Ngày xuất bản: 28-04-2023
Số báo đầy đủ
Công nghệ
Phát triển mô hình quản lý tồn kho do nhà cung cấp quản lý (VMI) cho chuỗi cung ứng gồm nhiều nhà cung cấp - Một nhà sản xuất
Tóm tắt
|
PDF
Trong bài viết này, nghiên cứu mô hình quản lý tồn kho do nhà cung cấp quản lý (VMI) với chuỗi cung ứng bao gồm nhiều nhà cung cấp và một nhà sản xuất được tập trung nghiên cứu. Với mục tiêu là tối ưu hóa chi phí cho chuỗi cung ứng may mặc. Mô hình đã được xây dựng dựa trên mức giới hạn của hàng tồn kho và công suất thực tế của ba loại xe tải và các thông số khác. Ngôn ngữ lập trình Python được sử dụng để giải tối ưu hóa bài toán chi phí và phân tích độ nhạy được tiến hành nhằm củng cố tính ứng dụng của mô hinh VMI vừa được đề xuất.
Môi trường
Khả năng hấp phụ Methyl Orange trong dung dịch bởi hạt gel chitosan được chiết xuất từ vỏ tôm sú Penaeus monodon
Tóm tắt
|
PDF
Trong nghiên cứu này, chitosan chiết xuất từ vỏ tôm sú Penaeus monodon được sử dụng làm chất hấp phụ sinh học để loại bỏ hợp chất màu methyl orange (MO) trong dung dịch. Nghiên cứu được tiến hành với thời gian tiếp xúc thay đổi từ 1 đến 720 phút, liều lượng chitosan từ 0,1 đến 3 g, nồng độ MO từ 10 đến 200 mg/L, và pH từ 3 đến 10. Kết quả cho thấy khả năng hấp phụ MO của chitosan đạt cân bằng sau 240 phút. Khả năng hấp phụ tối đa của MO tính toán bằng mô hình Langmuir là 23,10 mg/g thu được ở nhiệt độ phòng (25°C), pH = 3, khối lượng chitosan 0,2 g và nồng độ MO 50 mg/L. Động học của quá trình hấp phụ tuân theo mô hình động học biểu kiến bậc hai với R2 là 0,96. Mô hình hấp phụ đẳng nhiệt Langmuir mô tả tốt quá trình hấp phụ MO với R2 là 0,97. Kết quả chứng minh vỏ tôm sú có thể được chiết xuất thành chitosan có giá trị như một chất hấp phụ để loại bỏ thuốc nhuộm MO khỏi dung dịch.
Ảnh hưởng của thời gian lưu nước đến hiệu suất xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể phản ứng giá thể di động kết hợp cột lọc màng tự chế
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt bể phản ứng giá thể di động (Moving bed biofilm reactor - MBBR) kết hợp với cột màng lọc tự chế ở những thời gian lưu nước khác nhau. Bể MBBR có thể tích 45,54 L chứa 40% giá thể K3, và cột lọc màng tự chế quy mô phòng thí nghiệm được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy ở tải nạp vào bể MBBR là 0,47 kg BOD5/m3/ngày, kết hợp tải nạp nước 0,79 m3/m2/ngày qua cột lọc màng, thời gian lưu nước 6 giờ, nước thải đầu ra đã đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A) với hiệu suất xử lý BOD5 đạt 94,6%, COD 86,6%, N-NH4+ 88,2% và TP 67,6%. Ở thời gian lưu 5 giờ, tải nạp vào bể MBBR 0,77 kg BOD5/m3/ngày, tải nạp nước qua cột lọc màng 0,95 m3/m2/ngày, các thông số chất lượng đầu ra vẫn đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A), trong đó hiệu suất xử lý BOD5 đạt 89,5%, COD 89,4%, N-NH4+ 84,5% và TP 57,6%. Như vậy, bể MBBR kết hợp với cột lọc màng tự chế có thể ứng dụng xử lý nước thải sinh hoạt đạt QCVN 14:2008/BTNMT (cột A) ở thời gian lưu nước 5 giờ.
