Ngày xuất bản: 02-05-2024

Đánh giá sự phát triển năng lực học sinh khi dạy học với cẩm nang điện tử chủ đề “phân loại và xử lí rác thải” trong dạy học hoạt động trải nghiệm lớp 3

Trần Thị Phương Dung, Ngô Thanh Tấn, Ngô Đình Vũ, Lưu Tăng Phúc Khang
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày tiến trình dạy học có sử dụng cẩm nang điện tử với nội dung Phân loại và xử lý rác thải trong môn Hoạt động trải nghiệm 3 nhằm phát triển năng lực thuộc hoạt động trải nghiệm (thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp) và đáp ứng mục tiêu giáo dục chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm trên 02 lớp qua ba giai đoạn: trước khi dạy học; trong quá trình dạy học; sau khi dạy học. Nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các nhóm năng lực của hai lớp thực nghiệm bằng kiểm định T-test về giá trị trung bình cho 2 mẫu độc lập (Independent Samples T-test) trước và sau thực nghiệm thông qua tỉ lệ (%) các nhóm học sinh đạt được các thành phần năng lực trải nghiệm tương ứng ở các lớp. Kết quả cho thấy dạy học thông qua cẩm nang điện tử giúp học sinh phát triển được năng lực thuộc hoạt động trải nghiệm, những phẩm chất và năng lực chung khác của học sinh.

Những khó khăn sinh viên ngành Sư phạm Vật lý gặp phải trong học tập và cuộc sống

Lê Như Thuật, Đỗ Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện thông qua việc khảo sát 110 sinh viên ngành Sư phạm Vật lý (SPVL) các khóa 46, 47, 48 nhằm tìm hiểu những khó khăn họ gặp trong học tập và cuộc sống, nguyên nhân và những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong các khó khăn mà sinh viên gặp phải, "Nội dung học tập khó, không thể theo kịp" và "Phương pháp giảng dạy của giảng viên khó, không thể theo kịp" là hai nhóm nội dung mà nhiều sinh viên ngành SPVL gặp phải nhất. Các nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên chủ yếu từ phía bản thân sinh viên, do: "Chưa thích ứng kịp với các phương pháp giảng dạy của một số giảng viên"; "Khả năng tự học của bản thân còn yếu"; và "Thiếu tính kỷ luật với bản thân". Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên nhân từ phía giảng viên và học phần. Kết quả này là cơ sở quan trọng để các bên liên quan có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành SPVL nói riêng và các ngành học nói chung.

Một số thuận lợi và khó khăn trong hoạt động trao đổi sinh viên của Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ

Đinh Minh Quang, Lê Thị Bảo Ngọc, Trần Thị Mừng, Lâm Quốc Anh, Huỳnh Anh Huy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá hiện trạng thuận lợi và khó khăn trong hoạt động trao đổi sinh viên đối với sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ để từ đó đề xuất việc xây dựng kế hoạch trao đổi sinh viên với các trường đại học ngoài nước nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ cho sinh viên. Kết quả khảo sát cho thấy: để xây dựng chương trình trao đổi sinh viên ngày càng tốt hơn và hiệu quả hơn cần phải nắm bắt được những thuận lợi mà sinh viên sẽ đạt được sau chuyến đi. Bên cạnh đó còn phải khắc phục những khó khăn phát sinh trong suốt chuyến đi học tập nhằm tạo ra một kết quả tốt cho quá trình trao đổi cũng như tăng hiệu quả cho việc tổ chức hoạt động trao đổi sinh viên sau này của các trường đại học.

