Ngày xuất bản: 30-08-2024

Nghiên cứu giải pháp xây dựng kè ứng phó nguy cơ sạt lở bờ biển Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Văn Hữu Huệ, Lê Văn Tuấn
Tóm tắt | PDF
Mục đích nghiên cứu là tìm ra nguyên nhân sạt lở và đề xuất giải pháp ứng phó sạt lở bờ biển Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Phương pháp nghiên cứu là khảo sát, đánh giá địa chất, tác động do sóng biển, vận chuyển bùn cát thông qua các phần mềm Mike 21, Plaxis, Geoslope và đưa ra kết quả nghiên cứu. Kết quả cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở là do sóng lớn tác động vào bờ biển vào mùa gió chướng, làm bùn cát bị xới tung, dòng chảy ven bờ mang bùn cát đi làm cho bờ biển bị hạ thấp gây sạt lở… Qua đó, một số giải pháp công trình và hướng nghiên cứu mới cho khu vực nghiên cứu được đưa ra nhằm đảm bảo an sinh cho bà con trong khu vực nghiên cứu.

Dự đoán độ ngọt của xoài trên cơ sở dữ liệu phổ thu thập từ cảm biến đa phổ giá thành thấp

Nguyễn Phước Lộc, Dương Văn Sử, Trần Nhựt Thanh, Nguyễn Chí Ngôn, Nguyễn Chánh Nghiệm
Tóm tắt | PDF
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy cảm biến đa phổ giá thành thấp được quan tâm nhiều trong việc phát triển các ứng dụng trong nông nghiệp. Nghiên cứu này đánh giá tiềm năng sử dụng cảm biến đa phổ giá thành thấp trong việc dự đoán độ ngọt của xoài, loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao. Để phát triển được mô hình dự đoán chính xác, một số giải thuật tiền xử lý và lựa chọn bước sóng đã được áp dụng. Kết quả cho thấy dữ liệu phổ không qua tiền xử lý trích xuất từ mười bốn bước sóng được chọn bởi giải thuật “hệ số hồi quy” là phù hợp để xây dựng mô hình hồi quy bình phương tối thiểu từng phần có hệ số tương quan bằng 0,703 và sai số RMSE là 1,439 °Brix. Kết quả này có thể so sánh được với các nghiên cứu gần đây sử dụng cùng loại cảm biến đa phổ vì thế khẳng định tiềm năng sử dụng cảm biến đa phổ giá thành thấp trong việc phát triển ứng dụng và thiết bị cầm tay để đánh giá chất lượng trái cây.

Tổng quan ứng dụng liên kết Canxi-Alginate trong màng composite và vật liệu giả da Bioleather

Nguyễn Ngọc Như Ý, Nguyễn Thanh Phương, Tạ Hữu Nhân, Lư Trần Tú My, Phạm Thị Ngọc Nga
Tóm tắt | PDF
Gel của Ca-alginate trong nước được ứng dụng nhiều trong vật liệu màng composite với nhiều ứng dụng linh hoạt đã được nhiều nhà khoa học phát hiện ra. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng vật liệu da thân thiện môi trường đã phát triển rất nhiều ở các nước trên thế giới. Bài báo này nhằm cung cấp những thông tin về vật liệu màng composite và vật liệu giả da Bioleather dựa trên liên kết ion gel của Ca- Alginate trong môi trường nước.

Phát hiện và hiển thị 3D vùng bất thường trên ảnh MRI não với cổng dịch vụ Billow AISA

