Ngày xuất bản: 06-06-2016

Phương pháp phần tử hữu hạn trong tính toán hệ khung vòm tròn

Lâm Thanh Quang Khải
Tóm tắt | PDF
Tuy tính toán hệ kết cấu khung (cột và dầm ngang) đã trở nên khá đơn giản nhưng hệ khung vòm (cột và vòm) lại phức tạp do phải xây dựng ma trận độ cứng cho vòm. Tuỳ thuộc vào vòm đang xét là vòm tròn, vòm parabol, vòm cycloid... mà có ma trận độ cứng khác nhau. Trong bài báo này, tác giả đã xây dựng ma trận độ cứng cho phần tử vòm tròn từ phương trình trạng thái tại 2 đầu của thanh cong, là cơ sở để xây dựng ma trận độ cứng cho các loại vòm cong khác và dùng phương pháp phần tử hữu hạn để tính nội lực cho hệ khung vòm tròn chịu tải trọng tĩnh.

Hệ thống hỗ trợ giảng dạy bằng công nghệ nhận dạng cử chỉ

Huỳnh Ngọc Thái Anh, Phạm Nguyên Hoàng
Tóm tắt | PDF
This research “The teaching system with gesture recognition” is an application of the gesture recognition technology to control the visual presentation. The interactive capabilities allow users comfortably stand and present while the slides of the presentation are shown. Whenever a presenter wants, they can easily move to the next slide just by sweeping hands in the air without using devices such as mouse, pen. Công nghệ nhận dạng cử chỉ từ lâu đã được tiến hành nghiên cứu và phát triển trên thế giới bởi các tập đoàn lớn và các trường đại học trong và ngoài nước. Những ứng dụng của nó chủ yếu tập trung vào như điều khiển game, điều khiển máy tính, điều khiển robot, tivi tương tác… nhưng lại chưa có nhiều đề tài hay ứng dụng hướng đến hỗ trợ giáo dục. Đề tài “Hệ thống hỗ trợ giảng dạy bằng công nghệ nhận dạng cử chỉ” là một ứng dụng của công nghệ nhận dạng cử chỉ vào điểu khiển trình chiếu trực quan. Những khả năng tương tác cao mà đề tài này mang lại như việc người dùng có thể đứng thoải mái trình bài nội dung đang được trình chiếu. Bất cứ khi nào muốn, giảng viên có thể dễ dàng tiếp tục chuyển đến slide tiếp theo chỉ với động tác lướt tay trong không khí mà không phải sử dụng thiết bị hỗ trợ như chuột, bút trình chiếu. Ngoài ra, giảng viên có thể thực hiện ghi chú bằng cách viết bằng tay không lên màn hình hay thực hiện zoom nội dung bằng cách lướt hai tay… Với những khả năng vượt trội, đề tài này đem đến những cảm nhận trực quan nhất về cách trình bày của người dạy, qua đó tăng cường khả năng tiếp thu và tạo hứng thú mạnh cho người học.

Các phương pháp đánh giá hệ thống gợi ý

Trần Nguyễn Minh Thư, Phạm Xuân Hiền
Tóm tắt | PDF
Hệ thống gợi ý là một công cụ hỗ trợ quyết định nhằm cung cấp cho người dùng những lựa chọn hữu ích nhất trong thời đại bùng nổ thông tin. Khi xây dựng một hệ thống gợi ý, người ta thường quan tâm đến tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, việc đánh giá tính hiệu quả của một hệ thống gợi ý còn tuỳ thuộc rất nhiều vào mục đích xây dựng hệ thống, loại dữ liệu và điều kiện để đánh giá hệ thống. Điều kiện đánh giá hệ thống có thể là trực tuyến (online) hay dựa vào dữ liệu có sẵn (offline). Trong bài báo này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích và giới thiệu các phương pháp đánh giá một hệ thống gợi ý theo tiêu chí định tính (tính đa dạng, tính mới, tính bao phủ) cũng như định lượng (precision, recall, F1, MSE, RMSE). Đồng thời, các nghi thức đánh giá phù hợp đối với từng loại cơ sở dữ liệu cũng được đề cập trong bài báo này.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó trong mô hình tôm sú quảng canh cải tiến ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Thị Phương Mai, Dương Văn Ni, Trần Ngọc Hải, Võ Nam Sơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức, ảnh hưởng và giải pháp của người nuôi tôm trong mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do tác động của thời tiết thay đổi thông qua việc phỏng vấn trực tiếp 94 hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến tại tỉnh Sóc Trăng (30 hộ), Bạc Liêu (31 hộ) và Cà Mau (33 hộ). Các thông tin được thu thập: bao gồm hiệu quả sản xuất, các giải pháp ứng phó của người nuôi trong thời gian qua và thời gian tới do sự thay đổi của các yếu tố như mưa nắng, nhiệt độ, độ mặn, mực nước thủy triều. Kết quả nghiên cứu cho thấy năng suất tôm nuôi trung bình là 0,47 tấn/ha/năm, lợi nhuận trung bình 21,3 triệu đ/ha/năm với tỷ lệ thua lỗ trung bình 23,4%. Phần lớn nông dân (92 - 99%) nhận thức được sự biến đổi và tác động của các yếu tố thời tiết trong thời gian qua và thời gian tới. Giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng thuốc, hóa chất, quản lý môi trường được người nuôi lựa chọn (70 – 90%) để giải quyết các vấn đề khó khăn nhiều hơn so với các giải pháp khác.

Đánh giá và lựa chọn mô hình khí hậu toàn cầu (GCMs-CMIP5) cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Trung Tính, Trần Văn Tỷ, Huỳnh Vương Thu Minh
Tóm tắt | PDF
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức đối với nhân loại gần đây. BĐKH tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá và lựa chọn mô hình khí hậu toàn cầu GCMs (Global Climate Models) từ Coupled Model Intercomparison Project 5 (CMIP5) thích hợp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phương pháp thống kê được sử dụng để đánh giá độ tin cậy các mô hình GCMs thông qua các chỉ số (sai số bình phương trung bình chuẩn hóa (NRMSE), sai số trung bình chuẩn hóa (NME), phần trăm sai lệch (PBias)) và các mô hình GCMs được chọn được tích hợp theo gia trọng (Wi). Từ kết quả tích hợp này, xu hướng thay đổi lượng mưa tương lai (2015-2040 từ CMIP5) theo các kịch bản phát thải thấp (RCP2.6), trung bình (RCP4.5) và cao (RCP8.5) được phân tích và đánh giá. Kết quả phân tích thống kê (của 16 mô hình) cho thấy khả năng mô phỏng lượng mưa của các mô hình tương đối khác nhau. Từ kết quả này, 5 mô hình gồm BBC-CSM 1.1, GFDL-CM3, MIROC5, MRI-CGCM3, và NoESM1-M được chọn (dựa vào các chỉ số trên) để tích hợp theo gia trọng (Wi). Kết quả tích hợp 5 mô hình trên theo gia trọng có khả năng mô phỏng tốt lượng mưa cho khu vực, với các giá trị PBias và NSE (Hệ số Nash Sutcliffe) lần lượt là +2,3% và 0,87. Do đó, cả 5 mô hình này được chọn để đánh giá xu thế và ảnh hưởng của thay đổi lượng mưa đến quản lý tài nguyên nước trong tương lai cho khu vực ĐBSCL.

