Ngày xuất bản: 28-12-2021
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Kiểm nghiệm khả năng kết hợp giữa điều khiển PI và trượt thích nghi trên thiết bị GUNT-RT020
Tóm tắt
|
PDF
Mặc dù được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, nhưng với tham số cố định, bộ điều khiển tích phân tỷ lệ PI (proportional integral controller) khó thích ứng với sự thay đổi của điều kiện thực tế. Trong khi đó, điều khiển trượt (sliding mode control – SMC) cho đáp ứng ổn định trên các đối tượng phi tuyến, nhưng lại tồn tại một số hạn chế. Bài báo này đề xuất giải pháp kết hợp giữa điều khiển PI và SMC thích nghi dựa trên mạng neuron hàm cơ sở xuyên tâm RBF (radial basis function neural network), gọi tắt là điều khiển PI-SMC. Nguyên tắc kết hợp này là tận dụng ưu điểm thích nghi, bền vững của bộ SMC để khắc phục hạn chế của bộ điều khiển PI, đồng thời sử dụng bộ PI mang năng lượng chủ đạo để đẩy bộ SMC nhanh chóng hội tụ về mặt trượt. Bộ điều khiển PI-SMC được kiểm nghiệm trên thiết bị ổn định lưu lượng RT020 của hãng Gunt-Hamburg. Kết quả cũng cho giá trị khởi tạo của bộ RBF và hệ số mặt trượt ảnh hưởng lớn đến chất lượng điều khiển. Thực nghiệm cũng cho thấy cơ chế trượt thích nghi có thể khắc phục được hạn chế cố định tham số của bộ PI. Với giá trị khởi tạo của bộ tham số được chọn, bộ điều khiển PI-SMC đã cải thiện tốt đáp ứng lưu lượng trên hệ RT020 với độ vọt lố nhỏ hơn 5 (%), thời gian xác lập nhỏ hơn 2 (giây) và sai số xác lập nhỏ hơn 0,3 (lít/giờ).
Phân tích xu hướng phát triển đô thị thành phố Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2019
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích và đánh giá xu hướng phát triển đô thị thành phố (TP.) Cần Thơ năm 2004 và 2019 từ đó hỗ trợ các địa phương định hướng phát triển vùng đô thị tại các quân/huyện TP. Cần Thơ. Ảnh Landsat được phân loại bằng thuật toán xác suất cực đại (Maximum Likelihood Classification-MCL) và phân tích điểm nóng (Hotspot) theo dõi xu hướng đô thị hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy đô thị tập trung chủ yếu tại 4 quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy và Thốt Nốt với tổng diện tích năm 2004 là 6.400,2 héc-ta (ha) và năm 2019 là 16.007,0 ha. Tỷ lệ đô thị của TP. Cần Thơ tăng từ 4,45% năm 2004 lên 11,12% năm 2019. Tốc độ đô thị hóa trung bình năm của toàn thành phố là 0,43%, cao nhất là quận Ninh Kiều với 1,52% và thấp nhất là 0,19% ở huyện Cờ Đỏ. Mật độ đô thị quận Ninh Kiều cao nhất toàn thành phố với 45,9% năm 2004 và 65,62% năm 2019. Đô thị hóa phát triển theo hướng (1) dọc theo sông Hậu hình thành một đô thị dạng chuỗi, (2) theo sông Cần Thơ về phía Tây Nam và (3) theo hướng các tuyến quốc lộ chính.
Công nghệ thông tin
Giải pháp quy hoạch quản lý dữ liệu hỗ trợ nông nghiệp thông minh
Tóm tắt
|
PDF
Năng lực ra quyết định chính xác và kịp thời trong nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ thông minh của nền nông nghiệp. Đứng ở góc độ quản lý khoa học, có thể nhận thấy bài toán thu thập, quản lý, chia sẻ các nguồn dữ liệu cần thiết cho các nghiên cứu nông nghiệp đã trở nên bức thiết. Bài viết tập trung vào việc đánh giá các nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc thiếu hụt nguồn dữ liệu nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam, xét trên hai khía cạnh: (1) khả năng quản lý và chia sẻ các nguồn dữ liệu nghiên cứu, đặc biệt là dữ liệu công và (2) năng lực khai thác các nguồn dữ liệu mở của cộng đồng nghiên cứu. Dựa trên đó, bài viết đề xuất giải pháp tổng thể về quy hoạch dữ liệu dựa trên các nguyên lý FAIR (to be Findable, Accessible, Interoperable, Reusable).Cách thức tiếp cận là xây dựng một Quy hoạch Quản lý Dữ liệu (DMP – Data Management Plan) cho hai khối cơ quan chức năng: (1) Khối chính phủ (dịch vụ công) – là khối chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng nguồn dữ liệu mở; và (2) Khối nghiên cứu, học thuật (trung tâm nghiên cứu, viện, trường) – là khối mà cơ chế quản lý dữ liệu phần nhiều mang tính tự nguyện, nhưng lại rất năng động trong khả năng khai thác các nguồn dữ liệu mở và có năng lực cao vềphân tích dữ liệu.