Lê Minh Lợi, Trần Nguyễn Minh Thư, Nguyễn Thiện Hùng, Hồ Quốc An, Phạm Nguyên Khang
Tóm tắt | PDF
Việc phát hiện kịp thời khối u hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân được thực hiện hiệu quả trong tình trạng các bệnh viện luôn quá tải là rất cần thiết. Ứng dụng Slicer cho phép dựng hình ảnh 2D vùng tổn thương thành dữ liệu khối 3D giúp các bác sĩ có cái nhìn trực quan hơn trong việc chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, ứng dụng Slicer chưa cho phép phát hiện tự động vùng bất thường và yêu cầu máy tính đủ mạnh để thực thi các mô hình này. Trong nghiên cứu này, tiện ích mở rộng Billow AISA cho Slicer được đề xuất nhằm xây dựng một cổng dịch vụ phân tích, dự đoán từ dữ liệu ảnh do người dùng cung cấp. Chức năng phân tích, dự đoán được thử nghiệm trong nghiên cứu này là phát hiện vùng bất thường trên ảnh MRI não với mô hình Swin-Unet. Kết quả thực nghiệm trên tập dữ liệu thu thập từ Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho thấy tính khả thi và hiệu quả của mô hình Billow AISA.

Những dẫn liệu đầu tiên về đa dạng thành phần loài và phân bố của rết (Chilopoda) trong hang Sơn Đoòng, tỉnh Quảng Bình

Lê Xuân Sơn, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Đức Anh, Trần Thị Thanh Bình
Tóm tắt | PDF
Hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, có chiều dài gần 9.000m, chiều cao 100 m và chiều rộng 80-100 m duy trì gần suốt chiều dài của hang. Với kích thước lớn, hàm chứa nhiều đặc điểm địa chất thú vị, trong đó đáng chú ý là hai hố sụt lớn và sâu, ánh sáng có thể rọi xuống đủ để phát triển cả khu rừng nhiệt đới dưới đáy hang; từ đó hình thành nên hệ sinh thái đa dạng với giá trị đặc biệt về tự nhiên, trong đó có đa dạng sinh học. Kết quả điều tra thực địa vào tháng 5/2022 về khu hệ rết hang Sơn Đoòng đã ghi nhận được 5 loài thuộc 4 họ, 4 bộ. Trong đó, 2 loài mới chỉ xác định đến giống là Lithobius sp. và Mecistocephalus sp.. Đây cũng là hai loài chiếm ưu thế hơn về số lượng cá thể. Bên cạnh đó, các loài có phân bố rộng ở Việt Nam gồm: Scolopendra subspinipes, Otostigmus scaber và Thereuopoda longicornis.

Bào chế hệ vi hạt từ fibroin tơ tằm phối trộn polymer định hướng ứng dụng dẫn truyền thuốc đường uống

Phạm Duy Toàn, Nguyễn Ngọc Yến, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Quách Thị Hồng Dung, Hà Thị Kim Quy
Tóm tắt | PDF
Fibroin tơ tằm là một vật liệu y sinh đã được ứng dụng phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn ít nghiên cứu đề cập đến việc bào chế hệ vi hạt từ fibroin nhằm dẫn truyền thuốc đường uống. Đây là lý do để nghiên cứu này được thực hiện. Fibroin đã được chiết thành công từ kén tơ tằm Việt Nam với hiệu suất chiết 20,08% với các đặc tính lý hóa đặc trưng của phân tử fibroin. Hệ vi hạt fibroin phối trộn poly(vinyl alcohol) và Eudragit E100 được bào chế thành công bằng phương pháp đổi dung môi với kích thước nano và bền vững trong môi trường mô phỏng đường tiêu hóa. Cấu trúc hệ được phân tích bằng quang phổ hồng ngoại (Fourier-transform infrared spectroscopy, FT-IR) cho thấy đầy đủ các mũi đặc trưng của các thành phần trong hệ. Hình dạng hệ vi hạt được quan sát bằng hiển vi điện tử quét (SEM) cho thấy hệ có dạng hình cầu. Tóm lại, nghiên cứu đã bào chế thành công hệ vi hạt từ fibroin tơ tằm phối trộn polymer định hướng dẫn truyền thuốc đường uống.

