Ngày xuất bản: 02-02-2024

Nhận dạng một số bệnh trên bông xoài sử dụng kỹ thuật học sâu chuyển tiếp

Phan Tấn Phước, Ngô Quang Hiếu, Trương Quốc Bảo
Tóm tắt | PDF
Nước ta có điều kiện khí hậu phù hợp với việc trồng cây xoài. Đây là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân. Do đó, nhận dạng được bệnh hại trên bông trong giai đoạn ra hoa, đậu trái là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất mùa vụ. Vì vậy, ứng dụng điện thoại thông minh để nhận dạng bệnh trên bông xoài thông qua hình ảnh của bông xoài là rất cần thiết. Nghiên cứu sử dụng tập dữ liệu của 4 loại bông xoài: bông xoài thán thư, bông xoài bị cháy (bệnh đốm đen), bông xoài nghẹn, bông xoài không bệnh, với 733 hình ảnh được thu thập. Nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật học sâu chuyển tiếp để tiến hành huấn luyện trên mô hình EfficientNetB0 và MobileNetV2, kết quả độ chính xác của mô hình EfficientNetB0 đạt 99,84% cao hơn so với mô hình MobileNetV2 chỉ đạt 95,21%. Kết quả nghiên cứu có thể giúp các nhà nông học, nhà nghiên cứu có các biện pháp hỗ trợ người nông dân định hướng xử lý bông xoài mang bệnh hại phù hợp, hiệu quả.

Ứng dụng mạng học sâu và xử lý ảnh trong xác định các cấp độ nhám bề mặt gia công kim loại

Trần Hữu Phát, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Trong ngành cơ khí chế tạo, độ nhám bề mặt sau gia công là một trong những yêu cầu kỹ thuật quan trọng. Việc đánh giá phải được thực hiện trên hệ thống thiết bị đầu dò phức tạp bởi các kỹ thuật viên, thực tế đó dẫn đến một số khó khăn trong quy trình đánh giá. Trong nghiên cứu này, mạng nơ ron tích chập AlexNet được đề xuất sử dụng để tự động hóa việc nhận dạng và phân tích độ nhám bề mặt. Đầu tiên, dữ liệu hình ảnh bề mặt kim loại được thu thập với độ nhám đã được đánh giá và gán sẵn giá trị Ra trong khoảng 0,4-3,2 μm. Tiếp theo, AlexNet sẽ được huấn luyện trên bộ dữ liệu này để học cách nhận biết các cấp độ nhám khác nhau. Kết quả thực nghiệm với độ chính xác 89,2% đã cho thấy mô hình AlexNet đạt được hiệu suất nhận dạng độ nhám đáng kể. Nghiên cứu đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả của việc ứng dụng mạng nơ ron tích chập vào tự động hóa quy trình đánh giá chất lượng bề mặt gia công.

Hiệu quả các nhóm mô hình học sâu trong bài toán phát hiện phương tiện giao thông

Vũ Lê Quỳnh Phương, Trần Nguyễn Minh Thư, Phạm Nguyên Khang
Tóm tắt | PDF
Các mô hình phát hiện đối tượng dựa trên mạng nơ-ron tích chập đang phát triển liên tục và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hệ thống giao thông thông minh. Trong nghiên cứu này, các kỹ thuật học sâu đã được áp dụng, đặc biệt là các mô hình phát hiện phương tiện giao thông trong thời gian thực: dựa trên “anchor” (điển hình như mô hình You Only Look Once - YOLO), dựa trên “keypoint”(điển hình như mô hình CenterNet), và dựa trên “transformer”(điển hình như mô hình Detection Transformers - DETR). Các mô hình đã được tinh chỉnh và huấn luyện thông qua kỹ thuật học chuyển tiếp để cải thiện khả năng phát hiện phương tiện giao thông. Kết quả của các thử nghiệm đã chỉ ra rằng mô hình YOLO đạt được độ chính xác cao nhất (98,3%) với thời gian thực thi là 11,7 ms. Trong khi đó, mô hình DETR thực hiện thời gian thực thi nhanh nhất (2,3 ms), nhưng độ chính xác thấp nhất (62,4%). Mô hình CenterNet là lựa chọn tốt nhất (94,11% - 8 ms) vì cân đối được giữa độ chính xác và thời gian thực thi, có thể được sử dụng trong các ứng dụng thời gian thực.