Phân loại ý kiến công chúng về sự kiện xã hội
Tóm tắt
|
PDF
Dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận được thể hiện trên các trang mạng xã hội, là vấn đề đang được quan tâm hiện nay; nó có tác động mạnh mẽ đến đời sống hàng ngày của mọi người, đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, chính phủ. Do đó, phân tích dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự điều chỉnh cách ứng xử của cá nhân và tổ chức. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá dư luận xã hội thông qua phân tích thông tin các bình luận trên các trang mạng xã hội (cụ thể là Facebook) liên quan đến Trường Đại học Cần Thơ; từ đó giúp nhà trường đưa ra các chính sách điều chỉnh cho phù hợp. Để thực hiện điều này, 5.848 dư luận (bình luận) có liên quan đến các hoạt động của nhà trường được thu thập, với sự trợ giúp của những người có chuyên môn phân loại các bình luận thành các ý kiến đồng thuận (cùng chiều) hoặc không đồng thuận (trái chiều). Sau đó, hai mô hình máy học là SVM (Support Vector Machine) và Neural Network được sử dụng để huấn luyện, đánh giá thực nghiệm và so sánh độ chính xác và tin cậy nhằm lựa chọn được mô hình phù hợp cho việc xây dựng công cụ tự phân loại các bình luận trên mạng xã hội. Kết quả thực nghiệm cho thấy mô hình máy học Neural Network có kết quả đánh giá khá cao là 85%, và mô hình dựa trên giải thuật SVM đạt 83%.
Tự nhiên
Xác định diện tích lá và tán lá bằng phầm mềm imagej với hình chụp của iPhone 6s Plus
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu xác định diện tích các ô chuẩn, diện tích bề mặt lá và tán lá bằng hình chụp của iPhone 6s Plus và đo bằng phần mềm ImageJ mà không cần sử dụng thiết bị quét lá chuyên dụng cùng với phần mềm tương ứng. Vật liệu nghiên cứu gồm bảy ô vuông chuẩn với kích thước từ 4 đến 196 cm2 với màu tím, xanh lá cây và đỏ cùng với chiều cao chụp từ 25 đến 125 cm, hình chụp của 14 loại lá với hình dạng và kích thước khác biệt, tán lá cây cúc ‘Chrysanthemum sp.‘ có độ tuổi khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã xác định mức độ sai số thực tế giữa diện tích các ô chuẩn hình vuông do ImageJ tính với diện tích các ô chuẩn là 0,9%, y = 1,0005x + 0,2262 và R2 = 0,9987. Diện tích bề mặt lá của 14 dạng lá khác nhau với %CV là 4.6%, y = 0,9902x + 2,1802 và R2 = 0,9953. Ngoài ra, đề tài đã ứng dụng xác định diện tích tán lá cây cúc từ 1 tuần tuổi tới 8 tuần với kết quả diện tích tán lá tăng từ 152 ± 18 đến 4026 ± 978 mm2. iPhone 6s Plus và phần mềm ImageJ có thể thực hiện xác định diện tích lá và tán lá. Kết quả nghiên cứu có thể hữu dụng trong nghiên cứu về sinh lí cây trồng.
Hệ phân phối mới cho thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Tóm tắt
|
PDF
Quá trình viêm được xác định ngày càng rõ ràng là nguyên nhân cốt lõi của nhiều tình trạng bệnh khác nhau (ví dụ: bệnh tim, ung thư, tiểu đường). Mặc dù thuốc kháng viêm không steroid nhìn chung là an toàn nhưng cũng có một số tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến đường sử dụng, đặc biệt khi đưa vào hệ tuần hoàn hoặc sử dụng đường uống. Do đó, chiến lược kháng viêm hướng mục tiêu hoặc sử dụng hệ phân phối thuốc nhận được sự quan tâm nghiên cứu hàng đầu. Các hệ phân phối thuốc mới như hệ hướng mục tiêu hoặc đóng gói, tiêm tại chỗ, phóng thích tại chỗ, lớp phủ hoặc kết hợp cấy ghép và hệ phân phối thuốc qua da là những công cụ đầy hứa hẹn vì khắc phục những nhược điểm liên quan đến hệ phân phối thuốc thông thường như độ hòa tan và tính thấm thấp, sinh khả dụng kém, bị phân hủy bởi các enzym tiêu hóa, chuyển hóa lần đầu, tương tác với thức ăn và độc tính. Đánh giá này nhận xét và tổng kết các phương pháp hiện có giúp phân phối thuốc kháng viêm không steroid tại chỗ hoặc hướng mục tiêu với mục đích hỗ trợ nghiên cứu trong tương lai tập trung vào các phương pháp thành công được chứng minh là có hiệu quả cao và lấp đầy khoảng trống kiến thức trong lĩnh vực này.