Tự nhiên
Tổng hợp vật liệu Zn-ZIF có độ kết tinh cao trong dung môi nước ở nhiệt độ phòng định hướng xúc tác phân hủy chất thải ô nhiễm 4-nitrophenol
Tóm tắt
|
PDF
Vật liệu khung cơ kim cấu trúc zeolite dựa trên cluster tứ diện ZnN4 được tổng hợp trong dung môi nước, ở nhiệt độ phòng. Phản ứng được khảo sát với nguồn muối kẽm ZnSO47H2O kết hợp với linker 2‑methylimidazole (2‑HmIm) ở những điều kiện khác nhau về nồng độ của 2‑HmIm và tỉ lệ mol 2‑HmIm/Zn. Cấu trúc của vật liệu được xác định bằng phương pháp nhiễu xạ tia X (PXRD). Hình thái của mẫu được quan sát bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và thành phần nguyên tố được phân tích bằng phổ tán xạ năng lượng tia X (EDS). Độ bền nhiệt của vật liệu được xác định qua phân tích nhiệt trọng lượng (TGA). Kết quả cho thấy vật liệu Zn-ZIF được tổng hợp thành công theo quy trình hóa học xanh với độ kết tinh cao và độ bền nhiệt lớn. Sản phẩm được tiếp tục sử dụng làm xúc tác phản ứng khử 4‑nitrophenol với chất khử NaBH4. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy Zn-ZIF chưa biến tính không thể hiện hoạt tính xúc tác do các vị trí ZnN4 đã hoàn toàn bão hòa. Kết quả nghiên cứu này mở ra định hướng biến tính vật liệu tạo các tâm kim loại chưa bão hòa được bố trí phân tán trên khung sườn carbon.
Nghiên cứu tăng cường độ chính xác của cảm biến quang học sử dụng ánh sáng cận hồng ngoại định hướng ứng dụng y sinh
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu trình bày kết quả mô phỏng các đặc tính của cảm biến quang học sử dụng lăng kính dựa trên hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt với lớp phủ kim loại Ag và bước sóng ánh sáng 1064 nm. Kết quả nghiên cứu cho thấy cảm biến sử dụng lớp Ag với độ dày 60 nm sẽ cho độ chính xác của phép đo cao hơn 14 lần và độ xuyên sâu (789,6 nm) cao hơn 3,5 lần so với cảm biến sử dụng ánh sáng 633 nm. Độ nhạy của cảm biến này có kết quả đạt được là 93,40/RIU, khá cao cho cảm biến sử dụng một lớp kim loại và thấp hơn 1,5 lần so với cảm biến sử dụng bước sóng 633 nm. Việc tăng cường độ chính xác và độ xuyên sâu của cảm biến sử dụng bước sóng 1064 nm đã mở ra tiềm năng ứng dụng lớn của cảm biến này trong lĩnh vực chẩn đoán sớm, dùng để đo các thực thể có kích thước lớn như vi khuẩn (1-20 µm) trong lĩnh vực y sinh.
Giảm thiểu cỡ mẫu mô phỏng Monte Carlo bằng phương pháp Entropy chéo
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết trình bày một số hạn chế của phương pháp mô phỏng Monte Carlo cơ bản (Monte Carlo Naïve - MCN). Phương pháp này được sử dụng để ước lượng xác suất sự kiện hiếm (các sự kiện có xác suất xảy ra rất bé). Trong phương pháp MCN, để có thể quan sát được những sự kiện hiếm cần phải khởi tạo các mẫu mô phỏng có kích thước rất lớn. Hạn chế này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng một thuật toán Entropy chéo (Cross Entropy - CE). Kết quả áp dụng số được trình bày ở phần cuối cùng sẽ làm rõ hơn tính ưu việt của phương pháp này.
