Ngày xuất bản: 28-04-2017

Đánh giá ổn định mái dốc nền đường vùng có hoạt động sụt lở theo lý thuyết độ tin cậy

Nguyễn Văn Linh
Tóm tắt | PDF
Đánh giá ổn định mái dốc nền đường là một vấn đề phức tạp và nhiều rủi ro. Sự phức tạp và rủi ro là do nhiều nguyên nhân như mô hình tính, số liệu khảo sát thăm dò và tính chất cơ lý không bền vững (cơ lý tính yếu) của các lớp đất đá. Do đó, khi các công trình đưa vào vận hành khai thác luôn tiềm ẩn những sự cố khó lường trước được. Trong các nguyên nhân được đề cập trên thì cơ lý tính yếu của các lớp đất đá đóng vai trò cao nhất, quyết định nhất đến tính ổn định nền đường, đặc biệt là khi các công trình làm việc trong các điều kiện bất lợi (mưa, phong hóa,…). Trong bài báo, tác giả đánh giá ổn định mái dốc nền đường vùng có hoạt động sụt lở (trong điều kiện có mưa thấm) theo lý thuyết độ tin cậy khi tính chất cơ lý của các lớp đất đá có sự thay đổi ngẫu nhiên. Bằng phương pháp sử dụng mô phỏng Monte Carlo trên mô hình xác suất, tác giả đánh giá ổn định mái dốc nền đường khi các thông số đầu vào là các biến ngẫu nhiên tuân theo luật phân phối chuẩn. Kết quả nghiên cứu cung cấp cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá ổn định nền đường.

Phân tích các kỹ thuật đánh giá chậm trễ tiến độ dự án xây dựng - Ứng dụng thực tế tại dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu

Võ Minh Huy, Nguyễn Thanh Tâm
Tóm tắt | PDF
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, tiến độ dự án xây dựng thường xuyên xảy ra chậm trễ, điều đó sẽ dẫn đến những tác hại, ảnh hưởng đến các vấn đề tài chính và gây ra những sự tranh chấp về trách nhiệm rất quyết liệt giữa các bên tham gia. Vì vậy, nhiều kỹ thuật phân tích chậm tiến độ đã được đề xuất và áp dụng để giải quyết các vấn đề chậm trễ như chậm trễ thực tế, chậm trễ và tạo ra chậm trễ đồng thời, tăng tiến độ, sở hữu và sử dụng thời gian dự trữ hoàn thành, phân bố nguồn lực và mất năng suất lao động. Tuy nhiên, không có một kỹ thuật tối ưu để có thể giải quyết tất cả các dự án xây dựng phức tạp và được chấp nhận bởi những các bên liên quan, dựa vào những nhược điểm của các kỹ thuật để giải quyết triệt để các vấn đề chậm tiến độ. Nghiên cứu này sẽ áp dụng các kỹ thuật phân tích chậm tiến độ hiện nay vào một dự án xây dựng cụ thể, từ đó xác định kỹ thuật phân tích lý tưởng đưa đến kết quả tin cậy và chính xác để đảm bảo một kết quả chấp nhận được trong việc giải quyết tranh chấp. Kết quả của nghiên cứu chứng tỏ rằng kỹ thuật phân tích tiến độ lý tưởng hiện nay vẫn cần cải thiện bởi vì những khuyết điểm của nó và những nghiên cứu sau này cần phát triển một kỹ thuật hiệu quả hơn với sự trợ giúp của máy tính để có thể giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến chậm trễ tiến độ.

Nghiên cứu ứng dụng siêu tụ điện

Võ Trần Tấn Quốc, Nguyễn Chí Ngôn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này tìm kiếm một giải pháp ứng dụng siêu tụ điện để tích trữ năng lượng điện mặt trời thay thế cho ắc-quy; nhằm mục đích phục vụ các ứng dụng công suất thấp như đèn chiếu sáng, đèn cảnh báo, cấp nguồn cho các thiết bị điện tử quan trắc môi trường, các cảm biến công nghiệp trong môi trường độc hại, hay thay thế bình ắc-quy của xe gắn máy… Siêu tụ điện có ưu điểm là độ bền cao, thân thiện với môi trường, khả năng tích trữ năng lượng trong thời gian ngắn. Nghiên cứu này thiết lập thí nghiệm việc nạp điện bằng phương pháp cân bằng tích cực cho 6 siêu tụ 350F/2.7VDC, từ dòng điện sinh bởi tấm pin năng lượng mặt trời 12VDC/25W. Kết quả thí nghiệm chứng tỏ được việc dùng siêu tụ thay thế cho bình ắc-quy trong sử dụng điện mặt trời là hoàn toàn khả thi.

