Ngày xuất bản: 28-08-2020
Nông nghiệp
Đánh giá kiểu gene chịu mặn bằng dấu chỉ thị phân tử SSR trên 40 giống/dòng lúa cải tiến
Tóm tắt
|
PDF
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu gây tác động ngày càng nghiêm trọng đến lượng nước canh tác cây trồng, đặc biệt hiện tượng xâm nhiễm mặn cho vùng canh tác cây lúa. Lúa là đối tượng cây trồng rất mẫn cảm với mặn, do đó việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa có mang kiểu gene chịu được mặn là cấp thiết. Vì vậy, đề tài đánh giá kiểu gene chịu mặn bằng dấu chỉ thị phân tử SSR trên 40 giống lúa cải tiến được tiến hành tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đai học Cần Thơ. Nghiên cứu đã chọn 12 dấu phân tử SSR liên kết với Quantitative Trait Loci (QTL) mang tính trạng chịu mặn nằm trên 12 nhiễm sắc thể (NST) so sánh kiểu gen giữa giống chuẩn chống chịu mặn (Pokkali) và giống chuẩn mẫn cảm mặn (IR28) với 40 giống/dòng lúa cải tiến của Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy có 2 giống/dòng (MTL 259 và MTL 308) được xếp vào nhóm với giống chuẩn chống chịu mặn Pokkali. Như vậy 2 giống/dòng này có thể có mang các QTL chịu mặn nhưng giống như Pokkali. Kết quả này là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp về các giống/dòng lúa cải tiến có khả năng chịu mặn trong tương lai.
Làm mất ảnh hưởng của quang kỳ trên giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào
Tóm tắt
|
PDF
Cây lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ trổ được ở mùa vụ có thời gian chiếu sáng ngày ngắn. Vì vậy, việc làm mất ảnh hưởng của quang kỳ trên các giống lúa mùa có phẩm chất thơm ngon, thích nghi tốt và chống chịu mặn là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm phục vụ cho sản xuất ở các vùng đất nhiễm mặn ở ĐBSCL. Vật liệu ban đầu là giống lúa mùa Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ), bằng cách xử lý 1.000 hạt vào giai đoạn hạt nảy mầm ở nhiệt độ 500C trong suốt thời gian 5 phút. Những hạt đã xử lý (Mo) được trồng và chọn dòng đột biến từ thế hệ M1 đến M5 trong nhà lưới trong điều kiện thời gian ngày dài và ngày ngắn xen kẽ. Kết quả cho thấy xử lý nhiệt độ có tần số đột biến là 2‰, chiều dài hạt thay đổi so với giống gốc (tăng 0,1 - 0,2 mm). Tổng cộng 2 dòng lúa đột biến được chọn, mất quang kỳ, có thời gian sinh trưởng ngắn (
Đặc tính ra hoa và phát triển trái sầu riêng Bí Rợ (Durio zibethinus Murr.) hạt lép tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định đặc tính sinh học sự ra hoa và phát triển trái của giống sầu riêng Bí Rợ hạt lép trồng tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang từ tháng 8/2018 đến tháng 7/2019. Thí nghiệm được thực hiện trên 7 cây sầu riêng Bí Rợ hạt lép, 8 năm tuổi, ghép trên gốc sầu riêng Khổ qua xanh. Kết quả cho thấy thời gian hoa nở kéo dài trong 12 ngày sau khi hoa đầu tiên nở (SKHĐTN), nở tập trung từ ngày thứ 5-8, hoa nở vào thời điểm 4:00-5:00 giờ chiều (PM). Tỷ lệ đậu trái đạt 87%. Quá trình phát triển trái diễn ra trong 96 ngày sau khi đậu trái (NSKĐT), hiện tượng rụng trái non xảy ra tập trung nhiều nhất ở giai đoạn 0-14 NSKĐT (42,2%). Trái sầu riêng phát triển qua ba giai đoạn, giai đoạn phát triển chậm (0-28 NSKĐT), giai đoạn phát triển nhanh (28-70 NSKĐT) và giai đoạn trưởng thành và chín (70-96 NSKĐT). Cơm trái bắt đầu phát triển ở giai đoạn 42 NSKĐT, trái tăng trưởng nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng tối đa ở giai đoạn 56 NSKĐT. Ở thời điểm thu hoạch, trái có khối lượng trung bình 2.298,0±503,1 g, tỷ lệ ăn được của trái chiếm 27% khối lượng. Trái có tỷ lệ hạt lép chiếm 63%. Hiện tượng nhũn lõi (wet core) xuất hiện ở giai đoạn thu hoạch với tỷ lệ 14,8% số hộc/trái và 13,1% số múi.
