Ngày xuất bản: 30-06-2021

Tổng hợp và khảo sát khả năng kháng khuẩn của nano bạc trong sơn nước nội thất

Lê Thị Ngọc Hoa, Trần Quang Minh, Huỳnh Trọng Kha, Vũ Năng An
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, hạt nano Ag (AgNPs) hình cầu với kích thước từ 8 – 12 nm đã được tổng hợp thành công bằng phương pháp khử hóa học để làm phụ gia kháng khuẩn cho sơn nhũ tương nội thất. Phương pháp đơn giản và thân thiện với môi trường này được tiến hành với tác nhân khử và chất bảo vệ là glucose (nồng độ 0,4%) và hydroxypropyl methylcellulose (HPMC với nồng độ 0,01%). Tiếp đến, dung dịch nano bạc được cho vào sơn trước khi thêm nhựa nhũ tương. Phương pháp này vẫn duy trì các tính chất lý hóa của sơn, đồng thời vẫn thêm khả năng kháng khuẩn của nano bạc trong sơn. Hiệu quả của nano bạc với vai trò phụ gia kháng khuẩn cho sơn nhũ tương được thử nghiệm lần lượt trên Escherichia coli và Bacillus subtilis thông qua phương pháp vòng kháng khuẩn. Kết quả cho thấy sơn nhũ tương có khả năng diệt khuẩn khi hàm lượng nano bạc trong sơn là 0,1 – 0,5 ppm. Hiệu quả kháng khuẩn của nano bạc trong sơn nhũ tương được duy trì trong khoảng thời gian tối thiểu là 30 ngày.       

Nghiên cứu gắn kết collagen da cá tra lên bề mặt hydroxyapatite từ xương cá tra

Hồ Quốc Phong, Võ Ngọc Gia Ngân, Huỳnh Liên Hương, Yasuaki Takagi, Lê Thị Minh Thủy, Nguyễn Việt Bách
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được tiến hành nhằm gắn kết collagen trích ly từ da cá tra (Pangasiidae) lên bề mặt hydroxyapatite (HA) tổng hợp từ xương cá tra làm tăng khả năng ứng dụng trong lĩnh vực y sinh. Sau khi trích ly, collagen được gắn kết lên bề mặt HA thông qua cầu nối glutaraldehyde. Các hạt HA trước tiên gắn kết với 3 – amino propyl triethoxysilane (APTES) tạo nhóm chức amine trên bề mặt. Glutaraldehyde là cầu nối gắn kết HA và collagen thông qua phản ứng giữa nhóm chức amine và aldehyde. Các yếu tố ảnh đến sự gắn kết như nồng độ collagen, pH dung dịch phản ứng, thời gian và nhiệt độ của phản ứng được tiến hành khảo sát. Kết quả thí nghiệm cho thấy nồng độ collagen 1 mg/mL, dung dịch acetic acid hòa tan collagen có pH 3, thời gian phản ứng 3 giờ và nhiệt độ phản ứng 37C là điều kiện thích hợp để tiến hành gắn kết. Ngoài ra, kết quả chụp SEM cho thấy rằng các hạt HA được chế tạo có kích thước khoảng 1.000 nm và bị phủ một lớp collagen sau khi gắn kết.

Đánh giá hiện trạng và công tác quản lý rác thải điện tử gia dụng tại thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thanh Giao, Lâm Thị Kiều Trinh, La Nguyễn Khiết Linh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng phát sinh, hoạt động thu gom, tái chế và công tác quản lý rác thải điện tử gia dụng tại các phường An Hòa (quận Ninh Kiều), Ba Láng (quận Cái Răng), Long Tuyền (quận Bình Thủy) và Tân Lộc (quận Thốt Nốt) thuộc thành phố Cần Thơ. Phương pháp điều tra  hộ dân đã được áp dụng bằng cách phỏng vấn ngẫu nhiên 120 hộ dân và 16 cơ sở thu mua, xử lý rác thải điện tử gia dụng vào tháng 8/2020. Kết quả ghi nhận được hiện trạng sử dụng các thiết bị điện tử gia dụng dựa vào số lượng thiết bị sử dụng/hộ được sắp xếp theo thứ tự sau: điện thoại di động và quạt điện > ti vi > tủ lạnh > máy điều hòa > máy giặt > máy vi tính, với tỷ lệ trung bình lần lượt là 3,58; 1,48; 1,01; 0,78; 0,72 và 0,50 chiếc/hộ. Tuổi thọ trung bình của các thiết bị tương đối cao dao động từ 6 – 12 năm (ngoại trừ điện thoại di động). Theo kết quả ước tính,  điện thoại và quạt điện là hai thiết bị được sử dụng và có thể có tỷ lệ phát sinh rác thải nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Tại khu vực nghiên cứu chưa triển khai các chương trình thu gom và xử lý an toàn, chủ yếu chỉ bán phế liệu và sửa chữa...

Xác định yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo góc nhìn người sử dụng đất

Nguyễn Minh Thông, Phan Trung Hiền
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, mô hình phân tích nhân tố khám phá (exploratory factor analysis – EFA) và mô hình hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Thông qua thực hiện phỏng vấn điều tra với 100 người sử dụng đất trong vùng quy hoạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến cho thấy quy hoạch sử dụng đất thành phố Cần Thơ bị ảnh hưởng 55,1% bởi các nhóm yếu tố đưa vào mô hình nghiên cứu. Theo kết quả nghiên cứu, có 5 nhóm yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến quy hoạch sử dụng đất tại thành phố Cần Thơ theo góc nhìn người sử dụng đất với mức ý nghĩa thống kê là 1% (xếp theo mức độ từ mạnh đến yếu) gồm: nhóm yếu tố kinh tế, nhóm yếu tố môi trường, nhóm các yếu tố khác, nhóm yếu tố xã hội, nhóm yếu tố thể chế, pháp lý.

Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sơ chế tôm bằng mô hình IFAS có bổ sung vi khuẩn nitrate hóa

Phạm Công Phú, Trương Vũ Luân, Phạm Thảo Trang, Lê Hoàng Việt, Nguyễn Thị Phi Oanh
Tóm tắt | PDF
Trong chế biến thủy sản, nước thải sơ chế tôm chứa nhiều nitrogen dưới dạng ammonium, nitrite và nitrate. Hàm lượng nitrogen còn thừa trong nước thải là nguyên nhân gia tăng các hợp chất có hại cho thủy sản. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả xử lý nước thải sơ chế tôm được tiến hành trên hai mô hình xử lý nước thải IFAS: mô hình có chủng vi khuẩn nitrate hóa Pseudomonas aeruginosa ĐTW3.2 và mô hình đối chứng không chủng vi khuẩn. Với nước thải trước xử lý có nồng độ COD trong khoảng 754,93 ± 94,69 mg/L; BOD5 584,67 ± 17,17 mg/L và N-NH4+ 16,5 ± 1,24 mg/L thì mô hình IFAS có chủng dòng vi khuẩn nitrate hóa Pseudomonas aeruginosa ĐTW3.2 đạt hiệu suất xử lý COD; BOD5 và N-NH4+ lần lượt là 95,18%; 96,78% và 96,2%, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Thành phần hoá học và hoạt tính kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus của các cao chiết cây sổ trai (Dillenia ovata)

Võ Thị Tú Anh, Trần Chí Linh, Nguyễn Thị Nu, Nguyễn Thị Linh Nhi, Vương Thiên Quý , Đái Thị Xuân Trang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện để đánh giá thành phần hoá học và hoạt tính kháng khuẩn của các cao chiết Sổ Trai. Thành phần hóa học của các cao chiết cây Sổ Trai được tìm thấy có chứa alkaloid, flavonoid, steroid, glycoside, saponin, tannin và sesquiterpene lactones. Cao chiết ethyl acetate của lá Sổ Trai và ethyl acatete của gỗ Sổ Trai có hàm lượng flavonoid và polyphenol cao, lần lượt là 309,97±1,47 mg QE/g cao chiết và 44,28±0,15 mg GAE/g cao chiết. Phương pháp khuếch tán trên giếng thạch được sử dụng để đánh giá hoạt tính kháng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu (MBC) được xác định thông qua sự thay đổi màu của resazurin trên đĩa 96 giếng. Kết quả cho thấy cao chiết ethyl acetate của lá Sổ Trai thể hiện hoạt tính kháng khuẩn Vibrio parahaemolyticus mạnh nhất, với nồng độ ức chế tối thiểu và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu lần lượt là 320

Tổng hợp vật liệu nano Fe3O4@SiO2 cấu trúc lõi vỏ có độ từ hóa cao

Lương Huỳnh Vủ Thanh, Thạch Trần Phương Anh, Ngô Tuấn Kiệt, Lý Đức
Tóm tắt | PDF
Mục đích chính của nghiên cứu này là tổng hợp và đánh giá tính chất hóa lý, từ tính của vật liệu nano Fe3O4 và Fe3O4@SiO2 có cấu trúc lõi−vỏ, với quá trình thực hiện đơn giản, tiết kiệm. Vật liệu Fe3O4@SiO2 được tổng hợp từ hạt nano Fe3O4 được tạo thành bằng phương pháp đồng kết tủa và bao phủ bởi lớp SiO2 bằng cách sử dụng các phân tử silane từ tetraethyl orthosilicate (TEOS) làm tác nhân chuyển pha và môi trường phủ là một base mạnh (NaOH). Kết quả phân tích nhiễu xạ tia X cho thấy hạt nano Fe3O4 có độ kết tinh cao. Kết quả phân tích hiển vi điện tử quét và hiển vi điện tử truyền qua chỉ ra rằng hạt nano sắt từ thu được có hình khối bát giác với kích thước khá đồng đều khoảng 25 nm kể cả lớp phủ SiO2. Phân tích hồng ngoại biến đổi Fourier cho vật liệu Fe3O4@SiO2 thấy được các mũi Si-O-Si, O-Si-O, Fe-O, Fe-O-Si xuất hiện trên phổ đã minh chứng cho sự tồn tại của silica trên bề mặt hạt nano Fe3O4. Tính siêu thuận từ của vật liệu được khẳng định thông qua kết quả từ kế mẫu rung và độ từ hóa (VSM) của Fe3O4 và Fe3O4@SiO2 lần lượt là 90,54 emu/g và 68,42 emu/g.