Nghiên cứu vật liệu composite thân thiện môi trường từ sợi cuống dừa nước và nhựa polyethylene tỷ trọng cao tái chế
Tóm tắt
|
PDF
Vật liệu composite nền polyethylen tỷ trọng cao tái chế (r-HDPE) gia cường bằng sợi cuống dừa nước (Nypa fruticans flower stalk - NFFS) được chế tạo bằng phương pháp ép nóng. Đầu tiên, các sợi sau khi tách từ NFFS được xử lý hoá học và ép tạo tấm sợi ngẫu nhiên. Tiếp theo, thùng nhựa từ HDPE được thu gom, rửa sạch, cắt nhỏ, và ép nóng để tạo tấm phẳng mỏng. Cuối cùng, tấm composite được tạo hình từ các lớp nhựa và sợi xen kẽ nhau. Cấu trúc và thành phần sợi NFFS trước và sau xử lý hoá học lần lượt được quan sát qua ảnh SEM và phân tích qua TGA. Ảnh hưởng của tỷ lệ thể tích sợi NFFS đến độ co ngót, độ bền kéo, độ bền uốn, và độ bền va đập cũng được khảo sát. Kết quả là sợi NFFS có hàm lượng cellulose ~34% với các vi sợi xếp song song. Điều thú vị là sợi NFFS không có lỗ rỗng to ở trung tâm đã tạo nên khác biệt lớn về cơ tính so với một số sợi thực vật khác. Cơ tính của vật liệu đạt cao nhất ở tỷ lệ thể tích sợi 60%, có độ bền kéo ~45 MPa, độ bền uốn ~46 MPa, và độ bền va đập ~19 KJ.m-2. Như mong đợi, kết quả này cao hơn gần gấp đôi so với kết quả cơ tính của vật liệu composite từ sợi xơ dừa ở cùng điều kiện.
Tính chất điện tử của hexagonal chromium nitride
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, phương pháp gần đúng liên kết mạnh (TB) được sử dụng để xây dựng mô hình Hamiltonian tính toán đặc trưng điện tử của hexagonal chromium nitride (h-CrN) cho cấu trúc phẳng và nhấp nhô. Từ kết quả tính toán thu được, đồng thời so sánh với kết quả tính toán từ mô hình tương tự theo phương pháp ab initio trên các cấu trúc khác nhau, bộ tham số cấu trúc cho các tương tác lân cận bậc một của các nguyên tử cấu thành vật liệu được xác định. Ngoài ra, kết quả cũng chỉ ra rằng ở trạng thái phẳng và nhấp nhô, h-CrN thể hiện tính chất kim loại của vật liệu mỏng dạng tổ ong. Tuy nhiên, cấu trúc điện tử vật liệu ở trạng thái nhấp nhô có nhiều thay đổi hơn so với cấu trúc phẳng, dự đoán những thay đổi thú vị về tính chất điện của vật liệu dưới tác động của kích thích bên ngoài cũng như khả năng ứng dụng vào công nghệ spintronic trong tương lai.
Nghiên cứu thu hồi và đánh giá các tính chất của kết tủa struvite từ nước thải
Tóm tắt
|
PDF
Việc loại bỏ N và P ở nồng độ cao ra khỏi nguồn nước thải là một vấn đề quan trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước. Mục đích của nghiên cứu này là thu hồi N và P từ nước thải thực thông qua quá trình kết tinh ở các điều kiện công nghệ khác nhau. Struvite (Magie amoni photphat hydrat, MgNH4PO4.6H2O thu hồi từ nước thải thực có nồng độ N và P cao đã được nghiên cứu. Ảnh hưởng của pH, tỷ lệ mol Mg/P, nhiệt độ kết tủa và thời gian phản ứng đến hiệu suất thu hồi struvite đã được thảo luận. Kết quả cho thấy pH và tỷ lệ mol Mg/P là các thông số quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất thu hồi P thông qua struvite. Hiệu suất thu hồi struvite đạt 95,2±3,1 % ở pH 8,3, tỷ lệ mol Mg/P là 1:1, ở 30°C và thời gian phản ứng là 90 phút và thời gian làm già là 60 phút. Hơn nữa, nhiệt độ kết tinh trong khoảng 20-40°C ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu suất kết tinh struvite. Nhiễu xạ tia X (XRD) xác nhận sự hình thành cấu trúc struvite được thu hồi từ nguồn nước thải thực. Struvite thu được từ nước thải có chứa hàm lượng dinh dưỡng (Mg, N và P) cao được đề xuất làm phân bón tan chậm cho các ứng dụng nông nghiệp.
