Ngày xuất bản: 23-12-2016

Thủy tinh kim loại: Phương pháp chế tạo và tiềm năng ứng dụng

Nguyễn Thị Ngọc Nữ, Trần Văn Lượng
Tóm tắt | PDF
Bài báo viết về một loại vật liệu hứa hẹn rất nhiều ứng dụng trong tương lai-thủy tinh kim loại. Sức bền của loại vật liệu này lớn gấp mười lần pô-li-me và giới hạn đàn hồi cao gấp hai lần các vật liệu kim loại thông thường. Bài báo này trình bày các kiến thức tổng quan, cách chế tạo, sự khác biệt giữa thủy tinh kim loại với kim loại tinh thể, các tính chất vượt trội cùng với tiềm năng ứng dụng và những vấn đề còn tồn tại trong việc nghiên cứu loại vật liệu mới này.

Hệ thống hỗ trợ cố vấn học tập trên thiết bị di động

Trần Công Án, Phạm Hữu Tài, Phan Tấn Tài, Sơn Búp Pha, Đoàn Hòa Minh, Châu Xuân Phương, Lâm Chí Nguyện
Tóm tắt | PDF
Công tác cố vấn học tập đóng vai trò rất quan trọng trong đào tạo theo học chế tín chỉ, ảnh hưởng rất lớn quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên. Mỗi giáo viên cố vấn (GVCV) như là một mắt xích trong vòng tròn mối quan hệ giữa sinh viên – chương trình đào tạo – nhà trường. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác cố vấn tại nhiều trường đại học hiện nay vẫn còn hạn chế bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do phần lớn các giáo viên cố vấn là giảng viên kiêm nhiệm nên không có đủ thời gian cho công tác này. Vì vậy, trong bài báo này, chúng tôi đề xuất xây dựng một hệ thống hỗ trợ GVCV nhằm nâng cao hiệu quả của công tác cố vấn. Hệ thống này cung cấp sự sẵn dùng cho giáo viên cố vấn, giúp GVCV có thể truy cập thông tin sinh viên dễ dàng, mọi lúc mọi nơi bằng thiết bị di động. Ngoài ra, hệ thống còn giúp GVCV tự động hóa một số tác vụ nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Sản xuất khí sinh học từ nước thải chăn nuôi heo với lồng quay sinh học yếm khí giá thể rơm

Lê Hoàng Việt, Đặng Thanh Nhàn, Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Võ Châu Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu “Sản xuất khí sinh học từ nước thải chăn nuôi heo với lồng quay sinh học yếm khí giá thể rơm” được triển khai nhằm đánh giá khả năng sử dụng rơm làm giá thể cho mô hình lồng quay sinh học yếm khí để xử lý chất thải chăn nuôi và làm chất nền cho sản xuất khí sinh học. Kết quả vận hành 02 mô hình lồng quay sinh học yếm khí giá thể rơm (LQR) trong 51 ngày cho thấy tổng thể tích khí sinh ra từ LQR có thời gian lưu nước (HRT) 3 ngày và LQR có HRT 6 ngày lần lượt là 2.531,8 L và 2.384,7 L. LQR ở HRT 3 ngày vận hành với tải nạp chất hữu cơ trung bình tính trên diện tích bề mặt giá thể là 0,0263 kg COD/m2*ngày cho hiệu suất loại bỏ COD là 60,04%. LQR ở HRT 6 ngày vận hành với tải nạp 0,0131 kg COD/m2*ngày cho hiệu suất loại bỏ COD là 75,01%. LQR ở HRT 6 ngày cho hiệu quả xử lý nước thải tốt hơn LQR ở HRT 3 ngày do có đủ thời gian để các vi sinh vật phân hủy chất rắn, chất hữu cơ. Sau khi ngưng nạp LQR ở HRT 3 ngày duy trì được lượng khí sinh học cao hơn LQR ở HRT 6 ngày (417,6 L so với 335,1 L). Kết quả nghiên cứu khẳng định có thể tận dụng rơm làm giá thể cho lồng quay sinh học yếm khí trong xử lý nước thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học.

Nghiên cứu và đánh giá chất lượng mật ong trong vùng trồng tràm và vùng trồng keo lai tại rừng U Minh Hạ, Cà Mau

Lê Tấn Lợi, Lý Trung Nguyên, Phạm Ra Băng
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu nghiên cứu nhằm so sánh, đánh giá chất lượng mật ong trên cây Keo lai và cây tràm. Lô thí nghiệm được bố trí trên 3 khu vực tương ứng với 3 cấp tuổi và được lặp lại 3 lần. Các mẫu được phân tích trong cả mùa mưa và mùa nắng. Đánh giá cảm quan cho thấy không khác biệt về màu sắc mật ong giữa ba khu vực, ngoại trừ mật ong tràm có màu vàng sáng và mùi vị đặc trưng hơn mật ong Keo lai, trong khi mật ong Keo lai có màu vàng tối hơn. Trong mùa nắng, hàm lượng nước, đường saccharose, vitamin C giữa ba khu vực không khác biệt nhưng hàm lượng HMF và chất rắn không tan trong nước của mật ong ở khu vực Keo lai cao hơn khu vực trung gian (Tràm x Keo lai) và tràm. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin B1 và pH của mật ong Keo lai thấp hơn tràm. Trong mùa mưa, độ pH, HMF, vitamin B1 và vitamin C giữa ba khu vực không khác nhau. Mật ong Keo lai có hàm lượng nước và acid tự do thấp hơn tràm, ngược lại, hàm lượng đường khử và chất rắn không tan trong nước cao hơn. Đa số chỉ tiêu chất lượng mật ong mùa nắng tốt hơn mùa mưa. Tuy nhiên, trong cả hai mùa thì hàm lượng nước và chất rắn không tan trong nước đều không đạt tiêu chuẩn.