Ảnh hưởng của bón phân hữu cơ Risopla V và phân bón lá Risopla II đến tính chất hóa học đất và năng suất lúa OM6976 tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Đề tài được thực hiện với mục tiêu đánh giá hiệu quả của phân hữu cơ lên tính chất hóa học đất và sự sinh trưởng, năng suất của giống lúa OM 6976. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và được lặp lại 4 lần. Kết quả phân tích đất cho thấy khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức bón phân thí nghiệm. Năng suất lúa các nghiệm thức có bón phân NPK + hữu cơ năng suất cao hơn 4% so với nghiệm thức đối chứng (NT1). Kết quả thí nghiệm cho thấy bón 60N: 45P2O5: 30K2O + 5 kg Risopla V đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Ở vụ Đông Xuân, năng suất thực tế tăng lên từ 7,5% đến 35,5% so với vụ Thu Đông, phân Risopla V và phân bón lá Risopla II thể hiện khả năng cải tạo độ phì của đất giúp cây trồng tăng năng suất rõ rệt ở vụ thứ 2.
Phục tráng giống lúa đặc sản Nàng Nhen thơm vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Giống lúa Nàng Nhen, một giống đặc sản truyền thống của vùng Bảy núi Tỉnh An Giang đang thoái hóa, công tác phục tráng giống lúa Nàng Nhen được thực hiện nhằm duy trì các đặc tính tốt về chất lượng cũng như có năng suất của giống lúa này. Bằng phương pháp điện di SDS-PAGE và khảo sát hàm lượng 2-acetyl-1- pyrroline (2AP), ba dòng lúa Nàng Nhen được phục tráng có các đặc tính tốt về chất lượng cũng như có năng suất cao. Các dòng tuyển chọn có thời gian sinh trưởng ngắn và phẩm chất tốt, hàm lượng protein cao, amylose thấp, có tiềm năng năng suất cao, tính thơm của các dòng này được phân tích bằng phương pháp KOH 1,7% và hàm lượng 2AP của hạt gạo Nàng Nhen. Ba dòng NN12-2, dòng NN13-5 và dòng NN13-6 có thời gian sinh trưởng ngắn (112-119 ngày), hàm lượng protein cao (10,6%), amylose thấp (14,72%), hạt gạo trung bình (6,3 mm), có biểu hiện chống chịu sâu bệnh khá và có mùi thơm ổn định.
Xã hội-Nhân văn
Quan niệm của Phạm Quỳnh về sứ mệnh của giới trí thức trong sự nghiệp phát triển văn hoá dân tộc
Tóm tắt
|
PDF
Những điểm tương đồng trong các vấn đề văn hoá giữa bối cảnh hiện tại và thời đại của Phạm Quỳnh tạo một cái nhìn trở lại những quan điểm của vị học giả này, để có thể tìm kiếm những kinh nghiệm giải pháp. Bài viết này tập trung trình bày những điểm chính trong quan niệm của Phạm Quỳnh về vai trò và sứ mệnh của giới trí thức trong sự nghiệp canh tân văn hoá nước nhà, với mong muốn tái phát hiện những giá trị trong tư tưởng của ông đồng thời từ đó chắt lọc những bài học đáng giá.
Tự nhiên
Đa dạng hình thái và giải phẫu thực vật của hai loài cúc chỉ thiên Elephantopus mollis H.B.K. và Elephantopus scaber L. tại Bảy Núi, tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Hai loài Elephantopus mollis và Elephantopus scaber thu tại vùng Bảy Núi tỉnh An Giang trong ba năm (2016-2019) đã được mô tả về đặc điểm hình thái, phân tích cấu trúc giải phẫu và so sánh bột dược liệu với mục đích bổ sung dữ liệu cho các loài thuộc chi Elephantopus tại Việt Nam. Kết quả cho thấy hình thái hai loài nghiên cứu có nhiều điểm giống nhau ở giai đoạn cây non. Đến giai đoạn trưởng thành, E. scaber có dạng thân ngầm, hoa tím còn E. mollis có dạng thân khí sinh, hoa trắng. Ngoài ra, có thể phân biệt được hai loài này dựa vào kích thước lá, hình dạng chóp lá, độ dày lông trên bề mặt lá hay màu sắc lá. Các đặc điểm về cấu tạo giải phẫu và cấu trúc bột dược liệu cũng cho thấy những khác biệt về bó dẫn, về số lượng lông che chở trên thân của hai loài tại các giai đoạn tương ứng (non, trưởng thành). Một số sản phẩm phụ như calcium oxalate, tinh dầu, inulin được tìm thấy trong các cơ quan sinh dưỡng của E. mollis và E. scaber thu tại An Giang.
Phân bố cỏ biển tại quần đảo Hải Tặc, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự phân bố của cỏ biển tại vùng biển quanh các đảo thuộc quần đảo Hải Tặc, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Trong hai chuyến khảo sát thực địa vào tháng 9/2018 và tháng 3/2019, sử dụng phương pháp điều tra thực địa lặn sâu có khí tài SCUBA kết hợp với chụp ảnh, thu mẫu, định danh bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã lần đầu ghi nhận 6 loài cỏ biển phân bố tại khu vực này, đó là: cỏ kiệu tròn (Cymodocea rotundata), cỏ kiệu răng cưa (Cymodocea serrulata), cỏ hẹ ba răng (Halodule uninervis), cỏ lá dừa (Enhalus acoroides), cỏ vích (Thalassia hemprichii) và cỏ xoan (Halophila ovalis). Diện tích phân bố các thảm cỏ biển tại đây vào khoảng 30 ha, tập trung chính tại khu vực phía Đông Bắc Hòn Đốc, phía Đông Hòn Trục Môn và phía Bắc Hòn Đôi, trong đó các bãi cỏ vích (Thalassia hemprichii) luôn chiếm ưu thế. Kết quả đánh giá phân bố mật độ chồi cỏ biển tại các bãi cỏ biển trung bình đạt 201 ± 34 chồi/m2; độ phủ trung bình đạt 33,8 ± 15,1%; sinh lượng trung bình đạt 690 ± 267 g/m2; trữ lượng nguồn lợi cỏ biển phân bố tại quần đảo Hải Tặc ước tính vào khoảng 207 ± 80 tấn tươi. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho việc định hướng sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật vùng biển Tây Nam Bộ, Việt Nam.