Khảo sát sự mặn hóa trong đất và nước ở các mô hình canh tác cây trồng và thủy sản tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Nguyễn Mỹ Hoa, Nguyễn Hồng Giang, Trần Sơn Tùng, Võ Thị Gương
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát sự mặn hóa trong đất và nước kênh ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre qua khảo sát pH, EC, chỉ số SAR, và ESP trong nước kênh và dung dịch đất trích bão hòa trên các mô hình  lúa – dưa hấu- dưa hấu ở tiểu vùng 1 có độ mặn < 4‰, mô hình lúa xen tôm càng xanh mùa mưa – tôm sú mùa khô và mô hình lúa mùa mưa – tôm sú mùa khô ở tiểu vùng 4 ven biển có độ mặn cao >10‰. Kết quả cho thấy ở tiểu vùng 1 vào cuối mùa khô, độ mặn nước kênh tăng cao 4‰, SAR đạt 3,68-6,21, độ mặn trong đất thấp. Ở tiểu vùng 4 trên cả 2 mô hình canh tác, độ mặn, SAR, và ESP đạt thấp trong vụ lúa. Trong vụ nuôi tôm, độ mặn nước kênh tăng cao (5,59- 16,06‰), SAR đạt 8,8-49,2, ESP đạt 11,7-42,5, độ mặn trong đất cao (5,47-9,34mS/cm)), SAR đạt 13,9-25,0, ESP đạt 17,28-27,31, đất bị sodic hóa. Kết quả này cho thấy đất đạt mức độ sodic trong mùa khô, nhưng có thể được rửa mặn trong mùa mưa khi canh tác lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn có thể xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng dẫn đến nguy cơ gây sodic hóa, nên cần được quan tâm khi áp dụng các mô hình canh tác.

Đánh giá sự thay đổi đặc tính đất đai được cập nhật năm 2012 so với năm 1999 tại tỉnh Bạc Liêu

Trần Văn Dũng, Phan Chí Nguyện, Ngô Minh Hưởng, Phạm Thanh Vũ
Tóm tắt | PDF
Đánh giá sự thay đổi đặc tính đất đai là một trong những nội dung quan trọng của công tác quy hoạch, đồng thời là căn cứ, cơ sở khoa học có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng phương án quy hoạch, bố trí sử dụng đất hợp lý. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định sự thay đổi hiện trạng sử dụng đất và các yếu tố ảnh hưởng; từ đó, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất hướng cải tạo, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đánh giá với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý và phỏng vấn nông hộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ sau năm 1999 đến nay cơ cấu sản xuất của tỉnh có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Đặc biệt là chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ (trên 45% diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản), dẫn đến môi trường đất khu vực chuyển đổi cơ cấu sản xuất và các vùng lân cận cũng có sự biến đổi các loại đất. Đất ở vùng ven biển có những biến đổi về tính chất và loại hình do chịu ảnh hưởng của quá trình mặn hóa, quy mô đất bị nhiễm mặn trung bình và mặn nặng phát triển khá rộng trên địa bàn tỉnh. Đối với vùng nội địa, tính chất đất đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước đây do ảnh hưởng của quá trình sử dụng đất và việc phát triển hệ thống thủy lợi. Do đó, xét về tính chất, đất phèn đa phần đã chuyển sang phèn hoạt động với tầng phèn xuống khá sâu (>50 cm). Những khu vực đang canh tác lúa 2 – 3 vụ/năm có tưới, độc tố của đất phèn và ảnh hưởng mặn giảm đi rõ rệt.

Phân vùng rủi ro trong sản xuất nông nghiệp dưới tác động của xâm nhập mặn ở tỉnh Bạc Liêu

Phan Hoàng Vũ, Phạm Thanh Vũ, Văn Phạm Đăng Trí
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu xác định những vùng chịu rủi ro do xâm nhập mặn và ngập lũ do tác động của nước biển dâng nhằm hỗ trợ việc ra quyết định trong sản xuất nông nghiệp dưới tác động của biến đổi khí hậu tỉnh Bạc Liêu. Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) được sử dụng nhằm thu thập số liệu nhanh chóng, hiệu quả, có tính đa chiều. Kế thừa phương pháp đánh giá đất đai của FAO (1976) kết hợp các phương pháp bản đồ bằng công nghệ GIS để xác định vùng sản xuất nông nghiệp bị rủi ro. Kết quả cho thấy sản xuất nông nghiệp vùng nghiên cứu chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến động của xâm nhập mặn. Vùng rủi ro trong canh tác nông nghiệp được phân thành hai cấp độ: rủi ro cao và giảm năng suất. Theo đó, tiểu vùng sinh thái lợ và mặn với hai mô hình canh tác chính là lúa-tôm và tôm-thủy sản kết hợp có nguy cơ rủi ro cao hơn tiểu vùng sinh thái ngọt. Diện tích rủi ro biến động theo sự thay đổi của lưu lượng nước ngọt đến từ thượng nguồn sông Mê-kông và mưa tại chỗ; xâm nhập mặn trong năm mưa nhiều dự báo sẽ gây rủi ro cao hơn năm bình thường và năm khô hạn.

Tiềm năng đất đai cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu trong điều kiện biến đổi khí hậu

Phạm Thanh Vũ, Lê Quang Trí, Vương Tuấn Huy
Tóm tắt | PDF
Bạc Liêu được xem là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu (xâm nhập mặn, nước biển dâng) đến sản xuất nông nghiệp. Nhằm giúp quá trình sử dụng đất bền vững đề tài đã được thực hiện để xác định các vùng thích nghi đất đai cho các kiểu sử dụng đất tại các tiểu vùng sinh thái (mặn, ngọt và lợ) của tỉnh. Thông qua các kịch bản biến đổi khí hậu được đề xuất kết hợp với phương pháp đánh giá đất đai theo FAO (1976) kết quả nghiên cứu đã phân vùng thích nghi hiện tại và thích nghi trong bối cảnh tương lai từ các kịch bản nước biển dâng và xâm nhập mặn trong các trường hợp không có tác động của công trình và có tác động của công trình (Âu thuyền Ninh Quới – cống ngăn mặn) cho 09 kiểu sử dụng đất chính của tỉnh Bạc Liêu (LUT1: 3 vụ lúa; LUT2: 2 vụ lúa; LUT3: tôm - lúa; LUT4: chuyên Tôm; LUT5: lúa - màu; LUT6: chuyên màu; LUT7: rừng - tôm; LUT8: Tôm Quảng canh/Quảng canh cải tiến-kết hợp thủy sản (tôm - thủy sản), LUT8: muối-thủy sản. Kết quả đạt được có thể giúp các nhà quản lý, thực hiện chính sách có những biện pháp quy hoạch sử dụng đất hợp lý trong tương lai.