Dư lượng hoạt chất propiconazole trong đất ruộng và trong bùn đáy trên kênh nội đồng tại tỉnh Hậu Giang

Nguyễn Phan Nhân, Phạm Văn Toàn, Bùi Thị Nga, Trần Trung Bảy
Tóm tắt | PDF
Đề tài được thực hiện nhằm xác định dư lượng propiconazole trong đất ruộng lúa, bùn đáy trên kênh nội đồng giữa khu vực canh tác lúa 3 vụ và 2 vụ/năm; đánh giá tương quan giữa dư lượng propiconazole với hàm lượng chất hữu cơ và thành phần cơ giới đất và bùn đáy. Kết quả nghiên cứu cho thấy dư lượng propiconazole trong đất ruộng lúa ở khu vực canh tác lúa 3 vụ/năm cao hơn so với khu vực canh tác lúa 2 vụ/năm với giá trị trung bình lần lượt là 225,17 ±15,45 µg.Kg-1 và 174,92 ±17,43 µg.Kg-1; trong bùn đáy kênh nội đồng là 178,39 ±11,82 µg.Kg-1 và 95,47 ±19,76 µg.Kg-1 tương ứng. Dư lượng propiconazole tương quan thuận với chất hữu cơ và phần trăm cấp hạt sét với hệ số r = 0,85 và r = 0,63 (p < 0,05) tương ứng. Hoạt chất propiconazole có tiềm năng tích lũy sinh học cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật thủy sinh và con người. Do vậy, nghiên cứu khả năng tích lũy của hoạt chất propiconazole trong nước, đất và sinh vật cần sớm được thực hiện.

Đánh giá hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nước mô hình tưới phun mưa tự động cho cây hành tím tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Hồng Minh Hoàng, Lê Văn Dũ, Đặng Trâm Anh, Lê Anh Tuấn, Trương Như Phượng
Tóm tắt | PDF
Nước dưới đất là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Châu, nhưng nguồn nước này đang bị sụt giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức. Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích tiết kiệm lượng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp bằng kỹ thuật tưới phun mưa tự động, áp dụng trên cây hành tím. Các nghiệm thức tưới bằng kỹ thuật phun mưa tự động được xây dựng cho 2 vụ hành sớm (HS) và hành muộn (HM) tại khu vực nghiên cứu. Lượng nước tưới cho cây hành tím được xác định qua mô hình tính toán nhu cầu nước cho cây trồng (CropWat), thời gian tưới dựa vào độ ẩm và được xác định qua thiết bị đo độ ẩm (Takemura DM -15). Kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ thuật tưới phun mưa tự động có thể tiết kiệm 25% - 69% lượng nước tưới, 80 - 90% thời gian tưới nhưng vẫn đảm bảo năng suất so với kỹ thuật canh tác truyền thống của người dân. Chi phi đầu tư cho mô hình là khoảng 8 triệu đồng/1000m2 và thời gian sử dụng được khoảng 4 năm cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Kết quả quan trọng là kỹ thuật tưới phun mưa tự động có thể thay thế kỹ thuật tưới truyền thống của người dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tác động đến nguồn nước dưới đất và thích ứng với hiện trạng thiếu nước tưới trong tương lai.

Phương pháp toán tử Trotter cho xấp xỉ Laplace đối xứng

Trịnh Hữu Nghiệm, Lê Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Bài báo nghiên cứu tốc độ hội tụ của dãy tổng hình học về phân phối Laplace đối xứng bằng phương pháp toán tử Trotter. Tốc độ hội tụ được trình bày trong bài báo này dưới dạng xấp xỉ "O-lớn" và "o-nhỏ".

Thành phần loài vi khuẩn lam (Cyanobacteria) ở Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang

Nguyễn Hương Ly, Ngô Thanh Phong
Tóm tắt | PDF
Thành phần loài vi khuẩn lam ở Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười – Tiền Giang được nghiên cứu từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2016. Kết quả đã ghi nhận được 49 loài vi khuẩn lam của 3 bộ (Chroococcales, Oscillatoriales, Noctoscales), 8 họ, 17 chi. Trong đó, bộ Chroococcales ưu thế nhất với 27 loài, chiếm 55,1%; tiếp đến là bộ Oscillatoriales với 20 loài chiếm 40,8%. Còn lại thành phần loài ít nhất là bộ Noctoscales với 2 loài, chiếm 4,1%. Tất cả các thủy vực khảo sát đều có sự phân bố của vi khuẩn lam. Thành phần loài vi khuẩn lam phân bố không đều ở các điểm thu mẫu, phân bố nhiều ở các điểm Đ01, Đ03, Đ04, Đ05, và Đ06. Bộ Chroococcales chiếm ưu thế về số lượng loài ở điểm Đ04, với 17 loài. Loài Synechocystis aquatilis có phạm vi phân bố rộng, xuất hiện ở cả 10 điểm khảo sát.