Tuyển chọn chất mang để tồn trữ vi khuẩn Comamonas sp. PAN1.12 có khả năng hấp thu sodium tripolyphosphate

Nguyễn Văn Qui, Lê Thị Tuyết Minh, Võ Phát Tài, Phạm Anh Tuấn, Châu Tú Uyên, Nguyễn Mạnh Khương, Nguyễn Đắc Khoa, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tuyển chọn chất mang thích hợp để tồn trữ vi khuẩn hấp thu sodium tripolyphosphate Comamonas sp. PAN1.12 phân lập từ hệ thống xử lý nước thải chế biến thủy sản. Mười một chất mang được khảo sát gồm bã mía, bã cà phê, bột talc, cám, rơm, mạt cưa được sử dụng riêng lẻ và phối trộn năm loại chất mang với bột talc theo tỉ lệ 1:1. Bột talc và hỗn hợp mạt cưa với bột talc có bổ sung 1% carboxymethyl cellulose, 1,5% CaCO3 và chủng 100×106 CFU/g có khả năng duy trì mật số (>106 CFU/g) và hấp thu sodium tripolyphosphate (tương đương 67%) của vi khuẩn Comamonas sp. PAN1.12 sau một tháng tồn trữ. Nồng độ chất bổ trợ carboxymethyl cellulose và mật số vi khuẩn chủng vào ban đầu có ảnh hưởng đến mật số vi khuẩn nhưng không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sodium tripolyphosphate của vi khuẩn PAN1.12.

Phân lập vi khuẩn trong nước thải chế biến thủy sản có khả năng hấp thu sulfide

Phạm Anh Tuấn, Trần Ngọc Quế Linh, Võ Phát Tài, Nguyễn Đắc Khoa, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Trong tự nhiên, sulfide được tạo ra do vi khuẩn phân giải các hợp chất hữu cơ có chứa lưu huỳnh hoặc vi khuẩn khử sulfate. Nước thải chế biến thủy sản chứa sulfide dưới dạng H2S, nếu không xử lý, sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh vật thủy sinh và sức khoẻ cộng đồng. Từ mẫu nước thải thu ở các công ty chế biến thủy sản, 15 dòng vi khuẩn có khả năng hấp thu sulfide đã được phân lập. Các dòng vi khuẩn được khảo sát khả năng hấp thu sulfide trong môi trường khoáng tối thiểu có bổ sung sulfide ở các nồng độ 40, 80 và 160 mg/L trong 24 giờ nuôi cấy. Dòng vi khuẩn SIN4.2 hấp thu sulfide hiệu quả nhất ở cả 3 nồng độ khảo sát và được được định danh là Pseudomonas sp. SIN4.2 dựa vào trình tự gen 16S-rRNA.

Khảo sát thành phần hóa học của rễ dừa (Cocos Nucifera L.)

Lê Thanh Phước, Phan Văn Thăng
Tóm tắt | PDF
Rễ dừa (Cocos nucifera L.) thu hái ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, qua quá trình sắc ký cột đã cô lập và nhận danh 6 hợp chất: daucosterol, β-sitosterol, p-hydroxybenzoic acid, ethyl protocatechuate, diosgenin và trans‑resveratrol từ cao ethyl acetate. Cấu trúc hóa học của các hợp chất được xác định dựa vào việc phân tích các dữ liệu phổ HR-ESI-MS, 1D- và 2D-NMR cũng như so sánh với các dữ liệu phổ từ các nghiên cứu đã công bố.

