tôm sú ở v

Huỳnh Kim Hường, Trần Ngọc Hải, Đỗ Thị Thanh Hương, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành trong năm 2013, thông qua phỏng vấn trực tiếp 60 hộ nuôi tôm càng xanh kết hợp với lúa và luân canh với tôm sú ở tỉnh Bạc Liêu. Mục tiêu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nuôi tôm càng xanh, góp phần làm cơ sở cho việc phát triển mô hình trong môi trường nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy, trung bình diện tích nuôi của các hộ là 2,2 ha, mương bao chiếm 29,1%. Vùng nuôi tôm có độ mặn dao động trong năm khoảng 2 - 10‰. Mật độ thả tôm trung bình của các hộ là 1,1 con/m2 và có 50% số hộ cho tôm ăn bổ sung bằng các phụ phẩm hay cá tạp. Sau 6-8 tháng nuôi, trung bình năng suất tôm đạt 110 kg/ha/vụ và lợi nhuận đạt 11,5 triệu đồng/ha/vụ. Chi phí nuôi tôm càng xanh chỉ chiếm 11,8 % tổng chi phí sản xuất, nhưng đạt đến 22,7 % tổng lợi nhuận của cả mô hình tôm càng xanh – lúa và luân canh với tôm sú. Ngoài ra, nghiên cứu đã xác định các yếu tố như thời gian nuôi ngắn (6 tháng), ương giống trước khi thả, cho ăn bổ sung và thu tỉa đã làm tăng hiệu quả của mô hình nuôi. Độ mặn 2-10‰ không ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi, nhưng độ mặn 5-10‰ cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Kết quả cho thấy mô hình này rất triển vọng để mở rộng phát triển.

Ảnh hưởng của selenium hữu cơ lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng chịu sốc độ mặn của cá khoang cổ (Amphiprion ocellaris Cuvier, 1830)

Phạm Thị Anh, Hồ Sơn Lâm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện trong 8 tuần nhằm đánh giá ảnh hưởng của selenium hữu cơ (OS) đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và khả năng chịu sốc độ mặn của cá khoang cổ (Amphiprion ocellaris). Khối lượng và chiều dài trung bình ban đầu của cá lần lượt là 0,7± 0,1g và 3,5± 0,5cm. Cá được cho ăn 2 lần/ngày. Thí nghiệm được tiến hành với 4 nghiệm thức bao gồm: 0,1gOS/kg; 0,3gOS/kg; 0,5gOS/kg và 0,7gOS/kg thức ăn và nghiệm thức đối chứng (-OS). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần trong bể có thể tích 30 Lít với mật độ 15 cá thể/bể. Kết quả cho thấy sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng của cá khoang cổ ở các hàm lượng Selenium hữu cơ khác nhau. Cá được cho ăn OS với lượng 0,5g/kg thức ăn cho tốc độ tăng trưởng cao nhất với chiều dài và khối lượng khi kết thúc thí nghiệm lần lượt là: 4,24 ± 0,10 cm và 1,40 ± 0,10 g, tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nghiệm thức 0,3 và 0,5g OS/kg thức ăn về tốc độ tăng trưởng. Cá ở nghiệm thức 0,5g OS/kg thức ăn cho tỷ lệ sống cao nhất (91%) và khả năng chịu sốc độ mặn tốt nhất.

Ảnh hưởng của một số loại hóa chất và thuốc lên vi bào tử trùng (Microsporidia) nhiễm trong cơ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Nguyễn Thị Thu Hằng, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại hóa chất và thuốc lên vi bào tử trùng Microsporidia được thực hiện trong phòng thí nghiệm làm tiền đề cho thí nghiệm phòng và điều trị bệnh gạo gây ra trên cá tra nuôi trong ao. Vi bào tử trùng trong bào nang thu từ cá tra bệnh gạo được tinh sạch, sau đó xác định mật độ 107 bào tử/mL và cho bào tử tiếp xúc trực tiếp với thuốc và hóa chất ở nhiều nồng độ khác nhau. Kết quả cho thấy các hóa chất được sử dụng phổ biến như alcohol, formalin nồng độ 40-70%; chlorine dioxide, hydrogen peroxide, chlorine, iodine nồng độ 0,1-0,7% có tác động ảnh hưởng đến vi bào tử trùng Microsporidia. Tuy nhiên, thời gian hóa chất tác động đến vi bào tử trùng ở các nghiệm thức dao động từ 1,05-39,50 phút phụ thuộc vào nồng độ hóa chất. Ba loại kháng sinh là albendazole, fumagillin và TNP-470 cũng có khả năng tác động đến Microsporidia ở các nồng độ từ 0,1; 0,2; 1; 2; 3; 4; 5 µg/mL. Thời gian để thuốc tác động làm bất hoạt vi bào tử trùng từ 3,20-11,75 giờ, 4,03-13,67 giờ và  5,37-13,75 giờ tương ứng với albendazole, fumagillin và TNP-470  được sử dụng.