Chăn nuôi
Khảo sát sinh trưởng và năng suất của hai giống so đũa (Sesbania grandiflora) làm thức ăn cho gia súc nhai lại
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên trên 80 cây so đũa (SD) (40 cây SD bông trắng và 40 cây SD bông đỏ) 1 tháng tuổi. Thí nghiệm gồm 2 nghiệm thức (SD bông trắng và SD bông đỏ) với 4 lần lặp lại để đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất và thành phần hóa học của hai giống SD. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chiều cao cây SD bông trắng cao hơn SD bông đỏ (P
Đánh giá đáp ứng miễn dịch của hai loại vaccine nhược độc chủng M.B. phòng bệnh Gumboro trên gà ác
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá đáp ứng miễn dịch của hai loại vaccine nhược độc chủng M.B. Một trăm ba mươi lăm gà Ác 1 ngày tuổi được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên một yếu tố vào 2 lô gồm (1) tiêm vaccine MB-1 lúc 1 ngày ở trạm ấp và (2) chủng vaccine MB live lúc 7 và 15 ngày ở trại. Gà được lấy máu lúc 1, 14, 21, 24, 28 ngày để kiểm tra hiệu giá kháng thể (HGKT) IBD. Các chỉ số túi Bursa (BI), khối lượng bình quân (KLBQ) và tăng trọng hàng ngày (TTHN) của gà từ 1 đến 49 ngày cũng được theo dõi. Gà con có HGKT mẹ truyền kháng virus IBD là 1515 titer với CV 58,7%. Vào thời gian 14, 21, 24 ngày, HGKT IBD giữa hai lô không có khác biệt về mặt thống kê (P > 0,05). Đến 28 ngày, HGKT IBD của lô MB-1 cao hơn có ý nghĩa so với HGKT lô MB live, 6218 titer so với 5075 titer (P < 0,05). Các thông số BI, KLBQ, TTHN của lô MB-1 có xu hướng cao hơn so với lô MB live qua các thời điểm.
Công nghệ sinh học
Nhân giống in vitro lan kim tuyến (Anoectochilus sp.)
Tóm tắt
|
PDF
Lan kim tuyến (Anoectochilus sp.) thuộc họ Orchidaceae là một trong những loại dược liệu quý của Việt Nam. Dịch chiết chứa các hợp chất liên quan đến chức năng tim mạch như các arachidonic acid, β – sitosterol… Mục đích của nghiên cứu là thiết lập một quy trình nhân giống in vitro để bảo tồn và phát triển loài lan kim tuyến bằng cách sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng (6-benzylaminopurine, thidiazudron) kết hợp với kỹ thuật cắt lát mỏng tế bào. Kết quả cho thấy môi trường Murashige & Skoog bổ sung 0,5 mg/L 6-benzylaminopurine kết hợp 0,5 mg/L thidiazuron là tối ưu cho sự phát sinh chồi lan kim tuyến với 3,67 chồi/mẫu. Kỹ thuật cắt lát mỏng tế bào theo chiều ngang kết hợp chiếu sáng ở 2.000 lux cho số lượng chồi phát sinh từ lát cắt cao nhất với 13,16 chồi/mẫu. Các chồi in vitro lan kim tuyến ra rễ tối ưu trên môi trường Murashige & Skoog giảm 25% cả đa lượng và vi lượng. Các kết quả này có thể sử dụng để nhân giống quy mô lớn cây lan kim tuyến.
Tối ưu hóa điều kiện lên men cider thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) sử dụng nấm men Saccharomyces cerevisiae BV818
Tóm tắt
|
PDF
Thanh long ruột đỏ (Hylocereus polyrhizus) là loại quả được yêu thích do có mùi vị thơm ngon, màu sắc hấp dẫn và chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình lên men cider thanh long ruột đỏ thông qua xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình lên men bao gồm tỉ lệ pha loãng (1:1; 1:2; 1:3 w/v), thời gian lên men (2, 3, 4, 5 ngày), độ Brix (14 - 22°Brix), pH (3,8 - 5,0) và nồng độ nấm men Saccharomyces cerevisiae BV818 (0,02 - 0,1% w/v). Qua đó, nguồn nguyên liệu dồi dào này có thể được sử dụng để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị của trái thanh long ruột đỏ. Kết quả cho thấy sau 5 ngày lên men ở tỉ lệ nguyên liệu và nước là 1:2 w/v, 18,5 ºBrix, pH 4,16, nồng độ nấm men 0,07% w/v tạo ra sản phẩm cider thanh long ruột đỏ có hàm lượng ethanol đạt 4,79% v/v.
