Ngày xuất bản: 25-04-2019

Hệ thống gọt vỏ nâu cơm dừa tự động

Nguyễn Chánh Nghiệm, Võ Minh Trí, Bùi Văn Tra
Tóm tắt | PDF
Trong các sản phẩm từ cây dừa, sản phẩm chế biến từ cơm dừa chiếm tỉ trọng lớn nhất về giá trị sản phẩm. Để có được nguyên liệu cơm dừa, công đoạn gọt vỏ nâu cơm dừa là công đoạn quan trọng đầu tiên và thường được thực hiện thủ công. Một số máy gọt vỏ nâu cơm dừa bán tự động đã được chế tạo nhưng máy có năng suất không cao trong khi giá thành lại cao. Bài báo này đề xuất hệ thống gọt vỏ nâu cơm dừa với biên dạng gọt xoáy trôn ốc bằng cách di chuyển lưỡi dao trên cung tròn tiếp tuyến với mặt cơm dừa trong khi cơm dừa được quay quanh trục thẳng đứng. Nghiên cứu đã thiết kế thành công máy gọt vỏ nâu cơm dừa (loại nửa trái) có năng suất trung bình khoảng 94,5 kg/giờ (gần gấp 4 lần gọt thủ công) với tỉ lệ hao hụt dưới 15% và độ gọt sạch trên 95%. Kết quả khảo nghiệm cho thấy nguyên lý mới này có thể gọt được dừa dạng nửa trái là kết quả của tập quán cại cơm dừa thủ công. Ngoài ra, hệ thống gọt vỏ nâu cơm dừa tự động đã đề xuất có thể kết hợp với hệ thống phân loại-lật mặt cơm dừa tự động và hệ thống cấp liệu phía trước để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh trong dây chuyền phân loại và gọt vỏ nâu cơm dừa tự động.

Vật liệu ZIF-67: Tổng hợp trong dung môi ethanol và nghiên cứu khả năng hấp phụ methyl da cam

Đặng Huỳnh Giao, Đoàn Văn Hồng Thiện, Lê Thị Anh Thư, Phạm Thị Mè, Phạm Quốc Yên
Tóm tắt | PDF
Vật liệu khung hữu cơ tâm cobalt (ZIF-67) đã được tổng hợp thành công với hiệu suất cao trong dung môi ethanol là loại dung môi không độc và thân thiện với môi trường. Cấu trúc, hình thái và đặc tính hóa lý của vật liệu được phân tích nhiễu xạ tia X dạng bột (PXRD), kính hiển vi điện tử quét (SEM), phổ hồng ngoại (FT-IR) và nhiệt trọng lượng (TGA). ZIF-67 được sử dụng hấp phụ methyl da cam (MO) trong môi trường nước. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp phụ như thời gian, pH, nhiệt độ, nồng độ MO, và khối lượng chất hấp phụ đã được khảo sát. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy khả năng hấp phụ MO của vật liệu hơn 160 mg.g-1 trong điều kiện thí nghiệm pH 5.5, nhiệt độ 35oC, khối lượng ZIF-67 sử dụng là 5 mg, nồng độ MO bằng 50 ppm, thời gian hấp phụ là 90 phút. Vật liệu này còn có khả năng tái sử dụng 3 lần mà không mất đi hoạt tính hấp phụ.

Thiết kế máy gấp giấy tự động hỗ trợ công tác văn thư

Nguyễn Hoàng Dũng, Đoàn Toại Nghiêu, Nguyễn Phước Lộc
Tóm tắt | PDF
Các hoạt động gấp giấy với số lượng lớn như giấy báo thi, giấy báo trúng tuyển, giấy báo thuế,… mất nhiều thời gian và nhàm chán. Do đó, nếu có máy gấp giấy hỗ trợ công tác này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả nhân công và cơ quan quản lý. Trong nghiên cứu này, một giải pháp thiết kế máy gấp giấy tự động được đề xuất để hỗ trợ các công tác nêu trên. Máy bao gồm hai bộ phận chính: cơ cấu cơ khí để kéo và gấp giấy, mạch điều khiển để điều khiển tất cả các hoạt động của máy. Hơn nữa, máy có thể đếm và hiển thị số tờ đã được gấp trên màn hình tinh thể lỏng LCD (Liquid Crystal Display). Máy có thể gấp khổ giấy A4 (21 cm × 29.7 cm) thành ba phần đều nhau. Giấy sau khi in được gấp làm ba và có thể đặt trong bì thư với tên và địa chỉ người nhận được đặt ở vị trí màng nhựa trong suốt. Giải pháp này có thể giúp giảm thiểu công việc văn thư nhàm chán (in tên, địa chỉ và gấp giấy) và tăng năng suất lao động. Kết quả chạy thử nghiệm cho thấy, máy hoạt động ổn định và đạt năng suất 960 tờ/giờ. Với kết quả đạt được, nhóm tác giả mạnh dạn đề xuất áp dụng máy này vào công tác văn thư tại các trường học, các cơ quan thuế hay bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.