Chăn nuôi
Ảnh hưởng của lá mít và trái mít non phụ phẩm đến các thông số lên men dạ cỏ và sinh khí methane in vitro
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng lá mít (LM) và trái mít non phụ phẩm (TM) thay thế cho cỏ voi (CV) đến tỷ lệ tiêu hoá, lên men dạ cỏ và sinh khí methane (CH4) in vitro sử dụng dịch dạ cỏ từ 4 con dê đực lai Saanen F2 (♂ Saanen × ♀ Bách Thảo). Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức (NT) và 4 lần lặp lại. Ở tất cả các NT, thức ăn hỗn hợp được cố định ở mức 40% DM. Năm NT thí nghiệm được xây dựng từ sự thay thế LM và/hoặc TM cho CV trong khẩu phần, cụ thể như sau: 60% CV (NT1), 30% CV + 30% TM (NT2), 30% CV + 30% LM (NT3), 30% CV + 15% TM + 15% LM (NT4), và 30% TM + 30% LM (NT5). Kết quả cho thấy acid béo bay hơi (VFA) tổng số thấp nhất ở NT1 (57,7%) và cao hơn ở NT3 (73,0%) và NT5 (74,8%) (P
Đánh giá năng suất, thành phần sữa và tình trạng dinh dưỡng của đàn bò sữa nuôi tại nông hộ thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu đề tài nhằm đánh giá năng suất, thành phần sữa, tình trạng dinh dưỡng và đề xuất khẩu phần (KP) điều chỉnh phù hợp cho bò sữa nuôi tại nông hộ ở thành phố Cần Thơ. Khảo sát được tiến hành trên 35 hộ, trong đó chọn 10 hộ để lấy mẫu. Kết quả cho thấy đàn bò thuộc giống lai HF, từ F2 trở lên, năng suất sữa 13,2 kg/ngày và tỉ lệ mỡ sữa cao (4,03-4,84%), nhưng biến động lớn giữa các cá thể bò và nông hộ. Bò tiêu thụ lượng DM, CP và NEL, lần lượt là 15,4 kg/ngày, 2,38 kg/ngày và 19,7 MCal/ngày. Chi phí thức ăn của bò còn khá cao (73.254 VND/ngày). Sáu KP điều chỉnh đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho bò sữa theo tiêu chuẩn của NRC năm 2001 và giảm 7,17-20,8% chi phí thức ăn. Kết luận, đàn bò có năng suất và chất lượng sữa khá tốt, tiêu thụ dưỡng chất đáp ứng nhu cầu, nhưng chi phí thức ăn còn tương đối cao. Các KP điều chỉnh được áp dụng có thể giúp ổn định tốt năng suất, chất lượng sữa và giảm chi phí thức ăn.
Sự hiện diện của một số gene beta-lactamase và sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn Enterohemorrhagic Escherichia coli và Enterotoxigenic Escherichia coli phân lập từ bò tại tỉnh Bến Tre
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát sự đề kháng kháng sinh và tỷ lệ hiện diện gene mã hoá beta-lactamase trên 21 chủng Enterohemorrhagic Escherichia coli (EHEC) và 38 chủng Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC) phân lập từ bò tại tỉnh Bến Tre. Các chủng EHEC có tỷ lệ đề kháng cao với colistin (71,43%) và ampicillin (61,90%), nhưng còn tỷ lệ nhạy cảm rất cao với doxycycline (100,00%), amikacin (95,24%). Trong 14 kiểu hình đa kháng của các chủng EHEC, phổ biến là kiểu hình Cz+Co (9,52%). Đối với ETEC, các chủng này còn nhạy cảm cao với các loại kháng sinh, nhạy cảm 100% đối với gentamicin, amikacin, levofloxacin và ofloxacin. Trong 13 kiểu hình đa kháng của các chủng ETEC, kiểu hình Am+Ac+Sm và Am+Cu+Co xuất hiện phổ biến (5,26%). Khảo sát bằng phương pháp PCR cho thấy trên các chủng EHEC và ETEC có sự hiện diện của 4/5 gene beta-lactamase được khảo sát. Gene blaampC chiếm tỷ lệ cao nhất trên EHEC, ETEC với tỷ lệ lần lượt là 57,14%, 42,11%. Không có sự hiện diện của gene blaCMY trên cả hai chủng. Có sự hình thành 3 kiểu hình kết hợp gene beta-lactamse, trong đó kiểu hình blaampC+blaTEM được ghi nhận nhiều nhất (10,17%).
Công nghệ sinh học
Phân lập và nhận diện vi khuẩn nội sinh có khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA trong cây đậu phộng (lạc) (Arachis hypogaea L.) trồng tại 03 huyện miền núi tỉnh Bình Định
Tóm tắt
|
PDF
Một trăm chín mươi mốt dòng vi khuẩn được phân lập từ 93 mẫu nốt sần, rễ, thân cây đậu phộng (lạc) trồng tại 03 huyện miền núi tỉnh Bình Định (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão). Các dòng vi khuẩn phân lập được đều tạo màng mỏng (pellicle), đều có khả năng cố định đạm, hòa tan lân và tổng hợp IAA. Trong nghiên cứu, 15 dòng vi khuẩn có đặc tính tốt được tuyển chọn để nhận diện bằng kỹ thuật PCR. Kết quả cho thấy 15 dòng này đều là vi khuẩn nội sinh. Các dòng vi khuẩn được nhận diện thuộc 6 chi, bao gồm chi Acinetobacter (5 dòng), chi Bacillus (4 dòng), chi Burkholderia (2 dòng), chi Klebsiella (2 dòng), chi Enterobacter (1 dòng) và chi Sphingomonas (1 dòng) với tỷ lệ tương đồng DNA từ 98-99%.