Đặc trưng và khả năng hấp phụ metyl da cam của tro trấu hoạt hóa

Phan Phước Toàn, Nguyễn Trung Thành, Ngô Thụy Diễm Trang
Tóm tắt | PDF
Khả năng hấp phụ của tro trấu có thể được tăng đáng kể sau quá trình hoạt hóa. Trong nghiên cứu này, tro trấu được lấy từ lò đốt của quá trình sản xuất gạch được hoạt hóa bằng phương pháp ăn mòn hóa học với axit flohidric (HF). Mục tiêu của nghiên cứu là (1) xác định các đặc trưng cơ bản của tro trấu sau khi hoạt hóa (A-RHA) và (2) so sánh khả năng hấp phụ metyl da cam (MO) trong môi trường nước của A-RHA so với than hoạt tính (AC). Một số đặc trưng cơ bản của A-RHA đã được phân tích như phổ hồng ngoại FTIR, phổ nhiễu xạ tia X và diện tích bề mặt riêng (BET). Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích bề mặt riêng của A-RHA đã tăng đáng kể (~ 410 m2/g) so với mẫu tro trấu ban đầu (~ 16 m2/g). Thêm vào đó, vật liệu A-RHA có thời gian đạt cân bằng hấp phụ nhanh (~ 15 phút) và dung lượng hấp phụ MO của A-RHA cao hơn so với AC (~ 1,7 lần). Từ đó cho thấy A-RHA là một vật liệu tiềm năng để ứng dụng loại bỏ các hợp chất hữu cơ trong môi trường nước.

Bài toán phân loại và ứng dụng trong y học

Võ Văn Tài, Đổng Yến Nghi
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày các phương pháp trong phân loại Fisher, logistic, SVM, Bayes và vấn đề tính toán của chúng. Bài báo cũng giải quyết vấn đề ứng dụng thực tế từ số liệu rời rạc của các phương pháp này bằng các chương trình được xây dựng trên phần mềm Matlab. Đó là chương trình ước lượng hàm mật độ xác suất, phân loại một phần tử và tính sai số Bayes. Một ứng dụng thực tế trong y học được trình bày chi tiết: Tìm mô hình thích hợp trong đánh giá bệnh cao huyết áp từ các biến. Kết quả thực hiện cho thấy phương pháp Bayes luôn cho mô hình tốt nhất. Áp dụng này không những minh họa cho những lý thuyết đã trình bày, kiểm tra sự hợp lý của các chương trình được thiết lập, mà còn cho thấy tiềm năng ứng dụng của vấn đề nghiên cứu.

Nghiên cứu tính chất cấu trúc của que nano ZnO

Nguyễn Trí Tuấn, Vũ Thị Hằng, Nguyễn Trọng Tuân
Tóm tắt | PDF
Que nano có kích thước trung bình 60 nm x 450 nm, được chế tạo thành công bằng phương pháp thủy nhiệt, với chất ban đầu là ZnCl2 và NH3 và que nano ZnO được hình thành ở nhiệt độ 190-230 oC trong 20 h. Mẫu bột chế tạo được đem đi đo nhiễu xạ tia X (XRD), ảnh hiển vi điện tử quét phát xạ trường và phổ năng lượng tán xạ tia X (EDX). Tính chất huỳnh quang của mẫu đã được khảo sát. Một vài thông số ảnh hưởng đến hình thái học và tính chất quang cũng được nghiên cứu.

Tính ổn định của bài toán cân bằng ngẫu nhiên và áp dụng

Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Hồng Quân
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi giới thiệu một bài toán cân bằng ngẫu nhiên phụ thuộc tham số độ đo xác suất (SEP). Bằng việc đề nghị vài mêtric xác suất trên không gian các tham số, chúng tôi xét tính ổn định cho (SEP). Kết quả sau đó được áp dụng cho một số trường hợp riêng của (SEP).

Nghiên cứu cải tiến quá trình than hóa trong quy trình điều chế than hoạt tính từ vỏ hạt điều

Võ Thị Diễm Kiều, Mã Thái Hòa, Lý Cẩm Hùng
Tóm tắt | PDF
Việc tận dụng vỏ hạt điều đã ép lấy dầu để sản xuất than hoạt tính không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề về lao động, giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị cây điều. Tuy nhiên, việc sản xuất than hoạt tính từ vỏ hạt điều chưa được tập trung nghiên cứu. Quá trình sản xuất than hoạt tính gồm 2 giai đoạn than hóa và hoạt hóa, trong đó quá trình than hóa diễn ra trong môi trường khí trơ và quá trình hoạt hóa than thường sử dụng tác nhân KOH và CO2; tuy nhiên chất lượng than vẫn chưa tốt. Trong nghiên cứu này, qui trình sản xuất than hoạt tính được cải tiến ở giai đoạn than hóa và hơi nước được dùng làm tác nhân hoạt hóa ở 850oC. Cụ thể, quá trình than hóa được chia ra làm 3 giai đoạn với các tốc độ gia nhiệt khác nhau để kiểm soát tốc độ chuyển hóa của hemicellulose và cellulose trong vỏ hạt điều, giúp giai đoạn hoạt hóa bằng hơi nước đạt hiệu quả cao hơn. Sản phẩm than hoạt tính thu được từ nghiên cứu này có chất lượng tốt hơn than hoạt tính được điều chế theo qui trình trong các nghiên cứu trước đó; diện tích bề mặt riêng có giá trị 1170m2/g và tổng thể tích lỗ xốp là 0.7cm3/g. Kết quả này chứng tỏ kiểm soát hiệu quả tốc độ chuyển hóa của hemicellose và cellulose đóng vai trò quan trọng trong quy trình sản xuất than hoạt tính. Đồng thời, kết quả đạt được sẽ là cơ sở để xây dựng quy trình sản xuất than hoạt tính trên quy mô công nghiệp.

Khảo sát độc lực và tính gây bệnh của 1 chủng virus viêm gan vịt a genotype 3 trên phôi vịt

Phạm Công Uẩn, Hồ Thị Việt Thu
Tóm tắt | PDF
Khảo sát độc lực và tính gây bệnh của chủng virus viêm gan vịt A genotype 3 (chủng HG2) phân lập ở tỉnh Hậu Giang thực hiện bằng cách tiêm vào xoang niệu mô của phôi vịt 10 ngày tuổi với liều 0,2 ml huyễn dịch virus /phôi vịt. Kết quả cho thấy chủng virus này có độc lực cao trên phôi, có hiệu giá ELD50/0,2mllà 108,17. Thời gian virus gây chết phôi sau khi tiêm truyền nhanh nhất sau 24 giờ và chậm nhất sau 66 giờ, số phôi chết tập trung khoảng 30-45 giờ sau khi tiêm truyền. Phôi chết biểu hiện bệnh lý rất điển hình của bệnh viêm gan vịt do virus như phôi còi cọc, phù, da xuất huyết, gan sưng có màu vàng nhạt với nhiều điểm hoặc đám xuất huyết, cơ tim nhạt màu, những trường hợp chết chậm sau 66 giờ, gan phôi có màu xanh đen, dịch niệu có màu xanh nhạt.