Dự báo đỉnh mặn tại các trạm đo chính của tỉnh Cà Mau bằng mô hình chuỗi thời gian mờ

Dương Tôn Đảm, Phạm Minh Trực, Đặng Kiên Cường, Võ Văn Tài
Tóm tắt | PDF
Bài báo đề xuất mô hình chuỗi thời gian mờ trong dự báo đỉnh mặntại 3 trạm đo chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau: Cà Mau (sông Cửa Lớn), Gành Hào (sông Gành Hào),và Ông Đốc (sông Ông Đốc). Kết quả thực hiện được so sánh với mô hình chuỗi thời gian không mờ tối ưu được thiết lập từ dữ liệu gốc, dữ liệu mờ hóamà nó được thiết lập theo nhiều phương pháp khác nhau. Dựa trên các tiêu chuẩn thống kê vàsố liệu thực tế, mô hình chuỗi thời gian đề xuấtđược đánh giá có nhiều ưu điểm hơn các mô hình đã có. Mô hình này cũng được sử dụng để dự báo đỉnh mặn đến năm 2020 cho mỗi trạm.

Mô phỏng trạng thái điện tử và phổ hấp thụ của các chấm lượng tử có hình dạng khác nhau

Nguyễn Thành Tiên, Phạm Thanh Dũng
Tóm tắt | PDF
Bài báo thể hiện kết quả mô phỏng bài toán cơ học lượng tử “hạt chuyển động trong hộp kín” với các vật liệu và hình dạng hạt khác nhau như: hình hộp lập phương, hình vòm và kim tự tháp. Chúng được xem như các chấm lượng tử. Nghiên cứu đã mô phỏng phổ năng lượng, phổ hấp thụ quang và các trạng thái điện tử của các chấm lượng tử bán dẫn. Từ dữ liệu mô phỏng, chúng tôi phân tích, lý giải về các hiệu ứng lượng tử trong hệ vật liệu bán dẫn thực khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã xác nhận rằng, hình dạng của các chấm lượng tử có ảnh hưởng quan trọng đến phổ hấp thụ quang của các chấm lượng tử bán dẫn.

Sự tồn tại và tính duy nhất nghiệm của bài toán biên ban đầu thứ hai đối với phương trình Schrödinger cấp hai trong hình trụ đáy không trơn

Phùng Kim Chức
Tóm tắt | PDF
Bài toán Cauchy-Dirichlet đối với hệ phương trình Schrödinger tổng quát trong miền chứa điểm nón đã được tác giả Nguyen Manh Hung (1998) nghiên cứu. Trong bài báo này, chúng tôi  nghiên cứu về bài toán biên ban đầu thứ hai đối với phương trình   Schrödinger cấp hai trong hình trụ đáy không trơn . Bài báo trình bày kết quả về sự tồn tại duy nhất của nghiệm suy rộng.

Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào Hep-G2 của cây An Xoa (Helicteres hirsuta L.)

Nguyễn Hữu Duyên, Lê Thanh Phước
Tóm tắt | PDF
Từ cao chiết của cây An Xoa (Helicteres hirsuta L.) thu tại Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nghiên cứu đã khảo sát hoạt tính gây độc tế bào trên dòng tế bào Hep-G2 (ung thư gan) đối với bốn phân đoạn cao khác nhau: petroleum ether (PE), dichloromethane (DC), ethyl acetate (EA), methanol (MeOH). Kết quả có hai cao có biểu hiện hoạt tính gây độc với dòng tế bào Hep-G2 (ung thư gan) là cao PE và cao DC. Từ cao DC đã cô lập được 4 hợp chất: stigmasterol, lupeol, apigenin và tiliroside. Cấu trúc hóa học các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ (1H-NMR, 13C‑NMR, DEPT) kết hợp với so sánh tài liệu tham khảo đã công bố.

Tổng hợp dẫn xuất benzimidazole

Phan Tuyết Nữ, Bùi Thị Bửu Huê, Mai Văn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Mười dẫn xuất benzimidazole mang các nhóm thế khác nhau ở các vị trí số 4 và số 5 trên nhân benzimidazole (aza, -H, -Cl, -NO2, -CH3) đã được tổng hợp thành công với hiệu suất 41% - 90% từ sự ngưng tụ giữa các dẫn xuất o-phenylenediamine và benzylamine, sử dụng sodium metabisulfite (Na2S2O5)là tác nhân oxi hóa. Việc sử dụng dung môi dimethylsulfoxide (DMSO) thay cho ethanol giúp tăng hiệu suất tổng hợp cũng như rút ngắn thời gian phản ứng từ 24 giờ xuống còn 18 giờ cho mỗi phản ứng tổng hợp. Hợp chất 2-(2-chlorophenyl)-5-nitro-1H-benzimidazole cho hiệu suất tổng hợp cao nhất (90%). Cấu trúc của các chất tổng hợp được xác định bằng các phương pháp phổ nghiệm MS,1H‑NMR và 13C‑NMR.