Nghiên cứu quy trình chế biến trái ớt và đề xuất nguyên lý hoạt động hệ thống tách cuống trái ớt tươi

Huỳnh Quốc Khanh, Nguyễn Văn Cương, Lê Đặng Khánh Linh, Lê Phan Hưng
Tóm tắt | PDF
Quy trình chế biến trái ớt đã được nghiên cứu và đánh giá thông qua quá trình khảo sát quy trình sản xuất, chế biến ớt xuất khẩu tại Thanh Bình, Đồng Tháp và Chợ Gạo, Tiền Giang. Tách cuống ớt được xác định là khâu chiếm dụng nhiều lao động nhưng lại rất cần thiết. Từ đó, nguyên lý của máy tách cuống trái ớt tươi dạng băng tải được đề xuất, chế tạo và đánh giá sơ bộ bước đầu, để tăng năng suất, chất lượng tách cuống cũng như làm giảm tỉ lệ trái nứt vỡ. Kết quả khảo nghiệm cho thấy máy tách cuống ớt làm việc theo nguyên lý này giúp nâng cao năng suất đạt 3 trái/giây và chất lượng tách cuống ớt cao, tỉ lệ ớt bị nứt bể thân trái ở mức 3~5%.

Ứng dụng GIS mã nguồn mở phát triển phần mềm quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Bình Định

Ngô Anh Tú, Bùi Anh Kiệt, Nguyễn Hữu Hà
Tóm tắt | PDF
Bài báo giới thiệu kết quả ứng dụng thư viện GIS mã nguồn mở nhằm phát triển phần mềm quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh Bình Định. Nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp chính như phân tích nội dung thông tin dữ liệu, mô hình hóa chi tiết nghiệp vụ, thiết kế và lập trình nhằm phát triển phần mềm GIS desktop với tên gọi BDykeGIS phiên bản 1.0 nhằm hỗ trợ hiệu quả việc cập nhật, xem, chỉnh sửa dữ liệu liên quan đến công tác quản lý đê điều. Phần mềm BDykeGIS với giao diện Tiếng Việt, thân thiện với người sử dụng, thao tác đơn giản, tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh, đặc biệt là khả năng tìm kiếm, truy vấn không gian thông tin đê điều.

Đánh giá nguy cơ ô nhiễm không khí và sức khỏe cộng đồng của các lò hầm than ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Lê Thị Thùy Như, Nguyễn Thùy Hà Anh, Lê Anh Tuấn, Đinh Thị Nhi
Tóm tắt | PDF
Hoạt động lò than ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang làm năng suất trái cây giảm khoảng 20 - 30% nếu so với các vườn cây không có lò than lân cận. Khói bụi từ các lò than làm khoảng 35% người dân lân cận thường xuyên bị các bệnh về phổi, viêm mũi, bệnh mắt, một số bệnh liên quan đến da và cơ khớp. Các thông số ô nhiễm như CO, SO2 đều vượt QCVN 19:2009/ BTNMT (cột B) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.. Bụi PM2.5 ở các khoảng cách 10 m, 50 m, 100 m và 200 m so với ống khói lò vượt cao hơn quy chuẩn. Trong điều kiện làm việc hiện tại và thời gian tiếp xúc là 70 năm thì tỷ lệ người có nguy cơ ung thư là 21 nam giới và 35 nữ giới trong số 100.000 người. Để sản xuất ra 1 tấn than đối với loại Đước 25 năm tuổi thì cần sử dụng 3,3 tấn củi và sẽ phát sinh 2,29 tấn khí CO2 và 2,92 tấn khí CO. Số phát thải này sẽ cao gấp 1,2 – 1,6 lần nếu dùng củi Đước 10 năm hoặc 5 năm tuổi.