Đánh giá và ứng dụng dịch thủy phân bã men bia trong sản xuất acid lactic sử dụng Lactobacillus casei
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích một số thành phần chính và đánh giá hiệu quả của dịch thủy phân bã men bia như một nguồn nitơ có giá trị kinh tế hơn để thay thế chiết xuất nấm men thương mại trong môi trường lên men lactic. Kết quả phân tích thành phần cơ bản trong dịch thủy phân từ bã men bia với hàm lượng protein 74,45% (tính theo vật chất khô) nhưng carbohydrate và chất béo không được phát hiện. Hàm lượng polyphenol tổng hiện diện trong dịch thủy phân nấm men là 0,32 mg GAE/mL và khả năng kháng oxy hóa ở nồng độ 100 μL/mL có khả năng khử 34,51% gốc tự do của 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Nguồn đạm của môi trường De Man, Rogosa và Sharpe (MRS) được thay thế bằng 10% (v/v) dịch thủy phân cho thấy khả năng làm tăng mật số vi khuẩn lactic đạt 8,09 CFU/mL và khác biệt không có ý nghĩa so với môi trường MRS thương mại. Hàm lượng acid lactic sinh ra đạt 66,52% so với lượng acid sinh ra từ môi trường MRS. Nghiên cứu bước đầu cho thấy dịch thủy phân từ men bia có tiềm năng ứng dụng như nguồn đạm bổ sung trong các quá trình lên men vi sinh vật.
Nông nghiệp
Tái sinh chồi cây dưa lưới (Cucumis melo L.) in vitro từ tử diệp
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra nồng độ các chất điều hòa sinh trưởng (BA, Kinetin, IBA và NAA) thích hợp cho quá trình tái sinh chồi, nhân chồi và tạo rễ in vitro của chồi dưa lưới tái sinh từ tử diệp. Thí nghiệm được thực hiện tại Phòng nuôi cấy mô của trường Nông nghiệp, trường Đại học Cần Thơ. Nghiên cứu gồm 3 thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên 2 nhân tố gồm tái sinh chồi trực tiếp từ tử diệp, nhân chồi và tạo rễ in vitro cây dưa lưới. Kết quả cho thấy tử diệp ở vùng gần phôi (3 ngày sau khi gieo) nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung BA 0,5 mg/L cho tỷ lệ tái sinh chồi là 97,5% sau 3 tuần nuôi cấy; môi trường MS + Kinetin 1,0 mg/L + BA 0,5 mg/L cho hiệu quả nhân chồi dưa lưới tốt nhất với 3,4 chồi; môi trường MS bổ sung IBA 0,5 mg/L thích hợp tạo rễ in vitro cây dưa lưới tái sinh từ tử diệp (78,1% và 3,8 rễ) sau 3 tuần.
Ảnh hưởng của phân bón lên năng suất và thành phần hóa học của lá so đũa (Sesbania grandiflora)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được bố trí theo mô hình hoàn toàn ngẫu nhiên trên 48 cây so đũa Thái trắng từ 3 đến 6 tháng tuổi để đánh giá ảnh hưởng của các mức độ phân bón lên năng suất và thành phần dưỡng chất của lá cây. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức (NT), tương ứng với 4 công thức phân (P): NT đối chứng sử dụng phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm (P1), NT P2 dùng phân hữu cơ 2 tấn/ha/năm, NT P3 dùng phân vô cơ 0,8 tấn/ha/năm và phân hữu cơ 2 tấn/ha/năm, và NT P4 dùng phân vô cơ 1,6 tấn/ha/năm và phân hữu cơ 2 tấn/ha/năm. Kết quả cho thấy NT P4 cho năng suất chất xanh và chất khô cao hơn các NT còn lại (P
Ảnh hưởng của phân trùn quế đến sinh trưởng và năng suất cây đậu cove lùn (Phaseolus vulgaris L.) trong điều kiện tưới nước nhiễm mặn
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của các mức độ mặn (0, 1, 2 và 3‰) đến khả năng sinh trưởng, sinh lý của cây đậu cove giai đoạn cây con và ảnh hưởng của liều lượng phân trùn quế (0, 10, 20 và 30 tấn/ha) đến sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng đậu cove lùn trong điều kiện tưới mặn nhân tạo giai đoạn ra hoa. Kết quả thí nghiệm ghi nhận cây đậu cove giai đoạn cây con sinh trưởng tốt ở mức độ mặn 2‰ và độ mặn 3‰ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao cây, chiều dài rễ, sinh khối cây và sinh khối rễ. Tưới mặn 3‰ giai đoạn ra hoa làm giảm chất lượng trái, giảm 18,2% năng suất so với không tưới mặn. Bón 30 tấn/ha phân trùn quế làm tăng năng suất 14,6% so với nghiệm thức chỉ bón phân NPK. Kết quả ghi nhận năng suất đậu cove lùn bón 20 tấn và 30 tấn/ha phân trùn quế khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Vì vậy, sử dụng liều lượng 20 tấn/ha phân trùn quế cho cây đậu cove giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Thủy sản