Đánh giá cỡ mẫu cho ước lượng tham số trong những mô hình cấu trúc giai đoạn

Phạm Thị Thu Hoa, Phạm Thị Thu Hường
Tóm tắt | PDF
Mô hình cấu trúc giai đoạn nghiên cứu quá trình phát triển được phân chia theo từng giai đoạn. Mô hình này rất phổ biến trong nghiên cứu sự phát triển của các loại bệnh và sự phát triển sinh học của thực vật và động vật. Cách tiếp cận Bayes nhúng phép biến đổi tham số vào thuật toán Metropolis-Hastings được sử dụng để ước lượng các tham số cho các mô hình này cho đến nay được đánh giá là cách tiếp cận chính xác với các nghiên cứu thực nghiệm. Mục đích chính của bài viết là áp dụng phương pháp tiếp cận Bayes ước lượng tham số trong mô hình cấu trúc giai đoạn không xuất hiện tỷ lệ chết cho các nghiên cứu mô phỏng để xác định cỡ mẫu thích hợp cho mô hình cấu trúc với các giai đoạn cho trước. Kết quả của việc đánh giá cỡ mẫu này được áp dụng cho dữ liệu thời gian ủ bệnh của COVID-19. Nghiên cứu trên dữ liệu này được xem là sự tiếp nối của các nghiên cứu trước và có ý nghĩa trong công tác phòng chống đại dịch.

Mô phỏng thiết kế các dẫn xuất chalcone-sulfonamide nhắm mục tiêu ức chế các enzyme histone deacetylase nhóm I

Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Cường Quốc, Phan Nguyệt Thơ, Dương Quốc Việt, Nguyễn Thiên Hướng, Lê Đăng Quang, Bùi Thị Bửu Huê, Nguyễn Trọng Tuân, Trần Quang Đệ
Tóm tắt | PDF
HDAC là mục tiêu quan trọng trong liệu pháp điều trị ung thư. Trong nghiên cứu này, bộ dữ liệu bao gồm 32 hợp chất có khả năng chelate với kim loại đã được thiết kế dựa trên khung sườn chalcone-sulfonamide. Docking phân tử đã được thực hiện trên các loại HDAC nhóm I. Kết quả cho thấy các hợp chất đều thể hiện các tương tác mạnh mẽ với các amino acid tại vị trí hoạt động. Năng lượng liên kết đều thấp hơn -15 kJ/mol. Đặc biệt, dẫn xuất 20 là hợp chất 2‘-hydroxychalcone-sulfonamide với nhóm thế meta-NO2 cho hiệu quả tốt nhất với cả ba enzyme HDAC. Đây được xem là ứng viên tiềm năng cho các nghiên cứu tổng hợp và đánh giá hoạt tính sinh học trong tương lai.

Tổng hợp dẫn xuất benzimidazole trong điều kiện không dung môi

Hồng Vinh Quang, Nguyễn Thị Thạch Thảo, Mai Thị Kiều Trang, Phan Tuyết Nữ, Lê Thị Xuân Lộc, Trần Quang Đệ, Bùi Thị Bửu Huê
Tóm tắt | PDF
Benzimidazole và các dẫn xuất của chúng được xem là khung sườn quan trọng trong các ngành công nghiệp dược phẩm, phẩm nhuộm, hóa chất nông nghiệp và vật liệu. Do đó, việc nghiên cứu phát triển phương pháp tổng hợp dị vòng benzimidazole luôn được các nhà khoa học quan tâm, đặc biệt là hướng tới hóa học xanh. Trong nghiên cứu này, quy trình tổng hợp dẫn xuất benzimidazole trong điều kiện không dung môi đã được thực hiện với ưu điểm là sử dụng chất oxi hóa Na2S2O5 rẻ tiền và thân thiện môi trường, không sử dụng dung môi hữu cơ và thời gian phản ứng ngắn. Áp dụng quy trình trên, mười dẫn xuất benzimidazole đã được tổng hợp thành công với hiệu suất khá tốt (51-85%).

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa glucose thành acid gluconic

Huỳnh Ngọc Trúc Phương, Nguyễn Thanh Triều, Lý Kim Hân, Võ Phát Tài, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Acid gluconic được ứng dụng trong  xây dựng, công nghệ thực phẩm, dược phẩm, v.v. Một số loài vi sinh vật cũng được chứng minh có khả năng sử dụng glucose để tổng hợp acid gluconic. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập các dòng vi khuẩn bản địa có khả năng chuyển hóa glucose thành acid gluconic. Hai mươi lăm dòng vi khuẩn có khả năng sử dụng glucose đã được phân lập từ các loại vỏ trái cây, trong đó, ba dòng GAB3, GBN6 và GSF5 chuyển hóa glucose (100 g/L) thành acid gluconic hiệu quả nhất trong môi trường khoáng tối thiểu có pH từ 5 đến 8 sau 5 ngày nuôi cấy. Dòng vi khuẩn GSF5 tổng hợp acid gluconic cao nhất, đạt 29,19 g/L khi được nuôi cấy trong môi trường có pH = 6. Kết quả phân tích và so sánh trình tự gen 16S-rRNA cho thấy dòng vi khuẩn GSF5 thuộc chi Staphylococcus và được định danh là Staphylococcus sp. GSF5.