Bất đối xứng trong tán xạ electron-hạt nhân ở năng lượng cao

Võ Minh TrườNg
Tóm tắt | PDF
Độ bất đối xứng trong tán xạ êlectron-hạt nhân ở năng lượng cao cỡ hàng trăm GeV trở lên được mô tả trong khuôn khổ lý thuyết hợp nhất điện từ-yếu. Cả độ bất đối xứng ARL và tỉ số tiết diện tán xạ R được phân tích đồng thời cho thấy kết quả giống nhau về quan hệ giữa lực điện từ và lực yếu trong lực hợp nhất. Các tính toán cụ thể được thực hiện cho cặp đồng vị hai hạt nhân .

Phân lập và tuyển chọn những chủng xạ khuẩn triển vọng đối kháng với tuyến trùng Pratylenchus sp. trong điều kiện phòng thí nghiệm

Trương Thanh Thảo, Võ Quốc Cảnh, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu phân lập và tuyển chọn các chủng xạ khuẩn triển vọng có khả năng đối kháng với tuyến trùng Pratylenchus sp. được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm. Sáu mươi bốn chủng xạ khuẩn đã được phân lập từ đất trồng rau ở Trà Vinh và Cần Thơ. Tuyển chọn các chủng xạ khuẩn thể hiện khả năng phân giải chitin và protein cao nhằm mục đích phòng trị bằng cách phá vỡ vách tế bào của tuyến trùng. Kết quả cho thấy, sáu chủng xạ khuẩn: 4A1, BM15, 8.11.1, 9.3.1, 5A6 và SM8 đều thể hiện hoạt tính tiết enzyme chitinase và protease cao. Trong đó, ba chủng 4A1, BM15, 8.11.1 thể hiện khả năng phân giải chitin và protein cao hơn các chủng còn lại. Kết quả khi khảo sát ảnh hưởng của dịch trích các chủng 4A1, BM15, 8.11.1 và hỗn hợp 4A1+BM15+8.11.1 trong môi trường ISP2 lỏng chứa chitin lên sự tồn tại của tuyến trùng trong chậu đất cho thấy tất cả các nghiệm thức đều thể hiện hiệu quả trong việc giết chết tuyến trùng Pratylenchus sp. với số lượng tuyến trùng sống thấp hơn khác biệt ý nghĩa so với đối chứng, trong đó nghiệm thức hỗn hợp 3 chủng xạ khuẩn (4A1+BM15+8.11.1) cho hiệu quả cao nhất trong việc giết tuyến trùng ở 48 và 72 giờ thử nghiệm.

Chọn giống lúa thích nghi trên vùng đất phèn Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang

Nguyễn Thành Trực
Tóm tắt | PDF
Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ  nhưng cũng là nơi chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng khô hạn sẽ kích thích phèn hoạt động mạnh hơn và trầm trọng hơn. Đề tài “Chọn giống lúa thích nghi trên vùng đất phèn Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang” được thực hiện nhằm xác định những giống lúa thích nghi phèn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng rầy nâu và đạo ôn, cho năng suất cao và phẩm chất gạo tốt trên vùng đất phèn. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, 03 lần lặp lại, 12 nghiệm thức tương ứng với 12 giống lúa triển vọng từ Viện Lúa Ô Môn, Trường Đại học Cần Thơ và Trại giống Long Phú. Qua kết quả phân tích các chỉ tiêu về đặc tính nông học, tính thích nghi phèn, tính kháng sâu bệnh chính, phẩm chất hạt, các thành phần năng suất và năng suất thực tế, nhóm nghiên cứu đã xác định giống MTL480 và D158 là 02 giống lúa ưu tú nhất, có thời gian sinh trưởng ngắn 101-104 ngày (đối với lúa cấy), thích nghi phèn tốt (cấp 1), kháng rầy nâu và đạo ôn (cấp 1), cho năng suất cao (lúa khô đạt 6,7-8,0 tấn/ha), hạt gạo thon dài, ít bạc bụng, gạo dẻo, mềm cơm,  phục vụ sản xuất.

Đánh giá hiệu quả phòng trị của thực khuẩn thể, chất kích kháng và thuốc hóa học đối với bệnh cháy lá trên cây hành lá do vi khuẩn Xanthomonas sp.