Chlorine hóa vật liệu MOF dựa trên linker 2 aminobenzene 1,4 dicarboxylic acid

Lý Thành Đỗng, Trần Ngọc Trang Anh, Trần Thị Bích Huyền, Trần Bích Thuận, Nguyễn Mộng Hoàng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, vật liệu khung cơ kim dựa trên cluster [Zr6O4(OH)4], gọi là Zr-MOF-NH2 được tổng hợp từ muối zirconium chloride (ZrCl4) và linker 2‑aminobenzene‑1,4‑dicarboxylic acid (H2BDC-NH2) trong hệ dung môi N,N¢‑dimethylformamide (DMF) và formic acid (HCOOH) bằng phương pháp nhiệt dung môi. Cấu trúc của vật liệu được xác định bằng phương pháp nhiễu xạ tia X (PXRD) và phương pháp quang phổ hồng ngoại (FT-IR). Hình thái của mẫu được quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và thành phần nguyên tố được xác định bằng phổ tán xạ năng lượng tia X (EDS). Vật liệu Zr‑MOF-NH2 tiếp tục được chlorine hóa bằng dung dịch sodium dichloroisocyanurate (NaDCC) 1% tạo thành vật liệu Zr-MOF-NHCl. Hàm lượng chlorine trong vật liệu được xác định bằng phương pháp chuẩn độ iodometric/thiosulfate.

Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn của cây rau dệu (Alternanthera sessilis)

Phan Kim Định, Vạng Thành Thái, Tô Hoàng Duy, Đỗ Trâm Anh, Trần Chí Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để xác định hóa thực vật và hoạt tính sinh học của các cao thân lá, thân và lá rau dệu. Hoạt tính kháng oxy hóa được xác định dựa vào hoạt động trung hòa hoặc ức chế các gốc tự do phi sinh học. Hoạt tính kháng viêm được xác định dựa trên khả năng bảo vệ màng tế bào hồng cầu và ức chế sự biến tính protein. Hoạt tính kháng khuẩn được xác định dựa vào đường kính vòng kháng khuẩn, nồng độ ức chế tối thiểu, nồng độ diệt khuẩn tối thiểu. Các cao rau dệu có hoạt tính kháng oxy hóa, kháng viêm với giá trị EC50 dao động từ 50,60±0,29 đến 125,58±7,12 µg/mL. Các cao rau dệu ức chế vi khuẩn Gram dương hiệu quả hơn Gram âm, nồng độ diệt khuẩn tối thiểu dao động từ 250 đến 2.000 µg/mL. Hoạt động kháng oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn của rau dệu có liên quan đến hàm lượng polyphenol, flavonoid và alkaloid. Kết quả này cho thấy tiềm năng sử dụng cao rau dệu như chất kháng oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn tự nhiên.

Bài toán tổ hợp lập lịch-vị trí ngược với độ trễ tối đa trên cây

Lê Minh Huy, Trần Thanh Hiệp
Tóm tắt | PDF
Bài báo giải quyết vấn đề tìm vị trí của máy trên cây và lập kế hoạch cho các công việc nhất định (nằm ở các đỉnh) sao cho độ trễ tối đa được giảm thiểu. Khách hàng (công việc) di chuyển đến máy bất cứ khi nào họ được gọi do thiếu không gian dành cho công việc tại vị trí đặt máy. Một thuật toán giải bài toán tương ứng trong thời gian O(n2) đã được phát triển, trong đó n là số đỉnh trên cây. Mặt khác, vấn đề giảm độ dài cạnh trong một ngân sách nhất định được xem xét để cải thiện độ trễ tối đa càng nhiều càng tốt tại một điểm được xác định trước. Đây được gọi là bài toán lập lịch-vị trí ngược với độ trễ tối đa trên cây. Một thuật toán tham lam được đề xuất để giải quyết vấn đề trong thời gian bậc hai.

Tổng hợp vật liệu rắn Zr MOF xúc tác phân hủy Polyethylene Terephthalate

Nguyễn Bùi Thị Quế Trân, Nguyễn Minh Thy, Nguyễn Hải Hiểu, Nguyễn Phương Duy, Diệp Lê Hà Thơ, Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Tóm tắt | PDF
Vật liệu khung lai hóa hữu cơ ‑ kim loại được tổng hợp thành công trong nghiên cứu dựa trên tâm kim loại zirconium (Zr‑MOF) từ muối zirconium tetrachloride (ZrCl4) và linker terephthalic acid (H2BDC) trong dung môi N,N‑dimethylformamide (DMF) ở 120°C. Cấu trúc của vật liệu được xác định bằng phương pháp nhiễu xạ tia X dạng bột (PXRD) và hình thái được quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét (FE‑SEM). Thành phần nguyên tố trong cấu trúc cũng được phân tích bằng phổ tán xạ năng lượng tia X (EDS). Vật liệu có độ bền nhiệt cao được xác định qua phân tích nhiệt trọng lượng (TGA). Vật liệu Zr‑MOF tạo thành có khả năng xúc tác phản ứng phân hủy polyethylene terephthalate (PET) thành terephthalic acid (TA) trong 24 giờ ở 260°C.