Tổ chức cho học sinh lớp 4 tiếp cận phân số dựa trên “số phần / toàn thể” thông qua hoạt động giải bài toán

Dương Hữu Tòng
Tóm tắt | PDF
Lịch sử toán học ghi nhận các cách tiếp cận phân số như sau: dựa trên số phần / toàn thể, dựa trên phép chia, dựa trên tia số, dựa trên lí thuyết tập hợp, dựa trên tỉ số. Mỗi cách tiếp cận gắn liền với hoạt động giải toán và mang lại nghĩa riêng cho nó. Sách giáo khoa toán 4 hiện hành giới thiệu cho học sinh tiếp cận phân số dựa trên số phần / toàn thể. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ diễn ra qua việc biểu diễn mô hình mà không thông qua giải một bài toán thực tiễn. Để khắc phục được hạn chế này, bài báo sẽ tổ chức cho học sinh lớp 4 tiếp cận phân số dựa trên số phần / toàn thể thông qua hoạt động giải bài toán thực tiễn.

Khảo sát tính cách sinh viên kỹ thuật thông qua DISC profile hỗ trợ công tác cố vấn học tập

Võ Trần Thị Bích Châu, Đoàn Thị Trúc Linh
Tóm tắt | PDF
DISC Profile (Dominance – Influence – Steadiness - Conscientiousness) is called the thorough person’s skill, become an effective tool for everyone to identify his or her personality, as well as the associate should revise for having good at communication habits of highlight. However, the model has been applied in some large companies but has not been used in Vietnamese universities. This research presents a survey of 237 students in the field of Industrial Management such as 65 students of freshmen, 92 students of sophomores, 40 students of juniors, and 40 students of seniors. The purpose of this research aims to determine the students’ personality so that academic consultants can provide their students with a better orientation strategy such as promoting their strengths, being the professional direction from the beginning. DISC Profile (Dominance – Influence - Steadiness - Conscientiousness) - Thuật thấu hiểu lòng người là công cụ để mỗi người tự nhận diện tính cách của mình cũng như đối phương, từ đó có cách giao tiếp phù hợp nhất. Mặc dù, mô hình đã được áp dụng tại một số công ty lớn, nhưng chưa được áp dụng trong môi trường đại học tại Việt Nam. Bài viết trình bày kết quả khảo sát 237 sinh viên các năm như 65 sinh viên năm nhất (K41), 92 sinh viên năm hai (K40), 40 sinh viên năm ba (K39), 40 sinh viên năm cuối (K38) của ngành Quản lý Công nghiệp. Mục đích của nghiên cứu là xác định tính cách sinh viên từ đó giúp cố vấn học tập định hướng giáo dục sinh viên tốt hơn như định hướng cách phát huy tính cách nổi trội của họ, định hướng nghề nghiệp từ ban đầu.

Ứng dụng bộ bản đồ giáo khoa điện tử trong dạy học địa lí 11 (Nghiên cứu thực nghiệm tại Trường Trung học phổ thông Cái Tắc - Hậu Giang)

Hồ Thị Thu Hồ, Hồ Thị Ngọc Huyền, Lê Văn Nhương
Tóm tắt | PDF
Bài viết này trình bày kết quả thực nghiệm (TN) ứng dụng bộ bản đồ giáo khoa (BĐGK) điện tử vào dạy học Địa lí 11 tại Trường THPT Cái Tắc, tỉnh Hậu Giang. Bộ BĐGK điện tử là sản phẩm của đề tài cấp trường T2013-64 do nhóm giảng viên Bộ môn Sư phạm Địa lí, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) thực hiện năm 2014. Việc thực nghiệm ứng dụng bộ BĐGK điện tử này được thực hiện qua 2 bài học Địa lí 11 theo hướng phát triển năng lực học sinh (HS), có so sánh giữa lớp thực nghiệm (TN) và lớp đối chứng (ĐC). Kết quả TN sư phạm đã chứng tỏ HS lớp TN nắm vững kiến thức bài học hơn HS lớp ĐC. Qua TN cũng thấy được những vấn đề cần hoàn thiện bộ BĐGK điện tử để nâng cao hiệu quả ứng dụng trong dạy học Địa lí lớp 11.