Khảo sát các điều kiện lên men và hoạt tính kháng oxy hóa của rượu vang chùm ruột (Phyllanthus acidus (L.) SKEELS)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình lên men rượu vang chùm ruột (Phyllanthus acidus (L.) Skeels) sử dụng dòng nấm men Saccharomyces cerevisiae. Phần mềm Design Expert 7.0 được sử dụng để xác định các thông số tối ưu bao gồm pH, độ Brix và MSNM. Kết quả cho thấy với pH 4,77, 24,79°Brix và MSNM ban đầu là 8,08 x 106, tế bào/mL sau 14 ngày lên men cho độ cồn cao nhất đạt 8,88 % v/v. Mười một hợp chất thực vật từ dịch trái và rượu vang chùm ruột được xác định thông qua phương pháp quang phổ bao gồm steroid, triterpenoid, phenol, tannin, flavonoid, quinone, saponin, antocyanin, glucose, carotenoid và alkaloid. Hàm lượng polyphenol tổng của rượu vang chùm ruột cao hơn dịch trái, cụ thể là 297,573 mg GAE/L và 174,549 mg GAE/L. Sau quá trình lên men, khả năng khử gốc DPPH của rượu vang chùm ruột có giá trị IC50 là 45,132 μL/mL, tăng so với dịch chùm ruột ban đầu với giá trị IC50 là 59,973 μL/mL, cho thấy rượu vang chùm ruột có khả năng kháng oxy hóa tốt hơn dịch trái chùm ruột ban đầu.
Tổng quan: Phân lập, tuyển chọn và ứng dụng nấm men chịu nhiệt trong lên men rượu vang trái giác
Tóm tắt
|
PDF
Trái giác (Cayratia trifolia) đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới khẳng định có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao, có khả năng kháng oxy hóa, giảm sự tăng trưởng của khối u. Ở Việt Nam, trái giác là một loại trái mọc hoang dại, phổ biến với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên các nghiên cứu về nó còn hạn chế. Bài viết nhằm cung cấp những kết quả về phân lập nấm men trong tự nhiên, tuyển chọn những chủng nấm men có khả năng chịu nhiệt để ứng dụng vào quá trình lên men rượu vang đáp ứng với điều kiện ấm dần lên của trái đất hiện nay. Từ trái giác trong tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, có 151 chủng nấm men đã được phân lập thuộc bốn giống Saccharomyces, Hanseniaspora, Pichia, và Candida, trong đó có đến 64/151 chủng có khả năng phát triển ở nhiệt độ 37ºC và chịu được độ cồn đến 9-12% v/v. Rượu vang trái giác lên men từ các chủng nấm men chịu nhiệt được tuyển chọn cho giá trị cảm quan tốt cũng như có sự hiện diện của thành phần polyphenol khá cao góp phần tạo nên đặc tính kháng oxy hóa của sản phẩm.
Khảo sát điều kiện trích ly và tinh sạch lectin từ đậu ma (Pueraria phaseoloides) bằng sắc ký ái lực
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định điều kiện trích ly và tinh sạch lectin từ đậu ma Pueraria phaseoloides. Lectin đậu ma được trích ly cùng với dung dịch NaCl 0,9% ở các tỷ lệ (w/v), thời gian và nhiệt độ ủ khác nhau. Dịch chiết thô được tinh sạch bằng phương pháp tủa phân đoạn với muối ammonium sulfate, tiếp theo là sắc ký ái lực trên gel Sepharose D-galactose để cải thiện độ tinh sạch. Kết quả cho thấy lectin đậu ma đạt hiệu quả trích ly tối ưu với hoạt tính đặc hiệu đạt là 1.579 HAA (Hemagglutination assay)/mg ở tỉ lệ với dung môi trích ly là 1:4 (w/v), tại 50oC, trong 10 phút. Dịch trích lectin đậu ma sau khi tủa phân đoạn ở nồng độ muối 40% - 50% cho hiệu suất thu hồi 35,4% với độ tinh sạch tăng 6,38 lần so với dịch trích thô; trong khi phân đoạn F1 từ sắc ký ái lực cho hiệu suất thu hồi 9,85% với độ tinh sạch tăng 16,2 lần. Kết quả điện di SDS-PAGE xuất hiện hai băng protein có khối lượng phân tử 66,0 kDa và 56,0 kDa.
Công nghệ thực phẩm
Nghên cứu giảm đắng nước bưởi thanh trùng bằng chế phẩm enzyme biocitrus
Tóm tắt
|
PDF
Bưởi có nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe như vitamin C, polyphenol. Nước bưởi sau thanh trùng thường có vị đắng khó chịu. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng cải thiện vị đắng của nước bưởi sau thanh trùng bằng phương pháp thủy phân với chế phẩm enzyme Biocitrus. Các yếu tố như pH (pH tự nhiên (3,5-3,6), 4,5, 5,5 và 6,5), nhiệt độ thủy phân (nhiệt độ phòng (29 – 31°C), 40°C, 50°C và 60°C) và thời gian thủy phân (0,5, 1,0, 2,0 và 3,0 giờ) lần lượt được thực hiện. Các hợp chất như naringin, polyphenol và vitamin C trong nước bưởi được định lượng bằng máy đo quang phổ UV-VIS, bên cạnh đó vị đắng của nước bưởi cũng được đánh giá cảm quan bằng phép thử cho điểm. Kết quả cho thấy thủy phân dịch bưởi tại nhiệt độ 60°C, pH môi trường 4,5 và thời gian thủy phân trong 2 giờ cho nước bưởi sau thanh trùng có vị đắng giảm so với nước bưởi không xử lý. Nước bưởi xử lý enzyme sau thanh trùng có hàm lượng naringin thấp hơn 2 lần so với nước bưởi không xử lý, giữa hai sản phẩm khác biệt về hàm lượng polyphenol và vitamin C. Enzyme Biocitrus có nhiều triển vọng trong ứng dụng giảm đắng của nước bưởi thanh trùng.