Sự sản xuất IAA và siderophore của các dòng vi khuẩn liên hiệp thực vật và ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của cây bắp (Zea mays L.) trồng trong chậu

Đặng Thị Ngọc Thanh, Cao Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Xuân Mỵ
Tóm tắt | PDF
Năm mươi lăm dòng vi khuẩn liên hiệp cây bắp đã được kiểm tra sự sản xuất IAA với thuốc thử Fe-HClO4 và Fe-H2SO4. Lượng IAA đo được là 0,24 – 9,99 mg/L khi không bổ sung trp và 0,14 – 12,51 mg/L khi bổ sung 100 mg/L trp. Khi có mặt trp, có 16 dòng đã biểu hiện sự giảm sản xuất IAA đáng lưu ý. Mười hai dòng đã được tiếp tục khảo sát khả năng sản sinh siderophore trên môi trường thạch CAS theo công thức cải biên bởi Srivastava et al. (2013) nhưng chỉ có một dòng thể hiện khả năng này. Dải chuyển màu do dòng DDN10b tạo ra giữa hai môi trường PS và CAS ở 2 DAI là 1,30±0,10 cm và ở 4 DAI là 2,67±0,21 cm. Năm dòng tiềm năng đã được nghiên cứu ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của cây bắp trồng trong chậu. Tất cả các dòng đều làm tăng chiều cao, khối lượng thân lá và rễ tươi, khối lượng chất khô của cây một tháng tuổi so với đối chứng. Ba dòng tốt nhất là VTN2b (Bacillus subtilis), DDN10b (Burkholderia sp.) và TDB1 (Bacillus sp.) có tác động trên sinh khối khô tương đương với nghiệm thức 50% hay 75% NPK và đã được đề xuất cho các thử nghiệm ngoài đồng.

Nghiên cứu phổ nhiệt huỳnh quang bằng phần mềm R

Nguyễn Duy Sang
Tóm tắt | PDF
Phổ nhiệt huỳnh quang là một đường cong phức tạp không theo các phân bố thông thường mà tuân theo phương trình động học bậc nhất, bậc hai hoặc bậc tổng quát đòi hỏi một phần mềm để phân tích. Bài báo trình bày phương pháp sử dụng phần mềm R để làm khớp số liệu đường cong thực nghiệm so với đường cong lý thuyết của dạng phổ nhiệt huỳnh quang. Từ phương pháp này, các thông số đặc trưng của bẫy cũng được xác định như số đỉnh, độ sâu bẫy (E), bậc động học (b), hệ số tần số (s). Những mẫu có thời gian bảo quản ngắn (360 h) các thông số động học lớn hơn những mẫu có thời gian bảo quản dài hơn (720h). Qua đó, chúng tôi có thể tìm ra các tính chất đặc trưng của mẫu ứng dụng trong việcdò thực phẩm chiếu xạ, xác định tuổi cho cổ vật.

Đánh giá các phương pháp xác định tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến acid amin và các dưỡng chất ở gà Sao tăng trưởng

NguyễN Đông HảI, Nguyễn Thị Kim Đông
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá các phương pháp nghiên cứu tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến về acid amin và các dưỡng chất ở gà Sao tăng trưởng. Thí nghiệm được bố trí trên 60 con gà Sao 10 tuần tuổi theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên trên 3 nghiệm thức tương ứng với 3 phương pháp xác định tỷ lệ tiêu hóa phương pháp tiêu hóa toàn phần (THTP), phương pháp tiêu hóa cắt bỏ manh tràng (THCMT) và phương pháp tiêu hóa hồi tràng (THHT), mỗi nghiệm thức được lặp lại 5 lần. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến EE và nitơ tích lũy của THTP tương đương với THCMT (P>0,05). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu hóa CF, NDF và ADF của THTP cao hơn so với THCMT (P

Ảnh hưởng của bổ sung vi khoáng mangan và kẽm vào khẩu phần lên năng suất và chất lượng trứng gà Hisex Brown

Lê Thị Mến, Nguyễn Đức Hiền, Huỳnh Minh Trí, Vo Van Son
Tóm tắt | PDF
Thí nghiệm được tiến hành trên 540 con gà mái đẻ (35 tuần tuổi) Hisex Brown được bố trí theo thể thức thừa số 2 nhân tố và 5 lần lặp lại. Nhân tố thứ nhất là Mn (0, 80, 120 ppm) và nhân tố thứ 2 là Zn (0, 40, 60 ppm). Kết quả cho thấy khi bổ sung Mn vào khẩu phần thì tỷ lệ đẻ của gà cao nhất ở nghiệm thức Mn120 (90,62%) và đối chứng (ĐC) thấp nhất (84,51%) (p

Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn từ đất vùng rễ ớt có khả năng đối kháng với nấm Colletotrichum sp. gây bệnh thán thư trên ớt

Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Yến Như, Nguyễn Thị Pha, Trần Thị Xuân Mai
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập các dòng vi khuẩn có khả năng đối kháng với nấm Colletotrichum sp. gây bệnh thán thư trên ớt. Từ 18 mẫu đất vùng rễ ớt được thu tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang có 341 dòng vi khuẩn được thử sơ bộ khả năng đối kháng, kết quả tuyển chọn và phân lập được 79 dòng vi khuẩn có khả năng đối kháng. Hiệu suất đối kháng của các dòng vi khuẩn dao động từ 7,78-53,34%. Khảo sát các đặc tính đối kháng của vi khuẩn cho thấy có 47 dòng có khả năng sản sinh siderophore, 61 dòng có khả năng phân hủy chitin, 55 dòng có khả năng phân hủy cellulose và 68 dòng có khả năng phân hủy protein. Chọn lọc 6 dòng vi khuẩn có khả năng đối kháng mạnh nhất gồm: CT6, CT10, CT15, CT17, CT21, TG36 để thực hiện các thử nghiệm sinh hóa để phân loại theo hệ thống phân loại Bergey đã xác định được cả 6 dòng này đều thuộc chi Bacillus. Dòng vi khuẩn CT10 có khả năng đối kháng mạnh nhất được định danh bằng phương pháp sinh học phân tử thông qua giải trình tự vùng gene 16S rDNA kết hợp với phương pháp truyền thống. Kết quả cho thấy dòng vi khuẩn CT10 được xác định là vi khuẩn Bacillus amyloliquefaciens.