Sự đa dạng của bọ đuôi bật (Collembola) ở vườn quốc gia ba vì

Nguyễn Thị Thu Anh, Phùng Thị Hồng Lưỡng, Nguyễn Đức Anh
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đa dạng thành phần loài và phân bố của bọ đuôi bật (Collembola) được thực hiện trên 3 kiểu sinh cảnh đại diện của hệ sinh thái rừng thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì: rừng tự nhiên, rừng trồng, trảng cỏ cây bụi. Mẫu vật được thu bằng dụng cụ chuyên dụng theo 2 mùa trong năm bằng phương pháp thu mẫu được mô tả bởi Gorny & Grum (1993). Các mẫu vật được tách ra khỏi đất bằng phễu Berlese Tullgren trong thời gian 7 ngày. Quần xã Collembola ở vườn quốc gia Ba Vì khá đa dạng về thành phần họ, giống, loài. Trong 3 sinh cảnh nghiên cứu, rừng tự nhiên là sinh cảnh đa dạng nhất, được đặc trưng bởi sự có mặt của các loài có nguồn gốc từ rừng, đó là Lepidonella annucornis, Callyntrura sp.2, Dicranocentroides clitellatus, Arrhopalites sp.1, Ptenothrix sp.1. Loài đặc trưng cho sinh cảnh rừng trồng là Pseudachorutes dubius; đặc trưng cho trảng cỏ là Sminthurus sp.1, Neosminthurus sp.1. Đa dạng các nhóm phân loại, nhóm dạng sống của Collembola thay đổi khác nhau phụ thuộc vào điều kiện sinh thái cụ thể của sinh cảnh. Quần xã bọ đuôi bật (Collembola) có thể được xem như nhóm sinh vật chỉ thị cho loại hình thảm thực vật và mức độ tác động nhân tác đến môi trường đất.

Xác định điện trường khí quyển bằng sóng điện từ phát ra từ cơn mưa hạt vật chất

Trịnh Thị Ngọc Gia, Nguyễn Thị Kim Ngọc, Trương Đỗ Anh Kha, Lê Thị Như Ý
Tóm tắt | PDF
Bức xạ vô tuyến phát ra từ cơn mưa hạt trong điều kiện giông bão được trình bày trong bài báo này. Đồ thị cường độ bức xạ và đồ thị phân cực của các cơn mưa hạt trong điều kiện thời tiết giông bão rất khác so với đồ thị tương ứng của cơn mưa hạt được thu trong điều kiện thời tiết bình thường. Bằng phương pháp tối ưu hóa, nghiên cứu chỉ ra rằng điện trường khí quyển mà các cơn mưa hạt trong điều kiện giông bão đi qua thường có cấu trúc ba lớp. Thành phần nằm ngang của điện trường thường có giá trị khá lớn ở lớp giữa và lớp trên cùng. Độ cao của lớp dưới cùng thay đổi theo mùa.

Mô hình hóa các nguồn dị thường từ dựa trên sự kết hợp giữa phép biến đổi wavelet và thuật toán Marquardt

Dương Quốc Chánh Tín, Dương Hiếu Đẩu, Phạm Ngọc Ngân, Nguyễn Thanh Hải, Danh An
Tóm tắt | PDF
Trong Địa Vật lý thăm dò, lời giải bài toán ngược trường thế giữ vai trò rất quan trọng, góp phần minh giải định lượng các thông số đặc trưng của nguồn trường gây ra dị thường khảo sát, tuy nhiên công việc này thường gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn cơ bản là nghiệm toán học không đơn nhất, vì luôn tồn tại một số mô hình phù hợp để mô phỏng số liệu quan sát với sai số nằm trong khoảng cho phép. Trong bài báo, phép biến đổi wavelet liên tục sử dụng hàm wavelet phức Farshad-Sailhac và thuật toán tối ưu của Marquardt được nghiên cứu kết hợp và ứng dụng để mô phỏng các nguồn dị thường từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho phép xác định các thông số đặc trưng của nguồn gồm: vị trí trên bình đồ, độ sâu, hình dạng, kích thước ba chiều và vector từ hóa dư. Từ kết quả phân tích, những luận giải phù hợp về bản chất địa chất của các nguồn gây ra dị thường từ ở khu vực nghiên cứu được thiết lập, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng kết hợp các phương pháp Địa Vật lý ở Việt Nam.

Đa dạng họ lan (Orchidaceae) ở nam bộ với ghi nhận mới một loài thuộc chi Dendrobium cho hệ thực vật Việt Nam

Nguyễn Minh Ty, Đặng Minh Quân, Nguyễn Vinh Hiển, Lê Minh Dũng, Trương Bá Vương, Đặng Văn Sơn
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đa dạng họ Lan (Orchidaceae) ở Nam Bộ được thực hiện trong hai năm 2018 và 2019 nhằm mục tiêu đánh giá được thực trạng đa dạng thành phần loài lan ở vùng này. Các phương pháp được sử dụng bao gồm: phương pháp điều tra thực địa và thu mẫu, phương pháp so sánh hình thái kết hợp với tra cứu các tài liệu chuyên ngành về họ Lan. Kết quả nghiên cứu đã xác định được họ Lan ở vùng nghiên cứu có 324 loài thuộc 84 chi. Trong đó, tất cả các loài đều có giá trị làm cảnh, 22 loài làm thuốc và 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 324 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ và 324 loài trong danh lục của CITES. Dạng sống của các loài lan cũng được ghi nhận, bao gồm: 247 loài Phong lan (Epi); 60 loài Địa lan (Ter); 4 loài Lan hoại sinh (Sap); 8 loài vừa Thạch lan (Lit) và Phong lan (Epi), 3 loài vừa Thạch lan (Lit) và Địa lan (Ter), 2 loài vừa Phong lan (Epi) và Địa lan (Ter). Đặc biệt, ghi nhận mới 1 loài là Hoàng thảo indragiri (Dendrobium indragiriense Schltr.) cho hệ thực vật Việt Nam và bổ sung 64 loài cho hệ thực vật Nam Bộ.