Bài toán liên thông p-median trên đồ thị đầy đủ và đồ thị lưỡng phân đầy đủ
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài báo này, một bài toán vị trí liên quan đến các thành phần liên thông trên đồ thị đầy đủ và đồ thị lưỡng phân đầy đủ được đề cập. Để giải quyết bài toán này, một số định lí và bổ đề được đưa ra trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, các thuật toán thời gian tuyến tính được đưa ra để giải bài toán liên thông p-median trên đồ thị đầy đủ và đồ thị lưỡng phân đầy đủ.
Đa dạng loài và đặc điểm phân bố của động vật đất (nhóm Mesofauna) ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim - tỉnh Đồng Tháp
Tóm tắt
|
PDF
Các mẫu động vật đất thuộc nhóm Mesofauna được thu vào mùa mưa (tháng 10/2018) và mùa khô (tháng 4/2019) ở trên hai sinh cảnh đất ngập nước theo mùa và đất không ngập nước ở Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim. Kết quả cho thấy lần đầu tiên ghi nhận được 42 loài thuộc 32 giống, xếp trong 28 họ ở khu vực nghiên cứu. Trong đó, nhện đa dạng nhất có 24 loài, ốc cạn và rết mỗi nhóm có 6 loài, cuốn chiếu có 4 loài và giun đất chỉ có 2 loài. Đặc biệt, có 6 loài (thuộc 6 giống Hirudicryptus, Amaurobius, Hypsosinga, Chalcoscirtus, Orthobula và Bassaniana) lần đầu được ghi nhận ở Việt Nam. Xét về đặc điểm phân bố, nhóm Mesofauna không có sự khác biệt lớn về độ đa dạng loài giữa hai mùa trong năm nhưng có sự khác biệt rõ rệt về số lượng loài, độ đa dạng và thành phần loài giữa hai sinh cảnh. độ ẩm, pH, hàm lượng và thành phần chất hữu cơ trong đất có thể là các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phân bố của nhóm Mesofauna ở VQG Tràm Chim.
Công nghệ thực phẩm
Ảnh hưởng của dung môi và phương pháp trích ly đến khả năng chiết tách các hợp chất phenolics, saponins và alkaloids từ vỏ quả ca cao (Theobroma cacao L.)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này nhằm xác định ảnh hưởng của dung môi (nước, ethanol, methanol, ethyl acetate, chloroform, acetone và n-hexane) và phương pháp trích ly (truyền thống, hỗ trợ siêu âm, hỗ trợ vi sóng) đến khả năng chiết tách các hợp chất phenolics, saponins và alkaloids từ vỏ quả ca cao. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong số 07 dung môi thử nghiệm thì methanol và n-hexane có khả năng chiết tách hợp chất phenolics và alkaloids tốt nhất nhưng không có sự khác biệt đáng kể so với nước (P < 0,05), trong khi đó, methanol là dung môi có khả năng chiết tách hợp chất saponins tốt hơn so với các dung môi còn lại. Giữa 03 phương pháp trích ly khảo sát thì trích ly hỗ trợ vi sóng có khả năng chiết tách hợp chất phenolics và saponins hiệu quả nhất và có sự khác biệt đáng kể so với 02 phương pháp còn lại (P < 0,05), tuy nhiên trích ly hỗ trợ siêu âm có khả năng chiết tách hợp chất alkaloids hiệu quả hơn so với 02 phương pháp còn lại. Vì vậy, nghiên cứu này đề xuất sử dụng nước để chiết tách hợp chất phenolics và alkaloids, còn methanol để chiết tách hợp chất saponins; trích ly hỗ trợ vi sóng để chiết tách hợp chất phenolics và saponins, còn trích ly hỗ trợ siêu âm để chiết tách hợp chất alkaloids từ vỏ quả ca cao.
Kinh tế xã hội
Các nhân tố ảnh hưởng cơ cấu chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam: Kết quả từ phương pháp phân tích số liệu đa hợp CoDA
Tóm tắt
|
PDF
Mức chi tiêu và cơ cấu chi tiêucủa khách du lịch là chỉ tiêu quan trọng trong tổng thu của ngành du lịch. Nghiên cứu chỉ ra các nhân tố chính ảnh hưởng đến cơ cấu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là: địa điểm du lịch, chất lượng phục vụ, mục đích chuyến đi, nguồn thông tin tham khảo để quyết định du lịch tại Việt Nam, đặc điểm nhân khẩu học như nhóm tuổi và nghề nghiệp, khách đến từ các châu lục, số lần tham quan Việt Nam. Các nhân tố được kiểm định từ mô hình hồi quy dựa trên phương pháp phân tích số liệu đa hợp (Compositional Data Analysis – CoDA).