Xây dựng và sử dụng quy trình theo định hướng dạy học STEM cho môn sinh học 10

Trần Thị Cẩm Ly, Võ Thị Thảo Lam, Nguyễn Lê Hoàng Phúc, Võ Thị Thanh Lam, Nguyễn Thị Kim Hân, Đinh Minh Quang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện để thu thập thông tin về tính khả thi và hiệu quả của việc xây dựng và áp dụng quy trình theo định hướng dạy học STEM cho môn Sinh học 10. Đa số giáo viên (GV) đánh giá quy trình đã giúp họ thiết kế bài học STEM tốt hơn, tự tin hơn khi áp dụng và đưa ra một số ý kiến góp ý về quy trình. Tuy quy trình đã được nhóm cụ thể hóa nhưng GV vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế trong việc được áp dụng rộng rãi. Để có cái nhìn chi tiết hơn về tình trạng này, việc tiến hành các nghiên cứu sâu hơn được đề xuất để tìm hiểu nguyên nhân ảnh hưởng đến tính khả thi của quy trình và mức độ vận dụng kiến thức của học sinh (HS).

Giải thuật tối ưu so sánh hai tập hợp và ứng dụng trong các mô hình thực tế

Trương Ngọc Hiện, Lâm Thị Vân Khánh, Thạch Tấn Phong, Trương Thị Thu Ngân, Phạm Thị Vui
Tóm tắt | PDF
Các quan hệ thứ tự tập dùng trong bài toán tối ưu tập đóng vai trò quan trọng trong áp dụng vào các bài toán trong thực tế. Việc xây dựng giải thuật nhằm so sánh các tập hợp theo các quan hệ thứ tự tập là thiết thực và là tiền đề cho việc đi sâu nghiên cứu về giải thuật cho lớp bài toán tối ưu tập. Nghiên cứu này tập trung vào việc xây dựng giải thuật so sánh hai tập hợp cùng với liên hệ vận dụng vào các mô hình kinh tế, xã hội trong thực tế.

Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động STEM trong dạy học nội dung Âm thanh ở môn Khoa học 4

Trần Thị Phương Dung, Phạm Nguyễn Song Liên, Trương Vinh, Lưu Tăng Phúc Khang
Tóm tắt | PDF
Giáo dục STEM là mô hình đảm bảo giáo dục toàn diện trong việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh (HS). Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm sư phạm để so sánh mức độ phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS tiểu học thông qua 02 hoạt động STEM “Căn phòng cách âm” và “Loa khuếch đại âm thanh” thuộc mạch nội dung Âm thanh môn Khoa học 4. Nghiên cứu được tiến hành trên 01 lớp sau khi dạy học thông qua sự đánh giá sự khác biệt giữa các nhóm năng lực bằng kiểm định T-test về giá trị trung bình cho 02 mẫu độc lập (Independent Samples T-test). Thông qua tỉ lệ (%) các nhóm HS đạt được các thành phần năng lực giải quyết vấn đề, sau thực nghiệm thì kết quả nghiên cứu cho thấy điểm trung bình năng lực giải quyết vấn đề trong bài học STEM 2 cao hơn so với bài học STEM 1. Trong đó, biểu hiện hành vi D2.2 có sự tiến bộ rõ rệt. HS nâng cao khả năng tìm hiểu kiến thức và thiết kế sản phẩm, hiểu rõ cách thức xác định và đề xuất giải pháp dựa trên phân tích thông tin từ vấn đề thực tiễn.

Vấn đề minh giải và giảng dạy tác phẩm thơ văn chữ Hán Việt Nam trong chương trình trung học phổ thông

Đỗ Thị Hà Thơ, Đặng Thị Hoa
Tóm tắt | PDF
Tác phẩm văn học chữ Hán Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải giá trị văn hóa lịch sử nước nhà và giáo dục nhân cách con người thời hiện đại. Theo sự biến đổi của thời đại, sự cách biệt về thời gian, không gian và nhất là cách biệt về mặt ngôn ngữ đã tạo nên trở ngại nhất định đối với việc tiếp thu giá trị của những tác phẩm này. Việc tiếp cận các tác phẩm thơ văn chữ Hán Việt Nam được tuyển giảng trong chương trình phổ thông cấp Trung học phổ thông chỉ dừng lại ở bản phiên âm Hán Việt, dịch nghĩa và dịch thơ chưa thể chuyển tải được trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác. Cùng với đó, việc chú thích, chú giải từ ngữ trong sách giáo khoa cũng rất hạn chế khiến cho việc tiếp nhận văn bản khó khăn hơn. Từ thực tế giảng dạy các văn bản tác phẩm Hán văn Việt Nam trong chương trình phổ thông, một số hướng tiếp cận được đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình Ngữ văn năm 2018.