Phân hủy p-nitrophenol bằng kỹ thuật Fenton điện hóa sử dụng điện cực graphit dạng thanh

Lâm Hoa Hùng, Đoàn Văn Hồng Thiện, Ngô Thanh An, Nguyễn Quang Long
Tóm tắt | PDF
Quá trình xử lý p-nitrophenol bằng phương pháp Fenton điện hóa đã được tiến hành nghiên cứu với việc sử dụng catod than chì (graphit) dạng thanh và nguồn điện thế một chiều đơn giản. Ảnh hưởng của các yếu tố như điện thế của nguồn một chiều, thời gian điện phân và nồng độ Fe3+ đã được nghiên cứu chi tiết. Các kết quả cho thấy quá trình khử oxy trên điện cực graphite tạo H2O2 diễn ra khi hiệu điện thế áp vào của nguồn một chiều lớn hơn 4,0 V. Trong khi đó, quá trình khử Fe3+ thành Fe2+ diễn ra dễ dàng hơn khi chỉ cần áp hiệu điện thế lớn hơn 1,0 V. Tăng diện tích catod đã làm tăng khả năng của phản ứng khử các ion Fe3+. Khi sử dụng mô hình điện phân không màng ngăn với quá trình Fenton điện hóa để phân hủy p-nitrophenol, 90% p-nitrophenol đã được loại bỏ sau 120 phút xử lý. Vì vậy, khả năng sử dụng kỹ thuật Fenton điện hóa trong xử lý các hợp chất phenol khó phân hủy sinh học trong môi trường nước là rất tiềm năng

Hệ thống SCADA cho mạng điện cơ quan, doanh nghiệp

Dương Thái Bình, Võ Minh Trí
Tóm tắt | PDF
Bài báo này nhằm xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển SCADA phù hợp cho mạng điện hạ thế tại các cơ quan, doanh nghiệp. Các chỉ số quan trọng của mạng điện được cập nhật theo thời gian thực và lưu trữ phục vụ việc phân tích, đánh giá hệ thống. Mô hình SCADA được xây dựng linh hoạt với 1 trạm đo tự xây dựng trên nền hệ vi xử lý/vi điều khiển sử dụng kit NI myRIO, 02 trạm đo sử dụng thiết bị đo đa năng Mishubishi ME96NSR và được lập trình quản lý với phần mềm LabVIEW. Kết quả hệ thống đã tính toán, hiển thị gần như theo thời gian thực các thông số của mạng điện, lưu trữ số liệu theo thời gian, chứng tỏ được tính khả thi của giải pháp đề xuất. Bài báo góp phần trong việc đưa ra giải pháp thiết kế và xây dựng hệ thống giám sát mạng điện một cách tự động. Việc này giúp vận hành hệ thống điện an toàn- tiết kiệm và giảm công sức lao động, đem lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Mô phỏng kênh truyền cho truyền thông MIMO quang không dây

Phan Cẩm Thảo, Đặng Lê Khoa, Lê Hữu Phúc, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Minh Trí
Tóm tắt | PDF
Truyền thông quang không dây là một ứng viên tiềm năng cho mạng truyền thông không dây thế hệ thứ 5 (5G). Công nghệ này đang hướng tới sản phẩm thương mại mang tên LiFi. Đây là công nghệ truyền dẫn tốc độ cao và đặc biệt hiệu quả trong các ứng dụng Internet của vật (IoT). Để đánh giá chất lượng truyền dẫn trong hệ thống quang không dây, kênh truyền quang không dây cần được mô phỏng thông qua các phương trình toán học. Các phương pháp mô phỏng kênh truyền quang phổ biến hiện nay cần thực hiện nhiều phép tính toán, đặc biệt trong hệ thống nhiều anten phát nhiều anten thu (MIMO). Trong bài báo này, chúng tôi sẽ nghiên cứu về đáp ứng của kênh truyền MIMO quang không dây và phương pháp nhằm giảm số phép tính toán khi xác định đáp ứng kênh truyền MIMO quang không dây. Kết quả phân tích cho thấy phương pháp này đã giảm được số phép tính toán 4 lần trong cấu hình MIMO 2x2 với bậc phản xạ là 2.

Nghiên cứu tận dụng rác thải nhựa gia công bê tông làm vật liệu xây dựng

Nguyễn Võ Châu Ngân, Hồ Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Hậu, Ngô Văn Ánh
Tóm tắt | PDF
Trong xã hội phát triển hiện đại, sản xuất và tiêu dùng bao bì nhựa đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày của con người, tuy nhiên cũng tạo ra lượng nhựa thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nghiên cứu này nhằm tận dụng lượng rác thải nhựa để sản xuất bê tông làm vật liệu xây dựng, hạn chế lượng nhựa thải đem đi chôn lấp. Các mẫu cấp phối bê tông với nguyên liệu xi măng, cát, nước và nhựa được chuẩn bị để thử nghiệm, trong đó thành phần nhựa được đưa vào để thay thế cho thành phần cát. Kết quả kiểm tra các mẫu cấp phối bê tông thử nghiệm đã xác định được tỷ lệ nhựa thay thế cát tối ưu trong khoảng từ 5 - 30% nhựa. Tỷ lệ này sẽ giúp tăng mà không ảnh hưởng đến cường độ chịu nén của mẫu bê tông. Tuy nhiên, quá trình gia công nhựa tốn chi phí sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, vì vậy cần nghiên cứu thêm những phương pháp giúp giảm chi phí gia công mẫu.