Vai trò của chương trình xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế hộ
Tóm tắt
|
PDF
Xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm cấp quốc gia với mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông thôn. Sau 10 năm triển khai thực hiện, việc đánh giá tác động của chương trình, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn là rất cần thiết. Nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn 458 hộ ở địa bàn tỉnh Hậu Giang theo các nhóm xã có mức độ hoàn thành các tiêu chí khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy chương trình xây dựng nông thôn mới tác động tích cực đến thu nhập và đời sống kinh tế xã hội tại địa bàn nghiên cứu. Thông qua phương pháp phân tích điểm xu hướng với phương pháp so sánh cận gần nhất, kết quả phân tích cho thấy tổng thu nhập của hộ sau khi có chương trình xây dựng nông thôn mới tăng lên 56,246 triệu đồng/năm ở mức ý nghĩa thống kê 10%. Đối với phương pháp so sánh phạm vi/bán kính, nghiên cứu cho thấy tổng thu nhập của hộ tăng lên 20,662 triệu đồng/năm ở mức ý nghĩa 1%.
Các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng di cư việc làm của hộ gia đình tại Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Di cư là một yếu tố của quá trình phát triển đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lý do chủ yếu dẫn đến hiện tượng di cư là vì kinh tế và loại hình di cư chủ yếu là di cư việc làm. Tại Việt Nam, với quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng từ khi đất nước Đổi mới, làn sóng di cư đã tăng lên mạnh mẽ và có nhiều đóng góp cho sự phát triển nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức cho sự phát triển của xã hội. Bài viết này sử dụng phương pháp hồi quy Logit để ước tính xác suất di cư của hộ thông qua việc sử dụng số liệu mảng (panel data) của bộ dữ liệu Khảo sát mức sống (VHLSS). Mô hình nghiên cứu đề xuất với các biến thuộc về đặc trưng nhân khẩu của chủ hộ và đặc điểm của hộ cũng như tình trạng kinh tế của hộ. Kết quả cho thấy những yếu tố thuộc về đặc trưng nhân khẩu của chủ hộ và của hộ tác động mạnh mẽ tới xu hướng di cư của hộ đặc biệt là yếu tố tiền gửi.
Ảnh hưởng của kiểm soát quản trị đến mối quan hệ giữa minh bạch trách nhiệm xã hội và hiệu quả tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu phân tích sự ảnh hưởng trung gian của đặc điểm kiểm soát quản trị đến mối quan hệ giữa minh bạch trách nhiệm xã hội (CSR) và hiệu quả tài chính. Số liệu sử dụng được thu thập từ 323 công ty phi tài chính niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh và Hà Nội giai đoạn 2013-2017. Kết quả phân tích cho thấy có sự ảnh hưởng tích cực của tổng minh bạch CSR chung đến hiệu suất sinh lời của công ty. Tuy nhiên, các khía cạnh minh bạch thành phần có sự ảnh hưởng khác nhau đến hiệu suất sinh lời của công ty. Ngoài ra, ba biến trung gian kiểm soát quản trị gồm sự độc lập của hội đồng quản trị, sở hữu nước ngoài và chất lượng kiểm toán đã cho thấy có sự ảnh hưởng tích cực đến mối quan hệ giữa minh bạch CSR với hiệu quả tài chính công ty. Dựa trên kết quả phân tích, một số hàm ý chính sách được đề xuất như gia tăng sự minh bạch CSR, thu hút đầu tư của cổ đông nước ngoài, tăng mức độ giám sát độc lập của hội đồng quản trị và từng bước xem xét việc sử dụng dịch vụ kiểm toán của bốn công ty kiểm toán lớn trên thế giới (BIG4).
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức rủi ro lũ lụt của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này dựa trên Lý thuyết Động cơ Bảo vệ nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức rủi ro lũ lụt của nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu được thu thập bằng phỏng vấn trực tiếp 431 nông hộ tại An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Phương pháp của Dowling được sử dụng để đo lường nhận thức rủi ro. Nhận thức rủi ro lũ lụt được xem xét trên 5 khía cạnh là sức khỏe-bệnh tật, tài chính, sản xuất, quan hệ xã hội và tâm lý. Kết quả cho thấy nông hộ nhận thức rủi ro do lũ lụt là 50,58%. Có 3 nhân tố chính ảnh hưởng đến nhận thức rủi ro do lũ lụt của nông hộ tại các điểm nghiên cứu là tuổi của chủ hộ, kinh nghiệm trải qua ngập lụt và nông hộ bị thiệt hại trong các trận lụt lớn.