Khác biệt về hệ phiên mã dưới tác động của mặn lên 2 giống lúa mùa ở giai đoạn cây con

Huỳnh Kỳ, Văn Quốc Giang, Nguyễn Văn Mạnh, Trần In Đô, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Nguyễn Lộc Hiền
Tóm tắt | PDF
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trong đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó xâm nhiễm mặn là một trong những yếu tố tác động chính lên sản lượng nông nghiệp. Do đó, việc tìm ra hệ gien biểu hiện ở các giống lúa chống chịu mặn đại diện cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là cấp thiết. Ở nghiên cứu này giống Đốc Phụng đại diện cho kiểu gien chống chịu stress mặn, nếp Mỡ đại diện cho kiểu gen mẫn cảm stress mặn, 2 giống lúa được chọn cho nảy mầm và 14 ngày sau nảy mầm, cây con được xử lý muối NaCl ở nồng độ 100 mM cho 12 giờ, mẫu sau khi xử lý stress mặn được thu thập và ly trích RNA. Kết quả phân tích hệ gien biểu hiện cho thấy giống Đốc Phụng (1596 gen) có số lượng gen biểu hiện nhiều hơn giống nếp Mỡ (427 gen), và hầu hết các gen ở hai giống thí nghiệm đều phản ứng tới stress mặn liên quan đến chức năng kích thích phản ứng bởi stress. Kết quả này bước đầu đã chọn ra được các gien liên quan đến phản ứng stress mặn như họ gien OsDREB, và có thể dùng tiếp cho nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Nghiên cứu thanh hạt ăn liền bổ sung hạt chanh dây

Hoàng Quang Bình, Đặng Thành Duy , Lê Trung Thiên
Tóm tắt | PDF
Hạt chanh dây có chứa hợp chất kháng oxy hóa, chất xơ, chất béo thiết yếu tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hạt chanh dây hiện nay chỉ mới được biết đến là nguồn phụ phẩm của quá trình chế biến nước chanh dây. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng ứng dụng hạt chanh dây trong chế biến thanh hạt ăn liền. Kết quả nghiên cứu cho thấy hạt chanh dây chiếm 26,7% tổng khối lượng trái, nhưng chiếm 52,82% khối lượng polyphenol toàn trái. Độ giòn xốp của hạt chanh dây được cải thiện khi hạt được xử lý với dung dịch NaHCO3 3% trong 16 giờ; hạt sau đó được sấy ở 60  đến ẩm 9-10%, rang hạt. Thanh hạt ăn liền chế biến theo công thức 2 có thành phần hạt chanh dây chiếm 15%, hạt đậu nành, hạt điều, hạt mè, hạt hướng dương, hạt gạo lức, hạt đậu phộng, mật ong, glucose syrup nhận được nhiều sự yêu thích về cảm quan của các cảm quan viên. Sản phẩm chế biến từ công thức này, trong 100g có carbohydrate 49,2 g, chất béo 25,3 g, hàm lượng protein 17,2 g, năng lượng 493 kcal/100g, hàm lượng polyphenol 367 mg GAE/100 g vật chất khô, hoạt tỉnh kháng oxy hóa DPPH 561,64 AAE g/ 100g vật chất khô. Sau 30 ngày bảo quản ở nhiệt độ phòng, mẫu sản phẩm được bao gói trong bao polyamide và...

Hiệu quả của phân gà, phân trùn quế và phân hóa học đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái đậu bắp đỏ (Abelmoschus esculentus (L.) Moench)

Tất Anh Thư, Lê Vĩnh Thúc, Đặng Kiều Nhân, Bùi Triệu Thương
Tóm tắt | PDF
Nhằm đánh giá ảnh hưởng của các nguồn cung cấp dinh dưỡng khác nhau và liều lượng phân bón đến sự phát triển, năng suất và chất lượng trái đậu bắp đỏ Rado 309. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, hai nhân tố, ba lần lặp lại. Nhân tố A là ba công thức phân bón (1) 120 N – 60 P2O5 – 60 K2O, (2) 60 N – 30 P2O5 – 30 K2O và (3) 30 N – 30 P2O5 – 30 K2O). Nhân tố B là ba nguồn cung cấp dinh dưỡng (1) phân hóa học, (2) phân trùn quế và (3) phân gà. Lượng đạm cần thiết được đáp ứng bởi chính nguồn phân bón, lượng lân và kali không đủ đáp ứng sẽ được bổ sung thêm từ phân lân và phân kali (dạng phân đơn). Các chỉ tiêu theo dõi gồm chiều cao cây (cm), đường kính cây (cm), chỉ số SPAD, chiều dài trái, đường kính trái, số trái/cây và năng suất. Kết quả cho thấy các nguồn cung cấp dinh dưỡng khác nhau cóảnh hưởng rõ rệt đến năng suất và chất lượng trái đậu bắp. Bón phân hóa học có độ Brix thấp nhất và hàm lượng NO3-cao nhất. Ngược lại, bón phân hữu cơ (phân gà và phân trùn quế) cho độ Brix cao và hàm lượng NO3- thấp hơn so với bón phân hóa học...