Ước lượng tham số mô hình hồi quy logistic với hiệp biến thiếu dữ liệu ngẫu nhiên và ứng dụng

Trần Phước Lộc, Tạ Thị Thanh Thúy, Dương Thị Tuyền, Dương Thị Bé Ba, Lê Hoài Nhân, Lâm Hoàng Chương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đề xuất phương pháp ước lượng hệ số của mô hình hồi quy logistic với hiệp biến thiếu dữ liệu ngẫu nhiên. Trước tiên, phương pháp thay thế lặp được sử dụng để thay thế các giá trị thiếu bằng các giá trị hợp lý thu được từ hàm phân phối thực nghiệm có điều kiện. Ước lượng các tham số của mô hình hồi quy và phương sai của nó sau đó thu được lần lượt bằng các phương trình ước lượng và phương sai tương ứng. Các tính chất cỡ mẫu lớn của ước lượng cũng được nghiên cứu. Hiệu quả tính toán của phương pháp đề xuất được nghiên cứu thông qua một số tình huống mô phỏng số và so sánh với các phương pháp khác. Kết quả cho thấy phương pháp đề xuất có hiệu quả tốt hơn các phương pháp xóa hàng, trọng số xác suất nghịch đảo bán tham số, hợp lý có điều kiện và thay thế lặp bằng phương pháp rừng ngẫu nhiên. Dữ liệu thực tế về y học được sử dụng để minh họa khả năng ứng dụng của phương pháp đề xuất.

Điều kiện cùng tồn tại cho hai loài trong hệ cạnh tranh Lotka-Volterra

Lê Xuân Đại, Dương Hùng Mạnh
Tóm tắt | PDF
Trong bài báo này, hệ Lotka-Volterra (LVS) được nghiên cứu. Dưới một số điều kiện ràng buộc không gian, các tính chất định tính của các điểm cân bằng và kiểm tra các điều kiện cho sự cùng tồn tại của hai loài qua các phương trình vi phân thường đối với LVS được trình bày. Hơn nữa, các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại hoặc tuyệt chủng của hai loài được kiểm tra và cho các ví dụ số để làm sáng tỏ các kết quả lý thuyết đạt được thông qua quỹ đạo của đường cong nghiệm và hình ảnh của trường vector xung quanh các điểm cân bằng.

Xác định ngưỡng chịu mặn của cừu (Ovis aries) Phan Rang khi cho uống nước biển pha loãng

Nguyễn Thiết, Nguyễn Thanh Đạt, Nguyễn Trọng Ngữ
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm nhằm đánh giá ngưỡng chịu mặn của cừu (Ovis aries) và được thực hiện trên 10 cừu đực, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 cho  cừu uống nước ngọt trong 7 ngày từ hai máng uống giống nhau. Giai đoạn 2 trong 8 ngày cho cừu uống nước ngọt cho máng uống thứ nhất và nước biển pha loãng (DSW) cho máng uống thứ hai hoặc ngược lại, nồng độ DSW (diluted seawater) từ 0,5% đến 2,0%. Kết quả cho thấy khối lượng cơ thể và lượng chất khô ăn vào không khác nhau bởi DSW, trong khi lượng nước uống vào cao hơn ở giai đoạn 2 (P

Ảnh hưởng của tỷ lệ phối chế và điều kiện thanh trùng đến chất lượng sản phẩm nước uống từ thịt quả mãng cầu xiêm (Annona muricata L.)