Quyết định tham gia hợp đồng liên kết trong sản xuất lúa của nông hộ tại tỉnh An Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu phân tích quyết định tham gia hợp đồng liên kết trong sản xuất lúa của nông hộ trên địa bàn Tỉnh An Giang. Phương pháp thống kê mô tả, kiểm định trị trung bình T-test và hồi quy binary logistic được sử dụng với số liệu phỏng vấn 211 nông hộ tham gia và không tham gia hợp đồng trên địa bàn hai Huyện Thoại Sơn và Châu Thành, An Giang vào tháng 10 năm 2019. Kết quả so sánh trị trung bình cho thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm tham gia và không tham gia hợp đồng ở những đặc tính như diện tích canh tác lúa, tỷ lệ thu nhập từ lúa trên tổng thu nhập, mức độ tham gia khuyến nông, hợp tác xã tại mức ý nghĩa thống kê 1% và 5%. Kết xuất hồi quy cũng phản ánh diện tích canh tác, tham gia hợp tác xã, khuyến nông và niềm tin với đối tác thu mua có ảnh hưởng tích cực đến quyết định tham gia hợp đồng liên kết. Tuy nhiên, cơ chế thanh toán chậm, trì hoãn của doanh nghiệp cản trợ động lực tham gia vào hợp đồng của nông hộ. Những phát hiện của nghiên cứu cung cấp sự hiểu biết hữu ích cho các nhà sản xuất, nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy tính toàn diện của hợp đồng liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Công nghệ
Nghiên cứu phương pháp cân bằng lực cắt đáy trong thiết kế công trình chịu tải trọng động đất
Tóm tắt
|
PDF
Việc đánh giá mức độ an toàn của các phương pháp tính lực động đất trong thiết kế kết cấu nhà cao tầng chưa được đề cập trong tiêu chuẩn hiện hành TCVN 9386:2012 của Việt Nam (Viện KHCN Xây dựng, 2012) cũng như các nghiên cứu đã có trước đây. TCVN 9386:2012 (Viện KHCN Xây dựng, 2012) cũng chỉ đưa ra các trường hợp áp dụng cho các công trình có tính đều đặn và không đều đặn. Thông thường lực cắt đáy tính theo phương pháp tĩnh lực ngang tương đương sẽ có giá trị lớn hơn so với lực cắt đáy tính theo phương pháp phổ phản ứng dạng dao động. Do đó, việc đánh giá phương pháp nào mang lại hiệu quả và an toàn cho kết cấu cần được xem xét và làm rõ. Bài báo này nhằm đưa ra kiến nghị cho việc cân bằng lực cắt đáy công trình giữa hai phương pháp thực hành tính toán động đất là phương pháp tĩnh lực ngang tương đương và phương pháp phổ phản ứng dạng dao động theo chỉ dẫn của tiêu chuẩn ASCE 7-10 (American Society of Civil Engineers, 2010) để mô phỏng chính xác hơn sự làm việc của kết cấu mà vẫn đảm bảo kết cấu làm việc an toàn và tiết kiệm vật liệu.
Thủy sản
Ảnh hưởng của phương pháp xử lý nhiệt đến chất lượng gel surimi từ cá tra (Pagasianodon hypophthalmus) và cá rô phi (Oreochromis niloticus)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu ảnh hưởng của thời gian gia nhiệt đến chất lượng gel surimi từ cá tra và cá rô phi. So sánh chất lượng gel của hai loại surimi bằng hai phương pháp gia nhiệt: (i) gia nhiệt trực tiếp ở 90°C với thời gian gia nhiệt từ 10, 20, 30 và 40 phút; (ii) gia nhiệt qua 2 bước, bước 1 gia nhiệt ở 40oC với thời gian gia nhiệt từ 20, 30, 40 và 50 phút, sau đó bước 2 tiếp tục nâng nhiệt lên 90oC với thời gian gia nhiệt từ 10, 20, 30 và 40 phút. Kết quả cho thấy surimi được gia nhiệt qua 2 bước thì độ cứng, độ dai và độ bền gel cao hơn khi surimi được gia nhiệt trực tiếp. Thời gian gia nhiệt của surimi từ cá tra và cá rô phi khác nhau. Cụ thể, surimi cá rô phi được gia nhiệt qua 2 bước: bước 1 gia nhiệt ở 40oC trong 30 phút và bước 2 tiếp tục nâng nhiệt ở 90oC trong 30 phút. Đối với surimi cá tra được gia nhiệt qua 2 bước: bước 1 ở 40oC trong 50 phút và bước 2 tiếp tục nâng nhiệt ở 90oC trong 20 phút. Surimi cá rô phi được gia nhiệt qua 2 bước có độ dai là 4.955 g cao hơn surimi từ cá tra với độ dai là 4.621 g. Tuy nhiên, độ cứng và độ bền gel của hai loại surimi khi gia nhiệt qua 2 bước không có sự khác biệt.