Ảnh hưởng của tần suất cho ăn và khả năng tăng cường hiệu quả của β-glucan và vitamin C đối với vaccine phòng bệnh Edwarsiella ictaluri lây nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nhịp sử dụng vaccine cho ăn và tiềm năng của β-glucan với vitamin C trong tăng cường hiệu quả vaccine phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra. Thí nghiệm 1 đánh giá nhịp cho ăn vaccine được thực hiện với 5 nghiệm thức vaccine cho ăn các nhịp khác nhau và nghiệm thức đối chứng. Kết quả cho thấy nghiệm thức sử dụng vaccine liên tục 9 ngày có giá trị RPS cao nhất (42±7,07%) khi cảm nhiễm với E. ictaluri, tăng trưởng của cá ở nghiệm thức cho ăn vaccine thấp hơn so với đối chứng nhưng khác biệt không có ý nghĩa (p>0,05). Thí nghiệm 2 bổ sung kết hợp β-glucan và vitamin C vào vaccine cho ăn liên tục trong 9 ngày. Nghiệm thức vaccine kết hợp 2% β-glucan cải thiện RPS (52,4±0%) và hiệu giá kháng thể (6,25±1,77), đồng thời làm giảm tác dụng phụ của vaccine cho ăn. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng bảo hộ của vaccine cho ăn gia tăng khi bổ sung liên tục và β-glucan có thể sử dụng như chất bổ trợ đối với vaccine cho ăn trên cá tra.
So sánh năng suất và hiệu quả tài chính của hai mô hình nuôi thu trứng và sinh khối artemia ở độ mặn thấp
Tóm tắt
|
PDF
Hai mô hình nuôi Artemia được tiến hành đồng thời trên các ao nuôi diện tích 2.000 m2 (2 ao cho mỗi mô hình). Mật độ thả lần lượt là 200 con/L đối với mô hình nuôi sinh khối và 100 con/L đối với mô hình thu trứng. Kết quả cho thấy về yếu tố môi trường nuôi tương tự nhau ở hai mô hình. Mật độ quần thể cao nhất ở mô hình sinh khối là 366 con/L và mô hình thu trứng là 237con/L. Năng suất, mô hình sinh khối thu được 3,04 tấn sinh khối và 14,6 kg trứng/ha/vụ; và mô hình thu trứng thì năng suất 71,5 kg trứng và 520,1 kg sinh khối/ha/vụ. Tổng chi phí cho mô hình nuôi sinh khối là 45,0±9,1 triệu đồng/ha/vụ và lợi nhuận trung bình thu được 74,5±21,5 triệu đồng/ha/vụ cao hơn 1,6 lần so với mô hình thu trứng (45,8± 25,0 triệu đồng/ha/vụ).
Đa dạng thành phần loài và kích cỡ khai thác cá tại vùng biển phía Nam Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Đa dạng loài và kích cỡ cá khai thác ở vùng biển phía Nam Việt Nam được xác định dựa vào 7.088 mẫu vật được thu từ năm 2015 - 2020 trên vùng biển từĐà Nẵng đến Kiên Giang. Kết quả đã xác định được 930 loài, thuộc 442 giống, 153 họ, 41 bộ và 4 lớp. Chiều dài toàn thân cá khai thác dao động 3,5 – 185 cm, cá ở vùng biển ven bờ có chiều dài toàn thân chiếm ưu thế 17 - 20 cm. Nhóm cá khai thác ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa có kích thước lớn, trung bình 45 cm. Chiều dài toàn thân trung bình của cá khai thác theo tháng đều nhỏ hơn 25 cm. Kết quả cũng xác định được có 38 loài nguy cấp thuộc các bậc cực kỳ nguy cấp (Critically endangered - CR), nguy cấp (Endangered - EN) và sẽ nguy cấp (Vulnerable - VU) theo tiêu chuẩn của IUCN (2022) với 3 loài bậc CR, 9 loài bậc EN và 26 loài bậc VU. Theo tiêu chuẩn của Sách đỏ Việt Nam năm 2007 thì có 20 loài nguy cấp bậc VU và EN, trong đó có 7 loài bậc EN và 13 loài thuộc bậc VU. Kết quả của nghiên cứu là dẫn liệu quan trọng cho công tác quản lý khai thác nguồn lợi cá và bảo tồn các loài cá nguy cấp trong tương lai.