Phân biệt chủng virus gây bệnh gumboro trên đàn gà với chủng virus vaccine qua vùng siêu biến đổi gen VP2 ở Trà Vinh

Trần Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Phú Cường, Nguyễn Phúc Khánh
Tóm tắt | PDF
Tổng số 20 mẫu bệnh phẩm (túi Fabricius) được thu thập từ 16 đàn gà bệnh trong tỉnh (những đàn có triệu chứng và bệnh tích đặc trưng của bệnh Gumboro). Phân tích di truyền cho thấy tất cả các mẫu đều dương tính với vius gây bệnh Gumboro (infectious bursal disease virus). Vật liệu di truyền của virus được sử dụng để xác định trình tự chuỗi nucleotide của vùng siêu biến đổi gen VP2, sau đó những trình tự này được so sánh với trình tự của 04 mẫu virus vaccine đang sử dụng tại Trà Vinh. Kết quả cho thấy sự khác biệt về di truyền của chủng virus đang lưu hành với một số chủng virus vaccine như sau: dựa vào trình tự gen và phân tích phả hệ di truyền cho thấy các mẫu phân lập thuộc phân nhóm có độc lực cao và có quan hệ gần với các chủng virus cường độc khác của Việt Nam (G202, GPT, GT1ST, GTG25) và Trung Quốc (QX110609, WM12061, Xin1). Mức độ tương đồng về amino acid của chủng virus đang lưu hành với mẫu virus vaccine Gumboro Navetco – Việt Nam là 90,4%, với vaccine BUR-706 của MERIAL – PHÁP  là 91,8%, và với vaccine IBD BLEN của MERIAL – Mỹ là 95,2%, đặc biệt tương đồng cao với mẫu virus vaccine Medivac Gumboro A của Medion – Indonesia (97,9%). Kết quả này chứng tỏ vaccine Medivac Gumboro A của Medion – Indonesia có khả năng bảo hộ cao hơn 3 loại vaccine còn lại.

Khảo sát sự hiện diện gen CTX-M, TEM và SHV ở Escherichia coli sinh β-Lactamase phổ rộng phân lập từ gà ở tỉnh Trà Vinh

Bùi Thị Lê Minh, Lưu Hữu Mãnh, Nguyễn Nhựt Xuân Dung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để khảo sát sự hiện diện của gen bla CTX-M, bla TEM và bla SHV ở vi khuẩn E. coli mã hóa β-lactamase phổ rộng ESBL và kiểm tra tính nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh. E. coli sinh ESBL được phân lập từ gan, thịt, phổi và phân của 110 con gà xuất thịt từ các hộ chăn nuôi gà ở tỉnh Trà Vinh bằng phương pháp đĩa kết hợp (CLSI, 2014). Kết quả có 65,45% (72/110) gà khảo sát dương tính với E. coli sinh ESBL. Trong đó, tỷ lệ hiện diện của E. coli sinh ESBL trên mẫu phân là cao nhất (65,45%), kế đến là mẫu phổi (13,63%), thấp nhất là mẫu thịt (2,72%) và không phát hiện E. coli sinh ESBL trên mẫu gan. 231 chủng E. coli sinh ESBL được chọn để kiểm tra tính nhạy cảm đối với 13 loại kháng sinh bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả cho thấy các chủng của E. coli sinh ESBL đề kháng cao với ampicillin (96,10%), cefaclor và trimethoprim + sulfamethoxazole (93,94%), cefuroxime (90,91%), streptomycin (85,28%), gentamicin (70,13%). Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn này còn nhạy cảm đối với fosfomycin (91,77%), norfloxacin (74,03%) và ofloxacin (71,43%). 30 chủng đa kháng được chọn để xác định các gen CTX-M, TEM và SHV mã hóa β-lactamase phổ rộng bằng phương pháp PCR. Kết quả gen CTX-M và TEM hiện diện phổ biến trong các chủng vi khuẩn được kiểm tra (lần lượt là 93,33% và 90%). Gen SHV hiện diện với tỷ lệ thấp 16,66%. Đây là những kết quả đầu tiên về E. coli sinh ESBL phân lập từ gà tại tỉnh Trà Vinh.

Ảnh hưởng của phụ gia bổ sung đến chất lượng sản phẩm chà bông cá lóc

Trần Thanh Trúc, Nguyễn Văn Mười, Tống Thị Quý
Tóm tắt | PDF
Cá lóc (Channa striata) gù lưng - hiện được xem là cá loại 2, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cá lóc thương phẩm và có giá mua rất thấp. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này trong chế biến các sản phẩm sử dụng trực tiếp phần thịt cá, điển hình như chà bông cá là một trong những hướng giải quyết tích cực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cá lóc cho người nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các yếu tố gia vị, phụ gia ảnh hưởng đến chất lượng chà bông cá lóc, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị cá lóc, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tỷ lệ nước mắm, sorbitol và tripolyphosphate bổ sung ảnh hưởng đến chất lượng chà bông cá lóc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bảo quản tiếp theo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nước mắm và sorbitol bổ sung thích hợp là 7% và 2%, 0,3% tripolyphosphate được thêm vào giúp làm tăng khả năng giữ nước và hạ aw sản phẩm. Đồng thời chà bông có aw thấp giúp quá trình bảo quản sản phẩm tốt hơn.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trích ly dịch quả sơ ri (Magnolyophyta glabra) bằng enzyme

Mai Thanh Trung, Nguyen Vuong Tuong Van, Nguyễn Công Hà, Lê Nguyễn Đoan Duy
Tóm tắt | PDF
Sơ ri (Magnolyophyta glabra) là nguồn nguyên liệu giàu dưỡng chất cho người sử dụng. Nghiên cứu nhằm khảo sát sự biến đổi các hợp chất kháng oxi hóa cũng như tăng cường hiệu suất trích ly dịch quả phục vụ cho quy trình chế biến đa dạng hóa nhiều sản phẩm từ sơ ri bằng cách sử dụng enzyme. Kết quả cho thấy, sơ ri có thể chần ở 90oC trong 120 giây để đạt hiệu suất thu hồi cao nhất (50%) nhưng vẫn đảm bảo hoạt tính kháng oxi hóa (AA), hàm lượng polyphenol tổng số (TPC), flavonoid tổng và hàm lượng vitamin C ổn định ở mức 72,92%, 5 mgGAE/mL, 199,6 µgQ/mL và 643,86 mg%. Khi sử dụng hỗn hợp pectinase-cellulase ở tỷ lệ 2P:2V (% enzyme) [Pectinex Ultra SP-L (P) và Viscozyme  L (V)], kết quả cho thấy hiệu suất thu hồi cao nhất 55,32% ở chế độ ủ 50oC, pH 4,5 trong 60 phút. Hoạt tính kháng oxi hóa (AA) duy trì ở mức 83,52%, hàm lượng polyphenol tổng số (TPC) 5,29 mgGAE/mL, hàm lượng flavonoid 233,67 µgQ/mL và hàm lượng vitamin C giảm từ 679,07 mg% xuống còn 602 mg%.