Ảnh hưởng của bổ sung probiotic trong ương ấu trùng tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei Boone, 1931) theo công nghệ biofloc
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hàm lượng probiotic bổ sung thích hợp trong ương ấu trùng tôm chân trắng theo công nghệ biofloc lên tăng trưởng, tỉ lệ sống và năng suất của hậu ấu trùng tôm. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức, nghiệm thức đối chứng không bổ sung probiotic, và 3 nghiệm thức còn lại được bổ sung probiotic với hàm lượng 1, 2 và 3 g/m3/ngày. Đường cát được sử dụng làm nguồn carbon bổ sung để tạo biofloc và duy trì tỷ lệ C/N = 15. Bể ương có thể tích 500 lít, mật độ 150 con/L và độ mặn 30‰. Sau 20 ngày ương, các yếu tố môi trường ở các nghiệm thức đều nằm trong khoảng thích hợp cho ấu trùng tôm phát triển. Chiều dài trung bình của hậu ấu trùng tôm (PL-12) ở các nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05), dao động từ 10,99 đến 11,54 mm. Tỷ lệ sống của PL-12 trung bình đạt từ 50,9 đến 57,3% và năng suất từ 76.407 đến 85.977 con/m3, trong đó nghiệm thức bổ sung probiotic 1 g/m3 cao hơn nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) so với các nghiệm thức còn lại, khi gây sốc tôm PL-12 bằng formol 100 ppm và giảm 50% độ mặn thì tất cả các nghiệm thức đều có tỷ lệ tôm sống đạt 100%. Kết quả cho thấy bổ sung probiotic trong ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng không ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của hậu ấu trùng tôm.
Sử dụng bột rong bún (Enteromorpha intestinalis) lên men có bổ sung khoáng để nuôi sinh khối Artemia
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng sử dụng bột rong bún (Enteromorpha intestinalis) lên men có bổ sung khoáng làm thức ăn cho việc nuôi sinh khối Artemia. Thí nghiệm 1 được thực hiện nhằm xác định liều lượng khoáng phù hợp bổ sung vào bột rong lên men làm thức ăn. Các hàm lượng khoáng được bổ sung là 0, 1, 3 và 5 g/kg bột rong trong quá trình lên men, mỗi hàm lượng có 3 lần lặp lại và được sử dụng để nuôi Artemia trong 14 ngày. Kết quả cho thấy hàm lượng khoáng bổ sung ở mức 3,0 g/kg đã có ảnh hưởng tốt nhất đến chiều dài và tỷ lệ sống của Artemia. Trong thí nghiệm 2, Artemia được nuôi trong 21 ngày với 4 loại thức ăn tương ứng với tỉ lệ thay thế của bột rong bún lên men bổ sung khoáng 3 g/kg (BR3) lần lượt là 0%, 25%, 50% và 100% trong khẩu phần thức ăn tôm công nghiệp dạng bột (TA), mỗi loại thức ăn được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống và sinh khối Artemia cao nhất khi cho ăn 100% TA (85,67±1,61% và 3,34±0,28 g sinh khối) tương đương với tỷ lệ thay thế 25% BR3 (trong khi đó thấp nhất khi cho ăn 100% bột rong lên men (56,33±1,53% và 1,21±0,17 g sinh khối). Chiều dài Artemia đạt cao nhất ở nghiệm thức thay thế 25% bột rong bún (7,60±0,84 mm) vào ngày nuôi thứ 14. Tỉ lệ sống, tăng trưởng, sức sinh sản trong suốt quá trình thí nghiệm luôn cao nhất ở nghiệm thức cho ăn 100% TA và cho ăn kết hợp 75% TA+25% BR3.
Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa đạm từ bùn đáy ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu về phân lập và tuyển chọn vi khuẩn chuyển hóa đạm từ bùn đáy ao nuôi tôm thẻ chân trắng được thực hiện nhằm bổ sung vào bộ sưu tập vi khuẩn hữu ích phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trong nghiên cứu này, 121 chủng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa đạm đã được phân lập, chúng có nguồn gốc từ mẫu bùn trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Đa số các chủng vi khuẩn này có dạng que ngắn, Gram âm và chuyển động. Trong số đó, chủng TB7.2 có khả năng oxy hóa ammonia tốt nhất đạt 39,02%, và chủng TV4.2 có hiệu suất oxy hóa nitrite đạt đến 27,8% sau 5 ngày. Chủng TB7.2 và TV4.2 có đặc điểm là trực khuẩn Gram âm, có tiềm năng ứng dụng xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá biến động nguồn lợi hải sản ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ, giai đoạn 2015 - 2019
Tóm tắt
|
PDF
Số liệu nghiên cứu được thu thập từ 20 chuyến khảo sát trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc bằng lưới kéo đáy trong thời gian nghiên cứu từ năm 2015 – 2019. Số lượng loài hải sản bắt gặp trong các chuyến khảo sát là rất phong phú, tổng số 640 loài, 293 giống và 143 họ đã được xác định. Năng suất trung bình trong thời gian nghiên cứu là 52,18 kg/h. Mật độ phân bố nguồn lợi trung bình (CPUA- tấn/km²) ước tính từ các chuyến điều tra trong giai đoạn này là 0,73 tấn/km². Nhìn chung, mật độ phân bố nguồn lợi có sự suy giảm tương đối lớn so với các năm trước đây. Trữ lượng nguồn lợiức thời trung bình ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ trong thời gian nghiên cứu hoảng 47.000 tấn và trữ lượng khác thác tối ưu khoảng 23.000 tấn. Trữ lương nguồn lợi giảm khoảng 50% so với giai đoạn nghiên cứu từ 2011 – 2013 (92.000 tấn).