Nguyễn Thị Kim Vui, Huỳnh Kim Định, Nguyễn Hữu Huệ, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả phòng trị bệnh cháy lá hành do vi khuẩn Xanthomonas sp. bằng thực khuẩn thể Ф31 (TKT Ф31), chất kích kháng CaSiO3, thuốc Starner 20WP và biện pháp phối hợp TKTФ31, chất kích kháng CaSiO3 và thuốc Starner 20WP được thực hiện ở điều kiện nhà lưới và ngoài đồng. Ở điều kiện nhà lưới, tất cả các nghiệm thức có xử lý đều cho hiệu quả giảm bệnh khác biệt có ý nghĩa thống kê so với đối chứng. Trong đó, nghiệm thức biện pháp phối hợp cho hiệu quả phòng trị bệnh tốt nhất với trung bình phần trăm diện tích lá bệnh (TBPTDTLB) thấp hơn và khác biệt có ý nghĩa với các nghiệm thức còn lại và đối chứng ở 11 ngày sau khi lây bệnh (NSKLB). Kế đến, bốn nghiệm thức TKT Ф31 kết hợp CaSiO3, TKT Ф31 kết hợp Starner 20WP, CaSiO3 kết hợp Starner 20WP và Starner 20WP, có hiệu quả giảm bệnh tương đương, khác biệt không có ý nghĩa qua phân tích thống kê. Kết quả thí nghiệm ngoài đồng, nghiệm thức biện pháp phối hợp cho hiệu quả giảm bệnh tốt với tỷ lệ bệnh và năng suất khác biệt có ý nghĩa đối với nghiệm thức đối chứng và các nghiệm thức có xử lý khác. Kế đến nghiệm thức Starner 20WP, TKT Ф31 kết hợp chất kích kháng CaO + SiO2, TKT Ф31 kết hợp Starner 20WP, chất kích kháng CaO + SiO2 kết hợp Starner 20WP và nghiệm thức nông dân đều cho hiệu quả giảm bệnh và năng suất tương đương nhau, khác biệt ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng.

Mức độ phong phú về mật độ và sinh lượng của ốc bươu đồng (Pila polita) ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Văn Bình, Ngô Thị Thu Thảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này đánh giá mức độ phong phú (CPUE) về mật độ và sinh lượng ốc bươu đồng trong mương vườn, kênh dẫn ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phân bố của ốc bươu đồng là pH, độ kiềm, độ che phủ thực vật thủy sinh và độ sâu. Trong mương vườn, CPUEn, w trung bình thấp nhất ở Hậu Giang (1,04 cá thể/m2; 17,1 g/m2), cao nhất ở Vĩnh Long (1,66 cá thể/m2; 26,2 g/m2) và có sự khác biệt giữa 3 tỉnh khảo sát (p

Ảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn lên sự phân bổ năng lượng ở cá lóc (Channa striata)

Trần Thị Phương Lan, Trần Thị Thanh Hiền, Lam Mỹ Lan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ và độ mặn lên tăng trưởng, độ tiêu hóa thức ăn và chuyển hóa năng lượng của cá lóc (Channa striata) (6,53±0,09 g) được thực hiện với 3 mức nhiệt độ (28; 31 và 34oC) và kết hợp 3 mức độ mặn (0, 6 và 9‰) trong thời gian 90 ngày. Kết quả cho thấy, ở 31oC-0‰ cá lóc có tốc độ tăng trưởng cao nhất và cá có thể thích nghi ở mức nhiệt độ 34oC hoặc độ mặn 6‰ mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Độ tiêu hóa thức ăn của cá có xu hướng giảm theo sự gia tăng độ mặn. Các nghiệm thức 6 và 9‰ trên cùng mức nhiệt độ có độ tiêu hóa thấp hơn có ý nghĩa (p

Phân tích khía cạnh kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi cua biển ở tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu khía cạnh kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi cua biển ở tỉnh Bạc Liêu được thực hiện từ tháng 5/2015 đến tháng 12/2016 thông qua phỏng vấn trực tiếp 88 hộ nuôi cua biển như mô hình Cua – Tôm – Lúa (CTL) và mô hình Cua – Tôm (CT). Kết quả cho thấy, diện tích mặt nước trung bình và tỷ lệ mương bao của mô hình CTL và CT tương ứng là 2,46 ha/mô hình; 25,7% và 2,09 ha/mô hình; 20,3%. Độ sâu mực nước mương bao ở mô hình CTL là 1,13 m và CT là 1,18 m. Mật độ thả cua ở mô hình CTL (0,16 con/m2) thấp hơn mô hình CT (0,22 con/m2) nhưng tỉ lệ sống của cua biển ở mô hình CTL (27,9%) cao hơn ở mô hình CT (21,4%) (p

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản cầu gai đen Diadema setosum (Leske, 1778)

Hứa Thái Nhân, Ngô Thị Thu Thảo, Trương Quỳnh Như
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017. Tổng số 632 mẫu cầu gai đen Diadema setosum được thu định kỳ hàng tháng tại Hòn Sơn, Kiên Giang với các kích cỡ khác nhau, sau đó mẫu được vận chuyển sống về trại thực nghiệm Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ để phân tích. Kết quả phân tích cho thấy hệ số thành thục GSI của cầu gai đen khác biệt có ý nghĩa thống kê (p 2,5 cm. Sức sinh sản tuyệt đối của cầu gai rất cao, trung bình 7,1 triệu trứng/con (72,9 g).

