Ngày xuất bản: 29-04-2020
Số báo đầy đủ
Môi trường
Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải thủy sản bằng mô hình Bardenpho 5 giai đoạn kết hợp bể USBF
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu khảo sát bể Bardenpho 5 giai đoạn xử lý nước thải chế biến thủy sản thông qua các thông số thiết kế và vận hành bể. Mô hình bể Bardenpho 5 giai đoạn hợp khối với bể USBF được thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm. Kết quả vận hành bể Bardenpho với tải nạp 1,54 kg BOD/m3, tổng thời gian lưu nước 8 giờ, nước thải đầu vào có nồng độ COD, BOD5, TKN, TP lần lượt là 933,25 ± 20,67; 515,67 ± 25,49; 122,49 ± 7,06; 18,33 ±1,25 mg/L; sau xử lý nồng độ các các chất ô nhiễm giảm xuống còn 27,53 ± 4,47; 12,58 ± 1,05; 21,53 ± 1,11; 7,30 ± 0,08 mg/L, tất cả các thông số theo dõi đạt QCVN 11-MT:2015/BTNMT (cột A). Khi vận hành với tải nạp 1,83 kg BOD/m3.ngày-1, thời gian lưu nước 7 giờ, nồng độ COD, BOD5, TN, TP của nước thải đầu vào lần lượt là 998,68 ± 27,49; 523,67 ± 32,05; 124,13 ± 8,29; 17,50 ± 1,47 mg/L, nồng độ các chất ô nhiễm giảm còn 50,74 ± 6,73; 26,21 ± 1,14; 26,14 ± 1,31; 8,12 ± 0,30 mg/L đạt cột A của QCVN 11-MT:2015/BTNMT; trong đó nồng độ TN và TP đã tiến sát giới hạn cho phép xả thải theo QCVN 11-MT:2015/BTNMT (cột A). Như vậy, bể Bardenpho 5 giai đoạn có thể xử lý nước thải chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xả thải khi vận hành ở các điều kiện nêu trên.
Tự nhiên
Cải tiến thuật toán phân tích chùm cho các phần tử rời rạc
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đề nghị một khái niệm mới để đánh giá mức độ gần nhau của các phần tử rời rạc gọi là chỉ số tương tự chùm (CSI). CSI được sử dụng như một tiêu chuẩn để xây dựng các thuật toán phân tích chùm mờ, không mờ và xác định số chùm thích hợp. Các thuật toán được thiết lập có thể thực hiện nhanh chóng bởi những chương trình được thiết lập trên phần mềm Matlab. Những ví dụ số minh họa các thuật toán đề nghị và cho thấy thuận lợi của nó so với một số thuật toán khác. Phân tích chùm các hình ảnh từ thuật toán đề nghị cho thấy tiềm năng trong áp dụng thực tế của vấn đề được nghiên cứu.
Đa dạng loài và mối quan hệ di truyền giữa các loài giun đất ở tỉnh Bình Dương và Bình Phước
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm điều tra đa dạng loài và mối quan hệ di truyền giữa các loài giun đất ở Bình Dương và Bình Phước. Kết quả đã ghi nhận được 25 loài giun đất thuộc 10 giống xếp trong 6 họ ở Bình Dương – Bình Phước. Trong đó, có 2 loài (Drawida beddardi và Eukerria saltensis) mới ghi nhận lần đầu cho khu hệ giun đất Đông Nam Bộ - Việt Nam. Dựa trên các mẫu nghiên cứu trước đây, hai loài bị định danh nhầm lẫn Amynthas modiglianii và Metaphire californica được điều chỉnh tương ứng thành M. neoexilis và M. planata. Khu hệ giun đất Bình Dương – Bình Phước giàu yếu tố nhiệt đới có giống Metaphire thuộc họ Megascolecidae chiếm ưu thế tuyệt đối (13 loài), họ Moniligastridae (3 loài), các họ còn lại (Almindae, Rhinodrilidae, Ocnerodrilidae và Octochaetidae) mỗi họ có 1 loài. Khoảng cách di truyền K2P (Kimura 2 Parameters) giữa các loài giun đất ở khu vực nghiên cứu dao động từ 0,033 - 0,217, trung bình khoảng 0,111. Phân tích cây quan hệ phát sinh cho thấy vị trí phân loại của 2 giống Metaphire và Amynthas chưa thật sự rõ ràng. Riêng trong giống Metaphire nhóm loài houlleti (M. houlleti, M. cf. campanulata, M. sp. 1 và M. sp. 4) và nhóm loài bahli (M. bahli, M. peguana và M. kiengiangensis) tách thành các nhánh riêng biệt, nhưng có giá trị bootstrap khá thấp (60% và 43%).
Nghiên cứu hiện tượng hấp phụ phân tử khí trên dãy nano Penta-graphene dạng răng cưa
Tóm tắt
|
PDF
Hiện tượng hấp phụ các phân tử khí (CO, CO2 và NH3) trên Sawtooth Penta-Graphene Nanoribbon (SSPGNR) đã được nghiên cứu bằng phương pháp nguyên lý ban đầu. Nghiên cứu đã xây dựng cấu hình hấp phụ, tính toán năng lượng hấp phụ, sự chuyển điện tích, mật độ trạng thái và sự sai khác mật độ điện tử. Nghiên cứu chỉ rằng sự hấp phụ phân tử khí CO và CO2 trên SSPGNR thể hiện đặc tính hấp phụ hóa học, trong khi đó SSPGNR hấp phụ NH3 thể hiện đặc tính hấp phụ vật lý. Đặc tính Volt-Ampere (I-V) được nghiên cứu dựa trên hình thức luận hàm Green không cân bằng. Kết quả cho thấy các phân tử khí hấp thụ có ảnh hưởng đến độ dẫn của hệ nhưng không nhiều. Đặc tính vận chuyển điện tử của NH3 khi hấp phụ trên SSPGNR tại nhiều vị trí khả dĩ khác nhau cũng được khảo sát. Đặc tính vận chuyển điện tử chỉ ra rằng phân tử khí NH3 có thể dò bởi cảm biến khi dựa trên vật liệu SSPGNR.
Chăn nuôi
Ảnh hưởng của thức ăn khởi đầu đến khả năng sinh trưởng và đáp ứng miễn dịch của gà thịt Lương Phượng thương phẩm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của thức ăn (TĂ) khởi đầu (Vistart B) đến khả năng sinh trưởng và đáp ứng miễn dịch của gà thịt thương phẩm. Tổng số 244 con gà mái Lương Phượng được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên 1 yếu tố vào hai nghiệm thức: (1) gà được cho ăn TĂ thương mại trong suốt thời gian thí nghiệm và (2) gà được cho ăn Vistart B từ 1 đến 7 ngày tuổi, sau đó gà được cho ăn cùng một loại TĂ thương mại như lô đối chứng. Kết quả cho thấy ở giai đoạn từ 1 đến 7 ngày tuổi, gà ăn Vistart B có tiêu thụ TĂ thấp hơn và hệ số chuyển hóa TĂ tốt hơn gà ăn TĂ đối chứng (P < 0,05). Ngoài ra, sau khi chủng 3 tuần, hiệu giá kháng thể (HGKT) kháng vi rút Gumboro của gà ăn Vistart B cao hơn (P = 0,005) so với HGKT của gà ăn TĂ đối chứng. Tuy nhiên, qua 63 ngày thí nghiệm, gà ăn Vistart B trong 7 ngày đầu có khả năng sinh trưởng, tỷ lệ tiêu chảy, độ đồng đều đàn, tỷ lệ nuôi sống khác biệt không ý nghĩa so với gà ăn TĂ đối chứng (P > 0,05). Tóm lại, TĂ Vistart B đã cải thiện hiệu quả sử dụng TĂ của gà trong 7 ngày đầu sau khi nở và làm tănng HGKT kháng vi rút Gumboro của gà thịt Lương Phượng nhưng nó chưa ảnh hưởng rõ lên khả năng sinh trưởng của gà trong toàn giai đoạn.
Ảnh hưởng của mannan oligosaccharides và colistin đến khả năng sinh trưởng và đáp ứng miễn dịch của gà Lương Phượng nuôi thịt
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của bổ sung mannan oligosaccharides (MOS) và colistin trong thức ăn đến khả năng sinh trưởng và đáp ứng miễn dịch ở gà Lương Phượng. Tổng số 288 con gà mái 1 ngày tuổi (giống Lương Phượng) được bố trí vào ba nghiệm thức theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên. Các nghiệm thức gồm: (1) Thức ăn cơ bản (TACB, Đối chứng), (2) TACB + colistin (20 ppm, từ 1 đến 21 ngày tuổi) và (3) TACB + MOS (400 ppm trong toàn thời gian thí nghiệm). Mỗi nghiệm thức được lặp lại 8 lần và có 12 con gà/đơn vị thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy từ 15 - 35 ngày tuổi, tiêu thụ thức ăn hàng ngày (TTTAHN) của gà ăn thức ăn có bổ sung MOS (57,93 g/con) thấp hơn (P = 0,005) TTTAHN của gà ăn thức ăn có kháng sinh (62,25 g/con). Trong toàn thời gian thí nghiệm, không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức về tăng khối lượng hàng ngày, TTTAHN, hiệu quả sử dụng thức ăn, độ đồng đều và tỷ lệ nuôi sống của gà (P > 0,05). Ở 28 ngày tuổi, gà ăn thức ăn được bổ sung MOS có hiệu giá kháng thể (HGKT) kháng bệnh Gumboro cao hơn gà ăn thức ăn đối chứng và có bổ sung colistin (P = 0,001). Tóm lại, bổ sung MOS vào thức ăn đã cho năng suất tương đương so với kháng sinh colistin ở liều 20 ppm và làm tăng HGKT kháng bệnh Gumboro.
Công nghệ sinh học
Đặc điểm của các dòng lợi khuẩn Bacillus spp. từ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) ở tỉnh Kiên Giang
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập những dòng vi khuẩn Bacillus spp. có những đặc tính phù hợp để sản xuất chế phẩm sinh học nhằm kiểm soát các tác nhân gây bệnh. Từ hệ tiêu hóa của các mẫu tôm thẻ chân trắng thu từ ao nuôi thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phân lập được 20 dòng vi khuẩn Bacillus spp. Kết quả có 11 trên tổng số 20 dòng thể hiện khả năng đối kháng với ít nhất 1 dòng vi khuẩn kiểm định gồm Escherichia coli, Staphyloccocus aureus, Aeromonas sp. và Pseudomonas sp. Kết quả cũng cho thấy cả 11 dòng vi khuẩn đều có khả năng sinh ít nhất 2 loại enzyme ngoại bào trong nhóm amylase, cellulase và protease. Dòng AM2 và AM3 được lựa chọn để khảo sát khả năng chịu mặn và chịu pH, kết quả cho thấy, cả 2 dòng đều có khả năng phát triển trong môi trường được bổ sung nồng độ muối từ 1 - 5% và pH từ 4 - 9, dòng AM2 và AM3 tương đồng 99% với dòng Bacillus subtilis và Bacillus cereus dựa trên kết quả giải trình tự 16S rRNA đã được đăng ký trên GenBank với mã số lần lượt là MN907469 và MN907471.
Tạo dòng và biểu hiện interleukin 2 (IL-2) người tái tổ hợp trong Escherichia coli
Tóm tắt
|
PDF
Liệu pháp miễn dịch sử dụng interleukin 2 (IL-2) đã được FDA chấp thuận sử dụng cho việc điều trị một số bệnh ung thư và hỗ trợ điều trị HIV/AIDS. Nhằm mục tiêu sản xuất IL-2 tái tổ hợp với giá thành rẻ, đề tài được triển khai nhằm dòng hóa và biểu hiện IL-2 trong Escherichia coli. Gen il2 được khuếch đại bằng phương pháp PCR sử dụng khuôn là plasmid pIDT-IL2 với cặp mồi đặc hiệu IL2-F và IL2-R chứa vị trí nhận biết của enzyme BamHI và NdeI. Sản phẩm khuếch đại được xử lý với enzyme BamHI và NdeI và chèn vào vector biểu hiện pET-His tạo nên plasmid tái tổ hợp pET-il2. Plasmid pET-il2 được biến nạp vào E. coli Origami(DE3) tạo nên dòng tái tổ hợp Origami(DE3)/pET-il2. Dòng tế bào này khi được cảm ứng biểu hiện bằng 0,5 mM IPTG đã tạo protein IL-2 biểu hiện vượt mức ở dạng thể vùi trong tế bào chất. Sự biểu hiện protein mục tiêu được kiểm chứng bằng SDS-PAGE và lai Western với kháng thể kháng protein IL-2.
Công nghệ thực phẩm
Mô hình hóa kiểm soát đồng nhất nhiệt độ sản phẩm đồ hộp trong quá trình thanh trùng
Tóm tắt
|
PDF
Đồng nhất nhiệt độ sản phẩm khi thanh trùng là vấn đề cần phải kiểm soát để đảm bảo an toàn và chất lượng. Trong nghiên cứu này, mô hình hộp đen chứa tham số vật lý có ý nghĩa (DBM) được sử dụng để kiểm soát đồng nhất nhiệt độ sản phẩm trong quá trình thanh trùng. Thí nghiệm “bước” được thực hiện bằng cách thay đổi nhiệt độ môi trường gia nhiệt từ 35-60oC cho 231 lon dung dịch carboxymethyl cellulose (CMC) 2,5%, kết hợp thay đổi lưu lượng bơm từ 0,6-1,8 m3/giờ. Trong suốt thí nghiệm, dữ liệu của 20 cảm biến đo nhiệt độ môi trường nước trong thiết bị và 18 cảm biến đo nhiệt độ sản phẩm được ghi nhận liên tục bởi datalogger Keithley 2700. Thuật toán SRIV tích hợp trong công cụ Captain toolbox của Matlab được sử dụng để tính toán các tham số và lựa chọn mô hình. Hàm truyền bậc ba phát triển từ quan hệ trao đổi nhiệt giữa nhiệt độ môi trường ngõ vào của thiết bị và nhiệt độ sản phẩm có hệ số tương quan cao, sai số thấp có chứa tham số liên quan hệ số truyền nhiệt bề mặt. Đồng dạng hàm truyền thu được tham số vật lý α có chứa hệ số truyền nhiệt bề mặt thể hiện sự phân bố nhiệt độ của sản phẩm. Biểu diễn phân bố tham số α trong không gian ba chiều là cơ sở để điều chỉnh thiết kế hoặc thiết kế hệ thống điều khiển đồng nhất nhiệt độ sản phẩm.
Nông nghiệp
Tác động của hệ thống công trình thủy lợi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng chất lượng và tác động của hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) đến hoạt động canh tác nông nghiệp ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nghiên cứu áp dụng phương pháp PRA trong việc thu thập số liệu và khung sinh kế bền vững để đánh giá tác động của hệ thống CTTL theo các nguồn vốn sinh kế bằng thang đo thứ bậc Likert scale 5 cấp bậc. Nghiên cứu thực hiện phỏng vấn người am hiểu (KIP) ở cấp tỉnh, huyện xã; thảo luận nhóm nông hộ; và phỏng vấn 135 nông hộ canh tác lúa trên địa bàn 4 xã của vùng đê bao triệt để và đê bao lửng ở huyện Hồng Ngự. Kết quả cho thấy, hiện trạng CTTL trên địa bàn huyện Hồng Ngự đảm bảo khoảng 90% nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Hệ thống CTTL đã góp phần nâng cao đời sống sinh kế của người dân tại địa phương nhưng cũng có ảnh hưởng đến sự suy giảm chất lượng đất canh tác, nước tưới và nguồn lợi thủy sản. Chất lượng xây dựng của đê bao và giao thông nông thôn ở vùng đê bao lửng thấp hơn so với vùng đê bao triệt để. Công tác quản lý hệ thống CTTL còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các công trình liên vùng và giải pháp nên thực hiện trước tiên là cần có một đơn vị quản lý chung trong việc vận hành hệ thống CTTL ở huyện Hồng Ngự.
Ảnh hưởng của nồng độ NAA và loại cành giâm đến sự ra rễ cành giâm linh sam (Desmodium unifoliatum (Merr.) Steen.)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được thực hiện nhằm tìm ra nồng độ naphthalene acetic acid (NAA) và loại cành thích hợp đến sự ra rễ của cành giâm cây linh sam (Desmodium unifoliatum (Merr.) Steen.). Thí nghiệm 2 nhân tố được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 5 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại có 6 cành. Nhân tố thứ nhất bao gồm bốn nồng độ NAA (0 (đối chứng), 500, 750 và 1.000 ppm) (nhân tố A) và nhân tố thứ 2 là hai loại cành giâm (cành nhỏ đường kính 0,5 cm và cành lớn đường kính 1 cm) (nhân tố B). Kết quả thí nghiệm cho thấy loại cành nhỏ với đường kính 0,5 cm giâm cành tốt hơn loại cành lớn đường kính 1 cm. Sử dụng NAA ở nồng độ 750 và 1.000 ppm cho hiệu quả trong giâm cành. Cành giâm cây linh sam sử dụng loại cành nhỏ kết hợp với việc xử lý NAA ở nồng độ 750 và 1.000 ppm cho hiệu quả giâm cành tốt nhất về số lá, số chồi, chiều dài chồi dài nhất, số rễ, chiều dài rễ dài nhất và tỷ lệ ra rễ (93,3 %) sau 8 tuần.
Ảnh hưởng của NAA và BA phun qua lá đến sinh trưởng và chất lượng hoa hồng Tường vi (Rosa sp.) trồng chậu
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các nồng độ của naphthalene acetic acid (NAA) và benzyladenine (BA) phun qua lá đến sinh trưởng và chất lượng của hoa hồng Tường vi (Rosa sp.) trồng chậu. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức gồm đối chứng (phun nước), phun NAA và BA ở nồng độ 25 và 50 ppm, cách 15 ngày 1 lần. Thí nghiệm có 6 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một chậu hoa hồng Tường vi. Kết quả thí nghiệm cho thấy xử lý NAA và BA ở các nồng độ 25 và 50 ppm đã giúp gia tăng chỉ số diệp lục tố (SPAD) (>50), chiều cao cành mang hoa (>27 cm), tăng kích thước nụ hoa và kéo dài thời gian hoa nở so với đối chứng. Xử lý NAA và BA ở nồng độ 25 ppm giúp chỉ số diệp lục tố SPAD của lá đạt cao nhất ở thời điểm 30 ngày sau khi cắt cành (tương ứng với 53,8 và 54) trong khi giá trị thấp nhất ghi nhận được ở nghiệm thức đối chứng (
Thủy sản
Nghiên cứu tạo protein tín hiệu nanoluciferase: Ứng dụng tạo cảm biến sinh học nhận diện kháng sinh
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tổng hợp protein tín hiệu nanoluciferase trong điều kiện phòng thí nghiệm (in vitro), sử dụng hệ thống phiên mã dịch mã ngoài tế bào (cell-free synthesis) để ứng dụng tạo cảm biến sinh học nhận diện nhóm kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Mạch mã khuôn cho quá trình tổng hợp protein được chuẩn bị bằng cách khuếch đại và tinh sạch đoạn DNA mã hoá cho protein nanoluciferase (NanoLuc). Kết quả đã xác định protein NanoLuc được tổng hợp thành công thông qua sự hiện diện trên gel SDS page nhuộm CBB với kích thước 21 kDa và có khả năng phát sáng khi tác dụng với cơ chất Furimazine. Khả năng nhận diện nhóm kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn được xác định thông qua thử nghiệm nhận diện một số kháng sinh đại diện gồm oxytetracycline, chloramphenicol và erythromycin. Tính đặc hiệu của quá trình nhận diện được xác định. Mặc dù cần khảo sát thêm một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein NanoLuc trong điều kiện in vitro nhưng kết quả này cũng tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo trong việc tạo ra cảm biến sinh học có khả năng nhận diện nhóm kháng sinh ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn.
Hoạt chất deltamethrin và hiện tượng vểnh mang ở tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Thí nghiệm được tiến hành để xác định khả năng gây vểnh mang của hoạt chất deltamethrin ở tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Tôm thí nghiệm có trọng lượng trung bình khoảng 2,15 ± 0,31 g/con được bố trí với 5 nghiệm thức (lặp lại 3 lần) ở nồng độ deltamethrin 5%, 10%, 15%, 20% và 25% LC50. Tôm tiếp xúc với deltamethrin bắt đầu chết từ ngày thứ 3 sau khi bổ sung deltamethrin vào bể thí nghiệm. Tôm tiếp xúc với nồng độ deltamethrin 5%, 10% và 15% LC50 có tỉ lệ chết thấp hơn các nghiệm thức nồng độ deltamethrin 20% và 25% LC50 và có biểu hiện vểnh mang. Kết quả phân tích mô bệnh học ghi nhận tôm vểnh mang có cấu trúc mô mang và gan tụy bình thường, không có biến dạng trên các sợi mang sơ cấp và thứ cấp cũng không có thay đổi về cấu trúc của gan tụy.
Một số đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita) phân bố ở Đồng bằng sông Cửu Long
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita) được thực hiện với việc phân tích trên 5152 mẫu ốc bươu đồng (ốc cái: 2513 mẫu; ốc đực: 2639 mẫu) thu từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 10 năm 2017, tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các kết quả cho thấy khối lượng, chiều cao và chiều rộng của ốc tăng dần theo sự gia tăng kích thước. Tương quan giữa chiều cao và khối lượng tổng của ốc bươu đồng có dạng phương trình hồi quy, ốc cái là W = 0,0008*H2,6399 (R2 = 0,9078) và ốc đực là W = 0,0008*H2,6404 (R2 = 0,9033). Hệ số điều kiện biến động từ 0,00075 - 0,00098 g/mm. Vào mùa mưa, hệ số độ béo ở ốc bươu đồng cao hơn so với mùa khô. Trái lại, vào mùa mưa chỉ số thể trạng ở ốc bươu đồng thấp hơn so với mùa khô. Trong khi đó tỉ lệ nước trong cơ thể ốc không có sự thay đổi lớn theo mùa. Hệ số độ béo tăng dần đến nhóm kích thước 46 - 50 mm-đực và 50 -55 mm-cái, sau đó giảm dần đến nhóm kích thước >65 mm ở cả hai nhóm giới tính. Ốc bươu đồng cái ngoài tự nhiên có hệ số độ béo cao hơn ốc bươu đồng đực.
Ảnh hưởng của nhịp bổ sung inulin vào thức ăn lên đáp ứng miễn dịch cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của nhịp bổ sung inulin vào thức ăn lên một số chỉ tiêu miễn dịch cá tra. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức bao gồm nghiệm thức đối chứng (NT1); bổ sung 1% inulin ở tuần 1, 2 (NT2); 1% inulin ở tuần 1, 2 và 5, 6 (NT3); 1% inulin ở 4 tuần đầu (tuần 1-4) (NT4); 1% inulin ở 8 tuần (tuần 1-8) (NT5). Thí nghiệm thực hiện trong 8 tuần và thu mẫu vào tuần 4, 6 và 8 của thí nghiệm. Các chỉ tiêu huyết học và hoạt tính lysozyme được phân tích để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cá. Sau 8 tuần thí nghiệm, cá được cảm nhiễm với Edwardsiella ictaluri và theo dõi tỉ lệ chết. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu tăng trưởng, huyết học và hoạt tính lysozyme ở các nghiệm thức NT3, NT4, NT5 cao hơn đối chứng. NT3 cho kết quả tăng trưởng, chỉ tiêu huyết học, hoạt tính lysozyme tăng cao và có tỉ lệ chết sau cảm nhiễm thấp. Dựa trên nghiên cứu, đề xuất bổ sung 1% inulin cách nhịp mỗi 2 tuần vào thức ăn cá tra làm cá tăng trưởng tốt, tăng cường miễn dịch và đề kháng với vi khuẩn E. ictaluri.
Ảnh hưởng của độ mặn lên sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp. trong điều kiện phòng thí nghiệm
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của độ mặn đến sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp. trong điều kiện phòng thí nghiệm. Kết quả phân lập được 243 chủng Vibrio từ 108 mẫu bùn và nước trên tuyến sông Mỹ Thanh thuộc tỉnh Sóc Trăng. Các chủng vi khuẩn được tuyển chọn để định danh bằng bộ kít API 20E và giải trình tự 16S-rRNA, kết quả thu được 3 chủng Vibrio cholerae, 3 chủng Vibrio parahaemolyticus và 3 chủng Vibrio campbellii. Các chủng Vibrio này được nuôi cấy thử nghiệm sự sinh trưởng ở các độ mặn khác nhau (5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45‰). Mật độ vi khuẩn sau khi nuôi cấy được định lượng bằng phương pháp đếm khuẩn lạc trên đĩa thạch. Kết quả cho thấy tất cả các chủng Vibrio thử nghiệm đều kém phát triển đáng kể ở độ mặn 5‰ so với các độ mặn còn lại (P
Nghiên cứu chiết rút và khảo sát tính kháng khuẩn của chitosan tan trong nước từ vỏ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu nhằm mục tiêu tạo ra chitosan có khả năng tan trong nước và kháng khuẩn từ vỏ tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thông qua quá trình deacetyl hóa chitin trong dung dịch NaOH để thu chitosan thô. Tiếp theo, chitosan thô được xử lý trong dung dịch acetic acid với các nồng độ và thời gian khác nhau để chuyển thành dạng chitosan tan trong nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chitin được xử lý trong dung dịch NaOH nồng độ 50% trong 36 giờ cho chitosan có độ deacetyl (93,1%), độ nhớt (20 mPas) và hiệu suất thu hồi cao (46,8%). Chitosan thô khi xử lý trong dung dịch acetic acid có nồng độ 2%, cùng với H2O2 4% trong thời gian 4 giờ để thu chitosan tan trong nước. Độ hòa tan của chitosan tan trong nước đạt 88,6% và phổ FTIR cho thấy hầu như không có sự khác biệt về các nhóm chức năng khi so sánh với chitosan thô. Mẫu chitosan tan trong nước thể hiện tính kháng khuẩn thấp hơn mẫu chitosan thô khi nồng độ ức chế cả 3 chủng vi khuẩn Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Salmonella typhimurium của chitosan tan trong nước là 8% trong khi chitosan thô là 2%. Tuy nhiên, chính tính chất của chitosan tan trong nước có thể nâng cao tính ứng dụng của loại chitosan này trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Xã hội-Nhân văn
Các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Kiên Giang về biến đổi khí hậu
Tóm tắt
|
PDF
Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức về của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Kiên Giang về biến đổi khí hậu. Số liệu trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả khảo sát 450 sinh viên đang học tại Khoa Du lịch. Phương pháp kiểm định trung bình hai mẫu độc lập, phân tích phương sai ANOVA, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Kiên Giang về biến đổi khí hậu theo thứ tự giảm dần là: (1) biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu, (2) hoạt động thông tin và truyền thông, (3) hoạt động giáo dục, (4) nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, (5) tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và (6) sự hiểu biết về biến đổi khí hậu. Từ đó, một số giải pháp đưa ra nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Kiên Giang hơn trong tương lai.
Quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu đối với cách mạng Việt Nam
Tóm tắt
|
PDF
Quá trình chuyển biến tư tưởng cứu nước của Phan Bội Châu là một quá trình có cả thành công lẫn thất bại, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hy sinh, gian khổ của cụ. Tuy nhiên, do chưa vượt qua khỏi giới hạn của một nhà nho truyền thống, mà con đường cứu nước của Phan Bội Châu chưa thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặc dù vậy, công lao to lớn của Phan Bội Châu là đã vạch ra được hướng đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, để từ đó các nhà yêu nước thế hệ sau tiếp tục và đi đến thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho nước nhà.
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng mô hình điện năng lượng mặt trời trên mái nhà của hộ gia đình tại Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu được thực hiện từ 5/2018 đến tháng 8/2019 tại một số khu vực thị tứ của tỉnh Cà Mau. Hiện trạng tiêu dùng các loại hình năng lượng và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) trên mái nhà của hộ gia đình có mức thu nhập trên trung bình đã được phân tích. Nghiên cứu được thực hiện thông qua hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức và phỏng vấn 120 hộ gia đình. Trong đó, hộ có hoạt động sinh kế chính như: nuôi tôm, cua hoặc tôm – cua kết hợp chiếm tỉ trọng cao nhất (55%). Tất cả 120 hộ đều có thu thập bình quân trên 1,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó tỉ lệ trên 12 triệu đồng chiếm 6%. Kết quả nghiên cứu cho thấy, điện lưới, xăng và gas công nghiệp là các loại hình năng lượng được tiêu dùng nhiều nhất. Bên cạnh đó, kết quả từ mô hình hồi quy Binary Logistic đã khám phá 4 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lắp đặt hệ thống điện NLMT trên mái nhà của hộ gia đình. Các yếu tố này bao gồm: chi phí lắp đặt và sửa chữa, chế độ bảo hành và chăm sóc khách hàng, sự thân thiện môi trường khi sử dụng sản phẩm, sự đa dạng các doanh nghiệp cung ứng tại địa phương.
Kinh tế
Mức sẵn lòng chi trả của người dân địa phương ở xã Khánh An đối với dự án bảo tồn rừng U Minh Hạ
Tóm tắt
|
PDF
Nghiên cứu này đo lường được mức sẵn lòng chi trả của người dân địa phương bằng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM) cho dự án bảo tồn rừng U Minh Hạ thông qua việc phỏng vấn 125 người dân sống xung quanh rừng (xã Khánh An). Kết quả cho thấy rằng đáp viên sẵn lòng đóng góp cho dự án bảo tồn với giá trị tương đương khoảng 3,77 kg gạo mỗi tháng. Những đáp viên có thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng hoặc biết người xung quanh đồng ý tham gia dự án thì khả năng chấp nhận dự án của họ cũng tăng. Tuy nhiên, những đáp viên nam hoặc đã từng đóng góp cho các quỹ từ thiện lại chưa thực sự tin tưởng vào tính khả thi của dự án nên khả năng đóng góp của họ lại thấp hơn so với những người khác.
Kinh tế xã hội
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái bền vững tỉnh Cà Mau
Tóm tắt
|
PDF
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái bền vững, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm phát triển du lịch sinh thái Cà Mau bền vững. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá kết hợp hồi quy tuyến tính được sử dụng để thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch sinh thái bền vững gồm:( i) tài nguyên kinh tế, (ii) tài nguyên thiên nhiên, (iii) tài nguyên văn hóa - xã hội, (iv) tài nguyên môi trường, (v) chính sách quản lý du lịch, (vi) tài nguyên con người. Trong đó yếu tố tài nguyên kinh tế và tài nguyên con người ảnh hưởng mạnh nhất. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững cho tỉnh Cà Mau.