Huỳnh Thị Ngọc Mi, Đoàn Thị Kiều Tiên
Tóm tắt | PDF
Mãng cầu xiêm (Annona muricata L.) là một trong những loại trái cây nhiệt đới có tiềm năng trong sản xuất nước ép, necta, jam, thịt quả đông lạnh và bột mãng cầu xiêm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mục đích của nghiên cứu là khảo sát sự ảnh hưởng của tỷ lệ phối chế và điều kiện thanh trùng đến chất lượng cảm quan sản phẩm. Nghiên cứu được thực hiện với tỷ lệ pha loãng giữa puree và nước (1:2, 1:2,5, 1:3 và 1:3,5) theo khối lượng, hàm lượng đường (TSS ) bổ sung vào (16, 18 và 20 °Brix), giá trị pH (3,3, 3,6 và 3,9) và điều kiện thanh trùng sản phẩm sau cùng (75, 80 và 85°C theo thời gian tương ứng lần lượt là 5, 10 và 15 phút). Kết quả cho thấy điều kiện phù hợp được lựa chọn để chế biến nước uống từ thịt mãng cầu xiêm là 18 °Brix, pH 3,6 và tỷ lệ pha loãng theo khối lượng với 1 puree mãng cầu xiêm và 3 nước, thanh trùng sản phẩm sau cùng ở nhiệt độ 80°C trong 10 phút. Sản phẩm được tạo ra đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế QCVN 6-2:2010/BYT với hàm lượng axít tổng là 0,24% và hàm lượng vitamin C là 1,47 mg%.

Ảnh hưởng của bao trái tiền thu hoạch đến chất lượng trái vú sữa tím (Chrysophyllum cainito L.) tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Thị Thuở, Nguyễn Thị Bích Hằng, Vũ Bá Quan, Trần Văn Toàn, Vũ Quan, Lê Trung Tâm
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá loại túi bao trái và thời điểm bao trái trước thu hoạch phù hợp để giảm thiểu thấp nhất tỉ lệ ruồi đục trái mà vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng trái vú sữa tím. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, hai nhân tố: (1) là loại vật liệu túi bao trái (nilon trong, vải xốp, túi kết hợp nilon trong và vải xốp), đối chứng không bao trái và (2) là thời điểm bao trái (90 ngày, 120 ngày và 150 ngày sau đậu trái). Thí nghiệm được thực hiện trên vườn vú sữa tím 7 năm tuổi tại 2 xã Trinh Phú và Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Kết quả cho thấy, việc sử dụng túi bao trái trước thu hoạch đã giảm thiệt hại do ruồi đục trái hơn 96%. Vật liệu túi nilon trong là phù hợp để bao trái vú sữa tím do tỉ lệ ruồi đục trái thấp (khoảng 3,3%), khối lượng trái cao (235 g), độ Brix cao (14,1). Thời điểm bao trái phù hợp là 90 ngày sau đậu trái.

Khảo sát sự hiện diện và định danh vi khuẩn Staphylococcus spp. trên chó viêm da tại thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan, Đoàn Thị Kim Cúc, Phạm Thị Hải Hưng, Nguyễn Thùy Ý Vi, Đào Huyền Trân, Nguyễn Thanh Lãm
Tóm tắt | PDF
Khảo sát sự hiện diện vi khuẩn Staphylococcus spp. trên chó viêm da được thực hiện tại một số phòng khám ở thành phố Hồ Chí Minh thông qua phương pháp kiểm tra lâm sàng, phân lập vi khuẩn và định danh bằng kỹ thuật PCR. Tổng số 96 mẫu swab da được thu thập và định danh vi khuẩn Staphylococcus ở những chó có biểu hiện bệnh viêm da cho thấy tỷ lệ hiện diện Staphylococcus spp. là 84,4%. Tỷ lệ phát hiện Staphylococcus spp. ở chó nuôi thả và kết hợp giữa nuôi thả với nuôi nhốt (94,7%) cao hơn chó nuôi nhốt (69,2%); tỷ lệ phát hiện chó dưới một năm tuổi nhiễm Staphylococcus spp. (62,5%) thấp hơn chó trên 5 năm tuổi (96,7%). Ngoài ra, trong số 105 chủng Staphylococcus phân lập, vi khuẩn Staphylococcus spp. thuộc nhóm dương tính coagulase (80,0%) hiện diện với tỷ lệ cao hơn các loài Staphylococcus spp. thuộc nhóm âm tính coagulase (20,0%). Kết quả định danh vi khuẩn bằng phương pháp PCR cho thấy đã xác định được 4 loài Staphylococcus là S. aureus, S. pseudintermedius, S. epidermidis và S. schleiferi. Trong đó, S. pseudintermedius chiếm tỷ lệ cao nhất (49,5%).