Nghiên cứu ương ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) bằng công nghệ biofloc với các mật độ khác nhau

Trần Ngọc Hải, Cao My An, Phạm Văn Đầy, Châu Tài Tảo
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mật độ ương thích hợp cho tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) tốt nhất bằng công nghệ biofloc. Nghiên cứu gồm 4 nghiệm thức mật độ ương là 40; 60; 80 và 100 con/L, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể ương tôm bằng composite có thể tích 0,5 m3, bổ sung nguồn carbon từ bột gạo, tỷ lệ C/N=15/1, độ mặn 12 ‰. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nghiệm thức ương mật độ 60 con/L có chiều dài PL-15 (9,94±0,06 mm), tỷ lệ sống  (50,2±1,42%) đạt cao nhất khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05) so với nghiệm thức ương mật độ 40 con/L. Năng suất (30.113±863 con/m3) cao hơn, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05) so với nghiệm thức ương mật độ 80 con/L và 100 con/L. Kết quả cho thấy ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc với mật độ 60 con/L là tốt nhất.

Nghiên cứu thay thế bột cá bằng bột đậu nành chế biến thức ăn cho lươn (Monopterus albus)

Trần Thị Thanh Hiền, Nguyển Thị Thanh Tú, Trần Lê Cẩm Tú, Lam Mỹ Lan
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá khả năng thay thế protein bột cá (BC) bằng protein bột đậu nành ly trích dầu (BĐN) trong khẩu phần thức ăn của lươn ở giai đoạn giống, kích cỡ 7,2 g/con. Sáu nghiệm thức thức ăn được phối chế có cùng mức protein (45%) và năng lượng (18,5 KJ/g), với các mức thay thế protein BC bằng protein BĐN lần lượt là 0% (đối chứng), 20%, 30%, 40%, 50% và 60%. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Sau 8 tuần thí nghiệm, các chỉ tiêu về tăng trọng (WG), hệ số thức ăn (FCR) và hiệu quả sử dụng protein (PER) của lươn ở nghiệm thức đối chứng khác biệt không có ý nghĩa so với lươn ở các nghiệm thức 20% và 30% protein BĐN (p>0,05). Tỷ lệ sống (SR) giữa các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05). Chỉ số gan trên cơ thể (HIS), hàm lượng chất béo và tro trong cơ thịt lươn giảm, khi tăng hàm lượng BĐN trong thức ăn. Kết quả nghiên cứu cho thấy protein BĐN có thể thay thế đến 30% protein BC (tương ứng 25% BĐN trong công thức thức ăn) mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lươn giống.

Phân lập, định danh và đặc điểm của vi khuẩn Aeromonas schubertii gây bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc (Channa striata) ở Đồng bằng sông Cửu Long

Từ Thanh Dung, Lê Minh Khôi, Nguyễn Bảo Trung
Tóm tắt | PDF
Vi khuẩn Aeromonas schubertii được phân lập và định danh là tác nhân gây bệnh đốm trắng nội tạng trên cá lóc (Channa striata) gây thiệt hại nghiêm trọng với tỉ lệ hao hụt cao trong các trại giống và ao nuôi thâm canh ở 4 tỉnh như: Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp và Đồng Nai. Tổng số 192 mẫu cá lóc bệnh đốm trắng nội tạng được thu từ 53 ao nuôi khác nhau. Dấu hiệu bệnh lý đặc trưng có các đốm trắng nhỏ ở gan, thận và tỳ tạng. Trên môi trường TSA, vi khuẩn có khuẩn lạc nhỏ màu vàng nhạt, sau 24-36 giờ ủ ở nhiệt độ 28°C, và là vi khuẩn Gram âm, hình que ngắn, di động và oxidase dương tính. Dựa vào đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hóa, kit API 20E và kết quả giải trình tự gen 16S rRNA, vi khuẩn này được xác định là loài Aeromonas schubertii. Thí nghiệm cảm nhiễm bằng phương pháp tiêm cho thấy vi khuẩn có khả năng gây bệnh với dấu hiệu bệnh lý giống như ngoài ao nuôi, với giá trị LD50 của hai chủng vi khuẩn thí nghiệm là 6,59x103 CFU/mL và 8,12x103 CFU/mL, kết quả này thỏa mãn với định đề Koch. Kết quả kiểm tra mô bệnh học đã quan sát được các u hạt với nhiều hình dạng khác nhau ở mẫu mô gan, thận và tỳ tạng.