Nghiên cứu điều kiện tiền xử lý và chiết tách collagen từ da cá lóc (Channa striata) bằng pepsin
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu điều kiện tiền xử lý và chiết tách collagen từ da cá lóc bằng pepsin đã được thực hiện. Kết quả cho thấy da cá lóc được xử lý với 10% butyl alcohol trong 72 giờ thì hàm lượng lipid còn lại thấp nhất là 15,3%. Collagen từ da cá lóc được chiết tách với 0,45% pepsin trong 24 giờ cho hiệu suất thu hồi 13,7% và độ hòa tan cực đại ở pH 1 - 4 và nồng độ NaCl từ 0,2 - 0,6 M. Bên cạnh đó, phổ FTIR cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa số bước sóng trong vùng amide I và vùng amide III đặc biệt là sự ổn định của cấu trúc xoắn ba, cho thấy collagen từ da cá lóc có đầy đủ nhóm chức năng của collagen loại I. Collagen có màu sáng với giá trị L* là 62,4 và hàm lượng imino acid là 204 (đơn vị/1000 đơn vị). Kết quả nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng pepsin để thay thế hoá chất nhằm giảm thiểu lượng hoá chất thải ra môi trường, tận dụng da cá lóc như nguồn nguyên liệu để sản xuất collagen.
Xác định thành phần và tỷ lệ phối trộn trong sản xuất trà hòa tan catechin
Tóm tắt
|
PDF
Catechin là một hợp chất quan trọng được chiết xuất từ lá trà xanh (Camellia sinensis), có khả năng phòng ngừa và điều trị một số bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp, bệnh đường ruột, bệnh răng miệng và có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá và gia tăng tuổi thọ. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khảo sát, đánh giá một số điều kiện phối trộn tạo sản phẩm trà hòa tan từ catechin. Kết quả tách chiết cao catechin và cỏ ngọt ở điều kiện gia nhiệt 80oC trong 1 giờ sử dụng dung môi là nước thu được hiệu suất lần lượt là 30,91% và 31,76%. Hàm lượng polyphenol tổng trong mẫu cao chiết catechin đạt 327,47 mg GAE/g cao chiết. Hàm lượng catechin tổng của mẫu cao chiết catechin là 537,65 mg/g GAE. Công thức phối trộn của sản phẩm trà hòa tan cho điểm đánh giá cảm quan cao nhất với tỷ lệ phối trộn giữa cao catechin: cao cỏ ngọt : maltodextrin là 2:1:27. Nồng độ chất khô sử dụng trong quá trình sấy phun cho hiệu suất thu hồi cao nhất (83,20%) và chất lượng sản phẩm không đổi là 15%. Sản phẩm trà hòa tan catechin đạt tiêu chuẩn chất lượng, các chỉ tiêu phân tích sản phẩm đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép dựa trên các TCVN hiện hành.
Nông nghiệp
Hiệu quả của chế phẩm vi sinh chịu mặn NPISi lên sinh trưởng, năng suất lúa và đặc tính đất nhiễm mặn mô hình tôm-lúa tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của chế phẩm vi sinh chịu mặn NPISi chứa các dòng vi khuẩn Bacillus aquimaris KG6-3, Burkholderia sp. BL1-10, Bacillus megaterium ST2-9 và Citrobacter freundii RTTV_12 lên sinh trưởng, năng suất giống lúa Một Bụi Đỏ và đặc tính đất nhiễm mặn trong mô hình canh tác tôm-lúa ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Thí nghiệm được bố trí thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nghiệm thức có sử dụng chế phẩm vi sinh chịu mặn NPISi với liều lượng 75 kg/ha cho hàm lượng Si tổng số, N tổng số, P tổng số, K tổng số trong thân và năng suất lúa cao hơn và khác biệt ý nghĩa thống kê (p
Đánh giá hiệu quả tài chính của một số hệ thống canh tác chủ yếu trên đất nhiễm mặn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến hiệu quả tài chính của một số hệ thống cây trồng trên đất nhiễm mặn tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn nông hộ và đánh giá nông thôn có sự tham gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện trạng canh tác tại khu vực nghiên cứu còn nhiều khó khăn do tác động của xâm nhập mặn và phèn mặn. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của nông hộ thấp cũng là trở ngại không nhỏ trong sản xuất. Ngoài ra, hệ thống canh tác và hiệu quả tài chính ở hai huyện khác nhau. Tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre hệ thống chuyên canh rau cho lợi nhuận cao nhất, kế đến là chuyên canh dừa và lúa 2 vụ/năm thấp nhất. Tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, hệ thống lúa 2 vụ luân canh dưa lê cho lợi nhuận cao nhất, kế đến là lúa 3 vụ/năm và thấp nhất là lúa 2 vụ/năm.