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn trong nước thải chế biến thủy sản có khả năng hấp thu ammonium

Trương Vũ Luân, Nguyễn Thị Khánh Lam, Nguyễn Đắc Khoa, Nguyễn Thị Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Nước thải chế biến thủy sản có chứa protein nên khi bị phân hủy tạo amine, ammonia có mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trong nước, ammonia được chuyển thành ammonium và được vi khuẩn hấp thu cho sự tăng trưởng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập vi khuẩn bản địa trong nước thải chế biến thủy sản có khả năng hấp thu ammonium. Từ 4 mẫu nước thải, 24 dòng vi khuẩn có khả năng hấp thu ammonium đã được phân lập. Kết quả khảo sát chứng tỏ dòng WY3.3 có khả năng hấp thu ammonium (200 ppm) hiệu quả nhất, đạt 94,6% ở thời điểm 24 giờ nuôi cấy. Nuôi cấy thông khí và môi trường có pH = 7 là điều kiện tối ưu cho sự hấp thu ammonium của dòng vi khuẩn WY3.3, đạt hiệu suất lần lượt là 91,9 % và 91,7%. Khi môi trường có bổ sung NaCl 1% và 2%, dòng WY3.3 hấp thu ammonium cao, đạt lần lượt là 99,1% và 97%. Phân tích trình tự gen 16S-rRNA cho thấy dòng WY3.3 tương đồng 99,44% với loài Bacillus funiculus nên được định danh là Bacillus sp. WY3.3.

Xác định chế độ rửa bưởi Năm Roi (Citrus grandis L.) đáp ứng an toàn thực phẩm

Trần Bạch Long, Nguyễn Văn Mười, Hà Thanh Toàn
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được nồng độ phụ gia thích hợp bổ sung vào nước rửa nhằm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng trong quá trình bảo quản bưởi Năm Roi hướng đến sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng. Ba phụ gia được bổ sung riêng lẻ vào nước rửa là NaHCO3 (1%, 2%, 3%, 4%), acid citric (1%, 2%, 3%, 4%), NaCl (8%, 10%, 12%, 14%). Kết quả nghiên cứu cho thấy, xử lý bổ sung phụ gia bằng dung dịch NaHCO3, acid citric vào nước rửa đều cho hiệu quả trong thời gian bảo quản. Sử dụng nồng độ rửa NaHCO3 là 3% có hiệu quả về bưởi Năm Roi ít bị mất màu xanh và tỷ lệ hao hụt khối lượng khi so với acid citric 3%. Tuy nhiên, việc xử lý nồng độ rửa acid citric là 3% có hiệu quả hơn về mật độ vi sinh vật hiếu khí tổng số, nấm men, nấm mốc. Bên cạnh đó, việc sử dụng NaCl 12% cũng giúp ổn định màu sắc, giảm sự hao hụt khối lượng và sự phát triển vi sinh vật.

Ảnh hưởng của bao bì đến tính chất hóa lý, hoạt chất sinh học và khả năng chống ôxy hóa của cây dược liệu Xáo tam phân (Paramignya trimera) trong quá trình bảo quản