Cấu tạo ống tiêu hóa và đặc điểm dinh dưỡng cá đù mõm nhọn, Chrysochir aureus (Richardson, 1846)
Tóm tắt
|
PDF
Cá đù mõm nhọn (Chrysochir aureus) là loài cá nước lợ, mặn, sống ở tầng đáy và thuộc nhóm có giá trị kinh tế, chiếm tỉ trọng 0,1% tổng sản lượng khai thác ở vùng biển Đông Nam Bộ. Nghiên cứu về cấu tạo ống tiêu hóa và đặc điểm dinh dưỡng cá đù mõm nhọn được khảo sát từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022 trên các mẫu thu tại vùng biển từ Sóc Trăng đến Bạc Liêu (từ 105o46’E đến 106o18’E và 8o55’N đến 9o21’N). Cá được thu định kỳ hàng tháng bằng tàu lưới kéo. Tổng số mẫu cá thu thập được gồm 179 mẫu với chiều dài toàn thân dao động 18,0 - 38,0 cm. Mẫu dạ dày cá được thu và cố định trong dung dịch formol 4%. Kết quả cho thấy cá đù mõm nhọn có miệng rộng với hàm trên dài hơn hàm dưới; lược mang thưa và ngắn; thực quản ngắn, vách dày có nhiều nếp gấp; dạ dày hình túi, to và mặt trong có nhiều nếp gấp; manh tràng có 5-7 nhánh; ruột ngắn có vách dày và gấp thành 2 đoạn. Chiều dài ruột tương đối (RLG) nhỏ hơn 1 cho thấy loài cá này thuộc nhóm cá ăn động vật. Có sự thay đổi về thành phần thức ăn giữa cá ở giai đoạn sinh trưởng và cá ở giai đoạn sinh sản, trong đó cá ở...
Giáo dục
Áp dụng quy trình nghiên cứu bài học nhằm phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho giáo viên trung học phổ thông
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này cung cấp thông tin về áp dụng nghiên cứu bài học (NCBH) nhằm phát triển năng lực nhân thức nghiên cứu khoa học (NCKH) của giáo viên trung học phổ thông (GVTHPT). Mô hình nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu này là mô hình nghiên cứu khoa học Sư phạm ứng dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả GVTHPT đều nhận thức rằng tầm quan trọng của việc sử dụng đa dạng các phương pháp trong tập huấn NCBH cũng như việc ứng dụng các biểu mẫu (lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch bài dạy) trong quá trình thực hiện quy trình NCBH là rất cần thiết cho việc thu thập dữ liệu nghiên cứu. Ngoài ra, hầu hết GVTHPT cho rằng các kỹ năng trong thực hiện NCBH tương đồng với các kỹ năng của NCKH; ở mức độ đồng ý rất cao, trong khoảng (4,27 ± 0,77 đến 4,48 ± 0,63). Đặc biệt, các GVTHPT cho rằng “NCBH cũng thu thập số liệu như là thu thập số liệu trong NCKH” ở mức độ rất đồng ý (4,64 ±0,48), điều mà trước đây mọi người chưa nghĩ đến khi thực hiện NCBH. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng mô hình NCBH sẽ phát triển năng lực nhận thức NCKH cho GVTHPT.
Thiết kế hoạt động dạy học nội dung “dinh dưỡng” trong môn khoa học ở lớp 4 theo mô hình 5E nhằm phát triển năng lực khoa học tự nhiên cho học sinh
Tóm tắt
|
PDF
Giáo dục dinh dưỡng cho công dân nói chung và học sinh tiểu học nói riêng là vấn đề cấp thiết, được các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục quan tâm. Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, ở cấp tiểu học giáo dục dinh dưỡng được tích hợp vào nội dung các môn học, đặc biệt là môn Khoa học lớp 4. Bên cạnh đó, nội dung dinh dưỡng có mối liên hệ chặt chẽ với đời sống của học sinh tiểu học. Do đó, việc tổ chức các hoạt động dạy học theo mô hình 5E sẽ khai thác những hiểu biết sẵn có của học sinh, tạo điều kiện để học sinh khám phá, tự tìm ra các kiến thức khoa học dinh dưỡng. Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm sư phạm được sử dụng để đánh giá tiến trình dạy học theo mô hình 5E đối với mạch nội dung dinh dưỡng trong môn Khoa học ở lớp 4 nhằm phát triển năng lực khoa học tự nhiên và đáp ứng mục tiêu giáo dục chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Xã hội-Nhân văn
Đánh giá mối tương quan giữa thực hành du lịch có trách nhiệm và hành vi dự định du lịch có trách nhiệm của khách du lịch
Tóm tắt
|
PDF
Du lịch có trách nhiệm (DLCTN) đã trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nhưng còn ít nghiên cứu tìm kiếm mối quan hệ giữa sự tham gia của khách du lịch (KDL) và hành vi có trách nhiệm. Nghiên cứu này xem xét mối quan hệ giữa thực hành DLCTN của KDL với hành vi dự định DLCTN. Thực hành DLCTN của KDL được đánh giá dựa trên ba khía cạnh: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm văn hóa xã hội và trách nhiệm môi trường. Số liệu nghiên cứu là 220 bảng hỏi từ KDL nội địa đến Thừa Thiên Huế, trong đó 200 bảng hỏi hợp lệ để phân tích. Phương pháp đo lường mô hình cấu trúc với SmartPLS được sử dụng để kiểm tra các giả thuyết. Kết quả nghiên cứu khẳng định các giả thuyết được chấp nhận, có mối quan hệ tích cực giữa thực hành DLCTN với hành vi dự định DLCTN. Trong đó, yếu tố trách nhiệm với môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định hành vi có trách nhiệm của KDL.
Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động của một số phòng ban chức năng tại Trường Đại học Cần Thơ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thiết kế nhằm đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động của một số phòng ban chức năng tại Trường Đại học Cần Thơ. Số liệu thu thập thông qua việc phỏng vấn 250 sinh viên thuộc Trường Kinh tế, Khoa Luật, Khoa Sư phạm, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn theo phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Các phương pháp thống kê mô tả trung bình, kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính được sử dụng để xác định 04 nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đối với hoạt động của một số phòng ban chức năng thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy có 03 yếu tố tác động mạnh đến sự hài lòng của sinh viên: Thái độ (βeta = 0,399), Vật chất và chuyên môn (βeta = 0,235) và Quy trình làm việc (βeta = 0,189). Trong đó, Thái độ có tác động mạnh nhất đến với sự hài lòng. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp phù hợp từ phía sinh viên và nhà trường nhằm giúp sinh viên tiếp cận dễ dàng hơn với một số phòng ban chức năng khi cần.
Diễn ngôn người trần thuật trong truyện ngắn Trần Bảo Định
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu văn học từ góc nhìn diễn ngôn có ý nghĩa thiết thực về mặt khoa học và thực tiễn. Các đặc điểm trong diễn ngôn người kể chuyện qua truyện ngắn của Trần Bảo Định được khái quát trong bài viết. Các thành phần tường thuật, miêu tả, bình luận trong diễn ngôn người kể chuyện được xác định và có sự phân tích, đánh giá thông qua các sáng tác cụ thể. Từ đó, có thể chỉ ra những nét riêng trong lối kể chuyện của nhà văn Trần Bảo Định.
Người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư - Từ góc nhìn tự sự học
Tóm tắt
|
PDF
Bài viết khai thác vấn đề người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư (cụ thể qua hai tiểu thuyết: Sông và Biên sử nước). Tìm hiểu tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn tự sự học, người kể chuyện là một trong những vấn đề trọng tâm thể hiện được những đổi mới trong cách viết của tác giả. Sự đổi mới này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn và giá trị của tác phẩm.