Thành phần loài cá, tôm phân bố vùng dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No

Mai Viết Văn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2016. Số liệu được thu thập tại hiện trường theo định kỳ thu mẫu 2 tháng/đợt kết hợp với phỏng vấn 120 hộ ngư dân trong vùng nghiên cứu bằng bảng câu hỏi soạn sẵn. Kết quả cho thấy có 91 loài cá thuộc 67 giống, 33 họ, 11 bộ phân bố ở vùng nghiên cứu. Trong đó, bộ cá vược (Perciformes) và bộ cá da trơn (Siluriformes) là 2 bộ có số lượng loài cá phân bố nhiều nhất. Kích cỡ các loài cá khai thác tự nhiên ở vùng nghiên cứu tương đối nhỏ. Các loài cá có sản lượng cao trong mùa lũ gồm Trichopodus trichopterus, Puntioplites proctozystron, Barbonymus gonionotus, Henicorhynchus siamensis, Anabas testudineus, Eleotris melanosoma. Loài Pterygoplichthys disjunctivus đã thiết lập quần đàn trên nhiều thủy vực. Phát hiện 3 loài cá quý hiếm phân bố ở vùng nghiên cứu gồm Chitala chitala, Toxotes chatareus và Labeo chrysophekadion đều đang ở tình trạng bị đe dọa (T). Sản lượng cá, tôm khai thác năm 2016 đã bị suy giảm 50-60% so với năm 2012 và sản lượng cá, tôm bên trong thấp hơn bên ngoài hệ thống công trình thủy lợi.

Giới thiệu phương pháp giảng dạy hội thoại theo mô hình chuyển giao kĩ năng đọc trong dạy đọc cho học sinh tiểu học

Trịnh Thị Hương
Tóm tắt | PDF
Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách, đổi mới toàn diện cả về chương trình lẫn phương pháp giảng dạy. Chương trình Giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh quan điểm dạy học phát triển năng lực cho người học nghĩa là việc dạy học sẽ chuyển từ cung cấp kiến thức sang dạy học sinh cách học. Trong môn Tiếng Việt ở cấp tiểu học, làm thế nào để dạy học sinh cách đọc vẫn là một câu hỏi lớn đối với giáo viên tiểu học. Bài báo giới thiệu khái quát phương pháp giảng dạy hội thoại được tổ chức theo mô hình chuyển giao kĩ năng và sự cần thiết của việc vận dụng phương pháp này trong dạy đọc nhằm phát triển năng lực đọc cho học sinh tiểu học.

Giảng dạy và đánh giá năng lực thực nghiệm cho sinh viên kỹ thuật

Ngô Văn Thiện
Tóm tắt | PDF
Bài báo nhằm mục đích trình bày cách tổ chức giảng dạy và đánh giá năng lực thực nghiệm cho sinh viên qua thí nghiệm vật lí thực hành. Nghiên cứu được thực hiện cho nhóm sinh viên Khoa Cơ Khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Thành phố Hồ Chí Minh. Phương pháp phân tích định tính được thực hiện trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng năng lực thực nghiệm của sinh viên được phát triển dần dần qua các buổi thực hành.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ

Nguyễn Văn Tròn, Nguyễn Chí Hiếu
Tóm tắt | PDF
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho sinh viên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới. Công tác PBGDPL không chỉ giúp sinh viên nâng cao nhận thức của bản thân về việc thi hành pháp luật mà còn giúp sinh viên hiểu biết hơn về pháp luật. Nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng PBGDPL cho sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2014 - 2018, chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác PBGDPL cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu tiến hành phỏng trực tiếp 10 chuyên gia là giảng viên khoa Luật và cán bộ Phòng, Ban của Trường Đại học Cần Thơ về công tác PBGDPL cho sinh viên. Qua đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho sinh viên Trường Đại học Cần Thơ nói riêng và cho các trường đại học trong phạm vi cả nước nói chung.