Đặc điểm môi trường nhiệt và diễn biến đảo nhiệt đô thị bề mặt khu vực Bắc thành phố Hồ Chí Minh

Trần Thị Vân, Đặng Thị Mai Nhung, Đinh Thị Kim Phượng, Hà Dương Xuân Bảo, Nguyễn Thị Tuyết Mai
Tóm tắt | PDF
Bài báo đề cập đến đặc trưng nhiệt độ bề mặt đất trích xuất từ ảnh vệ tinh Landsat, từ đó xem xét diễn biến sự hình thành đảo nhiệt đô thị bề mặt cho khu vực Bắc thành phố Hồ Chí Minh, không tính huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Thời gian khảo sát gồm 3 thời điểm thu nhận ảnh năm 1995, 2005 và 2015. Nghiên cứu đã xác định đảo nhiệt đô thị bề mặt từ các kênh hồng ngoại nhiệt theo khả năng phát xạ của bề mặt thực dựa trên đặc tính của chỉ số thực vật NDVI. Kết quả cho thấy, biến động nhiệt độ trên thành phố có xu hướng ngày càng tăng và mở rộng dần diện tích của những vùng có nhiệt độ cao hướng ra các vùng ngoại ô. Trong giai đoạn 1995-2015, xu hướng hình thành đảo nhiệt đô thị bề mặt với 4 vị trí điển hình cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa nhiệt độ bề mặt của khu vực đô thị và khu vực nông thôn, mở rộng không gian đảo nhiệt năm 2015 gấp 4 lần so với năm 1995. Từ đó, các giải pháp giảm thiểu tác động của đảo nhiệt đô thị đã được đề xuất nhằm bảo vệ môi trường đô thị và cuộc sống cư dân thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tốt hơn.

Xử lý nước thải từ hầm ủ biogas bằng ao thâm canh tảo Spirulina sp.

Lê Hoàng Việt, Võ Thị Đông Nhi, Lưu Thị Nhi Ý, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành trên hai mô hình ao thâm canh tảo Spirulina sp. vận hành ở thời gian lưu nước (HRT) 3 ngày và 5 ngày để đánh giá hiệu suất làm giảm nồng độ chất hữu cơ và tái sử dụng các dưỡng chất trong nước thải hầm ủ biogas tạo sinh khối tảo. Nước thải từ hầm ủ biogas được lắng 30 phút, pha loãng với nước máy ở tỉ lệ 1 : 1 để giảm bớt nồng độ chất ô nhiễm và độ màu trước khi đưa vào ao tảo. Ở HRT 5 ngày, kết quả phân tích cho thấy nồng độ BOD5, COD, TKN, TP, N-NH4+ và tổng Coliform trong nước thải đầu ra sau khi thu sinh khối tảo giảm lần lượt là 73,78%, 74,07%, 95,71%, 83,08%, 99,4% và » 100%; ở HRT 3 ngày thì BOD5, COD, TKN, TP, N-NH4+ và tổng Coliformgiảm 61,76%, 61,78%, 95,13%, 67,43%, 98,45%, và » 100%. Giữa hai thời gian lưu nước, nồng độ các chỉ tiêu BOD5, COD và TP trong nước thải đầu ra khác biệt có ý nghĩa (5%); còn các chỉ tiêu TKN, N-NH4+ và tổng Coliform không khác biệt có ý nghĩa (5%). Xét về mặt sinh khối, hàm lượng Chlorophyll trong ao HRT 5 ngày là 2.369,18 ± 436,52 mg/L cao hơn so với ao HRT 3 ngày đạt 1.078,68 ± 320,53 mg/L (p

Sự hội tụ theo nghĩa Wijsman và đặt chỉnh Tykhonov của bài toán cân bằng theo dãy

Lâm Quốc Anh, Phạm Thị Vui, Trương Văn Trí
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, dãy các bài toán cân bằng trong không gian metric được xem xét. Các điều kiện đủ cho sự hội tụ theo nghĩa Wijsman của dãy bài toán xấp xỉ về bài toán gốc được quan tâm nghiên cứu. Hơn nữa, các khái niệm về đặt chỉnh Tykhonov (mở rộng) theo dãy dưới dạng nhiễu bởi dãy các bài toán xấp xỉ được đề xuất, tiếp theo đó là việc thiết lập điều kiện đủ cho các dạng đặt chỉnh này.

Tổng hợp dẫn xuất N-(3-morpholinopropyl)benzimidazole

Lê Đức Anh, Lê Trọng Hiếu, Bùi Thị Bửu Huê, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Phùng Văn Bình
Tóm tắt | PDF
Phương pháp một bước đơn giản gồm sự khử/đóng vòng in situ các N-alkyl-o-nitroaniline và các aldehyde tương ứng tạo ra dẫn xuất N-alkylbenzimidazole sử dụng tác nhân oxy hóa là Na2S2O4. Dựa trên phương pháp này, mười dẫn xuất mới N-(3-morpholinopropyl) benzimidazole đã tổng hợp thành công với hiệu suất từ 42-91%. Cấu trúc của các dẫn xuất được xác nhận bằng các phương pháp phổ nghiệm hiện đại như MS, IR, 1H-NMR và 13C-NMR.

Đánh giá khả năng trả nợ vay của khách hàng bằng các phương pháp phân loại

Võ Văn Tài, Nguyễn Thị Hồng Dân, Nghiêm Quang Thường
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày các phương pháp phân loại và những vấn đề tính toán trong áp dụng thực tế của chúng. Bài báo cũng đề nghị một thuật toán xác định xác suất tiên nghiệm trong phân loại bằng phương pháp Bayes tốt hơn các phương pháp khác. Ứng dụng từ số liệu thực tế trong đánh giá khả năng trả nợ vay của khách hàng được thực hiện bằng tất cả các phương pháp để minh họa cho lý thuyết và kiểm tra sự hợp lý của thuật toán được thiết lập. Ứng dụng này cũng cho thấy phương pháp đề nghị có ưu điểm hơn các phương pháp khác và có thể được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tốc độ hội tụ trong định lý giới hạn trung tâm cho bước đi ngẫu nhiên trong một chiều

Lâm Hoàng Chương, Dương Thị Bé Ba
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, chúng tôi nghiên cứu mô hình bước đi ngẫu nhiên với không gian trạng thái là tập . Chúng tôi sử dụng phương pháp moments như trong bài báo của Depauw et al. (2009) và Lam Hoang Chuong (2014) để chứng minh sự hội tụ theo phân phối đến phân phối chuẩn của bước đi đang xét (Định lý 1.3) và đưa ra tốc độ hội tụ của nó (Định lý 3.1). Chi tiết hơn, với  là toán tử Markov tương ứng với bước đi ngẫu nhiên đang xét và hàm  cho trước, ta giải phương trình Poisson  rồi sau đó tìm giới hạn liên quan đến nghiệm của nó, khi đó tốc độ hội tụ sẽ được cho bởi sự hội tụ của các moment của bước đi.