Kinh tế
Ảnh hưởng của chiến lược sinh kế ứng phó với xâm nhập mặn và kinh tế đến thu nhập hộ trồng măng cụt ở tỉnh Bến Tre
Tóm tắt
|
PDF
Xâm nhập mặn năm 2016 ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre cả vùng chưa từng, ít và thường xuyên bị xâm nhập mặn. Vì vậy, nghiên cứu đã đánh giá thay đổi thu nhập của hộ trồng măng cụt từ các hoạt động thích ứng xâm nhập mặn và kinh tế thông qua phỏng vấn 196 hộ trồng măng cụt của tỉnh Bến Tre vào tháng 3/2019. Hộ trồng măng cụt đã chuyển một phần hay toàn bộ diện tích măng cụt sang cây trồng khác (42%). Việc chuyển đổi này đã làm tăng thu nhập cho các hộ trồng măng cụt từ 63 đến 116% và thu nhập từ trồng trọt tăng 79 – 143% năm 2018. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng quá nhanh có khả năng ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ chuyển đổi ở các năm tiếp theo. Các hộ trồng măng cụt cần tiếp thu kiến thức về tiếp cận thị trường và kỹ thuật canh tác cho cả cây măng cụt và cây trồng mới để thích ứng với xâm nhập mặn và tăng thu nhập.
Tác động của các yếu tố kéo và đẩy đến sự hài lòng của khách du lịch nội địa về ẩm thực Huế
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này phân tích các yếu tố tác động đến sự hài lòng của du khách về ẩm thực địa phương thông qua mẫu khảo sát gồm 280 khách du lịch nội địa đến Huế và ứng dụng khung lý thuyết về các yếu tố kéo và đẩy. Sử dụng phương trình cấu trúc PLS-SEM để phân tích dữ liệu, kết quả thu được cho thấy rằng chất lượng món ăn, giá cảm nhận và động lực có tác động tích cực đến sự hài lòng của du khách nội địa về ẩm thực Huế; trong đó, chất lượng món ăn có tác động lớn nhất. Dựa vào đó, một số giải pháp ứng dụng được đề nghị nhằm góp phần nâng cao sự hài lòng của khách du lịch, gồm: phổ cập kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích sử dụng nguyên liệu sạch và an toàn tại địa phương, niêm yết giá bán và thống nhất một giá, và chuyển tải các câu chuyện về các món ăn đặc sản cho khách du lịch.
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận chuyển đổi số của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Chuyển đổi số (CĐS) trở thành xu thế tất yếu và thay đổi ý nghĩa lĩnh vực kinh tế - xã hội. Mục tiêu của bài viết này nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự chấp nhận CĐS của doanh nghiệp bán lẻ (DNBL) tại Việt Nam. Mô hình công nghệ - tổ chức – môi trường (TOE) được sử dụng, kết hợp với định hướng số và tinh thần khởi nghiệp để giải thích sự chấp nhận CĐS của DNBL. Dữ liệu được tập hợp thông qua khảo sát 301 DNBL và kiểm định mô hình đề xuất bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Kết quả chỉ ra các nhân tố của TOE (bao gồm bối cảnh công nghệ, tổ chức và môi trường) ảnh hưởng tích cực tới sự hỗ trợ của nhà quản trị trong chấp nhận CĐS. Hơn nữa, sự hỗ trợ của nhà quản trị, định hướng số và tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò thúc đẩy sự chấp nhận CĐS của DNBL. Cuối cùng, kết luận và một số hàm ý được đề xuất nhằm tăng cường sự chấp nhận CĐS trong DNBL.
Sức khỏe tài chính của giới trẻ trên địa bàn Hà Nội: Vai trò của thảo luận tài chính, hiểu biết tài chính và ý thức tài chính
Tóm tắt
|
PDF
Sức khỏe tài chính đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng và duy trì chất lượng cuộc sống về cả thể chất lẫn tinh thần. Việc nuôi dưỡng sức khỏe tài chính lành mạnh cho thế hệ trẻ lại càng trở nên đặc biệt quan trọng khi đây chính là nguồn lực chính cho sự phát triển của toàn xã hội. Mục tiêu của bài viết là đánh giá vai trò của thảo luận tài chính, hiểu biết tài chính và ý thức tài chính đối với sức khỏe tài chính của giới trẻ trên địa bàn Hà Nội. Dữ liệu nghiên cứu gồm 219 mẫu quan sát và mô hình hồi quy OLS. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thảo luận tài chính và ý thức tài chính ảnh hưởng tích cực và đáng kể tới sức khỏe tài chính của giới trẻ, trong khi tác động của hiểu biết tài chính là không đáng kể. Kết quả nghiên cứu gợi mở một số hàm ý quan trọng nhằm nâng cao hơn nữa sức khỏe tài chính cho giới trẻ.