Ý nghĩa giáo dục đạo đức lối sống qua nội dung hoành phi, câu đối tại các di tích cổ thuộc tỉnh An Giang

Nguyễn Kim Châu
Tóm tắt | PDF
Với vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, An Giang là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long còn bảo tồn được nhiều di tích cổ và gắn liền với các di tích đó là một kho tàng hoành phi, câu đối, văn bia, bài vị, liễn thờ, sách vở,.. viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm hết sức phong phú, rất cần được quan tâm khai thác các giá trị. Bài viết xác định mục đích tìm hiểu một trong những yếu tố góp phần làm nên giá trị của di sản này, đó là ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống thể hiện qua nội dung của hoành phi, câu đối được sưu tầm tại các nhà cổ và các cơ sở thờ tự thuộc tỉnh An Giang.

Độ nổi và tính bền vững thuế của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2015

Phạm Thị Hồng Quyên, Lê Hoàng Anh
Tóm tắt | PDF
Mức động viên hợp lý của thuế là nhân tố quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và là nhân tố quyết định sự tăng GDP. Khi GDP tăng trưởng thì số thu thuế sẽ tăng lên tỷ lệ tương ứng nếu loại trừ yếu tố kém hiệu quả của hệ thống thuế. Độ nổi thuế giai đoạn 2006 - 2015 của Thừa Thiên Huế khác biệt qua từng năm trong giai đoạn nghiên cứu, có những năm chỉ số này rất cao, có những năm lại rất thấp. Độ nổi thuế bình quân nhỏ hơn 1, điều này cho thấy năng lực thu thuế từ nền kinh tế của Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2006 - 2015 còn yếu. Một hệ thống thuế hiệu quả là khi tốc độ tăng thu thuế cao hơn và nhanh hơn sự gia tăng tổng sản phẩm quốc gia. Vấn đề này đòi hỏi Cục thuế cần phải tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả thu thuế trong thời gian sắp tới.

Ảnh hưởng của hạn chế tài chính lên mối quan hệ phi tuyến giữa quản trị vốn luân chuyển và hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết Việt Nam

Nguyễn Thanh Dũng
Tóm tắt | PDF
Mục đích của nghiên cứu là phân tích dữ liệu bảng không cân đối của 222 doanh nghiệp phi tài chính trong giai đoạn 2008 - 2016, đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Bằng phương pháp ước lượng GMM hai bước để khắc phục vấn đề nội sinh,  ảnh hưởng của hạn chế tài chính lên mối quan hệ phi tuyến giữa quản trị vốn luân chuyển và hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết Việt Nam được kiểm định. Kết quả cho thấy sự tồn tại một mức đầu tư tối ưu vốn luân chuyển cân bằng giữa chi phí và lợi ích đồng thời tối đa hoá giá trị doanh nghiệp. Bài báo cũng phân tích liệu tối ưu mức vốn luân chuyển có nhạy cảm với các biện pháp thay thế của những ràng buộc về tài chính. Những phát hiện cho thấy mức vốn luân chuyển tối ưu của các doanh nghiệp bị hạn chế tài chính thấp hơn mức vốn tối ưu của các doanh nghiệp không bị hạn chế tài chính. Kết quả cho thấy các nhà quản lý nên tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công ty bởi vì doanh số bán hàng bị mất và mất chiết khấu cho các khoản thanh toán sớm hoặc chi phí tài chính bổ sung.

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch đường sông tại thành phố Cần Thơ

Huỳnh Văn Tùng, Nguyễn Thị Thảo Nguyên
Tóm tắt | PDF
Bài viết được tập trung phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch đường sông thành phố Cần Thơ; phân tích mối liên kết dọc trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch; đánh giá cảm nhận của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với loại hình phát triển du lịch đường sông của thành phố. Từ đó, có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đường sông trong tương lai. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia và phỏng vấn 50 đơn vị, tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch của thành phố diễn ra tương đối thuận lợi, đạt tốc độ tăng trưởng khá và thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan du lịch. Nghiên cứu cho thấy có sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân và các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, chính sự liên kết này đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đường sông tại thành phố Cần Thơ.