Thành phần hoá học và hoạt tính kháng oxy hoá của cây Bạch Đầu Ông Vernonia cinerea (L.) less, họ Cúc (Asteaceae)

Nguyễn Trọng Tuân, Mai Van Hieu, Nguyễn Anh Vinh, Đoàn Thị Ngọc Châu, Nguyễn Thành Lập, Lê Thị Bạch, Nguyễn Quốc Châu Thanh
Tóm tắt | PDF
Ba hợp chất: (1) lupeol acetate, (2) 1-palmitoylglycerol và (3) tricin đã được phân lập từ cao chiết phân đoạn hexane và ethyl acetate từ cây Bạch Đầu Ông Vernonia cinerea (L.) Less. Cấu trúc của các hợp chất được nhận danh bằng các phương pháp phổ hiện đại như1H-NMR,13C-NMR, HSQC, HMBC, MS và so sánh với tài liệu đã công bố. Hàm lượng polyphenol tổng của cao chiết phân đoạn ethyl acetate (215,55 mg GAE/g) từ cây Bạch đầu ông cao nhất so với các cao chiết ethanol tổng và cao nước. Kết quả trên tương đồng với khả năng kháng oxy hoá tốt nhất của cao ethyl acetate IC50 = 24,10 mg/mL.

Thành phần loài tảo mắt (Euglenophyta) ở khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười - Tiền Giang

Ngô Thanh Phong, Lê Hồng Phương, Lưu Yến Nhi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thành phần loài Tảo mắt ở Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang được tiến hành thu mẫu vào tháng 9/2015 và tháng 2/2016 tại 10 điểm thuộc Khu bảo tồn. Nghiên cứu này nhằm xác định thành phần loài và xây dựng bộ sưu tập hình ảnh hiển vi của Tảo mắt ở Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang. Đồng thời, kết quả nghiên cứu còn là dẫn liệu về sự đa dạng sinh học của Tảo mắt cung cấp cho các nghiên cứu về Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang. Kết quả đã xác định được 71 loài Tảo mắt thuộc 5 chi của họ Euglenaceae, bộ Euglenales. Trong đó, chi Phacus ưu thế nhất, với 27 loài, chiếm 38,03%; kế đến là chi Trachelomonas với 18 loài, chiếm 25,35%; chi Euglena với 14 loài, chiếm 19,72%; cuối cùng là chi Lepocinclis và Strombomonas có số lượng loài thấp nhất, với 6 loài, chiếm 8,45%. Tất cả các điểm thu mẫu đều có sự xuất hiện của Tảo mắt. Tuy nhiên, thành phần loài Tảo mắt phân bố không đều ở các điểm thu mẫu qua mỗi đợt khảo sát, phân bố nhiều nhất ở điểm Đ06 – 22 loài, Đ05 – 21 loài, trong đợt khảo sát thứ nhất và điểm Đ03 – 20 loài ở đợt khảo sát thứ 2; thấp nhất là điểm Đ02 mỗi đợt khảo sát ghi nhận được 2 loài. Số loài Tảo mắt phát hiện được ở mỗi đợt khảo sát gần bằng nhau, đợt 1: 51 loài và đợt 2: 47 loài; có 27 loài xuất hiện ở cả 2 đợt khảo sát.

Ảnh hưởng của bổ sung acid hữu cơ trong khẩu phần lên năng suất và chất lượng trứng gà công nghiệp giai đoạn mới bắt đầu đẻ trứng

Nguyễn Thị Thủy, Hồ Thanh Thâm
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành để xác định ảnh hưởng của việc bổ sung chế phẩm acid hữu cơ (Poulacid) vào khẩu phần gà đẻ chuyên trứng từ 19-28 tuần tuổi (chia 2 giai đoạn 19-21 và 22-28 tuần tuổi). Có 540 con gà mái đẻ Hisex Brown được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên vào 3 nghiệm thức (NT), 45 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại trên 1 ô chuồng gồm 4 con gà mái. Các NT như sau:  NT A0: KPCS + 0% Poulacid  (Đối chứng); NT A0.15: KPCS + 0,15 % Poulacid; NT A0.2: KPCS + 0,2 % Poulacid. Kết quả cho thấy khi bổ sung Poulacid vào khẩu phần không ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ thức ăn (TTTA) và khối lượng trứng, nhưng có chiều hướng tăng nhẹ về tỷ lệ đẻ và TTTA/trứng ở NT A0.15 so với  NT A0.2 và  NT A0. Khi bổ sung 0,15 và 0,2% poulacid trong khẩu phần cho số lượng trứng bể và trứng đôi thấp hơn đối chứng. Các chỉ tiêu chỉ số hình dáng, tỷ lệ vỏ, lòng  trắng và lòng đỏ, độ dầy vỏ và đơn vị Haugh không có sự khác nhau, nhưng chiều cao lòng trắng và màu lòng đỏ có cải thiện ở các khẩu phần có bổ sung Poulacid so với đối chứng. Kết quả đó cho thấy khi bổ sung Poulacid ở mức 0,15% trong khẩu phần có khuynh hướng cải thiện tỷ lệ đẻ, màu lòng đỏ và chiều cao lòng trắng đặc, tuy nhiên chưa cải thiện được độ dầy vỏ trứng ở gà chuyên trứng giai đoạn mới bắt đầu đẻ.