Thành phần tuyến trùng ký sinh trên cây chanh giấy (Citrus aurantifolia) ở một số vùng canh tác trọng điểm tại tỉnh Tiền Giang

Đặng Thị Kim Uyên, Nguyễn Gia Huy, Trần Thị Thu Trâm, Lê Thị Ngọc Tiền, Võ Thị Thanh Lộc, Nguyễn Văn Hòa
Tóm tắt | PDF
Chanh giấy (Citrus aurantifolia) là loại cây trồng có giá trị thương phẩm và được trồng phổ biến tại tỉnh Tiền Giang. Tuyến trùng ký sinh thực vật là một trong các yếu tố làm giới hạn năng suất, giá trị kinh tế của canh chanh giấy nên ngày càng được quan tâm. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mật số và thành phần loài tuyến trùng ký sinh trên cây chanh giấy ở một số vùng canh tác trọng điểm tại tỉnh Tiền Giang như huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và thành phố Mỹ Tho. Kết quả khảo sát đã xác định được 8 giống tuyến trùng ký sinh gồm: Tylenchulus, Rotylenchulus, Aphelenchus, Pratylenchus, Helicotylenchus, Tylenchorhynchus, Xiphinema và Paratylenchus. Thành phần tuyến trùng tìm thấy trong đất là Tylenchulus (80%) có tần suất bắt gặp cao nhất, tiếp đến là Rotylenchulus (63,33%), Aphelenchus (60%), Pratylenchus (50%), Helicotylenchus (46,67%), Tylenchorhynchus (46,67%), Xiphinema (36,67%) và thấp nhất là Paratylenchus (3,33%); ở rễ gồm: Tylenchulus (80%), Rotylenchulus (63,33%), Pratylenchus (46,67%), Tylenchorhynchus (40%), Helicotylenchus (33.33%). Các loài tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans, Pratylenchus coffeae và Rotylenchulus reniformis được xác định là những loài hiện diện phổ biến trên vùng rễ cây chanh Giấy tại tỉnh Tiền Giang.

Nghiên cứu cấu trúc và mức độ biểu hiện của gen CCR ở một số dòng keo lá tràm (Acacia auriculiformis)

Nguyễn Tiến Dũng, Dương Văn Đoàn, Trần Thị Thu Hà
Tóm tắt | PDF
Cinnamoyl-CoA reductase (CCR) là gen chính tham gia tổng hợp lignin và là chỉ thị DNA quan trọng liên quan đến hàm lượng lignin trong cây. Trong nghiên cứu này, cấu trúc và biểu hiện của gen CCR ở 7 dòng keo lá tràm do Viện Khoa học và Lâm nghiệp Việt Nam chọn lọc được đánh giá gồm: Clt7, Clt18, Clt19, Clt25, Clt26, Clt43 và Clt57. Kết quả nghiên cứu cho thấy gen CCR phân lập từ keo lá tràm Clt có độ tương đồng cao (98,8%) với trình tự gen có mã số HQ317734 công bố trên NCBI. Gen có chiều dài 3.317bp gồm 5 đoạn exon, 4 đoạn intron, mã hóa cho 319 amino axit. So với HQ317734, vùng CDS gen CCR ở dòng Keo Clt có một số vị trí bị mất một hoặc hai nucleotide như vị trí 108, 468, 630, 670, 671, 794, 796. Vị trí 420-423 thay thế ba nucleotide AAA bằng TTT và A thay bằng G ở vị trí 715. Phân tích biểu hiện gen CCR bằng qT-PCR cho thấy mức độ biểu hiện gen CCR ở 7 dòng keo nghiên cứu không có sự khác biệt đáng kể.