Kinh tế
So sánh CB-SEM và PLS-SEM trong kiểm định mô hình đo lường tính đổi mới của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
|
PDF
Mô hình phương trình cấu trúc tuyến tính (SEM) là phương pháp phân tích phổ biến, thể hiện qua nhiều công trình khoa học được công bố. Để thực hiện SEM, có hai hướng tiếp cận bao gồm mô hình phương trình cấu trúc dựa trên hiệp phương sai CB-SEM (covariance-based SEM) và mô hình phương trình cấu trúc dựa trên bình phương tối thiểu từng phần PLS-SEM (partial least squares SEM). Mục đích của nghiên cứu này so sánh kết quả kiểm định mô hình đo lường giữa CB-SEM và PLS-SEM dựa trên bộ dữ liệu khảo sát về tính đổi mới của người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy thang đo tính đổi mới của người tiêu dùng được đo lường qua bốn khái niệm bao gồm tính đổi mới bẩm sinh (II), tính đổi mới theo danh mục sản phẩm (DSI), tính đổi mới lan truyền (VI) và tính đổi mới về hành vi (BI). Các thang đo này đều đạt các tiêu chí về độ tin cậy, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, giá trị lý thuyết và tiêu chí về sự phù hợp của mô hình đo lường. Kết quả kiểm định mô hình đo lường và mô hình cấu trúc cũng cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa cả hai cách thức CB-SEM và PLS-SEM, tuy nhiên PLS-SEM thể hiện ưu điểm hơn trong một số phân tích thống kê.
Ảnh hưởng của các thành phần marketing địa phương đối với sự hài lòng của du khách đến thành phố Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các thành phần marketing địa phương đối với sự hài lòng của du khách đến thành phố Cần Thơ. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp 500 du khách bằng bảng câu hỏi. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá kết hợp hồi quy binary logistic được sử dụng để thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có sáu thành phần marketing địa phương ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách đến thành phố Cần Thơ gồm: chính quyền địa phương, xúc tiến du lịch, giá cả, cộng đồng dân cư địa phương, sản phẩm du lịch và phân phối. Trong đó, Xúc tiến du lịch là thành phần ảnh hưởng mạnh nhất đối với sự hài lòng của du khách đến thành phố Cần Thơ.
Ứng dụng kỹ thuật khai phá dữ liệu nghiên cứu hành vi khách hàng theo nhịp sinh học trong tiếp thị trên điện thoại trong dự án bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
|
PDF
Tiếp cận khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong tiếp thị, bán hàng và đặc biệt là trong thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Mục đích bài báo là nghiên cứu mối liên hệ giữa nhịp sinh học và hành vi của khách hàng từ đó đề xuất giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng trong tiếp thị, bán bất động sản dựa trên ứng dụng của các công cụ phân tích, khai phá dữ liệu. Cụ thể, bài báo tiếp cận 1212 khách hàng qua điện thoại cá nhân (gồm 862 khách hàng phân tích, đề xuất giải pháp và 350 khách hàng đánh giá giải pháp đó) trong dự án bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, yếu tố nhịp sinh học (thời gian trong ngày) của khách hàng ảnh hường đến hành vi khách hàng theo các khung giờ khác nhau chiếm vị trí quan trọng nhất với 100 điểm theo từng nhóm khách hàng. Từ đó, bài báo đề xuất giải pháp tiếp cận khách hàng theo 3 khung thời gian (9g00-10g00, 10g00-11g00 và 14g30-15g30). Kết quả giải pháp đề xuất này có tỷ lệ tiếp cận khách hàng hiệu quả (25,72%) tăng gấp 2,5 lần tổng tỷ lệ tiếp cận khách hàng theo phương pháp truyền thống trước đó (10,44%).
Môi trường
Đặc điểm động vật đáy trên sông hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang
Tóm tắt
|
PDF
Đặc điểm động vật đáy (ĐVĐ) trên sông Hậu trong phạm vi thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được khảo sát nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho đánh giá tác động của hoạt động kinh tế xã hội trong vùng đến môi trường. Mẫu ĐVĐ được thu hàng tháng tại 13 điểm từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018. Kết quả đã phát hiện 3 ngành ĐVĐ, gồm Annelida, Arthropoda và Mollusca. Tổng số loài phát hiện được trong vùng qua các đợt biến động từ 13 – 26 loài. Tháng 6/2017 có số loài thấp nhất và tháng 10/2017 có số loài cao nhất. Ngành Annelida có số loài chiếm tỷ lệ trung bình là 28% trong khi ngành Mollusca có số loài chiếm tỷ lệ trung bình 30,3% và ngành Arthropoda có tỷ lệ trung bình 41,8%. Ngành Arthropoda chiếm ưu thế nhất về mật độ, ngành Mollusca có tỷ lệ thấp nhất. Chỉ số H’ dao động trong khoảng 1,71 – 2,28. Kết quả này phản ánh nước từ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm. Chỉ số H’ ổn định từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 cho thấy nước luôn ở mức ô nhiễm nhẹ như giai đoạn trước khi nhà máy Lee&Man xả thải (tháng 3/2017). Các điểm trong phạm vị nhà máy Lee&Man có chỉ số H’ thấp, thể hiện nước ô nhiễm. Kết quả đề tài là thông tin nền quan trọng để đánh giá tác động của các hoạt động công nghiệp và kinh tế xã hội khác trong vùng nghiên cứu sau này.