Xác định đặc tính hình thái và hóa học phẫu diện đất phèn nhiễm mặn của hệ thống canh tác lúa-tôm tại xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu

Nguyễn Quốc Khương, Lê Vĩnh Thúc, Nguyễn Minh Phụng, Phan Chi Nguyen, Trần Ngọc Hữu, Lý Ngọc Thanh Xuân
Tóm tắt | PDF
Mục tiêu của nghiên cứu đánh giá đặc tính hình thái và hóa học của phẫu diện đất phèn nhiễm mặn ở hệ thống canh tác lúa-tôm. Mô tả đặc tính hình thái dựa trên bảng so màu Munsell đối với ba phẫu diện của xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Thu mẫu đất theo tầng phát sinh trên ba phẫu diện canh tác lúa-tôm để phân tích đặc tính hóa học đất. Kết quả hình thái cho thấy phẫu diện đất HD-LN-01 thuộc đất phèn tiềm tàng xuất hiện rất sâu, nhiễm mặn trong khi phẫu diện đất HD-LN-02 và HD-LN-03 được phân loại là đất phèn hoạt động xuất hiện sâu, nhiễm mặn. Đối với đặc tính hóa học, giá trị pHKCl tầng đất mặt nhỏ hơn 4,50. Hàm lượng đạm tổng số ở đất tầng mặt được đánh giá ở mức thấp, lượng đạm hữu dụng dao động 3,98-9,07 mg NH4+ kg-1. Hàm lượng tổng số được đánh giá ở mức nghèo, với hàm lượng lân dễ tiêu ở đất tầng mặt 1,93-8,34 mg P kg-1. Ngoài ra, hàm lượng lân khó tan gồm lân nhôm, lân sắt và lân calcium cao. Hàm lượng Na+ trao đổi dao động 4,17-4,99 meq Na+ 100 g-1 đất. Hàm lượng chất hữu cơ được đánh giá ở mức rất thấp đến thấp.

Ảnh hưởng của vùng sinh thái đến tính trạng chất lượng của 20 giống lúa rẫy

Chung Trương Quốc Khang, Huỳnh Như Điền, Lê Thị Hồng Thanh, Nguyễn Văn Mạnh, Trần In Đô, Phạm Thị Bé Tư, Văn Quốc Giang, Nguyễn Châu Thanh Tùng, Nguyễn Lộc Hiền, Huỳnh Kỳ
Tóm tắt | PDF
Sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam khá đa dạng, đây là một ưu thế cho sự phát triển các giống lúa khác nhau tạo nên đặc trưng riêng của từng vùng. Nhằm đa dạng nguồn gen, trong nghiên cứu này, 20 giống lúa rẫy được thu thập tại các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên làm vật liệu và tiến hành phân tích, so sánh sự khác nhau của một số chỉ tiêu chất lượng: chiều dài hạt, amylose, mùi thơm khi được trồng tại hai vùng sinh thái là tỉnh Buôn Ma Thuột (Tây Nguyên) và tỉnh Trà Vinh (Đồng bằng sông Cửu Long). Kết quả ghi nhận đa số các giống lúa được trồng tại Trà Vinh đều có chiều dài hạt gạo dài (80% giống) và hàm lượng amylose (60% giống) cao hơn khi được trồng tại Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã tuyển chọn được 6 giống lúa đều thuộc nhóm lúa hạt dài, mềm cơm, dẻo. Trong đó, 2 giống Ba Bơ Nhã và Ba Hlang thích hợp trồng ở cả hai vùng sinh thái; 2 giống lúa canh tác ở Trà Vinh là giống Ba Ĩe và giống Pkoih (lúa thơm); đối với vùng Buôn Ma Thuột có thể sử dụng 2 giống là Nâm và Ba Kong Brum. Kết quả thí nghiệm này là bước đầu có thể cung cấp nguồn gen lúa chất lượng cho 2 vùng sinh thái Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệu quả của các chủng virus Spodoptera exigua Nucleopolyhedrovirus (seNPV) trên sâu xanh da láng, Spodoptera exigua (Lepidoptera: Noctuidae) trong điều kiện phòng thí nghiệm

Trương Thanh Xuân Liên, Dương Thị Thu Nhi, Trần Văn Hai, Trịnh Thị Xuân
Tóm tắt | PDF
Sâu xanh da láng, tên khoa học là Spodoptera exigua (Lepidoptera: Noctuidae) là đối tượng gây hại chủ yếu trên nhiều loại rau màu tại ĐBSCL. Sử dụng thuốc hóa học hầu như không hiệu quả vì sâu đã phát triển tính kháng thuốc. Tác nhân gây bệnh côn trùng, Spodoptera exigua nucleopolyhedrovirus (SeNPV) đã được phát triển như một loại thuốc trừ sâu sinh học thương mãi để kiểm soát đối tượng này. Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định giá trị LC50 và LT50 của virus SeNPV chống lại ấu trùng sâu từ tuổi 1 đến tuổi 5 với phương pháp nhỏ giọt thức ăn. Kết quả cho thấy giá trị LC50 (nồng độ gây chết 50% cá thể) của virus SeNPV đối với sâu tuổi 1, 2, 3, 4 và 5 lần lượt là (2,0-8,6) x 101 OBs/ml; (0,22-20) x 102 OBs/ml; (17-0,31) x 103 OBs/ml; (0,14-7,8) x 105 OBs/ml và (1,5-0,32) x 107 OBs/ml. Thời gian gây chết 50% cá thể (LT50) của sâu từ tuổi 1 đến tuổi 5 dao động lần lượt từ 62,26 tới 69,00 giờ sau khi lây nhiễm (h.p.i); 102,00 tới 113,26 h.p.i; 123,24 tới 127,99 h.p.i; 139,51 tới 152,50 h.p.i và 163,51 tới 180,50 h.p.i.