Nguyễn Văn Tặng, Hồ Mỹ Linh, Đỗ Thị Công Viên
Tóm tắt | PDF
Cây Xáo tam phân có tên khoa học là Paramignya trimera (Oliv.) Guillaum, là cây thuốc cổ truyền của Việt Nam được sử dụng trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như ung thư gan, phổi, cổ tử cung. Nghiên cứu này đánh giá ảnh hưởng của 5 loại bao bì (PE, PA, PP, LDPE, HDPE) đến tính chất hóa lý, hoạt chất sinh học và hoạt tính chống ôxy hóa của cây dược liệu Xáo tam phân tươi theo thời gian bảo quản ở điều kiện phòng. Kết quả nghiên cứu cho thấy bảo quản cây Xáo tam phân tươi bằng bao bì PA sau 4 ngày ở điều kiện phòng có cường độ hô hấp (CĐHH) thấp (-9,86 mL O2/kg/giờ) thấp, tỷ lệ hao hụt khối lượng (0,40%) và độ khác biệt màu sắc (8,27) thấp nhất, duy trì hàm lượng saponin tổng (130,51 mg EE/g mẫu khô), hàm lượng phenolic tổng (10,20 mg GAE/g mẫu khô) và hàm lượng flavonoid tổng (169,36 mg CE/g mẫu khô) cao nhất, đồng thời đạt hoạt tính chống ôxy hóa thông qua khả năng khử gốc tự do DPPH (4,18 mg TE/g mẫu khô), khả năng khử sắt (4,99 mg TE/g mẫu khô) và khả năng khử đồng (13,61 mg TE/g mẫu khô) mạnh nhất. Từ kết quả thu được, bao bì PA được đề xuất dùng để bảo quản cây Xáo tam phân tươi cho quá trình sử dụng và thực hiện các nghiên cứu tiếp theo.

Nghiên cứu điều kiện tiền xử lý thu nhận chất xơ từ vỏ bưởi da xanh (Citrus maxima (Burm.) Merr.)

Nguyễn Cẩm Hường, Huỳnh Thị Ngọc Bình, Trần Thanh Trúc, Trần Chí Nhân
Tóm tắt | PDF
Nhằm tăng cường hiệu suất thu hồi chất xơ từ vỏ bưởi da xanh (Citrus maxima (Burm.) Merr.), nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của quá trình tiền xử lý ethanol 96o đến hiệu quả làm giàu chất xơ trong vỏ bưởi da xanh, thể hiện qua hàm lượng chất xơ tổng (TDF), chất xơ tan (SDF) và chất xơ không tan (IDF). Điều kiện khảo sát bao gồm (i) thời gian ngâm (10 - 25 phút); (ii) nhiệt độ ngâm (50 - 78,3oC); (iii) tỷ lệ nguyên liệu/ethanol (1/1,25 - 1/5 g/mL), (iv) nhiệt độ sấy (50 - 70oC). Thông qua đó, tiền xử lý mang lại hiệu quả vượt trội hơn về hàm lượng TDF và SDF thu nhận lần lượt là 15,02% và 49,04% so với không qua tiền xử lý. Kết quả khảo sát điều kiện tiền xử lý vỏ bưởi da xanh bằng ethanol 96o cho thấy ngâm qua đêm (12 giờ) ở nhiệt độ phòng (30oC) với tỷ lệ nguyên liệu:ethanol 1:2,5 g/mL, sau đó sấy ở 70oC trong 5 giờ đạt được giá trị cao nhất của IDF (42,39 ± 0,10%), TDF (74,68 ± 0,56%) và SDF (32,29 ± 0,54%).

Khảo sát sự hiện diện và phân bố của nấm rễ cộng sinh (orchid mycorrhizal fungi) trên ba loài lan Dendro (Dendrobium SP.), Hồ điệp (Phalaenopsis SP.) và Kiếm (Cymbidium SP.) trồng tại thành phố Thủ Đức

Phan Thị Kim Ngân, Trần Gia Nam, Phạm Thị Thùy Dương
Tóm tắt | PDF
Mối quan hệ giữa nấm cộng sinh vùng rễ và rễ cây đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng. Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự hiện diện và phân bố của nấm rễ cộng sinh (OMF) trong rễ và giá thể trồng ba loài lan gồm Dendro, Hồ điệp và Kiếm được trồng trên giá thể dớn trắng, than và gỗ thông tại 10 vườn lan ở thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu rễ được nhuộm bằng trypan blue, bào tử trong giá thể được phân lập bằng kỹ thuật sàng ướt ly tâm nổi và nhuộm bằng Melzer + PVLG để quan sát hình thái. Kết quả cho thấy trong rễ và giá thể đều có sự hiện diện của 3 chi nấm gồm Glomus, Acaulospora, Septoglomus, ngoài ra còn ghi nhận được 2 dạng bào tử Dr1 và Dr2 trong rễ và dạng bào tử Ki4 trong giá thể. Glomus là chi chiếm ưu thế trong rễ lan. Trong khi đó, chi Acaulospora hiện diện phổ biến trong giá thể trồng lan với tổng mật số bào tử trung bình là 188 bào tử/g giá thể.