Ứng dụng dấu chỉ thị phân tử SSR trong chọn giống lúa mang kiểu gene chống chịu mặn và phẩm chất ở 20 giống/dòng lúa cải tiến
Tóm tắt
|
PDF
Việc xâm nhiễm mặn đã ảnh hưởng lên cây lúa, làm giảm năng suất và chất lượng lúa, vì cây lúa rất mẫn cảm với mặn. Vì vậy, trong nghiên cứu này, dấu chỉ thị phân tử SSR được sử dụng trong chọn giống lúa mang kiểu gene chống chịu mặn và mang đặc tính phẩm chất ở 20 giống lúa cải tiến. Nghiên cứu đã đánh giá khối lượng 1.000 hạt, chiều dài hạt gạo, hàm lượng amylose. Bên cạnh đó, 12 dấu phân tử SSR liên kết với tính trạng số lượng (QTL) mang những kiểu gene chịu mặn nằm trên 12 nhiễm sắc thể (NST) được sử dụng để so sánh kiểu gene giữa giống chuẩn chống chịu mặn (Đốc Phụng) và giống chuẩn mẫn cảm mặn (IR29) với 20 giống lúa cải tiến tại Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy 3 giống lúa được chọn mang kiểu gene tương đồng với giống chuẩn chống chịu mặn (Đốc Phụng) và 3 giống này đều có dạng hạt thon dài. Hàm lượng amylose thấp (17,64%) ở giống MTL 859, hàm lượng amylose trung bình (22,70% và 24,52%) ở giống MTL 421 và MTL 743. Hai giống MTL 421 và MTL 859 mang kiểu gene thơm và có mùi thơm cấp 2 qua phương pháp thử KOH 1,7%. Kết quả này là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về các giống lúa cải tiến có khả năng chịu mặn trong tương lai.
Đa dạng di truyền của họ gene OsHKT ở 41 giống lúa địa phương Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
OsHKT là họ gene đóng vai trò quan trọng trong cơ chế chống chịu mặn của cây lúa. Trong nghiên cứu này, các đoạn DNA của hai nhóm gene OsHKT1 và OsHKT2 từ 41 giống lúa địa phương vùng ĐBSCL đã được giải trình tự, nhằm tìm ra mối tương quan di truyền giữa các giống lúa. Kết quả cho thấy, sự đa hình được thể hiện nhiều nhất ở hai gene OsHKT1;5 và OsHKT2;1 với tất cả 41 giống lúa cho sự đa hình ở gene OsHKT1;5 và 25 giống lúa đối với gene OsHKT2;1. Kết quả này là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về khả năng chống chịu mặn liên quan đến họ gene OsHKT của các giống lúa địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủy sản
Đặc điểm phân bố của lớp chân bụng (Gastropoda) ở khu vực nuôi trồng thủy sản trên tuyến sông Hậu
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định sự xuất hiện lớp Gastropoda ở khu vực nuôi trồng thủy sản trên tuyến sông Hậu thuộc tỉnh An Giang và Cần Thơ làm cơ sở đánh giá chất lượng nguồn nước. Nghiên cứu được thực hiện qua việc thu mẫu động vật đáy tại 19 điểm trên sông chính và sông nhánh vào thời điểm tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 năm 2019. Kết quả ghi nhận được 24 loài lớp chân bụng thuộc 17 giống, 11 họ và 7 bộ. Số lượng loài ở An Giang (19 loài) thấp hơn Cần Thơ (21 loài). Số loài thu được trên sông chính là 22 loài và sông nhánh là 19 loài. Mật độ Gastropoda dao động từ 0 đến 5.447 cá thể/m2 và không tìm thấy cá thể nào ở điểm AG4 vào đợt 2; số cá thể trên sông chính và sông nhánh biến động từ 42-1.341 cá thể/m2. Thành phần loài và mật độ lớp Gastropoda phân bố rất rộng và có sự khác biệt giữa các điểm thu, theo từng đợt và kể cả trên sông chính và sông nhánh tại khu vực nghiên cứu. Chỉ số đa dạng Shannon (H’), độ giàu loài (d) và chỉ số đồng đều (J’) trên tuyến sông Hậu dao động lần lượt là 0,9-2,0, 0,7-3,5 và 0,4-0,9. Chỉ số H’ cho thấy các vị trí thu mẫu ở mức ô nhiễm trung bình đến ô nhiễm nặng. Kết quả nghiên cứu còn là nguồn dữ liệu cơ bản để xây dựng chương trình quan trắc sinh học trong khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông Hậu.