Đánh giá sự đa dạng di truyền và tính kháng khuẩn của cây từ bi (Blumea balsamifera Lindl.)

Huỳnh Kim Diệu, Nguyễn Thị Cẩm Quyên
Tóm tắt | PDF
Để đánh giá sự đa dạng di truyền và khả năng kháng khuẩn của cây Từ bi, mười lăm mẫu cây Từ bi được thu thập từ nhiều nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Hậu Giang), được phân tích đa dạng di truyền bằng kỹ thuật dấu phân tử RAPD (Random Amplified Polymorphic DNA) và thử hoạt tính kháng khuẩn, xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) bằng phương pháp pha loãng trong thạch, trên 8 chủng vi khuẩn tiêu biểu Staphylococcus aureus, Streptococcus faecalis, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella spp., Aeromonas hydrophila, Edwardsiella ictaluri và Edwardsiella tarda. Kết quả cho thấy các mẫu Từ bi có sự đa dạng về di truyền DNA và chia làm 4 nhóm với khoảng cách liên kết dao động từ 1,414 đến 5,196. Tất cả các nhóm Từ bi có khả năng ức chế mạnh nhất trên vi khuẩn Edwardsiella tarda (MIC=256 µg/ml), kế đến Edwardsiella ictaluri (256 µg/ml ≤ MIC ≤ 512 µg/ml, nhóm 3 mạnh nhất) và Staphylococcus aureus (512 µg/ml ≤ MIC ≤ 1024 µg/ml, hầu hết MIC=512 µg/ml). Khả năng kháng khuẩn của cao Từ bi thấp hơn trên Pseudomonas aeroginosa và Aeromonas hydrophila (1024 µg/ml ≤ MIC ≤ 2048 µg/ml), Streptococcus faecalis (1024 µg/ml ≤ MIC ≤ 4096 µg/ml) yếu nhất trên Escherichia coli (2048 µg/ml ≤ MIC > 4096 µg/ml) và Salmonella spp (MIC=4096 µg/ml).

Phân tích các thông số di truyền ở bốn quần thể đậu xanh Taichung đột biến thế hệ M3

Trần Thị Thanh Thúy, Trương Trọng Ngôn
Tóm tắt | PDF
Giống đậu xanh Taichung (Vigna radiata L. Wilczek), được chọn làm giống đối chứng và 4 quần thể đột biến ở thế hệ M3 tương ứng với các mức nồng độ 0,2%; 0,4%; 0,6% và 0,8% EMS đã được gieo tại Nông trại, Trường Đại học Cần Thơ vào vụ Xuân Hè 2015, để nghiên cứu biến dị kiểu gen và kiểu hình. Hệ số di truyền theo nghĩa rộng, tiến bộ di truyền được tính cho các tính trạng chiều cao cây lúc chín, số trái trên cây, trọng lượng 100 hạt và năng suất hạt/cây. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên, với ba lặp lại. Khoảng cách gieo là 45x20 cm, 2 cây/hốc. Kết quả cho thấy chiều cao cây lúc chín ở các nghiệm thức được xử lý EMS đều thấp hơn so với chiều cao cây ở giống đối chứng, năng suất và các thành phần năng suất đều có giá trị cao hơn so với giá trị ở nghiệm thức đối chứng. Hệ số phương sai kiểu hình (PCV) cao hơn so với hệ số phương sai kiểu gen (GCV) ở tất cả các tính trạng khảo sát. Năng suất thực thu có GCV cao nhất (36,06%) ở nghiệm thức 0,4% EMS và PCV cao nhất (41,21%) ở nghiệm thức 0,2% EMS. Chiều cao cây lúc chín ở nghiệm thức đối chứng có GCV và PCV thấp nhất (6,44%; 8,96%) tương ứng. Năng suất thực thu ở nghiệm thức 0,4% EMS có hệ số di truyền theo nghĩa rộng và phần trăm tiến bộ di truyền cao (85,42%; 68,66%). Nghiệm thức đối chứng có hệ số di truyền thấp nhất (32,62%) ở tính trạng số trái trên cây và tiến bộ di truyền thấp nhất (9,55) ở tính trạng chiều cao cây lúc chín. Mức nồng độ 0,4 % EMS được đánh giá là có kết quả biến dị di truyền cao nhất.