Tạo dựng lòng tin tiêu dùng rau an toàn: Trường hợp nghiên cứu ở thành phố Cần Thơ

Võ Minh Sang
Tóm tắt | PDF
Lòng tin của khách hàng là nhân tố quan trọng tạo dựng xu hướng và quyết định tiêu dùng. Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực tiêu dùng rau an toàn ở 194 người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đối tượng nghiên cứu được chọn theo phương pháp hạn mức. Phương pháp thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định (CFA), phân tích cấu trúc tuyến tính (SEM) được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả ghi nhận việc tiêu dùng rau an toàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ chưa phổ biến, chỉ khoảng 30% người tiêu dùng có tiêu dùng rau an toàn. Nguyên nhân chính tác động được ghi nhận là do lòng tin đối với rau an toàn chưa được tạo lập và tính bất tiện trong tiêu dùng. Thực trạng này là cơ sở đề xuất giải pháp cho việc tạo dựng lòng tin tiêu dùng đối với rau an toàn, cần tập trung vào yếu tố bao bì, sản phẩm, tiện dụng cùng với các giải pháp giải quyết rào cản trong tiêu dùng rau an toàn là tăng tính thuận tiện khi mua rau an toàn cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiêu dùng rau an toàn trong thời gian tới

Hiện trạng việc làm và các nhân tố kỹ năng cần thiết cho việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Cần Thơ

Phan Thị Ngọc Khuyên, Nguyễn Huy Hoàng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát 168 sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế (KDQT) tốt nghiệp năm 2011 đến tháng 6 năm 2015 từ Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi tốt nghiệp có 74,4% sinh viên có được việc làm, 7,1% đang học tiếp cao học và 18,5% chưa có việc làm. Có sự liên hệ khá chặt chẽ giữa việc có được việc làm hiện nay của cử nhân KDQT và kết quả tốt nghiệp, sinh viên có kết quả tốt nghiệp giỏi và xuất sắc dễ có việc làm hơn sinh viên khá và trung bình. Giữa khóa học và việc làm cũng có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê cao, các khóa 33, 34 có việc làm phù hợp chuyên môn cao hơn các khóa còn lại. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho ra kết quả có 8 nhóm nhân tố kỹ năng ảnh hưởng đến việc có được việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành KDQT bao gồm: Bán hàng; Lãnh đạo; Giao dịch đàm phán; Nghiệp vụ ngoại thương; Ứng dụng tin học; Hợp tác và tự làm việc; Tự chủ và thích ứng; Giao tiếp.

Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và những đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh Tây Nguyên từ thời kỳ đổi mới đến nay

Nguyễn Danh
Tóm tắt | PDF
Bài viết phản ánh kết quả nghiên cứu về tổ chức, nhân sự và điều kiện làm việc, thực trạng nguồn nhân lực, sự đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật 5 tỉnh Tây Nguyên qua chức năng, nhiệm vụ; sự đóng góp của trí thức KHCN đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã phản ánh đúng thực trạng và những bất cập của các Liên hiệp hội ở Tây Nguyên, vừa tạo cơ sở khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn trong việc đánh giá thực trạng cũng như xác định các nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục, góp phần hoạch định chính sách và nâng cao nhận thức về các liên hiệp hội ở Tây Nguyên, và có tác dụng tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sự đoàn kết giữa các liên hiệp hội, giúp thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước ở Tây Nguyên.

Tu từ đối chiếu: Một cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ ở cấp độ diễn ngôn

Đỗ Xuân Hải
Tóm tắt | PDF
Trong số nhiều nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ đã được thực hiện ở Việt Nam, đề tài đối chiếu ngôn ngữ ở cấp độ diễn ngôn chiếm số lượng khá khiêm tốn. Một lý do có thể có cho hiện trạng này là các nhà nghiên cứu trẻ chưa tìm được những mô hình lý thuyết cần thiết để thực hiện một nghiên cứu như vậy. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát về tu từ đối chiếu, một lĩnh vực nghiên cứu đã được thiết lập và có mối quan tâm đến đối chiếu ngôn ngữ ở cấp độ diễn ngôn. Chúng tôi đề nghị các nhà nghiên cứu trẻ thực hiện các đề tài đối chiếu ngôn ngữ ở cấp độ diễn ngôn xem xét sử dụng một số cơ sở lý thuyết quan trọng của lĩnh vực tu từ đối chiếu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng những cơ sở lý thuyết này là chưa đủ và các nhà nghiên cứu có thể cần phải bổ sung một số mô hình lý thuyết từ các lĩnh vực nghiên cứu khác nữa cho đề tài cụ thể của mình.

Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại Trường Đại học Tây Đô

Lê Thị Anh Thư, Nguyễn Ngọc Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo ở trường Đại học Tây Đô. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ 325 sinh viên theo phương pháp mẫu thuận tiện. Các phương pháp kiểm định Cronbach’s Alpha, phương pháp phân tích nhân tố (EFA) và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng để xác định các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 5 nhóm nhân tố có ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên, đó là: (1) Các chương trình hỗ trợ của nhà trường; (2) Trình độ của giảng viên; (3) Phẩm chất của giảng viên; (4) Khả năng thực hiện cam kết; (5) Cơ sở vật chất của nhà trường. Nhìn chung, sinh viên cảm thấy hài lòng với chất lượng đào tạo của nhà trường.

Khai thác di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cao Mỹ Khanh, Nguyễn Đức Toàn
Tóm tắt | PDF
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer với những sắc thái riêng, đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước. Các di sản văn hóa (DSVH) ở ĐBSCL không chỉ có giá trị trong việc giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người mà còn đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong hoạt động du lịch. Những DSVH, đặc biệt là DSVH phi vật thể như các loại hình trình diễn nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội, làng nghề... đều là những yếu tố cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn và độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với ĐBSCL. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích một số DSVH phi vật thể nổi bật ở ĐBSCL và đề xuất những phương hướng nhằm khai thác có hiệu quả trong hoạt động du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống của địa phương.

Cơ sở lí luận về du lịch chợ nổi

Nguyễn Trọng Nhân, Lê Thông
Tóm tắt | PDF
Du lịch chợ nổi là những hoạt động nảy sinh từ sự tương tác của du khách với hoạt động mua bán tập trung trên sông của người dân, có sự tham gia của cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chợ nổi nhằm phát triển bền vững. Du lịch chợ nổi thuộc loại hình du lịch truyền thống bản địa và thương mại. Cũng như các loại hình du lịch khác, du lịch chợ nổi cũng có những tác động tích cực và tiêu cực đến nơi đến. Để phát triển du lịch chợ nổi, cần phải tuân thủ 6 nguyên tắc căn bản. Các thành phần tham gia vào chợ nổi gồm chính quyền địa phương và các sở có liên quan, người dân địa phương và khách thương hồ, khách du lịch, công ty du lịch và hướng dẫn viên du lịch. Hệ thống du lịch chợ nổi gồm vùng tạo khách, vùng chuyển tiếp và vùng đến du lịch. Sự sẵn có các yếu tố hấp dẫn, khả năng tiếp cận thị trường, sự tham gia của người dân địa phương và khách thương hồ trong du lịch, sự sẵn có của những dịch vụ, nguồn nhân lực, trật tự và an toàn, giá cả dịch vụ, sự kết nối về mặt văn hóa, sự gần gũi thị trường về mặt địa lí là những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của du lịch chợ nổi.

Thực trạng lao động nông thôn, ảnh hưởng của đào tạo nghề, việc làm và thu nhập của lao động tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Quang Tuyến, Lê Hoàng Phúc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu “Thực trạng lao động nông thôn, ảnh hưởng của đào tạo nghề, việc làm và thu nhập của lao động tỉnh Vĩnh Long” nhằm tìm hiểu: (1) Thực trạng lao động, đào tạo nghề, việc làm và thu nhập, (2) Ảnh hưởng của đào tạo nghề, (3) Thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức của đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm, (4) Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Nghiên cứu được thực hiện thông qua thảo luận nhóm và phỏng vấn 180 hộ. Phân tích số liệu bằng thống kê mô tả, phân tích bảng chéo, hồi quy tương quan và ma trận SWOT. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Vĩnh Long có lao động nông thôn dồi dào, trình độ học vấn có hạn; nhận thức của lao động học nghề tốt, có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, khả năng gắn kết giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và người học còn hạn chế; (2) Các nhân tố như số lần học nghề, thời gian học, đa dạng nghề và liên kết sau đào tạo ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ, (3) Đào tạo nghề còn gặp khó khăn như trang thiết bị không đủ, lao động không có thời gian học,…

Vai trò của ngôn ngữ và thể loại trong tiếp nhận văn học

Lê Thị Nhiên
Tóm tắt | PDF
Bài viết luận giải về một số ảnh hưởng của tư duy triết học đến quá trình tiếp nhận văn bản văn học của người đọc dưới góc độ ngôn ngữ và thể loại. Trong đó, đặc điểm ngôn ngữ chi phối nghĩa của văn bản và mở ra khả năng tiếp nhận đa dạng cho người đọc. Đặc điểm thể loại quy định cách đọc và quá trình giải mã văn bản.