Giải pháp phát triển ngành hàng mía đường tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Thùy Trang, Cao Hoàng Thu Thảo, Võ Hồng Tú
Tóm tắt | PDF
Mặc dù Hậu Giang là tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh về sản xuất mía nhưng do giá mía thường xuyên biến động dẫn đến nhiều nông hộ đã chuyển đổi mô hình sản xuất. Sự chuyển đổi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của vùng nguyên liệu và sinh kế của nông hộ trồng mía. Do vậy, nhu cầu nghiên cứu về chuỗi giá trị mía đường nhằm góp phần đề xuất giải pháp ổn định sinh kế nông hộ trồng mía và phát triển ổn định ngành hàng mía đường tỉnh Hậu Giang là rất cần thiết. Nghiên cứu đã thực hiện thu thập số liệu bằng cách phỏng vấn trực tiếp 325 quan sát với các tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy chuỗi giá trị mía đường của tỉnh gồm 13 kênh và đều là kênh nội địa. Về phân phối giá trị thì công ty chế biến đường có tổng lợi nhuận cao nhất với 77,013 tỷ đồng/năm, chiếm 64,48%, kế đến là thương lái với 28,989 tỷ đồng/năm, tiếp theo là người sản xuất với 13,422 tỷ đồng/năm và cuối cùng là người bán lẻ với 0,016 tỷ đồng/năm. Để phát triển ổn định chuỗi giá trị mía đường, các công ty chế biến đường cần đồng hành chia sẻ với nông dân trồng mía bằng hình thức đầu tư giống có năng suất cao và đẩy mạnh công tác cơ giới hóa để giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông hộ trồng mía. Bên cạnh đó, nông hộ cần tập trung quản lý hiệu quả nguồn lực đầu vào, đặc biệt lượng giống để tiết giảm chi phí.

Đánh giá hoạt động ghi chép và lưu trữ thông tin theo tiêu chuẩn Global GAP của những nông hộ nuôi tôm sú (Penaeus monodon) tại tỉnh Cà Mau

Khưu Thị Phương Đông, Tống Yên Đan, Nguyễn Phương Duy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá việc ghi chép và lưu trữ thông tin nuôi trồng dựa trên khung tiêu chí của tiêu chuẩn Global GAP bằng cách khảo sát 85 nông hộ nuôi tôm sú (Penaeus monodon) tại các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau (thuộc tỉnh Cà Mau). Phương pháp thống kê mô tả và kiểm định trung bình hai tổng thể độc lập T-test được sử dụng để phân tích và so sánh sự khác biệt trong các chỉ số tài chính giữa hai nhóm nông hộ nuôi tôm sú có và không có ghi chép và lưu trữ thông tin nuôi trồng. Kết quả có thể được tóm tắt như sau: Mặc dù Global GAP là chứng nhận cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các thị trường khó tính, người nuôi tôm Cà Mau vẫn chưa dành nhiều sự chú ý đến việc áp dụng các tiêu chí của Global GAP vào trong canh tác, đặc biệt là tiêu chí về ghi chép và lưu trữ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Thêm vào đó, hiệu quả của việc quản lý thông tin trong nuôi tôm cũng được ghi nhận có ý nghĩa đáng kể khi so sánh các chỉ số tài chính của các hộ nuôi tôm. Kết quả nghiên cứu tại Cà Mau chứng minh rằng việc đẩy nhanh áp dụng Global GAP cho những nông hộ nuôi tôm tại địa phương là rất cần thiết cho việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động nuôi tôm.

Đánh giá tác động của ứng dụng cơ giới hóa đến thu nhập nông hộ trồng mía tỉnh Hậu Giang

Võ Hồng Tú, Nguyễn Thùy Trang, Phan Văn Hiệp
Tóm tắt | PDF
Cơ giới hóa là một trong những ưu tiên quan trọng nhằm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng mía đường tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, tình hình áp dụng cơ giới hóa vẫn còn hạn chế do một bộ phận nông dân chưa nhận ra những lợi ích mà nó mang lại. Do vậy, nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá tác động của ứng dụng cơ giới hóa đến thu nhập, cụ thể là chi phí sản xuất của nông hộ trồng mía. Dựa trên kết quả phỏng vấn 300 nông hộ đang canh tác mía tại ba huyện Phụng Hiệp,Vị Thanh và Ngã Bảy, kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của nông hộ có cơ giới hóa là 55,123 triệu đồng/ha, cao hơn nông hộ không cơ giới hóa là 43,921 triệu đồng/ha. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của mô hình trồng mía có cơ giới hóa cũng cao hơn không có cơ giới hóa. Kết quả ước lượng từ phương pháp PSM (Propensity Score Matching) cũng cho thấy, với phương pháp so sánh cận gần nhất thì tổng chi phí sản xuất của hộ ứng dụng cơ giới hóa thấp hơn hộ không ứng dụng cơ giới là 16,5 triệu đồng/ha và với phương pháp so sánh phạm vi/bán kính thì thấp hơn 13,1 triệu đồng/ha. Từ đó cho thấy, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía đã tác động tích cực đến tiết giảm chi phí sản xuất và góp phần nâng cao thu nhập trồng mía của nông hộ.