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển gen qua vi khuẩn Agrobacterium ở lúa (Oryza sativa L.) sử dụng hệ thống chọn lọc phosphomannose-isomerase

Trần Thị Xuân Mai, Nguyễn Thị Liên
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, các yếu tố bao gồm xử lý mô sẹo, chế độ ánh sáng trong thời gian đồng nuôi cấy và sử dụng mannose như là tác nhân chọn lọc trong môi trường tái sinh được khảo sát về sự chuyển gen ở giống lúa Taipei 309. Các mô sẹo từ phôi được chủng với Agrobacterium tumefaciens mang vector chứa gen mã hóa enzyme phosphomannose isomerase (PMI). Chỉ những tế bào được chuyển gen mới có thể sử dụng mannose như nguồn carbon và tần số mô sẹo hình thành trên môi trường chọn lọc RO5được sử dụng để đánh giá hiệu quả chuyển gen. Kết quả cho thấy có sự gia tăng hiệu quả chuyển gen ở mô sẹo bị tổn thương (7,3%) so với mô sẹo còn nguyên vẹn (3,7%). Mô sẹo được đồng nuôi cấy dưới chế độ sáng liên tục cho kết quả tốt nhất, hiệu quả đạt 9,3%. Sự hình thành chồi của các mô sẹo đã chuyển gen đạt 100% trên môi truờng RO6 và 15,6% trên môi truờng RO6 + 2% mannose. Tương tự có 97,8% chồi đã phát triển trên môi trường RO7 và 11,1% chồi phát triển trên môi trường RO7 + 1,5% mannose. Thử nghiệm chlorophenol đỏ đã xác nhận 100% dòng lúa được cho là chuyển gen có sự hoạt động của gen PMI. Phân tích PCR cũng cho thấy một đoạn DNA 600bp ở gen PMI được khuếch đại từ các dòng lúa này.

Sự thay đổi tính chất hóa lý của quả thanh trà theo độ tuổi thu hoạch

Tô Nguyễn Phước Mai, Trần Thanh Trúc, Lê Ngọc Dương, Nguyễn Hải Âu
Tóm tắt | PDF
Sự thay đổi đặc tính hóa lý theo độ tuổi thu hoạch từ 21 đến 57 ngày sau khi hoa rụng của quả thanh trà (Bouea macrophylla) trồng tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã được tiến hành nghiên cứu. Kết quả cho thấy, có sự thay đổi về màu sắc vỏ quả từ xanh lá đến cam, thể hiện bởi sự suy giảm của giá trị L* và sự gia tăng của giá trị a*, trong khi đó độ màu b* khi đo bên ngoài vỏ giảm dần theo sự gia tăng độ tuổi và ngược lại khi đo đạc ở phần thịt quả. Khối lượng và kích thước quả tăng dần từ 21 đến 42 ngày và suy giảm không khác biệt ý nghĩa từ 42 đến 57 ngày, trong khi đó, tỷ lệ thịt quả đạt cao nhất từ 37 đến 50 ngày và giảm ở khoảng thời gian tiếp theo. Sự gia tăng của tổng hàm lượng chất khô hòa tan (TSS, %) và sự suy giảm của tổng số acid chuẩn độ (TA, %), theo đó là sự gia tăng của tỷ lệ TSS/TA được ghi nhận. Hàm lượng vitamin C (mg%) giảm từ 21 đến 42 ngày và tăng từ 42 đến 57 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình sinh trưởng và phát triển của thanh trà từ sau khi rụng cánh hoa đến 57 ngày có thể chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn tăng trưởng (≤42 ngày) và giai đoạn chín thuần thục (42 ÷57 ngày).

Ảnh hưởng tỉ lệ hạt sen bổ sung và điều kiện chế biến cơ bản lên chất lượng bánh hamburger

Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Thị Bích Liểu
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm làm ra loại bánh hamburger với giá trị dinh dưỡng cao, hạt sen được bổ sung vào cải thiện giá trị dinh dưỡng và tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Ảnh hưởng của tỷ lệ hạt sen bổ sung, điều kiện ủ (số lượng nấm men, nhiệt độ và thời gian) và nhiệt độ nướng đến tính chất vật lý và giá trị cảm quan của bánh hambuger đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy bánh hambuger hạt sen có màu vàng đều, độ nở cao, cấu trúc mềm mịn, xốp khi bổ sung 10% hạt sen và lên men với 1,6% nấm men ở nhiệt độ 38oC trong 110 phút. Màu sắc bánh vàng đều và cấu trúc mềm mịn khi nướng ở nhiệt độ 210oC. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh hạt sen góp phần nâng cao giá trị dinh dưỡng và tạo hương vị đặc trưng của hambuger hạt sen.

Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển giống AG - Nếp tỉnh An Giang

Bùi Lan Anh, Huỳnh Quang Tín, Huỳnh Như Điền
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá tiềm năng phát triển của giống AG-Nếp tại tỉnh An Giang bằng phương pháp phỏng vấn 162 mẫu gồm 150 nông hộ và 12 cán bộ địa phương. Số liệu được phân tích với phương pháp phân tích thứ bậc (Analytical Hierarchy Process, AHP) cho các mức độ ảnh hưởng đến sản xuất. Các yếu tố có thể ảnh hưởng quan trọng đến phát triển của giống được ước đoán: mật độ sạ; lượng phân bón; độ phì đất, chi phí sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường trong sản xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy sản xuất nếp là mô hình sản xuất nông nghiệp chính tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang (chiếm 92% diện tích lúa của huyện) và lợi nhuận từ trồng nếp khá cao (17-23 triệu đồng/ha/vụ). Phân tích số liệu cho thấy giống AG-Nếp được xác định có tiềm năng phát triển ở mức khá cao (P=5,26); tuy nhiên mật độ sạ dầy (>240 kg/ha) và liều lượng phân đạm cao (151-221 kg/ha) là hai yếu tố hạn chế chủ yếu (chiếm trọng số cao trong phân tích) đến sản xuất nếp. Để gia tăng tiềm năng phát triển và cải thiện thu nhập cho nông hộ, kỹ thuật canh tác cần áp dụng: mật độ gieo sạ khoảng 120 kg/ha và nghiệm thức phân 100-120 kgN/ha và áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ. Cải tạo đất và liên kết thị trường trong sản xuất cần được quan tâm cho sản xuất nếp trong thời gian tới. Nghiên cứu này có thể giúp cho việc lập qui hoạch và phát triển giống AG-Nếp ở tỉnh An Giang.

Đánh giá đặc tính hóa học đất của ba kiểu liếp canh tác khóm (Ananas comosus L.) trong vùng đê bao tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

Tất Anh Thư, Nguyễn Văn Thích
Tóm tắt | PDF
Qua khảo sát thực tế sản xuất cho thấy hầu hết khóm ở  Tân Phước, Tiền Giang được nông dân trồng và khai thác có thời gian từ 6 năm trở lên, sử dụng phân bón cho cây khóm chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trong suốt quá trình canh tác không sử dụng phân bón hữu cơ. Đây có thể là những nguyên nhân làm chất lượng đất bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến năng suất khóm, chất lượng trái không đồng đều. Đánh giá chất lượng đất nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây thất thu năng suất khóm là cần thiết. Tiến hành thu thập mẫu đất của 3 kiểu liếp canh tác khóm khác nhau gồm (1) liếp khóm đã được cải tạo và trồng mới; (2) liếp khóm chưa được cải tạo (trồng 1 vụ lưu vụ trên 6 năm) và  (3) liếp khóm không canh tác (trước khi bỏ trống các liếp này đã xuất hiện nhiều sâu bệnh, năng suất rất thấp). Kết quả phân tích cho thấy liếp khóm đã cải tạo và trồng lại khóm mới có hàm lượng chất hữu cơ, khả năng trao đổi cation trong đất cao hơn, khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức 5% (p

Phân lập và tuyển chọn các dòng thực khuẩn thể trong phòng trừ bệnh héo xanh trên cây hoa vạn thọ (Tagetes papula L.) do vi khuẩn Ralstonia solanacearum Smith

Nguyễn Thúy An, Nguyễn Văn Minh Phụng, Phạm Văn Kim, Nguyễn Thị Thu Nga
Tóm tắt | PDF
Phân lập và tuyển chọn các dòng thực khuẩn thể(TKT) có hiệu quả phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum trên cây vạn thọ được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm và nhà lướinhằm tìm ra dòng TKT có triển vọng trong quản lý bệnh héo vi khuẩn trên cây hoa vạn thọ. Kết quả phân lập được 38 dòng thực khuẩn thể và 21 chủng vi khuẩn Ralstonia solanacearum từ các mẫu cây bệnh và đất được thu thập tại các tỉnhCần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp. Các dòng thực khuẩn thể có khả năng ký sinh số lượng vi khuẩn ký chủ R.solanacearum khác nhau, ghi nhận 10 dòng thực khuẩn thể có khả năng ký sinh nhiều dòng vi khuẩn nhất (từ 15-16 chủng). Trong đó, ba dòng thực khuẩn thể ΦCT18, ΦĐT3 và ΦĐT4 có khả năng phân giải vi khuẩn ký chủ mạnh nhất với đường kính vòng vô khuẩn lần lượt là 6,09 mm, 5,88 mm và 7,99 mm ở thời điểm 72 giờ sau khi cấy. Trong điều kiện nhà lưới, áp dụng các dòng thực khuẩn thể ΦCT18, ΦĐT3, ΦĐT4 đơn lẻ và hỗn hợp 3 dòng thực khuẩn thể ở mật số 108 PFU/ml tưới vào đất trong phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn R. solanacearum, kết quả cho thấy dòng thực khuẩn thể ΦĐT4 cho hiệu quả phòng trị cao nhất.

Nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới rê hỗn hợp ở tỉnh Trà Vinh

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2015 nhằm đánh giá hiệu quả tài chính và kỹ thuật của nghề lưới rê hỗn hợp ở tỉnh Trà Vinh. Đề tài đã tiến hành phỏng vấn 45 hộ ngư dân làm nghề lưới rê hỗn hợp với nội dung về số tàu thuyền, ngư trường, mùa vụ khai thác, sản lượng khai thác và hiệu quả tài chính. Kết quả cho thấy nghề lưới rê hỗn hợp của tỉnh Trà Vinh có khoảng 80 chiếc, chiếm 26,4% tổng số tàu lưới rê khai thác thủy sản của tỉnh Trà Vinh. Tàu có công suất trung bình là 253,8 CV/tàu và trọng tải trung bình 33,5 tấn/tàu. Sản lượng khai thác trung bình là 16 tấn/tàu/năm, trong đó tỉ lệ cá tạp là rất thấp. Tổng chi phí trung bình của một chuyến biển là 28,49 triệu đồng và lợi nhuận trung bình là 23,93 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 0,87. Không có hộ ngư dân làm nghề rê hỗn hợp nào bị thua lỗ. Khó khăn chung hiện nay của nghề lưới rê hỗn hợp là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thiếu vốn và thiếu kỹ thuật bảo quản sản phẩm.

Nghiên cứu thu hoạch và sử dụng SCD (Single cell detritus) từ rong câu (Gracilaria tenuistipitata) làm thức ăn cho động vật ăn lọc

Ngô Thị Thu Thảo, Nguyễn Huỳnh Anh Huy
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định phương pháp thích hợp để thu hoạch tế bào đơn (single cell detritus, SCD) từ rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) và đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng SCD làm thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của Artemia franciscana-một đối tượng ăn lọc. Quy trình thu hoạch SCD gồm 3 bước như sau: Bước 1) bột rong biển được ngâm và lắc trong nước ngọt khoảng 2 giờ; Bước 2) tương ứng với mỗi loại SCD mà công đoạn tiếp theo khác nhau như sau: không được lên men (SCD-N), lên men với Lactobacillus trong 72 giờ (SCD-L), lên men với nấm men trong 72 giờ (SCD-Y); Bước 3) lọc qua rây có mắt lưới 50 µm và bảo quản ở 4oC. Kết quả cho thấy mật độ của SCD-N, SCD-L và SCD-Y lần lượt là: 77,7 × 104; 165 × 104 và 301 × 104 hạt/mL. Artemia được nuôi với 7 nghiệm thức thức ăn, trong đó, nghiệm thức đối chứng là thức ăn tôm sú số 0, 6 nghiệm thức còn lại gồm SCD-N, SCD-L và SCD-Y với các mức thay thế 100% và 50%. Kết quả cho thấy khẩu phần 100% SCD-Y hoặc kết hợp 50% SCD và 50% thức ăn tôm sú đã dẫn đến sự tăng trưởng tốt, tỷ lệ sống tương đối cao, cũng như ảnh hưởng tích cực đến quá trình thành thục sinh sản của A. franciscana.

Tối ưu hóa quá trình nấu chiết alginate từ bã rong nâu Turbinaria ornata (Turner) J. AGARDH

Nguyễn Văn Thành, Vũ Ngọc Bội, Trần Thị Thanh Vân, Nguyễn Đình Thuất, Bùi Văn Nguyên
Tóm tắt | PDF
Alginate là một co-polymer mạch thẳng được chiết suất từ rong nâu, được tạo thành từ liên kết (1® 4) của β-D-mannuronic acid và α-L-guluronic acid. Trong nghiên cứu này, ảnh hưởng của các yếu tố công nghệ tại công đoạn chiết kiềm như pH của dung dịch sođa, nhiệt độ và thời gian nấu chiết đến hàm lượng và độ nhớt của alginate được nghiên cứu. Kết quả cho thấy điều kiện tốt nhất cho công đoạn nấu chiết alginate từ bã rong nâu Turbinaria ornata được xác định là dung dịch sođa dùng để chiết có pH = 11, nhiệt độ nấu chiết 59oC và thời gian nấu chiết 1,5 giờ. Hàm lượng và độ nhớt của alginate lớn nhất thu được tương ứng là 32,15% so với khối lượng rong khô và 743 mPa.s.

Ảnh hưởng của tỷ lệ C/N lên tăng trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) ương nuôi trong hệ thống biofloc

Châu Tài Tảo, Lý Văn Khánh, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra bổ sung tỷ lệ C/N thích hợp cho tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức được bổ sung mật rỉ đường với các tỷ lệ C/N khác nhau gồm (i) tỷ lệ C/N = 10:1, (ii) tỷ lệ C/N = 20:1, tỷ lệ C/N = 30:1 và (iv) đối chứng (không bổ sung mật rỉ đường). Bể ương tôm có thể tích 120 L/bể, mật độ ương 150 con/L, nước ương ấu trùng có độ mặn 30‰. Kết quả nghiên cứu sau 25 ngày ương cho thấy hàm lượng TAN và NO2- ở các nghiệm thức có biofloc luôn thấp và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05). Mật độ vi khuẩn Vibrio ở 2 nghiệm thức tỷ lệ C/N = 20 và 30 không ảnh hưởng đến ấu trùng tôm. Postlarvae 15 (PL-15) ở nghiệm thức tỷ lệ C/N = 30 có chiều dài (12,35 ± 0,69 mm) lớn nhất, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Nghiên cứu bổ sung cà rốt (Daucus carota) làm thức ăn lên sinh trưởng và chất lượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi theo công nghệ biofloc

Lê Quốc Việt, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Phú, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung cà rốt làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng lên sinh trưởng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức gồm: (i) 100% thức ăn viên; (ii) bổ sung 10% cà rốt; (iii) 20% cà rốt và (iv) 30% cà rốt. Tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N=15:1), độ mặn 15o/oo­­ và mật độ nuôi 150 con/m3. Tôm có khối lượng ban đầu là 0,37±0,09 g. Sau 60 ngày nuôi, tôm nuôi ở nghiệm thức không bổ sung cà rốt (đối chứng) có khối lượng nhỏ nhất (8,95 g) và khác biệt có ý nghĩa (p0,05). Kết quả biểu thị bổ sung 10% lượng cà rốt làm thức ăn trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống, sinh khối, màu sắc của tôm hay chi phí thức ăn.