Nghiên cứu phong tục trên phương diện khái niệm và liên ngành

Tạ Đức Tú
Tóm tắt | PDF
Phong tục là một trong những thành tố quan trọng nhất của văn hoá. Nếu liệt kê sách viết về phong tục ở Việt Nam cũng đã có đến vài mươi đầu sách. Tuy nhiên, hầu hết chỉ miêu tả phong tục chứ chưa có một nhận thức khoa học đầy đủ về phong tục cũng như các vấn đề có liên quan trên phương diện lý luận. Qua bài viết này, chúng tôi cố gắng tìm ra một khái niệm khả dĩ trong nghiên cứu phong tục trên cơ sở nội hàm của nó; đồng thời gợi một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu phong tục trên cơ sở liên ngành.

Phẩm vật trong lễ cưới người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trần Thị Hoàng Mỹ
Tóm tắt | PDF
Dân tộc Việt Nam có vô vàn phong tục tập quán như: lễ tết, tang ma, cưới hỏi,… Trong đó, tục cưới hỏi được xem là một trong những nghi thức được chú trọng nhiều nhất vì nó ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người. Việc cưới xin vì vậy cũng được chăm chút hết sức chu toàn. Một phần không thể thiếu trong tất cả các đám cưới đó là phẩm vật cưới – tức là đồ sính lễ. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ xin khảo sát những nét đặc trưng trong phẩm vật cưới của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long để thấy được nét đặc trưng văn hóa của vùng này.

Tăng lợi nhuận thông qua giảm đầu tư trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Cảnh Dũng, Võ Văn Tuấn, Phạm Thị Nguyên
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích tăng lợi nhuận tài chính trong sản xuất lúa nhờ vào giảm dần sử dụng vật tư so với sản xuất theo tập quán của nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời khái quát hóa những hạn chế mà nông dân gặp phải và đề xuất các biện pháp thúc đẩy ứng dụng gói kỹ thuật 1 Phải 5 Giảm (1P5G). Nghiên cứu được thực hiện năm 2013 thông qua phỏng vấn 555 hộ nông dân tại 6 tỉnh thâm canh lúa cao bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng. Dùng kiểm định t – test phi tham số để so sánh sự khác biệt lượng đầu vào giữa các nhóm nông hộ thực hiện mô hình sản xuất giảm đầu tư và mô hình sản xuất theo tập quán. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình sản xuất giảm đầu tư có hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhóm hộ sản xuất theo tập quán. Tuy nhiên, hiện nay việc thâm canh lúa đang đối mặt với tình trạng sâu bệnh ngày càng nhiều trong bối cảnh biến đổi khí hậu; do đó, phần lớn nông dân đang sản xuất theo tập quán, sử dụng nhiều nông dược. Hơn nữa, thiếu tiếp cận kỹ thuật mới là một trong các nguyên nhân cản trở nông dân giảm sử dụng vật tư trong sản xuất lúa. Các chính sách và biện pháp khuyến nông cần được đẩy mạnh, trong đó cần thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật 1P5G nhằm thay đổi nhận thức và thuyết phục nông dân canh tác giảm sử dụng vật tư để giảm chi phí sản xuất.

Tình hình nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn tự sự học

Phạm Thị Lương
Tóm tắt | PDF
Gần đây vấn đề tự sự học đang ngày càng được quan tâm nghiên cứu sâu rộng ở trên nhiều bình diện. Từ những thành tựu nghiên cứu tự sự học trên thế giới, các nhà lí luận trong nước đã tích cực giới thiệu và vận dụng trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam. Người ta thấy rằng khi tìm hiểu từ góc độ tự sự học thì những vấn đề nội dung, tư tưởng, giá trị thẩm mĩ trong tác phẩm được nhìn nhận một cách toàn diện và có cơ sở lý luận vững chắc hơn. Việc nghiên cứu truyện ngắn hiện thực Việt Nam 1932-1945 từ góc nhìn tự sự học cũng ngày càng được chú trọng và có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy từ sau năm 2000 thì mới thực sự có những công trình nghiên cứu truyện ngắn giai đoạn này ở một số phương diện của lí thuyết tự sự. Còn những năm trước đó, gần như các công trình nghiên cứu từ góc độ xã hội học và thi pháp học là chủ yếu.