Khảo sát hiện trạng canh tác và một số đặc tính hóa học và sinh học đất trồng dừa (Cocos nucifera L.) tại một số huyện thuộc tỉnh Bến Tre

Nguyễn Khởi Nghĩa, Nguyễn Hửu Thiện, Võ Duyên Thảo Vy, Nguyễn Thành Tới
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát hiện trạng canh tác và đánh giá một số đặc tính hóa học và sinh học đất canh tác dừa theo hướng hữu cơ và truyền thống tại 4 huyện của tỉnh Bến Tre. Các chỉ tiêu về kỹ thuật canh tác, pH, EC, mật số vi sinh vật và hoạt độ enzyme dehydrogenase trong đất được thu thập. Kết quả cho thấy, hầu hết các nông dân canh tác dừa có kinh nghiệm từ 10 đến 70 năm, phần lớn nông dân (59,5%) đã chuyển đổi mô hình canh tác dừa sang hướng hữu cơ, nhưng một bộ phận nông dân vẫn còn thói quen sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học, gây mất cân bằng sinh thái. Kết quả cũng cho thấy nhóm vườn canh tác theo hướng hữu cơ có hoạt độ enzyme dehydrogenase của vi sinh vật đất cao hơn nhóm vườn canh tác theo hướng truyền thống.

Một số đặc điểm sinh học của cá phèn vây vàng, Mulloidichthys vanicolensis (Valenciennes, 1831) ở vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam

Tạ Phương Đông, Trần Thị Ngọc Ánh
Tóm tắt | PDF
Cá phèn vây vàng Mulloidichthys vanicolensis (Valenciennes, 1831) phân bố rộng khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương và được khai thác phổ biến ở vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam, nhưng đến nay nghiên cứu về đặc điểm sinh học của loài này còn rất hạn chế. Dựa trên số liệu sinh học nghề cá thu thập tại các cảng cá ở tỉnh Kiên Giang từ 7/2017 đến 12/2019, nghiên cứu đã xác định một số đặc điểm sinh học của loài cá kinh tế này. Kết quả cho thấy cá phèn vây vàng ở vùng biển Tây Nam Bộ sinh trưởng bất đẳng dương (b = 3,2); các tham số tăng trưởng FL¥, K, Ø’ lần lượt là 184,2 mm, 0,95/năm và 4,5. Cá sinh sản lần đầu khi đạt chiều dài FL = 114 mm ở cá đực và 116 mm ở cá cái. Cá cái chiếm ưu thế trong quần thể với tỷ lệ giới tính là 0,6:1 (đực (M)/cái (F)). Cá phèn vây vàng sinh sản rải rác quanh năm, rộ hơn vào thời điểm đầu mùa khô (khoảng tháng 11-12) và đầu mùa mưa (khoảng tháng 5-6). Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cá phèn vây vàng đang bị khai thác quá mức với hệ số khai thác cao (E = 0,62).

Chất lượng nước khu vực nuôi tôm-lúa luân canh tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau

Ngô Tiến Chương, Vưu Minh Nhí, Trần Văn An, Trần Trung Giang, Vũ Hùng Hải, Âu Văn Hóa, Trần Ngọc Hải, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá chất lượng nước tại một số tuyến kênh trong khu vực tôm-lúa luân canh tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nhằm cung cấp thông tin cơ bản cho việc quản lý chất lượng nước của mô hình. Mẫu nước tầng mặt được thu tại 6 điểm qua 4 đợt thu mẫu gồm: đầu vụ tôm (tháng 02), cuối vụ tôm (tháng 7), đầu vụ lúa (tháng 10) và cuối vụ lúa (tháng 12) tại xã Biển Bạch Đông. Kết quả cho thấy hầu hết các yếu tố môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng nước mặt và thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu như tổng chất rắn lơ lửng (TSS), nhu cầu oxy sinh học (BOD), tổng đạm (TN) và tổng lân (TP) ở một số điểm tương đối cao so với quy chuẩn về quản lý chất lượng nước. Độ mặn biến động lớn giữa đầu vụ và cuối vụ tôm, đặc biệt trong các tuyến kênh nội đồng. Các muối dinh dưỡng có khuynh hướng tăng vào cuối vụ lúa (tháng 12). Do đó, để sử dụng nguồn nước hiệu quả, người nuôi cần theo dõi, đo đạt các thông số môi trường trước khi cấp vào các vuông tôm-lúa trong khu vực nghiên cứu.

Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh lớp 11 qua hoạt động trải nghiệm trong môn Ngữ văn

Đoàn Kim Ngọc, Nguyễn Thị Hồng Nam
Tóm tắt | PDF
Học thông qua trải nghiệm đã được chứng minh là học hiệu quả, trong đó người học được tham gia trực tiếp vào các hoạt động, từ đó khám phá tri thức và hình thành năng lực đồng thời ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Tuy nhiên, tổ chức cho học sinh (HS) trải nghiệm như thế nào cho phù hợp với bối cảnh hiện nay vẫn là một vấn đề cần được quan tâm. Vì thế, nghiên cứu này nhằm tìm câu trả lời cho câu hỏi tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn Ngữ văn có thể phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho HS hay không? Thực nghiệm (TN) sư phạm đã được thực hiện đối với 45 học sinh lớp 11 trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Dữ liệu được thu thập thông qua quan sát, ghi chép các hoạt động của HS và tổng hợp hồ sơ học tập của HS. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động trải nghiệm có thể phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho HS.

Một số vấn đề tồn tại và giải pháp trong giảng dạy toán cao cấp cho sinh viên các ngành kinh tế: nghiên cứu tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Hà Thị Minh Huệ
Tóm tắt | PDF
Dạy toán cho sinh viên khối ngành Kinh tế luôn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức và là mối quan tâm của các giảng viên trực tiếp giảng dạy cũng như nhiều nhà nghiên cứu giáo dục. Mục tiêu của bài viết là chỉ ra những vấn đề còn tồn tại khi giảng dạy môn Toán cao cấp cho sinh viên khối ngành Kinh tế và đề ra một số giải pháp thiết thực để khắc phục những vấn đề này. Tác giả sử dụng phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu kết hợp quan sát trong quá trình thực tiễn giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm chương trình, không phân hóa đối tượng và phương pháp giảng dạy thiếu liên hệ thực tế là những vấn đề tồn tại chính. Bài viết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dạy học liên hệ thực tế, kết hợp các phương pháp học tập tích cực và cá nhân hóa việc việc hỗ trợ để giúp sinh viên nâng cao hiệu quả học tập.

Ẩn dụ ý niệm về Con Người trong thơ Trần Đăng Khoa

Đào Duy Tùng, Đinh Lam Trường
Tóm tắt | PDF
Từ lý thuyết ẩn dụ ý niệm, bài viết bước đầu tìm hiểu tư duy, văn hóa, hệ thống ý niệm về con người trong thơ Trần Đăng Khoa. Qua khảo sát 190 bài trong “Tuyển thơ Trần Đăng Khoa”, kết quả cho thấy có 146/190 bài chứa ẩn dụ ý niệm về con người, chiếm 76,8%, cụ thể: CON NGƯỜI LÀ THỰC THỂ - HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN, CON NGƯỜI LÀ ĐỘNG VẬT và CON NGƯỜI LÀ THỰC VẬT. Những ẩn dụ này mang tính quy ước, cũng được sử dụng trong ngôn ngữ thường nhật. Cơ chế tương tự cho tư duy ẩn dụ trong thơ Trần Đăng Khoa cũng hiện diện trong hầu hết các ý niệm thông thường nhất của người Việt. Những ẩn dụ này bắt nguồn từ tác dụng tương hỗ của nhà thơ nói riêng cũng như người Việt nói chung với thế giới bên ngoài, là những kinh nghiệm cơ bản nhất.

Mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ của viên chức, sinh viên thông qua truyền thông số

Nguyễn Văn Tý, Lê Thị Xuân An, Nguyễn Đăng Khoa, Võ Ngọc Kiều Trinh, Trần Nguyễn Khải Minh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu mức độ nhận biết bộ nhận dạng thương hiệu Trường Đại học Cần Thơ thông qua truyền thông số. Phương pháp nghiên cứu bao gồm tổng hợp, phân tích tài liệu và khảo sát 440 viên chức, 209 sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy viên chức và sinh viên có mức độ nhận thức chung về thương hiệu của Trường Đại học Cần Thơ khá cao, chiếm lần lượt 81,3% đối với sinh viên và 70,9% đối với viên chức. Tuy nhiên, mức độ nhận biết về một số yếu tố của bộ nhận dạng thương hiệu có sự khác nhau, từ đó, những người tham gia khảo sát đề xuất xây dựng hoặc thiết kế lại một số yếu tố của bộ nhận dạng thương hiệu của Trường. Để tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu và quảng bá thương hiệu, Trường Đại học Cần Thơ cần phát triển và hoàn thiện bộ nhận dạng thương hiệu, đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông và quảng bá thương hiệu.

Phân tích các nhân tố tác động đến kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam

Nguyễn Hoàng Tính, Lê Cảnh Dũng
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này nhằm phân tích các nhân tố tác động đến kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2011-2021. Nghiên cứu sử dụng mô hình hấp dẫn thương mại với dữ liệu bảng của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu gạo theo phương pháp ước lượng bình phương bé nhất (OLS), mô hình ảnh hưởng cố định (FEM) và mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM). Kết quả ước lượng cho thấy giá gạo xuất khẩu thế giới, dân số nước nhập khẩu, thành viên Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam và quốc gia đối tác có mối quan hệ đa phương hoặc song phương có tác động tích cực, trong khi đó tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của nước nhập khẩu, sản lượng lương thực tự sản xuất của nước nhập khẩu, lạm phát của Việt Nam có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Từ đó, đề xuất một số hàm ý chính sách để gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới.

Đánh giá hiệu suất mô hình phức hợp LSTM-GRU: nghiên cứu điển hình về dự báo chỉ số đo lường xu hướng biến động giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh

Trần Đăng Tuyên
Tóm tắt | PDF
Thị trường chứng khoán là một hệ thống chuyển động phi tuyến rất phức tạp và quy luật biến động của nó bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, vì vậy việc dự đoán chỉ số giá cổ phiếu là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mô hình mạng nơ-ron với bộ nhớ ngắn hạn định hướng dài hạn (LSTM), mạng nơ-ron hồi tiếp với nút cổng (GRU) và các phức hợp được thiết kế bằng ngôn ngữ lập trình Python với các gói phụ trợ có sẵn, cho thấy kết quả dự báo với độ chính xác cao, hiệu suất của mô hình LSTM-GRU Hybrid cho kết quả tốt nhất. Thông qua mô hình LSTM-GRU Hybrid, nghiên cứu dự báo xu hướng biến động chỉ số VNIndex 100 ngày tiếp theo cho kết quả chỉ số VNIndex có xu hướng tăng. Điều đó gián tiếp chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại cùng với các chính sách mới của Chính phủ.

Hiệu quả sản xuất mô hình luân canh lúa – mè tại Đồng bằng sông Cửu Long

Hồ Nhật Mai Trâm, Nguyễn Hữu Đặng
Tóm tắt | PDF
Dựa trên số liệu sơ cấp thu thập được từ 191 nông hộ canh tác theo mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ mè năm 2022 tại đồng bằng sông Cửu Long, thông qua hàm sản xuất biên ngẫu nhiên và hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên dạng Cobb - Douglas, hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của các nông hộ canh tác theo mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ mè đã được ước lượng. Với mức độ sử dụng các yếu tố đầu vào và các kỹ thuật hiện có thì năng suất lúa và mè của nông hộ còn có khả năng tăng thêm để đạt năng suất tối đa góp phần nâng cao hiệu quả kỹ thuật. Mức hiệu quả kinh tế của các nông hộ còn có khả năng tăng thêm nếu hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ của các nông hộ được cải thiện tối ưu.