Đánh giá khả năng thay thế Artemia bằng thức ăn nhân tạo trong ương ấu trùng cua biển (Sylla paramamosain)

Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của việc thay thế Artemia bằng thức ăn tổng hợp đến tăng trưởng, tỷ lệ sống của ấu trùng cua biển đồng thời góp phần giảm chi phí thức ăn trong sản xuất giống cua biển. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức: (i) cho ăn 2 lần thức ăn nhân tạo (TANT)+6 lần Artemia; (ii) 3 lần TANT+5 lần Artemia; (iii) 4 lần TANT+4 lần Artemia và (iv) 5 lần TANT+3 lần Artemia; mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể thí nghiệm có thể tích 0,5 m3, mật độ ấu trùng 300 con/L và nước có độ mặn 30‰. Sau 12 ngày, ấu trùng ở các nghiệm thức đều chuyển sang Zoae 4 hoàn toàn thì tiến hành chuyển sang bể 2 m3­­­ (1,5 m3 nước) và tỷ lệ sống đạt từ 58,0 – 74,7%, nhưng khác biệt không ý nghĩa thống kê (p>0,05). Sau 21 ngày ương, tỷ lệ chuyển cua 1 ở các nghiệm thức là 100% và tốc độ tăng trưởng của cua ở các nghiệm thức sai khác không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Tuy nhiên, tỷ lệ sống từ giai đoạn Zoae 1 đến cua 1 thì khác nhau có ý nghĩa thống kê (p

Ảnh hưởng của dinh dưỡng đến thành thục sinh dục và chất lượng sinh sản ở một số loài cá có giá trị kinh tế

Nguyễn Quang Huy
Tóm tắt | PDF
Bài viết là tổng quan những kiến thức về dinh dưỡng cá bố mẹ, nhằm cập nhật và cung cấp một cách có hệ thống những hiểu biết về nhu cầu dinh dưỡng của cá ở giai đoạn này, góp phần nuôi vỗ và phát triển thức ăn cho cá bố mẹ một cách hiệu quả.  Sự phát triển tuyến sinh dục, sức sinh sản của cá phụ thuộc vào một số dưỡng chất thiết yếu trong thức ăn. Cải thiện dinh dưỡng trong thức ăn nuôi cá bố mẹ đã tác động tích cực đến chất lượng sinh sản, ấu trùng và cá con. Nhiều nghiên cứu đã tập trung xác định nhu cầu về hàm lượng các dưỡng chất trong thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ ở một số loài cá nuôi có giá trị kinh tế cao. Những dưỡng chất quan trọng trong thức ăn có vai trò quyết định đến chất lượng sinh sản ở cá đã được xác định là protein, amino acid thiết yếu, lipid, acid béo không no mạch dài, vitamin, carotenoid và khoáng chất. Bên cạnh đó, nguồn dưỡng chất, khẩu phần cho ăn cũng ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản và ấu trùng cá.

Nghiên cứu sự thay đổi hoạt tính một số enzyme tiêu hóa của cá lóc đen (Channa striata) từ giai đoạn bột đến 35 ngày tuổi với thức ăn khác nhau

Ngô Minh Dung, Nguyễn Thị Long Châu, Trần Thị Thanh Hiền, Bùi Minh Tâm, Phạm Thị Tú Nga
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu xác định sự biến đổi về hoạt tính enzyme tiêu hóa của ống tiêu hóa ở cá lóc bột được tiến hành từ ngày 1 đến ngày thứ 35 sau khi cá nở với 2 chế độ cho ăn khác nhau. Nghiệm thức 1 sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi sống là Moina và cá tạp (TĂTS), nghiệm thức 2 cá tạp được thay thế bằng thức ăn chế biến từ ngày 17 trở đi (TĂCB). Mẫu được thu vào buổi sáng trước khi cho ăn vào các ngày 1; 3; 5; 7; 9; 12; 15; 18; 21; 25; 30 và 35 để phân tích sự biến đổi của enzyme tiêu hóa. Kết quả cho thấy, hoạt tính enzyme amylase biến động trong suốt giai đoạn phát triển của cá, đạt cao nhất 3,68±0,17 mU/mg protein ở nghiệm thức TĂTS và 5,77±0,14 mU/mg protein ở nghiệm thức TĂCB vào ngày thứ 35. Trong khi đó, các enzyme tiêu hóa protein được phát hiện với mức thấp ở giai đoạn mới nở và ổn định cho đến ngày 12. Trypsin  tăng ý nghĩa ở ngày thứ 21. Hàm lượng pepsin, đạt giá trị cao nhất vào ngày 25 ở nghiệm thức TĂTS với mức 1,44±0,26 mU/mg protein. Hoạt tính enzyme trypsin và chymotrypsin đạt mức cao nhất là 333±19,9 mU/mg proteinvà 1.773±62,3 mU/mg protein vào ngày 35 ở nghiệm thức TĂCB. Khi so sánh ảnh hưởng của hai loại thức ăn lên hoạt tính của enzyme thì thấy rằng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p