Ứng dụng phân loại bằng máy vector hỗ trợ trong đánh giá tính tích cực học tập của sinh viên

Lê Khánh Duy, Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Trương Huỳnh Kỳ, Huỳnh Phước Nghĩa, Lê Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Bài toán phân loại đã được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong y học. Thái độ học tập tích cực là một trong những yếu tố chủ chốt quyết định trực tiếp đến kết quả học tập của sinh viên trong môi trường học tập tự chủ ở bậc đại học. Nghiên cứu này xây dựng bộ dữ liệu đánh giá tính tích cực trong học tập, sau đó áp dụng mô hình phân loại hiệu quả cho bộ dữ liệu này và đề xuất mô hình phân loại  để chẩn đoán kịp thời "bệnh chán học" cho cá nhân sinh viên, từ đó có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đa dạng hệ thực vật bậc cao ở đảo Lại Sơn, tỉnh Kiên Giang

Hồ Thị Phi Yến, Trần Tú Trinh, Đặng Văn Sơn, Trương Bá Vương, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Minh Quân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp dữ liệu về thành phần loài thực vật bậc cao (TVBC) ở đảo Lại Sơn, làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật tại đây. Các phương pháp được sử dụng bao gồm PRA; điều tra thực địa; so sánh hình thái để phân loại và tra cứu các tài liệu chuyên ngành về thực vật. Kết quả đã xác định được 663 loài thuộc 435 chi của 129 họ trong 5 ngành. Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) đa dạng nhất với số taxon ở mỗi bậc đều chiếm trên 86%. Các loài cây thu được thuộc 8 dạng sống và phân bố trong 6 sinh cảnh, nhưng chủ yếu là sinh cảnh rừng tự nhiên trên núi đá và vườn nhà. Nguồn tài nguyên thực vật cũng đã được thống kê với 652 loài cây có giá trị sử dụng chiếm 98,34% số loài và 46 loài cây có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” (2007) và Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Hệ thực vật ở đảo này có mối quan hệ gần gũi với hệ thực vật nhiệt đới châu Á.

Phẩm chất và năng lực nghề nghiệp nhà giáo của sinh viên Sư phạm Vật lý Trường Đại học Cần Thơ

Trần Thị Như Anh, Đỗ Thị Phương Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này trình bày kết quả tự đánh giá của sinh viên Sư phạm Vật lý, Trường Đại học Cần Thơ về thực trạng và sự phát triển về phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của mình trong quá trình đào tạo. Sinh viên từ các khóa 46, 47 và 48 đã tự đánh giá phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của mình theo thang Likert 5 mức độ. Tại thời điểm khảo sát, giá trị trung bình của các phẩm chất và năng lực nhà giáo được đánh giá từ 3,75 (mức Khá) trở lên và đã có sự gia tăng so với khi sinh viên bắt đầu học (từ 3,36) với tỷ lệ tăng đạt trung bình từ 0,16 đến 0,38 chứng tỏ công tác giảng dạy đã đem lại những hiệu quả nhất định. Nghiên cứu cũng chỉ ra những học phần được người học đánh giá cao hoặc chưa cao trong sự phát triển năng lực nghề nghiệp và một số ý kiến đề xuất từ phía người học để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger và Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp dưới góc nhìn so sánh

Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đặng Trần Kim Ngân, Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Thụy Thùy Dương
Tóm tắt | PDF
Tác phẩm văn học tiến bộ luôn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhận thức và hành động của con người. Văn học viết cho thanh thiếu niên càng phát huy vai trò trong việc hình thành và bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách cho thế hệ trẻ. Tìm hiểu tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger và Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp, người đọc sẽ nhận thấy sự gặp gỡ kì lạ giữa hai nhà văn của Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc xây dựng hình tượng nhân vật ở lứa tuổi thanh thiếu niên với những suy nghĩ và hành động “nổi loạn” cùng những va đập đầu đời để có được những bài học quý giá. Vì lẽ đó, nghiên cứu hai tiểu thuyết dưới góc nhìn so sánh giúp nhận diện những tương đồng bất ngờ và những nét dị biệt thú vị trong phương diện nghệ thuật trần thuật cũng như nội dung và ý nghĩa giáo dục của văn học đối với xã hội nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