Tối ưu hóa sơ chế rong nho (Caulerpa lentillifera J.AGARDH, 1837) sau thu hoạch

Lê Thị Tưởng, Nguyễn Thị Mỹ Trang
Tóm tắt | PDF
Rong nho (Caulerpa lentillifera) sau thu hoạch bị tổn thương cơ học và chứa nhiều tạp chất vô cơ, hữu cơ cũng như vi sinh vật. Điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguyên liệu ban đầu của rong nho. Mục đích của nghiên cứu là xác định các điều kiện tối ưu của quá trình sơ chế rong nho sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu ban đầu của rong nho, phục vụ cho quá trình bảo quản rong nho tươi sau này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, điều kiện tối ưu công đoạn rửa rong nho với lượng nước rửa là 15 lít/kg rong nho, thời gian rửa là 7 phút/lần với 3 lần rửa và các điều kiện tối ưu công đoạn nuôi lại rong nho là mật độ rong 1/40 kg/lít, thời gian nuôi lại 3 ngày và lượng oxy hòa tan 7 ppm. Với điều kiện tối ưu này thu được chất lượng cảm quan, độ sáng của rong nho cao nhất và lượng vi sinh vật còn bám trên rong không đáng kể.

So sánh khả năng cải thiện chất lượng nước và ức chế Vibrio của xạ khuẩn Streptomyces parvulus và vi khuẩn Bacillus subtilis chọn lọc trong hệ thống nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

Phạm Thị Tuyết Ngân, Hồ Diễm Thơ, Trần Sương Ngọc
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung vi khuẩn Bacillus subtilis và Streptomyces parvulus trong nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức được lặp lại 3 lần: 1) đối chứng (không bổ sung vi khuẩn); 2) bổ sung B. subtilis; 3) S. parvulus và 4) hỗn hợp 2 loài vi khuẩn trên  với mật độ 105 CFU/mL (5 ngày/lần), tôm thí nghiệm có khối lượng trung bình 0,036 g được nuôi trong bể 120 L với mật độ 0,5 con/L. Sau 60 ngày nuôi, các thông số chất lượng nước (COD, TAN, NH3 và NO2) cho thấy ở các nghiệm thức bổ sung probiotic trong môi trường nuôi đã thúc đẩy phân hủy vật chất hữu cơ tốt hơn và mật độ Vibrio thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng. Tốc độ tăng trưởng của tôm gồm tăng trưởng trọng lượng tuyệt đối và tăng trưởng chiều dài tuyệt đối giữa các nghiệm thức cao nhất là nghiệm thức 3 (0,118±0,011g/ngày) và 0,152±0,011 cm/ngày, và thấp nhất ở đối chứng (0,076±0,008g/ngày) và 0,127±0,012 cm/ngày. Tỷ lệ sống của tôm dao động trong khoảng 44.7-64.7%, trong đó nghiệm thức đối chứng thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức khác. Kết quả cho thấy bổ sung 2 loài vi khuẩn trên giúp tiến trình phân hủy vật chất hữu cơ nhanh hơn và ức chế sự phát triển Vibrio trong môi trường nuôi đồng thời làm tăng tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm.

Ảnh hưởng của kích thước đến hiệu quả sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita)

Ngô Thị Thu Thảo, Nguyễn Văn Triệu, Nguyễn Văn Như Ý, Lê Văn Bình
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của kích thước ốc bươu đồng (Pila polita) đến các chỉ tiêu liên quan đến hiệu quả sinh sản. Thí nghiệm được bố trí với 3 nghiệm thức chiều cao của ốc bố mẹ và được lặp lại 3 lần là: 1) Ốc có chiều cao từ 30-35 mm (SC1); 2) Ốc có chiều cao từ 40-45 mm (SC2) và 3) Ốc có chiều cao 50-55 mm (SC3). Ốc bố mẹ được thu từ tự nhiên và nuôi trong 9 bể nhựa có thể tích 0,5 m3 với mật độ 15 cặp/bể để thu thập các chỉ tiêu liên quan đến quá trình sinh sản. Kết quả sau 90 ngày nuôi cho thấy sức sinh sản của ốc bươu đồng đạt cao nhất ở SC3 (118,79 trứng/cá thể) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (p0,05). Các kết quả về khối lượng và đường kính trứng do ốc sinh sản, kích thước và khối lượng ốc mới nở đều đạt cao hơn ở ốc bố mẹ thuộc nhóm SC3 (p

Đánh giá hiện trạng kỹ thuật và tài chính của mô hình nuôi cá trong ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Cao Quốc Nam, Phạm Thị Tố Anh, Lê Đăng Khoa, Nguyễn Văn Nhiều Em
Tóm tắt | PDF
Hiện nay, mô hình lúa-cá vẫn còn canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bài báo này, chúng tôi phân tích số liệu điều tra từ 205 nông hộ canh tác lúa - cá ở tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để đánh giá hiện trạng kỹ thuật và lợi nhuận của hợp phần cá trong mô hình lúa - cá cũng như tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận từ cá nuôi. Năng suất của tất cả các loài cá nuôi ở các tỉnh thành dao động từ 597 - 734 kg/ha/vụ. Lợi nhuận ròng từ cá dao động từ 3,49 - 9,98 triệu đồng/ha/vụ. Năng suất và lợi nhuận ròng từ cá tăng khi tăng mật độ thả cá. Năng suất và lợi nhuận ròng từ cá giảm với việc thả cá muộn, tăng diện tích nuôi và áp dụng 3 vụ lúa/năm. Lũ về muộn, mực nước lũ thấp, thiếu thức ăn tự nhiên, trộm cắp cá, tỷ lệ sống của cá thấp và thiếu hợp đồng mua bán cá thịt là những khó khăn trở ngại của mô hình nuôi cá trong ruộng lúa. Chủ động cung cấp nước từ đầu vụ, tăng mật độ thả cá, dưỡng lúa chét, tăng cường tập huấn nuôi cá, tổ chức nhóm nuôi và tìm đầu ra ổn định cho cá thịt là những  giải pháp để cải tiến mô hình nuôi cá trong ruộng lúa.