Ảnh hưởng của liều lượng kali bón kết hợp với đạm đến chất lượng củ khoai lang tím nhật ở tỉnh Vĩnh Long

Lê Thị Thanh Hiền, Nguyễn Bảo Vệ, Lê Vĩnh Thúc
Tóm tắt | PDF
Đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng kali bón kết hợp với đạm đến chất lượng củ khoai lang Tím Nhật (Ipomoea batatas (L.) Lam) ở tỉnh Vĩnh Long được thực hiện nhằm tìm ra liều lượng kali và đạm bón thích hợp để khoai lang cho củ có phẩm chất tốt và tăng thời gian bảo quản. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, với 3 lần lặp lại, gồm 7 nghiệm thức, mỗi lần lặp lại là 35 m2. Các nghiệm thức là 100 kg N/ha và 80 kg P2O5/ha kết hợp với 5 liều lượng bón kali (0, 100, 150, 200 và 250 kg K2O/ha) và nghiệm thức bón 80 P2O5 - 250 K2O kết hợp với 2 liều lượng đạm (125 kg N/ha và 187 kg N/ha). Kết quả nghiên cứu cho thấy kali bón ở mức 200 kg K2O/ha cho khoai lang Tím Nhật có phẩm chất củ như hàm lượng đường tổng số, tinh bột, hàm lượng anthocyanin cao nhất, chất xơ thô thấp và có thời gian bảo quản dài. Vì vậy, trong canh tác khoai lang Tím Nhật ở tỉnh Vĩnh Long, nông dân có thể bón kali ở mức 200 kg K2O/ha kết hợp với 100 kg N/ha - 80 kg P2O5/ha để tăng phẩm chất và thời gian bảo quản củ.

Xác định mầm bệnh vi bào tử trùng (Microsporidia) nhiễm trong cơ cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Nguyễn Thị Thu Hằng, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thành phần loài và mức độ nhiễm vi bào tử trùng Microsporidia nhiễm trong cơ cá tra ở giai đoạn cá hương, cá giống và cá nuôi thương phẩm (cá thịt). Kết quả khảo sát 578 mẫu cá tra thu từ các ao nhiễm bệnh gạo ở An Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long từ tháng 4/2013 đến 11/2014 đã ghi nhận 473 mẫu cá nhiễm Microsporidia. Giai đoạn cá hương và cá giống có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn giai đoạn cá thịt. Tỷ lệ nhiễm trong ao cá hương chiếm 93,3%, ao cá giống có tỉ lệ nhiễm 70-96,6%, ao cá thịt nhiễm từ 40-73,3%. Cường độ nhiễm ở cá hương dao động từ 2-14 bào nang/cá, ở cá giống từ 1-160 bào nang/cá và cá thịt từ 1-83 bào nang/cá. Kết quả mô học xác định vùng cơ của cá tra nhiễm bào nang gạo bị mất cấu trúc và hoại tử, các tế bào mô bị vi bào tử trùng Mirosporidia ly giải hoàn toàn. Phân tích PCR mẫu cơ cá tra bệnh gạo cho thấy vi bào tử trùng nhiễm trong cơ với vạch sản phẩm khuếch đại có kích thước là 1100 bp. Kết quả định danh bằng quan sát hình thái kết hợp giải trình tự gen xác định vi bào tử trùng thuộc giống Kabatana.

Xác định tính kháng khuẩn của vi khuẩn lactic với vi khuẩn (Streptococcus agalactiae) phân lập từ cá rô phi (Oreochromis niloticus) bệnh phù mắt và xuất huyết

Ngô Thị Ngọc Trân, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định khả năng kháng vi khuẩn Streptococcus agalactiae gây bệnh phù mắt và xuất huyết ở cá rô phi của các dòng vi khuẩn lactic bằng phương pháp giếng khuếch tán. Ba mươi chủng vi khuẩn phân lập từ cá rô phi bệnh được định danh là S. agalactiae dựa trên các chỉ tiêu hình thái, sinh lý, sinh hóa và PCR. Trong số 15 chủng vi khuẩn lactic được thử nghiệm có 11 chủng có khả năng ức chế từ 2 đến 8 chủng trong số 30 chủng vi khuẩn S. agalactiae với đường kính vòng vô khuẩn dao động trong khoảng 6 đến 20 mm. Kết quả trên cho thấy triển vọng nghiên cứu tiếp theo về khả năng sử dụng các chủng vi khuẩn lactic này trong việc phòng trị bệnh do S. agalactiae trên cá rô phi.

Đặc điểm động vật đáy trên một số thủy vực ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Phan Nhân, Bùi Thị Nga, Phạm Văn Toàn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện tại Hậu Giang từ tháng 5/2013 đến tháng 01/2014 nhằm đánh giá sự khác nhau về thành phần và số lượng loài động vật đáy ở sông (rạch) và kênh nội đồng chịu ảnh hưởng bởi canh tác nông nghiệp. Trong thuỷ vực chịu ảnh hưởng bởi canh tác nông nghiệp, thành phần và số lượng loài động vật đáy không tương quan với các chỉ tiêu chất lượng môi trường nước như nhiệt độ, pH, EC, DO, nồng độ COD và các chỉ tiêu chất lượng bùn đáy như pH, EC, %CHC, thành phần cơ giới. Thành phần và số lượng loài động vật đáy trong bùn đáy trên kênh nội đồng là 25 loài và 20 – 7.700 cá thể/m2 kém đa dạng hơn so với trên sông (rạch) chính là 43 loài và 210 – 35.990 cá thể/m2. Vì vậy, cần có các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường nước và bùn đáy đến sự phân bố động vật đáy trong các thủy vực nghiên cứu.

Phát hiện vi khuẩn Streptococcus dusgalactiae gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo (Pseudapocryptes elongatus) bằng phư

Nguyen Thu Dung, Lê Thanh Cần, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus dysgalactiae đã và đang gây nhiều thiệt hại đến năng suất cá bống kèo (Pseudapocryptes elongatus) nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị là do chẩn đoán tác nhân gây bệnh chậm, thiếu chính xác và tốn kém. Để khắc phục tình trạng này, quy trình PCR sử dụng hai đoạn mồi STRD-DyI/dys-16S-23S-2 khuếch đại vùng gen 16S-23S rDNA đặc hiệu của vi khuẩn S. dysgalactiae (Hassan et al., 2003) được chuẩn hóa để chẩn đoán nhanh S. dysgalactiae gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo. Qui trình khuếch đại sản phẩm PCR là 259 bp sử dụng mạch khuôn là DNA ly trích từ vi khuẩn nuôi tăng sinh trong môi trường brain heart infusion broth. Qui trình sau khi tối ưu hóa có độ nhạy là 50 ng DNA và được kiểm tra tính đặc hiệu với một số loài vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản như Streptococcus agalactiae, Aeromonas hydrophila, Vibrio parahaemolyticus, Edwardsiela ictaluri và Flavobacterium columnare. Tính ứng dụng của qui trình được kiểm tra với 9 chủng vi khuẩn phân lập từ những mẫu cá bống kèo của bệnh xuất huyết thu ở nhiều trại khác nhau. Kết quả cho thấy qui trình có thể sử dụng để phát hiện tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá bống kèo sớm, chính xác và giảm chi phí. Thời gian chẩn đoán ngắn hơn (khoảng 1/4 lần) so với phương pháp sinh hóa.

Nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc bươu đồng (Pila polita)

Ngô Thị Thu Thảo, Trần Ngọc Chinh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện trong 60 ngày nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ ốc bươu vàng (BV) đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc bươu đồng (BĐ). Thí nghiệm được bố trí với 5 nghiệm thức là 1).100% BĐ, 2).75% BĐ:25% BV, 3).50% BĐ:50% BV, 4).25% BĐ:75% BV và 5).100% BV (về số lượng) với 3 lần lặp lại. Trọng lượng ban đầu của ốc khoảng 0,70 – 1,00 g/con, được nuôi chung trong bể với mật độ là 200 con/m2. Ốc được cho ăn rau diếp và thức ăn công nghiệp với tỷ lệ 1:1(tỷ lệ khô), lượng thức ăn hàng ngày tương đương 4% sinh khối ốc nuôi. Kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của BĐ thấp hơn BV ở tất cả các nghiệm thức (p

Vai trò của dịch vụ hệ sinh thái sông Hậu đối với đời sống cộng đồng nuôi trồng và khai thác thủy sản tại th

Nguyễn Thị Kim Quyên, Amararatne Yakupitiyage
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014 nhằm tìm hiểu vai trò của dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) sông Hậu đối với nghề thủy sản tại Long Xuyên, An Giang thông qua phỏng vấn KIP, thảo luận nhóm và khảo sát 90 hộ thủy sản. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch vụ cung cấp được nhận biết tốt nhất (100%), dịch vụ văn hóa được nhận biết kém nhất (20,7%). Vai trò của DVHST được thể hiện về mặt kinh tế như tạo thu nhập (775 triệu đồng/hộ nuôi cá tra/năm; 602 triệu đồng/hộ nuôi lồng bè/năm và 32,8 triệu đồng/hộ khai thác/năm); cung cấp lương thực thực phẩm (328 tấn cá tra/ha/vụ; 54,0 tấn thủy sản khác/m3/năm và 2,63 tấn/hộ/năm); cung cấp địa điểm, ngư trường cho sản xuất thủy sản. Ngoài ra, DVHST còn thể hiện vai trò ở các mặt xã hội như tạo công ăn việc làm (2,62±0,61 điểm), nguồn nước cho sinh hoạt (2,97±0,10 điểm) hay các giá trị sinh thái và văn hóa. Các dịch vụ cung cấp được đánh giá là quan trọng nhất (3,77±0,65 điểm) trong khi dịch vụ văn hóa là thấp nhất (2,16±1,01 điểm). Những khó khăn chủ yếu trong đời sống cộng đồng thủy sản là bất ổn trong giá cả thị trường, năng suất giảm do tác động môi trường và vấn đề đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.

Khả năng sử dụng cám gạo làm thức ăn cho hải sâm cát (Holothuria scabra) giống

Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Văn Bình, Mai Thị Bảo Trâm, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng cám gạo làm thức ăn lên tỉ lệ sống và tăng trưởng của hải sâm cát (Holothuria scabra) giống nuôi trong bể. Thí nghiệm gồm bốn nghiệm thức, (i) thức ăn tôm sú số 0 là nghiệm thức đối chứng (TA), (ii) cám gạo (CG), (iii) và (iv) là hỗn hợp thức ăn gồm cám gạo và thức ăn tôm được phối trộn với tỉ lệ 1:1 (1CG+1TA) và 2:1 (2CG+1TA). Hải sâm giống có khối lượng ban đầu trung bình là 3,59 g được nuôi trong bể nhựa 250 L (30 con/m2) với nền đáy cát, sục khí nhẹ và liên tục ở độ mặn 30 ppt. Sau 75 ngày nuôi, tỉ lệ sống ở tất cả các nghiệm thức thức ăn đều đạt 100%. Khối lượng và chiều dài cuối của hải sâm thí nghiệm dao động lần lượt là 15,7-51,6g và 7,5-10,9 cm. Tốc độ tăng trưởng về khối lượng và chiều dài của hải sâm đạt cao nhất là ở nghiệm thức 1CG+1TA và khác biệt có ý nghĩa (p0,05). Ở nghiệm thức chỉ cho ăn cám gạo (CG) hải sâm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất. Hơn nữa, thành phần sinh hóa thịt hải sâm ở nghiệm thức 1CG+1TA có hàm lượng protein và lipid khá cao hơn so với các nghiệm thức khác. Kết quả thí nghiệm này cho thấy hỗn hợp thức ăn cám gạo và thức ăn tôm với tỉ lệ 1:1 có thể được xem là thức ăn thích hợp cho hải sâm cát (H. scabra) giai đoạn giống.

Ảnh hưởng của thời gian gây sốc oxy, nhiệt độ và độ mặn đến sinh sản của artemia (Artemia franciscana)

Nguyễn Văn Hòa, Phạm Nguyễn Huyền Trinh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra thời gian gây sốc oxy, nhiệt độ và độ mặn thích hợp để kích thích Artemia đẻ trứng. Nội dung nghiên cứu gồm: (i) Ảnh hưởng của thời gian gây sốc oxy (tắt sục khí 30, 60, 90 phút) và (ii) ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ (26; 30; 34oC) và độ mặn (40; 60; 80 ppt) đến phương thức sinh sản và sinh trắc trứng bào xác Artemia. Kết quả thí nghiệm (TN) cho thấy, tổng phôi/con cái của Artemia, cao nhất ở nghiệm thức đối chứng (ĐC) (708 phôi), khác biệt không có ý nghĩa thống kê với nghiệm thức (NT) gây sốc oxy 30 phút (695 phôi), thấp nhất là NT gây sốc oxy 90 phút (512 phôi). Tuy nhiên, nghiệm thức gây sốc oxy 30 phút có tổng cyst/con cái cao nhất (244 cyst/con); nghiệm thức ĐC thấp nhất (69,8 cyst/con). Đường kính trứng và đường kính phôi ở nghiệm thức ĐC cao nhất (231,5 µm và 201,5 µm), thấp nhất ở NT gây sốc oxy 30 phút (221,1 µm và 195,1 µm; tương ứng). Trong TN 2, nghiệm thức nhiệt độ 26oC và các độ mặn khác nhau (40; 60; 80 ppt) Artemia có tỷ lệ sống cao nhất (84,0-91,8%), ở NT nhiệt độ 34oC và cùng độ mặn,  tỷ lệ sống Artemia trung bình dao động từ 36,8-41,8%. Tổng phôi và tổng cyst/con cái ở NT nhiệt độ 26oC và độ mặn 80 ppt cao nhất (814 phôi/con và 326 cyst/con); thấp nhất ở NT nhiệt độ 34oC và độ mặn 80 ppt (83,9 phôi/con và 14,0 cyst/con). Nhiệt độ 26oC kết hợp với độ mặn 80 ppt là thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và sinh sản của Artemia.

Đặc điểm mô bệnh học của cá lóc (Channa striata) bệnh xuất huyết và bệnh gan thận mủ

Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Đặng Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định đặc điểm mô bệnh học của cá lóc bị bệnh xuất huyết và bệnh gan thận mủ. Mẫu cá bệnh được thu từ 5 ao nuôi cá lóc thương phẩm ở các huyện thị thuộc tỉnh An Giang. Cá bệnh được thu là những con cá bơi lờ đờ, trên thân và các vi có hiện trượng xuất huyết hoặc có đốm trắng trên gan, thận và tỳ tạng. Kết quả phân tích mô bệnh học mẫu cá bệnh xuất huyết ghi nhận nhiều vùng mô của các cơ quan gan, thận và tỳ tạng bị thay đổi cấu trúc, có hiện tượng xuất huyết và sung huyết. Bên cạnh đó, mô cơ bị hoại tử nhẹ và mô mang có hiện tượng sợi mang thứ cấp dính lại với nhau. Khác với cá bệnh xuất huyết, cá bị bệnh gan thận mủ có nhiều vùng hoại tử và các vùng tổn thương dạng u hạt trên mô gan, thận và tỳ tạng. Kết quả nghiên cứu này cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc chẩn đoán và nghiên cứu phương pháp phòng trị bệnh ở cá lóc.

Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ nhận biết thương hiệu sản phẩm Quýt hồng Lai Vung của người tiêu dùng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Khưu Ngọc Huyền, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự nhận biết thương hiệu của sản phẩm Quýt hồng Lai Vung. Thông qua số liệu điều tra 150 người tiêu dùng ở Đồng bằng sông Cửu Long về sự nhận biết thương hiệu sản phẩm Quýt hồng, đồng thời ứng dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho thấy, năm nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự nhận biết thương hiệu của sản phẩm Quýt hồng Lai Vung, Đồng Tháp, đó là: “An toàn khi sử dụng sản phẩm”, “Chất lượng của sản phẩm”, “Hình dáng bên ngoài của sản phẩm”, “Sự phổ biến của sản phẩm” và “Sự quen thuộc của sản phẩm”. Trong đó, biến quan sát “Có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng” là biến ảnh hưởng mạnh nhất đến việc nhận biết sản phẩm Quýt hồng của người tiêu dùng.

Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu hình thành khu phố chuyên doanh tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ: Tiếp cận từ nhu cầu khách du lịch

Nguyễn Quốc Nghi, Nguyễn Thị Bảo Châu, Bùi Văn Trịnh
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu hình thành các khu phố chuyên doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều theo cách tiếp cận từ khách du lịch. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để giải quyết mục tiêu nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố tác động đến nhu cầu của du khách đối với sự hình thành các khu phố chuyên doanh trên địa bàn Quận là “Nhân viên bán hàng”, “Giá cả hàng hóa” và “Hàng hóa và không gian mua sắm”. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để ứng dụng vào nghiên cứu đề án “Phát triển các khu phố chuyên doanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ”.

Nhận dạng các yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ

Ong Quốc Cường, Hồ Hồng Liên, Nguyễn Phạm Tuyết Anh, Võ Thành Danh, Nguyễn Ngọc Hà
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu nhận dạng các yếu tố hình thành văn hóa doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích số liệu sau: thống kê mô tả, hệ số tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định. Kết quả từ phân tích nhân tố khẳng định cho thấy thang đo văn hóa doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ được cấu thành bởi các yếu tố: học tập, quan tâm khách hàng, sự đồng thuận, khả năng thích ứng và định hướng chiến lược.

Phân tích hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối nguồn lực của hộ trồng dưa hấu tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ năm 2014

Đoàn Hoài Nhân, Đỗ Văn Xê
Tóm tắt | PDF
Bài viết tập trung ước lượng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí của các nông hộ trồng dưa hấu tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Hơn thế, tác giả đã cố gắng khẳng định giá trị của bài viết thông qua việc ứng dụng phần mềm R để ước lượng hiệu quả sản xuất. Với dữ liệu thu thập được từ những hộ sản xuất dưa hấu năm 2014, phương pháp phân tích bao dữ liệu (Data Envelopment Analysis) được sử dụng để ước lượng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí của nông hộ. Kết quả phân tích cho thấy rằng các hộ sản xuất dưa hấu đạt hiệu quả kỹ thuật cao (TE= 96,9%). Tuy nhiên, do hạn chế của việc sử dụng các yếu tố đầu vào nên hiệu quả kinh tế và hiệu quả phân phối đạt ở mức 65,1% và 63,3%.

Đánh giá hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo các hình thức tổ chức ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đỗ Minh Vạnh, Trần Ngọc Hải, Trương Hoàng Minh, Trần Hoàng Tuân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đã được thực hiện từ tháng 9/2014-2/2015, thông qua việc khảo sát 90 nông hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nhỏ lẻ (NH), 12 tổ hợp tác (THT) 12 trang trại (TT) và 12 công ty (CT) bằng bảng câu hỏi được soạn sẵn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng diện tích của NH (ha/hộ) và số ao nuôi (ao/hộ) tương ứng là 4,6 và 4,9 thấp hơn THT (32,4; 30,3), TT (15,1; 13,1 ) vàCT (92,9; 83,7). Mật độ nuôi, tỷ lệ sống, thời gian nuôi và kích cỡ tôm thu hoạch ở hình thức CT đạt cao nhất kế đến là TT, THT, NH, tương ứng năng suất tôm nuôi lần lượt là 13,9; 10,6; 10,9 và 8,37 tấn/ha/vụ. Giá thành sản xuất thấp nhất ở hình thức TT và cao nhất là CT, dao động 67,5-73,9 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận (tr.đ/ha/vụ) của các hình thức nuôi là khá cao, lần lượt là NH (596), THT (692), TT (696) và CT (1.038), tương ứng với tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 1,0; 0,85; 1,03 và 1,04 lần. Tỷ lệ sinh lời trong nghiên cứu này là rất cao, trừ hình thức NH có 6% hộ lỗ. Mức an toàn sinh học và hoạt động nâng cao năng lực người nuôi ở CT được quan tâm hơn so với các hình thức còn lại.

Hiệu quả sản xuất của các hộ nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở tỉnh An Giang

Lê Thị Thanh Hiếu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện dựa vào việc khảo sát 66 hộ nuôi ở 2 huyện Châu Phú và Phú Tân của tỉnh An Giang và sử dụng phương pháp phân tích hàm biên ngẫu nhiên (SFA- Stochastic Frontier Analysis) để đo lường hiệu quả chi phí (CE – Cost Efficiency) của các hộ nuôi cá tra ở tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, CE bình quân của các hộ nuôi đạt 71% và có sự khác biệt về CE giữa các hộ nuôi. Những yếu tố có tác động tích cực đến CE của các hộ nuôi bao gồm: việc sử dụng con giống được chứng nhận sạch bệnh và trình độ học vấn cao của người nuôi chính. Chính vì vậy, việc phát triển lượng cung con giống sạch bệnh cho hộ nuôi là một chính sách cần thiết để cải thiện CE cho các hộ nuôi cá tra ở An Giang.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Bảo Châu, Ong Thị Ến Nga, Nguyễn Quốc Nghi
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch (TNDL) huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ 116 du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm du lịch Phong Điền. Thông qua ứng dụng mô hình phân tích nhân tố (EFA) kết hợp phân tích hồi quy đa biến (MLR), nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của TNDL huyện Phong Điền là: Giá trị lịch sử, Giá trị tâm linh, Giá trị nghệ thuật và Giá trị sinh thái. Trong đó, nhân tố Giá trị lịch sử có tác động mạnh nhất đến sự hấp dẫn của TNDL huyện Phong Điền.

Tác động của việc thu hồi đất vùng nông thôn đến thu nhập người dân huyện Vĩnh Thạnh - thành phố Cần Thơ: Trường hợp dự án khu dân cư vượt lũ Thạnh Mỹ

Lê Thanh Sơn, Trần Tiến Khai
Tóm tắt | PDF
Việc thu hồi đất của người dân do Chính phủ thực hiện vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã và đang là xu thế tất yếu của quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong quá trình đó, người dân đã bị mất đất sản xuất, phải chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế cũng thay đổi theo. Nhóm tác giả nghiên cứu tác động của việc thu hồi đất vùng nông thôn đến thu nhập người dân tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ bằng phương pháp sai biệt kép nhằm mô tả và lượng hoá những thay đổi trong sinh kế của người dân. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về thu nhập của người dân sau hai năm kể từ khi Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất.

Tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch dải ven biển Hà Tiên - Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

Cao Mỹ Khanh, Đào Ngọc Cảnh
Tóm tắt | PDF
Dải ven biển Hà Tiên - Kiên Lương là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch có giá trị, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ở nơi đây chưa phát huy hết tiềm năng và còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng nhất định đến các mục tiêu phát triển du lịch của Kiên Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thông qua việc tổng hợp, phân tích các dữ liệu thu thập được, kết hợp phương pháp điều tra thực địa, bài viết thể hiện các nội dung về tiềm năng phát triển du lịch; các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại trong phát triển du lịch dải ven biển Hà Tiên - Kiên Lương.

Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng tiêu chuẩn nghề du lịch của hướng dẫn viên

Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Cẩm Phi, Huỳnh Tương Ái
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm góp phần cải thiện chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch của Việt Nam trong tương lai. Mẫu nghiên cứu gồm 107 hướng dẫn viên làm việc ở thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng bảng câu hỏi. Thang đo 6 điểm dạng Likert được sử dụng để đo lường quan điểm của đáp viên. Đối tượng nghiên cứu được chọn bằng kỹ thuật lấy mẫu kiểu thuận tiện. Dữ liệu được phân tích bằng các phương pháp thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sáu nhân tố ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng tiêu chuẩn nghề du lịch của hướng dẫn viên gồm: “hoạt động thuyết minh”, “tạo lập, duy trì, phát triển các mối quan hệ trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình du lịch và xử lý tình huống phát sinh trong hoạt động hướng dẫn”, “học tập, rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ và bán sản phẩm du lịch”, “công tác chuẩn bị thực hiện chương trình du lịch, học tập và rèn luyện nâng cao trình độ, chăm sóc khách hàng”, “công tác tổ chức thực hiện chương trình du lịch” và “hỗ trợ quảng cáo và tiếp thị sản phẩm du lịch”.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống phân phối sản phẩm muối ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Mai Văn Nam, Trương Quỷnh Như, Nguyễn Quốc Nghi
Tóm tắt | PDF
Với những số liệu thu thập được từ 416 mẫu điều tra là các tác nhân có liên quan trong hệ thống kênh phân phối sản phẩm muối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời sử dụng các phương pháp thống kê mô tả, phân tích ngành hàng (CCA), marketing biên tế, nghiên cứu đã phác họa được hệ thống kênh phân phối sản phẩm muối vùng ĐBSCL. Kênh phân phối gồm có 6 tác nhân chính là: diêm dân, thương lái, vựa muối, cơ sở chế biến, đại lý bán lẻ chuyên về muối và đại lý bán lẻ không chuyên về muối. Hệ thống kênh phân phối khá phức tạp, các tác nhân chưa có mối liên kết chặt chẽ. Hệ thống phân phối gồm 7 kênh chính. Đại lý bán lẻ không chuyên về muối là tác nhân có lợi nhuận cao nhất trong kênh phân phối, kế đến là đại lý bán lẻ chuyên về muối, cơ sở chế biến, vựa muối, thương lái và cuối cùng là diêm dân. Tuy nhiên, với số lượng thu mua lớn thì thương lái và vựa muối là đối tượng được hưởng nhiều lợi nhuận nhất trong hệ thống kênh phân phối sản phẩm muối trong vùng. Từ phân tích những hạn chế của hệ thống phân phối, bài viết đã đề xuất hệ thống kênh phân phối “lý tưởng” cho sản phẩm muối vùng ĐBSCL với 4 kênh phân phối chính. Bên cạnh đó, bài viết còn đề xuất một số giải pháp cụ thể cho từng tác nhân trong kênh phân phối, trong đó chú trọng đến giải pháp liên kết sản xuất-thương mại cần được ưu tiên.

Đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của người sử dụng đất tại thành phố Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận

Phan Thị Thanh Trường, Hà Thúc Viên
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện các nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất tại thành phố Phan Thiết và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở các tài liệu thứ cấp có liên quan, điều tra phỏng vấn 30 chuyên gia và 130 hộ sử dụng đất tại thành phố. Nội dung điều tra gồm quy trình thực hiện nghĩa vụ tài chính, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai. Phương pháp chính được sử dụng là phương pháp điều tra, phân tích và tổng hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính đất đai tăng trong giai đoạn 2006 - 2012, nhưng kết quả khảo sát thực tế cho thấy tỷ lệ người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính thấp. Nguyên nhân chính người dân không đủ khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ, chưa am hiểu luật pháp, bất cập trong các quy định về giá và hình thức thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đề xuất các giải pháp hiệu quả để giải quyết các tồn đọng vừa qua và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính về đất đai trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

Đánh giá kết quả học tập của sinh viên đi làm thêm và sinh viên không đi làm thêm ở các khoa trong Trường đại học Cần Thơ

Vương Quốc Duy
Tóm tắt | PDF
Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của việc đi làm thêm lên kết quả học tập của sinh viên ở các khoa trong Trường Đại học Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được tác giả thu thập bằng bảng câu hỏi gửi trực tiếp đến 400 sinh viên ở các khoa trong Trường Đại học Cần Thơ. Bên cạnh công cụ thống kê mô tả, bài viết sử dụng mô hình Probit và mô hình phân tích điểm số xu hướng để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đi làm thêm và đánh giá ảnh hưởng của việc đi làm thêm lên kết quả học tập của sinh viên trong Trường. Kết quả nghiên cứu mô hình Probit cho thấy quyết định đi làm thêm của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ phụ thuộc vào 6 yếu tố: năm đang học, thu nhập, chi tiêu, thời gian rảnh, kinh nghiệm-kỹ năng sống và kết quả học tập. Mô hình phân tích điểm số xu hướng chỉ ra rằng kết quả học tập của sinh viên đi làm thêm có sự khác biệt thấp hơn so với sinh viên không đi làm thêm.

Quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Nguyễn Phan Khôi
Tóm tắt | PDF
Quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh là một trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực quyền tác giả, bảo hộ cho những tác phẩm không xác định được tác giả khi công bố. Việc bảo hộ dành cho các tác phẩm này đã được đề cập đến trong hệ thống pháp luật về quyền tác giả trong suốt các giai đoạn khác nhau của luật. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, xuất phát từ việc đưa ra khái niệm về tác phẩm khuyết danh chưa phù hợp, quy định cách tính thời hạn bảo hộ không hợp lí và thiếu sót trong việc ghi nhận thời hạn xuất hiện của tác giả tác phẩm khuyết danh, cũng như chưa ghi nhận các trường hợp tác phẩm khuyết danh theo thỏa thuận. Bài viết này khái quát các quy định liên quan đến tác phẩm khuyết danh theo pháp luật Việt Nam và công ước Berne, từ đó chỉ ra các bất cập của luật. Cuối bài viết là các đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của luật để giải quyết các bất cập đó.