Đa dạng thành phần loài cá ở vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu về sự đa dạng thành phần loài cá ở vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021 nhằm xác định (i) hiện trạng quản lý nước và nguồn lợi cá, (ii) thành phần loài cá, và (iii) chỉ số đa dạng sinh học. Trong đó, 15 điểm thu mẫu trong 4 sinh cảnh khác nhau ở vùng lõi và một vùng đệm được tiến hành với 4 đợt thu mẫu vào các tháng 5, tháng 7, tháng 10 năm 2020 và tháng 01 năm 2021. Nhiều loại ngư cụ cố định và di động được sử dụng để đảm bảo thu được nhiều loài cá. Các mẫu cá được định danh, cân (g/cá thể) và đo chiều dài (cm). Bên cạnh đó, các chỉ số phong phú loài Margalef (d), chỉ số đa dạng Simpson (1-D) và chỉ số đa dạng loài Shannon – Wiener (H’) được tính toán để đánh giá mức độ đa dạng sinh học. Kết quả cho thấy việc thiếu nước ngọt trong mùa khô là mối đe dọa cá ở vùng lõi. Tổng số 32 loài cá thuộc 6 bộ và 17 họ được xác định. Vùng lõi có tính đa dạng, ổn định hơn so với vùng đệm ở các sinh cảnh và thời gian khác nhau, nhưng có sự biến động theo mực nước.
Xã hội-Nhân văn
Biểu tượng thiên thai trong văn học trung đại Trung Hoa và Việt Nam từ góc nhìn của tinh thần sinh thái Lão – Trang
Tóm tắt
|
PDF
Tư tưởng Lão – Trang (thể hiện qua Đạo đức kinh và Nam hoa kinh) vốn mang đậm tinh thần sinh thái phương Đông thời cổ đại. Triết thuyết này cung cấp cho chúng ta những gợi ý thú vị khi khai thác mối quan hệ giữa tự nhiên và con người gắn liền với thiên thai – một biểu tượng văn hoá, văn học cổ xưa độc đáo xuất hiện trong văn học trung đại Trung Hoa và Việt Nam. Trên cơ sở tinh thần sinh thái trong học thuyết Lão – Trang, chúng tôi sẽ tập trung khai thác biểu tượng thiên thai gắn với hai ý nghĩa lớn: biểu tượng thiên thai – nơi lưu giữ tâm thức về một hệ sinh thái nguyên thuỷ và biểu tượng thiên thai – nơi con người học cách thích nghi với tự nhiên. Việc nghiên cứu biểu tượng thiên thai từ góc nhìn này sẽ giúp phát hiện thêm các giá trị mới của văn học trung đại Trung Hoa và Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao ý thức về vai trò quan trọng của tự nhiên đối với đời sống con người và chứng minh rằng học thuyết Lão – Trang là một học thuyết cổ xưa nhưng không lỗi thời.
Kinh tế
Động lực cá nhân, ý định chia sẻ tri thức và phát triển sản phẩm mới trong ngành du lịch
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển mô hình lý thuyết về mối quan hệ giữa ý định chia sẻ tri thức (KSI) và phát triển sản phẩm mới (NPD) trong ngành du lịch với vai trò thúc đẩy của động lực cá nhân bao gồm niềm vui (ENJ), sự có đi có lại (REC) và phần thưởng (REW). Các giả thuyết nghiên cứu được kiểm chứng bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) dựa vào dữ liệu thu thập từ 399 đáp viên là nhân viên của các công ty du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy ENJ, REC và REW đều có tác động tích cực đến KSI. Đồng thời, REW và KSI có vai trò thúc đẩy NPD trong ngành du lịch. Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý quản trị với các nhà quản lý trong ngành du lịch được đề xuất.
Nghiên cứu sự hài lòng khi tham gia hợp tác xã của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm đánh giá mức độ hài lòng khi tham gia hợp tác xã (HTX) của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang. Số liệu sơ cấp được thu thập qua khảo sát trực tiếp 107 hộ trồng lúa có tham gia HTX. Kết quả nghiên cứu cho thấy nông hộ hài lòng khi tham gia HTX với điểm trung bình là 4,29/5. Kết quả phân tích nhân tố (exploratory factor analysis - EFA) và hồi qui bội cho thấy sự hài lòng được quyết định bởi bốn nhóm nhân tố gồm sự đảm bảo, hiệu quả do qui mô, trách nhiệm và trình độ của ban quản lý, cải thiện thu nhập và việc làm. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, một số giải pháp cải thiện hoạt động liên kết hiện nay với vai trò của HTX làm nòng cốt được đề xuất. Từ đó, người dân được khuyến khích tham gia liên kết nhiều hơn thông qua việc nâng cao trình độ quản lý HTX; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Kinh tế xã hội
Phân tích hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo ở vùng biển đông Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết ước lượng hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo ở vùng biển Đông Đồng bằng sông Cửu Long bằng mô hình hàm sản xuất biên ngẫu nhiên dạng translog. Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 60 ngư dân của nghề lưới kéo ở tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Kết quả cho thấy sản lượng thủy sản khai thác của nghề lưới kéo bình quân là 643 kg/chuyến biển và 18,9 tấn/năm với thời gian cho mỗi chuyến biển là khoảng 4 ngày. Tổng chi phí cho nghề lưới kéo là 316 triệu đồng/năm và doanh thu là 608 triệu đồng/năm. Mức hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo trung bình là 86,3%. Các yếu tố liên quan đến thuyền trưởng như kinh nghiệm, trình độ học vấn và tuổi; tuổi của tàu và nguồn vốn sản xuất có tác động đến hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo. Để cải thiện hiệu quả kỹ thuật của nghề lưới kéo cần chú trọng việc đào tạo người thuyền trưởng, nâng cấp, hoán đổi tàu lớn và liên kết kênh thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác.