Ngày xuất bản: 28-06-2023

Nghiên cứu quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già (Musa paradisiaca L.) và khảo sát hoạt tính sinh học của dịch chiết đối với sâu tơ (Plutella xylostella)

Nguyễn Thị Việt Huỳnh, Huỳnh Tuyết Đào, Nguyễn Quốc Châu Thanh, Nguyễn Trọng Tuân, Hồ Ngọc Tri Tân, Đặng Huỳnh Giao
Tóm tắt | PDF
Hằng năm, ngành nông nghiệp đã sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau để xử lý sâu bệnh gây hại. Trong đó, các loại chế phẩm sinh học luôn được ưa chuộng vì bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng và hạn chế ngộ độc nông sản. Nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình trích ly dịch chiết thô lá chuối già (Musa paradisiaca L.) bằng phương pháp ngâm trích và khảo sát khả năng diệt trừ sâu tơ (Plutella xylostella) của dịch chiết. Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình ngâm trích đã đưa ra các điều kiện tối ưu như dung môi ngâm là ethanol 99%; tỉ lệ rắn- lỏng là 1:5 (g/mL) và thời gian ngâm là 24 h. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp định tính hóa học và sắc ký khí ghép phối phổ (GC-MS) chứng minh sự hiện diện của alkaloid trong dịch chiết. Ngoài ra, hiệu quả tiêu diệt sâu tơ tốt nhất được ghi nhận tại nồng độ cao chiết với nồng độ 30 g/L sau 35 phút phun trong điều kiện nhiệt độ môi trường.

Thiết kế hệ thống gọt vỏ trái chanh tự động

Trần Lê Trung Chánh, Trương Quốc Bảo, Nguyễn Hữu Cường
Tóm tắt | PDF
Trong các sản phẩm và dược liệu từ trái chanh, sản phẩm chế biến từ vỏ chanh chiếm tỉ trọng không kém về giá trị sản phẩm. Để có được nguyên liệu vỏ chanh, công đoạn gọt vỏ bên ngoài là công đoạn quan trọng đầu tiên và thường được thực hiện thủ công. Một số máy gọt vỏ chanh bán tự động đã được chế tạo nhưng máy có năng suất không cao trong khi giá thành lại cao. Bài báo này được thực hiện nhằm đề xuất hệ thống gọt vỏ trái chanh với biên dạng vỏ được gọt dạng sợi liền bằng cách di chuyển lưỡi dao trên cung tròn tiếp tuyến với mặt ngoài trái chanh và chanh được quay quanh trục thẳng đứng. Kết quả thực nghiệm cho thấy máy gọt vỏ chanh thành công với năng suất trung bình khoảng 24 kg/giờ (gần gấp hai lần gọt thủ công) và độ gọt sạch trên 85%.

Khảo sát sự phân bố lực từ trong động cơ từ trở chuyển mạch mới

Phí Hoàng Nhã, Đỗ Thái Công
Tóm tắt | PDF
Sự phân bố lực từ ảnh hưởng không nhỏ tới đặc tính làm việc của các thiết bị điện từ, nhất là trong động cơ từ trở chuyển mạch. Lực từ phân bố này quyết định đến mô men và hiệu suất của động cơ. Việc kiểm tra sự phân bố từ cũng như lực từ là vấn đề khoa học cần thiết. Do đó, hai mô hình từ gồm mô hình Ampere và mô hình dựa trên nguyên lý công ảo được dùng để phân tích, tính toán lực từ phân bố trong động cơ từ trở chuyển mạch được trình bày trong bài báo này. Hơn nữa, động cơ từ trở chuyển mạch có cấu trúc mới cũng được đưa ra để đánh giá, so sánh sự phân bố lực từ với cấu trúc động cơ từ trở chuyển mạch nguyên mẫu. Kết quả khảo sát cho thấy lực từ được phân bố theo hai mô hình là tương đương nhau và lực từ phân bố trên cấu trúc động cơ từ trở chuyển mạch mới được cải thiện hơn so với cấu trúc động cơ nguyên mẫu.

Xây dựng chiến lược bảo trì góp phần nâng cao hiệu quả quản lý động cơ tại công ty khí Cà Mau

Tô Hải Đăng, Hồ Trọng Nhân, Trần Quốc Hùng, Phùng Minh Triết, Đỗ Nguyễn Duy Phương
Tóm tắt | PDF
Bài báo trình bày phương pháp xây dựng kế hoạch bảo trì có điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả quản lý động cơ trong Công ty Khí Cà Mau. Những dữ liệu về tình trạng của động cơ sẽ được kiểm tra định kỳ từ phương pháp kiểm tra online và offline. Từ đó, người quản lý bảo trì sẽ đưa ra kế hoạch bảo trì hợp lý cho từng động cơ dựa trên tiêu chi tối ưu về thời gian và chi phí. Bảo trì có điều kiện sẽ nâng cao hiệu suất làm việc của động cơ so với những phương pháp bảo trì truyền thống. Phương pháp này giúp giảm thiểu được tình trạng động cơ hư hỏng ở mức độ nghiêm trọng nhờ sự chủ động trong công tác bảo trì và sửa chữa theo lịch đã đề xuất từ trước.

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu suất xử lý yếm khí nước thải chế biến thủy sản

Nguyễn Võ Châu Ngân, Phan Thanh Thuận, Châu Bảo Trung
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu nhằm khảo sát mức nhiệt độ phù hợp để xử lý yếm khí nước thải chế biến thủy sản. Ba nghiệm thức ủ yếm khí bằng bình ủ tự chế 21 L ở ba mức nhiệt độ 30°C, 35°C và 40°C được bố trí trong điều kiện phòng thí nghiệm. Sau 15 ngày ủ, các nghiệm thức có hiệu suất xử lý khá cao ở các thông số theo dõi: TSS từ 87,6 đến 89,7%, BOD5 từ 61,7 đến 69,0%, COD từ 70,7 đến 83,4%, TP từ 73,0 đến 75,0%, tổng Coliform từ 97,4 đến 98,8%. Năng suất sinh biogas trung bình trong 30 ngày ủ đạt từ 10,1 đến 11,0 L/kg COD và không ghi nhận khác biệt có ý nghĩa giữa các nghiệm thức. Từ ngày thứ 30, vì khí thành phần CH4 đã chiếm ~ 45% nên biogas có thể khai thác cho đun nấu. Kết quả cho thấy hiệu suất xử lý của nghiệm thức NT 35°C đạt cao nhất đối với các thông số BOD5, COD và TP, các thông số còn lại thuộc về NT 40°C. Như vậy, ở nhiệt độ cao hơn, hiệu suất xử lý nước thải có chiều hướng cao hơn.

Đặc tính đất, cấu trúc giải phẫu thực vật và sự hiện diện vi khuẩn trong đất vùng rễ, vi khuẩn nội sinh của cây Xuyên tâm liên Andrographis paniculata (Burm. f.) Nees

Phùng Thị Hằng, Tạ Hồng Thắm, Nguyễn Thị Yến Linh, Lê Ngọc Trâm, Nguyễn Thị Huyền Trân, Đỗ Thành Luân, Nguyễn Quốc Khương, Nguyễn Khởi Nghĩa, Nguyễn Trọng Hồng Phúc
Tóm tắt | PDF
Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) là cây có nhiều công dụng và là nguồn dược liệu tốt. Mối tương tác giữa hệ vi sinh vật và A. paniculata ở các mức độ khác nhau đã được khảo sát. Ba địa điểm nghiên cứu được chọn để phân tích đất, phân lập vi khuẩn, thu mẫu cây để xác định cấu trúc mô và vị trí cư trú của vi sinh vật. Kết quả cho thấy A. paniculata có khả năng thích nghi với nhiều loại đất. Năm mươi lăm dòng vi khuẩn đã được tìm thấy, trong đó số lượng vi khuẩn phân lập đất vùng rễ là cao nhất 18 dòng. Tại địa điểm đất có hàm lượng chất hữu cơ cao nhất (12,8 %) phân lập được nhiều vi khuẩn nhất (8 dòng) ngược lại tại nơi có hàm lượng chất hữu cơ thấp nhất (1,41 %) số lượng vi sinh vật phân lập được ít nhất (4 dòng). Các bộ phận trong cây đều phân lập được các vi sinh vật với số lượng khác nhau. Các mô với tế bào có vách bằng cellulose, nhiều chất dự trữ đều có vi sinh vật cộng sinh.

Khảo sát sự ảnh hưởng của mật ong đến tính chất của màng chitosan/gelatin

Trần Quang Minh, Lê Ngọc Hà Thu
Tóm tắt | PDF
Trong nghiên cứu này, màng phim trên nền chitosan/gelatin đã được chế tạo, kết hợp với nguồn mật ong tự nhiên. Màng phim từ chitosan/gelatin thu được có tính giòn và độ bền kéo khá cao. Khi tăng dần hàm lượng mật ong từ 0% đến 8% (khối lượng so với nền polymer) thì màng phim có xu hướng dẻo hơn và kèm theo độ bền kéo giảm, tuy nhiên các màng vẫn duy trì được độ bền kéo tiêu chuẩn của màng phủ vết thương. Bên cạnh đó, các kết quả độ trương tan, độ truyền qua hơi nước (Water vapor transmission rate-WVTR), kết quả FT-IR, ảnh chụp hình thái bề mặt màng (SEM) và kết quả kháng khuẩn cho thấy mật ong khi được phối trộn vào màng đã thể hiện được vai trò như một chất hóa dẻo, đồng thời vẫn thể hiện được khả năng kháng khuẩn trong màng. Hiệu quả của mật ong được thử nghiệm trên các chủng vi khuẩn Gram âm Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa và Gram dương Stahpylococcus aureus thông qua phương pháp vòng kháng khuẩn. Kết quả cho thấy màng phim cho khả năng kháng khuẩn ở các chủng khuẩn Gram âm đã khảo sát.

Chế tạo thiết bị vi lỏng trên nền giấy bằng máy in laser

Ngô Bảo Chân, Dương Thị Hồng Nhung, Huỳnh Huỳnh Anh Thi, Đỗ Châu Minh Vĩnh Thọ
Tóm tắt | PDF
Thiết bị vi lỏng trên nền giấy (μPAD) mang lại bước đột phá trong phân tích mẫu nhanh và phân tích tại hiện trường. Đây là lần đầu tiên có nghiên cứu sử dụng loại mực CF279A trong chế tạo thiết bị μPAD, điều này giúp mở rộng phạm vi cũng như cung cấp các bằng chứng vào số lượng ít các nghiên cứu chế tạo thiết bị μPAD bằng máy in laser. Giấy lọc 102 được sử dụng, sau khi in bằng máy in laser, khuôn  sẽ được gia nhiệt ở tủ sấy với nhiệt độ 150ºC để hình thành các vùng ưa nước và kỵ nước. Thiết bị μPAD chế tạo có độ rộng kênh kỵ nước và ưa nước lần lượt là 1,0 mm và 0,4 mm trở lên. So với một số nghiên cứu bằng các phương pháp khác như in đóng dấu, in bàn thủ công cho độ phân giải cao hơn

Thành phần hóa học, khả năng kháng khuẩn và kháng oxi hóa của Xuyên tâm liên Andrographis paniculata (Burm.f.) nees phân bố ở Cần Thơ, Sóc Trăng và An Giang

Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Võ Thị Hạnh, Huỳnh Thị Ngọc Hà, Đinh Công Khải, Nguyễn Thị Đẹp, Phan Thành Đạt, Phùng Thị Hằng, Nguyễn Trọng Hồng Phúc
Tóm tắt | PDF
Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) là loài thực vật được sử dụng để điều trị, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Nghiên cứu này khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của xuyên tâm liên được phân bố ở Cần Thơ, Sóc Trăng và An Giang thông qua phương pháp phản ứng so màu, phương pháp trung hòa gốc tự do DPPH (2,2-Diphenyl-1-picrylhydrazyl) và phương pháp khuếch tán giếng thạch. Kết quả khảo sát ghi nhận có 10 nhóm hợp chất có trong dịch chiết của A. paniculata gồm carbohydrate, glycoside tim, flavonoid, phenol, amino acid và protein, saponin, tanin, coumarin, diterpene, nhựa. Cao chiết nước ở Cần Thơ và methanol ở An Giang có hiệu quả trung hòa gốc tự do DPPH tốt nhất. Hầu hết các cao chiết xuyên tâm liên kháng được các dòng vi khuẩn gồm Bacillus cereus, Bacillus subtilis, Escherichia coli, Listeria innocua và Salmonella. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây xuyên tâm liên chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, có khả năng kháng khuẩn và kháng oxi hóa tốt, có giá trị cao khi dùng làm thuốc, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Xác định các điều kiện lên men, các hợp chất sinh học và hoạt tính kháng oxy hóa của rượu trái cây lên men từ quả cà na (Canarium album)

Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Nguyễn Thị Niềm, Lâm Thảo Nhi
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu xác định các điều kiện ảnh hưởng đến quá trình lên men rượu vang cà na (Canarium album) sử dụng dòng nấm men Saccharomyces cerevisiae. Kết quả cho thấy sản phẩm rượu vang thu được có độ cồn cao (9,04% v/v) với mật số nấm men 107 tế bào/mL, dịch lên men được bổ sung đường saccharose đạt 25°Brix, pH 4,0 và lên men trong thời gian 12 ngày. Dịch quả và rượu vang cà na có sự hiện diện của các nhóm hợp chất sinh học như phenol, tannin, flavonoid, alkaloid, coumarin, quinone, saponin, terpenoid và steroid. Hàm lượng polyphenol tổng của dịch quả cà na cao hơn rượu vang cà na, cụ thể là 60,098 mg GAE/mL và 29,001 mg GAE/mL. Sau quá trình lên men, khả năng khử gốc tự do DPPH của rượu vang cà na đạt giá trị IC50 là 1,17 μL/mL, tăng so với dịch cà na ban đầu với giá trị IC50 là 4,97 μL/mL. Khả năng khử gốc peroxide H2O2 của rượu vang cà na có sự thay đổi không đáng kể sau quá trình lên men. Giá trị IC50 của rượu vang và dịch cà na lần lượt là 6,24 μL/mL và 4,47 μL/mL. Kết quả cho thấy dịch quả ban đầu và rượu vang cà na đều có khả năng kháng oxy hóa tốt.