Nghiên cứu sự chuyển hoá sinh lý, hóa sinh theo tuổi phát triển của quả cà chua (Solanum lycopersicum L.) trồng tại thanh hóa

Lê Văn Trọng, Hà Thị Phương
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu sự chuyển hóa sinh lý, hóa sinh theo tuổi phát triển của quả cà chua, giống NHP11 trồng trong vụ Xuân 2019 tại tỉnh Thanh Hóa từ khi hình thành cho đến khi quả chín nhằm xác định thời điểm chín sinh lý là cơ sở cho việc thu hái và bảo quản quả được tốt hơn. Kết quả cho thấy quả cà chua đạt kích thước gần như tối đa khi được 46 ngày tuổi. Hàm lượng diệp lục a và b tăng dần từ khi quả mới hình thành đến 26 ngày tuổi, sau đó giảm nhanh đến khi quả chín, hàm lượng carotenoid tăng dần đến khi quả chín. Hàm lượng tinh bột và acid hữu cơ tổng số tăng dần và đạt cực đại khi quả 26 ngày tuổi, sau đó giảm dần. Hàm lượng đường khử và vitamin C tăng lên trong suốt những giai đoạn đầu và đạt giá trị cao nhất ở 46 ngày tuổi, sau đó giảm xuống. Hoạt độ của α - amylase biến động phù hợp với sự biến động của tinh bột và đường khử, hoạt độ cactalase tăng dần và đạt cực đại khi quả được 46 ngày, hoạt độ peroxydase tăng liên tục cho đến khi quả chín. Kết quả này cho thấy quả cà chua nên được thu hoạch ở độ chín sinh lý (46 ngày tuổi) để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và chất lượng của quả trong quá trình bảo quản.

Đề xuất mô hình nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

Nguyễn Văn Nhiều Em
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đề xuất các mô hình nông nghiệp đô thị mang hiệu quả cao, bền vững, hài hòa giữa giá trị kinh tế-xã hội và môi trường. Phương pháp nghiên cứu bao gồm thu thập số liệu thứ cấp, phỏng vấn 51 chuyên gia (KIP) về lĩnh vực nông nghiệp đô thị, 10 cuộc thảo luận PRA và đánh giá thích nghi đất đai, phỏng vấn 182 nông hộ tại Thành phố Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống nông nghiệp đô thị ở Thành phố Sóc Trăng tương đối đa dạng về mô hình canh tác và quy mô canh tác. Cơ cấu nông nghiệp có đủ 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Nghiên cứu đã xác định được 23 chỉ tiêu quan trọng cho quy hoạch và phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố Sóc Trăng theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã đề xuất được 6 mô hình tiềm năng phát triển ở khu vực đô thị Thành phố Sóc Trăng, cụ thể cho vùng nội ô có: (1) hoa kiểng, (2) nấm bào ngư, (3) rau thủy canh; cho vùng ven đô có: (4) lúa chất lượng cao, (5) rau an toàn và (6) bò sữa- hầm ủ Biogas (vùng ven đô).

Hiện trạng khai thác và nguồn lợi ốc cà na (Tomlinia frausseni Thach, 2014) khu vực biển ven bờ tỉnh Trà Vinh

Trần Văn Tiến, Ngô Thị Thu Thảo, Lê Thị Cẩm Hà, Nguyễn Văn Tú
Tóm tắt | PDF
Tomlinia frausseni Thach, 2014 - ốc Cà na, loài có giá trị làm thực phẩm, phân bố chủ yếu ở khu vực vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu hiện trạng khai thác ốc Cà na khu vực biển ven bờ tỉnh Trà Vinh được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2018 thông qua phỏng vấn trực tiếp 42 ngư dân về khía cạnh kỹ thuật, khía cạnh tài chính và những khó khăn, thuận lợi. Nguồn lợi ốc Cà na được ước tính dựa trên phương pháp Sản lượng-Cường lực khai thác (Catch–Effort methods) trong khoảng thời gian từ 12 tháng 5 đến 19 tháng 9 năm 2019.  Kết quả cho thấy nghề khai thác ốc bắt đầu từ năm 2011, mùa vụ khai thác từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, và khu vực khai thác chính tại vùng biển ven bờ. Phương thức khai thác chủ yếu là sử dụng bẫy lồng với công suất tàu trung bình 31,36 ± 2,23 CV và trọng tải trung bình 2,85 ± 0,13 tấn/tàu. Sản lượng khai thác trung bình năm đạt 6.432,74 ± 207,98 kg. Tổng chi phí trung bình cho một chuyến đi biển 1,33 ± 0,03 triệu đồng và tổng doanh thu 1,87 ± 0,10 triệu đồng. Tỉ suất lợi nhuận của nghề là 0,40 ± 0,07 triệu đồng cho một chuyến biển. Nguồn lợi ốc Cà na vùng biển ven bờ tỉnh Trà Vinh là 73.904 ± 6.684 kg...

Sử dụng phân bón vô cơ trong nuôi sinh khối tảo Scenedesmus sp.

Huỳnh Thị Ngọc Hiền, Huỳnh Thanh Tới, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm xác định ảnh hưởng của nguồn dinh dưỡng (NPK, Walne và BG11) và liều lượng phân bón NPK (16:16:8) đến tăng trưởng sinh khối tảo Scendesmus sp. Nghiên cứu được thực hiện với hai thí nghiệm gồm so sánh tăng trưởng quần thể tảo nuôi bằng các nguồn sinh dinh dưỡng khác nhau (NPK, BG11 và Walne), và so sánh tăng trưởng quần thể tảo được nuôi ở nồng độ NPK khác nhau. Tảo được bố trí nuôi trong bình thủy tinh 8 L với mật độ ban đầu là 2×106 tb/mL. Ánh sáng được cung cấp từ đèn LED, cường độ chiếu sáng 3000 Lux, thời gian chiếu sáng 24/24, sục khí liên tục trong suốt thời gian thí nghiệm, trong phòng có điều chỉnh nhiệt độ (24,4±0,4 oC). Kết quả cho thấy tảo Scenedesmus sp. nuôi bằng NPK đạt mật độ cực đại là 35,1±1,1×106 tb/mL vào ngày 13 và khối lượng khô là 13,0±1,2 pg/tb, cao hơn so với các nghiệm thức còn lại, hàm lượng protein và lipid lần lượt là 42,9% và 5,0% khối lượng khô. Tảo Scenedesmus sp. đạt mật độ tảo cao nhất (33,2±0,2×106 tb/mL) khi nuôi với liều lượng NPK 50 mg/L sau 13 ngày nuôi. Do đó, phân NPK có thể sử dụng trong nuôi sinh khối tảo Scenedesmus sp. với liều lượng 50 mg/L để đạt mật độ cao nhất.

Chọn lọc vi khuẩn Bacillus sp. từ ao nuôi tôm quảng canh có khả năng phân hủy hữu cơ và kháng Vibrio parahaemolyticus gây bệnh trên tôm thẻ

Phạm Thị Tuyết Ngân, Vũ Hùng Hải, Vũ Ngọc Út, Huỳnh Trường Giang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng phân hủy vật chất hữu cơ và ức chế vi khuẩn gây bệnh (V. parahaemolyticus) của vi khuẩn Bacillus sp. phân lập từ bùn đáy ao nuôi tôm quảng canh (ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau). Kết quả đã thu được 83 chủng vi khuẩn (44 chủng có hình que ngắn, số còn lại có hình que dài và oval) được xác định là Gram dương, phản ứng oxidase và catalase dương tính, có khả năng di động và hình thành bào tử. Mười ba chủng (CM3.1, CM2.2, TV3.1, BT1.2, TV1.2, NH1.2, TB3.2, TB3.3, NH4.1, DH2.1, NH2.2, CN1.3, TB4.3) có khả năng kháng với V. parahaemolyticus (đường kính kháng khuẩn 2,05-13,05 mm). Trong số các chủng này, CM3.1 và TV1.3 có hoạt tính enzyme α-amylase, protease, cellulose cao có thể sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo để phát triển chế phẩm vi sinh phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Hàm lượng dinh dưỡng môi trường nước tự nhiên khu vực nuôi cá tra tỉnh An Giang

Trần Trung Giang, Âu Văn Hóa, Trương Quốc Phú, Huỳnh Trường Giang, Vũ Ngọc Út
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm đánh giá các hàm lượng dinh dưỡng trong môi trường nước tự nhiên tại các khu vực nuôi cá tra tại tỉnh An Giang. Kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra những nhận định, cảnh báo để có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp về chất lượng nước để hướng đến phát triển nghề nuôi cá tra bền vững của vùng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong khu vực. Mẫu nước tầng mặt và mẫu bùn đáy đánh giá được thu tại 3 điểm ở sông Hậu và 3 điểm các kênh cấp tại các khu vực nuôi cá tra thâm canh của tỉnh. Thời gian thu mẫu được thực hiện 4 đợt trong năm. Kết quả cho thấy hàm lượng dinh dưỡng tại các điểm thu ở Kênh cấp nội đồng có giá trị cao hơn so với các điểm thu ở sông Hậu. Vào các đợt mùa khô, hàm lượng dinh dưỡng có xu hướng cao hơn so với mùa mưa, đặc biệt là các điểm thu ở kênh cấp nội đồng. Chất lượng nước tại các thủy vực tự nhiên xung quanh khu vực nuôi cá tra thâm canh chịu tác động trực tiếp từ hoạt động nuôi, trao đổi nguồn nước phục vụ nuôi cá. Các hàm lượng phosphate, tổng nitơ (TN) và tổng phốtpho (TP) trong nước có giá trị cao tại các điểm thu mẫu, cần có các biện pháp theo dõi,...

Đánh giá hiệu quả miễn dịch của vaccine phòng bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)

Lê Minh Khôi, Từ Thanh Dung, Bùi Thị Bích Hằng, Eng Khuan Seng, Seah Keng Hian, Trần Thị Tuyết Hoa, Đặng Thụy Mai Thy
Tóm tắt | PDF
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila là một tác nhân gây bệnh xuất huyết và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đến nghề nuôi cá tra thâm canh. Vì vậy, việc phát triển một loại vaccine hiệu quả để bảo vệ cá tra chống lại A. hydrophila là rất cần thiết. Các chủng vi khuẩn A. hydrophila độc lực cao được sàng lọc để xác định giá trị LD50. Đánh giá khả năng bảo hộ của vaccine sau 40 ngày tiêm chủng với 4 nghiệm thức được tiêm vaccine và 1 nghiệm thức đối chứng (không tiêm vaccine). Kết quả đánh giá vaccine thông qua cảm nhiễm cho thấy vaccine đã bảo vệ cá tra với giá trị tỷ lệ bảo hộ tương đối cao lên đến 90-100% chống lại dòng vi khuẩn A. hydrophila AH03. Kết quả phân tích ngưng kết miễn dịch cho thấy mức kháng thể đặc hiệu tăng lên ở các nghiệm thức tiêm vaccine sau 10 ngày (3,5-7) và giảm nhẹ (5-8) sau 40 ngày tiêm vaccine. Tóm lại, vaccine A. hydrophila bất hoạt là một sản phẩm đầy hứa hẹn cung cấp khả năng bảo hộ cao cho cá tra nuôi.

Nghiên cứu nuôi lươn (Monopterus albus Zuiew, 1793) kết hợp rau ngổ (Enhydra fluctuans Lour) ở các hình thức nuôi khác nhau

Tôn Thị Hồng Thắm, Nguyễn Tiệp Khắc, Đặng Nguyệt Minh, Trần Ngọc Hải, Hứa Thái Nhân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định phương pháp nuôi kết hợp lươn Monopterus albus với rau ngổ Enhydra fluctuans phù hợp nhằm góp phần giảm ô nhiễm nitrogen trong môi trường và tăng năng suất trong mô hình nuôi lươn và rau. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên gồm 3 nghiệm thức (NT) với 3 hình thức nuôi khác nhau gồm: 1) kết hợp gián tiếp bằng cách hàng tuần sử dụng 100% nước từ bể lươn cung cấp cho bể rau (NT1_lươn, rau); 2) kết hợp trực tiếp lươn với rau trong cùng một bể (NT2_lươn+rau); và 3) nuôi lươn kết hợp rau theo hệ thống aquaponic (NT3_aqua.lươn, rau). Lươn (52 g/con) được bố trí với mật độ 1,5 kg/bể (9,4 kg/m3) và rể rau ngổ giống ban đầu là 1,0 kg/bể. Lươn được cho ăn thức ăn viên 2 lần/ngày theo nhu cầu. Thời gian thí nghiệm là 90 ngày. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu môi trường TAN (0,25-7,41mg/L), NO2- (0,27-1,91 mg/L), NO3- (31,28-57,69 mg/L), PO43- (8,54-9,83 mg/L), trong đó NT3 luôn thấp và ổn định hơn các NT còn lại. Tăng trưởng (0,124 g/ngày) và chiều dài (0,011 cm/ngày) của lươn cao nhất là ở NT2 nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với các NT còn lại. Tương tự sinh khối rau ngổ ở NT3 là cao nhất 3,4 kg/m2 khác biệt có ý nghĩa thống kê (p

Mức độ thích ứng trong hoạt động học tập của sinh viên người dân tộc Khmer tại Trường Đại học Cần Thơ

Ngô Thị Thanh Thúy, Nguyễn Ánh Minh, Nguyễn Ngọc Lẹ
Tóm tắt | PDF
Bài viết áp dụng phương pháp điều tra xã hội học hướng tới mục đích tìm hiểu mức độ thích ứng trong ba hoạt động chính: hoạt động tự học, hoạt động học trên lớp và hoạt động ngoại khóa của sinh viên Khmer đối với môi trường học tập tại Trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy sinh viên Khmer khá thích ứng trong hoạt động tự học và có tính đa dạng trong cách thức lựa chọn tự học. Sinh viên tương tác trong lớp học với giảng viên chỉ ở mức trung bình, có quan hệ tương quan thuận giữa khả năng thích ứng trong học tập với mức độ đóng góp ý kiến. Đối với hoạt động ngoại khóa, sự tham gia của sinh viên với các hoạt động sinh hoạt của chi hội, hoạt động thể thao, văn nghệ, câu lạc bộ, tham gia tình nguyện đều ở mức trung bình và thời gian gắn bó không nhiều. Từ kết quả nêu trên, một số giải pháp được đề xuất cho nhà trường, giáo viên và sinh viên nói chung, kể cả sinh viên Khmer, nhằm nâng cao năng lực, tránh sự thụ động trong học tập của sinh viên Khmer.

Bàn về nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh “Cần Thơ”

Đào Ngọc Cảnh
Tóm tắt | PDF
Thành phố Cần Thơ là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Trong tiến trình lịch sử, vùng đất Cần Thơ có những tên gọi khác nhau, trong đó có tên gọi “Cần Thơ”. Tên gọi này chính thức ra đời năm 1876 khi chính quyền bảo hộ Pháp thành lập hạt Cần Thơ, sau đổi thành tỉnh Cần Thơ. Về tên gọi “Cần Thơ” đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bài viết này nhằm trao đổi ý kiến để góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi “Cần Thơ” và một số tên gọi liên quan. 

Giải quyết hệ quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam

Huỳnh Thị Trúc Giang
Tóm tắt | PDF
Do ảnh hưởng của tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam, các mối quan hệ vợ chồng chỉ được thực hiện theo phong tục truyền thống. Dần dần, có nhiều đôi nam nữ chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn theo đúng trình tự thủ tục của quy định pháp luật, dù họ đã có thời gian chung sống lâu dài, thậm chí đã có con chung và tài sản chung. Vấn đề này cần có các quy định pháp luật đề điều chỉnh nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn đã có các quy định liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, đến khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được ban hành và có quy định về điều khoản chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 131 đã dẫn đến một số quan điểm trái chiều về việc áp dụng luật để giải quyết mối quan hệ chung sống như vợ chồng của nam và nữ. Bằng phương pháp tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá văn bản pháp luật, bản án giải quyết về các trường hợp chung sống như vợ chồng, bài viết trình bày và phân tích các trường hợp có thể xảy ra khi lựa chọn quy phạm pháp luật để giải quyết về quan hệ hôn nhân và tài sản của hai bên...