Tình hình chăn nuôi heo, dịch bệnh và thực hành vệ sinh thú y liên quan đến bệnh dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Cà Mau

Lâm Trần Bảo Trân, Chung Hữu Nghị, Tống Văn Mơ, Tô Quốc Hướng, Đoàn Đình Toàn, Huỳnh Trường Giang, Trương Quốc Thái, Lê Quang Trung, Trần Ngọc Bích, Nguyễn Thanh Lãm
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá tình hình chăn nuôi heo, dịch bệnh truyền nhiễm và thực hành vệ sinh thú y liên quan đến bệnh dịch tả heo Châu Phi (African swine fever – ASF) trên heo tại tỉnh Cà Mau. Số liệu thứ cấp về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh được thu thập thông qua điều tra hồi cứu; số liệu sơ cấp thực trạng vệ sinh thú y được thu thập thông qua điều tra cắt ngang và phỏng vấn trực tiếp đối với 79 hộ chăn nuôi heo. Kết quả cho thấy, tổng đàn heo của tỉnh Cà Mau giảm mạnh vào năm 2019 (giảm 22,98%) và 2020 (giảm 25,63%) so với năm 2018 do ảnh hưởng của bệnh ASF. Dịch bệnh trên heo trong giai đoạn 2019 – 2020 chủ yếu là do ASF gây ra. Quy mô chăn nuôi heo chủ yếu là quy mô nông hộ (89,87%), chăn nuôi heo hướng thịt (89,87%), kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm (>10 năm) (50,63%), hệ thống chuồng hở (63,29%), người chăn nuôi sử dụng thức ăn hỗn hợp (91,14%) và nước giếng (89,87%). Bên cạnh đó, người chăn nuôi tại địa phương có quan tâm về thực hành vệ sinh thú y để phòng ngừa lây nhiễm bệnh ASF.

Ảnh hưởng của inulin và Lactobacillus plantarum lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) trong điều kiện ao nuôi

Bùi Thị Bích Hằng, Trần Tuấn Thanh, Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Thanh Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của bổ sung Lactobacillus plantarum (107 CFU/g thức ăn) và 1% inulin vào thức ăn theo chu kỳ 2 tuần/tháng lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) trong điều kiện nuôi ao. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức (NT) gồm đối chứng (NT1), bổ sung L. plantarum (NT2) và bổ sung 1% inulin (NT3), mỗi nghiệm thức lăp lại 3 lần. Tiến hành thu mẫu vào tuần thứ 4 và 8 tuần sau khi bổ sung L. plantarum (107 CFU/g) và 1% inulin. Các chỉ tiêu miễn dịch bao gồm mật độ tổng hồng cầu, mật độ tổng bạch cầu, định lượng từng loại bạch cầu và hoạt tính lysozyme được phân tích để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cá. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu tăng trưởng, huyết học và hoạt tính lysozyme ở NT2, NT3 đều cao hơn so với đối chứng sau 8 tuần thí nghiệm. Nghiệm thức NT3 cho kết quả tăng trọng, tăng trưởng tuyệt đối cao nhất lần lượt 42,4 g và 0,61 g/ngày ở 2 đợt thu mẫu và cũng cho thấy cá có đáp ứng miễn dịch tốt nhất.

Vận dụng lý thuyết kiến tạo xã hội vào dạy học giải bài tập xác suất có điều kiện lớp 12