Công nghệ sinh học
Sử dụng bột thân thanh long (Hylocerus undatus) để lên men chua bằng vi khuẩn Bacillus spp.
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu lên men chua bột thân thanh long (Hylocerus undatus) ruột trắng bằng Bacillus spp. trong điều kiện kỵ khí được tiến hành với thành phần nguyên liệu chính là bột thân thanh long kết hợp với bột bắp và bột cám. Các nghiệm thức với thành phần nguyên liệu được phối trộn theo các tỷ lệ khác nhau; cũng như ảnh hưởng của thời gian (1, 3, 5, 7 ngày) và tỷ lệ dung dịch vi khuẩn Bacillus spp. (0, 3, 6 và 9%) với mật số vi khuẩn ban đầu của chế phẩm là 107 CFU/mL được bố trí để đánh giá quá trình lên men chua. Các chỉ tiêu theo dõi là tổng số vi khuẩn, pH, hàm lượng lactic acid, protein hòa tan và hàm lượng amoniac sinh ra. Hỗn hợp nguyên liệu bột thanh long, bột bắp và bột cám phối trộn theo tỷ lệ 70%:15%:15% được bổ sung 6% dung dịch Bacillus spp. để lên men lactic acid trong 3 ngày ở điều kiện kỵ khí và nhiệt độ 37oC đã tao tạo ra sản phẩm lên men chua với các giá trị dinh dưỡng bao gồm 9,33 Log CFU/g vi khuẩn, pH 4,7, 6,46 g/L lactic acid, 204 mg/mL protein hòa tan sinh ra và 0,483 g/kg ammonia sinh ra.
Khảo sát điều kiện lên men lactic acid từ rỉ đường bởi vi khuẩn Lactobacillus
Tóm tắt
|
PDF
Rỉ đường, một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đường, có khoảng 50% (w/w) đường tổng số thường được dùng làm thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất cồn. Lên men lactic acid có khả năng tạo giá trị gia tăng cho rỉ đường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đề tài này được tiến hành với mục tiêu khảo sát quá trình lên men lactic acid từ nguyên liệu rỉ đường sử dụng 3 chủng vi khuẩn Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus plantarum và Lactobacillus fermentum. Rỉ đường được xử lý với acid sulfuric, bổ sung vi khuẩn đã được tăng sinh đến mật độ 1010 CFU/mL và lên men lactic acid ở điều kiện khác nhau (tỷ lệ rỉ đường, pH, nhiệt độ, thời gian, tỷ lệ vi khuẩn bổ sung). Kết quả của đề tài đã xác định được điều kiện thích hợp cho lên men lactic acid từ rỉ đường là tỷ lệ rỉ đường 15% (v/v), pH 6,0, tỷ lệ vi khuẩn bổ sung 10% (v/v), tiến hành lên men ở 37oC trong 30 giờ và trong ba chủng vi khuẩn sử dụng, Lactobacillus acidophilus có khả năng chuyển hóa tạo lactic acid có hàm lượng cao nhất 16,7 g/L.
Khoa học Chính trị
Hiện trạng và giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên/nhà nghiên cứu (GV) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học. Trong nghiên cứu này, thực trạng về năng lực NCKH của GV (n=198) được đánh giá dựa trên các tiêu chí cơ bản thông qua bảng câu hỏi khảo sát với các nội dung cơ bản gồm 1) nhận thức của GV về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động NCKH, 2) động cơ tham gia NCKH, 3) tự đánh giá năng lực NCKH của bản thân và những thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động NCKH của GV. Kết quả khảo sát, phân tích cho thấy hầu hết GV có nhận thức đúng đắn về vai trò hoạt động NCKH của GV. Động cơ chính để GV tham gia NCKH là để nâng cao trình độ chuyên môn (93,4%) và phục vụ giảng dạy (76,8%). Nhìn chung, tỷ lệ GV tự đánh giá chung về năng lực nghiên cứu của mình chủ yếu ở mức khá chiếm 41,1%, mức tốt và rất tốt chiếm tỷ lệ tương ứng là 31,6% và 5,2%. Tuy nhiên cũng còn một số GV tự đánh giá ở mức kém (3,11%). Các yếu tố về nguồn kinh phí và nguồn lực hỗ trợ có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến hoạt động NCKH của GV. Chính sách khuyến khích tạo môi trường và động lực nghiên cứu được xem là giải pháp tiềm năng góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động NCKH của GV và của Nhà trường.