Ảnh hưởng của bổ sung chất khoáng lên tăng trưởng, tỷ lệ sống, chất lượng của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

Châu Tài Tảo, Nguyễn Thanh Phương, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm tìm ra liều lượng bổ sung chất khoáng thích hợp cho sự tăng trưởng và tỉ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Nghiên cứu gồm 5 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần, cách bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên, các nghiệm thức được bổ sung chất khoáng với các liều lượng là (i) không bổ sung chất khoáng (đối chứng); (ii) bổ sung chất khoáng 20 mL/m3; (iii) 40 mL/m3; (iv) 60 mL/m3 và (v) 80 mL/m3. Nước ương ấu trùng có độ mặn 30‰ và mật độ bố trí là 200 con/L. Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng về chiều dài của Postlarvae 15 ở nghiệm thức bổ sung chất khoáng 60 mL/m3 lớn nhất (11,99±0,11 mm) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Ảnh hưởng cường độ ánh sáng lên sinh trưởng và chất lượng của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi theo công nghệ biofloc

Lê Quốc Việt, Trương Văn Ngân, Trần Minh Phú, Trần Ngọc Hải
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định cường độ ánh sáng thích hợp cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi thâm canh theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức với các mức cường độ ánh sáng khác nhau: (i) ánh sáng tự nhiên; (ii) che tối hoàn toàn; (iii) đèn compact 30w; (iv) đèn compact 55w và (v) đèn compact 110w. Tôm được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N=15:1), thể tích nước trong bể 300L với độ mặn 15‰ và mật độ 150 con/m3, khối lượng trung bình của tôm bố trí là 0,54 g và chiều dài là 3,69 cm. Các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho tôm nuôi trong thời gian 90 ngày nuôi i. Chiều dài của tôm nuôi ở các nghiệm thức dao động từ 11,9 – 12,9 cm tương ứng với khối lượng là 18 – 21,9 g. Trong đó, khối lượng của tôm nuôi ở nghiệm thức đối chứng là cao nhất (21,9 g) nhưng khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) so với nghiệm thức chiếu sáng bằng đèn 55w (20,5 g). FCR của nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức đèn 55w là thấp nhất (2,08) nhưng khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05) với các nghiệm thức khác. Tỉ lệ sống của tôm ở nghiệm thức chiếu sáng bằng đèn 55w đạt cao nhất (58,9%), tuy nhiên cũng khác biệt không có ý nghĩa với các nghiệm thức khác (p>0,05). Như vậy, thay thế ánh sáng tự nhiên bằng đèn 55w cho thấy sự tăng trưởng của tôm về khối lượng, chiều dài cũng như tỷ lệ sống tương đương nhau và có thể áp dụng với các hệ thống nuôi tôm biofloc trong nhà.

Đánh giá tình hình nuôi cá điêu hồng (Oreochromis spp) trong lồng bè ở sông Tiền vùng thượng nguồn tỉnh Vĩnh Long

Trần Văn Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đánh giá tình hình nuôi cá điêu hồng nuôi lồng bè trên sông Tiền thuộc thượng nguồn của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2010-2014. GIS và viễn thám đã được ứng dụng để xác định vùng nuôi, tiêu chuẩn AIC đã được sử dụng để tìm mô hình tối ưu trong các mô hình hồi quy đa biến, hàm mật độ phân phối xác đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi qua các năm khác nhau. Kết quả cho thấy số lượng bè và thể tích bè tăng dần ở các xã trong vùng nghiên cứu, có từ 1-2 vụ nuôi trong năm, tỷ lệ sống trung bình 65%, năng suất từ 23-62 kg/m3/vụ, năng suất có liên quan đến mật độ và tỷ lệ sống, nghề này chi phí sản xuất lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường và môi trường. Hầu hết các hộ nuôi đều có lãi từ 20-250 ngàn đồng/m3/vụ từ năm 2010 đến 2014, tuy nhiên, năm 2012 do cung vượt quá cầu làm giảm giá cá thương phẩm, gây hơn 50% hộ nuôi bị lỗ.  Tình hình đã được khắc phục thông qua phát triển thị trường, nghề nuôi cá điêu hồng hiện đang phát triển, phù hợp với chủ trương phát triển của ngành thủy sản.