Tạo dòng, biểu hiện kháng nguyên F18 dung hợp peptide định hướng tế bào M

Mai Quốc Gia, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Văn Hiếu
Tóm tắt | PDF
Tiêm mao F18 đóng vai trò quan trọng giúp Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC) bám vào ruột và tiết độc tố gây bệnh tiêu chảy heo con sau cai sữa (post-weaning diarrhea, PWD). Vaccine là một cách thức hữu hiệu, kinh tế và khả thi giúp phòng chống ETEC trên heo. Việc phát triển vaccine uống, tạo miễn dịch niêm mạc thông qua nhắm trúng đích tế bào M đang được quan tâm. Nhiều nghiên cứu cho thấy Hsp60 có khả năng tương tác với PrPC trên bề mặt tế bào M. Dựa trên cấu trúc của Hsp60 và tin sinh học, peptide PEP được dự đoán có khả năng tương tác với thụ thể PrPC. Vector pET22b-pep-f18 được cấu trúc bằng cách thế gene gfp trong vector pET22b‑pep‑gfp bằng gene f18. Sau khi xử lí với cặp enzyme cắt hạn chế XhoI và BamHI, gene f18 và vector pET22b‑pep‑gfp được nối với nhau bằng T4 DNA Ligase. Vector pET22b‑pep-f18 được hóa biến nạp vào chủng vi khuẩn E. coli BL21(DE3), cảm ứng biểu hiện với IPTG 0,5 mM. Sự biểu hiện của protein PEP‑GFP được kiểm tra bằng điện di SDS-PAGE, nhuộm Coomassie Blue và Western blot với kháng thể kháng 6xHis. Cuối cùng, protein PEP‑F18 được tinh sạch bằng sắc ký ái lực ion kim loại (IMAC). Kết quả cho thấy vector pET22b‑pep-f18 đã được tạo thành công. Protein PEP‑F18 được thu nhận, tinh sạch với độ tinh sạch cao...

Phân lập, tuyển chọn dòng vi khuẩn lactic trong nem chua thịt có tiềm năng ứng dụng làm vi khuẩn giống trong sản xuất nem chua

Dương Thị Hồng Nga, Mai Thanh Hải, Lư Bảo Hân, Lý Thị Xuân Mai, Bùi Thị Quỳnh Hoa
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và xác định dòng loại vi khuẩn axit lactic (LAB) từ nem chua của Việt Nam, loại vi khuẩn có các đặc tính phù hợp để sử dụng làm nguồn vi khuẩn giống. Mười chín  dòng  vi khuẩn lactic đã được phân lập trên môi trường MRS agar. Đa số khuẩn lạc có hình tròn, màu trắng đục, trắng ngà, nhô cao hoặc phẳng, mép phân thùy hoặc nguyên vẹn. Trong 19 dòng vi khuẩn phân lập từ nem chua, có 36,8% dòng lên men đồng hình, 63,2% dòng lên men dị hình. Thử nghiệm khả năng sinh axit lactic và làm giảm pH cho thấy NTL2, NTV2 có khả năng làm giảm pH nhanh hơn các dòng còn lại (lần lượt là 3,65 và 3,7), đồng thời cũng tạo ra lượng axit lactic cao nhất là 19,13 mg/mL và 18,23 mg/mL. Dựa vào các tính chất điển hình của vi khuẩn lactic, 12 dòng được chọn để định danh bằng phân tích trình tự 16s rDNA. kết quả cho thấy 6  dòng được xác định là dòng Lacticaseibacillus rhamnosus, 2 dòng là dòng Lactobacillus casei, 2 dòng là dòng Lactiplantibacillus pentosus, 1 dòng tương đồng với dòng Lactiplantibacillus argentoratensis và 1 dòng  được xác định là dòng Lactobacillus saniviri.

Sự biến đổi của một số tính chất của hạt mầm đậu đen xanh lòng (Vigna cylindrica) trong quá trình sấy

Đỗ Thị Bích Thủy, Võ Văn Quốc Bảo, Trần Bào Khánh, Đinh Thị Thu Thanh, Trịnh Thị Sen, Lê Thị Thu Hường
Tóm tắt | PDF
Hạt đậu đen xanh lòng chứa nhiều hợp chất hoạt tính sinh học có khả năng chống oxy hóa cao. Nghiên cứu này nhằm xác định chế độ sấy đối lưu bằng không khí nóng thích hợp nhằm thu được hạt mầm đậu đen xanh lòng có chất lượng cao. Các thí nghiệm sấy được thiết kế gồm 3 giai đoạn nhiệt độ là 40-50oC, 55-65oC và 70-80oC tương ứng với các giai đoạn giảm độ ẩm của hạt. Chế độ sấy thích hợp được xác định thông qua sự biến đổi của độ ẩm, hoạt độ amylase, hàm lượng glucose tự do của hạt trong quá trình sấy. Kết quả cho thấy rằng nhiệt độ sấy và thời gian sấy thích hợp của giai đoạn 1, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 lần lượt là 50oC trong thời gian 105 phút, 60oC trong thời gian 90 phút và 70oC trong thời gian 60 phút.

Ảnh hưởng của liều lượng phân trùn quế và phân hóa học đến việc cải thiện nguồn dinh dưỡng hữu dụng trong đất, sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái đậu cove lùn dạng bụi (Phaseolus vulgaris L.)

Tất Anh Thư, Nguyễn Nhựt Hào, Đặng Quốc Đạt, Võ Thị Bích Thủy
Tóm tắt | PDF
Nhằm xác định liều lượng phân trùn quế và phân hóa học đến sự thay đổi đặc tính hóa học-sinh học đất, năng suất và chất lượng trái đậu cove lùn Rado 11. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, hai nhân tố, 8 tổ hợp phân bón, ba lặp lại. Nhân tố A là hai mức độ phân hóa học (1) 100% NPK (144N-126P2O5-100K2O) và (2) 50% NPK (72N-63P2O5-50K2O). Nhân tố B là bốn mức độ bón phân trùn quế (0, 10, 20 và 30 tấn/ha). Kết quả cho thấy đạm hữu dụng, lân hữu dụng và tổng vi khuẩn trong đất gia tăng theo liều lượng phân hóa học và phân trùn quế. Bón 30 tấn/ha phân trùn quế giúp gia tăng pH đất, dinh dưỡng hữu dụng (N và P) và tổng vi khuẩn trong đất so với đối chứng (không bón phân trùn quế). Kết quả theo dõi ảnh hưởng của liều lượng phân trùn quế và phân hóa học đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng đậu cove đã ghi nhận được số cành, chiều cao cây, số trái, năng suất trái và độ brix đạt cao nhất ở mức bón 30 tấn phân trùn quế và 100% phân hóa học, thấp nhất ở mức bón 50% NPK và không bón phân trùn quế. Có mối tương quan thuận giữa liều lượng phân trùn quế và phân hóa học đến gia tăng pH đất, P hữu dụng,...

Ứng dụng hệ thống aquaponics trong trang trí cảnh quan ban công nhà ở tại Hưng Yên

Phạm Thị Bích Phương, Vũ Đức Trung, Li Shuhua
Tóm tắt | PDF
Công trình thiết kế cảnh quan ban công nhà ở được thực hiện tại huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên với mục đích ứng dụng hệ thống Aquaponics vào trang trí cảnh quan. Số liệu hiện trạng, nhu cầu khách hàng được thu thập bằng phương pháp điều tra phỏng vấn và khảo sát thực địa. Ý tưởng thiết kế thể hiện bằng các phần mềm vẽ kỹ thuật Autocad, đồ họa SketchUp và Lumion. Kết quả nghiên cứu đã ứng dụng thành công hệ thống Aquaponics kết hợp trang trí cảnh quan ban công diện tích 10,35 m2, tổ chức không gian hợp lý với 2 khu công năng, đảm bảo tính thẩm mỹ và thoả mãn yêu cầu của chủ đầu tư với mức chi phí thấp.

Ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp (Geloina coaxans)

Ngô Thị Thu Thảo, Lê Quang Nhã, Thị Hoàng Kiến
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của vọp trong điều kiện nuôi trong bể. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức độ mặn và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần là: 1‰, 5‰, 10‰ và 15‰ thực hiện trên vọp thí nghiệm có chiều dài 23,08±1,38 mm và khối lượng 3,13±0,5 g. Sau 105 ngày nuôi, tỷ lệ sống của vọp ở các độ mặn 5, 10 và 15‰ đạt cao nhất (100%), thấp nhất ở độ mặn 1 ‰ (92,2%). Tăng trưởng của vọp đạt tốt nhất ở độ mặn 5‰ và 10‰, tăng trưởng khối lượng và chiều dài tại 2 nghiệm thức này tương ứng với SGRW từ 0,34 đến 0,37%/ngày, SGRL từ 0,11 đến 0,14%/ngày, khác biệt có ý nghĩa so với kết quả từ độ mặn 1 và 15‰ (p

Khảo sát sự hiện diện của vi bào tử trùng Enterocytozoon heparopenaei (EHP) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi ở tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thanh Tuyền, Trương Quỳnh Như, Nguyễn Trọng Ngữ
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tần suất hiện diện của Enterocytozoon heparopenaei (EHP) trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) nuôi ở tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy tôm nhiễm EHP trong giai đoạn từ tuần nuôi thứ 4. Các mẫu tôm bệnh đều không có dấu hiệu bệnh lý bất thường, chỉ giảm kích cỡ về chiều dài, khối lượng. Gan tụy của tôm bệnh thường chứa các bào tử dạng hình quả lê hoặc hình trứng, có kích thước rất nhỏ, thường nằm thành từng cụm trong tế bào gan tụy hoặc ở dạng tự do riêng rẽ bên ngoài tế bào. Qui trình PCR cho kết quả với vạch sản phẩm đặc hiệu của EHP là 510bp. Trình tự gen 18s rRNA của EHP được phân lập trong nghiên cứu này tương đồng với trình tự KY643648.1 được đăng trên ngân hàng gen với mức độ tương đồng là 99,8%. EHP nhiễm trên tôm qua các tháng nuôi. Tỷ lệ nhiễm dao động từ 18 đến 65%. Sau 12 tuần nuôi, tôm không nhiễm EHP có chiều dài và khối lượng (13,6cm, 20,2g) lớn hơn có ý nghĩa so với tôm nhiễm EHP (11,3cm, 11,0g).

Ảnh hưởng của phụ gia đến sự thay đổi tính chất hóa lý thịt cá xay từ cơ thịt sẫm cá ngừ (Thunnus albacares) theo thời gian bảo quản ở 00C±1

Nguyễn Hồng Ngân, Nguyễn Thế Nguyên, Đinh Văn Hiện, Nguyễn Trọng Bách
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng của tinh bột biến tính (TBBT) và protein đậu nành (soy protein concentrate-SPC) đến độ cứng, tỷ lệ hao hụt trọng lượng, sự co rút kích thước, sự biến đổi chỉ tiêu TBARS và TVB-N của gel protein thịt cá xay trước và sau khi gia nhiệt được bảo quản ở nhiệt độ 00C± 1. Kết quả cho thấy khi bổ sung TBBT hay SPC với tỷ lệ là 6% giúp gel protein thịt cá xay cải thiện được cấu trúc; tỷ lệ hao hụt trọng lượng của gel protein sau khi gia nhiệt tăng lên khoảng 5-8% (TBBT) và 10-15% (SPC); sự co rút kích thước tăng dao động từ 5 đến 7,5% cho cả gel bổ sung TBBT hay SPC sau 15 ngày bảo quản ở 00C± 1. Chỉ số TBARS và TVB-N tăng không đáng kể trong thời gian bảo quản dưới 9 ngày cho cả hai loại gel bổ sung TBBT và SPC.

Đặc điểm nguồn giống tôm ở vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ Hoàng Nhân, Phạm Quốc Huy
Tóm tắt | PDF
Trong hai năm 2020-2021, số liệu về nguồn giống tôm ở vùng bờ và vùng lộng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thu thập từ 11 chuyến điều tra độc lập với tần suất 1 chuyến/tháng. Tổng số 1.100 mẫu vật được thu thập bằng 02 loại lưới thu mẫu tầng mặt và thẳng đứng. Kết quả đã xác định được 21 họ, trong đó 19 taxon phân loại được đến loài, 14 taxon xác định được đến giống. Mật độ trung bình của ấu trùng tôm, tôm con (ATT-TC) đạt 9.073 cá thể/1.000 m3 nước biển. Trong đó, vùng bờ là 16.656 /1.000m3 nước biển cao hơn 2 lần so với vùng lộng (6.251 cá thể/1.000 m3 nước biển). Mùa gió Tây Nam, mật độ trung bình cũng cao hơn gần 2 lần so với mùa gió Đông Bắc với 11.803 và 6.972 cá thể/1.000 m3 nước biển tương ứng. Hai vùng có mật độ tập trung nguồn giống tôm cao nằm ở phía ngoài Bãi Sau và phía ngoài khu vực Hồ Tràm, cao nhất đạt 13.592 cá thể/1.000 m3 nước biển. Vùng lộng có nhiều khu vực đệm với mật độ trung bình từ 2.000 đến 5.000 cá thể/1.000 m3 nước biển. Mùa gió Đông Bắc, nguồn giống tôm phân bố với mật độ không cao. Mùa gió Tây Nam, nguồn giống tôm vẫn tập trung ở vùng bờ nhưng có xu hướng mở rộng hơn với mật độ nền trên 5.000 cá thể/1.000 m3 nước biển...

Các nhân tố tác động đến hiệu quả học trực tuyến của sinh viên Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ

Phạm Lê Hồng Nhung, Bành Ngọc Trâm, Đinh Công Thành
Tóm tắt | PDF
Trường Đại học Cần Thơ đã sử dụng hình thức học tập trực tuyến và rất quan tâm đến hiệu quả của hình thức học tập này. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm giúp Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ triển khai hình thức học tập trực tuyến hiệu quả hơn. Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ. Dữ liệu được thu thập từ 155 sinh viên đã tham gia học trực tuyến. Công cụ phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy đa biến được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có bốn nhân tố quan trọng tác động tích cực đến hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên, bao gồm (1) Việc thiết kế khóa học, (2) Tài liệu học tập, (3) Sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, và (4) Sự tương tác giữa sinh viên và sinh viên. Trong đó, nhân tố thiết kế khóa học có sự tác động đáng kể nhất đến hiệu quả học tập trực tuyến của sinh viên. Dựa vào kết quả nghiên cứu, một số giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả học trực tuyến cho người học.

Vận dụng học thuyết “chính danh” trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Ngô HảI Sơn, Đoàn Thị Mỹ Tú
Tóm tắt | PDF
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện liên tục và nhất quán từ Đại hội Đảng toàn quốc khóa VII đến khóa XIII. Với nhiệm vụ trọng tâm “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”, phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải xem xét toàn diện ảnh hưởng của những tư tưởng, học thuyết chính trị xã hội trong lịch sử nói chung và Nho giáo nói riêng, qua đó vận dụng hợp lý để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, học thuyết “chính danh” cần có sự quan tâm nhất định.

Những đóng góp của Phan Văn Hùm trong việc nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu

Trần Thị Mỹ Hiền
Tóm tắt | PDF
Phan Văn Hùm là một cây bút có đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng và văn nghiệp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Chỉ riêng mảng nghiên cứu về đối tượng này, ông đã cho ra đời ba công trình lớn: Nỗi lòng Đồ Chiểu, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều vấn đáp y thuật và một số bài viết ngắn trao đổi thêm về văn bản tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu đăng tải trên báo chí đương thời. Các công trình cho thấy Phan Văn Hùm đã giải mã được “nỗi lòng” Đồ Chiểu, làm rõ một số nhầm lẫn về văn bản tác phẩm, xác định thời điểm ra đời của tác phẩm Lục Vân Tiên, đồng thời sưu tầm, biên soạn, chú giải văn bản tác phẩm, phê bình thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Các phân tích, đánh giá để làm rõ đóng góp của Phan Văn Hùm về các phương diện nêu trên được trình bày trong bài viết.

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp nhận truyện dài và phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Thị Kiều Oanh, Nguyễn Thị Mỷ Ly, Hà Hoàng Thái, Nguyễn Thị Diễm My, Trương Lâm Huỳnh Anh
Tóm tắt | PDF
Với bút lực dồi dào cùng niềm đam mê văn chương mãnh liệt, Nguyễn Nhật Ánh không ngừng làm phong phú thêm cho mảng văn học viết về thanh thiếu nhi Việt Nam. Truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ ảnh hưởng đến những người yêu văn chương mà còn có sức lan tỏa đến đời sống xã hội khi được chuyển thể thành phim điện ảnh và được đông đảo công chúng yêu thích, săn đón. Đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp như phân tích - tổng hợp, thống kê - phân loại, khảo sát - điều tra xã hội học, phương pháp so sánh và phương pháp nghiên cứu liên ngành nhằm nghiên cứu thực trạng tiếp nhận truyện dài và phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh ở hai nhóm đối tượng chính là công chúng chuyên ngành và công chúng ngoài chuyên ngành Văn học. Từ đó, một số kiến nghị và giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tiếp nhận truyện dài và phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh.

Thủ pháp dòng ý thức trong tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn chủ nghĩa hiện đại

Lê Hoàng Ngọc Thái, Lê Thị Nhiên, Lưu Thị Khánh Vy
Tóm tắt | PDF
Bài viết trình bày nghiên cứu về giá trị của tổ chức trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật bằng thủ pháp dòng ý thức trong tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương. Với thủ pháp này, tác giả đã thể hiện khả năng  tái hiện những tâm trạng, cảm xúc và thế giới nội tâm nhân vật. Bên cạnh đó, nghệ thuật xây dựng nhân vật đã tạo nên hình tượng nhân vật mới mẻ và độc đáo thông qua sự mờ hoá và tập trung vào quá trình tâm lí. Qua đó, Nguyễn Bình Phương đã thể hiện sự tiếp thu và sáng tạo khi vận dụng biểu hiện của Chủ nghĩa hiện đại trong sáng tác.

Danh tiếng thương hiệu: Tiền đề và hệ quả

Đinh Văn Hoàng
Tóm tắt | PDF
Vai trò trung gian của danh tiếng thương hiệu được xem xét trong bài viết dưới ảnh hưởng của tiền tố là nhận thức về trách nhiệm xã hội kỹ thuật số tác động và hệ quả là hành vi truyền miệng điện tử, ý định mua hàng, lấy bối cảnh truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội Facebook. Đối tượng khảo sát là 304 người dùng mạng xã hội Facebook tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia tương tác trực tuyến (like, share, comment) với các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Lý thuyết nguồn lực (Resource based theory-RBT) và lý thuyết hành động hợp lý (Theory of reasoned action-TRA) được sử dụng để giải thích mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội kỹ thuật số, danh tiếng thương hiệu, truyền miệng điện tử và ý định mua hàng. Thông qua phần mềm Smart PLS 3 để phân tích PLS-SEM cho thấy nhận thức về trách nhiệm xã hội kỹ thuật số có ảnh hưởng tích cực đến danh tiếng thương hiệu, truyền miệng điện tử và ý định mua hàng.

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu tỉnh Kiên Giang

Nguyễn Thanh Nhàn, Lưu Thanh Đức Hải
Tóm tắt | PDF
Mục đích của bài viết nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang. Phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu này. Với phương pháp phỏng vấn chuyên gia, thảo luận nhóm, luận án cũng xây dựng được thang đo cho mô hình nghiên cứu để tiến hành nghiên cứu định lượng. Kết quả mô hình nghiên cứu bao gồm 11 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang. Thông qua các kết quả kiểm định, phân tích như kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi qui. Kết quả có 9 yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu tôm tỉnh Kiên Giang là (1) Tầm nhìn chiến lược, (2) Nghiên cứu thị trường, (3) Quản lý nhân lực, (4) Đáp ứng khách hàng, (5) Ứng dụng công nghệ, (6) Sản phẩm, (7) Năng lực tài chính, (8) Năng lực sản xuất, (9) Xây dựng thương hiệu.

Tác động của vốn con người đến quá trình công nghiệp hóa của thành phố Cần Thơ

Nguyễn Thị Lương, Đặng Thị Ngọc Hà , Trần Thy Linh Giang, Đào Nguyễn Mộng Nghi
Tóm tắt | PDF
Công nghiệp hóa - hiện đại hóa là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Chính phủ mà còn ở các địa phương, trong đó có thành phố Cần Thơ (TPCT). Mục tiêu của nghiên cứu là xem xét sự tác động, ảnh hưởng của vốn con người đến quá trình công nghiệp hóa của TPCT. Nghiên cứu được thực hiện với bộ số liệu thứ cấp được thu thập từ Niên giám Thống kê trong giai đoạn 1995 - 2020. Kết quả ước lượng của mô hình phân phối trễ tự hồi quy (Autoregressive Distributed Lag Model - ARDL) cho thấy các biến đo lường vốn con người đều có tác động tích cực đến quá trình công nghiệp hóa của TPCT bên cạnh các biến kiểm soát là vốn vật chất, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Các kiểm định tính dừng, kiểm định đồng kết hợp và kiểm định Bound được sử dụng để đảm bảo cho việc lựa chọn đúng mô hình ước lượng, đồng thời các kiểm định sau ước lượng cũng được thực hiện để đảm bảo mô hình không vi phạm các giả định.

Thuật toán học tăng cường cải tiến dựa trên xu hướng dữ liệu để ra quyết định mua bán trên thị trường tiền điện tử

Trần Kim Toại, Võ Minh Huân, Lê Ngọc Thanh, Võ Thị Xuân Hạnh
Tóm tắt | PDF
Việc dùng thuật toán máy học với sự kết hợp dữ liệu đường xu hướng giá của thị trường tiền điện tử để ra quyết định mua bán được nghiên cứu trong bài viết. Thay vì chỉ sử dụng mô hình học tăng cường để thực thi hành động trong môi trường tài chính, học tăng cường kết hợp với xu hướng dữ liệu để ra quyết định hành động. Nghiên cứu trả lời cho câu hỏi dùng học tăng cường có thể chiến thắng được thị trường tài chính hay không? Học tăng cường tự ra các quyết định mua bán dựa trên thị trường có mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, giúp giảm rủi ro đầu tư hay không? Kết quả nghiên cứu cho thấy các tác nhân được kết hợp với xu hướng dữ liệu nên được dùng để ra quyết định tài chính thay vì chỉ sử dụng học tăng cường. Các thước đo tài chính về mức sụt giảm tối đa, lợi nhuận hằng năm, độ chính xác được dùng để đánh giá. Kết quả phân tích được thực hiện trên hai tập dữ liệu là Dogecoin và Bitcoin chỉ ra thuật toán học tăng cường dựa trên đường xu hướng có ưu điểm hơn so với học tăng cường không theo đường xu hướng trong các khía cạnh sử dụng chỉ số đánh giá hiệu năng khác nhau.

Các nhân tố ảnh hưởng đến phúc lợi của hộ gia đình nông thôn Việt Nam

Phan Văn Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu về phúc lợi hộ gia đình luôn nhận được sự quan tâm của giới học thuật và các nhà làm chính sách. Bài viết này tập trung phân tích các yếu tố tác động đến phúc lợi hộ gia đình ở khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2006 – 2014. Trước hết, nghiên cứu lựa chọn chỉ số tài sản (asset index) làm đại diện cho phúc lợi hộ gia đình. Với cách tiếp cận như vậy, bên cạnh những yếu tố khác liên quan đến đặc điểm của hộ gia đình (như dân tộc, giới tính), nghiên cứu đã chỉ rõ những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng phúc lợi bao gồm trình độ học vấn, lao động, diện tích đất canh tác, đa dạng các nguồn sinh kế và vốn xã hội. Kết quả này cho thấy cần phải có sự đầu tư tích cực của hộ gia đình và sự tạo điều kiện của chính phủ để cải thiện phúc lợi cho hộ gia đình ở nông thôn hiện nay.

Giải pháp phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP: Trường hợp thị hiếu người tiêu dùng đối với trà mãng cầu xiêm

Nguyễn Thùy Trang
Tóm tắt | PDF
Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 235 người tiêu dùng tại thành Phố Cần Thơ để tìm hiểu về thị hiếu đối với trà mãng cầu xiêm đạt chuẩn OCOP. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 15,2% người tiêu dùng đã từng nghe và từng sử dụng sản phẩm trà mãng cầu xiêm đạt chuẩn OCOP, người tiêu dùng mua sản phẩm chủ yếu tại các cửa hàng OCOP và tại các điểm du lịch ở các địa phương. Có 7 yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả của người tiêu dùng là giá bid, nhạy cảm giá, giới tính, thu nhập, tuổi, nhận thức về sản phẩm OCOP và quan tâm đến môi trường. Bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cao hơn 25% cho sản phẩm trà mãng cầu xiêm đạt chuẩn OCOP so với sản phẩm trà mãng xiêm thông thường. Từ kết quả nghiên cứu đã đề xuất 6 giải pháp để phát triển thị trường cho sản phẩm trà mãng cầu xiêm nói riêng và sản phẩm đạt chuẩn OCOP nói chung.