Đa dạng nguồn tài nguyên cây có ích ở đảo Nam Du tỉnh Kiên Giang

Trần Tú Trinh, Hồ Thị Phi Yến, Đặng Văn Sơn, Trương Bá Vương, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Minh Quân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng đa dạng nguồn tài nguyên cây có ích ở đảo Nam Du, làm cơ sở khoa học cho việc khai thác, sử dụng, quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên thực vật ở đảo. Các phương pháp được sử dụng gồm PRA; điều tra thực địa; so sánh hình thái để phân loại và tra cứu các tài liệu chuyên ngành về cây có ích. Kết quả đã xác định được 562 loài thuộc 388 chi của 127 họ trong 5 ngành. Đa số các taxon tập trung trong ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) với tỉ lệ các taxon ở mỗi bậc họ, chi, loài đều chiếm trên 85%. Tất cả các loài được xếp vào 12 nhóm giá trị sử dụng, trong đó, đa dạng nhất là nhóm cây làm thuốc, làm cảnh và ăn được. Có 27 loài cây có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” (2007) và Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Các loài cây có ích thu được thuộc 8 dạng sống và phân bố trong 6 sinh cảnh, nhưng đa dạng nhất là sinh cảnh rừng tự nhiên trên núi đá và sinh cảnh vườn nhà.

Biểu diễn nón Bishop-Phelps trong không gian hữu hạn chiều

Phạm Thanh Dược, Lâm Thị Vân Khánh, Võ Thị Mộng Thuý, Đặng Thị Mỹ Vân
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài báo là nghiên cứu sự biểu diễn của nón Bishop-Phelps trong không gian hữu hạn chiều dưới các chuẩn khác nhau. Đầu tiên, định nghĩa về các nón trong không gian hữu hạn chiều được nhắc lại, kèm theo các ví dụ minh họa về nón Bishop-Phelps có cả phần trong bằng rỗng và khác rỗng. Tiếp theo, bài báo xem xét các tính chất của nón Bishop-Phelps. Cuối cùng, những nón này được sử dụng để biểu diễn các nón cơ bản trong không gian hữu hạn chiều như nón Orthant không âm, nón Lorentz, và các nón có liên quan khác.

Vận dụng mô hình học tập cảm xúc - xã hội trong dạy học môn Đạo đức ở tiểu học

Trần Thanh Dư, Trịnh Thụy Xuân Thảo, Nguyễn Thị Chúc Vi, Mơ Ly Ly
Tóm tắt | PDF
Môn Đạo đức ở cấp tiểu học giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển ý thức và hành vi của người công dân cho học sinh (HS). Mặt khác, học tập cảm xúc - xã hội (Social & Emotional Learning - SEL) là một trong những mô hình quan trọng góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học; phù hợp với dạy học môn Đạo đức. Bằng phương pháp nghiên cứu lí luận, bài viết trình bày tổng quan về khái niệm, đặc trưng của mô hình học tập cảm xúc - xã hội trong giáo dục HS tiểu học và việc vận dụng mô hình học tập này trong dạy học môn Đạo đức, đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của người học theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ý kiến của giáo viên về các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc giảng dạy môn Ngữ Văn lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thanh Liêm, Bùi Thị Tuyết Phương, Bùi Điền Nguyên
Tóm tắt | PDF
Để tìm hiểu các yếu tố khách quan có ảnh hưởng đến việc dạy học Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, một nghiên cứu khảo sát được tiến hành nhằm xem xét ý kiến 144 giáo viên đang giảng dạy Ngữ văn lớp 10 ở Đồng bằng sông Cửu Long về năm yếu tố, gồm (1) Sách giáo khoa, (2) Điều kiện dạy học, (3) Người học, (4) Sự hỗ trợ của đồng nghiệp và lãnh đạo, (5) Học tập và trao đổi chuyên môn. Kết quả cho thấy giáo viên có xu hướng đồng ý rằng các yếu tố này có ảnh hưởng đến việc dạy học, trong đó “Sự hỗ trợ của đồng nghiệp và lãnh đạo” đem đến nhiều thuận lợi nhất, còn “Điều kiện dạy học” có nhiều yếu tố gây bất lợi nhất. Ngoài ra, trong sáu đề xuất nhằm hỗ trợ giáo viên thực hiện Chương trình 2018, đề xuất “Cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình” được đánh giá cần thiết nhất với 63,9% tỷ lệ lựa chọn (N=144).