Nghiên cứu đặc điểm dinh dưỡng cá cóc (Cyclocheilichhthys enoplos) giai đoạn cá bột lên cá giống

Nguyễn Văn Triều, Phạm Anh Văn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định một số đặc điểm dinh dưỡng của cá cóc (Cyclocheilichthys enoplos) từ giai đoạn cá bột đến giai đoạn cá giống. Nghiên cứu được thực hiện trong ao có kích cỡ 10 m × 20 m và chiều sâu 1 m. Cá cóc bột (2 ngày tuổi) được ương với mật độ 200 con/m2 trong thời gian 30 ngày. Mẫu thực vật, động vật phiêu sinh và mẫu cá được thu vào các ngày tuổi thứ 2,3,4,5,6,7,9,11,16,21,26 và 31 để phân tích thành phần và số lượng của phiêu sinh vật và đặc điểm dinh dưỡng của cá cóc. Kết quả thể hiện rằng cá cóc (C. enoplos) bắt đầu ăn thức ăn ngoài lúc 2 ngày tuổi và Rotifera (Brachionus) là thức ăn chính của cá. Tỷ lệ chiều dài ruột và chiều dài chuẩn của cá dao động 0,742 – 0,827. Kích cỡ miệng của cá dao động 0,23 – 1,19 mm. Rotifera (Brachionus) và Nauplius được cá chọn lựa vào ngày thứ 5 và thứ 6 của quá trình ương. Từ ngày thứ 9 về sau Cladocera (Moina) và Copepoda (Mesocyclops) được cá chọn lựa. Cá cóc không chọn lựa thực vật phiêu sinh làm thức ăn. Thí nghiệm chỉ ra rằng cá cóc ăn động vật phiêu sinh từ giai đoạn cá bột đến cá giống 30 ngày. 

Nghiên cứu ảnh hưởng của hỗn hợp polysaccharide chiết xuất từ rong mơ Sargassum microcystum lên tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá tra Pangasianodon hypophthalmus

Tran Trung Giang, Huỳnh Trường Giang, Trương Quốc Phú, Dương Thị Hoàng Oanh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của hỗn hợp polysaccharide ly trích từ rong mơ Sargassum microcystum lên tăng trưởng và tỉ lệ sống của cá tra Pangasianodon hypophthalmus trong điều kiện phòng thí nghiệm. Thí nghiệm được bố trí với 50 cá tra (1,0~2,0 g) trong bể composite 500 lít, cho cá ăn theo nhu cầu trong thời gian 60 ngày. Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Ở nghiệm thức đối chứng (0%-NT1), thức ăn không có bổ sung polysaccharide. Các nghiệm thức thức ăn có bổ sung hỗn hợp chiết suất polysaccharide ở các hàm lượng khác nhau là 0,2 (NT2); 0,4 (NT3); và 0,6% (NT4). Nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, ammoni và nitrite được kiểm tra hàng tuần, các chỉ tiêu đánh giá tốc độ tăng trưởng, tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn, tỉ lệ sống và tổng khối lượng được đánh giá vào cuối thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cá tra P. hypophthalmus khi cho ăn thức ăn có bổ sung hỗn hợp polysaccharide ly trích từ rong mơ S. microcystum ở hàm lượng 0,4% có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nghiệm thức đối chứng sau 60 ngày thí nghiệm (p0,05) về tỉ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn ở các nghiệm thức. Như vậy, hỗn hợp polysaccharide từ rong mơ S. microcystum có khả năng cải thiện tăng trưởng trên cá tra.

Ứng dụng công nghệ biofloc ương tôm sú (Penaeus monodon) giống với các mật độ khác nhau

Trần Ngọc Hải, Lê Quốc Việt
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định mật độ ương thích hợp cho sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú giống áp dụng công nghệ biofoc. Thí nghiệm  gồm 4 nghiệm thức mật độ: (i) 1.000 con/m3; (ii) 2.000 con/m3; (iii) 3.000 con/m3 và (iv) 4.000 con/m3. Các nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Tôm được ương theo công nghệ biofloc (C:N = 15:1 và sử dụng bột gạo để bổ sung nguồn carbohydrate). Bể ương có thể tích 100 L và độ mặn được duy trì ở mức 15 ‰. Tôm thí nghiệm có chiều dài ban đầu 1,23 cm (tương đương 0,02 g/con). Sau 28 ngày ương, tốc độ tăng trưởng của tôm về khối lượng ở các nghiệm thức sai khác nhau có ý nghĩa thống kê (p

Phân tích hiệu quả tài chính của nghề lưới kéo đôi xa bờ ở tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thanh Long
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu hiệu quả tài chính của nghề lưới kéo đôi xa bờ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 5/2016 ở thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang. Đề tài đã tiến hành phỏng vấn 32 hộ ngư dân làm nghề lưới kéo đôi xa bờ với nội dung về số tàu thuyền, ngư trường, mùa vụ khai thác, những loài khai thác chính, sản lượng khai thác và hiệu quả tài chính. Kết quả cho thấy nghề lưới kéo đôi xa bờ của tỉnh Kiên Giang có 2.653 chiếc, chiếm 23,2% tổng số tàu khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang. Tàu chính có công suất trung bình là 1.072 CV/tàu và trọng tải trung bình 155 tấn/tàu. Tàu phụ với công suất trung bình là 625 CV và trọng tải trunh bình là 103 tấn/tàu. Sản lượng khai thác trung bình là 2.017 tấn/năm, trong đó tỉ lệ cá tạp là 40,3%. Tổng chi phí trung bình của một chuyến biển là 3.007 triệu đồng và lợi nhuận trung bình là 2.627 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 0,87. Không có hộ ngư dân làm nghề lưới kéo đôi xa bờ nào bị thua lỗ. Khó khăn chung hiện nay của nghề lưới kéo đôi xa bờ là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, số tàu khai thác thủy sản nhiều và thiếu kỹ thuật bảo quản sản phẩm.