Bùi Anh Kiệt, Trần Hiếu Phát
Tóm tắt | PDF
Lý thuyết kiến tạo xã hội (LTKTXH) được hình thành từ sự tham gia vào xử lý các vấn đề và nhận lại các phản ánh từ xã hội. LTKTXH còn được hình thành thông qua sự tương tác, tranh luận và trao đổi trong cộng đồng. LTKTXH coi kiến thức là sản phẩm của một quá trình kiến tạo, nhưng sự kiến tạo này mang tính xã hội mà không mang tính cá nhân (chủ quan). “Xác suất có điều kiện” là một trong các chủ đề có mối liên hệ mật thiết với các yếu tố xã hội. Nó cũng là một chủ đề mới được Bộ Giáo dục cập nhật vào chương trình dạy học Toán 12, được giảng dạy chính thức vào năm 2024. Do công cụ giảng dạy và nội dung giảng dạy đều có liên quan đến xã hội, nên mô hình dạy học giải bài tập xác suất có điều kiện của chương trình Toán 12 được đề xuất dựa trên cơ sở lý thuyết kiến tạo xã hội. Sau khi trình bày các kiến thức và công thức cơ bản cần dùng trong việc giải các bài tập xác suất có điều kiện, một mô hình dạy học giải bài tập gồm 5 bước dựa trên LTKTXH được đề xuất trong nghiên cứu.

Vận dụng phương pháp học kết hợp để nâng cao hiệu quả học Kanji cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Nhật tại đại học FPT Cần Thơ

Nguyen Thi Phi, Nguyễn Ngọc Sơn Hải Vân, Nguyễn Thị Hồng Vân, Vương Khánh Quỳnh
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, nhiều phương pháp học Kanji đã được đề xuất và ứng dụng như học qua Flashcard, âm Hán - Việt, học các ký tự Kanji từ cơ bản đến phức tạp. Tuy nhiên, hiện trạng cho thấy người học tiếng Nhật đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về việc học Kanji. Nghiên cứu thực hiện trên 31 sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật nhằm tìm ra phương pháp học hiệu quả và thú vị hơn. Một lớp học thực nghiệm được thực hiện bằng cách kết hợp các phương pháp học qua bộ thủ, sử dụng câu liên tưởng bằng nghĩa và âm Hán - Việt và viết đi viết lại nhiều lần. Kết quả cho thấy hơn 93% số lượng sinh viên cho rằng phương pháp học kết hợp này có hiệu quả, giúp cải thiện tình hình học Kanji và nhớ Kanji lâu hơn. Đặc biệt là năng lực viết Kanji của người học được cải thiện rõ rệt với 100% sinh viên đạt điểm 8 trở lên. Trong khi con số này chỉ đạt 39% đối với phương pháp học thông thường. Qua đó cho thấy, đây có thể là một phương pháp bổ trợ giúp sinh viên có thể học thêm để cải thiện việc học Kanji của mình.

Mô phỏng xác suất có điều kiện bằng phần mềm R

Bùi Anh Kiệt, Trịnh Phùng Chí
Tóm tắt | PDF
Xác suất có điều kiện là một nội dung mới được bổ sung vào lớp 12 trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán 2018. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới đối với học sinh phổ thông, đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị kĩ về kế hoạch dạy học, phương pháp giảng dạy và phương tiện giảng dạy. Bài viết trình bày việc sử dụng mô phỏng trong giải bài toán Xác suất có điều kiện, đề xuất quy trình sử dụng phần mềm R trong giải bài toán Xác suất có điều kiện.

Kiểm toán nội bộ khu vực công – tổng kết một số chủ đề và đề xuất hướng nghiên cứu

Lê Phước Hương, Vũ Xuân Nam, Trần Khánh Dung
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của bài viết là tìm hiểu sự phát triển của kiểm toán nội bộ khu vực công, xác định các trọng tâm nghiên cứu và đề xuất các hướng nghiên cứu trong tương lai. Bài viết lượt khảo 77 bài báo khoa học để thảo luận nguồn dữ liệu, khung lý thuyết, đối tượng cung cấp thông tin, phương pháp nghiên cứu và đánh giá kết quả nghiên cứu. Các nghiên cứu tiếp theo được đề xuất là tập trung vào so sánh nhiều quốc gia, bổ sung lý thuyết nền, bằng chứng thực nghiệm liên quan đến quản lý rủi ro và chi tiêu lãng phí, việc tiếp thu các kỹ năng công nghệ thông tin cho kiểm toán viên, xem xét tác động của các đặc điểm văn hóa, thể chế, nhân khẩu học và thiết kế các mô hình chặt chẽ để dự đoán hiệu quả kiểm toán nội bộ khu vực công.