Tín ngưỡng thờ thần Hà Bá của người Đồng Tháp (trường hợp khảo sát miếu An Khương, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)

Đỗ Thị Hà Thơ, Ngô Trọng Phúc
Tóm tắt | PDF
Quan niệm về thần Hà Bá ở mỗi vùng có sự khác nhau, có vùng cho rằng Hà Bá là một ác thần, nhưng cũng có vùng lại cho rằng Hà Bá là một lương thần. Dù là quan niệm nào đi nữa thì người dân đều lập miếu thờ để cầu mong sự bảo trợ. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp còn duy nhất một ngôi miếu thờ thần Hà Bá là miếu An Khương, tọa lạc tại đường Trần Văn Voi, khóm 2, phường 4, thành phố Sa Đéc. Qua khảo sát thực tế, miếu An Khương hiện còn lưu giữ một đạo sắc phong ban cho thần Hà Bá năm Khải Định thứ 9 (1924) là minh chứng lịch sử ghi nhận việc thờ tự hợp pháp vị thần này trong quá khứ. Trong bài viết này, tín ngưỡng thờ thần Hà Bá của người Đồng Tháp được giới thiệu cơ bản; từ đó, giúp chúng ta hiểu hơn về tín ngưỡng thờ tự vị thần này và những thay đổi trong cách tiếp nhận tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa của người Đồng Tháp cũng như người Tây Nam Bộ ở hiện tại.

Sự tồn tại và tính nửa liên tục trên của nghiệm bài toán cân bằng tách

Trần Ngọc Tâm, Lâm Văn Đầy, Nguyễn Quốc Thanh, Nguyễn Chí Thắng
Tóm tắt | PDF
Bài báo xem xét bài toán cân bằng tách. Bằng cách sử dụng bổ đề KKM-Fan, các điều kiện tồn tại cho bài toán cân bằng tách được thiết lập. Khi hàm mục tiêu và ánh xạ ràng buộc của các bài toán đang xét bị nhiễu bởi tham số, các điều kiện đủ đảm bảo tính nửa liên tục trên của ánh xạ nghiệm cũng được nghiên cứu.

Phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh bằng hình thức tranh luận trong dạy học quan hệ vuông góc trong không gian

Đoàn Thanh Phục, Lê Viết Minh Triết
Tóm tắt | PDF
Việc rèn luyện các kĩ năng tư duy cho học sinh, trong đó có tư duy phản biện là cần thiết và phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sử dụng hình thức tranh luận trong dạy học toán rất thích hợp với tiến trình phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh bởi vì phương pháp này giúp người học rèn luyện khả năng xem xét nhiều mặt của vấn đề; suy luận, tranh luận và đưa ra quyết định. Tuy vậy, ở Việt Nam các nghiên cứu về cách thức dạy học toán bằng tranh luận còn khan hiếm. Bài viết này nghiên cứu cách thức tổ chức dạy học toán bằng tranh luận nhằm phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh Trung học phổ thông. Sau đó, thực nghiệm tình huống dạy học được tiến hành bằng tranh luận chủ đề Quan hệ vuông góc trong không gian và sử dụng công cụ đánh giá năng lực tư duy phản biện của Rasiman. Kết quả cho thấy tranh luận trong dạy học có hiệu quả để phát triển năng lực tư duy phản biện của học sinh.